24/12/12

Bí mật kẻ trộm (C9-10)

Chương 9


Đó là một gia đình nghèo trôi giạt. Người mẹ mất đã lâu, ba cha con sống lang thang nhiều năm trước khi tấp vào ven kinh Tàu Hủ, được một người hàng xóm hảo tâm nhường cho cái buồng tắm hư hỏng chờ tháo dở, làm nơi độ nhật.
Cả ba cha con đều sống bám vào các bãi rác. Với chiếc túi vải trên vai và cù móc trên tay, cả ba suốt ngày lặn hụp trong các đống rác rưởi hôi tanh, bươi móc nhặt nhạnh các thứ chai lọ, hộp thiếc còn dùng được, các loại bao ni-lông, dép đứt, các thứ thau nhựa đã nứt toác nhưng vẫn có những người mua lại để nấu chảy, tái chế…
Cho đến ngày người cha mệt mỏi ngủ quên ngoài bãi xe chở rác đêm vô tình cán chết, sau khi ôm nhau khóc đến sưng cả mắt, hai đứa bé mồ côi quyết định giã từ luôn cái nghề kiếm ăn bấp bênh và lắm rủi ro này.
Thằng anh hì hục đóng một chiếc thùng gỗ, sau đó hai anh em moi hết túi quần túi áo gom được ít tiền còm đem mua hai hộp xi-ra và một cái bàn chải. Từ đó thằng anh ngày ngày lang thang qua các đường phố tập tễnh hành nghề đánh giày, chịu đủ thứ kèn cựa, hà hiếp kể cả đánh đập của các băng nhóm lỏi tì, để cắn răng kiếm tiền nuôi em.
Nhưng thằng anh đi làm chẳng bao lâu thì con em ngã bệnh, một phần do hít thở không khí ô nhiễm ở bãi rác lâu ngày nhưng phần chính là do chấn động bởi cái chết đột ngột của người cha.
Thiếu tiền chạy chữa, thằng anh phải giấu em đem con Út Cưng đi bán để có tiền lo liệu thuốc men cho em.
Nhỏ em khỏi bệnh, nhưng khi hay ra Út Cưng đã bị đem bán, nó đâm ủ rũ từ sáng đến tối, chẳng buồn ăn uống. Thằng anh lo sợ, đành nhét chiếc thùng gỗ vào gầm giường, suốt ngày lủi thủi ở nhà an ủi, chăm sóc em.
Nghề đánh giày tuy không kiếm tiền được bao lăm nhưng không có nó, hai anh em chẳng biết đào đau ra cái ăn. Không đành lòng nhìn con em nằm mọp trên giường, một trưa nọ thằng anh lẻn ra khỏi nhà. Bụng lép kẹp, nó đi vòng vèo qua các phố, mắt đảo xuôi đảo ngược, cố nghĩ cách tìm một chút gì đó bỏ bụng và đem về cho em.
Đang vô kế khả thi, trong lúc lững thững đi ngang qua trước cổng nhà nọ, thằng bé chợt nhìn thấy một người phụ nữ xách chiếc gà mên từ trong ngôi biệt thự đi ra. Chiếc gà mên này chắc hẳn đựng đồ ăn! Thằng bé nuốt nước bọt nghĩ, mắt vẫn không ngừng láo liên dò xét.
Nó thấy người phụ nữ nọ đem chiếc gà mên đến căn nhà nhỏ góc vườn, một chốc lại quay về tòa biệt thự, lần này đi hai tay không.
Tưởng tượng đến những món ăn trong chiếc gà mên, thằng bé nghe bụng mình sôi lên. Nó nhìn đăm đăm vào căn nhà vắng vẻ, thầm nhủ chắc trong nhà không có ai. Thế là một ý nghĩ táo bạo nảy ra trong đầu: phải đánh xoáy chiếc gà mên kia!
Đói quá hóa liều, thằng bé loay hoay bám cổng trèo lên. Lọt được vào bên trong, nó liền khom mình lần đến căn nhà nọ, quanh ra phía cửa sau.
Kể đến đây, thằng bé ngập ngừng đưa mắt liếc bọn Quý ròm. Nó là đứa trẻ cù bơ cù bất, một quãng đời dài sống trên bãi rác, gặp lúc quẫn bách thỉnh thoản cũng mở miệng xin ăn, nhưng chưa bao giờ nó là kẻ trộm. Hôm đó, không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, nó lại nảy ra ý định trèo cổng vào đánh thó chiếc gà mên. Lại vào ngay nhà ông của Văn Châu là “cái thằng” đang đứng khoanh tay chăm chú trước mặt nó.
Khi nãy, lúc bọn Quý ròm xuất hiện, thằng bé vô cùng kinh hãi. Nhưng khi Văn Châu ôn tồn trấn an và ngoắc nó ra đường nói chuyện, nó mới hoàn hồn và bình tĩnh đi theo. Nội chuyện bọn trẻ lạ mặt này rủ nó ra khỏi nhà, không muốn cho em gái nó nghe thấy những hành vi không hay của nó, đủ khiến thằng bé cảm động và lập tức nó tin ngay đây là những người tử tế.
Khi cả bọn lên tới mặt đường, Văn Châu giới thiệu ngay mình là ai, không úp mở. Nó cũng nói huỵch toẹt luôn bọn nó đã theo thằng bé tới tận đây trong trường hợp nào.
Văn Châu chỉ nói vậy thôi. Nó không hỏi, cũng không “điều tra” gì thêm. Nhưng thằng bé giật thót và nó hiểu ngay mình cần phải làm gì.
Thế là bằng một giọng đứt khúc và không ngừng khụt khịt, nó bùi ngùi kể cho bọn trẻ nghe về những gì đã xảy ra, theo một tuần tự mà không cần sắp xếp nó vẫn có thể kể một cách mạch lạc. Nhưng khi kể đến đoạn thủ vai kẻ trộm thì nó bỗng đăm ra ấp úng.
- Em cứ kể tiếp đi! Đừng ngại! – Văn Châu nói bằng giọng dịu dàng, cuộc đời của thằng bé khiến lòng nó mềm hẳn đi.
- Thế là em lần vào theo cửa bếp! – Thằng bé ngượng ngùng đưa tay cào lên mớ tóc bù xù – Nhưng không ngờ trong nhà lại có người!
- Đó là ông của tôi đấy! – Văn Châu mỉm cười – May cho em, hôm đó nhằm vào mấy ngày Tết, khách khứa nhiều nên chị Thắm phải về phụ bên ba mẹ tôi! Nếu chị Thắm có mặt ở đó thì gay go to rồi!
Hóa ra người phụ nữ xách gà mên là chị Thắm! Thằng bé nghĩ thầm và bất giác đỏ mặt lên.
- Rồi sao nữa? – Quý ròm thấy câu chuyện bị ngắt quãng, sốt ruột giục.
Thằng bé chớp mắt nhìn Văn Châu.
- Vào được trong nhà, em sè sẹ đi lần lên trên. Nhưng vừa ló đầu ra khỏi bức rèm, em bỗng giật bắn cả người khi nhác thấy một bóng người đang ngồi xếp bằng trên phản. Lập tức em liền đứng im thít, thậm chí không cả thở. Trong khi em đang tính kế quay lui thì ông của anh thình lình buột miệng “vào đây bằng cách nào thế”. Nghe vậy, em càng run bắn. Ông nói trổng không nên thoạt đầu em dáo dác nhìn quanh em thử ông hỏi ai. Nhưng khi phát hiện trong nhà ngoài ông và em không còn một người nào khác thì em biết ngay là ông hỏi em. Em vừa sợ hãi lại vừa ngạc nhiên. Từ đầu đến cuối, em hành động rất thận trọng không hề phát ra một tiếng động nhỏ vậy mà không hiểu sao không quay đầu lại ông vẫn biết em đang ở trong nhà. Lúc đó quýnh quá, thay vì chuồn lẹ, em lại lắp bắp “Dạ, cháu… cháu… trèo cổng vào ạ!”. Ông vẫn nhìn thẳng ra phía trước, bình thản hỏi: “Thế cháu định trộm gì trong nhà ông thế?”. Khổ nỗi, ông càng bình tĩnh thì em càng hốt. “Dạ, cháu định trộm… cái gà mên ạ! Cháu đói quá!”. Ông liền hỏi “Thế ba mẹ cháu đâu?”. “Mẹ cháu mất lâu rồi ạ! Ba cháu cũng vừa mới mất!”, em đáp và không kềm lòng được, em kể sơ qua hoàn cảnh của em cho ông nghe. Nghe xong, ông im lặng một lát rồi bảo “Cháu lấy cơm trong gà mên mà ăn cho đỡ đói”. Em hỏi “Cơm này là phần của ông ạ?”. Ông trấn an “Cháu cứ ăn đi! Ăn một nửa, một nửa gói về cho em! Ông sẽ bảo người nhà đem đến cho ông phần cơm khác!”. Đang đói lả, thế là em làm theo lời ông. Ăn xong, em cám ơn và chào về thì ông chợt nói “Ông không có tiền bạc gì để giúp cháu. Chỉ cơm nước là sẵn. Chừng nào cháu chưa thể đi làm thì mỗi ngày cứ đến đây, ông sẽ để phần cơm cho anh em cháu”. Em đang còn ngỡ ngàng thì ông dặn tiếp “Nhưng chớ đến ban ngày như hôm nay, coi chừng có người bắt gặp! Cháu nên đến khoảng mười giờ tối trở đi! Đứng ngoài cổng làm hiệu gọi ông, ông sẽ ra”…
Câu chuyện càng lúc càng rõ ràng và khi thằng bé kể đến đây thì mọi chuyện đã hoàn toàn sáng tỏ. Văn Châu thở phào và tự dưng cảm thấy thương ông quá thể. Ông đã già yếu, lại mù lòa, bây giờ sống bằng sự chu cấp của dâu con nên hay lo nghĩ. Ngay cả một nghĩa cử như vậy ông cũng làm lén lút giữa đêm hôm, sợ người chung quanh hay biết. Thật là tội cho ông quá!
Quý ròm có lẽ cũng đang nghĩ đến ông. Nên nó vụt hỏi thằng bé:
- Thế em có biết là ông bị loà không?
- Ôi, ông bị lòa ư? – Thằng bé kêu lên bàng hoàng – Thế thì em không biết! Hôm lẻn vào nhà, em hãi quá nên không dám nhìn thẳng mặt ông. Những tối hôm sau, thấy ông sờ soạng, em chỉ nghĩ là ông mắt kém, lại trời tối, chứ chẳng biết là ông chẳng nhìn thấy gì! Ôi, nếu biết thế thì em chả nghe lời ông để ông phải vất vả như thế làm gì!
Giọng thằng bé ngập tràn hối hận. Rồi nó vùng nói thêm, vẻ quả quyết:
- Từ ngày mai, em sẽ chẳng đến làm phiền ông nữa đâu!
Văn Châu đặt tay lên vai thằng bé, giọng khẽ khàng:
- Không làm phiền ông thì đúng rồi! Nhưng đến thì vẫn cứ đến, hiểu chưa?
- Đến làm gì cơ? – Thằng bé không hiểu.
Văn Châu mỉm cười:
- Đến gặp tôi! Tôi sẽ thay ông “tiếp tế lương thực” cho em! – Rồi nó nheo nheo mắt nhìn thằng bé – Đến gặp tôi thì đến vào ban trưa và không cần phải kêu “meo meo” đâu!
Và trước vẻ mặt sượng sùng pha lẫn cảm động của thằng bé, Văn Châu quay sang Quý ròm vui vẻ hắng giọng:
- Thế là xong! Tụi mình về!
Nhưng Quý ròm chưa kịp quay lưng thì thằng Tùng đã thò tay níu lại:
- Khoan đã anh Quý!
Đối với Văn Châu và Quý ròm thì “vụ án” coi như xong nhưng với Tùng thì vẫn còn dây dưa một tẹo. Vì vậy khi Quý ròm ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Nó nhanh nhẩu nhắc:
- Còn vụ Út Cưng gì gì đó!
À! Chuyện đó mình đã định hỏi từ đầu mà lại đểng đoảng quên khuấy đi mất! Quý ròm đưa tay gõ trán và tặc lưỡi quay sang thằng bé:
- Còn chuyện đứa em út của em thì sao?
Thằng bé ngơ ngác:
- Đứa em út nào ạ? Em có còn đứa em nào nữa đâu!
Câu trả lời của thằng bé khiến bọn trẻ chưng hửng:
- Chứ còn Út Cưng nào đó! – Văn Châu nhíu mày.
- À! – Thằng bé lại bối rối cào lên mớ tóc – Đó không phải là đứa em nào cả! Đó chỉ là một con…
Thằng bé chưa nói dứt câu, Tùng đã vọt miệng ra vẻ hiểu biết:
- Em hiểu rồi! Út Cưng chắc cũng giống như Tai To thôi! Đó là một con chó phải không?
- Không phải! – Thằng bé buồn bã lắc đầu – Út Cưng không phải là một con chó, mà là một con sáo! Em gái của em rất thương con sáo này nên thường gọi nó là Út Cưng! Vì vậy khi biết em lén đem con sáo đi bán để lấy tiền mua thuốc, nhỏ em của em buồn đến mức chẳng thiết ăn uống gì nữa!
Trong một thoáng, bọn trẻ vội vã đưa mắt nhìn nhau, mặt đứa nào đứa nấy đầu sửng sốt. Chẳng lẽ chuyện lại liên quan đến con sáo nhỏ Hạnh vừa mới mua?
- Em bán con sáo khi nào? – Quý ròm hấp tấp hỏi.
- Em bán cách đây khoảng mười hôm rồi!
“Bỏ xừ rồi! Không khéo đúng là con sáo của bọn mình!” Quý ròm thót bụng lại:
- Thế em bán con sáo tại đâu?
Không hiểu tại sao anh chàng này lại hỏi han kỹ lưỡng thế, thằng bé hơi lộ vẻ ngạc nhiên nhưng nó vẫn thật thà đáp:
- Em bán tại công viên Lam Sơn!
Tới đây thì Quý ròm không còn hồ nghi gì nữa. Nó khịt khịt mũi:
- Đó là một con sáo biết nói phải không?
- Ủa, sao anh biết? – Thằng bé trố mắt.
Quý ròm nhún vai:
- Anh chỉ đoán vậy thôi!
Rồi nó thở dài, vẻ tiếc nuối:
- Anh nghĩ rằng trước sau gì nhỏ em của em cũng sẽ gặp lại Út Cưng!
- Em cũng mong như vậy! – Thằng bé nói, mặc dù nó có vẻ không tin tưởng vào điều đó.
- Nhất định là như vậy!
Tùng đột ngột chen lời. Giọng điệu chắc như đinh đóng cột của nó khiến thằng bé vô cùng cảm động. Thằng bé không biết khi quả quyết như vậy, Tùng cảm thấy lòng mình đau nhói. Nó rất yêu con sáo. Nó biết khi nó nói như vậy có nghĩa là sắp tới nó sẽ chẳng còn được nghe con sáo “Xin chào” hoặc láu lỉnh “Sáng rồi, ngụ đi” nữa. Vắng cái miệng ra rả của con sáo, nhà nó sẽ buồn tênh. Nhưng Tùng không thể làm khác. Nó đã nhìn thấy đứa con gái trạc tuổi nó ngồi thu lu trên giường, mặt mày ủ dột trông đến tội.
Lòng buồn vui lẫn lộn, trên đường về Văn Châu và Quý ròm hỏi gì Tùng cũng chỉ đáp qua loa, chiếu lệ. Nó chỉ muốn làm thinh lẽo đẽo đi theo Tai To cho đến tận nhà.



Chương 10


Sáng sớm, Quý ròm còn chưa tỉnh ngủ, nhỏ Diệp đã cầm mép chăn giật đùng đùng:
- Dậy! Dậy! Sáng rồi!
Quý ròm đổ quạu, đập chân xuống giường một cái “rầm”:
- Cái con ngốc tử này! Mày làm gì thế?
- Đập anh dậy chứ làm gì! Tối hôm qua anh chẳng bảo sáng nay anh sẽ dậy sớm để thuật cho em nghe “chuyện đó” là gì!
Cái miệng bô bô của nhỏ Diệp khiến Quý ròm không dám nấn ná. Nó tung chăn ngồi dậy và nhìn nhỏ em bằng ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống:
- Mày có vặn nhỏ cái “đài” của mày lại đi không, đồ ngốc!
Lúc bình thường, bị ông anh mắng là “đồ ngốc”, nhỏ Diệp sẽ tru tréo ngay. Nhưng hôm nay bẩy được Quý ròm ra khỏi giường lúc sáu giờ sáng là một thành tích vô tiền khoáng hậu nên nhỏ Diệp không thèm chấp nhất làm gì ba chuyện “lặt vặt” đó. Nó toét miệng cười:
- Ai bảo anh cứ nằm lì chi!
Quý ròm không thèm đôi co. Nó cau có lê dép lẹp xẹp xuống nhà sau rửa mặt.
Chả là tối hôm qua, Quý ròm mò về nhà trễ hoắc. Nhỏ Diệp buồn ngủ díp cả mắt nhưng phải ráng thức đến gần mười hai giờ khuya để mở cửa cho ông anh vào. Vậy mà nó mới mở miệng hỏi thăm một câu, Quý ròm đã gạt phắt “Đi ngủ đi! Sáng mai tao dậy sớm tao kể cho nghe!”. Vì vậy mới xảy ra cái chuyện mới sáng bảnh mắt, nhỏ em đã lại giường ông anh khua khoắng ầm ĩ khiến Quý ròm mặt sưng một đống.
Một lát sau, Quý ròm xồng xộc đi lên:
- Sao, hỏi gì hỏi lẹ lên, tao còn đi học!
- Anh chỉ phịa! Trường em vẫn còn nghỉ Tết kia mà!
Quý ròm nhăn mặt:
- Mày chả biết gì hết cũng nói! Trường cấp hai phải khác trường cấp một chứ! Tụi tao là người lớn, đâu có nghỉ lâu như trẻ con tụi mày!
Thấy ông anh giở giọng trịch thượng, nhỏ Diệp ức lắm. Nhưng sợ “hao hụt” khoản thì giờ quí báu, nó nén giận đi ngay vào đề tài chính:
- Thế tối hôm qua anh có gặp bọn cướp không?
- Hỏi với chả han! – Quý ròm hừ mũi – Đi bắt cướp mà không gặp bọn cướp thì còn gặp ai!
- Thế rồi sao nữa?
- Sao là sao?
- Thế gặp bọn cướp thì anh làm gì?
- Thì xông vào đánh nhau chứ còn làm gì! – Quý ròm vung tay – Chẳng lẽ lại giương mắt ra ngó?
Nhỏ Diệp vặn ngay:
- Anh bảo hơn nhau ở chỗ mưu trí sao anh còn xông vào đánh nhau? Anh không “la làng” sao?
Quý ròm giật thói. Nó lúng túng đưa tay gãi má:
- La làng hả? Ờ, có, có! Tao có la! Nhưng chả ai nghe thấy cả! Thế là tao đành phải ra tay! Đánh nhau một hồi, bọn cướp bỏ chạy hết ráo!
- Anh lại phịa! – Nhỏ Diệp cười khì – Làm sao anh có thể đánh thắng bọn cướp được!
- Đâu phải mình tao đánh! – Quý ròm cố chống chế – Có Văn Châu nữa chi! Nó lo đánh phía trên, còn tao bò lom khom dưới đất… ngáng cẳng địch thủ! Bọn cướp bị tao ngáng té lịch bịch, chúng hoảng vía dông tuốt!
- Xạo ơi là xạo! – Nhỏ Diệp lại ôm bụng cười ngặt nghẽo – Anh mà bò lổm ngổm dưới đất, bọn cướp đạp cho một phát là bẹp dúm như con gián ấy chứ!
Giọng lưỡi nhạo báng của nhỏ Diệp làm Quý ròm đỏ mặt tía tai. Nó đùng đùng bỏ đi:
- Mày la xạo thì thôi! Tao đi học đây!
- Nè, nè…
Nhỏ Diệp hớt hải kêu. Nhưng Quý ròm vẫn một mực giả điếc. Nó lẳng lặng đi thay đồ, soạn tập và hối hả ôm cặp phóng vù ra cửa. Thực ra, Quý ròm chỉ làm bộ thế thôi. Nó chả giận gì nhỏ Diệp. Nó vội vã đến mức bỏ cả bữa ăn sáng bà đã bày sẵn trên bàn chẳng qua nó sợ nấn ná một hồi, nhỏ Diệp hạch tới hạch lui, nó sẽ hết đường nói dóc.
Tiểu Long và nhỏ Hạnh đón Quý ròm ngay trước cổng trường.
- Sao rồi? – Cả hai cái miệng cùng hỏi.
Quý ròm liếc nhỏ Hạnh, thấy bạn mình mặt mày bồn chồn thấp thỏm, nó biết hành tung của thằng Tùng tối hôm qua đã không bị phát hiện và thằng này sau khi trở về trót lọt cũng khôn hồn giấu nhẹm luôn mọi chuyện. Nghĩ đến thằng Tùng tinh ranh này, Quý ròm bất giác buột miệng “hì” một cái.
Thái độ của Quý ròm khiến hai đứa kia sốt cả ruột. Nhỏ Hạnh nhăn nhó:
- Kết quả thế nào, sao Quý không nói? Vui gì mà cứ nhe răng “hì hì” thế không biết!
Lời trách móc của nhỏ Hạnh khiến Quý ròm chột dạ. Không khéo thì lộ bí mật của thằng oắt Tùng mất! Quý ròm nhủ bụng và tìm cách nói trở:
- Vui gì đâu! Tôi cười là cười… đau khổ đó thôi!
Câu nói bí hiểm của Quý ròm làm Tiểu Long và nhỏ Hạnh tròn xoe mắt:
- Cười đau khổ?
- Ừ! – Mặt Quý ròm vẫn xuôi xị – Công của mình bỗng chốc hóa thành công cốc, không đau khổ sao được!
Hai đứa kia vẫn chẳng hiểu Quý ròm muốn nói gì:
- Công gì mà thành công cốc?
Quý ròm chép miệng:
- Công dạy cho con sáo nói bốn chữ “Bò viên ngon lắm” ấy! Bây giờ Hạnh sắp sửa đem cho con sáo đi rồi, bảo tôi vui làm sao tôi vui nổi!
Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
- Làm gì có chuyện Hạnh sẽ đem cho con sáo! Ai bảo với Qúy thế?
- Chả ai bảo cả! – Quý ròm thở dài – Nhưng Quý biết Hạnh sẽ làm như thế…
Lần này, không đợi hai bạn giục, Quý ròm thong thả thuật lại những gì xảy ra tối hôm qua, bắt đầu từ lúc nó và Văn Châu nấp đằng sau cột đèn. Lời kể của Quý ròm dĩ nhiên trung thực và chính xác đến 99%. Sở dĩ có con số 99 này bởi vì có 1% Quý ròm không tiện nói. Đó là sự tham gia của thằng Tùng và Tai To trong cuộc truy lùng.
Quý ròm đoán đúng.
Khi nghe xong câu chuyện, Tiểu Long không ngừng thu nắm tay quẹt mũi:
- Tội nghiệp anh em thằng bé ghê!
Còn nhỏ Hạnh thì ngồi thừ người, lẩm bẩm:
- Có lẽ phải làm như thế! Hèn gì hôm đó trông thằng bé buồn buồn!
Và cũng vì Quý ròm đoán đúng mà tối đó, hai anh em thằng bé chết sững như trời trồng khi bọn Quý ròm đột ngột kéo một lô một lốc vào nhà và trên tay nhỏ Hạnh lủng lẳng chiếc lồng sáo quen thuộc.
Sau một thoáng sững sờ, nhỏ em gái lập tức nhảy xuống khỏi chõng chạy lại chiếc lồng sáo, rạng rỡ kêu:
- Út Cưng của chị! Út Cưng đã về đấy à!
Con sáo dường như cũng kịp nhận ra người chủ cũ. Nó nhảy thoăn thoắt giữa các nan tre, lảnh lót:
- Xin chào! Xin chào!
Trong khi con sáo nhận ra nhỏ em thì thằng anh cũng vừa nhận ra Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Nó ngỡ ngàng:
- Thì ra là…
Nhỏ Hạnh đánh mắt về phía Quý ròm và Văn Châu, mỉm cười ngắt lời:
- Tụi này là bạn của nhau! Em chẳng có gì phải ngạc nhiên!
Nghe vậy, mặt thằng bé rạng lên. Nhưng rồi nó bỗng cụp mắt xuống. Thằng bé đột nhiên lộ vẻ lúng túng, các ngón tay cứ bấu mãi vào mép quần. Những cử chỉ lóng ngóng của nó không qua được mắt nhỏ Hạnh.
Biết nó có điều gì khó nói, nhỏ Hạnh vội đưa chiếc lồng sáo cho nhỏ em rồi quay sang thằng anh:
- Có chuyện gì thế em?
Thấy thằng bé ngẩn ngừ, mấy lần mở miệng định nói lại thôi, nhỏ Hạnh dịu giọng trấn an:
- Có gì khó khăn em cứ nói chị nghe đi! Đừng sợ!
Thằng bé nuốt nước bọt, nó cố thu hết can đảm:
- Em lỡ xài hết tiền rồi!
Nhỏ Hạnh gật gù:
- Ồ, em đừng lo! Em cần bao nhiêu tụi này sẽ tìm cách quyên góp giúp đỡ em!
- Không phải ạ! – Thằng bé lật đật thanh minh – Không phải em muốn… xin tiền!
Nhỏ Hạnh thoáng ngẩn người:
- Em vừa bảo là em xài hết tiền kia mà!
Thằng bé gãi đầu, khổ sở:
- Hết tiền là hết tiền kia kìa! Tiền một trăm ngàn hôm trước em bán con sáo ấy! Em đã lấy tiền đó mua thuốc hết rồi! Vì vậy bây giờ… bây giờ…
Nói đến đây, thằng bé lại ngắc ngứ. Nhưng nhỏ Hạnh không cần nghe hết. Nó dịu dàng đặt tay lên vai thằng bé, mỉm cười nói:
- Con sáo này là chị đem tặng cho nhỏ em của em! Chứ có phải chị bắt em chuộc lại đâu mà tiền với nong!
Câu nói của Hạnh làm thằng bé lặng người, không nói được một lời. Chỉ có đôi mắt nó bỗng dưng ươn ướt.
Nhỏ em không nhìn thấy vẻ mặt xúc động của thằng anh. Trên chiếc chõng tre ọp ẹp, nó đang hồn nhiên và vui vẻ đùa giỡn với con sáo:
- Út Cưng! Út Cưng! Gọi tên chị đi! Tên chị là gì nào, em còn nhớ không?
Con sáo nhảy tưng tưng:
- Xạo! Xạo!
Nhỏ em bây giờ chẳng có vẻ gì là một người bệnh. Nó cười như nắc nẻ:
- Giỏi quá! Út Cưng giỏi quá!
Trong khi đó, bọn Quý ròm kinh ngạc đến há hốc miệng:
- Em tên Xạo thật à? – Tiểu Long sửng sốt hỏi.
- Không phải! – Con nhỏ cười tươi – Em tên Xảo. Nhưng con sáo này không nói được chữ Xảo. Nó toàn kêu là Xạo không hà!
Nghe Xảo giải thích, bọn trẻ đều phì cười. Và sực nhớ con sáo này không phát âm được dấu hỏi! Hèn gì! Vậy mà trước nay cứ tưởng nó nói bậy!
Văn Châu cười hỏi:
- Em tên Xảo, còn anh em tên gì?
- Anh em tên Nở! – Rồi nó thật thà nói thêm – Nhưng anh em không tập cho con sáo gọi tên ảnh, nó kêu thành “Nợ” xui lắm!
Lần này thì cả bọn trẻ lẫn thằng bé – bây giờ là thằng Nở – đều gập bụng lại mà cười.
Nở nín cười trước tiên. Nó đứng thẳng người dậy, huơ tay:
- Trước đây thì em sợ, nhưng bây giờ em hết sợ rồi!
Rồi nó quay qua con sáo:
- Út Cưng! Nói chữ Nở đi! Nếu mày đừng nói thành dấu nặng tao sẽ cho mày… cho mày…
Nói đến đó, sực nhớ không có cái gì để cho con sáo, Nở nhìn quanh quất. Nhác thấy mấy cục bò viên trong tô cơm Văn Châu mới giúi vào tay nó hồi trưa đang đặt trên chõng, nó liền nhón lấy một cục đưa qua đưa lại trước chiếc lồng:
- Nếu này nói đúng, tao sẽ cho mày cục bò viên này! Mày đã biết món bò viên mùi vị như thế nào chưa?
Nghe Nở nhắc đi nhắc lại hai, ba lần tiếng “bò viên”, con sáo quên béng mất yêu cầu của chủ, mà hí hửng vọt miệng:
- Bò viên ngon lắm! Bò viên ngon lắm!
Câu đối đáp thình lình của con sáo khiến Nở giật bắn, cục bò viên rớt bộp xuống đất.
Còn nhỏ Xảo thì hớn hở vỗ tay bôm bốp:
- Ôi, hay quá! Hay quá! Út Cưng của chị thông minh quá! Lại có vẻ bắt đầu mê món bò viên này rồi đấy!
Trong khi nhỏ Hạnh mặt nhăn mày méo thì Quý ròm vừa cười hinh hích vừa tông cửa chạy ra ngoài để tránh sự “truy kích” bất thần của cô bạn gái. Tiểu Long cũng cười híp cả mắt nhưng lịch sự hơn Quý ròm, nó đưa tay lên che miệng để “âm thanh phát ra vừa đủ nghe, không làm phiền lòng người khác” như đài truyền hình tối tối vẫn hay nhắc nhở.
Trong bọn, chỉ có Văn Châu là cười nửa miệng. Một phần do nó không hiểu “sự tích bò viên” của nhỏ Hạnh, phần khác do nó bất chợt nghĩ đến ông nó. Nó đang lo lắng không biết lát nữa đây nó sẽ nói với ông như thế nào để ông có thể yên tâm đi ngủ mà không phải thao thức chờ đợi tiếng “meo meo” quen thuộc.


Nguồn: forums.vinagames.org