3/12/12

Bỉ vỏ (C16-18)

Chương 16:

Tám Bính về tỉnh Nam Định đây đã được hai tuần lễ. Trong hai tuần lễ ấy không ngày nào Bính không buồn rầu lo nghĩ. Tình thương yêu Năm Sài Gòn vẫn bao trùm tâm trí Bính và cái không khí mát mẻ êm dịu của những chiều thu sáng tươi càng làm cho Bính, trước nhiều sự vui sướng của người đời, càng thấy thấm thía vì sự cô độc của Năm.
Bính ngồi trên bờ đê, trông dòng sông Nam Định nao nao chảy khác hẳn quãng sông từ Đầu cầu xe hỏa đến Sáu kho ngoài Hải Phòng, lúc nào cũng li bì vẩn đục. Xa xa bên kia sông, mấy nóc nhà tranh xam xám nổi lên giữa lớp tre xanh đặc phút chốc gợi sống lại trong lòng Bính bao nhiêu hình ảnh khi xưa ở quê hương Bính lại dơm dớm nước mắt. Bính lại thấy hiện ra nào cha mẹ nàng hớn hở, nào thằng Cun gầy võ vàng nào đứa con khốn nạn lủi thủi bên một người mẹ bà và nó không biết còn sống hay chết.
Bỗng một câu hỏi vẳng lên trong thâm tâm Bính.
- "Vậy Bính nhất định không về quê và cũng không trở lại với Năm ư!"
Bính thần mặt ra rồi mím môi lắc đầu: "Không! nhất định không!".
Đã nửa tháng nay, Bính lại trở về với cuộc sinh hoạt của những người gồng thuê gánh mướn. Trước mắt Bính, cái cảnh đời tay làm hàm nhai, dù vất vả lam lũ, lại sáng lên, rực rỡ một cách khác thường.
Chợt một làn gió rào qua mặt sông, đem theo hương thơm man mát của cả một vườn hoa huệ đâu đây. Cái hương thơm khiến Bính bâng khuâng, ngẩn ngơ, nhớ lại buổi chiều vừa qua.
Dưới chân một bàn thờ bày trên bệ gạch xây sâu vào bức tường dày, Bính quỳ gối trước ánh đèn lưu li xanh biếc nhòa với ánh nắng gần tàn lọc qua lần cửa kính tím phớt. Bính thì thầm đọc bản kinh "ăn năn tội" mà ông cố đạo già dặn Bính phải đem hết tâm trí mà suy ngắm. Sau bản kinh sám hối, Bính đọc đến kinh: "Lạy Nữ vương" - người đàn bà mà Bính thấy đáng kính, đáng trọng hơn ai, bao nhiêu câu ca tụng sau đây cũng không đủ tả những tốt lành của người:
... "Mẹ nhân lành làm cho chúng tôi được sống, được vui... Chúng tôi ở nơi khóc lóc, than thở kêu khẩn bà thương... Hỡi ơi! Bà là chúa bầu chúng tôi, xin ghé mắt thương xem chúng tôi đến sau khỏi đây...
"Ôi! Khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh..."
Bấy giờ chẳng những Bính cảm động về nguyện ngắm, Bính lại còn tê mê vì lời răn bảo của ông cố đạo già ngọng nghịu khuyên Bính nhiều lắm, khiến Bính ứa nước mắt quả quyết hứa với ông rằng:
- Lạy cha, con xin vâng lời cha, con xin ăn năn dốc lòng chừa mọi tội lỗi...
Bính vừa nói xong ông liền nhủ Bính:
- Đấy con xem, bây giờ có phải phần hồn và phần xác con nhẹ hẳn đi không? Con không còn áy náy buồn phiền như trước kia con đầm đìa dơ dáy tội lỗi vì con đã mất sự sạch của linh hồn, con đã mất ơn Đức Chúa lời. Vậy con nên biết rằng, muốn được bình an trong đời, con phải giữ linh hồn cho trong sạch, con quý nó hơn phần xác con, con giữ nó cho trong sạch mãi mãi để đón rước sự thương giúp của Chúa.
Nói đoạn ông giơ tay làm phép "giải tội" và chúc sự lành cho Bính, xong ông bảo Bính đọc năm chục kinh để đền tội.
Trong bấy nhiêu lời ông cố đạo khuyên răn, Bính nhận thấy rất nhiều tiếng "trong sạch" "sạch sẽ". Vậy ý nghĩa cốt yếu của một đời tốt đẹp chỉ do sự trong sạch thôi ư?
Bính lờ đờ trông lần nữa dòng sông tỏa sương và cảnh đồng ruộng bên kia xa, rồi chậm bước theo con đường gần sở Lục lộ về nhà trọ.
Thốt nhiên những tiếng reo cười rú lên và hai cánh tay choàng lấy người Bính làm Bính giật mình ngoái cổ nhìn. Bính cũng kêu lên:
- Chị Hai Liên!
Hai Liên chăm chú nhìn Tám Bính từ đầu xuống chân:
- Chị đương ở Phòng sao lại về đây? Anh Năm Sài Gòn bây giờ thế nào?
Bính ngập ngừng đáp:
- Em về có tý việc chị ạ.
Hai Liên thấy nét mặt Bính sa sầm, liền nắm tay Bính ân cần hỏi:
- Việc gì thế? Kìa sao chị buồn thế?
Bính bần thần mặt ra một lúc rồi thở dài đáp:
- Năm bỏ em rồi!
- Sao lại bỏ chị ư! Chị dối em!
- Thật đấy!
Hai Liên liền kéo tay Bính vào hàng nước ở vệ đường. Bính ngồi xuống ghế xong, Hai Liên càng quấn quít:
- Tại sao Năm Sài Gòn lại bỏ chị. Em thấy lúc nào Năm cũng chiều chuộng chị lắm cơ mà.
Bính buồn rầu kể cho Hai Liên nghe, không biết có đứa nào bịa đặt ton hót với Năm rằng nàng phải lòng giai, lại nhân tối Năm thua bạc, Năm giận dữ, quẳng sống áo nhất định đuổi Bính đi và Năm cũng đi biệt theo, không biết đi đâu.
Hai Liên ái ngại:
- Tội nghiệp! Ai ngờ Năm Sài Gòn lại xử với chị tàn tệ như thế!
- Vâng, em biết thế là người ta tuyệt đường nhân nghĩa với em nên em phải rầu lòng bỏ người ta.
Hai Liên cười nhìn Bính:
- Chị định bỏ hắn thật chứ?
Tám Bính không đáp ngay, ứa nước mắt, yên lặng hồi lâu rồi nghẹn ngào:
- Vâng!
Hai Liên lắc đầu, lấy mùi xoa chùi hộ nước mắt vừa vuốt tóc mai Bính, an ủi:
- Thôi chị ạ, người chồng này tệ bạc ta bỏ đi lấy người chồng khác tử tế, tội gì buồn bã cho ốm thân.
Bính thở dài. Hai Liên nói tiếp:
- Mà chị định đi đâu? Làm gì bây giờ?
Tám Bính hồi hộp nghĩ đến tình cảnh sắp sửa dấn thân vào. Bước chân ra khỏi nhà Năm, Bính chỉ có hai đồng ba bạc, thì đã tiêu mất ngót hai đồng. Vậy sau khi chi phí hết 4, 5 hào còn lại kia, Bính sẽ xoay giở ra sao? Bán quần áo đi chăng? Không thể được! Thúng quần áo mới, vì khí khái Bính không thèm lấy. Nhân thân nhất thiết, Bính chỉ còn hai bộ rung rúc để thay đổi. Vả lại đi lơ vơ thế này mà lại bán quần áo cũ ai người dám mua? Luôn mười hôm Bính đã xin đi đội than, gánh gạch và đẩy xe cát ở mấy sở nọ thì chỉ được làm buổi đực buổi cái. Còn muốn đi làm ở những nhà máy Rượu, máy Sợi thì phải có hàng bạc trăm lễ cho đốc công. Nhưng cứ như cảnh công việc khó khăn bây giờ thì không thể trông mong xin đi làm ở đâu được. Hay "làm tiền"? Bính rùng mình bảo Hai Liên:
- Cơ mầu này em đành buôn tấm mía múi bòng lần hồi cho qua ngày thôi chị ạ!
- Ai lại làm thế, vất vả bệ rạc quá! Lãi lời phỏng là bao? Và ở đây bọn vé chợ và đội xếp nó soát, nó phạt nặng lắm không bán được đâu!
Chợt nhớ ra bữa cơm chiều, Hai Liên đứng dậy nắm tay Bính nói:
- Thôi chị ạ, đừng về nhà trọ nữa, lên xe lại đằng em kẻo tối rồi...
Bính ngần ngại. Hai Liên nói luôn:
- Em chưa ăn cơm, vậy chị lại nhà em ăn một thể cho vui.
Bính còn dùng dằng, Hai Liên đã gọi xe, dìu Bính lên, đoạn bảo anh xe kéo vào sở Mật thám.
Bính giật mình, ngước mắt lên vội hỏi Hai Liên.
- Kìa sao lại vào sở Mật thám?
Giọng Bính hơi run run và nét mặt biến sắc khiến Hai Liên phì cười:
- Khỉ ạ! Làm như người ta dẫn mình cho mật thám bắt không bằng. à cũng tại em quên không nói cho chị biết em đã có chồng mà chồng em là "cớm" nên em có nhà ở sở Mật thám chị nhỉ?
Bính thẹn:
- Em nào dám ngờ chị! Chị lấy người ấy bao lâu?
- Từ sau cái ngày chị em ta ăn chả nem ở Xuân lại ấy mà.
- Một năm rồi cơ?
- Phải.
- Có cháu nào chưa? à quên! Xin lỗi chị.
Dứt lời hai người cùng nhìn nhau, cùng chua với xót nhớ tới cái thời kỳ nhục nhã, lúc nắm tay nhau than thở trong một gian buồng chật hẹp tối mờ. Hai Liên chép miệng bảo Tám Bính:
- Đấy chị xem có chồng mà không có con thì khổ không? Vì thế em ăn sung mặc sướng đến đâu vẫn tưởng khổ sở quá người ăn mày chị ạ, vì dù họ cùng đói khát chừng nào nữa song có đứa con để ôm ấp vỗ về cũng khuây khỏa sung sướng.
- Thôi số kiếp ông trên đầu định thế, mình đành chịu vậy! Mỗi người một dịp cầu lận đận, đời này hồ dễ mấy ai sung sướng vẹn toàn?
Rồi Bính thuật cho Liên nghe Bính đã thuốc thang rất tốn kém nhưng đến ngày Năm Sài Gòn bị tù, Bính lại ốm và bụng mang dạ chửa, đến kỳ sinh nở thì con chưa ra khỏi bụng mẹ đã chết. Kể đoạn Bính cúi mặt xuống, chớp chớp mắt:
- Như thế thà đừng sinh nở lại hóa hay. Cứ cái nông nỗi mẹ nhìn con, con không biết nhìn mẹ, hoặc mẹ con chia rẽ thì còn đau đớn hơn.
Xe dừng lại, cả hai bước xuống, qua một dẫy nhà nhỏ đến gian nhà rộng cách dãy kia bằng cái sân vuông giồng bắp cải và rau.
Hai Liên đẩy cửa vào trước, kéo ghế bảo Tám Bính ngồi. Thấy khách lạ vào, người vú già liền vặn to ngọn đền cầy trên mặt tủ chè, nhấc đặt xuống bàn.
Gian nhà đương mờ mờ sáng rực lên với bao nhiêu đồ đạc. Giữa nhà kê một chiếc bàn tròn có bốn chiếc ghế mây chung quanh. Sau bàn, một tủ chè bằng gỗ gụ đánh bóng lộn. Trong tủ lấp lánh một hàng chai rượu mùi, hai bộ ấm chén Nhật Bản và mấy chồng bát đĩa cổ. Đối diện bộ phản mà vú già bày mâm cơm, một cái giường tây gỗ lát giải đệm và buông màn. Phía tay trái, ở chính giữa kê một chiếc tủ đứng, hai cái giá gỗ bày hai chậu đinh lăng kèm hai bên. Trên mặt tường mấy khung tranh ảnh treo không có hàng lối, những cách treo tự nhiên ấy trước mắt Bính lạ và đẹp lắm.
Cách bày biện trong gian nhà này tỏ ra chồng Hai Liên là một người đứng đắn khá giả, và hạnh phúc gia đình của Hai Liên có thể lâu dài.
Bính mải trông quên cả ăn, đờ người cầm bát không đưa lên miệng và. Thấy thế Hai Liên giằng lấy bát xới cơm, giục Bính gắp thức ăn, Bính đón lấy bát cười bảo Hai Liên:
- Chị yên trí lắm rồi nhỉ?
Hai Liên đưa mắt cho Bính:
- Thôi đi.
Bính cười nói luôn:
- Thật đấy mà!
Hai Liên càng dịu nhời:
- Vậy thì chị ở với em cho vui đừng đi đâu nhé!
- Nhưng còn anh ấy thì sao?
Hai Liên hơi vênh mặt:
- Cái hạng này đối với người ngoài nhất là cánh chạy thấy thì có vẻ hắc lắm, thế mà đối với vợ thì lại một phép, vậy chị nói đến làm gì. Ngay khi tôi mới về tôi bảo sao nghe vậy, đố dám trái lời, mà đây chỉ là làm lẽ thôi đấy!
Tám Bính lườm Hai Liên:
- Gớm! Chị chỉ được cái đáo để thôi!
- Còn phải bàn!
Chợt có tiếng người ở gian bên nói vọng sang:
- Này bà, ông ấy nhắn tôi dặn bà tối nay cứ ngủ kỹ một mình, ông ấy đến "tua" "gác nhà giấy" đấy.
Hai Liên đầy một miệng cơm, lúng búng trả lời:
- Vâng! Cám ơn ông, và ông làm ơn cho tôi nhắn lại, tôi nay tôi ngủ hai mình kia nhé.
- Kìa, sao lại hai mình! Bà hay pha quá!
Hai Liên cười đáp:
- Thì tôi dặn ông sao, ông cứ nói thế mà.
Dứt lời, Hai bấm Tám Bính, ghé vào tai Bính nói thầm:
- Thằng cha này có vợ nhưng vợ ở tận Hà Đông, ít khi xuống chơi, nó lẳng giai lắm mà "sộp kê"(1) lắm, lại đi dạo nữa đấy.
Bính ẩy Hai Liên một cái:
- Em chả thiết đâu!
Hai Liên cười phá lên, cố ý cho người bên kia nghe thấy:
- Mấy ai đã cõng được ngay ai mà vội chối đây đẩy nào!
Tám Bính vội bưng lấy miệng Hai Liên xuýt xoa:
- Thôi! Tôi đi ngay bây giờ đây.
Cơm nước xong, Hai Liên mở tủ đứng lấy một cặp áo nhiễu tây màu và chiếc quần lĩnh, đến bên Tám Bính nói:
- Đây chị mặc thử xem có vừa không. Cặp áo cà phê sữa và mỡ gà này em mới may để đi hội đấy. Vừa thì phải, vì chị cũng mảnh dẻ như em.
Bính ngượng nghịu. Hai Liên một mực ép Bính phải mặc ướm! Bính ngần ngại đón lấy. Bính vận đến đâu khít đến đấy, Hai Liên thấy thế cười bảo:
- Khéo quá! Và này gương, lược, phấn sáp kia, chị tha hồ trang điểm, mau chóng lên để đi xem hát kẻo tám giờ rồi.
Phần thẹn, phần cảm động vì lòng tử tế thành thực của Hai Liên, nên sau khi rửa mặt, má Bính đỏ ửng lên. Hai Liên tấm tắc khen:
- Quái! Chị bao giờ cũng trẻ đẹp như bao giờ, mà em thì một ngày một già, một xấu đi.
Bính không đáp; ngao ngán cúi đầu nhìn đôi dép Nhật Bản, tê tái với những ý nghĩ xót xa cho sự đẹp đẽ, xinh tươi từ trước đến giờ đã chẳng làm cho mình sung sướng, lại còn gây nên bao nhiêu bước long đong.

Chương 17:

Thấy Bính hãy còn ngần ngại. Hai Liên vuốt lưng Bính nói:
- Chỉ còn cách ấy thôi, nếu chị không thuận, em cũng đến bó tay, vì không còn cách nào giúp chị được. Suốt buổi sáng nay em hỏi mọi nơi, mọi chỗ nhưng họ đều chối bai bải. Bảy, tám chục bạc bây giờ em mới biết nó là to.
Bính thừ người ra một lúc rồi buồn rầu bảo Hai Liên:
- Em khổ quá! Em khổ quá!
Đoạn, Bính quay hỏi thẳng Cun đứng bên cạnh bà cụ mà năm kia Bính gặp ở Hải Phòng:
- Bốn hôm thôi à?
Thằng Cun gật đầu:
- Họ chỉ cho khất có bốn hôm thôi, nếu không chạy đủ tiền nộp phạt họ sẽ giải thầy lên tỉnh, tống lao.
Bính cảm động nhìn thằng Cun nói, Bính thấy nó vẫn còn thương Bính vô cùng. Chiều hôm qua, ở giữa chợ đông đúc, chợt gặp Bính, nó liền ôm choàng ngay lấy, khóc như mưa gió. Bính đương sung sướng được gặp gỡ em thấy em khôn nhớn, thì nỗi lo lắng lại bừng bừng trong tâm trí Bính, Bính bảo Cun:
- Này Cun! Ban sáng tao rối ruột quá, nghe câu được câu chăng, vậy mày kể lại lần nữa cho tao rõ hơn.
Thằng Cun vân vê tà áo, kể ngành ngọn cái tai nạn đã xảy ra.
Hôm kia, lúc nó đang lúi húi thổi cơm ở dưới bếp, một người đàn ông vẫn quần áo vàng, cầm cái siên sắt sồng sộc chạy đến thộp tay ngực nó, khám xét nó, rồi dẫn lên nhà trên. Nó không còn hồn còn vía nào. Bố mẹ nó cũng run bây bẩy, mặt cắt không còn hột máu trước cặp mắt mà quá xanh tựa mắt mèo của người Tây đoạn đứng chắn lối ra vào. Một lúc sau trong bếp nhao nhao lên những tiếng cười. Người mặc quần áo vàng ban nãy và hai người ăn vận giống thế đi lên trên nhà, giơ trước mặt bố mẹ nó hỏi cái gì đây? Giời ơi cái ấy là nửa cút thuốc phiện tìm thấy trong đống rơm sau liếp.
Tức khắc họ giải bố mẹ nó lên huyện. Hôm sau lý trưởng rong bố mẹ nó về bắt khai tất cả đồ vật, ruộng vườn. Bố mẹ nó liền nhắn bà cụ già ngày năm kia gặp Bính, nhờ dẫn nó đi tìm Bính chạy cho tiền nộp phạt, bằng không sẽ phải ít ra cũng một năm tù, còn nhà cửa đất cát sẽ bị mất hết.
Bính bị sôi máu lên, hỏi dồn:
- Thế chỗ thuốc phiện là của thầy mẹ hay là của ai. Có phải của người ta đi đò đến bến thuê tiền giữ cho người ta phải không?
Bà cụ ngồi bên thằng Cun vội đáp:
- Cô còn lạ gì, ông bà làm cái gì chứ với những của quốc cấm ấy thì có gan bằng cái mẹt cũng chẳng dám! Chẳng qua vài năm nay thấy ông bà làm ăn tấn tới có đồng ra đồng vào, người nọ vay, người kia mượn, rồi nghề đời trâu buộc ghét trâu ăn, kỳ dịch trong làng họ hỏi không được họ bỏ thuốc phiện báo đoan để làm bại cho bõ tức đấy thôi.
Bính chán nản:
- Nhưng mà đoan cứ thấy thuốc phiện ở nhà mình là họ phạt chứ họ xét gì đến những sự rắc rối thù hằn kia.
Chuyện một hồi lâu nữa, mọi người đi ngủ.
Đồng hồ treo trên tường điểm mười hai tiếng. Đêm khuya rồi. Bính suốt ngày chạy vạy, mệt nhọc cố nhắm mắt ngủ, nhưng hai mi mắt cứ khô cứng đi, tâm trí càng sôi nổi không biết bao nhiêu lo buồn. Lúc nguy biến này Bính không xoay được trăm bạc chạy cho bố mẹ, để bố mẹ bị tù tội, mất hết nhà cửa vườn đất, thì đời Bính còn là khổ, còn là nhiều tai tiếng. Bố mẹ Bính sẽ oán giận Bính mãi mãi, sẽ hờn dỗi suốt đời vì đinh ninh con mình dư dật nhưng tiếc cha, tiếc mẹ. Cái cảnh lao tù nhục nhã kia, cái cảnh không nhà không cửa, không một tấc đất cày cuốc nuôi thân kia thế nào chả lôi kéo cha mẹ Bính vào cảnh đôi rét, rồi cả thằng Cun cũng vì Bính mà khổ sở, cơ cực vô cùng. Nó sẽ là cái đích để cho cha mẹ Bính sỉa sói băm vằm những khi giận dữ.
Ngay hôm sau... Ngay hôm sau nữa... Thế là cái thời hạn nộp phạt chỉ còn có ngày hôm nay thôi.
Nhưng Bính đã bớt lo. Tuy vậy sự chua xót chiều qua khi Bính liều nhận trăm bạc, món tiền của người mật thám bạn với chồng Hai Liên bỏ ra cưới Bính cũng về làm lẽ, vẫn dồn dập trong lòng Bính. Nhất là lúc này Bính lại càng hồi hộp. Tập bạc giấy đã gói kỹ lướng với hai tờ, nhật trình và lượt dây gai chẳng đã thắt bốn năm nút, Bính chỉ còn chờ người học trò thảo xong lá thư là gói lại làm một gói trao tay bà cụ cầm về cho cha mẹ.
Cả nhà đều yên lặng.
Ngoài tiếng ngòi bút mới chạy soàn soạt trên tờ giấy, người ta chỉ thấy những tiếng thở. Bỗng người học trò lên tiếng:
- Đây nghe xem thế này có được không?
Bính thở ra một cái mạnh:
- Vâng cậu làm ơn đọc to lên cho.
Lá thư dài non bốn trang giấy, với những ý kiến của Bính lời lẽ văn hoa của người học trò kia tả ra rất thống thiết:
"Lạy thầy mẹ, con là Bính gửi vài hàng chữ về kính chúc thầy mẹ được khỏe mạnh, và cúi xin thầy mẹ vui lòng chịu mọi sự khốn khó của Chúa bày đặt để thử thách lòng các con chiên trung tin.
Con đau đớn biết bao, lòng con như sắp tan nát, khi con được tin thầy mẹ và thằng Cun mừng rỡ tìm thấy con.
Lạy thầy mẹ, còn sự thể trong hơn ba năm con bỏ nhà xa thầy mẹ lên tỉnh, con không dám nói đến vì nói đến chỉ làm thầy mẹ thêm tủi thẹn mà thôi. Một người bơ vơ như con sống trong hơn ba năm ấy thật là nhơ nhuốc, bởi thế con không dám viết thư về nhà.
Nhưng Chúa thế nào cũng ngoảnh mặt lại, và thế nào cũng có một ngày Chúa cất gánh nặng trên vai con đi.
Người chồng hư hỏng của con coi như là chết rồi. Con định về Nam Định thu xếp làm ăn buôn bán chờ dịp may mắn khá giả sẽ trở lại quê nhà thăm thầy mẹ và em. Ngờ đâu.
Lạy Chúa! Con nói thế, nếu thầy mẹ không tin đã có Chúa trên đầu soi xét cho. Quả thật con khốn khó vô cùng: và nghĩ tới thầy mẹ ruột lại đau hơn cắt.
Trăm bạc bây giờ to quá! Con suy nghĩ đến nát cả tâm trí nhưng không thể tìm được một phương kế gì ra tiền. Con đã tưởng đến phải chịu nhìn thầy mẹ bị tù tội nhục nhã, gia đình tan nát.
Nhưng thôi, lạy Chúa! Lạy thầy mẹ! Xin Chúa và thầy mẹ tha thứ cho con. Trong lúc khó khăn ngặt nghèo này chỉ còn có cách ấy, con đành nhắm mắt liều lấy làm lẽ một người có đạo, có vợ, có con, như thế thật trái với điều răn buộc của hội thánh truyền. Đau đớn cho con!".
Nghe hết đoạn đó, Tám Bính bủn rủn cả chân tay, nước mắt chảy ròng ròng.
Bính không chờ người học trò đọc hết lá thư, vội giằng lấy, xé vụn ra. Hai Liên trừng mắt nhìn toan hỏi thì Bính kéo vội thằng Cun và bà cụ già lại, nức nở nói:
- Thôi cụ, xin cụ làm ơn đưa gói tiền này về cho thầy mẹ con. Cụ đi ô tô về ngay. Cả Cun mày cũng về ngay.
Nói đến đây, nước mắt Bính càng tràn ra, cổ họng Bính nghẹn ứ lại. Thằng Cun ngây người nhìn chị không chớp mắt.

Chương 18:

- Này mợ, nước sôi rồi đây, pha chè đi. à còn chục miếng đường tây mợ đem ra mà uống.
Bính đương vá chỗ vai áo, nghe thấy chồng bảo pha chế nhưng cứ làm lơ đi, mãi lúc rút xong mũi kim cuối cùng, và trên hỏa lò ấm nước sôi réo lên, bọt nước trào dập gần tắt hết lửa, Bính mới chạy đến tủ chè với lấy lọ chè và lọ đường.
Bính rót nước sôi vào ấm, chờ một lúc rồi rót ra hai chén đầy. Hương chè mạn sen ngát cả gian nhà hồng hồng ánh lửa của lò than bắt đầu cháy rực.
Bính nhả bã miếng trầu, chiêu ngụm nước chè rồi hỏi chồng:
- Này cậu cái người ở sà lim số tám mà cậu dặn tôi bảo tù cỏ-vê đưa cơm ban chiều là ai vậy?
Người chồng cười nói:
- "Nốt" tốt của tôi đấy!
- Thế nghĩa là gì?
Người chồng vẫn rung đùi khề khà. Bính cau mặt phát vào đùi hắn, dỗi:
- Ai thế bảo cho tôi biết, không có tôi và chị Hai đi xem hát bây giờ.
Hắn phải nói ngay:
- Làm gì mà nóng thế! Để người ta còn nhấp giọng nào.
Hắn ngừng lại, uống hết chén nước, rồi khề khà thuật lại cái sự gặp gỡ may mắn đã làm hắn khoan khoái cho Bính nghe:
- Tối hôm kia tôi và thấy thằng "doóc"(1) ra Tân đệ khám thẻ xong thì gần mười giờ. Tôi đã đạp xe về đến nửa đường thế nào lại rớ ngay được bốn người không thẻ, mà một trong bọn đó có án biệt xứ mới thích chứ.
Bính lắng tai nghe, hắn nói tiếp:
- Và thằng này chính là thằng mà sở Mật thám ngoài
_________________________
1. Doóc: phụ mật thám.
Hải Phòng đường tầm nã riết, song vẫn lẩn tránh được.
Bính băn khoăn, vội hỏi:
- Tội gì thế?
Người chồng gật gù đáp:
- Đủ mọi tội, ăn cắp, giết người, và...
- Vượt ngục à?
- Không, nhưng nó cũng đã năm, sáu lần tù và đã đi Côn Lôn.
Bính nóng ruột:
- Tên là gì?
- Nó lắm tên lắm. Những Ba, Bốn, Năm, Sáu gì ấy nhưng tên chính là Nguyễn Chí Thiện. Để ngày mai, tôi chờ ông phó trên Hà Nội về, tôi lên trình, lúc đó lục "phích" ra xem thì rõ tung tích nó.
Bính bồn chồn, đắn đo hỏi chồng:
- Liệu nó có việc gì không?
Hắn ta cười nhiều hơn, đắc ý lắm:
- Mình ạ, thế nào thằng ấy cũng bị giao trả tòa án Hải Phòng rồi lại bị đi đày thôi. Còn tôi thế nào chả được tư "nốt" tốt lên Hà Nội và cuối năm nay mười phần chắc chín là được lên ngạch.
Bính càng hồi hộp. Cái tên Nguyễn Chí Thiện biết đâu không phải là cái tên giả còn cái tên Năm mà chồng Bính lưỡng lự có thể là một nửa cái tên Năm Sài Gòn cũng nên. Bính bứt rứt nhưng phải cố nén sự cảm động, hỏi một cách vẩn vơ:
- Trông mặt mũi nó có ghê gớm không mà nó tù nhiều thế?
- Không! Thằng này nghiện oặt, gầy gò. Tôi chỉ còn nhớ mặt nó có một cái sẹo to trên trán và rất nhiều sẹo ở má, ở cằm.
Bính hơi thất sắc:
- Cả trán, má, cằm cũng có sẹo, chắc nó bị chém nhiều lắm?
- Đúng thế, chứ còn chắc với chả chắc gì! ấy là nó còn quấn phu la che đi nhiều dấu dao nữa, nhưng nhìn đến cặp mắt nó thì lại thấy dữ hơn. Thôi mợ nó quạt màn đi ngủ, khuya rồi. Vừa nói hắn vừa chỉ ra ngoài trời đã lặng, sương đã xuống mịt mùng.
Mười một giờ...
Mười hai giờ...
Gần hai giờ thì ánh trắng hơi chếch chếch về phía tây, chiếu qua khung cửa kéo một vệt sáng dài lên bức tường trắng đục của gian xà lim vắng vẻ.
Năm... Năm Sài Gòn bó gối nhìn ánh trăng mờ lạnh báo trước những sự tra tấn khủng khiếp sắp đến và Năm lại vào một nơi mà Năm hết hy vọng trở lại cuộc đời phóng khoáng.
- Côn Lôn chăng?
- Hà Giang chăng?
- Lai Châu, Sơn La chăng?
Năm Sài Gòn rùng mình, tự hỏi rồi tự trả lời:
- Có thể!
Trong người Năm bỗng nóng bừng lên. Năm thấy lần này sự giam cầm khổ sở hơn hết mọi lần. Năm vội đứng dậy, vuơn vai thở hắt ra một cái thật mạnh, đóng lại cúc áo đoạn đi đi lại lại trên sàn xi măng để tránh và quên những ý tưởng tối tăm ghê sợ. Song những bước ngắn ngủi quanh quần chỉ càng làm cho hai ống chân Năm rã rời, trí não Năm rối beng, và khung ngực lép kẹp thêm chói tức dưới làn không khí lạnh lẽo nặng nề.
Xà lim của sở mật thám Nam Định mãi bây giờ mới khiến Năm rùng rợn. Những chấn song sắt to bằng cổ tay, những bức tường dày quét hắn ín đen sì, những cùm sắt chắc nịch của xà lim A, xà lim B, xà lim Lô cốt trong Hỏa lò Hà Nội cũng không đáng khiếp sợ bằng những bức tường xi măng nhẵn bóng của xà lim sở mật thám Nam Định này in ánh trăng xanh trong xanh bóng.
Năm Sài Gòn chặc lưỡi, ngồi xệp xuống sàn lạnh hơn ướp nước đá, dựa lưng vào góc tường. Tâm trí Năm còn mệt lả hơn xác thịt, Năm chỉ còn đủ sức dương đôi mắt lờ đờ mà nhìn bóng trăng trên tường, mặc những hình ảnh quá vãng nổi lên giữa cái tâm tưởng u ám của mình.
Năm mồ côi cha mẹ... Năm không có ai dạy dỗ... Năm lang thang chẳng bao giờ được có công ăn việc làm chắc chắn. Năm ăn cắp... Năm bị tù... bị tù... bị tù bị tù... rồi bị đi đày... Năm được gọi là anh chị... Năm lấy Tám Bính...
Rồi đến ngày nay vì ốm yếu nghiện ngập, vì tình thế khó khăn, Năm phải rời Hải Phòng về Nam thì lại bị bắt.
Bằng ấy hình ảnh, bằng ấy nỗi niềm, rất nhanh chóng và rất rõ ràng, liên tiếp nhau, thi nhau làm tê tái cả lòng Năm. Năm mím môi lại, khoanh tay ra sau gáy, ngả đầu thở dài.
Hơn ba giờ...
Bóng trăng chỉ còn dài bằng cái thước kẻ trên tưòng xám ngắt, nhắc Năm đêm khuya lắm, gian xà lim sắp tối như mực.
Chợt từ đáy trời im lặng vẳng lên, chắc ở gác canh trong để lao gần đấy, những tiếng kiềng rè rè. Năm buồn bã với gáo nước uống một hơi gần hết, rồi cất giọng nhẹ nhẹ hát nối theo cái thanh âm rền rĩ đương dần tắt kia:
- Anh đây công tử không "vòm"
Ngày mai "kện rập" biết "móm" vào đâu.
... Tám Bính chập chờn ngủ bỗng thức giấc, lắng tai nghe. Tiếng hát bằng cái giọng ngao ngán khi xưa từng bào xé ruột gan Bính trong những giờ vắng vẻ chán nản ở nhà chứa ấy, cái giọng đục lờ lờ, thê thảm, riêng biệt của hạng gái bán trôn nuôi miệng và hạng giai "du côn" anh chị "chạy vỏ" ấy, nghe rợn người như một giọng hấp hối, quằn quại đau thương và tuyệt vọng.
Tám Bính ngồi nhỏm dậy. Tiếng hát im lìm. Bính để hết tinh thần mới thấy chút dư thanh phảng phất trong tiếng gió khuya ù ù. Bính bước vội xuống giường, không kịp xỏ dép, mở nhẹ cửa sổ, ngơ ngác trông. Trong màn sương bàng bạc hoàn toàn chìm trong giấc ngủ say sưa, không bóng một người.
Nhưng... trong khoảnh khắc tiếng hát lại cất lên. Cái giọng buồn thảm ấy rõ ràng và vang lên, tỏa hẳn ra xa, lạnh lùng hoang vắng...
Đích thực Năm Sài Gòn rồi. Bính nức nở, gục đầu bên cửa sổ, nước mắt ròng ròng long lanh, Bính trạnh lòng tưởng đến bao nhiêu sự điêu linh bấp bênh, có ăn ngày này không dám chắc ngày mai và sự tối tăm nhơ nhuốc của đời Năm, một tên "chạy vỏ?, "anh chị" đến kỳ mạt lộ. Bính cảm thấy mình tệ bạc và Năm Sài Gòn vì một cơn giận dữ ghen tức ruồng rẫy Bính thì không đáng trách tý nào. Bính cảm thấy một năm nay, mình êm ấm ung sướng còn Năm thì cùng cực khổ sở. Rồi Bính rùng mình quay mặt đi, không dám trông bầu trời u ám sau những mảng mây đen nhờ và một cảnh xa xôi đày ải các kẻ đi đày thoáng hiện ra trước những giọt nước mắt rưng rưng...
... Cánh cửa sắt nặng chịch của xà lim vừa hé mở, khóa không kịp đóng lại, hai bóng đen đã cắm đầu chạy mỗi lúc một nhỏ dần, rồi biến mất trên con đường xa tắp.

Nguồn: diendan.game.go.vn