21/12/12

Bong bóng lên trời (C21-25)

Chương 21

Thấm thoắt mà đã một tháng trôi qua, kể từ ngày Thường đi "dạy kèm". Chiều nay, Thường đem "tháng lương" đầu tiên về cho mẹ. Đó là khoản tiền trước nay Thường vẫn gửi nơi chú Kiến. Anh trích ra một ít mua cho bé Nhi một chiếc cặp xách đi học. Anh cũng mua cho chú Kiến một chiếc nón mới thay cho chiếc nón cũ mèm chú vẫn thường đội.
Chú Kiến đón chiếc nón từ tay Thường với vẻ cảm động, miệng trách yêu:
- Cái thằng bày đặt! Chỉ lần này thôi nghen! Lầu sau đừng mua gì cho chú nữa! Hãy đem tiền về cho mẹ!
Thường nắm chặt tay chú Kiến:
- Nếu không nhờ chú, cháu đâu biết làm cách nào giúp đỡ mẹ cháu!
Chú Kiến vỗ vai Thường:
- Thôi, về đi! Đừng nói chuyện tình nghĩa ấm ớ nữa!
Khi Thường bước vào nhà, đặt cặp sách lên bàn, hoan hỉ nói với Nhi:
- Quà cho em nè!
Thì Nhi sáng mắt lên và vội vã chạy bổ lại. Nó ôm cái cặp vào người, thận trọng và âu yếm sờ lên những chiếc khóa đồng sáng lóe, miệng trầm trồ:
- Ôi, chiếc cặp đẹp quá! Ở đâu ra vậy anh?
Thường vui vẻ:
- Anh mua cho em chứ đâu!
- Anh mua? - Nhi tròn xoe mắt, nhưng rồi chợt nhớ ra, Nhi cười tủm tỉm - Anh mới lãnh lương hả?
- Ừ, anh mới lãnh lương!
Thường đáp với giọng kiêu hãnh và âu yếm nhìn em. Vẻ mừng rỡ của Nhi khiến Thường cảm thấy nao nao trong dạ. Tội nghiệp, chiếc cặp của Nhi cũ xì, sứt chỉ tuột quai mấy tháng nay nhưng Nhi không dám mở miệng xin mẹ. Biết gia đình khó khăn, mẹ phải vất vả đối phó với cái ăn cái uống, Nhi lầm lũi đi học với chiếc cặp xộc xệch trên tay, quai phải bó lại bằng sợi kẽm.
Ngẫm nghĩ một hồi, Thường khẽ hắng giọng:
- Nhi nè!
- Gì anh?
- Khi nào cần gì, em nói với anh nghen! Kỳ lương sau, anh sẽ mua cho!
Nghe anh hứa hẹn mặt Nhi tươi roi rói. Nhưng rồi không biết nghĩ ngợi thế nào, Nhi lại lắc đầu:
- Thôi, em chẳng cần gì đâu! Anh đưa hết tiền cho mẹ đi!
Bất giác Thường khẽ thở dài. Câu nói của Nhi khiến anh cảm động và càng thương em hơn. Nhi còn nhỏ nhưng biết thương mẹ thương anh, không hay vòi vĩnh như các bạn cùng tuổi. Tuần lễ đầu đi bán, chiều nào Thường cũng để dành đem về cho em một khúc kẹo kéo. Tưởng Thường mua thật, qua đến ngày thứ tư Nhi rụt rè lên tiếng:
- Thôi, em không ăn nữa đâu! Anh đừng mua nữa! Tốn tiền lắm!
Nhưng Thường phớt lờ. Chiều nào anh cũng đem kẹo về cho em. Mấy ngày sau, Nhi lại buột miệng:
- Em đã nói anh đừng mua nữa mà! Em ngán lắm, ăn không nổi nữa đâu!
Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của Nhi, Thường không biết Nhi nói thật hay giả vờ. Anh gật gù:
- Nếu em ngán thì anh không mua kẹo kéo nữa! Anh mua kẹo khác!
Nhi lật đật từ chối:
- Thôi, thôi, kẹo khác em cũng không ăn đâu!
Thường nheo mắt:
- Vậy chứ em muốn ăn thứ gì?
Nhi nhe răng sún ra cười:
- Em chẳng ăn gì hết! Thay vì mua kẹo, anh cứ để dành tiền đó cho em. Ít hôm nữa đóng tiền bảo trợ học đường, em khỏi phải xin mẹ!
Bây giờ nhìn vẻ mặt trầm ngâm trước tuổi của Nhi, bất giác Thường nhớ tới câu nói của Nhi hôm nào, lòng anh bỗng dạt dào thương mến. Và Thường tự nhủ, mặc dù Nhi không hé môi, nhưng từ nay về sau anh sẽ quan tâm đến Nhi nhiều hơn, xem Nhi ước muốn những gì, anh sẽ tự động mua quà cho Nhi vào kỳ "lương" tới.
Khác với Nhi, bà Tuệ đón nhận món tiền đầu tiên Thường mang về bằng một vẻ mặt trầm lặng. Trong lòng bà, buồn vui lẫn lộn. Để cho đứa con trai đang tuổi đi học phải đi làm thêm, điều đó làm bà áy náy, cảm thấy, cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với con cái. Nhưng mặt khác, với món tiền đầu tiên kiếm được, Thường đem đến cho bà cảm giác rằng anh đã trưởng thành, đã tỏ rõ vai trò của một người đàn ông trong gia đình và nhất là Thường đã làm tất cả những điều đó với phong cách lặng lẽ nhưng quả quyết, hệt như ông Phong lúc còn sống. Sự so sánh lạc quan đó đã giúp bà Tuệ nhanh chóng xua tan những lợn cợn trong đầu. Bà dịu dàng đặt tay lên vai Thường, trầm giọng, nói ngắn gọn:
- Dù sao con cũng phải lo giữ gìn sức khỏe và cố gắng học tốt!
Thường dạ khẽ.
Như sực nhớ ra, bà Tuệ nói thêm:
- Và dạy tốt nữa!
Thường lại dạ, không nén nổi vui mừng. Khi mẹ đã dặn anh "dạy tốt" có nghĩa mẹ đã mặc nhiên đồng tình với việc làm của anh. Mẹ đã không còn lo lắng nhiều về anh nữa. Trong suốt một tháng qua, vừa đi bán, Thường vừa sắp xếp thời gian để học bài, ôn tập cẩn thận nên kết quả học tập của Thường ở lớp không bị ảnh hưởng gì. Chính mẹ đã nhận thấy điều đó.
Nhưng điều khiến Thường sung sướng nhất, một niềm sung sướng không bờ bến, là kể từ khi có thêm phần đóng góp của Thường, sau nhiều ngày lưỡng lự, bà Tuệ đồng ý nghỉ một buổi dạy thêm trong ngày theo đề nghị khẩn thiết của Thường và Nhi.
Thế là một tuần sau ngày "lãnh lương" của Thường, bà Tuệ chỉ còn dạy một ngày hai buổi sáng và tối thay vì kín đặc cả ba buổi như trước đây. Thường đề nghị mẹ nghỉ dạy buổi tối, chỉ giữ lại buổi chiều nhưng bà Tuệ không chịu. Bà bảo học sinh buổi chiều là học sinh các trường phổ thông đi học thêm, không người này thì người khác nhận dạy, giáo viên thừa chứ không thiếu. Còn các lớp bổ túc ban đêm thù lao thấp, giáo viên ít nên không thể nghỉ dạy được. Hơn nữa, học trò các lớp đêm hầu hết là những người có hoàn cảnh khó khăn, vì lý do nào đó mà thất học hoặc không có điều kiện theo học các trường lớp chính qui, vì vậy bà không đành bỏ họ.
- Những người này họ còn khổ hơn mình, con ạ!
Bà Tuệ ngậm ngùi kết luận. Nghe vậy, Thường mới thôi nằn nì. Anh hiểu mẹ đã chọn lựa đúng, mặc dù so với đi dạy buổi chiều thì đi dạy buổi tối vất vả hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn.
Nhưng dù sao thì việc bà Tuệ thôi xoay tất bật như chong chóng với ba buổi dạy một ngày cũng đã là một bước tiến lớn và là một thay đổi đầy ý nghĩa trong gia đình. Cuộc sống có vẻ như thư thả và bớt nặng nề hơn, ít ra là về mặt tinh thần. Những tiếng ho húng hắng của bà Tuệ giữa canh khuya cũng dường như giảm đi nhiều. Thường nhận thấy thế.
Và trong nỗi hân hoan ngọt ngào đó, Thường chợt nhớ tới những ước mơ hôm nào anh đã cùng Tài Khôn thả theo những quả bóng bay. Như vậy là những mong mỏi thầm kín của anh đã dần dà biến thành sự thật. Còn mộng ước đẹp đẽ của cô bạn nhỏ kia, biết đến bao giờ?

Chương 22

Phân vân mãi, rốt cuộc Thường cũng đành làm theo lời dặn dò của Thủy Tiên.
Nghe anh nhờ làm thêm một cây kẹo kéo nữa, chú Kiến trố mắt:
- Cháu định đi bán thêm buổi tối à?
- Dạ không ạ! - Thường đáp, giọng bối rối.
Chú Kiến càng ngạc nhiên:
- Vậy làm gì tới hai cây dữ vậy?
Thường nuốt nước bọt:
- Dạ, cháu tặng bạn cháu.
Chú Kiến lại càng há hốc miệng:
- Tặng bạn mà tặng kẹo kéo? Thiếu gì thứ sao cháu không tặng? Mà bạn gái hay bạn trai vậy?
Thường đỏ mặt:
- Dạ... bạn trai!
Tới đây chú Kiến thôi vặn vẹo. Ừ, chắc nó tặng cho thằng bạn nghịch ngợm nào đó chứ không lẽ tặng quà cho bạn gái nó lại điên đến mức đi tặng kẹo kéo! Nghĩ vậy, chú Kiến gật gù:
- Thôi, được rồi! Chừng nào cháu lấy?
Biết thoát nạn, Thường mừng rơn:
- Dạ, chiều mai.
Tối hôm sau, Thường quấn cây kẹo trong một tấm giấy dầu, bên ngoài cẩn thận bọc thêm mấy lớp giấy báo nữa rồi hồi hộp chở đến nhà Thủy Tiên. Cho tới lúc đó, Thường vẫn chưa yên tâm về món "kẹo sinh nhật" kỳ cục này. Anh cảm thấy cái "trò chơi" này của Thủy Tiên nó ngông nghênh và gàn dở sao sao ấy! Thường không thể hình dung được lát nữa đây trong một ngôi nhà sang trọng, giữa một buổi tiệc sinh nhật sang trọng cái món kẹo bình dân này sẽ xuất hiện ngớ ngẩn như thế nào. Thấp thỏm và lo âu, đã mấy lần Thường định quay xe lại, chở phắt cái món kẹo sinh nhật này về nhà chú Kiến. Nhưng rồi sợ ngày hôm sau sẽ chạm phải ánh mắt trách móc của Thủy Tiên, nhất là những giọt nước mắt chan hòa như lần trước, Thường đành phải từ bỏ ý định tháo lui và lại nghiến răng đạp thẳng.
Khi Thường đến, khách chưa có ai. Chỉ có hai anh em Thủy Tiên ngồi trong ghế xa-lông giữa căn phòng khách bày biện đẹp đẽ và thanh lịch. Vừa bước qua khỏi cửa, Thường cảm giác như anh bỗng lọt thỏm vào một thế giới khác. Thủy Tiên hôm nay trông rực rỡ hẳn lên trong bộ váy đầm tuyệt đẹp. Thấy Thường xuất hiện, cô đứng bật dậy, mừng rỡ chạy lại:
- A, Thường đến rồi!
Trong khi Thường mỉm cười lúng túng thì Thủy Tiên mau mắn giới thiệu khi hai người con trai với nhau:
- Đây là Đạt, anh của Thủy Tiên. Còn đây là Thường, bạn học cùng lớp với em!
Thường khẽ liếc Đạt. So với Thường, Đạt trông già dặn hơn nhiều. Hẳn Đạt phải lớn hơn em gái mình đến sáu, bảy tuổi là ít. Đã vậy, vẻ mặt Đạt lại nghiêm nghị khiến anh càng có vẻ chững chạc tợn. Thủy Tiên vừa giới thiệu xong, Đạt liền chìa tay ra khiến Thường phải lóng ngóng và hốt hoảng đặt vội bọc giấy báo lên bàn để bắt tay anh.
Thủy Tiên đứng bên cạnh lẹ làng mở bọc giấy ra và hớn hở reo lên:
- A, kẹo sinh nhật đây rồi! Hay quá!
Rồi cô quay sang Thường, mắt long lanh:
- Vậy mà từ nãy đến giờ Thủy Tiên cứ sợ Thường sẽ không đem đến!
Thường quệt mồ hôi trán:
- Đã hứa rồi mà!
Trong khi đó, Đạt nhìn sững cái vật lạ trên bàn:
- Gì vậy em?
Thủy Tiên cười tủm tỉm:
- Kẹo kéo.
- Kẹo kéo? - Đạt sửng sốt - Kẹo kéo để làm gì?
Thủy Tiên vẫn hồn nhiên:
- Kẹo sinh nhật của em đó! Em nhờ Thường... mua giùm!
Đến đây, Đạt như không nén nổi. Anh kêu lên:
- Trời ơi, ai lại đãi sinh nhật bằng thứ kẹo xoàng xĩnh này! Em có điên không?
Lời trách móc nặng nề của Đạt với Thủy Tiên làm Thường tái mặt. Hẳn nhiên Đạt không có ý ám chỉ Thường. Anh cứ ngỡ Thường mua giùm theo yêu cầu của Thủy Tiên. Nhưng từ trong sâu xa của lòng mình, Thường vẫn thấy bị đụng chạm, nhất là trước cách nói gay gắt và trịch thượng của Đạt. Món kẹo xoàng xĩnh chỉ có thể được đem tới bởi những người xoàng xĩnh. Ý nghĩ đó khiến mặt Thường cứ thoạt xanh thoạt đỏ.
Thủy Tiên cũng bị bất ngờ trước thái độ nóng nảy của ông anh. Nhìn Thường, thấy anh đứng chết trân, cô lại càng bối rối. Sau một thoáng ngỡ ngàng, cô ngập ngừng giải thích:
- Kẹo kéo thì cũng là kẹo thôi! Bữa nay em muốn đem lại một sự ngạc nhiên cho bạn bè...
Đạt sốt ruột cắt ngang lời Thủy Tiên, vẫn không hạ giọng:
- Thiếu gì cách gây ngạc nhiên, lại gây ngạc nhiên bằng cái món chẳng giống ai này!
Sự gắt gỏng dai dẳng của Đạt làm Thủy Tiên đâm ra bất bình và cảm thấy bị tổn thương. Cô không giữ giọng ôn hòa nữa, mà nghiêm mặt lại:
- Em thấy chẳng có gì là chẳng giống ai! Em thích như vậy!
Đạt gầm lên:
- Nhưng anh không thích! Anh không muốn để ai chê cười về hành động ngớ ngẩn và bêu riếu của em!
Thủy Tiên vẫn bướng bỉnh:
- Em chẳng thấy có gì là ngớ ngẩn và bêu riếu ở đây!
Thái độ lì lợm và ngoan cố của Thủy Tiên, nhất là trước mặt người lạ, khiến Đạt xạm mặt lại:
- Anh không tranh cãi với em nữa! Anh chỉ nhắc lại: anh không đồng ý!
Tự nhiên bị buộc phải chứng kiến cảnh cãi cọ giữa hai anh em Thủy Tiên, Thường bất ngờ lâm vào tình thế khó xử. Lòng tự ái tạm thời dịu xuống, nhường chỗ cho nỗi hoang mang và lúng túng. Sau một thoáng đắn đo, Thường rụt rè lên tiếng. Anh nói với Thủy Tiên:
- Anh Đạt đã không đồng ý, Thủy Tiên cứ nghe lời ảnh đi!
Lời phân giải của Thường chẳng đem lại một kết quả gì. Ngược lại, càng làm Thủy Tiên thêm ấm ức. Cô nhìn Đạt bằng đôi mắt ướt, giọng đã chớm sụt sịt:
- Đây là sinh nhật của em chứ không phải sinh nhật của anh. Em muốn tổ chức như thế nào tùy em. Nếu anh ngăn cản, em sẽ không tổ chứ nữa. Bạn bè tới, em mời về hết.
Thái độ dứt khoát và quyết liệt của Thủy Tiên khiến Thường đâm lo. Anh chưa biết phải làm dịu bầu không khí căng thẳng giữa hai anh em bằng cách nào thì Đạt quay phắt lại. Mắt long lên vì giận dữ, Đạt nhìn thẳng vào mặt Thủy Tiên, môi mím lại chuẩn bị thốt lên một lời quát mắng hùng hổ. Nhưng chợt nhìn thấy những giọt lệ trên gương mặt u uất của Thủy Tiên, Đạt chững ngay lại. Lòng anh bỗng chốc chùng xuống và trong một thoáng, anh chợt nhớ ra hôm nay là ngày vui của em mình. Phân vân một lát, Đạt khẽ lắc đầu và buông một tiếng thở dài, giọng vẫn còn hậm hực:
- Thôi, được rồi! Tùy em!
Thường tưởng sau cuộc cãi cọ nẩy lửa đó, Đạt sẽ bỏ lên lầu. Nhưng không, Đạt vẫn ở lại dự sinh nhật Thủy Tiên, vẫn tỏ ra niềm nở cùng Thủy Tiên đón những vị khách ồn ào đang lục tục kéo tới mỗi lúc một đông, mặt không hề cau có. Chỉ riêng đối với Thường, Đạt có vẻ lạnh nhạt. Có lẽ Đạt cho rằng Thường phải chịu một phần trách nhiệm trong việc tiếp tay Thủy Tiên bày ra trò "kẹo kéo" quái đản này.

Chương 23

Hóa ra món kẹo kéo của Thường không gây ra những hậu quả như Đạt lo ngại. Không một lời chế giễu, không một ánh mắt cười cợt. Hoặc giả nếu có thì những điều đó cũng không biểu hiện ngay trong buổi tiệc vui nhộn này.
Mọi người xúm quanh cây kẹo kéo nhiều màu đặt giữa bàn, trầm trồ không ngớt. Thậm chí có người còn khen ngợi sáng kiến độc đáo của Thủy Tiên.
Trước sự ngạc nhiên thích thú của bạn bè, Thủy Tiên không giấu được vẻ mãn nguyện. Cô cười luôn miệng, thỉnh thoảng khẽ liếc Thường ngầm chia sẻ niềm vui của mình. Đạt đứng bên cạnh Thủy Tiên, cũng cười lấp lửng.
Riêng Thường, anh vẫn không thoát khỏi tâm trạng nặng nề. Sau những gì vừa xảy ra, anh không làm sao ru mình vào sự bình yên được nữa. Anh vẫn cười, vẫn nói, vẫn chung vui với Thủy Tiên nhưng đầu óc anh để tận đâu đâu, chẳng ăn nhập gì với bầu không khí vui vẻ, náo nhiệt chung quanh.
Đang nghĩ ngợi lan man, bỗng Thường nghe mọi người "ồ" lên. Rồi tiếng Thủy Tiên:
- Thường, Thường!
Thường giật mình ngoảnh lại và thấy Thủy Tiên đang cười cười chỉ tay vào Tuyền, một cô bạn cùng lớp, lúc này đang bặm môi kéo lấy kéo để khúc kẹo trên bàn một cách vô vọng giữa tiếng cười nhộn nhạo chung quanh. Cây kẹo cứ như chuồi khỏi tay Tuyền. Cô càng kéo, nó càng trơn, càng tuột khiến đám bạn bu quanh la ầm:
- Thôi, thôi, lui ra cho người khác thử thời vận!
- Tay làm hàm nhai đó nghen! Ai kéo không được thì phải nhịn, không được khiếu nại lôi thôi!
Lại có tiếng giục:
- Kéo đại đi! Khúc bé bé cũng được! Như Dũng Ăng-lê kìa! Nó có cần quái gì đậu phộng đâu!
Dũng Ăng-lê là tay phớt tỉnh nổi tiếng trong lớp, muốn gì lấy nấy, chẳng ngán bạn bè trêu chọc, da mặt hắn dày có đến vài phân. Lúc này, Dũng Ăng-lê đang đứng sau lưng Tuyền, miệng nhai nhí nhóp, tay đưa lên khỏi đầu huơ qua huơ lại khúc kẹo bé như đuôi chuột ra cái điều khoe khoang chiến lợi phẩm.
Nhìn khúc kẹo trên tay Dũng, Thường biết ngay đó là khúc "kẹo chay", tức là không có đậu phộng bên trong. Đậu phộng tất nhiên vẫn ở trong cây kẹo lớn nhưng nếu không biết cách kéo, sẽ chỉ kéo được phần kẹo bọc ngoài, còn đậu phộng thì vẫn nằm lại, không chịu ra theo:
- Thường lại kéo dùm đi!
Tiếng Thủy Tiên lại vang lên bên tai, hồn nhiên và sốt sắng. Chẳng còn cách nào khác, Thường đành bước lại và chậm rãi ra tay.
Trước những động tác gọn gàng, thuần thục của Thường, đám bạn đứng quanh trố mắt xuýt xoa:
- Ối chao! Bộ tay Thường này làm nghề bán kẹo kéo chắc!
- Sắp tới, sinh nhật mình chiêu đãi món kẹo kéo, phải nhờ ông Thường ra tay mới được!
Trước những lời đùa giỡn của bạn bè, Thường chẳng nói gì. Anh chỉ cười mỉm và lặng lẽ bẻ hết khúc này đến khúc khác phân phối cho những bàn tay chìa ra chung quanh.
Khi cây kẹo trên bàn đã phân thân thành những khúc kẹo nhỏ nằm trên tay mọi người, Thường nhanh chóng bị quên lãng. Anh thôi trở thành mục tiêu chòng ghẹo của đám đông. Bây giờ, nhẩn nha với khúc kẹo trên tay, đám bạn liền chuyển qua bàn về ngày 20-11 sắp tới, về tính khí của từng thầy cô và cuối cùng là về những chuyến đi chơi xa rình rang được tổ chức bởi nhóm người có mặt hôm nay.
Giữa những tiếng rì rầm không dứt đó, Thủy Tiên vui vẻ tuyên bố:
- Kẹo kéo chỉ là màn một thôi nghen! Bây giờ tới màn hai!
Đám đông nhao nhao:
- Màn hai là gì?
- Công khai đi!
Thủy Tiên cười chúm chím:
- Các bạn chờ cho một chút!
Có tiếng hỏi náo nức:
- Khiêu vũ phải không?
Dũng Ăng-lê gạt liền:
- Đừng đoán mò! Chưa ăn uống mà khiêu vũ gì!
- Ơ, ơ! Đồ tham ăn kìa!
Tiếng một người châm chọc. Nhưng Dũng Ăng-lê vẫn phớt tỉnh. Hắn nhìn Thủy Tiên, hỏi trắng trợn:
- Đúng không Thủy Tiên?
Thủy Tiên gật đầu:
- Dũng nói đúng đó! Khiêu vũ là màn năm, màn cuối cùng! Còn bây giờ mời các bạn ăn... bánh sinh nhật!
Dũng Ăng-lê reo lên:
- Hay lắm! Đã có kẹo sinh nhật thì hẳn phải có bánh sinh nhật cho đủ bộ chứ!
Thủy Tiên vẫy tay:
- Các bạn chờ cho một chút nghen! Thủy Tiên và anh Đạt sẽ lên lầu khiêng xuống ngay bây giờ!
- Trời ơi, phải "khiêng" xuống thì chắc là cái bánh phải "vĩ đại" lắm! - Một người trầm trồ.
Dũng Ăng-lê giơ hai tay lên trời, hét toáng:
- Hoan hô màn hai!
Trong khi Thủy Tiên và Đạt đi lên lầu thì Thường cũng âm thầm trốn khỏi đám đông cuồng nhiệt. Anh bỏ ra ngoài hành lang, đứng một mình trong hương ngọc lan để tìm sự yên tĩnh. Không hiểu sao giữa cuộc vui này, anh cảm thấy lạc lõng đến trơ trọi. Một nửa khách mời của Thủy Tiên là những khuôn mặt lạ. Một nửa là bạn học cùng lớp. Mà ngay cả những bạn cùng lớp cũng là những người xa lạ với Thường trước nay. Ở lớp, Thường chẳng chơi thân với họ và họ cũng chẳng chơi thân với Thường. Do đó, cuộc gặp gỡ hôm nay đối với Thường thật là gượng gạo. Ngay cả khi anh cười, cũng là cười cái cười gượng gạo. Lúc anh bẻ kẹo kéo phân phát cho mọi người là lúc anh cảm thấy sự xa lạ giữa anh với họ rõ rệt hơn bao giờ hết. Sự vô tâm của Thủy Tiên đã khiến anh bộc lộ thân phận một anh bán kẹo kéo trước mặt mọi người. Chỉ có một người hành nghề bán kẹo kéo thì mới có những thao tác thuần thục như vậy. Bây giờ họ chòng ghẹo anh với vẻ đùa cợt nhưng chắc hẳn họ sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng mà anh tạo ra ngày hôm nay.
Thủy Tiên vốn là cô gái tế nhị nhưng hôm nay có lẽ do chìm đắm trong tâm trạng say sưa hoan hỉ, cô đã cao hứng buộc Thường làm cái việc mà Thường cố tránh. Và thế là anh đã "bán kẹo kéo" trước mặt mọi người. Hệt như thể anh đang đứng trước cổng trướng Phương Nam.
Thường khẽ buông tiếng thở dài. Chỗ anh đứng là góc hành lang khuất tối, kế cây ngọc lan trong vườn và bị che phủ bởi bóng lá đong đưa. Đứng đây, Thường không sợ ai nhìn thấy nhưng khi không khí trong lành và hương ngọc lan thoang thoảng thấm đầy ngực anh giúp thần kinh anh dịu lại thì Thường lững thững quay vào phòng nơi mọi người đang sốt ruột nhốn nháo chờ đợi màn hai.
Nhưng vừa bước được vài ba bước, Thường bỗng nghe có tiếng nói chuyện vọng xuống từ trên lầu. Có lẽ nghĩ rằng không ai nghe thấy nên những người đứng phía trên không buồn hạ giọng. Họ đứng ngay bên trên chỗ đứng của Thường, dường như đang cãi cọ và trong một thoáng, Thường ngạc nhiên nhận ra giọng nói của hai anh em Thủy Tiên.
Thường cứ đinh ninh giờ này hai anh em đã "khiêng" ổ bánh sinh nhật đồ sộ kia xuống phòng khách rồi, nào ngờ họ vẫn còn đứng đây cãi lẫy nhau. Vốn không thích nghe chuyện riêng của người khác, sau giây phút sững lại vì bất ngờ, Thường tặc lưỡi định bỏ đi. Nhưng rồi nghe loáng thoáng có tên mình trong câu chuyện, Thường lại đứng yên tò mò lắng tai nghe. Tiếng Đạt hỏi, giọng nghi ngờ:
- Anh chàng Thường đó là bạn của em à?
- Thì em đã giới thiệu với anh rồi mà! - Giọng Thủy Tiên lộ vẻ khó chịu.
- Bạn cùng lớp à?
- Cùng lớp.
Giọng Đạt khụt khịt:
- Chứ không phải anh ta bán kẹo kéo sao?
Nghe tới đây, tim Thường nhảy thình thình trong ngực. Anh nuốt nước bọt, cố trấn tĩnh. Nhưng Thường đợi một hồi, vẫn chẳng nghe Thủy Tiên trả lời. Dường như sự vặn vẹo của Đạt khiến cô lúng túng. Đạt lại hỏi, giọng đanh lại:
- Có phải vậy không? Sao em không đáp?
Thủy Tiên chống chế:
- Nhưng Thường chỉ bán buổi chiều để giúp gia đình thôi! Buổi sáng Thường vẫn đi học!
Đạt hừ mũi:
- Sao em lại chơi với anh chàng đó? Chẳng lẽ em không tìm ra người bạn nào xứng đáng hơn à?
Giọng Thủy Tiên trầm xuống:
- Thực ra em chỉ muốn... giúp đỡ Thường! So với gia đình mình, Thường khó khăn hơn nhiều! Chẳng thà em không biết, chứ đã biết hoàn cảnh của Thường, em không thể dửng dưng...
Đạt im lặng một lúc lâu. Có lẽ anh bị bất ngờ trước tâm sự Thủy Tiên vừa bộc bạch. Lát sau, Đạt lên tiếng, giọng đã hơi dịu xuống:
- Em là một con người tốt. Anh không trách gì em điều đó. Em có thể giúp đỡ Thường nếu em muốn. Nhưng giúp đỡ một người khác với việc rủ người đó đến dự sinh nhật.
Ngừng một lát, Đạt nói tiếp:
- Dự sinh nhật, người ta thường chỉ mời những bạn bè thân thiết, và nhất là không phải một anh chàng... bán kẹo kéo!
- Sao anh cứ...
Giọng Thủy Tiên có vẻ không đồng tình. Đạt cười khảy:
- Bởi vì quan hệ giữa em với tay Thường làm anh lo ngại. Ba mẹ mà biết em giao du với một người như vậy sẽ sinh chuyện rầy rà to!
- Tụi em chỉ là bạn thôi!
- Chắc chắn chứ?
- Sao anh cứ nghi ngờ em hoài vậy? Em đã nói tất cả với anh rồi! Thôi bây giờ mình đem bánh xuống kẻo mọi người sốt ruột! Không chừng đợi lâu quá, mọi người bỏ về hết rồi cũng nên!
Thật ra, lúc đó chỉ có một người bỏ về. Khi Đạt và Thủy Tiên rời bao lơn để chuẩn bị khiêng ổ bánh xuống, Thường cũng lặng lẽ rời khỏi chỗ đứng của mình và âm thầm dắt xe ra khỏi cổng.
Khi hai anh em Thủy Tiên xuất hiện ở đầu cầu thang với ổ bánh trên tay, đám bạn liền "ồ" lên thích thú.
- Thế mới là bánh sinh nhật chứ!
Dũng Ăng-lê trầm trồ nức nở. Và ngay lập tức anh ta chạy ùa lên cầu thang cùng hai chủ nhân khệ nệ khiêng ổ bánh xuống.
Trong không khí hân hoan náo nhiệt đó, không ai để ý đến sự biến mất đột ngột của Thường, ngoại trừ Đạt và Thủy Tiên. Hai anh em bất giác đưa mắt nhìn nhau và cả hai đều băn khoăn tự hỏi: Vì sao?

Chương 24

Sáng hôm sau đến lớp, gặp Thường, Thủy Tiên hỏi liền:
- Sao tối hôm qua Thường bỏ về đột ngột vậy? Báo hại Thủy Tiên tìm muốn chết!
- Hôm qua tôi bị trúng gió thình lình.
- Thường về nhà mà chẳng chịu nói qua Thủy Tiên một tiếng! - Thủy Tiên nói với vẻ trách móc.
- Làm sao nói được! - Thường nhún vai. - Lúc đó tôi mệt sắp xỉu! Ở thêm một lát, tôi ngã lăn quay ra liền!
Thủy Tiên tỏ vẻ không tin:
- Mệt sắp xỉu mà đạp xe về được?
- Tôi đâu có đạp xe! - Thường giật mình nói trớ - Hôm qua tôi đi xích-lô về!
Thủy Tiên bán tín bán nghi. Nhưng cô không tiện dò hỏi thêm. Khi Thường ôm tập đi về phía cửa lớp, cô chỉ biết áy náy đứng nhìn theo, lòng hoang mang lo lắng. Tự nhiên cô linh cảm mối giao tình giữa cô và Thường đang bắt đầu rạn nứt và dường như khó lòng hàn gắn lại. Mà tất cả chỉ mới xảy ra đây thôi. Tất cả chỉ bắt đầu từ ngày hôm qua.
Buổi chiều, thấy Thường đạp xe tới với nét mặt rầu rầu, Tài Khôn tròn mắt hỏi:
- Anh làm sao thế? Bị chó cắn hả?
Mặc dù đang miên man trong những ý nghĩ phiền muộn, Thường cũng phải phì cười:
- Em chỉ giỏi trêu!
Tài Khôn nheo mắt:
- Chứ sao mặt anh như đưa đám vậy? Hay là sáng nay không thuộc bài bị cô giáo bắt quì trên bảng?
Thấy Thường mỉm cười không đáp, Tài Khôn nhún vai:
- Thôi, em biết rồi! Hôm nay chắc kẹo nấu già đường, anh sợ lát nữa kéo không nổi, bị em dụ lấy dao chặt ra ăn chứ gì?
Thường cốc khẽ lên đầu cô bé:
- Đừng có mà chọc anh! Em không thấy anh đang cười tươi như hoa đây sao? Đưa đám hồi nào đâu?
Tài Khôn bước lui một bước và đưa mắt ngắm nghía Thường, đầu gật gù:
- Đúng là anh đang cười thật! Nhưng chẳng giống hoa chút xíu nào! Anh cười méo xẹo hà!
Thường hừ giọng:
- Mặt em méo thì có!
Tự nhiên Tài Khôn không cười nữa. Mà cô nắm chặt tay Thường:
- Em hỏi thật đó! Anh đang có chuyện buồn phải không?
- Anh đã nói không mà! - Thường khịt mũi - Sao em cứ hỏi hoài!
- Anh giấu em!
- Giấu đâu mà giấu!
- Sao khi nãy, lúc anh mới tới, em thấy mặt anh rầu rầu!
Thường đưa tay xoa xoa cái nón trên đầu:
- Tại trời nắng, anh hơi mệt chút thôi!
Tài Khôn nhìn Thường bằng ánh mắt nghi ngờ. Nhưng cô không hỏi nữa. Nếu Thường đã nhất định không chịu nói, có hỏi cũng bằng thừa. Cô lặng lẽ đi về chỗ chiếc xe của mình. Lát sau, cô cầm qua cho Thường một quả bong bóng. Cô giúi sợi chỉ vào tay anh:
- Cho anh nè!
- Chi vậy? - Thường ngạc nhiên.
- Để anh thả lên trời!
- Thả lên trời?
Tài Khôn cười chúm chím:
- Ừ. Nếu anh đang buồn phiền, khi bay lên trời, quả bóng sẽ mang theo nỗi buồn của anh đi theo!
Thường giật thót:
- Nhưng anh có buồn đâu! Sao em cứ...
Tài Khôn nheo mắt, cắt ngang:
- Em nói là "nếu" chứ bộ!
Nói xong, không đợi Thường phản ứng, Tài Khôn quay lưng chạy về bên kia cổng.
Thường bâng khuâng cầm sợi dây cột quả bóng trên tay và lặng người nhìn theo vóc dáng mảnh khảnh của Tài Khôn đang lao vụt đi như một con chim sâu bé nhỏ, tự nhiên cảm thấy cô đáng yêu quá chừng.
Bất giác anh ngước mắt nhìn lên quả bóng đang lơ lửng trên đầu sợi dây và khẽ buông tay. Quả bóng chợt rùng mình, chao qua chao lại rồi nhẹ nhàng nhấc mình bay lên khoảng trong xanh. Và quả như Tài Khôn nói, khi quả bóng vừa giã từ mặt đất, dường như nỗi buồn của Thường cũng âm thầm chắp cánh bay theo. Lòng anh tự nhiên thảnh thơi, nhẹ nhõm đến lạ lùng.

Chương 25

Ngày hai mươi tháng mười một là ngày lễ hội ở các trường học. Không khí vui tươi, nhộn nhịp tràn ngập khắp nơi, ở trong các lớp học, ở ngoài sân nắng, thậm chí ở tận ngoài phố nơi từng tốp học trò lũ lượt kéo nhau đi với những bó hoa rực rỡ trên tay. Các thầy cô mắt long lanh, với những bông hoa tươi thắm trên ngực áo vừa được học trò gắn lên, đi đi lại lại trên các hành lang. Trong phòng giáo viên, những gói quà bọc giấy màu sặc sỡ chất thành từng chồng.
Thường ngồi trong lớp đang bâng khuâng nhớ đến các thầy cô cũ, chợt giật mình thấy Thủy Tiên bước lại.
Sự xuất hiện của Thủy Tiên khiến Thường hơi ngỡ ngàng. Từ buổi tối sinh nhật đó đến nay, Thường luôn tìm cách tránh mặt Thủy Tiên. Nếu tình cờ gặp cô ở ngoài cổng hay ở trước cửa lớp, Thường chỉ nói chuyện qua quít vài câu rồi vội vàng lảng đi. Thái độ của Thường khiến Thủy Tiên vô cùng bứt rứt, nhưng cô không tiện hỏi. Cô mơ hồ cảm thấy Thường đã biết một điều gì đó về cuộc nói chuyện giữa hai anh em cô hôm trước. Hơn nữa, sự khinh miệt của Đạt đối với món quà Thường đem tới đã quá rõ. Chắc Thường giận mình lắm! Thủy Tiên nghĩ vậy và điều đó cứ khiến cô lúng túng trước mặt Thường, lúng túng đến nỗi những ngày gần đây không chỉ Thường mà cả cô cũng tìm cách tránh những cuộc gặp gỡ tay đôi vốn rất thường xuyên trước đây.
Chính vì những lẽ đó mà khi Thủy Tiên đột ngột tiến lại, Thường bất giác đâm ra hoang mang. Anh cứ chúi đầu vào cuốn tập trước mặt giả bộ như không hay biết.
Thủy Tiên nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Thường và khẽ hắng giọng. Đến đây thì Thường không thể làm ngơ. Anh ngước lên liếm môi hỏi:
- Có chuyện gì vậy Thủy Tiên?
Câu hỏi khách sáo của Thường khiến Thủy Tiên hơi nhíu mày. Nhưng cô vội mỉm cười và thay vì trả lời, cô hỏi lại:
- Tối nay Thường rảnh không?
Không hiểu sao Thường lại buột miệng:
- Chi vậy? Đi dự sinh nhật nữa hả? Thủy Tiên đang tính nói, bỗng ngớ ra. Ánh mắt của cô trông bàng hoàng đến tội nghiệp. Ngay lập tức Thường cảm thấy ân hận về kiểu ăn nói cay độc của mình. Thường biết là anh không muốn, anh hoàn toàn không muốn thốt ra những lời lẽ như vậy nhưng chẳng hiểu sao chúng lại cứ tuôn ra như thể chúng đã mai phục từ lâu lắm trong miệng của anh và chỉ chờ dịp là vội vàng nhảy tót ra như một lũ ếch hăm hở vồ mồi.
Nhưng Thường lại chẳng biết làm gì để cứu vãn tình thế. Mọi lời xin lỗi đều trở nên vô duyên và chỉ làm tăng thêm sự lố bịch. Anh chỉ có cách ngồi im và đưa mắt nhìn đi đâu đó phía bên ngoài cửa sổ, bụng sôi lên những lời tự nguyền rủa.
Mãi một lúc lâu, Thủy Tiên mới lên tiếng phá tan sự im lặng. Cô hỏi bằng giọng buồn rầu:
- Bộ Thường giận Thủy Tiên lắm hả?
- Không, không! Tôi có giận gì Thủy Tiên đâu! - Thường lật đật phủ nhận.
- Nếu không tại sao Thường nói vậy?
Nghe Thủy Tiên hỏi tới, Thường lại càng lúng túng. Anh im lặng lắc đầu một cách máy móc.
- Chắc là Thường giận anh Đạt? - Thủy Tiên lại thăm dò.
- Không! - Thường đáp một cách khó khăn - Tôi không giận ai hết! Tôi chẳng muốn giận ai! Tôi chẳng muốn gì hết!
- Nhưng...
Thủy Tiên vừa mấp máy môi, Thường liền cắt ngang:
- Không có "nhưng" gì cả! Thủy Tiên đừng hỏi nữa!
Thấy Thường không muốn bộc bạch tâm sự, Thủy Tiên đành thôi dò hỏi.
Cô chép miệng, nói trổng trổng:
- Anh Đạt tính nghiêm khắc, hơi khó chịu nhưng ảnh không phải là kẻ xấu bụng!
Thấy Thủy Tiên bênh vực Đạt, Thường hơi nhăn mặt. Nhưng anh không phản bác, mà hỏi sang chuyện khác:
- Thủy Tiên hỏi tôi tối nay rảnh không chi vậy?
- Ồ, - Thủy Tiên lấy lại vẻ tươi tỉnh - Thủy Tiên tính rủ Thường đến thăm các thầy cô năm ngoái.
Đang ngồi nghĩ lan man đến các thầy cô cũ, nghe Thủy Tiên rủ vậy, Thường đã định gật đầu. Nhưng anh bỗng e dè:
- Có những ai cùng đi vậy?
- Có ai xa lạ đâu! Tuyền nè, Hải nè, Dũng nè!
Hóa ra toàn những bạn thân của Thủy Tiên, những khuôn mặt dự sinh nhật hôm trước. Có cả Dũng Ăng-lê nữa! Thường hoang mang không biết cả bọn kéo nhau đi thăm thầy cô thật hay nhân dịp này lại lôi nhau đi chơi những đâu.
- Sao, Thường đi không? - Thấy Thường có vẻ lưỡng lự, Thủy Tiên bồn chồn hỏi.
Thường khẽ ngước nhìn lên và chợt mềm lòng khi bắt gặp ánh mắt nửa như chờ đợi nửa như nài nỉ của Thủy Tiên. Thốt nhiên Thường rùng mình và anh nghe tiếng nói của mình nhẹ như hơi thở:
- Đi!

Nguồn: music.vietfun.com