20/12/12

Buổi chiều windows (C7-8)

Chương 7

Trong khi Thiếu đang lo lắng về sự tinh nghịch quá trớn của các cô nhân viên đối với khách hàng thì bỗng xảy ra một chuyện khiến anh vô cùng phấn chấn và ngay lập tức quên bẵng mất nỗi e ngại canh cánh bấy nay.
Hôm đó đang ngồi nhập dữ liệu, thình lình Thục kêu lên :
- Anh Thiếu ơi anh Thiếu !
- Gì vậy Thục ?
Thục ngập ngừng :
- Hình như bản thảo này viết sai hay sao ấy !
Thiếu ngạc nhiên rời bàn bước lại :
- Sai sao ?
Thục chỉ tay vô bài viết trước mặt:
- Hai câu thơ này của Hàn Mặc Tử mà ông tác giả này ổng bảo là của Xuân Diệu ! Thiếu nhíu mày nhìn vào tập bản thảo. Cả Xuyến và Cúc Hương cũng tò mò chụm đầu nhìn theo tay Thục chỉ. Quả là có hai câu thơ được trích dẫn trong bài:

Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
Thiếu lẩm nhẩm đọc đi đọc lại hai, ba lần rồi vỗ trán:
- Thục nhớ có chắc không ? Sao tôi thấy hai câu này giống thơ Xuân Diệu quá !
Cúc Hương hừ mũi:
- Cancel câu nói đó đi nghen ! Nhỏ Thục của tụi này là học sinh giỏi văn cấp thành phố đó ! Nó nói không có sai đâu !
Cancel là ngừng thực hiện hoặc hủy bỏ một mệnh lệnh vừa phát ra. Cách đây mấy ngày, Thiếu vừa giảng giải cho Cúc Hương về lệnh cancel, bây giờ nó đem lệnh đó ra kê ngay vào trước mũi anh khiến anh dở cườ dở mếu.
- Đâu phải là tôi không tin Thục ! - Thiếu ấp úng phân trần - Tôi chỉ muốn nói chúng ta phải thận trọng trong những trường hợp như thế này thôi !
Thục mỉm cười:
- Anh Thiếu đừng lo ! Tôi chắc chắn đây là hai câu thơ của Hàn Mặc Tử !
- Thúc có nhớ tên bài thơ đó không ?
Thiếu hỏi Thục mà mắt lại cảnh giác ngó Cúc Hương, sợ nó nổi hứng chặn họng mình.
- Đó là bài "Những giọt lệ" ! - Thục chậm rãi đáp - Hai câu này là hai câu cuối của khổ thứ hai !
Rồi không đợi Thiếu yêu cầu, Thục đọc luôn cả bốn câu:

- Họ đã xa rồi không níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
Đến lúc này Thiếu mới thực sự yên tâm. Anh cười xòa:
- Như vậy là ông tác giả này sai đứt đuôi đi rồi !
Cúc Hương tủm tỉm:
- Bài thơ nào có "thương thương mến mến" là con Thục nó thuộc kỹ lắm !
Thục phớt lờ câu châm chọc của Cúc Hương. Nó ngước nhìn Thiếu:
- Bây giờ sao hở anh ?
- Sao là sao ?
- Mình có nên nói cho cái ông gì đó ở báo Tuổi Hoa biết không ?
- Ờ, ờ, nói chứ! - Thiếu tặc lưỡi, rồi anh nói tiếp, vẻ ngần ngại - Chả rõ khi bị mình phát hiện ra sai sót, họ có tự ái gì không !
- Anh chỉ giỏi tài lo xa! - Cúc Hương bĩu môi - Mình chỉ cho họ thấy cái sai để họ kịp sửa trước khi in ra hàng vạn bản, lẽ ra họ phải khệ nệ khiêng cả núi bánh trái đến tạ ơn mình ấy chứ !
- Mày nữa! - Thục lườm Cúc Hương - Mày không mở miệng thì thôi, còn hễ mở miệng thế nào cũng dính tới chuyện ăn uống!
Cúc Hương cười hì hì :
- Thì trời sinh cái miệng là để ăn mà! Nếu mở miệng mà không dính đến ăn uống thì mở làm gì cho nó ... mỏi !
Thực ra cái miệng của Cúc Hương không chỉ dùng để ăn. Ngày hôm đó nó còn dùng để nói những lời tiên tri nữa.
Bởi vì hai ngày sau người đàn ông tên Bông của tòa soạn báo Tuổi Hoa ghé lại và trái với sự e ngại của Thiếu, khi được anh báo lại những sai sót của bài viết, Ông ta chẳng hề tự ái hay khó chịu. Ngược lại, ông còn luôn miệng cảm ơn rối rít.
Và khi biết người có công lớn trong chuyện này là Thục, một trong ba cô gái đánh máy tinh nghịch kia, ông liền chạy ra ngoài mua một bọc bánh trái đem vào.
Ông đặt bọc bánh xuống trước mặt ba cô gái vui vẻ:
- Mời các cô ! Đây coi như là món quà tạ ơn của tôi ! nếu cô Thục không kịp thời phát hiện ra sự lầm lẫn kia thì thật tai họa không biết đâu mà lường !
Cúc Hương nhón một miếng bánh cười cười:
- Tránh được một "tai họa không biết đâu mà lường'' mà tạ ơn như thế này thì đúng là còn thiếu nhiều quá !
Người đàn ông bối rối đưa tay vuốt tóc, đúng ra là vuốt cái trán hói:
- Còn thiếu cái gì hả cô Cúc Hương ?
- Ủa sao chú biết tên tôi ? Ờ Cúc Hương ngạc nhiên .
- À , khi nãy anh Thiếu có giới thiệu tên của các cô ! Thiếu cái gì, cô cứ nói ! Nếu tụi tôi có khả năng ...
- Cái này thì dứt khoát là chú có thừa khả năng rồi ! - Cúc Hương nhanh nhẩu ngắt lời - Đó là... đó là...
- Đó là sao? - Người đàn ông hồi hộp.
Cúc Hương nheo mắt :
- Đó là khi báo in ra, chú phải ... tặng tụi này mỗi đứa một cuốn!
- Trời đất tưởng gì! - Người đàn ông thở phào - Chuyện đó đương nhiên tôi phải nghĩ đến rồi, không cần các cô phải nhắc!
Xuyến nãy giờ ngồi im nhai bánh, bỗng vọt miệng :
- Nhưng có một chuyện quan trọng khác chắc chú quên "nghĩ đến" !
Người đàn ông giật thót :
- Chuyện gì vậy cô Xuyến ?
- Chuyện tụi này nhờ chú bữa trước đó!
Người đàn ông bóp trán :
- Chuyện gì vậy cà ?
- Đúng là chú quên thật rồi ! - Xuyến khẽ nhún vai - Chuyện tụi này nhờ chú giới thiệu gặp gỡ nhà thơ Tóc Mây đó!
- À, à - Người đàn ông gật gật gù - Không phải là tôi quên ! Nhưng mấy bữa nay tôi không gặp ổng !
Thục chớp mắt:
- Ổng bệnh hả chú ?
- Không phải ! Ổng đi công tác xa!
Cúc Hương liếm môi:
- Nhà thơ mà cũng đi công tác ? Tôi cứ tưởng đã là nhà thơ thì chỉ có ngồi làm thơ thôi chứ !
- Đâu có suy nghĩ đơn giản như cô được! - Người đàn ông phì cười - Nhưng các cô cứ yên chí , khi nào nhà thơ Tóc Mây trở về , tôi sẽ chuyển lời dùm các cô !
- Chú ráng nhớ giùm nghen ! - Cúc Hương mỉm cười tinh quái - Chứ con Thục nhà này mà chưa gặp được thi sĩ Tóc Mây là nó ăn không ngon ngủ không yên đâu ! Trong khi người đàn ông ngẩn người ra trước câu nói của Cúc Hương thì Thục thò tay ngắt vào lưng bạn :
- Nói bậy nè!
- Bậy gì! - Cúc Hương vừa né người vừa cao giọng trêu - Học sinh giỏi văn mà gặp thi sĩ giỏi thơ là đúng bài bản quá rồi chứ còn gì nữa !
Cúc Hương nói chưa dứt câu, Thục đã đỏ mặt nhồm người tới khiến Cúc Hương phải xô ghế đứng dậy. Hai cô mải rượt chạy lòng vòng đến nỗi ông khách ở báo Tuổi Hoa cáo từ ra về từ lúc nào cũng chẳng biết. Nếu lúc đó Thiếu không kịp thời can thiệp, phòng vi tinh của công ty Việt Anh có nguy cơ sẽ biến thành cái chợ mất .
Thiếu đặt xấp bản thảo mới trước mặt Xuyến, hắng giọng :
- Chiều nay đánh xong báo Tuổi Hoa, các bạn nhập tiếp cuốn này. Đó là chuyện thứ nhất. Thứ hai là bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng chương trình Page Maker để sắp tới các bạn sẽ thay phiên nhau phụ tôi dàn trang.
- Trước nay anh và anh Vân vẫn dàn được kia mà ? - Xuyến thắc mắc.
- Hiện nay anh Vân đang phải soạn một số biểu mẫu thống kê cho công ty nên chỉ còn mình tôi lo phần này !
Cúc Hương và Thục lúc này đã xúm xít quanh Thiếu. Nghe nói Vân không còn phụ trách công việc xếp chữ, Cúc Hương thảng thốt buột miệng :
- Vậy anh Vân không còn ở đây nữa hả ?
- Thì vẫn ở đây chứ ở đâu ! - Thiếu nheo mắt cười cười đầy ngụ ý.
- Làm gì mà mày cuống lên thế !
Xuyến nguýt Cúc Hương. Nó định mở miệng trêu thêm một câu nữa nhưng sực nhớ Cúc Hương có thể phản công lại nó bất cứ lúc nào nên rốt cuộc nó đành nén lòng ngồi im
Thực ra lúc đó Cúc Hương chẳng còn bụng dạ nào để ý đến những lời chọc ghẹo của Xuyến. Khi nãy, tưởng Vân sắp chuyển khỏi phòng vi tính, nó nghe tim mình như bị ai bóp mạnh. Đến khi Thiếu lên tiếng cải chính, nó mới hoàn hồn. Chỉ trong một thoáng, lòng nó thoắt buồn thoắt vui, trồi lên hụp xuống hệt như xe tải đi qua ổ gà, lạ ghê!
Lắng nghe tiếng đập của trái tim vẫn còn "bình bịch" trong ngực mình, Cúc Hương vừa ngỡ ngàng lại vừa bẽn lẽn. Nó chẳng rõ tại sao dạo này nó thay đổi quá xá. Tự nhiên nó bỗng hóa thành một đứa đa cảm hệt như nhỏ Thục "mít ướt", chẳng còn đâu vẻ oai phong kiêu hãnh của cô gái hệ PAL ngày nào.
Mà Vân, người nhỏ a-xít vào trái tim bằng sắt của nó, lúc nào cũng giữ bộ mặt phớt tỉnh Ăng-lê trông phát ghét! Với anh, bao giờ Cúc Hương cũng cảm thấy xa cách. Thật chả bù với sự thân mật quá đáng giữa Thiếu và Xuyến. Hai người này không biết "tâm sự" với nhau những gì mà lần nào nhìn qua, Cúc Hương cũng thấy họ thủ thỉ rù rì.
Vân lại khác. Anh ngồi tít đằng góc phòng, chẳng khác nào ngồi trên ... sao Hỏa, Cúc Hương không biết làm sao bắt chuyện. Anh lại giữ ý giữ tứ chẳng buồn bén mảng lại chỗ Cúc Hương ngồi, trừ khi có "yêu cầu đặc biệt".
Thấy vậy, Cúc Hương càng muốn "hành hạ" anh cho bõ tức. Nó cứ "Anh Vân ới ời" luôn miệng, dù chỉ để nhờ anh một chuyện nhỏ xíu. Buổi học Windows đầu tiên cũng vậy.
Hôm đó Thiếu trực tiếp hướng dẫn cho ba cô gái. Còn Vân vẫn ngồi cặm cụi đằng góp phòng trước chiếc máy của mình.
Thiếu vừa gõ lệnh Win vừa giảng giải:
- Windows là một môi trường hay là một hệ điều hành do hãng Microsoft sản xuất ...
Thiếu càng cắt nghĩa, Cúc Hương càng rối mù. Nó rối rít :
- Thôi, thôi nói chừng đó là dư hiểu rồi ! Bây giờ anh nói cho tụi này nghe tại sao người ta gọi cái chương trình này là Windows đi!
Đúng lúc đó , cửa sổ Program manager xuất hiện trên màn hình. Thiếu chỉ tay lên khung chữ nhật mầu trắng :
- Cái khung này gọi là cửa sổ!
Xuyến ngồi cạnh Thiếu lâu nay, đã từng hiếu kỳ liếc xem anh dàn trang nên chẳng lạ gì cái "cửa sổ" đó . Chỉ có Thục và Cúc Hương là ngạc nhiên.
Cúc Hương trợn mắt :
- Trời đất cái khung này to đùng như cái cổng chợ Bến Thành mà dám gọi là "cửa sổ" hả ?
- Ta có thể làm cho nó nhỏ lại !
Vừa nói Thiếu vừa cầm lấy con chuột. Anh rê con trỏ tới góc cửa sổ, bấm nhẹ một cái. Khung cửa sổ lập tức thu nhỏ lại còn phân nửa. Anh bấm thêm một cái nữa, khung cửa sổ đóng hẳn lại và biến thành một hình tượng nhỏ bằng con tem nằm ở đáy màn hình.
Trong khi các cô gái đang còn ngạc nhiên, Thiếu bấm đúp hai cái lên hình tượng. Cửa sổ Program Manager lại mở ra.
- Hay quá hén ! - Thục buột miệng khen.
Thiếu mỉm cười :
- Windows đại khái là vậy. Đó là một hệ thống phần mềm tổng hợp được điều hành thông qua các cửa sổ.
Rồi anh chỉ tay vào hình tượng có chữ Aldus trên màn hình :
- Đây là cửa sổ để vào chương trình dàn trang Page Maker. Nhưng trước khi học tới phần này, các bạn cần phải học cách điều khiển thành thạo con chuột đã!
Theo lệnh của Thiếu, ba cô gái ai về chỗ nấy. Sau đó, Thiếu đi tới từng máy hướng dẫn các cô gái cách sử dụng thứ thiết bị lạ lẫm này.
Trong khi Xuyến và Thục ngồi chăm chỉ dượt tới dượt lui các thao tác thì Cúc Hương sau khi kéo con chuột chạy lòng vòng trên màn hình, bỗng ngoác miệng kêu lớn :
- Anh Vân ới ời !
- Gì vậy Cúc Hương ? - Vân quay sang.
- Anh lại đây tôi nhờ cái này chút !
Vân rời bàn bước lại:
- Gì ?
Cúc Hương gãi đầu:
- Anh chỉ tôi cách thoát khỏi cửa sổ này đi !
- Nhấn ESC! Bộ Cúc Hương không nhìn thấy hàng chữ dưới đáy màn hình sao ?
Vân nói, chân dợm quay lại chỗ ngồi. Nhưng Cúc Hương đã gọi giật:
- Khoan đã!
- Gì nữa ?
Cúc Hương nhõng nhẽo:
- Anh làm sao cho máy của tôi khác với máy của hai đứa kia đi !
Vân hừ mũi :
- 386 thì máy nào cũng giống máy nào cũng giống máy nào, làm sao "làm cho khác" được ! Chẳng lẽ đổi lại cho cô chiếc 286 bữa trước ?
Thấy Vân có vẻ bực bội, Cúc Hương liền xuống nước :
- Ý tôi không phải vậy ! Tôi muốn nói cái màn hình kìa !
- Cô thì lúc nào cũng màn hình ! - Đang làu bàu, chợt nhận ra mình quá nghiêm khắc, Vân liền dịu giọng - Màn hình sao ?
Cúc Hương chớp mắt:
- Sao cái màn hình Windows nào cũng trắng nhờ nhờ hết vậy ? Bộ không có màu nào tươi tắn hơn sao ?
- Cô muốn đổi màu thì vào đây cô tha hồ đổi !
Vừa nói Vân vừa cầm lấy con chuột trên tay Cúc Hương. Vừa chạm vào tay anh, Cúc Hương giật bắn người, vội rụt phắt tay lại nhưng rồi thấy anh chẳng để ý gì, nó tự xấu hổ thầm và nghe mặt mình nóng lên .
Vân mở hộp Color trong cửa sổ Control Panel, dịu dàng bảo:
- Trong này người ta đã cài đặt sẵn trên hai mươi mẫu màu, Cúc Hương muốn chọn màu nào cũng được. Đây là mẫu Bordeaux. Còn đây là mẫu Pastel...
Nói đến đâu, Vân nhấn phím mũi tên cho mẫu màu hiện ra đến đó.
Cúc Hương dán mắt vào màn hình, luôn miệng xuýt xoa :
- Trời ơi, đẹp quá!
Vân mỉm cười :
- Nếu không thích những mẫu màu có sẵn, Cúc Hương có thể tạo ra những mẫu màu như ý muốn.
Nghe vậy, mắt Cúc Hương sáng trưng. Nó láu táu:
- Đâu? Cách nào đâu ?
Sau khi học được cách pha màu, Cúc Hương chúi mũi vào màn hình say sưa "thiết kế" hết mẫu này đến mẫu khác . Nó mê mẩn trò này đến nỗi Vân bỏ đi lúc nào, nó cũng chẳng hay.
Nó tạo một mẫu toàn màu xanh ngọc và đỏ cánh sen, đặt tên là mẫu "hy vọng". Mẫu "nhớ nhung" thì pha trộn giữa tím, vàng nhạt và xanh nước biển. Mẫu "cáu kỉnh" gồm màu nâu và màu đỏ sậm. Mẫu "u buồn" có vàng và xanh lá cây ...
Xong xuôi đâu đó, nó quay sang khều Thục :
- Xem này !
- Gì vậy ?
- Tao vừa chế ra các mẫu màu lạ lắm !
Vừa nói Cúc Hương vừa hí hửng giới thiệu các mẫu màu trên máy.
Thục nhăn mặt :
- Mày đặt tên thấy mà ghê ! Cái gì mà "u buồn" với lại "cáu kỉnh" ?
Miệng tuy nói vậy nhưng trong bụng Thục vẫn khoái cái trò "tạo mẫu" của bạn mình mê tơi. Vì vậy, khi Cúc Hương sừng sộ :
- Tao đặt tên gì kệ tao! Mày có muốn học không ?
Thục liền rối rít :
- Học học ! Mày chỉ tao đi!
Thục bắt chước Cúc Hương, tạo một số mẫu màu cho riêng mình. Nhưng nó chỉ thay đổi mẫu màu trên màn hình Windows một thời gian rồi lại quay trở về với màu xanh trắng ban đầu. Cúc Hương thắc mắc, nó bảo:
- Những mẫu màu kia đẹp thì đẹp thật nhưng khó nhìn thấy chữ quá !
Cúc Hương "xì" một tiếng :
- Chứ sao tao đọc được ?
Nghe Cúc Hương hỏi vặn, Thục há hốc mồm, chẳng biết trả lời sao đành nhe răng cười trừ.
Cúc Hương không chỉ sử dụng các màu nền đa sắc, mà nó còn thay đổi mẫu mã liên tục. Bữa nào vui vui, nó cài mẫu "hy vọng". Hôm nào chán chán, nó chọn mẫu "u buồn".
Một bữa Vân đi ngang qua , thấy màn hình trước mặt Cúc Hương toàn nâu với đỏ, anh ngạc nhiên ngừng lại hỏi :
- Sao cô chọn màu gì trông nhức mắt quá vậy ?
Cúc Hương lạnh lẽo :
- Tôi thích vậy ! Đây là mẫu "cáu kỉnh" !
Vân bật cười :
- Mẫu "cáu kỉnh" tên gì ngộ quá vậy ?
- Chẳng có gì là ngộ hết ! - Giọng Cúc Hương vẫn lạnh băng - Hôm nào cáu kỉnh thì tôi chọn mẫu này !
Lời giải thích của Cúc Hương khiến Vân không nén được tò mò:
- Vậy bữa nay cô cáu lắm hả ?
- Chứ còn gì nữa !
Vân tủm tỉm :
- Ai làm gì cô mà cô cáu thế ?
- Anh chứ ai !
- Tôi ? - Vân chưng hửng.
Cúc Hương mím môi :
- Chứ còn ai vô đây !
Vân bắt đầu bối rối. Anh dè dặt hỏi lại :
- Tôi có làm gì đâu mà cô cáu ?
Cúc Hương vùng vằng :
- Ai bảo hồi sáng anh la tôi !
Vân trố mắt:
- Tôi la cô hồi nào ?
- Hồi tôi chơi games đó!
- Trời đất, cái cô này! - Vân lắc đầu - Tôi chỉ sợ cô mải chơi quên nhập dữ liệu, tôi nhắc thế thôi chứ tôi la cô hồi nào !
- Nhắc thì cũng như la! - Giọng Cúc Hương bướng bỉnh .
Biết không thể "đối thoại" với cô gái "cáu kỉnh" này được, Vân chỉ biết thở một hơi dài và lặng lẽ bỏ đi.
Nhưng cũng từ bữa đó, Vân bắt đầu chú ý đến màn hình Windows của Cúc Hương. Và chẳng bao lâu anh đã biết hết các màu sắc Cúc Hương thường sử dụng cũng như những ý nghĩa ẩn sau mẫu màu kỳ lạ đó.
Và cũng từ đó, anh trở nên thận trọng hơn trong cách ứng xử của mình với cô gái đa cảm này. Hễ hôm nào thấy trên màn hình của Cúc Hương Xuất hiện màu nâu và đỏ sậm hoặc vàng và xanh lá cây thì hôm đó dẫu cô quấy phá, vòi vĩnh hoặc mê mải chơi games đến mấy, anh cũng bấm bụng tươi cười ra vẻ ta đây là một người dễ tính lắm lắm. Anh không nỡ làm phật lòng cô một khi cô đã lặng lẽ báo cho cả thế giới biết rằng cô đang "cáu kỉnh" hoặc đang rất đỗi "u buồn"...

Chương 8

Người đàn ông tên Bông lại tới.
Chào hỏi xong , ông rút ra từ trong túi xách ba tờ báo Tuổi Hoa còn thơm mùi mực in.
- Quà tặng cho các cô đây ! Ông nói và đặt ba tờ báo xuống bàn.
- Ôi cám ơn chú ! - Xuyến xuýt xoa - chú tốt quá !
Cúc Hương và Thục cũng lập tức xúm lại Cúc Hương hỏi :
- Làm sao tờ báo của chú có thể in nhanh thế ? Tụi này mới giao bản nhũ cho chú cách đây năm, sáu ngày kia mà!
- Ồ, tưởng gì chứ in thì nhanh thôi ! Máy in chỉ chạy vèo một cái là xong cả vạn tờ! Chỉ có khâu đóng xén là lâu. Hiện nay chỉ mới xong được vài trăm tờ.
- Ồ ! - Thục reo lên - Hóa ra đây là những tờ báo đầu tiên !
Người đàn ông mỉm cười :
- Thì phải ưu tiên cho các cô chứ !
- Nhưng còn chuyện kia thì sao ? - Thục chợt hỏi.
- Chuyện gì ?
Cúc Hương nháy mắt :
- Con Thục mà hỏi thì chỉ có chuyện nhà thơ Tóc Mây thôi chứ chuyện gì!
- Nhà thơ Tóc Mây hả - Người đàn ông lộ vẻ bối rối - Đến bữa nay tôi cũng chưa gặp ổng !
Cúc Hương khịt mũi :
- Ổng đi công tác gì mà lâu dữ vậy ?
Người đàn ông gãi trán :
- Ổng đi họp cộng tác viên tuốt ngoài miền Trung lận ! Nhưng các cô cứ yên tâm. Tôi đã hứa rồi, hễ ổng về là tôi nhắn ngay !
- Thôi , được rồi ! - Cúc Hương chép miệng.
- Chuyện đó save lại đi. Từ từ tính sau !
Rồi nhìn cái túi xách căng phồng của người khách, nó tinh quái hỏi :
- Còn bây giờ chú nói thật đi ! Chú bỏ bánh trái gì trong túi xách mà ngó nặng ì vậy ?
Thấy Cúc Hương "trục lợi" một cách trắng trợn, Thục hoảng hồn thúc khuỷu tay vô hông bạn. Nhưng Cúc Hương vẫn tảng lờ. Nó nhìn người đàn ông, cười cười :
- Sao chú còn chưa lấy ra ?
- Bánh trái gì đâu ! - Người đàn ông lúng túng - Đây là xấp bản thảo của cuốn Tuổi Hoa số tới, tôi đem đến cho các cô đánh !
- Trời đất ! - Cúc Hương kêu lên, giọng tỉnh rụi - Nếu là bản thảo thì lấy ra ngay từ đầu cho rồi ! Chú để trong đó làm chi cho tụi này ... hiểu lầm.
Người đàn ông không biết đối đáp làm sao, đành nhăn nhó rút xấp bản thảo ra đặt lên bàn.
Thục vói tay cầm xấp bảnn thảo. Nó lật lật hai ba tờ, mỉm cười hỏi :
- Số báo này hay không chú ?
Người đàn ông tặc lưỡi :
- Cái đó là tùy người đọc, chứ tôi làm sao trả lời được !
Thục không hỏi nữa. Nó cúi xuống xấp giấp, tò mò đo.c lướt vài trang.
Ngay lúc đó, nó không ngờ trong xấp bản thảo nó đang cầm trên tay có mộtbài thơ mới của thi sĩ Tóc Mây và vì bài thơ đó mà nó bị Xuyến và Cúc Hương trêu tối mày tối mặt.
Người phát hiện ra bài thơ đó cũng là Xuyến.
Chiều hôm sau, đang ngồi nhập tin, Xuyến bỗng la lên :
- Có cái này lạ lắm tụi mày ơi !
- Gì nữa vậy ? - Cúc Hương ngó qua.
- Thơ.
- Lại "con mắt đỏ, con mắt vàng" nữa hả ?
- Không ! Bài này khác ! Bài này liên quan tới con Thục nhà mình !
- Lại bịa chuyện nữa đi !
- Tao bịa mày làm gì ! - Xuyến chỉ tay vào bài thơ trong xấp bản thảo - Thi sĩ Tóc Mây làm thơ tặng mày đàng hoàng đây nè !
Thục nhìn lướt qua bài thơ Xuyến chỉ. Bài thơ có tên là "Gặp nhau làm chi vội". Ngay dưới đề bài, có lời đề tặng Th.
Thục "xí" một tiếng :
- Vậy mà dám nói là tặng tao !
Xuyến cãi:
- Th. là mày chứ còn ai!
Thục chun mũi:
- Thiếu gì người tên Th. Thanh nè, Thủy nè, Thu nè, Thúy nè...
- Thôi, thôi, mày tốp giùm đi ! - Xuyến xua tay - Để tao đọc bài thơ lên, mày xem có phải là nhà thơ Tóc Mây tặng mày hay không !
Rồi không đợi Thục có ý kiến, Xuyến hắng giọng đọc :

Xin đừng buồn em nhé
Mùa xuân xanh qua rồi
Xin em đừng tựa cửa
Lá vàng nào không rơi
Mùa thu nào không vắng
Bóng chiều nào không trôi
Gặp nhau làm chi vội
Để mai người xa tôi...

- Đúng ***c rồi ! - Xuyến vừa đọc dứt, Cúc Hương liền kêu lên - Đúng là bài thơ này viết tặng con Thục rồi !
Rồi nheo nheo mắt nhìn Thục, Cúc Hương trêu:
- Kỳ này được lên báo, sướng hén !
Thục đỏ mặt:
- Tụi mày chỉ toàn nói bậy!
- Chứ còn gì nữa! - Cúc Hương vẫn không buông tha - Ngày nào mày cũng nằng nặc đòi gặp nhà thơ, nhà thơ bèn nhắn "Gặp nhau làm chi vội, để mai người xa tôi". Đấy là nhà thơ sợ mối tình giữa mày với nhà thơ chưa kịp xây lên đã sập xuống...
- Thôi, thôi, đủ rồi nghen! - Thục đấm thùm thụp vào lưng Cúc Hương - Chính mày là người đầu tiên đòi gặp nhà thơ Tóc Mây, tự dưng bây giờ lại đổ vấy cho tao!
Cúc Hương gật gù :
- Thì tao là người đầu tiên. Nhưng tao chỉ nói chơi thôi. Còn mày không phải là người đầu tiên nhưng mày "nhớ thương" ổng thật !
- Đừng có xạo ! Tao nhớ thương hồi nào !
- Không nhớ thương mà khi nghe người đàn ông đầu hói ở báo Tuổi Hoa bảo không gặp nhà thơ Tóc Mây, mày đã lo cuống lên, hỏi han lung tung, nào là ổng bịnh hả chú, ổng có mệt lắm không, ổng có cần tôi tới cạo gió dùm không chú, ổng có...
- Dẹp mày đi! Tao không nghe nữa đâu !
Thục vùng vằng đưa tay lên bịt tai lại. Nhưng vừa đưa tay lên, nó đã vội buông xuống, miệng kêu "ủa" một tiếng.
Cúc Hương cười hì hì:
- "Ủa" gì mà "ủa" ! Thừa nhận rồi phải không ?
Thục chìa cùi chỏ:
- Thừa nhận cái này nè! Đừng có ham!
Cúc Hương gãi đầu :
- Chứ mày "ủa" chuyện gì ?
Thục cười tươi :
- Tao sực nghĩ ra một chuyện ! Vì vậy tao có thể chứng minh bài thơ đó không phải tặng tao !
Cúc hương hất mặt :
- Chứng minh thử coi !
Thục chậm rãi :
- Theo như lời người đàn ông tên Bông nói từ khi quen biết tụi mình đến nay, ông ta vẫn chưa gặp lại nhà thơ Tóc Mây, do đó...
-Thôi khỏi "do đó" nữa! Tao hiểu rồi
Cúc Hương cắt ngang lời Thục. Nhưng miệng nói "hiểu rồi" mà mặt nó lại lộ vẻ ngẩn ngơ. Ủa, lạ nhỉ, cái ông Tóc Mây gì gì đó đâu đã biết tụi mình mà làm thơ tặng con Thục mít ướt ?
Thục nhìn vẻ mặt ngỡ ngàng của Cúc Hương, đắc chí hỏi :
- Sao, tao nói đúng không ?
Cúc Hương không trả lời thục mà lại chồm sang Xuyến :
- Lạ quá mày ?
- Chẳng có gì lạ hết !
Xuyến điềm nhiên đáp. Từ nãy đến giờ, nghe Thục và Cúc Hương đối đáp, nó chỉ ngồi cười cười không lên tiếng.
- Không lạ ? Cúc Hương tròn mắt.
- Ừ.
- Nghĩa là mày cũng thừa nhận là mày đã đoán sai ? Bài thơ đó không phải viết tặng con Thục ?
Xuyến tủm tỉm :
- Mày lầm rồi ! Bài thơ đó được viết ra chính là để tặng con Thục nhà mình !
Cúc Hương ngơ ngác :
- Nhưng ông thi sĩ Tóc Mây kia đâu có biết tụi mình ?
- Biết ! - Xuyến vẫn đáp bằng giọng ỡm ờ.
- Làm sao biết ?
- Nghe người đàn ông tên Bông nói !
Thục vọt miệng :
- Hai người chưa gặp nhau kia mà !
Xuyến thủng thẳng :
- Gặp rồi !
Đến đây thì Cúc Hương vỡ lẽ. Nó gật gù :
- Nghĩa là người đàn ông tên Bông kia đã nói dối tụi mình ?
- Đúng vậy !
Cúc Hương lắc đầu :
- Vô lý ! Chẳng có lý do gì để ông ta phải nói dối cả.
- Thế mà có đấy ! - Xuyến nhún vai - Vì nhà thơ Tóc Mây không muốn gặp tụi mình, ông ta buộc phải nói dối !
Nhận định "phũ phàng" của Xuyến khiến Thục và Cúc Hương bất giác đưa mắt nhìn nhau.
Mãi một lúc, Thục mới hỏi Xuyến, nó hạ giọng thật thấp để Thiếu đừng nghe thấy :
- Nhưng theo mày thì tại sao nhà thơ Tóc Mây không muốn gặp tụi mình ?
- Tao không biết ! - Giọng Xuyến trầm ngâm.
Cúc Hương liếm môi :
- Hay tại vì hôm trước tụi mình lỡ miệng chê thơ ổng khó hiểu ?
Xuyến cười :
- Không phải đâu !
- Thế thì tại sao ?
Xuyến chép miệng :
- Muốn hiểu được lý do chỉ có cách duy nhất là "nghiên cứu" thật kỹ nội dung bài thơ ông gửi tặng con Thục !
- Hay đấy !
Buột miệng xong, Cúc Hương cầm xấp bản thảo lên, đưa bài thơ vào tận mắt, săm soi. Có cảm tưởng không phải nó đọc thơ mà giống như nó đang tìm kiếm một con "vi trùng" nào trốn trong đó vậy !
Cho đến lúc này , Thục vẫn bán tín bán nghi không rõ có phải thi sĩ Tóc Mây viết bài thơ đó là để tặng nó không, nhưng thấy hai bạn mình quá sốt sắng, nó cũng hăm hở chụm đầu vào ... "nghiên cứu".
Cúc Hương vừa lẩm nhẩm đọc, vừa gật gù :
- Hiểu rồi ! Hiểu rồi !
Thái độ của Cúc Hương khiến Thục sốt ruột :
- Hiểu sao nói đại ra cho rồi, cứ bày đặt "hiểu rồi, hiểu rồi" hoài !
Cúc Hương liếc xéo Thục :
- Mày cứ bình tĩnh ! Chuyện tình cảm không thể nóng vội được !
Thục bĩu môi :
- Tình cảm cái mốc xì !
Cúc Hương hừ mũi :
- Đừng có tự dối lòng mình ! Nhìn cặp mắt chớp chớp của mày là tao biết tỏng hết rồi !
Thấy Cúc Hương át giọng, Thục liền ngậm tăm. Nó biết nó càng cãi, Cúc Hương lại càng trêu già. Tốt nhất là ngồi im quách.
Quả vậy, thấy Thục chịu lép, Cúc Hương không buồn chọc ghẹo nữa. Nó vung vẩy xấp bản thảo trên tay mặt ra vẻ nghiêm nghị :
- Mày lắng tai nghe tao hỏi nè !
Bộ tịch trịnh trọng của Cúc Hương khiến Thục buồn cười. Nhưng nó không dám cười.
- Hỏi gì hỏi đi ! - Thục cố giữ giọng bình thản.
Cúc Hương hắng giọng :
- Một năm có mấy mùa ?
Thục nhăn nhó :
- Đương nhiên là bốn mùa !
- Không có "đương nhiên đương nhiếc" gì hết ! Tao hỏi mấy mùa thì đáp là mấy mùa thôi ! - Sau khi "lên lớp" một tràng, Cúc Hương khoan thai hỏi tiếp - Trong bốn mùa thì hai mùa nào được coi là đẹp nhất ?
Thục chép miệng :
- Đương nhiên là ... à quên, mùa thu được coi là đẹp nhất !
Cúc Hương khịt mũi :
- Còn hiện nay đang là mùa gì ?
- Mùa hè.
- Đó, thấy chưa ?
Thục ngơ ngác :
- Thấy gì ?
- Thì thấy tình ý của nhà thơ Tóc Mây gửi cho mày chứ thấy gì !
- Tình ý gì đâu ?
- Mày ngốc quá ! Nghe đây nè ! - Giọng Cúc Hương chậm rãi - Mùa xuân và mùa thu là hai mùa tươi đẹp nhất trong năm. Đó cũng là thời điểm thích hợp cho tình yêu nảy nở. Còn mùa hè là mùa nóng nực, tình yêu mà ló mặt ra là bị mặt trời đốt rụi liền. Do đó, nhà thơ mới than "mùa xuân xanh qua rồi", còn mùa thu thì chưa đến, vì vậy mới dặn mày "gặp nhau làm chi vội", ý là bảo mày ráng đợi đến mùa thu hãy ... tỏ tình ...
Thục "xí" một tiếng :
- Có mày tỏ tình thì có !
Cúc Hương vẫn phớt lờ và thản nhiên bình luận tiếp :
- Rồi sợ mày thấy lâu quá, đợi không nổi mà đem con tim trao cho người khác, nhà thơ bèn động viên bằng câu "bóng chiều nào không trôi", ý nói thời gian trôi nhanh lắm, mày đừng nên sốt ruột...
Thục bĩu môi :
- Không biết ai sốt ruột ...
Cúc Hương trừng mắt :
- Mày chứ ai ! Mày "ăn ốc" cho đã rồi bây giờ bắt tao "đổ vỏ" hả ?
Trước mồm mép lanh lợi của Cúc Hương, Thục đành ngồi trơ như phỗng, chẳng biết phải đáp trả như thế nào.
Xuyến thấy tội tội liền cười cười lên tiếng "giải vây" :
- Bài thơ này đích thị là thi sĩ Tóc Mây viết tặng con Thục rồi ! Nhưng nói cho công bằng thì con Thục cũng chưa ăn được "con ốc" nào đâu !
Cúc Hương chun mũi :
- Nó len lén nó ăn, làm sao tao và mày biết được ?
Thục đang định chồm người qua ngắt vào lưng Cúc Hương thì Thiếu vừa bỏ ra ngoài lại đột ngột đẩy cửa bước vào khiến nó đành ngồi ngay người lại.
Thiếu đặt một xấp tiền trước mặt Xuyến, chưa kịp mở miệng thì Xuyến đã hỏi :
- Tiền gì vậy anh Thiếu ?
- Tiền lương tháng này của các bạn đó !
Xuyến trố mắt :
- Trời đất, làm ăn bết bát như tụi này mà cũng được lãnh lương sao ?
Thiếu mỉm cười :
- Các bạn làm giỏi thấy mồ chứ bết bát gì !
- Cái đó là đương nhiên rồi ! - Xuyến quệt mũi, lém lỉnh - Khi nãy tôi giả bộ khiêm tốn tôi nói vậy chứ bộ anh tưởng tôi nghĩ vậy thật hả !
Kiểu ăn nói ranh mãnh của Xuyến khiến Thiếu chỉ biết nhe răng cười trừ.
- Mỗi người lãnh được bao nhiêu vậy ? - Cúc Hương hỏi.
- Khoảng hai trăm ngàn.
- Cha mẹ ơi, sao nhiều dữ vậy ? - Cúc Hương kêu lên - Kiểu này thì giầu to rồi !
- Chừng đó mà nhiều gì ! - Thiếu gãi cổ - Vài tháng nữa khi các bạn đã quen việc, chắc tiền lương sẽ cao hơn !
Thục mỉm cười :
- Nhưng đến lúc được tăng lương thì tụi này đã nghỉ mất rồi !
- Sao lại nghỉ ?
Thiếu hỏi Thục mà mắt lại nhìn Xuyến.
- Sao anh mau quên quá vậy ! - Xuyến lườm Thiếu - Hết hè thì tụi này phải nghỉ làm để về đi học chứ còn sao !
Thiếu ngập ngừng :
- Còn hai tháng nữa mới nhập học kia mà !
Xuyến tặc lưỡi :
- Nhưng tụi này chỉ còn làm ở đây một tháng nữa thôi. Tháng sau phải lo ở nhà ôn tập.
Rồi thấy Thiếu lộ vẻ buồn buồn, Xuyến rủ :
- Trưa nay tụi này mời anh với anh Vân đi ăn cơm hén ?
Trước lời mời bất ngờ của Xuyến, Thiếu không khỏi ngạc nhiên. Từ trước đến nay anh chưa thấy ba cô gái đi ăn cơm ở ngoài bao giờ. Ngày nào cũng vậy, hễ đến khoảng mười một giờ rưỡi là ba cô đạp xe về nhà, đầu giờ chiều lại đạp vô. Vì vậy, anh bất giác buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn :
- Đi ăn cơm ở đâu ?
Cúc Hương nén cười đáp :
- Thì ở nhà con Xuyến chứ ở đâu ! Mình về đó, vo gạo, bắc lên bếp, thổi cho chín rồi ... xúm vô ăn !
Trong khi Thục che miệng cười khúc khích thì Xuyến quay lại nạt Cúc Hương :
- Cái con yêu quái động Bàn Tơ này, mày có tốp bớt cái miệng lại giùm tao không !
Cúc Hương làm bộ sợ hãi rụt cổ lại nhưng mắt vẫn nheo nheo nhìn Thiếu, vẻ trêu chọc.
Biết mình nói hớ, Thiếu đỏ mặt ngó lơ ra ngoài.
- Đi nghen ? - Xuyến lại nhắc.
Thiếu còn đang ngần ngừ, Cúc Hương đã vọt miệng :
- Hôm nay tụi này lãnh lương nên có nhã ý đãi anh với anh Vân chú' không bắt mấy anh trả tiền đâu mà lo.
- Tôi có lo gì đâu ! - Thiếu ấp úng phân bua - Hôm nay tôi cũng mới lãnh lương chứ bộ !
Cúc Hương nhoẻn miệng cười duyên :
- Tiền lương của anh thì anh cứ cất đó, mai mốt đãi lại tụi này ! Tụi này lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho anh chứng tỏ sự rộng rãi của mình mà !
Biết càng đối đáp với cô gái lanh lợi này chỉ càng tổ thua thiệt, Thiếu đành gượng gạo gật đầu :
- Đi thì đi !
Trưa đó, bọn Xuyến đãi Thiếu và Vân ở quán cơm kế bên công ty. Thoạt đầu Xuyến định kéo xuống quán cơm Bà Cả Đọi. Cúc Hương thì muốn đi ăn phở đường Pasteur. Nhưng Vân thì đòi ăn ở quán cơm quen thuộc sát vách.
Đó là quán cơm "nhà" của Vân và Thiếu. Trưa nào ở lại, Vân và Thiếu cũng qua ăn cơm ở đó. Có những trưa dở việc không đi ăn được thì chủ quán cho người bưng cơm sang tận phòng.
Vân bảo :
- Quán này ngon và rẻ, việc gì phải đi xa !
Sở dĩ Vân nằng nặc đòi như chính vì anh không muốn các cô gái phải tốn kém. Nhưng những điều anh "quảng cáo" về quán cơm không phải là những lời nói ngoa. Cơm gà, cơm tấm, cơm thịt kho ... không thiếu món gì, ăn rất vừa miệng, mà giá cao nhất chỉ có ba ngàn rưỡi một đĩa.
Hôm đó, lần đầu tiên ba cô gái nghỉ trưa tại công ty, trong một căn phòng nhỏ phía sau phòng vi tính.
Cúc Hương leo lên đi-văng nằm giữa hai bạn nhưng không chịu ngủ, mà cứ xuýt xoa luôn miệng :
- Ngon quá ! Ngon quá !
- Gì ngon ? - Thục hỏi.
- Cái đùi gà khi nãy chứ cái gì !
- Vậy chạy qua ăn một đĩa nữa !
Cúc Hương phớt lờ lời châm chọc của Thục, quay sang Xuyến :
- Xuyến nè !
- Gì ?
- Tao thấy hay là buổi trưa tụi mình ở lại đây quách !
Xuyến chép miệng :
- Mày thèm đùi gà đến mức vậy sao ?
- Dẹp mày đi ! Tao nói thật đó ! Trưa nắng mà chạy tới chạy lui ngoài đường, nắng nôi bụi bặm lắm !
Xuyến tiếp tục trêu :
- Nhưng tại sao trước đây mày không đề nghị vụ này, bây giờ vừa xực xong một cái đùi gà lại nảy ra "sáng kiến" hay ho vậy ?
- Mày đừng có nghĩ là tao bị cái đùi gà "lãnh đạo" ! - Cúc Hương nhăn mặt - Sở dĩ trước đây tao không nghĩ đến chuyện ở lại trưa bởi vì lúc đó tụi mình chưa có tiền. Bây giờ đã có lương rồi, trưa ở lại tiện hơn. Mày thấy sao ?
Xuyến cười :
- Thì thấy giống như mày chứ thấy sao !
Cúc Hương mừng rơn :
- Vậy là mày đồng ý rồi hén ?
- Ừ.
- Còn con Thục ?
Thục dễ dãi :
- Tụi mày sao, tao vậy ! Tao cũng thấy trưa nắng mà chạy về rồi chạy vô, cực quá !
Cúc Hương gật gù :
- Mày ngồi đằng sau như bà hoàng con mà còn la cực, huống gì tao với con Xuyến !
Thế là kể từ hôm đó, ba cô gái không về nhà buổi trưa nữa, mà nghỉ luôn tại chỗ làm.
Công việc của ba cô cũng ngày càng trôi chảy. Xuyến, Thục, Cúc Hương bây giờ không chỉ nhập dữ liệu mà còn thay phiên nhau phụ Thiếu dàng trang. Ngoài chương trình Page Maker, các cô còn sử dụng thành thạo cả phần mềm Corel Draw trong việc trình bày các tít, tựa.
Cũng nhờ ở công ty suốt ngày mà quan hệ giữa Xuyến và Thiếu ngày thêm khắng khít. Cúc Hương cũng cảm thấy Vân gần gũi hơn nhưng cái khoảng cách vô hình giữa hai người vẫn không sao lấp đi được, cái khoảng cách mà Cúc Hương linh cảm là do Vân cố tình tạo ra mặc dù là nó không hiểu tại sao. Trong ba cô gái, chỉ có Thục là vô tư nhất. Thỉnh thoảng nó cũng nghĩ tới nhà thơ Tóc Mây mà nó chưa hề biết mặt. Nó hình dung đó là một con người hào hoa phong nhã có đôi mắt mơ mộng và mái tóc bồng bềnh và trong những lúc nghĩ ngợi vẩn vơ như vậy, nó băn khoăn không hiểu người con gái tên Th. mà nhà thơ đề tặng có phải là chính nó không. Nhưng thường thì Thục chẳng thắc mắc lâu. Nó nhủ, nếu Th. là tên nó thì sớm muộn gì nó cũng khám phá ra.
Nhưng trước khi khám phá ra điều đó, Thục tình cờ khám phá ra một bí mật mà Xuyến cố tình giấu Cúc Hương và nó lâu nay.

Nguồn: truongton.net