Phần 4: Mi đã mất người em gái nhỏ
Chương 21: Nhân vật nguy hiểm
Triệu Bình lại gọi cho tôi và bảo tôi tới gặp anh. “Chúng mình cực hợp nhau, phải không?” anh rên rỉ trên điện thọai. “Hãy đến vào thứ Bảy này đi. Anh nhớ em.” Tôi chẳng động lòng. Khuôn mặt xám đen của anh, những nét nhăn nhúm ti tiện, vẻ nhìn xúi xó của anh ta, với cái tâm trạng thất thường – thoắt buồn, thoắt vui – của anh khiến tôi phát ngấy. Có thể là, tôi nghĩ, tôi phải làm cho anh quy hàng, một lần và vĩnh viễn.
Chúng tôi hẹn gặp nhau chỗ ngã ba ở làng Rock’n’Roll vào lúc ba giờ chiều thứ Bảy tới. Tôi muốn kết thúc tất cả những chuyện này, kể cả những cuộc điện thọai liên tục của anh. Tôi thề là tôi sẽ không bao giờ rơi vào bẫy của một mối quan hệ tồi tệ nữa.
Tôi nhận ra anh đang đợi tôi ở ngay cổng vào làng. Anh cười toét khi nhìn thấy tôi đạp xe tới. Tôi phanh xe lại ngay cạnh anh. “Hãy đến chỗ của anh đi.” Anh chộp lấy tay lái xe đạp tôi và bắt đầu đẩy xe.
“Không,” tôi nói. “Tôi đến đây vì một lý do. Tôi chỉ nói một thứ thôi, rồi tôi đi ngay. Đừng cố cản tôi. Triệu Bình, giữa tôi và anh đã hết rồi.”
“Thôi nào, về chỗ của anh đi.”
“Tôi nói không. Đừng kéo tôi! Anh nghĩ anh đang làm cái gì vậy? Bỏ ra!” Tôi đập vào tay anh. Tôi nổi điên thật sự.
“Về chỗ anh.”
“Tôi nói không là không. Tôi về đây. Tránh ra!”
“Về chỗ anh.”
Một vài người đã dừng xe lại và nhìn hai chúng tôi, Tôi tức điên và cũng thấy lo ngại. Tay vẫn bám chặt vào tay lái của tôi, Triệu Bình kéo tôi và cái xe đạp qua đường đến sát bờ sông. Tôi chống cự lại hết sức có thể, nhưng dường như chẳng thể làm được gì. Mọi thứ bắt đầu như một cuộc đấu vật. Bỗng nhiên tất cả những chuyện này làm tôi thấy khổ tâm vô cùng.
“Đến chỗ anh nhé, được chứ?” Triệu Bình nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn.
“Không. Chỉ nói chuyện ở đây thôi.”
Chúng tôi ngồi xuống một phiến đá cạnh dòng sông hôi thối mà nước đã gần đóng băng hết trên bề mặt.
“Thế rồi lại về chỗ anh sau khi nói chuyện nhé, được chứ? Chúng mình sẽ đi ăn trưa.”
“Không, Triệu Bình.”
Anh ta để tay ôm ngang quanh người tôi. Tôi gạt ra. Anh ta lại để. Tôi lại gạt ra một lần nữa.
“Đến một tí thôi. Anh sẽ không chạm đến em. Anh chỉ muốn cho em xem mấy bức tranh anh mới vẽ xong mấy hôm trước. Anh nghĩ chúng là một trong những bức tốt nhất anh đã từng vẽ. Đến xem một tí đi.”
“Tôi không đi đâu.”
“Trời ơi, em hệt như cô bạ gái đầu tiên của anh. Về sau thế nào cô ấy cũng không đến chỗ anh nữa.” Anh gục cằm vào ngực và nói lẩm bẩm, và xen lẫn với những tiếng như là thổn thức.
Tôi ngồi lặng lẽ nhìn dòng sông, cảm thấy rằng anh, trong chuyện này, và tôi nữa, làm thành một cặp nực cười.
“Dẫu sao anh cũng có thích tôi đâu,” tôi nói.
“Ai nói vậy? Cuộc đời anh giờ thật thảm hại, anh ốm, và có thể cả phổi của anh cũng có vấn đề gì đó…”
“Vậy hãy ngủ nhiều thêm…”
“Anh không thể…” Anh nhìn tôi chằm chằm. “Có phải em đang cố làm đời anh thành khốn nạn? Anh không ngủ được, anh không thể…
“Tôi xin lỗi.”
Anh quay sang nhìn tôi. “Có phải em không sợ bây giờ anh có thể đẩy em xuống sông không?”
“Tôi luôn luôn nghĩ anh có khả năng làm điều gì đó tương tự như vậy.”
“A ha!” Anh cười.
“Tôi về nhà đây, được chứ? Có thể chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày nào đó.”
“Em có còn yêu anh không?” Triệu Bình hỏi hoàn toàn đột ngột. Tôi không thể ngờ điều đó. Toàn bộ thời gian này chúng tôi chưa hề nói về chuyện yêu hay là không yêu.
“Tại sao anh lại hỏi?”
“Em không yêu anh.”
“Ai nói thế?”
“Không, em chẳng thèm để tâm đến anh.”
Đúng như thế.
“Tôi đi đây.”
Tôi vừa mới về tới nhà thì chuông điện thọai reo, và tôi biết chắc chắn phải là Triệu Bình. Trước khi mẹ tôi kịp nhấc máy, tôi gào lên, “Nếu gọi cho con, bảo là con không có nhà!” Đúng như tôi nghĩ, mấy giây sau, tôi nghe mẹ nói, “Ô, nó không có ở nhà…” Cũng chẳng lâu sau đó, điện thọai lại reo. Triệu Bình chắc chắn là lúc ấy thì tôi phải đến nhà rồi. Bây giờ thì anh ta muốn nói gì? Anh ta đang chơi cái trò chó chết gì đây? Đến khi anh ta đang gọi một làn nữa, tôi hết cả kiên nhẫn. “Mẹ, lần sau để con nghe,” tôi hét lên.
“Alô, anh đấy à, Triệu Bình? Tôi về nhà chẳng sao cả. Có chuyện gì vậy?”
“Không gì cả. Anh chỉ muốn nghe giọng em.”
“Thật à? Và bây giờ anh thỏa mãn rồi chứ,” tôi nói với giọng cố dịu dàng.
“Liệu anh có cơ hội coi em như một cô em gái được không? Bằng cách đó chúng mình có thể gặp nhau thường xuyên.”
“À ha, tôi thấy cũng chẳng sao.”
“Như thế thật tốt.”
“Vâng…Thế thôi nhé.”
Tôi gác máy, hy vọng rằng hết phim thì cũng sẽ hết thật nhanh.
Triệu Bình bắt đầu gọi tôi bất cứ khi nào anh ta muốn. Nếu tôi không nhấc máy, anh sẽ tiếp tục gọi cho đến khi tôi nghe mới thôi. Tôi rút cục còn căm ghét anh hơn là tôi có thể tưởng, và cùng lúc đó cũng ghét luôn cả bản thân mình tại sao lại không chấm dứt với anh cho sớm hơn. Tôi lẽ ra có thể nhận ra anh là thế nào ngay từ lúc ban đầu, và chấm dứt luôn ngay từ đấy cho nhanh. Cuối cùng, khi anh gọi, khi anh chưa kịp mở mồm, tôi liền gào lên, “Đ. mẹ anh, cút mẹ anh ra khỏi đời tôi!” Đấy là lần cuối cùng tôi nghe thấy tiếng của anh.
Tờ tạp chí Tôi yêu Rock’n’Roll có một dòng viết, “Tôi sẽ đến lột da rock’n’roll,” và đó là điều tôi muốn thực hiện với Triệu Bình, lột cái vỏ ngoài rock’n’roll của anh và chứng tỏ cho anh thấy thực chất anh là kẻ thế nào. Anh có thể lừa gạt người khác, nhưng tôi biết tất cả chân tướng anh. Anh sinh năm 1974 tại Hàm Dương, Thiểm Tây; năm 1988 anh viết mấy câu đại loại như “Ôi, những thần tượng của ta đã xa rồi, như ta sẽ theo sau chân họ” rồi được đăng trên tờ Báo Văn học Học sinh Phổ thông; năm 1994 anh đến Bắc Kinh, sau khi đã ở Tân Cương, Vân Nam và Nam Kinh. Tháng Mười hai năm 1998 anh lập ra ban nhạc W. Một cái tên ban nhạc kỳ quái. Ban nhạc punk Trung Hoa mà anh thích nhất là Bàn Cổ; anh hỉ mũi vào các ban nhạc punk khác ở Bắc Kinh. Anh sống tại một căn phòng thuê được ở vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh, trả tiền 140 tệ một tháng. Buổi sáng anh vươn mình khỏi giường, đun ít nước nóng, và bắt đầu làm thơ. Anh luôn luôn túng kiết, anh nợ bốn tháng tiền nhà, anh đến ghi âm tại studio với cái dạ dày kêu òng ọc, xoáy được cái gì hay cái đó, anh nợ tiền gọi điện thọai và tiền bánh bao tại quán Đông Bắc Vượng, anh ẻo lả và luôn luôn bị ốm vì một cái gì đó, luôn cố moi tiền của những người bạn tốt nhất để mua thuốc chữa bệnh. Tôi biết ẩn đằng sau cái vòng hào quang giàu sang và danh giá thực chất chỉ là đứa con của một ông nông dân.
Chương 22: Hai thế giới
Bạch Kiến Thu của ban nhạc Tinh Noãn gọi điện nói với tôi rằng cậu ta và Giả Giai sẽ đến Bắc Kinh trong vòng một tuần nữa. Bọn họ muốn gặp tôi và, nhân tiện ở đây, sẽ lấy một ít đĩa CD để mang về bán.
Buổi sáng hôm họ đến thì tôi phải lên lớp. Nhà trường bây giờ kiểm soát rất gắt việc nghỉ học, nên tôi để lại cho họ mấy chữ trên bàn ở nhà, và nói với mẹ tôi rằng bọn họ sắp tới, rồi tôi mới đến trường.
Trưa hôm đó khi tôi về đến nhà thì họ đang đợi tôi. Bạch Kiến Thu đang chơi cây đàn gỗ của tôi. Bọn họ chẳng thay đổi gì. Kiến Thu mặc một cái áo sơ mi vàng. Giả Giai trông có chút gì hơi ngớ ngẩn. Mẹ tôi nói bà đã bảo một anh lính đưa họ đi chơi Cố Cung và đã sắp xếp cho họ nghỉ đêm tại một nhà khách của hải quân gần nhà chúng tôi.
“Gia Phù, cậu có thể dẫn bọn tôi đi xem một show diễn khi chúng tôi ở đây được không?”
“Được.” Tôi lấy từ bàn phấn ra một tờ Bầu trời Hiện đại. “Tối mai có một buổi ở Câu lạc bộ 17. Ngựa gỗ và một số ban khác sẽ biểu diễn. Chúng ta có thể đến đó.”
“Hay lắm!”
Tối đó tôi đưa họ sang nhà khách, rồi quay về nhà một mình.
Tối hôm sau chúng tôi đi tàu điện đến một quán bar ở Tam Lý Thôn. Chúng tôi ngồi ở cái bàn sau cùng, uống và nói chuyện. Một anh chàng ngoại quốc ngồi một mình ở bàn đối diện chúng tôi. Anh ta bận đồ đen và gần như không động đậy, trừ một lần đứng dậy để chụp ảnh, rồi lại im lặng ngồi xuống và uống mấy ngụm bia. Anh ta nhìn sau lưng đẹp, với đường cong hiện ra sau tấm áo sơ mi đen. Cơ thể anh toát ra một vẻ thanh lịch mà tôi rất thích, một phẩm chất đặc biệt của những người rụt rè.
“Anh chàng nước ngoài kia khá hay,” tôi nói.
“Đã sốt ruột muốn đến nói chuyện với anh ta?” Giả Giai hỏi.
“Tôi á? Không đâu. Vả lại nói chuyện gì được? Tiếng Anh của tôi thì quá đỗi tuyệt vọng.”
“Ai cần quan tâm?” Bạch nói khích lệ tôi. “Đến đi, đến nói với anh ta. Tôi cuộc là anh ta đang chán, cứ ngồi một mình mãi thế kia. Đến đi, ngại quái gì.”
“Được rùi,” tôi cười nói. “Có thể lát nữa.”
Nhưng tôi vẫn tiếp tục nhìn anh. Tôi nhìn anh gọi một chai bia nữa, và khi cô gái mang đến nơi, anh nói, “Thank you.”
“Có lẽ tôi đến đây,” tôi nói.
“Cứ tự nhiên. Chúng tôi ở đây đợi cậu.”
Tôi ăn nốt chỗ kem, đứng dậy, và bước lại chỗ chàng trai. “Xin lỗi,” tôi nói. “Anh có muốn nói chuyện không?”
“Tốt quá,” anh trả lời. Âm nhạc ầm ĩ đến nỗi anh ra hiệu rằng chúng tôi ra ngoài để trò chuyện. Tôi nháy mắt với Giả Giai và Bạch Kiến Thu rồi ra ngoài cùng chàng trai.
Bên ngoài có một cô gái nhỏ đang bán hoa và một vài đứa nhỏ đang nằn nì xin tiền. Tôi cười, anh nhún nhún vai. Đột nhiên tôi nhận ra rằng anh ấy đi ra ngoài chỉ với một chiếc sơ mi đen và đang dầm mình trong giá rét, tôi bèn kéo anh ta vào trong một quán tạp hóa nhỏ để cho ấm. Một cô gái đang nói chuyện với máy điện thọai di động. Có thể là quán bar cũng quá ầm ĩ nên cô ta vào đây để gọi điện thọai.
“Anh từ đâu tới?” Tôi hỏi bằng tiếng Anh.
“Finland, in Northern Europe.”
Anh cứ nhắc đi nhắc lại, nhưng tôi chẳng thể hiểu được anh nói cái gì. “Cái gì?”
Cô gái đang gọi di động, sốt ruột quá, bèn nói bằng tiếng Trung Quốc, “Finland, em ạ, Phần – Lan, ở Bắc Âu.”
Cô ta nói độp vào làm tôi khó chịu. Có thể cô ta nghĩ rằng tôi đang cố bám lấy anh nước ngoài này với thứ tiếng Anh phát sợ của tôi.
“Con nhãi…” Đó có thể là điều cô ta đang nghĩ.
Cuối cùng, chúng tôi mượn một cái bút và giấy của người bán hàng để bút đàm với nhau. Dễ hơn là cứ cố mà hỏi. Cái giọng cất lên đã làm hỏng hết những gì tôi nghĩ là tôi biết bằng tiếng Anh.
Anh viết tên mình ra –Janne – và nói rằng anh đang thăm quan Bắc Kinh. Anh ở tại khách sạn Kinh Luân cho đến thứ Sáu. Tròn một tuần lễ. Chúng tôi viết đi viết lại một lúc. Janne cho tôi số điện thọai phòng anh, tôi cho anh số điện thọai nhà tôi.
Chúng tôi trở lại quán bar và tiếp tục cuộc trò chuyện. Tôi giới thiệu Janne. “Đây là hai bạn tôi.” Anh cười với họ. Các ban nhạc lúc đó đã ngừng chơi, cho nên một lúc sau tất cả chúng tôi đứng dậy và đi về. Janne và tôi di phía trước, để Giả và Bạch lại phía sau. Tôi cảm thấy thật tuyệt. Sau một lúc, Giả và Bạch bắt kịp chúng tôi. “Các bạn cứ tiếp tục nói chuyện đi. Bọn tôi bắt một cái taxi và về nhà đây.”
“Được rồi,” tôi nói. Tôi vẫy tay khi họ chui vào trong xe.
“Tôi thích các bạn em,” Janne nói.
“Vâng, bọn họ rất tốt. Bọn họ thích rock’n’roll.”
Mắt của Janne màu xám dịu dàng, với ánh long lanh như băng, như bạc. Tóc anh màu nâu thẳng thớm.
Tên anh trong tiếng Phần Lan phát âm là Yanne, nhưng khi đầu tiên gặp mặt tôi đã gọi anh là “Giản.”
Một tuần nữa anh đã đi, vậy tôi muốn gì đây? Nếu mà được thì, cái mà tôi muốn, chỉ là một cái hôn. Chỉ vậy mà thôi.
Tôi là một đứa học sinh trung học năm thứ hai, và trước khi tôi hiểu ra điều đó, tuổi hoa của tôi sẽ trôi qua mất. Tôi ghét cô đơn, vậy mà tôi lại cô đơn.
Janne không biết một từ tiếng Trung nào, còn kiến thức về tiếng Anh của tôi thì thôi rồi lượm ơi. Khi chúng tôi nói, chủ yếu là bút đàm. Cái đêm hôm đó chúng tôi cứ đi mãi trên con đường cho đến khi nhìn thấy cả nóc của khách sạn Kinh Luân. “Ngày mai em có bận không?” Anh hỏi lúc chúng tôi chào tạm biệt. “Chúng ta gặp nhau vẫn ở chỗ đó nhé, bảy giờ ba mươi.”
Tôi tìm thấy Phần Lan trên một tấm bản đồ. Nó ở Bắc Âu. Nó chắc phải đóng băng vào mùa đông.
Tối hôm sau phải mất một giờ đi tàu điện ngầm mới đến được Câu lạc bộ 17, nơi chúng tôi cùng hẹn. Tôi mua một cái bánh sừng bò và ăn trong lúc chờ đợi. Mười phút nữa là tám giờ, vẫn không thấy bóng dáng của Janne, nhưng tôi quyết định cứ đợi thêm. Tôi không muốn bị thất vọng trong một buổi tối mà vầng trăng đẹp đến thế trên bầu trời này.
Anh xuất hiện vừa đúng tám giờ. “Xin lỗi,” anh nói.
“Không sao.”
Chúng tôi bước vào quán bar, và nói chuyện một lúc. Tôi hỏi anh xem có trở lại Bắc Kinh nữa không và anh nói có thể vào tháng Tám năm sau, nhưng không chắc chắn. Anh nói với tôi, “Tôi không muốn em phải buồn vì tôi ra đi,” và tôi nhớ là tôi đã nói, “Never mind.”
Khi chúng tôi rời quán bar, Janne một mực đòi thanh toán tiền. Chúng tôi đi xuống phố. Ôtô nối đuôi nhau xếp thành hàng, đèn sáng trưng. Đó là Bắc Kinh mùa đông. Bước đi trong gió chẳng khác nào va phải tường gạch.
Như đêm trước, Janne và tôi cùng đi lang thang, điều khiến tôi vừa ý, vì tôi đang cố kéo dài thời gian ra càng lâu càng tốt. Tôi thật sự muốn ở bên anh, tôi thật cô đơn biết mấy.
“Muốn ngồi đây một lúc không?” anh hỏi khi đến bên chiếc ghế ở dưới chiếc cầu vượt.
Chúng tôi chẳng nói về một điều gì đặc biệt, nhưng sự khác biệt ngôn ngữ cũng quá lớn để có thể tiếp tục đối thoại. Anh nói rất nhanh, bằng tiếng Anh, và mặc dù tôi chẳng hiểu được một tí tẹo nào, tôi vẫn cảm nhận được cốt lõi của những gì anh nói thông qua vẻ mặt của anh. Anh nói rằng nếu chúng tôi quan hệ tình dục thì sẽ không tài nào có thể trở thành những bạn bè bình thường được nữa.
Trời, không, đó không phải là điều tôi muốn.
Không phải.
Lệ trào lên mắt tôi. Tôi giận dữ và khinh bỉ chính mình một lúc. Nhưng mọi thứ là thế đấy và tôi chẳng làm gì khác được. Hai con người từ hai xứ sở khác nhau, nói hai thứ tiếng khác nhau, khổ sở vì bị chia cách bởi không gian và thời khắc.
***
Janne và tôi hẹn gặp nhau vào tối hôm sau, là lần thứ ba. Khi chuông điện thọai reo, tôi lao bổ ra – không muốn để bố hay mẹ tôi nghe được. Janne hỏi mấy giờ thì chúng tôi gặp mặt. “Tám giờ rưỡi,” tôi nói.
Bố mẹ tôi ở trong phòng khách cùng chơi bài với bạn bè. Vào khỏang bảy rưỡi, khi tôi sửa soạn xong để đi thì bố tôi ngăn tôi lại.
“Con còn đi đâu vào giờ này? Con phải ở nhà!”
“Cái gì? Nhưng con phải đi có việc.”
“Tôi không quan tâm. Việc gì cũng không được ra ngòai muộn thế này.”
“Thật đấy, con có việc mà.” Tôi muốn nổi điên. Tôi liếc nhìn đồng hồ vì cái thời điểm mà tôi phải gặp Janne đã mỗi lúc một gần.
“Tôi không đấu lý với nó,” bố tôi nói với các vị khách. “Nó nghĩ nó có thể làm bất cứ thứ gì nó thích. Nếu nó dám ra ngoài tối nay, tôi sẽ đánh gẫy chân nó!”
Nước mắt tôi bắt đầu trào ra. “Bố làm vậy ư? Làm sao mà con lại có một người bố như thế?”
“Làm sao tao lại có một đứa con gái như mày?”
“Con phải ra ngoài!”
“Cứ thử xem mày có đi ra được khỏi cửa không!” bố tôi nói một cách đắc thắng, và tôi biết tôi chẳng làm gì được. Vào cái lúc mà tôi lủi bố tôi để đi được, tôi nhảy lên một chiếc taxi và đến ga tàu điện ngầm, đi tàu, và chạy chí chết đến cổng quán bar, đã là mười giờ hai mươi. Janne không có ở đó. Không một dấu vết. Mọi thứ như công cốc. Tôi quyết định gọi đến phòng anh, nghĩ rằng chắc anh đã phải trở về phòng rồi. Tôi cần phải giải thích điều gì đã xảy ra, đó không phải là lỗi của tôi…
“Hello!” Một người con gái nước ngoài nói.
Tôi nói với cô ta tôi tìm Janne.
“Cậu ấy không có ở đây,” cô ta nói. “Cậu ấy ra ngoài rồi. Muốn nhắn lại gì không?”
“Không, cám ơn.” Tôi gác máy, mừng rằng anh ấy vẫn chưa trở lại khách sạn. Nhưng anh ấy ở đâu? Tôi quyết định cứ đợi cho đến khi tôi có thể gọi tiếp cho chị anh và biết rằng anh đã trở về khách sạn để ngủ.
Chừng bốn mươi phút sau tôi nhìn thấy anh. Tôi phát sợ. Anh trông không có vẻ dễ chịu.
“Xin lỗi vì em đến muộn.”
“Không sao, lần trước anh cũng vậy.” Anh nói tất cả chỉ có thế, và chẳng có chút ấm áp nào trong câu trả lời của anh.
Sự thờ ơ của anh, thậm chí chẳng hỏi tại sao tôi bị muộn, làm tôi tê dại.
Lần này, thay vì đến Câu lạc bộ 17, chúng tôi chỉ đi lung tung. Janne có một vẻ lạnh lùng trên khuôn mặt, và tôi tự hỏi, phải chăng là, trong hai giờ đồng hồ tôi đến muộn, anh đã thay đổi thái độ với tôi.
Chúng tôi đến quán bar Tam Lý Thôn, và khi một cô bé cố gắng mời anh mua hoa, anh đã xua cô đi một cách sốt ruột.
Anh gọi một bia cho mình và hỏi tôi, “Em muốn uống gì?”
Tiếng ồn ào xung quanh chúng tôi trở nên ầm ĩ.
“Không gì cả,” tôi nói. Tôi không có đủ tiền để mua bất cứ thứ gì trên tờ thực đơn.
Anh nhìn tôi, có vẻ lúng túng, rồi quay lại và tập trung vào cốc bia. Chúng tôi không thể nào còn cảm thấy khó chịu hơn được nữa, và mọi thứ biến chuyển rất nhanh từ tệ sang tồi tệ.
Tôi chuyển cho anh một tờ giấy, trên đó tôi hỏi anh đang nghĩ gì.
“Không gì cả.”
“Vậy anh muốn viết gì cho em?”
“Xin lỗi, tôi không hiểu. Có thể bây giờ tôi chẳng có gì để nói, xin lỗi.”
“Em hiểu rồi. Em đang làm mất thì giờ của anh. Nếu em đang làm mất thì giờ, em sẽ đi và về nhà bây giờ.”
“Không, ý tôi không phải vậy.”
Trên tờ giấy anh viết:
Tôi xin lỗi. Tôi phải đi đây, và tôi nghĩ em nên về nhà thì hơn. Thật là vui khi ở bên cạnh em, nhưng rút cục thì, chúng ta sống ở hai quốc gia khác nhau, nói ngôn ngữ khác nhau, vậy đừng nhớ tôi. Em có cuộc đời hạnh phúc riêng của em.
Cuộc đời hạnh phúc của tôi? ********** chó! Anh chẳng biết cái đó tệ thế nào với chúng ta. Có đến cả một triệu dặm ở giữa chúng ta.
“Tôi rất xin lỗi…”
“Thôi quên đi!” Tôi chạy ra khỏi quán bar, miệng tôi khô nghét. Tất cả đều sai lầm tệ hại.
Janne lo lắng đi theo và nói với tôi rất nhiều thứ, tôi chẳng hiểu tí gì. Người Trung Hoa quan hệ với người Trung Hoa đã đủ khó, vì mỗi một câu lại có đến vô số hàm ý, và các giọng khác nhau cùng các từ có sắc thái khác nhau có thể tạo ra những hiệu quả khác nhau căn bản đến nỗi anh chẳng hiểu người ta đang khen anh hay là chửi anh. Tôi cứ chìm đắm trong những suy nghĩ và không thể ngăn nổi nước mắt mình tuôn ra. Với cái ý tưởng rằng người ngoại quốc này có thể thấy tôi buồn cười đến thế nào khi tuôn mưa.
“Đừng ghét tôi,” anh nói.
“Im đi!” tôi nói lại.
Anh ta viết một dòng trong bài hát của The Doors lên tờ giấy:
Mi đã mất người em gái nhỏ.
Tôi bước chân lên cầu vượt và nhìn chằm chằm xuống dòng xe cộ phía dưới, nói với anh ta cứ đi đi chẳng cần phải cùng với tôi, rằng tôi muốn được ở một mình. Sau khi nhìn anh ta chui vào taxi, tôi đi bộ về đại lộ Tràng An để bắt chuyến xe buýt khuya. Tôi chỉ có hai tệ trong người.
Janne đã không gọi điện vào tối thứ Năm. Khi tôi đến trường vào sáng thứ Sáu, máy bay của anh ta đã rời Trung Quốc.
Tôi đã chán trường chán lớp
Tôi không còn một ngày nào vui
Tôi không thể tha thứ cho mình
Tôi phải tỉnh ngộ, tỉnh ngộ nhanh!
Những năm tháng tàn khốc này bao giờ mới hết?
Anh bạn Bắc Âu của tôi, anh bạn đẹp
Tôi là thiếu nữ Trung Quốc
Quần tôi đen, tóc tôi dài, cô độc
Anh bạn đẹp, anh vui nhé!
Anh hãy sống đời anh hạnh phúc.
Nguồn: diendan.game.go.vn