Chương 34: Kẻ hèn nhát
Tôi tới làm phóng viên cho một tạp chí thời trang. Một tạp chí mới đang chuẩn bị ra số đầu tiên, chưa bán ngoài sạp. Tạp chí tên là Gen X. Họ tới tìm tôi, bảo rằng họ thích bài viết của tôi. Cái hôm đi cùng G tới tòa soạn tạp chí, tôi mặc áo màu xanh bó sát người, váy ngắn màu đỏ cùng đôi giày thể thao màu hồng. “Trông em cứ như học sinh tiểu học. Xuân Thụ của chúng ta còn trẻ quá,” cô A tổng biên tập nói vẻ ghen tị.
Người đầu tiên tôi gặp là Lộ Dịch, một biên tập viên trạc tuổi tôi. Cô này thường tới họp định kỳ vào sáng thứ Hai, trong bộ váy hồng thanh lịch làm hồng đôi má và khiến cô trở nên quyến rũ không tả nổi. Bộ áo đó quá rực rỡ với tôi, nhưng rất hợp với cô và tôi đoán rằng cô có cái gu đắt tiền hơn tôi. Cô đang viết một cuốn sách, dự định xuất bản trong vài tháng tới.
“Hai người đẹp đôi thật,” cô ta bảo với G và tôi. “Tôi thích cả hai.”
Tòa soạn nằm trong Quận Tuyên Vũ. Tôi không phải đến đó hàng ngày, người ta chỉ yêu cầu một tuần ba lần.
Khi G ở trường, chúng tôi nói chuyện qua điện thọai vào buổi trưa, gần như hàng ngày, rồi tôi đợi bên ngoài trường cậu vào buổi chiều để cùng tha thẩn ở một khu mua sắm nào đó. Chủ nhiệm lớp cậu là thầy dạy Hóa. G nói ông là một người khổ sở.
Tôi không thích đường phố ồn ào quanh ngôi trường của G, nhưng lại thích đám cây cối và những tòa nhà ở đó. Không khí có vẻ mát mẻ, dễ chịu. Vào lúc hoàng hôn có đám người ra phố bán báo; những cái giọng nhẹ nhõm của họ vang lên, từ “Báo đêm đây!” cho đến “Tâm điểm đây!” Tôi thường bắt chước cái giọng của họ: “Tâm điểm đây!”
Đó dường như là một kỳ nghỉ dài không dứt. Trong thời gian đó, chẳng ai bảo cho tôi phải làm gì họăc không làm gì. Tôi có thể chơi bời vui vẻ như điên, chẳng ai quan tâm: có thể hát, có thể đi chơi suốt đêm, dù sức mạnh của truyền thống vẫn hiện hữu ngay bề mặt mọi thứ và níu tôi lại đôi chút. Tôi luôn luôn phải đấu tranh với chính mình.
G có một vài tin vui: Từ Quyên đã trở lại nhà bố mẹ. Bà ta sợ. Và Dương Hải Đào đã hỏi G xem tôi có quen ai thuộc một cái hội kín nào không. G bảo ông ta rằng tôi chỉ biết các ban nhạc rock. Nhưng như thế cũng đủ để họ hết hồn bởi vì đám chơi nhạc rock hồi đó chẳng khác gì bọn lưu manh, chỉ có đồ ngu mới mơ hồ về chúng.
Một hôm tôi bảo G tôi muốn gặp thầy chủ nhiệm của cậu, thế là cậu dẫn tôi đến trường. Các lớp vừa tan, từng đám học sinh phấn khởi lao ra cổng. Chúng tôi đi ngược về phía họ. Tòa nhà trông khá cổ, trong tiền sảnh thì tối, nhưng tôi có cảm giác còn đỡ hơn cái trường trung học dạy nghề mà tôi đã học.
Một trường trung học bình thường cho ta một đời học sinh “lành mạnh” hơn. G bảo thầy giáo chủ nhiệm đang ở trong văn phòng chờ cậu. Tôi hơi lo lắng khi bước vào, vì đã lâu chẳng đến trường, nữa là văn phòng giáo viên.
Thầy dạy Hóa của G đen và gày gò, giống người tốt nghiệp từ một trường đại học hạng hai của Bắc Kinh rồi ở lại thành phố dạy trung học. Ông xuất thân từ một vùng rừng núi nào đó. G bảo tôi ông vẫn còn độc thân, có lẽ bởi vì tất cả đàn bà đều thấy ông không một xu dính túi. Ông biến văn phòng của mình thành một cái phòng nội trú và hầu như đêm nào cũng ở lại. Cái vỏ chăn sặc sỡ của ông đã nói lên hoàn cảnh khốn khó. Ông tỏ ra bối rối khi một học sinh của mình vào phòng cùng với một cô gái không quen, nhưng rồi mau chóng hiểu ra: À, đây chính là cô nàng đã qua đêm với G và là kẻ khó bảo với bố mẹ của G.
Tôi đã quên những gì tôi, G và ông thầy chủ nhiệm nói hôm đó. Tất cả những gì còn đọng lại là trong khi nói, tôi với G vẫn luôn tay trong tay. Những ngày đó, chúng tôi thật sự gần gũi, như trong tiểu thuyết, như trên phim ảnh, hay trong thơ ca, và tôi được trải nghiệm thứ tình cảm giàu có, ngọt ngào mà tôi chưa từng được biết trong những quan hệ trước đây. Nắm tay nhau là điều chúng tôi phải làm, ngay trong văn phòng của thầy giáo. Đó là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi mỉm cười luôn miệng và đắm đuối nhìn vào mắt nhau.
Sau một hồi, ông ta thấy thế là đủ: Dù gì thì, tôi vẫn là thầy giáo của em, và em cần tỏ ra chừng mực khi tôi có mặt. Đó không phải là lỗi của ông thầy đáng thương, ít ra tôi cũng nghĩ thế.
Trong kỳ nghỉ kéo dài của tôi, tôi quyết định học tiếng Đức. Tôi không chọn tiếng Pháp hay tiếng Ý, bởi vì tôi cảm thấy tiếng Đức xa xăm và mạnh mẽ hơn. Đó là thứ tiếng được tắm mình trong dòng sông Rhine. Đó là một đất nước tuyệt vời cho việc suy tưởng. Nhưng mẹ tôi thì không hài lòng. Với sự thiển cận điển hình, mẹ nghĩ rằng học tiếng Đức là một quyết định vô lối. Tôi năn nỉ, năn nỉ, nhưng bà từ chối khoản học phí. Sau việc đó, lòng tự trọng của tôi bị tổn thương đến độ tôi bỏ luôn không tham dự khóa học nào nữa. Tôi muốn mẹ tôi hiểu rằng học hành là một cái quyền chứ không phải là sự ban ơn.
Một hôm G đi cùng tôi tới ngôi trường cũ. Mái tóc đỏ của tôi đã phai đi. Chúng tôi ngồi xổm bên con đường trước trường và hút thuốc. Các lớp chưa tan nhưng một vài học sinh đã chạy ra đổ rác. Họ mặc áo trắng, quần âu đen và thắt nơ. Trông mới thân thuộc làm sao! Tôi ngắm họ với sự thờ ơ dễ chịu, cảm thấy mình đã đổi thay nhiều trong nửa năm qua, còn họ vẫn thế, chẳng lớn lên tí nào. Chúng tôi không vào vì đột nhiên tôi hết cả hứng thú. Tôi định đến để chuyện trò với vài bạn lớp cũ, nhưng những gì đã thấy khiến tôi nhận ra chúng tôi chẳng có gì để nói. G và tôi leo lên xe đạp, bỏ đi. Tôi về nhà và nhuộm đen mái tóc.
Một hôm mẹ tôi tới Trường Trung học Tây X, và khi trở về bà truyền đạt hai tin tức khiến tôi muốn nổ tung. Đầu tiên, tôi sẽ không được nhận vào lớp mười hai; muốn trở lại trường thì tôi phải học lại lớp mười một. Điều thứ hai là cha mẹ G đã tới trường, để hỏi về một học sinh tên là Lâm Gia Phù: cô này luôn quấy nhiễu con trai chúng tôi, qua đêm ở nhà chúng tôi, hôm nay tóc xanh ngày mai tóc đỏ, và nhà trường sẽ làm gì đây? Khi tôi hỏi chuyện đó xảy ra khi nào, thì được biết là ngay lần đầu họ bắt gặp chúng tôi. Mặt tôi nóng bừng khi nghe mẹ nói lại, hết sượng sùng đến hổ thẹn. Mẹ tôi muốn biết tôi đã làm gì phật ý họ, và khi nào? Thế là tôi bật khóc òa lên và thấy nóng ran cả người. Nước mắt tôi tuôn ra như suối, tôi giận dữ điên cuồng.
Lát sau tôi gọi cho G và kể thật mau chuyện gì đã xảy ra.
“Chúng ta chấm hết, G! Họ đã tới trường và ăn thua đủ với tôi! Tôi không thể tiếp tục như thế này! Giờ cậu hãy tới chỗ bố và mẹ cậu và làm như họ đã bảo, vì cậu và tôi không còn là gì với nhau nữa!” Tôi cảm thấy như máu đang phun ra khỏi cơ thể. Nước mắt tràn trề trong mắt tôi.
“Cậu nói thật đấy chứ?” Hồi lâu đằng kia mới có câu trả lời.
Tôi đưa mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn thảm cỏ xanh, những cái bóng của các tòa nhà cao, tia mặt trời sáng trắng, và đột nhiên tôi cảm thấy mình sắp ngất.
Tâm trạng tôi trong những ngày đó giống như cọng củi khô, gặp lửa là bùng lên, vì bất cứ chuyện gì. Có những lúc tôi chỉ muốn cầm dao đi tìm hai kẻ đó. Tôi chưa từng giết ai, chưa từng thấy ai bị giết, nhưng tôi cảm thấy mình đã tỏ ra kìm nén một cách đáng khen. Còn thái độ thụ động, lãnh đạm của G chỉ làm tôi điên giận và lo lắng.
Đôi khi điện thọai vang lên trong đêm, và tôi bàng hoàng thức giấc, tim đập thình thịch, sợ rằng đó là bố mẹ G, phải, họ đang trên đường tới, muốn nói chuyện với gia đình tôi, để làm cho ra nhẽ. Tôi chẳng thể làm gì nổi.
Chương 35: Lại một kẻ hèn nhát nữa
Sáng sớm, trời lạnh.
Tôi trông thấy Lộ Dịch bên ngoài tòa soạn, cô ta đeo kính râm, có vẻ phấn khởi. Có gì lạ đâu: Cha mẹ thông cảm, bạn trai giàu có, là kẻ nhẹ nhàng dễ dãi, mọi thứ đều xuôn sẻ theo ý cô, một kẻ thuộc cung Thiên Bình điển hình.
Tôi không hiểu vì sao, nhưng đột nhiên cảm thấy trào dâng mong muốn được đi học lại lớp mười một. Có thể tôi đang chạy trốn một điều gì đó. Tôi bảo với mẹ rằng mình muốn đi học lại. Tôi gọi cho tất cả những người quen để bảo rằng mình sẽ đi học lại, và tất cả họ đều kêu, “Tuyệt lắm!” Họ còn bảo lẽ ra tôi phải làm thế lâu rồi, và tôi cần học những thứ mới, hay ít nhất là lấy được cái bằng để làm cơ sở nếu tôi còn muốn tiếp tục sự học.
Chỉ có một người phản đối, đó là G. Cậu bảo, “Vì sao cậu lại phải học ở cái chỗ đó? Hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định.” Cậu biết tôi ghét ngôi trường đó, và tôi phải suy nghĩ mọi chuyện cho thấu đáo.
Tôi lại còn gọi cho các bạn cùng lớp cũ và bảo họ rằng tôi đang định trở lại trường. Đầu tiên là Tạ Tư Nghê, nhưng cô ta đi vắng, đi vui vẻ ở đâu đó. Trần Húc thì có nhà, và cô ta khoe mình xếp thứ nhất ở kỳ thi đầu vào của khóa đào tạo văn phòng. Tạ Tư Nghê, Thôi Hiểu Dịch cũng đã đỗ. Đỗ Viện thi vào khoa thương mại. “Điểm cô ta như thế thì làm sao mà vào được lớp văn phòng?” Trần Húc nói với vẻ khinh thị.
Tôi chờ 20 phút rồi quay lại số của Tạ Tư Nghê, cô ta nhận ra ngay giọng tôi. “Gia Phù à…”
“Mình đấy,” tôi bảo. “Mình sẽ đi học lại.”
“Tớ biết là sẽ thế mà.”
“Tại sao vậy?” Tôi hỏi.
“Chẳng sao cả. Cậu trở lại, tuyệt lắm. Vào khoa nào?”
“Mình chưa biết, chỉ biết là phải học lại năm lớp mười một.”
“Ê, một khi đã trở về trường rồi, thì điều đó có nghĩa gì đâu? Thế này thì chúng mình sẽ được gặp nhau luôn.”
Đêm đó tôi mơ một giấc mộng, mơ toàn về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tôi cứ loay hoay chuyển từ trường nọ sang trường kia, nhưng chẳng thể nhớ được điều gì về chúng, ngoại trừ một người, Tạ Tư Nghê. Cô ta là tất cả những gì tôi nhớ được. Tôi thực sự mất trí. Tôi không thể nhớ gì, không thể nghĩ ngợi được gì, ngoại trừ một nhân vật cứ choán hết tâm trí, Tạ Tư Nghê, Tạ Tư Nghê.
Một tuần trước ngày trở lại trường, tôi tự nhủ với mình đã đến lúc phải bình tĩnh lại. Tôi lôi ra đống quần áo tập thể dục, đồng phục, nơ, khăn trải bàn, những thứ cần có ở trường. Tôi hình dung lại phải dậy từ lúc 6 giờ 30 hàng sáng.
Sáu tháng qua cứ như một giấc mơ. Phiêu diêu. Tôi hy vọng đã không hoài phí thời gian, rằng tôi đã hoàn thành được vài thứ mà tôi mong muốn.
Tôi nghĩ tới những gì mình đã làm trong thời gian đó, những gì tôi được và những gì tôi mất. Có vẻ tôi đã mất nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Tôi nhuộm tóc, viết vài ba bài luận, chưa biểu diễn buổi nào, chưa viết tiểu thuyết, bị chửi rủa, trở nên mạnh mẽ, khó ngủ, lăn qua lăn lại trong đêm, hết giận dữ tới sợ hãi rồi thù hận. Tôi đã nghiện McDonald, đã khám phá ra vài nhãn quần áo rất hợp với mình, và biết rằng trong bộ trang điểm của mình vẫn còn thiếu bút chải mi và đồ dưỡng tóc.
Ngay trước khi tôi trở lại trường, trời đổ mưa phùn vài ngày không dứt. Tôi phải đi làm vài cuộc phỏng vấn, lúc nào cũng ở những chỗ lạ. Tôi bẩm sinh là kẻ chẳng có tí giác quan nào về phương hướng. Ngày cuối cùng, tôi ngồi bên cửa sổ tầng hai, ngắm nhìn đám cây cối, những con tàu điện đang bò lại bò qua, ánh đèn của chúng và những bóng người mờ ảo. Một bó lưu ly đỏ tía và một bông hồng ủ rũ trang trí cho cái bàn. Vì lý do nào đó mà tôi chẳng bao giờ gặp may với đám hoa đã cắt cuống. Tôi mua chúng hôm nay và ngày mai thì nhìn chúng héo.
Buổi sáng đầu tiên trở lại trường, tôi mặc bộ đồng phục lùng thùng – áo trắng với cái quần bắt buộc – tóc tôi trở lại màu đen, đương nhiên là nhuộm, chân mang giày vải xanh. Tôi thấy mình có đi đâu, làm gì cũng được, chừng nào vẫn còn đi giày vải Converse, tôi vẫn còn dễ chịu. Một lần nữa lại phóng xe đạp xuống đường Vành Đai Ba, trong lòng ngập tràn cảm xúc; sáu tháng qua tôi ít đi con đường này, cố tình tránh nó và tác động tình cảm của nó đối với tôi. Đường đang sửa chữa, bụi bay mù.
Trường, đó vẫn là nơi thật xa lạ, dù tôi thường nhớ đến nó trong mơ. Mọi thứ có còn như cũ? Giống như lần đầu tiên, tôi dắt xe đạp qua cánh cổng. Chủ nhiệm Vương chỉ vào tôi và bảo, “Em kia, đưa xe sang bên kia. Em là học sinh mới?” Khi nhận ra đó là Đại Lão Vương, tôi gần như nín thở, không dám trả lời. Hy vọng ông nghĩ tôi là người mới, tôi liền ngoan ngoãn làm theo. Tôi không được coi là một học sinh kỷ luật, và các giáo viên có lẽ đã thấy tên tôi.
Tôi gặp vài đưa bạn cùng lớp cũ, Trương Nham, Vu Đông, và họ nhìn tôi bằng cái nhìn hài hước. “Gia Phù, cậu trở lại trường ư?”
Tôi gật đầu và mỉm cười gượng gạo. “Phải, học lại lớp mười một.”
Họ chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên quá, như thể đã biết. “Thế, lúc nào lên lớp bọn tớ nhé! Ở tầng ba của nhà mới ấy.”
Mẹ và tôi, kẻ trước người sau, cùng bước lên lầu. Tôi nhìn quanh, tất cả đều quen thuộc. Đám con gái mặc đồng phục, đeo nơ đang quét tước trong sảnh; tôi đã từng là một trong số đó, như thể tôi đến đây để lao động chứ không phải để học. Chúng tôi bước vào Phòng Giáo dục Chính trị và nhập vào đám phụ huynh cùng học sinh đang chờ đợi. Bà chủ nhiệm Lý đang đứng giữa cả đám, quá bận bịu để mà nhận ra chúng tôi sau một thời gian dài. “Gia Phù,” cuối cùng bà ta gọi, kéo dài giọng. Mẹ và tôi tiến tới trước người đàn bà lùn đang làm cái mặt dài ra và nói tướng lên, “Tôi hôm nay rất bận, không có thời gian cho hai người được. Hãy đến gặp tôi vào mùng hai tháng Chín, ngày bắt đầu năm học.” Tôi bước ra khỏi văn phòng và thở ra nhẹ nhõm. Ít nhất ngày hôm đó tôi không phải ở lại trường.
“A, kìa, phải Gia Phù không? Gia Phù!” Đó là hai cô bạn cùng lớp cũ, A và B. Trông bọn họ thực sự vui mừng khi gặp lại tôi. “Này, Gia Phù, cậu trở lại ư? Cậu ở lớp nào? Lớp mười hai à?”
“Không,” tôi đáp, “lớp mười một. Nhưng mình chẳng biết thuộc khoa nào. Mình thấy thương cho cái khoa nào vớ được mình đấy.”
Mẹ và tôi trở lại Trường Trung học Tây X vào bảy giờ sáng ngày mùng hai tháng Chín. Chủ nhiệm Lý bảo tôi được phân về lớp mười một số 7. “Đó là lớp tốt nhất ở đây, và tôi để em vào đó với sự chiếu cố đặc biệt. Đó là lớp Đào tạo Nghiệp vụ Thư ký Giao tế đối ngoại. Em phải học cho tốt học kỳ này,” bà nói nghiêm nghị. “Và không được đến muộn hay vắng mặt.” Trong lúc cô nói, các giáo viên vào phòng để viết báo cáo. Giáo viên Chính trị, tên là Tỉnh, bảo với Chủ nhiệm Lý rằng buổi lễ khai giảng sắp bắt đầu. Ông này chẳng thay đổi gì cả, và bỏ đi mà không nhìn tôi. Tôi nhận ra một chồng Sách Hướng dẫn Giáo viên Chủ nhiệm trong góc phòng, đang chờ để được phát. Có một dòng trên bìa sách như sau: “Chủ nhiệm nhỏ - Trách nhiệm lớn.” Tôi gượng gạo mỉm cười.
“Em sẽ không được vi phạm những nội quy của nhà trường… Em kẻ lông mày à?”
“Em…”
“Khi về thì phải lau đi, lần sau còn thế nữa sẽ bị trừ điểm. Bây giờ thì viết bản cam đoan, điền vào cái mẫu cam kết để được nhận học. Em chờ ở đây đến khi tôi trở lại.”
Tôi đứng đó, lặng lẽ ngắm cái mẫu cam kết. trong đó nói rằng nhà trường có quyền đuổi bất cứ học sinh nào vi phạm nội quy. Tôi đọc cẩn thận, rồi ký tên – Gia Phù. Trong nửa năm qua tôi dường như quên hẳn cái tên thật của mình. Tên thật của mình, bởi “Gia Phù” quá gắn với nhà trường, là nơi tôi muốn lánh xa càng nhiều càng tốt, để khỏi phải nghĩ về những thứ khó chịu ở đó. Mẹ tôi đứng bên cửa sổ, nhìn lá cờ được kéo lên biểu thị năm học mới bắt đầu, lắng nghe bài “diễn văn dưới cờ.” Tôi tự hỏi mẹ đang nghĩ gì? Có lẽ bà đang nghĩ bọn trẻ nhà khác tới trường trông mới tích cực và tràn trề sinh lực biết bao, trong khi con bà lại là đứa như tôi. Tôi không biết mẹ đã đương đầu với sáu tháng vừa qua ra sao, hay đã cùng bố tôi đau khổ thế nào?
Nghĩ ngợi như thế, tôi viết hết bản cam đoan:
Kính thưa cô Chủ nhiệm Lý và Ban Lãnh đạo nhà trường:
Em xin hứa sẽ tuân theo mọi qui định và phép tắc của nhà trường, sẽ học tập chăm chỉ, giữ gìn kỷ luật, đến lớp đúng giờ và không về sớm, quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp. Nếu vi phạm một trong những điều trên, em xin chịu mọi hình thức kỷ luật của nhà trường.
Cô Chủ nhiệm Lý trở lại cùng một phụ nữ trẻ mà cô giới thiệu là giáo viên ngữ văn của lớp mười một số 7, tên là Miêu Thanh, chủ nhiệm mới của tôi. Cô này tóc ngắn như con trai, người vừa bé vừa lùn, mỏng manh như không chịu nổi gió; trông cô như cô giáo vườn trẻ, là điều mà sau này tôi thấy rất chính xác. Miêu Thanh chằm chằm nhìn tôi bằng đôi mắt to của cô. “Em là Gia Phù, phải không? Tôi đến để đón em vào lớp mười một số 7. Sao chúng ta không cùng về văn phòng tôi nói chuyện?” Mẹ và tôi theo cô giáo ra khỏi phòng phó hiệu trưởng, tới phòng giáo viên hướng nghiệp, nơi chúng tôi lại được vài giáo viên nữ khác dò xét nhìn ngó.
“Xin mời ngồi. Đây, em ăn kẹo này đi.” Miêu Thanh kéo hai cái ghế cho mẹ và tôi rồi chìa ra một gói kẹo hỗn hợp. Cô nói đó là một cô giáo mới lấy chồng. Tôi biết ngay là cô muốn gây thiện cảm với tôi, nhưng tôi hơi kháng cự. “Gia Phù, cô nghe là em được vào lớp mười một từ học kỳ một. Vậy tại sao lại bỏ?” Thế có nghĩa Chủ nhiệm Lý chưa bảo cho cô biết vì sao tôi bỏ học giữa năm.
Trước khi tôi kịp đáp, mẹ tôi đã nhảy lên: “Ồ, đó là vì sức khỏe… Sức khỏe của cháu…”
“Thế còn bây giờ?”
“Giờ em đỡ rồi,” tôi nói.
“Ồ.” Cô cũng chẳng xoáy thêm vào chuyện đó.
“Bác mua sách cho cháu cho học kỳ này chứ?” Miêu Thanh hỏi, ngước nhìn mẹ tôi.
“Em có thể dùng sách từ năm ngoái được không?” Tôi nói.
“Có một vài thay đổi, vậy nên tốt nhất là bác nên mua một bộ sách mới,” Miêu Thanh gợi ý, cái nhìn tỏ vẻ quan tâm.
“Vâng, có lẽ vậy, nếu có những thay đổi...” Mẹ tôi không còn biết đằng nào mà lần, và nhà trường chỉ còn nước mừng rỡ khi kiếm được ít tiền của một trong số học trò của mình.
Ngữ văn là tiết đầu của tôi, được cô chủ nhiệm dạy.
Chúng tôi cùng lên tầng ba. Lớp cũ của tôi. Các học sinh ngừng làm mọi thứ và căn phòng trở nên yên ắng khi tất cả nhìn chúng tôi chằm chằm.
“Tôi xun giới thiệu với các em một bạn học sinh mới, Lâm Gia Phù. Gia Phù từng học nửa năm ở lớp mười một số 6. Chúng ta cùng chào mừng bạn ấy.”
Cả lớp vỗ tay mừng.
Tôi bước tới cuối phòng và ngồi vào một cái bàn trống. Cô Miêu viết chương trình của cả học kỳ lên bảng. Đó sẽ là một học kỳ chán ngắt. Chúng tôi sẽ phải học ngữ văn, toán, tiếng Anh, chính trị, tài chính và kế toán (môn mới), rồi thì học trên hội trường, họp lớp, kỹ năng thư ký, cắm hoa (môn mới), tin học, tiếng Hán, thể dục, thư pháp, và những tiết kỹ thuật hàng ngày. Không lịch sử, không âm nhạc, không vật lý, không hóa học.
Khi hết giờ, mọi người đều vây lấy, hỏi tôi vì sao tôi không ở lớp trên. Tôi bảo họ đó là bởi vì lúc đầu tôi định đi học nước ngoài, nhưng lại gặp rắc rối khi xin visa, mất bao thì giờ khiến tôi phải học lại năm lớp mười một. Tôi cũng bảo họ tôi thấy vinh hạnh biết bao khi được phân về một tập thể ưu tú và sẽ không làm gì để ảnh hưởng tới danh tiếng của lớp, linh tinh linh tinh. Tôi có thể thấy họ đều tin những gì tôi nói, thậm chí còn có vẻ ghen tỵ - lẽ ra tôi đã ở một phương trời ngoại quốc nào đó nếu người ta không từ chối cấp visa cho tôi. Có lẽ họ cũng sung sướng khi thấy tôi gọi lớp họ là một tập thể ưu tú.
Nói ra sự thật không bao giờ là ý định của tôi.
Số con trai trong lớp ít một cách trầm trọng so với năm trước của tôi, chỉ có hai. Một tên là Hà Vũ, lớp trưởng; người kia là Triệu Nhất Nam, có chân trong đội thể dục. Phải mất vài ngày tôi mới quen với họ. Ngồi bên trái tôi là một cô gái hơi béo, tính tình trầm lặng, cô đeo kính và có làn da nhợt nhạt bất thường. Bằng một cái giọng như tiếng muỗi vo, cô ta bảo tôi tên mình là Vương Tuệ.
Có ba cô gái trong lớp muốn kết bạn với tôi ngay lập tức. Là Kỷ Tuyết Doanh hoạt bát, Vương Tử Kỳ, người trông như con búp bê và chẳng bao giờ có chính kiến về bất cứ chuyện gì, và Tống Lôi nhạt nhẽo. Họ cũng dễ thương, nhưng tôi không khỏi nghĩ rằng học sinh lớp này chẳng bằng các bạn lớp cũ của tôi, cả về hình thức lẫn cái đầu. Những người này chỉ thích những cửa hàng như Kim Tinh hay Thiên Thành, và không bao giờ chán miệng với những câu như, “Gia Phù, đoán xem cái ba lô kia giá bao nhiêu?”
Tôi liếc nhìn nó, “Năm mươi chăng?”
Lắc lắc cái túi một cách đắc thắng, họ kêu, “Sai. Hai mươi.” Rồi vài ngày sau, tôi lại nghe thấy, “Gia Phù, đoán xem cái hộp bút này giá bao nhiêu?”
Tôi nhìn qua. “Hai mươi.”
“Sai, năm tệ!”
Nếu khi đó tôi hỏi, “Cậu mua ở đâu vậy?” – mọi người thảy đều kinh hãi. Ở Kim Tinh, Thiên Thành hay Vạn Thông chứ còn đâu nữa! Một vài kẻ gàn dở hơn còn nghe H.O.T., nhưng chẳng ai có đọc báo hay tạp chí. Nhớ lại lớp cũ của tôi, nơi tất cả mọi người đều đọc Nhạc Hiện đại và Thụy Lệ… mà thấy buồn muốn khóc. Đó là chưa kể tới Thôi Hiểu Địch, người còn mua cả tờ Cuối tuần Miền Nam và Thanh niên Bắc Kinh Nhật báo. Làm thế nào mà tôi lại rơi vào một nơi ngớ ngẩn chết tiệt như thế chứ?
Đến buổi trưa, tôi lấy hộp cơm ra và đi xếp hàng ở nhà ăn cùng với mọi người. Đỗ Viện, vẫn mặc đồng phục, đứng ở ngưỡng cửa để theo dõi kỷ luật. Giờ đây, cô ta học lớp trên, và tôi nghe các cậu lớp mười một nói về cô ta, rằng cô là “hoa khôi trong trường.” Tất cả đám con gái tuổi tôi thường kêu cô ta là kẻ dễ dãi. Khi tôi đi ngang, cô nhìn tôi và thân mật gọi, “Ồ, cậu đấy à, Gia Phù.”
“Chào,” tôi đáp. Trông cô lúc nào dễ chịu, cặp giò còn thon thả hơn trước. Lông mày cô kẻ mảnh, mái tóc che kín nửa khuôn mặt.
Tôi ngồi ăn trưa cùng Kỷ Tuyết Doanh, Vương Tử Kỳ và Tống Lôi. Những học sinh khác cũng ngồi thành nhóm quanh nhà ăn, ngoại trừ Vương Tuệ, đang cúi đầu ngồi ăn một mình. Tôi hỏi Kỷ Tuyết Doanh tại sao vậy, cô ta thì thầm rằng chẳng ai thích ăn cùng Vương Tuệ, rằng cô này hơi lập dị. Cô ta chẳng mấy khi mở miệng ra, Kỷ Tuyết Doanh rúc rích cười bảo.
Sau bữa trưa, tôi xuống tầng xem bảng thông báo, xem danh sách các học sinh “ba tốt”, ảnh các lớp tiên tiến và triển lãm kỹ năng hướng nghiệp. Có bức hình chụp Đỗ Viện với Chủ nhiệm Vương, Chủ nhiệm Lý. Cô ta mặc cái áo choàng trắng muốt, miệng tươi như hoa nở, thật trẻ trung. Phía dưới bức ảnh có viết: “Đỗ Viện, chủ nhiệm câu lạc bộ văn học và nghệ thuật học sinh, người luôn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, luôn phấn đấu vì lợi ích của trường,” và cứ thế. Cô ta đã thành ra cái thứ rác rưởi đó từ khi nào vậy?
Hai tiết tin học đã được lên lịch cho buổi chiều, đó là môn tôi ghét nhất vì tôi gõ ký tự trên máy tính rất chậm và bởi vì tất cả phải làm trên một mảnh máy móc vô hồn. Thầy giáo mới của tôi không tồi, khả dĩ hơn cô Vương nhiều. Cô này đang nghỉ đẻ, nếu không thì sẽ rắc rối to khi phải thấy cô. Tôi quyết định sẽ học tập chăm chỉ.
Nguồn: diendan.game.go.vn