Nên biết giống kỳ đà thích ở trong bọng cây. Hễ động động là chúng chun trốn, có trời mà kéo ra. Bốn chân nó giương móng thật sắc bấu cứng vào bọng cây, nắm đuôi kéo ra chỉ có là đứt ngang mà thôi. Cách duy nhất là muốn bắt được kỳ đà chun trong bọng cây thì phải dần khúc đuôi cho nhừ ra, rồi lấy gừng thật cay đắp vô, chừng đó nó tự nhiên rũ riệt gân cốt, tuột ra thôi.
Vùng này có rất nhiều loại cây lớn mà bọng ruột như cây cuôi, tràm, trâm... kỳ đà về bao nhiêu cũng đủ chỗ để chun trốn. Mấy bạn săn sông Đốc, Đường Ranh thảy đều thúc thủ vô mưu. Riêng tui, đâu có chịu thua một cách dễ dàng. Thấy kỳ đà về mỗi lúc một nhiều, tui đến tận chỗ nghiên cứu mấy ngày nghĩ ra cách bắt chúng.
Đã nằm được chỗ yếu của nó rồi, tui về làm bẫy cò ke, gài bắt sống độ vài chục con, loại kỳ đà đực, thứ chạy giỏi nhất. Mỗi con, tui buộc vô chót đuôi một củ gừng thật già, rồi cứ thả cho nó về nhập bầy. Chờ lúc chúng kéo nhau ra đi ăn, tui mới dắt chó tràn đến rượt chí tử. Lũ kỳ đà chạy về chỗ trú, chun hết vô bọng cây. Một bọng cây lớn chúng chun vô đến mấy chục con. Mỗi cây còn có một con ló đuôi ra, vì nó chạy sau chót. Tui sai bầy trẻ bắt ong vò vẽ cho chích vài khúc đuôi của con sau chót ló ra ngoài đó. Con kỳ đà bị ong chích đuôi đau quá, nên cũng nghiến răng chịu đựng. Nó nghiến vào chót đuôi con phía trên. Cứ như vậy, chúng bắt từ dưới nhai đuôi nhau vần công dài lên. Lên tới con trên cùng, con kỳ đà đực mà tui đã buộc đuôi một củ gừng đó. Nó bị bạn nhai vào cái đuôi, rồi nhai tới cục gừng, bị cay quá nên chảy nước miếng ra. Con kế dưới nhấm phải nước miếng cay cũng bắt đầu chảy nước miếng dài như vậy. Nước miếng có chất gừng cay ấy chảy dài xuống, tự thấm vào đuôi chúng và chúng tự rũ riệt gân cốt mà tuột ra khỏi bọng cây. Chùng đó mình mặc sức bẻ móng, rút gân, trói ké chúng chở đem đi bán.
Nguồn: www.baoanhdatmui.vn