Chương 5
Cầm Thi ngồi co ro trên ghềnh đá bên cạnh Trình. Cô nhìn lên bầu trời chi chít sao rồi trầm tư.
- Anh thấy không, những ngôi sao đang nhấp nháy trò chuyện với nhau bằng cách phát tín hiệu đó. Đến ngôi sao cách xa nhau biết bao nhiêu năm ánh sáng mà còn có nhu cầu giao tiếp, huống hồ chi người ta. Ấy vậy mà cô Lan chỉ muốn tôi lúc nào cũng ở nhà, không bạn bè, không anh em, không cha mẹ. Lúc nào cô cũng ở cạnh tôi để giám sát, để dạy bảo những câu giáo điều nghe mãi đến khủng hoảng.
Thi đều giọng:
- Anh biết không, đây là lần đầu tiên tôi được về đây một mình, chưa được tự do bao lâu đã trở lại Sài Gòn. Vậy mà tôi nói gặp anh, anh toàn xui xẻo anh không tin, đã vậy suốt thời gian vừa qua, tôi chả làm được tích sự gì.
Trình hỏi:
- Việc em Chả làm được tích sự gì có phải do tôi không? Mà em định làm tích sự gì vậy?
Cầm Thi so vai:
- Tôi luôn ao ước ăn mặc theo sở thích, nhưng cô Lan không bao giờ ưng ý những bộ cánh tôi chấm, thế là tôi chỉ vẽ chúng ra giấy rồi ngắm nghía, rồi tưởng tượng. Hôm xách balô hồ hởi ra đây, đầu tôi đầy ắp nhưng mẫu trang phục hết ý, nhưng khi ngồi trước trang giấy chúng lại biến mất hết.
Trình an ủi:
- Rồi chúng sẽ xuất hiện trở lại, em lo gì cơ chớ. Điều quan trọng là em hãy để tâm hồn thanh thản, nặng nề quá làm sao bay bổng để sáng tạo. Trong lòng có gì buồn, cứ nói ra đi, tôi sẽ nghe.
Cầm Thi nghiêng đầu nhìn Trình:
- Anh có phải người bạn tốt không nhỉ?
Trình hấp háy mắt:
- Tôi là người bạn biết lắng nghe và biết giữ bí mật. Em có bí mật nào cần tôi giữ hộ không?
Cầm Thi liếc Trình:
- Có đấy! Nhưng giao cho anh giữ thì không thể. Bí mật ấy là của tôi.
Trình tủm tỉm:
- A! Tôi biết bí mật đó là gì rồi.
Cầm Thi nóng mặt:
- Không thể nào!
Rồi ngồi im lặng. Ngoài khơi những đoàn tàu đánh cá lấp láy đèn như những ngôi sao trên mặt nước.
Tiếng sóng vỗ ầm ì, tiếng gió xôn xao và tiếng trái tim Cầm Thi đập thình thịch làm cô có cảm giác rất lạ.
Giọng Trình vang trong gió:
Biển một bên và em một bên . Tới bây giờ anh mới cảm thấy thấm thía câu thơ này. Một câu thơ tràn đầy tình yêu và hạnh phúc.
Cầm Thi nhấn mạnh:
- Nên để dành mà nói với Oanh, Yến chớ nói với tôi làm gì.
Trình thản nhiên:
- Một bên biển, một bên em, không có kẻ thứ ba, thứ tư nào chen vào được đâu, em đừng nhắc tới họ.
Thi nhắc:
- Một người là chị, một người là em tôi đó.
- Vậy thì sao? Với tôi họ là người dưng.
Cầm Thi im lặng. Trình nói đúng, không nên nhắc đến Thoại Oanh, Thoại Yến lúc này.
Giọng Trình nồng nàn:
- Tôi chỉ muốn biết về em, người đã gieo vào tâm trí tôi một ấn tượng. Em đang nghĩ gì vậy nhỏ?
Cầm Thi trả lời:
- Tôi đang nghĩ tới những vì sao, chúng ở xa quá. Hồi còn bé, tôi luôn tin rằng mẹ tôi đang sống trên một trong những ngôi, sao đó, nên đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng cố ra cửa sổ nhìn sao và nói lời tạm biệt mẹ, người tôi chỉ biết mặt qua tấm ảnh trên bàn thờ.
Mắt vẫn hướng lên trời cao, Cầm Thi nói tiếp:
- Thuở ngu ngơ đó, tôi rất thương ba mình, dù ông không hề đoái hoài tới tôi. Tôi thương ông và nghĩ ông rất đau khể vì mẹ tôi mất sớm quá, tôi ngây thơ tin rằng ông đã cưới vợ khác để có người thay thế chỗ trống của mẹ.
Môi nhếch lên, Cầm Thi cười:
- Lớn hơn một chút, tôi mới phát hiện ra rằng Thoại Yến nhỏ hơn tôi chưa đầy một năm sinh. Điều này làm tôi nghi ngờ lòng chung thủy của đàn ông. Tôi thôi nhìn cao sao trời hằng đềm và biết chả có ngôi sao nào dành cho mẹ, trong lòng ba tôi không có bà và cũng chẳng hề có tôi.
Trình thật sự ngạc nhiên trước những lời của Cầm Thi. Lẽ nào ông Vĩnh Sang nhẫn tâm đến mức vợ vừa mới chết, con còn nằm trong nôi mà đã có vợ khác?
Cầm Thi chống hai tay lên cát, người ngã ra phía sau giọng mơ mộng:
- Khi nhìn những ngôi sao nhấp nháy anh nghĩ gì?
Trình nhìn lên trời:
- Ở thành phố hiếm thấy sao và được thấy nhiều sao như ở biển, cho nên tôi không có thói quen tìm cho mình một ngôi sao để thả lên đó niềm vui hay nỗi buồn giống như em. Từ bây giờ trở đi, có lẽ tôi đã khác. Nhìn sao, tôi sẽ nhớ tới đêm nay và nghĩ đến ngôi sao của tôi.
Cầm Thi tò mò:
- Đó là ngôi sao nào vậy?
Trình lấp lửng:
- Một ngôi sao sáng hơn cả Sao Hôm và lung linh hơn cã Sao Mai, nó là của riêng tôi, nên tôi chỉ nói với người tôi yêu thôi.
Thi so vai:
- Chán ngắt! Anh đúng là một người bạn biết lắng nghe và biết giữ bí mật ...
của mình. Tôi ân hận đã thổ lộ với anh nhiều điều tôi chưa từng nói với ai bao giờ.
Trình nheo nheo mắt:
- Em muốn biết về ngôi sao của tôi, hay em muốn là người yêu của tôi vậy?
Cầm Thi ấm ức làm thinh, cô đứng dậy đi dọc bãi. Trình chầm chậm đi theo.
Anh huýt gió bài Biển nhớ khiến Thi nao lòng.
Cô không biết trong những lời Trình nói với mình lời nào là thành thật, lời nào là ỡm ờ. Chỉ biết cô Lan từng răn đe, con gái có ngốc mới tin lời những thằng đàn ông mồm mép.
Trình còn hơn cả mồm mép và Cầm Thi không phải một đứa ngốc ...
Bỗng dưng Cầm Thi buột miệng:
- Thật ra anh là người như thế nào?
Trình vẫn lơ lửng nửa đùa nửa thật.
- Tôi đúng như lời cô Lan đã ... đặc tả. Đó là một gã mồm mép, tán giỏi, giả dối và đểu. Đừng bao giờ tin tôi, một gã lắm thói hư tật xấu.
Cầm Thi kêu lên thảng thốt:
- Tôi không thích nghe những lời như vậy. Nó làm hỏng buổi tối sẽ là kỷ niệm của tôi sau này. Anh đúng là độc ác.
Dứt lời, Cầm Thi ù bỏ chạy. Có nghe tiếng Trình gọi tên mình thảng thốt lẫn vào tiếng sóng, nhưng cô không dừng lại.
Vẫn biết mình thật vô lý khi giận Trình, song không hiểu sao trong lòng Thi có điều gì đó vỡ tan. Cô chợt thấy lạc lõng ghê gớm trong thế giới hư hư thật thật này. Ước gì tất cả hãy tan biến để Cầm Thi đừng phải dằn vặt vì mình đã trút lòng vào người không đáng.
Phía sau cô, Trình đã đuổi kịp, anh nắm vai Thi ghịt lại, nhưng cô đã gạt tay anh ra.
Môi mím lại, giọng Cầm Thi tức tưởi:
- Đừng đụng vào người tôi.
Trình bối rối:
- Tôi xin lỗi, nếu những lời vừa rồi làm em khó chịu.
Cầm Thi khô khan:
- Anh không phải là bạn tốt.
Hít vào một hơi để bớt xúc động, Cầm Thi đi chậm lại. Gió thổi thốc vào mặt, vào từng chân tóc, khiến cô rùng mình. Trong khi Trình nghe đau trước nhận xét của Thi.
Giọng cô vẫn đầy ắp tâm sự:
- Từ bé, tôi đã thiếu tình thương, tôi luôn khao khát một người cha, một ông anh thật sự thương yêu chiều chuộng mình như trong phim, trong truyện. Nhưng chỉ là mơ thôi. Anh Hòa là anh của chị Thoại Oanh, còn ba là của Thoại Yến.
Tôi không là gì và không có gì hết. Tôi hoàn toàn rỗng theo nghĩa đen lần nghĩa bóng. Tôi luôn đi tìm một cái gì đó và nhận ra nó không có thật, nó không phải của mình vì chả ai đồng ý cho tôi cái tôi muốn. Cũng như anh, cũng như anh vậy ...
Trình vượt lên phía trước Thi, anh dang hai tay ra như chận cô lại:
- Em có biết tại sao vừa rồi em giận dữ thế không?
Cầm Thi im lặng. Cô biết chớ, nhưng làm sao cô có thể trả lời Trình được.
Hai tay Trình khép lại vừa vặn một vòng ôm, anh kéo Thi vào người mình, giọng lạc đi vì xúc động.
- Anh có thể là một ông anh thật sự yêu thương chiều chuộng Thi, nhưng anh không muốn ...
Cầm Thi bất ngờ vì hành động của Trình, lẽ ra cô phải vùng ra và cho anh một đòn, nhưng Thi đã không làm thế. Mắt nhắm lại, tim đập liên hồi, cô tựa mặt vào ngực Trình và nghe anh hỏi.
- Em biết tại sao không?
Thi vẫn im lặng. Cô biết chớ, và cũng không thể trả lời khi nghĩ tới cô Lan.
Cô Út Lan có ưa gì Trình, bởi vậy sao anh muốn là anh Thi được.
Giọng Trình say đắm:
- Anh muốn mình là người đặc biệt nhất đối với em, là người để em tựa đầu vào vai, úp mặt vào ngực mỗi khi vui buồn ...
Cầm Thi rối lên:
- Không ... không được đâu.
- Vì cô Lan, vi Thoại Oanh, Thoại yến à?
Cầm Thi cựa người ra khỏi tay Trình:
- Vì tôi không thích anh.
Trình mỉm cười, giọng anh thách thức:
- Hãy nhìn vào mắt anh đây rồi hãy nói.
Cầm Thi bướng bỉnh ngước lên và lặp lại:
- Tôi không thích, tôi ghét ...
Cô chưa nói hết câu đã bị Trình khóa miệng bằng một nụ hôn trên môi. Cầm Thi bất ngờ đến mức không kịp có một phản ứng nào dù là một đòn thế tự vệ.
Cầm Thi cảm thấy toàn thân căng thẳng, máu chảy dồn dập trong người, cô vừa muốn rứt mình ra khỏi Trình, vừa muốn được anh ôm siết hơn. Nhưng dù muốn thế nào như thế này vẫn là sai rồi. Cầm Thi cố làm chủ lý trí, song hiện hữu trong cô và hiển hiện cạnh cô bây giờ chỉ là Trình. Anh tác động vào mọi giác quan của Cầm Thi khiến cô phải thừa nhận mình thích Trình biết bao.
Trong tích tắc Thi bất chợt run rảy, sức lực như tan biến khi Trình buông môi cô ra và hôn lên khắp mặt cô. Rồi sau đó Thi cảm thấy miệng Trình trở lại khóe môi mình, lần này cô không mím môi chặt nữa mà Thi đón nhận để cho cảm giác nồng ấm và êm ái lan ra toản thân.
Trình thì thầm bên tai Thi:
- Còn không thích anh không cô bé?
Câu hỏi có phần hơi giễu cợt của anh như đánh thức lý trí nãy giờ đang u mê của Cầm Thi dậy.
Cô bỗng thấy xấu hổ và tội lỗi vì sự dễ dãi của mình trước sự quyến rũ của Trình. Biết anh ta là người nguy hiểm, nhưng Cầm Thi đã không cưỡng được sự lôi cuốn được ở gần Trình, nghe anh nói những lời êm như ru và cuối cùng chuyện cô Lan lo sợ nhất đã xảy ra ...
Cầm Thi vụt ngẩng lên nhìn Trình. Mắt anh lấp lánh và xa xôi như những ngôi sao trong đêm. Gió biển u u và sóng vỗ âm âm khiến Thi có cảm giác đang mơ hơn là đang tỉnh.
Trình bỗng hết sức nghiêm nghị:
- Anh mong chúng ta không bao giờ phải nói những lời giả dối với nhau.
Đừng nói có thành không, đừng nói yêu thành ghét.
Cầm Thi đưa tay lên quẹt môi.
- Tôi ghét anh, điều đó là sự thật so với hành động tồi tệ vừa rồi của anh.
Hãy nhớ từ giờ trở đi, đừng bao giờ đến gần tôi, nếu không anh sẽ ân hận.
Dứt lời, Cầm Thi bước thật nhanh và nghe cát lún dưới chân mình. Trình thì đứng lại như hóa đá. Anh biết vừa rồi mình đã sai khi bày tỏ lòng mình bằng một nụ hôn cưỡng đoạt Cầm Thi sẽ không tha thứ cho anh đâu. Với tâm trạng hiện nay của Cầm Thi, cô sẽ bỏ ngoài tai cả thảy những lời phát xuất từ trái tim của Trình. Tự ái đã bi tổn thương, cô hoàn toàn khép kín đối với anh, những gì anh nói cô sẽ gạt bỏ hết.
Trình nhìn theo dáng Cầm Thi liêu xiêu trên bãi đêm, anh bước cạnh những dấu chân nho nhỏ của cô trên cát và nuốt tiếng thở dài.
Cầm Thi cũng buồn không kém. Cô chỉ muốn khóc cho òa vỡ sự tức nghẹn đang ngăn ở ngực.
Đi như bị ma đuổi về tới nhà, cố vừa đưa tay đẩy cánh cổng gỗ đã mở tung khiến cô giật mình lùi lại.
Bà Mười lù lù bước ra nhìn cô đầy trách móc.
Thi ôm ngực:
- Sao ... sao đi không đi ngủ đi.
Bà Mười cau có:
- Dì sẽ ngủ được à?
Cầm Thi liếm môi:
- Dì không gọi điện mách cô Lan chớ?
Bà Mười cộc lốc:
- Cơn lớn rồi, khôn nhờ dại chịu, dì chả hơi đâu mà mách.
Cầm Thi ra vẻ tự nhiên:
- Con chỉ có đi dạo biển cho khuây khỏa chớ có làm gì sai đâu.
Bà Mười đóng mạnh cánh cửa gỗ:
- Ngày xưa mẹ con cũng luôn miệng nói thế.
Cầm Thi tròn xoe mắt:
- Sao dì biết?
Bà Mười khựng lại rồi lảng đi:
- Ờ thì con gái, cô nào không nói dối khi muốn đi chơi với con trai. Lẽ ra phải là ngủ sớm để ngày mai về thì con lại đi rong đi ruổi. Không biết lo thân mình cũng phải biết nghĩ cho người khác chớ.
Cầm Thi nhăn mặt:
- Con đã về rồi. Dì làm ơn đừng cằn nhằn nữa.
Vào phòng, cô ngồi thờ thẫn trước gương. Đưa tay lên môi, Thi chợt nóng bừng cả người khi dư vi của nụ hôn đầu vẫn còn ấm trên môi.
Tại sao Thi để Trình hôn mình dễ dàng đến thế, trong khi cố thừa sức snock out anh ở cự ly gần? Phải tại cô muốn được như vậy không?
Cầm Thi nhắm mắt để thôi nghĩ tới Trình, nhưng những rung động thầm kín và khát khao kỳ lạ lại trào dâng. Cầm Thi khổ sở đứng bật dậy, cô đi đi lại lại trong phòng rồi thắc mắc không biết giờ này Trình đang ở đâu? Anh về chưa hay vẫn còn lang thang trên biển. Nếu về, lỡ có chuyện gì xảy ra không, khi bọn côn đồ ấy chưa chắc đã bỏ qua cho Trình.
Mà tại sao lại quan tâm mãi về anh khi cô đã cảnh báo Trình đừng bao giờ đến gần mình? Khi cô đả nhấn mạnh là rất ghét anh? Sáng mai Cầm Thi sẽ rời xa biển. Rồi tất cả sẽ phôi pha như dấu chân cô và Trình trên cát đêm nay.
Sóng sẽ xóa tất cả ... Xóa tất cả. Cầu mong là thế.
Ông Dinh gằn từng tiếng:
- Tôi nhắc lại nấu bà còn đụng tới con trai tôi lần nữa, tôi sẽ không để bà yên.
Giọng bà Quỳnh sắc lạnh qua điện thoại:
- Gieo gió thì ắt gặt bão. Lẽ nào ông không biết câu thành ngữ này? Hơn nữa, giữa chúng ta đâu chỉ có gió và bão. Là đàn bà tôi rất thù dai, tôi thề sẽ trả thù cho Diễm Chi. Em trai ông đã khiến em gái tôi và con nó chết thảm, giờ hắn đã cao chạy xa bay, thằng Trình phải lãnh nợ cho chú nó và cho cả ông.
Ông Dinh kêu lên:
- Bà nói cái gì? Diễm Chi chết đâu liên quan gì tới Luận. Bà nghe tin thất thiệt này ở đâu mà vịn vào đó để làm bậy làm càng vậy?
Bà Quỳnh cười khẩy:
- Không liên can. Ông nói hay lắm. Vậy tôi cũng không liên can gì tới thằng Trình.
Dứt lời bà gác máy thật mạnh, khiến ông Dinh ù cả tai.
Ngã người ra ghế, ông Dinh chửi đổng:
- Khốn kiếp! Con mụ này muốn gây sự mà. Diễm Chi chết đã hơn hai mươi năm, giờ lại đào xới nấm mồ dĩ vãng lên để trả thù. Hừ! Yêu người, người không đáp lại, tuyệt vọng mà chết rồi bây giờ đòi trả thù. Đúng là kiếm chuyện.
Ông Dinh sốt ruột nhìn đồng hồ. Đúng ra giờ này Trình đã về tới Sài Gòn.
Chậc! Nó làm ông lo quá!
Vừa rồi ông cao giọng lớn tiếng với Aline Quỳnh thế thôi. Chớ mụ ta chơi luật rừng thì lời nói của ông chả tác dụng gì. Mà dường như Aline bảo Diễm Chi và con nó chết thảm. Lẽ nào Diễm Chi có con với Luận. Nếu đúng vậy sao ông không biết kìa? Ông chỉ biết Diễm Chi chết vì bị suy tim mà thôi, bây giờ lại thêm chuyện cô ấy có con, rồi đứa nhỏ cũng không còn, bằng chứng ở đâu mà mụ ta dám vu khống chứ!
Ông Dinh bồn chồn không yên. Ông bà vẫn dạy "Một lời nói là một đội máu". Bà Aline là đàn bà nên không dám đối trá trước linh hồn của những người đâu. Nấu vậy thì Luận đã giấu ông chuyện tội lỗi của nó rồi.
Không dằn được lòng, ông Dinh tìm quyển sổ ghi số điện thoại và nhấn ...
Giờ này bên ấy là ban đêm, có thể Luận đã ngủ rồi cũng nên. Nhưng chuông đổ liền tục hết hồi này tới hồi khác vẫn không nghe ai nhấc máy. Ông Dinh bực bội bỏ ống nghe xuống ngay lúc Trình bước vào.
Mặt ông Dinh giãn ra nhẹ nhõm:
- Sao về trễ thế?
Trình ngồi xuống:
- Con phải giải quyết xong một số việc trước khi bàn giao cho anh Phái. Mà con thấy chả chuyện gì con phải về đây hết. Bà ta thử động tới con lần nữa xem, con có để yên không?
Ông Dinh nói:
- Bà ta vẫn còn hận lắm, con đừng chủ quan.
Trình nhún vai:
- Cứ giải quyết chuyện làm ăn bằng nắm đấm thì ai dám làm ăn với bà ta nữa.
Ông Dinh im lặng. Một lát sau mới ngập ngừng:
- Đây không đơn thuần ở chuyện làm ăn.
Trình nhíu mày:
- Vậy còn chuyện gì nữa ạ?
Ông Dinh thở dài:
- Chuyện chú Luận.
Trình kêu lên:
- Em gái bà ta thành tro bụi lâu lắm rồi sao bà ta ... Chậc! Mà nếu con nhớ không lầm ba từng kể tại bà ta không cho em mình quen chú Luận, chớ đâu phải tại chú. Nhưng vì lý do gì bà ấy cấm hai người quen nhau vậy ba?
Ông Dình chống tay lên trán:
- Hồi, đó ông nội con cũng không bằng lòng vì Diễm Chi còn bé quá, nó mới mười lăm tuổi lại ốm yếu bệnh hoạn, lúc nào cũng xanh xao như phiến lá non.
Mười lăm tuổi mà đã yêu. Đúng là hơi bị sớm. Bị bà Aline cấm là phải.
Ông Dinh nói:
- Chú Luận vốn đa tình. Vốn có nhiều tài lẻ, lại đẹp trai và mồm mép nên rất nhiều cô theo. Với chú ấy, Diễm Chi không là gì hết, nhưng Aline Chu, lúc có còn tên là Thúy Quỳnh đã đến tận nhà mình gặp chú Luận để nặng lời. Tính cách bà Chu ra sao, tánh tình thế nào, chắc con biết rồi. Bà Chu khiến chú con bị tổn thương danh dự nặng nề, nên đã đoạn tuyệt với Diễm Chi. Chính vì vấy cô ta mới buồn rầu. Lúc cô ta chết, gia đtìh mình không hay. Ai cũng tưởng hai chị em họ đã ra nước ngoài. Mãi mấy năm sau, ba mới nghe người quen kể lại.
Trình ấm ức:
- Bà Aline đúng là ngậm máu phun người. Chính bà ta làm em gái mình tuyệt vọng, giờ sao lại đổ thừa người khác.
Ông Dinh có vẻ bồn chồn. Ngập ngừng mãi, ông mới nói tiếp:
- Vừa rồi Aline Chu nói Diễm Chi và con cô ấy chết thảm. Ba thật bất ngờ.
Không lý nào đứa con ấy là của chú Luặn. Ôi! Rắc rối quá! Chuyện xưa bỗng dưng đội mồ sống dậy.
Nhưng thật giả thế nào, ai mà biết đây.
- Muốn biết, ba cứ hỏi thẳng chú Luận.
Ông Dinh nhìn Trình:
- Ba cũng định thế, nhưng nếu đúng mà chú Luận không nhận cũng thua. Chỉ khổ một điều bà Aline muốn trút hận vào cha con mình.
Trình trầm giọng:
- Chú Luận có thể đa tình, đào hoa song chú ấy vẫn còn lương tâm. Trước vong linh người đã chết, con nghĩ chú sẽ thật lòng.
- Rồi ba sẽ hỏi chú ấy, nhưng không phải lúc này.
Trình đứng dậy:
- Con vào tắm rửa đã. Từ công trình lên tàu về thẳng đây, người rít rưới, bẩn thỉu khó chịu quá.
Ông Dinh không nói thêm tiếng nào. Trình tắm xong, liền gọi điện cho Hòa và hẹn gặp nhau ở quán Trà Mi.
Lúc Trình chuẩn bị ra điểm hẹn thì di động reo.
Anh ậm ự chào Thoại Oanh.
Cô phụng phịu hờn dỗi:
- Nếu em không gọi cho anh, chắc không bao giờ được nghe anh nói.
Trình cười xòa:
- Công việc nhiều quá, em đừng trách.
- Làm cả ngày lẫn đêm à? Em không tin đâu. Thế bao giờ anh về?
Trình im lặng. Rồi đành nói thật.
- Anh vừa về.
Oanh reo lên:
- Vậy tới nhà em đi. Em chờ anh.
Trình tỏ vẻ tiếc rẻ:
- Anh phải đi với đối tác.
Thoại Oanh cười khúc khích:
- Nếu thế anh nên để em theo, vì em biết đối tác của anh là ai rồi.
Trình nuốt tiếng thở dài. Anh gọi vào máy di động của Hòa, thay vì gọi về nhà vì sợ gặp phải Oanh. Ấy vậy mà Hòa chẳng kín mồm chút nào.
Oanh lại nói tiếp:
- Anh đừng trách anh Hòa, anh chẳng lộ bí mật gì về anh đâu, chỉ tại lúc anh gọi điện, em đang ngồi cạnh ảnh.
Trình từ chối:
- Ngoài Hòa ra, anh còn mấy người bạn khác. Chuyện của cánh đàn ông, có em thật bất tiện.
Thoại Oanh nũng niu:
- Lại viện lý do. Em không chịu đâu.
Trình buột miệng:
- Anh hứa sẽ dành một buổi tối cho em.
- Tối nào? Anh phải cụ thể mới được.
Trình thầm rủa ... cái miệng hại cái thân. Ậm ừ mất mấy giây anh mới nói:
- Anh ưu tiên cho em chọn ngày đó.
Thoại Oanh ríu tít:
- Tối mai nhé! Em đã chờ anh lâu rồi, nên không đủ kiên nhẫn chờ nữa đâu.
Trình nói thật nhanh:
- Rồi! Tối mai. Địa điểm anh sẽ chọn sau. Thôi nhé!
Dắt xe ra mà vẫn còn tức vì dại miệng. Trình nao nao khi nhớ tới Cầm Thi.
Người anh khao khát gặp là Thi chớ chả phải Oanh, Yến nào hết. Ấy vậy mà đâu có dễ. Cô bé ấy như một nàng Hải Sư, nàng ta sẵn sàng xé Trình ra trăm mảnh, trừ phi Trình phải can trường, dũng mãnh như vua sư tử, thì mới đủ sức chinh phục nàng.
Trình phóng u đi. Quán cà phê giờ này khá đông, anh tìm mãi mới được một chỗ ưng ý. Ngồi chờ độ mười phút sau mới thấy Hòa tới.
Anh chàng cười toe toét:
- Chà! Trông mày rám nắng giống dân biển chánh cống ghê.
Trình lừ mắt:
- Mày khen tao hay chê vậy?
Hòa lại hì hì:
- Nghĩ sao cũng được. Này! Có chuyện gì mà gọi tao gấp vậy?
Trình lấp lửng:
- Thèm không khí cà phê Sài Gòn, nhưng không lẽ ngồi quán một mình, tao gọi mày cho có khí thế.
Hòa hất hàm:
- Đinh hỏi gì thì khai thiệt đi. Lơ lửng mãi tao cho bay luôn à nha.
Trình đợi người phục vụ đi xong mới hỏi:
- Công ty của gia đình mày kết hợp làm ăn với công ty Chương Thiện của bà Aline Chu à?
Hòa bưng cà phê lên rồi lại đặt trở xuống:
- Ôi dào! Kết hợp đâu mà kết hợp. Bà Chu chỉ làm động tác thăm dò thôi, nói thật có cho vàng ba tao cũng không dám làm ăn với bà phù thủy ấy.
Trình không ngăn được tò mò:
- Sao vậy?
Hòa nhún vai:
- Kể ra dài dòng lắm.
- Dài cỡ nào tao cũng nghe.
Hòa nheo nheo mắt:
- Chuyện gì nữa đây?
Trình chép miệng:
- Tao sẽ nói với mày sau.
Hòa ngập ngừng:
- Tao không biết kể từ đâu đây nữa. Nhưng khi nghe rồi mày đừng nói lung tung đó.
Trình gật đầu:
- OK.
Hòa nói:
- Cách đây độ hai mươi năm hơn, bà Aline Chu từng làm ông nội tao thất điên bát đảo. Nghe đâu hai người mê nhau dữ dội, cuối cùng vì áp lực từ gia đình và xã hội, ông cụ đã nén đau sắp xếp cho hai chị em bà Aline ra nước ngoài với suy nghĩ xa mặt cách lòng.
Trình khá bất ngờ trước thông tin này. Trái đất hẹp thật, không chỉ gia đình Trình có ràng buộc với bà Aline mà gia đình của Hòa cũng dây dưa chuyện tình cảm với bà ta. Xem ra bên gia đình Hòa có những cái khó xử hơn bên anh rồi.
Giọng Hòa hóm hỉnh:
- Hôm mừng thọ ông, bà Aline gởi đến bảy chục đóa hồng khiến cụ nhăn nheo thế kia cũng phải thổn thức như chàng trai trẻ mới biết yêu lần đầu. Bà tao rủa bà ta từ đạo đó kìa. Thì ra hai mươi mấy năm có xa mặt đấy, nhưng không cách lòng. Ngặt một nỗi, ông nội tao quá date rồi, nhưng Aline Chu thì còn phơi phới. Bà ta thả mồi bắt bóng đó thôi. Bởi vậy, ba tao gan to cỡ nào cũng né ...
Trình nói:
- Ăn thua gì! Bác trai lo xa quá xa.
Hòa xua tay:
- Đó chỉ là một lý do trong nhiều lý do.
- Vậy những lý do kia là gì?
Hòa lắc đầu rồi nói:
- Tới phiên mày!
Trình bật giọng:
- Bà ta thuê người đánh tao.
Tới phiên Hòa trợn mắt:
- Hồi nào?
- Cách đây mấy bữa, ở xóm Chài. Hôm đó Cầm Thi cũng bị chúng đánh.
Hòa thảng thốt:
- Trời đất! Nhưng nhỏ Thi có nghề mà. Mày cũng đã mang đai màu ...
Trình chép miệng:
- Nhờ vậy mới không sứt tay gãy cổ, nhưng tội nghiệp Cầm Thi, cô bé bị bà cô mày mắng ra trò, sáng hôm sau phải xách balô quy cố hương sớm.
Hòa hỏi ngay:
- Cô Lan có biết bà Aline chủ mưu không?
- Chắc là không, nếu Cầm Thi không nói.
Hòa bồn chồn:
- Chà! Gay to thật. Tự nhiên Cầm Thi lại dính vào vụ này.
Trình nói:
- Tao cũng áy náy hết sức. Bọn khốn ấy bị Thi hất cát vào mắt rồi ... binh mấy cái vào mặt nổ đom đóm nên tao rất sợ chúng đón đường cô bé trả thù. Thi vào Sài Gòn, tao mới an tâm. .
Bưng ly cà phê lên, Trình nhấp một ngụm rồi nói tiếp:
- Tối đó tao với Thi nói chuyện cũng nhiều, không ngờ cô bé ngổn ngang tâm sự.
Hòa nheo mắt:
- Thế nào gọi là "Ngổn ngang tám sự"?
Trình lãng câu trả lời. Anh nói:
- Tao thật bất ngờ khi biết Thoại Yến nhỏ hơn Thi chưa đầy một tuổi. Ông chú Vĩnh Sang của mày có quá nhẫn tâm với mẹ con của Cầm Thi không?
Hòa im lặng. Mấy giây sau anh mới ậm ự:
- Chuyện của chú Sang và mẹ Cầm Thi là một bi kịch, người ngoài không hiểu được đâu. Khổ cho chú Sang, ổng đâu thương mẹ con Cầm Thi, lúc đó ổng đã đám hỏi với thím Bích Vi rồi, nên đâu thể dừng khi ngày cưới đang tới. Chú Sang và gia đình tao mang Cầm Thi về vì con bé là máu mũ ruột rà thôi.
Trình tò mò:
- Nhưng có đúng là mẹ Cầm Thi đã chết không?
Hòa gật đầu:
- Đứng. Cô ấy chết sau khi sinh Cầm Thi. Với chú Sang, Cầm Thi như một nỗi ám ảnh tội lỗi mà chú đã phạm thời còn trẻ. Làm sao người ta có thể yêu thương nỗi ám ảnh được chứ.
- Nhưng Cầm Thi đâu có lỗi gì.
- Đương nhiên, mặc kệ trong họ hàng xì xầm sau lưng Cầm Thi, với tao, con nhỏ vẫn là em. Tao quý nó hơn Thoại Yến.
Trình hạ giọng:
- Thú thật, Cầm Thi đang làm tao mất ngủ đây.
Hòa tỉnh bơ:
- Vậy hả? Tại nó cứu mày hả?
Trình nhìn Hòa:
- Tao thích cô bé. Thích thật lòng.
Hòa uống cạn ly cà phê:
- Rắc rối đấy! Họ nhà tao chỉ có ba đứa con gái, mày quen cả ba, hơi bị tham.
Trình nghiêm nghị:
- Tao không hề hứa hẹn hay tán tỉnh. Thoại Oanh, Thoại Yến.
Hòa gật gù:
- Tao biết, nhưng các ... bậc tiền bối không biết cho mày đâu. Nhất là cô Thoại Lan. Tên mày nằm trong sổ bìa đen của cổ từ lâu rồi.
Trình vò đầu:
- Ông chú Luận của tao sao gây nhiều tai tiếng đến thế. Bà Aline Chu cũng thù ổng tận xương tủy, rồi cô Lan nhà mày cũng ghét cay ghét đắng ông. Rốt cuộc tao lại là người lãnh đạn. Như vậy có phải là quýt làm cam chịu không chứ?
Hòa quan tâm:
- Ủa! Aline Chu có liên quan gì tới chú mày?
- Có đấy! Chuyện này chắc chú Sang mày cũng biết, vì ổng và chú Luận là bạn thân mà! Ờ nhỉ. Có vài vần đề nên hỏi chú Sang, biết đâu lại giải quyết một số thắc mắc mà ba tao đang thắc mắc.
Hòa tò mò:
- Chuyện gì vậy?
Trình nhún vai:
- Chuyện tình thời trai trẻ của các ông ấy mà. Nói chung trước khi có vợ, chú Luận tao cũng phạm sai lầm như chú Sang nhà mày. Người phụ nữ của chú Luận cũng đã chết với đứa con ...
Hòa kêu lên:
- Ủy trời! Sao trùng hợp dữ vậy? Mà mày vòng vo nãy giờ tao vẫn chưa biết tại sao bà Aline lại thù chú Luận tận xương tủy.
Trình buông từng tiếng:
- Người phụ nữ đó chính là em gái bà Aline tên Diễm Chi.
Bảo Hòa trợn mắt nhìn Trình. Anh há miệng định nói gì đó, nhưng anh kịp dừng lại ngay.
Giọng trầm xuống, Hòa hỏi:
- Ai nói với mày chuyện này vậy?
- Bà Aline chứ ai? Bà ấy không nói với tao, nhưng nói với ba tao, bà ta thề sẽ trả thù chú Luận. Khổ nỗi chú không ở đây nên tao là đứa phải nhận đòn thủ.
Hòa lầm bầm:
- Vô lý! Vô lý hết sức!
Trình gật đầu:
- Đúng là vô lý.
Hòa xoay cái ly cà phê không.
- Những điều mày nói làm tao bất ngờ quá. Không lý nào ... Không lý nào.
Chắc phải có sự nhầm lẫn nào đó rồi.
Trình nhìn Hòa:
- Aline là mẫu người ra sao, mày thừa biết. Trước chuyện liên quan tới danh dự của em gái mình, bà ta đâu thể nào lầm được. Ba tao bảo hồi đó có nghe người quen kể lại chuyện cô Diễm Chi chết, nhưng lúc ấy chú Luận đã ra nước ngoài về, bây giờ bà Aline khăng khăng đổ tội cho chú Luận, bà ấy nhất nhất bảo cô Diễm Chi chết vì suy tim trong lúc sanh con, ba tao sốc lắm. Ông định gọi điện hỏi chú Luận cho ra lẽ, nhưng sợ chú ấy chối.
Hòa im lặng. Anh ngập ngừng:
- Hỏi chú Sang chuyện này, chắc gì ổng chịu nói. Lúc ấy lại phiền toái.
Trình thoáng thấy Hòa bối rối. Dường như anh chàng giấu anh điều gì.
Trình lên tiếng phá tan sự im lặng.
- Tao không muốn mang tai tiếng vì những điều chưa rõ đúng sai, bởi vậy chắc tao phải làm gan tới hỏi chú Sang một chuyến. Tao thích Cầm Thi nên thật khó chịu khi bị cô Lan ngăn cấm chỉ vì tao là cháu chú Luận.
Hòa nói:
- Theo tao biết, cô Lan không thích mày vì mày đã làm Thoại Oanh, Thoại Yến. trở mặt với nhau, còn chuyện mày là cháu chú Luận chỉ là chuyện đổ dầu thêm vào lửa thôi. Cho nên tao có thể tóm lại rằng dù mày là cháu ai, cô Lan vẫn cấm ...
Trình điềm tĩnh:
- Tao là cháu chú Luận, nhưng tao có nhiều điểm khác chú ấy lắm. Một trong những điểm cơ bản ấy là sự quyết đoán, kiên định, không nản lòng trước khó khăn. Cô Lan không cấm được tao đâu.
Hòa ngã người vào ghế, mắt nheo nheo nhìn Trình. Anh không lạ gì tánh của bạn mình, Trình là đứa liều, dám nói dám làm. Bọn con gái chết mệt cũng vì cá tính này của Trình. Giờ hắn đã tuyên bố. Cô Lan không cắm được hắn thì chắc chắn hắn đã hạ quyết tâm. Mà nghe cách Trình nói thì y như nhỏ Cầm Thi với hắn là một phe.
Hòa xốn xang trong lòng. Nếu lời Trình nói là đúng thì tình yêu của hắn và Cầm Thi là nghiệp chướng. Nhưng chẳng lẽ nào hai mươi mấy năm nay, cô Út Lan nuôi con thiên hạ chớ không phải cháu gái mình? Vô lý! Vô lý hết sức. Dù biết là vô lý, song Hòa vẫn thấy lo lo thế nào ấy.
Giọng Trình lại vang lên:
- Mày sẽ ủng hộ tao và Cầm Thi chứ?
Hòa ậm ự:
- Cầm Thi có thích mày không tao còn chưa biết, lấy gì mà ủng hộ.
Trình quả quyết:
- Cầm Thi sẽ thích tao, mày khỏi Phải lo chuyện đó.
Hòa nhếch mép:
- Nghĩa là mày đã chính thức loại Thoại Yến và Thoại Oanh ra khỏi bộ nhớ của mày?
Trình nhăn mặt:
- Chậc! Mày hỏi câu này làm tao khó xử quá.
Hòa cũng nhăn nhó:
- Vậy mày có nghĩ tới sự khó xử của tao không? Con gai trên thế gian này thiếu gì, sao mày phải chọn ba đứa con gái nhà tao cho rắc rối sự đời?
Trình nghiêm nghị:
- Tao không hề lựa chọn, chỉ có trái tim tao mách bảo Cầm Thi là cô gái tao hàng ao ước. Bởi vậy khi vừa gặp Thi, tao đã có cảm giác thân quen hết sức.
Hòa xua tay:
- Mày đừng lãng mạn hóa câu chuyện yêu đương ấy nữa, nếu không mày chỉ làm khổ Cầm Thi. Con bé là đứa rất biết nghĩ, nó sẽ không chấp nhận mối tình tay bốn này dâu.
Trình nói ngay:
- Tao chưa hề yêu ai hay tỏ tình với ai.
Hòa hơi chồm về phía trước.
- Tao hiểu mày. Nhưng gia đình tao thì không, nên quên chuyện này đi. Mày vốn đắt đào mà, rồi thế nào mày cũng có một cô em khác ba cô em gái nhà tao.
Nhìn đồng hồ, Hòa bảo:
- Bầy giờ tao phải đi.
Rồi như sợ Trình tiếp tục trút cạn tâm tình, Hòa vội vàng đứng dậy. Anh nghiến răng:
- Những lời vừa rồi là tao rút ruột rút gan ra nói với mày chớ không phải đùa đâu. Mong rằng mày hãy nhớ lấy. Đừng yêu Cầm Thi mà phải hối hận.
Phóng xe một mạch tới nhà bà Thoại Lan, Hòa vẫn chưa biết mình sẽ bắt đầu từ đâu.
Ra mở cổng là bà Lan. Nhìn anh với vẻ ngạc nhiên, bà hỏi ngay:
- Có chuyện gì?
Hòa dắt xe vào sân:
- Cháu muốn hỏi cô một vài điều.
Trán bà Lan nhíu lại:
- Vào nhà cái đã!
Hòa ngần ngừ:
- Cầm Thi đâu?
- Trân lầu. Bộ chuyện liên quan tới nó à?
Thấy anh im lặng, bà Lan rít lên:
- Biết ngay mà. Thằng quỷ Trình phải không?
Hòa lấp lửng:
- Phải mà cũng không phải.
Bà Lan gắt:
- Nghĩa là sao? Mày nói phứt ra cho rồi.
Hòa khó khăn mở lời:
- Thật ra Cầm Thi có phải con của chú Sang không?
Bà Thoại Lan trợn mắt:
- Sao tự nhiên con hỏi kỳ vậy?
Hòa bảo:
- Thì cô cứ trả lời con đi.
Bà Lan nhìn Hòa:
- Chẳng lẽ hai mươi mấy năm nay, cô bỏ công đi nuôi con người ta? Hỏi dớ dẩn vậy mà cũng hỏi.
Hòa gằn từng tiếng:
- Bà Aline Quỳnh khăng khăng bảo nó là con của ông Luận, chú ruột thằng Trình.
Bà Lan lắp bắp:
- Sao? Bà ta đã biết ... biết Cầm Thi là con của Diễm Chi rồi à?
Hòa nói:
- Bà ta chỉ biết cô Diễm Chi có con và đứa bé ấy cũng đã chết với mẹ nó, có điều bà Quỳnh cho rằng nó là con của Chú Luận, nên rất thù chú ấy. Bà ta trả thù bằng cách trút hận lên bố con Trình. Cụ thể là mời vừa rồi, bà ta cho người đánh Trình, trời xui đất khiến thế nào mà nhỏ Thi cũng dính vào vụ đánh đấm đó mới ác chứ.
Bà Lan nói như rên:
- Không được cho mụ Quỳnh biết Cầm Thi là máu mủ ruột rà của mụ ấy.
Hòa ngập ngừng:
- Như vậy có ích kỷ và độc ác không?
Bà Lan nói một hơi không kịp thở:
- Cái gì là ích kỷ, là độc ác? Đâu đã vào đó cả rồi, bà ta cũng tưởng Cầm Thi chết khi vừa lọt lòng mẹ, chúng ta làm đảo lộn mọi thứ thì chỉ khổ con nhỏ.
- Sao lại khổ? Con không hiểu. Cầm Thi cũng phải có bà con họ hàng bên ngoại chứ?
Bà Lan cộc lốc:
- Từ bé tới giờ, nó không có họ hàng bên ngoại đã sao đâu. Cô không muốn và mọi người trong gia đình cũng vậy. Không ai muốn dây dưa với bà ta hết.
Hòa bắt bẻ:
- Vì bà Quỳnh từng là người tình của ông nội à?
Mặt bà Lan nhúm nhó lại:
- Cái gì mà người tình? Ăn nói cho thận trọng đi con.
Im lặng một lúc, Hòa lên tiếng:
- Cô vẫn chưa trả lời con câu hỏi lúc nãy.
Bà Thoại Lan giậm chân:
- Trời ơi! Dĩ nhiên nó là con của chú Sang rồi.
- Vậy tại sao bà Quỳnh dám nói thế? Cô Diễm Chi và chú Luận yêu nhau, nhưng cô ấy có con với một người không yêu mình, lại đã có vợ sắp cưới. Thật là khó hiểu.
Bà Lan nói chắc như đinh đóng cột:
- Chuyện đúng là như vậy, không tin con cứ hỏi ba mẹ mình, hai người biết rất rõ chuyện của chú Sang và cô Diễm Chi.
Hòa làm thinh, bà Lan liền nói tiếp:
- Tuổi trẻ là tuổi bồng bột dễ sa ngã nhất, chú Sang con là một bằng chứng.
Chỉ tội Cầm Thi đã mất mẹ lại như không còn cha. Con bé thiếu thốn tình cảm dữ lắm.
Hòa ... đá vào ngay:
- Vậy sao cô không cho nó nhìn dì ruột của mình?
Bà Thoại Lan đanh giọng:
- Đó là chuyện khác. Mụ Aline Chu đáng phải sống lặng lẽ, cô đơn một mình suốt đời.
- Tại sao vậy?
Bà Lan lạnh lùng:
- Con nên nhớ vì mụ ta mà bà nội con phải khổ, bà rơi vào cơn trầm cảm triền miên cho tới lúc chết. Chị em nhà Aline Chu chỉ mang đến cho gia đình mình nỗi bất hạnh. Aline Chu làm gia đình ông nội tan nát, Diễm Chi khiến chú Sang lúc nào cũng sống trong mặc cảm với vợ. Cô không muốn mụ Aline một lần nữa lại chen chân vào gia đình mình, dù đó là chen vào tình cảm của Cầm Thi.
Hòa hỏi trổng:
- Như vậy khác nào trả thù?
Bà Lan cười khẩy:
- Con nghĩ thế càng tốt, có thù thì phải trả chớ sao? Tao cấm mày không được hé môi với Cầm Thi chuyện này.
Hòa so vai:
- Con sẽ không nói, nhưng chẳng có chuyện gì gọi là bí mật dưới vòm trời này cả. Giờ con về đây.
Bà Lan hất hàm:
- Nè! Mày với thằng Trình tránh xa Cầm Thi ra, nếu không đừng có trách cô Lan này.
Bỗng dưng Hòa nổi cáu:
- Cô đi mà nói với nó. Cháu không muốn chen vào chuyện tình của người khác, dầu đó là em gái cháu.
Dứt lời Hòa nhảy tót lên xe rồi rú ga lớn làm bà Lan giật nẩy mình.
Vừa đưa tay lên ngực, bà vừa mắng:
- Đồ mất dạy! Mai mốt đừng tới đây nữa nhé!
Hòa vừa thương vừa giận vừa tức cười bà cô của mình. Cô mới hàng U.40 thôi nhưng sắp lẩm cẩm rồi cô Út Lan ạ.
Buổi tối mới bắt đầu cho những kẻ thích chơi khuya về sáng nhưng tối nay Hòa không ham chơi, anh cần một giấc ngủ, song có lẽ anh sẽ khó ngủ trước những thông tin vừa biết được.
Nguồn: vietmessenger.com