24/12/12

Chỉ là chuyện thường tình (C1-2)

Chương 1: Ngày chi tử nở hoa


Trước toà giảng đường trường trung học cơ sở thành phố C có trồng hai cây chi tử (dành dành). Bước vào tháng Sáu, hương bay ngào ngạt, tưởng như có ai đó vô tình làm đổ lọ nước hoa, cả ngôi trường chìm đắm trong hương thơm ngây ngất.

Một vài nữ sinhđem giấu những bông hoa chi tử trong hộc bàn, khiến mỗi lần bước qua hương hoa cũng len lén quyện theo chân người.

Tịch Nhan bất giác nhớ lại thuở nhỏ, trong làng của ông nội cũng có mấy cây chi tử. Mỗi năm đến mùa hoa nở, các cô bé trong làng lại hái những bông chi tử trắng tinh, cài lên tóc, cài lên áo hay bỏ trong cặp sách. Dẫu chỉ là những cô bé nông thôn quê mùa, mặt mũi lấm lem, quần áo cũmèm, nhờ có hương hoa bỗng trở lên dịu dàng, đáng yêu biết bao.

Những ngày chi tử nở hoa ấy, những niềm vui cũng đầy ắp như hoa nở trắng cành, rực rỡ, tươi đẹp.

“Bài học của chúng ta hôm nay tạm dừng tại đây”. Tịch Nhan đứng trên bục giảng, mỉm cười nhìn học trò, “Mời cả lớp nghỉ”.

“Các bạn, đứng!”, tiếng hô dõng dạc của lớp trưởng Liêu Khải cất lên, cả lớp đồng loạt đứng nghiêm, cúi chào.

“Cô chào các em!”

“Chúng em chào cô ạ!”


Tịch Nhan ôm một chồng dầy những tập làm văn của học trò, bước xuống bục giảng hướng ra phía cửa.

Lớp học vốn yên ắng là thế bỗng xôn xao.

“Cô giáo Đỗ!”,sau lung có tiếng gọi ngập ngừng, Tịch Nhan quay đầu lại, ra là lớp phó học tập môn ngữ văn Tiết Đình Chi.

“Sao vậy em?”. Tịch Nhan nhìn cô học trò nhỏ, một cô bé gầy nhỏ xanh xao, tướng mạo bình thường, dù không mấy nổi bật trong lớp nhưng lại viết văn rất hay.

“Cái này…em tặng cô”. Khuôn mặt Tiết Đình Chi dần ửng hồng, chìa tay về phía Tịch Nhan. Trong lòng bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo là một chuỗi những bông hoa chi tử được xâu lại thành vòng.
Tịch Nhan đón lấy vòng hoa trong tay cô bé, đưa lên mũi hít hà, “Uhm, thơm quá!”

“Là bà ngoại em mới xâu sang nay đấy ạ, bà bảo em mang tặng cô giáo Đỗ”. Tiết Đình Chi áy náy nói, cúi đầu, hai tay nắm chặt vạt váy trắng.

“Vậy cho cô gửi lời cảm ơn bà ngoại của em nhé”. Tịch Nhan vuốt nhẹ lên mái tóc cô trò nhỏ. Cô bé có hoàn cảnh thật đáng thương, bố mẹli hôn, không ai chịu nuôi con,cô bé chỉ biết nương tựa vào người bà đã gần bảy mươi tuổi. Cô đơn lại sống nội tâm, trên lớp cô bé hầu như không có bạn.
Không hiểu vì soa mỗi khi nhìn thấy Tiết Đình Chi, Tịch Nhan lại nhớ tới thời ấu thơ của chính mình mà thật lòng xót thương cho cô bé. Không chỉ cho cô bé là lớp phó học tập môn ngữ văn, mà còn nộp giúp học phí cho em lúc khai giảng.

Tịch Nhan đeo vòng hoa vào cổ tay trái, bước ra khỏi lớp học, hướng về phía toà nhà giáo vụ.
Hoa chi tử là ký ức ngát hương suốt thời thơ ấu của cô. Những cánh hoa dày dặn trắng tinh , đeo trên cành cây, trốn trong kẽ lá, như chú chim câu trắng vừa rời tổ. Mùi hương ngào ngạt như có sức nặng, phảng phất khắp nơi.

Đưa tay lên ngắm nhìn từng cánh hoa trắng muốt, hình ảnh cánh đồng làng năm nào chợt hiện ra trước mắt, một bầy trẻ nhỏ chạy nhảy trên con đường mòn, trên mái tóc đen rối bù, cài mấy bông hoa chi tử trắng xinh , hương bay trong gió …

Tịch Nhan cúi đầu bước, lên đến tầng ba, tại chỗ quẹo hành lang, cô đâm vào một người.

Những cuốn tập trong tay rơi cả xuống sàn.

“Xin lỗi”, Tịch Nhan cất lời, cúi xuống nhặt những cuốn tập rơi dưới sàn. Người kia cũng cúi xuống, và bằng một phong thái ung dung tựtại, giúp cô nhặt lên từng cuốn, từng cuốn một.

Tịch Nhan bất giác ngước lên nhìn, mắt gặp mắt, tim cô bỗng đập loạn nhịp.

Đó là một chàng trai khôi ngô tuấn tú khiến người ta nghẹt thở, các đường nét trên khuôn mặt đều rất hài hoà, hàng long mày rậm và thẳng, đôi mắt dài và sâu, lông mi dày, sống mũi cao và thẳng, đôi môi gợi cảm, từng góc cạnh đâu ra đấy.

Kỳ lạ nhất là đôi đồng tử, rõ rang là màu nâu đậm, nhưng lại trong sáng và long lanh như hổ phách, tưởng như có thể nhìn thấu tâm can người đối diện chỉ qua một ánh nhìn. Bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt lạnh lung mà sâu thẳm ấy khiến cô ngừng thở trong tích tắc.

Trong lúc Tịch Nhan vẫn chưa hoàn hồn thì người kia đãđứng dậy, đưa tập vở trong tay về phía cô.

“Cảm ơn anh”. Tịch Nhan ấp úng câu cảm ơn trong miệng,đón lấy tập vở, ôm lại vào lòng. Người kia không nói lời nào, ánh mắt thoáng vẻmơ hồ, chăm chú nhìn cô.

Cô có chút nghi hoặc, chớp chớp mắt, mình đâu có quen anh ta. Một chàng trai kiệt xuất như thế, nếu có từng gặp, nhất định phải có ấn tượng sâu sắc lắm chứ.

Ánh mắt anh ta không chút bối rối,cũng phải thôi một anh chàng khôi ngô như thế, có người đẹp nào mà chưa từng gặp, làm sao lại phải kinh ngạc trước một cô gái tướng mạo bình thường quá đỗi thế này, cũng chẳng phải hiếu kyg, chẳng qua là đang mải nghĩ suy điều gì mà nhìn cô vậy thôi.

Tịch Nhan trước nay vốn là người điềm tĩnh nhã nhặn, làm việc gì cũng hết sức đúng mực, không tính toán hơn thua , nhưng đối diện với ánh mắt thế này, nhất thời trong lòng cũng có chút bất an.

Có gì đâu, chỉ là một người lạ mặt thôi mà.

Nghĩ vậy, cô ôm chặt tập vở trong tay , nhanh chân bước qua anh ta , hướng thẳng về phòng giáo vụ mà không hề quay đầu lại.

Vừa bước vào cửa tổ giảng dạy lớp 6, một bóng người nhỏnhắn từ trong chạy vụt ra

Tịch Nhan bất ngờ, nhanh chóng tránh sang một bên. Vừa mới đụng độ với người ta xong, cô không muốn lại tiếp tục va chạm lần nữa.

Người vừa chạy lướt qua là Trác Thanh Y, cô giáo dạy tiếng Anh mới được phân về trường, nghe nói gia cảnh cũng khá, phục sức đều rất hợp thời, đi dạy luôn có xe ô tô đưa đón, nhìn qua cũng đủ biết tiểu thư con nhà danh giá.

Tịch Nhan hiếu kỳ ngoảnh mặt lại nhìn, Trác Thanh Y chạy theo anh chàng kia, không biết nói với nhau những gì, rồi khoát lấy tay anh ta bước đi.

Tịch Nhan bước vào phòng giáo vụ, còn chưa kịp ngồi xuống thì cô giáo Trần dạy toán bên cạnh đã sáp lại gần: “Ban nãy có nhìn thấy anh chàng đó không? Liệu có phải bạn trai cô giáo Trác đó không nhỉ?”

“Có lẽ là vậy”. Tịch Nhan thuận miệng tiếp lời, hai người họ xem chừng có vẻ thân thiết, trai tài gái sắc chẳng phải rất xứng đôi hay sao.

Cô giáo Tống ngồi phía đối diện tham gia: “Theo tôi thì không phải, cái người lần trước lái con BWM tới đón cô ấy mới là bạn trai”.

“Ối dào, con gái vừa xinh đẹp, gia đình lại có điều kiện như cô ấy, thay đổi bạn trai có gì là lạ? Ai như chúng ta, sống chết mãi một nơi một chốn”.

“Cô giáo Trần, chị quên là tháng sau chị kết hôn sao,đến giờ vẫn còn nói những lời như vậy, không sợ ông xã tương lai mà nghe thấy thì…”

“Nghe thì nghe chứ sợ gì, đàn ông vừa có sắc vừa có tiền, không câu kéo được đã đành, kêu ca một tý cũng không được sao?”

“Làm sao chị biết anh ta lắm tiền?”, cô giáo Tống tỏ vẻhiếu kỳ.

“Cô không thấy sao, dưới nhà đậu con Mercedes bóng loáng đó thôi”.


Câu chuyện này mà để học sinh nghe được thì không biết giấu mặt vào đâu nữa, hoá ra các cô giáo của chúng cũng toàn là các “bà tám” cả.

Tịch Nhan thì không hứng thú gì với những anh chàng đẹp trai lắm tiền. Một người lạ mặt, một ngừoi bạn đồng nghiệp, nó cách xa cái thếgiói của cô cả vạn dặm.

Cô tháo vòng hoa trên tay ra, đặt lên bàn, tiện tay giởmột cuốn tập, chuyên tâm chấm bài.
Nhân sinh hà xứ bất tương phùng.(1)

Tịch Nhan dù có trí tưởng tượng phong phú thế nào cũng không thể nghĩ được rằng, “người lạ mặt “ ấy lại có thể làm thay đổi cả cuộc sống của cô.


(1) Là 1 vế của câu thơ nổi tiếng của Trung Quốc: “ Hữu duyên thiên lý lai tương hội, nhân sinh hà xứ bất tương phùng”, có nghĩa là chỉ cần có duyên với nhau thì sẽ gặp được nhau, cuộc đời nào thiếu chỗ gặp mặt.



Chương 2: Anh là ánh sáng của đời em


Cuối tuần này là sinh nhật cô giáo Tống. Hết giờ học, cô hô hào mời mọi người đi ăn cơm, rồi đi hát, lời mời được hưởng ứng nhiệt tình, công việc bộn bề căng thẳng, mấy khi có dịp đi xả stress thế này.

Trong khi mọi người í ới gọi hẹn nhau, Tịch Nhan vẫn cắm cúi đọc sách, cả buổi không lên tiếng.

Từ từ gấp cuốn sách lại, Tịch Nhan lắc đầu: "Thôi, lát nữa mình có chút việc, các bạn đi đi".

"Hẹn hò với bạn trai à?", cô giáo Trần nháy nháy mắt, hỏi bằng giọng hết sức mờ ám.

Tịch Nhan thoáng ngẩn người, rồi nhún vai: "Mình đâu đã có bạn trai?".

Ai ai cũng biết, thầy giáo thể dục của lớp 7/3 Trình Uyên đang theo đuổi Tịch Nhan, lúc nào cũng đặc biệt để ý, quan tâm tới cô.

"Vậy tụi mình đi đây, mai gặp nhé!"

"Bye bye!"

Tiếng bước chân dần mất hút nơi hành lang. Văn phòng trở lại vẻ tĩnh lặng. Sợi nắng cuối cùng của ngày hè lọt qua khung cửa sổ hợp kim nhôm rọi vào phòng, hơi chói mắt.

Phòng đang mở điều hòa. Trong cái không khí khô ráo ấy, có hương thơm dìu dịu lan tỏa, dần thấm vào lòng người.

Vòng hoa chi tử trên bàn, đã hai ngày trôi qua, những cánh hoa trắng ngần khi trước đã dần chuyển sang màu vàng. Sau vài ngày nữa sẽ thành vàng sậm, rồi héo khô. Nhưng hương hoa thì không hề thay đổi, vẫn ngào ngạt ngất ngây. Cái mùi hương thanh thanh nền nã ấy, chỉ cần đặt chân tới cửa phòng là đã ngửi thấy.

Đúng là hoa chi tử, thơm là thơm đến tận cùng, dẫu cho thân thể úa tàn thì hồn hoa vẫn cứ ngát hương, đọng mãi trong tâm trí người ta.

Cũng giống như chàng trai của mối tình đầu. Năm tháng qua đi, như dòng nước trôi chảy không ngừng, khi bạn tưởng như đã từ bỏ. Nhưng không, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần nghĩ tới anh ấy, một góc sâu kín trong trái tim lại nhói lên, vết thương như mới chỉ hôm qua.

Hóa ra hình bóng ấy chưa khi nào rời xa. Hạt giống ta trồng thuở thiếu thời, nay đã đâm rễ nảy mầm, ăn sâu vào trong từng tế bào cơ thể, cành lá quấn quít, mọc thành mụn ruồi nơi chân mày, thành đường vân trong lòng bàn tay, muốn một lúc nhổ sạch gốc rễ, đâu có dễ dàng?

Dẫu rằng người đó đã biến mất trong biển người, mà không nhắn lại một lời.

Muộn phiền và bi thương nhạt nhòa, tự do lan tỏa bao trùm bầu không khí.

Không, cô tự an ủi trong tim mình, Tô Hàng, em không nhớ anh, đó chỉ là hoài niệm về quá khứ, hoài niệm về một thời tươi đẹp nhưng thuần khiết mà thôi.

Tịch Nhan đứng dậy, với tay tắt điều hòa, hốt sạch đống vỏ dưa hấu đổ vào thùng rác. Lúc chiều, Trình Uyên mua dưa hấu đem tới, bảo để giải khát mùa hè cho chị em, nhưng kỳ thực là mang cho cô.

Trình Uyên cao lớn, ưa nhìn, tính tình cởi mở thân thiện, thường thích mặc bộ quần áo thể thao màu trắng. Tâm ý của anh, không phải cô không hiểu, chỉ là không làm sao đón nhận được mà thôi.

Bước ra khỏi tòa nhà giáo vụ. Ngôi trường sao mà trống trải, những ồn ào náo nhiệt của ban ngày đã lùi sau. Ngoài những học sinh có nhiệm vụ trực nhật đang quét dọn, ngôi trường gần như không một bóng người.

Tịch Nhan rảo bước trên con đường thẳng tắp rợp bóng cây, trở về ký túc xá. Hai bên đường là những cây ngô đồng rợp mát, cành lá đan xen như ngăn không cho ánh nắng lọt qua. Bên tai nghe tiếng kêu râm ran của những chú ve, những tán lá ngô đồng trên cao cùng gió hòa tấu bản nhạc xạc xào.

Đi qua sân bóng rổ, có một vài nam sinh đang thi nhau ném phạt, xem xem ai ném trúng nhiều hơn. Đều là những nam sinh nội trú cuối tuần không về quê, mới ăn cơm xong, thi nhau tìm người thua cuộc lãnh trách nhiệm rửa bát.

Riêng với ném phạt trong bóng rổ, nữ sinh thường có tỷ lệ ném chính xác cao hơn nam sinh. Bởi con gái thường cẩn thận, chỉ ném khi đã nắm chắc phần trúng, không tùy tiện ném cho xong; còn con trai thì khác, không cần quan tâm thành công hay không, chỉ cần ném bóng ra đã, trúng hay không tính sau.

Cũng giống như thái độ của con gái và con trai đối với tình yêu vậy.

Hôm qua trong lúc chấm bài, khi mở tập vở của Tiết Đình Chi, Tịch Nhan vô tình phát hiện phía sau vở viết: Liêu Khải, Liêu Khải, Liêu Khải, … bằng nét bút rất mảnh màu xanh nhạt, chi chít, kín đặc cả một trang vở.

Liêu Khải là lớp trưởng lớp 7/3, đồng thời là cán bộ phụ trách học tập của lớp, tất cả các thầy cô giáo đều hết mực cưng chiều cậu trò cưng này. Ăn nói lưu loát, có năng khiếu thể dục thể thao, tuy mới chỉ mười ba tuổi nhưng đã ra dáng một cậu thanh niên cao ráo, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, khi cười còn để lộ hàm răng trắng bóng.

Một nam sinh ưu tú nhường vậy, các cô bé nữ sinh đem lòng yêu mến cũng là điều dễ hiểu.

Tiết Đình Chi thầm thương trộm nhớ cậu cũng không có gì là lạ. Cũng như cô bé không có đặc điểm gì nổi bật là cô năm xưa, đem lòng thương nhớ nam sinh ưu tú Tô Hàng.

Lần đầu tiên gặp Tô Hàng, là mùa hè năm cô mười bốn tuổi.

Chiều hè năm ấy, ánh nắng chói chang ngoài cửa sổ, ve sầu ra rả kéo đàn trên ngọn cây ngô đồng. Bụi phấn hòa cùng nước bọt của cô giáo dạy sinh vật bay lượn trong không trung, học sinh trong lớp đều đang trong trạng thái gà gật. Tịch Nhan nằm bò ra bàn, hai mắt nhắm nghiền, khóe miệng còn vương cả nước miếng.

Chỗ ngồi của Tịch Nhan ở hàng ghế cuối cùng sát góc tường, vị trí quá ư là thích hợp để đánh một giấc mà không sợ bị phát hiện. Chỗ ngồi bên cạnh trước nay vẫn trống, bởi chẳng có ai muốn ngồi cùng bàn với cô cả.

Tịch Nhan khi đó không hứng thú gì với học hành, không thích chơi với các bạn đồng trang lứa, thứ duy nhất cô ưa thích là khu vườn nhỏ phía sau trường. Cô thường một mình trốn vào vườn chơi, quên hết mọi thứ xung quanh, thậm chí cả giờ lên lớp.

Thành tích học tập lẹt đẹt, ngoại trừ môn thể dục, các môn học khác chưa khi nào cô đạt mức trung bình. Mỗi lần trả bài kiểm tra, cô cầm bài kiểm tra đầy những dấu gạch chéo đỏ chót, một mình trốn vào vườn trèo lên cây, giấu mình trong đám cây lá rậm rạp, cảm giác thật an toàn.

Nhưng dù có trốn kỹ thế nào, cuối cùng vẫn phải trở về nhà. Những lời trách móc của mẹ không những không giảm bớt, mà ngày càng thậm tệ hơn. Người mẹ với bản tính hiếu thắng, nhìn thấy bảng thành tích của cô, không nói không rằng cho ngay cái bạt tai, rồi còn phạt cô quỳ trên bàn giặt quần áo[1]. Người cha hiền lành dường như cũng bó tay với cô, ông không mắng cũng không đánh, chỉ thở dài an ủi mẹ cô: "Cha mẹ sinh con trời sinh tính, có đứa thế này đứa thế kia, âu cũng là số mệnh".

[1] Dụng cụ giặt đồ ngày xưa, làm bằng gỗ, trên có các rãnh.

"Đứa kia" không ai khác là chị Triều Nhan, học trên Tịch Nhan một lớp, là học trò cưng trường điểm của thành phố, là "tài năng thiên bẩm" trong mắt thầy cô, đại diện cho trường tham gia nhiều cuộc thi khác nhau, được xưng là "hoa khôi khối trung học cơ sở thành phố C", tài mạo song toàn.

Đối với chị Triều Nhan, Tịch Nhan chưa bao giờ cảm thấy đố kị. Bởi một thứ khi đã hoàn mỹ tới đỉnh điểm của nó, lúc đó cảm giác nó đem lại cho người khác, chỉ là sự ngưỡng mộ, chứ không phải là đố kị.

Nếu nói Triều Nhan là người ai ai cũng yêu mến, là đóa mẫu đơn xinh đẹp kiều diễm, thì Tịch Nhan, như chính cái tên của cô, là bông hoa hồ lô không chút bắt mắt, sống đơn độc trong góc tối âm u, cằn cỗi.

Tô Hàng mười bốn tuổi, như một chùm ánh sáng, chiếu rọi vào thế giới tối tăm u ám của cô, đem đến cho cô những hơi ấm đầu tiên của cuộc sống.



Nguồn: tieuthuyet.com.vn