21/12/12

Chú bé rắc rối (C3-4)

Chương 3

Đúng là thằng An nghe tôi thật. Hôm sau gặp nó, tôi hào hứng định mở miệng thuyết nó một tràn về "trẻ con" với "người lớn", "công việc" với "tiền bạc" thì nó đã chặn ngang:
- Thôi, bây giờ không nói chuyện gì khác ! Bàn vô chuyện học đi !
Lời tuyên bố hùng hồn của nó làm tôi ngẩn người ra . Phải một phút sau tôi mới hoàn hồn lại được:
- Mày nói thiệt đó chứ ?
- Thiệt mà !
Tôi vẫn chưa tin:
- Thiệt thiệt hay thiệt giả ?
- Thiệt thiệt.
Tôi giả bộ nhăn nhó:
- Từ từ đã ! Để tao còn phải chuẩn bị ! Học "rụp" một cái đâu có được !
Nó tỏ vẻ bực dọc:
- Dẹp cái trò chọc quê đi ! Tao nói đàng hoàng đó ! Chiều mai, thứ năm, tụi mình bắt đầu học.
- Ủa, hôm qua mình bàn tới thứ bảy mới bắt đầu kia mà ?
- Không thứ bảy gì hết ! Tao nói thứ năm là thứ năm !
- Nè, - Tôi kéo áo An - tao hỏi thiệt, sao tự dưng hôm nay mày ngon quá vậy ?
An im lặng một hồi rồi thở ra:
- Chiều hôm qua anh Vĩnh tao về phép.
Tôi không hiểu:
- Thì đâu có sao ?
- Nẹt lửa chớ không sao !
- Ảnh đốt nhà hả ?
- Đốt, có mày đốt đó ! Hồi hôm khi kiểm tra tập của tao, ảnh "xạc" tao một trận nên thân.
Té ra là vậy .
- Chứ má mày và anh Dự không bao giờ "xạc" mày à ?
- Hai người đó chẳng bao giờ rớ đến tập vở của tao . Thà vậy mà khỏe . Chớ như anh Vĩnh thì thiệt ngán. Lật một trang ảnh lại hỏi: tại sao lại có con 2 này ? Lật một trang ảnh lại hỏi: con 2 này ở đâu ra ? Cứ vậy suốt cả buổi tối . Tao ngồi tháo mồ hôi hột. May là cuối cùng má tao giải vây cho tao .
- Giải vây cách sao ?
- Má tao kêu tao đi tắm rồi sau đó bắt tao đi ngủ.
- Anh Vĩnh mày không nói gì sao ?
- Nói chớ. Không biết ảnh nói gì mà má tao rầy ảnh. Ảnh nói lại . Má tao rầy tiếp. Ảnh lại nói . Má tao la lên. Rồi anh Dự tao đi nhậu xỉn về tiếp hơi cho má tao . Ba người nói qua nói lại, tao nằm nghe lộn xộn một hồi, ngủ khi nào không hay .
Tôi gật gù:
- Vì vậy mà mày tính học ngay lập tức ?
An vò đầu:
- Ừ. Anh Vĩnh tao hăm hễ lần sau về còn thấy một con 2 trong tập là ảnh đưa tao đi cải tạo liền.
Tôi cười:
- Ảnh dọa vậy thôi .
- Ai biết được ! Nhưng tao học còn vì tao đã ngoéo tay với mày .
Thấy vẻ mặt nghiêm trang của nó, tôi hơi mừng trong bụng. Chợt nhớ đến vấn đề quan trọng nhất, tôi hỏi:
- Nhưng tụi mình học chung ở đâu ? Ở nhà tao hay ở nhà mày ?
Nó phẩy tay:
- Ối, nhà ai chẳng được. Thôi chuyện đó để sáng mai tính.
Tôi sốt ruột:
- Thôi tính bây giờ đi !
Nhưng tôi chưa kịp tính thì trống vào học đã vang lên.
Học sinh lục tục xếp hàng vào lớp.
Theo đúng như nề nếp trong tổ thì tôi đứng ở vị trí thứ ba, sau nhỏ Trầm Hương và thằng Hưng nhí, bởi vì tôi thuộc loại nhỏ con nhất lớp, còn thằng An thì đứng gần cuối . Nhưng vì lúc nãy hai đứa tôi không ngồi ôn bài đầu giờ theo nội quy nên bây giờ tôi tìm cách đứng phía sau . Đứng đằng trước, thằng Nhuận "chộp" được thì nguy .
Không dè tôi vừa chen vào, thằng Quyền đã xô ra:
- Đây đâu phải chổ của mày !
Tôi gạt phắt tay nó:
- Tao muốn đứng đâu kệ tao !
Nó lại đẩy ra, la toáng lên:
- Chổ của mày ở trên kia !
Tôi biết thằng Quyền ức tôi về chuyện hôm trước tôi méc thầy Việt là nó đọc truyện trong tiết tập nói . Thành ra vừa rồi nó "phang" tôi trong cuộc họp xét phong sao chiến công. Thực ra trong buổi họp đó, đứa phê tôi quyết liệt nhất là nhỏ Dạ Lan. Nhưng tính Dạ Lan bộc trực, đốp chát từ trước đến nay ai cũng biết. Còn thằng Quyền thì khác. Tôi nghi là nó cố tình trả đũa tôi . Tôi đã không thèm nói, vậy mà hôm nay nó tiếp tục "chơi" tôi .
Càng nghĩ càng tức, tôi quyết tâm lăn xả vào ăn thua đủ với nó. Nhưng Quyền to con hơn tôi nên nó hất tôi ra dễ dàng. Thằng An thấy vậy liền chồm lên trợ lực cho tôi nhưng nó chưa kịp ra tay thì ở trên, thằng Nhuận thấy động liền chạy xuống:
- Ai làm mất trật tự vậy ?
Quyền chỉ tôi:
- Nó mọi bữa đứng trên kia, tự nhiên bây giờ chen ngang vô đây !
Nhuận dòm tôi:
- Sao vậy, ông tướng ? Về chỗ cũ đi !
Rồi nó quay sang thằng An:
- Cả mày nữa ! Hai đứa mày chẳng lúc nào chịu ngồi ôn bài đầu giờ. Đã vậy, lúc xếp hàng còn lộn xộn. Tao báo cô Nga cho coi !
Khi vào lớp, vừa mới ngồi xuống, Nhuận rút sổ thi đua ra, tuyên bố:
- Trừ Nghi và An mỗi đứa 2 điểm trật tự !
Thằng An hoàn toàn thờ ơ trước câu nói đó. Còn tôi thì rủa thầm trong bụng "Trừ thì trừ, ông cóc ngán". Nói thì nói vậy chứ thực ra tôi cũng hơi ngán. Không khéo tháng này lại "rụng" thêm một sao chiến công nữa !
Tiếng lật tập sột soạt chung quanh làm tôi sực nhớ đến tiết ngữ pháp hôm nay . Tuần trước thầy Việt bảo hôm nay sẽ kêu từng đứa lên bảng để kiểm tra về các từ loại đã học. Kiểu này thì chết thằng An rồi . Hai đứa chưa kịp học chung với nhau một lần nào, nếu thầy kêu nó, chắc nó lại bị điểm kém nữa . Còn tôi thì tha hồ nghe những lời trách móc.
Tôi khấn thầm trong bụng cho thầy Việt đừng kêu nó. Nhưng ngặt một cái, tên nó lại đứng đầu sổ. Khỉ thật, tên gì không đặt lại đặt tên An ! Nếu là Than hay Van có phải đỡ hơn không !
- Tất cả các em gấp tập lại đi !
Tiếng thầy Việt vang lên.
Cả lớp lục tục gấp tập. Những đứa chưa thuộc bài cố tình chậm chạp để coi ráng thêm vài chữ nhưng khi thầy Việt đưa mắt nhìn xuống thì chúng vội vàng nhét tập vô ngăn bàn.
Thằng An thì từ đầu chí cuối không hề mở tập lấy một lần. Nó ngồi nhìn bâng quơ ra cửa sổ, chẳng biết nghĩ ngợi gì.
Thầy Việt chấm bút lên cuốn sổ gọi bài:
- Nguyễn Văn An.
Trong khi tôi giật thót người, thì An rời khỏi chỗ ngồi, từ từ lên bảng. Nó không hề tỏ vẻ lo lắng hay hôi hộp. Lên bảng, không trả lời được hoặc trả lời sai, nhận điểm 2 hoặc điểm 1 rồi trở về chỗ, từ trước đến nay nó đã quen như vậy rồi . Cả lớp cũng chẳng chờ đợi điều gì mới mẻ, mặc dù gần đây nó được "cùng tiến" với tôi .
Sau khi xem lướt qua cuốn tập của An, thầy Việt hỏi:
- Em có thuộc bài không ?
An gãi cổ:
- Em không biết ạ .
- Sao lại không biết ?
- Thưa thầy, có khi ở nhà em thuộc nhão như cháo, tới lớp lại quên sạch hết ạ.
Rõ ràng là nó nói dóc. Đứa nào trong lớp cũng thừa biết là nó chẳng bao giờ học bài . Trả lời kiểu này chắc là nó đang bắt đầu pha trò đây .
Nhưng thầy Việt trước nay vốn dễ tính, cởi mở với học trò. Trong những giờ học của thầy, lớp học thường vui vẻ, thoải mái, ít căng thẳng. Thầy sẵn sàng để cho học trò đùa giỡn, thậm chí pha trò như thằng An, miễn là đừng đi quá trớn, thiếu tôn trọng người khác và ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Nghe An đáp, thầy gõ gõ tay xuống bàn:
- Thôi được, thầy sẽ kiểm tra xem em nhớ hay là quên. Em hãy cho biết "từ cảm" là gì?
Như thường lệ, An lại đứng im như cột nhà.
Thầy Việt liếc nó một cái, rồi cúi xuống cuốn tập. Biết thừa nó nên thầy không giục. Giục nó, ắt nó sẽ gãi đầu ra vẻ bối rối: "Thưa thầy, cho em nghĩ thêm một chút xíu ạ" và rốt cuộc nó chẳng nghĩ được một cái gì ra hồn.
Tôi theo dõi từng cử động của An, bụng nóng như lửa đốt. Nó gãi đầu, gãi cổ một hồi lại đưa tay nắn nót dây nịt, dường như để kiểm tra xem dây nịt có đứt chổ nào không. Nó chẳng có vẻ gì định trả lời câu hỏi của thầy cả. Tôi đang có cảm giác là nó sẽ đứng hoài như vậy cho đến già thì bỗng nhiên nó mở miệng:
- Thưa thầy, em nhớ ra rồi ạ !
Thầy Việt quay lại:
- Em trả lời đi !
An ưỡn ngực đứng nghiêm:
- Thưa thầy, từ cảm là từ đứng một mình trong câu để biểu lộ cảm xúc ạ.
Cả lớp ồ lên một lượt. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi nghe thằng An đáp đúng được một câu ngữ pháp. Mặc dù thay vì nói "đứng riêng rẽ" theo như bài học thì nó nói là "đứng một mình". Tôi chưa kịp thở phào thì thầy Việt hỏi tiếp:
- Khá lắm ! Bây giờ em kể ra một vài từ cảm thường dùng xem nào !
Thằng An làm chuyện phi thường. Nó trả lời ngay, không cần "nghĩ chút xíu":
- Thưa thầy, A !
Thầy Việt gật đầu:
- Gì nữa ?
- Á !
- Nói tiếp đi !
- À !
Ở dưới lớp bắt đầu có tiếng cười hí hí.
Thầy Việt khịt mũi:
- Thôi, em pha trò như vậy là đủ rồi ! Bây giờ em tự kể tiếp đi !
An hắng giọng:
- Thưa thầy, còn một số từ cảm thường dùng nữa là: ôi ! than ôi ! chao ôi ! trời ôi ! cha ôi ! mẹ ôi !...
Thằng An làm một tràng khiến nhiều đứa cười phá lên. Rõ ràng nó cố ý giễu hề, nhưng vì nó đáp đúng nên tôi không giận nó như mọi lần. Thầy Việt khoát tay:
- Thôi, đủ rồi ! Em hãy đặt một câu với từ "than ôi" !
Nó quay mặt xuống lớp, hấp háy mắt, xuống vọng cổ:
- Than ôi ! Không biết tại sao em học yếu quá... ư ... chừng !
Lần này cả thằng Nhuận khó tính, cả thằng Vương lớp trưởng cũng cười . Cả thầy Việt cũng vậy . Thầy đưa cuốn tập cho An:
- Nếu em chịu khó học bài như bữa nay thì em không yếu đâu ! Thầy cho em 9 điểm !
Tôi mừng rơn. Còn An thì xách tập về chỗ với vẻ hí hửng. Thật là một chuyện lạ! Mấy đứa trong ban chỉ huy đội và ban cán sự lớp nhìn theo nó với vẻ thiện cảm. Còn nhỏ Tuyết Vân, lớp phó học tập và thằng Nhuận thì quay lại dòm tôi bằng ánh mắt đầy ý nghĩa, khiến tôi đỏ bừng mặt. Tụi nó tưởng tôi đã góp công sức trong biết cố phi thường này .
- Sao bỗng dưng mày chơi nổi vậy ? - Tôi tò mò hỏi An.
Nó nhún vai:
- Chơi nổi quái gì ! Hôm nay tao trúng tủ. Hồi hôm anh Vĩnh "quần" tao bài này đến tháo mồ hôi .
Ra là vậy ! Nó làm tôi thất vọng quá chừng. Tôi cứ đinh ninh nó "lột xác", nó tự giác học tập, ai dè nó thuộc bài là do anh nó "truy". Mà anh Vĩnh nó thì một năm về nhà chừng hai, ba lần, có khi về hôm trước hôm sau là đi ngay . Thế là nó lạ tiếp tục "than ôi ! Không biết tại sao em học yếu quá chừng !" nữa cho mà coi !
Tôi thăm dò:
- Được điểm 9, mày khoái không ?
An gật gù:
- Cũng khoai khoái !
Tôi bắt đầu tấn công:
- Vậy mày có muốn khoai khoái hoài không ?
Nó nhìn tôi nghi ngờ:
- Mày tính dụ khị tao hả ?
Tôi nổi sùng:
- Dụ khị cái con khỉ ! Học là học cho mày chớ đâu phải học cho tao !
Thấy tôi giận, An làm hòa:
- Ai biểu mày dò tới dò lui hoài chi ! Tao đã hứa chiều mai hai đứa học chung kia mà !
Nó làm tôi mát lòng mát dạ quá xá. Chẳng biết ngày mai nó làm ăn ra sao chứ hiện giờ mặt mày nó rất là đứng đắn, nghiêm trang. Thôi được, mọi chuyện rồi sẽ rõ !

*
* *
Hôm sau, hai đứa đều thống nhất là sẽ học chung ở nhà An. Gọi là gần nhưng nhà tôi cách nhà nó khoảng gần ba trăm mét. Hai nhà lại ở trên hai con đường khác nhau . Muốn đê"n nhà nó, tôi phải băng qua một miếng đất hoang, một ngã tư và một đoạn đường chạy dọc theo một bờ đất cao, cây cỏ um tùm. Dù thuộc nội thành nhưng chổ chúng tôi ở là vùng giáp ranh với ngoại ô nên khung cảnh cũng chẳng khác gì thôn quê . Từ nhà An phải đi thêm gần một cây số nữa mới ra tới lộ cái, nơi nhà cửa chen nhau, xe cộ nhộn nhịp.
Tôi chưa tới nhà An lần nào nhưng nó khoe nhà nó rộng rãi, mát mẻ, lại đầy đủ "tiện nghi", nào là cát-xét nghe nhạc, quạt máy, tủ lạnh. Nó kể đủ thứ nhưng tôi chỉ mê mỗi cái tủ lạnh. Ngồi học mệt mỏ, nóng nực mà có ngay nước đá bên cạnh thì hết sẩy .
Về địa điểm hai đứa nhất trí bao nhiêu thì về giờ giấc học tập, tôi và An lại bất đồng bấy nhiêụ An cứ nằng nặc đòi học từ một giờ đến ba giờ, sau đó đi đá bóng với bọn trẻ trong xóm. Mặc dù nghe nói đá bóng là tôi mê tít nhưng tôi cứ nhất quyết đòi học từ ba giờ đến năm giờ. Cứ vậy, chẳng đứa nào chịu đứa nào .
An nheo mắt nhìn tôi:
- Bộ mày hết khoái đá bóng rồi hả ?
- Khoái chớ !
- Khoái sao mày không chịu học từ một giờ đến ba giờ ?
Tôi nhăn mặt:
- Học giờ đó nóng thấy mồ !
An nghi ngờ:
- Xạo đi mày !
- Thiệt mà !
- Tao không tin. Mày mà sợ nóng ! Tao thấy mày đi chơi buổi trưa hoài !
Tôi nhún vai:
- Mày không tin thì thôi !
An kéo áo tôi:
- Tao không tin. Mày nói thiệt đi !
Thằng An truy riết khiến tôi lưỡng lự, nửa muốn nói nửa muốn không. Chẳng lẽ nói thẳng ra là tôi sợ ... cái lò thịt. Số là từ nhà tôi đến nhà nó có một đoạn đường khá vắng vẻ, ở đó có một lò mổ thịt, bỏ hoang từ sau ngày giải phóng. Lò thịt nằm lọt giữa các bụi cây um tùm, mái ngói đen xỉn, mục nát và thủng lỗ chỗ. Các cánh cửa không biết bị ai gỡ mất chỉ còn trơ lại bốn bức tường và các bệ mổ xám xịt, loang lổ những hình thù kỳ quái . Sàn nhà lót gạch tàu, mỗi miếng khoảng bốn tấc vuông, trước đây màu đỏ, bây giờ rêu phủ xanh rờn và giữa các kẻ hở, cỏ dạo mọc đầy . Khung cảnh hoang vu như vậy, ban ngày trông đã phát ớn, ban đêm lại thêm đom đóm bay chập chờn như ma trơi, trông càng dễ sợ .
Người ta đồn ở đó lắm ma, thậm chí xe xích lô cũng không dám chở khách đi ngang lò thịt vào giờ ngọ . Có lần tôi hỏi ba tôi về chuyện đó, ba tôi gạt phắt:
- Con đừng có tin ba chuyện nhảm nhí đó !
Má tôi cũng nói giống hệt như ba tôi .
Chỉ có bà tôi là nói khác:
- Có thật đó cháu ạ ! Những người bị chết oan, hồn của họ không bao giờ tan đi cả.
Bà tôi còn dặn tôi:
- Khi đi ngang qua lò thịt, nếu cháu có nghe ai gọi tên mình thì nhớ đừng trả lời .
- Sao vậy, bà ? - Tôi ngạc nhiên.
- Ma gọi đó ! Nếu ma gọi mà mình trả lời thì nó bắt mất hồn.
Chưa nghe bà tôi nói, tôi đã sợ . Nghe bà dặn dò kỹ lưỡng, tôi càng sợ hơn. Buổi tối và ban trưa, không bao giờ tôi dám đi ngang qua lò thịt một mình. Khi lỡ gặp tình huống như vậy thì tôi nhắm mắt nhắm mũi chạy vù qua như bị ai đuổi sau lưng.
Chính vì nguyên nhân đó mà tôi không muốn đi học từ một giờ. Bởi như vậy, tôi sẽ phải đi ngang qua lò thịt vào "giờ ngọ", không khéo ma lại bắt mất hồn.
- Mày nói thiệt đi ! - An lại giục.
Cuối cùng, tôi đành thú thiệt:
- Tao sợ đi ngang... lò thịt.
Nghe thoáng qua là An biết liền:
- Mày sợ ma chứ gì ?
Tôi gật đầu, mặt đỏ bừng.
- Ha ha ! - An cười to - Lớn rồi mà còn sợ ma !
Tôi khịt mũi:
- Ma ai mà chẳng sợ !
An nhún vai:
- Tao cóc tin ! Làm gì có ma mà sợ !
- Có chớ sao không ? - Tôi cãi . - Mày thấy ma lần nào chưa mà bảo có ?
- À à... chưa ! - Tôi ấp úng - Nhưng bà tao bảo có.
- Bà mày thấy ma rồi à ?
- Ừ. Bà tao bảo hồi nhỏ bà tao thấy ma hai, ba lần.
An lại nhún vai:
- Bà mày tưởng tượng đó thôi !
Nghe nó nói tôi sầm mặt xuống. Thấy vậy, An làm lành:
- Vậy là bắt đầu từ chiều nay, mình học từ ba giờ hén !
Cái thằng ngó vậy mà dễ thương hết biết ! Tôi mừng rơn trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn giả bộ lầm lì khiến An cứ lẽo đẽo theo xin lỗi hoài . Mãi tới lúc ra về tôi mới cười với nó một cái .

Chương 4

Có ma hay không ? Thú thật là tôi không biết. Tôi chưa thấy ma bao giờ. Ở trường, các thầy cô bảo là không có, đó chỉ là chuyện mê tín dị đoan. Ba má tôi cũng nói vậy . Nhưng bà dì Sáu ở dưới quê thỉnh thoảng lên chơi thì bảo là có.
Bà tôi kể là hồi ở dưới quê, có lần cậu Tư tôi bị ma giấu . Cậu đi làm ruộng từ sáng đến tối không thấy về nhà. Cả nhà hoảng hốt đốt đuốc đi tìm. Tìm cả buổi, có người phát hiện ra cậu đang ngồi co rúm trong lùm tre . Bảo cậu chui ra, cậu loay hoay cả tiếng đồng hồ không làm sao chui ra được bởi xung quanh cành nhánh, gai góc dầy đặc. Rốt cuộc mọi người phải lấy rựa phát sạch gai góc cho cậu bò ra . Hỏi cậu chui vô đó làm chi, cậu trả lời không biết. Bà tôi nói là cậu bị ma dắt.
Bà tôi còn kể có lần bà đang ngủ trưa trên võng, tự nhiên thấy cái võng đưa qua đưa lại . Mở mắt ra, bà thấy một thằng nhỏ đang cầm dây võng kéo lấy kéo để. Bà sợ hãi muốn la lên nhưng quai hàm cứng đơ, không làm sao mở miệng ra được. Đến khi bà nhẩm trong đầu "Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn" thì thằng nhỏ mới chịu biến mất.
Dì Sáu tôi kể chuyện còn rùng rợn hơn. Dì nói có lần nửa đêm dượng Sáu lên cơn sốt, dì phải đạp xe đi mời thầy thuốc. Muốn đến nhà thầy thuốc, phải đi ngang qua một cây cầu . Cây cầu này bắc qua một con suối vốn nổi tiếng là có nhiều ma, vì đã có nhiều người bị chết đuối ở đó. Mặc dù là người dạn dĩ, khi đạp xe đến gần cầu, dì cũng đâm ra hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Từ xa, thấy ở hai bên cầu có bốn cây thông cao vút, dì hơi lạ vì ban ngày đâu có mấy cây thông này . Nhưng vì đang nóng lòng lo cho tính mệnh dượng Sáu, dì chỉ ngạc nhiên một chút thôi nhưng vẫn đạp xe tới . Ai dè khi sắp đến cầu, tự nhiên một trong bốn cây thông đó đột ngột... ngồi xuống. Dì xanh ngắt mặt mày, vội vã quay xe lại . Về tới xóm, dì kể lại câu chuyện và nhờ thêm hai người đàn ông đi cùng. Lần này thì ba người chẳng thấy bóng dáng một cây thông nào ở hai bên cầu . Dì kết luận: ở dưới quê, ma nhiều lắm, trên thành phố này cũng có ma, nhưng ít hơn, vì ở trên này nhà cửa đông đúc, xe cộ ồn ào .
Tôi và nhỏ Ái ngồi nghe say sưa, vừa sờ sợ lại vừa thinh thích. Chúng tôi cứ tưởng đó là chuyện thật, đâu có ngờ bà tôi và dì Sáu cũng chưa thấy ma lần nào, toàn là nghe thiên hạ kể, rồi khi kể lại với chúng tôi, bà tôi và dì tôi tự nhận là mình thấy để cho câu chuyện "đậm đà" hơn và có vẻ thật hơn.
Hôm nào nghe kể chuyện ma, tôi và nhỏ Ái chẳng đứa nào dám ra ngoài hè vào buổi tối . Nửa đêm mắc tiểu, tôi đứng vạch quần tè ngay vô góc nhà. Có lần má tôi bắt gặp, mắng tôi một trận nên thân:
- Lớn tồng ngồng rồi mà còn đái bậy, không biết xấu hổ ! Sao không bước ra ngoài hè ?
- Con sợ ...
- Sợ cái gì ?
- Sợ ma .
- Hừ, ma với quỷ ! Ai nói với con vậy ?
- Bà nói .
Bữa đó má tôi cằn nhằn bà:
- Mẹ kể ba cái chuyện bậy bạ đó làm chi cho con nít sợ !
Bà tôi tặc lưỡi:
- Tao nói là nói vậy !
Mặc dù "nói là nói vậy" nhưng bà tôi vẫn dặn tôi đừng bao giờ đi ngang lò thịt một mình.
Thằng An khác với tôi một trời một vực. Nó chẳng sợ gì cả. Nó nói với tôi là nó đi ngang lò thịt vào buổi tối hoài mà chẳng thấy gì. Nó mong được gặp ma một lần cho biết mà chẳng bao giờ gặp. Tôi kể lại với bà tôi, bà tôi bảo là vía nó nặng, ma rất kỵ những người vía nặng.
Lũ bạn trong lớp tôi không phải đứa nào cũng bạo gan như An. Khối đứa không dám đi ngang lò thịt một mình. Tụi nó cũng có những người bà, người dì hệt như bà tôi và dì tôi vậy, cứ ngồi lại là kể chuyện rùng rợn, nghe phát rởn tóc gáy .
Một hôm, lớp tôi đang học đến chuyện Tấm Cám. Trong khi thầy Việt đang giảng bài thì ở dưới lớp nổi lên tiếng xì xào .
Nhỏ Trầm Hương hỏi thằng Hưng nhí:
- Bụt có thật không Hưng ?
Hưng nhí bị hỏi đột ngột, nó phân vân một giây rồi đáp:
- Bây giờ không có nhưng hồi xưa chắc có.
- Hồi xưa là hồi nào ?
Hưng nhí ấp úng:
- Thì... hồi cô Tấm đó.
Thằng Quyền ngồi bên cạnh chen ngang:
- Mày không biết gì hết ! Bây giờ vẫn có Bụt !
Hưng nhí vặc lại:
- Mày có thấy không ?
Quyền khăng khăng:
- Không thấy nhưng mà vẫn có !
- Xạo ! - Hưng nhí bĩu môi .
mình to con, thằng Quyền đấm cho Hưng nhí một cú:
- Mày nói ai xạo ?
Hưng nhí vừa xuýt xao vừa dẩu môi:
- Tao nói mày đó !
Thấy thằng Quyền định đấm Hưng nhí một cú nữa, tôi vọt miệng:
- mạnh hiếp yếu, không biết xấu !
Quyền quay lại nhìn tôi:
- Mày nói gì ?
Trong khi tôi chưa kịp trả lời thì Nhuận kéo áo Quyền:
- Quay lên ! Thầy nhìn kìa !
Nhưng ngay lúc đó thầy Việt đã lên tiếng:
- Các em ở tổ 2 làm gì mà ồn ào thế ?
Cả lớp đột nhiên im lặng như tờ. Mấy đứa trong tổ 2 chúng tôi cũng ngồi yên, không nhúc nhích.
- Quyền, có chuyện gì vậy ? - Thầy Việt lại hỏi .
Quyền đứng lên:
- Thưa thầy, các bạn kêu em xạo a .
Có tiếng cười rúc rích ở góc lớp.
Thầy Việt bước lại:
- Ai bảo em xạo ?
- Bạn Hưng ạ ! - Quyền chỉ Hưng nhí.
Không đợi thầy gọi, Hưng nhí đứng bật dậy:
- Thưa thầy, bạn ấy bảo bây giờ vẫn có Bụt ạ .
Thầy Việt mĩm cười:
- Chứ theo em thì sao ?
Hưng nhí gãi đầu:
- Thưa thầy, hồi trước có Bụt nhưng bây giờ thì không ạ .
Nhỏ Trầm Hương láu táu:
- Phải vậy không thầy ?
Thầy Việt không đáp. Thầy bước lên bảng, nhìn cả lớp, hỏi:
- Theo các em thì bây giờ có Bụt không ?
- Thưa không ạ ! - Cả lớp đồng thanh đáp.
Hưng nhí quay sang Quyền:
- Thấy chưa !
Mặt thằng Quyền đỏ tới mang tai, không biết vì tức hay vì ngượng.
- Vậy hồi xưa có Bụt không ? - Thầy Việt lại hỏi .
Lần này thì có nhiều ý kiến trái ngược nhau . Đứa bảo có, đứa kêu không. Cả lớp cãi nhau ầm ĩ.
- Thôi, các em giữ trật tự đi ! - Cuối cùng thầy Việt phải can thiệp - Bụt không phải là nhân vật có thật. Chẳng qua đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhân dân, thể hiện nỗi mơ ước của con người, tượng trưng cho điều thiện, cho công lý...
Nghe thầy giảng một hồi, tôi thấy mọi chuyện trở nên rõ ràng, không mù mù mờ mờ như khi nãy .
Đến lượt thằng Quyền khịa Hưng nhí:
- Thấy chưa ! Vậy mà mày bảo là hồi xưa có Bụt !
Hưng nhí cười hì hì:
- Thì tao đoán vậy thôi .
Bên tổ 4, đột nhiên có tiếng nói:
- Bây giờ không có Bụt nhưng mà có ma .
Cả lớp nhao nhao lên.
- Hê hê, có ma ! - Có đứa chọc.
- Đúng rồi, có ma ! - Có đứa hùa theo .
Thầy Việt nhìn xuống:
- Em nào vừa mới nói đó ?
Sau một hồi do dự, thằng Thoan đứng dậy :
- Thưa thầy, em ạ !
- Ai bảo với em là có ma ?
- Thưa thầy, cô em ạ . Cô em bảo là chính mắt cô em thấy .
Thầy Việt chưa kịp nói gì thì thằng Quyền đã cười hê hê:
- Xạo ơi là xạo !
Không hiểu sao khi nghe thằng Quyền nói như vậy, tôi bổng đứng bật dậy:
- Thưa thầy, bà em cũng bảo là có ma .
Tôi nghe tiếng thằng An ngồi bên cạnh cười hí hí nhưng tôi vẫn phớt lờ.
Thầy Việt mỉm cười, hỏi cả lớp:
- Những em nào bảo có ma ?
Khoảng một phần ba số học sinh giơ tay, mặc cho số hai phần ba còn lại cười rần rần, chế giễu .
- Thôi các em bỏ tay xuống ! - Thầy Việt nói - Bây giờ em nào đã thấy ma rồi thì giơ tay lên !
Cả lớp im re, kể cả số bảo có ma khi nãy .
Thầy Việt khẽ đằng hắng:
- Như vậy là chưa ai thấy ma cả, vậy mà lại bảo là có ma . Các em có thấy điều đó vô lý không ?
Thằng Thoan vẫn không chịu thua, nó lại vọt miệng:
- Nhưng mà cô em thấy !
Thầy Việt nheo mắt nhìn nó:
- Cô em nói chơi thôi . Thầy không tin là cô em thấy, bởi vì làm gì có ma mà thấy ! Trước đây, khi chưa đạt được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, con người cứ tưởng những hiện tượng bất thường trong thiên nhiên như sấm chớp, mưa gió, bão lụt là do thần thánh, ma quỷ gây ra . Vì vậy mà con người thời xưa thờ thần Sấm, thần Gió, v.v... Cái đó bây giờ chúng ta gọi là mê tín, nó chỉ tồn tại khi nào con người chưa cắt nghĩa được các hiện tượng chung quanh. Như các em hiện nay thì các em thừa biết mưa là do hơi nước gặp lạnh mà thành, chớp là do những tia điện chạm nhau trong không trung chứ đâu phải là một cái gì huyền bí, đúng không nào ?
Thằng Nghiêm ở tổ 3, một trong những đứa giơ tay bảo có ma khi nãy, thắc mắc:
- Thưa thầy, ma khác với thần Sấm, thần Gió chứ ạ . Nếu không có ma sao người ta lại sợ !
Tôi phục Nghiêm quá xá. Nó dám tranh cãi với thầy Việt mà không khéo thầy lại bí nữa không chừng.
Nhưng thầy Việt chẳng tỏ vẻ gì là lúng túng. Thầy khoát tay bảo Nghiêm ngồi xuống:
- Cũng vậy thôi chứ chẳng có gì khác cả. Thuở còn lạc hậu, con người không hiểu vì sao khi chiêm bao lại có thể gặp gỡ và trò chuyện với người chết. Và vì không giải thích được điều đó, người ta nghĩ rằng có một thế giới khác ngoài thế giới con người đang sống, ở đó có người chết, tức là ma, vẫn đang hoạt động và có khả năng tiếp xúc với người sống. Bây giờ thì khoa học đã chứng minh rằng khi ta ngủ, ý thức của chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động và giấc mơ chính là những hình ảnh do ý thức của chúng ta tạo ra chứ không phải ma quái gì cả, các em hiểu không ?
- Thưa thầy hiểu ạ ! - Cả lớp hô to .
Thằng Hưng nhí vừa hô vừa đập bàn "thùng thùng" có vẻ khoái chí lắm.
Ngay cả thằng Thoan cũng gật gù:
- Thầy nói đúng lắm ạ . Ông nội em mất đã ba năm rồi mà em cứ nằm mơ thấy ông hoài .
Như sợ mất phần, thằng Quyền vội lên tiếng:
- Em cũng thế ạ . Bà ngoại em mất lâu hơn ông nội bạn Thoan nhiều mà em cũng nằm mơ thấy ạ . Bà em còn cho em bánh nữa ạ .
"Ạ, ạ, ạ!" Cái thằng thiệt vô duyên ! Nằm chiêm bao thấy bà cho bánh mà cũng đem ra khoe!" Tôi nghĩ bụng và đang tìm cách chọc quê Quyền thì thầy Việt đã lên tiếng:
- Rõ ràng chuyện ma là chuyện hoang đường do con người bịa đặt ra . Do đó, chỉ có những người nhát gan, yếu bóng vía mới sợ ma, còn những người có tin thần lành mạnh thì chẳng bao giờ tin vào những chuyện nhảm nhí đó cả.
Thằng An thúc vào hông tôi:
- Thấy chưa, tao có tinh thần lành mạnh hơn mày !
Lúc nào cũng tính bỏ học để đi theo anh Dự kiếm tiền mà lành mạnh ! Tôi nghĩ trong đầu như vậy nhưng không nói ra, sợ nó giận. Không nghĩ được kế gì trả đủa, cuối cùng tôi khích:
- Mày ngon sao mày không vô lò thịt coi thử.
An hất mặt:
- Vô thì vô chứ tao sợ quái gì !
Tôi "gài" luôn:
- Đúng mười hai giờ trưa hả ?
An hùng hổ:
- Ừ, đúng mười hai giờ trưa !
- Chừng nào mày thực hiện ?
- Ngay trưa mai .
- Được rồi tao sẽ rủ thêm mấy đứa đi theo để làm chứng.
Thấy An hăng hái quá, tôi cũng hơi lo lo . Rủi ma bắt nó chắc tôi phải đi tù vì tội xúi bậy . Nhưng tôi sực nhớ thầy Việt quả quyết là không có ma kia mà. Thầy Việt đã nói thì chắc là đúng rồi .
Tối đó, tôi lên mặt với nhỏ Ái:
- Tao hết sợ ma rồi nghen mày !
Nó nhìn tôi nghi ngờ:
- Anh mà hết sợ ma ! Anh nhát gan như thỏ đế, ai mà không biết !
Tôi cốc nó một cái:
- Mày ngốc quá ! Làm gì có ma trên đời mà sợ !
Nó trố mắt:
- Ai bảo anh vậy ?
- Thầy Việt dạy văn lớp tao . Thầy bảo đó là chuyện nhảm nhí, hoang đường, ai nhát gan mới sợ .
Nó chun mũi:
- Thì trước đây ba má cũng bảo vậy sao anh lại không dám đi ra hè ban đêm ?
- Hồi trước khác, bây giờ khác! Bây giờ tao hết sợ rồi !
Chợt nhớ đến lời thầy Việt, tôi đế thêm:
- Tao là người có tinh thần lành mạnh.
Nhỏ Ái nheo mắt:
- Anh hết nhát gan thật rồi hả ?
Tôi gật đầu:
- Hết thật rồi .
- Vậy anh bước ra sau hè thử coi !
Chà, chà, con nhỏ nó chơi tôi một cú độc quá chừng! Tôi vừa nói chưa dứt hơi, nó đã bắt tôi chứng minh liền. Tôi nhìn ra khung cửa tối om và tự dưng thấy ơn ớn. Nhưng chẳng lẽ vừa ăn nói hiên ngang như vậy, bây giờ lại rút lui .
Nhỏ Ái hình như hiểu rỏ tâm trạng tiến thoái lưỡng nang của tôi, bèn động lòng thương hại:
- Thôi anh không muốn ra thì thôi !
- Ra chớ ! - Tôi nổi tự ái .
Nói xong, tôi bước lò dò ra cửa . Trời không hoàn toàn tối mịt. Tít đằng xa, sau những bụi chuối um tùm, đèn nhà hàng xóm nhấp nháy khi mờ khi tỏ. Nhưng tôi vẫn thấy không khí rờn rợn làm sao ! Thật là lạ, cũng mảnh vườn này, ban ngày tôi chạy nhảy tha hồ chẳng sao, nhưng cứ hể đêm xuống, bóng tối tràn về thì tôi lại thấy những bụi chuối, gốc ổi, hàng dâm bụt bỗng mất đi cái vẻ hiền lành, vô hại bình thường mà trở nên âm u, huyền bí quá đỗi . Dường như vào buổi tối, khu vườn sau hè nhà tôi có cuộc sống riêng của nó, cái cuộc sống mà tôi không tài nào làm quen được.
Tới ngách cửa, tôi ngoái đầu ra sau . Nhỏ Ái đang nhìn tôi lom lom, ánh mắt nửa tội nghiệp, có vẻ như nó muốn nhắc lại lời "tha thứ" khi nãy "thôi, anh không muốn ra thì thôi".
Ra chớ sao không ! Thầy Việt chẳng đã nói không có ma là gì ! Tôi tự trấn an mình và bước ra ngoài hè.
Đột nhiên tôi rú lên một tiếng hãi hùng và quay mình chạy vô . Tôi phóng như một viên đạn, va phải nhỏ Ái khiến cả hai anh em té lăn kềnh dưới đất.
Nhỏ Ái ôm cứng lấy tôi, nó vừa hỏi vừa run lập cập:
- Cái gì vậy ? Gì vậy hả anh ?
Tôi lắp bắp, nói không ra tiếng:
- Nó, n... ó...
Mới nghe tới đó, nhỏ Ái đã đoán ra "nó" là ai rồi . Nó hét lên một tiếng và chạy vù lên nhà trên. Té ra nó nhát gan gấp mấy lần tôi mà cứ làm bộ ta đây có "tinh thần lành mạnh"! Tôi lồm cồm bò dậy chạy theo nó, không dám nghĩ đến chuyện thò tay khép cửa lại .
Nhưng tôi chưa kịp lên tới nhà trên thì gặp má tôi đi xuống. Má tôi chộp lấy vai tôi, hỏi với giọng hốt hoảng:
- Chuyện gì vậy con ? Sao hai đứa hét om sòm và chạy trối chết vậy ?
Tôi chỉ tay ra cửa:
- Nó ở ngoài hè.
Má tôi lay mạnh vai tôi:
- Con muốn nói cái gì ? Cái gì ở ngoài hè ?
- Ma !
- Hừ, suốt ngày cứ ma với cỏ ! - Má tôi nhăn cái mặt và đẩy tôi ra - Đầu đuôi mọi sự cũng là do bà mày !
Tôi vẫn chưa hoàn hồn:
- Ma thật mà ! Con thấy rõ ràng. Nó đi lơ lửng trên mặt đất cả thước...
Má tôi nhíu mày một thoáng rồi gật gù:
- À, má hiểu rồi ! Má biết con ma đó rồi ! Có phải nó đây không ?
Vừa nói, má tôi bước thẳng ra vườn. Tôi và nhỏ Ái - nó chạy xuống đứng sau lưng tôi tự hồi nào - trố mắt theo dõi . Má tôi tiến lại gần con ma . Con ma ẹo qua ẹo lại nhưng không chịu chạy . Má tôi liền thộp cổ nó và xách vô nhà trước sự kinh ngạc của nhỏ Ái và tôi .
Má tôi ném con ma lên bàn. Dưới ánh đèn, nó lộ nguyên hình là một... chiếc áo dài . Đó là chiếc áo má tôi thỉnh thoảng mặc đi làm. Chiều nay, sau khi giặt, má tôi phơi nó trên sợi dây kẽm ngoài vườn.
- Con trai gì mà chết nhát !
Má tôi vừa nói vừa bẹo tai tôi .
Nhỏ Ái không bỏ lỡ cơ hội chọc quê tôi:
- Nom anh có cái tai dài kìa !
Tôi nhăn mũi:
- Vậy chớ khi nãy đứa nào bỏ chạy trước ?
Nó nghinh mặt:
- Thì em chạy trước. Ai biểu anh la hoảng lên chi !
Hừ, nói vậy mà cũng nói ! Tôi có miệng, tôi muốn la lúc nào tôi la chứ !

* * *
So với tôi, rõ ràng là thằng An có "tinh thần lành mạnh" hơn nhiều . Hôm trước tôi mới khích, hôm sau nó làm liền.
Khoảng gần mười hai giờ trưa, nó, Hưng nhí và tôi thả bộ đến lò thịt. Thằng Hưng nhí cũng nhát gan như tôi . Thoạt đầu, khi tôi rủ nó đi làm chứng, nó không dám đi . Nó nói là nó đang bị cảm, sợ ra nắng. Đến khi nghe tôi bảo là tôi và nó chỉ đứng xa xa xem thằng An vô lò thịt một mình thôi thì nó gật đầu liền.
Ba đứa đi đến cách lò thịt chừng năm mươi mét thì tôi và Hưng nhí đứng lại, còn An vẫn thản nhiên đi tiếp. Trông nó chẳng có vẻ gì là sợ hết.
Tôi và Hưng nhí đứng đằng xa theo dõi, trống ngực đập thình thịch. Đến trước lò thịt, trước khi bước qua ngưỡng cửa, An còn quay đầu lại giơ tay vẫy hai đứa tôi . Cái thằng thiệt gan cùng mình !
Thằng An vô trong lò thịt lâu thiệt lâu . Tôi nắm chặt tay Hưng nhí thì thầm:
- Sao mày ?
- Sao cái gì ?
- Nó có trở ra nữa không ?
Hưng nhí đáp, giọng run run:
- Tao không biết.
Tôi đâm hoảng:
- Làm sao bây giờ ? Nó không trở ra thì sao ?
Hưng nhí tặc lưỡi:
- Tao không biết ! Ai biểu mày thách nó chi !
Mặt tôi méo xệch:
- Hay là tụi mình vô kiếm nó đi !
Hưng nhí lưỡng lự một thoáng rồi quyết định:
- Đi thì đi !
Nói xong, nó cúi xuống đất nhặt hai hòn đá và đưa cho tôi một hòn, dặn:
- Cầm cái này làm vủ khí. Có gì thì mình ném.
Nắm chặt hòn đá trong tay, tự nhiên tôi cảm thấy vững dạ hơn.
Nhưng hai đứa tôi chưa kịp nhúc nhích thì Hưng nhí kêu lên:
- Nó ra kìa !
Tôi ngẩng mặt lên và thấy An đang lò dò bước ra khỏi lò thịt, chậm rãi đi về phía chúng tôi . Sự xuất hiện của nó khiến tôi cảm thấy xúc động và mừng rỡ y như gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách.
Không ai bảo ai, tôi và Hưng nhí cùng chạy lại đón nó. Mỗi đứa cầm một cánh tay An, lắc lắc:
- Sao hả mày ? Thấy gì không ?
- Thấy !
Tôi há hốc miệng:
- Thấy gì ?
An cười hì hì:
- Thấy tụi mày đứng ngoài run như cầy sấy .
Tôi đỏ mặt:
- Sức mấy mà run !
Hưng nhí lại kéo tay An:
- Không có ma ở trỏng hả ?
An nhún vai:
- Không ! Thầy Việt đã bảo không có ma kia mà!
- Chớ mày làm gì ở trỏng lâu quá vậy ? Tao tưởng ma giấu mày rồi chớ.
An khuỳnh tay:
- Tao ngủ.
- Xạo .
- Thiệt ! Tụi mày không tin thì thôi !
Tôi bán tín bán nghị . Nhưng nó ngủ hay không chuyện đó chẳng quan trọng gì. Chỉ mỗi chuyện nó dám đi một mình vô lò thịt giữa "giờ ngọ" đã đủ cho tôi phục nó sát đất rồi .
Qua ngày hôm sau, tin tức được truyền đi và An trở thành một nhân vật nổi tiếng trong lớp. Còn tôi, tôi rút ra kết luận: Thầy Việt nói đúng. Ma chỉ là chuyện hoang đường !

Nguồn: forums.vinagames.org