20/12/12

Chuyện cổ tích dành cho người lớn (C19-20)

Chương 19: Làm gì có một ông bố như thế!

Bạn hãy tưởng tượng có một buổi tối, vừa ăn cơm xong, trong khi chờ cho vợ dọn dẹp bát đũa, lau bàn ghế và quét sàn nhàn, bạn trải tờ báo ra, chúi mũi đọc.
Bạn đang say sưa xem tiếp một đoạn tiểu thuyết đăng nhiều kỳ thì thằng con bạn xề lại. Nó lật tập ra, đẩy tới trước mặt bạn, nài nỉ:
- Ba chỉ con làm bài tập làm văn nghen ba!
Bạn hơi bực mình vì bị phá đám, miệng hỏi mà mắt không rời báo:
- Ðề gì?
- Tả cảnh buổi tôi trong gia đình.
- Trời ơi! - Bạn la lên - Dễ như vậy mà làm không được! Thì con cứ quan sát cảnh buổi tối trong nhà mình mà tả.
Thằng con bạn nhăn nhó:
- Buổi tối ở nhà mình có gì đâu ba?
- Sao lại không có gì! Thằng này nói lạ! - Bạn ngước mắt lên - Buổi tối trong nhà ba em ngồi đọc báo nè, mẹ em rửa chén và khâu vá nè, còn em thì học bài hay làm gì đó, kể tuột hết ra!
- Kể y như thiệt hả ba? – Con bạn lại hỏi.
- Ừ, có sao kể vậy! Khỏi cần thêm bớt gì hết! Cứ làm đi, lát nữa ba coi lại cho.
Thằng con bạn được đả thông, nó yên tâm kéo cuốn tập sát vô người. Nhưng nó chưa kịp cầm viết lên, bạn đã gọi giật.
- Khoan đã! Con rót cho ba ly nước rồi hãy làm bài!
Ra lệnh xong, bạn cúi xuống đọc tiếp câu chuyện và lập tức quên phắt thằng con đang ngồi cặm cụi làm bài bên cạnh sau khi bưng ly nước trà bốc khói đặt trước mặt bạn.
Ðọc xong mục tiểu thuyết đăng nhiều kỳ, bạn đọc tới trang văn hóa văn nghệ, tò mò xem thử sân khấu cải lương hôm nay có gì lạ, rồi bạn nhảy qua mục rao vặt, dừng hơi lâu chỗ “xe bán”, định tâm tìm coi có ai bán chiếc mô-by-let nào cũ cũ không, mua được một chiếc như vậy để đi làm thay cho xe đạp cũng đỡ khổ cặp giò. Cuối cùng, bao giờ cũng vậy, bạn giở qua trang thể thao và chết chìm luôn ở đó.
Bạn hãy tưởng tượng trong khi bạn đang theo dõi để xem ở tít bên xứ I-ta-li-a xa xôi, Pla-ti-ni và Ma-ra-đô-na ai đá bóng giỏi hơn ai thì thằng con đang ngồi ngay bên nách bạn phá ngang:
- Con làm bài vậy có được không ba?
- Làm vậy là làm sao?
Bạn hờ hững hỏi lại, mắt không rời nước I-ta-lia.
Thằng con bạn hào hứng:
- Ðể con đọc ba nghe.
Thấy nó chuẩn bị đọc, bạn vội vàng khoát tay:
- Thôi, thôi, khỏi! Con cứ làm đi, lát nữa ba tự đọc lấy!
Thằng con bạn mặt mày lập tức ỉu xìu. Nó lẩm bẩm gì đó nhưng bạn không nghe rõ. Bạn nhủ bụng, kệ nó, đằng nào nó cũng làm được, tả buổi tối trong nhà mà khó quái gì! Vấn đề quan trọng là ở trận đấu lượt về sắp tới, chẳng biết đội Na-pô-li có phục thù đội Giu-ven-tuýt nổi không.
Ðến khi bạn đi vòng quanh thế giới thể thao trở về thì thằng con bạn đã làm được hơn phân nữa.
Thấy nó đang mê mải viết, bạn không gọi, sợ nó mất hứng. Bạn lặng lẽ chồm người qua bên cạnh, dòm qua vai nó quan sát bài làm.
Bạn hãy tưởng tượng, càng đọc bài làm của nó, mắt bạn càng hoa lên. Những điều nó tả sao nghe chướng quá:
“Buổi tối trong gia đình em rất là êm ấm, ai làm việc nấy. Em là học sinh nên em học bài, làm bài chuẩn bị cho ngày mai. Má em thì làm việc không ngơi tay, hết rửa chén đến lau nhà. Lau nhà xong, má em đi giặt đồ. Sau đó má em đem củi ra chẻ. Ðúng ra, chẻ củi là việc của ba em nhưng ba em bận đọc báo nên má em phải làm thay!”
Bạn lắng tai nghe. Quả là vợ bạn đang chẻ củi sau bếp. Tiếng “cạch cạch” vang lên rõ mồn một.
“Trong nhà chỉ có ba em là nhàn nhã nhất. Ăn cơm xong, ba ngồi đọc báo, thỉnh thoảng sai em rót nước hoặc châm thuốc dùm ba. Em nài ba giảng cho em bài tập làm văn, ba cũng không để ý. Vì ba là ba của em, là chồng của má em, là chủ gia đình nên không ai nói gì ba cả. Em mà như vậy chắc bị quỳ gối lâu rồi. Làm ba thật là sướng!”
Ðọc đến đâu, mồ hôi bạn toát ra đến đó. Bạn lẳng lặng rời khỏi bàn và nhón đi xuống bếp. Thấy vợ đang chẻ củi, bạn giằng lấy cái búa:
- Em đi nghỉ đi! Ðể anh làm cho!
Hành động của bạn thật khác thường. Ðiều đó khiến vợ bạn trố mắt nhìn bạn như thể bạn là một người từ hành tinh khác đến. Nhưng không sao - bạn nghĩ - mọi việc sẽ đâu vào đấy ngay!
Chẻ xong một bó củi nhỏ, thay vì tự mình có thể đi lấy thêm củi một cách dễ dàng, bạn lại lớn tiếng gọi thằng con:
- Con ơi, mang lại đây cho ba thêm một bó củi nào!
Con bạn tất sẽ làm theo lời bạn nhưng rõ ràng nó cảm thấy hoang mang vì phải sửa lại bài tập làm văn. “Dù sao ba em cũng không phải lười lắm. Cuối cùng ba em cũng đi chẻ củi. Lần đầu tiên em thấy một chuyện lạ như vậy”. Ðó là những điều bạn đang mong đợi mặc dù không phải tất cả đều hoàn toàn tốt đẹp.
Rồi bạn hãy tưởng tượng rằng, vì đã lâu không mó đến công việc nên bạn sử dụng chiếc búa không thật thuần thục. Bạn chẻ từng thanh củi một cách khó khăn. Và đến khi gặp phải một thanh củi có mắc, những thớ gỗ cứ xoắn chặt vào nhau khiến bạn không làm sao tách chúng ra được, thì bạn đâm ra nóng nảy và lóng ngóng bổ búa vào tay mình. Nguyên bàn tay trái của bạn đứt lìa ra và giãy đành đạch như cái đuôi thằn lằn.
Ðến đây, nếu như bạn cảm thấy khiếp quá thì thôi, đừng tưởng tượng nữa. Có phải chuyện thật đâu, tất cả chỉ là bịa thôi! Chứ làm gì có một ông bố như thế! Bạn có tin như vậy không? Bạn đang giảng bài cho con bạn đấy chứ?

- 1985 –
Nguyễn Nhật Ánh

Chương 20: Bài toán đố cuối năm

Chiều hai mươi tết, tôi đem một xấp vải về nhà khoe vợ.
Sau khi mở gói giấy báo, vợ tôi trầm trồ:
- Chà đẹp quá! Ở đâu ra vậy?
Tôi ưỡn ngực:
- Quà tết của cơ quan anh đấy!
Hai vợ chồng trải xấp vải ra bàn, ngắm nghía, xuýt xoa. Ðột nhiên vợ tôi hỏi:
- Mấy thước vậy, anh?
- Ba thước.
Trong khi trả lời, tôi nhìn thẳng mặt vợ và cảm thấy cô ta thoáng vẻ nghĩ ngợi.
Quả vậy, vợ tôi chép miệng:
- Ba thước chỉ may được cho một đứa. Còn mấy đứa kia...
Sự lo lắng của vợ kéo tôi về với thực tế. Vợ chồng tôi có tất cả năm đứa con. Con Nhạn lớn nhất, mười bốn tuổi. Kế đến là thằng Luân, con Nga, thằng Quang và cuối cùng là thằng Ðạt, đứa út, ba tuổi. Với đàn con như vậy, tết nhứt hai vợ chồng tôi chỉ lo ăn cũng đủ mệt, cách chi nghĩ đến chuyện may sắm. Bây giờ với xấp vải cơ quan cho, cũng chỉ may được một bộ đồ thôi. Nhưng mà nên may cho đứa nào? Ðứa có đứa không, chúng tranh nhau cũng khổ. Phải làm sao cho chúng khỏi so bì mới được! Hai vợ chồng tính tới tính lui, cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được một giải pháp.
Tối đó, sau khi ăn cơm xong, tôi tuyên bố:
- Các con ngồi quây lại đây nghe ba nói...
Tôi chưa dứt lời, thằng Luân đã vỗ tay lốp bốp:
- A, ba kể chuyện! Hoan hô!
Vợ tôi trừng mắt:
- Con để yên nghe ba nói nào!
- Không phải kể chuyện! – Tôi đính chính – Ba đố các con cái này...
Nghe tới đó, con Nga lắc đầu nguây nguẩy:
- Thôi, thôi, tụi con biết rồi! Ba lại đố cái gì không sơn mà đỏ, không gõ mà kêu nữa chứ gì?
Tôi cười:
- Không phải! Cái này mới toanh, chưa đố lần nào. Các con nghe kỹ nè. Có năm người đang đi trên đường, bỗng nhiên họ gặp một cái bánh, đố các con họ phải chia làm sao để khỏi cãi nhau?
Thằng Quang ngơ ngác:
- Bánh sao lại nằm giữa đường hả ba? Bộ ai làm rớt hả?
Cái thằng quỷ con này! Tôi rủa thầm trong bụng và trả lời cho qua:
- Ừ, có người làm rớt. Vậy phải chia như thế nào?
Con Nhạn vọt miệng:
- Câu dễ ợt mà ba cũng đố! Thì mỗi người cắn một miếng, cắn hoài cho đến khi nào hết thôi!
Tôi bối rối đưa tay gãi đầu trong khi bọn nhóc nhao nhao:
- Phải vậy không ba? Chị Hai nói đúng không?
Tôi gật đầu kia:
- Phải, phải! Các con giỏi lắm! Giờ nghe ba đố câu khác nè. Có năm người đi trên đường, giả dụ là năm đứa con đi...
- Cũng gặp bánh nữa hả ba? – Con Nga vụt hỏi.
- Không! Lần này không gặp bánh. Các con gặp một chiếc xe đạp bỏ không, vậy chiếc xe đạp thuộc về ai?
- Vậy chủ nó đâu? - Thằng Quang lại hỏi.
- Chủ chiếc xe đạp hả? – Tôi nhíu mày - Chiếc xe không có chủ. Nhưng con đừng hỏi nữa. Trả lời đi! Chiếc xe thuộc về ai?
Con Nga nheo mắt:
- Thì đứa nào biết chạy xe đứa đó lấy!
Con Nhạn và thằng Quang hùa theo:
- Ðúng rồi! Ðúng rồi!
Chỉ có thằng Luân là sửng cồ phản đối:
- Thôi đi! Tụi mày đừng có khôn!
Rồi nó quay sang con Nga, trừng mắt:
- Mày tính bắt tao chở mày đi học chứ gì?
Chả là trong năm đứa chỉ có mỗi thằng Luân biết đi xe đạp. Con Nhạn tập chạy xe trước thằng em nhưng con gái nhát gan nên đến giờ vẫn chưa đi được.
Nghe thằng Luân nạt, con Nga chu miệng:
- Xí! Ai mà thèm ngồi cho anh chở! Anh chạy ẩu có ngày té lọi giò...
- Tao chạy ẩu hồi nào? Ðừng có xạo!
Thấy tụi nhỏ cứ sa đà vào những “tiểu tiết” mà không chịu đi vào “trọng tâm” vấn đề, tôi đập bàn, gắt:
- Thôi, đừng cãi nhau nữa! Không có xe đạp xe điếc gì hết! Bây giờ các con sẽ gặp một bộ đồ...
Lần này, đứa nhanh miệng nhất cũng là con Nga. Nó cắt ngang lời tôi:
- Ðứa nào mặt vừa đứa đó lấy!
Tôi ngớ người ra và đưa mắt nhìn vợ. Tới nước này thì vở kịch của tôi không thể nào diễn tiếp được nữa. Hiểu rõ ý nghĩa cầu cứu trong mắt tôi, vợ tôi liền hắng giọng:
- Thôi, các con im lặng đi, nghe má nói nè!
Tụi nhỏ đang huyên náo lập tức im bặt. Rõ ràng chúng coi trọng má hơn ba.
- Nói thật với các con như thế này, ba con vừa được cơ quan cho ba thước vải. Ba thước vải chỉ may được một bộ đồ hoặc hai cái áo, mà các con những năm đứa. Do đó, ba má muốn hỏi ý kiến của các con, là nên may cho ai kỳ tết này. Kỳ sau sẽ tới những đứa khác.
Thấy câu chuyện không còn ở dạng đố chơi nữa mà trở nên quan trọng, tụi nhỏ đâm ra đứng đắn hẳn.
Sau một thoáng nghĩ ngợi, con Nhạn đề nghị:
- Thôi ba má may cho thằng Quang với thằng Ðạt đi. Thằng Quang được cái áo, thằng Ðạt còn nhỏ chắc may được một bộ.
Ý kiến thằng Luân hơi khác:
- Thằng Ðạt còn nhỏ cần quái gì đồ mới. Má may cho con Nga với thằng Quang đi.
Thằng Quang hùa theo thằng anh:
- Ðúng đó má, con một cái, chị Nga một cái.
Nhưng con Nga không chịu:
- Con không mặc đâu! Má may cho chị Nhạn với anh Luân đi! Tết năm ngoái con đã có áo mới rồi.
Tới lượt con Nhạn lắc đầu:
- Tao không mặc đâu!
Cứ vậy, mỗi đứa một ý, không ai chịu ai. Ðứa nào cũng muốn nhường cho đứa khác. Ðiều đó khiến tôi ngạc nhiên một cách thích thú. Nhưng tình thế quả thật khó xử. Cuối cùng vợ tôi phải đóng vai trọng tài:
- Các con đã có ý kiến rồi, bây giờ tới má.
Nghe vậy, tụi nhỏ im liền.
- Má ủng hộ đề nghị của Nga! - Vợ tôi thong thả - Bởi vì Nhạn với Luân đã lớn rồi, tết nhứt phải đi theo ba má thăm hỏi bà con họ hàng, do đó cần ăn mặc tươm tất một chút...
Rồi vợ tôi quay sang thằng Quang:
- Còn con, con có nghe câu “cũ người mới ta” bao giờ chưa?
- Dạ chưa! “Cũ người mới ta” là sao má?
- Tức là có những cái tuy cũ với người khác nhưng đối với mình vẫn là mới! - Nói tới đây, vợ tôi hơi ngập ngừng – Ví dụ những cái áo của anh Luân dù là cũ nhưng vì con chưa mặc qua lần nào, do đó đối với con vẫn là áo mới phải không?
Thằng Quang không hiểu ất giáp gì, nó vỗ tay hét toáng:
- Phải rồi, mới, mới! Má định cho con cái áo ca rô của anh Luân phải không? Con khoái cái áo đó lắm!
Vợ tôi thở phào:
- Ừ, má cho con cái áo ca rô. Còn Nga thì sửa lại cái áo tím than của Nhạn mà mặc, cái áo đó ngó vậy ma còn tốt lắm, con chịu không?
Con Nga lặng lẽ gật đầu, không biết nó buồn hay vui. Nhưng dù sao câu chuyện may mặc vẫn diễn ra tốt đẹp, không rắc rối như tôi tưởng. Thật là một gia đình hạnh phúc!
oOo
Chiều mồng một tết, hai vợ chồng tôi đang dọn dẹp trong phòng thì bỗng nghe ở ngoài hiên tiếng con Nga méc với con Nhạn:
- Cái áo của chị chỉ mục hết trọi mà má kêu tốt. Em vừa thở ra có một cái mà hai hột nút bay đi đâu mất tiêu.
Con Nhạn rầy:
- Ðứt nút là chuyện thường, có gì mà mày la hoảng như vậy. Ðem kim chỉ lại đây tao đơm giùm cho!
Rồi tôi nghe tiếng nó thở dài:
- Thiệt ra tao đâu có ham áo mới, nhưng kẹt phải đi đây đi đó với ba má thành ra phải may. Ít bữa hết tết, tao nói má sửa lại cho mày mặc, đừng lo!
Thiệt con nhỏ ngoan hết biết! Tôi mới khen thầm trong bụng thì đã nghe tiếng thằng Quang – Nó chơi đâu ở ngoài sân mới chạy vô:
- Chị Hai ơi! Cái áo ca rô của em rách rồi!
- Rách ở đâu? – con Nhạn tỏ vẻ lo lắng.
- Ở trên vai đây nè! Em vừa cúi xuống chưa kịp lượm viên bi đã nghe một cái “rẹt”.
- Ðâu? Ðưa tao coi nào! Chậc, rách có chút xíu à! Cởi ra tao mạng lại cho, lát nữa mặc!
Thằng Quang phụng phịu:
- Thôi, em không mặc cái áo “cũ người mới ta” này nữa đâu! Em thích mặc áo mới như anh Luân kìa!
Con Nhạn dỗ em:
- Mặc áo mới cực thấy mồ, sướng ích gì mà ham! Mỏi lưng không dám tựa, buồn ngủ không dám nằm, lúc nào cũng phải giữ cho thiệt sạch. Còn áo cũ thì tha hồ!
Nhưng thằng em không màng nghe lý lẽ của con chị, nó buồn bã “triết lý”:
- Nhà mình không bằng một góc nhà chú Kiệt. Thằng Thảo và con Sương đứa nào cũng có áo mới, chẳng như nhà mình năm nào cũng “cũ người mới ta” hoài!
- Thằng này lãng xẹt! - Con Nhạn nạt – Nhà người ta chỉ có hai anh em trong khi nhà mình tới năm đứa, bì sao được mà bì!
Thấy chị gắt, thằng Quang im re. Một hồi lâu, cũng chẳng nghe nó nói gì. Hình như nó đang lặng lẽ cởi áo. Con Nhạn nói đúng thiệt! - Tôi chua xót nghĩ - Nếu hồi đó mình quyết tâm chỉ có hai đứa thì bây giờ mọi sự tốt đẹp biết mấy! Bất gíác, tôi quay sang vợ và bắt gặp ánh mắt của cô ta. Ánh mắt nói: “Phải chi hồi đó...”

- 1985 –
Nguyễn Nhật Ánh

Nguồn: truongton.net