25/12/12

Cô giáo Trinh (C1-2)

Chương 1


Từ cổng trường Tự Do đi thẳng vào, vượt qua sân cờ là văn phòng ban giám hiệu. Bên tay trái là dãy nhà đậu xe của học trò. Bên tay phải là dãy phòng học đầu tiên của trường, bắt đầu cho một chuỗi phòng học tiếp theo nằm quanh sân sau.
Phòng học thứ hai của dãy này chính là phòng học của lớp 8A4. Lúc này ở trong lớp nhỏ Hạnh đang ngồi một mình một bàn ngóng mắt ra cửa đợi Tiểu Long và Quý ròm.
Thi học kì xong là Tiểu Long và Quý ròm len lén rủ nhau biến mất, chả báo với nhỏ Hạnh một tiếng. Chỉ đến khi ghé nhà bạn, nhỏ Hạnh mới biết Tiểu Long rủ Quý ròm về quê thăm ông. Chuyến đi âm thầm của hai đứa bạn quý này khiến cho nhỏ Hạnh tức anh ách, mặc dù trưa hôm kia Quý ròm có gọi về cho nó.
Thực ra Quý ròm gọi cho nó cũng chả phải tử tế gì. Hai tướng về quê chả rõ đi đứng lạng quạng thế nào mà lại gặp ma gặp quỷ. Hốt lên, Quý ròm đành phải gọi về cho nó để hỏi thần chú trừ tà ma. Nhớ đến giọng điệu lo lắng của Quý ròm lúc gọi điện nhỏ Hạnh không khỏi bật cười. Lúc đó, nó nói ngay với với Quý ròm là những ngọn lửa màu xanh mà người làng trông thấy kia chắn chắn không phải là ma, đó chỉ là hơp chất phốt-pho thoát ra từ lòng đất và bốc cháy trong không khí thôi. Chả biết rốt cuộc hai tướng có dám tới tận ngôi nhà hoang để tìm hiểu không? Nhỏ Hạnh thầm nghĩ và nó lại nóng ruột nhìn ra ngoài cửa.
Nói cho đúng, nhỏ Hạnh nôn nao đợi Tiểu Long không chỉ vì tò mò về câu chuyện ma quái kia. Nó mong chóng gặp hai người bạn của mình còn để háo hức thông báo một chuyện quan trọng. Và chính vì điều này mà nhỏ Hạnh thấp thỏm nãy giờ.
Tụi bạn trong lớp lúc này hầu hết đã ra ngoài. Một số ngồi túm tụm trò chuyện trước hành lang, một số lảng vảng ngoài sân trước giờ trống chào cờ. Ở bàn trên chỉ còn Xuyến Chi xúm xít bên bên cạnh nhỏ Tú Anh, hai đứa đang loay hoay ngắm nghía mấy con tem quý Tú Anh mới sưu tầm được. Dãy bàn bên kia chỉ còn thằng Tần ngồi ôn bài phía trên và ở cuối lớp thằng Lâm đang nghịch ngợm gì đó dưới gầm bàn.
Nhỏ Hạnh ngồi nhấp nha nhấp nhổm mãi đến giờ chào cờ mới thấy Quý ròm và Tiểu Long lò dò ôm cặp tới.
- Tưởng ma bắt các bạn rồi chứ. – Nhỏ Hạnh nói dỗi.
Quý ròm cười hì hì:
- Trên đời này làm quái gì có ma.
Nghe giọng điệu huênh hoang của Quý ròm, Tiểu Long khụt khịt mũi, tủm tỉm cười. Còn nhỏ Hạnh thì chớp chớp mắt, quên ngay hờn giận:
- Bộ hai bạn có đến tận nơi xem xét hả?
Quý ròm nhún vai:
- Nếu không tới thì hôm trước tôi gọi điện về cho Hạnh làm gì.
- Thế những ngọn lửa xanh là gì thế? – Nhỏ Hạnh không nén được thắc mắc – Có phải là phốt-pho bốc cháy không?
Quý ròm được dịp ra oai:
- Phốt-pho đâu mà phốt-pho. Hạnh đoán sai bét!
- Thế nó là cái gì?
Quý ròm nheo mắt:
- Cũng là hóa chất. Nhưng không phải là phốt-pho.
Rồi không để nhỏ Hạnh chờ đợi lâu, Quý ròm vung tay hào hứng thuật lại cuộc truy tìm nguồn gốc ngọn lửa ma của nó và Tiểu Long. Dĩ nhiên trong câu chuyện của Quý ròm, trước khi phát hiện được thủ phạm, nó và Tiểu Long phải vượt qua biết bao nhiêu là gian khổ, thậm chí suýt chết mấy lần trước móng vuốt của hùm beo và nọc độc của rắn rết sống lúc nhúc trên ngọn đồi “còn sót lại từ thời tiền sử” kia.
Dẫu biết Quý ròm là chúa dóc tổ, nhỏ Hạnh vẫn tròn mắt hồi hộp theo dõi. Mãi đến cuối câu chuyện, khi Quý ròm ngập ngừng tiết lộ những bóng ma thường xuất hiện trong ngôi nhà hoang đó thật ra chỉ là một đôi nam nữ trong làng, nhỏ Hạnh mới bật cười khúc khích:
- Vậy mà Quý dám bảo đó là ngọn đồi còn sót lại từ thời tiền sử. Nếu nơi đó mà nhiều rắn rết và hùm beo thì chả ai lên đó hẹn nhau lên đó chuyện trò.
- Hạnh chả biết gì hết. – Bị đụng chạm tự ái, Quý ròm gân cổ – Người lớn khi đã thích nhau, họ chả sợ gì hết.
Đang nói sực nhớ đến một bộ phim đang quảng cáo ngoài rạp, Quý ròm hăm hở vung tay:
- “Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa” kia mà.
Thấy Quý ròm đem tên phim ra “trộ” nhỏ Hạnh, điệu bộ lại hùng hổ như thể ta đây kinh nghiệm đầy mình, Tiểu Long đứng bên cạnh ngứa miệng cà khịa:
- Chà, coi bộ mày rành mấy chuyện này ghê há!
Tiểu Long ít trêu bạn. Nhưng một khi đã trêu, nó trêu toàn câu cắc cớ. Đang hùng hồn “thuyết minh” về đề tài “tình yêu và cái chết”, bị Tiểu Long bất ngờ “chêm” một phát, quai hàm Quý ròm bỗng cứng đơ. Nó đỏ mặt:
- Tao… tao…
May làm sao, đúng lúc đó tiếng trống báo hiệu chào cờ bỗng vang lên. Nếu không chả biết Quý ròm sẽ “tao, tao” đến bao giờ.
Quý ròm không chỉ gặp may mỗi một lần. Cái may thứ hai là khi chào cờ vô, nhỏ Hạnh dường như quên béng mất những lời vung vít vừa rồi của bạn. Như đã nói ở trên, sáng nay nhỏ Hạnh nóng lòng đợi Tiểu Long và Quý ròm vì một lí do nghiêm trọng hơn việc dò hỏi tin tức mấy con ma trên đồi Cắt Cỏ kia nhiều.
Vì vậy, tiết sinh hoạt lớp đầu tuần vừa bắt đầu được ít phút, nhỏ Hạnh liền nghiêng đầu về phía Quý ròm, thì thầm:
- Quý thấy trong lớp mình có chuyện gì lạ không?
Câu hỏi bất thần của nhỏ Hạnh làm Quý ròm ngớ ra một lúc. Rồi nó lắc đầu:
- Có gì lạ đâu!
Nhỏ Hạnh khẽ liếc lên bảng:
- Cô Trinh ấy.
Nghe nhỏ Hạnh “gợi ý”, Quý ròm tò mò đưa mắt nhìn lên.
Cô Trinh dạy môn văn, đồng thời là chủ nhiệm lớp 8A4. Cô có dáng người hơi gầy, đôi mắt thỉnh thoảng ánh lên vẻ buồn bã kín đáo, nhưng lúc nào cũng tận tuỵ với học trò, đặc biệt cô là một trong những giáo viên dạy văn hoạt bát và duyên dáng nhất trường.
Tất nhiên bọn Quý ròm có thể lờ mờ đoán ra nỗi buồn của cô. Nhỏ Hạnh là học sinh xuất sắc môn văn, được cô Trinh rất cưng. Nó thường đến nhà cô chơi. Và nhờ nhỏ Hạnh kể lại, Tiểu Long và Quý ròm mới biết chồng cô đã mất cách đây sáu năm vì một cơn bạo bệnh. Hiện nay một nách hai con, cuộc sống của cô khá gian nan, chật vật. Nhỏ Hạnh bảo “Có lẽ vì vậy mà sắc diện cô kém vui tươi, chỉ khi lên lớp dạy dỗ bọn mình cô mới trở nên vui vẻ và sinh động thôi”.
Dĩ nhiên Tiểu Long và Quý ròm đồng ý ngay với nhận xét của nhỏ Hạnh. Một khi “nhà thông thái” đã “phán” thì khó mà sai chạy!
Nhưng hôm nay nom cô Trinh có vẻ là lạ so với thường ngày. Cô ít nói, ít cười, đôi mày chốc chốc lại nhíu lại như đang phiền muộn điều chi. Vừa vào lớp, cô chỉ thông báo qua loa các kế hoạch trong tuần, như dặn dò học sinh phải đi học đều sau kì thi, phải đeo phù hiệu, khăn quàng, nhớ mặc đồng phục và nhất là không được mất trật tự khi chuyển tiết để học các môn thể dục, kĩ thuật và nữ công…
Cô nói ngắn gọn trong vòng năm phút, sau đó nhanh chóng giao việc điều hành lớp cho ban cán sự.
Nhỏ Hạnh là lớp phó học tập, nằm trong ban cán sự lớp. Vì vậy, cô Trinh vừa ra hiệu, nó vội vàng đứng lên. Nhưng trược khi ra khỏi chỗ ngồi, nó không quên nháy mắt với Quý ròm, ý bảo “Quý thấy chưa! cô Trinh hôm nay chẳng giống chút nào với cô Trinh mọi bữa”.
Không chỉ tiết sinh hoạt đầu tuần, tiết văn sau đó cũng diễn ra với vẻ buồn buồn tương tự.
Tiểu Long là đứa vô tâm cũng nhận ra ngay sự khác lạ. Nó huých khẽ vào vai Quý ròm:
- Lớp học hôm nay nặng nề quá mày!
Quý ròm “ừ”. Nó “ừ” xụi lơ. Vì thật ra nó cũng chẳng rõ những ngày nó và Tiểu Long đi vắng, ở lớp đã xảy ra chuyện kinh thiên động địa gì.
Mãi đến giờ ra chơi, nhỏ Hạnh mới thì thào “bật mí”:
- Quý và Long có biết tại sao sáng nay cô Trinh trông rầu rầu vậy không?
Quý ròm nhếch mép:
- Chắc tại cô thèm… bò viên.
- Đùa vô duyên! – Nhỏ Hạnh nhăn mặt.
- Có Hạnh vô duyên thì có. – Quý ròm cãi lại – Bọn này nghỉ học gần một tuần, sáng nay mới ló đầu vô lớp, làm sao mà biết được mà Hạnh hỏi?
Nhỏ Hạnh dường như cũng nhận ra câu hỏi cắc cớ của mình, liền mỉm cười làm hoà:
- Ừ hén!
Rồi nó nghiêm giọng thông báo:
- Thứ Sáu vừa rồi, toàn bộ sổ sách và giáo án của cô đã bị mất sạch.
Tiết lộ của nhỏ Hạnh làm Tiểu Long và Quý ròm tái mặt:
- Thật không?
- Thật! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi – Bây giờ, mỗi khi đến lớp, cô phải soạn bài lại từ đầu, khổ ơi là khổ!
Quý ròm chớp mắt:
- Sổ sách của cô để đâu mà mất?
- Thì để ở nhà chứ đâu.
Tiểu Long ngơ ngác:
- Để ở nhà mà mất?
Nhỏ Hạnh nhún vai:
- Chính để ở nhà mới dễ mất. Bọn trộm lẻn vào khoắng một phát là sạch sành sanh ngay.
Tiểu Long quẹt mũi:
- Chứ hai đứa con của cô đâu?
- Tụi nó đi học.
Quý ròm nhíu mày:
- Thế ngoài sổ sách và giáo án, bọn trộm còn lấy đi món gì nữa không?
- Không! Thế mới lạ!
Nhỏ Hạnh vừa đáp vừa vỗ vỗ trán.
Cuộc đối thoại bỗng chốc rơi vào im lặng. Bọn trẻ làm thinh theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình, trán đứa nào đứa nấy cau lại.
Mãi một lúc, Quý ròm mới lên tiếng:
- Nhưng Hạnh biết tin này từ đâu?
- Cô Trinh nói. – Nhỏ Hạnh tặc lưỡi – Hôm thứ Bảy vừa rồi cô hỏi cả lớp xem em nào nhặt được sổ sách cô đánh rơi không nhưng chẳng ai lên tiếng.
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Thế là cô đánh rơi chứ đâu phải bị mất trộm?
Nhỏ Hạnh hừ giọng:
- Ở trước lớp cô chỉ nói thế thôi. Nhưng khi Hạnh hỏi riêng thì cô bảo là cô bị mất trộm.
- Lạ thật đấy! – Quý ròm chép miệng – Trộm gì không trộm lại trộm giáo án!
Nhỏ Hạnh liếc bạn:
- Quý có nghĩ ra đầu mối gì chưa?
Quý ròm thở dài:
- Chưa! Nhưng chắc chắn đây không phải là kẻ trộm chuyện nghiệp.
Nhỏ Hạnh nín thở:
- Thế thì ai?
Quý ròm phẩy tay:
-Thủ phạm chắc chắn là một học sinh nào đó.
- Học sinh?
Lần này cả nhỏ Hạnh lẫn Tiểu Long đều há hốc miệng.
- Ừ! – Quý ròm thản nhiên.
Tiểu Long kêu lên:
- Nhưng học sinh đánh cắp sổ sách và giáo án của cô giáo để làm gì?
Quý ròm khẽ lắc đầu:
-Cái đó thì tao chẳng biết. Nhưng dĩ nhiên khi làm như vậy nó phải có lí do.
Tiểu Long lẩm bẩm:
- Hay tên trộm này có thù oán gì với cô Trinh? Nó quơ hết mọi thứ, cô sẽ chẳng biết đường nào mà dạy dỗ.
Ý kiến của Tiểu Long lập tức bị nhỏ Hạnh phản bác ngay:
- Không thể có chuyện đó được. Cô Trinh lúc nào cũng tận tâm và hết lòng thương yêu học trò, không ai nỡ làm hại cô đâu.
Nhỏ Hạnh hết lời bênh vực cô Trinh. Nhưng Quý ròm dường như chẳng bị thuyết phục. Nó trầm giọng:
- Những chuyện như thế này không thể nói trước được. Tốt hơn hết là phải điều tra thật cặn kẽ.
Nhỏ Hạnh tròn mắt:
- Điều tra cách sao?
Quý ròm khoát tay:
- Cần phải bắt đầu từ những đứa thường ôm tập đến học thêm ở nhà cô. Có thể thủ phạm là một trong những đứa đó.


Chương 2


Kế hoạch Quý ròm vạch ra thật sáng suốt. Nhưng sau hai ngày dò hỏi vòng vo, bọn trẻ chẳng thu lượm được một kết quả khả quan nào.
Những đứa học thêm tại nhà cô Trinh hầu hết là những học sinh ngoan ngoãn và xuất sắc. Chúng tìm đến với cô để nhờ cô dạy thêm và ôn luyện những bài tập mà thời gian eo hẹp trên lớp không cho phép cô mở rộng như ý muốn. Mỗi tuần cô dạy thêm hai buổi chiều, học phí hai chục ngàn một tháng. Nhưng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô không bao giờ thu tiền. Cô xem như đó là cách giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học.
Tới ngày thứ ba, Quý ròm lắc đầu nói với nhỏ Hạnh:
- Chịu! Tôi chẳng tìm ra được kẻ khả nghi nào.
Thú nhận của Quý ròm chẳng khiến nhỏ Hạnh băn khoăn nhiều. Nó gật gù:
- Hạnh cũng nghĩ vậy. Thủ phạm chắc chắn không nằm trong số những học sinh học thêm với cô.
Quý ròm ngạc nhiên:
- Vậy theo Hạnh, ai là kẻ đã lấy cắp sổ sách giáo án của cô?
Nhỏ Hạnh lắc mái tóc:
- Hạnh không biết đích xác. Nhưng Hạnh nghĩ đó là một trong những học sinh bị xếp loại yếu trong học kì một vừa qua.
Quý ròm càng chưng hửng:
- Những học sinh bị xếp loại yếu?
- Ừ! – Nhỏ Hạnh thản nhiên – Chính những bạn này mới dễ nảy sinh ác cảm với cô.
Quý ròm gãi cằm:
- Nhưng đó là những đứa nào?
Nhỏ Hạnh không mù tịt như Quý ròm. Là lớp phó theo dõi học tập, việc xếp loại học lực nó nhớ như in.
- Có tất cả bốn bạn xếp loại yếu. – Nhỏ Hạnh bật từng ngón tay – Lâm nè, Quới Lương nè, Quốc Ân nè. Nhỏ Kim Em nữa.
Quý ròm khịt mũi:
- Thế Hạnh nghi ai trong số bốn bạn này?
Nhỏ Hạnh lắc đầu:
- Hạnh đã nói rồi. Hạnh không biết.
- Hạnh đừng có làm bộ. – Quý ròm “xì” một tiếng – Chắc chắn Hạnh đã có trong đầu một cái tên nào đó rồi.
Nhỏ Hạnh thoáng đỏ mặt trước kiểu nói đón đầu của Quý ròm. Nó nhăn nhó:
- Tất nhiên Hạnh đã có nghĩ tới một người. Nhưng Hạnh không muốn nói ra trong lúc này.
- Sao thế?
Nhỏ Hạnh thở dài:
- Nhỡ mình nghi oan cho người ta thì phải tội chết.
- Ôi dào! – Quý ròm đưa hai tay lên trời – Đây chỉ là phỏng đoán thôi. Có phải kết tội thật đâu mà Hạnh ngại.
Rồi thấy nhỏ Hạnh chẳng tỏ vẻ gì bị lung lạc, cứ im ru bà rù, Quý ròm liền thủ thỉ gạ:
- Hạnh cứ nói cho tôi biết đi. Nói nhỏ nhỏ cũng được.
Sự láu cá của Quý ròm khiến nhỏ Hạnh phì cười:
- Đã nói thì lớn nhỏ gì cũng thế thôi.
Quý ròm cũng toét miệng cười:
- Vậy thì nói đi! Hạnh nghi bạn nào vậy?
Bị Quý ròm dồn ép một hồi, nhỏ Hạnh đâm lưỡng lự. Sau một thoáng nhíu mày, nó mím môi:
- Quới Lương!
- Quới Lương? – Quý ròm bật kêu.
- Ừ.
Quý ròm thắc mắc:
- Hạnh căn cứ vào đâu mà nghi Quới Lương là thủ phạm?
Nhỏ Hạnh buông thõng:
- Học kì một vừa rồi Quới Lương bị xếp loại yếu.
Quý ròm có vẻ thất vọng trước cách giải thích đơn giản của bạn. Nó nhún vai:
- Thì những đứa khác cũng bị xếp loại yếu vậy. Sao Hạnh không nghi thằng Lâm, thằng Quốc Ân hay nhỏ Kim Em?
Giọng nhỏ Hạnh ráo hoảnh:
- Nhưng Quới Lương bị xếp loại yếu là do môn văn của cô Trinh. Điểm trung bình học kì của Quới Lương là 5,5 nhưng vì môn văn chỉ được 3,4 nên bị đánh tụt xuống loại yếu. Có thể vì vậy mà nó “cay cú” cô Trinh.
Lần này, những “tư liệu” do nhỏ Hạnh cung cấp đã thuyết phục được Quý ròm. Nó gật gù:
- Ừ, có thể lắm.
- Còn một điểm khả nghi nữa. – Nhỏ Hạnh tặc lưỡi – Từ hôm cô Trinh bị mất trộm đến nay, Quới Lương không hề đến lớp.
Nhận xét của nhỏ Hạnh làm Quý ròm giật thót. Nó quay phắt người lại phía sau. Quả nhiên, dãy bàn chót chỉ có thằng Lâm và nhỏ Bội Linh. Chỗ ngồi thường ngày của Quới Lương bị bỏ trống.
Quý ròm lẩm bẩm:
- Như vậy đích thị là thằng Quới Lương rồi.
Tiểu Long ngồi bên tay phải Quý ròm, từ đầu đến cuối mải lẩm nhẩm ôn bài sử cho tiết sau nên không để ý đến cuộc đối đáp của hai bạn mình. Nhưng đến khi thuộc xong, vừa gấp tập lại định nhét vào ngăn bàn, nó chợt nghe Quý ròm lầm rầm, liền quay sang:
- Thằng Quới Lương sao?
Quý ròm hạ giọng:
- Tao và Hạnh nghi nó lấy cắp sổ sách của cô Trinh.
Mặt Tiểu Long lập tức thuỗn ra:
- Sao tụi mày biết?
Trước cặp mắt giương tròn như mắt ếch của thằng mập, Quý ròm chẳng có cách nào khác hơn là nhăn nhó kể lại từ đầu.
Tiểu Long đầu óc vốn đơn giản. Nghe xong, nó chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa, bộp chộp hiến kế ngay:
- Vậy tụi mình đi báo với cô Trinh.
- Báo thế quái nào được mà báo. – Quý ròm gắt – Cô hỏi chứng cớ đâu, mình lấy gì mà đưa ra?
- Cần gì chứng cớ. – Tiểu Long vẫn bướng bỉnh – Nếu cô biết thủ phạm là thằng Quới Lương, cô sẽ có cách bắt nó thú nhận. Và thế là cô sẽ thu hồi lại được những thứ đã mất.
Thấy Tiểu Long cứ khăng khăng đòi báo cô Trinh, Quý ròm đã định sửng cồ. Nhưng nó chưa kịp sừng sộ thì nhỏ Hạnh đã chen ngang:
- Long nói phải đấy. Bọn mình nên báo cho cô Trinh biết.
Bị hai mũi giáp công, Quý ròm đâm nóng gáy. Nó trợn mắt nhìn nhỏ Hạnh:
- Hạnh có điên không?
- Chả điên tí nào cả! – Nhỏ Hạnh trả lời bằng giọng điềm nhiên – Hạnh nghĩ nếu cô Trinh biết, cô sẽ đỡ lo lắng. Và sớm muộn gì cô cũng sẽ nghĩ ra giải pháp thu hồi lại sổ sách và giáo án của mình.
Quý ròm chỉ quen bắt nạt Tiểu Long. Với “nhà thông thái” Hạnh, trong mười cuộc đụng độ thì nó đã chịu lép đến chín. Lúc này cũng vậy, giọng nó bỗng chốc xụi lơ:
- Báo thì báo!
Hôm đó lớp 8A4 không có tiết văn nên phải đợi đến giờ ra về, bọn Quý ròm mới gặp cô Trinh được.
Cô vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng, chưa kịp ngồi lên yên, bọn trẻ đã trờ tới ngay.
- Cô ơi cô! – Nhỏ Hạnh cất tiếng gọi
Cô Trinh quay lại và thấy ba đứa trẻ đứng sát ngay sau lưng, mặt mày đứa nào đứa nấy lộ vẻ căng thẳng.
- Gì thế các em? – Cô hỏi.
Nhỏ Hạnh ngập ngừng:
- Tụi em có chuyện này muốn nói với cô.
- Em nói đi! – Nhận ra vẻ nghiêm trọng trên gương mặt các học trò mình, cô mỉm cười ra ý khuyến khích.
Nhưng vẻ dễ dãi và nụ cười thân thiện của cô chẳng giúp nhỏ Hạnh bớt lúng túng chút nào. Nó cứ ngắc nga ngắc ngứ:
- Em… em…
Cô dịu dàng đặt tay lên vai đứa học trò bé bỏng:
- Em sao?
Cảm thấy sự ấm áp từ bàn tay cô, nhỏ Hạnh bình tĩnh hơn. Nó chớp mắt:
- Tụi em đã đoán ra bạn nào lấy trộm sổ sách của cô.
Cô Trinh tỏ vẻ bất ngờ trước câu nói của nhỏ Hạnh:
- Bạn nào thế?
Đã định báo với cô nhưng tới phút chót không hiểu sao nhỏ Hạnh lại đâm ra ngần ngừ. Thấy vậy, Quý ròm liền vọt miệng:
- Thưa cô, bạn Quới Lương ạ!
- Bạn Quới Lương?
Cô Trinh kêu lên, giọng không giấu vẻ sửng sốt.
Quý ròm gật đầu:
- Đúng là bạn ấy ạ!
- Sao các em biết? – Cô Trinh hỏi lại, mặt vẫn chưa hết bàng hoàng.
Quý ròm gãi gáy:
- Thưa cô, tụi em… đoán ạ!
- Ồ, thì ra thế!
Thú nhận của Quý ròm khiến cô Trinh thở phào. Và cô nói, giọng nhẹ nhõm:
- Nhưng chuyện như thế này không thể đoán càn được. Nếu không có chứng cớ thì các em không nên nghi oan cho bạn.
Lời nói hàm ý trách móc của cô làm bọn trẻ đỏ mặt. Quý ròm vùng kêu lên ấm ức:
- Thưa cô, tụi em không đoán càn đâu ạ. Tụi em đã suy xét kĩ lưỡng.
Lúc này cô Trinh đã lấy lại vẻ thư thái. Điệu bộ hăm hở của Quý ròm khiến cô phải cố lắm mới khỏi phì cười. Cô nheo mắt nhìn nó:
- Thế em đã suy xét như thế nào?
Tất nhiên Quý ròm không đọc được ý nghĩ của cô giáo. Thấy cô quan tâm, nó hùng hồn trình bày:
- Thưa cô, từ ngày mất sổ sách đến nay, bạn Quới Lương không dám đến lớp ạ.
- Sao em biết là bạn Quới Lương không dám đến lớp? – Cô Trinh nhẹ nhàng hỏi lại – Thế nhỡ bạn ấy bận chuyện gì hoặc đang ốm thì sao?
Câu hỏi vặn của cô Trinh làm Quý ròm chết đứng. Mặt nó đỏ nhừ nom đến tội. Thấy vậy, nhỏ Hạnh liền vội vàng lên tiếng “cứu bồ”:
- Thưa cô, còn một điểm đáng nghi nữa ạ.
- Ối chà, lại còn thế nữa. – Cô Trinh vờ rùn vai – Thế em tìm thấy điểm đáng nghi gì nữa thế?
Mặt nhỏ Hạnh vẫn nghiêm trang:
- Thưa cô, học kì một vừa rồi bạn Quới Lương bị xếp loại yếu ạ.
Cô Trinh tròn mắt:
- Thế thì sao? Có gì đáng nghi trong chuyện này đâu?
Nhỏ Hạnh bối rối đẩy gọng kính. Nó nói một cách khó khăn:
- Nhưng bạn ấy bị xếp loại yếu là vì… môn văn ạ.
Đến đây thì cô Trinh bắt đầu hiểu ra. Cô khẽ “à” một tiếng và gật gù:
- Chính vì vậy mà các em nghi ngờ bạn Quới Lương là thủ phạm?
Cô Trinh hỏi bằng giọng dịu dàng nhưng không hiểu sao Quý ròm và nhỏ Hạnh lại cứ có cảm giác như đang nghe một lời quở trách nghiêm khắc. Vì vậy không đứa nào dám mở miệng trả lời. Quý ròm đánh rơi đâu mất tật liến thoắng hằng ngày, nó cứ ngọ ngoạy đầu và dí dí chân xuống đất.
Trong một thoáng, bầu không khí bỗng trở nên nặng nề một cách khác thường.
- Thưa cô! – Cuối cùng, chính Tiểu Long, người chưa hề nói một câu nào từ nãy đến giờ, lên tiếng phá tan sự yên lặng ngột ngạt – Vì biết cô rất lo lắng về chuyện không may vừa rồi nên hễ bất chợt nghĩ ra một điều gì tụi em đều nóng lòng báo cho cô biết, hi vọng cô sẽ nhanh chóng tìm lại được sổ sách của mình, chứ thật ra tụi em cũng chẳng muốn nghĩ xấu về bạn Quới Lương đâu ạ.
Tiểu Long không phải là đứa giỏi mồm mép. Nó chỉ nghĩ sao nói vậy. Và hôm nay nó”nói vậy” nghe được quá xá. Thấy tâm trạng của mình được thằng bạn lù khù tự dưng thông minh đột xuất này giãi bày hộ, nhỏ Hạnh và Quý ròm thầm cảm ơn nó không để đâu cho hết.
Ngay cả cô Trinh cũng không nén được cảm động trước lời lẽ mộc mạc chân thành của Tiểu Long. Cô nhìn ba người học trò trước mặt bằng ánh mắt trìu mến và nói, giọng âu yếm:
- Cô rất cảm ơn các em!
Nói xong, cô quay mặt đi chỗ khác như để che giấu cảm xúc của mình.
Một lát, cô quay lại, giọng thoắt trở nên nghiêm nghị:
- Nhưng dù sao cô vẫn nghĩ các em nên dồn tâm trí vào chuyện bài vở hơn là vào các chuyện khác. Đừng lo cho cô. Cô tin là mình có thể tự xoay xở được.
Lần này, bọn Quý ròm chưa kịp nói một tiếng nào thì cô đã nhoẻn miệng cười và ngồi lên yên thong thả đạp xe đi.


Nguồn: forums.vinagames.org