Hồi mới về Lung Tràm khai hoang mần ruộng, vợ chồng tui bắt được con khỉ con. Đem về nhà nuôi được một thời gian, thì thấy nó lớn nhanh lạ thường lại khôn ngoan. Hễ mình làm cái gì mà nó thấy được là kể như không sớm thì muộn nó cũng sẽ làm theo. Chỉ có điều khỉ ở dơ, làm biếng tắm quá mà tui đâm ra không ưa. Bữa nọ, sẵn có khách đến chơi đông, tui bày tiệc mần thịt khỉ để chiêu đãi anh em một bữa.
Bạn bè cũng xáp vô, mỗi người một việc làm cho mau : đứa thì xắt sả, nạo dừa, đứa chẻ củi, bắc nước sôi... Tới lúc tui đem con khỉ ra chuẩn bị đập đầu, nhúng nước sôi cạo lông thì “sự đời” lại đổi khác: Con khỉ khôn gần như người, chỉ khác là nó không biết nói. Biết mình sắp chết, nó mới gạt nước mắt qua bên, vừa quỳ xuống, chắp hai tay lạy tui ba lạy “tạ từ” và xin được tha mạng sống. Lúc đó, mọi người xung quanh có mặt đầy đủ, ai thấy cũng cảm động. Riêng già Ba Quế thì giật búa trong tay tui lại, nói:
- Thấy tội quá. Thương cho nó quá. Thôi, đừng giết anh Ba à ! Thiếu gì thứ khác để mình ăn !
Ai cũng can ngăn, mỗi người nói một câu gần giống như nhau, xiêu lòng tui đành hạ tay búa xuống, mở dây trói, thả con khỉ ra. Con khỉ mừng quýnh, chùi nước mắt. Từ đó tới sau, tui cứ mần cái gì là con khỉ để ý cái nấy, làm theo được cả. Giống khỉ học nghề mau thiệt. Rồi tui đi đâu nó cũng lót tót theo sau, và làm như người : Phát đất, cấy, cày, nhổ mạ, vác lúa... Nhờ có nó mà từ đó tui đỡ buồn và cũng đỡ cực. Chẳng hạn như phát đất mần ruộng, hai người phát một công là giỏi rồi, vì đất toàn cỏ sắc lẫn cỏ lùn, bò lút đầu. Còn tui với khỉ thì phát được hai công, mà lại rồi sớm hơn người ta. Khỉ còn hay hơn tui ở chỗ nó mài phảng bén thấy sợ, không ai mài bằng, thành ra con khỉ phát “lát chém”... không, ngoèo cỏ một lần ngập cù nèo. Tui thì quan phát “lát tạ”, nên khó theo kịp nó quá. Với lại lúc mệt, tui hay hút thuốc. Bà con ai cũng nghỉ hút thuốc, còn khỉ nhà tui thì đời nào, Cò một bữa trời mưa lạnh, già Ba Quế thấy vậy, vấn thử điếu thuốc gò, rồi bặp bặp đốt đưa cho nó hút. Con khỉ lắc lắc đầu, xòe bàn tay ra trước mặt ngăn lại. Già Ba Quế “tức” trong bụng lắm, nhưng không sao bỏ thuốc, phát theo nó được. Còn khi khỉ cầm tay cày đất thì hết chỗ nói. Đường cày của nó thẳng băng, đường nào ra đường nấy, thành thử mấy con trâu của tui rất mê. Nhưng có điều này, nhổ mạ thì khỉ bằng tui với già Ba Quế. Bởi lẽ, bàn chân của nó nhỏ thó, đứng dưới đất bùn không vững lắm, nên mỗi lần giơ mạ lên đập thì dễ té ngửa, sình bùn dính đầy đầu cổ, mặt mày. Mạ của khỉ nhổ cũng không được sạch, gốc rễ gần như còn dính nguyên bùn đất. Bởi vậy mà mỗi lần vào mùa, vợ chồng tui rất khó kêu công cấy, ít ai vui vẻ chịu cấy cho tui, dù là giá có mướn cao đến cỡ nào. Mà nếu có chịu cấy đi nữa, bà con cũng phải hỏi gạn là mạ bác nhổ hay khỉ nhổ vậy ?
Mà nghĩ cho cùng, khỉ hồi đó đâu có đưa tay gãi đầu hay mằn mò, ngoèo móc đích (mông) thường như khỉ bây giờ. Cũng tại tui thôi. Lần ấy, tui lấy được ổ ong mật đem về đựng gần đầy một mái mật mà quên đậy nắp. Buổi trưa, con khỉ đi cấy về, mừng quá, nó nhảy tót chuyền lại trên mấy cây xiên nhà rồi trật tay té xuống nằm gọn lỏn trong mái mật ong, làm cho mật dính đầy cả đích (mông) khu, đầu cổ. Từ đó, kiến bu vô mình cắn nó hoài không ngớt, làm cho con khỉ phẩi mằn mò từ đầu tóc, đến đích (mông), lâu ngày rồi thành “tật” cho tới bây giờ!
Nguồn: baoanhdatmui.vn