20/12/12

Hoa hồng xứ khác (C5-6)

Chương 5

Chuyện tôi "thương" nhỏ Hồng chẳng biết đứa nào trong bọn "xì" ra mà rốt cuộc "đương sự" biết được.
Một hôm, tôi đang tha thẩn trên đường về thì bị nhỏ Hồng đón đường. Quả là một ngày xui tận mạng. Mọi khi, tôi vẫn đi chung với cả bọn. Hoặc ít ra, tôi cũng đi với thằng Bá. Nhưng vào cái lúc mà nhỏ Hồng chặn đường "hành hung" tôi thì tụi thằng Nghị, Ngữ và Hòa lé còn ở lại lớp để bàn chuyện đi píc-níc của nhóm Anh văn. Thằng Bá ra cổng một lượt với tôi nhưng nó đã phóng xe lại nhà bà cô để xin tiền. Thế là tôi lâm vào cảnh "thân gái dặm trường", một mình lẽo đẽo.
Đón đường tôi không phải chỉ có nhỏ Hồng. Nó còn dẫn theo nhỏ Đan Tâm để làm "đồng minh". Hai đứa này đều thuộc phe Anh văn, lẽ ra giờ này chúng còn ở trong lớp. Chẳng hiểu sao chúng lại tót ra đây. Tôi nghi nhỏ Hồng ngồi "canh me" tôi hồi sáng đến giờ, đến khi thấy tôi ra về, nó bỏ lớp ra theo để đón đường gây sự. Ý nghĩ u ám đó càng khiến tôi hồi hộp. Nhưng không muốn tỏ ra mình là một người yếu bóng vía, tôi ráng nhe răng ra cười và gượng gạo hỏi:
- Ủa, Hồng và Đan Tâm không ở lại lớp bàn chuyện đi chơi sao?
Trước câu hỏi "xã giao" của tôi, Đan Tâm cười cười, không nói gì. Chỉ có nhỏ Hồng là vọt miệng "đốp chát" liền:
- Nếu ngồi lại trong lớp, làm sao tụi này nói chuyện với ông được!
Cái từ "nói chuyện" vốn dĩ bình thường, chẳng hiểu sao khi nằm ở cửa miệng nhỏ Hồng, cái từ đó nghe dễ sợ quá chừng. Nghe nó đòi "nói chuyện" với tôi, tôi nghe lạnh sống lưng. Và tôi bồn chồn hỏi:
- Hồng định nói chuyện gì với tôi vậy?
Nhỏ Hồng quả là danh bất hư truyền. Nó vào đề ngay, chẳng thèm úp mở:
- Nghe nói ông đòi "thương" tôi phải không?
Câu hỏi khủng khiếp của nhỏ Hồng khiến tôi bất giác bước lui một bước. Tai tôi bỗng dưng ù đi, hệt như nghe sét đánh ngang đầu. Quả thật từ khi cha sanh mẹ đẻ đến nay, chưa bao giờ tôi hình dung được sẽ có ngày tôi gặp phải một "người yêu" bặm trợn như thế này. Nó nói chuyện tình cảm mà y như chuyện bán cá, cứ thẳng đuồn đuột. Nghe cái giọng sửng cồ của nó, tôi cứ tưởng như không phải tôi đòi "thương" nó mà tôi đòi "uýnh" nó vậy.
Phải mất đến một phút tôi mới kịp thời trấn tĩnh và ấp úng hỏi lại:
- Ai nói với Hồng vậy?
Nhỏ Hồng nhướng mắt:
- Ai nói, ông hỏi chi! Nhưng ông trả lời câu hỏi của tôi đã! Chưa trả lời, đâu có được quyền hỏi lại!
Giọng của nó rõ ràng là cái giọng sẵn sàng gây gổ. Tôi biết, hễ gây gổ, tôi nắm chắc phần thua. Mồm mép như "giáo sư" Bá, gặp nhỏ Hồng còn chạy dài, thứ khù khờ như tôi không đáng cho nó... ăn tráng miệng. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi thấy trong ba mươi sáu cách, không có cách nào hay hơn là cách... chối. Tôi bèn đưa tay lên gãi đầu, giả bộ ngờ nghệch:
- Làm gì có chuyện đó! Hồi nào đến giờ tôi đâu có thương ai!
- Nhưng riêng tôi thì ông thương! - Nhỏ Hồng "độp" lại ngay.
Cái giọng chắc nịch của nó khiến tôi xanh mặt. Tôi liền lắc đầu quầy quậy:
- Không có đâu! Chắc đứa nào nó phao tin bậy bạ, chứ tôi làm sao dám thương Hồng...
Tôi chưa nói dứt câu, nhỏ Hồng đã cười khẩy:
- Tại vì nước da tôi đen thui như giấy các-bon chứ gì?
Nhỏ Hồng làm tôi chết điếng. Hóa ra nó đã biết tỏng hết mọi chuyện. Tự dưng tôi đâm giận cái đứa lẻo mép nào đó quá chừng. Những chi tiết tai hại như thế nào, nó đem kể với nhỏ Hồng làm gì không biết. Trước ánh mắt soi mói của nhỏ Hồng và nhỏ Đan Tâm, tôi chỉ biết lắp bắp:
- Không có đâu... không có đâu...
Tôi chối đây đẩy. Nhưng nhỏ Hồng chẳng thèm nghe. Nó lại nói:
- Ông còn kêu tôi là Chung Vô Diệm nữa phải không?
Đôi mắt nhỏ Hồng vẫn nhìn tôi đăm đăm. Tia nhìn của nó sắc nhọn như thể mũi dùi, đôi lúc tôi tưởng như nó sắp sửa xuyên thủng ngực tôi. Nhưng tôi nào có ví nhỏ Hồng với Chung Vô Diệm. Tôi đâu có biết Chung Vô Diệm là ai. Trong bọn chỉ có Hòa là biết Chung Vô Diệm. Và chính nó nêu lên nhận xét "đại họa" đó. Chẳng hiểu nhỏ Hồng nghe ngóng làm sao mà bây giờ lại kết tội tôi.
- Hồng nghe nhầm rồi! Tôi đâu có nói như vậy! - Tôi thỏ thẻ đáp.
- Ông đừng hòng chối! Chính ông nói rõ ràng! - Nhỏ Hồng quắc mắt.
- Tôi không nói thiệt mà! - Tôi chép miệng, giọng khổ sở.
- Vậy chứ ai nói?
Nhỏ Hồng tiếp tục hoạnh họe bằng cái giọng bốc lửa. Trước tình cảnh thập tử nhất sinh đó, tôi biết mình không thể đánh bài lờ. Tôi mà làm thinh, lập tức trăm dâu sẽ đổ xuống đầu tằm. Tôi không muốn làm con tằm tội nghiệp. Tôi mà làm con tằm, nhỏ Hồng sẽ "chén" tôi ngay tại chỗ liền. Sau một thoáng phân vân, tôi đành phải bấm bụng tố cáo:
- Thằng Hòa nói.
- À, té ra là tên Hòa! - Nhỏ Hồng bật kêu lên kinh ngạc, rồi nó gật gù hăm dọa - Được rồi, sẽ có ngày tên nhiều chuyện này biết tay tôi!
Nhỏ Hồng hăm thằng Hòa mà tóc gáy tôi cứ dựng đứng cả lên. Không biết nó định làm gì mà nó đe "biết tay tôi" nghe phát ớn! Cũng may tôi kịp đưa thằng Hòa ra làm bia đỡ đạn, chứ nếu không bữa nay tôi hết mong tìm thấy đường về.
Tôi thở phào, chắc mẩm tai qua nạn khỏi. Nhưng tôi chưa kịp thở dứt hơi, nhỏ Hồng hỏi làm tôi nín luôn:
- Nhưng chuyện ông "thương" tôi là có thật đấy chứ?
Nó thình lình nhắc lại chuyện đó khiến tôi giật thót. Nãy giờ nói chuyện lòng vòng, tôi đinh ninh rằng nó đã quên béng cái tội "yêu" của tôi rồi, nào ngờ nó nhớ dai như đỉa. Khi nãy nó hỏi, tôi còn chối tới chối lui, bây giờ tôi biết nó đã nắm đầy đủ "tài liệu" trong tay, có chối cũng vô ích. Tôi chỉ còn cách đỏ mặt, đứng im thin thít.
Nhỏ Đan Tâm từ đầu đến giờ đứng lặng lẽ bên cạnh, thích thú theo dõi cảnh mèo vờn chuột. Bây giờ thấy chuột nhắt á khẩu, đứng run như cầy sấy, nó bèn lên tiếng động viên:
- Khoa có thương Hồng thì Khoa thú thật đi, đừng sợ! Có gì, Đan Tâm nói giúp cho một tiếng!
Tôi tưởng Đan Tâm tử tế, nào ngờ nó làm tôi kẹt cứng. Nó động viên kiểu đó khác nào nó chửi cha tôi. Tôi nói và nghe cổ họng mình khô đắng:
- Đâu có...
Tôi mới nói được hai tiếng, nhỏ Hồng đã thô bạo cắt ngang:
- Có! Ngày nào ông cũng ra ngoài bờ ao ngồi đợi chiều xuống để "nghĩ về" tôi mà bây giờ lại chối là không thương tôi hả?
Trời ơi, cái chuyện riêng tư và thầm kín như vậy mà nhỏ Hồng nó nỡ đem đi nói oang oang giữa đường giữa sá. Nó làm tôi sượng chín người. Tôi len lén nhìn Đan Tâm, thấy nó đang che miệng cười khúc khích. Tôi càng chết cứng. Quỷ tha ma bắt cái thằng "gián điệp" nào trà trộn trong bọn tôi đi! Hình như tất cả mọi trò kệch cỡm của tôi nó đều đi "báo cáo" hết với nhỏ Hồng. Để bây giờ nhỏ Hồng đem ra vặn vẹo chọc quê tôi.
Trước sự hạch hỏi chi tiết đến tận chân tơ kẽ tóc của đối phương, tôi đành ngượng nghịu "nhận tội":
- Ừ, thì tôi có "thương"... nhưng mà tôi chỉ "thương chơi" thôi...
Có lẽ thái độ thành khẩn của tôi khiến nhỏ Hồng động lòng từ bi. Nó gật gù, vẻ hiểu biết:
- À, hóa ra là ông thương chơi! - Rồi nó nhìn tôi, dịu giọng hỏi - Tức là ông giả bộ thương tôi để ông làm thơ chứ gì?
Tôi gật đầu, mau mắn:
- Đúng rồi! Tôi chỉ thương để làm thơ thôi!
Tôi đáp mà mặt mày hí ha hí hửng. Như vậy là nhỏ Hồng hiểu lầm tôi. Lúc đầu, chắc nó tưởng tôi thương thiệt nên định chặn đường tôi để "xin tí huyết". Bây giờ phát hiện ra tôi chỉ dám thương chơi, hẳn nó sẽ tha tôi.
Torng khi tôi đinh ninh mình được "phóng thích" đến nơi, nhỏ Hồng lại chẳng tỏ vẻ gì muốn mở đường cho tôi đi. Nó nhìn tôi, cái giọng dịu dàng vừa rồi biến mất và thay vào đó là một giọng nói chua như dấm:
- Tội của ông nặng lắm. Tội đó lẽ ra phải phạt... tử hình.
Con nhỏ này nó ăn nói sao nghe rùng rợn quá chừng! Tôi bàng hoàng nhủ bụng và bất giác sờ tay lên cổ. Không buồn để ý đến vẻ chết nhát của tôi, nhỏ Hồng thong dong "luận tội" tiếp: - Chẳng thà ông "thương thiệt", tôi chẳng nói gì, có khi tôi còn... thương lại ông không chừng. Ít ra đó cũng là tình cảm chân thành. Đằng này ông lại "thương chơi". Nghĩa là ông coi phụ nữ tụi tôi như một thứ đồ chơi, như một lũ búp bê hoặc tệ hơn, như một đống... đất sét...
Nhỏ Hồng nói tới đâu, mồ hôi tôi vã ra đến đó. Trời ơi, có cho vàng tôi cũng chẳng dám coi tụi nó là đất sét, sao con nhỏ ác ôn này nó kết án tôi nặng quá chừng! Cứ theo như lời nó gán ghép thì tội của tôi phải đem ra bắn bỏ mới xứng!
Giọng nhỏ Hồng càng lúc càng gay gắt:
- Ông xem phụ nữ như một thứ "phương tiện" giúp ông đạt "mục đích" sáng tác. Ông coi rẻ phụ nữ. Ông "sử dụng" tụi tôi như sử dụng cái kềm, cái búa. Ông đã bước qua... xác tụi tôi...
Nhỏ Hồng nói mỗi lúc một hăng. Và nó càng phân tích thì tội tôi càng lớn. Tính tôi nhát gan từ bé, giẫm một con gián cũng không dám giẫm, từ hồi cắp sách đi học đến giờ tôi cũng chưa đạp phải một ngón chân của bất cứ đứa con gái nào, vậy mà bây giờ nó bảo tôi đạp qua xác tụi nó, thật là oan còn hơn oan Thị Kính! Nhưng tôi không dám hó hé, chỉ biết đực mặt dỏng tai nghe.
Hạch tội tôi đã đời, nhỏ Hồng nghiến răng kết luận:
- Tóm lại, ông là đồ sở khanh! Lần sau tôi còn nghe ông đòi thương tôi nữa, tôi sẽ cho ông biết tay!
Khi nãy nhỏ Hồng dọa thằng Hòa, bây giờ nó lại đe tôi. Nhưng tôi không sợ. Nó đe một mình tôi, tôi mới ngán. Nó đe một lúc hai đứa, có gì thằng Hòa sẽ "chia lửa" giùm tôi. Tôi chỉ tức cái chuyện nó chửi tôi. Nó kêu tôi là đồ sở khanh có khác nào nó bôi tro trát trấu vào mặt tôi. Tôi học truyện Kiều, thấy Nguyễn Du tả Sở Khanh phát ớn: "Đem người đẩy xuống giếng khơi. Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay". Tôi đâu phải hạng người vô lương bất nghĩa như vậy mà nó nỡ ví tôi với thằng cha đó.
Lòng tôi hoang mang và rầu rĩ đến mức nhỏ Hồng và nhỏ Đan Tâm bỏ đi lúc nào tôi chẳng hay. Đến khi tỉnh trí, định thần nhìn lại, tôi thấy tôi đứng bơ vơ một mình giữa phố. Bụng đói meo, tôi thất thểu lê bước về nhà.
Bữa đó, trước khi về đến cổng, tôi đã kịp chửi thầm thằng Ngữ một trăm lẻ tám lần thậm tệ. Đầu đuôi mọi sự cũng tại nó. Ngay từ đầu, tôi đã khăng khăng không chịu dính dấp gì đến bọn con gái. Nó cứ nằng nặc bắt tôi thương. Tôi ngu như bò, nghe "thương chơi" tưởng bở, liền "phá giới" nhào vô để bây giờ đứng khép nép trước mặt nhỏ Hồng nghe nó chửi tối mày tối mặt.
Trách thằng Ngữ đã đời, tôi quay sang trách mình. Thật chưa có ai dại dột như tôi. Hồi nhỏ bị con quỷ Mỹ Hạnh gạt tới gạt lui ăn đòn quắn đít, tôi đã thề không thèm chơi với bọn con gái, hễ thấy tụi nó, chỉ đứng nhìn xa xa, nhất định không chịu mon men lại gần.
Trước nay, tôi thực hiện cái phương châm "lạnh lùng" đó một cách triệt để, đến nỗi thằng Hòa kêu tôi là Tam Tạng, còn thằng Nghị thì phong tôi là "thánh sống". Vậy mà chỉ một phút yếu lòng, nghe lời quỷ dữ, tôi đi thương con Hồng "chà-và", rốt cuộc chẳng được gì ngoài mỗi cái biệt hiệu... Sở Khanh. Cũng may là tôi chỉ "thương chơi", tôi "thương thiệt" chắc đời trai tan nát. Nghĩ đến đó, tôi vừa lo vừa mừng, mặt mày tươi tỉnh được chút chút.
Nhưng từ rày về sau, tôi tự dặn lòng nhất quyết sẽ không thèm thương một đứa con gái nào nữa, dù là thương... chơi, thương để làm thơ hay thương để làm... vua cũng vậy. Tôi đã chép dày đặc trong sổ tay những lời nhận xét khủng khiếp về phụ nữ, vậy mà bấy lâu nay tôi thờ ơ không chịu lấy ra xem để "tu tâm luyện tính", ngu ơi là ngu! Hèn gì dạo này tôi hay lơ là, không còn cảnh giác cao độ với tụi con gái như xưa!
Tối đó, tôi len lén chui vào xó nhà, ngồi một mình lật "cẩm nang" xem tới xem lui. Càng xem, tôi càng tiếc hùi hụi. Những bậc thông thái đã xúm vào răn đe tôi mà tôi đểnh đoảng quên mất. Họ nói bao nhiêu là lời hay lẽ phải. Samuel Butler ai oán phát biểu: "Kẻ cướp đòi tiền hoặc đòi mạng ta. Phụ nữ đòi cả hai". Cyril Tourner than thở đến tội: "Nếu không có tiền bạc và đàn bà, ắt là chẳng có ai bị đày xuống âm phủ". Ôi, những lời rền rĩ của họ nghe mới thảm làm sao! Nhỏ Hồng đòi cho tôi "biết tay" có khác nào nó "đòi mạng sống" tôi. Rõ ràng nó lăm le đưa tôi xuống... âm phủ. Liên hệ đến tình cảnh đáng thương của mình, bất giác tôi nghe cay cay nơi mắt và mũi bắt đầu khụt khịt. Nhưng tôi cố nén. Tôi sợ tụi thằng Bá nghe được, chúng sẽ tức tốc chạy vào. Thấy tôi khóc, hẳn chúng sẽ tưởng tại chúng can gián không cho tôi thương nhỏ Hồng nên bây giờ tôi phải chui vào xó nhà sụt sùi nhớ người tình cũ. Tụi nó đâu có biết "người tình cũ" vừa mắng tôi như thể mắng... con.
Tôi lại liếc vào cuốn sổ. Lời tuyên bố của Sophocles khiến tôi đỏ bừng mặt: "Nếu phải gục ngã, thà gục ngã vì đòn của đàn ông còn hơn là mang tiếng thua phụ nữ". Câu nói này đã được nói mấy ngàn năm rồi và ông Sophocles đã chết ngoẻo từ đời kiếp nào nhưng tôi cứ tưởng như ông đang ngồi trước mặt tôi và chính ông vừa thốt ra lời bình luận thấm thía kia, vừa nói ông vừa nheo nheo mắt nhìn tôi nửa như chế giễu nửa như thương hại.
Tôi lắc mạnh đầu để xua đuổi ý nghĩ kỳ quái đó và liếc sang dòng khác. Tôi bắt gặp lời của kinh Talmud như bắt được vàng. Kinh dạy: "Cái lưỡi trong miệng đàn bà là một trong những sai lầm khó chịu nhất của tạo hóa". Ôi, lời nhận xét đó mới vàng ngọc làm sao! Hèn gì người ta gọi đó là kinh. Kinh đã nói thì đố có sai. Cứ xem cái lưỡi của nhỏ Hồng sáng nay thì biết. Nó chua ngoa, đanh đá phát khiếp! Phải chỉ thượng đế sinh ra đàn bà mà đừng sinh thêm cái lưỡi - tôi thầm ao ước - hẳn từ giờ cho đến cuối đời, ít ra tôi cũng thương được một người.
Cứ thế, suốt buổi tối, tôi đắm mình trong những lời răn khả kính. Bình thường, những lời châu ngọc đó chỉ lướt qua đầu tôi nhưng hôm nay, do tôi vừa mới "thoát chết" dưới tay nhỏ Hồng, chúng ngấm sâu vào người tôi đến tận... lục phủ ngũ tạng. Tôi bị ám ảnh đến mức tối nằm ngủ, tôi mơ thấy tôi đang bị nhỏ Hồng rượt chạy tóe khói. Đầu tóc xoăn tít của nhỏ Hồng bỗng biến thành bờm... sư tử và miệng nó thì mọc nanh tua tủa. Bộ tịch của nó trông dữ tợn quá chừng. Nó mà tóm được tôi, hẳn nó sẽ nhai xương tôi rào rạo. Lòng đầy hãi hùng, tôi nhắm mắt nhắm mũi, co giò chạy. Chạy một lát, nghe tiếng thình thịch sau lưng tôi ngoảnh đầu lại, thấy nhỏ Hồng rượt gần bén gót, miệng nó há to bằng cái chậu và sửa soạn ngoạm đứt đầu tôi. Tôi điếng người, hét lên thất thanh.
Thằng Bá nằm kế bên, nửa đêm nghe tôi la làng, nó hốt hoảng chồm dậy ôm lấy vai tôi lay lấy lay để. Ngữ, Nghị và Hòa lé cũng choàng dậy, đâm bổ lại chỗ tôi nằm. Cả nhà náo loạn như có giặc.
Thằng Bá lắc tôi như lắc chai rượu. Tôi ú ớ một hồi rồi từ từ mở mắt, mồ hôi ưới đẫm sống lưng.
- Có chuyện gì vậy? - Cả bốn cái miệng cùng chĩa vào tôi, hỏi một lúc.
Tôi vẫn chưa tỉnh hẳn, hình ảnh ghê rợn vừa rồi đang còn phảng phất trong đầu tôi. Nghe có tiếng người hỏi, tôi ấp úng thều thào:
- Nhỏ... Hồng...
Cả bọn trố mắt:
- Nhỏ Hồng sao?
Tôi vẫn thở dốc:
- Nó rượt tao... nó đòi ăn thịt...
Biết tôi nằm mơ thấy "người yêu" đòi mạng, cả bọn ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Còn tôi, sau khi tỉnh hẳn, phát hiện ra mình vừa nói hớ, tôi liền vội vàng nhắm tịt mắt, giả vờ ngủ tiếp. Nhưng tôi chỉ có thể nhắm mắt. Tai đâu có... nhắm được. Thế là tôi đành phải nằm trân mình nghe những lời chọc ghẹo nhức xương của tụi bạn. Nghe suốt đêm. Nghe cả tuần lễ sau đó. May mà tôi không hé răng nửa lời về cuộc đụng độ giữa tôi và nhỏ Hồng. Còn nhỏ Hồng sau khi chửi tôi đã đời trước sự chứng kiến của Đan Tâm, chắc nó đã thỏa mãn, phần khác chắc thương tôi đần độn, nên nó cũng ỉm luôn, không "xì" ra. Nhờ vậy, chẳng đứa nào biết được "nỗi nhục" của tôi. Nếu biết, hẳn tụi nó chẳng tha tôi. Khi đó, chắc chắn tôi sẽ bỏ học, về quê chăn trâu, cày ruộng. Tôi sẽ không màng trở thành Nguyễn Tuân hay Nguyễn Bính, triết gia hay họa sĩ báo tường nữa. Tôi sẽ làm Đinh Bộ Lĩnh, suốt ngày cỡi trâu và nghêu ngao hát "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ...". Da tôi lúc ấy sẽ đen nhẻm như da nhỏ Hồng. Tôi dang nắng quanh năm ngoài đồng, tóc tôi cũng sẽ quăn tít như nó.
Ôi, cứ nghĩ đến hình ảnh khủng khiếp đó, tôi đã thấy rợn da gà!
Nhưng thật may, chẳng ai biết gì. Tôi khỏi phải về quê chăn trâu. Ngày ngày tôi vẫn ôm cặp đến lớp. Mỗi lần giáp mặt nhỏ Hồng hoặc nhỏ Đan Tâm là tôi hấp tấp ngó lơ chỗ khác, mặt đỏ cứ như tôm luộc.
Đỡ một cái là tụi nó chẳng mở miệng trêu tôi. Thấy tôi, tụi nó chỉ cười chúm chím. Tụi nó chỉ cười suông, tôi đã muốn chui xuống đất rồi. Nếu tụi nó chơi ác nhắc chuyện cũ, tôi chẳng biết chui đi đâu. Nếu tôi đang ở tuổi chín mươi, tôi sẵn sàng chui vào... quan tài lánh nạn. Nhưng tôi mới mười sáu tuổi, có chui vào đó, Diêm vương cũng sẽ đuổi tôi về dương gian để cho bọn con gái "thử thách" tiếp. Nhiều lúc ngồi một mình, tự nhiên tôi thấy tội nghiệp tôi ghê!

Chương 6

Mối tình không cân sức giữa tôi với nhỏ Hồng có lẽ là sai lầm duy nhất của tôi năm lớp mười. Sau vụ đó, tôi thề không thèm nhìn mặt bất cứ đứa con gái nào trong lớp. Tôi vốn không ưa tụi con gái, nhỏ Hồng càng khiến tôi thù tụi nó tận xương tủy.
Dạo trước, hồi tôi còn tập tễnh làm thơ, Ngữ có đọc cho tôi nghe câu ca dao "Chưa chồng đi dọc đi ngang. Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi". Đó là lời người mẹ dạy con gái. Tôi là con trai, tôi cũng... chưa có chồng, nhưng tôi tuân thủ lời dạy đó răm rắp. Mỗi ngày, từ nhà đến trường và từ trường về nhà, tôi cứ "thẳng một đàng mà đi", không thèm trông ngang liếc dọc. Thấy con gái, mặt tôi trơ ra, chỉ thiếu mỗi chuyện lần tràng hạt và niệm "Nam mô, bần tăng là kẻ tu hành" nữa thôi.
Nhờ sống khổ hạnh như vậy, tôi dần dần quên đi mối hận tình năm nào. Năm lớp mười trôi qua êm ả, thái bình. Tôi đã làm đúng lời dặn dò của ba tôi "đừng yêu đương nhăng cuội". Chuyện nhỏ Hồng là chuyện "thương chơi" chẳng đáng kể làm gì. Tôi coi nó như là... đất sét!
Năm lớp mười một bắt đầu bằng một sự gia tăng sĩ số. Nhỏ Gia Khanh ở đâu ngoài Hội An chạy vô, nhập vào lớp tôi. Đám con gái tăng lên mười ba mống. Nhưng mười ba hay một tỉ ba trong trường hợp này đối với tôi chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả chỉ là con số không to tướng.
Chỉ có tụi thằng Ngữ là xôn xao. Ngay hôm đầu tiên Gia Khanh xuất hiện, Ngữ đã trầm trồ:
- Trời, con bé dễ thương ác!
Hòa lé buông thõng một câu:
- Tiên giáng trần!
Nghị điềm đạm hơn. Sau một hồi trầm tư, nó phát biểu với vẻ lo âu:
- Nguy rồi! Sao chổi Halley xuất hiện! Năm hạn đã tới! Huynh đệ tương tàn! Tránh sao khỏi cảnh nồi da xáo thịt!
Hòa liếc Nghị:
- Đọc thần chú gì đó mày?
Còn Ngữ thì nhăn mặt:
- Nói gì thì nói đại ra cho rồi, cứ bày trò mật mã hoài!
Bá từ đầu đến giờ ngồi im không tham gia vào câu chuyện, bỗng bật cười ha hả:
- Thằng Nghị nó nói vậy mà tụi mày không hiểu, chứng tỏ tụi mày bị em Gia Khanh "hớp hồn" nên đầu óc mụ mẫm hết rồi!
Bị xỏ xiên, Ngữ nổi cáu vặc lại:
- Chứ mày thì sao? Mày có hiểu gì không?
Bá thản nhiên:
- Sao lại không hiểu! Thằng Nghị nó ví em Gia Khanh như sao chổi Halley, mỗi lần xuất hiện là đem lại tai họa...
Hòa lé vọt miệng:
- Tai họa gì?
Bá cười hì hì:
- Thì tai họa thằng Nghị nói đó! Huynh đệ tương tàn! Nghĩa là vì giành nhau người đẹp, mày và thằng Ngữ sẽ đánh nhau u đầu sứt trán, đứa vào nhà thương, đứa vào nhà... xác!
Hòa bĩu môi:
- Xì! Làm gì có chuyện đó!
Bá gục gặc đầu:
- Ừ, để rồi coi!
Rồi Bá quay sang tôi, xuýt xoa:
- Như thằng Khoa vậy mà khỏe. Suốt đời giữ lòng thanh tịnh, không để nữ sắc quấy rầy, ăn ngủ điều độ, học hành tiến bộ, cha mẹ vui mừng, bạn bè mến mộ...
- Thôi, thôi, đủ rồi mày! - Tôi vội vã cắt ngang - Tao khỏi cần mày làm thơ tán dương "công đức" tao nữa!
Bá trợn mắt:
- À, tao khen mày mà mày không cho hén! Được rồi, để hôm nào tao xúi em Gia Khanh quyến rũ mày, xem mày có tu thành chánh quả được không!
Nghe vậy, Hòa nhảy dựng lên:
- Đừng! Mày đừng có chơi ác như vậy! Thằng Khoa tu luyện mấy nghìn năm nay rồi, nó sắp thành Phật, mày đừng có "hại" nó! Có muốn "hại" thì mày "hại" tao đây nè! Mày cứ xúi em Gia Khanh quyến rũ tao đi, tao chịu tất!
Bá nhìn Hòa, lắc đầu hắng giọng:
- Cỡ như mày, có muốn "hại" cũng không ai thèm "hại"! Mắt mày so le, nhìn đâu trật đó, đi về nhà còn sai địa chỉ, ai mà dám trao thân gởi phận cho mày! Mày có nhìn đắm đuối em Gia Khanh suốt buổi, em cũng sẽ tưởng mày đang "thôi miên" con Hồng "chà-và" ngồi cạnh, làm sao em bắt được "tín hiệu" của mày!
Hòa tức muốn nổ đom đóm mắt. Nó nghiến răng ken két và thu nắm tay lại dứ dứ trước mặt:
- Nè, nè, mày đừng có bôi bác thằng bạn quý của mày nghe chưa! Mắt tao là mắt lé, nhưng thuộc diện... lé kim, dễ thương hết biết! Tụi con gái thường kháo nhau "nhất mắt lé kim, nhì má đồng tiền". Mày là "giáo sư" mà mày cóc biết gì hết!
Nghe Hòa ca tụng nhan sắc mình, Ngữ húng hắng ho:
- Thằng Hòa nói đúng! Thằng Bá là thằng có đôi mắt bình thường, giống như thiên hạ, chẳng có gì đặc biệt nên nó tức nó ghen tị với thằng mắt lé.
Biết Ngữ chơi xỏ mình nhưng Hòa phớt lờ. Nó tỉnh bơ triết lý:
- Đời là vậy! Tao cũng chẳng thèm chấp làm gì!
Mặc dù Hòa nói chẳng thèm chấp nhưng tôi biết nó tức Bá lắm. Nhưng trong chuyện tình tập thể này, Bá có vẻ như muốn đứng ngoài nên Hòa chẳng tìm ra cớ để cà khịa đối thủ. Nó đành phải dằn mặt Bá bằng cách ra sức chứng minh sự duyên dáng và tính hiệu quả của đôi mắt lé kim được thương đế ưu ái ban cho kia.
Thế là kể từ hôm đó, gặp Gia Khanh đâu là Hòa lập tức đưa mắt tống tình. Trên đường đi, trước cổng trường và trong lớp học, hễ có dịp là Hòa phát tín hiệu về phía đối phương. Đôi mắt nó hoạt động không mệt mỏi, hệt như đài truyền hình phát sóng.
Bá cười thầm vào tai tôi:
- Tao đã nói rồi mà nó không chịu nghe. Bộ phận thông tin liên lạc của nó đã bị hỏng, không xài được. Để mày coi, nó có phát sóng cả đời cũng cóc có ăng-ten nào bắt được.
Quả như lời Bá nói, tôi thấy thằng Hòa "pha" suốt một tuần nhưng nhỏ Gia Khanh làm như chẳng "ăn đèn". Nó cứ tỉnh khô. Thậm chí nó còn không biết có người đang để ý nó.
Tụi tôi để yên cho thằng Hòa hoạt động đúng bảy ngày. Qua ngày thứ tám, Bá bắt đầu trêu:
- Sao mày? Mấy bữa nay tao thấy mày bắn tia la-de veo véo, trái tim em đã mẻ miếng nào chưa?
Hòa chưa kịp đáp, Ngữ đã khịt mũi:
- Thằng Bá này hỏi lạ! Bánh ít có đi thì bánh qui có lại chứ! Nó nhìn em muốn rách võng mạc, lẽ nào em chẳng động lòng!
Thoạt đầu, Hòa tím mặt định phản đòn, nhưng sau thấy mình bị kẹt giữa hai gọng kềm, nó biết hễ nhúc nhích là bị đập phủ đầu ngay. Nó đành nuốt giận, chống chế:
- Muốn "đánh đổ" một em như em Gia Khanh phải... trường kỳ kháng chiến. Tao mới ra tay có một tuần, chưa hết thời kỳ chạy rô-đa, bảo em đầu hàng liền sao được!
Nghị ngồi cười mím chi:
- Thế mày định "trường kỳ" đến bao giờ?
Hòa ngần ngừ:
- Ít ra cũng phải đến... cuối năm học.
Bá nheo mắt:
- Làm gì lâu dữ vậy?
- Thì đã bảo "trường kỳ" mà lại!
Hòa vừa đáp vừa cười hề hề.
Tôi không biết từ nay cho đến cuối năm, thằng Hòa sẽ đi theo con đường đặc biệt nào để len lỏi vào trái tim của Gia Khanh. Chứ hoạt động "phát sóng" thì kể từ hôm bị bạn bè trêu chọc, nó đã tạm ngưng... vô thời hạn. Cũng có thể nhìn lâu mỏi mắt, mà chẳng được tích sự gì, nó không buồn khai thác ưu thế "lé kim" của nó nữa.
Trong khi Hòa lui về thế thủ, tạm thời án binh bất động để nghĩ kế, thì nhà thơ Nguyễn Văn Ngữ bắt đầu mở chiến dịch.
Trước nay, lớp tôi có bao nhiêu con gái thì Ngữ thương hết bấy nhiêu. Bây giờ thêm đứa thứ mười ba, Ngữ đòi thương luôn cho đủ bộ, cũng chẳng có gì là lạ. Tôi chỉ ngạc nhiên ở chỗ từ trước đến giờ Ngữ thường rêu rao đối với tụi con gái trong lớp nó chỉ thương chơi nhưng lần này thì tôi e rằng nó... thương thật.
Xưa nay, dưới các bài thơ, bao giờ Ngữ cũng đề tên thật. Nhưng lần này, Ngữ phá lệ. Nó chọn một bút hiệu mới: Thanh Khương. Khi bài thơ "Từ độ em về" của Thanh Khương xuất hiện trên mặt báo, cả lớp lập tức xôn xao. Đọc bài thơ tỏ tình trắng trợn đó, đứa nào cũng biết tác giả của nó muốn rao bán trái tim của mình cho Gia Khanh. Ngữ viết:
Từ độ em về, sầu đã lại
Lòng tôi mơ mãi bóng hình em
Tình tôi năm trước còn hoang vắng
Em đến, mùa xuân đậu xuống thềm...
Bài thơ nói bóng gió, nhưng ý nghĩa lại quá lộ liễu, khờ khạo như tôi đọc thoáng qua đã biết, huống gì những bộ óc vĩ đại như Nghị hoặc "giáo sư" Bá. Đã vậy, thằng Ngữ còn sợ Gia Khanh không hiểu "thông điệp" của nó, nó "đóng dấu" thêm cái bút hiệu Thanh Khương lên bài thơ một cách sỗ sàng.
Dĩ nhiên mọi người đều biết nhà thơ Thanh Khương đang "thương Khanh" nhưng không ai đoán ra Thanh Khương là đứa liều mạng nào. Ngữ chơi kế "kim thiền thoát xác", bên cạnh bài thơ bốc lửa của Thanh Khương, nó đăng một bài khác của nhà thơ Nguyễn Văn Ngữ tả cảnh mùa xuân chim chóc.
Cả khối đứa bị lừa. Giờ ra chơi, tụi nó cứ túm tụm lại với nhau truy tìm lý lịch của tên bợm Thanh Khương. Đám con gái thì xúm xít chỗ hai dãy bàn đầu, thì thầm to nhỏ và chốc chốc lại cười rúc rích. Tôi liếc Gia Khanh, thấy nó ngồi gục đầu trên bàn. Chắc tụi con gái trêu nó dữ lắm! Tôi áy náy nhủ thầm và lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy lòng mình nao nao.
Ngày hôm sau, vừa vào lớp, tôi đã đọc thấy trên bảng lời rao "tìm trẻ lạc" không biết đứa nào nghịch ngợm "tương" lên. Cả lớp đang xúm đen xúm đỏ trước tấm bảng, cười nói ầm ĩ.
Tôi bước lại gần, tò mò đọc: "Bé trai Thanh Khương, mười bảy tuổi, bị bệnh si tình, nhát gan, hành động lén lút, ưa sử dụng tên giả, đi lạc sáng thứ bảy tuần rồi. Khi ra đi, ở trần mặc quần... xà lỏn, đặc điểm nhận dạng: ốm o, gầy mòn, người đầy ghẻ, ai thấy ở đâu, xin dẫn về địa chỉ sau đây: nhóm nữ sinh 11C trường trung học Sao Chổi, sẽ có hậu tạ".
Tôi vừa đọc vừa cười bò. Tôi nghi thằng Bá là tác giả của lời rao tinh quái trên. Giọng điệu khôi hài độc địa này đích thị là giọng của nó. Cái thằng, nó viết chuyện vui cười thì dở mà viết những điều nhảm nhí chọc phá thiên hạ, nó lại viết trơn tru quá xá!
Tôi hỏi Bá, Bá nhận ngay:
- Ừ, tao viết. Tao chọc cho nó ra mặt.
Tôi cười:
- Mày chọc kiểu đó, nó trốn luôn chứ sức mấy nó dám ra mặt.
Bá ngẩn người ra:
- Ừ hén, tao quên khuấy điều đó!
Rồi nó tặc lưỡi hỏi tôi:
- Thanh Khương là đứa nào mày biết không?
Tôi lắc đầu:
- Không.
Bá nhìn tôi vẻ nghi ng:
- Xạo đi mày! Mày là họa sĩ trình bày, sao mày không biết?
Tôi gãi đầu:
- Thì tao chỉ trình bày thôi! Làm sao tao biết nó là đứa nào!
Bá hừ mũi:
- Đọc bản thảo, mày phải nhận ra nét chữ của ai chứ! - Rồi nó thình lình hỏi - Thằng Ngữ phải không?
Bá chơi đòn trấn áp tinh thần. Nó đột ngột "độp" một phát khiến tôi sững sờ mất mấy giây. Nhưng tôi kịp trấn tĩnh. Khi đưa bài thơ "Từ độ em về" cho tôi nắn nót chép lên báo, Ngữ đã dặn dò cẩn thận. Nó còn bắt tôi thề sẽ không hé môi với bất cứ ai về thân thế và tiểu sử tác giả. Vì vậy, dù Bá đoán ngay chóc, tôi vẫn phải giả bộ đần độn:
- Tao đã nói tao không biết mà! Bản thảo đánh máy chứ đâu phải chép tay mà tao nhận ra nét chữ!
Bá tưởng tôi đần độn thật. Nó gật gù:
- Được rồi! Tao sẽ hỏi thằng Ngữ!
Nhưng Ngữ cũng chối biến. Trước sự dò hỏi của Bá, Ngữ ngơ ngác:
- Tao đâu có biết. Tụi nó gửi bài cả xấp, làm sao tao biết đứa nào vô đứa nào!
Rồi Ngữ nhún vai, nói thêm:
- Nhưng dù có biết Thanh Khương là ai, tao cũng không thể tiết lộ với mày được. Đó là nguyên tắc nghề nghiệp.
Thấy Ngữ ra vẻ trịnh trọng, lại đem "nguyên tắc" ra hù mình, Bá tức lắm. Nó bĩu môi:
- Thôi đi mày ơi! Mày đừng có làm bộ bí mật! Tụi tao biết tỏng Thanh Khương là đứa nào rồi!
Ngữ giật nảy người. Nhưng nó cố giữ vẻ thản nhiên:
- Đứa nào?
- Mày chứ ai?
Vừa nói, Bá nhìn đối thủ lom lom. Nhưng Ngữ đóng kịch thật tài. Nó khinh khỉnh:
- Tao mà thèm làm thơ cho nhỏ Gia Khanh!
- Mày đừng có làm bộ! - Bá cười khẩy - Ai mà chẳng biết mày chuyên môn làm thơ cho tụi con gái!
Ngữ hắng giọng:
- Tao làm thơ cho tất cả mọi đứa, nhưng với nhỏ Gia Khanh thì không!
Bá hỏi, giọng nghi hoặc:
- Sao vậy? Mày lúc nào cũng khen em rối rít kia mà!
Ngữ gật gù:
- Khen là một chuyện, còn làm thơ là một chuyện khác!
- Tao không tin! - Giọng Bá khăng khăng.
Ngữ lạnh lùng:
- Tin hay không, tùy mày! Tính tao không thích giành giật. Thằng Hòa đã nhảy vô, tao không muốn đụng độ với nó.
- À, hóa ra vậy! - Bá gục gặc đầu - Thì ra mày sợ lời tiên tri của thằng Nghị sẽ ứng nghiệm!
Ngữ quên bẵng câu chuyện bữa trước. Nó nhìn Bá, ngạc nhiên:
- Lời tiên tri nào?
Bá cười hề hề:
- Mày mau quên quá! Hôm trước thằng Nghị chẳng đã nói nếu cuộc "chiến tranh tình cảm" xảy ra giữa hai đứa mày thì thằng Hòa sẽ đi nhà thương, còn mày sẽ đi nhà xác là gì!
Bị Bá hoạnh họe một hồi, Ngữ đã bực mình. Bây giờ lại bị "xỏ" thêm một câu, Ngữ sầm mặt "hứ" một tiếng và quay lưng bỏ đi thẳng.
Bá nói với tôi:
- Thằng Ngữ nói mười tao không tin được một. Cái giọng õng ẹo trong bài "Từ độ em về" rõ ràng là cái giọng của nó, tao còn lạ gì, vậy mà nó cứ chối leo lẻo!

Nguồn: docsach.mobi