27/12/12

Ông thầy nóng tính (C3-4)

Chương 3

Ba giờ chiều, Quý ròm mới lồm cồm bò ra khỏi giường, chạy đi rửa mặt .
Lúc di ngang qua phòng khách, Quý ròm đã thấy nhỏ Diệp ngồi sẵn ở đó, tập vở bút thước bày la liệt trước mặt .
- Sao không ngồi trong phòng học lại chạy ra đây ? - Quý ròm hỏi .
- Bà bảo ngồi đây cho mát ! - Nhỏ Diệp lắc mái tóc, rồi nó sốt ruột giục - Anh rửa mặt lẹ lẹ lên đi ! Em đợi anh cả nửa tiếng đồng hồ rồi !
- Con nhỏ này ! Làm toán mà nó cứ làm như đi chạy giặc ! - Quý ròm vừa bước ra nhà sau vừa càu nhàu .
Khi nó mặt mũi tươm tất quay trở lên, chưa kịp ngồi vào bàn, nhỏ Diệp đã đẩy cuốn sách toán mở sẵn đến trước mặt nó .
- Bài nào đâu ? - Quý ròm nhìn vào trang sách .
- Bài số 7 ấy !
Quý ròm khệnh khạng ngồi vào ghế và kéo cuốn sách sát về phía mình . Nhưng nó chưa vội đọc đề ngay, mà hất mặt ra lệnh :
- Rót cho tao ly nước !
- Trời đất ! - Nhỏ Diệp nhăn nhó - Chưa chỉ được chữ nào, đã sai vặt rồi !
Quý ròm quắc mắt :
- Kệ tao ! Mày có rót nước không ?
- Rót .
Nhỏ Diệp líu ríu gật đầu và vội vã chạy đi .
Quý ròm khoái chí . Nó rung đùi nhìn vào đề toán, nhẩm đọc :
"Một người bán trứng, bán lần thứ nhất nửa số trứng người đó có và 0,5 quả trứng . Lần thứ hai bán nửa số trứng còn lại và 0,5 quả trứng . Lần thứ ba bán nửa số trứng còn lại và 0,5 quả trứng thì vừa hết . Hỏi người đó đã bán mỗi lần bao nhiêu quả trứng ?"
Quý ròm đọc xong đề toán cũng vừa lúc nhỏ Diệp bưng ly nước lại .
Nhỏ Diệp đặt ly nước xuống bàn và rón rén nhìn ông anh :
- Đề toán cho sai phải không anh ?
- Sao lại sai ? - Quý ròm ngạc nhiên .
Nhỏ Diệp liếm môi :
- Chứ trứng ai lại bán nửa quả bao giờ ?
- Trời đất, cái con ngốc tử này ! - Quý ròm kêu lên - Ai bảo mày là người ta bán nửa quả trứng ?
Bị mắng là ngốc, nhỏ Diệp hơi nóng mặt nhưng nó cố nhịn, rụt rè chỉ tay vào trang sách :
- Thì trong đề toán người ta ghi sờ sờ nửa quả đây nè ! - Rồi như khám phá ra điều gì thú vị, nó bỗng reo lên - A, em hiểu ra rồi ! Có nghĩa những quả trứng này là những quả trứng luộc ! Có như vậy người ta mới cắt đôi ra được !
Nhưng nhỏ Diệp chưa kịp vui với ý tưởng mới mẻ của mình thì ông anh ngồi trước mặt đã làm nó cụt hứng, Quý ròm phán một câu xanh dờn :
- Trứng luộc đâu mà trứng luộc ! Có bỏ cái đầu ngốc nghếch của mày vào nồi nước luộc sôi lên thì có !
Lần thứ hai bị mắng là ngốc, còn bị dọa cắt đầu thảy vào nồi nước sôi, nhỏ Diệp bắt đầu rơm rớm nước mắt .
Thấy vậy, Quý ròm càng cáu :
- Khóc gì mà khóc ! Học hành kiểu gì mà có bài toán dễ ợt như thế này cũng không hiểu !
- Thì không hiểu em mới nhờ anh giảng chứ bộ ! - Nhỏ Diệp đáp bằng giọng sụt sịt .
Quý ròm lấm lét ngoái nhìn về phía cửa thông hơi với nhà sau xem bà có nghe thấy những "âm thanh báo động" phát ra từ chiếc mũi lợi hại của nhỏ Diệp hay không rồi ngoảnh lại hạ giọng bảo em :
- Thôi đừng có "mít ướt" nữa ! Nín đi nghe tao giảng nè !
Thấy ông anh có vẻ muốn cầu hòa, nhỏ Diệp mỉm cười quệt nước mắt và ngoan ngoãn khoanh tay đặt lên bàn .
Quý ròm hắng giọng :
- Nửa quả trứng trong đề bài là những thông số chỉ có ý nghĩa tham khảo để giúp ta tìm ra đáp số chứ không phải người ta cắt đôi quả trứng ra để bán, hiểu chưa ?
Đối với nhỏ Diệp, lời giải thích của Quý ròm mù mờ như khói bếp . Nó chỉ hiểu có một chút xíu nhưng sợ bị mắng là ngốc, nó đành gật đầu đại :
- Hiểu rồi !
Quý ròm khoái chí :
- Thấy chưa ! Nếu mày chịu khó lắng nghe thì đâu đến nỗi nào ! Tao giảng dễ hiểu quá trời mà lại !
Rồi nó nghiêm giọng tiếp :
- Để giải bài toán này, phải áp dụng phương pháp tính ngược từ dưới lên . Bây giờ mày nghe tao hỏi nè ! Lần thứ ba người ta bán bao nhiêu quả trứng ?
Nhỏ Diệp giật thót :
- Làm sao em biết được !
- Sao lại không biết, cái con ng... - Đang định mắng là "cái con ngốc tử" nhưng đến phút chót, Quý ròm tốp lại kịp . Nó "ngờ, ngờ" vài ba tiếng rồi nhanh chóng nói trớ đi - Mày đọc kỹ lại đề toán lần nữa xem nào !
Nhỏ Diệp thò tay kéo cuốn sách về phía mình, nhíu mày đọc lại đề toán . Nhưng sau khi đọc tới đọc lui hai, ba lượt, nó vẫn chẳng tài nào lần ra được đầu mối của bài toán nằm ở đâu .
Thấy nhỏ em trầm ngâm lâu lắc, Quý ròm nóng ruột :
- Sao, mày đọc kỹ chưa ?
- Kỹ rồi .
Quý ròm gật gù :
- Tốt ! Vậy số quả trứng bán ra lần thứ ba là bao nhiêu ?
Nhỏ Diệp nuốt nước bọt :
- Em không biết !
- Trời đất ! Chứ từ nãy giờ mày làm gì ?
- Thì em đọc đề toán ! - Nhỏ Diệp ấp úng - Anh chả bảo em đọc lại đề toán là gì !
Quý ròm nghiến răng ken két :
- Tao bảo mày đọc lại đề toán là để tìm cách giải, chứ đọc như đọc tiểu thuyết thì đọc làm gì !
Nhỏ Diệp bối rối đưa tay vuốt tóc :
- Thì em cũng cố tìm cách giải nhưng ... tìm không ra !
Suýt chút nữa Quý ròm đã thốt ra hai tiếng "ngốc tử" . Nhưng lần này nó đã kịp cảnh giác, chỉ lúc lắc đầu và buông một tiếng thở dài :
- Thôi được rồi ! Bây giờ mày đọc to đề toán lên đi !
Nhỏ Diệp đọc to đề toán .
Đợi nhỏ Diệp đọc xong, Quý ròm nheo nheo mắt :
- Lần thứ ba người ta bán nửa số trứng còn lại và 0,5 quả trứng thì vừa hết phải không ?
- Phải .
Quý ròm khịt mũi :
- Thế nửa số trứng còn lại mà người ta vừa bán là bao nhiêu quả ?
Nhỏ Diệp rụt rè đáp :
- Đề bài đâu có nói rõ số trứng này là bao nhiêu !
- Trời ơi là trời ! - Quý ròm ngã người vào lưng ghế, chán nản kêu lên - Nếu trong đề bài người ta cho biết tuốt tuồn tuột hết thì còn gì là toán ! Chính vì có những điều chưa biết mình mới phải suy luận để tìm ra ! Thật ngán cho mày hết sức vậy đó !
Đang la trời la đất, chợt thấy nhỏ Diệp mặt mày nhăn nhúm, vẻ khổ sở, Quý ròm thấy tội tội liền ngồi thẳng dậy, chép miệng nói :
- Nghe đây nè ! Số trứng bán lần thứ ba là bao nhiêu, mình biết chưa ?
- Chưa .
- Nhưng mình biết người ta đã bán đi một nửa số trứng đó, như vậy là còn lại một nửa phải không ?
- Phải .
- Nếu bán mốt cả một nửa còn lại này thì không còn quả trứng nào, đúng không ? - Quý ròm tiếp tục dẫn giải .
- Đúng .
Quý ròm gật gù :
- Trong đề bài, người ta không nói rõ một nửa còn lại này là bao nhiêu, nhưng lại bảo sau khi bán một nửa đầu, người bán trứng bán thêm 0,5 quả nữa thì hết trứng ...
Lần này Quý ròm chưa kịp hỏi "đúng không ?", nhỏ Diệp đã hớn hở reo lên :
- Em hiểu rồi ! Em hiểu rồi ! Như vậy nửa số trứng còn lại là 0,5 quả, suy ra nửa số trứng kia cũng là 0,5 quả, tức là lần thứ ba người ta chỉ bán vỏn vẹn có một quả trứng, đúng không anh ?
Bị nhỏ Diệp hỏi ngược, nhưng thấy nó đáp đúng ý mình, Quý ròm vui vẻ gật đầu lia, lại còn chuyển sang "anh anh em em" ngọt xớt :
- Đúng rồi ! Đúng rồi ! Ít ra em cũng phải thông minh bằng ...một nửa anh vậy chứ !
Tìm ra được đáp số, mặt nhỏ Diệp tươi roi rói . Đang hào hứng, nó chẳng buồn cự nự lời khen ngợi trịch thượng của ông anh, ngược lại còn tỏ ra đồng tình :
- Anh giảng bài hay ghê ! Còn dễ hiểu hơn cả thầy em nữa !
Sự so sánh bốc đồng của nhỏ Diệp làm Quý ròm sướng rên . Nó phổng mũi :
- Còn phải nói ! Anh đã bảo anh cũng là thầy mà khi nãy em không tin !
Nhỏ Diệp nhe răng cười :
- Bây giờ thì em tin rồi !
Không khí căng thẳng giữa hai anh em trong thoáng chốc bỗng trở nên vô cùng hòa dịu, thuận thảo .
- Bây giờ giải tiếp nghen ! - Giọng Quý ròm đầy sốt sắng - Đã biết được số trứng bán lần thứ ba rồi, mình sẽ tìm ra số trứng và 0,5 quả trứng ! - Rồi ngó nhỏ Diệp, nó mỉm cười khuyến khích - Lần này em thử tự mình tìm ra đáp số xem !
Nghe Quý ròm xưng hô với mình một cách trìu mến - chuyện hiếm có xưa nay - lại còn động viên bằng một giọng dịu dàng đầm ấm, nhỏ Diệp cảm thấy vô cùng phấn chấn . Nó sung sướng lim dim mắt và lẩm nhẩm trong đầu "Lần thứ hai bán nửa số trứng còn lại và 0,5 quả . Nhưng số trứng của lần thứ ba mình vừa tìm ra là một quả . Một quả cộng với 0,5 quả tức thị một quả rưỡi . Đó là phân nửa số trứng của lần bán thứ hai . Như vậy, lần thứ hai người ta bán tất cả là 3 quả .
Nhẩm tới nhẩm lui vài lượt, thấy không sai vào đâu được, nhỏ Diệp hân hoan ngước nhìn ông anh :
- Em tìm ra rồi !
- Ồ, giỏi quá ! - Mặt Quý ròm tươi lên - Thế em tìm ra mấy quả ?
- Ba quả ! - Nhỏ Diệp hớn hở .
- Ba quả cái đầu mày ! - Quý ròm xẳng giọng .
Thấp thỏm chờ đợi cả buổi, thấy nhỏ Diệp trả lời sai bét, Quý ròm đâm cáu, chẳng thèm "anh anh em em" nữa . Giọng nó rít lên :
- Dạy học cho mày thà dạy cho cái đầu gối còn hơn ! Giảng tới giảng lui cả buổi mà ngốc vẫn hoàn ngốc ! Chán bỏ xừ !
Bầu không khí hòa bình mới được tái lập chưa được bao lâu nhanh chóng bị phá vỡ . Cánh mũi nhỏ Diệp phập phồng :
- Em vẫn tính theo phương pháp của anh mà !
- Phương pháp của tao chỉ có nửa quả trứng thôi ! - Quý ròm càng nóng tiết - Chỉ có đứa tham ăn như mày mới tính thành ba quả !
Tới nước này thì nhỏ Diệp không còn kềm chế được nữa . Nó thò tay giật phắt cuốn sách toán trên bàn, cuộn lại, cầm trong tay .
- Mày làm trò gì thế ? - Quý ròm kêu lên .
Nhỏ Diệp đưa tay quệt nước mắt :
- Em nhờ anh giảng bài chứ đâu có nhờ anh mắng mỏ em !
Rồi như động mối thương tâm, nó ôm mặt khóc hu hu .
Phản ứng quyết liệt và bất ngờ của nhỏ em khiến Quý ròm cảm thấy uy tín bị thương tổn . Bất chấp nỗi sợ hãi bị bà nghe thấy, nó nhe răng gầm gừ :
- Cái con ngốc tử này, học dốt thì phải bị mắng chứ ! Tao làm thầy giáo chẳng lẽ tao không được mắng học trò ?
Giọng nhỏ Diệp tức tưởi :
- Mắng như anh thì chẳng có ma nào thèm học !
Quý ròm hừ mũi :
- Chỉ có đứa "mít ướt" như mày mới không chịu học thôi ! Còn Tiểu Long ngày mốt sẽ tới đây bắt đầu học với tao !
Nhỏ Diệp "xí" một tiếng dài:
- Anh Tiểu Long học với anh giỏi lắm hai bữa là cùng! Tới bữa thứ ba ảnh sẽ cuốn gói chạy dài cho xem!
- Để rồi xem! - Quý ròm nhún vai, giọng khinh khỉnh - Tiểu Long là đứa ham học, đâu có biếng nhác, đần độn như mày!
Nhỏ Diệp giãy nảy:
- Anh không được mắng em nữa à nghen!
- Tao cứ mắng! - Quý ròm sừng sộ - Mày là em tao chứ bộ là chị tao sao!
Nhỏ Diệp gân cổ:
- Em cũng không được mắng!
- Tao cứ mắng xem mày làm gì!
- Vậy anh mắng đi!
Nhỏ Diệp tức tối thách, khi nãy nó đã nín khóc bây giờ giọng đã bắt đầu nhòe nước mắt.
Không đợi giục lần thứ hai, Quý ròm ngoác miệng làm một tràng:
- Đồ ngốc tử! Đồ mít ướt! Đồ lười chảy thây!
Cũng lạ, Quý ròm vốn rất thương em nhưng chẳng hiểu sao cứ mỗi lần chỉ nhỏ Diệp học, chừng một lát thế nào cũng có chuyện gây gổ. Bữa nay sự ương bướng của nhỏ Diệp càng làm nó thêm lộn ruột, nhất là con nhỏ này dám "trù ẻo" cái chuyện học chung sắp tới giữa nó và Tiểu Long. Mà đối với Quý ròm, những lần sinh sự như vậy bao giờ cũng kết thúc một cách tồi tệ chứ đâu có vinh quang đẹp đẽ gì. Bao giờ nó cũng bị mắng té tát, khi thì ba mẹ khi thì bà lúc thì anh Vũ, nói chung trong những cuộc chiến đẫm nước mắt và đầy tiếng quát tháo lẫn tiếng sụt sịt như vậy, mọi người luôn luôn đứng về phía nhỏ Diệp để chống lại nó.
Lần này cũng vậy, Quý ròm vừa ngứa miệng tuôn ra một lô một lốc những lời tệ hại, nhỏ Diệp chưa kịp bù lu bù loa thì bà đã đột ngột xuất hiện chỗ ngách cửa sau, tay vung vẩy chiếc muỗng canh.
Bà huơ huơ chiếc muỗng về phía Quý ròm:
- Này, này, cháy nói nhăng nói cuội gì thế! Bà nghe hết cả rồi đấy nhé!
Quý ròm giật bắn người:
- Dạ, cháu có nói gì đâu ạ!
Vừa trả lời nó vừa sè sẹ đứng lên khỏi ghế.
- Cháu còn chối nữa phải không! - Bà từ từ tiến lại - Bà mà méc lại ba cháu thì cháu chỉ có nhừ đòn! Dạy cho em học chứ đâu phải tra tấn kẻ cướp mà cháu nạt nộ om sòm thế!
Thoạt đầu, Quý ròm định nhận lỗi hoặc nín nhịn quách cho xong nhưng khi liếc qua nhỏ Diệp, thấy cô em gái mặt cứ vênh lên như một tên được bạc, nó bỗng cáu tiết buột miệng:
- Bà không biết đấy thôi chứ nhỏ Diệp nhà mình nó cứng đầu không thua gì kẻ cướp đâu ạ!
- Cháu còn ăn nói như vậy nữa hả?
Bà vừa gắt vừa giơ chiếc muỗng canh lên.
Nhưng Quý ròm đã đề phòng từ trước. Lạng người đi một cái, nó đã bắn vèo ra cửa và cứ thế cắm đầu cắm cổ chạy một mạch, mặc cho tiếng bà ong óng gọi theo:
- Giờ này cháu còn chạy đi đâu thế? Có mau về tắm rửa chuẩn bị ăn cơm hay không!

Chương 4

Câu nói của nhỏ Diệp cứ theo ám ảnh Quý ròm suốt. Nhỏ Diệp bảo "Anh Tiểu Long học với anh giỏi lắm hai bữa là cùng!". Lúc giận, Quý ròm cho là nhỏ Diệp cố tình nói xui. Nhưng khi bình tĩnh lại, nó cảm thấy nhận xét u ám của em mình không phải là không có cơ sở. Chính Tiểu Long cũng từng nhăn nhó "Học với mày chẳng ăn thua gì! Mày quát tháo ghê quá!". Như vậy, quả nó mắc phải cái tật ưa la lối thật! Nếu nó không bỏ được cái tật tai hại đó, không khéo mọi chuyện hỏng bét chứ chẳng đùa!
Càng nghĩ ngợi Quý ròm càng cảm thấy lo lắng. Nó đã lỡ tuyên bố hách xì xằng với nhỏ Diệp rồi. Nếu chẳng may Tiểu Long bỏ học sau đúng hai bữa, nó sẽ chẳng mặt mũi nào ra oai với đứa em gái tiên tri của mình nữa.
Quý ròm rất lấy làm lạ về mình. Trước nay nó cứ nghĩ nó là một đứa hiền lành tử tế. Ở lớp các thầy cô cũng bảo vậy. Nhưng Tiểu Long và nhỏ Diệp lại cứ nhất định bảo nó là... hung thần, ức thật!
Hay chính mình là "hung thần" mà mình không biết! Quý ròm nhíu mày tư lự. Từ trước đến giờ, Quý ròm đã từng giải hàng ngàn câu đố hóc búa trên khắp các mặt báo nhưng hôm nay, lần đầu tiên nó trầm ngâm đi tìm lời giải cho bài toán về chính mình.
Loay hoay nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Quý ròm dần dần yên tâm trở lại. Nó phát hiện ra dù sao nó vẫn là đứa hiền lành tử tế đúng như nó đinh ninh xưa nay. Chỉ khi nào kèm cho ai đó học thì nó mới đâm ra cáu gắt, quạu quọ. Và sở dĩ như vậy chính là do tính nôn nóng mà ra. Giảng bài cho người khác, nó cứ muốn người ta hiểu ngay tắp lự những điều nó vừa nói. Bởi vì vừa nói xong câu một, nó đã chực chờ nói tiếp câu hai đang nằm phục sẵn nơi cửa miệng, và đằng sau câu hai là câu ba câu bốn câu năm đang nằm xếp lớp, nhong nhóng đòi tuôn ra. Vì vậy, giảng giải xong mà người nghe không hiểu hoặc hiểu chậm là nó cảm thấy bứt rứt khó chịu hệt như có ai đang trói tay trói chân nó lại. Thế là nó gắt ầm lên chứ có quái gì đâu!
Hiểu ra nhược điểm của mình, cặp lông mày Quý ròm từ từ dãn ra. Nhưng rồi chúng bỗng nhíu ngay lại. Ừ nhỉ, biết thì biết thế nhưng sửa chữa đâu có dễ, nhất là phải sửa chữa ngay trước khi Tiểu Long kịp ôm tập lò dò dẫn xác tới!
Quý ròm phấp phỏng lắm. Trong một hai ngày ít ỏi còn lại, nó cố bắt mình tu tâm dưỡng tánh. Nhỏ Diệp nói gì, nó cũng nhịn. Anh Vũ la gì, nó cũng im. Ba mẹ và bà mắng nó, nó nhoẻm miệng cười như một đứa con hiếu thảo sẳn sàng nhận lỗi khiến mọi người cứ trố mắt lên, tưởng có một thằng Quý nào khác đang sống trong nhà mình thay cho thằng Quý ưa làu bàu mọi bữa.
Dẫu vậy, Quý ròm vẫn chưa được yên bụng. Nó cứ sợ chẳng may nó không giữ bình tĩnh nổi mà quát tướng lên. Tiểu Long sẽ "hô biến" ngay tút xuỵt. Mà ai chứ với thằng Tiểu Long, lẩn trốn chính là nghề ruột của nó.
Để đề phòng mọi bất trắc, hôm đầu tiêng Tiểu Long ôm tập đến học chung, Quý ròm nghiêm trang giao hẹn:
- Đã học là phải học đến cùng à nghen!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Học đến cùng là sao?
Quý ròm vung tay:
- Học đến cùng tức là học đến... khi nào chết thôi!
Mặt Tiểu Long méo xệch:
- Học gì dữ vậy?
- Ừ, vậy đó! - Giọng Quý ròm lạnh lùng - Mày đồng ý thì học, không thì thôi!
- Vậy thì tao không học!
Câu trả lời dứt khoát và ngoài dự đoán của Tiểu Long làm Quý ròm chưng hửng:
- Sao lại không học? Bộ mày khùng hả?
- Mày khùng thì có! - Tiểu Long nhăn nhó vặc lại - Tao chỉ đi học đến chừng nào tốt nghiệp ra trường rồi đi làm, sau đó còn lấy vợ sinh con, chứ chẳng lẽ lẽo đẽo theo mày học mãi đến già?
- Trời đất! - Quý ròm phì cười - Đó là tao chỉ nói ví dụ thôi! Ý tao muốn nói là đã học với tao thì phải học liên tục đến nơi đến chốn, dẫu xảy ra bất cứ chuyện gì cũng không được bỏ ngang xương, hiểu chưa?
Lời giải thích của Quý ròm khiến Tiểu Long an lòng được chút chút. Nhưng cái câu "dẫu xảy ra bất cứ chuyện gì" làm nó không khỏi chột dạ. Nó nhìn Quý ròm bằng ánh mắt cảnh giác:
- Mày bảo "chuyện gì" là chuyện gì?
Bị vặn vẹo thình lình, Quý ròm mỉm cười lấp liếm:
- Cũng chả có chuyện gì đâu! Đó là tao nói phòng hờ vậy thôi!
Nghe Quý ròm nói vậy, Tiểu Long không tiện hỏi tới hỏi lui nhưng khi ngồi vào bàn nó cứ dáo dác đảo mắt nhìn quanh làm như nền nhà dưới chân nó sắp sửa nứt toác tới nơi vậy.
Mặc kệ thằng bạn của mình láo liên dò xét, Quý ròm mở cuốn sách hình học để sẵn trên bàn ra, gật gù bảo:
- Ngày mai có tiết toán của thầy Hiếu! Vậy hômnay mình ôn môn hình trước!
Tiểu Long lập tức quên ngay nỗi lo về một tai họa vô hình đang rình rập đâu đó. Nó sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn và loạt soạt mở tập.
Quý ròm hít một hơi dài, trịnh trọng:
- Mình sẽ bắt đầu bài học hôm nay bằng định lý Thales trong tam giác...
Quý ròm chưa nói dứt câu, Tiểu Long đã hoảng hốt cắt ngang:
- Không được, không được! Khoan học bài đó đã!
- Mày có ngồi im đi không! - Quý ròm quắc mắt - Học trò gì mà thầy giáo mới nói nửa câu đã nhảy vô ngồi chồm hổm trong họng rồi!
- Nhưng...
Tiểu Long nhăn nhó định phân trần nhưng khi thấy Quý ròm ra oai ghê quá, nó ngập ngừng không dám nói hết câu.
- Nhưng sao? - Quý ròm nheo mắt hỏi.
Tiểu Long gãi đầu:
- Nhưng trước khi học về định lý Thales, mày ôn giùm tao mấy bài về tứ giác và đa giác đã!
Yêu cầu của Tiểu Long làm Quý ròm không khỏi ngạc nhiên:
- Mấy bài này học từ hồi đầu năm kia mà?
Tiểu Long thu nắm tay quệt mũi:
- Thì tao có bảo là học từ cuối năm đâu! Nhưng mà tao chả hiểu gì cả! Thầy Hiếu giảng, tao cứ ù ù cạc cạc!
Thú nhận của Tiểu Long làm Quý ròm sững sờ. Mặc dù biết Tiểu Long học rất kém môn toán nhưng nó không tưởng nổi thằng bạn to xác của mình lại mất căn bản đến như vậy.
- Mày nói thật đấy hả? - Quý ròm sửng sốt hỏi lại.
- Thằng này lạ! - Tiểu Long chớp mắt - Chứ tao nói dối mày làm gì!
- Thôi được! - Quý ròm tặc lưỡi - Thế hình thang và hình bình hành khác nhau như thế nào, mày có phân biệt được không?
- Cái này thì tao biết!
Mắt Tiểu Long sáng lên. Rồi không đợi Quý ròm giục, nó hí hửng đáp ngay:
- Hình bình hành lúc nào cũng nghiêng nghiêng một bên như người vẹo cột sống còn hình thang thì nằm chẹp bẹp, đầu nhỏ đít to...
- Ối trời ơi! - Tiểu Long nói chưa dứt câu, Quý ròm đã ôm mặt tru tréo - Đây là môn toán chứ có phải môn tập làm văn tả người đâu mà vẹo cột sống với lại đầu to đít teo!
Tiểu Long đỏ mặt:
- Thì mày bảo tao phân biệt sự khác nhau mà lại!
Quý ròm hừ giọng:
- Chỉ trong những tiết mục tấu hài người ta mới phân biệt như mày thôi! Gặp thầy Hiếu, mày trả lời như vậy chỉ có nước ăn "trứng ngỗng"!
Bị Quý ròm chê tối mày tối mặt, Tiểu Long ngồi ngẩn người ra. Nó chẳng dám mở miệng bào chữa nữa, chỉ im lặng thè lưỡi liếm cặp môi khô khang.
- Xem đây nè! - Quý ròm vừa vẽ hình trên giấy vừa nói - Hình thang là gì? Đó là một tứ giác có hai cạnh song song! Mày có thấy nó song song không?
Bị hỏi thình lình, Tiểu Long hơi khựng một chút rồi lật đật đáp:
- Thấy! Thấy!
Quý ròm gục gặc đầu:
- Còn hình bình hành thì có tới hai cặp cạnh song song với nhau lận! Dòm vô đây đi! Mày có thấy các cạnh của nó song song với nhau không?
Một lần nữa, Tiểu Long lại lắp bắp:
- Thấy! Thấy!
- Vậy bây giờ mày phân biệt được sự khác nhau giữa hai hình này chưa?
- Chưa.
- Trời ơi là trời! - Sự "chậm tiêu" của Tiểu Long khiến Quý ròm nổi điên - Vậy chứ trên cổ mày là cái gì vậy?
Không hiểu tại sao "ông thầy" lại hỏi một câu lạc đề như vậy như Tiểu Long vẫn thật thà đưa tay lên mò mẫm nơi cổ:
- Đây là sợi dây chuyền! Mẹ tao bảo đeo dây chuyền bằng bạc sẽ không bị trúng gió!
Quý ròm đỏ mặt tía tai:
- Ai hỏi sợi dây chuyền của mày làm gì! Tao hỏi là hỏi cái đầu mày kìa!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Cái đầu tao sao?
Quý ròm nheo mắt:
- Nó làm bằng chất gì mà sao tao giảng hoài nó vẫn không hiểu?
Mãi tới lúc này, Tiểu Long mới biết nãy giờ Quý ròm đang ra sức giễu cợt mình. Nó đâm cáu:
- Thì nó cũng làm cùng một chất như cái đầu mày thôi!
Đòn phản kích bất thần của Tiểu Long khiến Quý ròm giật nảy trên ghế:
- Á à, mày dám ăn nói với thầy giáo bằng cái giọng như thế hả?
Tiểu Long xụ mặt:
- Ai bảo mày nói trước!
Thấy tên "học trò" dám cả gan đốp chát lại mình từng câu một, Quý ròm càm bầm gan. Nó nghiến răng trèo trẹo:
- Nhưng tao khác! Tao...
Đang gân cổ, chợt thoáng thấy nhỏ Diệp thấp thoáng ở cửa phòng, cái đầu đang bốc hỏa của Quý ròm bỗng nhiên nguội ngắt, hệt như xe chữa lửa xịt nguyên một vòi nước lạnh. Giọng nó lập tức mềm hẳn đi:
- Tao... tao... đâu có định nói nặng nói nhẹ gì mày! Thực ra tao chỉ muốn mày học khá lên thôi!
Tự nhiên thấy Quý ròm đổi "tông" ngọt xớt, Tiểu Long chưng hửng. Nó nghệt mặt ra một hồi rồi đưa tay quệt mũi, ngượng ngập nói:
- Thì tao cũng đâu có nói gì mày!
- Thôi, bỏ qua đi! - Quý ròm tỏ ra rộng lượng - Bây giờ mày nghe tao giảng lại nè!
Hai đứa lại châu đầu vô tờ giấy.
Lần này Quý ròm cố ghìm cơn nóng nảy. Nó giảng từ tốn, chậm rãi. Và sau mỗi câu, nó đều dừng lại để cái đầu óc rù rờ của bạn mình đủ thì giờ "nghiên cứu", tiếp thu.
Chính nhờ vậy mà Tiểu Long dần dần nắm được bài học. Thực ra Tiểu Long đâu phải là đứa kém cỏi. Nhưng nó chỉ lanh lẹ về chân tay, còn phản xạ đầu óc thì tương đối chậm chạp. Chậm chạp chứ không phải đần độn. Nghĩa là đối với nó, tiếp thu cái gì cũng phải nhẩn nha từng chút một. Nói từ từ thì nó hiểu. Còn nói ào ào, nó nghe không kịp thì mọi sự đều hóa thành công cốc. Quát tháo, nó càng quýnh, càng quên tuốt tuồn tuột.
Vì vậy, từ lúc Quý ròm nhẫn nại giảng tới giảng lui, thôi còn luôn miệng giục giã, Tiểu Long cảm thấy đầu óc mình sáng ra dần.
Nhưng Quý ròm không phải là đứa có thể đóng vai tử tế được lâu. Nó làm ra vẻ dịu dàng, nhẫn nại được một hồi đã bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy.
Nhất là khi giảng về các định lý đảo, thấy Tiểu Long trả lời quờ quạng, nó cứ cựa quậy liên tục như bị ai trói chặt vào lưng ghế.
- Một tứ giác có hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm của mỗi đường thì đó là hình gì?
Học liên tục một lèo mấy tiếng đồng hồ, lại phải thường trực căng óc ra "tiếp thu" để khỏi bị Quý ròm "xỉ vả". Tiểu Long đã thấy mờ mắt. Trong khi đó "ông thầy" sau một hồi ăn nói khoan thai nhẹ nhàng đã dần dần lộ vẻ sốt ruột cứ hỏi ngược hỏi xuôi hỏi lui hỏi tới khiến nó càng cuống.
- Tứ giác có hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm hả? - Tiểu Long gãi đầu, ấp úng hỏi lại.
- Ừ! - Quý ròm nhìn chằm chằm vào mặt Tiểu Long - Đó là hình gì?
Tiểu Long liếm môi:
- Hình gì hả? Đó là... hình thang cân!
Quý ròm đổ quạu:
- Hình thang cân cái đầu mày!
Vừa buột miệng, Quý ròm chợt giật mình quay đầu nhìn quanh. Không thấy bóng dáng nhỏ Diệp đâu, nó yên tâm quay lại gằn giọng:
- Đó là hình bình hành chứ hình thang cân cái mốc xì gì!
Rồi không để Tiểu Long kịp phản ứng, nó hùng hổ hỏi tiếp:
- Còn tứ giác có một cặp cạnh đối song song và bằng nhau thì đó là hình gì?
Nhìn bộ mặt đỏ gay như tôm luộc của "ông thầy", Tiểu Long hoảng vía. Không kịp nghĩ ngợi, nó bối rối đáp bừa:
- Hình... hình... thang cân!
Nó chắc mẩm vừa rồi là hình bình hành thì bây giờ nhất định là hình thang. Nào ngờ Quý ròm quát tướng:
- Thang cân cái khỉ khô! Cho ma quỷ bắt cái hình thang cân của mày đi! Bộ mày chẳng biết cái hình tứ giác nào ngoài hình thang cân hết hả?
Mặt Quý ròm bừng bừng, hai lỗ tai như xịt khói. Tiểu Long vã mồ hôi, chống chế một cách yếu ớt:
- Thì tại tao nghe mày bảo hai cạnh bằng nhau...
- Hai cạnh bằng nhau thì đã sao! - Quý ròm nóng tiết cắt ngang - Hai cái tai lừa của mày cũng bằng nhau vậy! Chẳng lẽ đó cũng là hình thang cân?
So sánh của Quý ròm làm Tiểu Long xám mặt. Nó mím môi đứng dậy:
- Bữa nay học thế đủ rồi! Tao đi về đây!
Nói xong, nó quơ vội mấy cuốn tập trên bàn, lầm lũi đi ra cửa.
- Này, này...
Quý ròm hoảng hốt gọi với theo.
Nhưng Tiểu Long không đáp, cũng chẳng quay đầu lại. Nó lầm lì đi tuốt.

Nguồn: forums.vinagames.org