Chương 19
Con Cúc trở vô, cô Thanh giao cái chức "bếp trưởng" lại cho nó.
Con Cúc cai quản cái bếp, cai quản luôn con Hường.
Điều đó làm con Hường chẳng thích thú chút xíu nào. Chẳng phải con Hường tị nạnh gì, chỉ có điều nó và con Cúc là bạn bè ngang lứa ngoài quê, vô đây tự nhiên con Cúc làm sếp nó, con Cúc phụ trách phần nêm nếm, ra tô ra bát, còn nó suốt ngày loay hoay rửa hết đống chén này đến đống chén khác, chuyện đó làm nó thấy quê quê.
Một hôm, con Hường khều con Cúc, nói:
- Cúc ơi, mai tao về.
- Í, mi đừng có điên! Răng lại về? - Con Cúc nhảy dựng.
Con Hường chu mỏ:
- Tao tưởng vô trong ni làm thứ chi, ai ngờ vô ngồi rửa chén!
Nghe cái giọng bất mãn của con Hường, con Cúc hiểu ngay. Nó vỗ vai bạn:
- Mi đừng có nghĩ bá láp! Hồi mới vô, tao cũng suốt ngày ngồi rửa chén y như mi vậy.
Cặp mắt con Hường tròn xoe:
- Mi nói thiệt đó hả?
- Tao gạt mi làm chi! Mi phải làm một thời gian, chừng mô mi quen việc rồi cô Thanh mới sắp xếp mi làm chuyện khác được.
Sợ con Hường không tin, con Cúc nói thêm:
- Hồi mi chưa vô, tao cũng làm y như mi rứa thôi. Chỉ từ lúc chị Kim đi lấy chồng, chị Lệ ra ngồi thu tiền , tao mới được đôn lên chỗ ni đó chớ.
Con Hường coi vậy chớ không phải đứa ương bướng. Nghe con Cúc giải thích một hồi, mặt mày nó tươi tỉnh dần. Nó lắc tay con Cúc:
- Rứa thì tao không về nữa.
Rồi nó cẩn thận dặn thêm:
- Nhưng mai mốt mi viết thư về quê, đừng nói tao ở trong ni rửa chén nghe.
Con Cúc nhướn mắt:
- Chớ nói mi làm chi?
Con Hường nhìn ra chỗ con Lệ ngồi, cười hì hì:
- Mi nói tao ngồi thu tiền như chị Lệ cho oai.
- Ừa.
Con Cúc gật đầu dễ dãi.
Nói chung, con Hường chuyện gì cũng được, chỉ mắc mỗi cái tật ưa làm oai. Và cái tật đó đã làm hại nó.
Ở quán Đo Đo được một tuần, thấy thằng Lâm xí lô xí là với mấy ông Tây bà đầm khiến tụi loi choi trong quán phục sát đất, nó cũng muốn thi thố tài nghệ lắm.
Con Hường nghĩ ngang từ hồi lớp chín, tiếng Anh cũng lõm bõm ít nhiều. Nó nhắm chừng "xổ" tiếng Anh để mời mấy người khách ngoại quốc đứng lên ngồi xuống chắc chẳng khó chi. Hồi đi học, tới giờ tiếng Anh, nó chẳng nghe đến mòn tai mấy câu "Stand up!" và "Sit down please!" đó sao!
Con Hường nôn nao chờ cơ hội trổ tài, ít nhứt cũng lấy le được với con Cúc, hai nữa để cho tụi trong quán biết rằng tuy phụ trách việc rửa chén nhưng nó là đứa có học hành đàng hoàng, chớ coi khinh nó mà lầm.
Con Hường chờ riết, chờ riết, rồi dịp may cũng tới.
Đó là hôm một đôi vợ chồng Tây bước vô quán, gặp lúc thằng Lâm bận rộn phục vụ đám thực khách nhí nhố đang ngồi ở dãy bàn kê ngoài hiên.
Hai vợ chồng bước vô bên trong, kéo ghế ngồi xuống, đảo mắt dòm dáo dác.
Đang lấp ló trong bếp, thấy vậy, con Hường mừng rơn bay ra liền.
Ông Tây thấy có người trờ tới, đưa tay ngoắt lia.
Nhưng con Hường không tiến lại ngay. Tiến lại ngay, gật gật đầu rồi chạy vô kêu con Cúc làm thức ăn bưng ra thì xoàng quá. Nó phải oai hơn thằng Lâm mới được.
Con Hường nhìn lòng vòng, tính kiếm một cái ghế ngồi nói chuyện với ông Tây cho đám con Lệ con Cúc lác mắt chơi.
Nhưng trong quán chẳng có cái ghế nào trống, chỉ còn cái ghế thấp tè, dính sơn lem luốc, lại gãy một chân, lâu nay vẫn bỏ trong góc nhà.
Con Hường kéo chiếc ghế lôi thôi đó lại sát bàn vợ chồng ông Tây, mỉm cười lịch sự:
- Sit down please!
Khổ thay, cũng y như thằng Lâm bữa trước, thay vì nói "Tôi có thể ngồi đây không?", con Hường lại láu táu nói thành "Mời ông ngồi đây!". Số là câu "Sit down please!" đối với con Hường quen tai thuận miệng quá chừng chừng!
Ông Tây sửng sốt nhìn chiếc ghế thấp chũn, dơ hầy con Hường vừa đặt xuống, mắt trợn trắng, không hiểu tại sao tiếp viên trong quán lại bắt ông ngồi vào chiếc ghế gớm ghiếc này.
May làm sao, đúng lúc đó thằng Lâm bước vô bếp bưng thức ăn.
Đi ngang qua, nghe con Hường nói tiếng Anh trớt quớt, mặt thằng Lâm xám ngoét, biết ngay con nhỏ lanh chanh này sụp ngay chóc chiếc hố mình sụp bữa trước.
Một tay xách chiếc ghế con giấu ra sau lưng, tay kia đẩy tuốt con Hường trở vô trong bếp, Lâm khom người xuống trước mặt khách "sorry" lia lịa.
Con Hường không biết tại sao thằng Lâm đuổi mình, bụng tức sôi. Chờ thằng này vô bếp, nó phồng má cự nự:
- Mắc chi anh đuổi tui?
- Trời đất, em đem chiếc ghế gớm ghiếc này mời khách ngồi, không sợ khách bỏ chạy hả?
Con Hường cãi:
- Tui mời khách ngồi hồi nào? Tui chỉ nói...
Đang gân cổ, con Hường chợt nhận ra sai lầm của mình, liền "à" lên một tiếng và lỏn lẻn gãi đầu:
- Ừ hỉ, tui nói lộn mà không biết.
Nói xong, nó đưa tay lên vả miệng nó một cái "bốp".
- Thôi đi, đừng có điên! - Con Cúc kéo tay Hường - Lại ngồi rửa chén đi kìa!
Từ bữa đó, con Hường hết dám mon men lại chỗ mấy ông Tây bà đầm. Nhưng cái tật lăng xăng chạy ra chạy vô thì con Hường ham vui dứt khoát không chịu bỏ.
Khách tới ăn rất khoái con Hường. Thấy nó lanh lợi, hoạt bát, kiểu cách nói năng lại ngồ ngộ, khách hay ngoắt nó lại "đàm đạo". Cô Thanh thấy vậy cũng chẳng buồn la rầy. Rốt cuộc, tuy phụ trách việc rửa chén nhưng con Hường không buồn ngồi lì bên sàn nước như con Cúc trước đây. Hễ ngơi tay là nó tót ra đằng trước, tung tăng đi tới đi lui, thay mặt cô Thanh trò chuyện với khách, trông hách xì xằng hết biết!
Một bữa con Hường khoe với con Cúc con Lệ:
- Tui mới quen một ông nhà thơ đó nghe!
Con Lệ nheo mắt:
- Xạo đi mi! Nhà thơ nào mà đi làm quen với mi!
Con Hường hỉnh mũi:
- Chị đừng có coi thường tui. Ông này là nhà thơ Tường Linh, nghe nói nổi tiếng lắm. ổng người Quảng Nam, đồng hương với tui đó.
Con Lệ hơi tin tin:
- Mi gặp ổng ở đâu?
- Gặp ở đây chớ đâu. Ổng vô quán mình ăn mì Quảng, trò chuyện với tui cả buổi. Nghe tui nói giọng Quảng đặc sệt, ổng khoái chí cười khà khà. ổng còn đọc tặng tui một bài thơ nữa.
Con Cúc trố mắt:
- Ổng làm thơ tặng mi thiệt hả?
- Bài thơ ni chắc ổng làm lâu rồi. Ổng nói là ổng làm tặng cho các nhà thơ Quảng Nam. Ổng kêu phải người quảng Nam đọc bài thơ ni lên mới thấy hay.
Con Lệ tò mò:
- Mi thuộc không?
- Để tui nhớ lại coi! - Con Hường nhíu mày một hồi rồi hí hửng nói - Tui đọc nghe!
Con Hường ngó vậy mà thông minh khủng khiếp. Bài thơ tám câu mà nó đọc không sót một chữ, chỉ ngắc ngứ có hai ba lần:
- Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm
Mùa đông tơi lá che mưa bấc
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!
Trong khi con Cúc ôm bụng cười ngặt nghẽo thì con Lệ tròn mắt ngơ ngác:
- Tao thấy bài thơ có gì tức cười đâu hả Cúc?
Con Cúc quẹt nước mắt:
- Tại chị không biết! Ngoài quê em, chữ "ôm" người ta đọc thành chữ "ơm" như rứa đó. Người ta không kêu "con tôm" mà kêu "con tơm", không kêu "ốm nhách" mà kêu "ớm nhách"...
Con Lệ phì cười:
- À, à, tao nhớ rồi. Mi với con Hường cũng hay nói như vậy...
Cô Thanh nghe con Lệ thuật lại, khoái lắm. Cô bắt con Hường đọc bài thơ đó cho thằng Lâm chép ra giấy, rồi dán lên vách.
Tưởng dán chơi cho vui, không dè khách tò mò xúm lại coi đông nghịt.
Khách coi xong, cười rũ.
Khách quảng Nam thì vừa coi vừa đọc oang oang. Hỏi, thì khách kêu đọc to lên vậy nghe mới sướng lỗ tai.
Tới bữa thứ ba, một ông khách xứ Quảng đứng lên khỏi bàn, bô bô:
- Ở xứ tui, người ta đâu chỉ nói "ôm" thành "ơm". Còn nói "am" thành "ôm" nữa chứ! Cho nên tui có bài thơ ni tặng lại nhà thơ Tường Linh!
Rồi ông đọc, giọng sang sảng:
- Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm
Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.
Khách là nhà thơ Tú Rua, người Hòa Vang. Tú Rua đọc tới đâu, khách trong quán cười bò tới đó. Và khi ông đọc xong thì "cử tọa" vỗ tay hoan hô rần rần. Con Cúc đứng trong bếp ngó ra, tiếc hùi hụi không có nhà thơ Tường Linh ngồi đó.
Ngay tối đó, bài thơ của Tú Rua được thằng Lâm nắn nót chép lại và dán lên vách, kế bài thơ của Tường Linh.
Cả hai bài thơ đặc giọng "nước mắm Nam Ô nguyên chất" này nhanh chóng trở thành "di sản văn hóa" của quán Đo Đo, nơi các thực khách ăn xong thường nấn ná đứng khề khà thưởng lãm.
Trong chuyện này, công đầu phải kể là con Hường.
Chương 20
Con Hường với con Cúc làm việc ngày càng ăn rơ với nhau.
Con Hường đã thôi nghĩ đến chuyện khăn gói về quê. Bây giờ nó đã chí thú với vai trò vừa rửa chén vừa làm "đại sứ ngoại giao" của quán.
Có con Hường loắt choắt chạy tới chạy lui và lít chít luôn miệng như chuột rúc, quán vui vẻ hẳn lên. Chỉ có thằng Lâm là buồn.
Từ ngày con Hường thay thế con Cúc trưa trưa ra ngồi nướng bánh ngoài hiên, Lâm chẳng biết làm sao xáp lại gần con Cúc. Bây giờ trò chuyện với con Cúc đã khó khăn, huống chi tính đến chuyện đòi hôn nó.
Lâm chán quá. Nó khều thằng Cải:
- Làm sao bây giờ Cải?
- Sao chuyện gì?
- Con Cúc cố thủ suốt ngày trong bếp, tao hết đường chàng ràng!
Thằng Cải nhún vai:
- Liếc qua liếc lại được rồi, chàng ràng làm chi?
- Mày chưa yêu nên chưa biết! - Lâm ra vẻ trải đời - Có chàng ràng mới tiến thêm một bước dài được chớ?
Nghe mấy chữ "tiến thêm một bước dài", Cải giật thót. Nó nhớ trước đây, khi đòi hôn con Cúc, thằng Lâm đã dùng cụm từ hoa mỹ này. Muốn hôn con người ta thì nói muốn hôn quách cho rồi, còn bày đặt hoa lá cành. Hừ, "tiến thêm một bước dài"! Bước xuống hố thì có! Thằng Cải làu bàu trong bụng nhưng không nói ra, sợ thằng Lâm kêu nó là đồ phản bạn.
Lâm lại khẩn khoản:
- Mày nghĩ cách giúp tao đi Cải.
- Giúp mày gặp con Cúc hả?
- Ừ. Mày là bạn tốt của tao mà.
Cải vỗ vỗ trán, gật gù:
- Được rồi! Để trưa mai tao rủ con Hường ra chợ. Không có con Hường, con Cúc bắt buộc phải ra ngồi nướng bánh...
Cải nói chưa dứt câu, thằng Lâm đã nhào tới ôm cứng nó:
- Ôi, mày thông minh quá Cải ơi! Trước nay tao cứ tưởng mày ngu...
- Ngu cái đầu mày! - Cải sầm mặt hất tay thằng Lâm ra - Mày mà nói một tiếng nữa là tao đổi ý à!
Trưa đó, thằng Cải dụ con Hường một cách dễ dàng. Nghe nói ra chợ, con Hường nhảy tưng tưng, thậm chí còn thúc thằng Cải đi cho lẹ.
Đúng như tính toán của Cải, tới giờ nướng bánh, con Cúc réo mỏi miệng chẳng thấy con Hường đâu, đứng dòm dáo dác một hồi rồi lọ mọ bê cái lò than ra đằng trước.
Lâm vờ như không thấy. Nó đứng trong nhà kéo bàn kéo ghế rồn rột, ra vẻ ta đây đang tích cực chuẩn bị cho cữ bán chiều trong khi mắt không bỏ sót một cử động nào của đối phương.
Khi con Cúc vừa ngồi xuống chiếc ghế thấp đằng trước hiên, thằng Lâm cũng kịp "an tọa" trên chiếc ghế trống của thằng Cải.
- Lâu ghê mới gặp em! - Lâm nói.
Con Cúc cười khúc khích:
- Ngày nào cũng gặp mà anh Lâm kêu lâu!
- Gặp cũng như không gặp! - Lâm tặc lưỡi, giọng ra chiều giận dỗi - Từ ngày em về quê vô đến giờ, anh có trò chuyện với em được bữa nào đâu!
Con Cúc chớp mắt:
- Tại dạo này em đứng miết trong bếp.
Sợ thằng Cải dẫn con Hường về bất tử, Lâm chẳng muốn nói chuyện lòng vòng. Nó tranh thủ hỏi thẳng:
- Nghe nói ba em khó lắm hả Cúc?
- Khó răng?
- Con Hường kêu hễ thấy đứa con trai nào xáp vô nói chuyện với em, ba em đều xách rựa rượt chạy có cờ, đúng không?
Con Cúc cười khì:
- Ba em chỉ dọa thôi.
- Mai mốt anh về quê em chơi, ba em có dọa anh vậy không?
- Chắc là không.
Lâm nghe tim mình đập thình thịch:
- Sao em biết?
- Biết chớ răng không! - Con Cúc tủm tỉm - Với anh Lâm thì ba em chém thiệt chớ không thèm dọa đâu!
Lâm đoán là con Cúc nói chơi nhưng vẫn nghe lành lạnh nơi cần cổ:
- Em nói gì nghe ớn quá vậy?
- Chớ gì nữa! Ai biểu anh Lâm nói thương em chi.
Lâm tán:
- Trái tim anh biểu chớ ai!
Nghe thằng Lâm nói vậy, con Cúc "xí" một tiếng rồi cúi xuống quạt lò.
Lửa than hơ đôi má con Cúc đỏ hồng khiến thằng lâm ngồi nhìn mê mẩn. Nước da con Cúc mau bắt nắng nhưng cũng mau nhả, vô Sài Gòn mới có mười ngày, nó nhanh chóng trở lại là con Cúc trắng trẻo, xinh xắn trước đây.
Thằng Lâm ngắm con Cúc một hồi rồi đánh bạo nói:
- Cúc nè!
- Gì anh Lâm?
- Cúc dễ thương quá hà.
Con Cúc lật cái bánh đa:
- Anh Lâm khen em thiệt đó hả?
- Thiệt chớ! - Tự dưng Lâm đổ liều - Anh muốn hôn Cúc một cái ghê vậy đó!
Thốt xong, Lâm giật nảy vì câu nói của mình. Nó chờ con Cúc rút dép phang vô đầu nó. Nó chờ con Cúc kêu nó là "đồ mất dạy".
Lâm không biết con Cúc đã được thằng Cải dặn dò trước rồi. Cho nên nó chưng hửng khi thấy con Cúc không chửi rủa cũng chẳng làm dữ như nó lo lắng. Con Cúc chỉ cúi gằm đầu, bẽn lẽn nói:
- Anh Lâm ni kỳ quá chừng chừng!
Thái độ của con Cúc làm Lâm thêm can đảm. Nó hít vô một hơi:
- Có gì đâu mà kỳ! Tại anh thương Cúc thiệt chớ bộ!
- Anh Lâm thương thì anh Lâm ráng chịu! - Con Cúc nói, đầu nó càng cúi thấp để giấu nụ cười - Chuyện nớ bây giờ chưa được đâu!
Thấy con Cúc không từ chối hẳn, Lâm hơi mừng mừng:
- Chớ chừng nào mới được?
- Chừng nào anh Lâm thi đậu đại học đã!
Con Cúc nói vậy coi như mở đường cho mình! Lâm hí hửng nhủ bụng. Nhưng rồi nghĩ tới chuyện xúi quẩy, mặt nó bỗng tái ngắt:
- Rủi anh rớt thì sao hả Cúc?
- Rớt hả? - Con Cúc tỉnh bơ - Rớt thì đường ai nấy đi!
Con Cúc nói chuyện tình cảm mà cứ như ra "tối hậu thư" cho kẻ địch. Lâm rùng mình:
- Được rồi, anh nhất định sẽ thi đậu!
Con Cúc ngước lên:
- Anh Lâm nói chắc há?
- Chắc.
- Anh Lâm ráng lên nghe! - Cặp mắt con Cúc long lanh - Em mong anh Lâm thi đậu lắm đó!
Con Cúc cầu mong thằng Lâm thi đậu là chuyện bình thường nhưng trong khoảnh khắc này Lâm lại nghe như một lời "hứa hôn", bét ra cũng là "hứa cho hôn". Lâm lim dim mắt, nghĩ ngợi lung tung: Thì ra không phải chỉ có mình mới đợi đến ngày hôn nó mà nó cũng đợi đến ngày hôn mình! Có khi nó còn sốt ruột hơn mình nữa không chừng, có điều nó là con gái nên nó làm bộ làm tịch đó thôi!
Sau lần trò chuyện "thắng lợi" đó, Lâm vùi đầu học như bị ma bắt, như thể ngày mai nó sẽ chết, như thể đời nó không còn dịp nào học nữa. Nó thôi đòi hôn con Cúc, thôi nghĩ ngợi vẩn vơ, thôi than "cuộc tình này chán". Mà ngày thi cũng sắp đến rồi, thằng Lâm muốn nhẩn nha cũng không được.
Lâm dẹp chuyện yêu đương qua một bên, thằng Cải như trút được một gánh nặng. Nó hết bị thằng Lâm khều khều ngoắt ngoắt, thở thở than than. Nó hết đốt nhang trước bàn thờ ông địa vừa khấn quán Đo Đo ăn nên làm ra vừa khấn cho thằng Lâm tỉnh trí đừng ôm hôn ẩu con Cúc.
Thằng Cải khỏe, con Lan cũng khỏe. Mấy tháng nay yêu không dám nói, ôm mối tình câm như ôm quả sầu riêng mười tám ký trong lòng, con Lan rầu muốn chết, lại thêm chứng kiến cảnh thằng Lâm suốt ngày cứ rề rà quanh con Cúc, nó càng nẫu ruột.
Vậy mà tự dưng thằng Lâm như hóa thành con người khác. Ngày ngày, nhét cuốn tập trong túi quần, hễ vắng khách là thằng Lâm lôi ra ê a tụng niệm, chẳng còn vẻ chi là kẻ si tình.
Thấy thằng Lâm lơ con Cúc, con Lan mừng thầm trong bụng. Nó khấp khởi nói với con Lệ:
- Anh Lâm dạo này sao sao ấy hả chị?
- Sao là sao hả mày?
Con Lan tiếp tục vòng vo:
- Em thấy ảnh suốt ngày cứ lo học bài.
- Sắp đến ngày thi ai chẳng vậy.
Thấy con Lệ không hiểu ý mình, con Lan chép miệng bâng quơ:
- Ảnh ít nói chuyện.
Con Lệ vẫn vô tâm:
- Ôn bài cả ngày thì giờ đâu nói chuyện.
Con Lan ngó lên trời:
- Ngay với con Cúc, ảnh cũng không ngó ngàng gì tới.
Lần này thì con Lệ không thờ ơ được nữa. Nó liếc con Lan:
- Mày nói vậy là có ý gì?
Con Lệ trấn ở quán Đo Đo ngay từ đầu, rành chuyện trong quán còn hơn ma xó. Từ lâu nó đã biết tỏng tình cảm lộn xộn của mấy đứa lóc chóc chung quanh. Nó biết con Lan mê thằng Lâm, nhưng thằng Lâm lại đi thương con Cúc. Nó cũng biết con Cúc ngoài miệng cười cười nói nói với thằng Lâm nhưng trong bụng chẳng có tình ý chi.
Con Lệ biết hết, thỉnh thoảng buông vài câu trêu chọc nhưng chẳng bao giờ tò mò thắc mắc. Khác với mấy đứa kia, con Lệ quan niệm rạch ròi: đi làm là để kiếm tiền, còn muốn kiếm bồ kiếm bịch thì đi chỗ khác. Buôn bán mà dính vô chuyện yêu đương thì trở ngại lắm lắm!
Thấy con Lệ liếc một cái sắc như dao, con Lan giật mình:
- Em nói vậy thôi chớ đâu có ý gì!
- Mày đừng có nghĩ ngợi lung tung! - Con Lệ trừng mắt - Lo kiếm tiền nuôi mấy đứa em của mày đi kìa!
Rồi nó làm như thể nó là má con Lan:
- Chuyện chồng con chớ có vội vàng hấp tấp! Con Kim phải lấy chồng tới hai lần mới xong, mày không thấy sao?
Khi ra oai với con Lan như vậy, con Lệ không ngờ chuyện chồng con của con Kim nào đã xong xuôi gì đâu.
Buổi sáng con Lệ vừa nạt con Lan, buổi chiều con Kim cỡi xe Dream tới. Không đợi thằng Cải chạy ra dựng xe giùm, nó bật chân chống đánh tách một cái rồi bay vô quán:
- Cô Thanh ơi, cô Thanh!
Tụi loi choi bu lại, hét ầm:
- Kim, Kim! Chị Kim!
Cô Thanh bước ra:
- Chồng mi đâu?
Con Kim xòe tay:
- Không có.
- Cái gì? Không có là sao?
Con Kim toét miệng cười:
- Không có nghĩa là con quyết định không lấy anh chàng đó làm chồng nữa chớ là sao!
Cô Thanh chưa kịp thắc mắc, con Cúc đã gật gù ra vẻ hiểu biết:
- Chắc là cái phần dưới của ảnh...
- Con nhỏ vô duyên này! - Con Lệ kéo tay con Cúc - Mi có im cái miệng đi không!
Cô Thanh lườm con Cúc một cái rồi day sang con Kim, tò mò hỏi:
- Sao trục trắc hoài vậy mi?
Con Kim thở dài:
- Chuyện anh chàng này thì suôn sẻ từ đầu tới cuối, gia đình hai bên lại quen biết nhau. Chỉ kẹt một cái...
Cô Thanh nhíu mày:
- Kẹt cái gì?
Con Kim than thở:
- Đi đâu ảnh cũng cứ quần soọc với áo thun ba lỗ làm con mắc cỡ muốn chết!
- Chuyện nhỏ mà! - Cô Thanh ngạc nhiên - Thì mi kêu hắn tròng quần dài với áo sơ mi vô chớ khó chi đâu!
- Ảnh bướng lắm! - Con Kim lắc đầu - ảnh nói mùa nóng ở bển ảnh cũng mặc vậy ra đường, đâu có ai nói gì!
Đám con Lan con Lệ đứng thuỗn mặt ngơ ngác, không ngờ chuyện ăn mặc mà cũng rắc rối gớm.
- Ai kêu mi ham lấy chồng nước ngoài chi! - Cô Thanh chép miệng - Lối sống của họ với của mình đâu có giống nhau!
- Không phải đâu cô ơi! - Con Kim kêu lên - Con gặp bao nhiêu là Việt kiều rồi chớ bộ, họ đàng hoàng lịch sự chớ đâu có như anh chàng này!
Cô Thanh tặc lưỡi:
- Giờ mi tính sao?
Con Kim cười:
- Con tính về đây làm lại!
- Vậy là để cô kêu con Lệ vô bếp...
- Không cần đâu, cô! - Con Kim lật đật cản - Tại con mà mấy đứa đổi tới đổi lui hoài đâu có được! Mỗi ngày con chạy ra đây phụ với cô cho vui thôi, con không làm ăn lương chính thức nữa đâu!
Cô Thanh ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Mi nói vậy cũng phải! Mi còn phải đi lấy chồng lần thứ ba, thứ tư nữa chớ!
- Con tính rồi! - Con Kim cười hì hì - Con lấy chồng tối đa chừng bảy, tám lần thôi. Tới lần thứ tám mà vẫn không được là con lên núi con tu...
Từ bữa đó, con Kim ở lại quán Đo Đo phụ thằng Lâm con Lan tiếp khách.
Cũng từ bữa đó, hễ rảnh rỗi là con Hường tò tò đi theo con Kim:
- Chị là chị Kim hả?
- Ừ.
- Hồi trước chị làm ở đây hả?
- Ừ.
- Chị đi lấy chồng hai lần đều không được hả?
- Ừ! - Con Kim bắt đầu bực mình - Nhưng em làm gì mà hỏi kỹ vậy?
Con Hường cười bí mật:
- Để tui giới thiệu cho chị một người.
- Ai? - Con Kim ngạc nhiên.
Con Hường chỉ ông Tiger:
- Ông nớ đó! Tui thấy ổng nhìn trộm chị miết.
Con Kim nhìn theo tay chỉ của con Hường, giọng hờ hững:
- Tưởng ai! Ông đó ổng đeo đuổi chị lâu rồi.
Con Hường tò mò:
- Chị không thích ông nớ hả?
- Chị cũng không biết nữa! - Con Kim nhún vai - Nhưng nếu ổng là Việt kiều thì chị gật đầu lâu rồi!
Con Hường không rõ cuộc đời phiêu bạt kỳ lạ của con Kim nên cứ đứng ngẩn, không hiểu tại sao con Kim nhứt định phải lấy Việt kiều cho bằng được.
Ông Tiger không biết có hiểu được nguyện vọng kỳ quặc của con Kim hay không mà lần này gặp lại người thương nom ông không được vui vẻ lắm.
Con Kim bước ra chào, ông chỉ mỉm cười buồn bã:
- Anh cứ tưởng sẽ không gặp lại em.
- Quả đất tròn mà chú! - Con Kim vừa đáp vừa đặt chiếc khăn lạnh xuống bàn.
- Nghe nói em mới lấy chồng phải không?
- Không có đâu chú.
Ông Tiger nhún vai:
- Em đừng giấu anh.
- Con có giấu giếm chi đâu! Lần này con cũng định vậy nhưng rốt cuộc vẫn không được.
Ông Tiger lộ vẻ ngạc nhiên. Ông mấp máy môi tính hỏi nhưng có lẽ thấy tò mò như vậy không được lịch sự nên lảng qua chuyện khác:
- Em về đây làm lại hả?
- Dạ.
Ông Tiger bưng ly bia lên uống một tợp, trầm ngâm một hồi rồi nhìn con Kim đăm đăm:
- Em dứt khoát không thay đổi cách xưng hô với anh sao?
Con Kim lỏn lẻn:
- Con quen miệng rồi chú.
Nói xong, thấy ông Tiger đưa đôi mắt xa vắng nhìn ra đường, con Kim len lén đi thụt lui hai ba bước rồi quay mình chạy tọt vô bếp. Nó sợ ông Tiger hỏi tiếp những câu cắc cớ, không biết đường nào trả lời.
Nhưng ông Tiger dường như không có ý định vặn vẹo thêm. Ông cũng không hay con Kim đã bỏ đi.
Ông vẫn ngồi trơ như đá, mắt nhìn đăm đăm ra cửa. Tay ông vẫn cầm chặt ly bia nhưng không buồn nhấc lên. Như vậy lâu thiệt lâu.
Nguồn: docsach.mobi