Chương 5
Phía ngoài cửa sổ, mấy tàu lá chuối chống nhau với ngọn gió bấc, phành phạch đập vào tường vôi.
Bên huyện Thọ Xương trống canh điểm nhịp ba tiếng.
Đêm đông đã gần hết nửa.
Ngọn đèn trên quang giống như mỏi mệt buồn ngủ, uể oải phun ra ánh lửa vàng khè. Đặng Như Bích một mình lật quật trong thư phòng, hết đứng lại ngồi, mấy lần ngả xuống giường, đều phải dằn dọc trở dậy, những luồng tư tưởng rối loạn đua nhau quấy nhiễu trong trí, nó không để cho chàng nằm yên.
Chàng chỉ mong cho chóng hết đêm đến sáng. Bởi vì ngày mai là ngày ra bảng kỳ đệ nhất của trường thi hương, những người đã đeo ống quyển vào trường, ai cũng như ai, chỉ muốn được thấy tên mình trên bảng.
Vả lại, đối với khoa thi, kỳ đệ nhất lại quan hệ hơn các kỳ khác. Và vì kỳ ấy học trò còn đông, số người bị hỏng sẽ nhiều. Chàng là con một ông Nghè, lỡ ra hỏng kỳ đệ nhất không còn mặt nào trông thấy anh em.
Bởi vì hỏng kỳ đệ nhất tức là "bay kinh nghĩa", mà trong việc đi thi, "bay kinh nghĩa" là sự rất xấu.
Từ lúc xong kỳ đệ nhất, vác lều chõng ra khỏi cổng trường. Chàng đã đem hết bản nháp trình cho cụ Nghè. Xem văn của chàng, cụ tuy thất vọng. Nhưng cũng miễn cưỡng khen một vài chỗ, để cho con khỏi ngã lòng. Thấy cụ không vui, chàng cũng đoán chừng văn mình chắc là kém lắm. Vì thế, ngày nào cũng chỉ lo canh cánh, không chắc mình có vào được đến kỳ đệ nhị hay không.
Bó gối ngồi cạnh án sách. Chàng nghĩ lại mấy cái đầu bài kinh nghĩa của quan trường ra cho học trò.
Chàng cho bài nào cũng khó ghê gớm. Rồi chàng lẩn mẩn lại giở bản nháp ra xem, chàng thấy đoạn khai giảng của bài chuyện rất là rời rạc, không thấu đến nghĩa đầu đề, mấy đoạn trung cổ, hậu cổ của bài kinh lại có nhiều chỗ đáng sổ, nếu mình tự chấm cho mình, có lẽ cũng không thể hạ bút khuyên được bài nào. Băn khoăn, chàng lấy hai cuốn sách in so sánh hai đoạn "cẩn án" xem có sai lầm chữ nào hay không. Chàng hơi yên lòng, khi thấy bản nháp đúng như trong sách không thiếu một chữ. Nhưng vẫn còn hồi hộp, bụng bảo dạ rằng: "Bản nháp thì đúng, không biết khi viết vào quyển có đúng hay không".
Lòng chàng lúc ấy đã giống như mớ tơ vò, càng gỡ càng thêm bối rối, chưa hết mối lo về chuyện thi cử. Chàng lại nghĩ luôn đến chuyện đề thơ ở chùa Trấn Quốc. Ôn lại bài thơ của mình vịnh cảnh chùa trên hồ buổi chiều, chàng thấy nó vừa quê vừa vụng, thật là không được chữ nào. Bụng chàng bảo dạ: "Xưa nay mình có tập làm thơ nôm bao giờ, cớ sao lúc ấy lại bỗng điên dại như thế. " Chàng rất oán anh Trịnh Xuân Sam, một người bạn chàng cũng đi vào chùa Trấn Quốc và cũng có dự vào cuộc vịnh thơ, chàng cho rằng hắn đã phản chàng nên mới xui chàng cứ viết bài thơ "không được chữ nào" ấy vào vách và lại giục chàng ký cả tên họ rõ ràng. "Phải, nếu ta chỉ viết bài thơ ấy vào vách mà không viết tên, dù Xuân Hương trông thấy đi nữa cũng không biết là thơ của ai, thế thì ta cũng không bị mang tiếng dốt nát. Anh Trịnh Xuân Sam thật là kẻ làm hại ta, nếu không có hắn xúi khôn xúi dại, thì ta có phô phang tên tuổi ra đó làm chi.
Nghĩ vậy, lòng chàng tự thấy bẽn lẽn, xấu hổ, chỉ muốn tắm rửa cho sạch những tiếng chê bai do bài thơ kia gây ra. Rồi chàng lại lẩm bẩm một mình: "Chẳng những anh Trịnh Xuân Sam, cả đến thầy, trò ông Nghè Hoàng cũng đều làm hại ta nữa. Giả sử ông cụ không châm chọc thêm vào, thì ta tuy có trót dại mà ký tên vào một bài thơ dốt nát, chẳng qua kẻ nào xem đến mới biết mà thôi. Chỉ vì ông cụ xúi bẩy, khuyên bọn sĩ tử kéo đến phá nhà Xuân Hương, việc mới vỡ lở ra to, làm cho cả xứ Bắc Thành đều biết, thế là ông cụ muốn rửa hờn giúp ta, lại hóa ra bôi nhọ thêm cho ta. Ta thật khờ dại, nông nổi, quá nghe anh em, chúng bạn, đi làm những việc trẻ con, rút lại, bao nhiêu tiếng xấu mình phải chịu cả, chẳng ai chịu đỡ".
Chàng lại căm ông Chiêu Bảy, chàng nhận thấy rằng: "Nếu không có ông Chiêu Bảy phá ngang, chắc là cả bọn sĩ tử đều sấn vào phá nhà Xuân Hương, ít nhất, Xuân Hương cũng phải ra xin lỗi mình, như thế mình cũng đỡ mất sĩ diện một chút. Bởi tại ông Chiêu Bảy nói ngang mấy câu, khiến cho anh em chểnh mảng giải tán, thành ra cái việc hôm ấy không có ảnh hưởng mảy may." Chàng bỗng phát cáu: "Cái lão Chiêu Bảy đạo mạo lên mặt dàn xếp công việc thật là đáng ghét. Hình như lão ấy cậy là ông Chiêu, ra ý kiêu ngạo với bọn học trò thiếu niên. Nhưng làm ông Cống, ông Nghè thì khó, chứ làm ông Chiêu thì có gì. Nếu ta đẻ sớm vài chục năm nữa, thì ta cũng là ông Chiêu, kém gì lão ấy. Phải, trong khi nhà Lê hãy còn làm vua, bao nhiêu con trai ông Nghè, đều được vào học ở Chiêu Văn Quán. Vì thế những con ông Nghè đều được gọi là ông Chiêu. Cha ta cũng đỗ ông Nghè đời Lê, giả sử họ Lê chưa mất, tất nhiên ta cũng được vào Chiêu Văn mà học, chỉ vì trào mới họ Nguyễn bỏ quán Chiêu Văn, nên ta không được kêu là ông Chiêu, chứ có phải sức học của ta thua kém gì lão Chiêu Bảy? Sao lão ấy lại dám khinh ta, lại dám chế giễu ta ở trước công chúng.
Rồi sự liên tưởng khiến chàng nhớ đến Xuân Hương. Tuy đã bị nàng cợt giễu một cách chua ngoa.
Nhưng chàng không oán trách nàng, trái lại, trong con mắt chàng, nàng là người đáng phục. "Không ngờ đời này lại có một người con gái nhan sắc và tài tình đến thế, từ trước đến giờ, ta chỉ nghe tiếng, chưa rõ mặt nàng ra sao. Hôm đó, nàng đẩy cửa sổ ngó ra, thì ta mới được trông thấy, con mắt sắc ngọt, nước da trắng nõn trắng nà, quả nhiên là nàng thật xinh đẹp, khó lòng có người ăn đứt. Bây giờ việc đã lỡ rồi, ta với nàng bỗng không đã thành thù nhau, không thể nói được chuyện gì nữa. Nếu không, nếu chẳng có cái việc hôm qua, thì dù nàng bị chồng rẫy, ta cũng quyết cậy người hỏi nàng làm vợ. Lấy được người vợ tài tình như nàng, có lẽ cũng sướng một đời".
Chàng lại mỉm cười và tự an ủi: "Vợ chồng bởi tại duyên trời xe lại. Nếu mà phải duyên với nhau, thì dẫu hai bên thù nhau, cũng vẫn thành vợ thành chồng. Chả thế thì sao Vi Cố lại phải kết duyên với con bé con nhà ăn mày mà chính tay ông ta đã cầm dao đâm vào trán nó? Thôi được, miễn là ta đậu khoa này, để cho nàng phải phục ta, để cho nàng khỏi cười ta là dốt, rồi ta sẽ liệu đến việc nhân duyên".
"Nhưng mà không chắc khoa này ta có đậu được hay không? Mấy bài kinh nghĩa của ta viết kỳ đệ nhất, chẳng có chỗ nào đắc ý, khó mà phê được cái "thứ cộc"? Vơ vẩn, chàng cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, hết chuyện nọ đến chuyện kia, suốt từ chập tối đến cuối canh ba, chàng không chợp mắt được một phút nào.
Đĩa đèn trên quang đã sắp hết dầu, ngọn lửa nở một bông hoa đỏ ối. Ngoài các cửa ô, tiếng gà đã gáy ầm ĩ. Xa xa ở phía trường thi, trống cái thong thả điểm đủ ba hồi chín tiếng. Chàng biết cửa trường đã kéo bảng kỳ đệ nhất. Vì, lệ thường vẫn thế, mỗi khi treo bảng, vẫn phải có ba hồi trống làm hiệu, để cho học trò đến xem. Ruột chàng nóng như lửa đốt, chỉ muốn chạy thắng đến nơi, ngó coi có thấy tên mình hay không.
Nhưng mà sự lo xa đã hãm chàng phải ở nhà, không cho chàng đi. Xưa nay những ông học trò sang trọng không ai tự mình đi xem bảng cho mình. Bởi họ sợ rằng: Lỡ ra "trông bảng không tên", còn mặt nào trông thấy bè bạn trong khi đi từ cửa về nhà trọ? Vì thế, chàng dù nóng ruột đến đâu mặc lòng, vẫn phải bấm gan ngồi nhà, chờ tin tức của người đầy tớ.
Gà gáy giục.
Trời rạng đông.
Một tên gia nhân hớt hơ hớt hải chạy vào vừa thở vừa nói:
- Bẩm cậu, cậu được vào kỳ đệ nhị đấy ạ!
Như Bích khoan thai hỏi lại:
- Sao mày biết?
- Bẩm cậu, con ra xem bảng về đây! Từ lúc ngoài trường dứt ba hồi trống, cụ ông đã đánh thức con và giục con phải ra coi xem có thấy tên cậu hay không. Ngoài trời rét như cắt, thế mà con ra đến nơi đã thấy người ta đến đông như kiến, họ đứng vây chung quanh bảng, chật như nêm cối...
- Mày làm thế nào mà trông được bảng, có thật không hay mày trông lầm, thiên hạ dộng danh đồng hiệu là thường.
- Bẩm cậu không lầm? Con đã lách vào tận nơi mà xem, tuy rằng trời tối, nhưng có nhiều người đốt đuốc chĩa vào mặt bảng mà soi, nhờ vậy con mới trông thấy rõ ràng: "Đặng Như Bích, Hà Nội, Đồng Xuân", tên cậu như thế phải không?
Như Bích mỉm cười:
- Phải! ai bảo mày biết được tên tao?
- Bẩm cậu, cụ ông bảo con, cụ đã viết cả bẩy chữ đó để cho con nhẩm. Lúc vừa rồi, cụ lại bắt con viết lại xem có nhớ không.
Như Bích ra bộ đắc ý:
- Các cụ khéo cẩn thận, làm gì mà phải cầm quyền đến thế!
Rồi chàng lại tiếp:
- Thế mày thấy tên tao ở bảng vi nào?
- Bẩm cậu ở cứa vi ất, con cũng không biết vi nào vào vi nào, phải hỏi những người đứng đấy, họ đều bảo đấy là vi ất.
- Đích thật không?
- Bẩm cậu, đích thật, không sai!
- Mày đến vi ất thấy tên tao ngay à?
- Bẩm không. Thoạt kỳ thủy con đến cái vi đối với vi ất. Đó là vi giáp! Phải vi giáp ! Thoạt kỳ thuỷ con đến vi giáp và chui mãi vào trong, xem đi xem lại, không thấy tên cậu, con lại phải đến cái vi ở sau vi giáp...
- Vi ấy là vi hữu?
- Con không biết là vi gì, có lẽ vi hữu thật đấy. Ở đấy cũng không có tên cậu, nóng ruột quá con bỏ cách quãng một vi, chạy luôn đến xem bảng vi ất, may sao vừa thấy tên cậu. . .
- Tên tao ở đầu bảng hay ở cuối bảng!
- Bẩm cậu, ở ngay đầu bảng!
Như Bích vẫn cười tủm tỉm:
- Rầy rà, tên ở đầu bảng đêm nay lại phải ra sớm!
- Sao thế, hử cậu?
- Bởi vì ngày mai, khi người lại phòng cầm sổ xướng tên gọi học trò vào trường. Lại cứ theo đúng thứ tự trong bảng, người nào ở trên thì gọi trước, người nào ở dưới thì gọi sau, cho nên tên ai ở trên thì phải đến trước để cho kịp lúc lại phòng gọi đến thì vào!
- À ra thế! Con vẫn cứ tưởng người nào văn hay thì tên ở đầu bảng.
- Đó là bảng giải ngạch. Người nào đô cao thì tên ở trên. người nào đỗ thấp thì tên ở dưới. Bây giờ mới là bảng vào cứa, không có phân biệt trên dưới gì cả. Mày đă bẩm cụ ráng ta được vào kỳ này hay chưa?
- Bẩm cậu, đã.
- Cụ có nói gì không?
- Cụ vui vẻ lắm, giục con phải xuống nói ngay với cậu.
Như Bích liền mở tráp lấy mười hai đồng tiền đồng thưởng tên người nhà, rồi chàng vào màn nằm tạm. Nhưng, mừng quá cũng như lo quá, chàng vẫn không thể nằm yên.
Sáng rõ, chàng đội khăn mặc áo chỉnh tề, lên nhà trên, xin phép cụ Nghè để ra thăm qua quang cảnh cửa trường.
Cụ Nghè ân cần dặn con đi chơi một lát rồi phải về nghỉ ngơi cho tinh thần thư thái để ngày mai vào trường làm văn khỏi quẫn.
Lúc ấy đường phố tuy còn hơi sương ướt đầm. Nhưng vì ngày ra bảng của học trò, cho nên trên những đoạn đường đi đến trường thi, người ta đã đi lại đông như mắc cửi. Vênh vang, Như Bích đem một thằng nhỏ đi hầu, vòng quanh ba bốn phố phường để xuống cửa trường. Mỗi khi gặp người quen biết, chàng cố làm bộ vờ vẫn hỏi thăm có thấy tên mình ở bảng hay không.
Dạo một lượt khắp các cửa vi, nhìn thấy tên mình rõ ràng, chàng mới đi kiếm những người bè bạn được vào cùng vi với mình, hẹn nhau đến khi vào trường dõng lều thì nhớ tìm nhau đóng liền một khu, phòng khi cần phải bàn bạc với nhau về việc bài vở. Khắp lượt, chàng cùng thằng nhỏ trở về.
Trong nhà, bà con thân thích đến chơi rất đông, người này ra, người khác vào, ai nấy chuyện trò vui vẻ, rút lại, họ đều kết bằng một câu: "cậu phải cố lấy tiếng ,"dạ" cửa trường, cho bỏ công mười năm đèn sách".
Chiều đến, khách khứa đã vãn, chàng dặn thằng nhỏ: "hễ có ai hỏi, phải nói dối là cậu tôi đi vắng."
Rồi chàng vào phòng đóng cửa nằm nghỉ. Cụ Nghè truyền lệnh hết thảy người nhà đầy tớ, không được lên đến nhà học, để cho cậu được ngủ yên giấc.
Gần nửa đêm, chàng ngủ đẫy mắt trở dậy. Lều chiếu, yên, chõng, giấy, bút, dùi, mực, và tất cả đồ ăn, thức dùng trong việc vào trường, người nhà đã sắp sửa sẵn sàng. Cụ Nghè bắt chúng phải lục soát lại vài ba lần nữa, xem có thiếu sót cái gì hay không. Cuối canh ba, sau khi Như Bích đã ăn tạm vài ba lưng, cụ Nghè sai bọn gia nhân đứa đốt đuốc, đứa mang xách các thứ đồ đạc tiễn chàng xuống đến cổng trường.
Học trò đến trường đã đông. Quang cảnh cửa trường đêm nay đại khái cũng như đêm hôm vào kỳ đệ nhất, khác một điều là mấy cây đình liệu lần này không sáng bằng mấy cây đình liệu lần trước, bởi vì đêm nay có trăng, ánh trăng lấn bớt sức sáng của ánh lửa.
Kỳ này học trò bị thải rất nhiều, số được vào thi chỉ bằng một phần kỳ trước. cho nên công việc vào trường cũng chóng. chừng nửa giờ dần, thí sinh các vi đã vào hết cả. Cửa trường đóng lại kín mít, riêng một cửa trước nhà thập đạo còn ngỏ, để cho các quan ra vào.
Cuối giờ dần, học trò ai nấy đóng lều đã xong, trên chòi canh nổi một hồi trống thật dài, rồi viên giám trường đề điệu và ba viên thuộc hạ, mỗi người đi xuống mỗi vi đem giấy đầu bài dán vào tấm bảng phên nứa.
Vi nào vi ấy thí sinh tấp nập đến xem, dưới bảng, người đứng vòng trong vòng ngoài.
Kỳ này chỉ có hai bài tứ lục. Một bài biểu và một bài chiếu, cho nên việc chép đầu bài rất mau, có người chỉ đứng nhìn qua rồi về lều, chứ không phải viết.
May cho Như Bích, cả hai bài cụ Nghè đều đã ra cho học trò làm rồi.
Mừng quá, chàng mở tráp lấy các đồ dùng để viết.
Giở đến hộp mực thì ra nước đã cạn khô. Lớp bông mực lên meo trắng xóa. Phát cáu, chàng chửi thẳng người nhà một trận kịch liệt về tội không chịu sắp sửa cẩn thận cho mình. Tuy rằng nó không có mặt ở đây. Rồi chàng hì hục rót nước mài mực đổ vào hộp mực. Thử đi, thử lại mấy lần, thấy mực trong hộp vừa viết. Chàng mới nhẩm lại bài cũ, lấy giấy nháp ra một lượt đê trông vào đó mà viết cho khỏi sai lầm. Bài chiếu chàng có thì nhớ cả nhưng đến bài biểu thì bỗng quên mất một đoạn lại nhằm vào đoạn của chàng làm hỏng, cụ Nghè đã sửa lại cho. Nghĩ mãi không ra đoạn ấy có những câu gì, chàng phải viết một đoạn khác thay thế vào. Ngẫm đi ngẫm lại, chàng thấy biếu cũng như chiếu, lời văn trôi chảy, nhiều chỗ rất là đắc ý; bây giờ chàng mới giở quyển ra viết.
Nắn nót từng li từng tí, tô từng cái mác, rạm từng cái móc, chàng cố làm cho chữ thật đẹp. Viết được một trang, đưa mắt ngó qua các lều chung quanh. Hình như mấy người bạn chàng hãy còn hí hoáy nháp nháp, xóa xóa. Chưa ai viết được chữ nào.
Gặp may thế này. "Khoá này thế nào ta cũng đậu" nghĩ vậy chàng lại quay đầu vào viết; viết đến gần dấu "giáp phùng" nhìn thấy màu son đỏ chói, chàng sực nhớ ra mình đã quên không đi lấy dấu " Nhật trung" - Nhật trung là cái dấu nhỏ của quan truờng đóng vào quyển khi thí sinh đang viết văn tại để chứng thực quyển ấy được viết ở trong trường.
Dấu ấy cốt để phòng bị những kẻ tư thông với quan trường, biết trước đầu bài, viết văn sẵn từ nhà rồi đem vào trường mà nộp. Thí sinh làm văn khi viết đến dòng thứ ba thì phải để đó mà đi lấy dấu nhật trung. Lúc viết tiếp thì phải cách dấu lại chứ không được viết đè lên.
Nếu viết đè lên là phạm trường quy, văn hay đến đâu cũng hỏng.
Luống cuống chàng vội bỏ quyển viết dở, lấy giấy đóng vội quyển khác.
Giấy gập rồi, lề xé rồi, lúc tìm cái đục giấy, thì lại không thấy. Cái đó mới nguy hiểm lấy gì làm dùi cho thủng giấy mà xâu giấy lề? Chàng lại chửi bới thằng người nhà hồi nữa, sao lúc đêm qua, lục soát mấy lần, thiếu cái dùi vở mà nó không biết.
Quyển không có, còn thi với cử gì nữa, chàng đã tuyệt vọng, toan tháo lều giả cách đau bụng đi ra. Người bạn của chàng đóng ở gần đó, có ý thương hại, lừa lúc ông ngự sử và lính trên chòi không ngó đến đám lều ấy, người ấy liền ném trộm cái dùi sang bên lều chàng cho mượn. Sung sướng và cảm ơn bạn, chàng gập ngang gập dọc một tờ giấy trắng làm mẫu chia ra năm khoảng. dùi bốn lỗ lề thật đều và thật ngay, đóng xong quyển mới, chàng lại thu xếp các đồ lặt vặt vào tráp lấy chỗ ngồi viết. Khi nhắc cái tráp lên, thì thấy cái dùi của mình vẫn nằm hềnh hệch ở mặt chõng, chàng cho là sự quái gở, bụng bảo dạ rằng: "Có lẽ u hồn kẻ nào vì nhà mình mà phải chết oan, bây giờ nó theo mình vào trường, che lấp mắt mình đây chăng? Nếu không, làm sao cái dùi để đây mà từ nãy đến giờ, mình tìm mấy lượt không thấy . Hay là trong lúc loạn lạc, tiên tổ nhà mình đã làm gì thất đức, bây giờ mình phải chịu tội? "
Dù vậy đi nữa, thì cũng phải chịu, chứ biết sao được".
Thế rồi, chàng lại đặt quyển lên mặt tráp, càn thận để ba chữ tên thật lớn, viết xong niên canh, quán chỉ.
Chàng viết đến dòng "cung khai tam đại". Soát lại một lượt các tên tằng, tổ, phụ và phủ, huyện, trấn, đều không sai lầm nét nào. Chàng bèn đem vào nhà thập đạo lấy dấu giáp phùng, được rồi đem về lều, chàng lật sang trang sau, viết lại đầu đề, rồi viết đến bài. Lần này chàng nhớ như chôn vào ruột, viết đúng được hai dòng rưỡi, thì chàng đứng dậy, lại đem quyển đưa vào trong nhà thập đạo để cho lại phòng đóng dấu Nhật Trung. Ở đấy thí sinh đã đến lấy dấu tấp nập, người lại phòng lần lượt cầm dấu đóng vào những quyển đưa trước, chưa đóng đến quyển của chàng. Đứng ngoài hàng rào chờ đợi, ruột chàng mỗi lúc mỗi thêm bồn chồn. "Tưởng là mình gặp bài cũ, thế nào cũng viết dược nhanh hơn người, té ra thiên hạ lại còn nhiều kẻ vẫn nhanh hơn mình, thế này thì sự thi cử của mình khoa này cũng không lấy gì làm chắc cho lắm". Chàng đương phân vân nghĩ ngợi, bỗng thấy có tiếng gọi: "Ai là Đặng Như Bích?", chàng vội trả lời: "Tôi đây!". Người lại phòng đã đóng vào quyển của chàng, sai lính cầm ra cạnh rào và đưa cho chàng. Đón quyển đem về lều, chàng lại cẩn thận nhìn từng chữ trong bản giấy nháp mà viết. Quanh dấu Nhật Trung, không bị xóa, sót, sửa chữa chữ nào. Chàng viết luôn hết trang đầu, rồi viết sang trang thứ hai. Hết nửa trang ấy, thình lình chàng lại nhìn lại trang trên. Một sự không ngờ làm cho chàng bỗng giật mình tưởng như sét đánh. Là ở trên dấu giáp phùng, chàng đã viết sót một chữ. Giáp phùng là cái dấu son của gian trường đóng vào giữa thồ giáp giới của trang nhì và trang nhất, cốt giữ cho thí sinh khỏi đội giấy thứ hai trong quyển, đó cũng là một cách phòng gian. Dấu ấn đóng ở trong quyển từ lúc thí sinh mới nộp quyển trắng cho quan trường.
Không phải đến khi vào trường làm văn mới đóng. Theo đúng trường quy bốn bên dấu giáp phùng, cũng như bốn bên dấu Nhật trung, khi viết văn không được xoá, sót móc, chữa chữ nào, vì sợ học trò thông với quan trường, cố ý dập xóa, bỏ sót, hoặc sửa chữa vài chữ ở chung quanh dấu đế đánh dấu cho quan trường biết quyển ấy là quyển của mình. Bởi vậy, quyển chàng bỏ sót một chữ trên dấu giáp phùng cũng là trái với trường qui. Chàng vừa ngắm nghía quyển văn, vừa cuống quít lo sợ, nếu bỏ không thêm chữ khác vào cạnh, thì câu văn không có nghĩa gì, mà nếu viết thêm chữ nữa vào đó, tức là không đúng trường qui, đằng nào cũng là hỏng cả. "Đích là có cái oan hồn theo ta vào đây ám ảnh cho ta lẩn quẩn; không phải tại ta sơ suất. Mọi ngày làm văn nhật khắc, ta có bị phạm trường qui bao giờ? Thôi, bây giờ cũng chưa muộn lắm, đành phải cánh quyển lần nữa, may ra còn có hy vọng, chứ để như vậy, thì không còn mong mỏi gì". Chàng lại mở tráp lấy giấy đóng một quyển khác. Tên, họ, niên canh, quán chỉ, cung khai tam đại, đều đề xong cả, chàng lại đưa vào trong nhà thập đạo xin dấu giáp phùng. Bấy giờ trời đă gần trưa, học trò lấy dấu Nhật Trung đã đông, họ quây kín bức rào cửa nhà thập đạo, thấy vậy, chàng càng sốt ruột. May thay khi ẩy người xin cánh quyển cũng ít, nên quyển chàng đưa vào, được đóng dấu ngay không phải chờ đợi gì cả.
Chàng luồn phóng viết hết một dòng đầu đề và độ hơn hai dòng bài, lại phải đem quyển đến nhà thập đạo xin dấu Nhật Trung lần nữa. Thế là trước sau, chàng phải đến nhà thập đạo năm lần tất cả. Mấy người lại trong phòng đã nhớ mặt chàng, khi chèn trao quyển lại cho chàng họ nhìn mặt quyển và mỉm cười chế giễu:
- Đặng tiên sinh, lần này thì xin tiên sinh đừng cánh quyển nữa nhé, chúng tôi không sợ đóng dấu vất vả, chỉ sợ tiên sinh đi lại nhiều lần như thế, không còn thì giờ nghĩ văn. Tiên sinh nên biết mùa đông ngày ngắn, chớp mắt đã sắp tối rồi.
Chàng không trả lời, im lặng đón quyển về lều.
Chuyến này chàng phải theo đúng bản nháp viết lấy hai tờ cực kỳ tinh tế, đọc đi đọc lại, không thấy lầm sót chữ nào, chàng mới lồng hai tờ ấy vào tờ thứ nhất và tờ thứ hai trong quyển dám phóng, rồi cứ theo phóng mà viết. Suốt hai tờ đầu quyển, không bị can phạm gì cả, chàng như đã trút được nửa gánh nặng, và từ trang thứ ba trở đi, không có dấu của quan trường nếu sai lầm. Cứ việc tháo tờ ấy ra đóng tờ khác vào, không phải đi cánh quyển nữa.
Mặt trời tà tà, chàng đã viết xong bài bị thiêú và hơn một nửa bài biểu, chỉ còn hơn một trang nữa thì yên, bụng đã hơi vững, chàng bèn đọc từ trên đầu trở xuống, xem có sai suyển gì không. Thì ra đoạn giữa, bài biểu, hai vế cách cú, chàng bỏ sót mỗi vế một câu bốn chữ. Tuy rằng thiếu mấy chữ đó đoạn văn ấy cũng vẫn có nghĩa nhưng vì mỗi bên sót mất một câu, thì điệu bằng, trắc sai đi thành ra không đúng niêm luật của lối văn "tứ lục", chàng toan sửa thêm cả hai câu đó vào bên cạnh dòng. Nhưng đếm từ đầu quyển trở xuống, vừa xóa vừa chữa, đã tám chữ rồi. Theo luật trường qui tất cả trong quyển, xóa, sót, móc, chữa, không được quá số mười chữ, nếu lại thêm tám chữ nữa, thì thành đến mười sáu chữ, cũng lại là phạm trường qui. Chàng đành tháo lề, bỏ tờ giấy đã viết hỏng kia và đóng thêm một tờ khác vào, rồi lại bắt đầu viết lại.
Bỗng ở trước lều, có người ngồi thụp xuống chỗ chân chõng của chàng và hỏi:
- Thưa ông, chữ "tư ba phẩy" thế nào, ông làm ơn viết cho tôi coi!
Chàng đương bực mình, lại bị có người quấy rối, không thể nào mà nín nhịn được, cau có chàng gắt:
- Chữ "tư ba phẩy" không biết thì còn thi cử gì nữa ?
Người kia mềm mại trả lời:
- Thưa ông, vì lúc làm văn vội quá, trí tôi luẩn quẩn, quên mất, nghĩ mãi không ra. Xin ông làm ơn bảo cho. Muốn để hắn đi cho thoát, chàng liền viết một chữ "tư" vào gan bàn tay và chìa ra cho hắn xem. Lắc đầu hắn nói:
- Thưa ông, đây là chữ "tư" là "sửa", không phải chữ "tư ba phẩy. ."
Chàng lấy mảnh giấy viết chữ "tư" khác và chỉ cho hắn. Hắn vẫn kè nhè:
- Thưa ông, không phải chữ "tư ba phẩy", đây là chữ "tư" là "nêm".
Sẵn bút, chàng viết chữ nữa ở cạnh mảnh giấy cho hắn, hắn cũng lắc đầu:
- Đó là chữ "tư" là "râư", tôi đã nhớ rồi, nhưng tôi muốn hỏi chữ "tư ba phẩy."
Tức quá, chàng lại gắt:
- Chữ "tư ba phẩy" nghĩa là gì chứ! Cứ nói chữ "tư ba phẩy" thì ai biết là chữ chó nào. Mỉm cười người ấy đứng dậy:
- Thôi ông không biết, để tôi đi hỏi người khác, làm gì ông phải gắt gỏng!
Rồi hắn liền quay lưng đi. Chàng lại cặm cụi quay vào quyển văn.
Mặt trận gió bấc thoảng qua, trong lều có mùi thôi thối. Ngạc nhiên, chàng ngoảnh lại nhìn, ở dưới cuốn chõng, chính chỗ người khách mới ngồi thấy có đống bã ván chương sù sụ. Té ra ông học trò ấy mót đại tiện, vì ở quanh lều đông quá, không có chỗ nào mà đi, hắn mới chạy đến lều chàng, vờ hỏi chữ "tư ba phẩy", để có thể ngồi vào cuối chõng mà tháo cái bã văn chương ra đó. Nhưng mà Như Bích không nghĩ như vậy chàng nhất định đoán là oan hồn báo oán, đem uế vật vào đó để quấy nhiễu chàng. Sực nhớ trong tráp có ít vàng giấy chưa hóa, chàng vội vặn cái mồi giấy sang lều bên cạnh xin lửa, vừa hóa vàng, chàng vừa lẩm nhẩm khấn thầm: "Tôi là Đặng Như Bích ở phường Đồng Xuân, trấn Hà Nội, cắn rơm cắn cỏ lạy người. Nếu phải đời trước nhà tôi đã có oan trái với người, xin người hãy cứ tha tội cho tôi, nay mai về nhà, tôi sẽ lập đàn giải oan, nhờ thầy cúng lễ, đưa người về phương Tây chầu Phật. Lạy người vạn bái, lạy người vạn bái... "
Khấn xong, vàng vừa cháy hết, chàng lại quay vào viết văn.
Trống cái trên chòi thánh thót điểm những tiếng oai vệ, học trò nhao nhao đến nhà thập đạo nộp quyển và vác lều chõng theo đường cửa trước đi ra, quyển chàng hãy còn ngót nửa trang nữa mới hết. Bấy giờ ruột chàng rối như canh hẹ, trống ngực hồi hộp họa lại tiếng trống thu quyển trên chòi. Viết lại xóa, xé tờ ấy, đóng tờ khác, cái tờ cuối quyển chàng phải bỏ đi đến hai, ba lần. Trống cái trên chòi điểm càng mau, bụng chàng càng sôi sùng sục, các lều chung quanh đều rỡ đi điểm qua những chữ xóa, sót, móc, chửa, chứa ở cuối quyển, viết xong chỗ "cộng quyển nội" thì trời vừa tối.
Bỏ cả lều, chõng, chiếu, tráp, chàng lật đật vớ quyển đi nộp. Quyển chàng vừa đưa cho người lại phòng, tiếng trống cuối cùng vừa dứt, chậm một phút nữa, thì chàng sẽ bị ngoại hàm.
Ra khỏi trường, vừa đi chàng vừa nghĩ lại những sự lẩn quẩn xảy ra cho chàng ở trường, khiến chàng thơ thẩn như bị ma đuổi, mắt trông xuống đất mà vẫn không nhìn thấy gì. Đến phường Đồng Lạc, tình cờ chàng ngẩng đầu lên, gặp Hồ Xuân Hương ở phường Đồng Xuân đi lại. Chừng như cũng thẹn với nàng, chàng vội vàng nhìn đi đường khác, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt trông trộm, xem nàng có để ý đến mình hay không.
Nguồn: truyenviet.com