LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT
Hôm ấy, một hôm về cuối mùa đông, cách đây độ hơn mười năm, trời xế chiều, tôi mới đến nhà cụ Thượng Lão Việt. Cái nhà mới lạ làm sao! Nó là một túp lều tranh lụp xụp, đầy cảnh thê thảm, nhưng lại có vẻ vui vẻ. ở gian bên này khách khứa tấp nập. Người ta cười cười nói nói sốt sắng đợi hơi thở cuối cùng của ông cụ già. Cụ Thượng nằm to vo trên chiếc giường tre trong gian bên kia. Mặt cụ ngoảnh vào bức vách. Lưng cụ uốn gù con tôm. Bức chăn dạ đỏ phủ trên mình đã hóa màu gạch non vừa vặn đậy kín từ vai đến gối. Cái đầu trắng xóa và đôi bít tất thủng gót đeo ở cổ chân đều bị để lộ ra ngoài. Cánh dại che ở trước cửa chỉ còn lơ thơ vài nan. Gió Bắc tự do đưa mãi hơi lạnh từ ngoài sân vào vách. Mấy cục củ tre nhóm trên đống trấu cạnh giường đã hết ngọn lửa, khói đang nghi ngút tỏa khắp nhà. Cụ Thượng từ từ mở hai bàn tay gầy guộc khoác nhau ở đằng sau gáy, nặng nhọc trở mình ra ngoài, chào tôi bằng hai con mắt cảm động khi tôi rón rén ghé vào giường cụ, và sẽ lên tiếng hỏi cụ.
Biết bao nhiêu sự hối hận rung động lòng tôi! Nó trách tôi đến thăm cụ muộn quá. Với cụ, tôi không phải là kẻ họ hàng thân thích, hay người cùng tỉnh cùng huyện. Sở dĩ biết nhau chỉ vì một chuyến tàu thủy chạy từ Hà Nội xuống Nam Định, chuyến tàu chở dân lều chõng lần cuối cùng. Bấy giờ tàu cạn ở trên cửa Luộc, phải dừng lại đó suốt hai ngày một đêm để chờ con nước. Trong lúc suốt ngày đêm lênh đênh ngồi trên mặt nước để nghe những tiếng "dì xế dì" và "xám xế xám" của bọn mạch nô đo nước, người ta dễ thân với nhau, nếu đã cùng nhau ăn cùng mâm và nằm cùng chiếu. Nhờ vậy tôi mới trở nên người bạn của cụ, dù tôi kém cụ hơn ba chục tuổi và không phải cùng làm một nghề với cụ. Cụ yêu tôi về tính hoạt động. Còn tôi thì tôi trọng cụ ở chỗ từng trải, chất phác, có can đảm, không câu nệ, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan, nhất là những lúc rung đùi mà cất chén rượu, cụ đã tỏ ra người có chí khí. Bấy giờ, cụ đương buôn than, thường lên Hà Nội mua hàng tải về Nam Định. Nhưng cụ cũng có biết chữ, chữ quốc ngữ đủ để đọc báo, chữ Hán thì có thể hiểu những cuốn Tam quốc chí hay là Chinh đông chinh tây. Sau mấy ngày tình cờ hội ngộ, chúng tôi biệt nhau khi tàu cập bến Nam Định. Từ đó, tuy không gặp nhau, nhưng mà hai bên vẫn có thư từ đi lại. Mỗi lần cụ đổi nghề này làm nghề khác, đều có viết giấy cho tôi. ân hận hơn hết là cái giấy mời tôi đến làng Lão Việt dự tiệc bảy mươi, cái tiệc người ta ăn vạ cụ về tội dám sống đến bảy chục tuổi để là "cụ thượng" làng ấy.
Lúc ấy, tôi đã định đi, rồi lại ngần ngại không đi. Thế rồi, ba năm sau, một bữa tôi nhận được một bức thư của cụ và tôi giật mình đánh thót, khi coi đến mấy dòng này:
"Tôi nay sắp sửa từ giã cái làng Lão Việt, từ giã hết thảy những yêu ghét trong khoảng bảy mươi năm trời. Gan ruột tôi đang bồn chồn không muốn ở lại một ngày nào nữa. Sở dĩ chưa nhắm mắt được là vì còn mớ tâm sự muốn ngỏ với ông. Nếu lần này mà không được gặp ông, thì cái tâm sự ấy, tôi đành đem xuống suối vàng để nói với lũ quỉ sứ..." Chao ôi! Một chữ bao nhiêu đau đớn! Có lẽ cụ đã viết bằng nước mắt. Còn một lẽ nào để tôi chậm sự lên đường trong vài giờ? Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thoạt bước đến trước cổng nhà cụ. Trong khu vườn xoan kề bên cổng, người ta đã buộc một con trâu kềnh. Theo cái giá rẻ hồi ấy, nó cũng đáng đến bốn chục bạc. Cạnh đó, một bó nứa khô, mấy chiếc đòn tre, lổng chổng dựa vào gốc xoan và mấy bó rơm tanh bành quẳng ở giữa vườn. Thoáng coi những vật liệu ấy, đủ thấy một cuộc vật trâu đang được dự bị tại đó.
Ngó vào trong cổng, một tòa rạp lớn nghênh ngang dựng ở ngoài sân, mái cót còn chưa lợp kín. Dưới rạp giường, phản, bàn ghế đã kê sẵn sàng. Nong bát, nong đĩa, chum đựng nước, cối giã giò, rồi nồi ba mươi... không biết mỗi thứ là bao nhiêu cái, la liệt bày khắp ngoài rạp. "Tội nghiệp! Cụ Thượng đã chết mất rồi! Con cháu đã đương sắp đồ làm ma đây rồi! Mình không được nói với cụ một câu nào, sao mà phụ phàng cụ thế?..." Với sự bùi ngùi ấy, tôi bỡ ngỡ bước vào trong sân. Mấy chục con mắt đổ dồn vào tôi. Không ai biết tôi là người nào hết. Bởi vì tôi đến nhà cụ, lần này là lần đầu. Sau khi tôi tự giới thiệu, một người đàn ông, độ bốn mươi tuổi, tươi cười bảo tôi:
- Rước ông vào chơi trong nhà! Ba bốn hôm nay hôm nào thầy tôi cũng nhắc đến ông.
Thì ra người đó chính là con trai cụ Thượng. Lúc đó tôi mới biết cụ Thượng còn sống.
Đưa tôi vào đến cạnh giường cụ Thượng, người ấy chỉ kịp rót cho một chén trà nguội, rồi ông ta sấp ngửa chạy đi, coi bộ đương bận rộn lắm. Cụ Thượng tuy đương ốm nặng, nhưng nó chỉ là bệnh già, cũng như cái cây hết nhựa, chứ không có chứng gì khác. Vì vậy tinh thần vẫn còn tỉnh táo. Tuy đã xa nhau đến gần mười năm, mà khi thoạt nghe tiếng tôi, cụ liền nhận ngay ra tôi và cố quay mặt ra chỗ tôi ngồi! Cái mặt mới đáng sợ chứ! Nó sạm như ngả bùn, đôi mắt trũng hoáy, đôi má hóp lại, hai cái gò má dô lên, người ta có thể ngờ là một chiếc đầu lâu, nếu không có đôi con ngươi lóng lánh. "Sao mình không đi thăm cụ tự mấy tháng trước để đáp tấm lòng ân cần của cụ trong mấy năm xa nhau? Bây giờ đã đến thế này, cụ còn sức đâu mà kể với mình những điều cụ định kể? Thật là mình đã phạm một tội lớn! Chính mình đã làm cho cụ thấy áy náy trước khi từ giã cõi đời!... Tôi đang phàn nàn với tôi như vậy thì cái bàn tay cẳng gà của cụ chờ choạng nắm lấy tay tôi. Rồi cụ cất giọng rên rên như sắp đứt hơi:
- Đáng lẽ tôi sẽ im lặng mà chết, không thể nói thêm câu nào, dù tôi vẫn muốn nói. Bởi vì luôn hai bữa nay người tôi đã hết khí lực, không đủ sức để đưa câu nói ở trong miệng ra. Không hiểu vì sao mới nghe tiếng ông, tự nhiên tôi thấy trong mình hơi mạnh hơn trước. Có lẽ bây giờ tôi đã có thể nói nhiều với ông. Ngừng lại giây lát, cụ tiếp:
- Tôi sẽ là người chết oan! Ông nên nhớ cho như thế!
Nghe đến câu ấy, tôi phải hết sức sửng sốt, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Cụ vẫn ngập ngừng cất từng tiếng một:
- Đời tôi thế nào, ông đã biết rõ. Nhiều lúc tôi vẫn tự phụ: tuy không thông minh, nhưng không đến nỗi ngu đần. Nhất là tôi không lười biếng...
Xen vào đó, một tiếng thở dài, rồi cụ lại nói đều đều:
- Thật vậy, từ thuở mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi, không quản ngại một việc gì cả. Có lúc đã lên mỏ Hích lăn lộn với đám phu mỏ... Những việc tôi làm, bất kỳ việc nào, tuy không phát đạt, nhưng không thất bại bao giờ, chẳng lãi nhiều thì lãi ít. Vậy mà suốt đời nghèo xác, nghèo xơ, ăn không đủ, mặc không đủ, cả nhà có một thằng con đành để nó dốt nát. Ông bảo là vì cớ gì!
Tiếng cười nói ở gian bên kia làm cụ im đi một lúc như để chờ câu trả lời của tôi. Lâu lâu cụ mới cắt nghĩa:
- Ấy là bởi gánh việc làng. Cái làng Lão Việt nhà tôi có thể đại diện cho cả hương thôn già cỗi của nước Việt Nam. Vì nó là chỗ để chứa hủ tục. Bất kỳ hủ tục nào, làng tôi đều có đủ cả. Vì thế mà tôi suốt đời còm cọm, chỉ để đóng góp là vừa. Bây giờ tôi sắp nằm xuống, lại sắp để lại cho thằng con tôi một cái gánh nặng. Những sự linh đình ông thấy ở ngoài sân kia, sẽ là món nợ mà một đời nó chưa chắc trả hết... Đuôi con mắt cụ bỗng có một giọt nước rỏ xuống dưới chiếu, cụ cố nói cho ra giọng cứng:
- Hủ tục không phải là thứ thiên kinh, địa nghĩa, nó vẫn có thể thay đổi, nếu phái trí thức để ý đến sự khai hóa cho dân quê. "Nhưng vì chúng tôi là một lớp người bị bỏ sót trong lđá tre xanh, con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới. Bởi vậy, những cái tục lệ quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất lên vai chúng tôi. "Nhiều lúc tôi muốn hắt cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức một mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu.
"Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan uổng không? Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai đả động đến nó. Lạ thay! Tôi ước ao rằng: sau khi tôi đã nhắm mắt, ông sẽ đem những tội ác của nó mà phơi ra bóng mặt trời"...
Lúc này tiếng nói của cụ đã thấy nhỏ dần. Vì sợ cụ mệt, tôi tạm cáo từ để ra chỗ khác. Gần tối, tôi lại tới đó. Cụ vẫn ngoảnh mặt trở ra như có ý đợi tôi. Khi thấy tôi đến, cụ cố gắng sức đưa ra những tiếng thì thào và rời rạc:
- Một nước giống như một cái xe bò, lớp trí thức là người làm bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy còn bị những dây lệ buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể kéo được cái xe bò lên dốc... Vì vậy... tôi chỉ mong mỏi các ông đưa mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm... trong đá tre xanh".
Hết câu đó, cụ bỗng trợn ngược hai mắt, đờm ở trong cổ kéo lên khè khè. Cả nhà nhớn nhác xúm lại. Cụ đã tắt thở. Cái lúc trong nhà im lặng bỏ tiền và gạo vào miệng người chết, thì ở ngoài vườn người ta cũng hò reo để vật con trâu. Từ lúc đưa đám tang cụ Thượng, lời cụ vẫn văng vẳng bên tai tôi. Sau mười năm lang thang nay đây mai đó, tới đâu tôi cũng thấy chứng cớ về sự từng trải và nỗi đau đớn của cụ. Cụ quả là người chết oan. Cho được an ủi vong hồn của cụ, tôi phải minh oan cho cụ và cho những người như cụ bằng thiên phóng sự này.
MỘT ĐÁM VÀO NGÔI
Nhà bác Cả Mão mọi ngày thường im phăng phắc, hôm nay bỗng nhiên linh đình như đám giỗ nhỏ. Dưới cầu ao, hai người đàn ông lực lưỡng đang châu đầu trên chiếc rổ thưa, tỉ mỉ nhổ từng sợi lông tơ cho một con gà trong rổ. Trên bờ ao, một con chó xồm bị trói bốn chân, nhe răng nằm trên vũng máu lênh láng. Cạnh nó, một nồi nước sôi khói bốc nghi ngút và bốn năm người, cũng hạng đàn ông lực lưỡng, kẻ cầm gáo múc nước, người cầm dao sắp sửa cạo lông. Từ cổng đến thềm, tấp nập những người đi lại. Tôi mới nhô vào đến sân, bác Cả lật đật chạy ra đón lên nhà trên với một bộ điệu vui vẻ. Ở gian bên kia, độ bảy tám ông ngổn ngang nằm vây một chiếc khay đèn thuốc phiện. Với những cặp môi thâm xịt và dài vều, và những chiếc quần cháo lòng, áo ba-đờ-xuá rách lòi khố tải, các ông ấy như muốn bảo cho tôi biết đây toàn là hạng kỳ dịch kiêm tín đồ của đức chúa Phù dung. Dãy phản bên này, hai bàn tổ tôm kế nhau. Bàn trong vang những tiếng ăn, tiếng phỗng, bàn ngoài đương ỏm tỏi cãi nhau về sự đánh thấp đánh cao. Chủ nhân lễ phép mời tôi vào ngồi trong chiếc tràng kỷ kê ở gian giữa, đối mặt với tòa bàn thờ hương khói vắng tanh. Mấy ông trong bàn tổ tôm thi nhau nhìn tôi bằng nửa con mắt trông nghiêng, giữa khi vài ông ở bàn thuốc phiện lần lượt ngóc cổ như đàn rắn lửa. Rồi thì ai nấy lại cùng theo đuổi công việc của họ, người hút cứ hút, người đánh bài cứ đánh bài.
- Ông có lòng đến đây mừng cho nhà cháu, thật là quý hóa! Xin mời ông xơi tạm chén nước.
Bác Cả Mão đương một tay gãi tai, một tay bưng chén chè nụ đặt trước mặt tôi, bên bàn tổ tôm bỗng có tiếng gọi:
- Anh Cả đâu! Cho mượn hai đồng đánh thêm hội nữa. Đen quá, cả hội chẳng ù ván nào!
Bằng một tiếng vâng đầy giọng thành tâm, bác Cả Mão nhanh nhẩu chạy xuống nhà dưới, để tôi ngồi đó với bác Hai Thìn, một người em ruột bác ấy. Thơ thẩn chưa biết nên nói chuyện gì, tôi có dịp nghĩ đến cái câu của bác Cả Mão mới nói. Với bác, tôi chỉ là người trọ học ở nhà láng giềng. Vì năng gặp bác, thành ra quen biết. Hôm nay là ngày "vào ngôi" cho thằng con bác mới đẻ được ba tháng nay, bác vẫn mến tôi nên cố mời tôi sang chơi. Ở làng khác, vào ngôi chỉ là một lệ rất thường, người ta phí tổn độ vài ba chục, hay vài ba trăm quả cau là xong. Sao trong đám này lại có cỗ bàn linh đình, và sao ở trước mặt khách, ông chủ lại nói đến câu "mừng cho nhà cháu"? Hay là riêng với làng này, vào ngôi là một việc hỷ? Nếu vậy, có lẽ mình phải mất một món tiền mừng. óc tôi còn đương vẩn vơ, bác Cả Mão đã ở nhà dưới chạy lên. Cung kính trao hai đồng bạc cho một ông trong bàn tổ tôm, bác ấy tung tăng ra sân, khiến tôi không kịp nói chuyện. Dưới bếp, có tiếng dao thớt ký cốc, mùi xôi ngào ngạt đưa lên nhà trên. Một ông trong đám thuốc phiện dõng dạc cất cái giọng khàn khàn:
- Anh Cả đâu! Lên đây tôi bảo!
Một tiếng dạ lớn, bác Cả Mão từ sân vào thềm, rồi khoanh tay đứng tựa vào cột:
- Bẩm cụ dạy gì con ạ? - Trưa lắm rồi đấy! Liệu mà giục bảo chúng nó sắp đồ lễ mau lên! Rồi anh phải thân hành đến mời cụ Điền lại chơi, kẻo cụ lại ăn cơm nhà.
Lại một tiếng dạ rất lễ phép, bác Cả rón rén lui ra. Tiện dịp, tôi bảo bác ngồi xuống chỗ tôi ngồi và móc ví lấy một đồng bạc mừng bác. Nhưng bác khăng khăng từ chối, nói rằng việc này không có lệ mừng. Ngoài thềm có tiếng lẻng kẻng. Một người xách chiếc mâm đồng sáng choang đặt lên cái bàn ở trước mặt tôi. Rồi một người khác để luôn thúng xôi vào đó. Bác Cả Mão núc hai bàn tay như thầy phù thủy bắt quyết và nói với tôi:
- Bên này chật quá, mời ông sang nhà chú cháu. Ông nhạc tôi cũng ở bên ấy. May quá, tôi đang muốn tránh cái bầu không khí khó chịu. Nghe lời chủ nhân, tôi liền theo bác Hai Thìn đi luôn. Nhà này cũng thấy lố nhố những người, nhưng toàn là người tôi quen. Qua một tuần trà, bác Hai Thìn nhìn tôi và nói bằng giọng sung sướng:
- Anh tôi lo công việc này cho cháu tất cả cũng hết đến trăm rưỡi bạc. Ấy là chúng tôi khôn khéo, xoay xở thì việc mới xong, người khác ở vào địa vị chúng tôi, dù có mấy trăm, vị tất đã lo nổi! Câu nói của bác khiến tôi hết sức ngạc nhiên:
- Sao nhà các ông hoang quá như vậy? Tôi thấy người ta "vào ngôi" cho con chỉ tốn độ vài đồng bạc là cùng!
Bác Hai xua tay và nói bằng giọng thì thầm:
- Nào có phải hoang! Ông tính ở đời ai muốn mất tiền! Đó là sự bất đắc dĩ. Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp, rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới ở có hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được "thành tổ". Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. "Làng này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng tôi, đều không có ngôi ở đình. "Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý kỳ phúc, người ta thì phần ăn, phần gói, mình thì chẳng có miếng gì. Những lúc hội hè, đình đám, người ta rước cờ, rước quạt, mình chỉ đóng vai khiêng chiêng. Như thế cũng đã khổ rồi. Hơn nữa, lỡ có cha già mẹ héo, làng giáp có chôn cho đâu! Chính lúc ông thân bà thân chúng tôi qua đời, anh em tôi đều phải nhờ cậy hàng xóm khiêng giúp. Rồi khi xong việc, chúng tôi muốn theo mọi người nộp lệ cho làng con trâu, họ cũng không thèm nhận cho. Cái đó mới cực cho chứ!
- Người ta không nhận thì càng khỏi mất. Việc gì mà cực! Tôi mỉm cười và đáp một câu khôi hài như vậy. Bác Hai vẫn nói một cách thật thà:
- Thế được còn nói gì nữa! Anh em chúng tôi, trời cho trong nhà cũng đủ bát ăn, mỗi người cũng có được con trâu cày và dăm mẫu ruộng. Thế mà không thể nộp được lệ làng cho cha và mẹ, tức là tiếng xấu để đời... Mỗi khi nghĩ lại những nông nỗi ấy, anh tôi và tôi tức chết người đi được. Trước đây, chúng tôi đã cố luồn lọt mấy ông đàn anh, để xin nhập bạ, nhưng mà bấy giờ hãy còn cụ Bá, cụ ấy nghiệt lắm, nhất định bảo nhà tôi đến ở làng này chưa được ba đời, không thể nhận lời. Chúng tôi đành phải cắn răng mà chịu. Bởi vậy lần này anh tôi sinh được mụn cháu, lại may gặp lúc cụ Bá đã mất, chúng tôi phải cố vào ngôi cho nó.
- Nhưng mà các ông tiêu những món gì mà hết đến hơn trăm bạc?
Bác Hai càng hạ giọng xuống, sau khi liếc mắt ngó qua những người chung quanh:
- Ông bảo những công việc ấy, nói bằng miệng không được ư? Phải mất tiền cả đấy! Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, cụ lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, thư ký, trưởng bạ, mỗi người mười đồng, hương trưởng, lý cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng. Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ chiều hôm qua đến giờ...
- Nếu đã mất tiền cho họ thì thôi cái bữa ăn uống có được không? Bày vẽ làm gì cho tốn?
Bác Hai lắc đầu: - Không được ông ạ! Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên. Muốn gì thì gì, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước, anh tôi cũng nghĩ như ông, đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền khắp mặt chức dịch. Nhưng ông chánh hội không nghe. Ông ấy nói rằng thế nào cũng phải đấm miệng cho các bô lão, và bọn trai đinh bò bướu một bữa. Nếu không họ sẽ phá ngang, tất nhiên sẽ có cản trở.
Trước mặt có người đi qua, bác Hai ngừng lại một lát chờ cho người ấy đi khỏi, rồi tiếp:
- Một bữa ăn này, ít ra anh tôi cũng phải tiêu đến năm, sáu chục đồng. Vì kiêng tiếng làm thịt lợn, sợ rằng làng nước cho là hứng mỡ, nên mới đi chợ mua thịt. Sự thực, mua thịt lại quá giết lợn. Sáng ngày đi lấy vừa lòng lợn vừa thịt lợn tất cả mười một đồng bạc, đáng lẽ cũng đủ chàn chát, nhưng cụ chưởng lễ thích ăn thịt cầy, nên ông lý trưởng bắt phải giết thêm con cầy. Chẳng nhẽ mời dân mời làng ăn uống trong nhà, ngoài đình lại không có gì. Bởi thế chúng tôi phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ thờ. Bấy nhiêu món hết ngót hai chục rồi. Còn tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn họ đánh tổ tôm. Ông đã biết rõ, mọi khi làng tôi có ai dám đánh "góp một"? Lớn lắm chỉ "góp năm hào". Hôm nay vì tiền nhà chủ bỏ ra, được thì ăn, thua không phải trả, nên họ hò nhau đánh góp hai đồng. Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng lấy lại được đồng nào hết... Lúc nãy tôi nói trăm rưỡi, còn là hà tiện, xong việc có lẽ hết hơn, chứ bấy nhiêu tiền không thể nào đủ.
Bác Hai còn muốn nói nữa. Bên nhà bác Cả chợt nghe có tiếng ầm ầm, bác ấy lật đật xin lỗi đứng dậy:
- Mời ông ngồi chơi với các cụ tôi. Tôi phải chạy sang bên kia. Làng đã vào rồi!
Tiếng ầm ầm bên nhà bác Cả mỗi lúc một to, trước còn cười nói, sau đến quát tháo, cuối cùng thì đến những tiếng mách tục mách qué. Lâu lâu cuộc xô xát lại dữ dội thêm, bác Hai Thìn hốt hoảng chạy về, vừa thở vừa nói:
- Khổ quá, mấy ông bô lão lại còn bẻ vành bẻ vẻ, nhất định nói rằng: hương ước không có chỗ nào nói cho người ngoài vào ngôi. Cụ Điền hết sức giàn xếp không được. Ông chánh hội và ông lý trưởng bảo anh tôi phải chồng hai chục đồng bạc -tiền ngay cốc cộc - để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên. Thôi thế cũng còn là may.
Cuộc ăn uống kéo dài mãi đến gần tối, nhưng không xảy ra sự gì nữa. Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi:
- Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Của nhà có non một trăm, còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi, cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc làng của nó!...
CÁI ÁN ÔNG CỤ
Bấy giờ đã quá trưa. Ánh nắng của mặt trời tháng năm thiêu đốt càng dữ. Trên đường thỉnh thoảng lại thấy khét như lửa cháy.
Bước rảo chừng hơn một tiếng đồng hồ, tôi cố phấn đấu với thần Hạn bạt và đi cho chóng đến cổng làng K.Q. để được nhờ sức che chở dưới bóng mát của một cây đa cổ thụ. Trong làng văng vẳng có tiếng ồn ào. Rồi một lũ tuần phu nghênh ngang đi ra đầu làng với một đoàn tay thước mã tấu, chiêng trống, cờ quạt, coi bộ như sắp có cuộc nghênh tiếp ông quan nào đó. Đôi mắt quáng nắng đã tỉnh, tôi đủng đỉnh đi vào giữa làng để tìm đến nhà người bạn. Tiếng ồn ào mỗi lúc mỗi rõ thêm. Và nó biến ra những câu gào khóc, thét lác, khi tôi thoạt tới đầu đình. Người làng làm gì mà đông như vậy? Họ đứng rải rác khắp trong giải vũ, ngoài tường bao lan, và họ lố nhố ở trước sân đình. Dưới giọt tiền tế, chiếc chiếu cạp đỏ cuộn thành một đống xù xù, như có người nằm ở trong. Cạnh đó, mấy vũng máu tím lênh láng đọng trên mặt gạch, ruồi nhặng bay đến dình dình, mùi tanh nồng nực pha trong hơi nắng. Trên sân tiền tế một người đàn ông lực lưỡng chễm chện ngồi với một con dao nhọn. Tuy hai khuỷu tay bị sợi thiếu cày ghì vào cây cột sau lưng, nhưng coi nét mặt vẫn thấy nhơn nhơn đắc ý.
- Ới anh ơi! Tôi đã can anh không nên gây thù gây oán, anh chẳng nghe tôi! Bây giờ anh chết bỏ mẹ con tôi bơ vơ, tôi biết nương tựa vào đâu! Ới anh ơi! Ới anh Quản ơi!
Một người đàn bà với bộ đầu tóc rũ rợi, gục vào trên chiếc chiếu cạp, vừa đập tay lên mặt đống chiếu vừa khóc bằng giọng thảm thiết. Dứt mấy tiếng tí tỉ, rên rẫm, người ấy bỗng đứng phắt dậy.
Và như con choi choi, chị ta nhẩy xổ đến trước tiền tế, hai tay đen đét đánh song thẳng vào mặt người bị trói, réo mãi tam tộc, ngũ phục nhà hắn, nguyền rủa một cách rất độc. Người kia cũng nham nhảm chửi lại:
- Ông chết thì thôi! Nếu ông còn sống thì ông sẽ giết cả nhà nhà mày; cái mạng của thằng chồng mày, ông coi như mạng chó vậy.
Chồm chồm như con trâu lồng, người đàn bà ấy nhảy vọt lên sân tiền tế, vớ luôn lấy con dao nhọn, chực đâm vào người đàn ông.
Mấy người chung quanh xúm lại kéo chị ta ra và khuyên: - Bà Quản không nên nóng quá. Việc đã có quan. Sát nhân giả tử! Bà không ngại! Lát nữa quan về, quan sẽ phân xử!
Hẳn là một vụ án mạng.
Tôi đoán như vậy và cố nén cơn lợm lòng bởi mùi hôi tanh của vũng máu tươi phơi nắng gây ra, để đi vào coi cái chết của kẻ bất đắc kỳ tử. Người này vào khoảng dưới bốn chục tuổi. Tuy bị chiếc chiếu phủ kín từ cổ đến gối, nhưng đầu và chân còn hở ra ngoài. Hình như hắn chết đã lâu. Một chân co ở trong chiếu, đầu gối dựng lên, làm cho chiếc chiếu thành ra cái hình khum khum. Chân nữa bê bết một lượt màu tím, vẫn duỗi thẳng dẵng trên gạch. Cái mặt anh ta mới đáng sợ chứ! Nó bị bốn năm vết chém rất sâu. Một vết ở má bên trái, rạch hằn gò má thành miếng thịt sắp rơi. Một vết ở mắt bên phải, ngăn đôi con mắt, giống như cái hình chữ thập. Trời nắng, da thịt bị nướng trong bầu không khí nóng nực, nó phải co lại, những vết thương đều rộng hoác ra, chẳng khác những vết nứt nẻ trên mình một con bò thui. Tôi đương rùng mình kinh sợ, đằng sau chợt thấy có người vỗ vai, khiến tôi giật mình quay lại. Đó là bạn tôi, người ở làng ấy. Không kịp chào tôi, anh ta hỏi một cách ngạc nhiên:
- Anh cũng đến xem cái án "ông cụ" đấy à?
- Không! Tôi đến thăm anh! Tình cờ thấy có sự lạ, nên còn đứng lại...
Anh ấy liền kéo tôi về nhà. Rồi vừa đi, anh ta vừa kể cho tôi nghe đầu đuôi vụ án mạng ấy. Thì ra cái người bị trói trên đình tên là Hai Thu, em ruột lý Xuân, chính là hung thủ vụ đó. Còn người bị giết thì là quản Thi, con trai ông Thư, một ông bô lão làng ấy. Sở dĩ xảy ra án mạng, chỉ vì một quân "ông cụ". Cha con ông Thư, trước kia chỉ là những người ngụ cư ở làng K.Q., theo tục lệ nhà quê, hạng dân ngụ cư, bao giờ cũng bị khinh rẻ. Ông ấy mấy lần muốn xin vào ngôi cho con, nhưng mà không được. Bởi vì nhà ấy đến ở làng này chưa được ba đời, cho nên người ta không nhận. Thình lình gặp có khóa lính, quan bắt rất gấp, trong làng không ai chịu đi. Lý trưởng phải gọi cả Thi. Thừa cơ, anh Thi yêu cầu cả làng ký kết cho mình nhập tịch và được hưởng đủ quyền lợi như mọi người khác, mới chịu ứng mộ. Bí quá, dân làng đành phải bằng lòng. Trời kia đất nọ, anh ta ra lính vài tháng thì được đóng bếp. Rồi thì chẳng bao lâu bác bếp Thi đã thành ra ông đội Thi. Đến lúc hưu trí, ông đội ấy nghiễm nhiên về làng với chức phó quản để ngồi vào ngôi tiên chỉ. Bỗng không bị một người ngoài đè đầu cưỡi cổ, cả làng ai cũng cay lắm, nhưng việc đã lỡ, còn biết nói sao.
Một hôm ở bàn tổ tôm trong một đám khao lão, có lý Xuân và ông cụ Thư cùng dự. Trong cỗ tổ tôm, có quân "bạch vạn" bôi đỏ, người ta thường gọi là quân "ông cụ". Khi nào bài ù, hết thảy là quân để trắng, chỉ có một quân "ông cụ" bôi đỏ, ấy là ván bài "kính cụ", được ăn tiền bằng ba những ván ù suông. Lúc ấy, một người trong cuộc, bốc "nọc" gặp phải một quân "ông cụ", hắn đùa và hỏi:
- “Ông cụ" của làng cũng được kính chứ?
Lý Xuân buột miệng trả lời:
- Chỉ kính "ông cụ" của nhà, ai kính "ông cụ" ngụ cư. Ông Thư nghe câu đó lấy làm căm tức, về nhà thuật lại với con; từ đó quản Thi đem lòng thù oán lý Xuân, và luôn luôn bới bèo ra bọ, để kiện lý Xuân. Nhờ có thần thế lại có nhiều tiền, quản Thi đã thành một vị thần thông, có phép đổi đen ra trắng. Kết cục, lý Xuân hết cả cơ nghiệp, bị cách lý trưởng, lại bị phạt tù sáu tháng. Hai Thu là đứa ngỗ nghịch, trước sự oan ức của người ruột thịt, cố nhiên hắn không chịu nhịn. Sáng nay nhân có việc làng, hắn bèn sinh sự cãi nhau với quản Thi, rồi sẵn con dao chọc tiết lợn, hắn đâm và chém quản Thi đến hai chục nhát. Một nhát trúng phổi, quản Thi chết không kịp ngáp. Kể hết câu chuyện bạn tôi nói thêm:
- Ngay lúc xảy ra án mạng, lý dịch làng tôi đã phải phái người lên phủ trình quan. Tử thi còn phải để đó, đợi quan về khám.
Rồi thì anh ta kết luận: - Vụ này có lẽ hai Thu sẽ bị ghép vào án tử hình. Vậy là một quân "ông cụ" giết chết hai mạng.
Nguồn: truyenviet.com