XÂU LÒNG THỜ
Một ngày hôm qua tôi thấy bác Hai Đắc đến nhà tôi trọ trước sau tới mười một lần: lần đầu tiên trời mới sáng rõ, lần cuối cùng chừng hết canh hai. Trừ ra lần thứ mười một vì tối quá, không thể trông rõ, còn các lần trước, tôi đều gặp bác. Lạ thay, lần nào cũng vậy, sau khi thấy nói ông chủ nhà tôi đi vắng, thì bác lập tức lật đật trở về với cái bộ mặt đầy vẻ sợ hãi. Hôm nay, trời còn mờ mờ, đã thấy tiếng bác vấm véo gọi cổng. Ông chủ nhà tôi cũng chưa về, nên bác không vào. Rồi cách một giờ sau, bác lại hoảng hốt chạy đến. Và vẫn bị thất vọng như lần trước, bác lại lủi thủi đi về bằng một dáng điệu cực kỳ buồn rầu. Với bác, tôi không phải là chỗ quen thuộc, vì trọ trong làng B.X. đã lâu nên tôi cũng có biết mặt, biết tên, hơn nữa tôi còn biết bác là người đần độn, hiền lành, nhà khá, có trâu cày, có ruộng cấy. Bởi vậy, nay thấy thái độ khẩn cấp của bác, tự nhiên tôi cũng để ý suy nghĩ. Và tôi đoán rằng: chắc bác đã phạm một tội quan trọng, nếu không chứa đồ quốc cấm, tất là lỡ đánh chết người. Nhưng mà tôi lầm. Nếu bác mắc phải một trong hai việc đó, thì từ hôm qua đến giờ, làng nước đã đồn ầm lên rồi, người ta đã gông cổ bác điệu lên quan rồi, khi nào bác được xổng xểnh chạy đi, chạy lại? Huống chi một người cẩn thận như bác, đời nào có thể xảy ra những việc ghê gớm ấy? Thế thì cớ gì bác phải tìm ông chủ nhà tôi gấp quá như thế? Trời cũng không thể đoán được! Bóng nắng đã đến nửa thềm, bác lại lù lù tiến vào trước sân giữa những tiếng sủa xô xát của đàn chó dữ.
- Cụ đã về chưa? Anh nhỏ!
Thằng nhỏ vì phải đuổi chó cho bác nhiều lần, nó cũng phải phát cáu với bác:
- Chưa về! Làm gì mà đến hỏi luôn thế! Chỉ quấy rầy! Bác giả vờ như không nghe tiếng và lại quay mặt trở ra, toan đi. Vì muốn rõ cái chuyện cấp bách của bác, tôi cố gọi bác vào trong buồng học và hỏi:
- Bác tìm cụ Chánh có việc gì mà kíp như vậy? Nói cho tôi biết, xem tôi có giúp được chăng?
Bác cám ơn tôi và đáp:
- Chỉ có cụ Chánh họa chăng mới cứu được tôi. Nếu hôm nay mà cụ không về, thì tôi đành phải ngồi tù. Rồi, như trong bụng nóng nảy không thể ngồi yên, bác lại đứng dậy toan ra. Tôi phải an ủi, giữ bác ở lại để hỏi cho hết câu chuyện. Nể tôi quá, bác lại nén lòng ngồi xuống và kể đầu đuôi cái nạn phi thường của mình.
Thì ra trưa hôm kia, làng ấy làm lễ "thượng điền". Đó là cái lễ để trình với vua Thần nông và các cụ tiên nông trong làng đời xưa biết rằng: làng mình cày cấy đã xong.
Cũng như lễ "hạ điền" cử hành trong khi bắt đầu cắm cây lúa xuống ruộng, lễ này tại các thôn quê làng nào cũng có. Bởi vì làng B.X năm nay trời cho mưa nắng thuận hòa, suốt một vụ cấy, không nhà nào phải tát một khau nước nào, hơn nữa, hễ cấy đến đâu lúa cứ xanh tốt ngùn ngụt đến đấy, không cần phân tro gì hết. Người ta tin rằng nhờ có quỷ thần ủng hộ mới được như thế. Cho nên, nhân ngày "thượng điền" làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui. Trong khi cúng tế, thịt lợn để nguyên cả đãnh, lòng lợn cũng để nguyên cả giàn, nhưng phải thái lấy tám bát đủ cả dồi, tim, gan, phổi, lá lách, dạ dày, để bày vào mâm xôi thờ, người ta gọi là lòng thờ. Tế xong, đồ lễ hạ xuống, phận sự bốn người "bàn hóa" phải giữ công việc làm cỗ. Theo lệ làng, phần của trai làng chỉ có xôi thịt. Ngoài ra sỏ lợn, lăm lợn, nhỡn lợn, mũi lợn, rồi móng chân lợn và khấu đuôi lợn đều phải để làm phần biếu, để biếu từ cụ Chưởng lễ đến ông bàn nhì. Còn riêng tám bát lòng thờ thì phải để kính tám ông trên nhất có ra lễ thánh trong lúc cúng tế. Vì vậy, số lòng lợn ấy lại có biệt hiệu là "lòng mũ áo". Bác Hai Đắc mới lên "bàn hóa" từ đầu năm nay. Trong bữa "việc làng" hôm kia, bác cũng dự một chân làm cỗ. Công việc thái thịt, bày thịt cho phần trai đinh, sức bác làm dư đi rồi. Rắc rối cho bác, chỉ có cái số phần biếu. Thể lệ kính biếu, không phải chỉ nói bằng miệng mà thôi. Ông nào được biếu thứ nào, đã có sổ sách biên chép rõ rệt. Cuốn sổ ấy có chữ cả làng ký kết, lại có trình quan trên duáệt y, nó là một pháp luật của làng, không ai được phép thay đổi. Một người "bàn hóa" biết chữ, khi chia phần biếu có thể giở sổ mà coi. Nhưng với những người không biết chữ nào, ít nhất cũng phải tập sự hai năm mới thuộc, bởi vì một năm chỉ được học việc có bảy tám lần mà thôi. Bác Hai Đắc không biết chữ gì, và lên bàn hóa mới già nửa năm, cố nhiên bác không thể thạo được chức vụ. Tuy vậy, hôm đó nhờ có ba người tuổi trên cáng đáng, cho các phần cũng không lầm lẫn. Khổ cho bác, chỉ tại một "xâu lòng thờ" của cụ Chưởng lễ. Hôm ấy cụ Chưởng lễ có ra chủ tế, phần cụ phải có một xâu lòng thờ là dĩ nhiên rồi. Tế xong cụ cũng mũ áo lễ thánh như các ông khác, theo lệ, cụ lại được hưởng xâu nữa. Bác Đắc không hiểu lệ đó, chỉ để phần cụ một xâu. Đến khi thằng nhỏ đệ phần vào nhà, cụ Chưởng lễ kiểm lại số thịt thấy thiếu, tức thì cụ sai đầy tớ gọi bác đến nhà, ghép bác vào tội tự nhiên cất phần của cụ, và bảo cho bác biết rằng: việc ấy cụ đã nhất định đưa lên quan xét, rồi cụ sai đuổi bác ra, không cho nói thêm câu nào. Mấy lần bác đã cậy người xin giúp, đều không đắt nhời. Bây giờ chỉ còn một cách nhờ cụ Chánh Cựu - tức là ông chủ nhà tôi - nói đỡ. Xưa nay cụ Chưởng lễ vẫn nể cụ này, nếu như cụ này chịu giúp cho bác, họa may bác được thoát nạn... Vì thế bác phải khẩn cấp đi tìm ông chủ nhà tôi. Nói đến đây, thấy bác rơm rớm nước mắt và thêm:
- Năm xưa một người bàn hóa cũng đánh mất phần của cụ Chưởng lễ, và bị cụ ấy đi kiện. Hai bên vật nhau từ huyện lên tỉnh lại sang Hà Nội. Rút lại, người bàn hóa đó tốn kém đến gần nghìn bạc mà vẫn bị phạt một đồng. Ấy là anh ta nhà giàu, biết lý luật, lại biết tòa nọ, sở kia, còn không chống nổi cụ ấy. Huống chi như tôi, tiền không có, từ thuở mẹ đẻ đến giờ không đến cửa quan bao giờ... nếu bị kiện, mười phần chắc phải ngồi tù cả mười. Rồi bác gạt nước mắt đứng dậy.
Ngoài sân nghe có tiếng giày sền sệt kéo trên mặt gạch. Ông chủ nhà tôi đã về. Bác Hai Đắc vội vàng nép vào cây cột gần đó, và vái một vái cực kỳ cung kính. Ông chủ nhà tôi điềm nhiên đi vào trong nhà. Sau khi bỏ khăn và cởi áo ngoài treo lên đinh cột, ông ấy ghé vào chỗ tôi, vớ lấy cái điếu, châm lửa hút thuốc. Chờ cho ông ta thở hết hơi khói trong miệng, bác Đắc khúm núm đi ra trước chiếc phản ngựa, thụp xuống lễ luôn hai lễ.
Ông chủ nhà tôi có vẻ ngạc nhiên và hỏi giật giọng:
- Mày làm cái gì thế, Đắc?
Bác Đắc với bộ lưng khom khom như hình con tôm, chắp tay đứng ở ngoài thềm, nước mắt chảy ra giàn giụa:
- Lạy cụ, xin cụ cứu con...
Ông chủ nhà tôi vẫn một giọng sửng sốt:
- Mày làm sao?
Bác này như líu lưỡi lại:
- Lạy cụ cứu con!
Ông chủ nhà tôi phải gắt:
- Nhưng mà cứu cái gì chứ? Thằng này điên à?
Bác Đắc đứng bên cửa vừa mếu vừa kể cho ông ấy nghe việc đánh mất phần của cụ Chưởng lễ và bị cụ ấy đe kiện. Ông chủ nhà tôi nhìn tôi, và cười tủm tỉm:
- Cái phái tổng lý chúng tôi có gớm hay không?
Rồi ngoảnh sang nhìn bác Đắc, ông ấy lại gặng:
- Bây giờ mày bảo tao đi lạy mướn cho mày à?
Bác Đắc chỉ nằn nì mãi một câu:
- Lạy cụ, xin cụ cứu con!
Ông chủ nhà tôi ngần ngừ một hồi, rồi đáp:
- Nói với con mọt già ấy khó lắm, phi tiền không xong. Nhưng cứ về đi, lát nữa tao đi cho. Chiều lại đây, công việc thế nào tao bảo.
Bác Đắc sung sướng vái chào chúng tôi rồi ra. Mặt trời tà tà, ông chủ nhà tôi khăn áo chỉnh tề ra đi. Một lúc lại thấy trở về và nói với tôi:
- Tôi đã biết mà. Lão Chưởng lễ làng tôi đểu lắm, cái gì cũng tiền. Tôi đến nói hộ thằng Đắc, lão ta nhất định đòi hai điều này:
một là thằng Đắc giết lợn mời làng tế thánh để lấy một xâu lòng thờ biếu hắn; hai là nó đền cho hắn trăm bạc. Mà hắn đã nói một trăm, ít ra cũng phải sáu chục mới xong. Ấy ở nhà quê khó thế, ông ạ! Có của đã chắc giữ được mà ăn đâu?
MỘT CHIẾC LĂM LỢN
Bấy giờ bóng đã chiều cả. Mặt trời chỉ cách ngọn tre của dãy làng xóm xa xa độ vài con sào. Chân trời phía tây dần dần hiện những tia đỏ. Dưới đồng còn đông người làm. Trong rừng ngô đậu xanh rì, tiếng hát theo gió đưa đi réo rắt. Tôi vừa đi đến ngã tư rẽ vào con đường làng Đ.C và những giọng lên bổng xuống chìm của bọn gái quê xới đậu, vun ngô như đương bảo tôi khoan bước để thưởng cái cảnh trời xuân mình mị.
Bỗng ở trong nẻo đầu làng có tiếng thét lớn, như phá cái bầu tịch mịch của cánh đồng chiều, làm cho các đám hát xướng đều phải im bặt. Càng đi gần lại, tiếng thét càng dữ thêm. Tiếp đến tiếng chửi phũ phàng của cơn thịnh nộ, rồi đến tiếng kêu làng nước inh ỏi.
Trong khu văn chỉ của làng Đ.C. bóng người đen kịt. Và ở cổng làng cũng như các ngả đường khác, đàn ông đàn bà tất tả chạy ra. Ai cũng như nấy, mỗi người trong tay đều có một món khí giới, hoặc sào, hoặc gậy, hoặc cán cuốc, hoặc đòn gánh, có người thì vác cái vồ đập đất. Tứ chi bát mạch, nhất tề đổ vào khu đất văn chỉ với một bộ điệu hùng hổ.
Đánh! Đánh! Đánh!
Mấy tiếng thét đánh vừa dứt, cuộc hỗn chiến tức thì bắt đầu. Đòn gánh giơ lên, tai cuốc bổ xuống, tiếng chí chát của các khí giới đụng nhau xen lộn với tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng gầm gào, nghe thật gớm ghiếc. Tôi phải dừng lại ở một quãng xa để chờ đến lúc tan cuộc, vì rằng đường đi đã bị chiến trường ngăn cản, không có lối nào qua được. Tấn náo kịch mỗi lúc một thêm kịch liệt. Các toán viện binh các nơi vẫn tiếp tục kéo đến ầm ầm. Đáng sợ nhất là mấy mụ đàn bà. Xắn váy, xắn áo và quấn búi tóc vểnh ngược, các mụ liều mạng xông vào trận địa như một đội quân cảm tử.
Tôi phải rùng mình sởn gáy, khi thấy một người lực điền thẳng tay giơ vồ đập đất bổ vào đầu một ông già vừa chui ra khỏi vòng vây. Ông già ấy loạng choạng, lảo đảo như con gà toi giẫy chết rồi ngã phục vị xuống đất. Người lực điền kia lại vác chiếc vồ nghênh ngang vào trận. Giữa đám túi bụi, thấp thoáng có bóng xanh xanh. Khi đã lách qua vòng vây, bóng xanh xanh liền hiện ra thành hình người. Ôì! Lạ! Trong đám ẩu đả lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc! Tuy rằng đứng ở đằng xa, tôi cũng trông rõ hình dạng. Người ấy hàm râu đã dài, cái áo thụng lam đã toạc vạt trước, trên trán có một vết đỏ chạy thẳng từ trán xuống cằm, có lẽ là vết máu chảy. Chỉ kịp lật mũ vất xuống vệ đường, người ấy vén tay áo thụng, giằng lấy chiếc gậy của một người khác, rồi quay vào đám đông người, ra sức vụt lấy vụt để. Hình như bây giờ đến hồi loạn chiến, người ta chỉ cốt đánh cho sướng tay, bất phân ai là phe thân, ai là phe thù. Vì vậy, giao chiến đã lâu mà vẫn chưa phân thắng phụ. Phía trong cổng làng chợt có tiếng hiệu rúc hồi. Một đoàn tuần phu độ hơn mười người, kẻ vác giáo, người vác mã tấu, tấp nập đi theo lý trưởng tiến lên khu đất văn chỉ.
- Trói lại! Trói hết cả lại! Điệu về đình kia! Đánh nhau chết người ra đấy, tội vạ ai chịu?
Lý trưởng thét vừa dứt miệng, cả bọn tuần đinh hăng hái sấn vào đám đông, đàn áp một cách hùng dũng và can đảm. Các tay chiến sĩ tuy đương "ham đánh" nhưng cũng còn sợ pháp luật, thấy bóng tuần phiên tiến vào, ai nấy tản mác lùi ra, kẻ này chạy vào trong làng, người kia trốn xuống dưới ruộng. Trên bãi chiến trường còn lại bọn tuần đinh với một đám độ hơn mười người hầu hết có mặc áo thụng.
Cái gì thế nhỉ? Cớ sao người ta lại bận lễ phục để đi đánh nhau? Hay là ở đây cũng là cửa Khổng, sân Trình, cho nên dù là đánh nhau, cũng phải giữ lễ? Giông tố đã yên, tôi bèn lại chỗ văn chỉ để về trong làng, và luôn thể coi qua cho biết tình hình cuộc đại chiến.
Té ra những ông áo thụng còn lại đó rặt là "tư văn" và đều bị thương tất cả. Đau nhất là ông Cựu Thỉnh. Ông ấy bị một vết ở má bên phải. Hình như nó là vết thương của mấu đòn gánh đập vào -gò má bị khuyết mất một miếng thịt khá to, cái xương lòi ra, máu chảy rành rạch xuống vai áo thụng. Rồi đến ông Cựu Bình. Không biết ông này bị những cái gì đánh vào má trông thảm quá, giữa trán bươu lên như quả ổi lớn, gò má bên trái sưng húp như cái đồng chai úp vào.
Con mắt bên ấy híp lại như mắt lợn ỷ. Rồi đến ông Phó Đê, cái ông bị một cái vồ lúc nãy. Ông ấy mất mảng tóc đỉnh đầu, thịt non phơi ra đỏ hỏn. Cả ba ông đó cùng phải nằm liệt dưới đất, thi nhau kêu rên hừ hừ. Còn các ông khác, hoặc bị thương ở mặt, hoặc bị thương ở tay, hoặc bị thương ở vai hay cổ, tuy cũng đau lắm, nhưng còn có thể ngồi gượng. Sau khi sai người lấy chiếu đắp cho những người đau nặng, lý trưởng cắt bọn tuần phiên, một nửa ở đó canh gác, một nửa thì đi lùng bắt những kẻ có dự vào cuộc chiến tranh. Rồi hắn về nhà đóng ngựa lên huyện, khất quan về khám. Lúc ấy trời đã gần tối, những người làm đồng lũ lượt trở về. Một người cùng đi một đường với tôi, đã được chứng kiến trận ẩu đả ấy và có biết rõ nguyên úy. Cứ như anh ta đã nói, thì căn do của tấm thảm kịch chỉ tại một chiếc lăm lợn. Làng Đ.C. cũng như làng khác, vẫn có riêng một số người chuyên coi về việc tế tự, người ta gọi là "tư văn" hay là "văn giáp", hoặc "văn hội", có làng gọi là "quan viên". Mỗi khi làng có cúng tế thì từ chủ tế đến việc rước nến, bưng đài, đều do tư văn phải làm.
Theo nguyên tắc, hội "tư văn" tức là môn đồ của Khổng phu tử. Bởi vì trong số hội viên, trừ những người dưới do làng bầu ra, các người đứng đầu phải là những bậc khoa hoạn. Làng nào không có khoa hoạn, thì lấy những người chức sắc thay vào. Hàng năm, cứ đến ngày "đinh" của tháng giữa mùa xuân và ngày "đinh" của tháng giữa mùa thu, tư văn làm lễ tế tại văn chỉ, gọi là xuân đinh và thu đinh. Đó là lễ riêng của hội tư văn, người ngoài không ai được dự. Nhưng không phải là tế Khổng tử. Quyền tế Khổng tử thuộc về nhà vua và các văn miếu hàng tỉnh, hàng phủ, còn dân gian thì chỉ được tế những vị "tiên đạt" của làng mình. Làng Đ.C. không có khoa mục. Chức Chưởng lễ của hội tư văn vẫn thuộc về cụ Bá Trung. Đáng lẽ mỗi khi trong làng có tế, bất kỳ là tế ở đâu, cụ ấy vẫn được giữ ngôi tế chủ. Nhưng vì tuổi già, lễ bái khó nhọc, cho nên cụ ấy vẫn giao công việc chủ tế cho ông Cửu Nghĩa. Theo lệ nhất định, những khi làng làm lễ bằng lợn, cái sỏ lợn phải để biếu cụ Chưởng lễ, còn cái cổ lợn thì cắt làm hai khoanh tròn - người ta gọi là cái lăm -một khoanh biếu ông tả văn, một khoanh nữa thì để biếu một ông nào đã gánh công việc chủ tế. Chủ tế là ông tả văn, ông ấy sẽ được hưởng cả đôi lăm, nếu chủ tế là cụ Chưởng lễ, thì phần cụ ấy phải có một lăm một sỏ. Mọi khi hai cái lăm của con lợn tế thần đều là phần ông Cửu Nghĩa.
Bởi vì ông ấy vừa quyền tế chủ lại vừa viết văn. Nhưng độ này ông Cửu Nghĩa ốm nặng, ngày mai tư văn làm lễ xuân đỉnh chắc là ông ta không thể ra làm chủ tế. Chức ấy phải cắt đến người thứ ba. Từ chiều hôm nay, tư văn có sửa tuần rượu đệ lên văn chỉ làm lễ "túc yết". Ai vào chủ tế ngày mai, hôm nay phải lên văn chỉ mà khấn, để các tư văn lễ theo. Chiếu theo ngôi thứ, chức chủ tế ngày mai đến ông Cựu Thỉnh, và rồi ông ấy sẽ được hưởng cái lăm lợn dư huệ của ông Cửu Nghĩa.
Ông Cựu Bình lấy thế làm tức. Bởi vì, nếu ông Cựu Thỉnh từ chối, thì chức tế chủ và cái lăm lợn ngày mai sẽ về ông ta. Đợi lúc ông Cựu Thỉnh xúng xính mũ áo, sắp sửa vào khấn, ông Cựu Bình ngăn lại và nói:
- Ông định khấn như thế nào, phải đọc trước cho cả tư văn cùng nghe cái đã!
Cái đó mới hiểm độc chứ!
Một người suốt đời chưa học chữ nào như ông Cựu Thỉnh thì đọc văn khấn làm sao cho trôi.
Bí quá, ông Cựu Thỉnh phát cáu:
- Khấn thế nào, tôi không phải trình với anh.
Ông Cựu Bình càng làm già:
- Không phải trình tôi, thế thì nếu anh khấn cha, khấn mẹ về đó, tư văn cũng phải chịu à?
Ông Cựu Thỉnh đương cơn tức tối, liền tát cho ông Cựu Bình một cái và thét:
- À! Thằng này mày chửi ông à?
Ông Cựu Bình cũng không chịu nhịn, túm luôn lấy cổ áo thụng ông này và đấm vào gáy một chặp. Trong đám tư văn, có người là họ ông Thỉnh, có người là họ ông Bình, thấy hai bên đánh nhau, kẻ thì kêu làng cầu cứu, người thì xông vào đánh giùm. Lúc này, người làm dưới đồng còn đông, những kẻ thù ghét cả hai ông kia, thi nhau kéo lên đánh hôi, cốt để gieo vạ cho kẻ thủ xướng, vì thế mới ra cuộc đại chiến, và mới đến bấy nhiêu người bị thương. Nửa đêm hôm ấy quan huyện mới về biên án. Ngay lúc đó, những người bị thương đều được khiêng lên nhà thương. Khi họ đi đường, người ta còn nghe tiếng rên ầm ầm...
MIẾNG THỊT GIỖ HẬU
Hôm ấy vào khoảng thượng tuần tháng chạp. Trời đương quang đãng, tự nhiên thấy tối sầm lại. Gió bắc ở đâu kéo đến đùng đùng. Những đám mây đen tự phía chân trời lù lù tiến lên giữa trời, rồi hóa ra một tấm màn màu tro phủ kín bầu trời. Bằng cái hăng hái của người chạy mưa, tôi cứ trông thẳng cổng làng H.Đ. cắm đầu đi thật rảo bước. Tấm màn màu tro dần dần thấp xuống rồi những luồng chớp nhằng nhằng như đàn rắn vàng đuổi nhau ở nẻo xa xa. Rồi những tiếng sét vỡ trời từ góc trời nọ, dồn nhau sang góc trời kia chẳng khác tiếng những tảng đá lớn từ đỉnh núi lăn xuống chân núi. Hột mưa rào rào sa xuống, như muốn giúp sức cho sự giá lạnh. Hai má tôi đã thấy buốt, hai tay tôi đã thấy cóng. Trong cái quán ở đầu cổng, đàn ông đàn bà đương chen vai nhau đứng vây chung quanh mấy bó mạ chiêm. Những lúc phong vũ bất tình, ai cũng muốn giữ thân nấy, khi nào họ chịu nhường chỗ cho một người lạ? Tôi đành đội mưa dò trên con đường lầm lội, định cố đi tới nhà một người bạn rồi nghỉ luôn thể. Nhưng khi mới đến sân đình, trời càng mưa to, không thể liều đi được nữa, tôi phải lánh lên thềm đình. Ở ngoài cổng đình lù lù tiến vào một lũ độ trên mười ông lão già. Ông nào cũng như ông nấy, đầu đội nón lá, lưng khoác áo tơi, tay chống một chiếc gậy tre lộc cộc. Sau khi đã chao chân vào cái vũng nước dưới giọt đình, các cụ lẩy bẩy trèo lên thềm đình, và lò dò bước lên sân đình với những tiếng thít tha đáng ái ngại. Hết bọn ấy, lại tiếp bọn khác. Các cụ lẻ tẻ đến mãi. Những bọn sau không được đông như bọn trước, mỗi bọn độ vài bốn người. Trên đình có tiếng mâm bát lẻng kẻng. Mùi hương ngào ngạt trong đám tiếng người lào xào. Hẳn là người ta cúng lễ gì đó. Tôi không để ý và chăm chăm nhìn những giọt nước từ mái ngói chảy xuống sân gạch.
Trời tháng chạp mà sao mưa to làm vậy? Chỉ trong một lát sân đình nước chảy lênh láng, bong bóng trôi trên mặt nước lềnh bềnh. Gió bấc mỗi lúc mỗi thêm dữ dội; nó hắt hột mưa tua tủa vào chỗ tôi đứng, như muốn đuổi tôi lên đình để xem cảnh tượng trên ấy ra sao. Dưới bức chấn song ở phía sau đình, một chiếc mâm cao sơn đỏ chễm chện kê giữa mảnh chiếu rách cạp. Trước mâm có để mấy bó vàng hồ, một chai rượu và mấy quả cau. Trên mâm là một tảng xôi vuông vắn bằng cái lá nem và một miếng thịt lợn luộc ước chừng hai cân trở lại. Nén hương cắm trong mâm xôi cháy đã hết nửa, tàn hương rụng trên mặt xôi đen xì. Các cụ túm năm, tụm ba, bó gối ngồi trong mấy chiếc chiếu trải liền bên cạnh bao lơn. Tất cả độ bốn chục cụ, cụ nào cũng sắc mặt xám mét. Thấy tôi nhô lên, các cụ đều ngơ ngác nhìn. Lâu lâu, một cụ sẽ cất cái giọng run run của người bị rét:
- Ông khách vào chơi nhà ai?
Tôi đáp rất lễ phép:
- Thưa cụ, tôi vào thăm ông tú Tĩnh
Cụ khác lên giọng phều phào:
- Ấy! Nhà tôi cũng ở liền ngõ với ông ấy. Ông hãy ở đây lát nữa cùng đi với tôi.
Thì ra cụ này chính là cụ Thượng làng ấy. Sau khi tôi tỏ ý cám ơn, một cụ nữa ngó vào cụ ấy và nói:
- Thôi hết hương rồi! Cụ Thượng "vái hạ" đi cho!
Cụ Thượng sẽ gật đầu, rồi lom khom đứng ra phía trước mâm xôi, cúi đầu vái luôn ba vái. Trong đám có tiếng dõng dạc, tôi không nhận ra tiếng cụ nào:
- Thằng Mới hạ mâm xuống để làm cỗ đi. Tất cả bốn mươi sáu xuất, mười một cỗ rưỡi, với một cỗ nhà chứa, một cỗ cho mày. Làm mười bốn cỗ, còn thừa hai phần! Nghe không?
Với một tiếng dạ không được lễ phép cho lắm, thằng Mới nhanh nhẩu bưng mâm xôi thịt đến chỗ dao thớt giữa khi một cụ ít tuổi trong bọn lệch kệch nhắc mấy bó vàng ra chỗ bệ đình, phì phò thổi chiếc mồi rơm, châm lửa.
Thằng Mới làm cỗ mới nhanh làm sao! Đống vàng cháy chưa hết nửa, mười bốn mâm cỗ đã xong cả rồi. Nó bưng từng mâm đặt ra các chiếu. Mỗi mâm chỉ có một đĩa thịt mỏng, một bát nước mắm và một cục xôi bằng bánh xà phòng ba xu. Bốn một, tám hai, các cụ tự do ngồi vào các cỗ, không ai phải mời ai. Cụ Thượng sai thằng Mới bổ cau quệt trầu đưa ra thết tôi:
- Mời ông xơi tạm miếng trầu. Chúng tôi xin thất lễ ông chén rượu. Hôm nay làng tôi có giỗ ông hậu. Mọi khi còn làm to hơn. Bây giờ thời buổi cải lương, nên có giảm đi đôi chút.
Chai rượu bị rót ra hai cái bát ở mâm thứ nhất, lần lượt chuyển xuống đến mâm cuối cùng. Các cụ bắt đầu cầm đũa. Một cụ lại gọi thằng Mới:
- Còn thừa hai phần, mày đem một phần chiếu lại lên mâm cụ Thượng, còn một phần nữa thì để cho người quá lộ!
"Người ta sắp sửa bố thí xôi thịt cho mình đây chắc?" Tôi đương tự hỏi như vậy, thì ở trong đám vừa thấy có người cắt nghĩa:
- Ông khách hẳn chưa biết hai chữ "quá lộ" là gì. Chính nghĩa thì là những người qua đường, nhưng đây chúng tôi chỉ nói riêng bọn ăn mày. Là vì trong lúc dân làng ăn uống, thường thường vẫn có ăn mày đến xin. Dù ít dù nhiều, thế nào cũng phải cho họ. Bởi vậy, đám nào làm cỗ, cũng phải để dành cho họ, nếu họ không đến thì cho thằng Mới.
Dứt lời, các cụ lần lượt chia đũa mời nhau "đưa cay". Câu chuyện "cái giá cắn đôi" của đất Hà Nội, tôi mới được nghe chưa từng được thấy, nhưng ở đám này tôi đã mục kích được một kiểu ăn uống còn có lễ độ hơn thế. Miếng thịt gắp lên, các cụ chỉ sẽ "nhấm" một chút xíu, rồi lại đặt luôn xuống bát của mình. Có lẽ cái chỗ bị "nhấm" nó chỉ lớn bằng hạt đỗ. Ngoài sân sấm vẫn ù ù, những hạt mưa đã nhỏ dần dần, chiều trời cũng quang dần. Tôi đương vơ vẩn trông trời trông đất, chợt thấy có tiếng đũa đặt xuống mâm leng keng. Chai rượu đã hết, các bát rượu đã cạn, các cụ đã cùng bãi tiệc, xôi thịt còn lại, đương bị chia ra làm phần. Tuy đứng xa tôi cũng trông rõ: mỗi phần chỉ có hai ba miếng thịt xâu vào cái tăm và một hòn xôi bằng quả ổi con đặt ở trên mảnh lá chuối. Mưa tạnh, các cụ lần lượt đứng dậy, ai nấy đội nón chống gậy mặc áo tơi, lò dò bước xuống sân đình với một dáng bộ run rẩy. Cụ Thượng phều phào bảo tôi:
- Nào! Ông khách có vào nhà ông tú Tĩnh thì đi với lão. Hình như có vài hớp rượu, cơn rét của cụ lại càng tăng thêm. Ra khỏi đầu đình, hai ống chân cụ loạng choạng, xiêu vẹo, mấy lần xuýt ngã. Tôi phải chạy lại gần cụ, nắm lấy cánh tay và dắt cụ đi. Bằng hai hàm răng đập vào nhau cầm cập, cụ vừa đi vừa nói chân tình:
- Tôi gần tám mươi tuổi đầu, mà lúc mưa rét thế này, cũng cố dò đi ăn uống, chắc ông sẽ cho là già tham ăn. Thực ra, tôi có thiết gì miếng xôi, miếng thịt! Sở dĩ cố đi, chỉ vì có mấy đứa cháu. Ở nhà quê gạo ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mua thịt? Nếu không có miếng phần việc làng, thì những trẻ con quanh năm không được biết mùi thịt ra sao. Bởi thế, tôi phải dò đi, để lấy phần về cho chúng nó...
Câu chuyện chưa hết, cụ Thượng vừa tới cổng nhà, mấy đứa trẻ con, mặt xám như gà cắt tiết, thấy cụ liền reo một cách mừng rỡ như người được của:
- A! Ông đã về! Phần của cháu đâu?
Hình như chúng nó đợi cụ đã lâu lắm.
Nguồn: truyenviet.com