11/12/12

Việc làng (C7-9)

NÉN HƯƠNG SAU KHI CHẾT

Từ hôm làng bàn chữa lại tam quan đến nay, hôm nào ông chủ nhà tôi cũng bận tiếp khách, bỏ cả công việc. Thằng ở đã phải càu nhàu, bà chủ đã phải lườm nguýt, mấy con chó dé nhăng nhắc sủa không dứt tiếng. Hôm nay cũng vậy, những ông kỳ dịch hương hội vừa ra, bà lão răng móm đầu bạc đã vào. Người ta nói chuyện với nhau ở trên nhà thờ. Hình như câu chuyện cũng không cần bí mật. Biết là việc riêng của họ, tôi không có ý nghe ngóng làm gì, nhưng cái lỗ tai vô tình thỉnh thoảng lại bị lọt vào những câu như vầy:
- Sức tôi chỉ lo được thế, trăm sự nhờ ông giúp tôi.
- Tôi vẫn hết sức giúp cụ, nhưng ông Điển lễ nhất định không nghe, không lẽ tôi làm phù thủy lại hù gà nhà!
Tan một hồi tiếng to, tiếng nhỏ, bà lão lững thững chống gậy trở ra, ông chủ nhà tung tăng đi xuống nhà học với một nụ cười đắc chí:
- Ở nhà quê, giàu mà lép vế nghĩ cũng khổ thật ông ạ! Tôi chưa nói sao, ông ta liền hỏi:
- Chắc ông không biết bà lão mới rồi là ai? Và ông ấy lại giảng:
- Đó là bà Tư Tỵ, thím thằng cả Thân ở xóm dưới. Bà ta góa chồng từ thuở ngoài hai mươi tuổi. Lúc chồng chết đi, trong nhà không có hột gì. Chỉ nhờ có chiếc đòn gánh với hai bàn tay, thế mà trong mấy chục năm, bà ấy tậu được hơn bốn mẫu ruộng, làm được năm gian nhà ngói, còn tiền cho vay không kể. Làng tôi ai cũng phải phục bà ta có tài làm giàu. Vừa nói, ông ấy vừa ghé vào chỗ tôi ngồi và tiếp:
- Nhưng mà họ giàu là phải. Ông tính quanh năm khách khứa không có, sưu thuế không mất, làm gì mà chẳng giàu? Nếu mình mà được như họ, có lẽ còn giàu bằng hai. Tuy vậy giàu như bà này, cũng chỉ là cái thân tội...
Ngừng lại để vê một mồi thuốc lào, rồi như sợ tôi cướp lời, ông ta kể luôn một mạch:
- Bà ấy không có con trai. Lúc trước chỉ được một đứa con gái, nhưng sau nó lại chết mất. Vậy mà bà ta hà tiện rõ "vắt cổ chày ra nước". Suốt đời cơm ăn với muối, bữa nào hoang lắm mới dám mua một mớ rau. Tháng năm tháng mười cũng như tháng ba tháng tám, nếu không độn khoai, thì độn ngô, chẳng bao giờ nấu cơm toàn gạo. Những năm gạo đắt, thường chỉ ăn khoai ăn ngô trừ cơm. Thế nhưng nhiều lúc vẫn phải đổ đi hàng trăm, hàng chục. "Là vì ông lý ông phó làng tôi, đều tay ghê gớm. Thấy bà ta có, nay người này hỏi vay vài chục, mai người kia hỏi vay vài chục. Cho họ vay, ấy là mất hút, chớ có bao giờ họ trả. Nhưng nếu không cho họ vay, họ sẽ bới bèo ra bọ, khó mà yên lành với họ.
"Bà ta cũng đã chịu khó luồn lọt. Nội các đàn anh trong làng, nhà nào có giỗ có chạp, hay có cưới xin khao khoán, dù không mời, bà ta cũng đến, với một món đồ lễ: đám nhỏ vài chai rượu, đám lớn thì vài đồng bạc. Những lúc làng có công việc, ví như chữa đình, chữa chùa chẳng hạn, bà ta đều có xuất tiền công đức, không tuần chay nào không mất nước mắt. Vậy mà các ông hào lý vẫn không tha cho, hễ gặp dịp bóp được là họ cứ bóp.

Tôi hơi ngạc nhiên và hỏi: - Bà ấy không có họ hàng nào ư? Cớ sao người ta chịu để người ngoài ăn hiếp mãi người trong họ như vậy?
- Họ hàng xa cả, chỉ có cả Thân là gần, chính nó được ăn thừa tự bà ấy. Nhưng mà thằng ấy tệ lắm, nó cũng đục khoét bà ta như mọt. Năm trước thua bạc, nó đã bán của bà ấy mất hơn mẫu ruộng, bà ta cũng phải cắn răng mà chịu. Nhiều lúc nó còn thông với các ông hào lý kiếm cớ mà xoay bà ta. Cái việc bây giờ cũng là ở nó mà ra, chứ ai!
Nói đến đây, như đã dứt mạch, ông ấy thông điếu đặt thuốc, hút một hơi dài. Rồi lại tiếp tục:
- Hiện nay bà ấy đương xin đặt hậu ở làng. Việc này, kỳ thủy không phải tự ý bà ta. Vì thằng cả Thân, thấy thím còn vài mẫu ruộng và mấy gian nhà, nó muốn bán nốt, nhưng trong làng chẳng có ai mua, hắn mới bàn với ông Điển xui cho bà ta đặt hậu, nếu việc xong, ông Điển phải chia cho nó một nửa số tiền. Ông kia bằng lòng. Nó liền về nhà tán với bà cụ thế này: đáng lẽ, sau khi bà ấy trăm tuổi, bao nhiêu gia tài sẽ về nó cả. Nhưng nó có tính chơi bời, sợ rằng không thể giữ được. Muốn cho chắc chắn, bây giờ đem một phần ruộng mà giao cho làng, sau này làng sẽ cúng giỗ cúng tết bà ấy mãi mãi. Bà ta nghe cũng bùi tai, liền bảo nó đi nói với các ông kỳ dịch xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh, sau kính làng. Một đám đặt hậu như thế, ở làng tôi kể cũng là hậu. Các ông hào lý nhận lời. Chờ đơn "ký hậu" làm xong, bà ta đã mắc vào tròng, bấy giờ họ mới giở ngón: ông Điển đòi năm chục, chánh hội, lý trưởng mỗi người đòi ba chục. Có được thế họ mới ký tên vào đơn, thì việc mới xong. Thấy thế bà ta chết ngã cổ ra, đã toan xin thôi. Nhưng họ lại dọa: nếu mà bà ấy bỏ dở việc này, ấy là bà đã đánh lừa làng, họ sẽ đệ đơn trình quan và sau khi bà ấy chết đi, làng không khiêng nữa. Bà ấy hoảng quá, không dám nói đến chuyện lôi thôi đặt hậu, chỉ xin rút bớt số tiền "nhuận bút" của các vị hào lý mà thôi. Mấy bữa nay bà ta luôn luôn đến đây là cốt nhờ tôi nói đỡ với họ. Tôi đã khuyên họ nên nghĩ phúc đức về sau, không nên bóp nặn người ta thái quá. Chánh hội, lý trưởng và các tộc biểu bằng lòng mỗi người bớt cho mười đồng, nhưng ông Điển lễ nhất định đòi đủ năm chục. Công việc nhà quê có rắc rối không? Ngoài cổng lại thấy có tiếng chó sủa, ông Điển lễ với tấm áo the quấn cổ, lộc cộc chống chiếc gậy song đi vào. Xăm xăm đến cửa nhà khách, ông ta nhìn ông chủ nhà tôi và hỏi một cách tự nhiên:
- Thế nào! Lúc nãy con mẹ Tư Tỵ nó nói với ông ra sao? Ông chủ nhà tôi liền mời ông ta ngồi vào ghế và đáp:
- Nó vẫn chối khan chối vã là không có tiền.
- Ông cho gọi nó đến đây! Tôi sẽ liệu xoay cách khác. Vâng lệnh ông chủ, thằng nhỏ lật đật vác gậy ra đi. Một lúc sau, bà lão Tư Tỵ đã đến với một dáng bộ khúm núm. Sau khi chào ông Điển lễ, bà ấy ngồi phệt xuống mặt thềm gạch. Ông Điển lên giọng hách dịch:
- Tôi đòi năm chục đồng bạc, bà tưởng là đắt hay sao? Nếu đắt thì thôi, tôi không cần. Một người như bà, sau khi nhắm mắt, kiếm được kẻ thắp cho nén hương cũng khó lắm thay, huống chi muốn được cả làng cúng lễ. Cũng vì làng chữa tam quan, cần đến tiền tiêu, cho nên chúng tôi phải cố thu xếp cho bà. Nếu như lúc khác, bà có hàng nghìn cũng không lo nổi. Bà thử nghĩ kỹ mà xem.

Bà lão nói giọng phều phào của người móm:
- Thưa cụ, tôi không dám tiếc các cụ, chỉ vì trong nhà chưa sẵn, ruộng bán không có ai mua, đi vay không được...
Ông Điển không để cho bà ấy nói hết lời:
- Nếu vậy thì bà gạt ruộng cho tôi cũng được. Không phải văn tự văn khế gì hết, hễ bà bằng lòng thì tôi cứ bảo chưởng bạ dịch số, rồi bà điểm chỉ vào sổ, thế là xong.
Hình như bà lão biết mình chẳng sống ở đời bao lâu nữa, không tiếc cái của mồ hôi nước mắt làm gì, nên phải miễn cưỡng vâng lời. Cả bọn cùng giải tán.
Hôm sau, ông chủ nhà tôi vừa cười vừa nói với tôi:
- Bà Tư Tỵ đã phải sang sổ cho ông Điển lễ hơn năm sào ruộng rồi đấy. Ông ấy đã ký đơn rồi, chừng vài ngày nữa bà ta sẽ phải chồng tiền hậu và giao ruộng hậu cho làng.

HẠT GẠO XÔI MỚI

Hôm nay vừa đầy tám ngày, ngày nào trong nhà ông Quyết cũng thấy họ mạc kéo đến tấp nập. Có gì đâu? ông ta phải sửa xôi mới. Với làng Th. của ông Quyết cũng như với nhiều làng khác, xôi mới vẫn là một lễ long trọng. Hễ làng chưa làm lễ ấy, các nhà không ai được ăn, hoặc cúng, hay bán thứ gì bằng nếp. Người nào phạm vào điều đó sẽ bị bắt vạ tức thì. Là vì theo tục thôn quê, nghề gì cũng có tiên sư, tiên sư của nghề làm ruộng là ông Thần nông. Muốn đền cái ơn dạy dân cấy gặt và muốn cầu cho suốt năm mưa thuận, gió hòa, hàng năm, đến mùa lúa chín, người ta phải tế ông ấy bằng ba mâm xôi bằng gạo nếp mới, ý nghĩa của lễ xôi mới là vậy. Cho được tỏ lòng thành kính đối với quỷ thần, làng lại bắt buộc gạo ấy phải do người làng làm ra, không được mua sẵn ở chợ, sợ rằng gạo chợ không được tinh khiết. Bởi vậy, làng đã để riêng một mẫu ruộng tốt, mỗi năm, chiếu theo ngôi thứ giao cho bốn người cầy cấy. Rồi khi gặt lúa, mỗi người phải thổi cho làng một nồi gạo xôi. Ruộng ấy, năm nay đến lượt ông Quyết được cấy một phần. Việc thờ không phải chuyện chơi.

Trước kia, mỗi lần cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, lần nào ông cũng phải sửa cỗ xôi con gà ra đình lễ thánh để trình công việc của mình, và lần nào ông cũng được có anh em họ hàng giúp hết mọi việc, không phải thuê mướn một buổi nào hết. Cố nhiên, được người làm giúp, nhà chủ vẫn phải tốn hơn thuê người làm mướn, vì phải cung đốn bà con một bữa cơm rượu xứng đáng với hảo tâm của họ. Nhưng ở nhà quê, nếu không được thế, sẽ bị người ta chê cười, cho nên dù có phí tổn ông cũng chẳng quản. Bây giờ việc thờ đã sắp đến ngày hoàn thành, số người làm giúp lại đông gấp mấy, thời kỳ làm giúp cũng dài gấp mấy khi trước. Bắt đầu từ hôm lúa chín, bên nội, bên ngoại đã có hơn hai chục người gồng quang xách liềm ra ruộng, cắt lúa cho ông. Ấy là chưa kể những người ở nhà làm đồ uống rượu. Nhà ông có bao nhiêu ruộng cấy nếp, người ta chỉ gặt một buổi là xong. Hôm sau, họ mạc lại đến đông đủ. Lúa cắt hết rồi, còn có việc gì để người ta làm? May quá, trong giống lúa nếp, bao giờ cũng có nhiều cây lúa nghển. Nghển là một thứ dở nếp dở tẻ, bởi khi hoa cái lúa nếp phơi màu, phấn của hoa đực lúa tẻ ở các ruộng khác bay vào, rồi nó chung đực cho hạt lúa nếp pha lẫn tính chất lúa tẻ. Đến khi gieo mạ, những hạt lúa ấy mọc lên, thành cây lúa nghển. Lúa nghển thổi cơm thì nát, thổi xôi không chín, là một thứ lúa vô dụng. Vì vậy, người ta cứ phải nhặt bỏ nó đi. Cây nghển bao giờ cũng dài hơn cây lúa nếp, nhặt nó cũng không khó lắm. Ở mọi nhà, họ cứ để nguyên đống lúa, sai lũ trẻ con rút đi một lượt là hết. Đằng này ông Quyết thừa người, việc ấy đã hóa ra việc quan trọng. Trước khi đập lúa, họ mạc mỗi người lấy vài lượm lúa đem ra ngồi khắp trong sân, vừa bới những dé lúa nghển, vừa kể chuyện cổ tích cho vui đình đám. Rồi khi nhặt hết lúa nghển, người ta chỉ cắt vài người kê cối mà đập, còn các người khác thì cùng lấy đũa kẹp vào dé lúa mà tuốt cho lúa rụng ra, không cần đập gì cả. Bởi vì, nếu ai cũng đập, việc sẽ chóng xong, họ mạc còn giúp vào đâu? Tuy vậy, bấy nhiêu công việc, cũng chỉ làm trong một ngày là xong. Qua bữa thứ ba, người ta lại cùng nhau kéo đến để giúp ông về việc phơi lúa. Lúc này, ai nấy đều muốn tỏ mình là kẻ đắc lực. Lúa đổ ra nong, người ta tranh nhau trang cào. Hạt thóc ít khi được nằm yên độ vài chục phút. Mọi nhà phơi lúa còn bị gà chim quấy nhiễu, nhà ông nhờ có họ mạc trông nom một cách tận tâm, chẳng những gà vịt không thể bạ men, mà đến con ruồi con nhặng cũng khó lai vãng trên sân lúa. Lúa phơi hai ngày thì già. Sang bữa thứ năm, bà con lại chiếu lệ kéo đến xay, giã. Bây giờ công việc đã có trật tự, người ta cắt những chàng trai khỏe mạnh đội gạo đi giã, còn các ông già, bà già thì phải ở nhà trông coi, hoặc là bổ cau, têm trầu, xào nấu các món ăn uống. Luôn hai ngày nay, các cối giã gạo trong xóm đều phải nhường chỗ cho hạt gạo thờ. Mấy nhà gần đó luôn luôn có tiếng xì xọp. Cái chỗ tôi trọ chỉ cách nhà ông một bức rào thưa. Quang cảnh linh đình của nhà ông vẫn tự do hiện vào mắt tôi. Liền trong tám ngày, tôi thấy ngày nào vợ ông cũng phải hai lần gồng thúng đi chợ để mua đồ ăn. Mỗi bữa thường thường có bảy tám mâm uống rượu. Trong nhà không đủ chỗ ngồi, người ta phải ngồi la liệt ngoài sân. Những lúc họ mạc say sưa, tiếng cười tiếng nói vang như cái chợ.
- Việc này bác cháu cũng phải tốn đến dăm chục. Mấy anh sang giã gạo nhờ ở nhà tôi trọ nói với tôi như thế khi họ nghỉ việc lên chỗ tôi ở để hút thuốc lào.

Ngạc nhiên tôi hỏi:
- Nghe nói lệ làng chỉ có một nồi gạo xôi thôi mà! Ông ấy tiêu gì mà hết đến bấy nhiêu tiền?
Họ đáp: - Vâng! Theo lệ làng cháu, mỗi người cấy ruộng xôi mới chỉ phải nộp làng một nồi xôi. Nhưng mà việc gì cũng vậy, một "tang" mười "ngoại" là thường, có khi còn hơn thế nữa. Để cháu xin nói cho ông nghe: "Phần ruộng của làng chia cho bác cháu năm nay, tất cả là hai sào rưỡi. Nếu như gặp năm được mùa, số ruộng ấy cũng được mười lăm nồi thóc, thừa đủ để thổi xôi làng. Nhưng lỡ phải năm mất mùa, nó chỉ được một hai nồi thì làm thế nào? Vì thế, bác cháu đã phải thuê thêm hơn hai sào nữa, dự phòng chỗ hao hụt đó. Rủi cho bác cháu, năm nay tiếng rằng được mùa, nhưng mà các ruộng lúa nếp, ruộng nào cũng bị chuột ăn. Từ khi lúa mới có đòng, bác cháu đã phải đốc xuất người nhà ra ruộng đuổi chuột. Có khi bố con cắt canh mà thức suốt đêm ở các bờ ruộng. Vậy mà nó vẫn ăn hủy ăn hoài, mười phần mất đến chín phần, hơn bốn sào gặt về phơi giã, quạt sạch, chỉ được mười ba nồi thóc, ông tính thế có hại không! Nếu là xôi thường, một nồi gạo chỉ xay độ một nồi thóc là đủ. Nhưng là xôi thờ, bác cháu phải cho xay tám nồi thóc tất cả. Bởi vì, xay rồi còn giã, giã rồi còn phải lựa những hạt đớn, hạt gãy bỏ đi. Tám nồi thóc lấy một nồi gạo, cũng không còn thừa mấy nỗi. Vả lại, từ hạt thóc làm ra hạt gạo, có phải dễ đâu? Luôn tám hôm nay, hôm nào họ mạc giúp đáp cũng phải chè chén. Chúng cháu tính ra mỗi ngày hà tiện cũng hết độ bốn đồng. Thế mà gạo đã được đâu? Còn phải giã thêm hai, ba ngày nữa. Giã đến khi nào hạt gạo bóng nhoáng, cám ở trong gạo trắng như vôi mới thôi!

Tôi lấy làm lạ, lại hỏi nữa:
- Lệ làng bắt phải như thế hay sao?
Họ lắc đầu nói tiếp:
- Không! Chẳng có lệ ngạch nào bắt. Chỉ vì một lớp bốn người cùng phải thổi xôi, người nào cũng sợ xôi của mình thua kém xôi của người ta, thì sẽ mang tiếng với làng, cho nên ai cũng phải cố. Trước kia làng cháu đã có lắm người chỉ sửa một "vấn" xôi mới mà mất cơ nghiệp ông ạ.
Rồi họ kết luận:
- Bác cháu lo xong việc này cũng không còn gì. Hôm qua đã phải bán một cái chum đựng nước lấy tiền mua rượu. Thì ra hạt gạo xôi mới có khi là cả gia tài của người ta.

MUA CỖ

- Đấy! Bác vào nói với nhà tôi! Ông ấy có giúp được bác thì giúp. Chứ tôi bây giờ chẳng có đồng nào. Bác nói mãi cũng đến thế thôi!
Tôi đương nói chuyện với ông chủ nhà trong buồng học, những tiếng the thé bỗng tự đầu thềm đưa vào, khiến tôi và ông chủ nhà đều phải trông ra phía sân. Bà chủ nhà đương cầm cái gậy đuổi chó để dẫn một người đàn ông lạ mặt đến sân nhà học, rồi lại trở xuống nhà dưới. Với cái nón cụp gãy cạp cầm tay, người ấy khúm núm bước lên thềm và rụt rè đi vào trong nhà. Sau khi đã nâng vạt áo nâu cũ lau qua những giọt mồ hôi đọng lại trên trán, hắn đặt cái nón xuống bậc cửa và nhìn thẳng vào ông chủ nhà:
- Lạy cụ ạ! Con sang từ nãy... Nhưng tưởng là cụ có khách, nên không dám lên.
Như sợ tôi lầm người ấy là một người bạn hay một người có họ thì có hại đến danh giá của mình, ông chủ nhà vội vàng giới thiệu bằng một cách trống suông:
- Bố thằng bé ở. Tưởng là ông khách quý nào!
Rồi bằng một giọng xách mé của kẻ cả, ông ấy ngước mắt nhìn người kia.
- Anh sang hỏi gì? Vay tiền chứ!
Người ấy vẫn quanh co ở ngoài bậc cửa, vì chưa được lệnh ông chủ bảo nên chưa dám ngồi. Khi thấy ông này gạn hỏi, anh ta liền tựa vào cột và nói giọng van lơn:
- Vâng! Cháu muốn kêu cụ giúp cháu ít đồng. Vì mấy hôm nữa, cháu phải "mua cỗ" cho em thằng Tý.
Thằng Tý là một thằng nhỏ mới đến ở nhà ấy được vài tháng nay, năm nay nó mới mười bốn tuổi. Theo sự tưởng tượng của tôi lúc ấy, thì chính nó cũng chưa từng dùng gì đến cỗ, huống chi em nó chắc còn bé nhỏ hơn nó... Thế thì người ta mua cỗ cho nó làm gì.
Tôi đương phân vân suy xét, ông chủ nhà lại ngó người kia và chối bai bải:
- Thấy nhà tôi nói, tiền công năm nay của thằng Tý, anh đã lấy trước rồi kia mà. Bây giờ còn tiền nào nữa mà giúp?
Người ấy vẫn cố nằn nì:
- Phải, tiền công năm nay của nó, cháu đã mượn trước của cụ bà rồi. Nhưng vì làng cháu mới gọi "bán cỗ" cho thằng bé con, cháu đi vay mãi không được, cho nên lại phải sang kêu với cụ... Xin cụ nhón tay làm phúc, cho cháu lo đủ lệ làng. Nếu cụ không cứu giúp cho, có lẽ vợ chồng cháu sẽ phải bỏ làng mà đi.
Câu nói khẩn thiết của anh ta làm tôi phải cảm động. Nhân lúc ông chủ đi ra, tôi mời anh ấy vào ngồi trong phản bên cạnh và hỏi:
- Bác ở làng nào?
Anh ta đáp rất lễ phép:
- Thưa ông cháu ở C.L.
À, C.L cái làng rất cổ trong tỉnh P.A tôi đã có dịp đi tới. Thoáng nghe tên nó, như nhắc cho tôi nhớ lại mấy người quen. Sau khi hỏi thăm qua loa về cận trạng của họ, tôi bắt sang chuyện người em thằng Tý:
- Thằng cháu thứ hai nhà bác năm nay mấy tuổi? Anh ta nhanh nhẩu trả lời:
- Thưa ông, nó mới năm tuổi.
- Năm tuổi mà đã mua cỗ của làng? - Vâng ạ! Theo lệ làng cháu con trai đẻ trong một tháng thì phải vào ngôi. Hễ ai có ngôi rồi thì làng cứ việc theo sổ mà bán cỗ cho! Có đứa mới có hai tháng đã phải mua cỗ rồi, nữa là năm tuổi!
Tôi càng không hiểu anh ta nói thế nghĩa là thế nào. Cái tính hiếu kỳ bắt buộc tôi cố hỏi cho hiểu:
- Đứa trẻ hai tháng hẳn chưa thể ăn được cỗ. Sao làng lại bắt chúng nó phải mua?
Anh ta bật cười, như muốn chế tôi là kẻ ngu ngốc. Rồi hắn cắt nghĩa:
- Thưa ông, gọi là mua cỗ chẳng qua nói theo tiếng của các cụ ngày xưa. Kỳ thực nào có cỗ bàn gì đâu! Số là hàng năm cứ đến thượng tuần tháng giêng làng cháu vào đám, trai đinh phải cắt lượt nhau làm cỗ bưng ra đình, để từ bàn trùm trở lên uống rượu nghe hát. Lệ của các cụ đặt ra thế. Nhưng đã lâu nay, làng không có nhiều của công, cho nên, mỗi khi làng cần đến tiền lại bắt những người sắp đến lượt phải làm cỗ, chồng tiền cho làng, chứ làng không lấy cỗ nữa. Vì vậy kêu là bán cỗ.

Bây giờ tôi đã hiểu bán cỗ tức là nộp tiền cho làng. Nhưng còn muốn biết rõ hơn, nên lại hỏi thêm:
- Mỗi năm làng bác dùng hết độ bao nhiêu cỗ?
Anh ta ra bộ đắc ý: - Ôëi chà! Làng cháu to lắm, tất cả đến ba nghìn suất đinh. Riêng từ bàn trùm trở lên cũng có hơn bốn trăm người. Tục làng sáu người một cỗ, cứ thế mà tính hết bao nhiêu thì gọi cho đủ bấy nhiêu. Mỗi năm chừng phải bảy mươi cỗ trở ra.
Con số to khiến tôi hết sức kinh ngạc:
- Một người phải làm bấy nhiêu mâm cỗ hay bao nhiêu người?
Anh ta lắc đầu lia lịa:
- Nếu một người làm cả bấy nhiêu mâm cỗ thì có bán cả đình làng cũng không đủ. Mỗi người phải làm có năm mâm thôi, nhiều cỗ nhiều người, ít cỗ ít người!
- Nếu mua cỗ thì mỗi người phải chồng cho làng bao nhiêu? - Cái đó không nhất định. Càng nhiều tuổi càng nhiều tiền. Càng ít tuổi càng ít tiền. Bởi vì nhiều tuổi là người sắp phải làm cỗ, mà kẻ ít tuổi thì lượt "làm cỗ" còn lâu mới đến mà lại!
- Những năm bán cỗ, làng sẽ thôi uống rượu chứ? - Sao lại thôi! Bán lớp người trên thì làng gọi lớp người dưới làm cỗ; bán lớp người dưới thì gọi lớp người dưới nữa. Hễ có vào đám thì làng cứ việc đánh chén như thường.
- Nếu bán hết lượt thì làm thế nào?
- Hết lượt thì lại vắt lại, chẳng bao giờ làng chịu hết người làm cỗ. Đáng lẽ mỗi người một đời chỉ phải gánh cỗ một lượt, nhưng vì có lệ "bán cỗ" thành ra có người phải mua đến bốn, năm lần. Như cháu, năm nay mới bốn mươi mốt tuổi đã phải mua đến bốn lượt rồi, có lẽ còn phải mua một lượt nữa.
- Những lúc thế nào thì làng có quyền bán cỗ? - Chẳng có lệ ngạch nào cả. Các ông kỳ dịch muốn bán lúc nào thì bán. Đại khái thiếu tiền việc quan, hay là chữa chùa, chữa đình chẳng hạn, thì làng gọi người mua cỗ. Nhưng cũng có khi không có việc gì, các ông kỳ dịch bảo nhau thuê thợ đảo lại ngói đình, hoặc là phá đoạn tường này xây đoạn tường khác để lấy cớ mà bán cỗ. Bởi vì số tiền của người mua cỗ đem nộp, các ông ấy lại tiêu với nhau, trai đinh biết đấy là đâu? Nhiều người đã định bướng không chịu mua, nhưng không mua thì họ bắt phải làm cỗ, cũng chết, thì thà mua cho rảnh.
- Thế sao trai làng không kiện?
- Năm xưa cũng đã có người kiện rồi. Nhưng không đổ. Vì bọn kỳ dịch có tiền. Mà nào họ có mất gì của nhà họ đâu? Tiêu hết bao nhiêu họ cứ đi vay, xong việc, họ lại bán cỗ mà trả. Chẳng những họ không lỗ vốn, có khi còn được lãi nữa. Bởi vậy, họ đã bán cỗ cho ai, người ấy nhất định phải mua. Không mua họ bảo là người thiếu đóng, thiếu góp với làng rồi họ sổ ngôi. Nghe đến câu đó, tôi rất phục cái thủ đoạn của mấy ông kỳ dịch làng ấy. Có lẽ họ không thua gì những nhà chính trị đại gia.
Tôi còn đương muốn hỏi gì thêm thì ông chủ nhà vừa ở ngoài sân đi vào. Người cha thằng Tý bỏ tôi, để quay ra van lạy ông ấy lấy tiền mua cỗ cho thằng con út.

Nguồn: truyenviet.com