Chương 1
Tới lưng chừng đèo, xe bỗng giảm ga chạy rề rề rồi ngừng hẳn lại. Bọn trẻ trên hai băng sau ngơ ngác chồm cả về phía trước.
- Đến Đà Lạt rồi hả ba? - Tùng ngạc nhiên hỏi.
- Chưa đâu! - Ba mỉm cười - Đây là thác Prenn. Chúng ta ghé xem cho biết, lát sẽ đi tiếp.
Bọn trẻ lục tục bước xuống. Dọc bên đường, hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau đỗ san sát, hành khách lên xuống tấp nập.
Các bà, các cô từ thành phố Hồ Chí Minh lên bắt đầu mở túi xách, va-li lôi các loại áo len, áo khoác, áo gió đủ màu đủ kiểu ra mặc vào người rồi nhanh chóng sà vào dãy hàng quán bên đường đang bày đủ loại bánh, trái - tươi và khô, các loại mứt dâu, đào, mận, sơ-ri và các loại hoa vùng cao đẹp lạ lùng được bó thành từng bó khiến bọn trẻ có cảm giác như đang lạc vào một phiên chợ Tết.
Mạnh chợt rùng mình:
- Lạnh thật đấy!
Tiểu Long cười khì khì:
- Tao chả thấy lạnh tẹo nào!
- Anh chỉ phét!
- Thật đấy! - Tiểu Long nhún vai - Tao chỉ thấy mát mát là!
Quý ròm quay sang:
- Tiểu Long không phịa đâu! Nó có một lớp mỡ bao bọc quanh thân thể hệt như mỡ cá voi vậy. Nhốt nó vào ngăn đá mười ngày, nó cũng chả cảm thấy lạnh nữa là!
Nhỏ Hạnh không buồn góp chuyện. Nó biết Tiểu Long và Quý ròm sắp sửa lao vào đấu khẩu, cà khịa nhau. Vì vậy, nó lặng lẽ theo chân ba mẹ lần theo con dốc nhỏ dẫn xuống thác, tay siết chặt chiếc khăn quàng trên cổ.
Khi nãy, lúc xe vừa bắt đầu leo đèo Bảo Lộc, nhỏ Hạnh đã cảm nhận được hơi thở của cao nguyên trên da thịt mình. Ngay lúc đó, vai nó đã đòi áo khoác, cổ nó đã đòi khăn quàng. Nhưng sợ thằng ròm trêu, nó không dám lôi áo ra mặc. Nó chỉ lấy ra mỗi chiếc khăn quàng.
Bây giờ, khi tiến gần đến thác, nhỏ Hạnh mới hối hận. Tiếng thác réo ầm ầm mỗi lúc một lớn và hơi nước tỏa mù, lan ra tới tận chỗ bọn trẻ đang dọ dẫm bước khiến nó cảm thấy khí lạnh luồn vào trong cổ, trong tay áo mình.
Đúng lúc đó, thằng Tùng ở phía sau trờ tới. Nó chìa ra chiếc áo len vàng:
- Áo của chị nè! Mặc vô đi!
Nhỏ Hạnh ngoảnh sang thấy em đã khoác áo gió tự bao giờ, ngạc nhiên hỏi:
- Em lôi mấy thứ này ra tự khi nào thế?
Tùng toét miệng cười:
- Khi nãy, lúc chuẩn bị xuống xe! Mẹ bảo em đấy!
Nhỏ Hạnh vừa cầm chiếc ao len đã thấy Quý ròm, Tiểu Long và Mạnh đi tới.
- Mặc áo vào đi, công chúa! Còn mắc cỡ gì nữa! - Quý ròm nheo mắt trêu.
Nhỏ Hạnh chưa kịp "phản kích", tiếng ba từ đằng trước đã vọng lại:
- Lẹ lên các con! Đừng để bác tài đợi lâu sốt ruột!
Ngọn tháp hùng vĩ đổ xuống từ mỏm đá cao. Phía dưới là con suối tung tóe bọt ngay chân thác, nhưng ra xa một chút đã phẳng lặng, hiền hòa.
Bọn Quý ròm phát hiện có một con đường đi luồn đằng sau màn nước trằng xóa, bèn tranh nhau tiến vào.
- Hay quá hén! Thế là chúng ta đã đứng ngay sau thác nước!
Mạnh xuýt xoa, vừa nói nó vừa thò tay vào màn nước.
Coi chừng! - Quý ròm hét giật - Nước chảy mạnh lắm, không khéo nó hất văng mày xuống vũng bây giờ!
Mạnh rụt tay lại, nhìn ông anh:
- Anh nói thật không đấy?
- Sao lại không thật! - Quý ròm nhún vai - Trước giờ đã có khối người mất mạng vì hành động dại dột như mày rồi!
- Ai bảo anh thế?
- Chả ai bảo cả! Tao chỉ đoán thế thôi!
- Hừ, đoán! - Câu trả lời của ông anh làm Mạnh bất bình - Đoán chắc gì đã đúng!
- Thôi, đừng cãi nhau nữa! - Nhỏ Hạnh chợt kêu lên - Chúng ta chui ra ngoài thôi!
Tiểu Long ngạc nhiên:
- Sao thế? Mới vào có chút xíu mà!
- Nhưng đứng ở đây, Hạnh chả nhìn thấy gì cả?
Quý ròm nhấp nháy mắt, trêu:
- Thì mở mắt ra như tụi này vậy nè! Ai bảo Hạnh thích nhắm mắt làm công chúa ngủ trong rừng chi!
- Vô duyên! Ai nhắm mắt hồi nào!
- Thế sao...
Nhỏ Hạnh không để bạn nói hết câu. Nó nhăn mũi:
- Bộ Quý không nhớ Hạnh đang mang kính hay sao?
- Mang kính thì sao?
Lần này, nhỏ Hạnh chưa kịp đáp, Tiểu Long đã vọt miệng:
- Rõ là đồ ngốc tử! Mang kính thì hơi nước sẽ làm mờ mắt kính, Hạnh sẽ hết thấy đường chứ còn là sao!
Tranh thủ lúc bộ óc thông mình của Quý ròm bị trục trặc bất ngờ, Tiểu Long hí hửng trả đũa. Trước nay chỉ có Quý ròm mắng nó là "đồ ngốc tử", bây giờ lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở nó dùng chính cái từ ngữ đó để "xài xể" lại thằng ròm, bụng nó sướng rơn.
Còn nhỏ Hạnh, Mạnh và Tùng thì ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Bị Tiểu Long chơi đòn "gậy ông đập lưng ông", Quý ròm tức muốn xịt khói lỗ tai, không phải tức thằng mập tự nhiên mồm mép mà tức cái sự khù khờ đột xuất của mình. Nó vừa quay mình bước theo đường cũ, vừa giận dỗi lằm bằm "Ừ, mình rõ là ngốc tử thật!".
Ba mẹ nhỏ Hạnh đang đứng trên chiếc cầu nhỏ đối diện với thác nước, thấy bọn Quý ròm đang lục tục bước ra khỏi màn nước, liền đưa tay ngoắt:
- Lại đây các con! Đứng ở chỗ này chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp của thác Prenn!
Quý ròm vừa đi vừa thò tay vào túi xách lôi chiếc máy ảnh ra.
- Gì thế? - Tiểu Long hỏi.
- Chụp hình kỉ niệm!
Ba nhỏ Hạnh nhác thấy, gọi lớn:
- Lại đằng này, cháu ơi! Đứng quá gần thác nước, hơi nước sẽ làm mờ ống kính, không chụp được đâu!
Sao hôm nay chuyện gì cũng liên quan đếm hơi nước và mắt kính thế không biết! Quý ròm buồn cười quá xá nhưng không dám cười. Nó cầm chiếc máy ảnh đi vòng ra phía sau cầu, miệng kêu:
- Các bạn lên hết trên cầu đi, tôi sẽ chụp một tấm ảnh thật... nghệ thuật! Tiền cảnh là cầu tre nhỏ...
- Đây không phải "quê hương là cầu tre nhỏ" đâu! - Nhỏ Hạnh cắt ngang.
- Không phải cầu tre nhỏ cũng không sao! - Quý ròm giơ máy ảnh ngắm nghía - Miễn tiền cảnh là chiếc cầu thơ mộng vắt ngang dòng suối, hậu cảnh là dòng thác trắng xóa chảy giữa hai rặng cây xanh biếc, còn xa xa là bầu trời xanh lơ thấp thoáng những cánh diều bay!
Mạnh ngước lên trời:
- Làm gì có con diều nào!
Còn ba nhỏ Hạnh thì phì cười:
- Cháu Quý làm thơ đấy hả?
Nhỏ Hạnh "méc" ngay:
- Tại ba không biết đó thôi! Quý là "thi sĩ Bình Minh" của lớp con đấy!
- "Thi sĩ Bình Minh" - Ba nhỏ Hạnh tròn mắt - Tại sao lại là Bình Minh?
Tiểu long tủm tỉm:
- Dạ, đó là bút hiệu của Quý, thưa bác. Tại lớp cháu có một thi sĩ khác là "thi sĩ Hoàng Hôn", Quý phải lấy bút hiệu là Bình Minh để khỏi nhầm ạ!
- Bác đừng nghe mấy bạn ạ! - Quý ròm nhăn nhó - Mấy bạn nói đùa đấy!
Rồi sợ Tiểu Long và nhỏ Hạnh lôi mấy câu thơ kiểu như "Nhà em có một người bà. Tiếp theo là mẹ, kế là ba em" ra "tố cáo", nó hấp tấp giục:
- Thôi, các bạn trèo lên lẹ lẹ đi! Đứng sát vào! Được rồi! Chụp nhé!
Quý ròm vừa nói vừa bấm tanh tách hai ba pô liền một lúc.
Nhỏ Hạnh cau mặt:
- Quý chụp gì vội thế! Phải hô "một hai ba" cho người ta chuẩn bị chứ!
- Khỏi hô! Chụp hình sinh hoạt chứ có phải chụp ảnh người mẫu đâu!
- Thế nhỡ Hạnh nhắm mắt thì sao?
Quý ròm cười hề hề:
- Thì người ta càng có bằng chứng để tin Hạnh là công chúa ngủ trong rừng chứ là sao!
Ba nhỏ Hạnh khoát tay:
- Thôi, cháu Quý lên đứng chung với các bạn đi! Để bác chụp cho!
Quý ròm nhảy cẫng:
- Hay quá! Chụp bằng máy ảnh của bác thì đẹp phải biết!
Quả máy ảnh của nhà báo có khác! Máy Canon chính hiệu con nai, ống kính wide, ống kính télé đầy đủ, chưa kể các thứ kính lọc màu và dàn đèn hiện đại xếp đầy trong thùng i-nốc ba nhỏ Hạnh vẫn mang lủng lẳng bên người.
Khi thấy ba nhỏ Hạnh giương máy lên, Quý ròm ngạc nhiên:
- Ủa, sao bác không gắn ống télé hở bác?
Ba nhỏ Hạnh mỉm cười, vẻ thông cảm cho sự mù mờ của Quý ròm:
- Ống kính télé là dùng để chụp xa cháu ạ! Từ chỗ bác đứng đến chỗ các cháu không cần phải dùng télé! Nào, bây giờ các cháu cười lên nhé!
Nhỏ Hạnh cuống quít nhắc:
- Ba nhớ hô "một hai ba" nghe ba!
- Được rồi! Chuẩn bị! Một... hai... ba!
Chiếc máy trên tay ba nhỏ Hạnh khác chiếc máy của Quý ròm. Khi bấm, nó im ru chả phát ra một âm thanh nào khiến Quý ròm giương mắt ếch:
- Bác chụp chưa hở bác?
- Chụp rồi! - Ba nhỏ Hạnh vừa đáp vừa loay hoay chọn góc đứng - Các cháu cứ đứng yên đó để bác chụp thêm vài pô nữa!
Quý ròm quay sang nhỏ Hạnh:
- Sao tôi chả nghe tiếng lách tách gì cả!
Nhỏ Hạnh chưa kịp đáp, thằng Tùng đã kiêu hãnh khoe:
- Máy của ba em là máy của thám tử đấy, chả phải chơi đâu! Nó lợi hại ghê lắm! Mỗi lần mẹ em nhăn nhó chuyện gì, ba em lén chụp lia lịa. Khi ảnh rửa ra, mẹ em rượt ba em chạy quanh nhà, vui phải biết!
Này, này! - Tiếng mẹ Tùng thình lình vang lên bên cạnh, đầy đe dọa - Thằng oắt này lại nói xấu mẹ phải không! Lát chiều tới nơi, mẹ sẽ cho con biết thế nào là "vui phải biết" nhé!
Chương 2
Bọn Quý ròm trú tại nhà nghỉ Mimosa. Giám đốc nhà nghỉ vốn là người quen của ba nhỏ Hạnh.
Nhà nghỉ Mimosa là nhà nghỉ bình dân, giá rẻ, gồm ba dãy nhà một tầng bao quanh một vuông sân trải sỏi khá rộng với những luống hoa đủ màu nằm dọc theo các lối đi.
Nhà nằm trên một ngọn đồi có khung cảnh thơ mộng nhưng khá xa trung tâm thành phố. Khánh du lịch giàu có không bao giờ đến đây. Khách ở đây chủ yếu là các đoàn du lịch từ các cơ quan, trường học ở thành phố Hồ Chí Minh lên.
Ba mẹ nhỏ Hạnh đặt hai phòng ở dãy nhà bên trái. Quý ròm, Tiểu Long, Mạnh được chia một phòng. Phòng kia là Hạnh, Tùng và ba mẹ.
Vừa bước vào phòng, Quý ròm ném phịch ba lô lên giường, miệng bô bô:
- Tụi mình đi chơi đi!
Mạnh hỏi:
- Đi đâu?
- Đi dạo loanh quanh. Đi lên đồi.
Tiểu Long khịt mũi:
- Đi tắm trước đã!
- Mày lúc nào cũng tắm! - Quý ròm hừ giọng - Đây là Đà Lạt chứ đâu phải Vũng Tàu!
Tiểu Long nhăn mặt:
- Tắm trong phòng tắm kìa! Đi suốt ngày ngoài đường, bộ mày không cảm thấy ngứa ngáy hả?
Quý ròm định ngoác miệng cãi thì mẹ nhỏ Hạnh đã thò đầu vào:
- Đi tắm đi các cháu! Tắm xong ta xuống phố chơi!
Mẹ nhỏ Hạnh vừa khuất sau cánh cửa, Tiểu Long liền quay sang Quý ròm, cười đắc thắng:
- Thấy chưa! Tao đã bảo đi tắm mà mày không nghe!
Quý ròm vênh mặt:
- Tao cũng bảo đi chơi nhưng mày đâu có chịu! Rốt cuộc mẹ nhỏ Hạnh vẫn bảo chúng ta chuẩn bị xuống phố đó thôi!
Tiểu Long nheo mắt:
Nhưng mày đâu có rủ "xuống phố"! Lúc nãy mày nói "lên đồi" rõ ràng!
- Rõ là đồ ngốc tử! - Quý ròm nhún vai - Ở một thành phố toàn đồi dốc như Đà Lạt này thì "xuống phố" và "lên đồi" là hai từ đồng nghĩa, hiểu chưa?
Tiểu Long mím môi:
- Chưa hiểu.
Quý ròm khịt mũi:
- Chưa hiểu thì lát nữa mày sẽ hiểu!
Quý ròm nói như thánh. Mười lăm phút sau, Tiểu Long ngạc nhiên thấy mình đang theo con dốc dẫn... lên đồi, rồi vòng trở xuống, một lát lại đi lên. Qua khỏi ngọn đồi thứ hai, cả đoàn mới thật sự xuôi xuống phố.
- Mày nói đúng ghê! - Tiểu Long khen bạn - Muốn xuống phố thì phải lên đồi!
Quý ròm ưỡn ngực:
- Tao nói lúc nào mà chả đúng!
Rồi nhìn Tiểu Long, nó gật gù nói thêm:
- Còn mày thì thỉnh thoảng mới nói đúng được một câu!
- Thỉnh thoảng?
- Ừ.
- Chẳng hạn như câu nào? - Tiểu Long tò mò.
- Như câu mày khen tao vừa rồi đó!
Nói xong, Quý ròm toét miệng cười hềnh hệch. Còn Tiểu Long thì hậm hà hậm hực vì bị cho vào tròng.
Nhỏ Hạnh chẳng buồn khen qua khen lại vung vít như hai bạn. Nó đưa mắt thích thú ngắm nhìn những dãy đồi chập chùng và những ngôi nhà mái nhọn xây theo kiểu Pháp thấp thoáng giữa rừng thông đẹp như tranh vẽ.
- Đẹp quá!
Không nén được, nhỏ Hạnh buột miệng trầm trồ.
Quý ròm quay sang, láu lỉnh:
- Tôi hả?
- Quý đẹp cái mốc xì! - Nhỏ Hạnh nhăn mũi, rồi nó chỉ tay vào ngọn đồi bên tay phải - Các bạn nhìn kìa! Căn nhà ngói đỏ với ống khói trắng kia có giống những căn nhà mình từng xem trong phim không?
Tiểu Long nói:
- Ừ, y hệt!
Quý ròm cũng gật đầu:
- Đúng là y hệt!
Tùng cũng thế:
- Y hệt!
Chỉ có Mạnh là nói khác. Nó cụ thể hơn:
- Y hệt trong phim Xác chết trên cao nguyên!
Liên tưởng của Mạnh khiến nhỏ Hạnh rụt cổ:
- Em nói gì ghê thế!
Còn Quý ròm thì trừng mắt nhìn ông em:
- Mày có tốp cái miệng bậy bạ của mày lại không!
- Có sao em nói vậy chứ! - Mạnh gân cổ - Anh đã xem phim Xác chết trên cao nguyên chưa ?
- Tao chả cần xem phim đó! - Quý ròm rùng mình đáp - Mà tao cũng chả muốn nghe nhắc đến phim đó nữa! Mày liệu thần hồn đấy!
Thấy ông anh ra oai ghê quá, từ đó cho đến lúc xuống hồ Xuân Hương, Mạnh chẳng dám bép xép nữa. Nó lầm lũi bước, mặt hầm hầm.
Ngay cả khi ba mẹ nhỏ Hạnh dẫn cả bọn vào nhà hàng thủy tạ cất trên mặt hồ, Mạnh cũng chả buồn mở miệng, mặc cho mọi người thi nhau xuýt xoa bình phẩm về ngôi nhà đặc biệt này.
Khi ngồi vào bàn, nó chọn chiếc ghế sát ngoài rìa, cố ngồi cách xa các ông anh, bà chị.
Mẹ nhỏ Hạnh nhìn Mạnh bằng ánh mắt ái ngại:
Cháu Mạnh sao thế? Mệt hả cháu?
- Dạ không ạ! - Mạnh lí nhí.
Tất nhiên bọn Quý ròm biết tỏng Mạnh chưa nguôi giận dỗi chuyện khi nãy, nhưng trước mặt ba mẹ nhỏ Hạnh, không đứa nào dám tỏ thái độ gì.
Chỉ có thằng Tùng là tỉnh rụi. Nó lại gần Mạnh, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, thỏ thẻ:
- Anh Mạnh nè!
- Gì?
- Em ngồi với anh nha!
Chẳng lẽ xua đuổi một đứa nhiệt tình như thế, Mạnh đành miễn cưỡng ậm ừ trong cổ họng.
Tùng lại nói:
- Em xem phim đó rồi!
- Phim gì cơ? - Mạnh ngạc nhiên.
- Phim Xác chết trên cao nguyên ấy!
- Ủa, mày xem phim đó rồi hả? - Như gặp người quen nơi quê người đất khách, suýt chút nữa Mạnh đã reo lên.
Tùng chớp mắt:
- Ừ, em xem rồi! Phim hay ghê!
Gặp được "đồng minh", Mạnh tươi ngay nét mặt. Nó hể hả trút nỗi lòng:
- Vậy mà anh Quý bảo tao ăn nói bậy bạ!
Tùng bênh Quý ròm:
- Tại ảnh chưa xem phim này đó thôi!
- Không phải đâu! – Mạnh "xì" một tiếng - Tại ảnh nhát gan thì có!
- Nhát gan? Tùng tròn xoe mắt.
- Ừ, anh Quý tao là chúa nhát gan! Hễ nghe nhắc đến chuyện rùng rợn là ảnh mặt xanh lè xanh lét!
Tùng bặm môi:
- Nhưng đây chỉ là chuyện phim thôi mà!
- Phim thì phim chứ! - Mạnh hừ giọng - Chắc gì ngoài đời không có những chuyện giống như trong phim!
Câu nói chắc nịch của Mạnh khiến Tùng chột dạ đưa mắt nhìn quanh. Và ngay lập tức, nó bẽn lẽn nhận ra không chỉ có anh Quý ròm của nó nhát gan. Mạnh mới nói một câu, nó đã nghe bụng giật thon thót. Anh Mạnh này đúng là chúa ăn nói bậy bạ! Tùng nhủ bụng, không hay biết mình vừa lặp lại lời trách cứ của Quý ròm lúc nãy.
Đang hồi hộp đảo mắt, Tùng bỗng điếng người khi phát giác ở chiếc bàn cách đó không xa, một người đàn ông tóc hoa râm, mặt mày hồng hào một cách kì dị, đang lặng lẽ quan sát tụi nó bằng ánh mắt chăm chú.
Ông ta ngồi một mình với chai bia trước mặt, cạnh khuỷu tay là chiếc nón nỉ màu tro và một túi vải cồng kềnh. Tay phải nâng cốc bia, tay trái nắm khư khư chiếc tẩu thuốc đang hững hờ nhả khói, ông dán mắt vào chỗ nhóm người Quý ròm đang ngồi với vẻ mặt quan tâm đặc biệt.
Khi bắt gặp ánh mắt của Tùng, ông vờ quay mặt nhìn ra hồ, làm ra vẻ ta đây là người nhàn rỗi, chẳng có ác ý gì với ai.
Cử chỉ đó càng khiến thằng Tùng thêm ngờ vực. Trong một thoáng, lòng nó bỗng dậy lên một nỗi sợ hãi mơ hồ. Nó vội cúi gằm mặt, không dám nhìn về phía người đàn ông đó nữa.
- Nguy rồi anh Mạnh! - Đầu cúi thấp, Tùng khẽ níu tay áo Mạnh, lắp bắp.
- Gì thế?
- Xác chết trên cao nguyên! - Tùng líu ríu buột miệng, nó cũng không rõ mình đang nói gì.
Mạnh ngẩn tò te:
- Mày nói gì tao chả hiểu! Xác chết trên cao nguyên là sao?
- À, không! - Như sực nhận ra sự hoảng hốt quá đáng của mình, Tùng lỏn lẻn - Ý em không phải vậy! Em muốn nói là...
Thấy Tùng ngập ngừng, Mạnh càng ngạc nhiên:
- Mày làm sao thế hở, thằng oắt?
Tùng bấu chặt tay vào cạnh bàn, nói qua hơi thở:
- Có... có người đang theo dõi mình!
Báo động của Tùng làm Mạnh nhảy nhổm:
- Đâu?
Nhưng rồi chợt nhớ hò hét giật giọng như thế chả phải là phong cách của các tay thám tử nhà nghề, nó liền hạ giọng thì thào:
- Người nào thế?
Vừa buột miệng, ngay lập tức Mạnh nhận ra sự đơn giản quá mức trong câu hỏi của mình. Hỏi một câu tầm thường như thế thì bất cứ ai cũng có thể hỏi được. Thám tử nhà nghề phải hỏi khác. Mạnh hít vào một hơi, giọng nghiêm trọng:
- Hắn ta là nam hay nữ? Trẻ hay già? Cao hay thấp? Mập hay ốm? Tây hay tàu? Trắng hay...
- Anh nhìn thì biết! - Tùng đáp khẽ.
Thấy mình hỏi tràng giang đại hải mà thằng oắt này chỉ trả lời gọn lỏn, Mạnh hơi bực. Nhưng nó cố nén:
- Hắn ta ngồi đâu?
Tùng không dám đưa tay chỉ, cũng không dám ngẩng đầu lên, chỉ nói:
- Bên trái, cách mình bốn chiếc bàn, gần phía lan can ấy!
Thằng Tùng chỉ dẫn hệt kiểm soát viên không lưu đang hướng dẫn máy bay đáp xuống đường băng.
Mạnh đảo mắt về bên trái và không khó khăn gì để xác định vị trí của người lạ mặt.
Thì ra đó là một ông già! Mạnh thở phào và thất vọng quay sang Tùng:
- Mày nói ông già tóc muối tiêu đó hả?
- Dạ.
Mạnh ngán ngẩm:
- Tao thấy ổng hiền khô à.
- Nãy giờ ổng đang theo dõi tụi mình.
- Theo dõi đâu mà theo dõi! - Mạnh nhún vai - Mắt mày lé hay sao ấy! Tao chỉ thấy ổng ngồi nhìn ra hồ.
Nghe Mạnh nói vậy, Tùng cảm thấy hơi yên tâm. Nó từ từ ngước mắt lên và lấm lét nhìn về phía người đàn ông lạ mặt. Và nó bỗng giật bắn như chạm phải điện khi bắt gặp người đàn ông đang nhìn mình. Ánh mắt sắc như dao của người đàn ông như xoáy vào tim nó.
- Ối, ổng... đang nhìn! - Tùng ngoảnh mặt đi, giọng lập cập.
- Cái gì? - Mạnh hỏi.
Tùng chưa hết run. Nó ú ớ:
- Ổng...
Mạnh như hiểu ra, nó quay phắt về phía người đàn ông tóc muối tiêu đang ngồi. Và như nó thấy lúc nãy, người đàn ông vẫn cầm chiếc tẩu thuốc trên tay, mắt lơ đang nhìn đâu đó ngoài hồ. Chỉ khác một điều là ly bia trước mặt ông lúc này đã cạn, những viên đá còn sót trong đáy ly lấp lánh phản chiếu ánh sáng tỏa ra từ những bóng đèn thắp sớm trên trần nhà thủy tạ. Nhìn vẻ ung dung nhàn nhã của ông, không ai tưởng tượng được thằng Tùng có thể chết khiếp vì một con người như thế.
- Mày làm sao thế hả? - Mạnh bực mình đập tay lên vai Tùng - Tao thấy ổng vẫn đang ngắm cảnh vật ngoài hồ kia mà!
- Không! Không phải đâu! - Tùng tức tối đưa tay lên bịt tai - Ổng giả vờ đấy!
Cử chỉ của Tùng khiến mọi người chú ý. Ba hỏi:
- Có chuyện gì thế hả Tùng?
- Dạ, có gì đâu ạ!
Mẹ lo lắng:
- Có con gì chui vào tai con hả?
- Dạ, không ạ! Tùng lắc đầu và từ từ buông tay xuống.
Quý ròm nghiêng đầu sang phía nhỏ Hạnh:
- Hạnh có nhìn thấy gì không?
- Thấy gì là thấy gì?
- Thằng Tùng ấy! - Quý ròm khịt mũi - Mặt mày nó có vẻ khác lạ!
- Ừ, hình như nó đang sợ sệt điều gì! Giọng điệu bình thản của nhỏ Hạnh làm Quý ròm tròn mắt:
- Thế Hạnh không lo sao?
- Chẳng việc gì phải lo! - Nhỏ Hạnh mỉm cười - Ngồi kế một đứa lúc nào cũng nói toàn những chuyện rùng rợn như thằng Mạnh, ai mà chẳng sợ sệt!
Lần này, tới phiên "bộ óc điện tử" của nhỏ Hạnh bị trục trặc. Nó đoán trật lất.
Trường hợp hôm nay là trường hợp ngoại lệ: từ nãy đến giờ, chính Mạnh là đứa tìm cách trấn an Tùng.
Quý ròm không có thì giờ suy nghĩ xem sự phán đoán của nhỏ Hạnh đúng hay sai. Nó đang hậm hực về chuyện nhỏ bạn đang chế giễu thói nhát gan bẩm sinh của nó, mặc dù so với nó, lá gan của nhỏ Hạnh cũng chẳng lớn hơn tẹo nào.
Cuối cùng, nó hừ khẽ một tiếng và xô ghế đứng dậy:
- Để tôi lại chỗ hai thằng nhóc xem sao!
Thấy Quý ròm tiến lại, Tùng mừng như bắt được vàng.
Quý ròm chưa kịp ngồi xuống ghế, nó đã hấp tấp nói ngay:
- Anh Quý ơi, nguy lắm rồi!
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, vẻ cuống quít của Tùng vẫn khiến Quý ròm ngạc nhiên:
- Chuyện gì thế?
Tùng nuốt nước bọt:
- Có người đang theo dõi tụi mình!
Quý ròm liếc Mạnh:
- Lại trò hù dọa của "thám tử" Mạnh này chứ gì!
- Anh đừng có đổ oan cho em! - Mạnh gân cổ thanh minh - Chính thằng oắt Tùng tưởng tưởng ra chuyện này! Em đã bảo không phải nhưng nó cố một mực không nghe!
Tùng rối rít cãi:
- Phải mà! Chính mắt em nhìn thấy rõ ràng!
Quý ròm giật áo Tùng:
- Nhưng đó là chuyện gì! Mày thuật lại đầu đuôi tao nghe coi!
Tùng nhắm tịt mắt:
- Chẳng cần phải thuật lại! Anh cứ nhìn về bên tay trái đi!
Quý ròm ngoảnh cổ sang trái:
- Rồi!
- Anh có thấy chiếc bàn kê ở góc phòng, kế lan can trông ra hồ không?
- Thấy.
- Anh thấy gì trên bàn?
- Một chai bia và một cái ly.
- Gì nữa?
- Hết rồi.
- Sao lại hết? - Tùng sửng sốt - Thế ai đang uống bia?
- Chả ai uống cả! - Quý ròm phì cười - Chai bia cạn rốc từ đời nào rồi!
Câu nói của Quý ròm làm Tùng mở choàng mắt. Nó lật đật lia mắt về chỗ chiếc bàn ở góc phòng và há hốc miệng khi thấy người đàn ông khi nãy đã biến mất tự bao giờ.
Nguồn: diendan.game.go.vn