Chương 7
Ba giờ tụi Nghị, Đạt, Cúc Phương lò dò tới, không thấy Tùng đâu. Người ra mở cửa là dì Khuê.
- Tùng dặn các cháu có đến thì ra sau vườn chơi, Tùng sẽ về ngay bây giờ! – Dì Khuê mỉm cười nói.
- Bạn Tùng đi đâu vậy dì? – Nhỏ Cúc Phương thắc mắc.
Dì Khuê đáp lấp lửng:
- Tùng chạy đâu qua nhà bên cạnh!
Đạt nói nhỏ vào tai Nghị:
- Thằng Tùng lỡ phịa chuyện về bọn chim nên nó đi trốn tụi mình!
Nghị định lên tiếng bênh Tùng nhưng vì chưa tận mắt thấy đôi chim bay tới nên nó chẳng biết dựa vào đâu để phản bác, đành ậm ừ:
- Nó đã dặn thế thì cứ ra sau vườn đợi!
Khu vườn nhà Tùng dạo này tươi tốt thấy rõ, lại thêm mấy chậu hoa lài, một bụi ngâu và giàn thiên lí tuy thân còn mảnh nhưng đã bắt đầu trổ hoa vàng lốm đốm trông rất dịu mắt.Nhỏ Cúc Phương nhìn lũ ong bướm đang chập chờn thoắt bay thoắt đậu trên những bông hoa, miệng không ngớt hít hà:
- Khu vườn đẹp quá! Cứ tưởng như mình đang sống ở thôn quê!
Đạt trề môi:
- Chả giống thôn quê tí nào! Thôn quê là phải có chim!
Nhỏ Cúc Phương lườm Đạt:
- Bạn Tùng chẳng nói rồi là gì! Lát nữa chim sẽ bay tới! Nhưng bạn phải không được nói bô bô cơ!
- Được rồi! Muốn không bô bô thì không bô bô! Để xem chim có bay tới không cho biết!
Nói xong, Đạt giận dỗi đứng lui qua một bên, hai tay chắp sau lưng ra cái điều ta đây là thằng bù nhìn rơm chính hiệu. Thằng bù nhìn rơm tuy không hó hé tiếng nào nhưng vẫn ngửa mặt nhìn trời và nở từng khúc ruột khi đợi cả buổi vẫn chẳng thấy con chim nào bén mảng. Cuối cùng, không nhịn nổi, bù nhìn rơm khoái trá buột miệng:
- Thấy chưa! Dẫu không bô bô…
Nhưng Đạt nói chưa dứt câu, Nghị đã đưa ngón tay lên miệng suỵt khẽ:
- Im nào!
Đạt vừa chớp mắt đã thấy đôi chim cánh đen ức vàng sà xuống đậu trên cành ngọc lan. Đôi chim vừa đáp xuống đã đảo cặp mắt đen láy nghiêng ngó tứ phía. Nghị thì thầm:
- Đây chắc là đôi chim Tùng nói!
Nhỏ Cúc Phương cũng thì thầm đáp lại:
- Ừ, nếu đúng vậy thì đây là chim vàng anh!
- Chưa chắc! – Đạt xì qua kẽ răng – Nếu là chim vàng anh thì chúng phải biết hót!
- Ai bảo mày chúng không biết hót?
Tiếng Tùng đột ngột vang lên sau lưng khiến cả ba quay lại. Nhỏ Cúc Phương hoan hỉ:
- Đôi chim thường bay đến vườn nhà Tùng là đôi chim này đây hở?
- Ừ!
- Thế chúng sẽ hót cho tụi mình nghe chứ?
Tùng tươi tỉnh:
- Hẳn nhiên rồi! Chim vàng anh là chúa hót mà lại!Như để chứng minh chủ mình không nói ngoa, Tùng vừa dứt lời, hai con vàng anh bỗng ngửa cổ hót vang.Mới tập tành làm “ca sĩ”, đôi chim chỉ hót những tràng ngắn nhưng giọng chúng vô cùng âm vang và lảnh lót. Tiếng chim hót làm khuôn mặt bọn trẻ sáng bừng. Ngay cả thằng Đạt ưa khích bác cũng hớn hở reo ầm:
- Ôi, chúng hót kìa!
Tùng sướng rơn trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn làm bộ tỉnh:
- Thì chúng hót chứ sao! Ngày nào mà chúng chả về đây hót!
Lần này mắt thấy tai nghe đàng hoàng nên Đạt chẳng buồn để ý đến giọng điệu huênh hoang của bạn, cứ một mực xuýt xoa:
- Chim vàng anh hót hay ghê! Thế mà tao cứ tưởng mày dóc tổ!
Nhỏ Cúc Phương mỉm cười liếc Đạt:
- Thế bây giờ Đạt đã thấy giống thôn quê chưa?
Đạt cười toe:
- Thấy rồi! Giống y chang!
Nghị cất giọng cảm khái:
- Mắt xem hoa nở tai nghe chim hót, người cứ thấy lâng lâng!
Nghe Nghị ăn nói như một ông cụ non, giọng lưỡi giống hệt ba mình, Tùng tức cười quá xá nhưng không dám trêu. Chỉ nhỏ Cúc Phương là nháy mắt:
- Nghị làm thơ đấy hả?
Nghị chưa kịp trả lời thì Đạt vọt miệng:
- Mai mốt, ổi và chanh tới kì ăn được, thơ thằng Nghị còn hay hơn nữa!
Nghị bĩu môi:
- Tao chứ đâu phải mày!
Đạt ngoác miệng nhưng chưa kịp hó hé đã vội im bặt. Hai con vàng anh lại cất tiếng líu lo khiến cả bọn nghệt mặt dỏng tai nghe. Lần này hót xong, đôi chim chuyền qua cây tường vi, ngó dáo dác rồi nhảy lên nhánh ổi chỗ vẫn treo chiếc lồng. Tùng thót bụng “Tìm không thấy chiếc lồng, chả hiểu bọn chim sẽ làm gì?” Sau khi lẻn qua nhà bác Đức hàng xóm tháo cửa lồng cho đôi chim bay về, Tùng đã lén giấu chiếc lồng dưới gầm bàn. Kế hoạch của nó bữa nay xem như thành công mĩ mãn: Nghị, nhỏ Cúc Phương, cả thằng Đạt ranh ma kia đều bị nó loè đến trố cả mắt ra. Đứa nào cũng tưởng đôi chim vàng anh này từ nơi khác bay đến ca hát thật.Nhưng chưa tận hưởng nỗi khoái trá được bao lăm, Tùng đã bắt đầu chột dạ. Không tìm thấy chỗ cư ngụ quen thuộc, biết đâu bọn chim này chẳng cuống quýt bay đi mất! Nhưng mặc dù bụng lo ngay ngáy, Tùng vẫn không dám vào nhà xách chiếc lồng ra treo lên nhánh ổi. Làm vậy khác nào tự mình vạch trần âm mưu của mình cho tụi bạn có cớ chế nhạo! Thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương còn đỡ, chứ thằng Đạt mà vớ phải “sự kiện giật gân” này, cái miệng nó sẽ oang oang khắp nơi khắp chốn suốt cả năm chưa chán!
Tùng thấp thỏm nhìn đôi chim đang ngọ ngoạy láo liên trên cành ổi, bụng rối như tơ. Mãi một lúc nó mới nghĩ ra kế thoát hiểm. Nó nhìn tụi bạn, hắng giọng:
- Thôi, hôm nay chơi thế đủ rồi!
Chưa gì đã thấy chủ nhà cất giọng tiễn khách, nhỏ Cúc Phương ngơ ngác:
- Mới nghe chim hót có một chút xíu mà!
- Ừ, mỗi bữa chúng chỉ hót có chừng đó thôi!
Đạt hừ mũi:
- Xạo đi mày! Chim vàng anh gì lại hót có một tí tẹo vậy!
- Hai con chim này vậy đó! – Tùng chép miệng – Hình như chúng mới tập hót hay sao ấy!
- Tao không tin!
Nói xong, Đạt lại đứng lì ra, nghếch mặt dòm lên cây. Tùng mặt nhăn mày nhó chưa biết làm sao để tống khứ thằng bạn ương bướng này thì hai con vàng anh đã không đủ kiên nhẫn, chúng rủ nhau vỗ cánh bay vù lên cao, thoáng mắt đã mất hút sau mái nhà.
- Ôi thôi, chúng bay mất rồi!
Tiếng than ai oán của Tùng khiến Nghị ngạc nhiên:
- Thì ngày mai chúng quay lại chứ có gì mày phải lo lắng thế?
Tùng rên rỉ:
- Biết chúng có quay lại nữa không!
Nhỏ Cúc Phương tròn mắt:
- Bạn bảo ngày nào chúng cũng đến đây kia mà?
Tùng buồn nẫu ruột nhưng lại không tiện nói thật. Nó lấp lửng một cách khổ sở:
- Nhưng lần này thì khác!
- Khác sao?
- Lần này có thể chúng không về nữa!
- Sao lạ thế?
- Ừ! – Tùng nói đại – Hôm nay các bạn làm chúng sợ!
Nghị áy náy:
- Tụi tao có làm gì đâu?
Tùng không trả lời. Nó cũng chẳng biết trả lời như thế nào, đành thất thểu quay vào nhà. Thấy chủ nhân mới hồi trưa còn nằng nặc mời khách đến chơi bây giờ bỗng dưng thay đổi thái độ, lại còn lên giọng quở trách, ba vị khách quý không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, đành ngớ ra nhìn nhau và lục tục kẻ trước người sau kéo ra cửa.
- Chết cháu rồi nhé! – Tụi bạn vừa ra về, dì Khuê lại gần Tùng, gí tay lên trán nó – Làm sổng mất bọn chim, tối nay ăn nói thế nào với ba mẹ đây!
- Cháu… cháu…
- “Cháu cháu” gì! Dì đã cản rồi, ai bảo cháu vẫn nhất định không nghe!
Miệng Tùng méo xệch:
- Làm sao cháu biết được bọn chim sẽ bay đi kia chứ? Cháu chỉ định đùa chơi với các bạn một tí thôi mà!
Bộ tịch thiểu não của Tùng khiến dì Khuê động lòng. Dì hạ giọng:
- Thôi, chẳng việc gì phải cuống lên như thế! Cháu đem chiếc lồng treo lại chỗ cũ đi! Rồi dì sẽ tìm cách nói với ba cháu cho!
- Dì sẽ nói sao? – Tùng vẫn chưa yên tâm.
- Dì sẽ bảo dì mở cửa lồng để cho quả chuối vào. Và khi dì rụt tay ra, chưa kịp đóng cửa thì bọn chim vụt ra theo!
- Ừ, hay đấy! – Giọng Tùng khấp khởi – Như vậy thì chỉ do vô ý thôi! Mà vô ý thì chả ai bắt tội!
Tùng chỉ nói đúng một nửa. Ba không bắt tội dì Khuê. Nhưng nghe dì thuật lại diễn biến sự việc, ba hấp háy mắt:
- Dì sơ sẩy làm hai con chim bay ra khỏi lồng là chuyện có thể tin được! Nhưng sau đó hai con chim không chịu trở vào lồng, điều đó nghe mới khó hiểu làm sao!
Ba vừa nói vừa cười, giọng điệu cũng không ra vẻ chất vấn nhưng đủ làm Tùng và dì Khuê giật thon thót. Dì Khuê ngước mắt lên trần nhà, giọng thật như đếm:
- Ừ, khó hiểu thật! Chả hiểu sao hôm nay chúng không chịu quay trở vào lồng!
- Chả có gì là khó hiểu! – Ba nói, nụ cười vẫn tươi tỉnh trên môi – Nếu chiếc lồng không còn treo ở chỗ cũ thì bọn chim có muốn quay trở vào cũng không tài nào vào được!
Câu nói của ba khiến Tùng nhảy nhổm, phải kềm mình lắm nó mới không bắn tung ra khỏi ghế. Còn dì Khuê thì đỏ bừng mặt:
- Ôi, làm sao…
- Dì đừng có mà tròn mắt ra! – Ba tặc tặc lưỡi – Tôi chả phải là Khổng Minh tái thế gì đâu! Chả là khi nãy tôi gặp bác Đực hàng xóm ở chỗ cầu thang. Bác hỏi hôm nay là ngày gì mà thằng Tùng nhà mình mua chim về phóng sinh như thế! Chỉ cần nghe thoáng qua là tôi đoán ra chuyện gì ngay. Dì đừng quên chính tôi là “tác giả” của sáng kiến “chim ở nơi khác bay đến” này chứ còn ai!
- Sáng kiến hay thật đấy! – Mẹ tủm tỉm – Ông bố nghĩ ra ông con thực hiện, kết quả là đôi chim bay mất!
- Chẳng bay mất đâu! – Ba lạc quan – Thế nào chúng cũng sẽ quay trở lại!
- Ôi, thật thế hở ba? – Nãy giờ im thít, đến lúc này Tùng mới bật reo khẽ.
- Sao lại không thật! Chim vàng anh rồi sẽ quay về với khu vườn!
Lời khẳng định của ba khiến Tùng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Nó thấp thỏm đợi ngày đôi chim quay về.
Chương 8
Lũ chim vàng anh quay về thật. Nhưng khổ nỗi, chúng lại không quay về với khu vườn của Tùng. Một buổi sáng ngủ dậy, nghe chim hót véo von ngoài vườn, Tùng tung chăn chạy vù ra, miệng reo toáng:
- Chim vàng anh trở về! Đôi chim vàng anh trở về rồi, dì Khuê ơi!
Cả nhà tức tốc chạy ùa ra. Nhưng sau khi dòm dáo dác trên khắp các cành nhánh trong vườn, chả ai nhìn thấy đôi chim đâu.
- Về đâu mà về! – Nhỏ Hạnh dụi mắt nói.
Tùng liếm môi:
- Em nghe tiếng chim hót rõ ràng mà!
Dì Khuê chong mắt lên ngọn cây nghiêng ngó thêm một lúc rồi chép miệng:
- Dì cũng nghe! Nhưng chắc là chim ở đâu bay ngang nhà ta!
Nghe dì Khuê nói vậy, Tùng tin ngay. Ừ, chắc tiếng hót vừa rồi là của bọn chim nghịch ngợm nào bay ngang! Nhưng sao mình lại nghe rõ mồn một bên tai thế nhỉ?
Thắc mắc của Tùng được giải đáp ngay vào buổi chiều.Khoảng bốn giờ, Tùng đang lui cui tưới nước trên mái tôn thì lại nghe tiếng chim lảnh lót. Lần này Tùng biết chắc không phải là tiếng chim bay ngang. Trên trời lúc đó không hề thấp thoáng một bóng chim nào, vả lại tiếng hót vọng xuống từ trên cao không thể nào âm vang như thế!Nhưng điều quan trọng là Tùng nhận ra đó là tiếng hót của đôi chim vàng anh. Hồi sáng nửa thức nửa ngủ, Tùng còn mơ hồ chứ lúc này nó biết mình không thể nào nhầm được. Tùng nghe đôi chim của mình hót đã nhiều lần. Nó đã quen tai đến mức tiếng chẽo chẹt kia vừa vang lên là nó nhận ngay ra giọng hót của đôi chim thân thuộc. Nhưng sục mắt lên các tàng cây một lúc, Tùng vẫn không phát hiện bọn chim đậu chỗ nào. Trong lúc Tùng đang ngơ ngác dò tìm thì tiếng hót lại vang lên. Lần này Tùng nghe rõ tiếng chim vọng lên từ phía dưới. Lập tức Tùng quay đầu nhìn xuống và sửng sốt khi nhìn thấy Hưng sún đang đứng dưới sân tự đời nào, tay vung vẩy chiếc lồng trong đó hai con vàng anh đang tung tẩy nhảy nhót.
Trong một thoáng, Tùng nghe mặt mình tái đi:
- Ê, ăn cắp! Trả hai con chim cho tao!
Hưng sún cười khảy:- Đây đâu phải là chim của mày!
- Của tao!
- Đồ ăn cắp! – Tùng gầm lên.
- Xì! – Hưng sún trề môi – Tao chưa hề bước chân vô nhà mày, vậy mà dám kêu tao ăn cắp!
Biết mình đuối lí nhưng nỗi tức uất khiến mắt Tùng mờ đi:
- Ăn cắp là ăn cắp! Không lẻn vào nhà vẫn là ăn cắp!
- Lêu lêu! – Hưng sún quệt tay vào má – Nói ngang như cua mà cũng nói. Hai con chim này tao mua đàng hoàng!
- Mua cái mốc xì! – Tùng tức muốn xịt khói lỗ tai – Hai con chim này là của tao, nhìn là biết ngay!
Hưng sún có vẻ muốn chọc cho Tùng ói máu chơi. Nó nghếch mắt:
- Thế hai con chim của mày có dấu hiệu đặc biệt gì nào?
- Dấu hiệu đặc biệt hả?
Câu hỏi bất thần làm Tùng ngớ ra. Nó chẳng biết hai con chim của mình có dấu hiệu gì gọi là đặc biệt. Mãi một lúc, nó mới ấp úng:
- Hai con chim của tao cánh màu đen, còn đầu và bụng màu vàng! Hệt như… hai con chim trong lồng mày vậy!
- Hê hê! Rất tiếc đó không phải là những dấu hiệu đặc biệt! – Mặt Hưng sún nhơn nhơn – Hai con chim tao mua cũng cánh màu đen, đầu và bụng cùng màu vàng! Chim vàng anh con nào mà chả vậy!
Tới đây thì Tùng không buồn nói lí lẽ nữa. Nó nghiến răng:
- Mày có trả hai con chim lại cho tao không thì bảo! - Tao không trả đấy! Mày làm gì tao nào?
Mắt Tùng loé lên:
- Như vậy là mày thừa nhận mày đánh cắp hai con chim này của tao rồi đấy nhé!
Hưng sún chun mũi:
- Đừng phịa chuyện! Tao thừa nhận hồi nào?
Tùng hắng giọng:
- Vừa rồi chính miệng mày bảo mày không trả lại hai con chim để xem tao có dám làm gì mày không! Nếu không phải mày đánh cắp hai con chim này của tao thì mày đâu có nói thế, đúng không?
Tùng làm Hưng sún ngẩn tò te. Nó không ngờ đối phương bắt bẻ độc địa như thế, đành nhe răng cười trừ:
- Thì đây đúng là hai con chim của mày! Chúng bay lạc xuống sân nhà tao, thế là tao… tóm lấy! Như vậy đâu thể gọi là ăn cắp!
Tùng nhún vai:
- Nếu nhặt được của người khác mà không trả cũng là ăn cắp tuốt!
Hưng sún chớp chớp mắt, vẻ nghĩ ngợi. Nó chả muốn bị gọi là thằng ăn cắp tí nào. Nhưng nếu trả lại hai con vàng anh đẹp mã lại hót hay này thì tiếc quá!
Đăm chiêu một hồi, Hưng sún nghĩ ra được một mẹo. Nó ngó Tùng:
- Muốn tao trả hai con chim này lại cho mày cũng được, nhưng với một điều kiện!
- Điều kiện gì? – Tùng thấp thỏm.- Mày phải triệt phá khu vườn!
Hưng sún hạ một câu khiến Tùng chết điếng:
- Chuyện đó không thể được! Tao đã nói với mày bao nhiêu lần rồi kia mà!
Chỉ đợi có vậy, Hưng sún cười toe:
- Nếu vậy thì tao tạm giữ hai con chim này! Khi nào mày phá bỏ khu vườn thì tao sẽ trả lại!
Biết thằng lỏi ranh ma này cố tình bắt bí mình nhưng Tùng chẳng nghĩ ra cách nào đối phó.Đang loay hoay, sực nhớ lại “câu chuyện khoa học” dở dang bữa trước, Tùng bèn chớp chớp mắt:
- À quên, thắc mắc của mày hôm nọ, tao đã tìm ra lời giải trong sách rồi đấy!
Tùng chuyển đề tài đột ngột làm Hưng sún giương mắt ếch: - Thắc mắc gì?
- Thì câu chuyện về cây xanh đó! – Tùng cố tỏ vẻ điềm nhiên – Mày chẳng hỏi tao trước khi có cây xanh con người ta thở bằng gì là gì!
- À, tao nhớ rồi! – Hưng sún gục gặc đầu, rồi nó tròn mắt tò mò – Thế trong sách người ta bảo thế nào?
- Người ta bảo lúc đó con người chả thở bằng gì cả! Bởi vì trên mặt đất cây cối có trước còn loài người có sau!
Tùng đinh ninh Hưng sún sẽ tìm cớ để phản bác. Không ngờ Hưng sún gật gù:
- Tao hiểu rồi! Có nghĩa là loài người chỉ xuất hiện khi trái đất đã có sẵn ôxy từ trước!
Sự mau mắn của Hưng sún khiến Tùng mát lòng mát dạ quá chừng. Nó hào hứng:
- Mày thông minh ghê! Tao mới nói chút xíu mày đã suy ra đủ thứ rồi!
Hưng sún có vẻ bất ngờ trước sự khen tặng hào phóng của đối phương. Nó cười sung sướng:
- Thông minh gì đâu! Tao chỉ đoán mò vậy thôi!
Tùng vui vẻ:
- Thế bây giờ mày đã tin là tao không xạo chưa?
- Tin! – Đang phổng mũi, Hưng sún đáp lại cũng bằng một giọng vui vẻ không kém.
Tùng sốt sắng đi bước thứ hai:
- Thế bây giờ mày đã tin sự ích lợi của cây xanh chưa?
Bước đi lật đật của Tùng khiến Hưng sún cảnh giác hỏi lại:
- Ý mày muốn nói đến ích lợi của khu vườn này ấy ư?
Bị Hưng sún hỏi trúng tim đen, Tùng đỏ mặt nói luôn:
- Thì thế! Tao chẳng đã nói với mày hôm trước rồi là gì! Khu vườn này suốt ngày cung cấp ôxy, nhà tao và nhà mày tha hồ hít thở! Lại chẳng phải tốn tiền như trong bệnh viện!
Rồi nhìn vẻ mặt đang ngây ra của Hưng sún, Tùng nhíu mày cố nhớ những công dụng khác của cây xanh:
- Chị tao… à không, trong sách người ta còn nói nhiều chuyện nữa!
- Người ta nói sao? – Hưng sún lộ vẻ quan tâm – Thế ngoài ôxy, khu vườn của mày còn toả ra gì nữa?
- Không! Lần này đó không toả ra nữa! Mà nó hút vào!
- Hút vào?
- Ừ, nó hút bụi giùm mình! Có bao nhiêu bụi, nó hút hết!
Hưng sún bán tín bán nghi:
- Lại phịa đi! Mày làm như cây xanh là máy hút bụi không bằng!
- Mày chả biết gì cả! – Tùng nghiêm giọng – Cây cối là những máy hút bụi tự nhiên! Đa số lá cây đều có lông nhám và những nếp nhăn, vì vậy chúng giữ được bụi. Đó là chưa kể có những loại lá tiết ra chất nhựa diệt vi trùng. Vi trùng bay nhan nhản trong không khí đều bị nó diệt hết!
Hưng sún nghe Tùng “thuyết” một hồi đã có vẻ bùi tai. Tuy vậy nó vẫn chưa thực tin hẳn:
- Đâu! Mày đem cuốn sách đó ra cho tao xem thử nào!
Yêu cầu của Hưng sún làm Tùng giật thót. Nó chỉ nghe chị Hạnh nói, rồi ra oai giảng giải lại cho Hưng sún. Bây giờ Hưng sún cắc cớ bắt nó phải “nói có sách mach có chứng” nó biết lấy sách ở đâu mà trưng ra. Thấy Tùng nghệt mặt lâu lắc, Hưng sún càng nghi dữ:
- Sao? Không có cuốn sách đó phải không?
- Có, có! – Tùng ấp úng.
- Xạo đi! – Hưng sún cười hê hê – Có sao mày không chịu vào đem ra mà cứ đứng trơ như cột nhà thế?
Tùng sầm mặt, ra vẻ ta đây bị chạm tự ái ghê gớm:
- Tao không phải là đứa ưa bịa chuyện, vì vậy chẳng việc gì tao phải đem sách ra chứng minh!
Hưng sún nhún vai:
- Nếu không thấy cuốn sách thì tao cóc tin! Tuyên bố chắc nịch của Hưng sún làm Tùng tức muốn nổ đom đóm mắt. Tốn bao nhiêu nước bọt, để “dạy cho đối phương một bài học” về cây cối với bụi bặm, không khí và môi trường thế là công cốc!
Đang tuyệt vọng, mắt Tùng bỗng loé lên:
- Hùm, mày cần quái gì phải tận mắt trông thấy cuốn sách! Muốn biết tao có xạo hay không, mày cứ lên lớp hỏi thầy giáo mày thì biết!
Nghe Tùng thách đố, Hùng sún hăng hái gật đầu ngay:
- Được rồi, tao sẽ hỏi!
Hưng sún quên khuấy rằng nếu thằng Tùng tự ái thực sự thì chẳng việc gì nó lại mở miệng xui đối phương đi hỏi thầy cô!Nói xong một câu, Hưng sún bỏ vào nhà. Nhưng nó vừa dợm bước, Tùng đã gọi giật:
- Gượm đã!
- Gì nữa? – Hưng sún ngước lên.
Tùng ngập ngừng chỉ tay vào chiếc lồng trên tay Hưng sún:
- Còn hai con chim kia…
Hưng sún cúi nhìn chiếc lồng:
- Hai con chim này cứ để đây! Đợi tao hỏi thầy tao, khi nào thầy tao bảo mày nói đúng, lúc đó tao sẽ trả lại!
Tùng bật một ngón tay lên:
- “Quân tử nhất ngôn” đấy nhé!
Hưng sún không quen “xổ nho”. Nó hừ mũi, dân dã:
- Đứa nào nói láo làm con!
Khi nói như vậy, dĩ nhiên Hưng sún chả dại gì chịu làm con. Vì vậy chiều hôm sau, mới hai giờ nó đã đứng dưới sân chõ miệng lên mái tôn, kêu ỏm:
- Tùng ơi, Tùng!
Tùng chạy vù ra:
- Gì thế?
Vừa thấy Tùng ló mặt ra khỏi mái tôn, Hưng sún bặm môi giơ cao cây cù móc treo lủng lẳng chiếc lồng chim lên khỏi đầu:
- Trả mày nè!
Tùng nhoài người đón lấy chiếc lồng, ngạc nhiên:
- Bộ mày hỏi thầy mày rồi hả?
- Ừ, sáng nay vừa vô lớp là tao hỏi ngay! Thầy tao bảo những điều mày nói đều là thật! – Rồi nó chớp mắt nói thêm – Thầy tao còn bảo cây xanh chính là “vệ sĩ của loài người”. Nếu không nhờ cây xanh bảo vệ cả khối người sẽ bị bầu không khí ô nhiễm làm cho viêm mũi, mù mắt hoặc ung thư phổi. Thầy tao còn nói nhiều nữa nhưng tao không nhớ hết!
Tùng liếm môi:
- Thế thầy mày có bảo không nên chặt cây phá rừng bừa bãi không?
- Có! – Hưng sún gật đầu – Thầy tao bảo như vậy là phá hoại môi trường, là tội ác!
Tùng nín thở dò lần tới:
- Thế thầy mày có bảo không nên phá bỏ… những khu vườn trong thành phố không?
- Thầy tao không nói gì về chuyện đó! – Hưng sún thật thà đáp – Thầy tao chỉ bảo nên trồng thật nhiều cây xanh…
Đang hăm hở, sực phát hiện ra “ý đồ đen tối” của đối phương, Hưng sún lập tức ngưng bặt. Nó huơ huơ cây cù móc:
- Bắt hai con chim lẹ đi, rồi trả chiếc lồng lại cho tao!
Tùng cười hì hì:
- Làm gì vội thế!Rồi lờ tịt sự nôn nóng của Hưng sún, nó khăng khăng quay trở lại đề tài đang nói dở:
- Thầy mày đã nói vậy chả lẽ mày vẫn cứ tiếp tục gây gổ với khu vườn nhà tao!
Hết đường tránh né, Hưng sún đắn đo một thoáng rồi đành ngập ngừng thú thật:
- Thật ra tao cũng chả buồn để ý đến khu vườn của nhà mày làm gì! Chỉ tại vì mẹ tao không muốn có một khu vườn trên đầu mình thôi!
- Sao thế?– Tùng hồi hộp hỏi, nó cảm thấy những tiết lộ của Hưng sún cực kì quan trọng.
Hưng sún thở dài:
- Mẹ tao bảo không ai trồng cây trên mái nhà như thế cả! Mẹ tao sợ sẽ có ngày nó sập xuống đầu mình!
- Thì ra vậy! – Tùng thở phào – Tưởng gì! Đấy là tại mẹ mày quá lo thôi!
- Không phải chỉ mẹ tao! Cả tao cũng lo! – Hưng sún cắn môi.
Đến đây thì Tùng đã biết tại sao trước nay mẹ con thằng Hưng sún vẫn ác cảm với khu vườn của mình. Hoá ra chẳng phải do mất giấc ngủ trưa, do nước chảy hay do lá rụng gì sất! Chỉ là sợ khu vườn sập xuống thôi!
- Mày yên tâm đi! – Tùng nhẹ nhõm nói – Mái tôn nhà tao chắc lắm! Những thanh đà ngang to như cẳng voi ấy. Chỉ có trời sập thì khu vườn mới sập theo thôi!
Vừa nói Tùng vừa thả hai con vàng anh vào lồng và phấn khởi treo lên cành ổi. Đến khi nó ngoảnh xuống thì Hưng sún đã bỏ vào nhà mất tiêu. Chả rõ nó có tin lời mình không nhỉ? Tùng tự hỏi và định hôm nào sẽ chỉ cho Hưng sún tận mắt xem những thanh đỡ để cho nó và mẹ nó bớt lo.
Nguồn: hgth.vn