Chương 9
Chuyện thằng Duy Dương một mình đánh ngã hai cao thủ, sau đó tranh tài ngang ngửa với “võ sư vô địch đại lực sĩ” Tiểu Long chẳng mấy chốc đã lan truyền ra khắp lớp.
Hải quắn gặp đứa nào cũng bô bô:
- Thằng Duy Dương là dân có “nghề” đó nghen mày!
Quốc Ân trầm trồ bổ sung:
- Ngay đến thằng Tiểu Long cũng không làm gì được nó!
Thằng Tần nheo mắt:
- Còn mày thì sao?
Quốc Ân không hiểu:
- Sao là sao?
- Thằng Tiểu Long không hạ được nó nhưng mày thì thừa sức trị nó chứ?
Quốc Ân rụt cổ:
- Cỡ tao, nó chỉ tung một cước là bay tuốt tới tận mặt trăng.
- Đó là trong trường hợp mày để thằng Duy Dương đá trúng kia! – Tần làm bộ gật gù – Nhưng nếu mày rủ nó chơi “oẳn tù tì” rồi tìm cách ăn gian để cưỡi lên lưng nó thì làm sao nó đá trúng mày được!
Quốc Ân biết mình sập bẫy thì đã muộn. Nó thu nắm đấm, mặt đỏ rần tới tận mang tai:
- Bộ mày muốn chơi nhau hở thằng ghẻ ngứa!
Tần quẳng cặp lên bàn đánh rầm:
- Tao hết ghẻ lâu rồi! – Nó hất hàm – nhưng nếu mày muốn chơi nhau thì tao sẵn sàng “lãnh giáo”. Tao không quen nhịn như thằng Duy Dương đâu!
- Được lắm! – Quốc Ân xắn tay áo – Để tao xem xương cốt mày cứng cỡ nào!
Nhưng Quốc Ân chưa kịp xem xương cốt thằng Tần thì lớp trưởng Xuyến Chi đã bước vào.
Thấy hai ông mãnh đang thủ thế, mặt mày hầm hầm lăm le xông vào nhau, nó liền nghiêm mặt:
- Này, bạn Quốc Ân hôm trước đánh nhau bị kêu lên văn phòng một lần rồi mà chưa tởn hả?
- Hôm trước tôi có đánh nhau với thằng ghẻ ngứa này đâu! – Quốc Ân tỉnh bơ đáp – Hôm trước tôi đánh nhau với Quý ròm chứ bộ!
Cái giọng bông phèng chả coi lớp trưởng ra cái củ cà rốt nào của Quốc Ân làm Xuyến Chi nhăn mặt:
- Bạn ăn nói như vậy đấy hả!
Nó chỉ tay dọa:
- Hai bạn có thôi ngay đi không! Tôi méc thầy giám thị à!
- Này, có gì thì “ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh” rồi từ từ …
Một giọng nói thình lình cất lên từ ngoài cửa:
- Không có “từ từ thương lượng” gì hết! – Quốc Ân gầm gừ cắt ngang, nó không cần liếc mắt vẫn biết thằng Tiểu Long vừa lên tiếng chứ không ai khác – Mày chạy ra ngoài mua nước và bánh đem vô đây mời tụi tao rồi hãy nói!
Tuy nói cứng nhưng Quốc Ân vẫn thõng tay xuống. Cùng lúc đó tiếng trống vào học vang lên kết thúc luôn cuộc chiến chưa kịp bắt đầu giữa hai đứa.
Thằng Duy Dương vào trễ, nghe nhỏ Quỳnh Như ngồi cạnh kể lại, bèn quay xuống nhìn Quốc Ân và Hải quắn, nhăn nhó:
- Tụi mày đem chuyện đó đi nói tùm lum.
Quốc Ân cười hề hề:
- Tao quảng cáo cho mày mà!
Hải quắn đế thêm:
- Tụi tao phải nói chuyện đó ra, nếu không bạn bè cứ nghĩ xưa nay tụi tao chuyên bắt nạt mày. Võ nghệ của mày cao cường như thế, ai mà bắt nạt nổi mày kia chứ!
Biết không thể nói lại hai đứa này, Duy Dương đành thở dài quay lên. Nhưng Quốc Ân vẫn không để cho Duy Dương được yên.
Nó chồm tới khều vào lưng thằng này:
- Lát nữa ra chơi, bọn mình chia phe vật nhau nhé!
Mặc cho Quốc Ân rủ rê, Duy Dương làm thinh không đáp.
Nó không đáp nhưng bụng nó lo lắm. Vì vậy, tiếng trống ra chơi vừa vang lên, nó vội vàng chạy lại nhập bọn với Tiểu Long và Quý ròm. Nó sợ ngồi lại, bọn “tứ quậy” sẽ không tha cho nó. Mà bây giờ thì nó không thể vin vào lý do gì để từ chối tham gia các trò chơi mạnh bạo của tụi thằng Quốc Ân. Dưới mắt mọi người, nó đã không còn là “thằng thỏ đế” nữa.
Duy Dương không ngờ Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh cũng đang chờ đợi nó.
Nó vừa chạy lại, Quý ròm đã hỏi ngay:
- Duy Dương này, tao hỏi mày một câu nhé!
- Câu gì?
Quý ròm vòng vo:
- Mày chơi với bạn bè, có bao giờ mày nói dối không?
Duy Dương chột dạ:
- Sao mày lại hỏi như vậy?
- Thì mày cứ trả lời đi đã!
Duy Dương chớp mắt:
- Không! Tao không thích nói dối.
Quý ròm láu lỉnh:
- Vậy mày nói cho tụi tao biết đi, cô Minh là gì của gia đình mày?
Duy Dương gãi đầu:
- Chẳng là gì cả. Tao đã nói rồi, cô chỉ là hàng xóm thôi.
- Chỉ là hàng xóm sao ngày nào cũng hứng nước giùm cho nhà mày?
- Ừ.
- Ừ là sao?
Duy Dương mấp máy môi:
- Chẳng là sao cả.
Cái lối đối đáp ấm ớ của Duy Dương làm Quý ròm tức anh ách. Môi nó bĩu ra:
- Mày đừng tưởng mày không nói thì tụi tao bó tay đâu nhé.
Rồi trước vẻ mặt ngẩn ngơ của thằng này, Quý ròm hầm hầm bỏ đi sau khi buông thõng một câu:
- Mày đợi đấy!
Quý ròm không dọa suông. Tối hôm đó, nó cùng Tiểu Long và nhỏ Hạnh lần đến chỗ chung cư thằng Duy Dương ở.
Ba đứa kéo vào một quán cóc ở tầng trệt, vừa uống nước vừa bàn mưu tính kế. Đang lúc tính mãi chưa nảy ra được mẹo nào, may làm sao tụi nó tình cờ phát hiện người đàn ông đang ngồi nhậu lai rai ở bàn kế bên là bác tổ trưởng tổ dân phố.
Đấy là một con người xuề xòa, cởi mở. Khi nghe bọn Quý ròm xưng là bạn của Duy Dương đến học chung, bác liền nhanh nhẩu tự giới thiệu và vồn vã bắt chuyện với bọn trẻ.
Bọn Quý ròm mừng như bắt được vàng, lân la bỏi hết chuyện này đến chuyện khác và chẳng mấy chốc, những nghi vấn trong lòng tụi nó nhanh chóng sáng tỏ.
Theo lời bác tổ trưởng thì ba thằng Duy Dương là người tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Nhưng ông cũng nổi tiếng là người sợ chết, sợ đến mức kì quái. Sau lưng ông, mọi người vẫn thường kháo nhau về cái tật này của ông để làm trò cười.
Đi xe, ông không bao giờ dám chạy nhanh, chỉ vì sợ xe gãy phuộc hay gãy sườn thình lình. Ông không dám đi dưới các tán cây to, sợ cành cây rớt trúng đầu. Ông cũng không
bao giờ đi gần các khu nhà đang xây, sợ gạch đá rơi vỡ sọ. Đang đi ngoài đường, hễ nghe thấy tiếng còi xe tít đằng xa, ông đã cuống cuồng nép sát vào lề đường khiến những người xung quanh cười nôn ruột. Đặc biệt, nhác thấy các loại xe be chở gỗ, hay các loại xe chở container cồng kềnh là ông lật đật tránh thật xa.
Bất chấp sự cười cợt của mọi người, ông vẫn thản nhiên. Khi cần đáp trả mọi chế nhạo, ông thanh minh ngắn gọn: “Thà chậm một giây hơn gây tai nạn!” hoặc “An toàn là bạn, tai nạn là thù!”.
Những câu khẩu hiệu về an toàn giao thông dán nhan nhản ngoài phố từ lâu đã là những câu đầu môi của ông và ông thốt ra những lời vàng ngọc đó với cái vẻ mới kính cẩn làm sao.
Đó là lúc ở ngoài phố.
Còn ở nhà, ông không bao giờ đứng tì người vào của sổ hay các lan can. Biết đâu tường bị mục, lan can bị gỉ, tựa vào nhỡ nó nứt ra khiến mình té lộn đầu xuống đất thì coi như tiêu đời. Ông nghĩ vậy và không bao giờ đến gần những chỗ “nguy hiểm” đó.
Thậm chí, buổi tối trước khi đi ngủ, ông luôn đóng chặt các cửa sổ. Thoạt đầu vợ con ông đều phản đối kịch liệt. Tất cả các căn hộ chung cư đều mở cửa sổ vào ban đêm để đón những cơn gió hiếm hoi. Chỉ có ông là ngược đời.
Mãi đến khi ông ấp úng giải thích, mọi người mới hay đó là cách đề phòng bất trắc của ông. Thì ra ông sợ mình mắc chứng mộng du. Ông nghe nói những người mộng du thường lẻn ra khỏi nhà lúc nửa đêm, sau đó đi lang thang trên mái nhà, trên các máng xối và nhảy từ cành cây này qua cành cây khác. Nghe vậy, ông hãi quá. Nhà ông ở lầu ba, nếu ông mắc chứng bệnh kỳ quái này, nửa đêm nhắm mắt nhắm mũi leo ra bên ngoài cửa sổ chắc ông nát thây.
Nhưng dù đã đóng chặt cửa nẻo rồi, ông vẫn chưa an tâm. Khi đi ngủ, ông cố tránh thật xa chiếc quạt đang quay vù vù trên đầu. Ngay cả khi chiếc quạt trần không quay, ông cũng không dám nằm ngay bên dưới nó. Ông sợ chiếc quạt thình lình sút ra khỏi móc và rơi trúng đầu. Ừ, biết đâu đấy! Ở đời chẳng có điều rủi ro nào là không thể xảy ra! Ông tự nhủ và nằm khép nép sát tường, hơi nóng nực một chút nhưng an toàn …
Nghe bác tổ trưởng dân phố kể về ba thằng Duy Dương, Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh thấy buồn cười quá sức, phải cố lắm tụi nó mới giữ được vẻ mặt nghiêm trang. Quả thật, tụi nó chưa từng thấy ai sợ chết một cách kì lạ như thế. Đó là một nỗi sợ hãi không bình thường. Nó giống như sự ám ảnh.
- Tại sao ba bạn Duy Dương lại sợ chết đến thế hở bác?
Bác tổ trưởng e hèm:
- Thực ra chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó các cháu à. Đầu đuôi là như thế này …
Tiết lộ của bác tổ trưởng khiến Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh dần dần vỡ lẽ.
Thì ra dòng họ nhà thằng Duy Dương hầu như chẳng có ai sống qua được ngưỡng tuổi bốn mươi ba, không hiểu tại sao. Năm bốn mươi mốt tuổi, bác nó chết trong một tai nạn giao thông. Năm bốn mươi hai tuổi, ông nội nó mất sau một cơn sốt rét ác tính. Ông cố nó qua đời đúng vào năm bốn mươi ba tuổi vì bệnh thương hàn. Các đời trước nữa hình như cũng vậy.
Điều đó cắt nghĩa tại sao khi bắt đầu bước vào tuổi bốn mươi thì ba thằng Duy Dương lại sinh ra lo lắng và lúc nào, đi đâu, làm gì cũng nơm nớp.
Tiểu Long gục gặc đầu:
- Thì ra là vậy.
Quý ròm buông một tiếng thở dài cảm khái:
- Nếu là tao, chắc tao còn run hơn cả ba thằng Duy Dương nữa.
Rồi nó thở dài:
- Ôi, thấy cái chết lù lù lăn tới trước mặt mình từng ngày một như một chiếc xe hủ lô, ai mà không sợ.
Nhỏ Hạnh chợt nhớ một điều quan trọng:
- Thế ba bạn Duy Dương đã qua khỏi cái ngưỡng tuổi bốn mươi ba kia chưa hở bác?
- Qua rồi! – bác tổ trưởng gật đầu – Năm nay ông ấy bốn mươi lăm. Chỉ tiếc là …
Đang nói, bác chợt ngừng lại, trong một thoáng đôi mắt bác dường như đang mờ đi.
Quý ròm hắng giọng:
- Bác định nói đến …
Cũng như bác tổ trưởng, nói đến đây tự nhiên Quý ròm bỗng ngập ngừng. Nó đang nghĩ đến thương tật của ba thằng Duy Dương. Ông không thể đi lại bình thường mà phải ngồi trên xe lăn. Một con người lúc nào cũng đề phòng mọi tai họa không ngờ cuối cùng vẫn không tránh khỏi rủi ro. Thật trớ trêu! Chắc đấy là hậu quả của một trận ẩu đả với ai đó, Quý ròm thầm nghĩ, nếu không tại sao ông lại bắt thằng Duy Dương phải nhịn nhục trước những trò hiếp đáp và khiêu khích của bạn bè. Trừ những trường hợp bất đắc dĩ, ông cấm nó không được đánh nhau, không được chơi những trò mạnh bạo. Ông sợ nó u đầu mẻ trán. Ông sợ nó què chân gãy tay. Ông không muốn nó lâm vào tình trạng như ông hiện nay đó thôi.
Bác tổ trưởng nhìn bọn trẻ, giọng bâng khuâng:
- Chắc các cháu muốn biết tại sao ông ấy ra nông nỗi này phải không?
Quý ròm láu táu:
- Bác ấy đánh nhau với ai hở bác?
- Không phải đâu! – bác tổ trưởng lắc đầu – Một người sợ sệt mọi thứ như thế không bao giờ lại đi đánh nhau để mang thương tật.
Trước những cặp mắt tò mò của bọn Quý ròm, bác thở dài nói tiếp:
- Chính cô Minh ở căn hộ đối diện đã khiến ông ấy bị như vậy.
Ba cái miệng lập tức há hốc. Trước khi đi dò hỏi, bọn Quý ròm cũng phỏng đoán giữa cô Minh và gia đình Duy Dương hẳn có mối liên quan nào đó nhưng không đứa nào nghĩ cô Minh chính là người gây ra tai họa cho ba thằng Duy Dương.
- Cô Minh trước đây là người chanh chua, đanh đá nổi tiếng ở chung cư này. Không hài lòng người nào, cô mắng té tát vào mặt. Mỗi khi đi hứng nước, hễ thấy cô đang ngồi dưới vòi nước, không ai dám lại gần. Hễ ai dại dột léng phéng xách thau, xô bước lại, thế nào cũng gặp lôi thôi. Ngay cả chồng cô, lúc bực mình, cô cũng chửi rủa sa sả, chẳng kiêng nể chút xíu nào. Thậm chí ngay cả chú công an khu vực cũng rất ngại giáp mặt cô. Mỗi khi có chuyện phải giải quyết liên quan đến cô, mặt mày chú mới khổ sở làm sao. Nói chung, nhắc đến cô, ai cũng kiềng mặt. Những người hiền lành, tử tế như ông ấy càng không muốn dây vào cô. Thế mà rốt cuộc, đúng là trời xui đất khiến …
Theo lời bác tổ trưởng thì hôm ấy cô Minh giận chồng. Không biết giận chuyện gì nhưng chắc là giận ghê lắm. Cho nên sau một trận cãi vã tóe lửa và đuổi ông chồng ra khỏi nhà, cô vẫn chưa nguôi tức, bèn leo qua cửa sổ, ngồi thu lu bên tấm đan bên ngoài.
Tấm đan ở tuốt lầu ba, như một mảnh khăn bé tẹo, chìa ra lơ lửng giữa trời, xưa nay chẳng ai liều mạng leo ra đó. Thế mà bây giờ cô Minh đang ngồi bó gối trên đó, trơ trọi, trống trải, chênh vênh, có thể ngã bổ xuống đất bất cứ lúc nào. Cô ngồi im lìm như một hòn đá, mặt lạnh như tiền, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng trời xa.
Cái tin cô Minh giận chồng ra ngồi trên tấm đan và sắp sửa nhảy lầu tự tử chẳng mấy chốc lan ra khắp chung cư.
Người lớn con nít lập tức xúm đen xúm đỏ dưới sân, nghển cổ dòm lên, miệng la như bộng. Từ các cửa sổ các căn hộ đối diện, vô số đầu cổ ngỏng ra, kẻ tò mò quan sát, kẻ lo lắng khuyên can.
Anh chồng bị vợ đuổi đang buồn tình nốc rượu tì tì ở quán nhậu dưới tầng trệt, nghe tin liền hộc tốc lao trở lên nhà, vắt người ra cửa sổ, vừa rối rít xin lỗi, vừa méo xệch miệng năn nỉ vợ hãy hồi tâm chuyển ý mà leo trở vào bên trong cho.
Thực ra cô Minh chỉ giận chồng mà hù dọa cho bõ tức thế thôi. Chứ cô đâu có định gieo mình xuống đất. Bây giờ thấy hàng xóm náo loạn, thấy anh chồng đáng ghét mặt cắt không còn hột máu đang năn nỉ muốn gãy lưỡi, cô đã thỏa mãn lắm rồi.
Sự phẫn nộ nguôi ngoai, tâm trí cô dần trở lại bình thường. Cô lồm cồm đứng lên và cố vươn tay về phía cánh tay anh chồng đang chìa ra.
Khổ nỗi, lúc đang giận tối tăm mặt mũi cô thấy mọi chuyện dễ dàng bao nhiêu, thì bây giờ khi đã bình tĩnh cô lại thấy khó khăn bấy nhiêu. Khi nãy cô ngồi trên tấm đan bé xíu dưới chân với cảm giác vững vàng như ngồi trên đất bằng, bây giờ cô bỗng thấy nó chông chênh quá đỗi.
Cô nhìn xuống bên dưới, rùng mình thấy mặt đất xa vời vợi. Cô thấy đám đông đang chen chúc và không ngừng la hét kia sao mà nhỏ li ti, hệt như một đàn kiến đang ngọ nguậy.
Chồng cô và bây giờ bên cạnh anh ta thêm ba bốn người hàng xóm nữa đang cố chìa tay về phía cô nhưng cô không làm sao nắm lấy được. Một nỗi sợ hãi xâm chiếm lấy cô khiến cô nghe lạnh từng đầu ngón tay ngón chân, lạnh đến từng chân tóc. Cô lại không ngăn được mình đưa mắt nhìn xuống khoảng trống mênh mông dưới kia và lần này một cơn chóng mặt bất thần ập đến, bao phủ toàn bộ con người cô khiến cô lảo đảo và thét lên một tiếng khủng khiếp, người ngã ra khỏi tấm đan …
Hòa với tiếng thét của cô Minh là hàng trăm tiếng hét kinh hoàng khác của những người chứng kiến cái cảnh cô rơi vùn vụt xuống bên dưới như một tảng đá.
Đúng lúc đó thì ba thằng Duy Dương đi phố về. Ông vào đến khoảnh sân xi măng của chung cư đúng vào lúc cô Minh đang rơi xuống.
Người sợ chết nhất chung cư thình lình chứng kiến một cái chết sắp xảy ra trước mắt mình.
Thế là không suy nghĩ, cũng không có thời gian để suy nghĩ, ông vội vã lao đúng vào tầm rơi của cô Minh, tóm lấy người cô.
Tất nhiên ông hiểu đó là một hành động liều lĩnh, thậm chí dại dột nữa. Chụp một người rơi từ trên cao với vận tốc chóng mặt như thế không khác nào chụp lấy một viên đạn đại bác. Hành động đó chưa chắc đã cứu được nạn nhân nhưng tính mạng mình chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm khôn lường. Nhưng ông không thể không lao ra, không thể không đón lấy bóng người đang rơi xuống kia …
- Thế sau đó thì sao hở bác? – Thấy bác tổ trưởng ngừng ngang, Tiểu Long nóng ruột hỏi, mặc dù nó cũng đoán ra được phần nào kết cục.
- Cuối cùng thì ông ấy cũng đã cứu sống được cô Minh! – Bác tổ trưởng thở dài – Cô bị trầy xước nhiều chỗ, chân bị gãy nhưng sau một thời gian bó bột đã đi lại bình thường.
Riêng ông ấy thì xui hơn nhiều. Khi rơi xuống, hai đầu gối của cô Minh đâm ngay vào vùng bụng ông ấy, làm nứt xương chậu, may mà chưa đến nỗi gây tử vong …
Câu chuyện của ba thằng Duy Dương khiến Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh ngẩn ngơ. Thế ra ba thằng Duy Dương vì cứu người nên mới ra nông nỗi ấy. Ông là chúa sợ chết, ra đường ông dám đi nhanh, về nhà ông không dám nằm dưới cánh quạt, thế mà trước cơn nguy khốn của người khác, ông lại chẳng màng gì đến tính mạng mình.
Ông như vậy, hèn gì thằng Duy Dương giống ông quá đỗi. Hôm trước bị đánh bầm mặt chỉ vì giúp cho cô bé bị xe đụng, vậy mà nó không hề oán thán một câu.
Câu chuyện về ba thằng Duy Dương thật cảm động nhưng cũng thật buồn. Chỉ có câu kết là vui. Bác tổ trưởng mắt long lanh:
- Kể từ ngày đó, tính tình cô Minh hoàn toàn đổi khác. Bây giờ thật khó tìm thấy ai tử tế, hiền lành và nhã nhặn hơn cô …
Chương 10
Duy Dương không biết bọn Quý ròm đã biết rõ đầu đuôi câu chuyện về ba nó nên ngày hôm sau vừa gặp Quý ròm, thấy thằng này toét miệng bô bô:
- Bây giờ thì tao tin là cô Minh không liên quan gì đến nhà mày.
Duy Dương gật đầu hoan hỉ:
- Thì tao đã nói rồi. Cô chẳng liên quan gì đến nhà tao.
Quý ròm lại nói:
- Cô chỉ hứng nước giùm nhà mày thôi.
- Thì vậy! – Duy Dương hân hoan lặp lại – Cô chỉ hứng nước giùm thôi.
Quý ròm ranh mãnh tiếp:
- Vì nhà mày neo người, còn ba mày thì không thể tự hứng nước được.
Lần này Duy Dương không lên tiếng phụ họa theo như hai lần trước. Thấy thằng ròm cứ xoáy mãi về chuyện này tự dưng nó đâm chột dạ. Nó chỉ khẽ gật đầu, mắt ngập ngừng nhìn Quý ròm cảnh giác.
Quý ròm vờ như không thấy ánh mắt thấp thỏm của Duy Dương. Nó nhìn lên trời, giọng tỉnh khô:
- Mà sở dĩ ba mày phải ngồi một chỗ như hiện nay là do cô Minh. Nếu cô Minh không leo ra ngồi ngoài cửa sổ …
Quý ròm bỏ lửng câu nói và đưa mắt nhìn bạn.
Mặt mày thằng Duy Dương lúc này ngơ ngác trông đến tội. Mắt nó chớp lia:
- Bộ tụi mày biết hết rồi hả?
- Tụi tao biết hết rồi! – Quý ròm vỗ vai Duy Dương, mỉm cười – Tao nghĩ chuyện đó chẳng có gì mày phải giấu.
- Ừ! – Duy Dương bẽn lẽn đáp, nó lại thốt lên tiếng “ừ” quen thuộc.
Nhưng Quý ròm chẳng buồn bắt bẻ như mọi khi. Nó chép miệng, cảm khái:
- Ba mày là một người tốt.
- Ừ.
- Mày cũng là người tốt. Mày giống hệt ba mày.
Lời khen tặng của Quý ròm làm Duy Dương đỏ mặt:
- Mày chỉ nói …
Quý ròm nheo mắt, láu lỉnh:
- Đúng, tao chỉ nói … sự thật!
Rồi không để Duy Dương phản đối, Quý ròm nhún vai:
- Tao chỉ không hiểu một điều …
- Điều gì?
- Ba mày dặn mày không được chơi những trò mạnh bạo, đúng không?
- Đúng.
- Vì ba mày sợ nhỡ có rủi ro, mày sẽ bị gãy tay gãy chân, đúng không?
- Đúng!
Quý ròm gật gù:
- Tao thăc mắc chính là chỗ ấy đấy! – Nó vung tay – Đã thế sao ba mày lại cho mày học võ? Chẳng lẽ ba mày nghĩ học võ sẽ không gặp rủi ro sao?
Đôi mắt Duy Dương chợt trở nên xa xăm:
- Tại ba tao cho rằng nếu ba tao có võ thì khi chụp cô Minh từ trên cao rơi xuống, ba tao sẽ không bị chấn thương nặng đến như thế. Chỉ tại tư thế của ba tao lúc đó không đúng.
Câu giải thích của Duy Dương đơn giản đến mức Quý ròm sững người.
Giọng Duy Dương vẫn trầm trầm:
- Vì vậy ba tao mới bắt tao đi học võ, học bơi, học đủ thứ. Ba tao bảo nếu giúp người nhưng mình không đủ sức thì có khi không giúp được người mà lại còn hại cả mình. Ba tao không muốn tao phải suốt đời ngồi một chỗ như ông.
- Nhưng dù đủ sức mày vẫn bị người nhà của con nhỏ đụng xe hôm nọ đánh cho bầm mình đó thôi?
Tiếng Tiểu Long thình lình vang lên ngay sau lưng khiến Duy Dương giật mình ngoảnh lại. Không biết tự lúc nào, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã tiến sát đến bên cạnh hai đứa. Chắc Tiểu Long đã nghe rõ cuộc đối đáp của mình và Quý ròm. Duy Dương nghĩ bụng và bối rối đưa tay gãi má:
- Đây là chuyện khác. Đây là do người ta hiểu lầm. Người ta hiểu lầm đánh mình là chuyện hợp lý. Mình không hiểu lầm mà mình đánh trả người ta mới là chuyện vô lý!
Lý lẽ của Duy Dương thoạt nghe thì có vẻ kỳ cục nhưng ngẫm kỹ lại thấy đúng đắn làm sao. Cái lý lẽ tưởng như vô cùng giản dị đó không phải ai cũng thấu hiểu được.
Lúc vào học, Tiểu Long quay sang Quý ròm, xuýt xoa:
- Thằng Duy Dương này ngộ quá hén mày?
Quý ròm mỉm cười:
- Nó giống mày. Nó là “người hiệp nghĩa”.
Nhỏ Hạnh quay sang:
- Bạn Duy Dương noi gương ba bạn ấy đấy.
Quý ròm chợt thở dài:
- Ba của Duy Dương thật là xui quá!
Tiểu Long thở dài theo, nó không tài nào quên được gương mặt tím bầm của Duy Dương hôm nọ:
- Cả Duy Dương nữa. Duy Dương phải xui xẻo lắm mới bị người ta hành hung dữ như vậy.
Quý ròm thốt nhiên tư lự:
- Chẳng lẽ những người làm điều tốt đều không được đền bù gì cả sao?
Tiểu Long nhìn sững Quý ròm:
- Ý mày muốn nói sau khi đánh nhầm thằng Duy Dương, gia đình con nhỏ nọ phải bồi thường cho nó hở?
Quý ròm nhếch môi:
- Tao không nói chuyện đó. Tao muốn nói đến điều quan trọng hơn …
Nhỏ Hạnh gục gặc đầu:
- Hạnh hiểu điều Quý muốn nói. Nhưng thắc mắc của Tiểu Long cũng là thắc mắc chính đáng.
- Chính đáng t quá đi chứ! – Thấy nhỏ Hạnh bênh vực mình, Tiểu Long đập tay lên ngực – Gia đình con nhỏ nọ phải lo tiền thuốc thang chữa trị cho thằng Duy Dương thì mới hợp lẽ công bằng.
Quý ròm nhíu mày:
- Tao nghĩ …
- Mày khỏi cần nghĩ làm gì cho mất công! – Tiểu Long phẩy tay – Để lát nữa ra về tao hỏi thằng Duy Dương là biết liền!
Nhưng đến giờ về, bọn Tiểu Long không làm sao trò chuyện với Duy Dương được.
Duy Dương vừa ôm cặp ra khỏi cổng đã bị một đám cả chục đứa xúm vào đè xuống đất.
Đang đảo mắt tìm Duy Dương, phát hiện ra biến cổ, Tiểu Long và Quý ròm hấp tấp chạy lại, bỏ mặc nhỏ Hạnh lếch thếch đằng sau.
Nhưng khi đến gần và nhận ra đám “hung thủ”, Tiểu Long và Quý ròm bất giác ngẩn ngơ.
Đang nằm đè lên người thằng Duy Dương đâu phải ai xa lạ mà chính là đám bạn trong lớp: Tần, Dưỡng, Bá, Đặng Đạo, Phước, Cung, Đỗ Lễ …
Sau một thoáng kinh ngạc, Tiểu Long vội vã cúi xuống lôi từng đứa ra:
- Tụi mày làm gì thế hả?
Quý ròm cũng định xông vào đám chân cẳng đầu cổ ngổn ngang kia, miệng hét toáng:
- Này, tụi mày điên cả rồi hay sao thế?
- Điên đâu mà điên! – Đỗ Lễ lồm cồm đứng dậy, đưa tay lau mồ hôi trán – Tụi tao chỉ muốn xem thử “thằng thỏ đế” này võ nghệ có đúng là siêu đẳng như bọn thằng Lâm quảng cáo không thôi!
- Xem thử cái đầu mày! – Quý ròm gầm gừ – Bộ mày muốn thầy giám thị phạt hết cả lớp hả?
- Tụi mày đúng là đồ ngốc tử! – Tiểu Long lắc đầu ra oai, nó khoái chí “thuổng” cái từ “ngốc tử” Quý ròm vẫn thỉnh thoảng đem ra mắng nó – Võ nghệ đâu phải là thứ bạ đâu cũng giở ra! Người càng giỏi võ thì càng nhún nhường …
- Có mày ngốc tử thì có! – Thằng Dưỡng bĩu môi – Nếu mày bị bốn năm đứa hè nhau vật xuống đất, mày có nhún nhường nổi?
Thằng Phước cười hê hê:
- Lúc miệng mày đã bị cạp đất rồi thì dù mày có muốn “uống miếng nước ăn miếng bánh” cũng đâu có được. Mày phải giở võ ra thôi, hi hi!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Không biết cóc gì mà cũng đòi nói!
Nó huơ tay:
- Tụi mày hỏi thằng Duy Dương xem! Có phải từ nãy đến giờ nó nhường nhịn tụi mày không!
Phước “xì” một tiếng:
- Tao không tin! Nó yếu như sên mà nhường nhịn nỗi gì!
Quý ròm hất hàm:
- Không tin mày hỏi nó đi!
Quý ròm đảo mắt dòm quanh, sửng sốt khi chẳng thấy Duy Dương đâu.
Tụi bạn cũng nhanh chóng phát hiện ra sự biết mất đột ngột của Duy Dương.
Thằng Cung ngơ ngác:
- Ủa, nó chạy đi đằng nào rồi?
Đỗ Lễ giậm chân:
- Lạ thật, tao mới nhìn thấy nó đây mà!
- Ê! – Đặng Đạo bỗng reo lên – Duy Dương kia kìa!
Cả bọn lập tức ngoảnh đầu nhìn theo tay chỉ của Đặng Đạo.
Quả nhiên, cách đó một quãng, Duy Dương đang ôm cặp hộc tốc băng qua đường.
Bên kia đường, dưới tàng cây trứng cá lốm đốm trái đỏ, một con nhỏ xinh ơi là xinh đang ngồi trên xe đạp đợi nó.
Con nhỏ trạc tuổi Duy Dương, hai bím tóc lủng lẳng sau lưng, thấy Duy Dương tới gần liền nhoẻn miệng cười tươi tắn và leo xuống khỏi yên nhường tay lái cho nó.
Duy Dương chắc mắc cỡ ghê lắm.
Trước sau nó tịnh không ngoảnh đầu lại. Nó luống cuống cầm lấy tay lái con nhỏ đưa, luống cuống leo lên yên rồi cũng luống cuống như thế, nó cúi gập người hối hả đạp xe đi.
Thằng Duy Dương nhấn bàn đạp vội vàng quá nên con nhỏ ngồi sau bị lắc mạnh, người cứ chao qua chao lại. Nhưng con nhỏ không tỏ vẻ gì sợ hãi. Thậm chí nó còn đưa mắt nhìn về phía cổng trường nơi đám bạn của Duy Dương đang thuỗn mặt nhìn theo.
Việc thằng Duy Dương được bạn gái đến đón ở cổng trường, sau đó chở bạn gái đi chơi, lập tức trở thành một sự kiện trọng đại.
Thằng Tần xuýt xoa:
- Hà hà, thằng Duy Dương này ghê thật!
Dưỡng phụ họa:
- Mấy đứa tẩm ngẩm tầm ngầm thường đâm chết voi đấy!
Đỗ Lễ đập hai tay vào nhau:
- Như vậy nó đâu phải “thằng thỏ đế”! “Thỏ đế” thì chẳng đời nào dám hẹn hò với “bồ” ở cổng trường.
- Ai bảo mày con nhỏ này là “bồ” nó? – Đặng Đạo bắt bẻ – Nhỡ đâu đó là chị gái hay em gái của nó thì sao?
Tiểu Long tự nhiên ngứa miệng:
- Con nhỏ đó không phải là chị gái hay em gái thằng Duy Dương đâu. Thằng Duy Dương là con một.
Đỗ Lễ liếc xéo Đặng Đạo:
- Thấy chưa! Tao bảo con nhỏ đó là “bồ” thằng Duy Dương mà mày không tin!
Tụi bạn nhao nhao khiến Quý ròm nhột lỗ tai quá xá. Nó hắng giọng, ra vẻ thành thạo:
- Tụi mày đoán sai bét hết! Con nhỏ đó chẳng phải là chị gái, em gái hay “bồ bịch” gì của thằng Duy Dương sất!
- Thế theo mày, nó là gì? – Đỗ Lễ cười khảy – Chẳng lẽ nó là dì của thằng Duy Dương?
Phớt lờ sự cà khịa của Đỗ Lễ, Quý ròm chậm rãi:
- Con nhỏ đó chưa phải “bồ”, chỉ mới ở mức “bạn đặc biệt” thôi.
- “Bạn đặc biệt là sao? – Cả chục cặp mắt thao láo.
Thấy lũ bạn nghệt mặt ra trước ba chữ “bạn đặc biệt” rất ư là đặc biệt của thằng ròm, Tiểu Long khoái lắm.
- “Bạn đặc biệt” mà cũng không biết! – Nó ưỡn ngực ra oai – “bạn đặc biệt” tức là bạn mà mình không muốn nó chơi với bất cứ ai …
- Không phải đâu Long ơi! – Nhỏ Hạnh thình lình lên tiếng, chả hiểu nó đứng sau lưng thằng mập tự đời nào.
Tiểu Long cụt hứng quay lại:
- Hạnh biết con nhỏ này hở?
- Hạnh không biết! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi theo thói quen – nhưng chả lẽ Long và các bạn không nhớ đến chuyện Duy Dương bị người ta đánh nhầm hôm trước sao?
Nghe nhỏ Hạnh nhắc, đứa nào đứa nấy liền “ồ” lên.
Thằng Tần hoa tay:
- Tao nhớ rồi! Thì ra con nhỏ bị xe đụng hôm nọ chính là con nhỏ này?
Dưỡng vỗ trán:
- Có thế mà mình không nghĩ ra!
Còn Đỗ Lễ thì toét miệng:
- Ừ, có thế chứ! Ai lại dám hẹn với “bồ” ngay trước cổng trường bao giờ!
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Thế Hạnh có biết con nhỏ nọ đón thằng Duy Dương đi đâu không?
Nhỏ Hạnh mỉm cười. Nó nhìn hút về cuối đường, đáp bằng giọng mơ màng:
- Hôm nay có lẽ là sinh nhật của nhỏ nọ. Lúc ra chơi Hạnh thấy Duy Dương ngồi đằng bàn săm soi mãi một cái gói gì đấy. Một cái gói bọc giấy hoa đẹp ơi là đẹp …
Từ khi nhỏ Hạnh xuất hiện, Quý ròm không nói một tiếng nào. Nó không nói chỉ vì nó không biết nói gì, chỉ đơn giản vì nó hoàn toàn tin vào nhận xét của cô bạn mình. Và cũng vì nó đang sung sướng tin rằng những người xả thân vì người khác sớm muộn gì cũng được đền bù …
Tình bạn đẹp đẽ giữa Duy Dương và cô bạn mới khiến Quý ròm bâng khuâng quá đỗi. Vì vậy, dù không định nói gì, cuối cùng nó cũng không ngăn được mình buột miệng ước ao:
- Ước gì một ngày nào đó tao cũng sẽ gặp được một con nhỏ xinh ơi là xinh nằm bất tỉnh giữa đường …
- Và tao sẽ co giò chạy bay chạy biến!
Thằng Đỗ Lễ ngứa mồm “đế” một câu khiến tụi bạn đứng chung quanh cười rộ và giấc mơ của Quý ròm đột ngột tắt ngấm
Bị phá bĩnh, mặt Quý ròm đỏ phừng phừng. Nhưng có vừa dợm chân định rượt theo Đỗ Lễ lúc này đã vọt tuốt ra xa thì nhỏ Hạnh đã gọi giật:
- Về lẹ thôi, Quý ơi! Hai giờ chiều nay bọn mình đã hẹn tới phụ ba bạn Duy Dương bế hộp, Quý quên rồi sao?
Thành phố Hồ Chí Minh 1999
Nguồn: diendan.game.go.vn