Chương 9
Trừ mấy đứa trong ban cán sự lớp, các tổ còn lại chưa hình dung được cái hoạt cảnh nói về thầy cô mà tổ 2 và tổ 5 bí mật tập dượt mấy bữa nay là hoạt cảnh như thế nào.
Vì vậy khi Minh Vương và Lan Kiều dẫn hai tổ bước ra, lại khệ nệ khiêng theo cả bàn ghế
lên sân khấu thì đám khán giả đang yên lặng theo dõi kia bỗng nhốn nháo hẳn lên.
Dưỡng quay sang Tần:
- Tụi nó định làm gì vậy hở mày?
- Tao cũng chẳng rõ!
Ở dãy bên phải, Kim Em khều Hiển Hoa:
- Các bạn ấy làm gì mà khiêng bàn ghế lên tuốt trên đó vậy hở Hiển Hoa? Nhỏ Hiển Hoa chớp mắt:
- Chắc các bạn ấy định dựng cảnh một lớp học.
- Dựng một lớp học? - Nhỏ Kim Em ngạc nhiên - Làm thế để làm gì?
- Hôm trước bạn Hải bảo tổ 2 và tổ 5 sẽ dựng một hoạt cảnh về thầy cô. Có thầy cô, dĩ nhiên phải có lớp học rồi!
Hiển Hoa không phải là con nhỏ giỏi suy luận. Nhưng lần này nó đoán trúng phóc.
Ở trên sân khấu, sau khi kê bàn kê ghế đâu đó xong xuôi, mười một đứa xúm lại vừa chen chúc giành chỗ vừa cãi nhau chí chớ. Ở phía dưới, thằng Cung bĩu môi:
- Mấy đứa này chả có trật tự kỷ luật tí ti ông cụ nào cả! Đến lúc diễn rồi mà còn giành giật, cãi cọ ầm ĩ, thật chả ra làm sao!
Cung không biết tụi bạn nó đang đóng giả một lớp học mất trật tự. Nó tưởng mấy đứa kia cãi nhau thật. Nó tưởng hoạt cảnh chưa bắt đầu.
Chỉ đến khi đứa thứ mười hai là nhỏ Hải Ngọc nãy giờ vẫn đứng tách riêng ra, vô hai tay vào nhau, cao giọng:
- Các em yên lặng nào! Ồn ào như thế làm sao cô giảng bài được!
Thì Cung mới biết là mình trách nhầm. Không chỉ Cung, nhiều đứa trong lớp đến lúc này mới biết Hải Ngọc đang đóng vai cô giáo. Cả bọn lập tức nín thở, nghếch mắt theo dõi.
Nhưng mặc cho cô giáo la rầy, mười một đắ kia vẫn chen huých la ó, huyên náo không thể tả. Nhỏ Hải Ngọc cau mày, và lại đập hai tay vào nhau:
- Các em có nghe cô nói không?
Tất nhiên là tụi Đỗ Lễ "chẳng nghe cô nói", bằng chứng là tụi nó vẫn hăng hái gây gổ bất chấp cô giáo cứ nhắc chằm chặp.
Nhỏ Hải Ngọc dường như bất lực. La một hồi, nó đưa tay chặn ngực, húng hắng ho. Tiếng ho của Hải Ngọc khiến thằng Quang buột miệng reo:
- A ha, tao biết rồi! Hải Ngọc đang đóng vai cô Trinh!
Như để chứng minh tài nhận xét nhanh nhạy của Quang, nhỏ Hải Ngọc hắng giọng:
- Này, các em im lặng nghe cô đố này! Em nào cho cô biết con công trang sức bằng cái gì?
Đang ồn ào, nghe cô đố, tụi Đỗ Lễ lập tức ngưng bặt và ngước nhìn "cô giáo":
- Con công hở cô?
"Cô giáo" mỉm cười:
- Ừ, cô đố các em con công trang sức bằng cái gì?
Lần này nghe rõ câu hỏi, mười một cái miệng đồng thanh đáp:
- Thưa cô, con công trang sức bằng bộ lông ạ! Hải quắn ngứa miệng nói thêm:
- Cô còn câu đố nào kho khó hơn không hở cô? Câu này dễ quá cô ơi!
Nhỏ Hải Ngọc gật gù chưa kịp đáp, thằng Quang ngồi dưới đã láu táu:
- Thế còn con người khác con công ở chỗ nào? Con người trang sức... Đang bô bô, bắt gặp cái trừng mắt của nhỏ Hạnh, Quang liền im thít.
Nhỏ Hải Ngọc phớt lờ thằng Quang lẻo mép, thản nhiên hỏi các "học trò":
- Con công trang sức bằng bộ lông, thế con người trang sức bằng cái gì hở các em?
Cũng như đầu năm học, nghe "cô giáo" hỏi "dễ" quá, tụi tổ 2 và tổ 5 thi nhau trả lời loạn cào cào. Tụi con gái trưng ra các thứ thời trang, bọn con trai dẫn ra các tiện nghi hiện đại. Hai bên không ai chịu ai, cự cãi ì xèo khiến đám bạn ngồi dưới cười ngặt nghẽo.
Ngay cả cô Trinh cũng không nhịn được cười. Cô không ngờ đứa học trò ngày thường rụt rè và ít nói là Hải Ngọc lại đóng giả cô giống quá thể. Nó ho húng hắng giống hệt cô. Và các cách hỏi đố vừa nghiêm nghị vừa muốn phá ra cười kia càng giống ơi là giống. Cô cũng không ngờ học trò lại dựng hoạt cảnh về thầy cô theo cái kiểu ngộ nghĩnh như thế, lại còn nhớ như in cái câu hỏi đố của cô, câu đố cô vẫn "áp dụng" những khi lớp học ồn ào khiến cô không tài nào giảng bài được.
Cô Trinh cười, và trong lúc cười cô vẫn cảm thấy trái tim mình bồi hồi kỳ lạ, thậm chí cô phải chớp chớp mắt để che giấu sự xúc động đang khiến mặt cô nóng ra.
Ở trên sân khấu, lớp trưởng Xuyến Chi, lớp phó văn thể mỹ Vành Khuyên và hai tổ trưởng Minh Vương, Lan Kiều vừa diễn xuất vừa liếc chừng về phía các vị khán giả đặc biệt để thăm dò phản ứng. Đến khi thấy các thầy cô ai nấy đều bật cười vui vẻ, tụi nó mới thở phào và yên tâm diễn tiếp.
Quỳnh Như trông rõ nụ cười trên môi cô chủ nhiệm. Nụ cười giúp nó thêm tự tin khi tiếp tục
chương trình trong vai cô Nga dạy sử.
Khi "cô Nga" bước ra, "lớp học" vừa mới lắng xuống bỗng ồn lên khủng khiếp. "Cô Nga" lại phải tìm cách "dẹp loạn".
Dĩ nhiên phương pháp của cô Nga khác hẳn cô Trinh. Cô Trinh dựa vào câu châm ngôn "con công trang sức bằng bộ lông, con người trang sức bằng học vấn", còn cô Nga dựa vào... chai dầu gió.
Không rõ con nhỏ Quỳnh Như có thường xuyên trúng gió hay không mà nó diễn vai cô Nga cực kỳ xuất sắc. Sau khi hò hét khản cổ vẫn không ăn thua, tụi Đỗ Lễ ồn vẫn cứ ồn, nhỏ Quỳnh Như đưa tay ôm đầu, giọng thảm não:
- Ôi, cô nhức đầu quá! Em nào có mang theo chai dầu gió, cho cô mượn xem nào!
Lời than vãn của "cô Nga" khiến bọn học trò bên dưới vỗ tay rào rào và đồng thanh hét inh:
- Cô Nga! Cô Nga!
Còn các thầy cô thì che miệng cười khúc khích.
Thầy Đoàn dạy thể dục ngồi kế cô Nga, quay qua tủm tỉm trêu:
- Cách của cô hay thật đấy, hôm nào tôi phải bắt chước mới được!
Cô Nga cười cười:
- Môn của thầy dạy ngoài trời, chỉ sợ thầy trúng gió thật thôi!
Khi thầy Đoàn trêu cô Nga, thầy không ngờ chỉ vài phút sau cô Nga đã có dịp trêu lại thầy. Bởi vì khi nhỏ Quỳnh Như vừa lui vào thì Quốc Ân đã bước ra. Nhìn sáng đi mạnh mẽ của nó, người vô tâm đến mấy cũng biết ngay nó là "thầy Đoàn" dạy thể dục chứ không ai!
"Thầy Đoàn" vừa bước ra chính giữa "lớp" đã giơ tay dõng dạc:
- Thầy nói cho các em biết, thể dục không phải là môn học phụ, các em không được lơ là!
- Rồi để cho thuyết phục hơn nữa, "thầy" nhấn mạnh - Các em đừng quên một trí óc minh mẫn chỉ có thể có trong một thân thể tráng kiện! Xưa nay vậy!
Quốc Ân đang hùng hồn thì thằng Lâm đã giơ tay đứng dậy:
- Thưa thầy...
- Gì đó em? Lâm gãi đầu:
- Ngày xưa thì em không biết nhưng ngày nay em thấy bạn Quý ròm có tráng kiện tí ti nào
đâu mà sao bạn ấy vẫn học giỏi hơn em gấp nhiều lần đấy ạ!
Thằng Lâm đột nhiên hỏi một câu cắc cớ khiến "thầy Đoàn" chợt khựng lại:
- Ờ, ờ... Em Quý hở? Trường hợp em Quý là trường hợp ngoại lệ em à!
Câu trả lời ấp a ấp úng của Quốc Ân làm "lớp học" bên trên lẫn lớp học bên dưới cười ầm.
Riêng cô Trinh không cười. Bụng giật thon thót, cô khẽ liếc sang phía thầy Đoàn xem thầy có nổi giận về màn trình diễn vừa rồi của học trò cô không. Cô Trinh không ngọ ngoạy còn đỡ, vừa quay sang, cô càng thêm điếng hồn khi nghe cô Nga đang chọc thầy Đoàn:
- Cách trả lời của thầy cũng hay thật đấy, hôm nào tôi phải bắt chước mới được!
Nhưng thầy Đoàn chẳng tỏ vẻ gì phật ý. Thầy nhìn lên sân khấu, nói lớn:
- Này, hôm đó thầy còn nói thêm một câu nữa mà các em!
Lời khiếu nại của thầy làm mọi người cười ồ. Ở bên trên, như để xác nhận lời thầy, Quốc Ân nghiêm nghị nói với "học trò":
- Tuy vậy, trong trường hợp phải đối diện với những đề toán hóc búa buộc phải vắt óc suy nghĩ hay gặp phải những cuộc thi căng thẳng, sức chịu đựng của em Quý không thể nào bền bỉ được. Mà một khi sức khỏe sút giảm, trí óc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng...
Cô Nga lại quay qua thầy Đoàn:
- Ôi, lần này thì thầy giải thích mới khoa học làm sao! Thầy Đoàn cười:
- Cô đừng khen tôi nhiều quá, kẻo tôi lại phải tìm một chai dầu gió bây giờ!
Tiếp sau "thầy Đoàn" là "cô Kim Anh". Nếu căn cứ vào kịch bản đã chuẩn bị sẵn thì sau mỗi lần các nhân vật xuất hiện "speaker" Hạnh phải đứng ra hỏi:
- Các bạn có biết nhân vật vừa rồi là thầy cô nào không?
Nhưng nhỏ Hạnh đã không có dịp hỏi những câu như vậy. Hải Ngọc, Quỳnh Như và Quốc Ân mới bước ra nói một vài câu, tụi bạn đã thi nhau reo tên các thầy cô mà bọn trẻ thủ vai rồi.
Lần này cũng vậy, nhỏ Lan Kiều vừa mở miệng hỏi:
- Phân u-rê, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dại do ai chế tạo ra hở các em?
Đám học trò ngồi dưới đã hét ầm:
- Cô Kim Anh! Cô Kim Anh!
Đám học trò trên sân khấu cũng nhanh nhẩu không kém:
- Chính các nhà hóa học đã chế tạo ra những thứ đó, thưa cô!
Nhỏ Lan Kiều gật gù:
- Thế vải lụa, len, dạ nhân tạo, nói tóm lại là những chất không có trong tự nhiên, do ai chế tạo ra?
Tụi Đỗ Lễ lại đồng thanh:
- Thưa cô, tất cả những thứ đó cũng do chính các nhà hóa học tạo ra ạ! Cô Kim Anh vui vẻ ngó cô Trinh:
- Học trò của cô nhớ dai thật đấy! Cô Trinh mỉm cười:
- Học trò của cô nữa chứ!
Nhưng Lan Kiều đóng vai cô Kim Anh không buồn cười bằng nhỏ Bội Linh đóng vai cô Diệu Lý.
Cô Diệu Lý dạy môn vật lý nên vừa bước ra chính giữa "lớp", nhỏ Bội Linh đã hăm hở "quảng cáo" các thành tựu của công nghệ hiện đại, từ chiếc điện thoại di động có thể gọi xuyên lục địa đến chiếc máy vi tính có thể dùng xem phim hay hát karaoke tùy thích, từ trạm không gian của Nga đến đường hầm xuyên eo biển Manche nối liền Anh và Pháp...
Nhỏ Bội Linh nói một thôi một hồi rồi phấn khởi kết luận:
- Với đà tiến đến chóng mặt của khoa học kỹ thuật, hiện nay trong mỗi gia đình, các phương tiện hiện đại, các loại máy móc tối tân không ngừng được trang bị...
Rồi đột ngột chỉ tay vào Quới Lương, nó hào hứng hỏi:
- Em Quới Lương, em hãy nói cho cô biết nhà em vừa sắm loại máy móc nào mới nhất? Quới Lương rụt rè đứng dậy:
- Thưa cô, đó là... cái đồng hồ nước ạ!
Câu trả lời bất ngờ của Quới Lương làm "cô Diệu Lý" đứng sững. Còn thằng Hải quắn ngồi cạnh bĩu môi "xì" một iếng rõ to:
- Tưởng gì! Cái đồng hồ nước xưa rích mà kể ra làm chi! Quới Lương vặc lại:
- Nhưng cô hỏi loại máy móc nào mới nhất trong nhà cơ mà! Mẹ tao làm đơn xin cấp đồng hồ nước cả tám tháng nay, chiều hôm qua người ta mới chịu mang tới!
Lời giải thích thật thà của Quới Lương khiến mọi người cười đau cả bụng. Quả thật, việc xin cấp đồng hồ nước hiện nay ở thành phố đúng là chuyện nhức đầu cho lắm gia đình. Nhưng nếu vì vậy mà cho đó là loại thiết bị gia dụng mới nhất của khoa học kỹ thuật thì quả là bôi bác các nhà sáng chế quá xá cỡ.
Cô Diệu Lý dường như đã quên mất cuộc đối đáp giữa mình và Quới Lương hồi đầu năm học. Nay thấy học trò tái hiện lại câu chuyện oái oăm này ngay trước mắt, cô cười rung cả người.
Cô nhìn cô Trinh, vừa quệt nước mắt vừa nói:
- Cái lớp 8A4 này thật tinh nghịch quá cô à!
Cô bảo "nghịch" nhưng giọng cô lại ra chiều âu yếm. Cô Trinh biết vậy nhưng vẫn vờ đáp:
- Ừ, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò mà!
Chương 10
Cô Trinh bảo nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò không phải là nói quá. Sau Bội Linh đến lượt Lệ Hằng đóng vai cô Hạ Huệ dạy sinh vật, Minh Vương đóng vai thầy Đại dạy giáo dục công dân và hai đứa đã làm các khán giả bên dưới cười ngặt nghẽo.
Nhưng tới khi Đỗ Lễ đóng vai thầy Sơn Cước dạy kỹ thuật mới khiến mọi người cười lăn bò càng.
Sau khi giảng giải khản cổ về nguyên tắc an toàn điện, "thầy Sơn Cước" hỏi Chí Mỹ:
- Nếu đang ngồi học bài, đèn trong phòng bỗng dưng tắt phụt, em phải làm gì để có ánh sáng một cách nhanh nhất?
Chí Mỹ gãi cổ:
- Thưa thầy... thưa thầy...
- Sao? Em không biết làm cách nào à? Chí Mỹ liếm môi:
- Thưa thầy, cách nhanh nhất là em ôm tập... chạy qua phòng của ba em ạ!
Cái lối đối đáp ấm ớ của Chí Mỹ khiến cả lớp cười nôn ruột, Còn thầy Quảng quay qua thầy Sơn Cước:
- Sao chuyện này nghe giống chuyện tiếu lâm quá hở thầy? Thầy Sơn Cướ nhìn thầy Quảng bằng ánh mắt ngạc nhiên:
- Ủa, hóa ra thầy không biết lớp 8A4 này là lớp hài hước nhất trường à? Chính tôi hôm nọ cũng suýt phì cười đó thầy!
Thầy Quảng đầu hói, người thấp đậm, tính tình nghiêm nghị. Nghe thầy Sơn Cước nói vậy, thầy nhói mày cố đoán xem lát nữa đây đứa học trò nào sẽ đóng vai thầy và nó sẽ diễn lại cảnh vui nhộm gì. Thầy là người không thích đùa nên thầy lo lắm. Khi thấy một đứa trong băng "tứ quậy" là Quới Lương đủng đỉnh bước ra và đi tới đi lui trước mặt mọi người với dáng đi bệ vệ của thầy, thầy càng lo tợn.
Nhưng rồi thầy yên tâm ngay. Thầy vốn nghiêm nghị nên Quới Lương phải nghiêm nghị theo.
Nó đứng trước mặt "bọn học trò", tay chắp sau lưng, gật gù "diễn thuyết":
- Một con người bình thường bao giờ cũng biết được hình dạng, diện tích và vị trí của căn nhà mình ở, biết được trong nhà chô nào cao chỗ nào thấy, biết được láng giềng gần gũi với mình gồm những ai. Một công dân cũng thế. Là người dân của một nước, chúng ta không thể không biết hình dạng, diện tích, vị trí của đất nước mình, không thể không biết nước mình tiếp giáp với những nước nào, không thể không biết nước mình có những núi nào, sông nào, hồ nào. Tóm lại, hôm nay chúng ta học bài "Diện tích, vị trí, giới hạn, hình dạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"...
Quới Lương làm một tràng, cả lớp vỗ tay rần rần.
Thầy Quảng ngồi dưới sướng mê. Thầy không ngờ tụi học trò nhớ như in những lời vàng ngọc của thầy như thế. Mà bài "địa lý nhập môn" của thầy, công bằng mà nói, cũng hay tuyệt. Bụng đắc ý, thầy ngoái đầu nhìn quanh, mặt mày rạng rỡ.
Tất nhiên, thầy Quảng không hề hay biết hồi đầu năm khi thầy nói như thế, ở phía dưới thằng Quốc Ân đã tinh quái thì thào vào tai Hải quắn:
- Tao cược với mày thầy Quảng không biết được diện tích của nhà thầy đâu!
- Im nào! - Hải quắn gắt khẽ - Ông thầy này trông nghiêm lắm, không đùa được đâu!
Trong khi thầy Quảng nhấn mạnh sự quan trọng của môn địa lý bằng phương pháp so sánh, thì thầy Thừa đề cao môn ngoại ngữ bằng một câu chuyện khó thể nào quên.
Thằng Lâm sắm vai thầy Thừa, vừa bước ra nó đã láu táu "Good morning" mặc dù trời đang về chiều khiến tụi bạn cười khúc khích.
- Các em im lặng! Im lặng! - Thằng Lâm giơ tay - Trước khi bắt đầu buổi học hôm nay, thầy sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện!
Ba bốn cái miệng tranh nhau hỏi:
- Chuyện gì vậy thầy?
- Chuyện cổ tích hả thầy?
- Đúng rồi đó thầy! Thầy kể chuyện phim cho tụi em nghe đi!
Thằng Lâm giơ tay lần thứ hai:
- Các em giữ trật tự đi nào! - Rồi nó hấp háy mắt y hệt thầy Thừa - Chuyện thầy sắp kể hay hơn chuyện cổ tích, hay hơn chuyện phim nhiều!
Nghe vậy, cả lớp ngồi im, giương mắt chờ đợi.
Lâm "e hèm" một tiếng rồi hắng giọng:
- Một ngày nọ, mèo mẹ dẫn nèo con đi dạo. Lúc ngang qua hang chuột, nghe tiếng lũ chuột đùa giỡn bên trong, meo con hứng chí nhảy bổ tới. Mèo mẹ cản lại "Cửa hang bé tí, con không chui lọt được đâu?" Mèo con hỏi "Thế làm sao mẹ con ta bắt được chuột hở mẹ?". "Yên chí", mèo mẹ đáp, "Con xem đây!". Nói xong, mèo mẹ giả tiếng chuột kê lên "chít chít". Quả nhiên, nghe tiếng kêu, lũ chuột con tưởng chuột mẹ đi chợ về liền ùa ra cửa hang. Mèo con phục mẹ quá xá và thu mình chuẩn bị phóng tới vồ lũ chuột. Nhưng ngay lúc đó, tiếng cho sủa "gâu gâu" thình linh vang lên sát sau lưng hai mẹ con mèo khiến cả hai hốt hoảng cong đuôi chạy mất. Lũ chuột con thoát chết, nhìn về phía tiếng sủa, định lên tiếng cảm ơn bác chó ân nhân. Nhưng làm gì có bác chó nào. Chính chuột mẹ đi chợ về, thấy lũ con lâm nguy, bèn vội giả tiếng chó để hù dọa mẹ con chị mèo đó thôi...
Kể xong, thằng Lâm đưa mắt nhìn tụi Đỗ Lễ:
- Chuyện hay không các em?
- Hay lắm thầy! - Nhỏ Bội Linh nhanh nhẩu - Chuyện tiếu lâm hở thầy?
- Đây không phải là chuyện tiếu lâm! - Lâm lắc đầu, rồi nó đảo mắt một vòng, nghiêm trang hỏi - Bây giờ em nào cho thầy biết câu chuyện thầy vừa kể hay ở chỗ nào?
Chí Mỹ láu tau giơ tay, nịnh nọt:
- Thưa thầy, câu chuyện hay chính ở chỗ giọng kể của thầy. Thầy kể chuyện rất sống động, truyền cảm, nghe như mật rót...
- Thôi, đủ rồi em! - Lâm lật đật xua tay - Thầy muốn các em nhận xét về câu chuyện chứ không phải nhận xét về... chất giọng của thầy! Nhỏ Lan Kiều đứng lên:
- Thưa thầy, câu chuyện vừa rồi hay ở chỗ nêu bật được tình mẫu tử ạ!
- Tình mẫu tử? - Lâm nhíu mày.
- Đúng vậy, thưa thầy! - Nhỏ Lan Kiều liếm môi - Mèo mẹ và chuột mẹ là những biểu hiện sinh động của tình mẹ yêu con ạ!
Nhận xét bất ngờ của tổ trưởng tổ 2 khiến "thầy Thừa" gãi đầu:
- Ờ, ờ... Cái đó cũng có thể kể là điều hay. Nhưng các em còn thấy điều hay nào nữa không?
- Thưa thầy có ạ! - Hải Ngọc vọt miệng.
"Thầy Thừa" mừng rỡ:
- Điều hay nào thế em? Hải Ngọc đứng dậy:
- Thưa thầy, câu chuyện này hay ở chỗ mèo và chuột đều nói được tiếng người ạ!
Đỗ Lễ nhăn mặt kéo tay Hải Ngọc:
- Ngồi xuống đi! Tưởng sao, nói vậy mà cũng đòi nói! "Thầy Thừa" tặc lưỡi:
- Sao, các em không nhận ra ý nghĩa xâu xa của câu chuyện này à? Hải quắn gãi tai:
- Thưa thầy, khó "nhận ra" quá ạ!
"Thầy Thừa" khoa tay một vòng:
- Nếu vậy thì để thầy nói cho các em biết! Ý nghĩa của câu chuyện này chính là nhằm nêu bật ích lợi của việc học ngoại ngữ, các em đã hiểu ra chưa?
- Dạ hiểu chưa ra! - Tụi Đỗ Lễ ngoác miệng đáp rập ràng khiến đám bạn ngồi bên dười không nhịn được cười.
Thấy khán giả vui vẻ, thằng Lâm nổi hứng ba hoa:
- Ôi, như vậy là các em chậm hiểu quá! Tiếc là em Lâm hôm nay nghỉ học, nếu không em Lâm sẽ hiểu được điều thầy nói. Ôi, ước gì lớp ta ai cũng thông minh như em Lâm!
Cú "cương ẩu" ngoài kịch bản của thằng Lâm khiến Xuyến Chi và Vành Khuyên xanh mặt. Nhưng đang đóng vai học trò, tụi nó không tiện cự nự "thầy", chỉ có cách vờ ho khan để nhắc nhở, răn đe.
Thấy lớp trưởng và lớp phó ho nhặng, Lâm hiểu ý ngay. Lại thêm thầy Thừa ngồi bên dưới vừa cười vừa nói vọng lên:
- Câu vừa rồi là câu của em chứ không phải của thầy à nghen! Khiến Lân hết dám nói năng vung vít. Nó lấy lại vẻ nghiêm trang:
- Bây giờ thầy hỏi các em nè! Con mèo kêu như thế nào?
- Thưa thầy, kêu "meo meo" ạ! - "Lớp học" nhất loạt trả lời.
- Đúng rồi, mèo kêu "meo meo", Nhưng khi nãy, lúc dụ lũ chuột con ra khỏi hang, mèo mẹ có kêu "meo meo" không?
- Thưa thầy, không ạ! - Tụi Đỗ Lễ lại đồng thanh - Khi nãy mèo mẹ không kêu "meo meo"
mà kêu "chít chít". Mèo mẹ giả tiếng chuột ạ!
Chỉ đợi có vậy, thằng lâm vung tay:
- Đấy, các em thấy chưa! Nếu không siêng học "ngoại ngữ", mèo mẹ đâu có thể nói được tiếng chuột và dùng nó để dụ chuột ra khỏi hang!
Kết luận hóm hỉnh của "thầy Thừa" khiến mọi người, kể cả các thầy cô, bưng miệng cười. Thằng Lâm chứng tỏ ta đây là một nhà giáo nghiêm túc. Lâm không cười. Nó tỉnh bơ nói tiếp:
- Chưa hết! Trình độ " ngoại ngữ" của chuột mẹ còn "siêu" hơn...
Chí Mỹ hí hửng vọt miệng:
- Thưa thầy, bây giờ thì em hiểu rồi ạ! Chính nhờ giỏi "ngoại ngữ" mà chuột mẹ đã nói được tiếng chó, cứu lũ con thoát chết trong đường tơ kẽ tíc ạ!
"Thầy Thừa" gục gặc đầu, vẻ hài lòng:
- Đúng! Hoàn toàn đúng! Thế qua câu chuyện này, các em rút ra được bài học gì nào?
Được "thầy" khen, Chí Mỹ khoái chí cười tít mắt. Và nó ưỡn ngực hăm hở:
- Thưa thầy, rút ra được bài học... tiếng Anh ạ!
Chí Mỹ chắc mẩm lần này sẽ được thầy khen tiếp, thầy sẽ lại gật gù "Đúng! Hoàng toàn đúng!" như khi nãy.
Nhưng "thầy Thừa" lắc đầu và thở đánh thượt:
- Ối dào, sao lại có bài học tiếng Anh ở đây? Thầy muốn hỏi các em đã rút ta được kết luận gì từ câu chuyện này kia!
Nhỏ Xuyến Chi đứng dậy:
- Thưa thầy, câu chuyện này cho chúng ta thấy những ích lợi to lớn của việc học ngoại ngữ ạ!
- Đúng thế! - "Thầy Thừa" tươi nét mặt - Không cứ là tiếng Anh, những thứ tiếng khác như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc... cũng vậy, các em biết thêm bất kỳ một ngoại ngữ nào cũng đều có lợi cho bản thân cả! Đó là điều thầy muốn nói với các em hôm nay!
Buổi "thuyết trình" về sự lợi hại của môn ngoại ngữ kết thúc giữa những tràng pháo tay rầm rộ của khán giả.
Lâm nhơn nhơn đi về chỗ ngồi, nhường lại "bục giảng" cho Hải quắn.
Hải quắn vừa bước ra, chưa kịp làm bất kỳ động tác nào, tụi bạn ngồi dưới đã reo ầm:
- Thầy Hiếu! Thầy Hiếu!
Đơn giản là từ đầu đến giờ, các thầy cô khác đều lần lượt xuất hiện, chỉ có "thầy Hiếu" là chưa. Hơn nữa, thầy Hiếu có mái tóc xoăn, Hải quắn cũng có mái tóc xoăn. Và đến khi Hải quắn bước lại chỗ bảng đen, dùng tay chùi những dòng chữ chi chít trên bảng khiến hai bàn tay trong thoáng chốc đã dính đầy phấn trắng thì quả là trông nó giống thầy Hiếu quá mức.
So với thầy Quảng và cô Hạ Huệ, thầy Hiếu ít nghiêm hơn. Ít nghiêm hơn nhưng vẫn là nghiêm. Vì vậy, dù hai bàn tay lấm lem của Hải quắn khiến những tiếng rúc rích nổi lên chung quanh, thầy vẫn không nhích môi một tí ti. Thầy ngồi khoanh tay trước ngực nhìn chăm chăm lên sân khấu, mặt mày nghiêm nghị.
Nhìn thầy lúc này, không rõ thầy vui hay giận. Ở bên trên, Hải quắn vẫn thản nhiên hò hét "đứa học trò" đần độn là Quới Lương.
Và đến khi Quới Lương giải sai be sai bét bài toán đơn giản "thầy" cho, "thầy" nổi giận quay sang nhìn trân trân vào mặt tên học trò kém cỏi:
- Em định giết tôi hả Quới Lương?
Quới Lương rụt cổ, mặt xanh như tàu lá:
- Thưa thầy, em đâu dám... giết người ạ!
"Thầy Hiếu" giơ hai tay lên trời, răng nghiến trèo trẹo:
- Còn chối nữa hả? Em làm toán như thế tức là em giết tôi rồi còn gì!
Màn diễn xuất của Hải quắn và Quới Lương khiến phòng học lớp 8A4 như muốn nổ tung. Không chỉ bọn học trò mà cả các thầy cô cũng đều cười rũ, cười chảy nước mắt nước mũi.
Thầy Hiếu đưa mắt nhìn quanh, cảm thấy đầu ong ong. Cuối cùng không nén được, thầy đứng bật dậy khỏi chỗ ngồi, mặt không vui:
- Này, này, các em đừng có mà bịa lung tun như thế! Tôi có bao giờ nói những câu thế đâu!
Phản ứng đột ngột của thầy Hiếu khiến những tràng cười bỗng ngưng bặt. Cô Trinh nơm nớp liếc thầy Hiếu, cố đoán xem thầy giận thật hay chỉ là đùa chơi với bọn học trò. Các thầy cô khác mặt mày đều lộ vẻ căng thẳng. Còn bọn học trò thì khỏi nói, chúng dáo dác hết nhìn thầy Hiếu lại quay sang cô giáo chủ nhiệm như ngầm cầu cứu.
Trong khi chưa ai biết phải làm gì trước tình huống bất ngờ này thì nhỏ Hạnh bước lên một bước:
- Thưa thầy! - Nhỏ Hạnh lễ phép - Đó đúng là câu thầy hay nói với tụi em đấy ạ! Em nghĩ chính nhờ câu nói này mà tụi em không bao giờ dám lơ là khi học môn toán của thầy! Thấy nhỏ Hạnh "xung phong" bước ra trả lời thầy, tụi bạn dần trấn tĩnh và sốt sắng phụ họa:
- Đúng rồi đó thầy! Mỗi lần làm toán sai, nghe thầy nói thế, tụi em cố làm sao cho lần sau không sai nữa ạ!
- Nhờ vậy mà lớp em học toán khá hơn hồi đầu năm nhiều đó ạ!
- Câu đó rõ ràng thầy có nói mà thầy! Bạn Tiểu Long là người đầu tiên nghe thầy hỏi câu đó, nhờ vậy mà bây giờ bạn ấy làm toán được toàn điểm 9, điểm 10 đó thầy!
Thầy Hiếu thấy lòng mình dần dần dịu lại và trong một thoáng thầy chợt ngạc nhiên về phản ứng vừa rồi của mình. Thầy hắng giọng hai ba cái để che giấu sự bối rối và nói:
- Thầy rất cảm ơn về việc các em đã học tốt môn toán của thầy. Nhưng thầy vẫn không nhớ được là thầy có nói cái câu... gì gì đó hay không. Nếu thầy thực sự không nói mà các em "dàn dựng" như vậy tức thị các em giết thầy rồi còn gì!
Thầy Hiếu nói vừa dứt câu, mọi người cười ồ, còn Hải quắn thì hớn hở chỉ tay vào người thầy, giọng mừng rỡ như bắt được vàng:
- Đó kìa thầy! Thầy vừa nói cái câu đó kìa thầy! Thầy Hiếu tròn mắt:
- Câu gì?
Hải quắn huơ tay sung sướng:
- Cái câu "các em giết thầy rồi còn gì" đó thầy! Thầy Hiếu nhíu mày:
- Làm gì có! Chắc em nghe nhầm hay sao ấy! Cô Kim Anh tủm tỉm đáp thay Hải quắn:
- Thầy nói rõ ràng, ai cũng nghe hết mà thầy! Thầy vừa nói "Nếu thầy thực sự không nói mà các em "dàn dựng" như vậy tức thị các em giết thầy rồi còn gì!"
Khi lặp lại câu nói của thầy Hiếu, cô Kim Anh cố tình nói rõ từng tiếng khiến cặp lông mày thầy càng líc càng nhăn tít. Thầy ngờ ngợ:
- Ủa, tôi có nói vậy thật hả? - Rồi thầy gãi cổ - Ờ, ờ, bây giờ nghe cô nhắc lại, tôi chợt thấy nó quen quen...
Thái độ của thầy Hiếu khiến các thầy cô khác không tài nào làm nghiêm được. Ai nấy đều bật cười. Bọn học trò cũng cười, nhưng lần này chúng cẩn thận lấy tau bụm miệng. Nhưng thầy Hiếu lúc này đâu có giống thầy Hiếu lúc nãy. Trên mặt thầy sự nhăn nhó biến mất, thay vào đó là vẻ cởi mở, dịu dàng.
Thầy nhìn lên sân khấu, tươi cười nói:
- Một câu nói ngay cả thầy cũng không nhớ mà các em lại nhớ như in, lại là câu nói động viên các em học tốt, đó là điều khiến thầy rất xúc động và tự hào. Không biết sang năm thầy có còn dạy các em nữa không, nhưng dù không còn được dìu dắt các em, thầy vẫn tin rằng các em sẽ mãi mãi nhớ đến thầy cũng như các thầy cô đã dạy các em năm nay. Trước khi chia tay, thầy xin cảm ơn các em, cảm ơn cô chủ nhiệm về buổi liên hoan đặc sắc hôm nay...
Rồi thầy rút một bông hoa trong chiếc lọ trước mặt và tiến lên sân khấu, âu yếm đặt vào tay Hải quắn, hệt như khán giả hâm mộ tặng hoa cho nghệ sĩ ngôi sao. Thầy nói, giọng trầm ấm:
- Cảm ơn em đã thể hiện rất cảm động hình ảnh của thầy!
Hành động bất ngờ của thầy Hiếu được tán thưởng bởi hàng tràng pháo tay rôm rả.
Việc thầy Hiếu tặng hoa cho đứa học trò đóng vai mình chắc là một hành động ngẫu hứng. Nhưng cử chỉ đẹp đẽ đó lập tức được các thầy cô khác hoan hỉ hưởng ứng.
Thầy Hiếu vừa đi xuống, cô Nga đã đi lên. Cô cầm nhành hoa trên tay đến trước mặt Quỳnh Như, mỉm cười:
- Cảm ơn em! Cảm ơn về những chai dầu gió của lớp 8A4 dễ thương!
Sau cô Nga là thầy Đoàn. Sau thầy Đoàn là cô Diệu Lý. Cứ thế, các thầy cô lần lượt bước lên tặng hoa và nói lời cảm ơn với các học trò.
Thật là chuyện kỳ lạ! Học trò chưa kịp cảm ơn thầy cô về sự dạy dỗ tận tụy trong năm, các thầy cô đã lên tiếng cảm ơn học trò. Người cuối cùng bước lên sân khấu là cô trinh.
Sau khi vui vẻ trao nhành hồng đỏ thắm vào tay đứa học trò thủ vai mình là nhỏ Hải Ngọc, cô quay mặt về phía chỗ ngồi của các thầy cô giáo, trang nghiêm nói:
- Với tư cách là chủ nhiệm lớp 8A4, tôi xin cảm ơn các thầy cô đã đến tham dự buổi liên hoan cuối năm hôm nay. Và xin được ngỏ lời biết ơn sâu sắc về sự dạy dỗ hết lòng và tình cảm trìu mến mà các thầy cô đã dành cho học trò lớp 8A4 trong suốt năm qua!
Rồi cô hướng đôi mắt long lanh về phía học trò, giọng cảm động:
- Cô và các thầy cô xin cảm ơn chương trình văn nghệ sinh động, vui nhộn và nhiều ý nghĩa của các em. Nhân đây, cô và các thầy cô xin chúc các em một mùa hè vui vẻ, thú vị và đạt được nhiều kết quả trong năm học tới!
Tiếp đó, cô giơ cao gói quà được bọc giấy mày nãy giờ vẫn cầm trên tay, mỉm cười nói:
- Còn bây giờ đến phần trao phần thưởng! Theo các em tiết mục nào xuất sắc nhất trong buổi liên hoan hôm nay?
Cả lớp đồng thanh:
- Thưa cô, tiết mục của tổ 2 và tổ 5 ạ!
Sợ bạn bè át giọng, thằng Dưỡng gân cổ bình luận:
- Hoạt cảnh của tổ 3 cũng hay và bài thơ của bạn Quý ở tổ 4 cũng độc đáo, nhưng dù sao cũng không hay và độc đáo bằng hoạt cảnh của tổ 2 và tổ 5 ạ!
Thằng Tần không chịu kém. Nó nheo mắt nhìn Dưỡng, miệng bô bô:
- Bài hát Trống cơm do bạn Dưỡng của tổ em trình bày tuy gây "ấn tượng mạnh" không thau gì bom nguyên tử nổ nhưng theo em tiết mục của các bạn ở tổ 2 và tổ 5 vẫn xuất sắc hơn! Sau khi xem hoạt cảnh này, em tin rằng cho đến già tụi em vẫn không thể nào quên các thầy cô dạy chúng em năm nay đâu ạ!
Nhận xét của tụi bạn khiến mấy đứa ở tổ 2 và tổ 5 như nở từng khúc ruột. Chúng cười toét miệng và gõ bàn thùng thùng để đón chào thắng lợi.
Nhưng phấn khởi nhất có lẽ là lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó Hạnh, những đứa đã dám "liều mình" ủng hộ ý kiến táo bạo của băng "tứ quậy".
À quên, như thế thì nhỏ Hạnh và nhỏ Xuyến Chi không phải là những đứa phấn khởi nhất. Phán khởi nhất phải là Hải quắn, Quới Lương, Quốc Ân và thằng Lâm.
Hải quắn phấn khởi đến mức khi cô Trinh đề nghị đại diện tổ 2 và tổ 5 lên nhận phần thưởng, hai tổ trưởng Minh Vương và Lan Kiều chưa ai kịp đứng dậy, Hải quắn đã láu táu rời khỏi chỗ và lơn tơn đi lên.
Đã vậy, sau khi nhận gói quà từ tay cô giáo, Hải quắn không chịu xuống ngay. Nó nhìn về phía các thầy cô, giọng hào hứng:
- Thưa cô chủ nhiệm, thưa các thầy các cô! Lúc nãy cô chủ nhiệm đã cảm ơn các thầy cô, nay em xin thay mặt lớp 8A4...
Hôm trước nghe Hải quắn tự xưng là đại diện của tổ 2, tụi bạn đã phát hoảng, nay nghe nó cao hứng đòi thay mặt cho cả lớp, tụi bạn càng sốt vó.
Tuy nhiên, Hải quắn đã kịp trấn an bạn bè. Nó nói, từ tốn và chững chạc:
- Em xin đại diện cho lớp 8A4 một lần nữa cảm ơn tất cả các thầy cô đã hết lòng dạy dỗ chúng em...
Nhưng Hải quắn chỉ ăn nói chững chạc được có thế, nếu không tụi bạn đâu có liệt nó vào hàng "tứ quậy". Lớp trưởng Xuyến Chi mới nhè nhẹ thở ra, chưa kịp hít hơi vào, đã phải giật bắn người khi nghe Hải quắn ngẫu hứng ba hoa:
- Chúng em mến các thầy cô đến nỗi em ao ước phải chi cả lớp đều bị lưu ban hết ráo để
có dịp học với các thầy cô thêm một năm nữa! Ôi, nếu được vậy thì sung sướng biết mấy!
Sự "ao ước" khủng khiếp của "đại diện lớp 8A4" khiến mọi người cười ầm, còn mấy đứa trong ban cán sự lớp thì méo xệch miệng.
Đứng bên cạnh Hải quắn trên sân khấu là cô Trinh. Cô Trinh vốn không phải là người ưa khôi hài. Nhưng lúc này cô cũng phải đưa tay ôm đầu, và than thở bằng một câu được toàn thể khán giả vỗ tay hoan hô như sấm:
- Em Hải ơi là em Hải! Nếu như ao ước của em lỡ thành sự thật, như vậy tức là em giết cô rồi còn gì!
1998
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn: hgth.vn