Xưa có ông nhà giàu chỉ làm nghề cho vay lãi.
Trong vùng, có một nhà đói khó vay ông được ba mươi quan tiền.
Ông nhà giàu đi đòi đã năm bẩy lần, mà nhà ấy không sao trả được, cứ khất lần.
Một hôm ông đến đòi nữa thì cả nhà đi vắng chỉ có một đứa bé đang nô nghịch ngoài sân.
Ông mới hỏi đứa bé rằng:
-Cha mẹ mày đi đâu vắng cả?
Đứa bé làm thinh không đáp.
Ông kia tức mình hỏi mãi:
-Cha mẹ mày đi trốn nợ, hay đi đâu? mày phải nói thật.
Đứa bé bấy giờ mới thủng thỉnh đáp rằng:
-Cha tôi thì đi chém cây sống, giồng cây chết. Mẹ tôi thì đi bán gió mà mua que.
Ông kia nghe nói, chẳng biết cha mẹ nó làm cái gì, mà nó nói lạ thế. Ông gặng hỏi nó đôi ba lần, nó cứ cười không đáp ra sao cả.
Thấy vậy, ông mới dỗ dành nó rằng:
-Cha mẹ mày làm nghề gì, mày cứ nói thật. Rồi cha mẹ mày còn nợ tao bao nhiêu, tao cho mày cả, tao không đòi nữa.
Thằng bé ngần ngại nói rằng:
-Tôi biết ông đùa tôi đấy! ông nói chuyện đưa trâu qua đò làm gì thế!
Ông kia bảo: -Không, tao nói thật mà!
Nó nói: -Thật à! Thế thì tôi phải đi mời người đến làm chứng. Rồi tôi xin nói.
Ông kia nghĩ bụng: “Thằng bé này khôn đáo để”
Thì ngay lúc ấy, vừa trông thấy một con mối, ông bảo nó rằng:
-Có con mối kia làm chứng cho cũng được rồi…Mày cứ nói đi.
Thằng bé có chứng cớ tử tế mới nói rằng:
-Cha tôi đi chém cây sống, giồng cây chết tức là cha tôi đi cấy, còn mẹ tôi đi bán gió mua que tức là đi bán quạt.
Ông kia nghe nói, ngẫm nghĩ chịu thằng bé là tài, trở ra về.
Cách được mấy hôm, ông kia lại đến đòi nợ…
Người cha lại năn nỉ xin khất, nhưng thấy thằng con lon ton chạy ra bảo:
-Cha không phải trả món nợ ấy nữa. Ông ấy đã cho con cả rồi.
Ông kia nói:
-Trẻ con đừng nói láo! Ai cho mày?
Nó bảo:
-Thì có chứng cớ tử tế, ông còn cãi gì…
Ông kia giận dữ vùng vằng ra về, lẩm bẩm dọa rằng:
-Ừ rồi tao xem cha con nhà mày có phải trả tao không!
Người cha nghe nói sợ hãi, hỏi lại con:
-Ông ấy bảo cho mày nợ, mày nói có chứng cớ, thì chứng cớ gì mà chứng cớ đâu?
Thằng con nói:
-Cha chớ lo. Cha đừng có trả, để đó mặc con. Khôn ngoan lên đến cửa quan mới biết. Quả nhiên được mấy hôm, có trát quan về đòi người kia lên thật. Vì ông nhà giàu đã đầu đơn kiện tại công đường.
Người cha cứ thực, trình rằng:
-Bẩm, tôi có nợ ông ấy ba mươi quan tiền. Tôi đã có lời khất rồi tôi xin trả. Nhưng con tôi nói bảo đừng trả, vì ông ấy đã cho nó cả rồi, mà nó lại còn chứng cớ tử tế.
Ông nhà giàu cãi:
-Thằng bé nó nói láo! Chớ tôi cho nó bao giờ đâu, mà có chứng cớ gì đâu. Xin quan cho đòi nó lên mà tra hỏi.
Quan nghe, lập tức cho đòi thằng bé lên.
Thằng bé vào quan, chào lạy rất lễ phép, rồi kể lại rành mạch đầu đuôi câu chuyện.
Quan hỏi vặn nó:
-Nhưng lúc bấy giờ có ai làm chứng cho câu nói của ông kia không?
Nó thưa: Bẩm có, có chứng cớ, chính ông ấy, lúc bấy giờ, chỉ vào một con mối đang leo trên cột nhà, bảo làm chứng.
Ông kia nghe nó nói sai, đỏ mặt cãi rằng:
-Lúc ấy chỉ có con mối đậu trên chiếc đũa cả, chớ làm gì có con mối leo ở cột nhà.
Quan nghe ông kia cãi, cười mà nói rằng:
-Thế thì ông có nói cho nó thật rồi. Mà lúc ông nói, có con mối làm chứng cho nó thật rồi. Ông còn cãi gì nữa. Ông tưởng lừa trẻ được, nhưng ngờ đâu nó lại lừa được ông. Con cháu bây giờ thật khôn hơn ông vải đấy ông ạ.
Rồi quan xử cho người kia không phải trả nợ nữa.
Người nhà giàu phải cắn răng chịu, lấy làm căm tức lắm, nhưng trong bụng vẫn khen thầm thằng bé sao mà khôn ngoan tài giỏi đến bực ấy (Thằng bé này, có ngưòi cho là Vũ công Duệ, một bậc văn tài nước Nam, đỗ trạng về đời Lê Thánh Tôn. Nhưng truyện này hơi khác truyện Vũ Công Duệ mà kể cho lý thú hơn. Không rõ người làm truyện Vũ công Duệ có mượn ít nhiều ở truyện cổ này chăng? Thử hỏi tác giả quyển “Tang thương ngẫu lục”).
Nguồn: xuanha.net