Chương 5
- Con càng không trả lời.
- Ai có thể thuần hóa mày được. Lạ thật!
- Ba tin rằng người có lý tưởng trong cuộc đời này không?
- Cách đây 40 năm tao tin tưởng tuyệt đối.
- Còn bây giờ?
- Bây giờ lý tưởng không phải là nước sơn bên ngoài nữa, vấn đề là gỗ có thật tốt hay không, đừng trách ba chuyện này khi ba có thêm hai tính xấu: cẩn thận và đa nghị Cách đây 40 năm trước ba đẹp trai, chiến đấu giỏi và tin người lớn hơn con bây giờ nhiều. Trong ba đã mất dần dòng máu Nam bô...
- Nếu con không trách ba thì ba cũng đừng trách con. Con quan niệm lý tưởng là lý tưởng mình... có lý!
- Ai "mớm" cho mày thế?
- Con có một người bạn trai tên là Thổ Phỉ.
- Chà, nghe sặc mùi Lương Sơn Bạc. Còn con bé bán thuốc lá có biệt hiệu gì?
- Thưa ba, Tóc Quăn.
- Quăn với lại chả Quăn, ngay ngày mai mày phải đi học bằng số tiền bán xe còn lại của mày.
- Cám ơn lòng nhân từ của ba, con xin phép... rút.
Xóm Chuồng Ngựa buổi chiều hấp dẫn như một thỏi nam châm. Một cuộc sống thứ hai đầy sinh lực của Sài Gòn sau những mặt tiền hoa lệ của vũ trường, khách sạn, nhà hàng. Thợ Săn nhìn mọi thứ không chán mắt: từ những cây cột xiêu vẹo mà đám nhà giàu quăng đi một cách không tiếc rẻ chỉ cần lợp thêm một mớ tôn phế phẩm và chục tấm cạc-tông là thành một căn nhà ngon ơ, đến thanh ván bắc ngang cái cầu tiêu công cộng chung cho nam nữ trên sông mang hình thù một cây cầu khỉ. Hắn say sưa cảm giác thanh bình kỳ lạ, nhà Hoa "điệu" ở đâu trong hàng trăm căn nhà lụp xụp chen chúc nhau kiểu này? Nhà Thổ Phỉ nữa? Và hắn: bộ quần áo "mô đen Việt kiều" của ông chủ Thảo Cầm Viên trên chiếc xe đạp ngoại quốc sườn ngang có phung phí quá trước ánh mắt cư dân xóm Chuồng Ngựa hay không?
Thợ Săn không cần hỏi cũng được trả lời liền. Một bàn tay vẫy hắn lại, bàn tay nối liền với một cánh tay đen đúa bắp thịt cuồn cuộn, cánh tay nối liền với một cái cằm bạnh có một vết sẹo dữ tợn như vết chém. Hắn thấy vết chém đó run rẩy:
- Ê Việt kiều, ngừng lại.
Sau gã thanh niên khổng lồ cởi trần lực lưỡng kia là hai thanh niên hung hãn khác. Chúng chặn muốn bít con hẻm.
Thợ Săn không cách nào phóng xe qua hàng rào người kia được, hắn nhảy xuống nhẹ nhàng, giọng khiêm tốn hơn bao giờ:
- Các anh cho phép tôi đi tìm người quen.
Gã thanh niên đã đưa bàn tay hộ pháp giữ ghi- đông xe đạp hắn:
- Trai hay gái?
- Thưa, con gái, cô ấy tên là Hoa bán thuốc lá trước ký túc xá...
- A...
Hai thanh niên sau lưng gã hét lớn, chúng như muốn sinh sự đến nơi:
- Con nhỏ Hoa "điệu" con chú Mười Charlot mới ở Hồng Bàng về đó Phi, con nhỏ mày "thầm yêu trộm nhớ" đó, "dứt điểm" thằng Việt kiều này cho rồi...
Gã có vết sẹo ở cằm nhanh như chớp chụp cổ áo Thợ Săn, nào ngờ hắn phản ứng còn nhanh hơn mới chết. Hắn ngả đầu ra sau, cườm tay phải chặt mạnh vào bàn tay hộ pháp của Phi, tay trái nhấc tung chiếc xe đạp ngoại lên quay tít một vòng. Tiếng hoan hô ầm ĩ khi khoảng cách đã vừa đủ an toàn. Thợ Săn mới yên chí quan sát: trời đất, con nít bu cầu mấy chục đứa, có tiếng cười ròn rã của các cô gái đứng xem hồn nhiên cổ vũ nữa, hắn muốn độn thổ.
Lúc ấy "quái nhơn" xuất hiện. Thổ Phỉ vạch đám đông tiến vào. Anh cụng đầu một cái rầm vào đầu gã khổng lồ mặt thẹo:
- Mày biết đây là ai không Phi?
Phi ôm trán nhăn nhó:
- Tao... tao... đâu biết.
Thổ Phỉ nhổ một bãi nước bọt xuống đất:
- Đồ ngu, bạn tao là Thợ Săn, người cứu mạng chú Mười Charlot bị ho lao suýt chết tháng trước.
- Ủa?
Ba gã thanh niên nhìn nhau tiu nghỉu. Thổ Phỉ vỗ vai Thợ Săn:
- Thôi, mày bắt tay mấy bạn tao trong xóm làm quen đi, thằng sẹo này tên Phi, dân "quyền Anh", bạn nối khố thời cởi truồng tắm mưa, chơi "u" chơi "năm mười" với tao, còn hai thằng này là đội viên dân phòng trong xóm đó.
Thợ Săn chưng hửng:
- Đội viên dân phòng mà...
Thổ Phỉ cười ha hả:
- Tụi nó giỡn chơi với mày chút mà, thủ tục xóm Chuồng Ngựa sơ đẳng như vậy. Xóm này... hiền lắm.
Thổ Phỉ nhảy tót lên chiếc sườn ngang cho Thợ Săn đạp khỏi đám đông. Tứ hải giai huynh đệ, trước lạ sau quen, chỉ tội nghiệp đám con nít đứng coi có vẻ thất vọng vì mất một cuộc "long tranh hổ đấu".
Qua hai con hẻm ngắn nữa là một bãi đất trống mạt lộ có khoảng chục căn nhà rải rác. Thổ Phỉ la lên:
- Stop, xuống chỗ này.
Anh chỉ tay vào căn nhà duy nhất có bức tường gạch mà mình từng dựa vào chơi guitar mỗi đêm.
- Nhà chú Mười Charlot ở đây, có... Tóc Quăn của mày trong nhà.
Thổ Phỉ nheo nheo mắt và quay lưng đi về phía một căn nhà khác gần đó. Thợ Săn rượt theo.
- Mày định biến đi đâu kỳ vậy?
- Đèn nhà ai nấy sáng, tao cũng có... khách... ghé thăm.
Thổ Phỉ đẩy tấm liếp che tạm thay cánh cửa ra vào của căn nhà chắp vá. Gọi là nhà cũng được, gọi là chòi cũng hợp lý không kém. Có điều chính ở đây anh đã sinh ra và chứng kiến cái chết của mẹ mình. Anh rón rén lại gần bộ ván gỗ, tiếng thở khoan khoái đều đặn của thằng bé ngủ say nghe êm ái như nhạc xuống bè trầm.
Phỉ kéo cây guitar treo trên vách ôm vào lòng, anh dạo một ca khúc nổi tiếng mà mình đã từng chơi sau mười một giờ đêm, lúc đã thu dọn đồ nghề sửa xe và hoàn tất bài vở lớp bổ túc văn hóa: Bài "Trở về mái nhà xưa". Anh chơi lãng tử như một chàng trai du mục đang trên đường xua bầy cừu về nông trại, thảo nguyên mênh mông cỏ, từng đàn ngựa rừng hí vang bờ sườn non, hai em bé mục đồng trèo lưng trâu vắt vẻo, tiếng khèn môi tình tứ ở khóe miệng lẳng lơ cô gái đứng đầu làng. Trời ơi, chập chờn thơ mộng Daknông và liêu trai hết biết xóm Chuồng Ngựa. Thổ Phỉ hét theo đàn, giọng anh khàn đi vì xúc động: "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh... Ôi, viễn du quay về điêu tàn".
Thằng bé đã thức hồi nào ngồi bó gối nhìn anh, khóe mắt nó hình như rưng rưng lệ. Nó chờ anh kết thúc bài hát. Thổ Phỉ buông guitar thẫn thờ:
- Nghe lén phải không?
Thằng bé mắc cỡ nhảy xuống ván:
- Mai mốt anh dạy nhạc cho em nghe.
- Em không tính về trường sao?
Im lặng. Hai kẻ mồ côi ngó nhau không chớp mắt. Lần đầu tiên Thổ Phỉ biết được cuốn phim thời niên thiếu của mình qua cái nhìn lì lợm của thằng bé. Tóc Tiên nói nó là đại ca của một trường mồ côi tập trung ở ngoại thành từng "hạ" hết những mãnh hổ bụi đời để giữ chân quản lý việc chia cơm cho mấy trăm đứa nhóc. Có điều thằng bé "hôm nay" tủi thân hơn thằng bé "hôm qua" của anh, "hôm qua" anh vẫn còn có mẹ.
Thổ Phỉ cúi đầu xuống mái tóc vàng hoe vì cháy nắng. Anh đoán thằng bé có biệt danh Cu Tí này chưa tới 15 tuổi.
- Bây giờ thì kể cho anh nghe có thứ tự đầu đuôi đàng hoàng, cuộc phiêu lưu của cu Tí ra sao?
Cu Tí nhịp nhịp chân như người lớn:
- Em trốn khỏi Bình Chánh vì con Hạnh.
- Một đứa con gái?
- Dạ, nó cứ khóc hoài khi thấy trong trường có người thăm nuôi, lúc thì nhớ chị Tóc Tiên, lúc thì nhớ má nó.
- Em định đi tìm chị Tóc Tiên đem về nhốt à?
- Em vượt tường ban đêm nhờ bốn thằng đàn em cõng chồng, nhảy xe đò đi Chợ Lớn, gia nhập băng xe đẩy chợ Bình Tây một tuần để có đủ tiền lên Sài Gòn, anh Phỉ biết không...
- Cái gì?
- Em lùng kiếm hết những gốc me thành phố buổi tối theo lời con Hạnh, nhưng không gặp được má nó, một hôm...
- Sao?
- Đêm đó ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, em được một chị làm "gái" cho biết: má nhỏ Hạnh đã bị "chiến dịch" hốt một năm nay rồi.
- Trời đất!
- Làm sao em dám về thăm con Hạnh khi "sứ mạng" không thành, mấy ngày sau em định trở về ga xe lửa Bình Triệu giang hồ thì gặp chị Tóc Tiên.
- Gặp ở đâu?
- Dạ, ngoài đường. Chị Tóc Tiên vừa đi học về, áo dài trắng đẹp kinh khủng...
- Em... kể nữa đi?
- Chị ấy nhận ra em trước, rồi...
- Rồi gì nữa?
- Rồi... chị ấy chở em lại chỗ anh làm, hồi sau câu chuyện anh biết mà.
- Anh quên mất.
- Anh xạo, chị Tóc Tiên gửi em cho anh chở về xóm Chuồng Ngựa, chị còn hẹn anh tối nay ghé đây.
- Ở đây thật à?
- Thật, cho nên em mới ngủ thẳng cẳng chớ.
Hai kẻ mồ côi ôm nhau cười vang. Họ chỉ ngưng cười khi có tiếng hắng giọng ở ngưỡng cửa. Coi, thằng Phi đứng muốn choán hết lối ra vào căn nhà, khuôn mặt gã ngượng nghịu thấy rõ, thì ra anh chàng đang hộ tống cho một cô gái đứng sau lưng, cô gái có phép màu khiến cả hai vị "đại ca" bật dậy:
- Phi hả?
- Chị Tóc Tiên đến.
Để yên cho Tóc Tiên trò chuyện với cu Tí. Thổ Phỉ cặp kè Phi ra bãi đất trống sau nhà. Họ ngồi xuống một khúc cây cổ thụ sần sùi đã bị đốn. Đêm xuống chầm chậm như bài Sérénat cũa Schuberd.
Khi Tóc Tiên rời thằng bé lang bạt ra thì Thổ Phỉ đã ở trước mặt, anh dí mắt xuống cây đàn dưới chân Tóc Tiên mà ngẩn ngơ:
- Anh bạn của ông đâu?
- Đi công chuyện.
- Sao anh ta lại phải làm "cận vệ" cho em?
- Tôi đã dặn nó hồi chiều về sự có mặt của em tối naỵ Xóm Chuồng Ngựa phức tạp lắm.
- Anh Phi làm gì vậy Phỉ?
- Bạn tôi phụ trách an ninh và giữ xe cho tiệm phở Tàu Bay bên kia đường cái. Nó vốn... yếu đuối...
Thảo nào hai gò má của Phi luôn luôn đỏ rần, té ra đến lúc này Tóc Tiên mới biết một chân lý "những ông thần húi cua tưởng rằng nam tính nhất lại chính là những kẻ nhẹ dạ nhất". Cô đem thắc mắc này chất vấn luôn:
- Còn ông có nhẹ dạ không?
- Có, thưa cô bé.
Anh chụp lấy cây guitar như chụp một cái phao cứu sinh giữa biển, nhưng còn lâu Tóc Tiên mới cho Thổ Phỉ dạo đàn dễ dàng:
- Ông chỉ cho em cách giải quyết trường hợp Cu Tí?
- Cu Tí sẽ là "nghĩa đệ" của tôi, tôi sẽ truyền nghề sửa xe cho chú bé.
- Còn bé Hạnh thì sao nếu cu Tí không về lại trường?
Thổ Phỉ nói như đinh đóng cột:
- Tôi đã bàn với thằng Phi rồi, mình sẽ bảo lãnh cho bé Hạnh, con bé sẽ có việc làm tại xóm Chuồng Ngựa này, thằng Phi sẽ lo cho nó một chân... bưng phở.
Thượng Đế ạ. Tóc Tiên không ngờ mọi chuyện có thể kết thúc tuyệt diệu như vậy, hạnh phúc được định nghĩa là gì ư? Nếu không là lo cho số phận người khác và lo ngon lành. Thế nhưng hạnh phúc của cô?
- Ông chơi đàn đi, em rất muốn nghe.
- Chưa được.
- Tại sao?
- Phía bên căn nhà tường gạch kia đang có mặt Thợ Săn.
- Trời ơi!
- Nó đến hỏi thăm sức khỏe của ba Hoa điệu, chính Thợ Săn đã bán chiếc Cub cách đây một tháng để lo cho ông ấy...
- Trời ơi!
- Em còn nghi ngờ gì về "cô láng giềng" của tôi nữa không?
-...
Hồi đó, có một lần Tóc Tiên nói với Thằn Lằn khi trả lại bịch xí muội cho Thợ Săn: "Hắn nên học cách khiêm tốn, chỉ có khiêm tốn mới làm con trai có nam tính hơn". Hôm nay, hình như hắn đã trở thành "đàn ông" thực rồi. Trong lúc cô còn bối rối thì Thổ Phỉ so dây đàn. Ngược với dự định từ trước, tự nhiên anh hát bài "Dòng sông xanh", âm nhạc cất lên cùng lúc với phép lạ: mưa đầu mùa đã rơi...
Vậy là xong học kỳ hai. Nhóm "Tứ Cô Nương" với sự tham dự của Thằn Lằn đã dẫn đầu cả lớp cuối niên khóa. Tóc Tiên giữ khôi nguyên hai môn Văn và Sinh, Mèo số một về Toán, Thỏ là một Marie Curie trong môn Lý, còn Thằn Lằn kèn cựa mãi với Mèo để trở thành "thông dịch viên" number one của môn Anh.
Để chúc mừng bốn tiểu thư duyên dáng và khả ái của lớp 12, cô giáo Loan mời tất cả đi ăn chè. Còn quán nào để chọn nữa khi đích thân Ớt Hiểm hướng dẫn phái đoàn về trụ sở của mình: Ngôi nhà mặt tiền lịch thiệp trên đường Lê Văn Sỹ.
Trong phòng khách ấm cúng, giọng cô Loan trầm hẵn đi:
- Đáng tiếc cho Phù Du biết bao, cô không nghĩ là sự việc bi thảm như vậy.
Ớt Hiểm cũng buồn buồn:
- Thưa cô, số phận Mười Giờ còn đáng tiếc hơn, sau khi bỏ học được một tháng, nó đã gặp một tên Don Juan.
Cô Loan biến sắc:
- Em nói gì ?
- Một tên Don Juan thưa cô, Mười Giờ đã bị hắn bỏ rơi, cái hãng nước ngoài của gia đình hắn chỉ là một cơ quan giả hiệu, chuyên lợi dụng việc tuyển nhận người...
- Thánh thần ơi, cô không hiểu gì hết.
- Em xin thề với cô và các bạn, em gặp Mười Giờ ngẫu nhiên trong một quán đèn mờ, nó làm tiếp viên ở đó, nhắc đến anh chàng sinh viên tên Lâm nó chỉ biết căm hận, em...
Ớt Hiểm nghẹn ngào, cô bé sụt sịt:
- Kể từ hôm nhóm Ngũ Long Công Chúa giải tán, em không còn muốn mang tên Ớt Hiểm nữa, em chỉ là một loại ớt... "kiểng" thôi. Cô coi, cuộc đời này hiểm độc hơn nhiều...
- Tội nghiệp Mười Giờ !
Cô Loan khuấy chiếc muỗng vào ly chè trên bàn, trong phòng khách như thiếu dưỡng khí dù chiếc quạt trần đang quay với tốc độ khá nhanh, cô cảm thấy mình phải làm một cái gì đó. Một cái gì đó để Tóc Tiên, Thỏ, Mèo, Thằn Lằn ngồi trước mặt giữ được sự hồn nhiên chứ không phải đặt tay lên tim như bây giờ. Một cái gì đó để Ớt Hiểm biết tiết kiệm những giọt nước mắt sắp trào ra. Cô nói cực kỳ nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc:
- Lỗi này ở tại thầy cô, cha mẹ và cả chính các em. Theo cô được biết, Thằn Lằn và Ớt Hiểm đều có mặt trong buổi chia tay của nhóm Ngũ Long, tại sao hai em không trình bày biến cố này cho cô về thái độ liều lĩnh bỏ học của Mười Giờ, cô không nói đến sự giáo dục hời hợt của gia đình ở đây, các em đều có học, học giỏi và đều đọc không ít sách báo, xem nhiều phim ảnh. Nếu người lớn sống ích kỷ cho họ thì các em cũng phải biết hà khắc với mình chứ, không thể coi chuyện yêu đương như là một trò chơi để giải thoát khỏi bế tắc, chuyện đua đòi ăn diện như một phương tiện đạt mục đích. Chúng ta không phải là phụ nữ Tây phương thừa tiện nghi, lắm tiền bạc, các em lẫn tôi đều nghèo, tay chúng ta trắng và sạch, chúng ta chọn và yêu cái duyên thầm phương Đông của mình...
Ngừng một chút như sợ mình đi quá xa, cô Loan thở mạnh:
- Có hai điều cần nên đề phòng: đó là đàn ông và sự ngu dốt. Điều trước đã gây cho Mười Giờ thảm họa còn điều sau khiến Phù Du lầm đường. Các em nghĩ sao ?
Ngược với không khí im lặng vừa rồi, năm cánh tay đều giơ lên một lượt. Con Thỏ nói trước:
- Em ủng hộ cô, em còn nhớ mãi bài vè dân gian mà bố em hay ghẹo má em mỗi khi ông hứng chí. Em xin đọc để tham khảo:
Xì la xì lẩy
Con gái bảy nghề
Ngồi lê là một
Dựa cột là hai
Theo trai là ba
Ăn quà là bốn
Trốn việc là năm
Hay nằm là sáu
Đánh cháu là bảy.
Chúng ta có bổn phận phải xóa bài vè trên để bọn con trai biết kính trọng mình.
Con Mèo tiếp liền:
- Em mới tiếp xúc với "đàn ông" bằng một đề nghị "cùng thi vào Đại học Kinh tế sau khi tốt nghiệp phổ thông", em sẽ xem xét lại đề nghị bừa bãi trên.
Thằn Lằn được lời như cởi tấc lòng:
- Em cũng vừa bị nhận một đề nghị tương tự như Mèo nhưng là "cùng thi vào Đại Học Tổng hợp", em suýt nhẹ dạ nghe lời một "bậc trượng phu" xúi giục, chắc chắn em sẽ từ chối.
Ớt Hiểm làm tới luôn:
- Em chưa qua cuộc thí nghiệm ghê gớm này nên mong cô giúp kinh nghiệm thêm.
Riêng Tóc Tiên, cô bé ung dung phát biểu:
- Em tin tưởng vào định mệnh, tất cả mọi thứ xảy ra đều do sự sắp xếp của Thượng Đế, nếu có trách Phù Du thì em sẽ trách cha mẹ cô ấy cũng như nếu có trách Mười Giờ thì em sẽ trách cái quyết định quá đáng của Hội đồng kỷ luật nhà trường, phần em "đàn ông" là một thứ gì thuộc về nam tính, rất cần thiết để cân bằng sự lãng mạn và môi trường sinh thái, với điều kiện phải đầy khát vọng, biết chinh phục và trung thực. Còn "sự ngu dốt" của em ư ? Em thấy "hắn" đần độn hơn chúng ta biết chừng nào.
Cô Loan đưa cái nhìn của một "chính trị gia" về hướng Tóc Tiên:
- Nghĩa là em sẵn sàng đương đầu với tai nạn yêu đương nhảm nhí sao ?
Tóc Tiên mím môi:
- Thưa cô, em yếu ớt như một loại dây leo nhưng em hằng tin một cách khỏe mạnh ở "tình bạn cùng nhìn về một hướng".
Cô Loan reo lên sung sướng:
- Cám ơn Tóc Tiên, cô cũng đã trải qua hơn năm năm chuẩn bị cho một thứ tình bạn như thế...
Trước mười con mắt tròn xoe đen láy vì ngạc nhiên, cô giáo "chính trị" của lớp 12 tuyên bố dũng cảm:
- Hai tuần nữa là đám cưới của thầy Khoa và cô, cô muốn báo tin trước cho các em, tất nhiên là thiệp mời sẽ đến tay từng người, và tất nhiên là sẽ có mặt một ít "đàn ông" nguy hiểm trong lớp nữa.
Sáu ly chè cụng nhau chúc mừng, tai Tóc Tiên tự nhiên ù đi. "Vậy là vắng mặt Con Muỗi trong ngày trọng đại của cô thầy". Chính Tóc Tiên là người bạn học duy nhất lên tận phi trường tiễn gia đình Muỗi lên đường qua Canada tuần trước, không một ai hay biết, Con Muỗi muốn như vậy, nó là con bé ngộ nhận cô Loan "macxit" nhất, biết sao bây giờ khi kẻ "vô chính phủ" như nó lại khóc mùi mẫn trên vai Tóc Tiên. Cô đã hát thầm cho Con Muỗi nghe bài gì kìa ? Có phải là: Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế...
- Lấy cho anh cái khóa số 8 !
Thằng bé nhanh nhẹn lục lạo trong thùng đồ nghề ra được thứ "vũ khí" mà Thổ Phỉ cần tìm. Mới nhập cuộc hơn một tháng mà cu Tí trưởng thành thấy rõ. Mỗi ngày nó mặc cái áo rộng thùng thình của "sư huynh" và chiếc quần jean vá chằng chịt ra địa điểm sửa xe, hai anh em ngửi mùi dầu mỡ cho đến tối thì Thổ Phỉ bắt đầu bàn giao "xưởng cơ khí" cho cu Tí để anh đi học lớp đêm. Chỉ khi anh xong nhiệm vụ "sôi kinh nấu sử" trở về thì cu Tí mới có thể yên tâm thọ giáo "nghệ thuật gia truyền". Ấy là lúc Thổ Phỉ nắn nót dây đàn guitar chỉ từng nốt từng "gam" cho thằng bé mồ côi ghi nhớ, anh chịu cu Tí ở chỗ lì và kiên nhẫn. Nó có thể đánh được bài Tiếng xưa bằng nốt sau khi học "gạo" được ít ngày. Sự có mặt của tên "đàn ông mini" này thật đúng lúc, nếu không có nó Thổ Phỉ sẽ cô đơn biết bao, nhỏ Hoa đã nghỉ bán thuốc lá từ hôm Thợ Săn ghé xóm Chuồng Ngựa. Tên "si tình" phá bĩnh này đã kiến nghị chú Mười thôi kiếp "Charlot gà trống nuôi con" bởi hắn đã xin cho cô bé vào học lớp kế toán mà cơ quan ba hắn đang đào tạo tại chỗ để bổ sung nhân sự hành chánh.
Mọi chuyện đang diễn ra như xi nệ Bài thơ ngày nào Thổ Phỉ viết tặng cho nhỏ Hoa lúc này đã lọt về tay Thợ Săn. Không hiểu bằng cách gì mà cái thằng học sinh công tử kia lại cũng biết rành bản "Giàn thiên lý đã xa" độc quyền của anh một thời nữa chứ. Hắn hát ầm ĩ mà dở. Phải hát thế này mới "áp phê"...
- Thôi cha nội, sửa xe mà còn hát hò nữa. Xong chưa.
- À, xin lỗi...
Thổ Phỉ cụt hứng, anh xoa tay:
- Rồi, mơ mộng chút không được sao ?
Giao xe cho khách xong, Thổ Phỉ cặp cổ cu Tí:
- Mua cho anh điếu thuốc.
Thằng bé khâm phục nhìn anh nhả ra những vòng tròn, nó có vẻ muốn thử lửa. Thổ Phỉ đi guốc ngay vào trong bụng chú nhóc:
- Cấm hút thuốc dưới mười bảy tuổi. Nào, kể anh nghe chuyện bé Hạnh coi ?
Cu Tí giãy nảy:
- Con nhỏ đó bây giờ có "uy" lắm, nó được bà chủ phở Tàu Bay thương nên "chỉnh" em hoài, ghét... nhưng mà...
- Nhưng mà cứ phải "mến" bé Hạnh mới tức.
Cu Tí trở nên nghiêm trang:
- Không phải chuyện của em mà là chuyện của anh. Anh Phỉ ơi...
Một lọn khói tròn tuyệt đẹp thay cho câu trả lời, Thổ Phỉ biết có chuyện gì hệ trọng. Anh chờ đợi.
- Anh biết chuyện này chưa, chị Tóc Tiên đi bán chè ở cái quán trên đường Lê văn Sỹ đó, hôm qua em và con Hạnh đi chơi bắt gặp...
Thổ Phỉ không chờ đợi "ngón đòn" này, anh có thể lãnh một lượt vài chục cú đá hiểm hóc hơn của kẻ thù mà không hề hấn gì nhưng... đây là vết thương xuyên thủng trái tim. Anh bóp chặt cánh tay thằng bé, tiếng cu Tí rên lên khiến anh hoảng sợ. Đôi mắt anh yếu đi đột ngột, có thể khóc được chăng hay là sắp sửa khóc, hình ảnh người đàn bà đôn hậu trong con hẻm cô Nương hiện ra loang loáng, bà không còn sức để tần tảo với gánh bún riêu nuôi Tóc Tiên ăn học nữa, bà đã xế chiều rồi. Tóc Tiên làm vậy là đúng hay sai ? Và anh, anh không thể đổi tên Thổ Phỉ lề đường thành Thợ Săn quý tộc được, anh chỉ biết nghẹn lời:
- Anh xin... lỗi, anh... xin lỗi cu Tí !
Tiếng máy xe nổ phành phạch một cách khó chịu bên tai, tiếng nổ của loại xe Suzuki đời cũ bị nghẹt "bô" tức tưởi. Anh có giống chiếc xe gắn máy nhà nghèo này không ?
- Coi giùm máy chút anh bạn.
Cu Tí chạy ngay lại phía khách, nhưng Thổ Phỉ đã đứng dậy. Anh phải tỉnh táo trước sự thật.
- Để đó cho anh.
- Ủa... kìa... trời ơi... em đó sao Vũ ?
Thì đây, sự thật đã phơi bày tức thì: chủ nhân của chiếc xe bị nghẹt "bô" không ai khác hơn là thầy Khoa, Hiệu phó Trường Bổ túc văn hóa đêm mà Thổ Phỉ từng theo học. Thổ Phỉ ngỡ ngàng:
- Thầy Khoa !...
Thầy Khoa cũng ngỡ ngàng không kém:
- Thầy không ngờ...
Chiếc xe được dựng vội vã, hai thầy trò ngồi bệt xuống thềm xi măng, chỉ tội cu Tí há hốc miệng sửng sốt vì liên tục không hiểu gì cả.
Thầy Khoa nói như phân bua:
- Mọi thứ đều có thể xảy ra trên đời tuy nhiên thầy vẫn không ngờ trước điều này, Vũ ơi, em là học sinh giỏi nhất trường, điểm cả hai học kỳ của em phải nói là đáng phục, bản thân thầy đây cũng phải mở lớp học đêm kiếm sống trong khi ban ngày còn phải làm chủ nhiệm một lớp 12 và dạy thêm tiết ở vài trường cấp 3 nữa. Biết làm sao hả Vũ, thôi, bỏ xe đó, đi uống cà phê với thầy... thầy... có chuyện muốn nói...
Hai thầy trò bước vào một quán nước bên kia đường. Tại quán, Thổ Phỉ nhận được một "kỳ công" của người Hiệu phó độc thân hơn năm năm "Thiệp cưới của thầy Khoa và cô Loan giờ... ngày... tháng... năm... "
Anh vuốt mặt nhìn lên tàn mẹ Tiếng kêu của bầy ve rền rĩ. Nghỉ hè rồi, xa nhau rồi hỡi mái trường đêm yêu dấu, hỡi:
Cô bán chè tài tử Tóc Tiên ơi.
Cô biết không tôi hảo ngọt rồi.
Vái trời cô cùng đi đám cưới.
Nhưng đó là tôi tưởng tượng thôi ?
Tứ quái Đăng-Tông đến dự đám cưới sớm nhất. Bốn tên "tướng cướp ngây thơ" đương nhiên ngồi ở bàn trong cùng gần sâu khấu, nhà riêng của thầy Khoa hẹp và dài, những người ngồi bàn ngoài cửa không thể thấy những người ngồi bên trong. Giữa hai dãy bàn là một lối đi hẹp dành cho hơn mười cô gái phục vụ đi qua lại và hai chuyên viên quay vidéo hoạt động dịch vụ. Cũng như mọi đám cưới khác trên trần gian ly kỳ này, phía trước cửa nhà thầy Khoa có những chiếc lá dừa uốn cong chụm đầu nhau ở tấm bảng cắt hai chữ TÂN HÔN rất khéo.
- Đa số là người lớn, bạn bè mình đâu rồi ?
Thằng Đông có vẻ thắc mắc, nó luôn luôn thắc mắc, trong truyện Lucky Lucke, thằng Út Đăng-Tông bao giờ cũng thắc mắc nhất.
- Giờ này sao không thấy Thợ Săn đến ?
Đến phiên thằng Thu băn khoăn, trong truyện Lucky Lucke, thằng anh ba Đăng-Tông bao giờ cũng băn khoăn chứ sao !
- Còn Thằn Lằn, "em" tặc lưỡi ở phương trời nào vậy ?
- Con Mèo nữa, "nàng" không hề nhớ đến thằng Xuân này sao ?
Bây giờ thì lần lượt anh Hai và anh Cả sốt ruột, có điều trong truyện Lucky Lucke thì đáng lẽ thằng Hạ và thằng Xuân không có quyền nói nhăng nói cuội kiểu đó, anh Cả và anh Hai Đăng-Tông thứ thiệt không hề nhắc đến hai chữ "phụ nữ" bao giờ.
Bốn thằng đối diện nhau buồn rười rượi, thằng Út than thở:
- Biết đâu cả đám cùng đến một lúc.
Cái thằng buột miệng vậy mà linh, vừa dứt câu đã thấy bóng Thợ Săn lao vào, hắn như ông tướng tiên phuông cao lớn xung trận kéo theo một đoàn quân tóc dài. Cô nào cô nấy xinh như mộng. Thử điểm danh coi: Này Ớt Hiểm, này Thỏ, này Mèo, này Thằn Lằn... tất cả đều mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười rực rỡ như các hoa hậu. Còn Tóc Tiên, cô đi sau cùng, tay dắt theo một tiểu muội nhỏ chút xíu. Bộ đồ đầm hôm sinh nhật biến cô thành nàng lọ lem có trong tay ba hạt dẻ, hạt dẻ thứ tư là bé Hạnh, cô phù phép con bé lam lũ thành một Hạnh búp bê.
Tứ quái tung đủ mọi dấu hiệu cho cả băng ngồi vào bàn. Vừa vặn mười chỗ ngồi. Những dãy bàn khác đều đông đúc người lớn đáng kính. Thợ Săn bữa nay lịch sự như Alain Delon. Hắn tạm quên thần tượng Jean Paul Belmondo vài tiếng để bảnh bao trước các người đẹp lớp 12. Không có đám cưới của thầy Khoa thì dễ dàng gì có cuộc hội ngộ mùa hè này. Hắn cứ trách Tứ quái:
- Tao đến nhà tụi bay nhưng không gặp, đành phải rủ mấy "chị" đi cho có bạn.
Những ánh mắt sắc như dao cau đồng loạt liếc về phía Thợ Săn nhưng hắn khôn ngoan giả bộ tảng lờ. Anh Cả Đăng-Tông kề tai Thợ Săn thì thầm:
- Tụi tao nhậu thịt cầy ở Ông Tạ để bàn về việc chia tay nhau, mỗi thằng thi vô một Trường Đại học thì coi như phải... hoàn lương thôi.
- Thảo nào miệng mày có mùi rượu.
- Tuyệt đối mày không hở môi cho Mèo biết đấy nhé, tao "ngậm miệng" đây.
Nói là ngậm miệng chứ anh Cả vẫn can đảm nhúng ngón tay vào xô nước đá vẽ ra một dấu hỏi (?) trên bàn to tướng trước mặt con Mèo. Đúng là có men thành liều mạng, thằng anh Hai thấy vậy bắt chước ngay, nó thủ sẵn cái bao thư màu hồng trong túi áo từ kiếp trước nhét đại vào tay Thằn Lằn.
Ớt Hiểm và Thỏ nháy mắt hội ý ngay lập tức. Nhị cô nương phát biểu liền:
- Cô Loan đã có chỉ đạo tụi này phải cảnh giác trước mọi đề nghị của "đàn ông". Vì vậy câu trả lời duy nhất ở đây là một dấu chấm than (!). Mạnh ai nấy chọn trường mà thi chứ không rủ rê gì hết.
Trời ạ, bộ mặt của nhị quái xìu xuống như đưa đám, tụi nó hất hàm ngó Thợ Săn cầu cứu, ông chủ Thảo Cầm Viên chỉ biết lắc đầu:
- Tao thất bại trong vụ "trung gian" này, đã hơn một lần tao giúp đỡ tụi bay rồi nhưng trái tim của Mèo và Thằn Lằn bằng thép mới chết.
Vị cứu tinh bất ngờ xuất hiện, Tóc Tiên chỉ cần nói một câu mà trái tim thép của hai cô gái tan thành nước ngay:
- Này, cô Loan chỉ dặn mấy nhỏ thận trọng trước bọn "đàn ông", nhưng Xuân và Hạ mới là con trai mười tám tuổi cơ mà.
Thợ Săn khoái quá vỗ tay ầm ĩ:
- Tóc Tiên nói có lý, chỉ khi nào lấy vợ giống thầy Khoa mới là "đàn ông" nghe !
Đúng lúc đó, pháo nổ rền trên tấm bảng TÂN HÔN. Cô dâu đã được chú rể rước đến.
Thổ Phỉ đến chậm hơn tiếng pháo nửa tiếng, anh còn phải tân trang mình bằng bộ đồ "cáu cạnh" vừa giặt ủi của thằng Phi và chùi rửa sạch sẽ chiếc xe đạp của nhỏ Hoa. Ngoài ra anh còn điên đầu trước một câu hỏi mang tính hình sự của cu Tí:
- Anh Phỉ ơi, con Hạnh chiều nay đi đám cưới với chị Tóc Tiên rồi...
- Lúc mấy giờ ?
- Lúc bốn rưỡi chiều, chị ấy lại quán phở Tàu Bay đón nó về nhà làm cái gì đó mờ ám lắm.
Thổ Phỉ giật nảy mình, sao lại bốn giờ ba mươi phút chiều trong khi đúng năm giờ là tiệc cưới của thầy Khoa khai mạc. Không lẽ hai đứa cùng học một ông thầy sao, hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên của ngày lành tháng tốt ?
Anh ôm nỗi nghi ngờ suốt dọc đường. Lúc Thổ Phỉ đến nơi thì mọi người đã vào tiệc, thiên hạ tấp nập ngồi đứng ngả nghiêng chào hỏi nhau trong căn nhà quá hẹp và dài. Thổ Phỉ không quan sát được gì, trừ tiếng nhạc huyên náo không cần chiều cao vật lý văng vẳng từ sân khấu. Anh ngồi bàn ngoài cửa, nơi chỉ còn một chỗ trống độc nhất. Ở đó anh tan thành khói vì một chuyện cổ tích vừa được người dẫn dắt chương trình giới thiệu:
- Chúng tôi xin trân trọng với các thầy, cô và quan khách trong buổi tân hôn: em Tóc Tiên, vừa rời khỏi trường chúng ta trong mùa hè này, cô học trò cưng của cô dâu chú rể, từng đoạt huy chương vàng đơn ca các trường phổ thông trung học toàn thành phố, sẽ lên giúp vui tiệc cưới hôm nay với bàn hát "Oui devant Dieu"...
Tiếng giới thiệu ngừng một phút rồi lại tiếp tục:
- Ở ngoài cửa có ai là cậu Vũ không ? Tôi xin nhắc lại, em Tóc Tiên muốn cậu Vũ ngồi bàn ngoài cửa là người đệm guitar bài hát này.
Thổ Phỉ bật dậy như một cái lò xo nén. "Thầy còn phải làm chủ nhiệm một lớp 12 ban ngày nữa". Đúng rồi, hai đứa cùng học một thầy mà không hay.
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy.
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương.
Cùng uống nước sông Tương
Mà không nhìn thấy nhau.)
Trời ơi, anh gạt phăng những chướng ngại choán lối đi hẹp để băng lên sân khấu. Em đã nhìn thấy tôi giữa đám đông xa lạ thế này ư Tóc Tiên ?...
Hai chiếc xe đạp đi song song với nhau về hướng xóm Chuồng Ngựa. Còn một ngã tư nữa, đêm đã khuya lắm rồi.
- Đưa bé Hạnh qua đây tôi chở cho ?
- Không !
- Làm sao em biết tôi ngồi bàn trước cửa ?
- Sao em lại không biết, trái tim em có con mắt.
- Coi chừng tôi đâm xe đạp vào gốc cây vì xúc động.
Nguồn: http://forums.vinagames.org/