Chương 07
Cũng phải đi từ sáng sớm đến quá trưa mới sang được sườn núi bên này, khuất biển. Lên tới đỉnh cao nhất, An Tiêm quay lại, nhìn trái núi tun hút xuống mặt nước. Trông lại biển, đằng sau cái ngấn chân trời, có đất quê và con sông Cái. Lát nữa, xuống núi bên này, không còn thấy như thế, có bao giờ trở lại? An Tiêm và Nàng Hoa mỗi người thoáng một vẻ ngao ngán khác nhau. Rồi trèo xuống, cả nhà lúi húi lấp dần xuống khe. Đến chỗ cách đám cọ rừng một quãng, có một hang đá phẳng, phía trên tự nhiên nhô ra như mái nhà. Đấy là chỗ An Tiêm đã đánh dấu làm nơi trú chân. Thế là mỗi người mỗi việc. Mon biết đường ra đám cây cọ, Mon đưa mẹ đi kiếm củi. Rồi An Tiêm và Mon, bố con khuân đá lên, lát nền và lấp hai bên vách kín. Thành một vuông nhà tường đá, trông ra những hòn đá tảng bậc bậc xuống phía có ánh sáng xanh những tàu lá cọ.
Nàng Hoa và Gái vác về được hai bó củi cọ, đánh lửa lên. Ngọn khói xanh xanh cuốn vào vòm đá, vừa cay mắt, vừa thơm. Người ở đâu đun bếp cũng được khói lùa vào cay mắt, và ở đây, lần đầu cái hang đá thấy có người đến, người ở và người đốt lửa. Buổi tối, Mon và Gái ăn bánh xong, ngồi khơi lửa chơi một tý, rồi ngủ ngay bên cái tay nải. Mẹ kê tay nải vào sườn che lạnh bên ngoài. An Tiêm và Nàng Hoa, hai vợ chồng ngồi bàn tính công việc. An Tiêm nói:
- Trời này còn rét vài cơn nữa mới thôi. Giêng hai rét đài, rét lộc, núi còn lạnh, ta ở đây cho đến khi ấm trời có mưa xuống hãy đi tìm nơi khác.
- Cứ ở đây mà đi kiếm cái ăn về có được không?
- Không được. Đẵn hết đám cọ kia thì hết nước uống.
- ờ nhỉ, vài cây cọ khô cũng chỉ đốt sưởi mấy đêm thì hết thôi. Cái rét trên núi cao luồn vào khe đá, phả quanh người, cứ thấm dần, nửa đêm về sáng, buốt như châm gai. Chợt có lúc đợi mãi không nghe một tiếng gà eo óc, một tiếng chó sủa, tưởng những tiếng ấy đâu xa từ kiếp trước rồi. Càng buốt lạnh hơn. Đá được lấp thêm kín phía trước mặt, bây giờ vòm thành cái cửa hang tò vò một lỗ vừa người chui. Mỗi đêm, từ chặp tối, đống lửa càng cao hơn mọi khi. Nhưng ban ngày phải hà tiện. Thế mà cũng không đủ. Bởi những cây cọ thân mủn, lửa ăn ngoem ngoém, chỉ mới nửa đêm, đã vạc hết. Cái lạnh bò vào và lạnh từ trong đá toát ra, cứng chân tay, không nằm, không ngồi được. Cả nhà rúc quanh cái tay nải, đợi sáng. Sáng sớm, An Tiêm xách dao đi. Mon hỏi bố:
- Bố đi đâu? An Tiêm đáp:
- Ra rừng cọ. Đi lấy củi, Mon nghĩ thế. Nàng Hoa bảo chồng:
- Đợi chốc nữa tan sương hãy đi có hơn không? An Tiêm đáp:
- Đi sớm mới kịp được. Không hiểu kịp cái gì, Mon chỉ lúi húi đi với bố. Đến đám cọ, trông những cây cọ khô phờ phạc, mấy hôm đã chặt vãn, chẳng còn mấy. An Tiêm bảo Mon: 99 100
- Con vơ những tàu cọ kia rồi buộc lại. Bố đẵn cây cọ này.
- Bỗ đẵn làm củi à?
- Không, làm giường, làm vách, cho ấm hơn.
Mon không hiểu bố làm giường, làm vách thế nào. Nhưng Mon không hỏi thêm, mà chỉ cắm cúi nhặt, vơ lại, rồi lên gối buộc thành một bó. An Tiêm đẵn một lúc ba cây cọ đã chọc nước. Rồi xả ra từng mảnh, chỉ còn cái thân dài, nhẵn cả hai mặt. Loay hoay gõ, tước cộc cộc, đến lúc thấy sương xuống lạnh buốt hai mang tai, biết đã chiều. Cũng vừa xong, bố con ra về, vác theo củi, cả những mảnh thân lá cọ. ở hang, trong khi Nàng Hoa thổi lửa nướng bánh, An Tiêm và Mon lục cục lát những mảnh cọ xuống mặt đá. An Tiêm đặt lá xuống trước, rồi phủ lên từng thanh cọ một. ở cả ba phía vách đá ngoài lại kê ván dựng, trông vào đống lửa ở giữa, thành hình tươm tất một mặt ván như mặt nhà sàn, có vách tựa. Lửa vừa to ngọn, mọi người ngồi xuống. Mon và Gái thử đặt lưng vào cái giường mới. Nằm lên thanh cọ phẳng thấy ấm, khác hẳn cái lạnh mặt đá. Những tàu lá cọ ở dưới làm bồng bềnh mảnh cọ, không khấp khểnh được. Thế là trong hang đá có sàn tử tế, như ở nhà, cũng đỡ lạnh. An Tiêm nói:
- Dù ở hang thì mình cũng là con người, phải có chỗ ăn chỗ nằm tử tế. Ngọn lửa đương đượm. Khói nghi ngút đầy hang. Những thân cọ đỏ hỏn. Nàng Hoa nói:
- Cái củi ọp ẹp này chỉ một lúc thì tàn. Ngủ sớm đi, còn ấm. Mon nằm trên những mảnh cọ cạnh đống lửa nhìn vẩn vơ lên vách đá. Vách đá có nước hay sao mà thấy cứ nhấp nhánh. ánh lửa càng cao thì đá càng nhấp nhánh vòng rộng ra. Rồi trông thấy nước chảy loang loáng cả đến chỗ đầu ngọn lửa đương bốc lên. Nhưng, không hiểu sao, không thấy giọt nước nào rơi xuống. Mon bảo bố:
- Trên vách đá có nước, bố ạ. An Tiêm nhìn quanh rồi nói:
- Hang này không có nhũ, phải có nhũ mới có nước.
- Nước kia kìa. An Tiêm ngẩng lên nhìn, rồi cười, nói:
- Rắn đấy.
Cả Mon và Gái sửng sốt đứng dậy. Nhưng đứng cao, gần đụng chỗ nhấp nhánh ở mái đá, lại ngồi thụp xuống. Bây giờ mới trông thấy những con rắn đương bò vằn vèo trong khe đá mà mình rắn nhấp nhánh, thoạt nhìn cứ tưởng nước chảy. Những con rắn ở các phía vách đá luồn dồn cả đến trên ngọn lửa, chốc, những cái đuôi lại thò xuống, như đuôi chuột. Gái bưng tay lên mặt, không dám nhìn. Rắn đậu tụ thành một mảng to như cả mặt vách đá nhấp nhánh. Mon rút mảnh cọ dưới chân, muốn chọc lên cho nó rơi xuống. Phải đánh rắn. Không đánh, có lúc nó cắn mình. Nhưng An Tiêm đã nói:
- Con trăn, con rắn mùa rét thì hiền lành, chẳng làm hại ai đâu. Suốt mùa này nó cuộn tròn ngủ khì trong hốc đá. Thấy lửa ấm thì mò đến. Nó cũng rét, muốn sưởi ấm như mình thôi.
Nghe bố nói thế, Mon và Gái ngồi lặng lẽ nhìn đàn rắn bò trên vách đá. Những con rắn đến cả phía trên ngọn lửa rồi nằm im, vết nhấp nhánh bây giờ như những cái mắt đá. Không ai nghĩ đến có rắn ở cạnh mình nữa. Mon buồn ngủ, rồi ngủ thẳng một giấc đến sáng. Khi thức, đã thấy bố ngồi nướng bánh. Nhưng đầu tiên Mon trông ngay lên vách đá. Những con rắn được chỗ có hơi lửa ấm, nằm yên, có lẽ những vết nhấp nhánh đã thôi lung lay từ đêm qua. Ngày lại ngày, không còn ai ngó ngàng đến lũ rắn nằm sưởi nhờ người trên vách đá. Bởi vì, người ta còn những nỗi lo khác, lo hơn. Nàng Hoa nói:
- †n hết chiếc bánh này thì chỉ còn ba cặp bánh nữa thôi. Tuy nghe mẹ nói thế, nhưng trẻ con cũng chưa biết lo. Chỉ có An Tiêm và Nàng Hoa, từ hôm trước, đã thường bàn bạc, lo lắng. Cái lo khi chưa đến thì còn nhẹ nhàng nhưng bây giờ cứ mỗi hôm một xiết lại. Nếu ở rừng, có thể tìm ra nơi đất thịt hun làm bánh ngói ăn tạm được. Nhưng trên khe núi, một nắm đất mủn cũng không có, ngày kia, ngày kìa không còn gì ăn, sống bằng cách nào? Mấy lần, An Tiêm bảo Nàng Hoa:
- Hết cái rét này, ta sẽ vào phía trong đảo, tìm đến nơi có rừng thì mới có thể kiếm ra cái ăn được.
Nàng Hoa cũng hy vọng thế. Sự tin tưởng của Nàng Hoa vào những tính đếm của chồng cũng làm nỗi lo vơi đi. Nhưng bao giờ mới đến ngày nắng ráo? ở trên núi quanh năm mù mịt trong gió hú, ngày và đêm cuốn đi, nếu ngày nào không có một lúc hửng sáng trong làn sương đục vào lúc xế trưa thì không ai biết có ngày nữa. Mỗi ngày nỗi lo lại ló ra. Lương cạn rồi mà ngày nào cũng âm thầm thế này. Nhưng có một cái lo hơn lại đến trước. Hết nước. Mon xuống lưng núi, chặt cọ. Chặt đến hai cây cọ mà nước chỉ ra nham nháp. Mấy hôm trước, nước cây cọ phun như vòi. Bây giờ không lên nổi một giọt. Không hiểu tại sao. Mon chạy ngay về, bảo bố thế. An Tiêm xuống, trèo lên chặt luôn mấy cây. Chặt đến cả ngọn, cả bẹ, cũng chỉ có nước nham nháp. An Tiêm nhớ ra bao giờ cũng đến cuối năm khi mùa khô tới, nước ngược từ trong đất lên nuôi cây. Nhưng đến khi bắt đầu măng mọc, chớm có mưa mới và có sấm, nước trong thân cây cũng vừa cạn. Ai xưa nay đi rừng kiếm cái ăn cái uống làm miếng sống đều biết như vậy. Bọn cây cọ này cũng như thế chăng? Nhưng, nếu thế thì điềm cạn nước trong ống cây cũng là lúc trời sắp mưa? Trong cái khó khăn nhất, sẽ thấy được chỗ nút cởi. Hết nước trên mặt đất và trong cây thì trời sắp mưa. Phải thế chăng? Đêm núi hoang dại, không một tiếng động - cả tiếng dế, tiếng kiến cũng không nghe thấy ở núi đá. Con kiến, con dế cũng chưa dám đến, ở đây đêm cứ thăm thẳm thế này. Mọi khi cũng biết thế, nhưng đêm nay, đêm không còn nước uống, đêm càng sâu hơn, rợn hơn, khiếp hơn. Quanh trên đầu, những cơn gió ở đâu lại chồm đến, đuổi nhau, chạy phần phật bốn phía rồi gào lên, tuốn đi, hòa với trăm nghìn vạn tiếng gió khác, như kéo cả triền núi bay theo.
Đang ầm ầm, lại bỗng nín im, chùng xuống, nặng chịch. Rét cong sống lưng. Rét lắm. Bao nhiêu đêm thế rồi. An Tiêm nhìn ra cửa hang, vẫn tối bưng mắt như mọi đêm. Không một đốm sao. An Tiêm ra lấy củi. Đốt nữa, đốt cho trông thấy ánh lửa dập dờn lên, đỡ hiu hắt. Nàng Hoa hỏi An Tiêm:
- Mình vẫn thức à? Nàng Hoa nói to:
- Đá sao mà đổ mồ hôi, ướt nham nháp cả, mình ạ. An Tiêm quờ tay ra. Mọi khi đá khô khốc, lạnh tê, bây giờ đá ướt nhầy nhụa dưới tay. Trở trời rồi. An Tiêm lắng nghe vách đá trên đầu có tiếng rào rạo như tay ai cầm một nắm sạn cọ vào nhau. Đấy là tiếng trăn, tiếng rắn đang bò. ánh lửa hắt lên, thấy trong khe những mình rắn nhấp nhánh đuỗi dài, không cuộn tròn im phắc như mọi khi. An Tiêm bảo:
- Đá đổ mồ hôi, thế là trở trời rồi. Mọi khi, những con rắn có lửa sưởi ấm thì im thít, bây giờ vừa nồm một cái, lửa lên đã cựa quậy, không chịu được nóng, muốn bò đi nơi khác. Mình trông lại mà xem. Nàng Hoa không nhìn đám rắn trên đầu, mà chỉ hỏi:
- Trở trời mà rắn bò xuống đây thì thế nào?
- Không sao. Nàng Hoa cũng chưa đỡ lo, nhưng An Tiêm đã nói câu khác, như mong mỏi, như dè dặt:
- May ra thì có mưa. May ra... Nàng Hoa chợt nhớ ngày trước:
- Kể ra còn ở Bãi Lở thì dạo này cũng đến cữ mưa mới rồi. Không ai nói rõ hơn nữa, mà cùng nghĩ: mưa xuống thì có nước uống. Từ đấy đến sáng, thức và lặng im. Mọi ý nghĩ của hai người đều ngóng ra ngoài trời đêm. Nhưng cửa hang như cái miệng giếng, chỉ thấy đen dày, mù mịt. Một lúc, chợt mờ mờ qua cửa hang như một làn bụi sương. Mon nhỏm dậy, hỏi bố:
- Sáng rồi, hả bố? An Tiêm đặt tay lên vai con, ngước mặt và hỏi:
- Con nghe tiếng gì đấy không?
- Không.
- Tiếng gió đấy.
- Gió mọi khi hú to lắm mà.
- Không, gió đông, gió đông khác gió bão. Gió đông chỉ vờn khe khẽ, nghe kỹ mới thấy. Có gió đông về thì ấm rồi. Mon lắng tai nghe xem gió đông thổi khác gió đêm qua thế nào. Nhưng Mon lại nghe những tiếng ùng ục nổi từ đằng xa. Mon reo:
- Gió đông đương kêu ùng ục, phải không bố? An Tiêm đứng lên, cười như reo và nói:
- Không! Sấm đấy! Sấm! Sấm mới rền ở bên kia núi. Thế là đương mưa ngoài bể. Đương mưa ngoài bể rồi. An Tiêm bước ra cửa hang rồi lại quay vào ngay.
- Mưa sắp đến đây. Cả cái Gái cũng đã thức. Gái nói:
- Mưa thì có nước uống, mẹ nhỉ! Nghe câu Gái hỏi, ai đương khát nước cũng động lòng, cả nhà xôn xao lên. Bên ánh lửa nhấp nhóa trong hang, người bộn rộn, cứ ngồi đứng lố nhố trông ra. Một làn sương mỏng vẫn phủ cửa hang, nhưng bây giờ nghe và nhìn trong thinh không, cảm thấy từ bên kia núi đưa sang một đám mây mòng mọng, tưởng như có những ông sấm đương ầm ầm chạy quanh. Đám mây nước đã tràn qua hết ngọn núi sang bên này. Mọi người đều cảm thấy một cơn gió vừa mát vừa ấm hây hẩy vào hang, khác hẳn cái gió hanh hao mọi khi. Rồi còn những ông sấm đằng xa, mỗi ông lại rền một tiếng ở một góc trời, các ông sấm cũng mừng sắp có mưa mới đầu năm. Tiếng ào ào xa xa gần gần! Mưa rồi, mưa tới rồi, mưa tới ngay cửa hang rồi. Những hạt mưa to lúc đầu rơi chan chát xuống đá bỗng ào ào xối một chặp liền. Nàng Hoa và Gái, cả Mon xô ra cửa hang, tíu tít, luống cuống giơ hai bàn tay hứng mưa, vốc lấy mưa. Những hạt mưa lẹt đẹt trên bàn tay, ai cũng mút tay chùn chụt. An Tiêm ra sau, đặt cái ống cọ hứng nước, lại cầm theo cái tay nải không ném xuống bờ đá. Mưa lộp bộp trên cái nải. Mon hỏi bố:
- Bố giặt tay nải à?
- Không, để tay nải thế cho nước thấm, lấy cái mà trữ nước uống tạm.
Hai anh em Mon không có cái lo ấy mà cứ tưởng tượng được mưa to và có lẽ từ giờ ở trên núi cứ mưa to mãi, lúc nào khát chỉ việc chìa tay ra hứng. Mưa mới, mưa to lắm, mưa lâu thật. Tiếng rào rào liên miên đan khít hai bên tai. Cửa hang không tối nữa, mà bây giờ mù trắng bóng nước. Tạnh mưa, ngoài hang lộ ra một miếng trời còn mọng nước lóng lánh. Trời đã sáng từ bao giờ không biết. Bước ra, thấy trời và 109 110 núi hơn hớn như chú bọ ngựa xanh rờn vừa lột xác, khác hẳn con bọ ngựa già hôm qua. Trời quang rồi, phía nào cũng trông thấy núi đen sẫm, chạy dài hai bên đuôi mắt. Nhưng không còn cảm nỗi ghê rợn như những hôm trước. Trong tiếng gió đông giỡn qua, mặt trời chói lọi chiếu vào lớp lớp núi đá vừa tắm mưa xong, lấp lánh muôn ngàn vết sáng kỳ lạ. Những ngọn gió đông từ những vùng trời xa xôi nào đến, giỡn trên những khe đá, những hang, những vực, tiếng vờn, tiếng vui, khiến con người bỗng nhiên không còn cảm thấy ngập trong nỗi lo sợ tuyệt vọng nữa, mà thấy như đâu đây, thiên hạ đâu đâu cũng có người, tiếng vang tiếng ấm của con người từ trong bờ quê, sông quê đem đến trong tiếng gió những hy vọng khác thường. An Tiêm bước ra đứng trên một tảng đá lớn nhô ngay dưới mái hang. Nàng Hoa nhìn theo, thấy An Tiêm đương vẫy tay. Nàng Hoa và Gái với Mon cùng ra trèo lên. Một niềm vui lạ lùng đến trước mắt: mặt đá hũm chỗ chân đứng đã thành cái vũng đầy nước, lấp loáng ánh mặt trời. Không ai bảo ai, cả nhà cúi uống ngụm nước mưa mát lạnh. An Tiêm trỏ tay lên bốn phía, nói:
- Chỗ nào có tảng đá to sang sáng là có hũm nước trên nóc. Trời cho ta những cái giếng nước kia đấy.
Mon nhìn mấy tảng đá gần thấy trên nóc đều đọng nước, bóng mặt trời sáng chói. Có hũm sâu như hang, trong có rêu. Đã lâu, rêu khô xác, bây giờ nước xuống, những nạm rêu khô lại xõa ra, mềm lụa xám mờ dưới đáy nước. Mon và Gái chạy chuyền các mỏm đá ra xa, còn thấy nhiều cái giếng trời như thế. Mon về bảo bố:
- Nhiều giếng đá lắm. Chẳng cần cái tay nải thấm được vài ngụm nước của bố đâu. Chiều hôm ấy, An Tiêm bàn với Nàng Hoa:
- Nhiều nước mưa thế này, lại còn mưa suốt mùa hè nữa, ta khéo giữ thì ta có nước uống quanh năm. Không sợ chết khô trên núi đá như bọn nhà nhái bén nữa. Có cái uống, nhưng ở núi đá thì chẳng kiếm được cái ăn. Ta cũng không thể ở mãi chỗ núi đá trọc thế này. Bây giờ đã sang mùa ấm, có nắng, ta tìm ra trước mặt xem chỗ nào có rừng. Phải thấy rừng mới kiếm được cái nuôi sống người.
Chương 08
Thế là, một ngày kia, cả nhà An Tiêm rời đỉnh núi đá, đi tìm rừng. Tan sương sớm đã ra khỏi hang đá - như khi mùa lạnh đã qua, đàn rắn bỏ nơi tránh rét, bò ra kiếm ăn đàn rồi. Ra đi, tràn đầy hy vọng. Nhưng thật là chỉ cầu may. Vì đi người không.
Chỉ còn lại góc bánh dày đã lên mốc xanh. Bánh đã hết từ lâu, nhưng vẫn cố giữ mấy miếng. An Tiêm đi trước, lưng giắt con dao. Mon theo bên bố. Gái bước cạnh Mon và Nàng Hoa, vắt cái tay nải nhẹ nhàng trên vai. Mỗi bước lại phải chuyền qua một vong đá. Nhưng Nàng Hoa và Gái muốn đi dấn mau nữa. Trong cảnh khốn cùng, mọi người cứ muốn tưởng tượng như có ở đằng kia những cảnh làm ăn, có đám trảy hội. ấy bởi từ lúc xuống đến lưng núi, đã trông thấy một lằn viền rừng xanh đằng xa. Bao nhiêu ngày ròng rã rét mướt ở hang, nằm trong mây mù u ám như dán liền lên trời! Bây giờ, trong nắng hẩng, những cánh rừng sáng xanh lờ lững dưới kia, nghĩ như trong ấy được nghe thánh thót tiếng chim. Nhưng mẹ con Gái không thể chuyền như sóc chạy trên đá, mới xuống đến lưng núi, bụng chân đã tức anh ách. Rồi mặt trời ngả phía chân rừng, cái lạnh nhuốm vào hai vai áo, mà rừng còn xa, hãy còn lửng lơ giữa dốc. Chỗ ấy không có cây tiện trèo tìm nơi ngủ kín đáo. Cả nhà đi kiếm rêu đá, chất đống cao như gò rơm. Rồi nhen bùi nhùi, đốt lên, rực một vùng ánh sáng, khiến người quên cả bụng đói trong veo. Nàng Hoa bảo các con:
“Mọi khi ở hang, mẹ thấy đá sắp sập xuống, hôm nay ngủ được thấy có trời cao trên đầu, dễ chịu hẳn". Sáng sớm, lại đi từ lúc còn sương mù. Gái bảo Mon:
- Có mùi thơm thơm trong sương. Mon nói:
- Như mùi hoa tầm xuân. Gái cười:
- ở đây có hoa tầm xuân à?
Mon cũng cười, không trả lời được. Một lúc, trông ngang mắt, thấy đỏ hồng như một rừng đào. Nhớ ngày nào, thuyền ra cửa sông, thấy rêu đá đỏ hắt chân trời. Đến gần, không phải rừng đào, cũng không phải rêu đá. Quả nhiên đấy là những bụi tầm xuân mọc liền thành rừng. Bụi tầm xuân từ bao giờ mọc lên, những khúc dây quấn quít cuồn cuộn cao như tường. Đương vào mùa hoa tầm xuân, khắp nơi, ửng màu hồng nhạt. Hoa tầm xuân, hoa hồng dại, các cõi đất quê ta, đâu cũng có, từ triền Tam Đảo xuống qua vùng đồng bãi hai bên sông Cái sang đến vườn Tản Viên, ngoài rừng tre rừng mía, những bờ bụi tầm xuân nở đầy. Thế ra ở đảo hoang đây cũng có tầm xuân đến trước người, như ở bờ sông Cái. An Tiêm nhìn Mon, rồi nói:
- Con nhớ được mùi hoa tầm xuân này ở Bãi Lở, giỏi đấy. Phải, nơi này cũng như quê mình, cũng có hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân nở thì hết mùa lạnh. ở Bãi Lở, thế là lại sắp đến mùa nước, lại lo đấy. Các con ạ, sau này ta sẽ đưa người ra đảo mở đất, rồi đây cũng thành như Bãi Lở ở sông Cái. ừ, có khi sau này... Mon góp chuyện với bố:
- Khi ấy con đã lớn bằng những người theo bố mẹ lên ngược lập làng đánh trâu nước lấy bãi, lấy đất ở sông Cái, con cũng theo bố mẹ... An Tiêm cười:
- Khi ấy thì một mình con đem dân ra đảo được rồi. Từ chỗ gặp cây, đường đỡ quạnh quẽ hẳn.
Những bụi tầm xuân rồi lác đác những bụi cây có hoa không biết tên, cái đỏ cái vàng cái tím cái trắng xôn xao chen quanh bước đi và trong tầm mắt. Đã qua những rừng tầm xuân, một lúc sau lại đến trước những cây lớn chen gốc nhau, cành lá và dây leo kín mặt đất. Những tòa cây kỳ lạ, xanh đen, xòa lá như ngồi xổm mà ngửa mặt lên cao xanh, như những cây bứa cành ngang thân thẳng đứng, trông lên đến hết ngọn vẫn chỉ thấy thăm thẳm im lặng. Cây ngồi, cây đứng ken liền. Cả nhà phải đi lên lưng chừng cây. Nàng Hoa và Gái bấm chân bám bíu từng cành rồi mới dám men sang cành khác. Vướng. Váy áo mẹ con rách lướp tướp. Sang đến bên kia, xuống được mặt đất, ai cũng lem luốc nhọ cả đến tròng mắt. Hai đầu gối xuống dốc dồn muốn khuỵu.Nàng Hoa đứng vịn tảng đá run lẩy bẩy, một chốc mới gượng lại được. Trời tối ngay ở chân dốc. Trông thấy cảnh rừng thưa trước mặt. Đêm nay đốt nhiều lửa hơn. Những đống lửa chồng đống. Khói cuồn cuộn, những ông sao cũng lấp láy muốn trôi theo khói. Nàng Hoa và Gái mệt nằm lả. An Tiêm ngồi đốt củi, nghĩ thương vợ con, cứ chuyện cho khuây.
- Mình nghe tiếng gì không? Nàng Hoa hé mắt, lặng im.
- Tiếng suối chảy trong rừng trước mặt. Ta gặp suối rồi. Mai ta sẽ đến suối, lấy nước suối uống. Ta sẽ làm nhà ở ngay đầu con suối. Nàng Hoa mỉm cười, An Tiêm lại nói:
- Mình ạ, lúc nãy đi lấy củi, tôi nghe có tiếng hươu kêu. Mon nói:
- Con cũng nghe tiếng, gần lắm. Mon hí hửng tưởng bây giờ có tiếng hươu, có thể đi bắt ngay. ở rừng bắt hươu như thò tay vào xó cửa bắt con gà, làm sao có thể chết bên cạnh miếng thịt được. An Tiêm và Mon còn kể chuyện vui một lúc nữa. Chuyện ngày trước ở Bãi Lở, khi mới đến. An Tiêm dang tay bá cổ hươu mà hươu cũng không chạy. Chuyện ấy, hôm nọ kể đã nhiều lần, thế mà lần nào kể lại, lần nào cũng thấy lý thú. Nhưng Nàng Hoa và Gái chỉ còn gượng vui trên nét mặt, không thể đáp chuyện. Đống lửa vẫn rừng rực, đến khuya không còn nghe tiếng người nói nữa. Những cơn ngủ thiếp, lử lả bên đống lửa. Sớm hôm sau, An Tiêm bảo Nàng Hoa:
- Tôi đốt lửa thêm cho mình nằm đây sưởi. Mình ở đây với con Gái, tôi với thằng Mon đi tìm cái ăn và đem nước về, gần thôi. Trong những đốm cỏ xanh đằng xa có cái gì đụng đậy, nhấp nhô. Mon chớp chớp mắt. Những cái bóng vẫn nhô nhốp trên tảng đá.
- Bố ơi!
- ...
- Đằng bãi cỏ... An Tiêm chăm chú nhìn rồi nói:
“Xuống gần nữa mới rõ. Con gì thì hay quá". Rồi bố con leo xuống. Mon reo:
- Hươu! Hươu! An Tiêm cũng nói to:
- Trời ơi! Của rừng đây rồi.
Trong búi cỏ có một đàn hươu đang giỡn. Con hươu đực đốm sao, cặp sừng kềnh càng trên đầu, hếch mũi nghe ngóng. Mon rón rén. Đàn hươu vẫn vừa giỡn vừa gặm cỏ. Trong đám, rộ lên những tiếng kít kít nho nhỏ mỗi khi hươu chen nhau nhảy quanh tảng đá. Mon đã đến gần lắm. Mùi hươu tỏa ra ấm sực nức. Rồi Mon đứng lên, dang hai tay, đi vào. Mấy con hươu đương đùa nhau bỗng đứng lại. Thoắt một cái, hươu rút chân, chạy như gió cuốn. Cả đàn hươu chạy theo. Mon tưng hửng, đứng trơ. Hai bố con nhìn nhau. Đột nhiên, không để đâu hết lo. Mẹ và em đương đói lử lả đằng kia, hôm nay nữa mà không được miếng ăn thì... Cả mình nữa, mắt nhìn đã vàng lóe... Bố con tạt sang rừng khác. Tưởng như trong các cánh rừng, những con hươu đã biết tin có người đến bắt hươu - vô khối dấu chân chạy mới chồng lên nhau, dấu chân nặng vết ngắn, sâu hằn, thoạt trông cũng biết nhiều đàn hươu vừa chạy qua đây. Nhưng không thể đuổi được. Mon đã thấy nhược lắm. Bố vẫn cắm cúi đi. Mon cố theo. Biết Mon mệt, đói, chốc An Tiêm lại đứng lại, đợi con. Mon biết ý bố, nhưng Mon chỉ nhìn bố, rồi lại cố đi. Hai bàn chân dần dần, lải rải... Mon đứng lại. Mon gọi:
- Bố ơi! An Tiêm đứng, cúi xuống.
- Bố trông cây này... cây gì... An Tiêm reo:
- Cây ngót! Mon nói:
- Cây ngót như ở bờ sông Cái ấy a?
- ừ, cây rau ngót như ở bờ sông, nhà mình vẫn nhặt ăn. Trong rừng thưa, đất ẩm kín mủn lá. Những cây lá ngót mọc thành vạt dài, thấp củn, ken dày, thoạt trông tựa lá han, lá ké, không nhận ra
- nhưng trông kỹ, những cây ngót thật khác. Cây ngót rừng, thân lẳng khẳng, lá xanh mờ, mới nhìn đã ngon mắt, biết là ăn được, khác hẳn những lá thuốc hay lá độc. An Tiêm nói:
- Thế là sống rồi! Lấy lá ngót về ăn tạm, con ạ. Hai bố con hái được hai ôm to rau ngót. Lại ngắt lá dong rải ra, lấy dây buộc lại, mỗi người đeo một ôm về. Nàng Hoa và Gái vẫn nằm thiếp cạnh đống lửa đã vạc. Nhưng nghe tiếng người, Nàng Hoa mở mắt, khẽ hỏi Mon:
- Bố đâu? Mon đáp:
- Bố còn ra suối lấy nước.
- Suối gần hay suối xa?
- Tiếng suối nghe róc rách từ đêm qua ấy. Nàng Hoa nhớ đêm qua có nghe như tiếng gió thổi trên ngọn cây. Mon nói:
- Được cái này ăn rồi. Mon mở gói lá. Nàng Hoa nhìn, nhưng mắt mờ, không trông rõ. Nàng Hoa khe khẽ hỏi:
- Cái gì thế? Mon nói:
- Lá ngót, mẹ ạ. Mon buộc cả ôm lá ngót bọc mấy lần lá dong, lại quấn dây vào. Mon khều lửa, vùi cả bọc vào giữa đám than đương còn đỏ. Mon hầm lá ngót. Một lát, Mon lôi bọc lá dong đã cháy thui trong đống than ra. Mon gọi mẹ, gọi em:
- Dậy nào! Dậy nào! Mon xốc Gái lên. Trông mặt em thiểu não quá. Nhưng có lẽ bởi Mon là anh, Mon phải cố thế thôi, chứ Mon cũng đói rét cả bụng đây. Mon mở gói ra. Mon hầm rau khéo quá. Đám lá dong bọc ngoài cháy đen vừa bén đến lá ngót. Cái lá hầm chín nục, bấm ngón tay đã đứt đôi, bốc khói thơm nghi ngút. Nàng Hoa ngồi dậy, tay vén làn tóc xõa và khẽ hỏi con:
- Bố vẫn chưa về à? Vừa lúc ấy, An Tiêm đang bước tới trước tảng đá. An Tiêm quảy trên vai một bó cây trúc, hai đầu buộc hai túm lá dong
- đựng nước suối. Từng giọt nước nhỏ theo bước đi. An Tiêm mở một miệng gói lá như cái gàu nước, đến trước mặt Gái:
- Con uống hớp nước cho tỉnh. Hai mẹ con Gái uống. Nước suối trong mát ngọt như được ăn đẵn mía. Uống rồi mà còn tóp tép miệng. An Tiêm nói:
- A, nướng rau ngót rồi à? Thơm quá. Rau ngót nướng ăn ngon lắm đấy. Nướng nốt bọc ngót này nữa.
Bữa xuống rừng đầu tiên ăn toàn rau ngót. Thế cũng hay, đi một quãng nữa thì đến đầu con suối, chỗ mình định làm nhà, gần thôi. Khói lá ngót nóng nhừ, bốc lên mùi bùi bùi. Đói quá cũng không ăn được. Nàng Hoa và Gái chỉ nhấm từng chiếc lá chín. Mon khác, Mon thấy đói ghê, Mon bỏ vào miệng từng nắm to, gần như nuốt chửng. An Tiêm nói:
- †n xong rồi chốc nữa ta về nơi ta ở. Chiều hôm nay Gái vào rừng với anh mà kiếm rau, chỗ gần suối nhiều ngót lắm, bố trông thấy rồi. An Tiêm lại cầm bó trúc lên:
- Chỗ ấy có cả rừng trúc này. Thế là có cái làm nhà rồi. Có trúc thì thế nào cũng tìm ra tre. Rồi có mai, có nứa, có vầu. Được những thứ ấy thì nhà mình có đủ tất, đủ cả nồi thổi nấu, chẳng khác nhà ở Bãi Lở. †n hết lá ngót, Nàng Hoa và Gái thấy khoẻ khoắn lại. Thế là cả nhà lại đi. Đã sang rừng phẳng, không phải leo như những hôm trước. Thoạt trông thấy mặt suối óng ánh. Nàng Hoa và Gái ùa đến. Chẳng khác lúc bố con An Tiêm thấy cái suối, chạy vội lại, như bao nhiêu năm mới thấy. Hai mẹ con rối rít vục tay, hắt nước lên mặt một thôi một hồi. Cho mát lạnh đến cả hai tròng mắt, bấy giờ mới ngẩng nhìn xung quanh. Mon đứng im, chăm chú nghe, rồi hớn hở hỏi:
- Cả nhà có nghe tiếng gì không? Gái nói:
- Tiếng suối đấy.
- Không phải.
- Chịu.
- Tiếng ve! Tiếng ve kêu! Nghe thấy chưa? Tiếng ve! Mọi người lắng tai, nghe lẫn trong tiếng suối róc rách, nếu không để ý kỹ không biết được, từ nguồn nước xa đưa lại tiếng con ve núi giọng kim kêu lanh lảnh. Tiếng ve núi giọng kim trong vắt, thường núi nào cũng có ve kêu lúc xẩm tối dưới gốc cây, ve kêu nửa đêm trên lưng cây. Nhưng bao nhiêu lâu nay, Nàng Hoa và Gái với An Tiêm và Mon nữa, mới lại được uống ngụm nước suối, mới lại nghe tiếng mõ con ve. Bỗng thấy lạ quá, sửng sốt, thế rồi lại tưởng vẫn như ở Bãi Lở ven sông Cái ngày nào. Dù sao, cũng thấy sống rồi. An Tiêm điềm nhiên nói, như mọi việc hằng ngày vẫn thế:
- Con ve kêu có buổi. Bây giờ ve kêu vậy là chiều rồi. An Tiêm lại trỏ tay:
- Nhà ta sẽ cất trên lưng chừng cây kia. ở đây không phải chỉ có vết chân hươu thôi, mà cả vết hổ, vết gấu, vết trâu. Phải ở cao thế mới được. Ta sẽ cất một cái nhà cẩn thận, mà đẹp. Khác gì ở Bãi Lở nào!
Nắm lá ngót đem cái khỏe lại cho người và cũng làm cho buổi chiều ấy khác hẳn tối hôm qua. An Tiêm vác về, ném đùng xuống những cây gỗ lớn. Nàng Hoa bắt đầu nhóm lửa. Mon và Gái mỗi đứa kiếm một ôm lá ngót nữa. Lúi húi nhặt, đem bọc vào mấy lần lá dong rồi vùi lửa. Trong khi ấy, An Tiêm hơ lửa thui những đốt trúc. Cây trúc già, cứng đặc ruột, chẳng khác gỗ lim. An Tiêm hun cẩn thận từng đốt rồi vót nhọn một đầu. Cái đầu trúc nhọn hoắt, lại có ngạnh như lưỡi câu.
- Từ mai đi đâu mỗi người có cây trúc cầm tay. Nó là đòn càn, lại làm dao, làm giáo giữ mình và kiếm cái ăn.
†n xong, thì trời vừa tối. Miếng lá ngót nướng còn ngọt miệng, vẫn bùi và thơm lạ. Bọn lá dong thừa bây giờ đem trải ra quanh lửa làm chiếu nằm. Đống lửa lại phần phật reo. Đêm nay vẫn trời trong và lắm sao như đêm trước. Canh khuya, nghe tiếng suối nỉ non ngay trong bóng tối bên cạnh và thỉnh thoảng tiếng ve kim đằng xa lại nổi từng lúc, như tiếng khèn. Mọi người thấy êm ấm lại vui vui. Không còn những đêm lặng ngắt, chỉ có tiếng gió hú như ở núi đá mọi khi. Mon mơ màng nhìn khói cuốn tàn lửa lên trời, lẫn lộn không biết đâu đốm lửa đâu đốm sao. Những đốm lửa tàn giữa trời, lả tả rơi xuống xung quanh rồi tắt. Để ý nữa, sao lại có những đốm lửa rơi đằng kia tắt rồi lại nhấp nháy sáng. Lại thêm những đốm khác xa gần hiện ra. Bóng nước suối a? Không phải. Cứ nhấp nháy đôi một. Bóng sao đổi ngôi đọng lại đấy a? Có thấy sao đổi ngôi xuống đâu! Cũng không phải.
- Cái gì đo đỏ đằng kia, bố à? An Tiêm bỗng khẽ kêu:
- Mắt hươu! Mắt con hươu đấy! Mắt hươu ban đêm bắt vào lửa thành hai chấm đỏ. Mắt hổ thì xanh hơn, to hơn, sáng hơn. Mắt cáo, mắt cầy, mắt gấu xanh mờ. Hươu đây. Chắc hươu thấy lửa, tò mò men đến. Cứ ngồi yên cả nhé, yên nhé. An Tiêm cầm một cái lao trúc vừa vót xong, cúi rạp người, bước ra. Bây giờ càng rõ nhiều đốm đỏ, giỡn chập chờn. Mon tưởng có lẽ đàn hươu đã gặp ban ngày. Đàn hươu đương đi vẩn vơ quanh, nhìn những ngọn lửa kỳ dị chưa bao giờ hươu được thấy. Tất cả im phắc
- người và rừng đều im. Chỉ có tiếng củi lép bép và những đôi mắt hươu thoang thoáng. Bóng An Tiêm từ từ rướn cao. Ngọn lao phóng vút vào bóng tối. Đằng kia, nghe một tiếng "toác" như tiếng ống nứa nứt đêm mùa hanh. Rồi tiếng ràn rạt trên cỏ. Những đốm sáng biến mất. An Tiêm quơ một chiếc củi lửa, chạy ra. Mon và Gái, cả Nàng Hoa, cùng đứng dậy. An Tiêm đã trở lại. ánh lửa rừng rực, An Tiêm bước vào, kéo theo một con hươu, cái lao trúc còn cắm xuyên chéo trên đầu hươu. An Tiêm cười, nói:
- Khéo quá. Mai khởi công nhà mới, được con hươu ăn mừng. An Tiêm bảo Mon soi đuốc ra ngoài bới một túm cỏ tranh. Cỏ ấy đốt lấy tro ăn với thịt hươu nướng. ở Bãi Lở, người ta thường ăn thịt với than cỏ tranh. Các vùng ven sông không có muối ăn như cách thức của người đường bể. Mon vừa bới nhổ cỏ vừa nghĩ đến cái nhà sắp làm và nhớ hôm trước, ở sườn núi xuống, An Tiêm trỏ tay trước mặt, bảo Mon:
- Con trông kìa. Một màu xanh đen cánh rừng bạt ngàn. An Tiêm bảo Mon:
- Con ạ, đứng đây nhìn xuống khác nào ở triền Tam Đảo trông ra bờ sông Cái. Các cụ nói ngày trước rừng Tam Đảo liền từ bờ sông vào chân núi. Đến khi có người đặt chân tới, như đất Bãi Lở mình đấy, rừng phải giạt vào núi, nước dữ phải trở về dòng, rừng núi sông nước kia phải biết kiềng tay kiềng sức người ta đấy. Không biết bây giờ ở Bãi Lở thế nào, lại đương mùa nước lên, mùa này đương mùa nước. Rồi An Tiêm và Mon đến một khoảng trống có đá lẫn vạt cỏ cạnh nguồn nước bên rừng.
- Ta sẽ làm nhà ở ngọn nước này.
Nhưng cái nhà mới của An Tiêm không giống cái nhà nào ở ven sông Cái ngày trước. Nhà ven sông bằng lau sậy, bằng rơm, bằng tre, bằng đất. Nhà ở rừng sâu thì chỉ có gỗ và đá, ở đâu lại nghĩ ra cách làm nhà theo đấy. Chỗ ấy có mấy cây nghiến mọc chụm quanh tảng đá. Những thân cây, những tảng đá nhỏ, đá vụn lấp chặn cả bốn phía, đá liền với thân cây, thành một nền lửng trên có sàn gỗ. Ba phía, lấy thân cây về ken trúc dựng đứng làm vách. Mái phủ tạm lá dong xanh óng. Một phía trổ lỗ cửa xuống. Một cây gỗ cao, đẽo từng bậc, làm thang lên. Người vào cả rồi, kéo dựng cái thang lên, thế là túp nhà một mình trú giữa cây, như cái tổ chim to. Chỉ còn con gấu có thể leo cây nghiến lên được. Nhưng cả bốn phía đều có thân cây để nấp. Đứng trong nhà mà xỉa lao xuống, con gấu chỉ có đường chết. Giữa sàn nhà trồi lên một khoảng mặt đá, đấy là bếp. Suốt ngày đêm trên bếp được giữ có lửa. Củi cây rừng chắc không bộp như củi cọ. Những cây củi kiếm về dựng bốn phía, cứ việc thò tay rút. Đống lửa rấm lúc nào cũng lên khói trước mặt. Thế là từ đây lại có nhà ở và đống lửa, được làm người như thường. Trên cột đầu nhà treo sợi dây dài, mỗi ngày buộc một nút, đánh dấu cho biết ngày tháng. Lại bắt được một con rùa ngoài khe đá về, đào lỗ cho rùa ở ngay bên chân cột. Cả nhà ai cũng biết xem điềm rùa, cứ rùa thò đầu ra hay rùa nằm quay vào, biết được sắp mưa hay sắp nắng. Con người ta phải biết tính đếm như thế. Rồi trong vườn nhà, ít lâu sau, các đầu cột đều có lạt buộc thòng lòng xuống dài ngoẵng từng miếng thịt hươu. Những miếng thịt hươu ướp tro rễ cỏ tranh. Ngày đêm, khói bếp dày đặc, miếng thịt đỏ hắt rồi đen xạm, khô quắt. Thịt ấy, trữ quanh năm. Khi cạn thức ăn, lại xẻo một miếng xuống. Bắt mỗi con thú, được thịt ăn, đem cái xương đầu treo lên vách. Dần dần, trên cột vách lố nhố những bộ xương đầu hươu có sừng bè ngang bè dọc, những đầu con dê núi, sừng một nhánh cong vắt như đội mũ. Chẳng bao lâu, lại đã vào mùa lạnh. Cái rét về sớm trong rừng. Có khi mấy hôm không ra khỏi nhà, bếp đỏ suốt ngày giữa sàn ở lưng cây. Trong khi làm nhà, tìm thêm được mấy thứ nữa. Gái đi kiếm lá ngót ở một khoảng rừng xa. Chỗ ấy khuất, chỉ thấy tàu lá đen sì trên những thân cây cao vút. Gái đoán cây cao thế thì dưới gốc thoáng, chắc có rừng ngót. Gái lần vào. Đúng như vậy, những đám ngót ken kín mặt đất.
Chỉ có cái lạ: chỗ quanh mỗi gốc cây, đất nhẵn thín, hình như có những quả như quả trám lăn lóc. Xem kỹ, đúng quả trám. Những quả trám trắng già lổ đổ vàng, bên cạnh vết chân hươu và phân hươu. Phải rồi, con hươu nghiện ăn trám. Ngày trước, ở ven sông Cái thành làng đã lâu mà từng đàn hươu còn về tìm trám quanh nhà. Vào cuối mùa mưa, cứ nghe chó cắn động gốc trám, cả xóm lại đem lưới ra chăng kín các lối vào rừng. Có lần bắt được một lúc hàng chục con hươu. Gái nhặt trám, bọc thành từng gói lá rồi bẻ cái gậy, quảy về nhà và kể chuyện thấy vết chân hươu như thế. Cả mấy tháng ăn vã rau ngót và trám trắng vùi lửa với thịt hươu nướng cũng chán miệng và sít răng. An Tiêm nghĩ cách đào lấy đất nặn bát, nặn nồi rồi đốt củi làm than nung. Nhưng những chiếc bát đàn và nồi niêu đều vỡ sụp, lăn ra như hòn cuội. Đất rừng ẩm, sâu ngập quá đầu người mà vẫn chỉ một thứ mùn lẫn cuội. Không phải đất thó, đất nặn không ăn, không làm nồi, cũng không nung bánh ngói được. Lại vẫn rau ngót và trám trắng chén tràn với thịt hươu nướng. Khi những rặng tầm xuân bắt đầu nở trong mưa bay như mưa ra bụi hồng, mới biết cái Tết đã qua. Đầu năm cuối năm bây giờ lại có những thói quen và dấu hiệu mới. An Tiêm từ ngoài rừng về. Vai vác cái gì dài, xa trông như khoác ngòng ngoèo trên cổ một con trăn. Về gần đến bên suối nước, mới nom rõ cây vầu.
- Tìm được một rừng vầu! Nhiều lắm! Đã bảo mà, có trúc thì phải có tre, có vầu, có mai...
Cây vầu của quý này làm được hai việc mà từ khi đến đây không có. Chặt bốn đốt vầu dài liền nhau, lấy cái lao trúc tống đá xuống lòng ống, phá thủng ba mắt ống, chỉ để một mắt sau cùng, thế là Gái được ống vầu vác ra suối lấy nước. Kề hứng một lát cạnh mỏm đá, đã được đầy ống, vác về dựng bên chân cầu thang. Như thế, đêm hôm khỏi nỗi lục cục trèo xuống, mò ra tận suối lấy nước. Bây giờ chỉ việc với tay ra ngoài vách, lôi cái ống vào, thế là khối nước uống. Nhưng được ống vầu đựng nước chưa thích bằng ống vầu làm nồi nấu canh, nồi kho thịt. Mọi khi, đành ăn lá ngót nướng, lá ngót hầm, quả trám và lá ngót lùi. Bây giờ, một khúc vầu, mỗi đầu một mắt, thế là được hai ống để nấu canh. ống vầu tươi đặt nghiêng giữa bếp. Lửa đượm than lên ngọn cả cái vỏ vầu đã ám khói, cháy xèo xèo. Cháy hết lượt vỏ vầu, canh ngót cũng vừa sôi, nhấc liền ống ra. Canh rau ngót thơm mát lạ lùng, trời ôi, cái nước canh ngót. Nước canh ngót này mà có cua, có hến sông Cái... Nửa ống vầu kia để làm nồi kho thịt với trám. Có ống vầu cũng như có nồi, bếp núc làm gì cũng tiện. Rồi thanh vầu vót làm đũa, mắt vầu làm bát, làm muôi. Giá có gạo thì ống vầu còn làm cái lam cơm. Nhưng bây giờ thì làm thế nào có hạt gạo, bao lâu nay không trông thấy một hạt cơm.
Mùa lạnh nữa lại tới. Đến độ rét mướt ấy thì xống áo vợ chồng con cái bạc và rách như xơ mướp. Người đi cách một quãng, trông đã lẫn cả vào bóng đá. Chỉ cái váy sồi nâu của Nàng Hoa và của Gái còn hơi tinh tươm. Năm trước, Nàng Hoa đã nói:
- Mình ạ, làm sao giữ được xống áo nên hồn.
Cho khi nào trở về được còn có cái mà mặc. An Tiêm cũng vẫn có ý như thế. Cái thắt lưng điều của bố và của con trai với hai cái khăn chàm, không mấy khi dùng đến. Nhưng tai ác cái giống vải, chỉ để không mà cũng tã dần ra. Biết làm thế nào! Gió núi thổi hun hút xoáy vào từng lỗ áo rách, xé thêm ra, cái rét càng như gai châm, người đi cong gập lại, không lê bước nổi. Mới mấy hôm rét mà đã không ai ló được khỏi lỗ cửa, chỉ quanh suốt ngày trong lều với lửa ở lưng chừng cây. An Tiêm nói:
- Mình còn nhớ cái năm ta mới lên Bãi Lở, chưa ai trồng bông, trồng dâu được, cả làng phải tước sợi bẹ cọ ra làm váy áo đụp thêm cho khỏi rét.
- ừ, cái sợi ở bẹ cọ rừng, nhưng còn cái kim...
- Có thể nghĩ cách làm được kim. Nhưng cọ thì ở cánh rừng này không có. Thôi, mai nắng đi tìm thêm. ối thứ khác làm được cái mặc... Mình để ý mà xem, có phải khi mới ra đây, tưởng không bới đâu được thức gì, thế mà rồi vẫn có. Cả mấy ngày ấy, ai cũng vơ vẩn đi tìm. Một hôm, ở rừng về. An Tiêm mừng rỡ, chưa chui vào cửa, đã nói to:
- Tìm được rồi.
- Cái gì, hả mình?
- Vỏ cây sui.
- à vỏ sui, đây cũng có cây sui à? Vỏ cây sui để làm xống áo cũng không lạ đối với người đã ở Bãi Lở.
Mới đến Bãi Lở, người ven sông còn thưa thớt lắm, đàn ông chỉ độc một cái khố, trẻ con thì trần truồng quanh năm. Đến mùa lạnh, các chòm xóm xô vào rừng lấy vỏ cây sui đắp vào người, mùa lạnh nào cũng thế. Khi An Tiêm lên mở đất Bãi Lở, Nàng Hoa đem theo nghề trồng dâu chăn tằm, kéo kén, dệt sợi rồi lại trồng bông. Từ đấy, người Bãi Lở có vải, có sợi gốc, biết nhuộm nâu, nhuộm chàm, biết dấn bùn cho thâm xống áo. Bây giờ, lại như ở Bãi Lở ngày nào, vào rừng tìm vỏ cây sui. Không ngờ cuộc đời lại có khi ngược nước như thế. Cây gỗ sui mọc hóc hiểm trong khe ẩm hơi đá tối hốc sâu. Cây sui ấy cao mấy đầu người, lá rợp mặt đá. Không trông thấy gốc, đến gần vẫn tưởng đấy là bụi cây dại. Vì thế, đã có khi trông thấy nhưng chẳng ai hơi đâu mò vào để cho con rắn, con trăn tưởng vào trêu nó. Lại có khi lá han xát ngứa móc thịt ra. Thế mà An Tiêm đã lần mò tìm được. Lấy dao khía vỏ cây sui, bóc ra, đem về. Mẹ con Nàng Hoa, mỗi người quảy một gánh nặng. Vỏ sui phơi trên mỏm đá, những ngày nắng, khô rắn như mo nang. Lúc ấy, lấy đá ghè kỹ như người đập vải. Vỏ sui mềm dần, rụng lần vỏ ngoài, còn lại một lớp sợi tơ ra như sợi bông, bết thành nạm trắng xám, càng phơi, nạm tơ sui càng kết lại. Được mấy nắng. Nàng Hoa đem vào, xé cho cả nhà, mỗi người một mảnh. Xé rồi buộc, Nàng Hoa buộc thật khéo. Miếng nách buộc lên vai, lại khoanh lưng mấy nạm, vắt lại, vạt trước vạt sau không còn một chỗ hở. Riêng vạt trước xòe xuống có miếng vỏ sui dày phủ kín đầu gối. Thừa bao nhiêu, buộc từng mảnh, thế là mỗi người còn được cái chăn đắp. Váy áo vỏ sui trắng bệch, trắng xám, ai trông cũng lúi húi, lọm khọm như nhà gấu trắng ở núi. Tuy vậy, ấm như khoác cái sưởi trên người, chỉ một lúc đã quen như mặc xống áo thật. Nhưng, Nàng Hoa nhìn chồng, nghĩ mà thương. Dễ thường người già đi rồi hóa gấu thật. Bao lâu rồi, tóc An Tiêm dài quá lưng, kín tai, chỉ còn hai con mắt lay láy giữa bộ râu quai nón lốm đốm bạc mọc trùm lên cả đuôi mắt. An Tiêm cũng thấy vợ thật đáng thương hại. Mẹ con nhà nó vất vả quá, lam lũ quá. ở Bãi Lở cũng chỉ gian nan có thoảng có thì. Bây giờ vì mình mà mẹ con phải chịu đi đày đến chốn bơ vơ thế này. Thằng Mon đụp cái áo sui đến đầu gối, lụ khụ như ông cụ. Nhưng nó phóng lao trúc khỏe lắm đấy. Mon cứ ra rừng là y như phải kéo theo về, có khi cầy hương, có khi nai, có lần Mon chạy về gọi cả nhà ra khiêng con nai to quá. Khỏi cái lo rét, lại tìm được củ mài. Khi trở nồm có đá đổ mồ hôi, con rắn, con trăn, con gấu đã bỏ hang hốc tránh rét bò ra kiếm ăn, những cánh rừng đại ngàn không còn làm u ám rầu rĩ hai con mắt nữa, rừng đã nở lá non thơm mát mũi, phía nào lá rừng cũng cuồn cuộn xanh lên như khói. Đến một quãng rừng thoáng, An Tiêm ngẩng đầu, thấy một dây nở hoa tím bò ngọn cây. Chiếc hoa tím, cánh cụp thì đậm, cánh nở thì phai, đầu tiên, tưởng hoa của cây ấy, nhưng trông lại, biết hoa trong những dây leo dưới đệp lá chằng chịt. An Tiêm bảo Mon:
- Hượm đã, con ạ.
- Cái gì thế? Mon rút chiếc lao trúc, cầm sẵn tay, nhìn ra. Chưa biết sao, hãy phòng sẵn, đấy cũng là biết cách đi rừng. Nhưng An Tiêm lại nói:
- Lên xem cái dây kia.
- Chỗ hoa tim tím ấy à? An Tiêm trèo lên, chặt quang mấy bụi cây ngoài, len vào tận nơi. Cái lá to như lá mảnh bát, không phải dây bìm lá nhỏ lẩn mẩn, nhận ra đấy dây củ mài. An Tiêm quay lại, nói to xuống:
- Củ mài! Củ mài! Mon leo vào tận nơi. Hai bố con hí húi phát quang hết các dây dợ xung quanh, còn trơ lại một gốc dây mài bằng cổ tay người lớn.
- Củ mài này to lắm. Kể ra, phải đến tháng tám ăn mài mới khỏi sượng. Nhưng mấy năm nay chẳng được miếng mài, cứ đào về, để ráo nhựa một tý thôi. Đào theo dây xuống, được lưng chừng, đã quá trưa, phải bỏ, mai đào nốt.
Nàng Hoa và Gái thấy nói tìm được củ mài, ai cũng mừng. Miếng củ mài khác nào miếng cơm. Người ở đâu, khi thiếu đói, đều phải lùng rừng nương nhờ củ mài. Ngày tấm bé, An Tiêm còn ở bờ biển ngoài cõi Ninh Hải hay khi vợ chồng lên phá đất ven sông Cái thì miếng mài, miếng cơm chẳng để ý. Bây giờ bảo sắp có củ mài, bỗng thấy rau ngót, thấy trám, thấy thịt trộn tro cỏ tranh, tưởng như ăn đều xót ruột cả. Bao lâu nay thèm một miếng cơm, một mùi cơm, mùi thơm bùi bột mài cũng đương thèm. Cả nhà cùng vào rừng đào nốt củ mài. Củ mài ấy to bằng bắp chân, dài nửa sải tay, tõe bốn nhánh thành bốn củ. Hai anh em Mon khiêng một củ mài. Củ mài to không biết đã già bao nhiêu năm! Về đến nhà, phải đổi vai mấy lần. An Tiêm cắt cái núm đầu củ đem trồng bên hòn đá cạnh ngọn suối. Tối ấy đỏ lửa đến khuya. Cả nhà ngồi quanh cái ống vầu luộc củ mài. Mùi mài tỏa thơm ngậy khắp nhà, hệt mùi xôi nếp cái mới. Tự nhiên, ai cũng nhớ cõi Bãi Lở, nhớ đến làng xóm ven sông Cái. An Tiêm nói:
- Hôm nay tìm được củ mài, càng nghĩ càng thấy không ai đóng cửa cái sống của mình được.
Chặp tối hôm ấy, thuyền quan quân đổ cả nhà ta lên núi, tưởng cái chết đến nơi, thế mà rồi lại thấy ra miếng nước ở cây cọ, biết không thể chết. Con cua con cáy bấy thế mà còn biết bò kiếm ăn, con hà phải đóng vỏ vào tảng đá suốt đời đứng một chỗ mà vẫn sống, huống chi con người đầy đủ tai mắt chân tay thế này. "Không thể chết, nhưng cũng không thể chịu khổ mãi, cứ mãi chịu chui rừng thế này, cứ lay lắt thế này. Bàn tay vợ chồng mình đã từng làm cho đất Bãi Lở nên cái ăn, bây giờ chúng mình cũng sẽ làm cho cái đảo này thành cái ăn, sẽ thành nơi có người đến ở đông vui, như đất Bãi Lở. "Mình ạ, ta ở trong rừng cũng được, không còn khốn khổ như ở hang đá núi trọc, nhưng không, ta phải tìm cách mở mang ra. Bây giờ thấy được mài ăn, chắc các rừng quanh đây cũng có mài. Đợi đến qua mùa mưa, ta sẽ đi tìm thêm mài, tích cái ăn chắc bụng đã. Rồi ta lại đi tìm đất mới phen nữa. Cái khi ở núi trọc xuống rừng này tôi đã trông hướng nhiều lần. Sau lưng ta, núi dựng đứng. Không lẽ cả đảo chỉ có núi đứng như thế. Chắc đằng trước mặt, phía gió mát thổi tới phải có bãi, có sông. Không biết đi bao lâu mới tới được bờ đảo đằng trước mặt, nhưng ta trữ được lương ăn rồi, ta lại đi phen nữa. Ta quyết mở mang lên, quyết không chịu sống rúc ráy như con tê tê trong lòng đất đâu. Mình ơi, một ngày kia, có bao giờ nhà vua còn nhớ tìm lại vợ chồng con cái An Tiêm trên đảo, lúc ấy An Tiêm sẽ nói rằng: vợ chồng con cái An Tiêm vẫn sống và đương gây dựng chốn đảo hoang thành cõi bờ đồng đất quê ta. Đấy là sở nguyện của tôi". Tiếng củi nổ vui tai trên bếp rực than. †n mài no, Mon và Gái mỗi đứa nằm một góc, cọ quậy trong mảnh chăn vỏ sui. Nhưng không phải đã ngủ. Mắt tỉnh như sáo sậu. Còn mải hỏi bố các thứ chuyện. Cũng lây cái vui của bố mẹ. Gái nói:
- Bây giờ mẹ kể sự tích trầu cau. Mon nói:
- Nghe bố kể chuyện ông Gióng, ba năm nằm chõng đá... Mon tưởng tượng bố con mình cũng to lớn như ông Gióng. ừ một hôm nào, cả nhà lại đi, sẽ tới một cánh bãi như Bãi Lở, sẽ tới một con sông như sông Cái. Ta cưỡi ngựa sắt, vùn vụt bay như ông Gióng. Không phải leo rừng, chỉ một chốc đã tới nơi. ở bãi sông ấy, đến mùa nước xuống, bắc cầu noi đưa một dãy trống đồng ra mặt nước giữa sông, tiếng đồng rền ra gọi các cõi về xem hội. Rồi lò vật mở, các sới vật nhộn nhịp suốt giêng hai... Giấc mơ thú vị theo chuyện ông Gióng đi tìm đất ở ven sông chập chờn đến trên hai mí mắt buồn ngủ của Mon. Trong cánh rừng đêm đen thẫm, gió nổi rào rào rồi im. Phút chốc, lại lặng lẽ ghê. Con ve núi thôi kêu từ nãy. Đã khuya lắm. Dần dần, rừng xa rừng gần im phăng phắc. Một tiếng hươu đột ngột giác, nghe bảng lảng thật xa. Rồi lại vắng, vắng thăm thẳm. Vắng ơi là vắng!
Nguồn: http://vnthuquan.net/