18/2/13

Kẻ thần bí (C1-2)

Chương 1

Năm nay lên lớp 10, nhỏ Hạnh vẫn tiếp tục là lớp phó học tập. Lớp trưởng vẫn là nhỏ Xuyến Chi. Chỉ có nhỏ Vành Khuyên là thôi giữ chức lớp phó văn thể mỹ, vì lớp mười trường tụi nó học không có chức danh này. Nhỏ Vành Khuyên chuyển qua làm thủ quỹ lớp.

Lớp 10A9 trường Đức Trí gồm đa số học sinh lớp 9A4 trường Tự Do chuyển lên, điều đó cắt nghĩa tại sao ban cán sự lớp vẫn gồm hầu hết những gương mặt cũ của lớp chín trường Tự Do năm ngoái. Hồi đầu năm, lúc bầu ban cán sự, nhóm học sinh lớp 9A4 là to mồm nhất. Và dĩ nhiên tụi nó chỉ đề cử "người của tụi nó".

Tụi học trò 9A2 của trường Thống Nhất lọt thỏm giữa vòng vây dày đặc của tụi lớp chín trường Tự Do và luôn bị những cái mồm có khả năng khuếch đại âm thanh của tụi thằng Lâm, thằng Tần, thằng Dưỡng và Hải quắn át giọng một cách thô bạo.

Rốt cuộc, chỉ có chức lớp phó kỷ luật, hồi lớp chin vẫn gọi là lớp phó trật tự, là rơi vào tay nhỏ Minh Trung, học sinh trườngThống Nhất. Sở dĩ có một đứa học trò trường khác lọt vào ban cán sự, chẳng qua là do Minh Vương, lớp phó trật tự của tụi Quý ròm năm ngoái, từ chối quyết liệt khi tụi bạn bầu nó vào chức lớp phó kỷ luật.

Minh Vương hét lớn, vừa lắc đầu nguậy như trống nhịp:

- Không! Không! Không!

Đỗ Lễ, tổ viên tổ 5 của Minh Vương nảm ngoái, khích tướng:

- Sao thế, Minh Vương? Hổng lẽ mày tự nhận mày không đủ năng lực à?

- Ờ - Minh Vương nhanh nhẩu gật đầu, chẳng tự ái tí ti - Tao không đủ năng lực.

Đỗ Lễ cười hê hê:

- Không đủ năng lực sao năm lớp bảy, lớp tám, lớp chin mày làm giỏi thế?

Không biết phải đối đáp như thế nào, Minh Vương lại giở "chiêu" gân cổ:

- Không! Không! Không!

Nếu là đứa mau mồm, Minh Vương sẽ bảo chính vì đã từng làm lớp phó kỷ luật ba năm lien tiếp nên bây giớ nó có đủ "kinh nghiệm sống" để không dại dột giữ chức them một lần nữa. Nó có đủ từng trải để biết làm lớp phó kỷ luật là làm những chuyện ngốc nghếch gì: đó là đứng tại chỗ đến rục cẳng mỗi khi thầy cô vì lí do nào đó không (hoặc chưa) có mặt trong lớp, mắt xẹt ngang xẹt dọc khắp các dãy bàn để luôn miệng nhắc nhở, đe nẹt (nhưng với đứa hiền lành như Minh Vương thì phương pháp nó sử dụng nhiều nhất là "năn nỉ") những đứa nghịch tinh, quậy như giặc. Mà trên cõi đời khốn khổ này, những đứa quậy phá thường là những đứa khó bảo và những lũ giặc con đó luôn luôn có chung một đặc điểm chẳng coi lớp phó kỷ luật ra cái củ cà rốt gì hết. Kể cả khi Minh Vương rút cuốn sổ be bé trong túi ra vờ ghi chép thì tụi bạn nó cũng chẳng đứa nào them liếc mắt vì lớp phó kỷ luật Minh Vương là mẫu người vụng đến mức khi nó giả vờ thì cả thế giới đều biết nó đang giả vờ, và dĩ nhiên ai cũng biết là trong phần lớn các trường hợp khi nó hí hoáy ghi ghi chép chép thì cây viết của nó thường là... không nhểu ra một giọt mực nào.

Lớp phó kỷ luật Minh Vương hiền lành là thế, tốt bụng là thế nhưng bao giờ nó cũng bị bạn bè ghét nhất, chỉ vì mỗi tội nó là lớp phó kỉ luật, tức là kẻ chuyên làm hỏng cuộc vui của đám đông nhí nhố kia. Mà chức này Minh Vương có ham hố gì cho cam. Nó chỉ lỡ dại có một lần vào năm lớp bày thôi, rồi lập tức nhận ra sự bạc bẽo của "nghề" này.

Cuối năm lớp bảy, Minh Vương tự dặn long: lên lớp tám dứt khoát không nhận chức lớp phó kỉ luật nữa. Cuối năm lớp tám, Minh Vương lại hạquyết tâm: Lên lớp chín: cương cương quyết không làm lớp phó kỉ luật nữa. Minh Vương hết "cương quyết", "dứt khoát" đến "quyết tâm", nghe hùng dũng lắm. Thế nhưng cả năm lớp tám lẫn lớp chín, nó đều ẵm gọn ơ cái chức lớp phó kỉ luật chán ngắt kia vào lòng. Nói nó "ẵm" cũng oan cho nó, chính xác thì nó bị bạn bè và cô giáo chủ nhiêm ấn cho nó.

Bạn bè ấn cái chức lớp phó không ai thèm làm kia cho con nhà Minh Vương lành như Bụt thì đúng rồi nhưng tại sao cô Trinh chủ nhiệm năm lớp tám và cô Vĩnh Bình chủ nhiệm năm lớp chin - hai cô giáo hiền hậu nhường kia - cũng hè nhau "làm khổ" Minh Vương? Bạn đọc có quyền thắc mắc như thế, nhưng lần thì oan cho các cô chủ nhiệm, bởi vì như đã nói, con nhà Minh Vương được sinh ra để gánh lấy tất cả sự vụng về trong thiên hạ, nói tóm lại là khi được tụi bạn ranh ma bầu vào chức lớp phó kỉ luật, Minh Vương bao giờ cũng bày tỏ sự lúng túng bằng cách gãi đầu, gãi cổ rồi gãi đùi (nói chung là gãi tất cả những chỗ nào một người lịch sự được phép gãi), miệng ấp úng từ chối nhưng nó nói năng lắp ba lắp bắp đến nỗi cô Trinh lẫn cô Vĩnh Bình đều tưởng rằng đó là thái độ không thể nhầm lẫn của một đứa đang nghượng nghịu cảm ơn sự tín nhiệm của bạn bè, và vì xúc động quá nên thằng Minh Vương đâm ra cà lăm đột xuất thế thôi.

Năm nay Minh Vương rút kinh nghiệm. Nó không buồn dài dòng giải thích hay phân bua gì hết. Nó biết nếu nó cang nói dông nói dài thế nào thầy Phú chủ nhiệm cũng hiểu ngược lại. Tối hôm trước khi diễn ra cuộc bầu ban cán sự lớp, nó đã quyết định rồi. Đứa nào muốn noid gì thì nói, nó chỉ nói ba tiếng cụt ngủn thôi: "Không! Không! Không!". "Không! Không! Không!" thì không ai có thể hiểu ngược lại là: "Có! Có! Có!".

Tính toán của Minh Vương không ngơ lại hiệu nghiệm như thần. Hễ đối đáp không lại mồm mép của tụi bạn là nó "Không! Không! Không!". Giống như cao bồi trong phim Viễn Tây huơ sung "Pằng! Pằng! Pằng!". Đại khái là bây giờ ông không khoái đấu võ mồm nữa, ông chỉ khoái nói chuyện bằng súng cơ!

Đó là lý do chức lớp phó kỉ luật lớp 10A9 trưòng Đức Trí rơi vào tay con nhỏ Minh Trung, là đứa được "nhóm thiểu số" xuất thân từ trường Thống Nhất đề cử và nhiệt tình mà nói thì không đứa học sinh Thống Nhất nào tin rằng Minh Trung sẽ trúng cử sau khi các chức danh khác trong ban cán sự đều bị tụi học trò trường Tự Do thâu tóm một cách dễ dàng trước đó.

Nhưng sau khi kiên nhẫn chứng kiến "cao bồi" Minh Vương bắn hết loạt "Không! Không! Không!" này đến loạt "No! No! No!" khác (chỗ này Minh Vương điên tiết xài tiếng Anh, như thể nói tiếng Việt thì tụi bạn nó cương quyết không chịu hiểu), thầy Phú đã ngán ngẩm giơ tay lên, trông mệt mỏi như lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc tuyệt vọng giương cờ ngừng bắn ở các vùng chiến sự ác liệt:

- Thôi, đủ rồi, các em!

Thằng Lâm láu táu:

- Chưa đủ, thầy ơi!

Bất chấp cái lườm mắt của Xuyến Chi và nhỏ Hạnh ở dãy bàn bên kia, Lâm vẫn tỉnh bơ:

- Nếu thầy cho tụi em thêm năm phút nữa, thế nào tụi em cũng thuyết phục được bạn Minh Vương. Tại năm ngoái thầy không dạy tụi em nên thầy không biết đó thôi. Bạn Minh Vương là một lớp phó mẫu mực, là bàn tay sắt có thể đưa bất cứ bạn nào bên ngoài khuôn phép vào trật tự hết ráo...

- Trừ bạn Lâm!

Thằng Lâm đang thao thao, bị thằng Tần ngứa miệng chêm ngang một câu, lập tức khựng lại như chiếc xe đang ngon trớn bỗng thìng lình chết máy.

- Thằng ghẻ ngứa này! - Lâm quắc mắt nhìn thằng Tần, sừng sộ - Phá đám hả mày!

Thầy Phú lắc đầu, cảm thấy nếu mình không có ý kiến dứt khoát, cuộc bầu bán hôm nay sẽ có nguy cơ trượt ra khỏi tầm kiểm soát của thầy và rồi sau đó nó sẽ phát triển theo hướng nào thì thầy cũng hổng biết luôn. Bởi vì nói gì thì nói, tuy là giáo viên chủ nhiệm thầy cũng chưa hiểu hết học trò, thậm chí còn cưa thuộc tên từng đứa chỉ sau một, hai lần gặp mặt.

- Em Minh Vương đã nhất định từ chối thì chúng ta không nên ép buộc - Thầy hắng giọng và cố nặn ra một vẻ mặt nghiêm nghị - Theo thầy, em Minh Trung làm cũng tốt.

Thằng Lâm đứng phắt dậy:

- Thưa thầy, con trai làm lớp phó kỉ luật vẫn tốt hơn con gái...

- Em ngồi xuống đi - Thầy Phú vẫy tay, kiên quyết - Chúng ta còn nhiều thời gian để đánh giá năng lực của từng thành viên trong ban cán sự lớp. Đến lúc đó nếu cần các em bầu lại cũng không muộn.

Thấy thằng Lâm vừa ngồi xuống đã giơ tay nhấp nhổm định đứng lên, thầy Phú làm như không hay biết, quay người đi lên bảng:

- Các em lật tập ra, thầy đọc cho các em chép thời khóa biểu!
° ° °
Chính vì sự lùm xùm khi bầu chức lớp phó kỉ luật, Lâm tin rằng con nhỏ Minh Trung đang thù mình. Thù ghê lắm. Nếu không tại sao mới vô học có mười ngày, nhỏ Minh Trung đã nhắc nhở nó tới ba lần. Lần thứ nhất vì tội đi trễ, lần thứ hai vì tội ngủ gục trong lớp, lần thứ ba do nó nghỉ học một buổi không xin phép Tất nhiên là tổ trưởng Minh Vương cũng nhắc nhở nó (năm nay nó lại tiếp tục ở trong tổ 5 của Minh Vương), nhưng kỳ lạ là Minh Vươngcó nặng lời đến mấy nó vẫn thấy nhẹ hều trong khi con nhỏ Minh Trung nói động tới nó một chút là nó giãy đùng đung như thể con nhỏ lớp phó mới toanh kia nếu không sắp xúi thầy giám thị đét roi vô mông nó thì cũng sắp đề nghị ban giám hiệu đuổi học nó hoặc cũng có thể đét roi vô mông trước rồi đuổi học sau.

- Nè, vừa phải thôi nha! Làm gì mà "bà" đì tôi dữ vậy! - Nhỏ Minh Trung nhắc tới lần thứ ba thì Lâm ngoác miệng cự nự, thấy mình bị hiếp đáp quá.

- Vừa phải gì chứ? - Nhỏ Minh Trung cũng không vừa - Bạn vi phạm nội quy thì tôi nhắc bạn chứ ai mà them đì!

- Lâm! - Nhỏ Hạnh chỉnh - Sao bạn gọi bạn Minh Trung bằng "bà" hở?

Mặt lâm nhăn như bị:

- Thêm "bà" này nữa!

Nhác thấy lớp trưởng Xuyến Chi đang ôm cặp đi vô, Lâm giơ hai tay lên trời, giọng thống thiết như bị ai bóp cổ:

- Trời, sao ban cán sự lớp năm nay toàn "thị mẹt" không vậy nè! lớp 10A9 lâm vào cảnh "âm thịnh dương suy" rồi, ba ơi!

- Ba đây, con!

Một giọng nói vang lên đáp lời Lâm. Nó hầm hầm ngoảnh lại, thấy Quý ròm đang nhăn nhở cười. Lại có cả đống đứa ôm bụng cười phụ họa khiến Lâm giận sôi:

- Tao đập mày nghe, Quý ròm!

- Ối, mày tính uýnh tao hả, thằng kia? - Quý ròm vờ rụt cổ - Bà con làng nước ơi, coi thằng con tôi bất hiếu chưa kìa!

Lâm tức muốn xịt khói lỗ tai, chưa biết nên làm gì vì bên cạnh Quý ròm còn có thằng Tiểu Long "võ sư vô địch đại lực sĩ" đang đứng đó thì nhỏ Minh Trung đã bất thần lên tiếng:

- Bạn Quý không nên đùa như thế!

Được người khác bênh vực, nhất là người khác đó đang giữ một chức vụ cực kì oai phong là "lớp phó kỉ luật, lẽ ra thằng Lâm nên mừng mới phải. Nhưng không hiểu sao nó lại thấy bực mình. Bất cứ đứa nào trong lớp bênh nó, nó đều cảm ơn. Riêng con nhỏ Minh Trung thì không. Dứt khoát không. Không những không cảm ơn, Lâm còn trừng mắt vặc lại:

- Lắm mồm thế! Chuyện đàn ông con trai ai mượn "bà" xía vô!

Tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu năm, Lâm từng hùng hồn tuyên bố "con trai làm lớp phó kỉ luật vẫn tốt hơn con gái", lúc đó chắc nó quên béng con nhỏ Thúy Sơn, lớp phó kỉ luật lớp 9P1 trường Tự Do năm ngoái. Nhỏ Thúy Sơn có điểm hơn người là lúc nào nó cũng cầm trong tay cả chục viên phấn, đứa nào gây mất trật tự trong lớp nó chẳng them ngoác miệng nhắc nhở làm gì cho tốn hơi. Nó bẻ mẩu phấn kêu đánh

"cạch", ném bốp một cái vô đầu "đương sự" để cảnh cáo.

Nhỏ Minh Trung không hành xử quyền lực theo kiểu "xã hội đen" như nhỏ Thúy Sơn, nhưng nếu đã từng làm lớp phó kỉ luật năm lớp chín và năm nay tiếp tục được bạn bè trường Thống Nhất tín nhiệm đề cử vào chức vụ này, nhỏ Minh Trung chắc chắn không phải là đứa mà thằng Lâm có thể át giọng.

Nó lập tức thò tay vào ngăn bàn, lấy ra cuốn sổ tay, tay kia bật nắp viết.

- Tọi thứ nhất: Kêu bạn gái bằng "bà". - Nhỏ Minh Trung vừa ghi vầư lẩm bẩm - Tội thứ hai: gọi sự nhắc nhở của ban cán sự lớp là "xía vô". Tội thứ ba: mắng lớp phó kỉ luật là "lắm mồm"...

Gọi là lẩm bẩm nhưng nhỏ Minh Trung cố ý cao giọng cho Lâm nghe thấy.

Lâm nghe, hơi ớn, nhưng bụng căm lắm. Trông mặt nó thì có vẻ nó sẵn sang cắn con nhỏ Minh Trng một phát nếu con nhỏ này dại dột đứng gần nó. Nhưng Minh Trung đứng xa quá, cách Lâm tới bốn dãy bàn, nên nó đành quay sang Quới Lương và Hải quắn, gầm gừ:

- Tụi mày thấy tao bị con gái ăn hiếp mà ngồi trơ thổ địa vậy hả?

Hồi cấp hai, băng "tứ quậy" có bốn đứa: Lâm, Hải quắn, Quới Lương và Quốc Ân. Lâm là thủ lĩnh. Năm nay, Quốc Ân học trường khác, băng "tứ quậy" chỉ còn ba. Ngồi vào chỗ thằng Quốc Ân là thằng Oánh trường Thống Nhất. Thằng này mặt như cục đất, ai nói gì cũng nhe hàm răng trắng bong ra cười, ngay lần gặp măt đầu tiên Lâm thấy đối tượng này khó mà đào tạo thành một "siêu quậy" được nên chẳng để mắt tới.

Băng "tứ quậy" như chiếc xe bốn bánh, bây giò sút mất một bánh nên chạy hơi ngúc ngoắc. Thực bụng thì Quới Lương và Hải quắn chẳng biết có nên duy trì cái băng tai tiếng này khi đã lên cấp ba hay không. Lâm cũng thế, nghĩa là cũng lừng khừng. Nhưng lúc này thấy con nhỏ Minh Trung làm dữ quá, nó đành phải cầu viện Hải quắn và Quới Lương.

Quới Lương vọt miệng cứu bồ, trong hai đứa còn lại của băng "tứ quậy" nó chơi thân với thằng Lâm nhất:

- Bạn Minh Trung hiếp người quá đáng à nha. Chuyện có chút xíu vậy mà cũng ghi sổ là sao hả?

Nhỏ Minh Trung không thèm ngước mắt lên. Nó tiếp tục lẩm bẩm, cây viết trên tay ngoáy lia lịa:

- Quới Lương, tội thứ nhất: bênh bạn một cách vô lối. Tội thứ hai: coi chuyện lớp phó kỉ luật làm bổn phận là "hiếp người quá đáng"...

Quới Lương không phải là đứa lì lợm như Lâm. Những lời thốt ra từ miệng nhỏ Minh Trung khiến bụng nó quặn lai. Nó níu áo Lâm, cố tìm những từ ngữ giúp bạn nó hả dạ:

- Thôi, bỏ qua đi mày! Chấp bọn con gái làm gì!

Lâm hả dạ thật. Thái độ của nhỏ Minh Trung đã làm lòng tự ái của nó thủng một miếng lớn nhưng câu nói của Quới Lương đã kịp thời băng bó vết thương long giùm nó. Nó quay sang thằng này, cười khì khì:

- Ờ, mày nói đúng ghê! Chấp con nhỏ nhiều chuyện đó làm gì!


Chương 2


Tiểu Long cười cười, khi nó cùng Quý ròm và nhỏ Hạnh đạp xe trên đường về:

- Lớp mình năm nay có một lớp phó kỉ luật hách ra phết, ròm há?

Quý ròm đáp trả bằng một câu chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi của bạn:

- Ghê phải biết nhé! Nửa đêm tụi này đang ngủ, nước thìng lình dâng lên. Đang nằm tôi bỗng nghe lành lạnh nơi bụng, tưởng mưa dột. Sờ tay xuống mới hay có một con rắn đang bò ngang qua rốn...

Tâm trí Quý ròm vẫn chưa ra khỏi ấn t ượng về trận lụt nó chứng kiến lần đầu tiên trong đời. Từ hôm về lại thành phố đến nay, nó hào hứng thuật lại cho nhỏ Hạnh không biết bao nhiêu là lần về chuyện tụi nó chạy lụt, nhưng vãn có cảm giác chưa kể được bao lăm. Cứ mỗi lần gặp nhỏ Hạnh, nó lại nhớ ra một chi tiết mới. Tất nhiên những chi tiết có thật ngoài đời khi đi vào trong lời kể của Quý ròm không bao giờ còn nguyên vẹn như cũ, giống như một tảng thịt bò sau khi đã qua máy chế biến của hãng thịt Vissan vậy. Bao giờ thằng ròm cũng thêm chỗ này một chút, bớt chỗ kia một tẹo. Như rắn vào nhà ban ngày thì thành vào nhà ban đêm, rắn bơi trong nước thì thành bò ngang rốn. Thời gian thay đổi. Địa điểm thay đổi. Cả chủng loại cũng thay đổi nốt.

Nghe thằng ròm khai rắn bò ngang bụng, nhỏ Hạnh khẽ liếc Tiểu Long, hai đứa kín đáo kheo những nụ cười mỉm và dĩ nhiên là cố hết sức để nhốt tiếng cười đang sôi lên trong cổ họng.

- Thế con rắn đó là rắn gì? - Nhỏ Hạnh vờ hỏi, mắt nhìn chằm chằm Quý ròm, sẵn sang chờ đợi một câu phịa khủng khiếp.

Quả nhiên, Quý ròm lên giọng:

- Rắn hổ mang chứ rắn gì!

Nó hừ mũi:

- Hạnh từ bé đến lớn chỉ sống ở thành phố nên chả biết gì. Rắn hổ mang là chúa bò vào nhà.

Nếu ba hoa tới đó Quý ròm biết điều mà dừng lại thì không sao. Đằng này nó nổi hứng quay sang Tiểu Long:

- Tao nói đúng không hả mập?

- Đúng. - Tiểu Long trưng ra bộ ngây thơ - Nhưng con rắn hổ mang của mày dân quê tao không gọi là rắn hổ mang mà gọi là... rắn nước.

Tới đây thì Tiểu Long và nhỏ Hạnh không làm mặt tỉnh được nữa. Hai đứa phá ra cười ngặt nghẽo.

- Cười gì mà cười! - Quý ròm mặt hầm hầm - Tôi báo thầy chủ nhiệm à nha!

Nó lấy vẻ nghiêm trang:

- Tội thứ nhất: Cười nhạo bạn bè. Tội thứ hai: cười khi đang chạy xe ngoài đường. Tội thứ ba: Hai người cười trong khi người thứ ba không cười...

Câu đùa của Quý ròm kéo câu chuyện quay lại với đề tài ban đầu. Tiểu Long nhún vai:

- Con nhỏ Minh Trung này hay thật đó. Thằng Lâm liến láu thế mà cũng chịu một phép.

Nhỏ Hạnh mỉm cười:

- Lớp phó kỉ luật phải như thế chứ. Bạn Minh Vương tính tình hiền quá.

Tiểu Long tặc lưỡi, bang quơ:

- Thằng Lâm hình như không ưa nhỏ Minh Trung.

Nhỏ Hạnh thở ra:

- Tại Lâm nghĩ Minh Trng có ác cảm với mình.

- Tại sao? - Tiểu Long ngạc nhiên, nó chạy xe sát vào nhỏ Hạnh để nghe rõ hơn câu trả lời.

- Tại hồi đầu năm Lâm cứ nằng nặc đòi bầu Minh Vương vào chức lớp phó kỉ luật.

- Thằng Lâm này thật vớ vẩn. - Quý ròm "xì" một tiếng - Ai mà thềm để bụng chuyện đó chứ. Trên đời này còn bao nhiêu vhuyện lớn lao hơn.

Nó đột ngột đổi giọng:

- Hôm đó nhé, tôi và Tiểu Long suýt chút chết ngắc giữa biển nước mêng mông. Đang đi, một chiếc ca nô lượn ngang, thế là song đánh ầm ầm, bè lật úp. Cả bọn phải gồng mình bơi gần hai cây số mới vào được bờ...

Quý ròm lại sa đà vào chuyện bão lụt, không nhận thấy hai đứa bạn nó lái xe chỉ một tay, tay kia đưa lên bụm mặt.

Tiểu Long bụm mặt một lúc, thấy Quý ròm khoác lác ghê quá, không chịu được liền bỏ tay xuống, xỏ ngọt:

- Lẽ ra mày phải nói cả bọn gồng mình bơi gần hai cây số mới lôi được mày vào bờ chứ?

- Chi tiết đó không quan trọng. - Quý ròm tỉnh rụi - Điều tao muốn nói là bên cạnh những chuyện lớn lao như thế mà thằng Lâm cứ đi thù vặt người ta vì nghĩ người ta thù vặt mình thì đúng là nhảm nhí. Thực ra, nhỏ Minh Trung nhắc nhở, cảnh cáo nó là đúng. Từ đầu năm học đến nay nó hết ngủ gục đến bỏ học...

- Nguy rồi! - Nhỏ Hạnh chợt kêu lên - Long và Quý nhớ chuyện năm ngoái lớp mình có bốn bạn thường xuyên ngủ gục trong lớp không?

- Sao không nhớ. - Quý ròm hừ giọng - Tôi là một trng bốn đứa đó chứ ai! Hồi đó tụi này phụ mẹ con thằng Đặng Đạo quét rác đêm.

Đang nói, Quý ròm bỗng nhíu mày nhìn nhỏ bạn:

- Hổng lẽ Hạnh cho rằng chuyện đó đang lặp lại?

- Không đúng. - Tiểu long lắc đầu - mẹ đặng đạo đã chuyển qua làm ca ngày từ lâu rồi.

Qúy ròm thở hắt ra:

- Nghỉ hè thằng lâm chơi nhiề quá, không chịu ôn tập, bây giở nhập học, cơ thể không thích nghi được nên nó gà gật hoặc lười biếng trốn học vài ba hôm chứ có gì đâu. Chừng nào tình trạng này lặp đi lặp lại, "lớp phó học tập" hẵng lo. Còn bây giờ, Hạnh nghe tôi kể tiếp này. Cái thằng tên Mận đeo trên ngọn cây gòn khi bị nước cuốn ấy, lúc tụi này cứu được nó thì nó đã chết lâm sàng khoảng năm, bảy phút rồi. Người nó tím ngắt, cứng như gỗ. Tôi phải làm hô hấp nhân tạo cả buổi mới thấy nó ngáp ngáp...

Quý mới nói tới chỗ "ngáp ngáp" thì Tiểu Long quẹo bên trái, nhỏ Hạnh quẹo bên phải. Nó chưa kịp sừng sộ đã nhận ra cả bọn vừa tới chỗ rẽ, ai về nhà nấy. Nó chống chân xuống đất, nhìn theo hai bạn, "ngáp ngáp" mấy cái rồi quạu quọ nhấn pê đan đạp thẳng về nhà.
° ° °
Hóa ra chuyện ngủ gục trong lớp hoặc thỉng thoảng bỏ học của thằng Lâm không phải là chuyện một ngày một bữa. Bây giờ không chỉ lớp phó kỉ luật Minh Trung, tổ trưởng Minh Vương mà cả lớp chưởng Xuyến Chi lẫn lớp phó học tập Hạnh cũng đã thấy bực mình.

- Mày làm sao thế hả Lâm? - Minh Vương nhìn cặp mắt đỏ kè của đứa tổ viên, rên rỉ - Mày có biết lên cấp ba đã là người lớn rồi không?

- Tao không được biết. - Lâm mơ màng đáp, mắt bắt đầu lim dim.

Nhỏ Xuyến Chi cau mày, nó nhìn thằng Lâm bằng ánh mắt như thể thằng này là một quả trứng bị ung:

- Lâm chạy ra vòi nước rửa mặt cho tỉnh đi!

Lâm chẳng muốn bóc mình ra khỏi cơn buồn ngủ chút nào. Nhưng lớp trưởng đã nói thế, nó không thể lờ tịt. Nó chạy ra vòi nước rửa mặt qua loa theo kiểu mèo rồi chạy vô. Nhúng tí nước, thấy man mác, nó càng buồn ngủ tợn. Con nhỏ Xuyến Chi chỉ toàn xúi bậy! Lâm làu bàu rồi từ từ gục xuống, gác đầu lên cánh tay khoanh tròn trước mặt.

- Lâm! - Nhỏ Hạnh nổi khùng - Bạn làm gì thế? Bạn có biết cô Luông sáp xuống tới không mà nằm đó ngủ hả?

- Biết chứ sao không! - Tiếng Lâm vọng lên từ đâu đó chỗ mặt bàn, đầy thách thức.

- Biết thì ngồi thẳng lên! - Lớp trưởng Xuyến Chi nghiến răng trèo trẹo - Cô sẽ nghĩ sao về lớp mình nếu bạn cứ ườn ra đó?

Lâm cố ngồi thẳng lên, khó khăn lắm nó mới mở mắt được. nhếch môi:

- Cô sẽ nghĩ sao á? Dĩ nhiên là cô sẽ nghĩ không lớp nào say mê môn sinh học của cô bằng lớp 10A9. Trò Lâm vốn nổi tiếng lười biếng mà cũng thức khuya lơ khuya lắc để học cho thuộc bài sinh đến nỗi hễ bước chân vô lớp là chỉ muốn lăn ra ngủ.

Thằng Lâm là chúa pha trò. Nó buồn ngủ đến díp cả mắt mà vẫn giở giọng bong phèng. Nhỏ Hạnh tức nó muốn chết mà cũng phải phì cười.

Nhưng nhỏ Hạnh chỉ cười một chút xíu thôi. Rồi nó thu ngay nụ cười lại, quay sang Quý ròm:

- Chuyện nghiêm trọng rồi đó, Quý?

- Biết rồi! Chiều nay tôi sẽ đến thăm nhà thằng Lâm.

Quý ròm vỗ vỗ trán:

- Tại sao những chuyện rắc rối của lớp mình bao giờ cũng bắt đầu từ thằng Lâm nhỉ?

Quý ròm bảo chiều nó sẽ đến nhà Lâm, nhưng khi chuông tan học reo lên thì nó đổi ý. Nó đun đầu xe sau gốc cây kế cổng trường, chở thằng này dắt xe ra. Khác với trường Tự Do, trường Đức Trí nằm khá xa trung tâm quận nên năm nay hầu hết tụi học trò 9A4 cũ đều đi học bằng xe đạp.

Bữa đó Quý ròm rượt theo thằng Lâm muốn xịt khói. Vừa dắt xe ra khỏi cổng là Lâm tót lên yên, chạy như gió, không thèm đếm xỉa đến hai thằng bạn thân thiết của nó là Quới Lương và Hải quắn gọi ơi ới sau lưng. Nó đi đâu mà chạy như ma đuổi thế nhỉ? Quý ròm kinh ngạc nhủ bụng và cong lưng chạy theo.

Lâm cắm đầu phóng, không hay Quý ròm bám riết sau lưng. Nhưng Quý ròm chỉ dám chạy xa xa, đề phòng thằng Lâm thình lình ngoái cổ lại. Quý ròm mắt không ngừng canh chừng Lâm, bụng đinh ninh thằng này đang phi tới một địa điểm khả nghi nào đó. Ờ, chắc vậy, nếu không tại sao nó hấp ta hấp tấp đến thế!

Nhưng càng chạy Quý ròm càng sửng sốt. Thằng Lâm chẳng đi đâu cả. Nó đang trên đường về nhà.

Nhà thằng Lâm thì Quý ròm còn lạ gì. Nhà nó là tiệm tập hóa ở ngay cổng chợ, năm ngoái nhà Lâm trông be bé, phía trên là căn gác bằng gỗ trông ra nhà lồng chợ - đó là phòng học của Lâm. Năm nay nhà nó xây lại ba tầng, mái tôn che trước hiên biến mất, thay vào đó là bao lơn chỗ ba thằng Lâm kê mấy chậu phát tài, loại cây mà những người buôn bán tin là sẽ manh lại may mắn cho mình.

Đợi thằng Lâm vào nhà khoảng năm phút, Quý ròm mới chậm rãi trờ xe tới trước cửa tiệm, dáo dác ngó vô.

- Mua gì đó, cháu?

Người phụ nữ ngồi đằng sau quầy đứng lên khi thấy Quý ròm. Chắc đây là mệ thằng Lâm! Quý ròm nghĩ và leo xuống xe, lễ phép đáp:

- Thưa bác, cháu tìm bạn Lâm. Cháu là bạn cùng lớp với Lâm ạ.

Trong khi Qý ròm đinh ninh mẹ thằng Lâm sẽ vui vẻ mời nó vô nhà thì câu trả lời của bà khiến nó suýt nữa té lăn ra đất:

- Lâm không có nhà, cháu ạ.

Rõ rang nó đuổi theo thằng Lâm từ trường về đây. Chính mắt nó nhìn thấy thằng này dắt xe vô nhà cách đây mấy phút. Vậy mà bây giờ mẹ thằng Lâm lại bảo con bà không có nhà, biểu nó không muốn xỉu sao được.

- Ơ ... ơ...

Quý ròm ú ớ, nó định nói toẹt nãy giờ nó vẫn bám theo sau lưng thằng Lâm và biết chắc Lâm đang ở trong nhà nhưng cuối cùng nó không nói gì. Nó cảm thấy nói như vậy với mẹ bạn thì vô lễ quá.

Quý ròm đổi chân hai, ba lần, động tác cho thấy long nó đang rối bời. Cặp mắt láo liên của nó không ngừng lục lọi bên trong cửa tiệm, hy vọng sẽ tóm được thằng Lâm nếu thằng này lơ đễnh chường mặt ra.

Mẹ thằng Lâm hình như nhận ra sự bối rối của Quý ròm. Nên bà mau mắn gỡ rối cho nó, bằng câu nói dĩ nhiên thằng ròm không hề chờ đợi chút nào:

- Thôi, hôm khác cháu đến nhé.

Quý ròm cáu kỉnh thuật lại chuyện đó cho Tiểu Long và nhỏ Hạnh nghe. Rồi ấm ức đấm tay lên mặt bàn:

- Con thì đến lớp gục lên gục xuống, cứ vài hôm lại bỏ học một hôm, mẹ thì không muốn cho bạn của con vào nhà. Chuyện kỳ quái gì thế hở Hạnh?

Tiểu Long láu táu:

- Nhà nó giấu vàng!

Quý ròm liếc thằng mập:

- Đầu mày hôm trước đã mềm mềm, hôm nay hơi cứng lại rồi đó.

Tiểu Long sờ tay lên đầu, miệng méo xệch:

- Mày muốn nói đầu tao sắp hóa thành cục đá chứ gì?

- À không - Quý ròm cười toe - Nếu mày hiểu đượccâu nói của tao vừa rồi thì đầu mày cũng chưa giống cục đá lắm.

Nhỏ Hạnh có vẻ như không nghe hai bạn mình nói gì. Mày nó nhíu lại sau cặp kính cận mặc dù khó mà nói chính xác nó đang nhìn đi đâu. Chỉ có thể đoán là tâm trí nó lúc này đang bị cột chặt vào câu chuyện Quý ròm vừa kể.

Nhỏ Hạnh nghĩ ngợi lâu ơi là lâu. Rồi phán một câu ngắn ngủn:

- Mai cũng vậy đi.

Câu nói cụt lủn của nó khiến thằng ròm ngẩn tò te:

- Hạnh nói tiếng nước nào thế hả?

Nhỏ Hạnh lườm bạn:

- Hạnh muốn nói là ngày mai Quý vẫn đến nhà Lâm.

Quý ròm nhăn như bị:

- Để bị mẹ nó đuổi về?

- Không. Lần này Quý đừng vào nhà. Nấp trong nhà lồng chợ quan sát là được rồi.

- Quan sát cái gì?

- Hạnh cũng chả biết nữa.

- Ờ, tôi hiểu rồi.

Quý ròm gật đầu nhẹ tênh khiến Tiểu Long phải hỏi lại, vì nó chẳng hiểu gì cả:

- Quan sát cái gì hở mày?

- Thú thật tao cũng hổng biết quan sát cái gì nhưng Hạnh bảo quan sát thì cứ quan sát.

Quý ròm nhìn cái miệng há hốc của Tiểu long, nhe răng cười:

- Để khi có chuyện lạ xảy ra thì mình nhìn thấy được.

Tiểu Long ngước mắt lên trời, mơ màng:

- Phải chi maình có thể biến thành con muỗi như Tôn Ngộ Không nhỉ? Mình sẽ bay vo ve trong nhà nó, sẽ nghe nó nói gì, thấy nó làm gì...

Khi mơ mộng trông ai cũng đáng yêu. Tiểu Long trông cũng đáng yêu, dù nó mập ơi là mập. Nhưung hôm nay rất giống như là ngày chấm chấm dứt những gì gọi là đáng yêu trên trái đất. Quý ròm bị đuổi khỏi nhà thằng Lâm. Bây giờ tới lượt nó thẳng tay đuổi Tiểu Long ra khỏi ngôi nhà mộng mơ mà hiếm hoi lắm thằng mập mới xây lên được:

- Chắc chắn mày sẽ chẳng kịp nghe thằng Lâm nói gì, thấy thằng Lâm làm gì. Hổi Tôn Ngộ Không đi thỉnh kinh chưa có đồ bắt muỗi hiện đại như bây giờ!


Nguồn: diendan.game.go.vn