Bài làm của Quý ròm không lọt vô tám bài được khen trước lớp. Không biết có phải vì vậy mà nó không nói tiếng nào trên đường về? Tiểu Long vừa đạp xe vừa liếc bạn, bụng băn khoăn.
Nghĩa ngợi một lát, không nhịn được, Tiểu Long tấp xe sát vào xe Quý ròm, khịt mũi:
- Gì buồn vậy mày?
- Ờ. - Giọng Quý ròm hờ hững.
Tiểu Long tò mò:
- Mày kể chuyện gì trong bài làm của mày vậy?
Chắc thằng mập tưởng mình buồn vì chuyện này! Quý ròm hiểu ra, vờ tếp tục dàu dàu:
- Có chuyện gì đâu mà kể! Những chuyện kỳ lạ nhất của tao, mày và Hạnh đã tranh nhau kể hết rồi, thế là tao bí!
Quý ròm làm Tiểu Long áy náy quá. Như một chiếc xe sắp hết xăng, nó cứ khụt khịt liên tục, quai hàm bạnh ra vì phải suy nghĩ quá sức, cuối cùng vẫn không biết nên nói câu gì để an ủi bạn.
- Quý chỉ xạo là giỏi! - nhỏ Hạnh thình lình lên tiếng - Trước khi thầy phát bài, Quý có biết Hạnh và Long viết gì đâu!
- Ờ há! - Tiểu Long vỡ lẽ, quay nhìn Quý ròm – Mày đừng có đổ thừa nha mày.
Quý ròm toét miệng cười:
- Ai biểu mày cứ hỏi hoài chuyện này chi!
- Tại tao thấy mày buồn.
- Buồn đâu mà buồn!
Tiểu Long chớp mắt:
- Thế sao nãy giờ mày im thin thít vậy?
- Tại tao đang suy nghĩ.
Nhỏ Hạnh lại vọt miệng:
- Quý đang suy nghĩ xem có nên nhận lời con nhỏ Quỳnh Dao làm thêm "một chuyện kỳ lạ" nữa không chứ gì?
Nhỏ Hạnh trêu, nhưng Quý ròm phớt tỉnh. Nó nói, giọng nghiêm trang:
- Tôi đang suy nghĩ về bài làm của thằng Mười.
- Bài của bạn Mười? - Nhỏ Hạnh ngạc nhiên.
- Ờ, tôi thật sự không biết câu chuyện của nó là chuyện thật hay chuyện bịa?
- Dĩ nhiên là chuyện bịa rồi. - Tiểu Long kêu lên – Mày quên chính thằng Mười đã viết như thế trong bài làm sao: Nhà nó nghèo và nó đã ra hè đốt nhang khấn vái, thế là hôm sau có người gửi tiền cho nó…
Thằng Mười đã viết như thế thật. Nó bảo từ ngày ba mẹ nó chia tay, nhà nó lâm vào cảnh túng bấn. Đã mấy lần nó định bỏ học đi kiếm việc làm nhưng mẹ nó kiên quyết bắt nó đi học. Nhưng nó đã chán học đến tận cổ. Một ngày, nó ra sau hè đốt nhang khấn vái trời phật, xin ơn trên rủ lòng thương giúp gia đình nó thoát cảnh khó khăn. Chán nản quá thằng Mười khấn vái thế thôi chứ bụng chẳng tin tưởng gì. Nào ngờ hôm sau nó dến lớp, bác bảo vệ trường ngoắt nó ra một chỗ, giúi vào tay nó một gói tiền, bảo có một người đàn ông nhờ chuyển cho nó. Nó hỏi nhưng bác bảo vệ bảo không biết người đàn ông đó là ai. Thời gian đầu, mẹ con nó vô cùng thắc mắc về nghĩa cử của người đàn ông bí mật kia. Nhưng dò hỏi mãi mà không có kết qả, mẹ con nó đành làm quen với ý nghĩ chắc có người tốt bụng nào đó muốn giúp đỡ gia đình nó. Và vị ân nhân bí mật này không muốn mẹ con nó trả ơn nên không chịu tiết lộ tung tích. Kể từ bữa đó cứ vài ba tháng Mười lại nhận được một gói tiền để đóng các khoản học phí và mua sắn quần áo sách vở. Chuyện kỳ lạ của Mười xảy ra vào năm lớp tám.
Dĩ nhiên Quý ròm nhớ như in câu chuyện này. Cho nên nó phát khùng lên với Tiểu Long:
- Quên sao được mà quên! Mày có muốn tao kể lại vanh vách câu chuyện của thằng Mười không?
- Nếu không quên sao mày còn thắc mắc thật hay bịa? - Tiểu Long tặc lưỡi - Thế mày tin vào chuyện khấn vái à?
- Quý không tin chuyện khấn vái đâu. - Nhỏ Hạnh chen vô – Nhưng những chi tiết khác, Quý nghĩ là chuyện thật, đúng không Quý?
- Ờ, tôi thấy nghi nghi.
Tiểu Long trề môi:
- Tao thì tao chẳng thấy gì đáng nghi cả.
Quý ròm sầm mặt:
- Kệ mày! Còn tao, tao cứ nghi!
------------------------
Hôm sau, Quý ròm lân la lại gần thằng Mười.
- Mười nè. – Nó đập tay lên vai thằng này.
Mười quay lại, sững sốt khi nhận ra Quý ròm. Mười thuộc tổ 3, ngồi cạnh nhỏ Thuỷ Tiên trong lớp. Cả hai đều là học sinh lớp 9A2 trường Thống Nhất chuyển lên (tụi nó ngồi đúng vào vị trí của thằng Phước và nhỏ Tú Anh năm ngoái)
Nhưng với Thuỷ Tiên, bọn Quý ròm có qua có lại. Sau vụ giúp đỡ thằng Lâm – "Kẻ Thần Bí", tụi nó thậm chí còn chơi thân với nhau. Thằng Mười lại khác, Quý ròm chưa từng trò chuyện với nó bao giờ. Hai bên xa cách như mặt trời mặt trăng, mặc dù thằng này chỉ ngồi cách Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh có một dãy bàn.
Cho nên Quý ròm không hề ngạc nhiên trước ánh mắt trố lên của Mười. Nó đập tay lên vai bạn một cái nữa, cười hề hề:
- Mày hay ghê?
- Tao á?
- Ừ.
Mười tiếp tục thô lố mắt:
- Tao làm gì mà hay?
- Bài văn hôm qua của mày đó! – Quý ròm xuýt xoa – Điểm cao ơi là cao! Cao hơn cả tao nữa!
Mười biết Quý ròm là "thần đồng toán" của trướng Tự Do năm ngoái. Năm nay, trường Đức Trí cũng không có ai là đối thủ của Quý ròm, kể cả tụi học sinh lớp mười một, mười hai. Được một siêu học sinh như Quý ròm khen ngợi, Mười sướng lắm. Mặt nó lập tức đỏ lên:
- Tao chỉ gặp may thôi.
- Mày đừng có vờ khiêm tốn. – Quý ròm hấp háy mắt, không ngừng rót mật vào tai bạn. – Mày làm văn tuyệt cú mèo! Mày bịa chuyện mà cứ y như thật ấy.
Mười đã hết sửng sốt trước sự xuất hiện của Quý ròm. Bây giờ màu đỏ lan tới tận hai vành tai nó. Nó ấp úng, người lân lân:
- Tao nghĩ gì viết nấy thôi.
Câu trả lời của thằng Mười chẳng có chút giá trị gì với Quý ròm. Nó nhìn chằm chặp vào mặt thằng này, định hỏi thẳng có thật là mày bịa ra không đấy, nhưng cuối cùng nó khôn khéo đánh một đường vòng:
- Mày được điểm cao thế này chắc ba mày mừng lắm?
- Ba tao không ở chung với mẹ con tao từ lâu rồi.
Mười buồn bã đáp, nhưng buột miệng xong nó đột ngột ngó lơ chỗ khác, như thể nhận ra mình vừa nói hớ.
Như vậy chi tiết ba mẹ nó chia tay là có thật! Quý ròm nghĩ, loay hoay không biết phải hỏi câu gì tiếp theo. Nó liếc trộm thằng Mười mấy làn, thấy thằng này cũng đang liếc trộm nó. Chắc nó đang đề phòng mình! Quý ròm lại nhủ bụng, nhưng nó chưa kịp dò hỏi tiếp thì tiếng chuông vào học đã reo lên.
Như chỉ đợi có vậy, thằng Mười reo lên theo:
- Tao xếp hàng vô lớp đây!
Nói xong, nó co giò phi một mạch.
Trưa, Quý ròm kể lại cuộc trò chuyện giữa nó và Mười cho Tiểu Long và nhỏ Hạnh nghe, rồi chép miệng:
- Thằng Mười này khả nghi lắm!
- Mày nhiễm "máu thám tử" của thằng nhóc Mạnh từ hòi nào vậy hả ròm? - Tiểu Long chà tay lên mũi, ngoẹo đầu nói – Sao dạo này mày nhìn thứ gì cũng thấy khả nghi hết vậy?
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
- Ờ, gần đây trông Quý lạ ghê!
Câu nói trêu của Tiểu Long và nhỏ Hạnh khiến Quý ròm nổi điên. Nó gầm gừ:
- Hôm trước hai bạn lội chuyện "đời tư" của tôi ra làm trò cười cho cả lớp, tôi chưa "tính sổ" đó nha! Ở đó mà chọc quê! Hừ hừ!
Chương 4
Quý ròm nằm ngả lưng trên ghế xếp, mắt dán vào màn hình tivi mà đầu óc để tận đâu đâu. Nó đang nghĩ đến thằng Mười. Nếu chuyện thằng Mười kể trong bài làm là thật thì mẹ con Mười nhận được sự giúp đỡ của con người bí ẩn kia đã hơn hai năm rồi. Có lẽ thằng Mười đã giấu kỹ chuyện này suốt hai năm qua. Quý ròm đoán vậy, vì nó thấy tụi bạn trường Thống Nhất chẳng đứa nào có phản ứng gì đặc biệt trước bài làm của Mười. Chắc tụi nó nghĩ chắc đó là câu chuyện tưởng tượng. Nhưng nếu thằng Mười muốn giấu bạn bè chuyện này tại sao nó lại kể vanh vách trong bài làm của mình? Quý ròm thắc mắc quá. Nó đứng lên khỏi ghế xếp, thò tay tắt tivi rồi đi tới đi lui trong nhà, bao nhiên dấu hỏi cứ lăn tăn trong óc.
- Anh làm gì mà đi lòng vòng hoài vậy?
Tiếng nhỏ Diệp thình lình vang lên bên tai khiến Quý ròm giật thót.
Nó dừng bước, quay đầu nhìn nhỏ em, ấp úng:
- Làm gì hả? Ờ, anh đang… tập thể dục.
- Tập thể dục? - Nhỏ Diệp vẫn tròn xoe mắt – Anh siêng lên từ bao giờ thế?
- Này! – Quý ròm ưỡn ngực – Mày đừng quên anh mày năm nay đã là học sinh cấp ba rồi đấy nhé. Đã là người lớn rồi.
- Nhưng chẳng người lớn nào tập thể dục ở trong nhà hết. - Nhỏ Diệp nheo mắt nhìn bộ ngực lép kẹp của ông anh, "xì" một tiếng. – Em thấy người lớn toàn đi bộ ngoài trời không hà.
- Mày ngốc quá! Trước khi đi bộ ngài trời người ta phải tập đi bộ trong nhà trước.
Thấy nhỏ em có vẻ không tin, Quý ròm nhìn lên trần nhà, tặc lưỡi:
- Cũng giống như hồi mày tập chạy xe đạp vậy. Mày phải chạy lòng vòng trong sân cho quen rồi mới dám chạy ra đường đúng không?
Nhỏ Diệp bất giác thộn mặt ra:
- Ờ… ờ…
- Còn "ờ, ờ" gì nữa. – Quý ròm nạt – Bao giờ tao chả nói đúng. Chỉ có mày là hay cãi bướng thôi.
Sợ nhỏ em phát hiện ra chuyện đi bộ và chuyện tập chay xe đạp khác nhau xa lắc như mặt đất với sao Hoả, Quý ròm vội bước lại xa-lông, ngồi phịch xuống:
- Diệp nè.
- Gì hở anh?
- Em ngồi xuống đây đi. Anh có chuyện này muốn hỏi em.
Trước vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ em, Quý ròm hắng giọng:
- Ví dụ như có ai đó cho em tiền, cứ vài ba tháng một lần, suốt mấy năm trời như vậy, em có thấy khó chịu không?
- Sao lại khó chịu? - Nhỏ Diệp liếm môi – Có người cho mình tiền, mình thấy dễ chịu quá đi chứ!
Rồi nó toét miệng ra cười:
- Không ai cho em tiền, em mới thấy khó chịu!
Đang cười, nó bỗng dựng mắt lên:
- Ủa, bộ anh tính cho em tiền hả?
- Bậy. Tao có tiền đâu mà cho. Nhưng mà tao chưa nói hết…
Quý ròm gãi cổ:
- Người ta cho em tiền nhưng em không biết người đó là ai…
- Làm sao mà không biết được?
- Nếu người đó gửi theo đường bưu điện hoặc bí mật nhờ… bác bảo vệ trường đưa cho em thì em đâu có biết.
- Người có cố tình giấu mặt hở anh?
- Người đó giấu mặt kỹ lắm, tìm thế nào cũng không ra.
Nhỏ Diệp băn khoăn:
- Ờ, nếu thế thì khó chịu thật.
- Khó chịu thì em làm gì cho hết khó chịu? – Quý ròm liếm môi – Em có đem chuyện này nói cho bạn biết không?
- Nói làm gì? - Nhỏ Diệp giãy nảy, làm như nó vừa nhận được một cọc tiền thật – Mình chưa biết người đó là ai, cho tiền mình với ý đó gì, tốt hay xấu, làm sao dám kể cho người khác biết.
- Ờ há!
Quý ròm gục gặc đầu. Nó không ngờ mọi chuyện lại đơn giản đến thế. Quý ròm thuộc loại người thông minh, nhưng cũng vì thông minh quá mà nó hay nghĩ ngợi sâu xa. Nhỏ Diệp chả thèm vắt óc làm gì cho mất công, nó nghĩ sao nói vậy. Nhờ vậy mà Quý ròm mới hiểu được tâm trạng của thằng Mười.
Quý ròm phấn khởi quá. Nó tiếp tục "khai thác" nhỏ em:
- Em nói là em không dám kể cho người khác biết, thế sao khi thầy giáo ra đề văn "Hãy kể lại một chuyện kỳ lạ trong đời", em lại lôi chuyện này ra kể.
Nhỏ Diệp chun mũi:
- Năm nay em học cô giáo văn chứ không phải thầy giáo văn.
- Ờ thì cô giáo.
- Nhưng cô giáo em không hề ra đề văn nào như anh nói.
- Anh chỉ ví dụ thôi mà. Ví dụ cô em ra một cái đề như vậy, và em đem câu chuyện bí mật của em vào bài làm. Tại sao em không tưởng tượng ra một câu chuyện khác?
- Tại sao à? - Nhỏ Diệp nhíu mày - Tại vì… tại vì em không giỏi tưởng tượng chứ sao.
- Em không sợ bạn bè biết à?
Nhỏ Diệp hất mặt:
- Đây chỉ là bài làm văn thôi mà. Lam sao người khác biết đó là chuyện thật.
Lần thứ hai Quý ròm buột miệng "ờ há". Lần này "ờ há" xong, nó co giò chạy ra cửa, rối rít:
- Cảm ơn em nhé. Anh phải đi đây!
- Ê! - Nhỏ Diệp nhảy tưng tưng – Anh nói chiều nay anh dạy em làm toán mà.
Nghe đến chuyện nhờ vả, Quý ròm chả buồn "anh anh, em em" nữa:
- Tao bận rồi! Lát mày nhờ anh Vũ đi!
Buông thõng một câu, Quý ròm dắt xe vọt mất.
Nó đang nôn nóng gặp nhỏ Hạnh.
-----------------------
Trái với sự chờ đợi của Quý ròm, nhỏ Hạnh chẳng có vẻ gì hào hứng trước câu chuyện của nó.
- Tất cả chỉ là suy luận thôi. – Nhỏ Hạnh tưới nước lên mấy chậu cây, thong thả nói.
- Nhưng suy luận đúng sẽ dẫn đến hành động đúng. – Quý ròm hừ mũi – Hơn nữa, thực tế là ba mẹ thằng Mười đã không còn sống chung với nhau. Chuyện đó không còn là suy luận nữa.
Nhỏ Hạnh buông thùng tưới xuống, nghiêng mặt hỏi:
- Thế Quý định sẽ hành động như thế nào?
Quý ròm thở hắt ra:
- Tôi cũng chưa biết nữa.
Nhỏ Hạnh cười:
- Vậy mà mới rồi còn oang oang "suy luận đúng sẽ dẫn đến hành động đúng"!
- Hạnh đừng có trêu! – Quý ròm nổi quạu – Tôi nghĩ đến nát óc rồi nè.
- Ai biểu Quý nghĩ đến nát óc làm gì - Nhỏ Hạnh nhìn bạn qua khoé mắt, giọng tinh nghịch – Thông minh như Quý chỉ cần suy nghĩ theo cách bình thường thôi.
- Suy nghĩ theo cách bình thường ư? – Quý ròm lẩm bẩm – Suy nghĩ theo cách bình thường…
Nó nhắm tịt mắt lại:
- Suy nghĩ bình thường… suy nghĩ bình thường…
Trông nó giống như pháp sư đang đọc thần chú.
Tiểu Long bước vào trong lúc Quý ròm đang "suy nghĩ bình thường", suýt chút nữa đã hét lên nếu nhỏ Hạnh không kịp ra hiệu cho nó im lặng.
Tiểu Long nhón gót đi vòng qua người Quý ròm, sè sẹ đến bên nhỏ Hạnh, thì thào:
- Thằng ròm bị làm sao vậy?
- Quý đang "suy nghĩ bình thường" - Nhỏ Hạnh thì thào đáp trả, cố nén cười.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- "Suy nghĩ bình thường" mà sao trông nó "khác thường" quá vậy? Tôi cứ tưởng nó bị chạm dây thần kinh chứ!
Tiểu Long nói vo ve như muỗi kêu nhưng Quý ròm vẫn nghe thấy. Nó mở bừng mắt ra:
- Thần kinh cái đầu mày!
Quý ròm làm Tiểu Long giật bắn người. Nó bước lui một bước, há hốc miệng:
- Mày suy nghĩ kiểu gì mà tai thính như tai mèo vậy hả ròm?
- Tại tao suy nghĩ xong rồi. – Quý ròm toét miệng cười, nó liếc nhỏ Hạnh. - Trước tiên tụi mình cần phải gặp Minh Trung hoặc Thuỷ Tiên, đúng không Hạnh?
Nhỏ Hạnh chưa kịp mở miệng, Tiểu Long đã láu táu:
- Mày định gặp tụi học trò trường Thống Nhất để dò hỏi về thằng Mười chứ gì!
- Đúng rồi! – Quý ròm nheo mắt nhìn bạn – Mày thông minh lắm. Phải chi mày thông minh trước khi tao kịp nghĩ ra chuyện đó thì đỡ cho tao biết mấy.
Tiểu Long biết thằng ròm trêu mình nhưng chả phật ý tí ti ông cụ nào, còn nhe răng cười hì hì:
- Nếu tao thông minh như mày nói thì mày đâu có thường xuyên "khen" tao là "đồ ngốc tử"!
Nguồn: diendan.game.go.vn