28/2/13

Những gương mặt, chân dung văn học (C11-12)

11. Vũ Bằng

"Thương nhớ mười hai"
Vũ Bằng lớn hơn tôi khoảng trong ngoài một giáp.
Anh thuộc lứa các anh Thế Lữ và Nguyễn Tuân. Tôi quen anh lúc tôi viết tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy khoảng năm 1940.
Đối với tôi lúc ấy tất cả là mọi công việc bắt đầu của nghề mới. Cái hiệu phở Tàu tái lăn Nghi Xuân góc hàng Nón hàng Thiếc mà Vũ Bằng hay dắt Nam Cao và tôi đi ăn, tưởng như cả đời chưa được thưởng thức phở ngon như thế. Một hôm Vũ Bằng cho tôi mượn một cuốn tiểu thuyết mà anh bảo là hiếm. Không hiểu vì sao anh đã cao hứng khoe với tôi. Người đọc chọn lọc ở Hà Nội bấy giờ hay có thói quen găm sách một mình. Để khoe, để dễ bề “thuổng” mà không ai biết chăng, tôi không rõ. Vũ Bằng nói:
- Ba hôm phải trả nhé.
Ba hôm, anh xe nhà Vũ Bằng lên Nghĩa Đô tìm và đưa cho tôi mấy chữ đòi sách. Vóc vạc Vũ Bằng to béo phục phịch, thế mà chữ của anh tròn như hòn bi, ngờ nghệch như chữ trẻ con. Biết sách quý không ai cho mượn lâu, chúng tôi đã truyền nhau đọc cả đêm. Đó là cuốn tiểu thuyết Phố Mèo câu cá của Gian Phônđet, một nhà văn nữ gốc Rumani.
Cái truyện Phố Mèo câu cá cừ thật. Sau này, thư viện Hội Nhà Văn cũng có một quyển, tôi đọc lại thấy vẫn một cảm tưởng thế. Năm mươi năm đã qua mà cảm hệt như trước mắt đọc lần đầu đó. Chuyện xảy ra ở Pari, những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Trên thế giới nhiều cái đảo lộn, nhất là ở Châu Âu. Bao nhiêu họ hàng hang hốc những ông vua mất ngai vàng ở các nơi mà còn sống sót, đều chạy cả về Pari. Họ không còn đâu quyền thế, chức tước, của cải. Các cô công chúa nước Ý ngày ngày đi làm công nhật đánh máy chữ thuê. Có cô sang hiệu thợ may đứng thay người gỗ cho khách ngắm nghía một mốt váy, một chiếc cà vạt. Những chàng phò mã điển trai thành ra thằng kẻ cắp, kẻ cướp. Mỗi sáng sớm, các ông lão anh em vua nước Đức, nước Lỗ lại lụ khụ chống gậy xách túi đã phải nối quai, ra hàng bánh mì. Như thế còn là tử tế hơn đám họ hàng nhà Nga hoàng đi làm điếm, làm đĩ đực, đi tù thuê, đánh nhau thuê...
Những rác rưởi sau chiến tranh ấy đọng lại ở cái ngõ, có cái tên không biết tiếng lóng hay để chỉ di tích gì mà bây giờ không ai còn biết, Phố Mèo câu cá, nhưng đường vào không có đến một vũng nước và chặp tối chẳng thấy bóng một con mèo ra đứng gào trên góc nhà. Cái hẻm rặt những nhà trọ tồi tàn, đi ra đi vào những ông hoàng bà chúa mặt bệch như giấy, lúc nào cũng bàn những chuyện trời biển đâu đâu. Ngõ phố hẻo lánh với cái tên Mèo câu cá bỗng trở thành nơi tin tức khắp thế giới dồn lại qua ăng ten thu phát cứ như ễnh ương sau trận mưa. Tin chó chết ngoài phố được nhặt vào cũng thành quan trọng và hình như hôm nào cũng có một cái gì mới về nước Ý, nước Nga mà dưới mắt những người này, các nơi ấy đương tan nát, hỗn loạn đâm chém nhau tơi bời vì ở đấy vắng mất, không còn vua quan trị vì nữa.
Tiểu thuyết Phố Mèo câu cá phần nào là một tự truyện của Gian Phônđet. Sau đấy, bà cũng còn viết một số tác phẩm khác, nhưng không thành công như Phố Mèo câu cá. Giữa đám người đài các cũ mà nay những cái phong lưu không còn đã thành nỗi đau hành hạ người ta, ở phố ấy lọt vào một nhà thợ giày quê ở thành phố Bucaret. Cái gia đình thợ thuyền này ra đi không phải vì chiến tranh. Người thợ giày không có số phận trùng với các ông hoàng bà chúa. Nỗi khốn khó ở đất quê đã đuổi người nghèo đi tha hương, thế nào mà rồi sa vào ngôi nhà trong hẻm Mèo câu cá, chui rúc ở một cái buồng bệ rạc tối om tương tự bóng mờ mọi nhà xung quanh.
Anh thợ giày kiết xác ấy vừa khâu giày, vá giày vừa đấu chuyện với các bô lão thất thế, khói thuốc lá khét um cả phòng. Ngồi xó Pari mà tin tức ở các nơi khắp Châu Âu cứ tràn đến, rồi câu chuyện biến hoá thành dài ngắn, tròn méo theo tâm trạng, ông thống chế nhớ cái gậy bịt vàng duyệt binh ở Rôm, bà gái già công chúa Nga mơ màng mùa thu thuở trẻ cưỡi ngựa chơi rừng Tula.
Vợ chồng người thợ giầy cũng có tâm sự. Họ nhớ Bucaret, ngày đêm nhớ lại Bucaret thành phố quê hương. Trí nhớ và tình cảm, tưởng tượng bao giờ cũng đậm đà, phong phú, thiết tha hơn cái trước mắt. Càng ngày càng nhớ đến không thể chịu được.
Bao nhiêu năm về sau mới dành dụm được suất tiền tàu về Bucaret. Bấy giờ vợ chồng đã luống tuổi, những đứa con đã lớn rồi, chẳng biết đâu là quê quán, có đứa ở lại Pháp, có đứa bỏ đi Mỹ. Vợ chông trở về với đứa con gái nhỏ nhất. Khi đoàn tàu dừng nghỉ ở cái ga đầu tiên vào nước Rumani, cả hai người bàng hoàng từ trên toa bước xuống. Người chồng nằm rúc đầu vào búi cỏ, nhìn ra khoảng trời quê xanh bồi hồi. Người vợ dàn dụa nước mắt. Rồi về Bucaret, lại khâu vá giày và vất vả, khốn khó. Một hôm, bỗng nhiên họ lại nhớ Bucarét, nhớ da diết, Bucaret ở đâu?
Những tác phẩm của Vũ Bằng, nhất là những quyển chính được viết thời kỳ ở Hà Nội và ở Sài Gòn, ngót ba mươi năm, thời Pháp và thời Mỹ, dù là bút ký, hay truyện ngắn hay truyện dài cũng đều thấy được đấy là hơi hướng tự truyện. Bốn mươi năm “nói láo”, hồi ký về nghề báo và những tập bút ký Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai... một cái gì như là bóng gió hình ảnh cái câu mà chàng Vương Quan khéo mắng chị Thuý Kiều ở bãi tha ma chỗ mồ Đạm Tiên: "... chị nói hay sao. Một lời là một vận vào khó nghe" như thế nào đấy. Mà thật như thế, mỗi trang của Vũ Bằng là một u ẩn, một ước mong không nguôi không tới được, không bao giờ tới được không thể cầu được ước thấy, như Thương nhớ mười hai đương mở trước mắt ta đây. Tôi cũng đã có dịp đọc hồi ký viết về kỷ niệm Hà Nội của Hồ Hữu Tường, của Nguyễn Vỹ, của Bàng Bá Tân và một số cây bút khác. Nực cười, phần, nhiều người đọc và biết đều cảm thấy lố bịch đến ngượng cả mặt. Chắc người ta cho rằng chẳng bao giờ còn gặp lại và trông thấy Hà Nội nữa thì mới dám hạ bút văng mạng như vậy. Ở Vũ Bằng thì khác, trân trọng và giản dị.
Trong phạm vi nhỏ, loáng thoáng đôi chỗ có những câu Vũ Bằng viết về tôi. Tôi không cùng chà cùng lứa bè bạn chơi bời với anh. Nhưng anh đã nói lại thật như tôi bấy giờ ở độ ngộc nghệch “uống nước lã cũng đã say". Khi Hà Nội sắp được tiếp quản 1954, tôi có viết một thư cho Vũ Bằng. Nguyễn Bắc cán bộ hoạt động nội thành ra họp ở Việt Bắc rồi cầm thư vào.
Nguyễn Kế là đã cho một chú bé cơ sở đi đánh giầy đặt thư ấy vào trong giầy của nhà văn. Trên báo Bách Khoa ở Sài Gòn, Vũ Bằng đã viết về bức thư này của tôi, và đến khi in lại trong Bốn mươi năm “nói láo” sự việc còn được kể tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Nhưng sau đó Vũ Bằng đã không ở lại, anh xuống Hải Phòng rồi đi Sài Gòn.
Thời kỳ ấy, chúng tôi - Nam Cao và tôi, rất yêu và rất lạ truyện ngắn Vũ Bằng. Giờ đây, xem hồi ký làm báo, làm văn của Vũ Bằng mới biết được khi cho in một loạt truyện ngắn với phong cách khác thường độc đáo đó là một chủ trương của Vũ Bằng. Vào những năm giữa thập kỷ 30, Vũ Bằng không còn là một cây bút mới. Tiêu Liêu Vũ Bằng viết nhiều báo, đã in tạp văn Lọ văn, tiểu thuyết Một mình trong đêm tối, thể loại văn xuôi của ta đã phát triển, khác hẳn tình hình khoảng mười năm về trước. Bên những tác giả có cá tính và phong cách, mỗi tuần, báo chí văn học từ nam chí bắc đã cho ra đời biết bao nhiêu sáng tác làm nền cho phong trào văn xuôi vào cơ hội nảy nở. Truyện dài, truyện ngắn của một văn đoàn có tổ chức và mạnh như văn đoàn Tự Lực đã vượt qua lối viết biền ngẫu, khoa trương hoặc nhẹ nhàng và bóng bẩy. Các sáng tác đã đi sâu phân tích cá tính và cuộc sống như những tác phẩm sau này của Khái Hưng, của Thạch Lam. Và những truyện mổ xẻ cái tôi tinh vi hơn, như của Đỗ Đức Thu rồi Đỗ Tốn. Và các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân đều nghênh ngang một cõi, có riêng bạn đọc tâm đắc của mình. Vũ Bằng đã góp vào sự phát triển ấy một sức nặng quan trọng.
Những tạp văn và sáng tác đầu tay trước kia của Vũ Bằng chưa thành tiếng vang. Phải đến khi Vũ Bằng cho in liên tiếp một loạt truyện ngắn, truyện vừa trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy mới nổi cái đặc biệt, cả đến những tên truyện cũng khác kiểu: Có bốn đứa trẻ đi nghỉ mát; Hai nhát dao dưới một trời trăng sáng; Để cho không khỏi khổ... Ở truyện nào, chỉ có hai nhân vật chính tên là Trâm và tên là Hải cứ trở đi trở lại, với hai tên ấy, vẫn cô Trâm vẫn anh Hải, dù là chuyện trong nhà hay một mối tình, Vũ Bằng miêu tả nhân vật hoạt động và nội tâm khăng khít với quang cảnh, có nghĩa là cuộc sống con người quấn quít, dằng co giữa tâm trạng và hình thức, giữa tất cả với xung quanh, đẩy gần hơn nữa nhân vật với sự thật và cuộc sống. Tác giả không chụp ảnh, không ghi lại, không chau chuốt đưa nhân vật ra. Hình như tự các nhân vật với vấn đề triết lý tư tưởng của mỗi số phận với xã hội tác động nhau, nghiêng ngả khi say khi tỉnh trong đau khổ và những niềm vui bé nhỏ của đời người.
So sánh kỹ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Công Hoan càng thấy cái mới của Vũ Bằng. Mãi đến về sau này, Nguyễn Công Hoan vẫn tuân thủ nghiêm ngặt cách dựng nhân vật không lẫn lộn xen với tả cảnh; nhân vật nghĩ dứt rồi mới hành động; miêu tả nhân vật này nghĩ và làm xong mới miêu tả nhân vật khác... Vũ Bằng thì lẫn lộn, xuôi ngược như cuộc sống gắn nhau không tách ra được.
Những năm ấy Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng. Bấy giờ tôi vừa viết được một số truyện về loài vật mà sau này in thành tập truyện O Chuột. Nam Cao thì đương loay hoay mỗi cái truyện ngắn, mỗi bài thơ lại đổi một bút danh, từ Xuân Du đến Nguyệt, mà vẫn long đong chưa biết đứng lại ở đâu. Nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với truyện ngắn của Nam Cao và những truyện ngắn Bụi ô tô, Một đêm sáng giăng suông.... của tôi trên báo Hà Nội tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi cũng vẫn thường thành tâm tự nhận xét ảnh hưởng ấy với anh Vũ Bằng.
Văn xuôi Việt Nam thời kỳ này đã phát triển sang một giai đoạn mới. Bấy giờ xuất hiện nhiều truyện ngắn với những dáng vẻ khác nhau của từng nhóm tác giả. Vũ Trọng Phụng chua chát, dữ dội. Nguyễn Công Hoan cười cợt, mỉa mai, Nguyễn Tuân tài hoa và câu chữ. Thanh Châu, Thâm Tâm, Ngọc Giao, Nguyễn Xuân Huy thì đẹp và buồn. Những truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đều do nhà văn Ngọc Giao biên tập. Nhưng ảnh hưởng có tính nội dung và cả hình thức tôi lại được gợi ý nhiều ở sáng tác Vũ Bằng. Nhân vật Vũ Bằng hủn hoen không thật minh mẫn cũng không thể là ngơ ngẩn, không hẳn cốt cách Việt Nam nhưng cũng không Tây. Vũ Bằng mê Đôt-tôi-epsky và Sêkhốp, anh là một sách, chuyên tìm những tác giả xa lạ như Ch. Phitner với truyện Thông hành giả và Gian Phônđét, Phố Mèo câu cá.
Cái say mê người ta của Vũ Bằng cũng đặc biệt, như nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã phát hiện Vũ Bằng dùng nhiều từ nguyên si của các tác phẩm hay nước ngoài. Những câu ngồ ngộ về hai nhân vật Trâm và Hải trong các truyện ngắn Vũ Bằng; "bàn tay trắng như đường tây”; “khóc như cái vòi máy nước", "cổ em tròn như cuống huệ"; "ngã như cái tủ đổ”, cũng thường thấy ở truyện ngắn Những con bạc và Những đêm thức trắng của đại văn hào Đốt.
Ở tiểu thuyết Truyện hai người, viết lời tựa, Vũ Bằng nói ông đã đọc một tiểu thuyết hay quá của nhà văn nữ Bắc Âu- tôi quên mất tên, do đấy ông viết Truyện hai người. Không dịch, cũng không phỏng hay bắt chước mà chỉ bởi vì ông mê tiểu thuyết ấy. Kể cũng hiếm nhà văn nổi tiếng mà lại tự sự chẻ hoe như thế của nỗi niềm cầm bút. Ông không dấu diếm và cho thế là thường. Còn nhớ, khi đọc Vũ Ngọc Phan viết bảo mình đã "thuổng" văn của Đốt, Vũ Bằng cười xoà với chúng tôi: "Ồ, của người ta cừ quá, biết làm thế nào?
Giá trị ảnh hưởng của Vũ Bằng với chúng tôi đã chắt lại ở sự gợi ý to lớn. Đọc cùng một lúc Chí Phèo của Nam Cao với những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy có thể nhận ra phong cách phảng phất nhau, nhưng không giống nhau. (Và cũng phong cách ấy, Vũ Bằng vẫn giữ được man mác cả trong tập bút ký Thương nhớ mười hai). Sự ảnh hưởng qua lại rồi nảy sinh những sáng tạo khác nhau thường thấy ở những tài năng.
Nhân vật trong truyện ngắn Vũ Bằng và Nam Cao dường như sáng láng, nhưng lại có phần ngẩn ngơ. Họ thường vừa đi vừa nghĩ, có trăng sáng, có tiếng giã gạo, có tiếng gió xào xạc lá ngô và cánh muỗi bay quanh ngọn đèn điện mờ nước mưa, đốm đèn hoa kỳ xanh như con đom đóm. Nhưng ở Vũ Bằng, cái ngẩn ngơ trở lại ngẩn ngơ bằng những nhát bút khinh bạc. Ở Nam Cao là cái gì bi phẫn, cái gì dằng xé. Điểm cuối cùng đi tới ở mỗi người một khác.
Một thời đã qua, những kỷ niệm.
Mỗi khi qua đầu phố Hàng Da từ Hàng Bông xuống, tôi vẫn nhớ như ngày ấy. Trên hè đường bây giờ, bóng những cây xà cừ lạ lẫm vẫn không che khuất được những cây nhồi mốc rêu lồi lõm, khiến cho quãng phố ngắn lúc nào cũng ẩm ướt u sầu thâm căn cố đế.
Không còn những quán ăn Anh Mỹ, quán Sầm Sơn xinh xinh như nụ tầm xuân bé bỏng so với các cao lâu tố hảo hàng Buồm, hàng Gai, nhưng mà ấm cúng dễ chịu. Cái nhà Vũ Bằng ở đến bây giờ vẫn nguyên - cả hai cánh cửa vẫn thế. Tầng dưới nông lòng chỉ vừa chỗ kê bàn nước và bộ đồ chè. Trên gác, mà cửa số kề bên những cành nhồi hoa đỏ kệch dấm dớ. Ngoài chiếc giường lớn còn khắp phòng chồng đống các thứ báo tây báo ta mà khách vừa vượt thoát qua con chó bécgiê to như con bê nhưng dữ dằn có số, nhô đầu lên gác lúc nào cũng thấy chủ nhân hí hoáy quì phục giữa nhà.
Như một ông thợ nấu cực kỳ thành thạo, tay dao tay thớt, mắt để vào món vừa chín, mắt nhìn món bưng ra.
Những chồng báo ấy là thức ăn nuôi bài. Vũ Bằng làm báo, viết báo, thầu báo cai đầu dài ba bốn tờ một lúc: Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền Bá, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Truing Bắc Chủ Nhật... anh viết đủ thứ, thượng vàng hạ cám, từ cái hộp thư, cái tin vặt, cái vui cười cái mục "Biết ai tâm sự" đến truyện ngắn, truyện dài đãng từng kỳ. Một nhà báo kiệt thiệt, Vũ Bằng ký rất nhiều bút danh. Sau này, ở Sài Gòn, có lúc túng bấn, anh ký tên bác sĩ Lê Tâm viết cả những sách kích dục như Gái dậy thì nên biết... Cách làm việc khoẻ nhưng phân tán và tạp nham ấy đã huỷ hoại khả năng và khát vọng của người viết mà anh không tự biết. Cả đời viết của Vũ Bằng chỉ được một hai cái tiểu thuyết, tập truyện ngắn và ký, có lẽ vì thói ôm đồm trên.
Gác nhà Vũ Bằng cũng là nơi chúng tôi thường lui tới, tụ tập rồi mới đi bát phố. Hũ rượu rùa, rượu rắn của anh nó vật người uống, tôi không thể nào quên. Và chị ấy quả là một tài ba nấu nướng. Chị hơn tuổi anh. Thường chít khăn nhung, đeo chuỗi ngọc thạch và trang nhã kín đáo xoa phấn cả mu bàn tay Mãi đến khi hoà bình lập lại, tôi mới gặp lại chị ấy ở Hà Nội khi Nhà xuất bản Hội Nhà Văn định in lại tiểu thuyết Một mình trong đêm tối. Trong kháng chiến chống Pháp, chuyến Nam Cao từ Hà Nam lên Việt Bắc, đã gặp vợ chồng Vũ Bằng đương tản cư ở vùng trung du Quế Quyển trên đường vào Chi Nê.
Nam Cao đã kể lại cho tôi nghe chuyện cuộc gặp gỡ này. Rồi truyện Đôi mắt Nam Cao viết đúng như câu chuyện gặp Vũ Bằng, chỉ có nhân vật chính được đặt tên là Hoàng. Mùa đông năm 1948, báo Cứu Quốc Việt Bắc chúng tôi đóng trên đỉnh Ích Cáy núi Phía Biếc, bên kia Đèo Giàng, xe nhà binh Pháp lên Cao Bằng quét đèn ven sườn núi suốt đêm. Nam Cao viết truyện ngắn ấy ở xóm người Dao bên Vàng Kheo, thoạt đầu đặt tên truyện là Tiên sư thằng Tào Tháo, nhưng rồi nghĩ lại - Nam Cao hay nghĩ lại. Khi nghĩ lại thì nhụt dần. Mặc dầu nhân vật Hoàng thốt lên câu chửi vì thích Tào Tháo quá, thích đến phải thốt lên câu chửi mới sướng. Trong câu chuyện thật, chị ấy đọc Tam Quốc cho cả nhà nghe khi trời tối cơm nước xong, vừa lên đèn. Chốc chốc, Hoàng lại gửi gắm ý tứ đẹp vào nhân vật Tào Tháo là câu chửi yêu. Nhưng rồi Nam Cao ngại, rồi đổi ra cái tên hiền lành là Đôi mắt.
Đọc hồi ký của Vũ Bằng viết, biết được Vũ Bằng ở Sài Gòn có nghe người ta kể truyện ngắn ấy của Nam Cao viết về anh và rồi Đôi mắt cũng đến tay anh. Vũ Bằng đã viết rằng anh bằng lòng Nam Cao đã miêu tả anh như nhân vật Hoàng, con người mơ màng bước vào trường kỳ kháng chiến, cái anh chàng nửa chán đời nửa yêu đời, nửa thông minh nửa dở hơi, vừa đi kháng chiến vừa sợ kháng chiến, cứ khật khưỡng trong nước sôi lửa bỏng như thế. Con người ấy bộc lộ tình cám thước đo cuộc sống cũng đánh giá mình như vậy. Ở với kháng chiến thì ngao ngán, xa đi thì thương nhớ, càng xa càng thương nhớ. Thương nhớ mười hai là một nét anh hoa của tấm lòng với cuộc đời. Vẫn quẩn quanh đeo đẳng cái Phố Mèo câu cá ngày ấy, ở Pari lại nhớ Bucarét mà thôi.
Người ngồi xó ở cái hẻm Mèo câu ca, nhà anh thợ giày nhớ thương Bucaret khác nào Vũ Bằng lạc lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội. Tâm sự của Vũ Bằng, của người tha hương ám ảnh suốt đời anh. Thương nhớ mười hai, bàn tay giơ lên đếm một tháng, một ngày, một năm, một đời. Đấy là cái thiết tha đầu tiên và cuối cùng. Tôi đã đọc những bài thương nhớ ấy từ ngày Vũ Bằng viết dần từng kỳ đăng trên các báo ở Sài Gòn. Đến khi in thành sách, xem ở đuôi sách thấy lời ghi biết được tác giả đã miệt mài ròng rã hơn mười năm trời mới viết xong được cái mười hai tháng thân phận một kiếp người.
Từng câu tha thiết với Hà Nội đã làm cho đến cả người đương ở giữa Hà Nội cũng phải thương lây yêu lây.
Sành sỏi và sắc sảo toát ra ngòi bút, sao mà nhớ đến não nề. Tháng chín cơm mới, chim ngói. Tháng năm, quả nhót đỏ mọng đem xát vỏ phấn trắng vào tay áo, ăn Tết giết sâu bọ. Đừng quên nắm lá móng nhuộm móng tay Tết mùng năm. Và mưa phùn, cái mưa tháng hai những khi rớt mùa. Quá đi một chút thành mưa rươi, nhưng không. Bụi mưa giêng hai không ướt áo người đi giữa đường, tre pheo gió đánh ẽo ợt hai bên, ngửa mặt lên cho thấm được phấn mưa thơm ướp gò má. Sành ăn chơi đến thế nào ở đâu rồi cũng qui tụ vào một nỗi nhớ đất chôn rau cắt rốn. Những ai đương ở phương trời, đọc Thương nhớ mười hai, ai mà không có một cái quê để nhớ.
Khi Sài Gòn giải phóng - mười bốn năm trước đây, tôi đã được dịp trở lại vài tháng sau. Một hôm, tôi đến chơi nhà Nguyễn Điều - tức Tô Hà, bên Khánh Hội - một bạn nối khố của tôi từ khi để chỏm còn ở Nghĩa Đô. Vũ Bằng tới. Tình cờ có người mách anh biết tôi đến đây và tôi cũng chưa biết nhà anh ở đâu. Thì ra nhà anh ngoài bờ sông gần đấy, anh lồm cồm lên gác.
Vẫn cái áo "tăng quát” và mũ phớt mua thu Hà Nội loà xoà như năm nào. Bấy giờ chớm thu, mà người Sài Gòn năm ấy đồn rằng giải phóng đã đem cả cái lạnh ngoài kia vào. Mấy người quê Bắc chỉ đợi được mặc áo ấm, đã nói đùa hơi mát mẻ đôi chút.
Đứng trước mặt tôi là một người đã luống tuổi, tôi chỉ nhận ra mang máng cái dáng quen. Khuôn mặt, anh trễ tràng, võ vàng, không còn béo mập như trước.
Vũ Bằng nắm vai tôi một lúc thật lâu rồi mới thốt lên:
- Ô này, thật mày đấy a? Chúng mày cứ chửi ông bơ sữa, vậy mà ông thì ốm thế này, bịnh thế này...
Rồi chẳng đợi ai mời, anh cởi áo khoác ngồi vào mâm đánh chén. Vẫn tính xuề xoà thế. Nhưng vừa bị một trận ốm nặng, đã phải bỏ rượu. Tối hôm sau, tôi đến nhà anh. Nhà một tầng, hai buồng rỗng như đít bụt, chẳng có tủ có đài gì cả. Chị hai đi họp tổ dân phố. Trẻ con thì chơi đâu ngoài bờ sông.
Vũ Bằng lại xuýt xoa khen tôi béo khoẻ. Cơ chừng có sự thèm muốn, sự ghét guổng mà thích thú và sự lạ lùng nữa, ở anh. Vì cái thằng "uống nước lã cũng đã say" bây giờ uống tốt, mà anh là cái hũ rượu thì phải kiêng.
Tôi nói:
- Khó khăn thì nhiều đến độ không đếm được, nhưng lòng người yên tĩnh. Có lẽ khoẻ nhờ thế, anh ạ.
- Chí phải, chí phải. Ở cái đất loạn này, cứ nát óc ra hại người thật.
Tôi cười:
- Vả lại, những "Mười hai thương nhớ" nữa, còn gì là người!
Vũ Bằng nhếch miệng, mủm mỉm, bâng khuâng:
- Ừ còn gì. Ông cũng đọc đấy à!
Rồi anh trầm ngâm nhìn ra sông Khánh Hội trong bóng trăng.
- Mấy năm nay tao yếu hẳn. Đã thiếu đói lại mới bị một chuyến kiết lỵ tưởng chết, như thằng Nguyễn Dân Giám xưa chết bệnh này ở trên Phú Thọ đấy, nhưng rồi chỉ ốm rộc người thôi. Chẳng phải chỉ có mười hai thương nhớ, đã hơn hai mươi năm ở cái hẻm Mèo câu cá này, còn gì là người. Mày có thương tao không?


12. Vân Đài

Đời chị Vân Đài
Nhà thơ Vân Đài sinh ngày 9 tháng giêng năm 1903 ở phố Hàng Trống. Tôi phải thêm một chi tiết. Trong bán tóm tắt lý lịch ở cơ quan Hội Nhà Văn, bút tích chị Vân Đài ghi: (theo CMT: ngày 15 tháng ba năm 1909) Nhưng đấy là công việc của các nhà nghiên cứu với con số, không bận đến những nhớ lại này của tôi Ngày ấy, anh Nguyễn Cong Hoan học trường Bưởi có những năm trọ ở phố Hàng Trống. Khi đùa cợt, tôi hỏi: "Ông cùng tuổi với bà Vân Đài, mà khi mười tám đôi mươi ông cùng ở phố Hàng Trống, thế ông có lọt được vào mắt xanh của giai nhân không?", anh Nguyễn Công Hoan cười khơ khớ thật sảng khoái:
- Con Minh ấy mà (nhà thơ Vân Đài tên thật là Đào Thị Minh) ba chị em nhà nó đẹp nhất phố Hàng Trống, nhất cả Hà Nội cũng nên. Đuôi chúng nó dài lắm. Tớ có sắp hàng thì cũng phải đứng vào loại ngoài rìa hàng tá, ăn thua mẹ gì!
Phải rồi, cậu học trò trường huyện lên Kẻ Chợ thì làm sao hớp nổi cái liếng mắt của những con người nghiêng nước nghiêng thành. Bao nhiêu năm về sau, mỗi khi trò chuyện lông bông về những ngày ấy, nói đến chị Vân Đài, trong chỗ thân tình như tôi, khi nào anh Hoan cũng gọi là "cái" Minh, con Minh, "cái con" Minh và trước mặt mỹ nhân đầu thế kỷ thì anh Hoan thân mật, dịu dàng: cô Minh, tôi đề nghị cô Minh... chứ không gọi là Vân Đài.
Thế nhưng một cuộc tình éo le, cay đắng đã đến với con người hồng nhan mà bạc phận này. Một chàng sinh viên quê Trà Vinh ra Hà Nội học trường thuốc đã chiếm được trái tim người đẹp.
Chắc là các bạn trai gái thanh lịch hôm nay nghe câu chuyện giăng mắc tơ tình ngót trăm năm trước có thể thấy xa lạ như một huyền thoại.
Thời ấy, thông thường, trai gái đến thì đều được cha mẹ gả bán, con cái chỉ biết đặt đâu ngồi đấy. Lề thói là thế, vậy mà hai người ấy đã gặp nhau và yêu nhau. Dẫu thế nào, trước miệng tiếng thế gian, cũng là chuyện vụng trộm, xấu xa. Cái chàng sinh viên cao đẳng tận miền Nam ra đây học, dù đã đánh tiếng là công tử Bạc Liêu gia tư bậc triệu phú thì cũng không khác chuyện đâu đâu.
Bên nội bên ngoại không ai bằng lòng, lại còn nặng lời, nữa. Thế rồi hai người trốn đi, đem nhau về Trà Vinh. Một chuyện tày đình. Người sắc nước hương trời con nhà dòng dõi bỏ nhà đi theo trai đã chán động cả một thành phố nền nếp nho phong. Họ Đào là một nhà gia thế lâu đời ở Hà Nội. Chẳng phải chỉ là điều xấu xa riêng cho một nhà, một họ, mà tai tiếng lan khắp. Gia đình đã ra trước pháp luật, từ bỏ đứa con bất hiếu.
Nhưng cuộc tình ấy cũng không hạnh phúc. Mười ba năm đằng đẵng ở Trà Vinh rồi phải "Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi” (Thế Lữ). Hai con lớn ở lại với cha. Một con trai thứ ba và cô gái út còn trứng nước với mẹ trở ra Hà Nội.
Nỗi đau mối tình tan vỡ đã chôn vùi mãi, nhưng cả đời thơ Vân Đài không khuây được nỗi niềm gắn bó với một phương trời mà người con gái ngót hai mươi tuổi đã lỡ bước tới - một day dứt ngược đời. Hình ảnh những "Trà Vinh thương nhớ", những địa danh xa lạ An Trường, Tiểu Cần Càng Long đã hiền hiện trong mỗi lời thơ. Nhớ thương ấy không chỉ là một trạnh nghĩ mà là nỗi đau đời người.
Năm 1954, khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, chị Vân Đài nhận được đứa con thứ hai theo người ta từ miền Nam ra tập kết. Huỳnh Tấn Khanh năm ấy đã ngoài ba mươi tuổi. Khanh người nhỏ nhắn, thanh tú.
Khanh mắc bệnh dại bẩm sinh - một chứng điên hiền lành.
Tôi đã làm quen với Khanh. Tôi thường nhận thấy ở người bệnh thần kinh có một tư cách và suy nghĩ lạ, như sinh vật ở hành tinh khác tới. Tưởng như sự im lặng hay mỗi câu nói của họ đều ngoài hiểu biết của ta.
Như em Dũng đương học lớp 1 thì loạn óc, cả ngày đi tha thẩn. Hơn mười tuổi, em theo cả nhà về Quảng Ngãi. Em nhớ Hà Nội đến độ em cố học lại, viết được thư cho tôi. Tất nhiên, nguệch ngoạc vài dòng. Thư nào cũng hỏi thăm sức khỏe bác Nguyên Hồng, dẫu cho mỗi lần trả lời thư Dũng tôi đều bảo cháu là bác Nguyên Hồng mất rồi. Thư sau lại hỏi thăm bác Nguyên Hồng! Có lẽ người điên được hạnh phúc có cái đinh ninh vĩnh viễn. Nhiều năm, tôi quen Châu ở vùng ngã năm phố Bà Triệu. Tôi đã để ý cái anh ngớ ngẩn này từ hòi anh ta làm bưng bê cho hiệu nem Cát Tần.
Trẻ con các trường học quanh ngã năm vừa sợ lại vừa hay trêu "Trâu Điên". Ngày ngày Châu đun nước gội đầu cho các hiệu cắt tóc và rửa bát hàng phở, kiêm húp nước phở thừa. Lâu lâu không gặp tôi, Châu đi các hàng quán và hiệu cắt tóc quen, hỏi: Có thấy ông Tây đến không. Châu gọi tôi là "ông Tây" không phải vóc vạc tôi to như Tây, mà có lẽ vì đôi khi tôi cho Châu tiền. Thấy tôi, Châu chụm chân giơ tay chào kiểu nhà binh. Có hỏi, chỉ trả lời dóng một - Đi đâu - Về, ăn cơm chưa? - Rồi. Lấy vợ chưa? - Chưa...
Vài năm nay không gặp, chắc đã chết ở bờ tường nào rồi.
Còn Khanh thì lúc nào cũng xách cái túi cói, trong có mấy cái lá cải bắp. Khanh không chào hỏi, hai con mắt đăm đăm nhìn. Tôi đưa tiền. Khanh lắc đầu. Đã biết tính, tôi mua cho mấy điếu thuốc lá, Khanh cầm ngay, rút hút luôn một điếu, rồi đi. Con mắt vẫn nhìn đằng trước, cũng lẳng lặng như cái bóng lúc đến.
Chị Vân Đài thương đứa con thứ hai này lắm. Chị thường ao ước bao giờ để dành được đủ tiền chị sẽ sắm một cái máy khâu cho Khanh. Có việc làm vui tay thì thần kinh nó sẽ đỡ ốm, sẽ khỏi - chị Vân Đài thường tưởng tượng thế. Vậy mà, cho đến khi hai tay buông xuôi, chị vẫn chưa lo xong được việc ấy cho con.
Chị Vân Đài mất ngày 31 tháng mười hai 1964, thọ sáu mươi mốt tuổi. Tôi còn nhớ hôm đưa tang chị, Khanh cũng được đội mũ, đeo băng đen, như Hùng, như Tuyết, các con chị, nhưng Khanh không ngồi trong xe tang với mọi người trong gia đình. Khanh đứng bíu vào cửa xe rồi trèo lên ngồi bó gối trước mui xe linh cữu mẹ. Chốc chốc, rít một hơi thuốc lá rồi lại gục đầu xuống, Khanh thương mẹ, Khanh khóc mẹ, Khanh đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng theo cách của Khanh. Rồi Khanh còn sống vất vưởng đến năm nào, tôi không biết.
Cái năm bỏ Trà Vinh về lại Hà Nội, chị Vân Đài ba mươi tuổi. Bốn năm sau, Vân Đài tái giá với Nguyễn Khắc Tường, một công chức chuyên viên ngành vô tuyến điện, anh Tường goá vợ. Cuộc tình duyên của anh chị đã toàn vẹn đến trọn đời.
Xưa nay, tôi hay để ý hồ Gươm, không phải đền chùa cũ, nhà máy điện, toà thị chính, bến xe điện Hà Đông ngày trước, mà những cái nhỏ nhặt, nếu người biết chẳng nói thì không mấy ai tỏ tường được. Đôi khi, những lặt vặt ấy lại là điều mà các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua.
Cụ Trần Huy Bá - Bờ hè các phố giữa Hà Nội nhiều quãng bọc thềm bằng đá núi Thày, núi Trầm - thời ấy, xi măng và gạch ngói phải tải bên Pháp sang, những vỉa hè đá là vỉa hè đầu tiên ở Hà nội. Bây giờ, nếu có sửa các hè phố Tràng Tiền, phố Hàng Khay, mấy quãng phố Ngô Quyền và một số phố khác, xin thành phố đừng cho bỏ đá ốp xi măng với cát mà nên giữ vẻ đẹp và di tích của đá ban đầu.
Ngày trước, ở vườn hoa Cửa Nam có một pho tượng lớn. Tượng thu nhỏ hình thần Tự Do ở cửa cảng Nữu Ước bên Mỹ. Tác giả tượng là một nhà điêu khắc Pháp. Nước Pháp đã đưa niềm vinh dự của tài năng đất nước họ đi khoe với các nước thuộc địa và đặt tượng này vào một chỗ lộng lẫy nhất Hà Nội, thủ đô xứ Đông Pháp.
Cụ Hoàng Đạo Thuý - Đầu tiên, tượng được dựng trên mái Tháp Rùa. Có ý để cho bốn phía hồ đều trông thấy. Nhưng rồi các báo Pháp ở Hà Nội và Hải Phòng đã kịch liệt phản đối. Họ bảo là: Tượng đặt trên cái tháp mỏng manh dễ bị đổ, vì xứ này hay có bão. Vả lại, tượng người đàn bà nà lại ngồi lên nóc cái chùa thì phạm vào phong tục phương Đông. Ông đốc lý Pháp đã phải dỡ pho tượng trên nóc tháp Rùa xuống, khiêng ra đặt ở vườn hoa Cửa Nam. Người qua đường gọi là tượng "bà đầm Xòe" - có ý mỉa mai làm vế đối với tượng đồng “Bôn Be” chỗ vườn hoa Nhà Kèn.
Mặt nước hồ Gươm lăn lăn gợn sóng. Từ bên tháp Hoà Phong qua tháp Rùa sang bờ bên này, những đám sóng đỏ nhấp nhô. Mùa thu, cánh hoa lộc vừng rụng từng đám đỏ hây lững lờ rạt sang bên này hồ. Một con rùa ngoi đầu lên đớp những cánh hoa.
Chúng tôi ngồi bên mép nước, dưới chân đã tụ lại từng làn cánh hoa lộc vừng đỏ. Chị Vân Đài ngoảnh nhìn quãng dốc lên phố Hàng Trống.
- Nhà tôi trước ở xế ngã ba đầu dốc ấy. Chị em chúng tôi thường rửa rau vo gạo, giặt giũ ở cái cầu ván bắc ra hồ đầu ngõ Bảo Khánh bây giờ. Những tối sáng trăng còn ra hồ tắm. Bấy giờ, những bụi cúc tần phủ dây tơ hồng vàng rượi cả một mé bờ hồ bên này.
Thế ra chỗ ghế đá chúng tôi ngồi đây, ngày ấy còn lơ lửng trong lòng hồ. Người Pháp làm đường vòng quanh hồ Gươm đã ngang ngược cắt đôi sân đền Bà Kiệu khiến cho cái cổng vào đền phải đứng mồ côi một mình bên kia đường đến tận hôm nay. Nhưng cũng nhờ con đường mà từ đấy về sau lòng hồ bớt bị lấp thêm.
Chị Vân Đài thông thuộc vùng hồ Gươm như người ta quen cái đầm nước y con đường làng. Những quang cảnh không bao giờ còn nữa, nhưng nghe chị kể thì tưởng như phảng phất chỗ cầu Gỗ vẫn cái lạch nước và từ bờ sông Cái vào, buổi trưa, những bãi dâu và cánh đồng ngô tràn nắng đến tận đầu cầu Thê Húc.
Ai mà nhớ được như chị! Những miếu âm hồn đầu Hàng Giò. Ở bờ hổ chỗ Hàng Trống trông xuống, vào những đầu mùa hạ và tháng bảy, hàng phố làm lễ kỳ yên, cúng chúng sinh, khói vàng mã bốc lên như cháy hồ. Trên mặt nước oan nghiệt vô tình kia, chẳng mấy hôm mà không có người ra trẫm mình, người sảy chân, vơ vẩn biết bao nhiêu hồn oan.
- Anh có biết một cảnh thật là quê ngay giữa thành phố này. Chỗ bên kia hồ thôi.
Tôi theo chị đi men hồ đến nơi khác thường ấy và nghe chị nói chuyện về tháp Rùa. Cái gò cỏ nhô giữa hồ, vào những ngày đông hanh hao, từng đàn rùa - thật ra, đấy là một loại ba ba, những con rùa có con to bằng cái nia, lên mặt gò phơi nắng. Một nhà phú hộ, ông bá hộ Kim được phép làm công đức xây một tháp trên gò, tháp được người ta gọi nôm na là tháp Rùa.
Đại lộ Hai Bà Trưng quãng giữa ngã tư Hàng Bài và Bà Triệu, trên vỉa hè um tùm mấy cây nhãn, như lề đường các phố cũ, nhấp nhô ngôi nhà cổ rêu phong ẩm ướt. Chen với những toà biệt thự được xây dựng hồi giữa thế kỷ. Nếp nhà tựa ngôi đền ấy là từ đường ông bá hộ Kim, ngày nay con cháu vẫn đương ở. Quá vào trong, một khu vườn, cỏ loang và bóng cây um tùm sang tận bờ dậu các vườn dinh thự bên đại lộ Lý Thường Kiệt.
Bỗng nhiên, chúng tôi lạc vào giữa vắng lặng. Bao nhiêu nhộn nhịp phố phường đã chìm nghỉm ngoài kia.
Giữa cái khoáng đãng thôn dã, một tiếng gà gáy trưa không biết trong các bụi cúc tần hay ở một gốc cây nhãn cổ thụ nào. Tiếng gà gáy trong im ắng, cảnh thôn dã thơ mộng vừa khác thường vừa gần gũi xiết bao.
Chị Vân Đài nói:
- Nghe tiếng gà gáy vang ra tận các ngách tường xung quanh, anh thấy thế nào? Tôi rất ưa những nơi như làng mạc mà bước ra cửa đã gặp thành phố. Trước kia, chúng tôi đã tậu một thửa đất khá rộng ở Xã Đàn, có ý định thực hiện điều mong ước ấy. Nhưng cứ nay đây mai đó, không lúc nào được ở lâu Hà Nội. Đến khi đi kháng chiến về, tôi đã hiến nhà nước chỗ đất ấy. Có gì đâu, chúng tôi đã cao tuổi, đứng trước mảnh đất hoang, thấy cái mơ ước xưa kia và thực tế của mình bây giờ, thật so le, chẳng còn hào hứng và sức lực nữa.
Tôi hỏi:
- Hình như ngày trước từ khi trở về Bắc, chị đã được đi và ở rất nhiều nơi. Tôi nhớ những bài thơ của chị đăng báo Đàn bà hồi ấy, khi thì viết ở Luang Prabang, khi ở Cham Bát Xăc. Chị đã đăng ở báo nào những câu "Tiếng đêm":
Tưởng hồn thu theo trong khuya vắng
Rủ rỉ cùng hoa nói chuyện đời
Chị Vân Đài trầm ngâm rồi nói:
- Chúng tôi ở đảo Cát Hải bốn năm. Rồi nhà tôi phải đổi ba năm sang Lào, khi Thượng Lào khi Hạ Lào, có dạo ở trên cao nguyên Bôlaven.
Rồi chị lại nói:
- Nhưng mà những kỷ niệm buồn vui nhất đời đối với tôi vẫn là thời trẻ và những ngày kháng chiến. Trước kia được đi lắm nơi thật, như là con người trong cuộc sống nội trợ gia đình, tất nhiên là đường xa cảnh lạ được biết nhiều. Từ khi cách mạng thành công, nhà tôi tình nguyện nhập ngũ. Ông ấy vốn là chuyên môn vô tuyến điện.
"Thế là tôi cũng vào bộ đội. Bấy giờ tôi mới có được một đời sống ý nghĩa với xã hội. Năm 1948, tôi gia nhập Đảng trong quân đội, tôi đã đi bộ đội hầu khắp Việt Bắc. Tôi ở trong Ban văn nghệ liên khu 1 và viết các báo: Xông pha, Bắc Sơn, Quân Tiên Phong. Về hoà bình, làm báo Phụ nữ Việt Nam, báo Văn Nghệ...
"Thôi, bao nhiêu gian khổ thì khỏi nói. Nhưng chưa bao giờ tôi có được những ngày sôi động, gây được ấn tượng nhớ mãi đến như thế. Ở thời kỳ này tôi làm được nhiều thơ nhất”.
1954, những năm chúng tôi trở về Hà Nội.
Lại một mùa thu tới, mỗi khi nhớ chị, tôi cứ nghĩ đến mùa thu, không hiểu vì sao. Có lẽ vì bấy lâu chỉ nghe chị nói những chuyện buồn xưa và những xế chiều. Dạo ấy, cơ quan có sáng kiến lập một cái căng tin. Ngôi nhà trụ sở vốn là một biệt thự cả mặt bằng tầng trệt là nơi tiếp khách bây giờ, ghép bàn lại làm cái quầy trên bày một loại chai rượu mùi: chanh, mơ, si rô lựu đỏ bán pha với bia cho người Hà Nội đương tập uống bia. Và mấy tút thuốc lá D’rao rẻ tiền với Thăng Long bao bạc. Khi ấy, ngoài chợ, mậu dịch bán phân phối từng lạng muối, cân bột mì Liên Xô thay gạo phiếu và tôi đã công phu biết nhóm bếp thổi cơm bằng sách cũ giấy vụn, ngoài đường tuyệt nhiên không có hàng quán và ai mua bán gì, thì cái căng lin ú ở này cũng là một niềm an ủi cơn sầu nhiều lắm.
Người giữ căng tin là chị Vân Đài. Ừ, con người đã viết cả một quyển sách dạy ai muốn trở thành Người thanh lịch thì ít nhất ở chỗ này cũng là dịp cho người cầm bút thấy được sự thanh lịch và vang bóng.
Căng tin dập dìu mỗi chiều chiều.
Nguyễn Tuân và tôi hay đến ngồi bên thềm cái bồn nước, trên dàn rủ xuống những dây hoa ớt vàng nhòe.
Chúng tôi uống bia Hữu Nghị - một thứ bia đen quý hiếm hồi ấy có nhìn thấy ở quầy, khách sạn "Mêtôbôn Thống Nhất" mà chỉ khi nào cùng đi với khách nước ngoài mới được mua uống, thật như lá trong chiều thu mặt hồ yên sóng, người đàn bà thanh lịch ấy bước ra.
Cử chỉ và phong thái Hà nội thuở nào, con người của phòng khách, của các thứ salông đài các và sang trọng xưa kia. Mặc dầu vẫn bộ áo đại cán ka ki màu "be" may đồng loạt trên Thái Nguyên, nhưng quần áo là thẳng nếp. Mái tóc hoa râm, vẻ yểu điệu thanh xuân không còn nữa, nhưng cách thức nhấc, đặt chiếc phin và tách cà phê vừa như hững hờ lại thật như ý tứ. Ôi, điếu thuốc lá - chỉ là điếu thuốc lá mà nói là cầm thì không đủ nghĩa, điếu thuốc lá như một búp ngọc lan chín trắng mịn giữa những ngón tay một thời ngà ngọc của chị.
Chị Vân Đài hút thuốc lá thơm. Chị không uống bia, chị chỉ "giúp đỡ” chúng tôi uống bằng cách đặt cái quyển sổ ghi nợ đã để sẵn đấy. Không biết có còn những ai thế nữa chăng, còn chúng tôi hôm nào cũng uống biên sổ. Thiếu nợ nhà nước vài ba két bia uống chơi đã ăn nhằm gì, chưa khi nào chúng tôi tính đến chuyện trả. Rồi căng tin của chị Vân Đài vỡ nợ, đóng cửa.


Nguồn: http://vnthuquan.net/