Chương 7
Quý ròm và nhỏ Diệp hoàn toàn bất ngờ trước khung cảnh rộn rịp ở rạp Cao Đồng Hưng.
Tối hôm wa, lúc hai anh em đến đây, rạp vắng tanh vắng ngắt. Trước sau chỉ loe hoe vài khán giả. Dân thành phố không buồn ngó ngàng tới con cọp kịch nói gầy gò vừa rón rén lìa khu rừng tỉnh lẻ.
Hôm nay khác hẳn. Trước cửa rạp đông nghẹt những người đang chen chúc xếp hàng chờ vào xem. Tiếng người lớn trò chuyện răm ran, tiếng trẻ con cười đùa nhí nhố. Người gác cửa mặt mày tươi roi rói, xe vé mỏi cả tay.
Hai anh em Quý ròm như không tin vào mắt mình. Thậm chí Quý ròm lèn thò tay véo vào đùi để xem mình mơ hay tỉnh.
Nghe đau đau, nó biết nó đang tỉnh như sáo. Nó biết nó tỉnh còn bởi đúng lúc đó Tiểu Long buột ra tiếng xuýt xoa:
- Kịch đông khách thế này chắc là hay lắm hén mày!
Quý ròm không dám nói tối hôm qua rạp vắng đến mức nó ngồi xem kịch còn nghe rõ tiếng ruồi bay. Nghe Tiểu Long trầm trồ, nó chỉ cười ra vẻ ta đây đã nói thì có đời nào sai.
Nhỏ Diệp không hiểu tâm sự của ông anh, lầu tàu vọt miệng:
- Tại anh Tiểu Long không biết đó thôi, chứ tối hôm qua…
Nhỏ Diệp đang nói nửa chừng bỗng ngưng bật. Vì đột ngột nó nghe đầu nó nhói một cái. Tại Quý ròm vừa bí mật cốc nó một phát đau điếng đó mà.
- Tối hôm qua sao? - Thấy nhỏ Diệp tự nhiên ngừng ngang, Tiểu Long sốt ruột hỏi.
- Tối hôm qua hả? – Quý ròm cười hề hề, đỡ lời – Ý nhỏ Diệp muốn nói là tối hôm qua rạp còn đông khách hơn bữa nay gấp mấy lần nữa đó!
Ở bên cạnh, nhỏ Hạnh đang trông ngang ngó ngửa. Nó không tham gia câu chuyện của các bạn, mãi chăm chú quan sát khung cảnh chung quanh với vẻ ngạc nhiên lồ lộ trên gương mặt.
- Lạ thật! - Một lát, như không kềm chế được, nó lẩm bẩm.
- Gì thế hở Hạnh? – Quý ròm cô bạn gái.
Nhỏ Hạnh vẫn dán mắt vào đoàn người đang rồng rắn xếp hàng trước mặt, nhận xét:
- Sao người nào cũng dẫn theo con cái thế?
- Ừ, - Tiểu Long phụ họa - trẻ em đông không thua gì người lớn.
Bây giờ Quý ròm mới để ý. Trong số khán giả đang lũ lượt kéo nhau vào rạp kia, gần như người nào cũng đi kèm với một đứa bé.
- Có gì lạ đâu! - Nhỏ Diệp vui vẻ nói – Em nghĩ là vở kịch này rất hợp với trẻ em.
Nhỏ Diệp vừa dứt câu, lập tức xảy ra một chuyện rất lạ.
Đó là một tiếng kêu lánh lót bất thần vang lên từ chỗ đoàn người xếp hàng:
- Chị Hạnh, anh Quý, anh Tiểu Long, chị Diệp!
Cả bọn giật mình dáo dác nhìn về phía phát ra tiếng kêu, và ai nấy đều sửng sốt khi nhận ra đó là thằng Tùng, em nhỏ Hạnh.
- Em đi với ai thế? - Nhỏ Hạnh ngạc nhiên hỏi.
Thằng Tùng trả lời bằng cách nở một nụ cười tinh quái và chỉ tay vào người đàn ông đang đứng ngay phía trước.
- Ba!
Nhỏ Hạnh thảng thốt kêu lên.
Tiếng kêu của nhỏ Hạnh khiến ba đứa bạn nó kinh ngạc đến há hốc miệng, còn ba nó thì way lại mỉm cười:
- Tụi con lại đằng quầy mua vé đi, sao còn đứng đó?
Nhỏ Hạnh bước về phía ba nó, phụng phịu:
- Ba đi xem kịch chỉ dắt thằng Tùng theo mà không dắt con hà!
Tùng bênh vực ba:
- Ba biết tối nay chị đi xem với anh Quý, anh Tiểu Long và chị Diệp chứ bộ.
Nhỏ Hạnh định hờn dỗi với ba nó thêm vài câu nữa nhưng đoàn người liên tục nhúc nhích, không ngừng cuốn ba nó về phía trước nên nó đành nín thinh, chỉ gật đầu khi ba nó ngoái cổ lại nhắc:
- Mua vé đi con! Sắp diễn rồi đó!
Khi nhỏ Hạnh quay lại, Quý ròm nhìn nó bằng ánh mắt nghi ngờ:
- Bạn không biết tối nay ba bạn dẫn thằng Tùng đi xem kịch Vàm Cỏ thật à?
- Hạnh không biết thật mà! - Nhỏ Hạnh gật rồi, rồi tặc lưỡi nói thêm – Nhưng ba Hạnh thì biết tối nay Hạnh cùng mấy đứa bạn đến đây!
- Vậy thì rõ rồi! – Quý ròm reo lên - Chẳng wa ba bạn muốn tạo bất ngờ cho vui đó thôi.
Quý ròm nói câu đó với vẻ kêu hãnh của nhà bác học Newton vừa phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn từ quả táo rơi.
Nhưng đến khi vào rạp, ngồi chưa kịp nóng chỗ, nó đã nhanh chóng nhận ra ngay mình không phải là Newton. Vì cánh tay áo bên trái của nó không hiểu sao cứ giật giật.
Thoạt đầu Quý ròm không để ý đến hiện tượng kỳ lạ đó. Nó không nghĩ có ai giật tay áo nó. Vì khi len vào chỗ ngồi, nó là người dẫn đầu. Vì căn cứ theo số ghế trên vé, nó ngồi bên tai trái. Bên tai phải nó, theo thứ tự là Tiểu Long, nhỏ Hạnh và nhỏ Diệp.
Như vậy, không thể nghi ngờ vào đâu được, ngồi bên tay trái nó dứt khoát là một người lạ hoắc lạ huơ. Một người lạ hoắt lạ huơ thì không thể vô cớ túm áo một người lạ huơ khác mà kéo lấy kéo để như kéo co thế được.
Cho nên, Quý ròm thờ ơ cho rằng cái đang giật giật đó là bắp thịt trên cánh tay nó. Xưa nay, cánh tay nó thỉnh thoảng vẫn giật giật như vậy.
Nhưng rồi Quý ròm không thể thờ ơ nổi nữa. Vì bắp thịt trên tay không hiểu mắc chứng gì cứ giật hoài giật hủy.
Nó ngoánh cổ nhìn, tá hoả khi nhận thấy cái sự giật giật nãy giờ không phải do cánh tay nó mà do cánh tay người khác. Rõ ràng có một bàn tay đang kiên trì kéo áo nó.
Nó đưa mắt lướt từ bàn tay kẻ lạ lên cánh tay, lên cổ, cuối cùng lên mặt. Rồi ngỡ ngàng kêu khẽ:
- Ủa, mày hả Đạt?
Đạt là bạn cùng lớp với thằng Tùng. Thấy rốt cuộc Quý ròm cũng chịu quay qua, Đạt khoái chí toét miệng cười:
- Em nhìn thấy các anh chị nãy giờ.
- Trời đất! – Quý ròm chưa hết sững sờ về sự gặp gỡ khó tưởng tượng nổi này – Mày đi với ai vậy?
Một cái đầu thò ra sau cái đầu thằng Đạt. Và cũng như cái đầu Đạt, cái đầu này cười toe toét:
- Nó đi với em chứ ai.
Quý ròm ngẩn tò te nhìn cái đầu mới, không nói được một tiếng nào. Mãi một lúc, nó mới thở hắt ra:
- Thật không tin nổi! Bộ tối nay cả lớp mày kéo hết đến rạp Cao Đồng Hưng hả Khánh?
Cái đầu mới tứ là cái đầu của thằng Khánh. Nghe Quý ròm hỏi, nó đáp tỉnh khô:
- Dạ.
- Cả lớp? – Quý ròm hỏi lại bằng giọng muốn khóc, chưa bao giờ đầu nó ong ong u u như bữa nay.
Khánh trả lới ông nah bằng cách đảo mắt nhìn quanh. Rồi nó hớn hở chỉ tay sang dãy ghế đối diện:
- Tụi thằng Nghị, thằng Tường và nhỏ Cúc Phương ngồi bên kia kìa.
Quý ròm quay ra sau, gọi giật:
- Tiểu Long, Hạnh, Diệp! Có cả thằng Đạt và thằng Khánh ở đây nè!
Trong thoáng chốc, cả hai phe chồm qua chồm lại, hỏi han tíu tít.
Thấy người đàn ông ngồi bên cạnh thằng Khánh đang mỉm cười nhìn qua, nhỏ Hạnh hạ giọng hỏi:
- Ai ngồi kế em vậy Khánh?
- Dạ, ba em.
Mắt Tiểu Long sáng lên, nó tỏ ra thông minh:
- Vậy, người phụ nữ ngồi kế ba em chắc là mẹ em?
- Dạ, không. Đó là mẹ bạn Đạt.
Quý ròm chép miệng:
- Lạ quá lạ! Tự nhiên cả lớp tụi mày kéo nhau đi xem kịch.
Đạt khoe:
- Còn mấy lớp khác nữa.
Nhỏ Diệp ngọ ngoạy đầu, hào hứng:
- Hèn gì bữa nay rạp chật cứng!
Tiểu Long tò mò:
- Thế nhà trường cho vé à?
- Dạ, nhà trường cho! - Đạt chưa kịp lên tiếng, thằng Khánh đã giành trả lời – Nhà trường phát cho mỗi học sinh hai vé để ba mẹ hoặc anh chị đi kèm.
Tiểu Long gật gù:
- Thảo nào!
Nhỏ Hạnh nhìn Quý ròm, tủm tỉm:
- Vậy thì nãy Quý đoán sai rồi. Ba mình và thằng Tùng đi theo vè của nhà trường, chứ không phải cố tình gây bất ngờ cho mình.
Quý ròm chống chế:
- Nhưng ba Hạnh và thằng Tùng không nói gì với Hạnh về chuyện đó, tức là cố ý tạo bất ngờ rồi.
Lý lẽ của thằng ròm xác đáng đến mức nhỏ Hạnh không tìm ra câu nào để trêu bạn nữa. Nó bèn ngoáy đầu nhìn quanh các dãy ghế:
- Ba mình và thằng Tùng ngồi ở đâu há?
Nhỏ Hạnh chưa kịp tìm ra chỗ ngồi của ba nó và em nó thì tiếng người xướng ngôn viên đã vang lên:
- Đoàn kịch Vàm Cỏ hân hạnh đón chào bà con cô bác. Bây giờ xin mới bà con cô bác ổn định chỗ ngồi, vở diễn sắp bắt đầu…
So với hôm qua, hôm nay tiếng người xướng ngôn viên nghe hoan hỉ hơn nhiều. Khán giả bất ngờ ken kín rạp khiến tiếng nói của ông run lên, phấn khởi và xúc động.
Và cũng như hôm qua, người xướng ngôn viên vừa dứt lời, các ngọn đèn trong rạp đồng loạt phụt tắt. Trong bóng tối, có thể nghe rõ tiếng thằng Đạt cười hí hí với thằng Khánh:
- Hách quá! Tao và mày cũng là “bà con cô bác” đấy!
Thằng Khánh có lẽ định lên tiếng phụ họa nhưng ngay lúc đó bức màng nhung trước mặt từ từ kéo sang hai bên, phơi ra những bóng người thấp thoáng dưới thứ ánh sáng xanh mờ khiến nó bất giác mím môi lại.
Và không chỉ thằng Khánh. Khán phòng chật ních những tiếng rì rầm tự nhiên lặng phất khi sân khấu mở ra và điệu nhạc dìu dắt khoan thai cất lên.
Quý ròm ngạc nhiên khi cảm thấy mình đột ngột rơi vào trạng thái ngất ngây hồi hộp y như hôm qua. Nó nhận ra nó đang nín thở. Nó đang cắn chặt môi để đè nén cảm xúc.
Quý ròm khẽ cựa quậy người và liếc sang hai bên. Chung quanh nó, những gương mặt quen thuộc cũng đang nghệt ra một cách căng thẳng trước ma lực của sân khấu.
Ánh sáng trên sàn diễn đổi màu và khán giả có thể trông rõ cô Giôn- xy và cô Xiu, một người nằm trên giường một người ngồi cạnh giá vẽ, ý như hôm trước.
- Vở Chiếc lá cuối cùng do Hùng Trương chuyển thể từ truyện ngắn của O’Henry.
Từ hậu trường, giọng nói khi này vang lên. Tiếp theo là giọng nữa hân hoan giới thiệu bảng phân vai.
Rồi cô Giôn- xy và cô Xiu bắt đầu cử động.
- À, tao nhớ rồi! - Tiểu Long reo khẽ - Đó là hai nữ họa sĩ trẻ trong truyện.
Tiểu Long tiếp tục khoe khoang trí nhớ của mình.
- Một cô tên là Giôn- xy, một cô tên Xiu, đúng không hở Hạnh?
- Long nhớ dai ghê!
Tiếng nhỏ Hạnh tấm tắc khen thằng mập khiến Quỷ ròm ngứa tai không chịu nổi.
Nó quay sang Tiểu Long, vờ vịt hỏi:
- Nhưng cô nào là Giôn- xy, cô nào là Xiu hở mày?
Đầu óc chậm chạp của Tiểu Long nhớ được tên nhân vật đã là kỳ tích, bắt nó phải kể ra tên nào của người nào theo yêu câu của Quý ròm, chắc nó xỉu. Truyện Chiếc lá cuối cùng, nó học cách đây đã một năm, xa lăng lắc chứ có phải mới đây đâu!
Thấy Tiểu Long ậm ừ, Quý ròm nhe răng cười:
- Không biết chứ gì?
- Sao lại không biết! - Tiểu Long đỏ mặt. Nó bối rối đưa tay quẹt mũi, rồi ngần ngừ đáp – Cô ốm nằm trên giường là cô Xiu, còn cô kia là cô Giôn- xy.
- Biết thế mà cũng đòi biết! – Quý ròm hừ giọng.
Đúng lúc đó, như hùa theo Quý ròm, ở trên sân khấu cô Xiu khè phe phẩy chiếc cọ vẽ, dịu dàng nói với bạn:
- Nè, Giôn- xy. Em thấy tay áo của chị đẹp không? Em có thích một tay áo như vậy không?
Giôn- xy giữ nguyên giữ nguyên tư thế cũ. Cố không nhúc nhích, thậm chí cũng không liếc mắt về phía bạn.
Xiu rời bàn, bước lại ngồi xuống mép giường và vuốt tóc cô bạn gái:
- Em phải tự tin lên chứ, Giôn- xy!
Cô Xiu quay xuống khán giả, mắt long lanh:
- Bao nhiêu người đang nhìn em kìa! Eim phải vui lên chứ!
Giôn- xy gượng ngóc lên khỏi chiếc giường sắt, cố nhìn xuống khán phòng, nhưng ngay sau đó cô lại để đầu mình rơi phịch xuống gối, thì thào:
- Em không thể vui nổi, chị Xiu à! Em đã nhìn thấy em trong đoàn người mắc chứng viêm phổi đang sắp hàng trước tiệm bán quan tài. Em biết, rồi sẽ đến lượt em. Một ngày không xa nữa sẽ đến lượt em!
Quý ròm quên phắt chuyện chế nhạo thằng mập. Nó nghếch cổ theo dõi diễn tiến của vở kịch, lại nghe tim đập thình thịch trước những cảnh mà nó vừa mới xem hôm qua đây thôi.
Chương 8
Nói cho đúng ra, những lời thoại trong vở kịch Chiếc lá cuối cùng hôm nay không hoàn toàn giống hệt hôm qua. Quý ròm phát hiện ra điều đó ngay khi cô Xiu vừa cất tiếng.
Thoạt đầu, nó không hiểu tại sao. Có lúc nó ngờ ngợ rằng kịch là phải thế. Rằng không phải bao giờ diễn viên cũng thuộc vanh vách lời thoại đến từng câu từng chữ.
Nhưng chỉ nghĩ ngợi một chút, nó biết ngay là nó nhầm. Các diễn viên diễn đi diễn lại một vở kịch hàng chục lần, có khi hàng trăm lần, những câu thoại chắc chắc họ đã thuộc nằm lòng.
Khi cô Xiu và cô Giôn- xy tối nay nói những lời không hoàn toàn giống với những lời cô Xiu và cô Giôn- xy nói tối hôm wa, sự khác biệt này hẳn là cố ý.
Chắc là do họ quá hứng khởi, Quý ròm nghĩ, khán giả đầy rạp thế kia, làm sao mà họ có thể làm ra vẻ không có gí khác lạ kia chứ! Rõ ràng, trên sân khấu đang xảy ra một điều gì đó thật đặc biệt. So với hôm qua, cô Giô- xy và cô Xiu diễn cuốn hút hút hơn và cảm động hơn, và họ đối đáp cũng khác hơn.
Quý ròm nhìn quanh, không biết chia sẽ cùng ai ý nghĩ đó. Tiểu Long và nhỏ Hạnh đăm đăm dán mắt lên sàn diễn, miệng há hốc. Quý ròm có thể nói ra nhận xét của mình với nhỏ Diệp nhưng nhỏ Diệp lại ngồi tuốt bên tay phải nhỏ Hạnh, nó không thể ngồi chồm người wa mà không làm giật mình hai đứa bạn bên cạnh.
Ở bên tay trái nó, hai thằng nhóc Đạt và Khánh đang liên tục ngọ ngoạy. Lúc này ở trên sân khấu, vị bác sĩ vừa nhăn nhó bỏ về, còn cô Giôn- xy yếu đuối đang thì thầm đếm những chiếc lá cuối cùng trên dây trường xuân già cỗi:
- Kìa! Lại thêm một chiếc lá rụng nữa kìa! Như vậy là còn bốn chiếc!
- Rụng gì mau thế! Mới đây mà chỉ còn có bốn chiếc!
Tiếng Đạt càu nhàu bên tai khiến Quý ròm tò mò quay sang và thấy thằng nhóc đang lo lắng vò đầu, tóc nó bây giờ rối tung, xù cả lên.
Thằng Khánh thì không ngừng vặt tai, nó vặt mạnh đến múc có cảm giác nó muốn nhổ phăng cái tai ra khỏi đầu. Khi bực bội hay tức giận, người ta vẫn bứt tai, nhưng bứt thẳng tay như thế chỉ có thể do sợ hãi.
Quý ròm thấy rõ điều đó trong lời rì rầm như cầu nguyện của thằng oắt:
- Thôi nha! Đừng rụng nữa nha!
Quý ròm biết thằng Khánh muốn nói đến những chiếc lá trường xuân. Nó liền chồm qua vỗ vai thằng oắt, mỉm cười:
- Mày lẩm bẩm gì thế hở Khánh? Cô Giôn- xy không chết đâu mà mày lo!
- Sao anh biết? –Thằng Khánh nhìn Quý ròm bằng cặp mắt mở to, nửa vui mừng nửa ngờ vực.
- Sao lại không biết! – Quý ròm nhún vai – Vở kịch này hôm quaa tao xem rồi. Đó là chưa kể năm ngoái tao đã học qua truyện Chiếc lá cuối cùng nữa cơ.
Quý ròm nói với thằng Khánh nhưng thằng Đạt lại hứng chí vỗ tay. Rồi sực nhớ mình đang ngồi giữa khán phòng im phắt, Đạt hỏang hồn buông tay xuống, hạ giọng thì thào:
- Hay quá, cô Giôn- xy không chết! Thế mà thấy lá rụng, em cứ sờ sợ!
Khác với hai thằng oắt, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã biết trước cốt truyện nên không âu lo gì cho tính mạng của cô họa sĩ Giôn- xy. Nhưng không khí huyền ảo của sân khấu và lối diễn xuất thần và Hồng Minh khiến tụi nó ngẩn ngơ quá đỗi.
Cho đến khi bức màn nhung đã khép và đèn trong khán phòng bật sáng báo hiệu giờ giải lao, tâm trí Tiểu Long và nhỏ Hạnh vẫn còn choáng ngợp trước những ấn tượng mạnh mẽ do các cảnh diễn đem lại.
Thấy thằng mập ngồi thẫn thờ, Quý ròm thúc cùi chỏ vào hông bạn:
- Thế nào? Hay không hở mập?
Tiểu Long chòang tỉnh. Nó đấm tay lên thành ghế:
- Tuyệt cú mèo!
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, xuýt xoa:
- Hạnh không ngờ đoàn kịch Vàm Cỏ diễn hay đến thế!
Quý ròm phổng mũi, được dịp thanh minh:
- Thấy chưa! Đâu phải tự nhiên mà thằng ròm này khoái kịch!
Rồi nó cao hứng:
- Nhưng vai diễn xuất sắc nhất chưa xuất hiện đâu! Các bạn mà xem nghệ sĩ Văn Vui đóng vai họa sĩ Be- man thì cứ gọi là mê tơi.
Tiểu Long nheo mắt:
- Mày học khoa quảng cáo tự bao giờ thế hở ròm?
- Anh Quý nói thật đó! – Nhỏ Diệp bênh anh, vẫn với lối dùng từ lẫn lộn – Cụ Be- man đóng tuyệt lắm!
Nhỏ Hạnh chưa kịp chỉnh nhỏ Diệp đã nghe tiếng thằng Tùng kêu tướng từ dãy ghế bên kia:
- Chị Hạnh ơi, uống nước không?
Nó đảo mắt tìm, bắt gặp thằng em đang đứng nhón chân trên ghế, tay đung đưa bịch nước cam trong khi ba nó đang túm vạt áo thằng bé cố níu xuống.
Nhỏ Hạnh mỉm cười và lắc đầu.
Thằng Tùng định nói gì đó nữa nhưng ngay lúc nó vừa mấp máy môi, tiếng người xướng ngôn viên đã vang lên:
- Mời bà con cô bác trở về chỗ ngồi...
Cùng lúc, đèn tắt, khán phòng tối thui.
Trên sân khấu, màn kéo sang bên để lộ một ông già nhỏ thó ngồi thu lu trên chiếc ghế thấp, tay đang huơ chai rượu uống dở trong thứ ánh sáng đỏ quạch đang từ từ chuyển sang trắng.
Nhỏ Diệp lào thào:
- Cụ Be- man đó.
Nó rất muốn nói thêm “Em đã trò chuyện với cụ rồi” nhưng thấy ngường ngượng, lại thôi.
Tiểu Long và nhỏ Hạnh không hé môi, làm như không nghe nhỏ Diệp nói gì. Tụi nó đang căng mắt nhìn người đàn ông, râu tóc loăn xoăn, ngạc nhiên thấy ông ta giống cụ Be- man mà tụi nó hình dung một cách lạ lùng.
Như thường lệ, bên cạnh cụ Be- man là chiếc giá vẽ, trên đó nằm im lìm một tấm vải ố vàng, trống cơm. Đã hai mươi lăm năm nay, cụ vẫn chưa phác nét cọ đầu tiên cho bức kiệt tác mà cụ hằng ấp ủ.
Ồ, không, không phải trống trơn, Quý ròm bỗng chớp mắt, tối nay ở góc cao bên trái của tấm vải mọc lên lóng lánh một ngôi sao nhỏ.
Quý ròm dụi mắt, tưởng mình trông nhầm. Nhưng khi nó bỏ tay xuống, ngôi sao vẫn còn ở đó. Tại sao lại có ngôi sao ở đó nhỉ?
Nhưng Quý ròm không có thì giờ để nghĩ ngợi. Vì cô Xiu đã bước vào:
- Chào cụ.
Như hôm qua, cụ Be - man đang uể oải, lừ đừ bỗng tỉnh như sáo khi nghe tin cô Giôn- xy bị sưng phổi. Rồi từ lo lắng, cụ chuyển sang giận dữ. Mặt tím bầm, râu tóc dựng đứng, cụ chửi rủa, mắng nhiếc, l ồng lộn. Chai rượu trên tay cụ bay vào vách vỡ tan, dội lên những âm thanh chát chúa ghê hồn.
Cũng như các diễn viên khác, hôm nay diễn viên đóng vai cụ Be- man diễn xuất thần hơn hẳn đêm hôm trước.
Trước mặt mọi người hiện ra sống động một họa sĩ già bất đắc chí nhưng niềm đam mê nghệ thuật và lòng yêu mến con người không bao giờ cạn.
Trong một đêm kỳ diệu, cụ Be- man đã chinh phục toàn thể khán giả mọi lứa tuổi. Người lớn xúc cảm vùi mình sâu trong lưng ghế. Trẻ em nhấp nhỏm liên tục trên tay vịn. Nhất là lúc cụ Be - man gầm lên:
- Đi! Đi ngay lên phòng của cô! Tôi phải nhìn qua cái dây leo khốn kiếp đó!
Bọn Quý ròm nhìn cụ lôi cô Xiu ra khỏi phòng bằng tâm trạng hồi hộp như thể cụ sắp rời bỏ ánh đèn sân khấu để bước hẳn ra cuộc đời thực.
Chỉ có nhỏ Diệp là bình tĩnh. Nó nhớ tối hôm qua, cũng đúng vào lúc sắp sửa đi khuất sau cánh gà, cụ Be- man đã nhìn về phía hai anh em nó ngồi. Cho nên nó dán chặt mắt vào cụ Be - man, xem bữa nay cụ có kiếm tìm tụi nó nữa không:
Và nó sung sướng khi thấy qua vai cô Xiu, cụ Be - man đang hướng ánh mắt về chỗ nó và anh Quý nó ngồi tối hôm qua ở hàng ghế đầu và tất nhiên là không thấy tụi nó. Bữa nay, hai anh em nó ngồi ở hàng ghế thứ tư đếm từ trên xuống.
Cụ Be - man có lẽ cũng đã sực nhớ ra anh em Quý ròm tối nay không ngồi ở hàng ghế danh dự nên cụ chỉ đảo mắt một cái rồi quay mình đi luôn vào phía trong.
Đúng lúc đó nhỏ Diệp nghe tiếng Tiểu Long thì thầm với anh nó:
- Bây giờ thì tao tin rồi.
Tiểu Long nói chẳng rõ ràng tẹo nào. Nhưng nhỏ Diệp hiểu ngay Tiểu Long đang nói về tài nghệ diễn xuất của diễn viên Văn Vui trong vai cụ Be- man. Vì vậy, nếu nhỏ Diệp có nở một nụ cười hân hoan lặng lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Một bóng người không biết từ lâu len lỏi vào hàng ghế bọn Tiểu Long đang ngồi và đ ụng vào đầu ghế nhỏ Diệp làm nó thu ngay nụ cười lại.
Nó chưa kịp lên tiếng, người lạ đã hỏi:
- Còn ghế trống không mấy cháu?
Nhỏ Diệp nhận ra giọng một người đàn ông.
- Hình như hết chỗ rồi chú ơi! – Nó đáp.
Người đàn ông tặc lưỡi, mò mẫm trong bóng tối, tiếp tục chen vào phía trong.
Lúc này, trên sân khấu bức màn lửng đang từ từ kéo lên và trên chiếc giường sắt màu trắng, cô Giôn- xy đang nằm thiêm thiếp.
Quý ròm nhíu mày khi bóng người đàn ông loay hoay trước mặt che mắt cụ Be- man và cô Xiu đang từ mé ngòai sân khấu bước vô.
Rồi thấy vị khán giả rắc rối này cứ xoay tới xoay lui nhặng xị và có vẻ sẽ không những án ngữ trước mặt nó cho đến chừng nào tìm được chỗ ngồi, Quý ròm nóng ruột quá, bèn quay sang thằng Đạt ngồi cạnh, bảo:
- Mày và thằng Khánh dồn vô chung một ghế đi, nhường chỗ cho chú kia ngồi!
Sợ hai thằng oắt không chịu, nó lật đật nói thêm:
- Vở diễn sắp hết rồi, còn chừng mười, mười lăm phút nữa thôi!
Nãy giờ, thấy người đàn ông chàng ràng trước mặt, hai thằng oắt Đạt và Khánh đã khó chịu lắm rồi. Cho nên Quý ròm vừa đề nghị, hai đứa vui vẻ nhập chung một ghế liền.
Người đàn ông ngồi vào ghế trống của Đạt, rối rít:
- Cảm ơn hai cháu nghe.
Ông quay sang Quý ròm:
- Cảm ơn cả cháu nữa.
Giọng người đàn ông khiến Quý ròm giật thót. Nó có cảm giác đã nghe giọng nói này ở đâu rồi. Quý ròm ngạc nhiên nhủ bụng và kín đáo liếc mắt sang vị khán giả lạ.
Lúc này trên sân khấu ồn lên tiếng gió rít, tiếng mưa rơi và ánh sáng trở nên nhá nhem báo hiệu màn đêm vừa buông xuống khu Griniz nghèo nàn. Nhưng trong ánh sáng mờ mờ đó, Quý ròm vẫn thấy thấp thoáng những đường nét trên gương mặt của người ngồi bên cạnh mình, những đường nét hoàn toàn xa lạ đối với nó.
Như vậy mình chưa kịp gặp người này bao giờ. Nhưng sao giọng ông ta nghe quen thế nhỉ? Quý ròm tự hỏi. Và nó tự trả lời: Chắc giọng ông ta giống giọng một ai đó mà mình đã từng biết.
- Cháu đã xem vở kịch này lần nào chưa? – Người đàn ông đột nhiên quay hỏi Quý ròm.
Giọng ông ta thân thiện đến mức Quý ròm không thể không trả lời.
- Dạ, cháu đã xem một lần vào tối hôm qua.
Quý ròm đáp, mắt vẫn không rời cụ Be - man với chiếc đèn bão, cọ và bảng màu trên tay, thang trên vai, đang dọ dẫm bước đi dưới màn mưa.
- Cụ ấy đi đâu thế?
Người đàn ông nhìn lên sân khấu, lại hỏi.
- Cụ ấy định vẽ bức tranh kiệt tác của đời mình!
Quý ròm buột miệng, mỉm cười với sự bí hiểm trong câu trả lời của mình. Nó không muốn nói rõ hơn, e người đàn ông mất hứng thú khi theo dõi những diễn biến tiếp theo.
Nhưng người đàn ông dường như biết trước cụ Be - man sẽ làm gì. Khi nãy ông ta hỏi có lẽ chỉ để bắt chuyện. Vì Quý ròm nghe ông ta đột ngột nói:
- Cụ ấy đi vẽ cái chết của mình.
Quý ròm thoắt rùng mình. Bên cạnh nó, người đàn ông tiếp tục cảm khái:
- Đó là một cái chết đẹp. Chính những cái chết như thế đem lại sức sống cho nghệ thuật.
Trong một thoáng, Quý ròm có cảm giác người đàn ông này hiểu về vở kịch sâu sắc hơn nó tưởng. Nó quay sang người đàn ông, chớp mắt:
- Chú đã xem vở kịch này rồi hở chú?
- Chú đã xem nhiều lần! – Người đàn ông đáp bằng giọng tự hào – Nhiều hơn bất cứ một người nào.
Sao có người mê kịch đến thế nhỉ? Quý ròm nhủ bụng. Rồi sực nhớ đến một chuyện, nó liếm môi hỏi:
- Thế những lần trước, chú có thấy ngôi sao kia không ạ?
- Ngôi sao nào cơ?
Quý ròm chỉ tay lên sân khấu nhưng rồi nó tẽn tò rụt ngay lại. Nó không nhìn thấy cái phòng vẽ mà nó đang nói tới. Vì cụ Be - man đã rời phòng để ra ngoài gió tuyết.
Quý ròm đành nuốt nước bọt:
- Ngôi sao trên bức tranh để trống của cụ Be - man ấy.
Người đàn ông “à” lên một tiếng:
- Những lần trước thì không có. Chỉ tối nay người ta mới cao hứng thêm vào.
- Tại sao người ta lại thêm vào hở chú? – Quý ròm thắc mắc – Cháu đọc trong truyện cũng không thấy nhắc đến ngôi sao đó.
Người đàn ông vỗ vai Quý ròm:
- Đó là ngôi sao định mệnh, cháu à. Mỗi chúng ta đều đi dưới một ngôi sao dẫn đường. Có lẽ cụ Be - man muốn nói cuộc đời cụ tất phải đi dưới ngôi sao của nghệ thuật, không thể khác được.
Người đàn ông càng nói lời lẽ càng cao xa, khó hiểu. Có lẽ ông ta quên phắt ông ta đang nói chuyện với một thằng nhóc.
Quý ròm khụt khịt mũi. Nó bỗng nhớ tới cụ Be - man, hay chính xác là diễn viên Văn Vui, người đóng vai cụ Be - man. Tối hôm qua, lúc ở hậu trường, người nghệ sĩ tài hoa này cũng đôi lúc nói những câu kỳ dị như vậy. Lúc đó, ông ta cũng quên bẵng trước mặt mình chỉ là hai đứa bé.
Đèn vừa bật sáng, người đàn ông đã nhanh nhẹn đứng lên giữa những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả dành cho các diễn viên đang xếp hàng cúi chào trên sân khấu. Ông ta tươi cười nhìn Quý ròm:
- Tạm biệt nhé. Chúng ta sẽ gặp lại sau.
Lúc len qua hàng ghế để ra bên ngoài, ông ta còn nháy mắt với nhỏ Diệp một cách vui vẻ.
Tiểu Long hỏi:
- Ai thế hở ròm?
- Tao không biết.
- Mày không quen à?
- Không.
Tiểu Long ngạc nhiên:
- Không quen sao ông ta còn hẹn gặp lại?
Quý ròm nhún vai:
- Câu nói xã giao, khách sáo ấy mà.
Nhìn mặt Quý ròm, Tiểu Long biết bạn nói thật. Hơn nữa, lúc người đàn ông len lỏi tìm chỗ ngồi, nó có nhìn thấy, thậm chí nó còn đ ụng cả vào người ông ta.
Tiểu Long thôi ngay thắc mắc. Nó chuyển sang khen ngợi:
- Kịch hay ghê!
Nguồn: diendan.game.go.vn