36. Biết nói thế nào nữa
Tôi đến cơ quan như mọi ngày. Lúc đi qua nhà dưới, chợt để ý trong phòng hành chính hình như có vẻ là lạ. Rồi tôi nhận ra ở góc trong, trên nóc tủ hồ sơ tài liệu có một khay gỗ, mép thếp vàng, trong khay bày cái đĩa để bốn chiếc chén hạt mít cạnh một bình hương và một lọ cắm mấy cái hoa giấy đỏ hoe. Tôi gọi cô phụ trách quản trị.
- Các đồng chí làm cái gì thế này?
- Dạ, chúng em cúng thần tài.
- Cơ quan ta có kinh doanh gì đâu, mà giá có...
- Dạ, không cúng thần tài thì cầu ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ phù hộ. Chúng em thấy ngày rằm, mùng một, cán bộ công nhân viên các cơ quan đi lễ đông lắm.
Tôi nghiêm mặt:
- Ở đâu tôi không biết, ở cơ quan ta các đồng chí dẹp đi ngay, dẹp ngay. Không được phổ biến mê tín, dị đoan vào cơ quan.
Buổi trưa tan tầm, tôi xuống đi qua, trên nóc tủ đã thấy biến cái khay, chỗ ấy lại là chỗ để úp nón như mọi ngày.
Năm sau, tôi về hưu theo chế độ, đúng sáu mươi tuổi. Có hôm tôi đến cơ quan. Cô quản trị vồn vã:
- Chào thủ trưởng, lâu lắm chẳng thấy thủ trưởng đến chơi.
Tôi thật thà:
- Lắm lúc buồn chân buồn tay, nhưng cũng chẳng muốn đi đâu.
Cô quản trị cười cười bảo tôi: “Cụ ơi! Mời cụ lên đây”. Rồi cô dắt tay tôi lên phòng giám đốc. Phòng khoá, nhưng cô có chùm khoá cả cơ quan, cô mở cửa đưa tôi vào. Căn phòng vẫn như năm trước, chỉ có bàn ghế, tủ thì đã bày biện khác hẳn. À, có thêm cái máy điều hoà.
Cô đứng lên một cái ghế, với tay chỗ hốc tường lật bức trướng thêu chữ Huân chương lao động hạng ba, đằng sau nhô lên dưới băng dán loăn xoăn một cuộn giấy vàng bằng ngón tay.
- Bùa yểm trấn trạch, bùa yểm cụ ơi?
Rồi cô kể: hôm giám đốc mới đến sửa soạn dọn phòng làm việc. Giám đốc đi với ông thày. Không ai biết là thày cúng, bởi vì ông thày bùa này còn trẻ, cũng quần áo cán bộ như ta. Chắc ông ấy cũng làm cơ quan nào đấy, kiêm thêm xem bói, làm thầy cúng. Ông thắp hương, thắp nến linh tinh, vừa rả rượu vừa khấn hay lắm. Ông yểm bốn lá bùa bốn góc tường này, rồi ông bắt quyết chỉ hướng kê bàn, kê tủ phía nào. Giám đốc đóng cửa, mọi việc đều làm bí mật. Nhưng che mắt thế nào được bọn mẹ ranh chúng em.
Tôi cứ nghe mà vừa giận, vừa ngượng. Cái anh đến thay tôi này chưa hẳn đã hơn nửa tuổi tôi mà sao nó lại u mê lạc hậu đến thế. Còn tôi ngượng chỉ vì xưa nay tôi là tay chửi mê tín vào hạng ác, mà bây giờ mê tín dị đoan lại trùm cả lên đầu tôi đến ngạt thở.
Tôi hầm hầm hỏi cô quản trị:
- Giám đốc đâu? Giám đốc đâu?
Cô đáp dịu dàng:
- Thưa bố, giám đốc đương họp chi bộ bên phòng khách.
Cơn giận của tôi trùng ngay xuống. Thế là ra làm sao? Tôi lò dò qua mấy phòng làm việc, thấy trên nóc tủ, mỗi phòng đều có cái khay cúng thần tài, hoa hương tưng bừng, chắc là chúng nó thắp hương cả ngày - như ở các tủ kính bán thuốc lá hè phố Sài Gòn hồi mới giải phóng.
Cơn giận của cụ Khốt tôi đã nguôi, lại nguôi nữa, nguôi hẳn. Mỏi quá, không đủ hơi giận nữa, xin chào thua.
Mùa hè năm ấy, cô quản trị đến nhà tôi, bảo:
- Năm nay mời hai bác vào nghỉ Cửa Lò ba ngày, hai bác đi cùng với cơ quan.
Vợ chồng tôi sốt sắng nhận lời, hẹn giờ giấc cẩn thận. Sáng thứ bảy, cô quản trị đến nhà, thưa lại:
- Hai bác thông cảm, cho hoãn một ngày. Vẫn nghỉ Cửa Lò, chỉ đi lui một ngày thôi ạ. Giám đốc chúng cháu xem lại lịch bảo chủ nhật ngày xấu, giờ cũng xấu. Giám đốc bảo cháu đến thưa với hai bác tám giờ sáng thứ hai có xe đến đón hai bác ở nhà. Ông Khốt tôi bỗng lại lên cơn giận, hoa chân múa tay đùng đùng, cô quản trị đâm hãi, đứng ơ ra, bà lão nhà tôi can tôi cũng không được.
Tôi hét:
- Không đi Không thèm đi!
Chao ôi. Tôi không đi thì tôi ở nhà. Cũng chẳng ai đến mời lại.
Dần dần, những cơn giận vô duyên chẳng cơn cớ gì càng thưa thớt hơn. Bởi vì cũng có khi tôi tha thẩn quán nước, chén rượu cốc bia vào “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”, tôi còn nghe vô khối chuyện vỉa hè, lắm chuyện động trời nữa, thế là những cái hờn nhỏ bé kia cũng chẳng đáng gì phải nôi cơn.
Nào là những ông bộ rẫy vợ vì cặp bồ nhí, chuyện ông bộ đi cầu tự chùa Hương, đi vào ngày dưng cho vắng ít gặp người. Chuyện các ông cục ông vụ tuần rằm mùng một đi lễ đền chùa ở Sơn Tây những đền Và, chùa Mía, chùa Đá Đen... Có ông đi xa nữa, ô tô lên tận đền Bắc Lệ cuối đường Bắc Giang giáp Lạng Sơn, vàng mã đem theo có ca xe Rim, quần áo giấy gấp lại bỏ vào cốp xe... ông Khốt nào cứ những nghe thế mà lộn ruột thì chỉ có việc lăn đùng ra mà ngất đi cho rồi. Ông Khốt tôi bây giờ dửng dưng.
Bây giờ ông Khốt chọn bạn, ông thấy chỉ chơi với trẻ con, chơi với trẻ là thích hơn cả. Chúng nó ngây dại, hồn nhiên cực kỳ. Người già chơi với con trẻ, vừa được nghỉ ngơi, vừa là dưỡng sinh đấy. Nhưng rồi tôi lại thấy trẻ con bây giờ lại khác xưa không như tôi tưởng. Chúng thông minh lắm nhưng cũng lạ lắm. Nó hỏi, nó nói những câu quái quỷ mà người già phải “động não” đến mấy ngày. Thế là lại hoá ra mua lấy cái mệt, cái mất ngủ.
Cháu bé nhất của tôi bảy tuổi, học lớp ba, cháu nói:
- Ông ơi? Ông xin cho cháu nghỉ hưu.
Tôi trừng mắt:
- Cháu nghỉ hưu thế nào?
Cháu tôi khoanh tay nói:
- Cháu nghỉ hưu như ông ấy, để khỏi phải đi học, khỏi phải đeo cái cặp nặng quá, ở trường về không phải đến học thêm. Cháu chỉ muốn nghỉ hưu như ông thôi.
Tôi làm sao cắt nghĩa được cho ra đầu ra đuôi câu hỏi oái oăm của lứa tuổi ấy. Chuyện về hưu chưa trả lời được thì lại chuyện khác.
Cơm tối xong, tôi bảo cháu:
- Hai ông cháu ra bờ hồ chơi một lúc.
Thằng bé thưa lại:
- Cháu vào hỏi mẹ cháu đã.
Rồi nó nói:
- Cháu hỏi mẹ cháu xem gốc cây nào không có ma. Cháu sợ ma lắm. Mẹ cháu bảo ở gốc cây có nhiều ma ngồi, ông không biết thì thôi
Chơi với cháu cũng không xong. Những cái nó hỏi oái oăm, thì trả lời đến đời nào cho hết được.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn )
Nguồn: http://truyenviet.com/
37. Cái cốc ba mươi năm
Bấy giờ khoảng tháng 10 năm 1970. Tôi và Nguyễn Văn Bổng lên Hà Giang chơi ít ngày. Nguyễn Văn Bổng vào chiến trường miền Nam đã hơn ba năm nay, mới trở ra Hà Nội và anh chưa bao giờ tới vùng cao nào ở Việt Bắc. Chúng tôi lên đường tạm biệt Hà Nội bằng mấy cốc vại bia hơi. Sắp hàng mua bia chỗ quán “Chuồng Cọp” bên hồ Thiền Quang rồi bưng cả mấy cốc ra uống ngoài bãi cỏ trông sang hồ. Vừa thoải mái, rộng rãi vừa dễ chỗ tránh máy bay. Uống xong, tôi lĩnh luôn cả hai cái cốc vại không, đem theo. Nghỉ đêm ở thị trấn Đồng Văn, hôm sau sang huyện Mèo Vạc. Năm ấy đường ôtô qua dốc Mã Pì Lèng chưa làm xong, chúng tôi đi bộ sang huyện lỵ Mèo Vạc mất hai ngày.
Giữa trưa, ghé tình cờ vào một nhà ven đường ở Dúng Là trên đầu dốc. Cũng định xin ngụm nước uống. Nhà có một mình ông cụ cởi trần, đóng khố, ngồi sưởi lửa, chắc là con cháu đều đi nương, kiếm cái ăn hay đi vác nước. Hôm nay có mặt trời hửng nắng thế này thì phải chiều cả nhà mới về. Ở đây, cả Đồng Văn và dưới Lũng Phin đều thiếu nước. Vùng cao mưa xong, nước thấm hết, không một con suối nào chảy qua, mà sông Nho Quế thì sâu thẳm quanh co tận chân núi, đi cật lực một ngày mới tới. Tôi được chứng kiến mấy năm đã hai lần trên tỉnh thồ xi măng, cốt thép về xây bể hứng nước, chứa nước mưa cho từng xóm. Nhưng chỉ được ít lâu, những cái bể lại nứt nẻ chẳng đựng được một giọt nước. Rồi tính, lại cất công xây, rồi cái bể lại vỡ toác. Hình như mấy lần những cái bể chứa nước cứ vỡ lại xây cho đến bây giờ. Nhà chưa ai vác ống nước về, han không có nước, nhưng rượu thì chắc là sẵn. Quả nhiên. Chỉ vài tiếng Mèo giả cầy của tôi cộng với tay chân múa may phụ giúp đã khiến ông cụ hiểu là nước hay rượu uống cũng bằng nhau. Chúng tôi được giải khát bằng hai bát rượu ngô đổ vào cái vấu tre. Đến lúc đưa tiền trả, ông cụ xua tay. Tôi chợt nhớ. Tôi lấy trong ba lô ra hai cái cốc cại hôm trước lấy trộm của quán bia, tôi đưa biếu ông cụ cả hai cái. Ông cụ ngơ ngác như không hiểu, cúi cầm cốc giơ lên, ngắm nghía.
Tôi đã biết ở trên này thiếu nhiều thứ vặt vãnh lăng nhăng, dưới xuôi không để ý mà đây thì cần thiết. Người ở dưới thường thồ xe đạp đem lên, bán những cái bát, cái bóng đèn, chai lọ không, kim chỉ, gương lược, túi và dây ni lông...
Rồi ông cụ bắt chúng tôi phải xách đi một ống rượu ngô, ra hiệu bảo là đi đường “uống cho khói khát”.
Đến năm ngoái tôi lại có dịp lên Mèo Vạc, qua Dúng Là. Bao nhiêu năm đã qua nhiều nhà trong xóm đã chuyển xuống ven đường ô tô. Tôi nhận ra nhà ông lão cho rượu ngô năm xưa ở chỗ cũ vẫn lụp xụp đen sì vách và mái gỗ. Giữa nhà, một người ngồi bên đống lửa cũng cởi trần: đóng khố trông hao hao không khác ông lão mấy.
Hỏi mới biết đấy là một người con trai ông cụ. Bố anh mất đã lâu. Lại hỏi cả nhà đi đâu. Anh nói chúng nó xuống chân núi kiếm miếng nước, đến trưa mới về. Ở vùng núi đá cao này vẫn thiếu nước, không có nước. Ở chợ vẫn bán cái chậu gỗ, chậu đựng nước, ngâm ngô, vo gạo, rửa thịt khô, chùi tay rửa chân cũng một chậu nước ấy. Mỗi sáng ta nhà nào cũng phải có một người đi nửa buổi kiếm miếng nước vác về.
Nhưng tôi cũng nhãng ngay cái buồn thiếu đói mà tôi cũng chỉ xót xa suông, bởi vì kìa mm cái thật lạ lùng vời tôi. Trông vào thấy hai chỉ cốc vại đặt ở trong chân vách. Đúng hai cái cốc vại bia, mặt thuỷ tinh xanh xám lổ đổ tổ ong, chỉ đụng mạnh cũng vỡ, mà chắc ở xuôi các quán bia cũng chẳng ở đâu còn cái nào. Thế mà hai cái cốc vẫn kia, để trên nền đất, vẫn xanh bóng.
Tôi hỏi:
- Mua ở đâu cái cốc đẹp thế kia?
Ông nói:
- Ngày trước, có cán bộ cho. Bố bảo phải giữ cẩn thận hai cái cốc để cho con cháu.
Ở đấy bây giờ vẫn hiếm cái bóng đèn, cái lược và chưa biết mặt cái cốc to. Nỗi buồn tưởng như vừa khuây khoả, lại trở lại.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)
38. Cái giậm
Mới năm nào, các vùng Nghĩa Đô, Cổ Nhuế còn là làng mạc và cánh đồng. Những gò luống nhấp nhô, con đường đất đỏ, hai bên lưa thưa những cây sòi, đằng xa, có cái cầu ngói dưới bóng cây đề cổ thụ. Người trong làng qua lại thưa thớt. Mùa đông tới gió bấc hun hút thổi trên cánh đồng vắng lặng, có đàn quạ tránh rét bay qua.
Bây giờ đã khác. Bốn phía, không còn đâu những chân tre đồng cổng cuối làng, những xứ đồng cao khi mùa đông tới, những bãi lá khúc mọc hoang nở hoa vàng như hoa cải trong vườn, cái lô cốt nửa chìm nửa nổi của Pháp của thời chiến tranh còn lại mọi khi thấy lù lù ở bên cạnh đìa nước xanh om những đám lá ngổ bây giờ chỉ còn trong tưởng tượng.
Nơi mới mọc lên la liệt những dãy nhà năm tầng, người ta gọi là những khu tập thể. Đó là những phố mới, người ghép đến ở thành tên phố, tên phường có các cửa hàng, cửa hiệu và những chợ cóc, chợ xanh. Quang cảnh tương tự thế này hầu như ở chỗ nào cũng mọc ra ở làng chài Vụng Quất bên biển Đông, ở cửa Chân Mây miền Trung, hay ở Long Hải, ở Mông Dương xa xôi... Buổi sáng, cả quãng hè phố thành những nơi bán cái ăn sớm. Chẳng còn mấy ai ăn cơm rang, cơm nguội ở nhà, người không ra hàng thì mua về, những bánh cuốn, bún ốc, phở, xôi ngô, cháo sườn và đến cả cà phê cũng cho vào túi ni lông mang về được đủ thứ vừa mọi túi tiền, hợp với người già và trẻ con. Cách sinh sống và mọi cái thay đổi theo hoàn cảnh.
Buổi chiều, ra quán bia hơi. Những hàng bia hơi mậu dịch phải xếp hàng rồng rắn đã biến mất từ nhiều năm nay. Bây giờ xó nào cũng có bia hơi. Người ta bảo cái lúa hublon làm men bia tận nước Tiệp nước Đức bây giờ đem sang sẵn lắm. Mà chẳng cần thế, nhà máy hoa quả đóng hộp ở Bạch Mai cũng làm được bia hơi cái men những qua đu đủ, quả chuối, cả sắn, cả ngô cũng thay được men hublon. Tôi đã được uống các thú bia ấy. Không phải chỉ uống bia suông với củ lạc, cái nem chua mà có cả bè bạn vui, gọi mang đến cả thịt chó thành bửa nhậu đàng hoàng. Sáng và chiều, các phố mới ở cánh đồng xưa đều nhộn nhịp tấp nập, lâu lâu mới ra đường thấy ngỡ ngàng.
Ấy thế mà cũng vào lúc chiều tà tà đi qua đứng lại thấy trước mặt những bọn các cô gái đi đánh giậm không biết ở đâu về hay ở truyện cô tích ra. Hơi bia làm mắt hoáng tưởng tượng thế thôi, thật thì các cô đi đánh giậm ở nhùng vùng đầm ao còn sót lại bên cạnh những nhà mới xây ngăn đằng kia. Những cô gái trong làng đi đánh giậm về, ra bán chợ chiều. Mỗi cô vác trên vai cái giậm, và cái giỏ con tép, con rô ron, con nhái thì đeo thắt lưng cạnh sườn. Hệt như ngày xưa cái cán giậm nhô ra đằng trước phơi vắt cái áo hoa cộc tay cái quần thâm lúc nãy lội bùn. Khi lên bờ, các cô đã thay cái áo sơ mi trắng, quần phăng hồng. Những vẫn vai vác giậm, đeo giỏ. Cả chục cô lẳng lặng đi.
Nhìn quần áo thì ngỡ là mới, nhìn cái giậm và bộ quần áo lội nước phơi trên cán thì tưởng lại gặp những cô nàng trong kỷ niệm mấy chục năm trước. Ai biết quanh đây vẫn còn lạch nước, có ruộng trằm, người trong làng vẫn đi mót đi bòn cái ăn như thửa nào. Có các quận các phường đô thị mới lan ra quanh thành phố vẫn còn thấy những cảnh trái ngược tương tự. Những cái đầm cái chuôm được quây lưới ni lông người ta nuôi ốc mít bán cho các hàng ốc hấp, bún ốc ở Tây Hồ. Còn bao nhiêu người từ Thanh Hoá ra, ở Thái Bình lên ngày ngày xuống hồ Tây mò hến, xúc ốc bươu ốc vặn, đêm đến trên vỉa hè các quán nhậu chân gà nướng, có cả ốc luộc chấm muối gừng nhắm rượu. Những cô đi đánh giậm ở những vùng nước còn lại ở đầm Sét, đầm Linh Đường. Và suốt đêm, những chiếc ba gác người đẩy người làm bò từ Hà Đông ra, trên chất những chiếc bồ nan lồng vào nhau chồng chất dài ngoằng như những khẩu đại bác “vua chiến trường”. Xe không nặng nhưng kềnh càng không được đi ban ngày, đấy là những cái bồ, cái bịch, cái nan làm cho ngoại thương đựng dứa, đựng chuối và hoa quả xuất khẩu.
Có khi nào bạn chợt thấy những chiếc xe đạp sau lưng chất một gò ngất nghểu những cái ống đánh lươn, cái lờ bẫy cá diếc, xe đạp qua các phố dọc dài nhốn nháo những người những xe bên hồ Hoàn Kiếm. Nếu để ý chắc là ngày ngày vẫn thấy. Cái phong lưu hôm nay mới chỉ là ăn xổi. Giàu nghèo và cũ mới còn lổn nhổn khắp nơi.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)
38. Cái túi nilon
Xin không nói về thời trang và nhà tạo mốt. Sáng tạo mốt thời trang, sáng tạo dường như khó. Nhưng nghĩ cho cùng lại thấy không khó. Như việc viết văn, ai cũng làm được, tôi cũng làm được Chỉ có, mốt của tôi không ăn khách thì vứt đi, mà mốt nào bắt mắt thì phát tài. Có thế thôi. Tôi muốn nói về những cái cứ tự nhiên mà thành mốt. Con người ta sống có văn hoá thì cái gì cũng phải ra nền nếp, ra thói quen, ra mốt. Như cái áo đổi vai. Các bác, các cô gồng gánh nhiều, lưng đẫm mồ hôi, vai áo chóng rách. Bèn mua miếng vải, nhuộm nâu non, may đổi cái vai, làm cái áo đổi vai.
Thế là áo đổi vai tự nhiên thành mốt. Nhưng cái áo đổi vai các cô mặc cũng tuỳ nơi, tuỳ lúc. Không mặc áo đổi vai ngày tết nhất. Và con nhà khá giả cũng chỉ mặc áo đổi vai đi chợ hay đi gồng gánh, không ai diện áo đổi vai đi xem hội. Ngày nay, áo đổi vai ba bốn thân thành thời trang trình diễn và lên sân khấu - tất nhiên, chẳng ai còn giữ cái áo đổi vai đi chợ hay đặt cái đòn gánh lên vai. Nhưng có làm cho hay mắt tới đâu, hãy giữ nếp cái dáng gốc áo đổi vai là nét đẹp toát lên từ bóng dáng làm ăn. Diện khéo thì hai miếng hai vai so le tượng trưng sự chuyển động đôi vai và không bao giờ miếng vải trên vai dài bằng vạt áo, dài hơn vạt áo.
Mốt do người ta nghĩ ra, như bây giờ. Như có những mốt do mọi nhẽ của đời sống mà nảy sinh cái đẹp hay cái lố lăng, cái bắt chước. Như cô dâu đi thuê váy trắng tám tầng, như có một dạo học sinh không cắp cặp, cầm túi, sách vở cuộn lại kẹp vào nách. Lại như bây giờ, các sinh viên đeo cái túi nhỏ con con, như túi con cóc trên lưng. Cũng cái túi con cóc ấy, chỉ mấy năm trước chắc chăng cô cậu nào thèm nhìn.
Ấy mới là thời thượng. Thời thượng và mốt không phải chỉ ở những cái ăn diện, mà cả mọi cái, mọi điều thông thường, hàng ngày. Ý ăn nhẽ ở nếp sống không phải chỉ ở những tính cách, thái độ ứng xử và hành động mà ở mọi nơi, ở tất ca những cái liên quan đến đời sống, kể cả những nhỏ nhặt nhất. Khạc nhổ bậy, ngoáy mũi, nặn trứng cá, vênh cằm lên nhổ râu, gãi rồi ngửi, xỉa răng giữa đường, rung đùi, bắt tay người lại ngoảnh mặt đi. Và cái nón, cái thúng, cái rổ, cái túi, cái khăn mạt, cái quần lót, cái móng tay, móng chân, đâu đâu cũng bắt đầu bằng những thói quen riêng mà có. Các bà các cô đi chợ cắp cái rổ (Không cắp rá. Cắp rá đi chợ các cụ bảo là điềm đói kém, đi ăn mày) nhưng cầm cái rổ cũng là cái đựng của người đi các chợ ven nội. Cái nhà trong làng chẳng mấy khi đi chợ mua mớ rau. Rau cỏ thường ngày hái ở vườn, nhặt ở bờ rào. Đã đi chợ là có việc mua bán đong gạo đong ngô, sắm giỗ tết, cho nên người ta còn mang quang gánh, đội cái thúng.
Đi chợ chẳng cắp rổ thì ngả nón xuống, mớ rau hay chiếc bánh đa đặt vào lòng nón. Không ai đi chợ chỉ đi tay không. Đã bao nhiêu năm, đả hàng đời cung cách đi chợ như thế. Cái rổ, cái thúng, cái quang gánh, cái nón đã đi vào ca dao, tục ngữ: Qua đình ghé nón trông đình...
Về sau thì thay đổi dần. Bây giờ muốn trông thấy cái rổ, cái thúng có lẽ phải đi chợ xa, lên chân núi Ba Vì hay là đến các thung lũng trong núi Tam Đảo.
Sau thời cái rổ, đến thời cái làn. Cái làn từ phố phường lan về mà lúc đầu người ta nhận xét hơi chế giễu: “Xách làn bắt chước người Kẻ Chợ”. Nhưng rồi cái làn được ưa chuộng và phổ biến. Cái làn đựng được nhiều thứ hơn cái rổ mà vẻ lại nhẹ nhàng, thanh lịch. Đầu tiên là cái làn mây có quai, nhưng màu sợi mây trắng bóng nhìn hơi rợ mắt, người ta ưa cái gì kín đáo, nền nã hơn. Rồi sinh ra cái làn tết bằng cỏ tế. Làn cỏ tế trông thô, nhưng màu nâu nhạt dịu dàng. Làn cỏ tế thoạt mới có tên là làn Hòn Gai vì làn đưa từ các vùng kẻ bể dưới Quảng Ninh lên. Gọi là làn Hòn Gai, chứ cỏ tế mọc trên gò, trên đồi đâu cũng có. Cỏ tế thân cứng, trâu bò không ăn, người trong làng đi cắt cỏ về phơi để đun bếp. Cỏ tế nỏ đượm lửa hơn rơm rạ.
Thời cái làn cỏ tế rồi cũng qua đi. Đến thời làn nhựa xuất hiện. Làn nhựa sặc sỡ như hoa nở, cái đỏ, cái xanh, cái vàng. So với cái rổ và chiếc làn cỏ tế, làn nhựa đẹp hơn và tiện dụng hơn. Chỗ nào cũng thấy làn nhựa đi phố, đi chợ, đàn ông đàn bà đều xách làn nhựa. Có người đi làm cũng để cái làn nhựa trước xe đạp. Bởi vì làn nhựa thật “đa năng”, nó đựng tài liệu, nó lại chứa được cả cái hộp đựng cơm và thức ăn bữa trưa ở cơ quan.
Đến bây giờ cái làn nhựa vẫn còn dùng nhưng làn nhựa không còn choán hết mọi cách chứa đựng, mà cái túi ni lon ra đời đã làm được tất cả - mặc dù cái túi ni lon mỏng dính, nhẽo nhợt, đựng xong một lần thì bỏ sọt rác. Nhưng rất sẵn.
Túi ni lon và dây chun cao su làm lạt buộc. Cái túi ni lon không có kích thước. Túi nhỏ đùm nước chấm đã pha dấm ớt hay đùm mắm tôm, đùm tương. Túi to đựng cả con gà đã làm lông mổ sẵn, đã luộc sẵn hay là con cá một cân, khúc cá mấy cân, lại còn nhét thêm mớ ốc nhồi, một bó hành. Kể ra thì cái túi ni lon được nhiều việc. Nhưng túi ni lon chỉ dùng được từ chợ về nhà. Chẳng ai đeo túi ni lon lỉnh kỉnh các thứ từ Hà Nội sang tận Bắc Ninh.
Và xách túi ni lon thì quá lôi thôi, lễ mễ. Ta hãy để ý một chị vừa ở chợ Long Biên ra, hai bên tay lủa tủa những túi ni lon dài ngắn, to nhỏ. Túi này miếng thịt lợn. Túi kia một túm những con nhộng. Rồi túi bánh cuốn, túi nước chấm về cho trẻ con ăn sáng, lại túi cháo sườn, lại lỉnh kỉnh những túi gì nữa.
Trông tạm bợ thế nào, không ung dung như cắp cái rổ, xách cái làn đi chợ. Thế mà cái túi ni lon cũng tồn tại ít nhất đã ngót hai mươi năm, từ sau khi bắc nam đất nước được thống nhất. Cũng lâu lâu rồi đấy mà vẫn nhếch nhác như người đi xe đạp, xe máy bịt cái khăn tay kín miệng.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)
39. Cò
Viết về “nạn cò”, tôi lấy từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của cụ Nguyễn Lân tra xem chữ cò đã sinh trưởng ra sao.
Chữ cò gốc nó chỉ con cò. Các loài cò: cò bạch (trắng), cò bợ, cò đen, cò hương, cò lửa, cò quăm, cò ruồi, cò thìa. Và biến hoá đi: con cò (ở khung cửi), bóp cò súng, mua con cò (tem), ông cò, cò trẻ con (dái trẻ con). Miêu tả điệu bộ: cò cử, cò cưa, cò dò, cò kè, cò quay. Và điệu hát: hát cò lả. Những chữ cò vào thế kỷ và gần đây: Cò súng bóp cò súng (rất nhanh), cò mồi, cò con, cò quay (cờ bạc bịp), thằng cò, cái cò.
Như chữ ông cò (nói tắt chữ Pháp: Commissaire là đội xếp, thơ Tú Xương: Thành Nam danh giá nhất ông cò, thì còn hiểu được, nhưng con cò tiếng miền Nam là cái tem bưu điện (có lẽ có khi tem bưu chính của Pháp in hình con cò chăng?), và điệu hát cò lả thì không đoán được nguồn gốc thế nào.
Mỗi chữ sinh sôi ra sao đều bởi hoàn cảnh của người và cộng đồng. Có chữ sống dai, có chữ chết yểu. Có khi cái áo sơ mi ni lông chim cò hết thời thì chữ áo chim cò cũng biến mất. Nhưng chữ thầy cò, cò mồi thì lộn kiếp và tồn tại dài dài.
Có hôm, ở Sài Gòn, tôi bàn với các bạn:
- Mai đi Lái Thiêu chơi vườn nhé.
Về Lái Thiêu mùa này đánh võng giữa vườn, rượu và trái cây, thức nhắm thì chủ vườn vớt đôi thằng ba ba dưới lạch lên. Ở bên thành phố mà chẳng khác đi du lịch vườn ở Vĩnh Long, ở Sa Đéc.
Mấy năm, khách ta khách Tây nhộn nhịp chơi vườn Lái Thiêu.
Nhưng tôi đã được trả lời:
- Vườn Lái Thiêu hết khách rồi.
- Năm rồi ngập nước à?
- Phải đâu. Tụi cò vườn tranh khách dữ quá. Khách ngán không đến nữa.
Ở đâu có ăn chơi thì đấy sinh ra cò. Cò đón mồi ra tận ngoài đường lớn, cò đưa khách vào vườn. Đông cò, đông khách rồi cò kéo, chia chác, có khi một lũ cò với cả chủ vườn ẩu đả nhau chí chết. Tây trông thấy cũng ớn, thế là mất khách. Xe vừa lên hết dốc đồi, vào đường thông Đà Lạt. Mấy cái xe máy rồ ra theo hai bên.
Bên trái:
- Các chú vô khách sạn Ngọc Lan. Đặc sản thú thiệt.
Bên phải nói to hơn:
- Các chú à, vũ trường Rừng Xanh có các em thứ thiệt!
Từ đấy vào tới chợ, xe này nhả thì xe khác cò bám, mời chào lao xao tương tự.
Đấy cũng gọi là cò, cò nhiều như kiến. Đến Ninh Bình, vào thắng cảnh Hoa Lư trong núi, một lũ người lau nhau xúm đến bán hương.
- Tao có hương rồi.
- Cháu đưa bác vào đền, nhiều đền cơ mà.
- Tao biết đường cả rồi.
Thằng bé vẫn lẵng nhẵng theo. Rồi nói:
- Bác cho cháu một nghìn.
- Tiền gì?
- Cháu ăn mày bác. Từ sớm chẳng bán được thẻ hương nào.
Tôi không cho, thằng bé phải bỏ đi. Nhưng mất người tây đầm đi trước thì chúng nó còn lẵng nhẵng đeo vào tận trong đền.
Ở Hà Nội, không gặp những cò như cò Đà Lạt, cò Lái Thiêu, nhưng các “nhà nghỉ” la liệt hầu hết ở các phố có bến xe, có nhà hàng và nơi khuất vắng đều có treo bảng, thế là chắc chắn ở đấy chẳng thiếu cò. Vả lại cái nghề cò giỏi xem tướng lắm.
Những người như tôi, trạc tôi. chúng nó thả lời làm gì cho mất công. Những cái cò ăn mày như ở Hoa Lư thì đâu cũng thấy. Khách ở các tỉnh, khách nước ngoài ở bờ hồ Gươm. Ở đền Quán Thánh đều được cò vây bọc các phía. Hay là quanh quán cá phố Trần Nhân Tông, lên đường thịt chó trên Nhật Tân, hay bia Hải Xồm, ốc ông Già. cò lại cò. Nghe nói các bến xe đường dài Hà Nội - Sài Gòn, các hàng quán dọc đường nhốt khách nuôi cả cò du côn... Cò bự hay cò ruồi thì cũng một giống cò. Ở đâu cũng có cò. Có điều cò thật như cò định nghĩa trong từ điển thì bị chết mất giống. Duy có cò biến tướng cò đểu cò người này thì càng nhiều.
40. Con khỉ, con dê
Ở nước ta, hầu như ở đâu có triền núi đá thì đấy có suối nước khoáng, suối nước nóng. Chỉ ra khỏi Hà Nội ngược lên sáu mươi cây số đã gặp suối nước nóng Kim Bôi, cũng xuống xuôi chừng ấy đường đã đến suối nước nóng Kênh Gà.
Bên nước Gruzia trong dãy núi đá kia chảy ra dòng suối nước nóng cỏn con mà người ta đã xây dựng ra các nhà nghỉ, nhà chữa bệnh, nào bể bơi, nào bồn ngâm nước, nào bể đắp bùn. Quanh năm, khách trong nước, ngoài nước đến chơi đến nghỉ đông nhiều vô kể, hốt bạc vô kể. Ở nước ta chẳng thiếu, nhưng du lịch và y tế chưa mấy nơi với tới. Ở Kim Bôi, nơi có suối nước nóng chảy ra, là Mớ Đá. Bên kia cánh đồng, xóm ở trong đồi, gọi là Mớ Đồi. Có ông khách nghỉ nói giễu: “Bao giờ có thêm suối nước nóng Mớ Đời nữa thì bấy giờ Kim Bôi mới đầy đủ chỗ chơi, chỗ an dưỡng được”. Bởi tuy rằng nước và thiên nhiên thì của trời cho nhưng phải có người lo toan và đắp tiền vào thì mới ra được mọi thứ lưu luyến khách.
Có một lần kia, nhà thơ Hoàng Trung Thông và tôi đi Sơn La. Bấy giờ má bay cũng hầu như hàng ngày ném bom tỉnh lỵ. Các cơ quan đều tránh vào trong núi. Khách được đưa đến ở lán trong vách núi của người làng chạy vào đấy. Cái suối nước nóng chảy ngang bên chân chúng tôi.
Nước nóng trong hốc đá tuôn ra. Khi lên bờ khói trắng bốc nghi ngút nước chay một quãng dài quanh sang bên kia núi, hoà vào suối cái. Cá lúc nhúc bơi vào làn nước ấm. Mỗi sớm, người trong xóm chỉ ra một quãng đồng đã được một mẻ cá. Xóm ấy quang năm năn canh cá, cá muối, cá nướng, đàn bà con gái trắng ngần đẹp thướt tha chẳng khác người suối Mường Kim bên Mùa Căng Chải. Cả đến đàn khỉ trên núi xuống, thỉnh thoảng lại được miếng xương cá, khỉ cũng béo tròn như con cun cút. Mấy hôm, ngày nào chúng tôi cũng ra cái hũm đá nằm ngâm nước cả buổi. Chẳng biết được bổ béo thế nào nhưng ở trong nước suối nóng ra, mình mẩy “nhẹ nhàng như ở động tiên trở về trần gian”.
Bao nhiêu năm qua, Hoàng Trung Thông cũng về cõi âm rồi, tôi chợt nổi húng muốn trở lại cái suối nước nóng ngày ấy. Đến Sơn La thì dễ đường thông thoáng và xe vào tận cái xóm ngày trước chạy bom. Chỉ có lối vào cái suối nước nóng thì không có đường. Hôm sau: tôi đi với một chú bé trong nhà, quần buộc túm lại mà xà phòng vẫn phải xát lên tận bẹn, không vắt bò lên. Lại còn phải bôi xà phòng quanh cổ để “vắt xanh trên cây không nhảy xuống bám được . Đường này bỏ đã lâu. sẵn các giống vắt lắm”.
Đánh đường vào rừng hoang, chú bé phải vừa đi vừa chặt cỏ tranh, có lát mở lối. Không ngờ vào đến suối bây giờ lại xa thế này. Tôi ngơ ngẩn ngồi trên một tảng đá. Khói nước nóng trắng mờ cả những cành lau ngả quanh. Bỗng thấy đụng đậy trong cỏ, tôi trông thấy mấy cái đầu con khỉ, mắt trố thô lố nhô ra. Thấy người: những cái đầu khỉ lại rụt vào. Rồi làn cỏ lung lay dài dài ra phía đằng kia, thì ra một đàn khi có mấy chục con kéo đi - chắc là bắt cá. Chúng thung dung không biết sợ người, con nào cũng mướt lông, béo mẫm - như ngày trước.
Tối ấy tôi ngủ trong xóm. Tôi nói với cụ chủ nhà:
- Ở trong núi có nhiều khỉ quá.
Chỉ có hai người với nhau mà ông già người Thái ấy vẫn nói thì thào:
- Ấy a. Ông đừng nói vối với ở đây có khỉ.
- Làng nuôi khỉ à?
- Không, trời nuôi thôi. Nhưng mà ai biết người ta về săn hết mất. Cả chín châu mười mường này có còn con khỉ nào đâu. Ông đừng nói với ai nhé.
Tôi nào biết nói với ai, mà tôi cũng chẳng buồn nói với ai.
Mấy hôm sau, tôi trở về suối nước nóng Mớ Đá ở Kim Bôi dưới Hoà Bình. Tôi cũng chẳng thiết cái nhà nghỉ nửa vời chẳng ra du lịch, chẳng ra công đoàn này, chỉ vì tôi cũng không còn hơi sức đâu để bò theo đám trẻ bây giờ ngày chủ nhật đi cắm trại ngủ rừng nữa rồi.
Cửa buồng tôi trông vào chân núi. Buổi chiều xuống nhà ăn từ lúc tan giờ hành chính để cho nhà bếp còn về. Cơm rượu rồi tôi ra ngồi nhìn lên những mỏm núi đá bắt đầu mờ mờ sương. Tôi lại trông thấy một đám mấy con khỉ đen nhờ nhờ chui trong bụi cây lên đứng trên mỏm đá. Y hệt đàn khỉ trong suối nước nóng trên Sơn La.
Tôi kêu lên:
- Ơ con khỉ. Con khỉ
Chú nhà buồng người Mường nhìn lên theo tay tôi trỏ, chú nói:
- Con dê đấy, ông ạ. Ông vừa ăn thịt dê lúc nãy. Bây giờ chẳng ở đâu còn khỉ. Đàn dê xóm Mớ Đá người ta nuôi, tối rồi dê đương về chuồng.
Tôi nhớ năm 1948, cách đây vừa nửa thế kỷ, có lần ở châu Đà Bắc về, tôi đi qua dốc Cun ngoài kia. Dốc Cun rừng lau, có tiếng lắm hổ, ban ngày không ai dám đi qua dốc Cun một mình. Tối ấy ngủ ở lán với bộ đội, nghe kể chiều hôm qua có con hổ ra vồ ăn thịt mất một anh bộ đội đứng gác. Tôi kể cho anh nhà buồng câu chuyện ngày trước hổ về vồ người ở dốc Cun. Anh im lặng một lát rồi nói:
- Bây giờ ở ngoài dốc Cun chỉ lắm ô tô, xe máy đâm chết người thôi.
Câu chuyện ngắt quãng ở đây. Từ suối nước nóng đến con khỉ, con hổ, con dê, cái ô tô, miên man rồi, xin dừng lại.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/