26/3/13

Cái chết của ba người lính ngự lâm (C14-15)

Chương 14

Hàng lậu


Hai ngày sau những biến cố chúng tôi vừa kể trên, và trong khi từng giờ từng phút ở đại bản doanh người ta chờ đợi Đại tướng Monck trở về thì một chiếc thuyền nhỏ của Hoà Lan, gồm có mười thủy thủ, đến bỏ neo ngoài bờ biển Schevenigen, cách đất liền khoảng một tầm đại bác. Lúc đó đang giữa đêm và nước thủy triều dâng lên trong bóng tối dày đặc - đây là lúc tốt nhất để đưa hành khách và hàng hoá lên đất liền.
Vịnh Scheveningen làm thành một vòng cung rộng lớn, nó không sâu lắm, và nhất là không được an toàn mấy cho nên người ta chỉ thấy có những chiếc thuyền Flamand và các thuyền Hoà Lan được thủy thủ kéo lên bờ trên các cây lăn - như ngày xưa Virgile đã nói. Khi nước triều lên, đổ dồn vào đất liền, tàu bè không dám đi sát vào bờ, vì dễ bị sa lầy rất khó kéo ra.
Có lẽ vì lý do này mà chiếc xuồng tách ra ngay khi thuyền bỏ neo, và tiến vào bờ với tám thuỷ thủ, ở giữa họ người ta nhận thấý một vật hình thuôn đài như một thùng lớn hay một thứ bành hàng.
Bờ biển vắng vẻ không một bóng người, vài ngư dân nhà ở trên cồn cát đã yên giấc. Người lính canh duy nhất gác bờ biển (một bờ biển không được canh gác kỹ lắm, vì lẽ tàu lớn không thể vào được nơi đây), tuy không thể hoàn toàn noi gương những ngư dân để lên giường nằm, nhưng cũng bắt chước họ đánh một giấc ngay trong chòi canh, cũng ngon lành như những kẻ ngủ trên giường. Vì thế tiếng động duy nhất người ta có thể nghe được là tiếng rít của từng cơn gió đêm lạnh lẽo qua những đám cỏ hoang mọc trên đồi cát. Nhưng những kẻ đang tiến vào bờ hẳn là những con người đầy nghi kỵ, vì cảnh im lặng thật sự và cái vẻ hoang vắng này không hề làm họ yên tâm chút nào; do đó chiếc xuồng của họ, trông chỉ như một điểm đen trên đại dương, lướt sóng không một tiếng động- họ tránh không dùng mái chèo và cặp sát vào đất liền ở nơi gần nhất.
Vừa nghe đáy xuồng chạm đất, một người nhảy ra sau khi đã cho một hiệụ lệnh ngắn ngọn, chứng tỏ ông ta thường quen chỉ huy. Tuân theo lệnh này, nhiều người mang những khẩu sung "mút" lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt của mặt biển phản chiếu lên và cẩn thận khiêng lên bờ cái vật hình thuôn dài đã nói mà trong đó chắc đựng thứ hàng lậu gì. Tiếp đó người đã phóng lên bờ trước nhất kia, liền chạy xéo về phía làng Scheveningen, tiến đến chỗ khu rừng nhô ra xa nhất. Đến nơi, ông ta tìm ngôi nhà mà đã một lần chúng ta thoáng thấy sau lùm cây và đã được giới thiệu như là một nơi tạm trú, một chỗ ở rất khiêm tốn của kẻ được người ta lịch sự gọi là "Vua nước Anh".
Tất cả đều đang yên ngủ cũng như ở những nơi khác, ngoại trừ một con chó lớn - thuộc giống chó mà các ngư dân làng Scheveningen thường dùng để kéo những chiếc xe chở cá của họ đến La Haye - con chó sủa lên dữ dội ngay lúc nó nghe thấy tiếng những bước chân của người lạ mặt vang lên trước các cửa sổ Nhưng những tiếng sủa báo động này thay vì làm cho người mới đến sợ hãi thì trái lại có vẻ làm cho ông ta vui mừng, vì chúng có thể thay tiếng gọi vô hiệu của ông để đánh thức những người ở trong nhà. Vì thế người lạ mặt chờ đợi cho đến khi những tiếng sủa vang rền và kéo dài của con chó đủ để gây hiệu quả, lúc đó ông ta mới cất tiếng gọi. Nghe tiếng ông, con chó càng sủa mạnh hơn. Liền đó bên trong nhà có tiếng người bảo con chó im. Rồi khi nó đã ngưng sủa thì có một giọng yếu ớt khàn khàn và lễ phép đưa ra:
- Ông muốn hỏi ai?
- Tôi muốn gặp Hoàng đế Charles Đệ nhị. - người lạ mặt đáp.
- Để làm gì?
Tôi muốn nói chuyện với ông ấy.
- Ông là ai?
- Ồ! Chán quá, ông hỏi quá nhiều, tôi không thích nói chuyện qua cánh cửa.
- Ông chỉ cần cho tôi biết tên ông là được rồi.
- Tôi cũng không thích xưng tên của mình ngay ngoài đường, hơn nữa, xin ông yên tâm, tôi sẽ không ăn thịt con chó của ông đâu, và tôi cũng cầu nguyện Chúa cho nó đừng ăn thịt tôi.
Người bên trong hỏi tiếp bằng một giọng kiên nhẫn và tò mò, như giọng của một ông già:
- Có lẽ ông mang tin tức đến?
- Tôi mang đến những tin tức rất bất ngờ? Tôi xin trả lời là tôi mang tin tức đến và tin thật bất ngờ nữa. Này, mở cửa đi chứ?
Người già lên tiếng tiếp:
- Thưa ông, ông có thật tin rằng những tin tức đó đáng để đánh thức Nhà vua dậy không?
- Chúa ơi! Ông bạn thân mến của tôi. Hãy kéo then cài cửa ra, tôi bảo đảm rằng ông sẽ không phải hối tiếc đâu. Tôi không phải là kẻ tầm thường, đây là lời nói danh dự của tôi?
- Thưa ông, dầu vậy tôi cũng không mở cửa nếu ông không xưng tên ra.
- Điều này cần lắm sao?
- Đó là lệnh của chủ tôi, thưa ông.
- Thế thì, đây là tên của tôi nhưng tôi xin báo trước rằng tên của tôi sẽ chẳng cho ông biết thêm được điều gì hết.
- Mặc kệ cứ nói đi.
- Được! Tôi là hiệp sĩ d'Artagnan.
Ông già ở bên cánh cửa kêu lên:
- Ôi! Chúa ơi, ông D Arlagnan! Còn sung sướng nào bằng! Nãy giờ, tôi vẫn tự bảo rằng giọng nói của ông sao nghe quen thuộc quá.
- Lạ! Người ta biết cả giọng nói của tôi ở đây! Thật hân hạnh quá.
- Ô vâng! Chúng tôi biết chứ, - ông già vừa nói vừa rút then cài cửa ra.
- Và bằng chứng là đây.
D'Artagnan bước vào, và trong ánh sáng của chiếc đèn lồng trên tay ông già, ông nhận ra ngay kẻ đối thoại cứng đầu của mình. Ông kêu lên:
- Chúa ơi! Parry đây mà? Đáng lẽ tôi phải biết chứ!
- Vâng, Parry đây, ông d'Artagnan thân mến, chính tôi đây! Được gặp lại ông, thật mừng quá!
D'Artagnan siết chặt tay ông già:
- Ông đã nói rất đúng: thật mừng quá! Ông sẽ báo cho Nhà vua hay chứ!
- Nhưng thưa ông thân mến, Nhà vua đang ngủ.
- Chán quá! Đánh thức ông ấy dậy, tôi bảo đảm với ông là Nhà vua sẽ không rầy ông đâu.
- Ông bá tước bảo ông đến đây, phải không?
- Bá tước nào?
- Bá tước De La Fère.
- Athos? Không, tôi đến đây là tự ý tôi. Nào, Parry, đánh thức Nhà vua nhanh lên! Tôi cần gặp Nhà vua?
Parry nghĩ không phải chần chừ lâu hơn nữa, ông ta đã biết d'Artagnan từ lâu, ông biết, mặc dầu là dân Gascon, ông này không bao giờ hứa quá những gì có thể làm được. Ông băng qua một cái sân và một khu vườn nhỏ, xoa dịu con chó cứ muốn xông vào cắn người hiệp sĩ, rồi đến gõ cửa căn phòng trệt của một biệt thự nhỏ.
Liền đó một con chó nhỏ trong phòng cất tiếng sủa phụ hoạ với con chó lớn ở ngoài sân.
D'Artagnan tự nhủ: "Vì vua tội nghiệp! Cận vệ của ông chỉ có bấy nhiêu đó; sự thật là ông đã được chúng bảo vệ rất sốt sắng.
- Có chuyện gì vậy? - ông hoàng hỏi từ cuối căn phòng.
- Thưa ngài, có hiệp sĩ d'Artagnan đem tin tức đến.
Liền đó, có tiếng động trong căn phòng, một cánh cửa mở ra và ánh đèn sáng khắp dẫy hành lang cùng khu vườn.
Ông hoàng đang làm việc dưới ánh sáng đèn. Những giấy tờ để rải rác trên bàn giấy, và ông đang thảo một lá thơ. Rất nhiều chữ bị gạch bỏ chứng tỏ ông đã bỏ công rất nhiều khi viết.
Ông quay mặt ra nói:
- Xin mời hiệp sĩ vào. - Rồi trông thấy người ngư dân, ông hỏi, - Parry, anh nói hiệp sĩ d'Artagnan ở đâu?
D'Artagnan đáp:
- Thưa Hoàng thượng, ông ta đang ở trước mặt ngài đây.
- Ăn mặc thế này à?
- Vâng. Xin Hoàng thượng hãy nhìn tôi: Hoàng thượng không nhận ra tôi là kẻ mà Hoàng thượng đã trông thấy ở Blois, trong phòng ngoài của vua Louis XIV sao?
- Thưa ông có chứ, và tôi cũng còn nhớ đã khen ngợi ông rất nhiều.
D'Artagnan nghiêng mình rất lịch sự:
- Đó chỉ là bổn phận của tôi khi biết là công việc có dính dáng đến Hoàng thượng.
- Ông nói là ông đem tin tức đến cho tôi, phải không?
- Thưa Hoàng thượng, phải.
- Chắc là của vua nước Pháp?
D'Artagnan đáp:
- Ồ! Thưa Hoàng thượng không, chắc Hoàng thượng cũng đã nhận thấy vua nước Pháp chỉ nghĩ đến mình ông ấy thôi.
Charles II ngước nhìn trời. D'Artagnan nói tiếp:
- Không, thưa Hoàng thượng, không. Tôi đem đến những tin tức, sự kiện của cá nhân. Tuy nhiên tôi mong rằng Hoàng thượng sẽ chịu nghe những sự kiện và tin tức này với ít nhiều hảo ý.
Xin ông cứ nói.
- Thưa Hoàng thượng, nếu tôi không lầm thì lúc ở Blois, Hoàng thượng đã nói đến những khó khăn của Hoàng thượng về vấn đề nước Anh.
Charles II đỏ mặt, ông nói:
- Thưa ông, tôi chỉ kể điều đó với một mình vua nước Pháp thôi.
Người ngự lâm lạnh lùng nói:
- Ô! Hoàng thượng hiểu lầm rồi, tôi biết cách nói chuyện với vua chúa khi họ gặp khốn cùng; còn họ, chỉ khi nào bị rơi vào cảnh hoạn nạn họ mới nói chuyện với tôi, và khi được sung sướng rồi, họ không nhìn đến tôi nữa. Vì vậy, tôi với Hoàng thượng bây giờ không những tôi chỉ biểu lộ sự tôn kính lớn nhất mà còn sự tận tâm tuyệt đối nữa, và Hoàng thượng cứ tin tưởng theo tôi, điều này mang một ý nghĩa không phải nhỏ. Và khi nghe Hoàng thượng là một người cao quý, rộng lượng và đang giỏi chịu đựng khốn khổ đấy.
Charles II ngạc nhiên nói:
- Tôi thật không biết nên thích sự tôn kính của ông hay những lời nhận xét quá táo bạo của ông.
D'Artagnan nói:
- Lát nữa Hoàng thượng sẽ lựa chọn. Lúc đó Hoàng thượng than thở với người anh em Louis XIV của mình về những khó khăn của Hoàng thượng khi muốn trở về nước Anh để lấy lại ngôi vua mà không có quân đội hay tiền bạc gì cả.
Charles II không kềm chế được một cử chỉ nóng nảy.
D'Artagnan nói tiếp:
- Và chướng ngại chính ngăn chặn con đường Hoàng thượng là một viên tướng nào đó chỉ huy các đạo quân của Nghị viện và đóng vai trò của một Cromwell ở tại đó. Có phải Hoàng thượng đã nói như thế không?
- Phải, nhưng tôi xin lặp lại với ông lần nữa rằng những lời đó chỉ giành cho một mình Nhà vua thôỉ.
- Rồi Hoàng thượng sẽ thấy là một điều may mắn khi những lời đó đã rơi vào tai của viên phó quan ngự lâm quân Pháp. Con người gây nhiều khó khăn cho Hoàng thượng đó là Đại tướng Monck; phải đúng là tên của ông ấy không, thưa Hoàng thượng?
- Phải, nhưng xin nhắc lại một lần nữa, là hỏi như thế có ích gì không?
- Ồ! Thưa. Hoàng thượng tôi biết rằng lễ nghi không cho phép đặt những câu hỏi với vua chúa. Tôi hy vọng lát nữa Hoàng thượng sẽ tha thứ cho tôi về tội vô lễ này. Hoàng thượng đã nói thêm với vua nước Pháp rằng nếu Hoàng thượng có thể gặp được viên tướng ấy và thảo luận mặt đối mặt với ông ta, thì Hoàng thượng có thể thắng được ông ta hoặc bàng sức mạnh hoặc bằng sự thuyết phục, thắng được chướng ngại thật sự, duy nhất quan trọng, duy nhất khó vượt qua trên con đường của ngài.
- Thưa ông, tất cả những điều đó đều đã là sự thật; số phận của tôi, tương lai của tôi tối tăm hay rực rỡ, đều tuỳ thuộc vào con người đó. Nhưng ông muốn đưa câu chuyện đến đâu?
Đến một điều duy nhất: nếu Đạị tướng Monck là trở ngại lớn lao cho Hoàng thượng như thế thì phương cách hay nhất là trừ khử ông ta hoặc biến ông ta thành một đồng minh.
- Thưa ông, một ông vua không quân đội cũng không tiền bạc, như ông đã biết cuộc nói chuyện với người anh em của tôi, thì không thể làm được gì một người như Monck hết.
- Thưa Hoàng thượng, đúng đó là ý kiến của Hoàng thượng nhưng thật may mắn cho Hoàng thượng, nó không phải là ý kiến của tôi.
- Sao? Ông nói sao?
- Tôi nói rằng, không cần quân đội và bạc triệu, tôi, chính tôi đã làm được điều mà Hoàng thượng tưởng chỉ có thể làm với quân đội và bạc triệu trong tay.
- Sao? Ông nói gì? Ông đã làm gì thế?
- Tôi đã làm gì à? Thế này, thưa Hoàng thượng tôi đã qua bên kia bắt con người ấy gây khó chịu cho Hoàng thượng đó.
- Ông đã sang Anh bắt Monck?
- Tôi có làm điều gì sai quấy không?
- Ông đã bắt được Monck?
- Thưa Hoàng thượng vâng.
- Ở đâu vậy?
Ngay tại trại quân của ông ấy, ở Newcastle, và tôi mang ông ấy đến đây cho Hoàng thượng, - D'Artagnan đáp một cách giản dị.
- Ông mang hắn đến đây xem! - ông hoàng kêu lên hơi bất bình, vì ông tưởng đây là chuyện bịp thôi?
D'Artagnan trả lời giọng vẫn bình thường:
- Thưa Hoàng thượng, phải. Tôi sẽ mang đến ngay, ông ấy đang ở ngoài kia trong một cái thùng lớn có khoét lỗ để thở.
- Chúa ơi!
Hoàng thượng cứ yên tâm? Chúng tôi đã săn sóc ông ấy thật chu đáo, Hoàng thượng muốn gặp ông ấy để nói chuyện hay thích ném ông ấy xuống biển?
- Ôl! Chúa ơi! - Charles II lặp lại. - Ôi! Chúa ơi! Thưa ông, ông nói thật đấy chứ? Ông không nói đùa để làm nhục tôi đấy chứ? Ông đã có thể làm được một việc tài tình và táo bạo chưa từng thấy như vậy sao? Không thể được!
D'Artagnan nói:
- Hoàng thượng cho phép tôi mở cánh cửa sổ ra nhé?
Nhà vua chưa kịp nói một tiếng, "ừ", thì d'Artagnan đã thổi hồi còi kéo dài lanh lảnh, và liên tiếp ba lần trong đêm tối vắng lặng.
- Xong rồi! - ông nói, người ta sẽ đem ông ấy đến cho Hoàng thượng.


Chương 15.

Những cổ phần của tổ hợp Planchet và công ty


Ông hoàng chưa hết ngạc nhiên, đứng nhìn từ gương mặt tươi cười của người lính ngự lâm đến chiếc cửa sổ mở ra trong đêm tối. Trước khi ông định thần được, thì tám người của d'Artagnan - vì có hai người phải ở lại giữ tàu - đã mang vào nhà trao cho Parry cái vật hình thuôn dài chứa đựng cả vận mệnh nước Anh.
Trước khi rời Calais, d'Artagnan đã cho đóng một loại hòm khá rộng và khá sâu đủ cho một người có thể day trở dễ dàng trong đó. Đáy và hai thành được lót nệm kỹ, làm thành một cái giường khá êm để cho người nằm trong đó không bị ảnh hưởng của sóng biển. Cái lỗ nhỏ được bịt bằng một miếng vỉ sắt thưa mà d'Artagnan đã nói với ông hoàng giống như thứ đã che mắt của một chiếc nón sắt, được khoét ngang tầm với gương mặt của người nằm ở bên trong. Nếu người tù thốt lên một tiếng thì chỉ một cái ấn mạnh qua cái lỗ có thể bóp nghẹt tiếng la, và nếu cần, cả người la.
D'Artagnan biết rất rõ các thuộc hạ của ông và ông biết rất rõ người tù nên trong một cuộc hành trình ông chỉ sợ có hai điều: Hoặc viên Đại tướng thích cái chết hơn là bị giam giữ một cách kỳ quặc như vậy nên có thể la hét lên để bị bóp cổ hoặc là những kẻ canh gác có thể bị Monck mua chuộc để thả ông ta ra và bắt d'Artagnan nhốt vào chỗ đó.
Do đó, suốt hai ngày và hai đêm, d'Artagnan đã ở bên cạnh cái hòm, một mình với viên đại tướng, đưa cho ông ta rượu nho và thức ăn - nhưng ông ta từ chối - và lúc nào cũng tìm cách trấn an ông ta về số phận đang chờ đợi ông ta sau chuyện giam cầm lạ lùng này. Hai khẩu súng lục đặt trên bàn và thanh kiếm tuốt trần đủ cho d'Artagnan yên tâm không sợ những người rình rập bên ngoài.
Đến Scheveningen, ông mới hoàn toàn yên tâm. Đám thuộc hạ của ông rất ngại mọi cuộc xung đột với nhà chức trách trên đất liền. Hơn nữa, trong số những người này, ông đã tìm được một gã rất trung thành một phụ tá rất đắc lực mà chúng ta đã nghe gọi tên Menneville. Người này đầu óc không kém cỏi nên phải chịu nhiều rủi ro hơn vì có nhiều lương tâm hơn những người kia. Anh tin rằng phục vụ d'Artagnan sẽ được một tương lai tốt đẹp, và do đó anh ta thà chịu bị chém ra từng mảnh hơn là phản bội kẻ chỉ huy mình. Vì thế, sau khi lên đất liền, d'Artagnan đã giao cho anh ta trông coi cái thùng chứa viên Đại tướng. Và ông cũng dặn anh ta cùng bảy người khác mang cái thùng lên, ngay sau khi nghe ba hồi còi liên tiếp. Và anh ta đã thi hành lệnh này một cách trọn vẹn.
Sau khi cái thùng được đem vào, d'Artagnan mỉm cười nhã nhặn cho đám thuộc hạ lui ra, và bảo họ:
- Các bạn đã giúp được một việc rất lớn cho vua Charles II.
Người sẽ lên ngôi vua nước Anh trong sáu tuần lễ nữa. Tiền thưởng của các bạn sẽ được tăng gấp đôi; bây giờ cac bạn hãy trở về tàu chờ tôi.
Thế là tất cả đều lui ra với những tràng la hét vui mừng làm cho cả con chó cũng phải hoảng hốt.
D'Artagnan cho khiêng cái thùng vào tận tiền phòng của Nhà vua. Ông cẩn thận đóng tất cả các cửa phòng rồi mở thùng ra và nói với viên đại tướng:
- Thưa Đại tướng, tôi phải xin lỗi Đại tướng đến cả ngàn lần. Tôi mới được biết những cách thức hành động của tôi thật không xứng đáng với một người như ông. Nhưng tôi cần được ông xem là một chủ thuyền và Anh quốc lại là một xứ mà việc chuyên chở khá bất tiện. Cho nên, tôi hy vọng ông nghĩ đến tất cả những điều đó để tha lỗi cho tôi. Nhưng ở nơi đây thì thưa Đại tướng- D'Artagnan nói tiếp, - ông được tự do đứng dậy và đi lại.
Nói xong ông cắt đứt những sợi dây trói hai cánh tay và hai cổ tay của viên đại tướng. Ông này ngồi dậy mang vẻ mặt của một người đang chờ chết.
D'Artagnan bèn mở cánh cửa văn phòng Charles II ra và nói với ông hoàng:
- Thưa Hoàng thượng, đây là kẻ thù của Hoàng thượng, ông Monck, tôi đã làm xong việc này để giúp Hoàng thượng, bây giờ xin Hoàng thượng hãy ra lệnh. Ông Monck, - D'Artagnan quay về phía người tù nói tiếp, - ông đang đứng trước vua Charles II, vị chúa tể của nước Anh.
Monck lạnh lùng ngước nhìn ông hoàng trẻ tuổi rồi trả lời cứng cỏi:
- Tôi không biết một nhà vua nào của nước Anh hết, tôi cũng không biết một kẻ nào ở đây xứng đáng được gọi là nhà quý tộc, bởi vì nhân danh vua Charles II, một kẻ mà tôi đã lầm tưởng là một người có danh dự đã hèn hạ giăng bẫy bắt tôi. Tôi đã mắc bẫy, tôi đành chịu thôi. Bây giờ, ông, kẻ đã xúi giục.
Ông ta nói với ông hoàng và D'Artagran:
- Các ông hãy nhớ những lời tôi sắp nói với các ông: các ông đã bắt được thân xác tôi, các ông có thể giết chết nó, tôi khuyên các ông nên làm điều đó, bởi vì các ông sẽ không bao giờ điều khiển được linh hồn tôi cũng như ý chí của tôi. Và bây giờ, đừng hỏi tôi một lời nào hết, bởi vì kể từ lúc này, tôi sẽ không hề mở miệng ra nữa, dẫu là để la thôi. Tôi nói xong rồi.
Ông ta nói những lời này với vẻ quả quyết mạnh mẽ, không gì lay chuyển nổi của người tín đồ Thanh giáo sùng đạo nhất. D'Artagnan nhìn tù nhân của mình với cặp mắt của một người biết rõ giá trị của mỗi lời nói và biết ấn định giá trị tuỳ theo giọng nói. Ông nói nhỏ với ông hoàng:
- Đại tướng thật đúng là một con người cương quyết: đã hai ngày rồi ông ta không chịu ăn một miếng bánh mì nào, cũng chẳng chịu uống một giọt rượu nào, nhưng vì kể từ lúc này chính Hoàng thượng đã quyết định số phận của ông ta, tôi không còn xen gì vào chuyện này nữa, như Pilate (1) nói vậy.
Monck khoanh tay đứng chờ, vẻ mặt tái xanh và chấp nhận, đôi mắt bất động. D'Artagnan quay sang ông ta:
- Ông cũng thừa hiểu là lời nói của ông, mặc dầu rất đẹp đấy vẫn không thể có ích lợi gì cho ai, ngay cả cho ông. Khi xưa, Nhà vua muốn nói chuyện với ông, nhưng ông đã từ chối gặp Nhà vua, bây giờ, do một sức mạnh không tuỳ thuộc vào ý muốn của ông, ông bị bắt buộc phải đối diện với Nhà vua, tại sao ông lại khiến chúng tôi phải buộc lòng áp dụng những biện pháp cứng rắn vô lý và không có ích lợi gì? Nói đi, đồ quỷ sứ! Dầu là chỉ để nói một tiếng "không"!
Monck không hé môi. Monck không quay sang chỗ khác.
Monck bận mân mê hàm râu. Tất cả báo hiệu sự việc sắp biến chuyển đến chỗ tồi tệ rồi.
Trong lúc đó, Charles II đang trầm ngâm suy nghĩ. Lần đầu tiên, ông đứng trước mặt người mà ông hằng muốn được gặp, và với cái nhìn tinh tế đặc biệt của Chúa đã dành cho chim ưng và các vì vua, ông đã thấy rõ tâm hồn Monck.
Ông thấy rõ Monck thà chịu chết còn hơn là nói, điều này không có gì lạ đối với một người có giá trị như Monck, huống chi trong lúc này lòng tự ái đang bị tổn thương nặng nề.
Charles II bèn chọn ngay một quyết định, một quyết định thuộc loại có thể làm cho một người thường phải mất mạng, một vị Đại tướng mất hết sự nghiệp, và một nhà vua mất cả vương quốc của mình. Ông nói với Monck:
- Thưa ông, ông hoàn toàn có lý ở một vài điểm nào đó. Vì vậy, tôi sẽ không bắt buộc ông phải trả lời, tôi chỉ yêu cầu ông nghe tôi nói thôi.
Ông hoàng im lặng nhìn Monck một lúc trong khi ông này vẫn giữ vẻ thản nhiên. Ông hoàng nói tiếp:
- Thưa ông, lúc nãy ông đã trách móc tôi một cách thậm tệ ông nói tôi đã phải một người đến Newcastle để gài bẫy bắt ông. Chính ông d'Artagnan hiện đang có mặt ở đây cũng không hiểu gì hết về điều ông vừa nói, ông d'Artagnan mà trước hết tôi phải chân thành biết ơn vì lòng tận tâm của ông ấy.
D'Artagnan kính cẩn nghiêng mình ra dấu cảm tạ. Nét mặt của Monck vẫn không một chút xao động.
- Tôi nói rõ điều này không phải để bào chữa cho tôi: ông d'Artagnan đã tự ý sang nước Anh, không do lệnh của tôi, không vì một quyền lợi riêng tư nào, cũng chẳng có một chút hy vọng nào, hành động như một người quý tộc thật sự, chỉ để giúp đỡ một ông vua khốn khổ và chỉ để thêm một hành động đẹp đẽ vào vô số những hành động đẹp đẽ khác của ông trước đây trong cuộc đời D'Artagnan hơi đỏ mặt cất tiếng ho để giữ vẻ tự nhiên.
Monck vẫn không hề nhúc nhích. Ông hoàng tiếp lời:
- Ông không tin những điều tôi vừa nói phải không, ông Monck? Tôi hiểu: những tấm gương tận tâm như vậy rất hiếm thấy.
D'Artagnan kêu lên:
- Thưa Hoàng thượng, ông Monck sẽ lầm lẫn rất lớn nếu không tin Hoàng thượng. Bởi vì những điều Hoàng thượng vừa nói là tất cả sự thật, và sự thật này chính xác đến độ việc tôi đi tìm đưa Đại tướng về đây có vẻ như là một hành động trái ngược với tất cả những điểm vừa nói trên. Nếu đúng như vậy, tôi thật vô cùng hối tiếc.
- Ông d'Artagnan, - ông hoàng kêu lên, vừa nắm lấy tay ông, - Xin hãy tin rằng ông đã giúp tôi một việc lớn như là lấy lại ngôi báu cho tôi vậy, bởi vì ông cho tôi thấy nơi ông một người bạn mà tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn và thương mến.
Ông hoàng thân ái siết chặt bàn tay người lính ngự lâm rồi quay sang chào Monck, nói tiếp:
- Và một kẻ thù mà giá trị sẽ được tôi luôn luôn kính phục kể từ đây.
Đôi mắt của người tín đồ Thanh giáo sáng lên một chút, rồi gương mặt sau một thoáng tươi lên lại trở về với vẻ lặng lẽ tối, Charles II nói tiếp:
- Này ông d'Artagnan, câu chuyện đã xảy ra như sau: ông Bá tước De La Fère, mà tôi chắc là ông có biết, đã đi Newcastle.
- Athos? - D'Artagnan kêu lên.
- Phải, chắc đó là tên ông ấy dùng trong chiến trận. Vậy, Bá tước De La Fère đã đi Newcastle, và có lẽ ông sắp đưa ông lên gặp tôi hay những người thuộc phe tôi để thảo luận, thì ông đã can thiệp vào cuộc điều đình bằng một cách nhìn như không được êm ái lắm.
D'Artagnan đáp:
- Chán quá? Có lẽ đúng là Athos vào trong trại, cùng một buổi tối với tôi và các ngư dân của tôi.
Một cái nhíu mày thoáng qua của Monck cho d'Artagnan biết ông đã đoán đúng. Ông lẩm bẩm:
- Phải, đúng rồi, lúc ấy hình như tôi có nhận ra hình dáng và tiếng nói của ông ta. Tôi thật đáng bị nguyền rủa? Ôi? Xin Hoàng thượng hãy tha lỗi cho tôi, thế mà tôi tưởng mình đã sắp xếp chương trình hành động một cách thật hoàn hảo rồi.
Ông hoàng nói:
- Thưa ông, chẳng có điều gì sai cả, chỉ có trừ có việc Đại tướng tố cáo tôi đã giăng bẫy để bắt ông ấy. Không, Đại tướng, đó không phải là vũ khí mà tôi có ý định sử dụng để chống lại ông, rồi chốc nữa ông sẽ thấy. Trong khi chờ đợi, xin ông hãy tin ở danh dự quý tộc của tôi, tin đi! Bây giờ, xin ông d'Artagnan một câu. Là ông sẵn sàng theo ý tôi phải không?
- Hoàng thượng đã thấy rõ điều đó. Quá rõ!
- Tốt lắm. Một người như ông nói một lời là đủ. Hơn nữa, bên cạnh lời nói còn có những hành động. Đại tướng hãy đi theo tôi, cả ông d'Artagnan nữa.
D'Artagnan tuân lệnh, hơi ngạc nhiên. Charles II bước ra, Monck đi theo, d'Artagnan đi sau Monck. Charles đi theo con đường mà d'Artagnan đã đến.
Chẳng bao lâu gió biển mát lạnh đập vào mặt của ba người đi trong đêm. Charles mở một cánh cửa nhỏ và đi được năm mươi bước, họ lên đến đồi cát, lúc nước triều đã rút trông như một con quái vật mệt mỏi đang nằm nghỉ. Charles II bước đi, đầu cúi xuống, vẻ suy tư, tay giữ bên trong chiếc áo choàng.
Monck theo sau, tay buông thõng, dáng mắt lo âu. D'Artagnan đi sau rốt bàn tay đặt trên đầu cán gươm.
Charles hỏi người lính ngự lâm:
- Chiếc tàu đã đưa các ông đến đây ở đâu?
- Thưa Hoàng thượng, ở đằng kia, tôi có bảy thuỷ thủ và một sĩ quan đang đợi ngoài chiếc xuồng nhỏ chỉ có một ánh đèn duy nhất soi sáng.
- À! Phải rồi, tôi thấy rồi, chiếc xuồng đã được kéo lên bãi cát, nhưng chắc chắn các ông không đi từ Newcastle đến đây bằng chiếc xuồng đó phải không?
- Thưa Hoàng thượng không, tôi thuê một chiếc tàu nhỏ, hiện đang bỏ neo cách bờ một tầm đại bác. Chúng tôi đã làm cuộc hành trình trên chiếc tàu đó.
Ông hoàng nói với Monck:
- Thưa ông, ông được tự do.
Monck, dầu có ý chí mạnh mẽ đến mấy, cũng không kềm được một tiếng kêu kinh ngạc. Ông hoàng tiếp tục:
- Chúng ta sẽ đánh thức một ngư dân trong làng đem tàu của ông ta chở ông đến nơi nào ông muốn ngay đêm nay. Ông d'Artagnan đây sẽ theo hộ tống ông. Ông Monck, tôi đặt ông d'Artagnan dưới sự bảo vệ của danh dự ông.
Monck buộc miệng thốt ra một tiếng kêu nhỏ ngạc nhiên và d'Artagnan cũng thở dài. Ông hoàng nhìn như không hề chú ý đến điều này, đến gõ cánh cửa gỗ thông của căn nhà gặp đầu tiên trên đồi cát và ông kêu lên:
- Keyser! Thức dậy đi!
- À! Thưa ngài, - Keyser đứng dậy và kêu lên, người hãy còn quấn nguyên chiếc buồm trong đó anh đã ngủ như người ta ngủ trong một chiêc võng, - ngài cần việc gì?
Charles II nói:
- Chủ tàu Keyser, anh cho ra khơi ngay lập tức. Đây là ông khách mướn tàu của anh và sẽ trả tiền cho anh rất hậu, anh hãy phục vụ ông ta thật đàng hoàng.
Rồi ông hoàng lùi ra sau vài bước để Monck được tự do nói chuyện với người ngư dân.
Monck ráng nói tiếng Hòa Lan để người ngư dân có thể hiểu được ông:
- Tôi muốn qua Anh.
- Ngay bây giờ, nếu ông muốn.
Monck hỏi:
- Nhưng có lâu lắm không?
- Thưa ngài, không tới nửa giờ đâu. Con trai lớn của tôi hiện đang chuẩn bị tàu vì lẽ chúng tôi phải đi đánh cá vào lúc ba giờ sáng.
Charles II tiến đến gần hỏi:
- Thế nào việc xong rồi chớ?
Người ngư dân nói:
- Còn vấn đề giá cả?
Charles II nói:
- Vấn đề đó để tôi lo, ông đây là bạn của tôi.
Câu nói này khiến Monck giật nẩy mình nhìn Charles II.
- Được rồi, thưa ngài - Keyser đáp.
Đúng lúc đó, người ta nghe tiếng tù và do con trai lớn của Keyser thổi từ ngoài bờ biển.
Ông hoàng nói:
- Thôi bây giờ các ông hãy lên đường đi.
D'Artagnan nói:
- Xin Hoàng thượng vui lòng cho tôi vài phút. Tôi có thuê một số người đi theo, bây giờ đi một mình, thì tôi cần phải báo cho họ biết.
Charles cười:
- Ông hãy huýt sáo kêu họ đến đây.
D ' Artagnan huýt sáo thật, trong khi ông chủ Keyser lên tiếng trả lời cho người con trai, và bốn thuỷ thủ chạy lại dưới sự hướng dẫn của Menneville.
D'Artagnan vừa nói, vừa trao cho họ một cái túi đựng hai ngàn trăm trăm đồng louis vàng.
Đây một số tiền lớn đưa trước cho các anh. Hãy đến Calais chờ tôi, ở nơi mà các anh biết rồi đó.
Rồi d'Artagnan thở ra một hơi dài, đặt túi tiền vào tay của Menneville. Các thuỷ thủ kêu lên:
- Sao! Ông rời bỏ chúng tôi sao?
D'Artagnan nói:
- Chậm hay nhanh làm sao biết được? Nhưng với hai ngàn năm trăm đồng này và hai ngàn năm trăm đồng các anh đã lãnh trước, tiền thế là đủ rồi, theo như chúng ta đã thoả thuận với nhau. Vậy chúng ta từ giã nhau thôi.
- Nhưng còn chiếc tàu?
- Các bạn đừng lo.
- Đồ đạc của chúng tôi đang để ở trên tàu.
- Hãy lên tàu lấy đi, rồi lên đường ngay.
D'Artagnan tiến về phía Monck.
- Thưa ông, tôi đang chờ lệnh của ông, bởi vì chúng ta sẽ đi chung với nhau, trừ phi sự hiện diện của tôi bên cạnh ông không làm ông thích lắm.
Monck nói:
- Trái lại, thưa ông.
Charles II chào viên đại tướng một cách rất trịnh trọng đàng hoàng.
- Ông sẽ tha thứ cho tôi về sự bực mình và sự thô bạo mà ông đã phải chịu đựng, một khi ông biết rõ tôi không phải là kẻ đã gây ra chúng.
Monck nghiêng mình chào, không trả lời. Về phần mình, Charles II làm bộ không nói riêng một lời nào với d'Artagnan nhưng lại cao giọng:
- Xin cảm ơn hiệp sĩ một lần nữa, cảm ơn những sự giúp đỡ của ông. Chúa đã đền đáp cho ông, và dành riêng cho tôi những thử thách và đau khổ.
Monck đi theo Keyser và con trai ông ta bước lên tàu.
D'Artagnan theo sau họ, nói lẩm bẩm:
- Ôi! Ông bạn Planchet đáng thương của tôi, tôi sợ cú áp phe của chúng ta thất bại quá!
Suốt thời gian vượt biển. Monck chỉ nói chuyện với d'Artagnan trong những trường hợp thật cần thiết. Thí dụ, khi d'Artagnan trễ giờ ăn, một bữa ăn nghèo nàn chỉ có cá muối mặn và bánh bích quy, thì Monck gọi ông và nói: "Mời ông dùng bữa!"
Chỉ bấy nhiêu đó thôi. Chính vì ông rất ít nói trong những trường hợp quan trọng. D'Artagnan không rút ra từ sự kiện đó một ước đoán nào về kết quả của sứ mệnh được giao. Thế rồi, vì có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi, ông liền loay hoay tìm hiểu xem bằng cách nào Athos đã gặp Charles II, đã bàn định với ông hoàng như thế nào và bằng cách nào đã vào được đại bản doanh của Monck.
Cuối cùng, sau hai đêm và hai ngày vượt biển, chiếc tàu của Keyser chạm đất liền, ở một nơi theo lệnh Monck - kẻ chỉ huy chiếc tàu suốt thời gian vượt biển.
Nơi này ngay một cửa con sông nhỏ, gần nhà Athos đang ở Trời đã gần tối. Chiếc tàu vẫn tiếp tục chạy ngược lên dòng sông. Nhưng Monck vì quá nôn nóng, nên ra lệnh đổ bộ lên bờ, và chiếc xuồng của Keyser đưa ông và d'Artagnan cặp vào bờ sông đầy bùn. d'Artagnan, nhẫn nhịn tuân lệnh, đi theo Monck như một con gấu bị xiềng phải đi theo chủ.
Nhưng cảnh ngộ này không khỏi làm ông cảm thấy nhục nhã, và ông càu nhàu nho nhỏ rằng làm việc cho các vua chúa thật là một điều cay đắng.
Monck đi từng bước dài. Trông ông ta có vẻ như chưa hoàn toàn chắc chán đã đặt chân trở lại nước Anh. Chẳng bao lâu người đã trông thấy rõ ràng những ngôi nhà của thủy thủ và ngư dân rải rác dọc theo khu bến cảng nhỏ bé. Bỗng d'Artagnan kêu lên:
- Kìa! Có một ngôi nhà đang cháy!
Monck ngước mắt lên. Quả thật, một ngôi nhà đang bắt đầu làm mồi cho thần lửa. Ngọn lửa đã phát ra từ một nhà kho nhỏ sát bên và đã bắt đầu liếm lên mái nhà kho. Hai người lữ hành vội vã chạy đến, họ nghe những tiếng la hét, và khi đến gần họ trông thấy những binh sĩ đang vung vũ khí của mình lên và chĩa nắm đấm về phía ngôi nhà đang cháy. Monck đứng sựng lại trong một lúc, và lần đầu tiên nói lên ý nghĩ của mình:
- Này! Có lẽ họ không còn phải là binh sĩ của tôi nữa, mà là của Lambert đấy!
Những lời này vừa bao hàm một sự đau khổ, một nỗi lo sợ và một sự trách móc mà d'Artagnan rất thông cảm. Thật vậy, trong lúc Đại tướng vắng mặt. Lambert có thể đã động binh, đã đánh tan tành đạo quân ủng hộ Nghị viện và đã chiếm đóng căn cứ của Monck. Trước ý tưởng này được truyền từ đầu óc của Monck sang đầu óc của mình. D'Artagnan suy luận như sau: "Một trong hai trường hợp sau đây có thể xảy ra: hoặc là Monck nói đúng thì trong vùng bây giờ chỉ còn có những người thuộc phe của Lambert và những kẻ này sẽ tiếp đón tôi một cách nồng hậu bởi vì nhờ tôi mà họ đã chiến thắng, hoặc là tình thế vẫn như cũ, không có gì thay đổi cả và Monck vui mừng thấy trại quân của mình vẫn còn nguyên vẹn, sẽ không tỏ quá cứng rắn trong việc trả thù.
Trong khi suy nghĩ như vậy, hai người lữ hành vẫn tiếp lục đi tới, và tiến đến giữa một toán thuỷ thủ đang đau đớn nhìn ngôi nhà bị cháy nhưng không dám thốt lên một lời nào vì họ sợ những lời đe doạ của đám binh sĩ. Monck hỏi một ngư dân:
- Chuyện gì xảy ra thế?
Người này trả lời, mà không nhận ra Monck là một sĩ quan vì chiếc áo khoác ngoài bao phủ cả người ông ta.
- Thưa ông, trong nhà này có một người lạ ở và các binh sĩ thấy người lạ này có vẻ khả nghi. Họ muốn xông vào nhà để bắt ông ta về trại, nhưng ông ta chẳng hề nao núng trước số đông và đe doạ sẽ bắn chết kẻ nào dám vượt qua bậc thềm, một binh sĩ toan xông vào liền bị người Pháp đó hạ ngay bằng một phát súng lục.
D'Artagnan nói, hai bàn tay xoa vào nhau:
- À! Đó là một người Pháp? Được lắm.
Người ngư dân hỏi:
- Sao, được là sao?
- Không, ý tôi muốn nói. Nhưng sau đó thế nào?
- Thưa ông, sau đó các binh sĩ khác đã nổi điên lên như cọp dữ, họ bắn hơn một trăm phát súng "mút! vào nhà. Nhưng người Pháp đó núp đằng sau bức tường, và mỗi lần một sĩ quan muốn xông vào cửa lớn, anh ta liền lãnh ngay một phát đạn rất chính xác, do người đầy tớ của người Pháp bắn. Mỗi lần binh sĩ muốn áp sát cửa sổ, họ được khẩu súng lục của người chủ tiếp đón. Các ông đến đi, có bảy người bị hạ nằm dưới đất kia!
D'Artagnan kêu lên:
- A! Người đồng bào dũng cảm của tôi. Hãy chờ một chút, tôi sẽ đến vớì bạn, và chúng ta sẽ cho bọn khốn này một bài học?
Monck nói:
- Khoan đã thưa ông, hãy chờ tôi một chút.
Đoạn ông day qua người ngư dân hỏi với một sự xúc động mà tất cả nghị lực của ông cũng không thể nào đè nén được:
- Ông bạn của tôi ơi, xin ông bạn cho biết những binh sĩ này là của ai?
- Ông muốn họ là của ai nữa nếu không phải là của tên tướng Monck nổi dại lên?
- Vậy là không có trận đánh nhau nào xảy ra cả à?
- Có cần gì đâu? Đạo quân của Lambert tan rã như tuyết tháng tư. Ai cũng đều về với Monck. Trong tám ngày nữa Lambert sẽ không còn đến năm mươi người lính.
Người ngư dân ngưng lại vì một loạt súng khác nã vào nhà và một phát súng lục đáp lại làm một kẻ tấn công liều lĩnh nhất bị hạ. Sự tức giận của toán binh sĩ lên đến tột độ.
Trong khi đó, ngọn lửa vẫn hoành hành, một cụm lửa và khói xoáy tròn trên nóc nhà, d'Artagnan không thể giữ kiên nhẫn được lâu, ông liếc xéo Monck và nói:
- Chán quá! Ông là tướng, ông để mặc binh sĩ của ông đốt nhà và sát hại thường dân, và ông vừa nhìn cảnh đó một cách bình thản, vừa sưởi ấm hai bàn tay của ông như thế à?
Monck mỉm cười:
- Ông hãy kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn!
- Kiên nhẫn? Kiên nhẫn. Cho đến khi nào người quý tộc dũng cảm đó bị "rô-ti" phải không?
Và d'Artagnan lao mình đi.
- Đứng lại! - Monck nói bằng một giọng ra lệnh.
Và ông ta tiến về phía ngôi nhà. Cùng lúc ấy, một sĩ quan cũng đến gần, và nói với kẻ bị vây:
- Nhà cháy rồi, trong một tiếng đồng hồ nữa nhà ngươi sẽ bị nướng! Bây giờ hãy còn kịp; nào, hãy nói những gì nhà ngươi biết về Đại tướng Monck, và chúng tao sẽ tha cho mày sống. Trả lời đi nếu không thì.
Kẻ bị vây không trả lời, có lẽ anh ta đang lắp thêm đạn vào khẩu súng lục. Viên sĩ quan nói tiếp:
- Bọn tao đang gọi thêm quân tiếp viện, trong một khắc nữa sẽ có một trăm quân chung quanh ngôi nhà này.
- Câu trả lời của tôi là - người Pháp nói, - tôi muốn tất cả các binh sĩ phải rút ra khỏi nơi đây, tôi muốn được tự do đi ra, và một mình đi đến đại bản doanh, nếu không tôi sẽ chiến đấu cho đến chết!
D'Artagnan kêu lên:
- Trời ơi! Tiếng của Athos! Đồ quân khốn kiếp! - Và thanh kiếm của d'Artagnan vung lên sáng lóe ngoài vỏ.
Monck ngăn ông lại và chính ông ta cũng dừng lại, đoạn nói bằng một giọng rất vang:
- Này! Các người đang làm gì ở đấy? Digby sao lại đốt? Sao lại la hét thế này?
- Đại tướng! - Digby kêu lên. Và buông gươm xuống.
- Đại tướng! - Các binh sĩ lặp lại.
Monck nói:
- Sao! Có điều gì đáng ngạc nhiên đâu?
Rồi khi im lặng đã trở lại, ông hỏi tiếp:
- Nào, ai đốt nhà?
Các binh sĩ đều cúi đầu. Monck nói:
- Kìa? Tôi hỏi sao các anh không trả lời? Ngọn lửa vẫn bốc cháy kìa?
Lập tức, hai mươi binh sĩ xông vào dập tắc ngọn lửa, cũng hăng hái như lúc họ đã đốt nó lên. Nhưng trước đó, và trước hết, d'Artagnan đã dựng một cái thang vào tường nhà và kêu lớn:
- Athos! Tôi đây, d'Artagnan đây! Đừng bắn, bạn thân mến!
Vài phút sau, ông ôm siết bị Bá tước trong tay. Trong lúc đó, Grimaud vẫn bình tĩnh như thường, đi phá bỏ những chướng ngại vật đặt ở nhà dưới, và sau khi đã mở cánh cửa lớn ra, đứng khoanh tay bình thản ngay thềm cửa. Chỉ khi nghe tiếng nói của d'Artagnan, ông ta mới thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, các binh sĩ, dẫn đầu là Digby, đến trình diện:
- Thưa Đại tướng, xin Đại tướng tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi làm việc này chỉ vì lòng yêu thương đối với Đại tướng vì cứ ngỡ là ngài đã mất tích rồi.
- Các anh điên rồi. Mất tích à? Một con người như ta có thể mất tích được sao? Nếu ta thích, ta không thể vắng mặt được vài ngày mà không cần phải báo trước sao? Hay là các anh xem ta như một tay trưởng giả ở kinh đô. Một nhà quý tộc, bạn ta, khách của ta, sao lại phải bị truy nã, vây hãm và bị đe doạ giết chết vì bị nghi ngờ? Các anh có hiểu nghĩa của chữ nghi ngờ đó như thế nào không? Chúa hãy trừng phạt ta nếu ta không cho xử bắn hết tất cả những kẻ mà nhà quý tộc dũng cảm đó còn để cho sống sót ở nơi đây!
Digby nói với một vẻ thảm não:
- Thưa Đại tướng chúng tôi có tất cả hai mươi tám người, và tám người đã bị hạ.
Monck nói:
- Ta cho phép Bá tước De La Fère cho hai mươi người còn lại đó theo tám người kia luôn.
Và ông đưa tay ra bắt tay Athos:
- Tất cả về trại đi. Digby, ông sẽ bị phạt giam trong một tháng. Đó là cách dạy cho ông biết từ rày về sau chỉ hành động theo lệnh của ta mà thôi.
- Thưa Đại tướng, tôi làm theo lệnh của ông phó.
- Ông phó không được phép ra cho ông những lệnh như thế, và chính ông ấy sẽ bị phạt giam thay cho ông nếu quả thật là đã ra lệnh cho ông đốt cháy nhà quý tộc này.
- Thưa Đại tướng, ông ấy không phải đã ra lệnh như vậy, ông ấy ra lệnh bắt vị quý tộc này đem về trại; nhưng Bá tước lại không chịu đi theo chúng tôi.
Athos nhìn Monck đầy ý nghĩa:
- Tôi đã không chấp nhận để người ta vào cướp phá nhà, và ông đã hành động.
- Về trại đi, ta đã bảo mà!
Các binh sĩ bước đi, đầu cúi gằm. Monck nói với Athos:
- Bây giờ chỉ còn có chúng ta, xin ông vui lòng cho biết vì sao ông vẫn cứ ở đây, trong khi có một chiếc tàu.
Athos đáp:.
- Tôi đang chờ Đại tướng. Đại tướng đã chẳng hẹn sẽ gặp lại tôi trong tám ngày sao?
Nhìn ánh mắt đầy ý nghĩa của d'Artagnan, Monck hiểu rằng hai con người dũng cảm và trung thực này không hề toa rập với nhau để bắt cóc ông. Điều này, ông đã biết rồi.
Monck nói với d'Artagnan:
- Thưa ông, ông hoàn toàn có lý. Xin ông vui lòng để tôi nói chuyện với Bá tước De La Fère một chút.
D'Artagnan bèn đến chào hỏi Grimaud. Monck yêu cầu Athos dẫn lên phòng. Trong phòng hãy còn đầy khói và những tàn cháy dở. Còn một bàn viết và bình mực. Monck cầm bút lên chỉ viết một hàng chữ đóng dấu lá thư với con dấu được khắc trên chiếc nhẫn của ông, rồi trao cho Athos và nói:
- Xin ông vui lòng mang lá thư này về trao cho vua Charles Đệ nhị, và xin ông hãy đi ngay bây giờ nếu không còn việc gì giữ ông lại đây nữa.
Athos hỏi:
- Còn mấy cái thùng?
- Những ngư dân đã đưa tôi về đây sẽ giúp ông khiêng chúng lên tàu. Ông hãy đi đi trong vòng một giờ nữa thôi nếu có thể được.
Athos nói:
- Thưa Đại tướng, vâng.
Monck thò đầu ra cả sổ gọi:
- Ông d'Artagnan!
D'Artagnan vội vã chạy lên:
- Ông hãy hôn và nói lời từ giã bạn ông, bởi vì ông ấy sắp trở về Hòa Lan đấy.
D'Artagnan kêu lên:
- Về Hòa Lan! Còn tôi?
Monck nói:
- Ông muốn theo ông ấy thì đi, nhưng tôi xin ông vui lòng ở lại đây với tôi, ông có từ chối lời cầu xin của tôi không?
D'Artagnan hôn Athos và chỉ kịp nói lời từ giã bạn. Monck đứng nhìn hai người. Đoạn, ông đích thân trông coi việc chuẩn bị cho cuộc khởi hành, việc khiêng những chiếc thùng lên tàu và giúp Athos bước lên tàu. Xong nắm lấy cánh tay của d'Artagnan đầy ngạc nhiên và xúc động, ông cùng đi về hướng Newcastle.
Vừa khoác tay Monck bước đi. D'Artagnan vừa tự nhủ: "Ờ, ờ, hình như là những cổ phần của công ty Planchet lên giá rồi".
Chú thích:
(1) Tổng trấn La Mã ở vùng Judée năm 26-36 - người được Kinh thánh ghi là đã lên án tử hình Jesus


Nguồn: http://vnthuquan.net/