Chương 5
LONDON
Thứ 2 mồng 7 tháng Chín, 2 giờ chiều
White s Club toạ lạc ở đầu đường St. James, gần Piccaadilly. Đây là Câu lạc bộ cổ nhất và độc đáo nhất nước Anh, được xây dựng từ thế kỷ mười tám làm câu lạc bộ đánh bạc. Các hội viên thường phải ghi tên các con trai của họ từ khi chúng mới chào đời vì ở đây có cả một danh sách chờ đợi đến ba mươi năm.
Mặt tiền của White s là hình ảnh thu nhỏ của sự thận trọng. Những khung cửa rộng trông ra đường St. James có ý tưởng làm cho những người bên trong cảm thấy thoải mái hơn là thoả mãn lòng hiếu kỳ của những du khách đi ngang. Bước lên vài bậc tam cấp đã là cổng rồi, nhưng ngoài các hội viên thì có rất ít người được lọt vào trong đó. Các căn phòng trong đó đều rộng lớn và tráng lệ, được phủ lên lớp vẹt-ni màu đen bóng của thời gian. Đồ đạc trong phòng hầu hết thuộc kiểu cổ và tiện nghi, những chiếc trường kỷ bọc da, giá để báo, những chiếc bàn cổ vô giá và ghế bành lót đệm đã từng được đến nửa tá thủ tướng ngồi qua. Có một phòng chơi cờ thỏ-cáo với một lò sưới lớn đằng sau một tay vịn bằng đồng và một cầu thang uốn cong dẫn lên phòng ăn trên lầu. Căn phòng nầy kéo dài suốt bề ngang của toà nhà, bên trong là một chiếc bàn ăn khổng lồ bằng gỗ gụ dành cho ba mươi người cùng năm chiếc bàn phụ khác. Vào bất kỳ bữa trưa hay bữa tối nào trong căn phòng nầy cũng thấy xuất hiện vài nhân vật có thế lực nhất trên thế giới.
Sir Alec Nichols, nghị sĩ, ngồi ở một bàn nhỏ trong góc, đang dùng bữa trưa với khách Jon Swinton. Bố của Sir Alec được phong tước tòng nam tước, và ông nội cũng như cụ của Sir Alec cũng vậy. Tất cả bọn họ đều là hội viên của White s. Sir Alec người gầy gò xanh xao, xấp xỉ năm mươi tuổi, có khuôn mặt quý phái, nhạy cảm và nụ cười duyên dáng. Ông vừa đi xe hơi đến đây từ nhà ở Gloucestershire, mặc bộ veste sọc nhỏ với chiếc sơ mi ca rô sặc sỡ, đeo chiếc cravate màu đỏ, có vẻ hơi lúng túng trong bầu không khí xa hoa yên tĩnh nầy. Nơi đây thực sự làm cho ông phải hãnh diện.
Jon Swinton nói khi vẫn đang nhồm nhoàm nhai nốt miếng thịt bê.
Sir Alec gật gật.
- Đúng. Mọi thứ đã thay đổi từ khi Voltaire nói: "Người Anh có hàng trăm tôn giáo và chỉ có một là được ưa chuộng".
Jon Swinton ngước mắt lên.
- Voltaire là ai?
Sir Alec bối rối trả lời:
- À, một tay người Pháp.
- Ồ - Swinton tống thức ăn xuống dạ dày bằng một hớp rượu vang. Gã để dao nĩa xuống và lấy khăn lau miệng. - Nào, Sir Alec. Đã đến lúc tôi và ông bàn chuyện công việc.
Sir Alec dịu dàng đáp lại:
- Tôi đã nói cách đây hai tuần là tôi đang tính toán mọi việc, ông Swinton. Tôi cần thêm một chút thời gian nữa.
Một người hầu bàn đến gần họ, mang theo một chồng hộp xì gà bằng gỗ. Anh ta khéo léo đặt tất cả lên bàn.
- Ông chớ phiền lòng nếu tôi nói thật - Jon Swinton nói. Gã xem nhãn hiệu trên các hộp gỗ, huýt sáo một cách thán phục, rồi rút ra một điếu xì gà trong túi áo ngực và châm lửa. Cả người bồi bàn lẫn Sir Alec đều không có phản ứng gì trước thái độ đó.
Người bồi bàn gật đầu với Sir Alec và mang chồng hộp sang bàn khác.
- Các ông chủ của tôi đã vô cùng nhân đạo với ông, Sir Alec. Bây giờ, tôi e rằng, họ đã không còn đủ kiên nhẫn nữa! - Gã nhặt que diêm đã cháy lên, ngả người về phía trước và thả nó vào ly rượu của Sir Alec, rồi tiếp tục, - Tôi xin nói thật giữa ông và tôi, rằng họ hoàn toàn không phải là người tốt khi nổi giận đâu. Chắc ông không muốn họ thất vọng về ông chứ, ông có hiểu ý tôi không?
- Nhưng đơn giản là bây giờ tôi không có tiền.
Jon Swinton cười to.
- Thôi đi ông bạn. Mẹ của ông là người của dòng họ Roffe, đúng không? Ông có một trang trại rộng hàng trăm hecta, một toà nhà sang trọng ở Knightbridge, một chiếc Rolls-Royce và một chiếc Bentley bóng lộn. Rõ là ông không phải là hạng sống nhờ tiền trợ cấp phải không?
Sir Alec nhìn quanh, đau khổ nói nhỏ.
- Không một người nào trong gia đình có tài sản bằng tiền mặt. Tôi không thể…
Swinton nháy mắt và nói.
- Tôi dám cá rằng bà vợ Vivian bé bỏng dễ thương của ông là một tài sản bằng tiền mặt. Bà ta có đến hai chiếc Bristols đẹp tuyệt!
Sir Alec đỏ bừng mặt. Cái tên Vivian trên môi gã đàn ông nầy là cả một sự xúc phạm. Alec nghĩ đến Vivian như lúc ông rời khỏi nàng vào buổi sáng, khi nàng đang còn chìm trong giấc ngủ. Họ ở hai phòng ngủ riêng và một trong những niềm vui lớn nhất của Alec Nichols là được vào phòng ngủ của Vivian để "hãm" nàng. Đôi khi Alec dậy sớm và ông đi sang phòng Vivian khi nàng còn đang ngủ và đứng ngắm nàng. Dù thức hay ngủ thì nàng cũng là cô gái đẹp nhất mà ông từng gặp. Nàng thường ngủ trần truồng và thân hình mềm mại của nàng chỉ lộ ra một nửa vì nàng có thói quen quấn mình trong chăn. Nàng có mái tóc vàng, cặp mắt màu xanh nhạt và làn da mịn màng như kem.
Khi Sir Alec lần đầu gặp Vivian tại một dạ hội từ thiện thì nàng còn là một diễn viên hạng xoàng. Ông đã bị mê hoặc bởi nhan sắc của nàng nhưng thứ đưa được ông đến với nàng lại là tính dễ dãi của nàng.
Nàng trẻ hơn Alec đến hai mươi tuổi và còn tràn đầy ham muốn với cuộc sống. Khi Alec tỏ ra xấu hổ hay rụt rè ở mặt nào đó thì Vivian lại hoạt bát và cởi mở. Alec không thể nào xua đuổi hình ảnh của nàng khỏi tâm trí nhưng cũng phải mất hai tuần ông mới có đủ can đảm để gọi điện cho nàng. Nàng đã nhận ngay lời mời trước sự ngạc nhiên và sung sướng của ông. Alec đưa nàng đi xem một vở kịch ở Old Vic và sau đó đi ăn tối tại Mirabelle. Vivian sống trong một căn hộ nhỏ dưới tầng hầm tốỉ tăm ở Notting Hill, và khi Alec đưa nàng về nhà, nàng đã hỏi:
- Anh có muốn vào chơi không?
Ông đã ở lại đó cả đêm và việc nầy làm cho cả cuộc đời ông thay đổi. Đó là lần đầu tiên một người đàn bà có thể đem lại cho ông những khoái lạc tột đỉnh. Ông chưa từng gặp một người nào như Vivian. Lưỡi nàng mềm như nhung, mái tóc vàng tha thướt và những quyến rũ ẩm ướt ở sâu thẳm trong nàng khiến ông say mê khám phá cho đến lúc mệt nhoài. Chỉ mới nghĩ đến nàng thôi là trong lòng ông đã trào dâng niềm ham muốn mãnh liệt.
Nhưng tất cả không phải chỉ có thế. Nàng làm cho ông phải cười to, nàng làm cho cuộc sống của ông sinh động hơn. Nàng cười đùa luôn miệng với Alec vì bản tính của ông vốn rụt rè và hơi tẻ, và ông rất thích điều đó. Ông cố gắng đến với Vivian vào bất cứ lúc nào có thể. Mỗi khi Alec dẫn Vivian đến một bữa tiệc nào, nàng luôn là trung tâm của sự chú ý.
Alec rất tự hào về điều nầy nhưng ông cũng ghen tị với đám thanh niên xung quanh nàng và ông không thể không tự hỏi có bao nhiêu người trong số đó đã lên giường với nàng.
Vào những đêm Vivian không thể gặp ông vì có những cuộc hẹn hò khác, Alec thấy mình phát điên lên vì ghen tuông. Ông thường lái xe đến gần nhà nàng, đỗ xe dưới nhà để xem nàng về nhà lúc mấy giờ và đi cùng với ai. Alec biết mình đang xử sự như một kẻ ngốc nghếch nhưng ông không thể nào tự kiềm chế bản thân. Ông đã rơi vào thế kẹt không thể phá vỡ. Ông biết rõ Vivian không hề phù hợp với mình nên việc cưới Vivian là chuyện không thể bàn đến.
Ông là một tòng nam tước, một Nghị sĩ được kính trọng với một tương lai tươi sáng phía trước. Ông là một cổ đông của triều đại Roffe, một uỷ viên hội đồng quản trị của tập đoàn. Còn Vivian, nàng không có một chút vị thế nào để so sánh với thế giới của Alec.
Bố mẹ nàng chỉ là những vũ công hạng hai, biểu diễn ở trong đoàn xiếc tỉnh. Vivian không hề được giáo dục ngoại trừ những gì mà nàng thu lượm được trên hè phố hoặc sau cánh gà. Alec biết rằng nàng vốn bừa bãi và hời hợt. Nàng sắc sảo nhưng lại không thông minh lắm. Nhưng Alec vẫn bị nàng ám ảnh. Ông chống lại điều đó. Ông cố không gặp nàng nhưng điều đó vô dụng. Ở bên nàng ông mới thấy hạnh phúc và khi xa cách nàng, ông thấy vô cùng khổ sở. Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông cầu hôn với nàng và khi Vivian gật đầu, Sir Alec Nichols ngây ngất vì sung sướng.
Cô dâu mới của ông được đến ở trong ngôi nhà chung của gia đình, một ngôi nhà cổ xinh đẹp theo kiến trúc Robert Adam 1 ở Gloucestershire, kiểu Georgian với những chiếc cột kiểu Delphi 2 và một đoạn đường cong dài dành cho xe hơi. Toà nhà nằm giữa một thảm cỏ xanh mướt rộng mười hecta, trong một vùng đất phì nhiêu, có khu săn bắn riêng và vô số dòng suối nhỏ để câu cá. Ở sau nhà là một hoa viên do "Capability" Brown thiết kế.
Nội thất của toà nhà mới thật tuyệt vời. Tiền đình với sàn nhà bằng đá và tường bằng gỗ sơn. Có vô số cặp đèn lồng kiểu cổ, bàn lát cẩm thạch kiểu Adam và ghế gỗ gụ. Trong thư viện là các giá sách gắn liền vào tường theo kiểu thế kỷ mười tám và một cặp bàn đặt trên bệ của Henry Holland cùng rất nhiều ghế đóng theo thiết kế của Thomas Hope. Phòng khách là sự pha trộn của Hepplewhite3 và Chippendale với một tấm thảm Wilton, một cặp chân đèn Waterford bằng thuỷ tinh. Phòng ăn khổng lồ với sức chứa bốn mươi thực khách, ngoài ra còn có phòng hút thuốc lá riêng. Trên tầng hai là sáu phòng ngủ, mỗi phòng có một lò sưởi kiểu Adam và trên tầng ba là khu dành riêng cho gia nhân trong nhà.
Sáu tuần sau khi dọn về đây, Vivian nói:
- Hãy đi khỏi đây đi Alec.
Ông bối rối nhìn nàng.
- Em muốn lên London chơi vài ngày à?
- Ý em là em muốn dọn nhà về London.
Alec nhìn ra cửa sổ, về phía bãi cỏ mầu ngọc bích, nơi ông đã từng chơi đùa hồi còn bé, về phía mấy cây sung và cây sồi cổ thụ, rồi ngập ngừng nói:
- Vivian, ở đây rất yên tĩnh mà. Anh…
Và nàng nói:
- Em biết. Đó là điều em không chịu nổi cái sự yên tĩnh khốn nạn nầy!
Họ dọn nhà về London ngay tuần sau đó.
Alec có một căn nhà bốn tầng rất tao nhã ở Vilton Crescent, phía trước Knightbridge với một phòng khách xinh xắn, phòng làm việc, phòng ăn rộng rãi và ở phía sau nhà là một cửa sổ nhìn xuống một cái động có thác nước, nhiều bức tường và những chiếc ghế dài mầu trắng đặt trong một khu vườn đẹp và gọn gàng. Trên lầu là một phòng ngủ lớn lộng lẫy và bốn phòng khác nhỏ hơn.
Vivian và Alec ở trong phòng lớn được hai tuần, cho đến một buổi sáng Vivian nói:
- Em yêu anh, Alec, nhưng anh ngáy to quá, anh có biết không?
Alec không biết điều đó.
- Em thật sự phải ngủ một mình, anh yêu ạ. Anh không thấy phiền lòng phải không?
Alec rất phiền lòng. Ông rất thích cái cảm giác từ thân hình mềm mại của nàng lúc ở trên giường, khi nàng áp sát vào ông. Nhưng trong đáy lòng, Alec biết rằng mình không kích thích được Vivian như nhiều gã đàn ông khác. Đó là lý do nàng không muốn chung giường với ông. Vì vậy ông đành phải trả lời:
- Dĩ nhiên là anh hiểu.
Theo lời nài nỉ của Alec, Vivian vẫn ở phòng lớn còn ông dọn sang một trong bốn phòng còn lại.
Thời gian đầu, Vivian theo ông đến Nghị viện và ngồi ở khu dành cho khách trong những ngày Alec phải lên phát biểu. Ông thường nhìn lên nàng, lòng tràn ngập một nỗi hãnh diện sâu sắc khó tả. Hiển nhiên nàng là người phụ nữ đẹp nhất ở đó. Và rồi cái ngày đó cũng đã đến, khi Alec hoàn thành bài phát biểu và nhìn lên chờ đợi sự tán thưởng của Vivian thì chỉ thấy một chiếc ghế trống.
Alec tự trách mình vì đã không giúp được Vivian thoả mãn bản tính sôi động của nàng. Bạn bè của ông đều già hơn Vivian và tỏ ra quá dè dặt với nàng.
- Ông khuyến khích nàng mời các bạn nàng đến nhà, cố giới thiệu họ với đám bạn của ông. Kết quả thật là tai hại.
Alec vẫn luôn tự nhủ rằng khi Vivian có con, nàng sẽ ổn định và thay đổi lối sống. Nhưng rồi một ngày kia, không hiểu vì sao, và Alec thà không hiểu còn hơn, nàng bị nhiễm trùng âm đạo và phải giải phẫu.
Alec từ lâu đã ao ước có một cậu con trai. Cái tin nầy làm ông rụng rời, nhưng Vivian thì vẫn thản nhiên.
- Đừng lo, anh yêu. - Nàng nói và mỉm cười. - Họ đã cắt dạ con, nhưng em vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
Ông nhìn sững nàng một lúc, rồi quay người bỏ đi.
Vivian rất thích đi mua sắm lung tung. Nàng tiêu tiền bừa bãi và thiếu cẩn trọng vào quần áo, nữ trang, xe cộ, nhưng Alec lại không hề có ý ngăn cản nàng. Ông tự nhủ rằng nàng đã lớn lên trong cảnh nghèo khổ, thèm khát những thứ đẹp đẽ và sang trọng. Ông muốn mua tất cả cho nàng. Thật bất hạnh là ông lại không đủ sức làm việc đó. Tiền lương của ông bị giảm bớt rất nhiều bởi thuế má. Tài sản của ông nằm hết trong cổ phần ở tập đoàn Roffe và các con mà những cổ phần nầy lại bị hạn chế. Ông cố giải thích chuyện đó với Vivian nhưng nàng chẳng hề quan tâm. Những buổi thảo luận việc kinh doanh chỉ càng làm cho nàng thấy ngán ngẩm. Và vì vậy Alec đành phải để nàng tự do mọi việc.
Lần đầu tiên ông nghe được chuyện nàng đánh bạc là khi Tod Michaels, chủ nhân của Tod s Club, một sòng bạc tai tiếng ở Soho ghé vào thăm ông.
- Tôi có giấy nợ một nghìn bảng của vợ ông, Sir Alec. Bà ấy đã thua chúng ở bàn Roulette.
Alec hoàn toàn bị sốc. Ông đã lấy lại tờ giấy nợ ngay tối hôm đó đã nói chuyện với Vivian.
- Chúng ta không đủ khả năng để chơi trò nầy, - ông bảo nàng. Em đã tiêu nhiều hơn số tiền anh kiếm được.
Nàng tỏ ra ăn năn.
- Em xin lỗi, anh yêu. Em thật là một người vợ tồi.
Và nàng đến bên ông, vòng tay choàng qua ông, áp người vào người ông, và ông quên hết cơn giận.
Alec đã có một đêm mỹ mãn khó quên trên giường của nàng. Ông tin chắc rằng bây giờ thì chẳng còn vấn đề gì phải lo nữa.
Hai tuần sau Tod Michaels lại ghé đến nhà Alec. Lần nầy giấy nợ của Vivian lên đến năm nghìn bảng.
Alec vô cùng giận dữ.
- Tại sao ông lại cho cô ấy thiếu nợ? - ông hỏi.
- Bà ấy là vợ ông mà, Sir Alec, - Michaels nhẹ nhàng trả lời. - Làm sao tôi có thể từ chối bà ấy được?
- Tôi sẽ… tôi sẽ phải kiếm tiền. - Alec đã nói. - Hiện tại tôi không có đủ số tiền mặt nhiều như thế.
- Đồng ý! Cứ coi đó là một khoản nợ. Ông hãy trả cho tôi khi nào có thể.
Alec nhẹ hết cả người.
- Ông Michaels, ông thật là người rộng lượng.
Chưa đầy một tháng sau, Alec biết rằng Vivian lại cờ bạc và nợ thêm hai mươi lăm nghìn bảng nữa, và Alec phải trả lãi mười phần trăm mỗi tuần. Lần nầy thì ông thật sự hoảng hốt. Ông không có cách nào kiếm được số tiền mặt nhiều như vậy. Căn nhà, những món đồ cổ tuyệt đẹp, những chiếc xe hơi, tất cả đều thuộc về Tập đoàn Roffe và các con. Cơn giận của ông đã làm Vivian sợ hãi đến nỗi nàng phải hứa là sẽ không đánh bạc nữa. Nhưng cũng đã quá muộn.
Alec thấy mình đã rơi vào tay bọn cho vay nặng lãi.
Dù ông có đưa cho chúng bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng vẫn không xoay sở được đủ tiền để trả đứt nợ. Số nợ cứ chồng lên hàng tháng và đã kéo dài được gần một năm.
Khi đám đàn em của Tod Michaels lần đầu tiên đến thúc ép ông trả nợ, Alec đã đe doạ sẽ báo cảnh sát.
- Tôi có nhiều quan hệ với các cấp cao nhất, - Alec nói.
Gã đàn ông cười nhăn nhở.
- Còn tôi thì lại có nhiều quan hệ với các cấp thấp nhất.
Và bây giờ thì Alec ngồi đây, tại White s Club, với gã đàn ông khốn kiếp nầy, cố gắng đè nén lòng kiêu hãnh xuống và van xin thêm một chút thời gian nữa.
- Tôi đã trả cho họ nhiều hơn số tiền mà tôi nợ. Họ không thể…
- Đó chỉ là tiền lãi, Sir Alec. Ông vẫn chưa thanh toán món nợ gốc.
- Đó là sự tống tiền. - Alec kêu lên.
Cặp mắt Swinton tối lại.
- Tôi sẽ nói lại lời của ông với ông chủ. - Rồi gã từ từ đứng lên.
Alec nói nhanh.
- Không! Làm ơn ngồi xuống cho.
Swinton lại từ từ ngồi xuống ghế:
- Đừng có giở cái giọng đó ra với tôi, - Gã cảnh cáo. - Người cuối cùng dám nói thế với tôi đã phải quỳ trên sàn nhà.
Alec có biết chuyện ấy. Anh em nhà Kray đã bày ra nhiều trò để trừng phạt các nạn nhân của họ. Và những người đang là chủ nợ của ông cũng chẳng kém phần tàn độc. Ông cảm thấy vị đắng ngắt đang trào lên trong họng.
- Tôi không có ý như vậy. - Alec thanh minh. - Chỉ vì tôi… tôi không kiếm được tiền mặt nữa.
Swinton búng nhẹ tay cho tàn xì gà rơi vào ly rượu vang của Alec, và nói:
- Ông có một mớ cổ phiếu trong tập đoàn Roffe và các con, phải không Alec thân yêu!
- Đúng, - Alec trả lời, - Nhưng tất cả đều không bán ra và chuyển nhượng được. Nó không có lợi cho bất cứ ai trừ khi Roffe và các con cho phép tung ra thị trường chứng khoán.
Swinton rít một hơi xì gà và nói.
- Và nó sắp sửa được tung ra rồi chứ?
- Chuyện nầy phụ thuộc vào Sam Roffe. Tôi… tôi đang cố thuyết phục ông ấy.
- Ông phải tích cực nữa vào.
- Ông hãy nói cho ông Michaels rằng ông ấy sẽ được nhận đầy đủ số nợ. - Alec nói. - Nhưng xin các người hãy dừng ngay việc thúc giục tôi.
Swinton nhìn ông chằm chằm:
- Thúc giục ông?
Tại sao, Sir Alec, đồ lại cái, ông sẽ biết khi nào chúng tôi bắt đầu thúc giục ông. Cái chuồng ngựa chó chết của ông sẽ cháy rụi và ông sẽ phải ăn thịt ngựa nướng. Sau đó sẽ đến ngôi nhà của ông. Và rồi có thể sẽ đến vợ ông. Gã mỉm cười, và Alec mong gã đừng cười thì hơn:
- Ông đã bao giờ ăn một cái âm hộ hầm chưa?
Mặt Alec tái nhợt.
- Lạy Chúa…
Swinton nhẹ nhàng hạ giọng.
- Giỡn chút thôi mà; Tod Michaels là bạn của ông. Và bạn bè thì phải giúp đỡ nhau, phải không? Trong buổi họp sáng nay chúng tôi đã nói chuyện về ông. Và ông có muốn biết ông chủ tôi nói gì không? Ông ấy nói: Alec là loại người tử tế. Nếu ông ấy không có tiền, ông ấy sẽ nghĩ ra cách khác để làm chúng ta yên lòng.
Alec cau mày.
- Cách gì vậy?
- Ờ - bây giờ, việc trả tiền có gì khó khăn với một người thông minh tài giỏi như ông, phải không? Ông đang điều hành một tập đoàn dược phẩm lớn mà. Ông sản xuất ra những thứ như cocaine chẳng hạn. Chỉ giữa ông và tôi thì ai mà biết được chuyện gì xẩy ra nếu ông gửi nhầm hàng hoá vào đâu đó?
Alec nhìn sững gã.
- Ông điên rồi, - Alec nói. - Tôi, tôi không thể làm vậy.
- Khi cấp bách thì con người có thể làm được những chuyện đáng kinh ngạc. - Swinton ôn tồn nói. Gã đứng dậy. - Hoặc là ông trả đủ tiền cho chúng tôi, hoặc là chúng tôi sẽ cho ông biết địa điểm giao hàng, - Gã dúi điếu xì gà vào đĩa bơ của Alec. - Cho tôi gửi lời hỏi thăm tới bà Vivian, Alec.
Rồi Jon Swinton bỏ đi.
Sir Alec ngồi đó một mình, không còn thấy gì, xung quanh là những thứ tiện nghi quen thuộc vốn là một phần rất lớn của quãng đời đã qua của ông, mà giờ đây đang có nguy cơ biến mất. Vật xa lạ duy nhất là mẩu xì gà ướt nhoét, bẩn thỉu trên đĩa bơ của ông.
Làm sao ông có thể cho phép bọn chúng bước vào cuộc sống của ông như vậy? Ông đã tự cho bọn chúng giở thủ đoạn đẩy ông vào tay bọn hạ lưu dưới đáy xã hội.
Và bây giờ ông biết chúng muốn ở ông một thứ khác còn hơn cả tiền. Tiền chỉ đơn giản là miếng mồi dụ ông vào bẫy. Chúng muốn qua ông móc nối với tập đoàn. Chúng sẽ ép ông phải làm việc cho chúng. Nếu việc ông bị bọn bất lương khống chế lộ ra, lập tức phe đối lập sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Đảng của ông có thể sẽ buộc ông từ chức.
Việc nầy sẽ được tiến hành một cách khéo léo và kín đáo. Có thể họ sẽ gây áp lực buộc ông xin chuyển qua Chiltern Hundreds, nơi đây ông vẫn được trả một khoản lương danh nghĩa là 100 bảng một năm. Điều duy nhất đáng ngại là ông sẽ không được nhận lương từ Hoàng gia hoặc Chính phủ nữa. Như thế là Alec sẽ không còn được phục vụ trong Nghị viện. Dĩ nhiên là lý do sẽ không mãi che giấu được. Và ông sẽ bị nhục nhã. Trừ khi ông kiếm được một khoản tiền lớn.
Ông đã hết lần nầy đến lần khác nói chuyện với Sam Roffe, yêu cầu ông ta cho tập đoàn tham gia thị trường chứng khoán, để cho các cổ phần được bán ra.
- Anh hãy quên chuyện đó đi. Ngay giây phút chúng ta để người ngoài lọt vào công ty, sẽ có rất nhiều kẻ lạ mặt đến dạy bảo chúng ta phải điều hành việc kinh doanh như thế nào. Trước khi anh biết được chuyện nầy thì họ đã chiếm lấy hội đồng quản trị rồi cả công ty. Có khác gì với anh đâu, Alec? Anh nhận lương cao, tài khoản chi tiêu của anh là vô hạn. Anh không cần tiền.
Trong khoảnh khắc Alec đã định kể cho Sam ông đang cần tiền một cách khẩn cấp ra sao. Nhưng ông biết làm thế cũng chẳng có lợi lộc gì.
Sam Roffe chỉ biết đến tập đoàn, là một người lạnh lùng vô cảm, không một chút lòng trắc ẩn. Nếu ông ta biết rằng Alec có hại cho tập đoàn dù chỉ ở một phương diện nào đó, ông ta sẽ lập tức thải hồi Alec không một chút do dự. Không, Sam Roffe là người cuối cùng ông có thể nhờ cậy.
Alec đang đối mặt với sự phá sản.
Người gác cổng ở White s Club tiến về phía bàn Alec cùng một nhân viên bưu điện mặc đồng phục đưa thư, cầm theo một phong bì niêm kín.
- Xin lỗi, Sir Alec, - Người gác cổng lên tiếng, - Nhưng người nầy cứ khăng khăng rằng anh ta được lệnh đích thân trao tận tay ông một bức điện.
- Cám ơn, - Sir Alec nói. Người nhân viên bưu điện trao cho ông chiếc phong bì và người gác cổng đưa anh ta quay ra ngoài.
Alec ngồi yên một lúc lâu trước khi với lấy chiếc phong bi và mở nó ra. Ông đọc bức điện ba lần rồi từ từ vò nát nó trong lòng bàn tay, cặp mắt đẫm lệ.
Chú thích:
1 Kiến trúc sư người Anh 1728 - 1792.
2 Kiểu cột của kiến trúc Hy Lạp cổ
3 Đồ đạc nhà của công ty Hepplenwhite thế kỷ 19
Chương 6
NEW YORK
Thứ hai, 7 tháng Chín, 11 giờ sáng
Chiếc Boeing tư nhân 707-320 đang hoàn tất chặng cuối cùng đến sân bay Kennedy, lướt nhẹ ra khỏi đường hướng dẫn hạ cánh. Đây là chuyến bay dài, buồn tẻ và Rhys Wilhams đã gần như mệt lả nhưng anh không tài nào ngủ được trong suốt cả đêm. Anh đã quá nhiều lần đi trên chiếc phi cơ nầy với Sam Roffe. Ở đâu cũng thấy tràn ngập sự có mặt của ông.
Elizabeth Roffe đang mong chờ anh. Rhys đã gửi cho nàng một bức điện từ Istanbul, chỉ thông báo là anh sẽ đến vào ngày hôm sau. Anh cũng có thể báo tin cái chết của bố nàng qua điện thoại nhưng nàng đáng được quan tâm hơn thế.
Máy bay đã hoàn toàn tiếp đất và đang hướng đến bãi đậu, Rhys mang theo rất ít hành lý và nhanh chóng làm xong các thủ tục hải quan. Bên ngoài, bầu trời xám xịt và ảm đạm, báo hiệu mùa đông giá lạnh sắp đến. Một chiếc limousine sang trọng đã đợi săn để đưa anh đến toà nhà của Sam Roffe ở Long Island, nơi mà có thể Elizabeth đang chờ anh.
Trong suốt quãng đường, Rhys cố nhẩm lại những lời anh định nói với nàng, cố xoa dịu sự bất hạnh, nhưng khi Elizabeth mở cửa trước đón chào anh, những lời ấy đã nhanh chóng bay khỏi đầu anh. Mỗi khi Rhys thấy Elizabeth, sắc đẹp của nàng lại khiến anh phải sững sờ. Nàng thừa hưởng nhan sắc của mẹ, cùng một gương mặt sang trọng, cặp mắt đen láy dưới cặp lông mi dài và rậm. Da nàng trắng và mịn màng, mái tóc nàng đen bóng. Dáng người nàng đậm đà và rắn chắc. Nàng mặc một chiếc áo lụa hở cổ màu kem với chiếc váy có nếp gấp bằng nỉ xám và mang đôi giầy màu nâu vàng. Không có chút dấu vết nào của cô bé vụng về Rhys gặp lần đầu tiên hồi chín năm trước. Nàng đã trở thành một thiếu nữ với vẻ đẹp trong sáng, nồng nàn và hoàn toàn có ý thức về nó.
Giờ đây nàng đang cười với anh, vui mừng được gặp anh. Nàng nắm tay anh và nói, - Vào đây, Rhys, - rồi dẫn anh vào thư viện rộng rãi có tường lát gỗ sồi .
- Sam về cùng anh chứ?
Không còn cách nào để báo tin một cách nhẹ nhàng.
Rhys hít một hơi dài và nói:
- Sam đã gặp một tai nạn khủng khiếp, Liz ạ.
Anh thấy rõ sắc hồng trên má nàng biến mất. Nàng đợi anh nói tiếp.
- Ông đã chết.
Nàng đứng như bị đóng băng. Cuối cùng khi nàng lên tiếng, Rhys chỉ còn nghe loáng thoáng.
- Chuyện… chuyện gì đã xảy ra?
- Chúng tôi chưa có một chi tiết nào cả. Ông đang leo núi Mont Blanc. Sợi dây bị đứt. Ông rơi xuống một kẽ nứt.
- Họ có tìm thấy…
Nàng nhắm nghiền mắt lại một lúc rồi mở ra.
- Kẽ nứt không đáy.
Mặt nàng đã trở nên trắng bệch. Rhys thấy lo lắng.
- Em không sao chứ?
Nàng mỉm cười và nói:
- Dĩ nhiên. Em không sao, cám ơn anh. Anh có muốn một tách trà hoặc một chút gì để ăn không?
Anh ngạc nhiên nhìn nàng và định lên tiếng, nhưng anh chợt hiểu. Nàng đang bị xúc động mạnh. Nàng nói lung tung mà không có chút cảm giác nào, cặp mắt sáng ngời bất thường, nụ cười bất động.
- Sam là một vận động viên tuyệt vời, - Elizabeth vẫn nói. - Anh đã trông thấy những chiếc cúp của bố em. Ông luôn dành chiến thắng, phải không? Anh biết rằng ông đã từng leo lên ngọn Mont Blanc chứ? Dĩ nhiên anh phải biết. Anh đã một lần đi cùng ông, phải không Rhys?
Rhys để yên cho nàng nói, nàng đang cố tự giải toả nỗi đau, cố xây một lớp bảo vệ bằng ngôn từ để lẩn tránh phút giây phải đối mặt với nỗi đau khổ của chính mình. Trong một lúc, khi đang lắng nghe nàng, anh chợt nhớ về cô bé yếu đuối mà anh đã gặp lần đầu, quá dễ tổn thương, quá đỗi rụt rè đến nỗi không tài nào tự bảo vệ mình trước những sự thật phũ phàng.
Giờ dây nàng đang bị kích động một cách nguy hiểm, căng thẳng tột cùng và xung quanh nàng là một sự yếu ớt khiến Rhys phải lo ngại.
- Để anh gọi bác sĩ, - anh nói. - Ông ấy sẽ giúp em.
- Ồ không. Em vẫn hoàn toàn bình thường mà. Nếu anh không thấy ngại, em nghĩ em nên nằm một phút. Em thấy trong người hơi mệt.
- Em có cần anh ở đây không?
- Cám ơn anh. Có lẽ không cần như vậy đâu.
Nàng đưa anh ra cửa và khi anh bước vào xe, Elizabeth chợt gọi:
- Rhys?
Anh quay lại.
- Cám ơn anh đã đến.
Chúa ơi!
***
Nhiều giờ sau khi Rhys Williams đi khỏi, Elizabeth Roffe vẫn nằm trên giường, nhìn chằm chằm lên trần nhà, theo dõi những hình ảnh chợt ẩn chợt hiện được vẽ nên bởi ảnh nắng tháng chín yếu ớt.
Và cơn đau kéo đến. Nàng không uống thuốc vì nàng muốn đau. Nàng và Sam giống nhau ở điểm đó.
Nàng có thể chịu đựng được vì nàng là con gái của Sam. Và nàng cứ nằm đó, suốt ngày suốt đêm, không nghĩ gì, rồi lại nghĩ đến tất cả mọi thứ, hồi tưởng, xúc động. Nàng cười, nàng lại khóc, rồi nàng nghĩ mình đang lên cơn điên loạn. Chẳng sao cả. Không ai nghe thấy gì hết. Nửa đêm, nàng thấy đói cồn cào và xuống bếp ăn ngấu nghiến một chiếc sandwich to rồi lại nôn thốc nôn tháo. Nàng vẫn không thấy khá hơn. Không gì có thể làm dịu cơn đau tràn ngập trong lòng. Nàng cảm giác như các đầu dây thần kinh đang bùng cháy.
Tâm hồn nàng không ngừng trôi ngược về những năm tháng trước với bố nàng. Nàng quan sát bình minh qua cửa sổ phòng ngủ. Một lúc sau, người giúp việc gõ cửa và Elizabeth bảo cô ta đi. Một lần chuông điện thoại reo, tim nàng giật thót lại, nàng với tay về phía nó và nghĩ, là Sam! Rồi nàng chợt nhớ ra và rút tay lại.
Ông sẽ không bao giờ còn gọi điện cho nàng nữa. Nàng cũng không bao giờ được nghe tiếng của ông nữa. Nàng sẽ không bao giờ được gặp ông nữa.
Một kẽ nứt không đáy.
- Không đáy.
Elizabeth nằm đó, để mặc cho dĩ vãng cuốn đi, hồi tưởng lại tất cả.
Chương 7
Sự ra đời của Elizabeth Rowane Roffe quả là một tấn bi kịch kép. Bi kịch nhỏ là mẹ của Elizabeth qua đời ngay trên bàn đẻ. Bi kịch lớn là Elizabeth là con gái.
Trong chín tháng, cho tới khi cô chào đời, cô là đứa bé được mong đợi một cách tha thiết nhất trên thế giới, người sẽ kế thừa một vương quốc vĩ đại trị giá hàng tỉ tỉ đô la - tập đoàn Roffe và các con.
Vợ của Sam Roffe, Patricia, là một phụ nữ tóc đen có nhan sắc hơn người. Nhiều người đàn bà đã cố tìm trăm phương ngàn kế để lấy cho được Sam Roffe vì địa vị của ông, uy tín của ông, sản nghiệp của ông.
Còn Patricia đã kết hôn với ông vì bà thật lòng yêu ông. Đó là lý do tồi tệ nhất. Sam Roffe luôn tìm cách sắp xếp công việc làm ăn và Patricia rất phù hợp với yêu cầu của ông. Sam Roffe không có thời gian cũng như tính khí của một người đàn ông thuộc về gia đình.
Không còn chỗ nào khác ngoài Roffe và các con trong cuộc sống của ông. Ông miệt mài hiến dâng mình cho tập đoàn và ông trông mong những người xung quanh ông cũng giống như ông vậy. Đối với ông, tầm quan trọng của Patricia chỉ bó gọn trong những gì mà bà đóng góp cho hình ảnh của tập đoàn. Tới lúc Patricia nhận thức được thực trạng cuộc hôn nhân của mình thì đã quá muộn. Sam giao cho bà một vai diễn và bà đã diễn xuất thật tuyệt vời. Bà là một nữ chủ nhân hoàn hảo, một bà Sam Roffe hoàn hảo. Bà không nhận được một chút tình yêu nào từ chồng và bà cũng kịp học cách không ban phát tình yêu. Bà phục vụ Sam không khác gì một cô thư ký hạng bét đang làm công trong Roffe và các con. Bà luôn có mặt để trả lời điện thoại hai mươi tư giờ một ngày, sẵn sàng bay đến bất cứ nơi nào Sam cần bà, thừa khả năng chiêu đãi một công ty vào loại hàng đầu thế giới hay tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cho một trăm thực khách dựa theo thông báo hàng ngày với đầy đủ khăn trải bàn thêu, bộ ly thuỷ tinh Baccarat lóng lánh, bộ đồ ăn bạc kiểu Georgian nặng trịch. Patricia là một thứ tài sản không được liệt kê của Roffe và các con. Bà làm việc quần quật mà vẫn giữ được nhan sắc, nhờ tập luyện và ăn kiêng đều đặn như những người Spartan thuộc đất nước Hy Lạp cổ xưa. Thân hình của bà thật hoàn hảo, quần áo được thiết kế riêng bởi các hãng thời trang nổi tiếng như Norell ở New York, Channel ở Paris, Harnell ở London và Sybil Connoly ở Dublin.
Nữ trang của bà cũng được đặt làm riêng ở tận Bulgaria do tay của Jean Schlumbrger. Cuộc sống của bà luôn bận rộn và đầy ắp nhưng cũng hết sức vô vị và trống rỗng. Việc bà có mang đã làm thay đổi tất cả.
Sam Roffe là người thừa kế nam cuối cùng của triều đại Roffe, và Patricia biết rõ rằng ông tha thiết có một đứa con trai như thế nào. Ông đang trông chờ ở bà. Và bây giờ bà trở thành mẫu hậu, bận rộn với đứa con trong bụng, vị hoàng tử bé tí xíu, người mà một ngày kia sẽ kế thừa vương quốc. Khi họ đẩy xe đưa bà vào phòng đẻ, Sam nắm chặt tay bà và nói "Cám ơn em". Bà qua đời ba mươi phút sau đó vì một cơn tắc mạch, và điều hạnh phúc duy nhất về cái chết của Patricia là bà chết mà không biết mình đã làm ông chồng thất vọng đến nhường nào.
Sam Roffe dảnh bớt thời gian trong thời gian biểu mệt nhoài của ông tổ chức ma chay cho vợ, rồi tập trung vào vấn đề ông phải làm sao với đứa con vừa mới mất mẹ của mình.
Một tuần sau ngày Elizabeth ra đời, nàng được đưa về nhà và giao cho một bà vú, người khởi đầu cho một loạt các bà vú sau nầy. Trong suốt năm năm đầu tiên của cuộc đời, Elizabeth rất hiếm khi được thấy mặt bố mình. Ông không hơn gì một bóng mờ, một người xa lạ luôn chợt đến chợt đi. Ông thường xuyên đi khắp mọi nơi và Elizabeth là một sự phiền toái mà ông phải mang theo, một thứ hành lý thừa.
Một tháng Elizabeth thấy mình sống tại toà nhà ở Long Island với những bãi chơi ki, sân tennis, bể bơi và sân bóng quần. Vài tuần sau, bà vú của nàng lại thu dọn quần áo và nàng bay đến ở tại toà biệt thự của gia đình ở Barritz. Nó có đến năm mươi phòng và ba mươi hecta đất khiến Elizabeth cứ bị lạc luôn.
Ngoài ra, Sam Roffe còn sở hữu một căn nhà mái bằng lớn ở Beekman Place và một toà biệt thự khác trên bờ biển Smeralda ở Sardinia. Elizabeth qua lại tất cả những nơi nầy, từ nhà qua biệt thự, từ biệt thự qua nhà và nàng lớn lên giữa cảnh thanh lịch xa hoa. Nhưng nàng vẫn luôn cảm thấy mình như một người ngoài đi lạc vào một bữa tiệc sinh nhật lộng lẫy được tổ chức bởi những người xa lạ vô tình.
Khi Elizabeth lớn lên, bấy giờ nàng mới hiểu con gái của Sam Roffe là như thế nào. Mẹ nàng đã là một nạn nhân tội nghiệp của tập đoàn, và giờ đây đến lượt nàng. Nếu như nàng không có cuộc sống gia đình, cũng chỉ bởi vì chẳng có gia đình nào cả, mà chỉ có những người giám hộ được trả tiền và hình bóng xa cách của người được gọi là bố của nàng, người dường như không hề để tâm đến nàng, chỉ biết có tập đoàn mà thôi. Patricia có thể chấp nhận hoàn cảnh của mình, nhưng với đứa con thì như thế thật là tàn nhẫn. Elizabeth cảm thấy không ai cần tới mình, không ai yêu thương mình, không biết làm gì để chống đỡ niềm thất vọng và cuối cùng nàng tự trách bản thân mình là không dễ thương. Nàng cố gắng dành lấy tình cảm của bố mình trong vô vọng. Khi Elizabeth đến tuổi đi học, nàng ngồi trong lớp và làm nhiều món đồ cho ông, những bức tranh vẽ bằng màu nước ngây ngô, những chiếc gạt tàn xiêu vẹo, và nàng cẩn thận cất giữ chúng, chờ đợi bố đi công tác về để đem ra làm cho ông ngạc nhiên, làm cho ông vui lòng và nghe ông nói "Đẹp lắm, con yêu. Con thật là giỏi". Khi ông trở về, Elizabeth mang những món quà yêu quý cho ông và ông liếc qua chúng một cách thờ ơ rồi gật đầu hoặc lắc đầu. "Con sẽ không bao giờ trở thành nghệ sĩ, phải không?".
Có đôi lần Ehzabeth chợt bừng tỉnh giữa đêm khuya, và bước xuống cầu thang dài uốn cong trong căn nhà ở Beekman Place, đi qua đại sảnh mênh mông tới căn phòng làm việc của bố nàng. Nàng bước vào trong căn phòng trống trải như đang bước vào chốn linh thiêng. Đây là phòng của ông, nơi ông làm việc, ký những văn kiện quan trọng và điều hành cả thế giới nầy. Elizabeth bước tới cái bàn khổng lồ bọc da và từ từ miết hai tay lên mặt bàn. Rồi nàng vòng ra đằng sau bàn, ngồi vào chiếc ghế da của ông. Nàng cảm thấy ở đó gần gũi với bố mình hơn. Tức là đến nơi nào ông đã đến ngồi nơi nào ông đã ngồi, nàng sẽ trở thành một phần của ông. Nàng luôn nói chuyện với ông trong trí tưởng tượng, và ông sẽ lắng nghe, sẽ thấy thú vị và sẽ tỏ ra ân cần khi nàng giải bày những vấn đề của mình. Một đêm, khi Elizabeth đang ngồi ở chỗ của ông trong bóng tối, bỗng nhiên đèn trong phòng bật sáng. Bố nàng đang đứng ở ngưỡng cửa. Ông nhìn Elizabeth ngồi sau bàn làm việc, mặc một cái áo ngủ mỏng, và hỏi, "Con làm gì một mình ở đây trong bóng tối vậy?" Rồi ông bế nàng lên, đưa nàng lên gác, tới giường ngủ, và Elizabeth đã thao thức cả đêm đó, nghĩ đến việc bố đã bế mình như thế nào.
Sau lần đó, đêm nào nàng cũng xuống nhà và ngồi trong phòng làm việc của ông chỗ ông đến bế nàng lên gác nhưng chuyện đó đã không bao giờ còn xảy ra.
Không một ai nói chuyện về mẹ với Elizabeth, nhưng có một bức chân dung toàn thân tuyệt đẹp của Patricia treo trong phòng khách và Elizabeth thường đứng ngắm nó hàng giờ. Rồi nàng nhìn lại mình trong gương. Xấu quá. Người ta đã đặt vòng chỉnh răng nên trông nàng cứ như nửa người nửa thú vậy. Chẳng lạ lẫm gì khi bố không hề để ý đến mình, Elizabeth nghĩ.
Chẳng bao lâu sau, nàng liên tục thèm ăn và ăn uống rất ngon miệng, rồi nàng bắt đầu lên cân. Bởi vì nàng đã hiểu ra một sự thật tuyệt vời: Nếu nàng béo ra và xấu xí, sẽ không còn ai trông mong nàng sẽ giống mẹ mình.
Khi Elizabeth được mười hai tuổi, nàng được gửi vào học tại một trường tư thục đặc biệt ở khu Đông Manhattan. Nàng đi học bằng chiếc Rolls-Royce có tài xế riêng, vào lớp và ngồi một chỗ, yên lặng, không biết đến mọi người xung quanh. Nàng không bao giờ xung phong trả lời câu hỏi, và khi bị gọi tên, nàng cũng chẳng bao giờ tỏ ra là biết câu trả lời. Rồi các giáo viên cũng sớm quen đi và phớt lờ nàng. Họ thảo luận về nàng và nhất trí với nhau rằng nàng là đứa bé hư nhất mà họ từng thấy. Trong một báo cáo cuối năm gửi cho bà hiệu trưởng, cô giáo của Elizabeth đã viết:
"Chúng tôi không thu được một tiến triển nào ở trường hợp Elizabeth Roffe. Em xa rời các bạn cùng lớp và từ chối tham gia bất kỳ một sinh hoạt nhóm nào. Em không kết bạn với bất cứ ai trong trường. Điểm số của em không đạt nhưng thật khó xác định đó là bởi vì em không cố gắng hay không đủ khả năng xứ lý mợi việc. Em ngạo mạn và ích kỷ. Nếu bố em không phải là ân nhân lớn của trường, tôi sẽ cương quyết yêu cầu đuổi học em".
Bản báo cáo cách xa thực tế đến hàng năm ánh sáng. Sự thật đơn giản là Elizabeth Roffe không có một tấm lá chắn bảo vệ, không có một cái áo giáp chống lại sự cô đơn tột cùng đã nhấn chìm nàng. Tâm hồn nàng tràn đầy cảm giác sâu sắc về sự vô dụng của mình khiến nàng sợ phải kết bạn, sợ rằng họ sẽ khám phá rằng nàng là đồ vô dụng, khó có cảm tình.
Nàng không ngạo mạn mà chỉ hầu như là bị bệnh nhút nhát quá độ. Nàng có cảm giác rằng mình không thuộc về cùng một thế giới mà bố nàng đang sống. Nàng chẳng thuộc về đâu cả. Nàng miễn cưỡng ngồi xe Rolls-Royce đến trường vì nàng biết rằng mình không đáng được như thế. Trong lớp, nàng cũng biết trả lời các câu hỏi của cô giáo nhưng nàng lại không dám nói ra vì sợ mọi người chú ý đến mình. Nàng thích đọc sách và nàng thường thức khuya để vùi đầu vào sách.
Nàng cũng mơ màng, và những mơ ước thật kỳ quặc nhưng cũng rất dễ thương. Nàng đang ở Paris cùng bố và họ ngồi xe ngựa chạy qua rừng, rồi những căn phòng khổng lồ giống nhà thờ Saint-Patrick, và thiên hạ không ngừng bước vào với giấy tờ trên tay xin ông chữ ký, còn ông thì vừa vẩy tay xua họ đi vừa nói "Các người không thấy tôi đang bận sao? Tôi đang nói chuyện với con gái tôi, Elizabeth".
Nàng và bố đang trượt tuyết ở Thuỵ Sĩ, song song chạy xuống một con đồi dốc, những ngọn gió lạnh buốt đập mạnh vào người họ, đột nhiên ông ngã xuống và kêu lên đau đớn vì chân ông đã gãy và nàng nói "Bố đừng lo! Con sẽ chăm sóc cho bố". Rồi nàng trượt xuống bệnh viện và nói "Nhanh lên, bố tôi đang bị thương", và một tá người mặc áo khoác trắng đưa ông lên một chiếc xe cứu thương bóng loáng, nàng ở bên giường của ông, đút cho ông ăn có thể là tay ông bị gãy chứ không phải là chân, và mẹ nàng đi vào trong phòng, không hiểu sao bà lại sống lại, và bố nàng nói "Anh không thể gặp em lúc nầy được, Patricia. Anh và Elizabeth đang nói chuyện với nhau".
Hoặc là họ đang ở trong ngôi biệt thự xinh đẹp ở Sardinia, và tất cả đám gia nhân đều đi vắng nên Elizabeth nấu bữa tối cho bố nàng. Ông ăn hết mọi thứ và nói "Con nấu ăn giỏi hơn mẹ nhiều, Elizabeth".
Những cảnh tượng với bố nàng luôn được kết thúc theo cùng một cách. Chuông cửa reo vang và một người đàn ông cao lớn, cao hơn cả bố nàng chợt xuất hiện và cầu xin Elizabeth nhận lời kết hôn với anh ta, và bố nàng liền nài nỉ nàng "Elizabeth, bố xin con, đừng bỏ rơi bố. Bố cần có con".
Và nàng đồng ý ở lại.
Trong tất cả những ngôi nhà mà Elizabeth đã từng ở, căn biệt thự ở Sardinia được nàng yêu thích nhất. Không phải vì nó lớn nhất mà là nó có nhiều mầu sắc nhất, thân thiết nhất. Bản thân Sardinia đã hấp dẫn Elizabeth rồi. Đó là một hải đảo bị núi đá vây hãm tạo nên ấn tượng mạnh cách bờ biển phía Tây Nam Italia khoảng 160 hải lý, là một quần thể thiên nhiên hùng vĩ bao gồm núi, biển và trang trại xanh tươi. Những vách đá của núi lửa khổng lồ đã phun lên từ hàng nghìn năm trước từ lờng biển hoang sơ, và những doi đất ven biển quét một hình bán nguyệt đến xa đến ngút tầm mắt, biển Tyrrhenie tạo nên một vành đai xanh xung quanh đảo.
Đối với Elizabeth, hòn đảo có những hương vị riêng đặc biệt độc đáo, đó là mùi của gió biển và rừng cây, mùi hoa macchia trắng và vàng, loại hoa yêu thích của Napoleon. Đó là những bụi cây corbeccola cao khoảng gần hai mét có trái mầu đỏ, vị giống vị quả dâu tây và cây guarcias, cây sồi đá vĩ đại có vỏ được xuất vào đại lục để sản xuất nút chai rượu vang.
Nàng rất thích nghe những hòn đá hát, những hòn đá huyền bí khổng lồ với muôn vàn những lỗ nhỏ xuyên qua. Khi gió thổi qua các lỗ nhỏ ấy, những hòn đá lại phát ra những âm thanh kỳ quái, như tiếng than vãn ai oán, như bài hát buồn của các linh hồn vất vưởng.
Gió vẩn vơ không ngừng thổi. Elizabeth dần dần cũng hiểu được hết các loại gió. Mistrale, ponente, tramontana grecate và levante. Gió dịu dàng và gió hung dữ. Rồi lại còn scirocco, ngọn gió nóng bức khó chịu thổi đến từ sa mạc Sahara.
Biệt thự Roffe ở bờ biển Smeralda, phía trên cảng Cervo, toạ lạc trên một vách đá cao trông xuống biển, tách biệt hẳn bởi những dẫy cây bách và cây ôliu quả đắng mọc hoang. Xa tít xuống phía dưới là cảnh đẹp hấp dẫn của khu bến cảng và xung quanh đó, rải rác trên các ngọn đồi xanh là những ngôi nhà bằng đá trát vữa với những mầu sắc hỗn độn kỳ quặc như bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ con.
Toà biệt thự cũng được trát vữa, nhưng là loại vữa trộn với hạt cây bách. Nó được xây theo nhiều nấc với nhiều căn phòng rộng lớn, tiện nghi, mỗi phòng đều có lò sưới và ban công. Phòng khách và phòng ăn có cửa sổ nhìn ra toàn cảnh của hòn đảo. Một cầu thang kiểu tự do dẫn lên lầu trên, nơi có bốn phòng ngủ. Đồ đạc trong nhà kết hợp một cách hoàn mỹ với môi trường xung quanh. Đó là những bàn ăn và ghế dài thô sơ, những chiếc ghế bành êm ái. Cửa sổ được che bằng loại màn xếp len trắng dệt tay trên đảo, sàn nhà được lát gạch serasada sặc sỡ của Sardinia và nhiều loại gạch khác nữa của Tuscany. Phòng tắm và phòng ngủ có trải thảm len địa phương cổ truyền. Ngôi nhà trở nên rực rỡ hơn với nhiều bức tranh, một sự pha trộn giữa trường phái ấn tượng Pháp, các hoạ sĩ bậc thầy Italia và các hoạ sĩ trước thời phục hưng ở trên đảo. Hai bước chân dung Samuel Roffe và Terema Roffe, ông bà tổ của Elizabeth được treo trong phòng lớn của toà nhà.
Nét đặc biệt của toà nhà mà Elizabeth yêu thích nhất là căn phòng trên cùng, ở ngay dưới mái dốc. Nó được nối xuống dưới bằng một cầu thang hẹp từ tầng hai và Sam Roffe dùng nó làm văn phòng. Trong đó có một bàn làm việc lớn và một ghế xoay có lót nệm. Dọc theo các bức tường là các giá sách, các bản đồ phần lớn là có liên quan đến đế chế Roffe. Cái cửa kiểu Pháp dẫn đến một ban công nhỏ xây chìa ra phía trên một vách đá dựng đứng, và đứng đó nhìn ra quang cảnh thấy thót hết cả tim.
Chính trong căn nhà nầy, năm mười ba tuổi Elizabeth đã khám phá ra nguồn gốc gia đình nàng, và lần đầu tiên trong đời nàng cảm thấy mình thuộc về ai đó, rằng nàng là một phần thuộc dòng họ của mình.
Sự việc bắt đầu vào ngày mà nàng tìm thấy Quyển sách. Sam lái xe đi Olbia và Elizabeth đi vẩn vơ lên căn phòng trên cùng. Nàng chẳng hề để ý đến những quyển sách trên giá, đã từ lâu nàng biết chúng là sách khoa học kỹ thuật về dược lý, dược phẩm, những sách viết về các công ty đa quốc gia, luật quốc tế. Buồn tẻ và chán ngắt. Chỉ có một số ít sách viết tay được cất trong tủ kính. Một quyển là sách y học bằng tiếng La tinh tên là Circa Instans được viết từ thời Trung cổ, một quyển khác tên là De Materia Medica.
Vì đang học tiếng La tinh và cũng vì tò mò muốn xem một quyển sách cổ mà cô mở tủ kính lấy nó ra. Đằng sau nó, nằm khá kín đáo trong một góc khuất là một quyển khác. Elizabeth nhấc nó ra. Đó là một cuốn sách dầy, bìa bọc da đỏ và không có tên.
Ngạc nhiên, Ehzabeth mở cuốn sách ra. Như mở cánh cổng đưa nàng sang một thế giới khác. Đó là cuốn tiểu sử của ông tổ nàng, Samuel Roffe, bằng tiếng Anh, in trên giấy da. Cuốn sách không có tên tác giả, không ghi ngày tháng, nhưng Elizabeth chắc rằng nó đã có từ hơn một trăm năm vì hầu hết các trang sách đã bạc mầu, một số trang khác đã ố vàng và long ra vì quá cũ. Nhưng tất cả các điều đó đều không hề quan trọng. Chỉ có câu chuyện trong đó mới thực sự đáng kể, một câu chuyện làm sống lại các bức chân dung treo dưới phòng lớn. Elizabeth đã nhìn các bức chân dung của các cụ tổ nàng hàng trăm lần: một người đàn ông và một người đàn bà cổ lỗ, mặc những bộ quần áo lạ lùng. Người đàn ông không đẹp trai nhưng lại toát ra một sức mạnh đặc biệt và vẻ thông minh trên gương mặt. Tóc ông mầu vàng hoe, gò má cao của dân tộc Slavơ và cặp mắt xanh sáng, tinh nhanh. Người đàn bà rất đẹp. Tóc đen, nước da bóng láng không một tì vết và cặp mắt đen như than. Bà mặc một chiếc váy dài bằng lụa trắng với một áo khoác ngắn, vạt trên thêu kim tuyến. Hai người xa lạ không có ý nghĩa gì với Elizabeth.
Nhưng giờ đây, một mình trong căn phòng áp mái, Elizabeth mở cuốn sách ra và bắt đầu đọc, Samuel và Terenia Roffe trở nên sống động. Elizabeth cảm tưởng như mình đang đi ngược thời gian, đang sống trong khu người Do Thái Krakow vào năm 1853 với Samuel và Terenia. Càng đọc cuốn sách, nàng biết rằng ông tổ Samuel của nàng, người sáng lập ra Roffe và các con, là một người lãng mạn, rất thích phiêu lưu.
Và là một tên giết người.
Nguồn:
http://www.sahara.com.vn/