Ở đây đã được chứng minh rằng động tác đầu tiên bao giờ cũng là động tác hay hơn cả
Ba nhà quý tộc đi theo con đường đi Picardie, con đường mà họ quen nhẵn và nó gợi cho Arthos và Aramis nhớ lại vài kỷ niệm trong những niệm huy hoàng nhất thời trẻ trung của họ.
Khi tới chỗ ngày xưa họ đã xô xát với bọn đắp đường, Arthos nói:
- Nếu Mousqueton đi với chúng ta, qua chỗ này hẳn là hắn rưn sợ lắm nhỉ; cậu còn nhớ không, Aramis? Chính tại chỗ này hắn đã xơi phát đạn trứ danh ấy.
- Thực tình thì tôi cho phép nó run sợ đấy, - Aramis nói, - Bởi vì chúng tôi cũng rùng mình trước kỷ niệm đó: ở quá cây kia là một chỗ hẻm mà tôi tưởng đã bỏ xác lại đấy.
Mọi người tiếp tục đi. Rồi chả mấy chốc chính Grimaud trở lại với ký ức của mình.
Tới trước quán hàng mà chủ bác và bác ngày xưa đã làm một chầu no say tuý luý, bác đến gần Arthos, trỏ anh xem cửa sổ cái hầm rượu và nói:
- Xúc xích!
Arthos bật cười về cơn điên loạn hồi tuổi trẻ của mình và anh cũng thấy thú vị như nghe kể về chuyện của một người khác vậy.
Cuối cùng, sau hai ngày và một đêm rong ruổi, một buổi chiều đẹp trời họ tới Boulogne-sur-Mer, một thành phố hầu như hoang vắng, hoàn toàn xây trên đồi cao cái mà người ta gọi là thành phố thấp hồi ấy chưa có. Boulogne là một vị trí vững chắc phi thường.
Khi đến cửa ô thành phố de Winter nói:
- Các ông ạ, ở đây ta cũng phải làm như ở Paris; ta phải tách nhau ra để tránh những điều nghi kỵ. Tôi quen một quán hàng ít khách, nhưng người chủ hoàn toàn tận tâm với tôi. Tôi đi đến đấy, vì chắc có những thư từ đang đợi tôi. Các ông đến khách sạn đầu tiên của thành phố, như khách sạn l'Epée du Grand Henri chẳng hạn các ông ăn uống nghỉ ngơi, rồi sau hai giờ nữa chúng ta sẽ đợi ở đấy.
Công việc quyết định như vậy.
Milord de Winter đi dọc theo các đại lộ phía ngoài để vào bằng một lối vào khác khác, còn hai người bạn thì vào lối cửa ở ngay trước mặt. Đi độ hai trăm bước họ đã tìm được cái khách sạn đã được chỉ dẫn từ trước
Mọi người cho ngựa được nghĩ ngơi và tám mát, nhưng vẫn không rời yên ngựa, những người theo hầu đang mệt mõi, bởi hai người hầu cận làm việc rất trể, họ lo cho chủ cũng họ một cách kiên nhẫn, để chủ nhân họ đến nơi hẹn đúng giờ,
Họ làm việc , nhưng không trao đổi với nhau một lời gì cả một lời gì cả .
Ai cũng hiểu rằng những cử chỉ ấy chỉ nhằm đối với Blaisois; đối với Grimaud thì từ lâu nó đã trở thành vô ích rồi.
Arthos và Aramis đi ra cảng.
Với bộ quần áo phủ đầy bụi, với cái, dáng thanh thoát dễ nhận ra là người thường quen với những chuyến đi xa, đôi bạn khêu gợi sự chú ý của mấy người đi dạo chơi.
Họ thấy rõ ràng là việc họ đến đây đã gây một ấn tượng nào đó đối với một người trong số những kẻ đi dạo kia. Họ chú ý đến người ấy trước tiên cũng chính vì những nguyên nhân chính họ bị những người khác chú ý; anh ta đi đi lại lại có vẻ buồn rầu trên con đập dẫn ra bến, vừa trông thấy họ là anh ta cứ nhìn chằm chằm mãi và có vẻ nóng lòng muốn bắt chuyện.
Anh ta trông còn trẻ và nước da tai tái; cặp mắt có một màu xanh bất định đến nỗi tuỳ theo nhưng màu sắc mà nó phản chiếu nó có vẻ giận dữ lên như mắt một con hổ. Dáng đi mặc dầu thủng thỉnh và quanh co mơ hồ, vẫn tỏ ra rắn rỏi và táo bạo. Anh ta vận đồ đen và mang một thanh kiềm dài với vẻ khá trang nhã.
Đi tới con đập. Arthos và Aramis dừng lại nhìn một chiếc thuyền nhỏ buộc vào một cái cọc và trang bị đầy đủ như đang chờ đợi.
- Chắc hẳn là thuyền của ta, - Arthos nói.
- Ừ, - Aramis đáp, - Cái thuyền buồm đang sẵn sàng ở ngoài kia có vẻ là thuyền sẽ chở chúng ta đến nơi đã định. Còn bây giờ - anh nói tiếp. – Miễn là Winter đừng để chúng ta phải chờ đợi thì nán lại đây cũng chẳng hay ho gì, chẳng có một bóng phụ nữ nào đi qua cả.
- Suỵt! Arthos bảo - Người ta sẽ nghe được những lời chúng ta nói đấy.
Thật vậy, trong khi đôi bạn quan sát, thì người du khách du ngoạn đi qua đi lại nhiều lần phía sau họ và dừng lại khi nghe nói đến tên de Winter, song vì khuôn mặt anh ta chẳng biểu hiện một xúc cảm nào khi nghe cái tên đó, nên cũng có thể là ngẫu nhiên anh ta dừng chân.
- Thưa các ông, - Người thanh niên chào với vẻ rất thoải mái và lễ độ; xin các ông miễn thứ cho tính tò mò của tôi, tôi thấy như các ông từ Paris tới đây, hoặc ít ra các ông cũng là những người mới đến ở Boulogne-sur-Mer.
- Vâng, thưa ông, - Arthos đáp cũng với vẻ lịch sự như vậy. - Chúng tôi từ Paris đến. Ông có điều gì cần vậy?
- Thưa ông, - Người thanh niên nói, - Liệu ông có vui lòng cho tôi biết rằng có thật ngài giáo chủ Mazarin không còn là tể tướng phải không?
Đó là một câu hỏi kỳ lạ, - Aramis nói.
- Ông ta là tể tướng mà cũng chẳng là tể tướng. – Arthos đáp. - Nghĩa là một nửa nước Pháp xua đuổi ông ta, và một nửa kia thì duy trì do những mưu mô và những lời hứa hẹn đầy rẫy của ông ấy. Tình trạng này có thể còn kéo dài rất lâu, như ông thấy đấy.
- Cuối cùng - Kẻ lạ mặt nói - Ông ta không bỏ trốn mà cũng chẳng bị cầm tù ư?
- Không, ông ạ, ít ra trong lúc này.
- Thưa các ông, tôi xin cảm ơn về sự ân cần của các ông, - Người thanh niên nói và bước đi .
- Anh nghĩ thế nào về cái người hỏi chuyện này? Aramis nói.
- Tôi cho đó là một dân tỉnh lẻ chán chường hoặc một kẻ dọ thám dò la tin tức.
- Thế mà anh trả lời như vậy ư?
- Tôi chẳng thể trả lời khác được. Hắn lịch sự với tôi và tôi cũng lịch sự lại với hắn.
- Nhưng nếu đó là một tên do thám?
- Thì tên do thám ấy làm gì tôi? Chúng ta không còn ở thời giáo chủ de Richelieu, chỉ cần một điều khả nghi nhỏ là ông ta cho đóng cửa các cảng.
- Dù sao thì anh cũng sai lầm khi trả lời hắn như vậy - Aramis vừa nói vừa đưa mắt theo dõi người thanh niên đi khuất sau những đồi cát.
- Còn cậu, - Arthos nói, - cậu quên rằng cậu đã phạm một điều khinh suất khác là đã nói ra tên Milord de Winter. Cậu quên rằng người thanh niên đã dừng lại khi nghe nói đến cái tên đó sao?
- Thêm một lý do để khi hắn nói với anh thì mới hắn vừa đi qua con đường của hắn.
- Thế là một cuộc cãi vã nổi lên, - Arthos nói.
- Một cuộc cãi vã làm anh sợ hãi từ bao giờ vậy?
- Một cuộc cãi vã bao giờ cũng làm tôi sợ khi người ta cố tình chờ đợi ở tôi và cuộc cãi vã ấy có thể ngăn cản tôi tới đích. Với lại, cậu có muốn tôi thú nhận một điều không? Chính tôi, tôi cũng tò mò muốn nhìn gần gã thanh niên ấy.
- Tại sao vậy?
- Aramis, cậu sắp giễu cợt tôi cho mà xem; cậu sẽ nói rằng tôi luôn luôn nhắc lại vẫn một điều ấy, cậu sẽ gọi tôi là kẻ hoảng sợ nhất trong những kẻ hoang tưởng.
- Sao nữa?
- Cậu thấy cái người ấy giống ai?
- Về cái xấu hay cái đẹp? - Aramis cười hỏi.
- Về cái xấu và về cái điểm mà một người đàn ông có thể giống một người đàn bà đến mức nhiều nhất.
- A! Mẹ kiếp! - Aramis kêu lên, - Cậu làm tôi nghĩ đến điều ấy.
- Không, bạn thân mến ơi, chắc chắn là cậu không hoang tưởng đâu; và bây giờ mình suy nghĩ lại, thực tình là cậu có lý: cái miệng nhỏ và lặn vào, cặp mắt lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh của trí óc, chứ không phải của trái tim. Đúng là một đứa con hoang nào đó của Milady.
- Cậu cười à, Aramis?
- Theo thói quen, thế thôi, vì rằng xin thề là cũng như cậu, mình chẳng thích thú gì gặp lại cái con rắn ấy trên đường đi của mình đâu.
- A, de Winter đến kìa? - Arthos nói.
- Tốt! - Aramis đáp, - chỉ còn thiếu một điều là mấy thằng hầu của chúng ta bây giờ lại bắt chúng ta phải chờ đợi.
- Không đâu, - Arthos nói, - tôi đã trông thấy chúng đi sau Milord vài chục bước. Tôi nhận ra Grimaud ở cái đầu rắn rỏi và đôi chân dài nghêu. Tony mang những khẩu súng trường của chúng ta.
- Thế là chúng ta xuống thuyền ban đêm à. - Aramis hỏi và liếc nhìn về phía tây nơi mặt trời chỉ còn lại một áng mây vàng vừa chìm xuống biển vừa tắt dần.
- Chắc thế, - Arthos nói.
- Chán thật! - Aramis kêu lên, - ban ngày tôi đã ít thích biển, ban đêm càng ít hơn, tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi, cái lúc lắc ghê sợ của con tàu, thú thực là tôi ưa thích tu viện ở Noisy hơn.
Arthos mỉm cười bằng nụ cười buồn rầu của mình, vì rõ ràng anh vừa nghe bạn nói vừa nghĩ đến chuyện khác và bước về phía de Winter.
Aramis đi theo anh.
- Này, ông bạn của chúng ta có chuyện gì thế nhỉ? Aramis nói – Trông ông ấy giống những kẻ bị đày xuống địa ngục của Dante, mà quỷ Satan đã vặn cổ và đang nhìn xuống gót chân. Ông ta nhìn cái quái gì ở đằng sau mình như vậy.
Trông thấy hai người bạn, de Winter bước gấp đến với họ một cách nhanh chóng lạ thường.
- Có chuyện gì thế, Milord, ai đã làm ông thở đến đứt hơi như vậy - Arthos hỏi.
- Chẳng có gì đâu, - Vừa nói Wanter vừa ngoái nhìn sau đồi cát.Thì thầm: Hình như nó cũng có mặt ở đây
Athors nhìn qua Aramis
- Chúng ta hãy đi đi, de Wanter nói tiếp - Chúng ta đi đi, cái thuyền buồm bỏ neo kia chờ chúng ta đấy, các ông có trông thấy không, chúng ta hãy lên trên đó đi nhé .
Vừa nói, de Wanter cũng nhìn ngược lại về phía đồi cát một lần nữa
- Ô kìa! - Aramis nói, - Ông còn quên cái gì chăng?
- Không, đó là một mối bận tâm.
- Ông ta đã trông thấy hắn- Arthos nói nhỏ với Aramis.
Đã tới cái cầu thang dẫn tới thuyền. De Winter cho bọn đầy tớ xuống trước mang theo vũ khí và bọn phu mang các rương hòm và ông đi xuống sau họ.
Cùng lúc ấy Arthos chợt nhìn thấy một người đàn ông đi men theo bờ biển song song với con đập và rảo bước vội vàng như muốn đứng từ phía kia của bến cách chừng non hai chục bước, chứng kiến việc xuống thuyền của họ.
Giữa bóng tối bắt đầu buông xuống, anh tưởng như nhận ra người thanh niên đã hỏi chuyện các anh.
- Ồ ! Ồ! Anh tự nhủ, - phải chăng rõ ràng là một tên do thám và hắn định cản trở bọn ta xuống thuyền? Song, dù trong trường hợp kẻ lạ mặt có ý định ấy thật, thì cũng đã khá muộn để thi hành, nên Arthos đến lượt mình vẫn bước xuống thang, nhưng không rời mắt khỏi gã thanh niên. Cuối cùng, hắn đã xuất hiện trên một cửa cống.
Chắc chắn là hắn định công kích chúng ta, nhưng ta cứ việc xuống thuyền và một khi đã ra khơi, thì hắn cứ việc đến!
Và Arthos nhảy xuống thuyền, nó lập tức rời bến và bắt đầu đi ra với sức của bốn tay chèo lực lưỡng.
Nhưng gã thanh niên cũng đi theo ngay hay nói đúng hơn là vượt chiếc thuyền. Thuyền phải đi qua giữa cái mỏm của con đập bị chế ngự bởi một cây đèn biển vừa mới thắp sáng và một tảng đá dựng xiên từ xa đã trông thấy hắn leo lên tảng đá để có thể chế ngự con thuyền khi nó đi qua.
- Ái chà! - Aramis báo Arthos, - Gã thanh niên ấy nhất định là một tên dọ thám rồi.
- Gã thanh niên nào vậy? - de Winter hỏi và quay đầu lại.
- Thì cái gã đã đi theo bọn tôi, nói chuyện với bọn tôi và đợi chúng ta ở kia kìa, ông hãy nhìn xem.
De Winter quay lại và nhìn theo hướng Aramis trỏ. Ngọn đèn pha chiếu sáng cái eo biển nhỏ mà họ sắp đi qua và tảng đá có gã thanh niên đang đứng đợi, đầu để trần và hai tay khoanh lại.
- Chính nó! - Milord de Winter vừa kêu lên vừa nắm lấy cánh tay Arthos, - Chính nó, tôi đã ngờ nhận ra nó và tôi đã không lầm.
- Nó là ai vậy? - Aramis hỏi.
- Con trai của Milady, - Arthos đáp.
- Gã mục sư, - Grimaud kêu lên.
Gã thanh niên nghe thấy những lời đó, dường như hắn sắp nhảy bổ xuống, hắn ra đứng tận mỏm đá nghiêng nghiêng xuống mặt biển.
- Phải chính ta đây, ông bác của tôi ơi, ta là con trai của Milady, ta là mục sư, ta là thư ký và là bạn của Cromwell, và ta biết các người, và đồng bọn.
Ở trong thuyền có ba con người chắc chắn là dũng cảm và không ai dám phủ nhận lòng can đảm của họ. Vậy mà trước tiếng nói ấy, cái giọng ấy, cử chỉ ấy, họ cảm thấy một nỗi kinh hoàng chạy rần rật trong mạch máu họ.
Còn Grimaud thì tóc gáy dựng lên và mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.
- A! - Aramis nói, - Đó là thằng cháu, đó là gã mục sư, đó là con trai của Milady, như chính hắn vừa nói sao?
- Chao ôi, đúng thế! - De Winter lẩm bẩm.
- Thế thì, đợi đấy! - Aramis nói.
Và với vẻ bình tĩnh ghê gớm mà anh thường có trong những tình huống gay go nhất, anh cầm lấy một trong hai khẩu súng trường mà Tony mang theo, giơ lên nhằm vào con người đang đứng sừng sững trên tảng đá như một hung thần.
- Bắn đi!- Grimaud bất giác kêu lên.
Arthos nhào mình vào nòng súng và ngăn lại phát đạn sắp sửa bay đi.
- Quỷ đã bắt anh chuyện điên rồ ấy rồi? - Aramis la lên, - Tôi đã nhằm hắn rất chính xác ở đầu mũi súng và chắc chắn là viên đạn đã trúng giữa ngực hắn rồi.
- Giết chết mẹ nó là đủ lắm rồi, - Arthos âm thầm nói.
- Mẹ nó là một đứa phản trắc đã từng đánh vào tất cả chúng ta, hoặc vào bản thân chúng ta hoặc vào những người thân yêu của chúng ta.
- Phải rồi, nhưng đứa con trai, nó chưa làm gì chúng ta cả.
Grimaud lúc nhảy nhổm lên để xem hiệu quả của phát súng bây giờ buông mình xuống chán nản và đập tay đen đét.
Gã thanh niên cười phá lên.
- A! Thì ra chính các người, - Hắn nói, - Thì ra chính các người và bây giờ ta đã biết rõ các người.
Tiếng cười the thé và những lời nói hăm doạ của hắn theo gió bay lên mạn thuyền và tan đi trong chân trời sâu thẳm.
Aramis rùng mình.
- Hãy bình tĩnh nào, - Arthos nói. - Quỷ quái thật! Chúng ta không còn phải là những đấng nam nhi nữa hay sao?
- Có chứ. - Aramis đáp, - Nhưng gã kia là một con quỷ và này, hãy hỏi ông bác xem tôi có sai lầm không, nếu trừ khử đứa cháu thân yêu của ông ấy.
De Winter chỉ đáp lại bằng một tiếng thở dài.
Arthos nắm bàn tay de Winter và thử lái qua câu chuyện khác, anh hỏi ông:
- Bao giờ thì chúng ta cập bến nước Anh?
Nhưng ông ta không nghe thấy những lời ấy và không trả lời.
- Arthos này, - Aramis nói, - Có lẽ hãycòn kịp thời giờ. Trông xem hắn vẫn đứng ở chỗ cũ.
Arthos gắng gượng quay đầu lại nhìn gã thanh niên đối với anh hiển nhiên là nặng nề khó chịu.
Thực vậy, gã vẫn đứng sừng sững trên tảng đá, ngọn đèn pha tạo ra chung quanh gã một vầng hào quang xán lạn.
Arthos như là hiện thân của lý trí, chú ý tìm hiểu nguyên nhân mà ít quan tâm đến hiệu quả, anh hỏi:
- Nhưng hắn làm gì ở Boulogne-sur-Mer?
- Hắn theo đuổi tôi, hắn theo đuổi tôi, - de Winter đáp, lần này ông đã nghe thấy tiếng nói của Arthos, vì tiếng nói của anh phù hợp với những suy nghĩ của ông.
- Bạn ơi, - Arthos nói, - để theo đuổi ông, ắt là hắn phải biết rõ cuộc khởi hành của chúng ta chứ? Vả chăng, chắc chắn là trái hẳn lại, hắn ta đã đi trước chúng ta kia mà.
- Thế thì tôi chẳng hiểu ra làm sao cả? - Người Anh vừa nói vừa lắc đầu như một kẻ đang nghĩ rằng thử chống lại một sức mạnh siêu nhiên thì thật là vô ích.
- Aramis này, - Arthos báo, - Tôi nghĩ rằng mình rõ ràng sai lầm không thể để mặc cậu làm cái việc vừa rồi.
- Thôi im đi, - Aramis đáp, - anh làm tôi phát khóc lên bây giờ.
Grimaud thốt ra một tiếng càu nhàu không rõ rệt, nghe như một tiếng gầm gừ.
Vừa lúc ấy từ chiếc tàu buồm có tiếng réo gọi họ. Người lái thuyền ngồi ở đằng lái đáp lại và chiếc thuyền ghé mạn con tàu.
Một lát sau, mấy người cùng đày tớ và hành lý đã lên tàu. Người chủ tàu chỉ đợi hành khách để nhổ neo, và hành khách mới lên boong là người ta cho con tàu quay mũi về phía Hastings, nơi họ phải lên bờ.
Cũng lúc ấy ba người bạn đều bất giác nhìn một lần cuối cùng về phía tảng đá, ở đó vẫn nổi rõ lên cái bóng hăm doạ đang theo dõi họ.
Rồi một tiếng nói vọng đến tận chỗ họ và gửi tới họ lời đe doạ cuối cùng:
- Hẹn gặp lại các ngài ở bên nước Anh nhé?
Chương 46
Lễ tạ về chiến thắng Lens
Tất cả sự hoạt động náo nhiệt ấy mà bà Henriette nhận thấy và cố tìm hiểu lý do nhưng uổng công, là do chiến thắng ở Lens gây nên. Quận công de Châtillon có phần đóng góp cao quý vào chiến thắng, được ngài Hoàng thân phải về đưa tin; ngoài ra ông còn được giao cho treo lên các vòm cửa nhà thờ Đức Bà hai mươi là cờ chiếm được của cả quân Lorrain và quân Tây Ban Nha.
Tin tức ấy có tính quyết định: nó cắt đứt cuộc tố tụng với nghị viện ủng hộ triều đình. Tất cả những thuế khoá đăng ký giản lược bị nghị viện phản đối đều được viện lý do về sự cần thiết bảo vệ danh dự của nước Pháp và về kỳ vọng rủi may đánh bại quân thù. Nhân vì từ sau chiến thắng Nordlingen người ta chỉ toàn gặp phải những chuyện hẩm hiu, nên nghị viện có thể chất vấn Mazarin về những chiến thắng luôn luôn được hứa hẹn và luôn luôn bị trì hoãn.
Nhưng lần này rốt cuộc người ta đã đánh nhau và tranh giành toàn là chiến công và chiến công mỹ mãn. Cho nên mọi người đều hiểu rằng có chiến thắng kép đôi với triều đình: chiến thắng ở bên ngoài và chiến thắng ở bên trong, đến nỗi nhà vua ấu thơ khi nhận được tin tức cũng phải kêu lên:
- A! Hỡi các ngài trong nghị viện, chúng ta sẽ xem các ngài nói thế nào đây!
Nghe vậy Hoàng hậu đã ôm ghì vào ngực mình vị ấu chúa mà những tình cảm kiêu kỳ và bất khuất hoà hợp thật nhịp nhàng với tình cảm của bà. Một cuộc hội họp được triệu tập ngay tối hôm nay được mời dự có thống chế de La Meilleraie và ông de Villeroy, bởi vì họ theo phái Mazarin; có Chavigny và Séguier bởi vì họ thù ghét nghị viện; có Gitaud và Comminger bởi vì họ hết lòng với hoàng hậu.
Những điều quyết định trong cuộc họp chẳng lọt ra ngoài tí gì.
Người ta chi biết rằng chủ nhật tới sẽ có lễ và hát Tạ ơn ở nhà thờ Đức Bà mừng chiến thắng Lens.
Hôm chủ nhật ấy, dân chúng Paris tỉnh giấc trong niềm hoan hỉ.
Thời ấy lễ tạ ơn là một đại sự, người ta hứa lạm dụng cái kiểu lễ nghi này và nó gây tác dụng lớn. Mặt trời như cũng tham dự vào lễ hội, thức dậy thật rạng rỡ và mạ vàng lên những ngọn tháp tối sẫm của kinh đô lúc ấy đã nườm nượp dân chúng. Những phố xá tốì tăm nhất của khu Cité cũng mang không khí hội hè và dọc theo các đường kè người ta cũng thấy những đoàn dài dằng đặc những nhà tư sản, nhưng thợ thủ công, những đàn bà trẻ con nối tiếp nhau kéo nhau đến nhà thờ Đức Bà giống như một con sông chảy ngược về nguồn.
Các cửa hiệu vắng tanh, các nhà đều đóng cửa. Ai nấy đều muốn xem ông vua trẻ cùng với mẹ và vị giáo chủ trứ danh Mazarin mà người ta căm ghét đến nỗi ai cũng muốn nhìn tận mắt.
Vả chăng, sự tự do lớn nhất ngự trị trong đám dân chúng đông đảo ấy: mọi chính kiến đều biểu hiện công khai và có thể nó báo hiệu cuộc khởi loạn, giống như hàng nghìn quả chuông ở tất cả các nhà thờ ở Paris khua vang báo hiệu lễ Tạ ơn. Cảnh sát của thành phố do tự thành phố đặt ra; chẳng có cái gì đe doạ đến quấy rối cuộc hoà tấu của lòng căm ghét rộng rãi và làm nguội lạnh những lời nói từ những cửa miệng phỉ báng kia.
Tuy nhiên, từ tám giờ sáng, trung đoàn thị vệ của hoàng hậu do Gitaud chỉ huy cùng với phó là Comminger cháu ông ta, có kèn trống đi đầu, đến bố trí quân từ Hoàng cung đến nhà thờ Đức Bà.
Dân Paris xem cuộc vận động ấy với vẻ bình thản và bao giờ cũng tò mò trước điệu nhạc binh và những bộ quân phục sặc sỡ.
Friquet. diện quần áo ngày hội. Viện cớ bị sưng hàm mà hắn tạo ra bằng cách ngậm vô sô hạt anh đào vào một bên miệng, hắn đã được Bazin cấp trên của hắn cho nghỉ cả ngày.
Lúc đầu Bazin từ chối, do bác đang bực bội trước hết vì Aramis ra đi mà chẳng hề nói cho bác biết là đi đâu, sau nữa vì bác phải phục dịch một cuộc lễ mừng chiến thắng không hợp với chính kiến của mình. Ta còn nhớ Bazin là một người Fronde và nếu trong một buổi lễ long trọng như thế này mà một ông phụ thủ có thể vắng mặt như một ngày lễ tầm thường mà Bazin ắt đã trình với vị tổng giám mục cái điều yêu cầu như người ta vừa trình với bác. Bác bèn bắt đầu bằng cách từ chối mọi chuyện nghỉ phép.
Nhưng ngay trước mắt Bazin cái hàm của Friquet. sưng lên to tướng, cho nên vì danh dự của cả đoàn lễ sinh có thể bị tổn hại bởi một dị dạng như thế, cuối cùng Bazin đành càu nhàu mà nhượng bộ.
Ra đến cổng nhà thờ, Friquet. nhổ toẹt cái khối sung ra và nhìn về phía Bazin một cử chỉ mà nó bảo đảm cho thằng nhóc Paris lớn sự hơn hẳn của nó đối với những thằng nhóc khác trên thế giới, còn về công việc khách sạn của hắn, tất nhiên hắn giũ sạch mà nói rằng hắn phải phục dịch một ngày lễ ở nhà thờ Đức Bà.
Như vậy là Friquet được tự do diện bộ quần áo bảnh bao nhất.
Nhất là hắn lại có một thứ trang sức thật đặc sắc, đó là một cái mũ bonnet nó lai lai kiểu mũ dẹt thời trung cổ với kiểu mũ rộng vành thời vua Louis XIII. Bà mẹ nó may cho nó cái mũ kỳ lạ ấy, và do ngẫu hứng hoặc do thiếu vải đồng màu, bà đã tỏ ra ít quan tâm đến sự hoà hợp màu sắc, thành thử các tác phẩm tuyệt xuất của đồ mũ mãng thế kỷ thứ mười bảy kia một bên thì vừa vàng vừa xanh, một bên thì vừa trắng vừa đỏ. Nhưng Friquet. vốn rất mê sự đa dạng của màu sắc, nên hắn chỉ càng thêm hãnh diện và dương đương đắc ý.
Ra khỏi chỗ Bazin, Friquet. ba chân bốn cẳng chạy đến Hoàng cung. Hắn tới vào lúc trung đoàn thị vệ từ trong đó đi ra, và do hắn đến chẳng có mục đích nào khác là xem diễn binh và nghe nhạc, hắn bèn đi lên đầu, đánh trống bằng hai thanh đá đen, rồi chuyển sang chơi kèn miệng giả làm kèn đồng một cách tài tình khiến các nhà tài tử về âm điệu bắt chước đã phải nhiều lần khen ngợi.
Trò chơi ấy kéo dài từ cửa ở các Thày đội đến quảng trường nhà thờ Đức Bà, và Friquet. lấy làm thích thú lắm. Nhưng khi trung đoàn dừng lại và các đại đội triển khai đi sâu tận vào tận trung tâm khu Cité và đóng ở cuối phố Saint Christophes, gần phố Cocatrix nơi ông Broussel ở, thì Friquet. chợt nhớ ra là mình chưa ăn sáng, hắn loay hoay tìm xem mình phải quay gót về phía nào để hoàn thành cái công việc quan trọng trong ngày ấy. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, hắn quyết định rằng ông tham nghị Broussel sẽ phải chi cho bữa chén của hắn.
Cho nên hắn băng mình chạy đến đứt hơi tới nhà ông tham nghị và đập cửa dữ dội.
Bà mẹ hẳn làm vú già cho ông Broussel ra mở cửa.
- Thằng ôn con kia, - bà nói, - Mày đến đây làm gì, tại sao mày không ở nhà thờ Đức Bà?
- Mẹ Nanettete ơi, - Friquet. đáp, - con đã đến đấy, nhưng vì con thấy có những chuyện xảy ra mà thày Broussel cần được báo cho biết, cho nên được ông Bazin cho phép, mẹ biết ông Bazin phụ thủ chứ, con đến đây để nói chuyện với ông Broussel.
- Thế mày định nói gì với ông Broussel, hả thằng khỉ?
- Con muốn nói riêng với ông ấy.
- Không thể được, ông ấy đang bận việc.
- Thế thì con đợi vậy, - Friquet. nói, - Chắc hẳn ông ấy thu xếp thì giờ được.
Và hắn leo nhanh lên cầu thang, còn bà Nanette thong thả lên sau hắn.
- Nhưng cuối cùng, - Bà nói, - Mày muốn gì ở ông Broussel.
- Con muốn bảo ông ấy rằng - Friquet. cố nói thật to để đáp lại - có cả một trung đoàn thị vệ đi về phía này. Do con nghe nói ở khắp nơi rằng triều đình có ác cảm với ông, nên con đến báo trước để ông ấy đề phòng.
Broussel nghe tiếng kêu của thằng nhãi ranh và thích thú trước sự hăng hái quá mức của hắn, ông bước xuống gác một, vì quả thật ông đang làm việc ở gác hai.
- Này, cậu bạn ơi, - Ông nói, - Trung đoàn thị vệ thì can gì đến ta và cậu điên hay sao mà làm om xòm lên thế? Cậu không biết rằng đó là thói quen các vị ấy vẫn làm như thế ư? Theo lệ thường thì trung đoàn ấy phải làm hàng rào trên đường vừa đi qua.
Friquet. giả bộ kinh ngạc và dùng ngón tay quay quay cái mũ mới, hắn nói:
- Thưa ông Broussel, ông biết điều đó thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên với ông, ông biết hết mọi thứ, nhưng còn cháu thì lạy Chúa, thực ra cháu không biết, và cháu cứ tưởng rằng đã góp với ông một ý kiến hay. Xin ông Broussel đừng giận cháu về điều đó.
- Trái lại, cậu nhỏ ơi trái lại ta thích sự nhiệt tình của cậu. Bà Nanette ơi, hãy xem những quả mơ mà bà Longueville gửi cho ta hôm qua; và lấy dăm sáu quả cho con trai bà cùng với một cái bánh mềm.
- A! Xin cảm ơn ông Broussel - Friquet. nói, - xin cảm ơn, cháu rất thích ăn mơ.
Broussel sang phòng vợ và bảo dọn ăn sáng. Lúc ấy chín giờ rưỡi ông cố vấn đứng ra cửa sổ. Phố xá vắng tanh, nhưng xa xa người ta nghe thấy như tiếng thuỷ triều đang dâng lên, tiếng ầm ầm mênh mông của những đợt sóng quần chúng đã lớn lên chung quanh nhà thờ Đức Bà.
Tiếng ồn ấy càng tăng khi d'Artagnan cùng với đại đội ngự lâm quân đến canh ở các cổng nhà thờ Đức Bà để giúp tiến hành cuộc lễ. Anh đã bảo trước Porthos vận đại lễ phục cưỡi con ngựa đẹp nhất của mình, đóng vai người linh ngự lâm danh dự giống như d'Artagnan trước kia vẫn thường làm.
Viên đội trong đơn vị, người lính già trong những cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha đã nhận ra Porthos là bạn đồng ngũ và chẳng mấy chốc đã kể cho mọi người dưới quyền bác những công tích lớn lao của anh chàng khổng lồ ấy, niềm vinh dự của ngự lâm quân xưa kia của ngài de Treville. Porthos không những được anh em trong đại đội đón tiếp niềm nở mà còn được mọi người nhìn với vẻ thán phục.
Mười giờ sáng đại bác ở cung Louvre bắn báo hiệu vua ra. Một chuyển động giống như một cơn giông bão uốn cong và xô lắc các ngọn cây truyền nhanh trong đám dân chúng đang rộn rịch đằng sau những khẩu súng trường bất động của lính thị vệ. Cuối cùng vua xuất hiện cùng với thái hậu trong một cỗ xe toàn mạ vàng. Mười cỗ xe khác theo sau chở các thị nữ, các sĩ quan của hoàng gia và tất cả triều đình.
- Đức vua muôn năm! - Người ta hô lên ở khắp mọi chỗ.
Ông vua trẻ trịnh trọng thò đầu ra cửa xe, lộ vẻ mặt khá biết ơn và cũng khẽ gật đầu chào, điều đó càng làm tăng tiếng hô của đám đông.
Đoàn ngự giả đi thong thả và phải mất gần nửa giờ để vượt khoảng cách từ cung Louvre đến quảng trường nhà thờ Đức Bà. Tới đó đoàn dần dần tiến vào dưới cái vòm rộng mênh mông của đô thành và cuộc lễ thánh bắt đầu.
Lúc triều đình đi đến chỗ của mình, thì một cỗ xe có gia huy của Comminger rời đoàn xe của triều đình và thong thả đi đến cuối phố Saint-Christophe vắng tanh vắng ngắt. Bốn thị vệ và một phó quan cảnh sát đi theo xe bèn leo lên cỗ xe nặng nề và đóng các rèm cửa lại rồi qua một kẽ sáng được sắp đặt thận trọng, viên cảnh sát bắt đầu rình theo dọc phố Cocatrix như có ý đợi một người nào đi tới.
Tất cả mọi người đều bận tâm vào lễ hội, thành thử cả cỗ xe lẫn những sự đề phòng của những kẻ ngồi trong xe đều không bị chú ý.
Riêng có Friquet. mà mắt lúc nào cũng rình rập là thấy rõ, hắn đến đầu tường ở một ngôi nhà ở sân trước nhà thở để nhấm nháp những quả mơ. Từ chỗ ấy hắn nhìn xem vua, hoàng hậu và tể tướng Mazarin, và dự lễ messe như hắn đã phục dịch.
Vào cuối cuộc lễ, hoàng hậu trông thấy Comminger vẫn đứng bên cạnh bà để chờ đợi sự xác định lại mệnh lệnh mà bà đã giao cho y trước lúc rời cung Louvre, bà khẽ nói:
- Đi đi, Comminger, và xin Chúa phù hộ cho ông?
Comminger lập tức đi ngay, ra khỏi nhà thờ và đi vào phố Saint-Christophe.
Friquet. nhìn thấy viên sĩ quan bảnh bao ấy có hai thị vệ theo sau thì cũng đi theo chơi, và càng hoan hỉ vì cuộc lễ kết thúc ngay lúc ấy và vua cũng đã lên xe.
Vừa trông thấy Comminger xuất hiện ở đầu phổ Cocatrix là viên cảnh sát nói nhỏ một tiếng với tên đánh xe ngựa và tên này lập tức cho cỗ xe chuyển động và đi đến cổng nhà ông Broussel.
Comminger gõ cửa cùng lúc chiếc xe dừng ở đó.
Friquet. đứng đằng sau Comminger, đợi mở cửa.
- Thằng ôn kia, mày làm gì đấy? - Comminger hỏi.
Với cái giọng mơn trớn mà thằng nhóc Paris biết dùng rất tài tình khi cần thiết, Friquet. đáp:
- Thưa ngài sĩ quan, tôi đợi vào nhà tiên sinh Broussel?
- Đúng là ông ta ở đây phải không? - Comminger hỏi.
- Vâng, thưa ngài.
- Ông ta ở gác mấy?
- Ở tất cả các ngôi nhà, Friquet. đáp, - Nhà này là của ông ấy mà.
- Nhưng thường ông ta ở đâu?
- Khi làm việc ông ở gác hai; khi ăn ông xuống gác một, lúc này chắc ông đang ăn vì là giữa trưa rồi.
- Tốt! - Comminger nói.
Cửa mở. Viên sĩ quan hỏi người đầy tớ và biết rằng tiên sinh Broussel có nhà và đúng là đang ăn trưa. Comminger đi lên sau người đầy tớ và Friquet. đi lên sau Comminger.
Broussel ngồi ở bàn ăn cùng với gia đình, trước mặt ông là bà vợ, hai bên cạnh là hai cô con gái, ở đầu bàn là người con trai Louvières, mà chúng ta đã thấy xuất hiện nhân tai nạn của ông tham nghị, nay ông đã bình phục hoàn toàn. Ông già đôn hậu sức khỏe dồi dào đang thưởng thức những trái mơ ngon lành mà bà de Longueville gửi đến.
Người đầy tớ toan mở cửa phòng dề báo tin, thì Comminger giữ tay người ấy lại, tự mình mở cửa và đứng ngay trước bức tranh gia đình ấy.
Trông thấy viên sĩ quan, Broussel hơi xúc động, nhưng nhìn thấy hắn chào lễ phép, thì ông đứng lên và cũng chào lại.
Tuy nhiên, mặc dầu sự lễ phép qua lại ấy, nỗi lo âu hiện lên gương mặt mấy người phụ nữ. Louvières tái xanh mặt và nóng lòng chờ đợi viên sĩ quan biện giải.
- Thưa ông, - Comminger nói, - Tôi mang một mệnh lệnh của đức vua.
- Hay lắm, - Broussel đáp. - Đó là lệnh gì thế ông?
Và ông giơ tay ra.
- Thưa ông, tôi được phải đến bắt giữ ông, - Comminger nói vẫn với cái giọng và vẻ lịch sự ấy, - và nếu như ông tin, thì ông chẳng phải mất công đọc bức chiếu dài dòng này làm gì và xin ông đi theo tôi.
Sấm sét giáng xuống giữa đám người hiền lành đang sum họp yên tĩnh này cũng không gây nên một tác dụng khủng khiếp hơn.
Broussel lùi lại run như cây sẩy. Thời ấy, bị giam cầm vì mối cừu thù của nhà vua thật là một điều kinh khủng. Louvières toan nhảy đến chỗ thanh kiếm của mình để trên một cái ghế ở góc phòng, nhưng ông lão Broussel giữa tình cảnh ấy vẫn không mất trí ông đưa mắt nhìn con trai và ghìm lại được cái động tác tuyệt vọng đó. Bà Broussel bị cái bàn ngăn cách với chồng khóc nức nở còn hai cô con gái thì cứ ôm chặt lấy cha mình.
- Nào ông ơi, - Comminger bảo, - Mau mau lên, phải tuân lệnh đức vua.
- Thưa ông - Broussel nói, - Tôi đang yếu sức và không thể ngồi tù trong tình trạng này được; tôi yêu cầu có thời gian.
- Không thể được! - Có một tiếng gào ở cuối phòng.
Comminger quay đầu lại và trông thấy bà Nanette, tay cầm cán chổi, mắt rực lên những tia lửa giận dữ.
- Bà Nanette ơi, - Broussel bảo - Hãy bình tĩnh nào, tôi van bà đấy.
- Tôi mà bình tĩnh được ư, trong khi người ta bắt giữ ông chủ của tôi, người phù trợ, người giải phỏng, người cha của nhân dân khốn khổ! A! Phải rồi? Ông có xéo đi không? Ông vẫn còn biết tôi - bà nói với Comminger.
Comminger mỉm cười. Hắn quay về phía Broussel và nói:
- Này, ông bảo cái mụ kia câm mồm đi và hãy đi theo tôi.
- Bảo tôi câm mồm ư, hả hả! - Nanette nói. - À! Được đấy! Phải có một người khác nữa ngoài ông ra, kẻ đẹp mã của nhà vua ạ! Rồi ông xem!
Và bà Nanette lao về phía cửa sổ, mở ra và kêu to bằng một giọng chói tai từ sân trước nhà thờ cũng nghe thấy:
- Cứu chúng tôi với! Người ta bắt giữ ông chủ của tôi người ta bắt giữ ngài tham nghị Broussel! Cứu chúng tôi với!
- Này ông, - Comminger nói, - Hãy nói rõ ý kiến ngay đi: Ông có tuân lệnh không hay là toan kháng cự lại đức vua?
- Tôi tuân lệnh, tôi tuân lệnh, ông ạ, - Broussel kêu lên, thử gỡ mình khỏi vòng tay của hai con gái và dùng mắt ghìm anh con trai luôn sẵn sàng buột khỏi ông.
- Trong trường hợp ấy - Comminger nói, - hãy bắt mụ già này im lặng.
- A, mụ già à! - Nanette nói.
Và bà lại càng gào thét to hơn, tay bám chặt lấy song cửa:
- Cứu chúng tôi với! Cứu chúng tôi với! Cứu ngài Broussel đang bị người ta bắt chỉ vì đã bảo vệ dân chúng! Cứu chúng tôi với!
Comminger ôm ngang mình bà vú toan giằng bà ra khỏi vị trí, nhưng cùng lúc ấy có một tiếng nói khác từ tầng dưới đất hét lên bằng cái giọng the thé:
- Có vụ giết người! Cháy! Có kẻ ám sát! Người ta chọc tiết ông Broussel!
Đó là tiếng của Friquet.. Bà Nanette thấy mình được ủng hộ càng ra sức hò la theo.
Đã có những cái đầu tò mò hiện ra ở các cửa sổ. Dân chúng từ đầu phố chạy đến, lúc đầu có một số người, rồi từng toán, rồi cả đám đông? Người ta nghe thấy tiếng kêu, trông thấy một cỗ xe, nhưng không hiểu chuyện gì cả. Friquet. từ trong nhà nhảy lên nóc cỗ xe và kêu to:
- Họ định bắt ông Broussel? Trong xe có lính thị vệ và trên gác có viên sĩ quan.
Đám đông bèn gầm lên và đến gần mấy con ngựa. Hai lính vệ đứng ở dưới dường trèo lên gác hỗ trợ cho Comminger; những tên ở trong xe mở cửa xe ra và dựng chéo các cây giáo.
- Các vị thấy chưa? - Friquet. kêu. - Các vị thấy chưa? Chúng nó đấy!
Rồi nó quay vào nhà và ném tới tấp vào người tên đánh xe ngựa tất cả những gì nó vớ được.
Mặc dầu sự thị uy cừu địch của bọn lính vệ và có lẽ, chính vì sự thị uy đó mà đám đông càng gào thét lên và xấn vào lũ ngựa. Bọn lính vệ dùng giáo đâm làm lùi bước những kẻ hung hăng nhất.
Tuy nhiên sự huyên náo mỗi lúc một tăng, đường phố không còn chứa nổi những người xem từ mọi phía dồn đến; đám đông lấp cả khoảng trống mà mấy ngọn giáo ghê gớm cửa lính vệ còn canh giữ ở giữa dân chúng và cỗ xe. Bọn lính như bị xô đẩy bởi những bức tường luỹ sống, sắp sửa bị đè nát vào những trục xe và thành xe.
Những tiếng kêu "Nhân danh đức vua!" do viên phó quan cảnh sát nhắc đi nhắc lại hàng chục lần chẳng mảy may tác động đến đám người hằng hà sa số đáng sợ ấy và dường như còn khiến họ phẫn nộ thêm. Lúc ấy nghe tiếng kêu "Nhân danh đức vua!" một kỵ sĩ phóng đến và trông thấy những bộ quân phục bị ngược đãi, bèn xông lên, tay kiếm lăm lăm và đem đến một sự hỗ trợ không ngờ tới cho bọn lính vệ
Kỵ sĩ ấy là một thanh niên trạc mười lăm mười sáu tuổi mặt tái đi vì phẫn nộ. Anh nhảy xuống đất tựa lưng vào càng xe và dùng con ngựa của mình làm chiến luỹ, anh rút những khẩu súng ngắn ở bao ra gài vào thắt lưng và bắt đầu vung gươm ra dáng một con người mà, việc múa gươm là điều quen thuộc.
Trong mười phút một mình anh ta chống cự với cả đám đông.
Lúc ấy Comminger ra và đẩy Broussel đi trước mình.
- Phá tan cỗ xe ra! - Dân chúng gào lên.
- Cứu chúng tôi với - Bà vú già kêu.
- Có vụ giết người! - Friquet. vừa la vừa tiếp tục ném tới tấp vào bọn thị vệ tất cả những gì hắn nhặt được.
- Nhân danh đức vua! - Comminger hô.
- Kẻ nào xông lên trước tiên sẽ chết! - Raoul vội vã kêu lên khi thấy một gã khổng lồ sắp sửa đè bẹp mình anh dí luôn mũi kiếm vào người hắn, hắn cảm thấy bị thương bèn vừa lùi ra và hét lên.
Chính là Raoul sau năm ngày vắng mặt đã trở lại theo đúng lời hứa với bá tước de La Fère. Anh muốn dự xem lễ hội và đã theo dường ngắn nhất đi đến nhà thờ Đức Bà. Tới gần phố Cocatrix, anh đã bị lôi cuốn theo làn sóng dân chúng. Khi nghe kêu "Nhân danh đức vua!" anh nhớ ngay đến lời dặn của Arthos "Phụng sự đức vua" và chạy ngay đến để chiến đấu vì đức vua, mà những lính thị vệ của Ngài đang bị ngược đãi.
Có thể nói là Comminger đã quăng Broussel vào trong cỗ xe và nhào vào theo. Đúng lúc ấy một phát súng hoả mai nổ, đạn xuyên qua mũ của Comminger từ trên xuống dưới và làm gẫy tay một lính vệ.
Comminger ngẩng đầu lên, và trông thấy giữa đám khói bộ mặt hăm doạ của Louvières ló ra ở cửa sổ gác hai.
- Được lắm, - Comminger nói, - tôi sẽ nói chuyện với ông sau.
- Và tôi cũng vậy - Louvières đáp, - Chúng ta sẽ xem người nào nói to hơn.
Friquet. và Nanette vẫn gào thét. Những tiếng kêu la, tiếng đạn nổ, mùi thuốc súng bao giờ cũng làm cho người ta say sưa, đang phát huy tác dụng.
- Đánh chết tên sĩ quan đi! Đánh chết đi! - Đám đông hét.
Một náo động lớn rộn lên.
Comminger vén các tấm rèm cửa ra để mọi người nhìn rõ trong xe rồi tì mũi gươm vào ngực Broussel hắn, kêu lên:
- Các người tiến lên một bước là ta sẽ giết chết tên tù nhân này ngay, ta được lệnh là mang tù nhân về chết hoặc sống: ta sẽ mang hắn chết về, có thế thôi.
Một tiếng kêu khủng khiếp vang lên. Vợ và các con gái của Broussel giơ tay ra van xin dân chúng.
Dân chúng hiểu rằng viên sĩ quan tái mét nhưng tỏ ra thật kiên quyết và hắn sẽ làm như hắn nói. Mọi người vẫn hăm doạ, nhưng dãn bớt.
Comminger cho tên lính bị thương lên xe cùng với mình rồi ra lệnh đóng cửa xe lại.
- Đi đến Cung, - Hắn bảo tên đánh xe ngựa vừa trải qua một mẻ thừa sống thiếu chết.
Tên đánh xe ra roi quất ngựa mở một con đường rộng trong đám đông, nhưng đi đến kè thì phải dừng lại. Chiêc xe đổ kềnh, mấy con ngựa bị đám đông lôi đi, chèn cho ngạt thở và nghiền nát. Raoul đi bộ vì không có thì giờ để lên ngựa, mệt nhoài vì phải đánh kiếm bằng bản cũng như bọn lính vệ phát chán vì phải đánh giáo mác bằng mặt dẹt, bắt đầu dừng đến mũi nhọn của gươm giáo. Người ta bắt đầu thấy chốc chốc lóe lên ở giữa đám đông nòng một khẩu súng trường hoặc lưỡi một thanh trường kiếm; vài phát súng nổ đì đoành chắc là bắn chỉ thiên, nhưng tiếng vang cũng không kém làm rung động những trái tim; gạch đá tiếp tục ném xuống như mưa từ các cửa sổ. Khắp phố vang lên những tiếng nói mà người ta chỉ nghe thấy trong những ngày bạo loạn và xuất hiện những bộ mặt mà người ta chỉ trông thấy trong những ngày đẫm máu. Những tiếng kêu "Đánh chết! Đánh chết bọn lính vệ? Quẳng thằng sĩ quan xuống sông Seinee?" át tất cả tiếng ồn ào dù to đến mấy. Raoul mũ tả tơi, mặt đầm đìa máu me, cảm thấy không chỉ sức lực mà cả lý trí bắt đầu bỏ rơi anh: cặp mắt anh bơi trong một đám sương mù đo đó và qua đám sương mù ấy anh nhìn thấy hàng trăm cánh tay đang vươn ra sẵn sàng tóm lấy anh khi nào anh ngã xuống. Comminger bứt tóc vò tai trong cỗ xe lật đổ. Bọn lính vệ chẳng thể hỗ trợ cho ai trong khi mỗi tên phải lo bảo vệ cho chính mình. Tất cả thể là hết: xe, ngựa, lính vệ, sai nha, và có thể cả tù nhân nữa tất cả sắp sửa tan tác tả tới, thì bỗng nhiên một tiếng nói rất quen thuộc với Raoul vang lên, bỗng nhiên một thanh kiếm lớn lấp lánh trên không; cùng lúc ấy đám đông mở ra, bị chọc thủng, bị lật nhào, bị đè bẹp. Một viên sĩ quan ngự lâm quân đánh chém tứ tung, chạy đến chỗ Raoul và ôm lấy anh đúng lúc anh sắp quỵ xuống.
- Mẹ kiếp! - Viên sĩ quan kêu lên, - Họ giết chết anh ta rồi chăng? Nếu vậy thì tai hoạ lớn cho họ!
Ba viên sĩ quan quay lại mặt đằng đằng sát khí, giận dữ và nạt nộ trông phát khiếp đến nỗi những kẻ phiến loạn hung cuồng nhất cũng xô đè lên nhau mà bỏ chạy, có mấy người lăn cả xuống sông .Seine
- Ông d'Artagnan? - Raoul lẩm bẩm.
- Phải, chính tôi tôi đây! Chúa ơi! Và xem ra anh cũng còn may lắm, anh bạn trẻ ạ.
Rồi d'Artagnan đứng hẳn lên đôi bàn đạp, giơ gươm lên, gọi vừa bằng lời vừa bằng cử chỉ đám ngự lâm quân không chạy kịp theo anh, thế mới biết anh phóng nhanh biết chừng nào. Anh hô to:
- Nào, lại đây các ông! Nào, hãy quét sạch cho tôi tất cả những thứ này đi! Dùng súng! Cầm lấy súng Nạp đạn! Ngắm…
Nghe mệnh lệnh ấy những núi người đổ sụp xuống bất thình lình, đến nỗi d'Artagnan không nén được một chuỗi cười ròn rã.
- Cảm ơn ông d'Artagnan, - Comminger vừa nói vừa thò nửa người ra cửa cỗ xe đổ, - Xin cảm ơn vị quý tộc trẻ tuổi! Tên ông là gì nhỉ? Để tôi trình với hoàng hậu.
Raoul toan trả lời, thì d'Artagnan ghé vào tai anh mà bảo:
- Hãy im lặng để tôi trả lời.
Rồi quay về phía Comminger, anh bảo:
- Comminger, đừng để mất thì giờ, hãy ra khỏi xe nếu có thể, và lấy một xe khác mà đi.
- Nhưng xe nào?
- Trời ơi, chiếc xe đầu tiên nào đi qua Cầu Mới. Tôi cho rằng những kẻ nào đi chiếc xe ấy sẽ rất sung sướng được cho mượn xe để làm công cụ của nhà vua.
- Nhưng tôi không thể… - Comminger nói.
- Thôi, đi đi, nếu không thì năm phút nữa tất cả bọn tiện dân sẽ trở lại với kiếm gươm và súng ống. Ông sẽ bị giết chết và tù nhân được giải thoát. Đi thôi. Mà này, vừa vặn có một cỗ xe đang đến kia kìa.
Rồi lại cúi xuống Raoul, anh khẽ bảo:
- Nhất là chớ có xưng tên anh ra.
Chàng thanh niên nhìn anh với vẻ kinh ngạc.
- Được rồi, tôi chạy đến đó bây giờ, - Comminger nói, - vả nếu chúng trở lại, thì các ông cứ bắn.
- Không được, không được đâu, - D'Artagnan đáp, Trái lại không ai được động đậy. Một phát súng nổ lúc này. sẽ phải trả giá quá đắt ngày mai.
Comminger lấy bốn lính thị vệ và từng ấy lính ngự lâm chạy ra chỗ chiếc xe. Hắn bảo mọi người xuống và đem cỗ xe đến gần chiếc xe đổ.
Nhưng khi phải chuyển Broussel từ chiếc xe đổ sang xe kia, dân chúng chợt trông thấy người mà họ gọi là kẻ giải phóng họ, bèn thốt ra những tiếng gào thét không thể tưởng tượng được và lại ùa đến cỗ xe.
- Đi đi, d'Artagnan nói, - Đây là mười lính ngự lâm để đi theo ông; tôi giữ lại hai mươi người để kìm giữ dân chúng. Hãy đi ngay và chớ để mất một phút nào cả. Mười người cho ông Comminger!
Mười người rời khỏi toán quân, bao quanh cỗ xe mới và phi nước đại.
Cỗ xe chạy thì tiếng kêu la càng tăng lên gấp bội, mười nghìn người ùn ùn trên kè, làm nghẽn tắc Cầu Mới và những phố liền kề.
Mấy phát súng nổ. Một lính ngự lâm bị thương.
- Tiến lên! - D'Artagnan hô, - anh không nhịn được nữa và cắn ria mép.
Và với hai mươi người của mình anh công kích cả đám dân chúng ấy khiến họ nhào đổ, kinh hoàng.
Riêng có một người đứng nguyên tại chỗ, cây súng hoả mai trong tay. Người ấy nói:
- A! Thì ra chính mày đã toan ám sát ông ta. Đợi đây!
Và hắn hạ nòng súng nhằm vào d'Artagnan đang cho ngựa phi hết sức vào chỗ hắn.
D'Artagnan cúi rạp mình xuống cổ ngựa vào lúc người thanh niên nổ súng; viên đạn cắt phăng chiếc lông mũ của anh.
Con ngựa phát khùng xộ vào kẻ dại dột đã dám một mình thử ngăn cản một trận cuồng phong, và hất tung hắn rơi vào một bức tường.
D'Artagnan dừng phắt ngựa lại và trong khi ngự lâm quân của anh tiếp tục công kích, anh trở lại giơ cao kiếm trên kẻ bị anh xô ngã.
Raoul nhận ra người trẻ tuổi ấy vì đã trông thấy anh ta ở phố Cocatrix, vội kêu lên:
- A! Ông ơi, hãy tha thứ cho anh ta, đó là con trai ông ấy đấy.
D'Artagnan vội dừng cánh tay sắp giáng xuống.
- Ồ! anh nói, - anh là con trai ông ấy à? Nếu thế thì là chuyện khác.
- Thưa ông, tôi xin đầu hàng! - Louvières vừa nói vừa đưa khẩu súng hoả mai nhả đạn cho viên sĩ quan…
- Thôi nào! Mẹ kiếp, chớ có đầu hàng! Trái lại hãy cố chuồn đi mau lên! Nếu tôi bắt anh, thì anh sẽ bị treo cổ.
Người thanh niên không để nói đến câu thứ hai, anh ta chui dưới cổ con ngựa và biến đi ở góc phố Guénégaud.
- A, anh ngăn bàn tay tôi rất kịp thời, - D'Artagnan bảo Raoul, thực tình mà nói người này coi như chết đến nơi rồi và khi tôi biết anh ta là ai thì tôi sẽ ân hận là đã giết anh ta.
- Ôi thưa ông, - Raoul nói, - sau khi cảm ơn ông thay cho người thanh niên tội nghiệp kia, tôi xin phép cảm ơn ông cho riêng tôi, vì thưa ông, tôi cũng sắp chết đến nơi rồi thì ông kịp đến.
- Khoan đã, khoan đã, chớ có nói năng mệt sức.
Rồi moi ở một bao súng ra một lọ đầy rượu vang Tây Ban Nha anh bảo:
- Hãy uống vài ngụm đi nào.
Raoul uống và toan nhắc lại lời cảm ơn, thì d'Artagnan đã nói:
- Này người thân yêu ơi, chúng ta sẽ nói chuyện đó sau.
Rồi trông thấy ngự lâm quân sau khi đã quét đường kể từ Cầu Mới đến Saint-Michel đang trở lại anh giơ cao thanh kiếm để họ rảo bước lên và hỏi họ:
- Ơ này? Có chuyện gì mới xảy ra không?
- Thưa ông, - Viên đội đáp, - Xe của họ bị gẫy lần nữa, đúng là một vận xui thực sự.
D'Artagnan nhún vai nói:
- Đó là những kẻ vụng về. Khi chọn một cái xe, thì phải chọn cái vững chắc chứ. Cỗ xe dùng để bắt giữ một Broussel phải chờ nổi mười nghìn người.
- Trung uý ra lệnh gì không ạ?
- Hãy dẫn phân đội về dinh.
- Thế ông rút về một mình?
- Đã đành! Ông cho tôi cần người hộ vệ à?
- Tuy nhiên…
- Thôi đi đi.
Ngự lâm quân đi và d'Artagnan ở lại một mình với Raoul.
- Bây giờ còn đau không? - Anh hỏi.
- Còn, ông ạ. Tôi thấy đầu mình nặng và nóng như lửa.
- Có gì ở đầu vậy? - D'Artagnan vừa nói vừa bỏ mũ ra. - Á à! Một vết bầm .
- Vâng, tôi chắc rằng đã bị một chậu hoa ném vào đầu.
- Bọn súc sinh! - D'Artagnan kêu lên. - Ơ, nhưng mà anh có mang đinh thúc ngựa, thế lúc ấy anh đi ngựa à?
- Vâng, nhưng tôi đã xuống ngựa để bảo vệ ông Comminger, và con ngựa của tôi đã bị người ta lấy mất. Mà này, nó kia kìa.
Quả thật, đúng lúc ấy con ngựa của Raoul đi qua do Friquet cưỡi, hắn đang vừa phi vừa vẫy chiếc mũ bonnet và la.
- Broussel! Broussel!
- Ơ này! Thằng vô lại kia, dừng lại! - D'Artagnan kêu lên - Đem con ngựa lại đây!
Friquet. nghe rõ hẳn hoi, nhưng hắn tảng lờ và cứ chạy tiếp…
D'Artagnan toan đuổi theo Friquet., nhưng không muốn để Raoul ở lại một mình, anh đành lấy súng ngắn ở bao ra và nạp đạn.
- Friquet. tinh mắt và tinh tai, hắn vừa trông thấy động tác của d'Artagnan và nghe thấy tiếng cò súng vội dừng phắt ngựa lại.
- A! Ông đấy à, thưa ông sĩ - quan – Hắn vừa, nói vừa tiến lại nói, Tôi rất vui mừng được gặp ông.
D'Artagnan chăm chú nhìn Friquet. và nhận ra thằng nhóc con ở phố Calandre…
- A, mày đấy à, thằng nhóc! Lại đây!
- Vâng, thưa ông sĩ quan chính tôi đây, - Friquet. nói với cái điệu mơn trơn.
- Thì ra mày đổi nghề rồi à? Mày không còn làm lễ sinh, mày không còn làm hầu bàn quán ruợu, và bây giờ đi ăn trộm ngựa!
- Ồ, thưa ông sĩ quan, sao lại nói thế, - Friquet. kêu lên. - Tôi đang đi tìm vị quý tộc có con ngựa này, một chàng kỵ sĩ tuấn tú uy nghi như César… - Hắn giả bộ như mới trông thấy Raoul lần đầu tiên và nói tiếp – A! Nhưng tôi không nhầm, người ấy đây rồi. Thưa ông, ông sẽ không quên thằng nhỏ này chứ?
Raoul thò tay vào túi.
- Anh định làm gì thế? - D'Artagnan nói.
- Để tôi cho thằng bé đó mười livres, vừa nói Raoul vừa lấy trong túi ra một cây súng ngắn
- Cho nó mười cái đá thì có - Artagnan vừa nói, vừa ra lệnh -
- Cút đi, đồ vô lại và đừng quên rằng tao biết nhà của mày đấy.
Friquet. không ngờ được thoát nợ một cách dể dải đến thế, hắn ta nhảy một bước từ kè ra phố Dauphine và biến mất.
Raoul lên ngựa và cả hai người đi bước một về phố Tiquetonne, d'Artagnan nhìn chàng thanh niên như đó là con đẻ của mình.
Dọc đường vẫn có khối tiếng xì xào lẩm bẩm và những lời hăm doạ xa xa. Nhưng nhìn thấy viên sĩ quan có phong cách thật nhà binh, trông thấy thanh kiếm ghê gớm treo ở cổ tay anh bằng sợi dây da người ta luôn luôn tránh ra và không có một ý đồ thực sự nào nhằm chống lại hai kỵ sĩ.
Thế là hai người đi tới quán "Con dê cái nhỏ" mà không có chuyện gì xảy ra.
Mỹ nhân Madeleine báo với d'Artagnan là Planchet đã trở về và dẫn theo Mousqueton, anh chàng này đã chịu đựng một cách anh hùng việc lấy viên đạn ra và lại khỏe mạnh như xưa.
D'Artagnan cho gọi Planchet; nhưng người ta gọi mãi mà chẳng thấy hắn trả lời: hắn đã biến mất.
- Thế thì đem rượu vang ra đây? - D'Artagnan bảo.
Rồi khi rượu mang ra và d'Artagnan còn lại một mình với Raoul, anh nhìn thẳng vào mặt Raoul mà nói:
- Anh tự thấy bằng lòng với mình lắm phải không?
- Vâng ạ, - Raoul đáp. - Hình như tôi đã làm tròn bốn phận của mình. Tôi đã chẳng bảo vệ nhà vua đó sao?
- Thế ai bảo anh bảo vệ vua?
- Thì chính Bá tước de La Fère.
- Đúng, vua, nhưng hôm nay anh không bảo vệ vua, anh đã bảo vệ Mazarin, như thế lại khác hẳn.
- Nhưng thưa ông…
- Anh đã làm một việc dị thường, anh bạn trẻ ạ, anh đã dây vào nhưng chuyện không can hệ gì đến anh.
- Song chính ông…
- Ồ, tôi là chuyện khác tôi phải tuân theo mệnh lệnh vị chỉ huy của tôi. Vị chỉ huy của anh là Ngài hoàng thân. Hãy nhớ rõ điều đó, anh không có người chỉ huy nào khác. Nhưng mà, - D'Artagnan nói tiếp, - người ta đã trông thấy cái đầu vớ vẩn này đang đi theo phái Mazarin và giúp vào việc bắt bớ Broussel! Thôi, chớ có hé miệng một ti gì kẻo Bá tước de La Fère sẽ tức giận đấy.
- Ông cho rằng bá tước de La Fère sẽ tức giận tôi ư?
- Hẳn đi chứ! Tôi chắc chắn như vậy; nếu không vì điều ấy, thì có lẽ tôi sẽ cảm ơn anh vì rốt cuộc anh đã làm việc cho chúng tôi. Cho nên tôi đã thay bá tước mà quở trách anh, cơn thịnh nộ sẽ dịu hơn, anh hãy tin như vậy. Với lại, - D'Artagnan nói thêm, - Con thân yêu, ta dùng đặc quyền mà người đỡ đầu của con đã nhượng cho ta.
- Thưa ông, tôi không hiểu ý ông, - Raoul nói.
D'Artagnan đứng dậy đến bàn viết lấy một bức thư đưa cho Raoul.
Raoul đọc lướt qua tờ giấy và cái nhìn trở nên bối rối. Ngước đôi mắt đẹp rưng rưng lệ nhìn d'Artagnan anh nói:
- Ôi, lạy Chúa! Vậy là ông Bá tước đã rời Paris mà không gặp tôi.
- Ông ra đi cách đây bốn ngày, - D'Artagnan nói.
- Nhưng bức thư dường như chỉ rõ rằng ông ấy đang trải qua một mối nguy hiểm chết người.
- Ồ! Ông ấy mà trải qua một mối nguy hiểm chết người! Không đâu, cứ yên tâm, ông ấy đi vì công việc và chẳng bao lâu sẽ trở về. Tôi mong rằng anh sẽ không lấy làm khó chịu nhận tôi làm người bảo trợ tạm thời.
- Ô, không đâu, ông d'Artagnan - Raoul nói, - Ông là người quý tộc trung hậu và Bá tước de La Fère yêu quý ông biết chừng nào!
- Này, lạy Chúa! Hãy yêu mến tôi nhé. Tôi sẽ không làm rầy rà anh mấy đâu, nhưng với điều kiện anh sẽ là Fronde, anh bạn trẻ và rất Fronde nữa kia.
- Nhưng tôi có được tiếp tục thăm bà de Chevreuse không?
- Có chứ! Cả ông chủ giáo và bà de Longueville nữa. Và nếu ông Broussel tử tế mà anh đã dại dột tham gia vào việc bắt bớ còn ở kia, thì tôi sẽ bảo anh: Hãy mau mau đến xin lỗi ông Broussel và hôn lên hai mà ông.
- Được rồi thưa ông, tôi sẽ tuân lời ông, dù rằng tôi chưa hiểu ý ông.
- Anh hiểu làm gì, vô ích. Kìa, - D'Artagnan quay ra phía cửa vừa mới mở ra và nói tiếp - Ông Du Vallon đến đây với quần áo rách tả tơi.
Porthos mình ròng ròng mồ hôi và đầy bụi bậm đáp:
- Phải, nhưng đổi lại, tôi đã xé rách bao nhiêu da thịt. Những tên loạn dân ấy không muốn cất kiếm của tôi đi! Ghê thật! Cuộc náo động dân chúng đến thế là cùng! - Chàng hộ pháp nói tiếp với vẻ bình thản, - nhưng tôi đã dập chết hơn hai chục tên bằng cái chuôi gươm Balizarde… Một chút rượu vang nào, d'Artagnan.
- Ồ xin tuỳ ý cậu, - Chàng Gascon vừa nói vừa rót đầy cốc Porthos, - Nhưng khi đã uống rồi, cậu hãy nói tôi biết ý kiến của cậu.
Porthos nốc một hơi cạn cốc rượu, rồi sau khi đã đặt cốc xuống bàn và mút mút chòm ria mép, anh hỏi.
- Ý kiển về cái gì cơ?
- Này nhé, - D'Artagnan nói. - Bragelonne đây muốn đem hết sức mình ra giúp vào việc bắt giữ Broussel và tôi vất vả lắm để ngăn anh ta bảo vệ Comminger.
- Ghê nhỉ! - Porthos nói - Và người bảo trợ sẽ nói thế nào khi biết chuyện này?
- Thấy chưa! - D'Artagnan ngắt lời, - Hãy làm Fronde, anh bạn trẻ ơi. Hãy làm Fronde và nhớ rằng tôi thay bá tước về mọi mặt.
Và anh vỗ rủng rẻng túi tiền.
Rồi quay về phía bạn, anh bảo:
- Có đi không, Porthos?
- Đi đâu cơ? - Porthos vừa hỏi vừa rót thêm rượu vang nữa.
- Đi đến bày tỏ kính lễ với tể tướng.
Porthos nốc cốc rượu thứ hai vẫn với vẻ bình thản như lần trước, rồi vớ chiếc mũ dạ để ở trên ghế và đi theo d'Artagnan.
Còn Raoul thì đứng ngẩn người ra vì những điều mắt thấy tai nghe; d'Artagnan đã cấm anh rời khỏi phòng trước khi sự náo động lắng dịu.
Nguồn: http://vnthuquan.net/