Khi hoạ thì dễ nhớ ra
Anne d'Autriche điên giận trở về phòng cầu nguyện của mình. Bà vặn vẹo đôi cánh tay mỹ miều mà kêu lên:
- Sao! Dân chúng đã từng thấy ông de Condé đệ nhất thân vương, bị mẹ chồng của ta, Marie de Médicis bắt giữ: họ đã thấy mẹ chồng ta, nhiếp chính cũ của họ bị tể tướng Richelieu đuổi đi; họ cũng đã từng thấy ông de Vendôme tức là con trai vua Henri IV bị cầm tù ở Vincennes. Họ chẳng nói năng gì cả, trong khi người ta lăng nhục, người ta tống giam, người ta đe doạ những nhân vật lớn ấy! Thế mà chỉ vì một tên Broussel! Giê su ơi, cái vương quyền ra thế nào rồi đấy?
Anne vô tình dụng chạm đến vấn đề nóng bỏng. Dân chúng không nói năng gì cho các hoàng thân, dân chúng nổi dậy vì Broussel, chính vì đây là một người thuộc tầng lớp bình dân, và bảo vệ Broussel, dân chúng cảm thấy một cách tự nhiên rằng họ bảo vệ chính mình.
Trong lúc ấy, Mazarin đi dạo khắp trong văn phòng mình, chốc chốc lại nhìn sang chiếc gương Venise của ông bị rạn nứt hết.
- Chà! - Ông nói, - Ta biết lắm, buộc phải nhượng bộ như vậy thì thật dáng buồn. Nhưng, ơ hay, chúng ta sẽ phục thù, Broussel thì can hệ gì! Đó chỉ là một cái tên, không phải là một vật.
Là chính khách khôn ngoan đến mấy đi nữa, lần này Mazarin lầm rồi: Broussel là một vật, chứ không phải một cái tên.
Cho nên, buổi sáng hôn đó, khi Broussel vào Paris trong một cỗ xe lớn có con trai là Louvières ngồi bên và Friquet. đi theo xe, tất cả dân chúng mang vũ khí đổ xô ra trên đường ông đi qua. Những tiếng hô: "Broussel muôn năm! Cha của chúng ta muôn năm!" vang lên khắp nơi và mang cái chết đến cho lỗ tai Mazarin.
Từ mọi phía những tên do thám của tể tướng và hoàng hậu mang về những tin tức xấu, chúng thấy giáo chủ rất hoảng loạn và hoàng hậu rất bình tĩnh. Hoàng hậu có vẻ như đang suy nghĩ thật chín muồi một quyết định lớn lao, điều ấy càng tăng lên những nỗi lo ngại của Mazarin. Ông biết rõ bà hoàng kiêu ngạo và rất sợ những quyết định của bà.
Ông chủ giáo trở lại nghị viện còn vua hơn cả vua, hoàng hậu và giáo chủ ba người cộng lại. Theo ý kiến của ông, nghị viện ra một pháp lệnh yêu cầu những người tư sản hạ vũ khí và phá bỏ các luỹ chướng ngại; bây giờ thì họ biết rằng chỉ cần một giờ để cầm lại vũ khí và một đêm để dựng lại các luỹ chướng ngại.
Planchet trở về cửa hiệu của mình. Chiến thắng ân xá, Planchet không còn sợ bị treo cổ; anh tin chắc rằng nếu người ta chỉ lộ vẻ bắt giữ anh, thì dân chúng sẽ nổi dậy ủng hộ anh cũng như họ vừa mới làm để ủng hộ Broussel.
Rochefort đã trả lại đội khinh kỵ binh cho hiệp sĩ d'Humières.
Thiếu mất hai người khi điểm danh, nhưng ông hiệp sĩ là Fronde trong tâm hồn chẳng muốn nghe nói đến bồi thường.
Gã ăn mày ở lại chỗ mình ở sân nhà thờ Saint Eustache , vẫn một tay dâng nước thánh một tay xin bố thí, và chẳng ai hồ nghi rằng hai bàn tay ấy vừa mới giúp kéo ra khỏi toà kiến trúc xã hội hòn đá nền tảng của vương quyền.
Louvières hãnh diện và hài lòng. Anh đã trả thù Mazarin mà anh khinh ghét và đã góp sức để đưa cha mình ra khỏi nhà tù; tên tuổi anh đã được nhắc đến với nỗi kinh hoàng ở Hoàng cung. Anh nói với ông cố vấn được trở về với gia đình:
- Cha ơi cha có tin rằng, nếu giờ đây con xin hoàng hậu một đại đội thì bà ấy sẽ cho con không?
Trong thời gian bạo động, Raoul nhất thiết đòi tuốt kiếm ra để tham gia vào phe này hoặc phe kia, d'Artagnan phải vất vả lắm mới giữ chân Raoul ở nhà được. Lúc đầu Raoul không chịu, nhưng d'Artagnan đã phải nhân danh bá tước de La Fère để bảo ban anh.
Nhân dịp tình hình đã yên tĩnh, d'Artagnan cho Raoul đi. Raoul đến thăm bà de Chevreuse rồi lên đường trở lại quân đội.
Riêng Rochefort thấy công việc kết thúc quá kém. Ông đã viết thư mời quận công de Beaufort về, quận công sắp tới nơi và sẽ thấy Paris yên tĩnh.
Ông đến tìm chủ giáo để hỏi xem có nên bảo hoàng thân dừng lại trên đường không, nhưng Gondy ngẫm nghĩ một lát và nói:
- Cứ để ông ấy tiếp tục hành trình.
- Như vậy là công việc chưa xong ư? - Rochefort hỏi.
- Không đâu! Bá tước thân mến ơi, chúng ta chỉ mới ở chỗ bắt đầu.
- Ai làm cho ngài tin như vậy?
- Tôi biết rõ bụng dạ hoàng hậu: bà ta chẳng chịu thua đâu.
- Bà ta chuẩn bị một việc gì sao?
- Tôi chắc thế.
- Ngài biết chuyện gì, nào?
- Tôi biết rằng bà ra đã viết thư triệu ngài Hoàng thân từ quân đội trở về gấp.
- Á, à! - Rochefort nói, - Ngài nói đúng đấy, cần để ông de Beaufort đến.
Ngay buổi chiều tối hôm ấy, tiếng đồn lan ra là Hoàng thân de Condé đã về tới Paris.
Đó là một tin tức thật bình thường và tự nhiên song nó có một âm vang rộng rãi. Người ta nói rằng hở chuyện này ra là do bà de Longueville, bà được ngài Hoàng thân tâm sự, mà thiên hạ thì buộc tội Hoàng thân đã có một sự luyến ái đối với em gái vượt quá giới hạn của tình anh em.
Những chuyện tâm sự đó tiết lộ những dự định nham hiểm của hoàng nậu.
Ngay buổi chiều hôm Hoàng thân về, những người tư sản tiến bộ hơn những kẻ khác, những thẩm phán, những thủ lĩnh các khu phố đến những chỗ quen biết và nói:
- Tại sao chúng ta đã không đoạt lấy nhà vua và đưa đến Toà Thị sảnh? Thật là một sai lầm để cho kẻ thù của chúng ta dạy dỗ vua, bảo ban vua những điều xấu. Nếu như được ông chủ giáo chẳng hạn trông nom thì vua sẽ hấp thụ được những nguyên lý quốc dân và sẽe yêu mến nhân dân.
Ban đêm náo động một cách âm thẩm. Ngày hôm sau người ta lại trông thấy những tấm áo choàng xám và đen, những đội tuần tra thương nhân mang vũ khí và những toán ăn mày.
Hoàng hậu đã thức suốt đêm để bàn bạc với Hoàng thân. Nửa đêm Hoàng thân được dẫn đến phòng nguyện của hoàng hậu và tới năm giờ sáng ông mới ra về.
Năm giờ hoàng hậu đến văn phòng tể tướng. Nếu như bà chưa được đi nằm thì giáo chủ cũng đã dậy rồi.
Ông đang thảo bức thư trả lời Cromwell. Ông hẹn với Mordaunt mười ngày thì sáu ngày đã qua rồi.
Chà! Ta để hắn phải chờ một chút, nhưng ông Cromwell hiểu quá đi, cách mạng là thế nào, nên không thể không thứ lỗi cho ta.
Ông bèn đọc lại với vẻ thoả mãn đoạn đầu bức thư biện hộ của mình thì nghe có tiếng cào nhè nhẹ vào cánh cửa thông sang những căn phòng của hoàng hậu. Chỉ một mình hoàng hậu có thể đến bằng cửa ấy.
Giáo chủ đứng lên và ra mở.
Hoàng hậu mặc xuềnh xoàng, nhưng cái xuềnh xoàng ấy càng hợp với bà, vì rằng cũng như nữ thần Dian ở viện bảo tàng Poitiers hoặc ở phòng khách bà Ninon, Anne d'Autriche giữ cái độc quyền là lúc nào cũng xinh đẹp. Song buổi sớm hôm ấy bà còn đẹp hơn thường lệ bởi vì cặp mắt bà có tất cả cái long lanh mà một nỗi vui mừng bên trong tạo nên.
- Có việc gì đấy bà, - Mazarin lo ngại nói, - Trông bà có vẻ đắc ý lắm?
- Đúng, Giulio ạ, - bà đáp - đắc ý và vui sướng, vì rằng tôi đã tìm ra kẻ bóp chết cuộc bạo loạn này.
- Bà hoàng của tôi ơi, - Mazarin nói, - bà là một chính khách lớn nào xem kế sách ra sao.
Và ông giấu điều mà ông viết bằng cách nhét lá thư mới bắt đầu xuống dưới tờ giấy trắng.
- Chúng muốn bắt nhà vua, ông biết chứ? - Hoàng hậu nói.
- Chao ôi! Biết! Và còn muốn treo cổ tôi nữa!
- Chúng sẽ không có vua.
- Và chúng sẽ không treo cổ tôi.
- Ông nghe đây: tôi muốn cướp đi họ của con trai tôi và bản thân tôi và ông cùng với tôi, tôi muốn rằng sự kiện này, từ hôm nay đến ngày kia sẽ thay đổi bộ mặt của mọi thứ cần được thực hiện mà không ai biết, ngoài ông, tôi và một người thử ba.
- Người thứ ba ấy là ai?
- Ông Hoàng thân.
- Ông ta đã về như người ta nói với tôi phải không?
- Về tối hôm qua.
- Bà đã gặp rồi chứ?
- Tôi vừa mới chia tay ông ấy.
- Ông ấy giúp sức vào kế hoạch này à?
- Chính ông ta đề ra ý kiến.
- Thế còn Paris?
- Ông ta sẽ để cho bị đói và buộc phải đầu hàng không điều kiện.
- Kế hoạch không thiếu vẻ vĩ đại, nhưng tôi chỉ thấy có một trở ngại.
- Trở ngại gì?
- Sự không thể được.
- Lời nói vô nghĩa. Không có gì là không thể được.
- Trên kế hoạch.
- Trong thực hiện. Chúng ta có tiền không?
- Ít thôi - Mazarin đáp, sợ Anne d'Autriche đòi moi tiền trong túi ông ta.
- Chúng ta có tinh thần can đảm không?
- Rất nhiều.
- Vậy thì dễ lắm. Ô! Giulio, ông có hiểu không? Paris, cái thành phố Paris ghê tởm ấy một buổi sáng thức dậy không có hoàng hậu không có vua, bị bao vây, bị quấy nhiễu bị bỏ đói, tất cả phương sách chỉ còn trông vào cái nghị viện ngu đần và ông chủ giáo còm nhom với đôi chân vặn vẹo của họ!
- Hay, hay! - Mazarin nói. - Tôi hiểu rõ hiệu quả, nhưng tôi không trông thấy phương tiện để đạt tới.
- Tôi thì tôi sẽ tìm thấy đấy.
- Bà nên biết rằng đây là chiến tranh, là cuộc nội chiến bừng bừng, kịch liệt, không nguôi.
- Ồ! Phải đấy, phải đấy, chiến tranh, - Anne d'Autriche nói - Phải đấy, tôi muốn biến cái thành phố phiến loạn này thành tro bụi; tôi muốn dập tắt ngọn lửa trong máu; tôi muốn rằng một tấm gương kinh khủng sẽ nếu mãi mãi tội ác và trừng phạt. Hỡi Paris! Ta căm thù mi, ta ghê tơm mi!
- Khoan, khoan, Anne, bà khát máu đấy! Hãy coi chừng, chúng ta không còn ở thời đại những Malatesta và những Castruccio Castracani(1); bà sẽ tự làm cho bà bị chặt đầu, bà hoàng xinh đẹp của tôi ạ, và như thế thì uổng lắm.
- Ông cười tôi đây à?
- Tôi rất ít cười. Chiến tranh với cả một dân tộc thì thật là nguy hiểm. Bà hãy trông Charles đệ nhất em rể của bà đấy, tình hình ông ấy xấu lắm, rất xấu.
- Chúng ta đang ở nước Pháp, và tôi là người Tây Ban Nha.
- Không cần, per Baccho, không cần, có lẽ tôi thích bà là người Pháp thì hơn, cả tôi cũng vậy; người ta sẽ thù ghét cả hai ta ít hơn.
- Song ông tán thành tôi chứ?
- Vâng, nếu tôi thấy điều ấy có thể làm được.
- Nó sẽ làm được, chính tôi nói với ông thế. Ông hãy sửa soạn.
- Tôi ấy à? Lúc nào tôi cũng sẵn sàng ra đi, song, như bà biết đấy, tôi chẳng ra đi bao giờ… và lần này chắc là cũng không hơn những lần khác.
- Cuối cùng, nếu tôi đi thì ông có đi không?
- Tôi sẽ thử xem.
- Ông làm tôi đến chết về những sự sợ hãi của ông đấy Giulio ạ, mà ông sợ cái gì kia chứ?
- Sợ nhiều điều lắm.
- Những điều gì nào?
Bộ mặt Mazarin từ giễu cợt trở thành u ám.
- Anne, - Ông nói, - Bà chỉ là một người đàn bà, và là đàn bà bà có thể tùy tiện lăng nhục đàn ông vì chắc chắn là mình được miễn tội. Bà cáo buộc tôi là sợ hãi; tôi không sợ hãi nhiều như bà đâu, bởi vì tôi tôi không bỏ trốn. Người ta hò la chống ai? Chống bà hay chống tôi? Người ta muốn treo cổ ai? Bà hay tôi? Vậy mà tôi đương đầu với bão tố, trong khi bà cáo buộc tôi là sợ hãi; chẳng phải anh hùng rơm đâu, đó không phải là thói của tôi, nhưng tôi vững vàng. Hãy bắt chước tôi, om sòm ít thôi, hiệu quả nhiều hơn. Bà la hốt hoảng lên, bà chẳng đạt tới đâu. Bà bàn đến chuyện trốn…
Mazarin nhún vai, cầm tay hoàng hậu và dắt bà ra cửa sổ:
- Hãy nhìn xem!
- Gì nào? - Hoàng hậu nói, mù quáng vì sự bướng bỉnh của mình.
- Kia kìa! Qua cửa sổ bà nhìn thấy gì nào? Nếu tôi không lầm thì đó là dân tư sản mặc áo giáp đội mũ sắt trang bị súng trường tốt như thời Liên minh thần thánh; họ đang nhìn chằm chằm lên cửa sổ bà đang đứng và bà có thể bị nom thấy nếu bà vén rèm lên quá cao.
Bây giờ ta ra cửa sổ kia; bà trông thấy gì nữa? Những đám dân chúng mang giáo mác canh gác các cổng ngõ của bà. Ở bất cứ cửa nào của Hoàng cung mà tôi dẫn bà ra, bà đều thấy như thế cả. Các cổng lớn bị canh gác, các cửa thông gió và các căn hầm cũng bị canh gác, và đến lượt tôi sẽ nói với bà cái điều mà La Ramée nói với tôi về ông De Beaufort: trừ phi là chim hay là chuột, ông sẽ không ra khỏi nơi đây.
- Vậy mà ông ta vẫn ra đấy.
- Bà có tính nước ra cũng bằng cách ấy không.
- Thế tôi là tù nhân đấy à?
- Trời ơi! - Mazarin nói, - Có đến một tiếng đồng hồ tôi chứng minh với bà điều đó rồi.
Và Mazarin điềm nhiên lấy ra viết tiếp bức thư đang viết dở.
Anne tức run người lên, đỏ bừng mặt vì hổ nhục, đi ra khỏi văn phòng và dập cửa đánh rầm một cái.
Mazarin chẳng buồn quay đầu lại.
Trở về phòng mình, hoàng hậu buông mình xuống chiếc ghế bành và khóc nức nở.
Rồi bỗng nhiên một ý nghĩ đến bất thình lình khiến bà bật dậy và reo lên:
- Ta thoát rồi! Ô, phải, rồi, phải rồi, ta biết một người có thể đưa ta ra khỏi Paris người ấy, một người mà ta đã quên lãng quá lâu.
Và mặc dầu với nỗi vui mừng, bà mơ màng nói:
"Ta mới bội bạc làm sao, có đến hai mươi năm trời ta bỏ quên người ấy, người mà lẽ ra ta phải phong làm một thống chế Pháp quốc. Bà mẹ chồng ta đã vung vãi vàng bạc, chức phẩm và những vuốt ve cho Concini, ông ta đã làm hại bà; ông vua chồng ta vì một cuộc ám sát đã phong Vitry làm thống chế Pháp quốc. Còn ta, ta đã bỏ mặc trong quên lãng, trong cảnh khốn cùng cái anh chàng d'Artagnan cao quý đã từng cứu ta.
Và bà chạy ra chiếc bàn để giấy, bút, mực và ngồi viết.
Chú thích:
(1) Những Castruccio Castracani nổi tiếng ở Ý xưa kia, tức là những thủ lĩnh quân du kích hoặc lính đánh thuê, xưng hùng xưng bá một vừng. Trong số đó có những vua chúa thất thế.
Chương 52
Cuộc hội kiến
Sáng hôm ấy, d'Artagnan nằm trong phòng Porthos. Đó là một thói quen của đôi bạn từ khi có những cuộc rối loạn. Dưới chân giường họ để gươm kiếm và trên bàn trong tầm tay để súng ngắn.
D'Artagnan vẫn còn ngủ và mơ thấy trời phủ một đám mây, từ đám mây ấy rơi xuống một trận mưa vàng và anh giơ mũ ra hứng dưới một ống máng, Porthos thì mơ thấy cái tấm bảng ở cỗ xe của mình không đủ rộng để chứa hết những gia huy mà anh cho tô vẽ vào đấy.
Các anh thức giấc vào lúc bảy giờ do một thằng hầu không vận áo dấu mang một bức thư đến cho d'Artagnan.
- Thư của ai đấy? - Chàng Gascon hỏi.
- Của hoàng hậu, - Tên hầu đáp.
- Sao! - Porthos ngồi dậy ở trên giường nói - Nó bảo gì vậy?
D'Artagnan bảo thằng hầu sang buồng bên cạnh và khi nó khép cửa lại, anh nhẩy ra khỏi giường và lướt đọc rất nhanh, trong khi Porthos cứ giương mắt ếch ra mà nhìn, mà không dám hỏi câu nào.
- Này bạn Porthos - D'Artagnan đưa thư ra và nói, - Lần này thì đây là danh hiệu Nam tước của cậu và tờ phong đại uý của tôi. Cầm lấy đọc đi và xét đoán.
Porthos giơ tay đón bức thư và run run đọc dòng chữ:
"Hoàng hậu muốn nói chuyện với ông d'Artagnan. Ông hãy đi theo người đưa thư!"
- Ơ này! - Porthos nói, - Mình thấy đây chỉ là chuyện bình thường.
- Mình thì lại thấy nhiều chuyện đặc biệt, - D'Artagnan nói.
Nếu người ta gọi đến tôi, tức là công việc rối rắm lắm. Cậu thử nghĩ xem trong đầu óc hoàng hậu phải xáo động thế nào thì kỷ ức về tôi sau hai chục năm trời nó mới nổi lên trên mặt nước chứ?
- Đúng đấy, - Porthos nói.
- Nam tước, hãy mài sắc gươm, nạp đạn vào súng, đem lúa mạch cho ngựa ăn, tôi xin cam đoan rằng trước ngày mai sẽ có chuyện mới lạ và motus!(1)
- Ái chà? Thế không phải là một cái bẫy người ta giăng ra để gạt bỏ chúng ta hay sao? - Porthos nói, anh vẫn băn khoăn rằng vinh quang sau này của anh ắt gây ra sự khó chịu cho kẻ khác.
- Nếu là một cái bẫy thì tôi sẽ ngửi thấy ngay, hãy yên trí, - D'Artagnan nói. - Nếu Mazarin là người Ý thì tôi cũng là Gascon cơ mà.
Và d'Artagnan loáng một cái đã mặc xong quần áo.
Porthos vẫn nằm và đang cài áo choàng cho bạn thì có tiếng gõ cửa lần nữa.
- Cứ vào! - D'Artagnan bảo.
Một tên hầu thứ hai vào.
- Giáo chủ Mazarin sai tôi mang thư đến, hắn nói.
D'Artagnan nhìn Porthos.
- Phiền phức rồi đấy, - Porthos nói, - Bắt đầu từ đâu bây giờ?
- Tuyệt diệu thật, - D'Artagnan nói, - Đức ông hẹn gặp tôi sau nửa giờ.
- Anh bạn này, - D'Artagnan quay sang nói với tên hầu, - Hãy trình Đức ông rằng nửa giờ nữa tôi sẽ có mặt.
Tên hầu chào và đi ra.
- Cũng may là nó không trông thấy tên hầu kia, - D'Artagnan nói.
- Cậu cho rằng cả hai người cho đi tìm cậu vì cùng một việc ư? - Porthos hỏi.
- Tôi chắc chắn là không phải như vậy.
- Thôi, thôi, nhanh nhẹn lên, d'Artagnan. Nhớ rằng hoàng hậu đang đợi cậu; sau hoàng hậu là giáo chủ, và sau giáo chủ là tôi.
Tên hầu dẫn anh đi qua phố Petits-Champs, và rẽ sang trái đưa anh vào một cái cổng nhỏ trông ra phố Richelieu. Rồi họ đi lên một cái cầu thang kín và d'Artagnan được đưa vào trong phòng nguyện.
Một niềm xúc động bất giác khiến trống ngực viên trung uý đập rộn rã. Anh không còn lòng tin cậy của tuổi trẻ nữa, và kinh nghiệm đã dạy cho anh tất cả tầm nghiêm trọng của những biến cố đã qua.
Anh đã biết thế nào là sự quý phái của các ông hoàng và vẻ uy nghiêm của các vua chúa. Anh đã quen xếp sự tầm thường của mình sau những kẻ giàu sang và danh gia thế phiệt. Xưa kia anh tiếp cận Anne d'Autriche với tư cách một chàng trai trẻ chào đón một người đàn bà. Giờ đây thì khác hẳn: anh đến với bà ta như một người lính tầm thường đến với một vị thủ lĩnh lẫy lừng.
Một tiếng nhè nhẹ khuấy động sự yên tĩnh của phòng nguyện.
D'Artagnan rùng mình và trông thấy một bàn tay trắng muốt vén tấm thảm lên. Nhìn hình dạng thanh tú, màu trắng nuột nà và vẻ đẹp mỹ miều, anh nhận ra bàn tay vương giả kia mà có lần người ta đưa anh hôn.
Hoàng hậu đi vào.
- Ông đấy à, ông d'Artagnan, - Bà nói và nhìn viên sĩ quan bằng cặp mắt chứa chan nỗi u hoài thương mến. - Đúng là ông, và tôi nhận ra ngay. Ông hãy nhìn lại tôi đi, tôi là hoàng hậu, ông có nhận ra tôi không?
- Không ạ, Thưa Lệnh bà, - D'Artagnan đáp.
Bằng cái giọng ngọt ngào mà bà biết lồng vào tiếng nói của mình khi bà muốn, Anne d'Autriche nói tiếp:
- Thế ra ông không còn biết rằng hồi xưa hoàng hậu đã cần đến một dũng sĩ trẻ dũng cảm và tận tụy và bà đã tìm được người kỵ sĩ ấy và mặc dầu ông ta có thể tưởng rằng bà đã quên ông ta, bà vẫn dành một chỗ cho ông ta trong đáy lòng mình.
- Không, Thưa Lệnh bà, tôi không biết chuyện ấy, - Người lính ngự lâm đáp.
- Không sao cả ông ạ, - Anne d'Autriche nói, - Không sao, ít ra là đối với hoàng hậu, vì rằng bà hoàng hậu ấy hôm nay cần đến vẫn lòng dũng cảm ấy, vẫn lòng tận tụy ấy.
- Sao thế nhỉ? - D'Artagnan nói, - Xung quanh hoàng hậu đầy những bộ hạ thật tận tụy, những cố vấn thật khôn ngoan, những con người thật vĩ đại do công tích hoặc địa vị của họ, vậy mà hoàng hậu lại hạ cố để mắt đến một người lính vô danh ư?
Anne hiểu rõ lòng trách móc được che đậy ấy, bà cảm động hơn là tức giận. Biết bao đức hy sinh và vô tư của người quý tộc Gascon đã bao phen khiến bà hổ thẹn, bà sẵn sàng chịu thua vì tinh thần cao thượng.
- Ông d'Artagnan này, - Hoàng hậu nói:
- Tất cả những điều ông nói về những người bao quanh tôi có lẽ đúng đấy; nhưng tôi chỉ tin cậy có một mình ông thôi. Tôi biết ông là của giáo chủ, nhưng hãy là của tôi nữa, tôi sẽ đảm nhận vận hạnh của ông. Nào, giờ đây liệu ông có làm cho tôi cái mà hồi xưa người quý tộc kia mà ông không biết ấy đã làm cho hoàng hậu không?
- Tôi sẽ làm mọi điều mà Hoàng thượng ra lệnh, - D'Artagnan nói.
Hoàng hậu ngẫm nghĩ một lát, và nhìn thấy thái độ dè đặt của người lính ngự lâm, bà nói:
- Có lẽ ông thích sự nghỉ ngơi phải không?
- Tôi không biết nữa, thưa Lệnh bà, vì tôi có được nghỉ ngơi bao giờ đâu.
- Ông có bạn bè không?
- Tôi có ba người bạn: hai người đã rời Paris không biết đi đâu. Còn mỗi một người còn lại, nhưng tôi chắc rằng đó là một trong số những kẻ biết người kỵ sĩ mà Hoàng thượng đã nói với tôi.
- Tốt lắm. - Hoàng hậu nói:
- Ông và bạn của ông giá trị bằng một đội quân.
- Thưa Lênh bà, tôi phải làm gì?
- Năm giờ ông trở lại đây và tôi sẽ nói ông biết; nhưng này chớ có nói với bất kỳ ai về cuộc gặp gỡ mà tôi hẹn với ông!
- Không đâu, thưa Lệnh bà!
- Thề trước Chúa Jesus đi.
- Thưa Lệnh bà, tôi không bao giờ sai lời hứa. Tôi đã nói không là không.
Mặc dầu ngạc nhiên về thứ ngôn ngữ ấy mà bà không quen nghe từ miệng các cận thần của mình, hoàng hậu coi đó một điểm tốt cho nhiệt tình mà d'Artagnan đem ra phục vụ bà trong việc hoàn thành kế hoạch của bà. Đó là một trong những thủ đoạn của chàng Gascogne đôi khi nhằm che đậy sự tinh tế sâu xa của mình dưới cái bề ngoài có vẻ là một sự cục cằn trung thực.
- Lúc này hoàng hậu không có điều gì khác phán bảo tôi chứ? - anh nói.
- Không, ông ạ - Anne d'Autriche đáp, - Ông có thể lui cho đến lúc mà tôi đã hẹn.
D'Artagnan chào và đi ra. Vừa ra khỏi cửa, anh nói:
- Quái nhỉ! Hình như ở đây người ta rất cần đến mình.
Rồi vì nửa giờ đã trôi qua anh đi theo dãy hành lang và đến gõ cửa văn phòng tể tướng.
Bernouin đưa anh vào.
- Thưa Đức ông, tôi đến theo lệnh ngài, - Anh nói.
Và theo thói quen anh đưa mắt lướt nhanh chung quanh mình và nhận thấy trước mặt Mazarin có một bức thư niêm phong. Song nó lại được đặt mặt có chữ xuống bàn thành thử không thể nào xem được gửi cho ai.
Mazarin chằm chằm nhìn d'Artagnan và nói:
- Ông vừa ở chỗ hoàng hậu ra, phải, không?
- Tôi ấy à, thưa Đức ông! - Ai bảo ngài như vậy?
- Chẳng ai bảo, nhưng tôi biết.
- Tôi rất lấy làm thất vọng thưa với Đức ông rằng ngài lầm, - Chàng Gascon trả lời một cách nghênh ngang, ỷ vào điều mình vừa mới hứa với Anne d'Autriche.
Tự tôi mở cửa tiền sảnh và trông thấy ông ở đầu hành lang ấy là vì tôi được đưa vào lối cầu thang kín.
- Sao thế?
- Tôi không biết; có lẽ có sự hiểu lầm.
Mazarin biết rằng không phải dễ dàng bắt d'Artagnan nói ra điều anh muốn giấu; cho nên lúc này ông thôi không muốn khám phá điều chàng Gascon giữ bí mật với ông.
- Thôi, ta hãy bàn việc của tôi vậy, bởi vì ông không muốn nói với tôi về việc của ông.
D'Artagnan nghiêng mình.
- Ông có thích những chuyện viễn du không? - giáo chủ hỏi.
- Cuộc đời của tôi đã trải qua trên những nẻo dường lớn.
- Có điều gì giữ ông ở lại Paris không?
- Chẳng có điều gì giữ tôi lại Paris ngoài một mệnh lệnh của bề trên.
- Tốt. Đây là một bức thư cần phải đưa tới địa chỉ của nó.
- Tới địa chỉ của nó, thưa Đức ông? Nhưng làm gì có địa chỉ.
- Quã thật mặt trước của phong bì chẳng đề chữ gì cả.
- Nghĩa là, - Mazarin nói, - Có hai lớp phong bì.
- Tôi hiểu rồi, tức là đến một nơi đã định nào đó, tôi mới được xé phong bì ngoài.
- Đúng thế? Hãy cầm lấy và mang đi. Ông có người bạn, ông Du Vallon mà tôi rất mến, ông hãy để ông ta đi cùng.
"Thôi rồi! - D'Artagnan tự nhủ, - lão ta biết rằng bọn mình đã nghe được câu chuyện hôm qua, nên muốn đẩy bọn mình đi khỏi Paris".
- Ông lưỡng lự à? - Mazarin hỏi.
- Không, thưa Đức ông, tôi đi ngay lập tức. Song le tôi mong muốn một điều.
- Điều gì? Nói đi.
- Xin Đức ông qua chỗ hoàng hậu.
- Khi nào?
- Ngay bây giờ.
- Để làm gì cơ?
- Để nói với Lệnh bà một câu này thôi: "Tôi phái ông d'Artagnan đi có việc, và tôi bảo ông ta đi ngay lập tức".
- Đấy nhé, - Mazarin nói, - rành rành là ông đã gặp hoàng hậu.
- Tôi đã thưa với Đức ông rằng có thể có một sự hiểu lầm.
- Thế là thế nào, - Mazarin hỏi.
- Tôi có dám nhắc lại với Đức ông lời thỉnh cầu của tôi không ạ?
- Được rồi, tôi đến đó bây giờ. Hãy đợi tôi ở đây.
Mazarin cẩn thận nhìn xem có cái chìa khoá nào bỏ quên ở các tủ không, và đi ra.
Mười phút trôi đi, trong khi ấy d'Artagnan cố sức đọc qua lớp phong bì ngoài xem viết gì ở phong bì trong, nhưng không thể được.
Mazarin trở lại, mặt tái đi và có vẻ bận tâm lắm. Ông ngồi vào bàn giấy. D'Artagnan chăm chú xem xét ông ta như vừa mới xem xét phong thư; nhưng lớp bì mặt của ông ta cũng không thể xuyên thấu được như lớp bì của bức thư.
"Ê, ê, - Chàng Gascon nhủ thầm, lão ấy có vẻ tức giận. Với ta chăng? Lão ngẫm nghĩ, tống ta vào ngục Bastille chăng? Khoan khoan, Đức ông! Câu đầu tiên mà ngài nói ra điều ấy thì tôi bóp cổ ngài ngay và tôi đi làm Fronde. Người ta sẽ hoan nghênh ca tụng tôi như ông Broussel và Arthos sẽ phong tôi là Brutus của nước Pháp(2). Thế thì cũng kỳ đấy nhỉ?"
Chàng Gascogne với trí tưởng tượng luôn luôn phi nước đại, đã nhìn thấy tất cả sự quyết định có thể rút ra từ tình huống ấy.
Nhưng Mazarin chẳng hề ban một mệnh lệnh nào thuộc loại đó và trái lại còn mơn trớn d'Artagnan. Ông nói:
- Ông d'Artagnan thân mến của tôi ơi, ông nói phải đấy, và ông chưa thể đi ngay được.
- A! - D'Artagnan kêu lên.
- Tôi xin ông hãy trả lại tôi bức thư kia.
D'Artagnan tuân theo. Mazarin yên tâm rằng dấu niêm phong vẫn nguyên vẹn. Ông nói:
- Chiều nay tôi sẽ cần đến ông, hai giờ nữa ông sẽ trở lại đây.
- Thưa Đức ông, - D'Artagnan đáp, - Hai giờ nữa tôi có một cuộc hẹn không thể vắng mặt được.
- Ông đừng ngại điều đó, - Mazarin nói, - Vẫn cùng một việc ấy mà.
- Được, d'Artagnan nghĩ, - Ta nghi ngờ.
- Vậy ông hãy đến đây vào năm giờ và đưa cả ông Du Vallon thân mến ấy đến nhé, tuy nhiên, cứ để ông ta ở tiền sảnh; tôi muốn nói chuyện riêng với ông.
D'Artagnan nghiêng mình. Vừa nghiêng mình anh ta vừa tự nhủ:
"Cả hai người cùng một mệnh lệnh, cả hai người cùng một giờ hẹn, cả hai người cùng ở Hoàng cung; ta đoán xem. A! Đây là một bí mật mà ông de Gondy có thể trả giá một trăm nghìn livres".
- Ông suy nghĩ à? - Mazarin lo ngại nói.
- Vâng, tôi tự hỏi xem có cần phải mang vũ khí hay không?
- Phải vũ trang đến tận răng, - Mazarin nói.
- Được rồi, thưa Đức ông, chúng tôi sẽ làm thế.
D'Artagnan chào, đi ra và chạy về nhà kể lại với bạn mình những lời hứa hẹn phỉnh phờ của Mazarin, nó mang đến cho Porthos một niềm hân hoan không thể tưởng tượng được.
Chú thích:
(1) Tiếng la tinh: im lặng, giữ kín
(2) Brutus (thế kỷ I trước Công nguyên): Chính khách La Mã cùng với Catxiuyx âm mưu chống lại Xêda và đã giết chết Xêda ngay trong cuộc họp Nghị viện. Về sau thua trận, Brutus tự sát.
Chương 53
Chạy trốn
Mặc dầu những dấu hiệu náo động của thành phố, khoảng năm giờ chiều khi d'Artagnan đến, Hoàng cung vẫn phô bày một quang cảnh vào loại thú vị nhất.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên: hoàng hậu thực sự chẳng phải sợ hãi điều gì, vì dân chúng chẳng còn gì để yêu cầu cả. Vẻ xôn xao của họ chỉ là sự rơi rớt của cuộc náo loạn cần có thời gian để yên đi, giống như sau một trận bão phải nhiều ngày sau mới lặng sóng.
Có một bữa tiệc lớn mà duyên cớ là sự trở về của người thắng trận ở Lens. Các ông hoàng, bà chúa được mới dự, xe cộ ngổn ngang các sân từ buổi trưa. Sau bữa ăn có chơi bài ở chỗ hoàng hậu.
Anne d'Autriche hôm ấy thật tuyệt vời, đầy vẻ duyên dáng và trí tuệ. Chưa bao giờ người ta thấy bà ta hớn hở đến thế. Lòng phục thù ra hoa long lanh trong cặp mắt và làm hé nở đôi môi bà.
Lúc mọi người ăn xong, Mazarin lánh đi, d'Artagnan đã đến vị trí của mình và đợi ông ở tiền sảnh. Giáo chủ xuất hiện, vẻ tươi cười, cầm tay anh dẫn vào văn phòng mình. Ông ngồi xuống và nói:
- Ông d'Artagnan thân mến ơi, tôi sẽ trao cho ông cái dấu hiệu lớn nhất của lòng tin cậy mà một tể tướng có thể trao cho một sĩ quan.
D'Artagnan nghiêng mình và nói:
- Tôi hy vọng rằng Đức ông trao cho tôi điều đó mà không có ẩn ý và với sự tin tưởng rằng tôi xứng đáng với nó.
- Người xứng đáng nhất trong tất cả mọi người ông bạn thân mến của tôi ạ, bởi vì chính là với ông mà tôi ngỏ lời.
- Vậy thì, thưa Đức ông, - D'Artagnan nói, - tôi xin thú nhận rằng tôi chờ đợi một cơ hội như thế từ lâu rồi. Vậy xin ngài nói nhanh lên điều mà ngài cần nói với tôi.
- Ông d'Artagnan thân mến ạ, - Mazarin nói tiếp, - chiều nay ông sẽ mang ở trong tay mình sự nghiệp cứu quốc. - Ông dừng lại.
- Xin Đức ông cắt nghĩa xem, tôi chờ đợi.
- Hoàng hậu đã quyết định một chuyến đi nho nhỏ cùng với vua đến Saint-Germain.
- Á à! - D'Artagnan nói, - Nghĩa là hoàng hậu muốn rời Paris.
- Ông hiểu đấy, tính ngẫu hứng của đàn bà mà.
- Vâng, tôi hiểu rất rõ, - D'Artagnan đáp.
- Chính vì thế mà sáng nay, hoàng hậu đã cho gọi ông đến và báo ông trở lại vào năm giờ.
D'Artagnan lẩm bẩm: "Thế mà cũng mất công bắt mình thề rằng không được lộ ra với bất kỳ ai về cuộc gặp gỡ đó. Ôi! Đàn bà! Dù có là hoàng hậu chăng nữa, họ vẫn cứ là đàn bà!"
- Ông không tán thành cuộc đi chơi nho nhỏ ấy à, ông d'Artagnan thân mến? - Mazarin hỏi với vẻ lo lắng:
- Tôi ấy à, thưa Đức ông? Sao lại thế?
- Ấy là vì thấy ông nhún vai.
- Thưa Đức ông, đó là cách tôi tự nói với mình.
- Như vậy là ông tán thành chuyến đi ấy?
- Thưa Đức ông, tán thành hay không tán thành, đối với tôi. không hơn không kém. Tôi chờ đợi mệnh lệnh của ngài.
- Tốt! Vậy chính ông là người mà tôi yên tâm để đưa đức vua và hoàng hậu đến Saint-Germain.
"Xảo trá gấp đôi! - D'Artagnan tự nhủ".
Nhìn thấy vẻ lãnh đạm của d'Artagnan, Mazarin lại nói:
- Ông thấy rõ ràng như tôi nói với ông, việc cứu quốc dựa vào bàn tay ông.
- Vâng, thưa Đức ông, tôi cảm nhận thấy tất cả trách nhiệm của một nhiệm vụ như vậy.
- Tuy nhiên ông chấp nhận chứ?
- Tôi vẫn chấp nhận.
- Ông cho rằng việc đó có thể làm được chứ?
- Mọi việc đều có thể làm được.
- Liệu ông có bị tấn công ở dọc đường không?
- Có khả năng lắm.
- Trong trường hợp ấy, ông sẽ làm thế nào?
- Tôi sẽ đi xuyên qua những kẻ tấn công tôi.
- Nếu như ông không đi xuyên qua họ thì sao?
- Thì mặc kệ họ, tôi sẽ vượt qua đầu họ.
- Và ông đưa vua và hoàng hậu đến Saint-Germain an toàn chứ?
- Vâng.
- Trên tính mạng của ông?
- Trên tính mạng của tôi.
- Ông d'Artagnan thân mến ơi, ông là một anh hùng! - Mazarin nói và nhìn người lính ngự lâm với vẻ khâm phục.
D'Artagnan mỉm cười.
- Thế còn tôi? - Mazarin nói sau một lát im lặng và nhìn chằm chằm vào anh.
- Thưa Đức ông, sao lại còn ngài nữa?
- Còn tôi, nếu tôi cũng muốn ra đi.
- Thế thì khó khăn hơn đấy.
- Sao vậy?
- Đức ông có thể bị nhận ra.
- Cả với sự cải trang này ư? - Mazarin nói.
Và ông vén tấm áo choàng phủ lên trên chiêc ghế bành trên đó để một bộ com-lê kỵ sĩ màu ngọc trai và thạch lựu viền đầy tua ren bạc.
- Nếu Đức ông cải trang thế thì sẽ dễ dàng hơn.
- A! - Mazarin thở phào.
- Nhưng sẽ phải làm cái điều mà hôm nọ Đức ông nói rằng nếu ở địa vị chúng tôi chắc ngài đã làm rồi.
- Làm cái gì cơ?
- Hô: "Đả đảo Mazarin?
- Tôi sẽ hô.
- Hô bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp đúng cơ, Đức ông ạ; hãy coi chừng về giọng nói. Người ta đã giết của chúng ta hai nghìn người Angevins ở Sicile, chỉ vì họ phát âm sai tiếng Ý. Hãy coi chừng dân Pháp có thể trả thù ngài về vụ Kinh vãn khoá Sicile(1).
- Tôi sẽ hết sức cố gắng.
- Có rất nhiều người vũ trang ở các phố xá, - D'Artagnan nói tiếp, - ngài có dám chắc rằng không một ai biết kế hoạch của hoàng hậu không?
Mazarin ngẫm nghĩ.
- Thưa Đức ông, việc mà ngài đề ra với tôi ấy sẽ là một việc thật hay ho đối với một kẻ phản bội. Những lý do về những sự tình cờ của một cuộc công kích có thể biện minh tất cả.
Mazarin rùng mình; song ông nghĩ rằng một kẻ có ý định phản bội sẽ chẳng báo trước.
- Cho nên, - ông vội vã nói, - tôi không tin cậy tất cả mọi người, và bằng chứng là tôi đã chọn ông để hộ vệ tôi.
- Ngài không đi cùng với hoàng hậu à?
- Không.
- Thế ngài đi sau hoàng hậu ư?
- Không, - Mazarin vẫn nói như vậy.
- A! - D'Artagnan bắt đầu hiểu ra và kêu.
- Phải! Tôi có kế hoạch của tôi, - giáo chủ nói tiếp. - Đi với Hoàng hậu, tôi làm tăng gấp đôi những vụ rủi ro của bà. Đi sau hoàng hậu thì việc ra đi của bà làm tăng gấp đôi những rủi ro của tôi; rồi một khi triều đình đi thoát người ta có thể quên tôi lắm chứ: Những đại nhân thường hay bội bạc mà.
- Đúng đấy, - D'Artagnan nói và bất giác đưa mắt nhìn chiếc nhẫn kim cương của hoàng hậu mà Mazarin đeo ở ngón tay.
Mazarin theo dõi hướng nhìn ấy và nhẹ nhàng lộn mặt nhẫn vào phía trong. Và với nụ cười quỉ quyệt Mazarin nói:
- Cho nên tôi muốn ngăn họ khỏi bội bạc với tôi.
- Không xui khiến người khác vào đường tà tâm, đó là lòng nhân ái Thiên chúa giáo, - D'Artagnan nói.
- Đúng là vì như vậy, - Mazarin đáp, - mà tôi muốn ra đi trước họ.
D'Artagnan mỉm cười; anh là người hiểu rất rõ cái tính xảo quyệt kiểu Ý ấy. Mazarin trông thấy anh mỉm cười và thừa lúc đó nói luôn:
- Như vậy là ông sẽ bắt đầu bằng việc đưa tôi ra khỏi Paris trước tiên, có phải không, ông d'Artagnan thân mến?
- Việc ủy thác gay go đấy, thưa Đức ông, - D'Artagnan lấy lại vẻ trang nghiêm nói.
Mazarin chăm chú nhìn anh để không một biểu hiện nào trên gương mặt anh lọt khỏi mắt ông và nói:
- Nhưng mà sao ông không nói tất cả những nhận xét ấy đối với vua và hoàng hậu.
- Thưa Đức ông, vua và hoàng hậu là hoàng hậu của tôi và vua của tôi, - Người lính ngự lâm đáp, - Sinh mệnh của tôi thuộc về các Người và tôi chịu ơn các Người, về nó. Các Người yêu cầu sinh mệnh của tôi, tôi chẳng có ý kiến gì hết.
"Thật là chí lý, Mazarin khẽ lẩm bẩm, nhưng vì sinh mệnh của mi không thuộc về ta thì ta phải mua nó chứ gì?"
Và buông một tiếng thở dài não nuột, ông bắt đầu quay mặt nhẫn ra phía ngoài.
D'Artagnan mỉm cười.
Hai con người đó gặp nhau ở một điểm: tính giảo hoạt. Nếu như họ cũng lại gặp nhau ở lòng dũng cảm nữa, ắt hẳn sẽ giúp cho nhau được những việc thật lớn lao.
- Nhưng ông cũng nên hiểu rằng, - Mazarin nói, - nếu tôi yêu cầu ông giúp cho việc đó cũng là với ý định tỏ lòng biết ơn.
- Đức ông chỉ mới có ý định thôi ư? - D'Artagnan hỏi.
- Này, - Mazarin vừa nói vừa tháo chiếc nhẫn khỏi ngón tay.
- Ông d'Artagnan thân mến ơi, đây là một chiếc nhẫn kim cương xưa kia đã thuộc về ông, bây giờ nó trở về với ông là chính đáng, hãy cầm lấy nó, tôi van ông.
D'Artagnan không để Mazarin phải mất công nài nỉ, anh cầm lấy nhẫn, nhìn xem hạt kim cương có đúng vẫn là hạt ấy không và sau khi yên tâm về sự tinh khiết của nước láng anh đeo nhẫn vào ngón tay với niềm vui khôn tả.
- Tôi thích nó lắm đấy, - Mazarin nhìn theo nó lần cuối cùng mà nói, - Nhưng không sao, tôi rất vui lòng tặng ông.
- Thưa Đức ông, - D'Artagnan nói, - còn tôi, tôi nhận nó như nó đã được cho tôi. Nào, ta hãy bàn về những công việc nho nhỏ của ngài. Ngài muốn ra đi trước tất cả mọi người à?
- Phải, tôi cần như vậy.
- Lúc mấy giờ?
- Mười giờ.
- Còn hoàng hậu đi lúc mấy giờ?
- Nửa đêm.
- Như vậy, có thể được. Tôi đưa ngài ra trước, rồi để ngài ở ngoài cửa ô và quay về đón hoàng hậu.
- Tuyệt diệu, nhưng làm thế nào để đưa tôi ra khỏi ngoài Paris?
- Ồ! Về chuyện đó xin cứ để mặc tôi làm.
- Tôi giao ông toàn quyền, hãy lấy một toán hộ vệ đông thế nào tuỳ ông.
D'Artagnan lắc đầu.
- Tuy nhiên, tôi thấy rằng đó là cách chắc chắn nhất. - Mazarin nói.
- Vâng, thưa Đức ông, chắc chắn đối với ngài nhưng không chắc chắn đối với hoàng hậu.
Mazarin cắn môi. Ông nói:
- Thế thì chúng ta sẽ tiến hành thế nào?
- Thưa Đức ông !Cứ để mặc tôi tự lo liệu .
- Hừm! Mazarin kêu.
- Và cần phải giao cho tôi quyền chỉ huy hoàn toàn công việc này.
- Tuy nhiên…
- Hay là ngài kiếm người khác vậy, - D'Artagnan nói và quay lưng lại.
- Ơ! - Mazarin khẽ lẩm bẩm - Ta chắc là nó bỏ đi với chiếc nhẫn. - Và ông gọi anh lại.
- Ông d'Artagnan, Ông d'Artagnan thân mến của tôi ơi, - Mazarin nói bằng một giọng mơn trớn.
- Đức ông gọi tôi?
- Ông có bảo đảm với tôi về mọi sự không?
- Tôi không bảo đảm gì cả. Tôi sẽ làm hết sức mình.
- Hết sức mình?
- Phải.
- Vậy thì, nào tôi tin cậy ở ông.
"Thật là may!", d'Artagnan tự nhủ thầm.
- Vậy ông có mặt ở đây vào chín giờ rưỡi.
- Tôi sẽ thấy Đức ông sẵn sàng chứ?
- Tất nhiên; rất sẵn sàng.
- Như vậy là đã thỏa thuận. Bây giờ Đức ông cho tôi gặp hoàng hậu được chứ?
- Gặp dể làm gì?
- Tôi muốn nhận mệnh lệnh của Hoàng thượng từ miệng của Người.
- Lệnh bà đã giao cho tôi nói với ông.
- Lệnh bà có thể quên điều gì đó?
- Ông cần gặp lắm à?
- Rất cần, thưa Đức ông.
Mazarin lưỡng lự một lát.
- Tôi sẽ đưa ông vào, nhưng không được hé một tí nào về cuộc nói chuyện của chúng ta.
- Thưa Đức ông, điều gì nói giũa chúng ta chỉ can hệ đến chúng ta mà thôi.
- Ông thề sẽ im lặng chứ?
- Thưa Đức ông, tôi không thể thốt bao giờ. Tôi nói có hoặc không. Và do tôi là nhà quý tộc tôi giữ lời.
- Thôi được, tôi thấy rằng cần phải tin cậy ông hoàn toàn, không ngoại trừ gì hết.
- Đó là điều hay nhất đấy xin Đức ông hãy tin lời tôi.
- Đi nào, - Mazarin nói.
Ông đưa d'Artagnan đến phòng nguyện và bảo anh đợi.
Anh đợi không bao lâu. Năm phút sau anh đã ở trong phòng hoàng hậu đến trong bộ y phục đại lễ hội. Trang điểm như thế trông bà chỉ ngót ba mươi lăm tuổi và vẫn xinh đẹp.
- Ông đấy à, ông d'Artagnan, - Bà cười duyên dáng và nói, - Xin cảm ơn ông đã khẩn khoản xin gặp tôi.
- Xin hoàng thượng thứ lỗi, - D'Artagnan nói, - Vì tôi muốn được nhận mệnh lệnh từ miệng Lệnh bà.
- Ông biết về chuyện gì rồi chứ?
- Vâng, thưa Lệnh bà.
- Ông chấp nhận việc mà tôi ủy thác cho ông?
- Với lòng biết ơn.
- Hay lắm: hãy có mặt ở đây vào lúc nửa đêm.
- Tôi sẽ có mặt.
- Ông d'Artagnan ạ, - Hoàng hậu nói, - tôi biết quá rõ tính vô tư của ông, nên không nói về lòng biết ơn của tôi với ông trong lúc này, nhưng tôi thề với ông rằng tôi sẽ không quên việc giúp đỡ thứ hai này như tôi đã quên việc giúp đỡ đầu tiên đâu.
- Hoàng thượng được tự do nhớ hay là quên, và tôi không biết Người định nói gì.
Và d'Artagnan nghiêng mình thi lễ.
Hoàng hậu nói với nụ cười duyên dáng nhất của mình:
- Thôi, ông đi đi và trở lại đây lúc nửa đêm.
Bà ta giơ tay làm hiệu tạm biệt, d'Artagnan rút lui; nhưng khi ra anh đưa mắt nhìn chỗ cửa nhỏ nơi hoàng hậu đã vào và dưới tấm rèm anh thấy thò ra một chiếc mũi giày nhung.
- A, - anh nói, - lão Mazarin nghe ngóng xem ta có phản lại lão không. Thực ra cái con rối nước Ý ấy chẳng đáng được phục vụ bởi một người quân tử.
Cùng không vì thế mà d'Artagnan không đến đúng hẹn. Chín giờ rưỡi, anh tới tiền sảnh.
Bernouin đang đợi và dẫn anh vào.
Anh thấy giáo chủ bận y phục kỵ sĩ. Ông ta rất tươi tỉnh trong bộ quần áo ấy, song ông rất tái và run sợ đôi chút.
- Có một mình ông thôi à? - Mazarin hỏi.
- Vâng, thưa Đức ông.
- Thế ông Du Vallon tử tế ấy không đi cùng với chúng ta cho vui à?
- Có chứ, ông ấy đợi ở ngoài xe ông ấy.
- Tại chỗ nào?
- Ở cổng khu vườn Hoàng cung.
- Thế ta đi bằng xe của ông ta à?
- Vâng.
- Không có hộ vệ nào khác ngoài hai ông à?
- Như thế chưa đủ sao; chỉ một trong hai chúng tôi là đủ rồi.
- Ông d'Artagnan thân mến ơi, thực tình ông làm tôi kinh hãi với sự bình tĩnh của ông đây.
- Trái lại tôi tưởng rằng nó phải gây nên lòng tin cậy cho ngài chứ.
- Còn Bernouin, tôi có mang theo đi không,
- Không có chỗ cho ông ấy, ông ấy sẽ đến với Đức ông sau.
- Đành vậy, - Mazarin nói - bởi vì mọi việc đều phải làm theo ý ông.
- Thưa Đức ông, hãy còn đủ thời giờ để rút lui, và ngài hoàn toàn tự do.
- Không đâu, không đâu! - Mazarin nói, - Ta đi nào.
Và cả hai người đi xuống lổi cầu thang kín.
Mazarin vịn tay mình vào cánh tay d'Artagnan và anh thấy tay ông run bần bật.
Họ đi qua các sân Hoàng cung vẫn còn mấy chiếc xe của các thực khách về muộn, vào khu vườn và đến chỗ cổng nhỏ.
Mazarin lấy một chiếc chìa khoá ở trong tủi ra thử mở cửa, nhưng tay run đến nỗi chẳng rõ thấy lỗ khóa.
- Đưa tôi! - D'Artagnan bảo.
Mazarin đưa chìa khoá, d'Artagnan mở cửa, rồi cho chìa vào túi mình; anh tính còn phải trở lại bằng cổng ấy.
- Bậc xe được hạ xuống, cửa mở sẵn, Mousqueton đứng ở ngoài cửa. Porthos ngồi tít trong xe.
- Mời Đức ông lên đi, - D'Artagnan nói.
Chẳng đợi bảo đến hai lần Mazarin lao mình vào trong xe.
D'Artagnan lên theo. Mousqueton đóng cửa xe lại và leo lên đằng sau xe với những tiếng rên rỉ thảm hại. Mượn cớ là vết thương hãy còn đau lắm, hắn đã lần chần chẳng muốn đỉ, nhưng d'Artagnan đã bảo hắn:
- Nếu ông muốn thì cứ ở lại, ông Mousqueton thân mến ạ, nhưng tôi báo trước để ông biết rằng đêm nay Paris sẽ bị thiêu trụi.
Nghe vậy, Mousqueton không đòi hỏi gì hơn và tuyên bố rằng hắn sẵn sàng đi theo chủ hắn và ông d'Artagnan đến cùng trời cuối đất.
Cỗ xe đi nước kiệu vừa phải để không tố giác một chút nào rằng có chưa những người vội vã. Giáo chủ lấy khăn tay ra lau mồ hôi trán và đưa mắt nhìn xung quanh mình.
Bên trái là Porthos, bên phải là d'Artagnan, mỗi người ngồi cạnh một cửa, mỗi người dùng làm một bức thành cho ông.
Trước mặt trên một chiếc ghế nhỏ đặt hai đôi súng ngắn, một đôi trước Porthos, một đôi trước d'Artagnan. Ngoài ra, mỗi anh còn đeo một thanh kiếm bên sườn.
Cách Hoàng cung một trăm thước, một đội tuần tra ngăn xe lại.
- Ai đó? - Người chỉ huy quát.
- Mazarin! - D'Artagnan đáp và cười phá lên.
Giáo chủ cảm thấy tóc dựng ngược trên đầu.
Câu bông đùa tỏ ra thú vị đối với mấy người tư sản, họ thấy cỗ xe không có vũ khí và chẳng có hộ tống, nên không thể ngờ là sự thật với một sự khinh suất như vậy.
- Chúc đi bình yên? - Họ reo lên.
Và họ để cho xe đi.
- Hừm! - D'Artagnan nói. - Đức ông nghĩ thế nào về câu trả lời ấy?
- Một người tài trí.
- Chuyện phải làm, - Porthos nói, - Tôi hiểu…
Đến giữa phố Les Petits-Champs, một toán kiểm tra thứ hai ngăn xe lại.
- Ai đó? - Viên đội trưởng hô.
- Đức ông ngồi lui vào, - D'Artagnan nói.
Và Mazarin ngồi tụt vào giữa hai người bạn thế nào mà bị họ che lấp chằng còn nhìn thấy ông đâu cả.
- Ai đó? - Vẫn tiếng nói ấy sốt ruột kêu lên.
Và d'Artagnan cảm thấy như người ta xông ra chặn đầu lũ ngựa.
- Ê! Planchet, - Anh nói.
Viên đội trưởng lại gần, Quả nhiên là Planchet, d'Artagnan nhận ra tiếng nói của người hầu cũ.
- Ơ kìa! Ông! - Planchet nói, - Ông đấy à?
- Ồ lạy Chúa! Phải rồi bạn thân mến ạ. Ông Porthos thân thiết này vừa mới bị một nhát kiếm và tôi đưa ông trở về nhà nghỉ nơi miền quê của ông ở Saint-Clou.
- Ô? Thật à? - Planchet nói.
- Porthos này, - D'Artagnan bảo, - Nếu cậu còn nói được, thì hãy nói một lời với cậu Planchet tốt bụng này.
Bạn Planchet thân mến ơi, - Porthos nói bằng một giọng rầu rĩ, - Tôi đau lắm, và cậu có gặp một thầy thuốc, cậu hãy giúp đưa đến tôi nhé!
- Ôi lạy Chúa? Tai hoạ thật! - Planchet kêu lên. - Chuyện xảy ra như thế nào?
- Tôi sẽ kể cho cậu nghe sau, - Mousqueton nói.
Porthos thốt ra một tiếng rên rỉ dài.
- Này Planchet, - D'Artagnan nói thầm, - Hãy tránh ra để bọn tôi đi, kẻo ông ấy không kịp đến nơi mất: ông ta bị thương vào phổi.
Planchet lắc đầu ra vẻ muốn nói: Trường hợp ấy thì nguy rồi!
Rồi quay về phía người của mình anh bảo:
- Để cho đi, bạn tôi đấy mà.
Xe tiếp tục đi, Mazarin nín hơi mãi, đánh liều thở mạnh.
- Bricconi! - Ông lẩm bẩm.
Đến cách cửa ở Saint-Honoré, xe lại gặp một toán thứ ba. Toán này gồm những kẻ mặt mày ốm o giống như bọn trộm cướp; đó là quân của gã ăn mày ở Saint Eustache .
- Chú ý, Porthos! - D'Artagnan bảo.
- Porthos vươn tay ra chỗ súng ngắn.
- Có chuyện gì vậy? - Mazarin hỏi.
- Thưa Đức ông tôi cho rằng chúng ta gặp bọn xấu rồi.
Một người tiến lên cửa xe, tay cầm một thứ lưỡi liềm.
- Ai đó? - Người ấy hỏi.
- Ê! Lạ chưa - D'Artagnan nói, - Các người không nhận ra xe của Ngài hoàng thân, hay sao?
- Hoàng thân hay không cũng phải mở ra! Chúng tôi canh giữ cửa ô, không ai đi qua mà tôi không biết đó là người nào.
- Phải làm gì bây giờ? - Porthos hỏi.
- Mặc kệ! Cứ đi qua, d'Artagnan nói.
- Nhưng đi thế nào? - Mazarin hỏi.
- Đi qua hoặc vượt qua. Người đánh xe ngựa vội phóng nước đại. Đang giơ roi lên
- Không được đi một bước nào nữa, - Người có vẻ là chỉ huy nói; nếu không ta sẽ chặt chân ngựa.
- Gớm nhỉ, - Porthos nói, - thế thì tiếc lắm, lũ ngựa giá một trăm pistolg một con đó.
- Tôi sẽ trả ông hai trăm? Mazarin nói.
- Vâng, nhưng một khi họ đã chặt chân ngựa thì họ sẽ cắt cổ chúng ta.
- Có một tên đến bên cạnh tôi, - Porthos nói - Có cần hạ sát nó không?
- Có! Bằng một quả đấm, nếu cậu có thể làm được.
- Chúng ta chỉ nổ súng khi cùng bất đắc dĩ.
- Tôi có thể làm được, - Porthos nói.
- Thế thì đến đây mà mở, - D'Artagnan nói với kẻ cầm liềm; anh cầm một khẩu súng bằng nòng và chuẩn bị đánh bằng báng súng.
Trong khi kẻ ấy tiến lại, d'Artagnan nhô nửa người ra ngoài để dễ dàng cử động hơn. Mắt anh nhìn vào mắt gã ăn mày và ánh sáng của ngọn đèn soi tỏ.
Chắc hẳn hắn nhận ra người lính ngự lâm, vì mặt hắn tái nhợt đi; chắc hẳn d'Artagnan nhận ra hắn, vì tóc anh dựng ngược lên.
- Ông d'Artagnan? - Hắn kêu lên và lùi lại một bước, - Ông d'Artagnan đấy? Hãy để cho đi qua!
Có lẽ d'Artagnan sắp trả lời, thì một đòn giổng như một quả chùy giáng xuống đầu một con bò vang lên: Porthos vừa mới đập chết địch thủ của mình.
D'Artagnan quay lại và trông thấy kẻ bất hạnh nằm sóng soài ra cách đấy bốn bước. Anh bảo người đánh xe:
- Bây giờ phi đại lên! Phóng, phóng!Nhanh lên !
Người đánh xe ra roi quất ngựa, những con ngựa quí phải chồm lên. Người ta nghe thấy những tiếng kêu như của những người bị xô ngã. Rồi cảm thấy xe giật lên hai cái liền: khi bánh xe vừa mới chẹt lên một vật mềm và tròn.
Một lát im lặng, xe vượt qua cửa ô.
- Đi đến Cours-la-Reine! - D'Artagnan bảo người đánh xe.
Rồi quay lại phía Mazarin, anh nói:
- Thưa Đức ông, bây giờ ngài có thể đọc năm điều kinh Chúa Cha và năm điều kinh Thánh Mẫu để cảm ơn Thượng Đế về sự giải thoát ngài rồi đấy; ngài đã thoát nạn, ngài được tự do.
Mazarin chỉ đáp lại bằng một tiếng rên rỉ. Ông không thể tin nổi một sự thần kỳ đến như vậy.
Năm phút sau, xe đứng lại, đã đến khu vườn dạo chơi Cours-la-Reine.
- Đức ông hài lòng về đoàn hộ vệ của ngài chứ? - Ngươi lính ngự lâm hỏi.
- Rất vui mừng, ông ạ. - Mazarin nói và liều thò đầu ra cửa xe bây giờ ông hãy làm như thế cho hoàng hậu.
- Sẽ dễ dàng hơn, - D'Artagnan đáp và nhảy xuống đất, anh nói tiếp - ông Du Vallon, tôi gửi gắm Đức ông cho ông đấy.
- Cứ yên tâm, - Porthos nói và chìa tay ra.
D'Artagnan nắm tay Porthos và lắc lắc.
- Ái! Porthos kêu lên.
D'Artagnan nhìn bạn kinh ngạc.
- Cậu làm sao thế? - Anh hỏi.
- Tôi e rằng bị trật xương cổ tay, - Porthos đáp.
- Chết thật! Với lại cậu nện như một thằng điếc ấy.
- Cần phải thế, vì địch thủ của tôi sắp nổ một phát súng ngắn vào tôi. Nhưng còn cậu, cậu khử thằng địch của cậu như thế nào?
- Ồ! Địch thủ của tôi ấy à, - D'Artagnan nói, - đó không phải là một người.
- Thế là cái gì.
- Đó là một loài yêu quái. Và tôi đã xua đuổi nó.
Không giải thích gì thêm, d'Artagnan cầm lấy súng ngắn ở ghế đằng trước gài vào thắt lưng, khoác tấm áo choàng và không muốn trở lại bằng lối cửa ô đã đi ra, anh đi về phía cửa ô Richelieu.
Chú thích:
(1) Revanche des Vêpres =Vụ thảm sát hàng loạt dân Pháp ở đảo Sicile năm 1282, do dân Sicile nổi loạn chống lại vua Pháp Charles I d'Andrew và xảy ra vào lúc các nhà thờ rung chuông gọi tín đồ.
Nguồn: http://vnthuquan.net/