25/3/13

Hai mươi năm sau (C56-57)

Chương 56

Có tin tức về Aramis


D'Artagnan đi thẳng đến chuồng ngựa. Trời vừa tảng sáng. Anh nhận ra ngựa của anh và của Porthos buộc ở máng ăn nhưng máng rỗng không. Nghĩ thương hại mấy con vật tội nghiệp anh lần đến một góc chuồng ngựa và thấy lấp lánh một ít rơm có lẽ thoát khỏi cuộc vơ vét đêm qua. Anh lấy chân vun rơm thì thấy mũi giày đụng phải một vật tròn tròn và có lẽ đụng phải chỗ phạm, nên nó hét lên một tiếng, chống đầu gối nhổm dậy và dụi mắt. Đó là Mousqueton, đêm qua không còn rơm cho mình, nên lấy rơm ăn của ngựa để nằm.
- Mousqueton, - D'Artagnan bảo, - Nào, ta lên đường!
Nhận ra tiếng nói của bạn chủ mình, Mousqueton vội vàng đứng dậy và đánh rơi mấy đồng louis kiếm được khi đêm một cách bất hợp pháp.
D'Artagnan nhặt một đồng louis ngửi và nói:
- Ô! Cái thứ vàng này có mùi kỳ cục thật, mùi rơm.
Mousqueton đó đừ mặt một cách đến là thật thà và có vẻ thật bối rối khiến chàng Gascon bật cười và bảo:
Porthos có lẽ sẽ nổi giận đấy, Mousqueton thân mến ạ, nhưng tôi thì tôi tha thứ cho cậu, song hãy nhớ rằng vàng này cần dùng để chữa cho các vết thương của chúng ta, và hãy vui lên nào.
Tức thì Mousqueton miệng cười toe toét, nhanh nhẩu thắng ngựa cho chủ và leo lên ngựa mình mà chẳng nhăn nhó bao nhiêu.
Vừa lúc ấy Porthos đi đến với bộ mặt cáu kỉnh và hết sức ngạc nhiên trông thấy d'Artagnan với vẻ cam chịu và Mousqueton khá hớn hớ.
- Ái chà! - Anh nói, - Chắc là đã có cấp bậc cho cậu và Nam tước cho tôi phải không?
- Chúng tôi sắp đi kiếm mảnh bằng chứng nhận, - D'Artagnan nói, - Và khi ta trở về tiên sinh Mazarin sẽ ký.
- Thế ta đi đâu? - Porthos hỏi.
- Trước hết đi Paris, - D'Artagnan đáp, - Tôi muốn thu xếp vài công việc.
- Nào ta về Paris, - Porthos nói.
Và cả haỉ đi về Paris.
Tới mấy cửa ô họ kinh ngạc thấy thái độ doạ nạt của thành phố.
Chung quanh một cỗ xe bị phá tan tành dân chúng không ngớt phần chửi rủa, trong khỉ mấy người định đi trốn thì bị bắt giữ, chúng là một ông già và hai người đàn bà.
Trái lại khi d'Artagnan và Porthos xin vào thì họ mơn trớn hết lời. Họ cho rằng đó là những người rời bỏ phe nhà vua và họ muốn thu hút về với họ.
- Vua đang làm gì? - họ hỏi.
- Vua ngủ.
- Còn mụ Tây Ban Nha?
- Bà ta mơ màng.
- Còn cái tên người Ý đáng nguyền rủa ấy?
- Lão ta thức, - D'Artagnan đáp. - Như vậy các bạn phải giữ vững, bởi vì rằng nếu họ ra đi, chắc hẳn là để làm chuyện gì đó. Nhưng vì rốt cuộc các bạn là những kẻ mạnh hơn, không nên gay gắt với phụ nữ và ông già, và nên nhắm đúng những mục đích thực sự.
Dân chúng nghe những lời đó với vẻ thú vị và để cho mấy bà bị giữ đi, họ cảm ơn d'Artagnan bằng một cái nhìn hùng hồn.
- Thôi bây giờ, tiến lên nào! - D'Artagnan nói.
Và họ tiếp tục đi, xuyên qua các lũy chướng ngại, bước qua những dây xích, bị xô đẩy, bị căn vặn và cũng hỏi han lại những người khác.
Đến Hoàng cung, d'Artagnan trông thấy một viên đội đang huấn luyện quân sự cho sáu trăm thị dân. Đó là Planchet, anh đang đem những điều nhớ được ở trung đoàn Piémont ra giúp cho đội tự vệ thành thị.
Đi qua trước mặt d'Artagnan, anh nhận ra chủ cũ của mình.
- Kính chào ông d'Artagnan, - Planchet nói với vẻ hãnh diện.
- Kính chào ông Dulaurier, - D'Artagnan đáp.
Planchet đứng sựng lại trố đôi mắt thao láo và ngơ ngác ra nhìn d'Artagnan. Hàng người đầu tiên thấy chỉ huy của mình dừng chân cũng đứng lại, cứ như thế cho đến hàng cuối cùng.
- Những bọn thị dân ấy thực là kỳ lạ một cách ghê gớm, - D'Artagnan nói với Porthos.
Và anh lại tiếp tục đi.
Năm phút sau anh xuống ngựa trước khách sạn "La Chevrette.
Mỹ nhân Madeleine chạy ra đón d'Artagnan.
- Bà Turquaine thân mến của tôi ơi, - D'Artagnan nói, - Nếu bà có tiền bạc nhiều thì hãy chôn vùi cho nhanh lên; nếu bà có đồ tư trang hãy giấu ngay đi; nếu bà có con nợ, hãy đòi bằng được, nếu bà có chủ nợ thì chớ có trả họ.
- Tại sao thế? - Madeleine hỏi.
- Bởi vì Paris sắp biến thành tro bụi, như Babylone không hơn không kém, mà chắc hẳn bà đã nghe nói đến!(1)
- Thế ông chia tay tôi trong tình hình như thế này ư?
- Phải đi ngay bây giờ, - D'Artagnan nói.
- Ông đi đâu?
- A! Nếu bà có thể bảo cho tôi biết điều đó, thì quả là bà giúp tôi một việc thực sự đấy.
- Ôi! Lạy Chúa! Lạy Chúa!
D'Artagnan giơ tay ra hiệu cho bà chủ quán hãy bớt những lời kêu ca than vãn đi vì có kêu cũng bằng thừa. Và anh hỏi:
- Có thư từ gì cho tôi không?
- Có một bức thư cũng vừa mới đến.
Và bà đưa thư cho anh.
- Thư của Arthos! - D'Artagnan reo lên khi nhận ra nét chữ cứng cáp và dài của bạn.
- A, - Porthos nói, - xem anh ta nói những chuyện gì nào, d'Artagnan mở thư và đọc:
"D'Artagnan thân thiết,
Du Vallon thân mến,
Các bạn thân thiết của tôi ơi, có lẽ đây là lần cuối cùng các bạn nhận được tin tức của tôi. Aramis và tôi, chúng tôi cực khổ lắm, nhưng lạy Chúa, lòng dũng cảm của chúng tôi và kỷ niệm về tình bạn của chúng ta nâng đỡ chúng tôi. Hãy luôn nhớ đến Raoul. Tôi gửi gắm các bạn những giấy tờ để ở Blois, và trong hai tháng rưỡi nữa, nếu các bạn không nhận được tin tức về chúng tôi thì hãy xem những giấy tờ đó. Hãy ôm hôn thật mạnh tử tước hộ người bạn tận tụy này.
Arrthos"
- Chắc chắn là tôi sẽ ôm hôn nó, - D'Artagnan nói, - Và như thế nó ở trên đường đi của chúng ta. Và nếu như nó bất hạnh bị mất đi, Arthos tội nghiệp của chúng ta, thì từ ngày hôm nay nó trở thành con trai của tôi.
- Và tôi - Porthos nói, - Tôi sẽ cho nó làm người thừa kế toàn hưởng của tôi.
- Xem Arthos còn nói gì nữa nào?
"Nếu trên các ngả đường đi, các cậu gặp một tên Mordaunt thì hãy coi chừng. Tôi không thể nói nhiều về điều đó ở trong thư".
- Mordaunt! - D'Artagnan kinh ngạc kêu lên, - Mordaunt, được lắm, - Porthos nói, - Ta sẽ nhớ.
- Này, nhưng còn có lời tái bút của Aramis.
Thật thế, - D'Artagnan nói.
Và anh đọc:
"Các bạn thân mến, Chúng tôi giấu giếm các bạn nơi trú ngụ của chúng tôi vì hiểu rõ lòng tận tụy anh em của các cậu và biết rõ rằng các cậu sẵn sàng đến để chết cùng với chúng tôi".
- Mẹ kiếp! - Porthos đùng đùng nổi giận hét lên làm Mousqueton bắn đi tới cuối phòng, - Như vậy là cậu đang gặp nguy hiểm chết người à?
D'Artagnan đọc tiếp:
"Arthos truyền lại cho cậu Raoul, còn tôi truyền lại cho cậu một cuộc trả thù. Nếu may mắn các cậu tóm được một tên Mordaunt nào đó, thì hãy bảo Porthos dẫn nó đến một xó và vặn cổ nó đi. Tôi không dám nói gì hơn trong một lá thư.
Aramis"
- Nếu chỉ có thế thì dễ dàng lắm, - Porthos nói.
- Trái hẳn lại cậu ạ, - D'Artagnan rầu rầu đáp - Vì không thể được.
- Sao vậy?
- Vì đúng là cái tên Mordaunt mà chúng ta phải gặp ở Boulogne-sur-Mer và đi cùng hắn sang Anh.
- Thế thì, đáng lẽ đuổi theo tên Mordaunt ấy, Chúng ta đuổi theo các bạn của ta. - Porthos nói với những cử chỉ có thể làm kinh hãi cả một đội quân.
- Tôi có nghĩ đến điều đó, - D'Artagnan nói, - Nhưng bức thư không có ngày cũng chẳng có con niêm.
- Đúng thế, - Porthos nói.
Và anh đi đi lại lại trong phòng như một kẻ lạc lối, làm mọi điệu bộ và chốc chốc lại rút gươm gần ra khỏi vỏ.
Còn d'Artagnan đứng ngây ra như một người thất đảm và trên gương mặt anh hiện lên nỗi đau buồn sâu sắc nhất.
- A! Thãt là một chuyện không hay! - Anh nói - Arthos coi thường chúng ta, anh ấy muốn chết một mình, không tốt!
Nhìn thấy hai nỗi thất vọng tầy đình ấy, Mousqueton khóc rưng rức ở trong góc phòng.
- Thôi, - D'Artagnan nói, - Làm như thế chẳng được tích sự gì. Chúng ta hãy đi gặp và ôm hôn Raoul như ta đã nói, và có khi nó nhận được tin của Arthos.
- Ô đó là một ý kiến hay, - Porthos nói, - D'Artagnan thân mến ạ, thực ra tôi không biết cậu định làm gì, nhưng cậu có rất nhiều ý kiến. Ta hãy đến gặp Raoul đi.
- Kẻ nào đụng đến ông chủ ta lúc này hãy coi chừng, - Mousqueton nói, - Ta sẽ lột xác nó ra.
Họ lên ngựa và ra đi. Đến phố Saint-Denis, họ thấy một đám tụ hội dân chúng. Đó là ông de Beaufort vừa mới từ Vendôme tới và được ông chủ giáo giới thiệu với đám dân Paris kinh ngạc và mừng rỡ.
Với ông de Beaufort, họ coi như từ nay mình là kẻ bất khả chiến bại.
Đôi bạn rẽ sang một phố nhỏ để khỏi gặp hoàng thân và đi đến cửa ô Saint-Denis. Mấy lính canh hỏi hai kỵ sĩ:
- Có đúng là ông de Beaufort đã tới Paris không?
- Đúng quá rồi còn gì, - D'Artagnan đáp, - và bằng chứng là ông ấy phái chúng tôi đi đón cha ông ấy là cụ de Vendôme cũng sắp tới nơi.
- Ông de Beaufort muôn năm! - Lính canh hô to.
Và họ kính cẩn lui ra để những phái viên của ông hoàng vĩ đại đi qua.
Ra khỏi cửa ô, con đường như bị ngốn ngấu bởi những con người không hề biết mệt mỏi hay chán nản; ngựa của họ bay đi và họ không ngớt bàn tán về Arthos vả Aramis.
Mousqueton chịu đựng mọi nỗi đau đớn không thể tưởng tượng nổi, nhưng người nô bộc tuyệt vời ấy tự an ủi, nghĩ rằng hai ông chủ của mình còn nếm trải biết bao nỗi đau khổ khác. Bây giờ hắn đi tới coi d'Artagnan như ông chủ thứ hai và hắn tuân lệnh anh còn nhanh nhảu hơn và nghiêm chính hơn đối với Porthos.
Doanh trại đóng ở giữa Saint-Omer et Lambres; đôi bạn đi vòng đến tận trại và kể lại cho quân đội biết chi tiết về cuộc đi trốn của vua và hoàng hậu mà ở đây chỉ mới được nghe tin không rõ ràng. Họ thấy Raoul ở cạnh lều của mình nằm trên một bó rơm mà con ngựa đang rút vụng mấy cọng. Chàng thanh niên mắt đỏ ngầu và có vẻ thất vọng. Thống chế de Grammont và bá tước de Guise trở về Paris và cậu bé tội nghiệp thấy mình lẻ loi.
Lát sau, Raoul ngước mắt lên trông thấy hai kỵ sĩ đang nhìn mình anh nhận ra và chạy tới, hai tay dang ra.
- Ô! Các ông bạn thân mến đấy ư? - Anh reo lên,
- Các ông đến tìm tôi à? Các ông có đưa tôi đi với các ông không? Các ông có mang đến tin tức gì của vị đỡ đầu của tôi không?
- Thế anh không nhận được tin à? - D'Artagnan hỏi.
- Chao ôi? Không, ông ạ, và tôi chẳng biết thực sự bây giờ ông ấy ra sao. Thành thử ra… Ôi! Thành thử ra tôi lo lắng đến phát khóc.
Quả thật hai giọt nước mắt lớn lăn trên đôi má sạm nâu của chàng thanh niên.
Porthos quay đi để người ta khỏi nhìn thấy trên khuôn mặt phương phi mà hiền lành của anh những gì đang diễn ra trong trái tim anh.
D'Artagnan từ lâu lắm rồi mới thấy mình xao xuyến mạnh đến thế. Anh nói:
- Anh bạn ơi, việc gì phải thất vọng. Anh không nhận được thư của bá tước, thì chúng tôi nhận được… một…
- Ô! Thật ư? - Raoul reo lên.
- Và thư đáng yên tâm nữa kia, - D'Artagnan nói khi nhìn thấy nỗi vui mừng mà tin tức ấy đem lại cho cậu thanh niên.
- Ông có thư đấy không? - Raoul hỏi.
- Có, nghĩa là tôi đã có, - D'Artagnan vừa nói vừa làm bộ lục tìm, - Đợi tí, chắc nó ở trong túi áo, bá tước nói về việc trở về, phải không Porthos.
Vốn là Gascon, d'Artagnan không muốn một mình gánh chịu sự nói dối.
- Phải đấy, - Porthos húng hắng nói.
- Ôi! Đưa thư cho tôi, - Raoul nói.
- Ô Tôi mới còn đọc mà. Chẳng lẽ lại mất. A! khổ chưa, túi tôi bị thủng.
- Ồ! Đúng thế, ông Raoul, - Mousqueton nói. - Lá thư rất đáng mừng; các ông đây đã đọc cho tôi nghe và tôi đã khóc vì vui sướng.
- Ông d'Artagnan ơi, - Raoul bình tĩnh lại được một nửa và hỏi, - Ít ra ông cũng biết bá tước ở đâu?
- A! Thế đấy! - D'Artagnan nói, - Chắc chắn là tôi biết, nhưng, Chúa ơi! Đó là một điều bí mật.
- Tôi hy vọng là không phải đối với tôi.
- Không phải đối với anh, cho nên tôi sẽ nói ông ấy ở đâu?
Porthos trố mắt ngạc nhiên nhìn d'Artagnan, d'Artagnan lẩm bẩm: "Ta sẽ nói ở đâu để nó không thể tìm nhỉ?".
- Ông ấy đang ở Constantinople.
- Chỗ bọn Thổ Nhĩ Kỳ! - Raoul hốt hoảng kêu lên. - Lạy Chúa?
- Ông nói gì vậy?
- Ơ kìa, điều ấy làm anh sợ hãi ư? - D'Artagnan nói. - Bọn Thổ thì là cái thá gì đối với những người như bá tước de La Fère và tu viện trưởng D'Herblay?
- A! Bạn của ông đi cùng với ông bá tước à? - Raoul nói, - Điều ấy làm tôi yên tâm đôi chút.
"Cái thằng quỉ sứ d'Artagnan ấy thật là nhanh trí!" Porthos lẩm bẩm, anh phục lăn cái mưu mẹo của bạn.
Vội chuyển hướng câu chuyện, d'Artagnan nói:
- Đây là năm mươi pistol mà bá tước gửi cùng một chuyến thư cho anh. Tôi đoán là anh không còn tiền và món tiền này đến kịp thời.
- Thưa ông, tôi hãy còn hai mươi pistol.
- Ồ, cứ cầm lấy, thể là bảy mươi đồng.
- Và nếu anh muốn thêm nữa…, - Porthos nói và thọc tay vào túi.
- Xin cảm ơn, - Raoul đỏ mặt nói, - Nghìn lần cảm ơn ông.
Vừa lúc ấy Olivain hiện ra.
- Nhân tiện hỏi anh, - D'Artagnan nói, cố để tên hầu nghe thấy.
- Anh có hài lòng về Olivain không?
- Vâng, cũng được ạ.
Olivain giả tảng không nghe thấy gì và đi vào lều.
- Anh trách gì cái thằng bố láo ấy?
- Nó tham ăn lắm, - Raoul nói.
- Ô! Thưa ông - Olivain nghe lời cáo buộc lại xuất hiện và nói.
- Nó hơi có tính ăn cắp.
- Ô, thưa ông!
- Và nhất là nhát như cáy.
- Ô! ô! ô! Ông ơi, ông bôi xấu tôi, - Olivain nói.
- Gớm nhỉ! - D'Artagnan nói, - Olivain này, hãy nhớ rằng những người như bọn ta không thể để bọn nhút nhát hầu hạ, ăn cắp của chủ, ăn mứt kẹo vả uống rượu vang của chủ còn tha thứ được, chứ nhút nhát thì ta xẻo tai đi. Hãy trông ông Mousqueton kia, bảo ông ấy cho xem những vết thương danh dự, và nhìn xem tính dũng cảm thường lệ của ông ấy đã tô điểm vẻ uy phong lên gương mặt ông ấy như thế nào.
Mousqueton lên đến chín tầng mây, và nếu hắn dám thì hắn đã ôm hôn d'Artagnan, trong khi chờ đợi hắn tự hứa với mình sẵn sàng chết vì anh nếu như cơ hội đến.
- Raoul hãy tống cổ thằng vô lại này đi, - d'Artagna nói. - Vì nó nhát gan, có ngày nó làm mất thể diện.
- Ông hỏi rằng tôi nhát gan, - Olivain la lên, - Bởi vì hôm nọ ông toan đánh nhau với người cầm cờ của trung đoàn Grammont; và tôi từ chối không đi theo ông.
- Này, Olivain, - D'Artagnan nghiêm khắc nói. - Một tên hầu không bao giờ được trái lệnh.
Rồi kéo nó ra chỗ khác anh bảo:
- Nếu chủ mày sai thì mày đã làm đúng, và đây là một êquy thưởng cho mày. Nhưng nếu có bao giờ chủ mày bị lăng nhục mà mày không xả thân vì chủ, thì tao sẽ cắt lưỡi mày và đem quét lên mặt mày đấy. Hãy nhớ lấy!
Olivain cúi mình và nhét đồng êquy vào túi.
- Raoul này, - D'Artagnan nói, - Bây giờ ông Du Vallon và tôi phải đi làm nhiệm vụ sứ giả. Tôi không thể nói với anh là nhằm mục đích gì? Vì chính tôi cũng không biết, nhưng nếu anh cần điều gì thì cứ viêt thư cho bà Madeleine Turquaine ở khách sạn "La Chevrette phố Tiquetonne, và cứ rút tièn ở quỹ đó như ở quỹ nhà băng: tất nhiên cần tiết kiệm vì tôi không dồi dào như quỹ của ông Tổng giám thu d'Emery đâu.
Và sau khi ôm hôn đứa con nuôi tạm thời anh chuyển nó sang cánh tay lực lưỡng của Porthos. Porthos nhấc bồng nó và để nó bám một lúc vào trái tim cao quý của chàng khổng lồ ghê gớm.
- Nào, ta lên đường, - D'Artagnan nói.
Và họ đi Boulogne-sur-Mer, tới nơi trời gần tối, ngựa của họ đẫm mồ hôi và sùi cả bọt mép.
Họ đứng lại trước khi vào thành phố và cách đấy mười bước, có một người trẻ tuổi vận đồ đen trông như đang chờ đợi ai, và khi trông thấy họ, anh ta cứ nhìn chằm chằm mãi.
D'Artagnan đến gần hắn ta và thấy hắn vẫn không rời mắt nhìn mình, anh nói:
- Ê, này ông bạn, tôi không thích người ta cứ nhìn mình từ đâu đến chân như vậy.
Người thanh niên không đáp lại câu đó của d'Artagnan mà hỏi.
- Thưa ông, xin ông cho biết ông có phải từ Paris đến không?
D'Artagnan cho rằng đó là một kẻ tò mò nào muốn biết tin tức về kinh đô, nên đáp bằng một giọng mềm mỏng hơn.
- Phải đấy, ông ạ.
- Ông có phải vào nghỉ ở quán Huy hiệu Anh quốc không? Các ông có được Các hạ giáo chủ Mazarin giao cho một sứ mệnh không?
- Có, ông ạ.
Nếu vậy thì chính tôi là người ông cần liên hệ, tôi là Mordaunt.
- A! - D'Artagnan tự nhủ thầm, - Kẻ mà Arthos dặn ta phải coi chừng.
- A - Porthos lẩm bẩm. - Kẻ mà Aramis muốn ta vặn cổ.
Cả hai người chăm chú nhin gã thanh niên.
Gã hiểu lầm cái vẻ nhìn ấy và nói:
- Các ông nghi ngờ lời tôi nói chăng? Nếu vậy tôi sẵn sàng đưa ra mọi bằng chứng.
- Không, ông ạ, - D'Artagnan nói, - Chúng tôi sẵn sàng theo ý ông.
- Vậy thì, các ông ơi, - Mordaunt nói, - Chúng ta đi ngay không chậm trễ, bởi vì hôm nay là ngày hạn cuối cùng mà ông giáo chủ đã hẹn với tôi. Tàu của tôi đã sẵn sàng, nếu các ông không đi thì tôi đi một mình, và tướng Olivier Cromwell chắc đang rất sốt ruột đợi tôi trở về.
- A! a, - D'Artagnan nói, - Như vậy là chúng ta được phải đến tướng Olivier Cromwell.
- Ông không mang một bức thư gửi cho Ngài ư? - Người thanh niên hỏi.
- Tôi có một bức thư mà tôi chỉ được mở phong bì ngoài khi tới London, nhưng là vì ông đã nói là phải gửi tới ai rồi, cho nên chẳng cần phải đợi khi tôi đến đó.
D'Artagnan xé luôn phong bì. - Quả thật bức thư để:
"Gửi ngài Olivier Cromwell, tướng lãnh quân đội quốc gia Anh".
- A! - D'Artagnan nói, - Sứ mệnh lạ lùng.
- Ông Olivier Cromo là người như thế nào? - Porthos hỏi khẽ.
- Một người trước làm rượu bia, - D'Artagnan đáp.
- Phải chăng lão Mazarin muốn làm một vụ đầu cơ rượu bia giống như chúng ta đã đầu cơ rơm? - Porthos nói.
- Nào, nào, ta đi thôi, các ông ơi, - Mordaunt sốt ruột nói.
- Ồ, ồ! Không ăn tối à? - Porthos kêu, - Ông Cromwell không chờ được một chút hay sao?
- Vâng, nhưng còn tôi? - Mordaunt nói.
- Ông thì sao? - Porthos hỏi.
- Tôi, tôi rất vội.
- Ồ! Nếu là việc ông thì chẳng can hệ gì đến tôi, - Porthos nói, - Và tôi sẽ ăn tối dù có được phép hay không được phép của ông.
Cái nhìn mơ hồ của gã thanh niên chợt rực lên và như sắp tóe ra một tia chớp, nhưng gã tự kiềm chế.
- Ông ạ, - D'Artagnan nói, - Cần miễn thứ cho những lữ khách đói bụng. Vả lại bữa ăn của chúng tôi chẳng làm ông bị muộn lắm đâu. Chúng tôi sẽ phóng ngay đến quán. Ông cứ đi bộ ra bến, chúng tôi ăn một miếng, rồi sẽ theo kịp ông thôi mà.
- Xin tuỳ ý các ông – Mordaunt nói, - Miễn là chúng ta sẽ ra đi.
- May quá, - Porthos lẩm bẩm.
- Tên tàu là gì? - D'Artagnan hỏi.
- Tàu Standard.
- Được rồi. Nửa giờ nữa chúng ta sẽ lên tàu.
Và đôi bạn thúc ngựa phóng đến quán Huy hiệu Anh quốc.
Vừa phi d'Artagnan vừa hỏi:
- Cậu thấy gã thanh niên thế nào?
- Tôi chẳng ưa cái thằng ấy chút nào, - Porthos nói, và tôi chỉ thấy ngứa ngáy chân tay dữ dội, muốn làm theo lời dặn của Aramis.
- Chớ có làm như vậy, - Porthos thân mến ạ; đó là một phái viên của tướng Cromwell. Tôi chắc rằng chúng mình sẽ được tiếp đãi tồi tệ nếu báo cho ông ấy biết là chúng ta đã vặn cổ người bộ hạ tin cẩn của ông ấy.
- Mặc kệ - Porthos nói, - Tôi thấy Aramis là người có ý kiến hay.
- Hãy nghe tôi, - D'Artagnan nói, - Khi sứ mệnh của chúng mình làm xong.
- Thì sao?
- Nếu nó đưa chúng ta trở lại Pháp…
- Sao nữa?
- Thì rồi ta sẽ tính.
Đôi bạn tới quán Huy hiệu Anh quốc ăn uống ngon lành, rồi đi ngay ra cảng. Một con tàu sẵn sàng giương buồm, và trên boong tàu, họ nhận thấy Mordaunt đang đi đi lại lại ra vẻ sốt ruột lắm.
Trong lúc, con thuyền chờ họ ra cặp mạn tàu Standard, d'Artagnan nói:
- Cái gã thanh niên kia giống một cách lạ lùng một người nào đó mà mình đã quen, nhưng không nhớ được là ai.
Họ đến chỗ bắc cầu và lát sau đã lên tàu.
Nhưng đưa ngựa lên lâu hơn và đến tám giờ tối mới nhổ neo được.
Gã thanh niên sốt ruột giậm chân và bắt người ta phải kéo buồm lên…
Porthos mệt lử vì ba đêm qua không ngủ và vì một cuộc đường chạy ngựa bảy mươi dặm, vào phòng là ngủ ngay liền.
D'Artagnan kiềm chế nỗi ghê tởm đối với Mordaunt, đi dạo với hắn ở trên boong và kể lể đủ mọi thứ chuyện để buộc hắn phải nói.
Mousqueton thì say sóng.
Chú thích:
(1) Babylone: thành phố cổ xưa, ở trên đất Irắc ngày nay, bị quân Hitxít phá trụi vào khoảng hơn một nghìn năm trước Công nguyên.


Chương 57

Người Scotch phản bội lời thề, vì một đồng xu, bán rẻ Đức vua


Giờ đây, xin bạn đọc hãy để mặc con tàu Standard lặng lờ trôi không phải về phía London nơi mà d' Artagnan và Porthos đã ngĩ là sẽ đến, nhưng con tàu lại chạy vế phía Durham, nơi mà Mordaunt trong thời gian lưu trú ở Boulogne-sur-Mer đã nhận được thư từ ra lệnh cho anh ta phải trở về đó. Xin các bạn hãy theo chúng tôi đến danh trại quân đội nhà vua đóng ở bên này sông Tyne, cạnh thành phố Newcastle.
Tại đó, giữa hai con sông, những tấm lều vải của một đội quân nhỏ trải ra trên biên giới giáp xứ Scotch nhưng vẫn ở trên đất Anh. Đã nửa đêm. Qua những bắp chân trần, những vạt áo ngắn, nhưng áo tới sặc sỡ và cái lông chim trang trí trước mũ nỉ của họ, ta vẫn có thể nhận ra những người dân vùng cao nguyên Scoth đang canh phòng uể oải. Mặt trăng lướt giữa hai đám mây lớn. Từng quãng chiếu sáng những khẩu súng hỏa mai của các lính canh và làm nổi bật mạnh mẽ những bức tường, những mái nhà và những tháp chuông của thành phố mà vua Charles I vừa mới nộp cho các toán quân của nghị viện, cũng như thành phố Oxford và Newark, họ còn cầm cự vì ông ta trong niềm hy vọng một sự hoà giải. Trong một mái lều rộng lớn ở một đầu doanh trại, đông đảo sỹ quan Scotch đang họp một cuộc hội nghị do lão bá tước de Loewen vị chỉ huy của họ chủ trì.
Cạnh lều, một người mặc kỵ sỹ đang nằm ngủ trên thảm cỏ, tay phải duỗi ra trên thanh kiếm.
Cách đấy năm chục bước, một người khác cũng vận y phục kỵ sỹ đứng nói chuyện với một lính canh Scotch dường như thông thạo tiếng Anh nên mặc dầu là người nước ngoài anh ta cũng hiểu được những câu trả lời của gã lính canh nói bằng thổ ngữ xứ Perth.
Chuông đồng hồ thành phố Newcastle điểm một giờ sáng, người kỵ sỹ ngủ choàng dậy và sau khi làm mọi cử chỉ của một người tỉnh dậy sau một giấc ngủ sâu, anh ta chăm chú nhìn ngó xung quanh.
Thấy chỉ có một mình mình. Anh đứng lên, rẽ quặt ngang và đi qua chỗ người kỵ sỹ đang nói chuyện với gã lính canh.
Chắc là đã hỏi chuyện xong vì một lát sau anh này từ giã người lính và đàng hoàng đi theo người kỵ sĩ nọ.
Đến chỗ bóng một chiếc lều dựng trên lối đi, người kỵ sĩ đi ra đứng lại đợi bạn và hỏi bằng thứ tiếng Pháp thuần tuý nhất từng được nói từ vùng Rouen đến Tour:
- Thế nào, bạn thân mến của tôi?
- Chà? Bạn ơi, chẳng còn thì giờ để mất đâu, cần phải báo trước cho nhà vua.
- Có chuyện gì xảy ra thế?
- Dài lắm, không thể nói được. Vả lại lát nữa cậu cũng sẽ được nghe cơ mà. Hơn nữa, chỉ một lời nói hở ra ở đây là hỏng hết mọi việc. Ta đi tìm Milord de Winter.
Và hai người đi đến phía cuối doanh trại. Do doanh trại chẳng rộng hơn năm trăm bước vuông, chẳng mấy chốc họ đã tới lều của người cần tìm kiếm.
- Tony, chủ của anh ngủ à? - Một kỵ sỹ nói bằng tiếng Anh với tên hầu nằm ở ngăn thứ nhất dùng làm phòng đợi.
- Thưa bá tước, không ạ, - Tên hầu đáp, chắc là không phải, hoặc nếu có ngủ thì cũng chỉ mới chợp mắt thôi, vì rằng sau khi cáo biệt đức vua về, ông chủ tôi cứ đi đi lại lại đến hơn hai tiếng đồng hồ và tiếng bước chân của ông mới ngừng độ một phút. Với lại, ông có thể xem đây, - Tên hầu vua nói thêm vừa vén tấm rèm cửa lên.
Quả thật Winter đang ngồi trước một ở cửa sổ để không khí ban đêm lọt vào, ông buồn rầu nhìn lên mặt trăng đang khuất sau những đám mây đen lớn.
Đôi bạn đi đến gần de Winter. Ông không nghe thấy gì, vẫn cứ ngồi nguyên, đầu tỳ lên bàn tay, mắt ngước nhìn trời. Mãi đến lúc thấy có người đặt tay lên vai mình, ông mới quay lại nhận ra Arthos và Aramis và giơ tay ra bắt tay họ. Ông nói:
- Các ông có nhận thấy đêm nay mặt trăng đỏ quá như nhuộm một màu máu không?
- Không - Arthos đáp, - Tôi thấy vẫn như mọi khi.
- Ông hiệp sỹ hãy nhìn xem - de Winter bảo.
- Xin thú thật rằng, tôi cũng đồng ý với bá tước de La Fère, - Aramis đáp, - và tôi thấy chẳng có gì khác thường cả.
- Thưa bá tước, - Arthos nói, - trong một tình cảnh thật là bấp bênh như tình cảnh chúng ta hiện nay, thì chính là cần phải xem xét ngay trên mặt đất, chứ không phải trên trời. Ông đã xem xét những người Scotch của chúng ta chưa và ông có tin chắc họ không?
- Những người Scotch à? - de Winter hỏi, - Những người Scotch nào?
- Ôi, Chúa tôi, - Arthos nói, - những người Scotch của chúng ta chứ còn ai nữa, những người mà nhà vua trông cậy những quân sĩ Scotch của bá tước Loewen.
- Không, - de Winter đáp, rồi ông nói thêm - Như vậy, các ông hãy nói xem có phải các ông không thấy như tôi cái màu đỏ đó kia đang che phủ bầu trời?
- Không thấy một chút nào cả! - Arthos và Aramis cùng đáp.
Vẫn băn khoăn về ý kiến ấy, de Winter lại nói:
- Các ông hãy cho tôi biết có đúng là có một truyền thuyết ở Pháp kể rằng trước hôm bị ám sát, vua Henri IV ngồi chơi cờ với ông de Bassompierre và trông thấy có những vết máu ở trên bàn cờ phải không?
- Phải - Arthos đáp, - Và ngài thống chế kể lại cho tôi nghe nhiều lần.
- Thế đấy, - de Winter lẩm bẩm - Và ngày hôm sau Henri IV bị giết chết.
- Nhưng bá tước ơi, cái ảo ảnh của Henri IV có liên quan gì đến ông kia chứ? - Aramis hỏi.
- Chẳng có gì cả, các ông ạ; kể ra tôi cũng điên rồ đi bàn với các ông những chuyện như vậy, khi mà vào giờ này các ông đến lều tôi chắc hẳn có tin tức gì quan trọng.
- Vâng, thưa Milord, - Arthos nói, - Tôi muốn nói chuyện với đức vua.
- Với đức vua ư? Nhưng vua đang ngủ.
- Tôi cần tiết lộ với vua những điều rất hệ trọng.
- Những chuyện đó để đến mai không được ư?
- Cần để vua biết ngay bây giờ, và có lẽ cũng đã quá muộn.
- Thế thì vào ngay đi, - de Winter nói.
Lều của de Winter dựng cạnh lề vua, hai lều thông nhau bằng một thứ hành lang. Việc canh phòng hành lang ấy không giao cho lính gác mà giao cho một tên hầu phòng tin cẩn của vua Charles I để trong trường hợp khẩn cấp nhà vua có thể liên hệ ngay với người bầy tôi trung thành của mình.
- Các ông này đi cùng với tôi, - de Winter nói.
Tên hầu cúi chào và để cho đi qua.
Quả thật vua Charles I không cưỡng nổi cơn buồn ngủ đang ngủ thiếp đi trên một chiếc giường dã chiến, mặc áo chẽn đen, chân đi ủng dài, thắt lưng nới lỏng, mũ để bên mình. Mấy người tiến lại.
Arthos đi đầu lặng yên ngắm nghía một lát bộ mặt thanh tao mà tái nhợt khuôn trong mớ tóc đen dài dính vào thái dương bởi mồ hôi của một giấc ngủ thảng thốt, những đường gân xanh to nổi lên như căng đầy nước mắt dưới cặp mắt mệt mỏi.
Arthos buông một tiếng thở dài; tiếng thở dài ấy khiến vua tỉnh dậy đủ biết nhà vua ngủ chập chờn như thế nào.
Vua mở mắt, rồi chống khuỷ tay nhổm người lên và nói:
- A! Bá tước de La Fère đấy à?
- Vâng, thưa Hoàng thượng, - Arthos đáp.
- Ông thức canh chừng trong khi tôi ngủ, và ông mang tin tức gì đến cho tôi phải không?
- Chao ôi! - Arthos đáp. - Hoàng thượng đoán đúng.
- Tin tức xấu, phải không? - Vua rầu rầu mỉm cười và nói.
- Vâng thưa Hoàng thượng.
- Không sao, người mang tin là người được hoan nghênh, vả chẳng bao giờ ông đến tôi mà không làm cho tôi vui lòng. Ông do Henriette cử đến tôi, lòng tận tụy của ông không cần biết đến Tổ quốc đến tai hoạ.
Tin tức mà ông mang đến, dù thế nào đi nữa, ông cứ nói hẳn hoi.
- Thưa Hoàng thượng, ông Cromwell đã đến Newcastle tối nay.
- A! Để đánh tôi chăng? - Vua nói.
- Không đâu, thưa Hoàng thượng, để mua ngài.
- Ông nói gì thế?
- Thưa Hoàng thượng, tôi nói rằng ngài còn nợ quân đội Scotch bốn trăm nghìn livres
- Về tiền lương muộn trả? Phải, tôi biết. Từ gần một năm nay những người Scotch dũng cảm và trung thành của tôi chiến đấu vì danh dự.
Arthos mỉm cười, nói:
- Ấy thưa ngài, dù danh dự là một điều tốt đẹp, họ cũng chán chiến đấu vì nó rồi, và đêm nay họ đã bán ngài lấy hai trăm nghìn livres, tức là một nửa số tiền nợ họ.
- Không thể có chuyện ấy được, - Nhà vua kêu lên - Người Scotch bán vua của họ lấy hai trăm nghìn livres.
- Những người Do Thái rõ ràng đã bán Chúa của họ lấy ba mươi xu.
- Thế tên Judas nào đã làm cái việc mua bán đê mạt ấy?
- Bá tước de Loewen.
- Ông có chắc chắn không?
- Tôi đã nghe điều đó bằng chính tai mình.
Nhà vua buông một tiếng thở dài, dường như trái tim ông tan vỡ và gục đầu vào hai bàn tay mình.
- Ôi Những người Scotch - Ông nói,
- Những người Scotch mà ta gọi là những kẻ trung thành của ta những người Scotch mà ta gửi gắm thân mình khi ta trốn thoát ở Oxford, những người Scotch! Đồng bào của ta, những người Scotch! Anh em của ta! Nhưng ông ơi, ông có thật chắc chắn như thế không?
- Nằm sau tấm lều của bá tước de Loewen và vén rèm lên, tôi đã trông thấy hết cả và nghe thấy hết cả.
- Thế khi nào thì việc mua bán ghê tởm ấy phải hoàn tất?
- Trong buổi sáng ngày hôm nay. Hoàng thượng thấy đấy, không thể chậm trễ được nữa.
- Để làm gì cơ chứ, bởi vì ông nói rằng tôi đã bị bán rồi cơ mà.
- Để vượt qua sông Tyne, để sang đất Scotch, để đến với Lord Montrose, ông ta không bán ngài.
- Tôi sẽ làm gì ở Scotch? Làm một cuộc chiến tranh du kích ư? Một kiểu chiến tranh như vậy chẳng xứng dáng với một ông vua.
- Tấm gương của Robert Bruce(1) còn đó để xá miễn cho ngài.
- Không, không, tôi chiến đấu quá lâu rồi. Nếu chúng muốn bán tôi chúng cứ việc nộp tôi đi, và nỗi hổ nhục muôn đời về sự phản phúc của họ sẽ rơi xuống đầu họ.
- Thưa Hoàng thượng, - Arthos nói,
- Có thể một ông vua phải hành động như vậy, nhưng một người chồng hay một người cha không nên hành động như vậy. Tôi đến đây nhân danh vợ và con gái của ngài, và nhân danh vợ và con gái và hai con nữa của ngài đang còn ở London, tôi xin nói với ngài rằng: Thưa Ngài, Ngài phải sống, Thượng đế muốn như vậy?
Nhà vua đứng dậy, siết chặt dây lưng, gài thanh kiếm, lấy khăn lau mồ hôi trán và nói:
- Vậy thì, phải làm gì bây giờ?
- Thưa ngài, trong tất cả quân đội của ngài có một trung đoàn nào ngài có thể trông cậy không?
- De Winter, - Vua nói, - Ông có tin vào sự trung thành của trung đoàn ông không?
- Thưa Hoàng thượng, đó là những con người, mà những con người dễ trở thành rất yếu đuối hoặc rất độc ác. Tôi tin ở sự trung thành của họ, nhưng tôi không dám bảo đảm, tôi có thể gửi gắm tính mạng tôi cho họ nhưng tôi do dự khi phải gửi gắm họ tính mạng của Hoàng thượng.
- Thế này vậy, - Arthos nói, - không có trung đoàn, chúng ta có ba người tận tụy, thể là đủ. Xin Hoàng thượng hãy lên ngựa, đi ở giữa chúng tôi, chúng ta sẽ vượt qua sông Tyne, sang đất Scotch và chúng ta sẽ thoát.
- Ông có đồng ý như thế không, de Winter? - vua hỏi.
- Có, thưa Hoàng thượng.
- Còn ông hiệp sĩ D'Herblay?
- Thưa ngài, tôi đồng ý.
- Vậy thì phải làm theo như các ông đã muốn, de Winter, hãy ra lệnh đi!
De Winter đi ra, trong khi ấy vua sửa sang y phục.
Những tia sáng đầu tiên của ban ngày bắt đầu lọt qua những ô cửa lều, thì de Winter vào.
- Thưa ngài, tất cả đã sẵn sàng, - Ông nói.
- Còn chúng ta? - Arthos hỏi.
- Grimaud và Blaisois đã thắng ngựa xong rồi.
- Thế thì, - Arthos nói, - ta không để mất một phút nào nữa và đi ngay.
- Ta ra đi nào, - Vua nói.
- Thưa ngài, - Aramis nói, - Ngài không bảo cho bè bạn biết à?
- Bạn bè của tôi ư, - Charles I buồn bã lắc đầu nói, - Tôi chẳng còn bạn bè nào khác ngoài ba ông ra. Một người bạn hai mươi năm chẳng bao giờ quên tôi; hai người bạn mà tám ngày tôi sẽ không bao giờ quên. Ta đi thôi, các ông, ta đi thôi.
Vua ra khỏi lều và thấy ngựa của mình đã sẵn sàng. Đó là một con ngựa màu vàng nhạt mà ông cưỡi được ba năm rồi và rất quý mến nó.
Con ngựa trông thấy ông, mừng rỡ hí lên.
- A! - Vua nói, - Ta hơi bất công, còn đây nữa, nếu không phải một người bạn thì ít ra cũng là một sinh vật yêu mến ta. Mày, mày sẽ trung thành với ta phải không, Arthus?
Như hiểu những lời nói đó, con ngựa giơ cái mũi bốc khói đến gần mặt vua và mừng rỡ nhếch mép lên để lộ hàm răng trắng nhơn.
- Phải rồi, phải rồi - Nhà vua lấy hai tay vuốt ve nó và nói, - Tốt lắm, Arthus, ta hài lòng về mày.
Và với cái dáng bộ nhẹ nhàng đã khiến nhà vua nổi tiếng là một trong những kỵ sĩ giỏi nhất châu Âu, Charles nhảy phắt lên mình ngựa, rồi quay lại phía Arthos, Aramis, và de Winter, ông nói:
- Nào, tôi chờ các ông đây.
Nhưng Arthos vẫn đứng yên, mắt đăm đăm và tay giơ về phía một vạch đen men theo bờ sông Tyne và trải ra trên một chiều dài gấp đôi bề dài của doanh trại. Giữa lúc còn đang tranh tối tranh sáng, anh chưa phân biệt được rõ ràng và nói:
- Đường vạch kia là cái gì ấy nhỉ? Hôm qua tôi không trông thấy.
- Chắc là sương mù từ sông bốc lên, - Vua nói.
- Thưa ngài, đó là một cái gì đặc và chắc hơn là hơi nước.
- Đúng vậy - de Winter nói, - Tôi thấy như một hàng rào chắn màu đo đỏ.
- Đấy là quân địch, - Arthos kêu lên, - Chúng từ Newcastle ra và bao vây chúng ta.
- Quân địch, - Vua nói. - Đúng là quân địch. Muộn quá rồi, kia kìa! Bên cạnh thành phố, chỗ có mặt trời, các ông có thấy những sườn sắt lấp lánh không?
Người ta gọi như vậy những lính mặc giáp sắt mà Cromwell trang bị cho các đội cận vệ.
- A! - vua nói, - chúng ta sắp được biết có đúng là những người Scotch của ta phản bội không?
- Ngài làm gì bây giờ? - Arthos hỏi.
- Ra lệnh cho họ công kích và cùng với họ đè bẹp những quân phiến loạn kia.
Và nhà vua thúc ngựa phóng đến lều của bá tước de Loewen.
- Chúng ta hãy đi theo ngài, - Arthos bảo.
- Nào ta đi, - Aramis nói.
- Nhà vua bị thương chăng - de Winter nói, - tôi trông thấy những vết máu trên mặt đất.
Và ông phóng theo hai người bạn. Arthos ngăn ông lại, bảo:
- Ông đi tập hợp trung đoàn ông lại; tôi thấy thế nào chúng ta sẽ cần đến nó.
De Winter quay ngựa lại, còn đôi bạn tiếp tục đi.
Vài giây sau, vua tới lều của viên tướng tổng chỉ huy quân đội Scotch, vua nhảy xuống đất và bước vào.
Viên tướng đang ở giữa các chỉ huy chủ yếu.
- Đức vua? - Họ vừa kêu vừa đứng lên và nhìn nhau với vẻ kinh ngạc.
Charles đứng trước mặt họ, mũ trên đầu, lông mày nhíu lại, ông cầm roi ngựa vụt vào chiếc ủng của mình mà nói:
- Phải rồi các ông ạ, đích thân nhà vua đây; nhà vua đến hỏi các ông về tình hình xảy ra.
- Thưa ngài, có chuyện gì ạ? - Bá tước dờ Loewen hỏi.
Nổi giận đùng đùng, vua nói:
- Có chuyện gì à? Tướng Cromwell đã đến Newcastle đêm qua, các ông biết mà tôi không được thông báo; có chuyện là quân địch ra khỏi thành phố và chặn đường qua sông Tyne, các lính canh ắt phải trông thấy cuộc vận động đó, vậy mà tôi không được thông báo; có chuyện là bằng một hiệp ước hèn hạ, các ông đã bán đứng nhà vua cho nghị viện lấy hai trăm nghìn livres, ít ra là tôi được thông bảo về việc đó. Đấy, những chuyện ấy đấy, các ông ạ. Tôi buộc tội các ông, các ông hãy trả lời hoặc thanh minh đi.
- Thưa Hoàng thượng, - Bá tước de Loewen lắp bắp - Ngài đã lầm vì một báo cáo sai nào đó.
- Chính mắt tôi trông thấy quân đội địch trải ra giũa tôi và xứ Scotch, - Charles I nói, - và hầu như tôi có thể nói rằng chính tai tôi đã nghe bàn luận những điều khoản của cuộc mua bán ấy.
Những viên chỉ huy Scotch đến lượt mình nhíu lông mày lại nhìn nhau.
Hổ thẹn chín người, bá tước de Loewen lẩm bầm:
- Thưa hoàng thượng, chúng tôi sẵn sàng trình với ngài mọi bằng chứng.
- Ta chỉ cần mỗi một bằng chứng thôi, - Vua nói. - Hãy đưa quân đội ra chiến đấu và tiến thẳng đến quân thù.
- Thưa ngài, không thể được?
- Có ai ngăn cản vậy - Charles I quát lên.
- Hoàng thượng biết rằng có đình chiến giữa chúng ta và quân đội Anh, - Bá tước đáp.
- Nếu có đình chiến thì quân Anh cũng phá bỏ nó rồi khi chúng ra khỏi thành phố trái với những điều ước buộc chúng phải ở yên trong thành. Ta đã nói với các ông rằng các ông phải cùng tôi xuyên qua quân địch và trở về Scotch. Nếu các ông không làm như vậy thì được? Hãy chọn lựa giữa hai cái tên nó phân biệt những kẻ đáng khinh bỉ và phỉ nhổ với những con người khác. Hay là các ông là những kẻ hèn nhát, hoặc các ông là những kẻ phản bội?
Mắt của những người Scotch rừng rực lên như ta thường thấy trong những tình huống tương tự. Họ đi từ chỗ cực kỳ hổ thẹn đến chỗ cực kỳ trâng tráo, và hai viên tộc trưởng xông đến bên cạnh nhà vua.
- Thế thì phải đấy, - Họ nói, - Chúng tôi đã hứa giải thoát xứ Scotch và nước Anh khỏi tay những kẻ uống máu và vàng bạc của xứ Anh và Scoch . Chúng tôi đã hứa và chúng tôi giữ lời.Vua Charles Stuart , ông là tù nhân của chúng tôi!
Và cả hai người cùng giơ tay ra để bắt giữ nhà vua.
Nhưng trước khi ngón tay của họ chạm đến người vua thì cả hai đã ngã xuống, một người ngất đi và một người chết.
Arthos đã đập đầu một người bằng báng súng và Aramis đã dùng kiếm đâm xuyên qua thân hình người kia.
Bá tước de Loewen và những chỉ huy khác lùi lại trước sự cứu viện bất ngờ như từ trên trời rơi xuống người mà họ tưởng đã là tù nhân của họ. Nhân đó Arthos và Aramis kéo nhà vua ra khỏi mái lều phản bội mà ông đã mạo hiểm dấn thân mình vào một cách đến là thiếu thận trọng rồi cả ba người phóng ngựa trở về. Họ gặp de Winter dẫn đầu trung đoàn mình đang tiến lại. Vua ra hiệu cho ông đi theo mình.
Chú thích:
(1) Vua, người Norman, lánh sang xứ Scotch và liên minh với hoàng gia xứ này.


Nguồn: http://vnthuquan.net/