Trong buổi tối, chiếc xe chở Coconnas và De Mole lại lên đường quay về Paris. Xe dừng lại ở Louvre và người đánh xe nhận được một món tiền công khá hậu hĩ. Người ta cho hai người bị thương về chỗ quận công d Alençon và cho gọi thầy Ambroise Paré.
Khi Ambroise Paré đến, cả hai vẫn còn đang mê man. Tình trạng của De Mole khá hơn một chút: nhát kiếm đâm chàng trúng vào dưới nách phải nhưng không chạm vào bộ phận chủ yếu nào của cơ thể. Coconnas bị đâm thủng phổi và hơi thở xuyên qua vết thương ra ngoài có thể làm rung rinh một ngọn nến. Thầy Ambroise Paré không dám đảm bảo cho tính mạng của Coconnas.
Phu nhân de Nervers tuyệt vọng. Tin vào sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm của chàng trai Piémontais, chính nàng đã xúi Marguerite không cho ngừng cuộc đấu. Lẽ ra nàng đã cho đưa Coconnas về dinh de Guise để chăm sóc chàng như lần trước, nhưng chồng nàng có thể sắp từ Rome trở về nay mai và đưa một người lạ vào ở gia đình rõ ràng là khó coi.
Marguerite cho đưa hai chàng trai về chỗ em nàng, nơi mà De Mole đã từng ở đó. Để che giấu nguyên nhân các vết thương, nàng nói rằng hai nhà quý tộc bị ngã ngựa trong cuộc dạo chơi.
Nhưng viên chỉ huy vệ binh, người đã tận mắt chứng kiến từ đầu đến cuối, tỏ ra rất khâm phục trận đấu và không hề giữ kín chuyện này nên sự thật đã được lan truyền mau chóng. Chẳng mấy chốc khắp triều đình người ta đã biết có hai chàng trai phong lưu đầy tiếng tăm xuất hiện.
Được cùng một nhà phẫu thuật chăm sóc, họ dần dà bình phục theo mức độ nặng nhẹ của vết thương. Do đó nhẹ hơn nên De Mole tỉnh lại trước. Coconnas bị sốt cao khủng khiếp và dấu hiệu có thể trở lại với cuộc sống của chàng là những cơn mê sảng tệ hại nhất.
Mặc dù nằm cùng phòng với Coconnas, khi tỉnh lại, De Mole vẫn không nhìn thấy ông bạn đường của chàng hoặc là chàng chẳng hề tỏ ra là mình nhận thấy chàng kia. Ngược lại, Coconnas khi mở mắt ra liền chằm chằm nhìn De Mole với một thái độ chứng tỏ rằng số máu vừa mất cũng chẳng làm giảm bớt chút nào những cơn giận đùng đùng như lửa của chàng.
Coconnas cứ nghĩ rằng mình nằm mơ, và trong giấc mơ chàng thấy lại kẻ thù mà hai lần chàng tưởng đã giết được. Duy có điều giấc mơ kéo dài quá đỗi. Sau khi nhìn thấy De Mole cũng nằm như mình, cũng được nhà phẫu thuật băng bó như mình, chàng lại thấy De Mole nhỏm dậy được, còn chàng thì phải nằm chết dí vì sốt, vì mệt mỏi và đau đớn. Rồi De Mole bước được xuống đất, rồi bước từng bước dựa vào tay nhà phẫu thuật, rồi chàng tự chống gậy lần từng bước, rồi cuối cùng chàng đi hẳn được một mình.
Vẫn trong cơn mê sảng, Coconnas nhìn thấy tất cả những giai đoạn của thời kỳ bình phục của ông bạn đường với đôi mắt lúc thì không thần sắc, lúc thì tức giận, nhưng bao giờ cũng đầy vẻ đe doạ.
Tất cả những điều đó đem đến cho trí óc chàng trai xứ Piémontais sự phứt tạp đáng sợ giữa hư và thực. Đối với chàng De Mole đã chết, chết thật rồi, thậm ch đã hai lần chết chứ không phải một. Tuy nhiên, chàng nhìn thấy bóng ma của De Mole nằm trên chiếc giường giống giường chàng, chàng thấy bóng ma đó đứng dậy, rồi đi, và kinh khủng thay, lại đi tới giường chàng.
Coconnas những muốn trốn cái bóng đó dù có phải xuống tận âm ti địa ngục, thế mà nó cứ tiến thẳng tới chàng, đứng dừng lại ở đầu giường và nhìn chàng. Thậm chí trên nét mặt của nó còn có vẻ dịu dàng thông cảm mà Coconnas coi là một sự giễu cợt thâm hiểm.
Trong cái đầu óc còn ốm yếu hơn cả thể xác đó đã nảy sinh ra lòng mong muốn trả thù cuồng dại và mù quáng. Coconnas chỉ còn mỗi một mối bận tâm, đó là phải kiếm được một thứ vũ khí nào đó và với vũ khí đó, chàng sẽ đâm vào thân mình hay hình bóng của De Mole đang giày vò chàng tàn nhẫn đến thế. Quần áo chàng được để trên ghế rồi được mang đi mất, vì chúng đẫm đầy máu và người ta thấy tốt hơn là để chúng xa người bị thương. Nhưng người ta vẫn để trên chiếc ghế đó con dao găm của chàng vì cho rằng chàng sẽ không có ý định sớm sử dụng nó. Coconnas nhìn thấy con dao găm. Trong ba đêm liền, lợi dụng lúc De Mole ngủ chàng cố gắng vươn tay ra tới chỗ con dao. Ba lần chàng đuối sức ngất đi. Đến đêm thứ tư, chàng với tới được, chàng nắm lấy nó bằng những đầu ngón tay co quắp của mình và thốt ra một tiếng rên đau đớn, chàng giấu được dao dưới gối.
Ngày hôm sau, chàng thấy một sự kiện chưa từng có: trong khi chàng luôn luôn bị cái hình ảnh khủng khiếp ấy giày vò và hao mòn sức lực trong những tính toán hỗn loạn cho âm mưu thủ tiêu cái bóng ma De Mole thì bóng ma ấy dường như mỗi ngày lại khỏe thêm ra. Chàng thấy bóng ma mỗi lúc một thêm nhanh nhẹn, lượn hai ba vòng trong phòng với vẻ trầm tư, rồi cuối cùng, sau khi đã chỉnh đốn lại áo choàng ngoài, đeo gươm, đội lên đầu chiếc mũ phớt rộng vành, bóng ma đó mở cửa đi ra.
Coconnas thở phào. Chàng tưởng đã được giải thoát khỏi bóng ma. Trong vài tiếng đồng hồ, máu chảy trong huyết mạch của chàng bình thản và tươi mát hơn kể từ hôm đấu kiếm tới nay.
Một ngày vắng mặt De Mole có lẽ sẽ làm cho Coconnas tỉnh táo ra, tám ngày có lẽ sẽ khiến chàng khỏi bệnh. Khốn thay, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ sau, De Mole lại trở về.
Đối với chàng trai xứ Piémontais, việc De Mole trở lại quả như một nhát dao găm. Và mặc dù De Mole không trở về một mình, chàng cũng không thèm để mắt tới kẻ cùng đi với De Mole.
Tuy nhiên, kẻ cùng đi với De Mole cũng đáng để người ta để mắt.
Đó là một người đàn ông trạc tứ tuần, lùn, mập, rắn rỏi, tóc đen rủ xuống tận chân mày và bộ râu đen che hết phần dưới khuôn mặt trái hẳn với mốt thời đó. Ông ta có vẻ không quan tâm đến thời trang lắm. Ông ta mặc một thứ áo choàng bằng da lấm tấm những vết nâu nâu, quần chẽn màu tiết bò, áo may ô đỏ, và mang đôi dày da cao quá cổ chân. Mũ ông ta cũng màu huyết bò, và ngang người thắt một cái thắt lưng to bản có đeo một con dao gài trong vỏ.
Con người kỳ dị này có mặt ở Louvre quả là một việc bất thường. Ông ta ném chiếc áo choàng ngoài màu nâu của mình lên một chiếc ghế và cứ thế sầm sập tiến tới giường Coconnas. Như bị thôi miên, mắt Coconnas cứ dán vào De Mole đang đứng cách xa. Người mới tới nhìn người ốm rồi lắc đầu nói:
- Ông để muộn quá, ông quý tộc ạ.
- Tôi không thể ra sớm hơn - De Mole nói.
- Ê, quái quỷ, ông phải cho gọi tôi chứ.
- Nhờ ai gọi được?
- À, ừ nhỉ. Tôi quên mất là chúng ta đang ở đâu. Tôi đã nói với các phu nhân ấy rồi, nhưng các bà ấy không muốn nghe tôi Nếu người ta theo đơn thuốc của tôi chứ không phải theo của cái con lừa mang yên mà người ta gọi là thầy Ambroise Paré ấy thì các ông đã có thể cùng nhau phiêu lưu hoặc lại đâm chém nhau nữa như các ông thích từ lâu rồi. Thôi để rồi xem. Ông bạn, ông có tỉnh không?
- Cũng còn tỉnh đôi chút.
- Thè lưỡi ra, ông quý tộc.
Coconnas vừa thè lưỡi ra cho De Mole vừa nhăn mặt một cách khủng khiếp đến nỗi người khám phải lắc đầu một lần nữa.
- Ô hô! - Ông ta lẩm bẩm - Cơ bị co rút. Không được để chậm nữa. Ngay tối nay, tôi sẽ gửi cho ông một liều thuốc nước pha chế sẵn. Phải cho ông ta uống ba lần, cách nhau một giờ: một lần vào nữa đêm, một lần vào lúc một giờ, một lần vào lúc hai giờ.
- Được rồi.
- Nhưng ai sẽ cho ông ta uống thuốc ấy?
- Tôi.
- Chính ông à?
- Ừ
- Ông có hứa với tôi không?
- Thề danh dự quý tộc!
- Và nếu một thày thuốc nào đó muốn chiết lấy một lượng nhỏ để phân tích và xem thành phần của môn thuốc đó thì…
- Tôi sẽ đổ đi đến giọt cuối cùng.
- Cũng thề danh dự quý tộc chứ?
- Tôi thề với ông.
- Tôi nhờ ai gửi thuốc đến cho ông được?
- Người nào mà ông muốn.
- Nhưng người tôi sai đi thì…
- Sao?
- Làm thế nào mà y đến được tận chỗ ông.
- Tôi đã lường trước rồi. Ông ta sẽ nói ông ta là người của ông René bán hương phẩm.
- Cái gã người xứ Florence ở trên cầu Saint-Michel ấy à?
- Chính ông ta. Ông ta được phép vào Louvre bất cứ giờ nào, bất kể đêm ngày.
Người đàn ông mỉm cười nói:
- Quả thật Thái hậu trả công ông ta thế còn quá ít đấy. Được rồi, sẽ có người do thầy René bán hương phẩm gửi đến. Tôi đã quyền mạo danh y một lần, đã nhiều lần y hành nghề của tôi mà không có giấy phép.
- Thế nào - De Mole hỏi - Vậy tôi chờ ông chứ?
- Cứ chờ tôi.
- Còn về thù lao thì…
- Ồ, tôi sẽ được thanh toán với chính vị quý tộc đây khi ông ta bình phục.
- Xin ông cứ yên lòng. Tôi tin rằng ông ấy có khả năng để thưởng công ông hậu hĩ.
- Tôi cũng tin như thế - Ông ta nói thêm với nụ cười kỳ dị - Nhưng vì những người có việc với tôi không có thói quen nhớ ơn nên tôi cũng sẽ không lấy làm lạ nếu như khi bình phục ông ta lại quên mất hay đúng hơn là chẳng đoái hoài gì đến tôi nữa.
- Được! Được! - Đến lượt De Mole vừa nói vừa mỉm cười - Nếu vậy đã có tôi ở đó để nhắc nhở ông ta.
- Thôi được! Trong hai giờ nữa ông sẽ có thuốc.
- Tạm biệt ông.
- Ông bảo gì cơ?
- Tạm biệt ông.
Người đàn ông mỉm cười nói:
- Tôi có thói quen lúc nào cũng chào vĩnh biệt. Vậy vĩnh biệt ông, ông de Mole, trong hai giờ nữa ông sẽ có thuốc. Ông đã rõ chưa, thuốc phải uống vào nữa đêm, chia làm ba lần, cách nhau một giờ.
Nói tới đó, ông ta ra đi và chỉ còn De Mole ở lại một mình với Coconnas.
Coconnas đã nghe thấy cả cuộc nói chuyện nhưng chẳng hiểu gì: đó là những tiếng vô nghĩa, những lời xì xầm vô nghĩa của các từ lọt đến tai chàng. Trong cả cuộc chuyện trò, chàng chỉ nhớ được mỗi một từ: "Nửa đêm".
Chàng vẫn đưa cặp mắt cháy bỏng nhìn theo De Mole. Còn De Mole vẫn tiếp tục ở lại trong phòng, lúc thì mơ màng, lúc thì dạo bước.
Viên thày thuốc vô danh đã giữ lời hứa và gửi thuốc đến đúng giờ. De Mole cẩn thận để thuốc lên một chiếc lò bạc rồi đi nằm.
Hành động đó của De Mole làm cho Coconnas nghỉ ngơi được một chút. Chàng cố nhắm mắt lại, nhưng ngủ thiu thiu trong cơn sốt của chàng chỉ là chuỗi tiếp nối của trạng thái thức trong mê sảng. Vẫn bóng ma đã đeo đuổi chàng ban ngày ấy lại tiếp tục trở lại ban đêm. Qua mi mắt khô khốc, chàng tiếp tục thấy La Mole đầy vẻ đe dọa và một giọng nói lặp đi lặp lại bên tai chàng: "Nửa đêm! Nửa đêm! Nửa đêm!".
Đột nhiên, tiếng chuông đồng hồ ngân vang trong đêm và điểm mười hai tiếng. Coconnas mở đôi mắt rực lửa, hai thở nóng bỏng của chàng thiêu đốt đôi môi khô nẻ. Cơn khát không thể dập tắt hun đốt cổ họng nóng giãy của chàng. Ngọn đèn đêm vẫn sáng như thường lệ, ánh tù mù của nó khiến như có trăm ngàn bóng ma nhảy múa chập chờn trước mắt Coconnas.
Thật khủng khiếp, chính vào lúc đó chàng thấy De Mole từ trên giường tụt xuống. Sau khi lượn một vài vòng trong phòng như con chim cắt lượn trước con mồi mà nó đã thôi miên, De Mole tiến tới tận chỗ chàng và giơ nắm đấm ra. Coconnas với tay về phía con dao găm, nắm lấy cán và chuẩn bị đâm thủng bụng kẻ thù.
De Mole vẫn tiến lại.
Coconnas thì thầm.
- A! Lại mày, vẫn là mày! Lại đây! A! Mày doạ tao, mày giơ nắm đấm với tao, mày lại mỉm cười! Lại đây! Lại đây! A! Mày vẫn từng bước tiến lại cơ à! Lại đây! Lại đây! Tao sẽ giết mày!
Và quả thật, hành động đi đôi ngay với lời đe doạ âm thầm đó. Lúc De Mole cúi xuống, Coconnas tung từ dưới chăn ra một lưỡi dao. Nhưng do cố gắng nhổm dậy nên chàng trai Piémontais bị kiệt sức, cánh tay vung về phía De Mole bị dừng lại nửa chừng, con dao tuột khỏi bàn tay yếu ớt và chàng ngã vật ra trên gối.
- Thôi nào, thôi nào! - De Mole lẩm bẩm nhẹ nhàng nâng đầu Coconnas dậy, đưa vào môi chàng một chiếc cốc - Uống cái này đi, ông bạn tội nghiệp, ông sốt cao quá.
De Mole cầm một chiếc cốc đưa cho Coconnas mà anh chàng này cứ tưởng là cái nắm đấm đầy đe doạ khiến cho trí óc mụ mẫm của chàng hoảng sợ.
Nhưng khi chạm vào chất nước mát lành êm dịu làm thấm ướt môi và mát cả tim phổi chàng, Coconnas tỉnh trí lại, hay đúng hơn, bản năng chàng thức dậy: chàng cảm thấy trong người mình một sự dễ chịu như chưa từng có. Chàng mở mắt nhìn De Mole đang ôm giữ mình và mỉm cười với mình với vẻ thông cảm và từ con mắt trước đây co rút lại trong cơn giận tối tăm, một giọt lệ nhỏ khó nhận thấy rơi ra trên gò má nóng hầm hập và bị hút khô ngay.
- Mẹ kiếp - Coconnas lẩm bẩm trong khi ngả người xuống chiếc gối - Ông de Mole ạ, nếu tôi thoát nạn thì ông sẽ là bạn tôi.
- Và ông sẽ khỏi, ông bạn ạ - De Mole nói - Chỉ cần ông uống ba tách thuốc như tôi vừa mới đưa cho ông và đừng bị rơi vào những giấc mơ ghê sợ nữa.
Một giờ sau, De Mole, biến thành người hộ lý tuân theo đúng chỉ dẫn của người thầy thuốc vô danh, lại dậy một lần nữa, đổ phần thứ hai của liều thuốc vào trong một chiếc tách và đem đến cho Coconnas. Lần này chàng trai Piémontais không chờ đợi chàng với con dao găm nữa, đã dang tay đón chàng, khoan khoái uống liều thuốc và lần đầu tiên ngủ thiếp đi với vẻ yên lòng.
Chén thuổc thứ ba không kém phần thần diệu. Hơi thở trong lồng ngực người ốm dù vẫn còn dồn dập nhưng đã đều hơn. Chân tay co quắp của chàng dãn ra trong một làn hai ướt nhẹ nhàng toả ra trên làn da nóng bỏng của chàng. Khi thấy Ambroise Paré tới thăm bệnh ngày hôm sau, ông mỉm cười hài lòng và nói:
- Từ lúc này trở đi, tôi có thể đảm bảo được tính mạng của ông de Coconnas. Đây là một trong những ca bệnh đẹp nhất mà tôi đã chữa.
Từ cái màn kịch nửa bi nữa hài nhưng về căn bản vẫn chất chứa một thi vị rung động lòng người này - nếu xét cả những tập quán dữ tợn của Coconnas - đã nảy sinh ra tình bạn của hai chàng trai quý tộc, bắt đầu từ quán Tinh tú, bị đứt đoạn một cách thô bạo bởi những sự kiện ngày lễ Saint-Barthélémy, từ lúc đó đã nối lại với một sức mạnh mới và đã vượt lên trên cả tình bạn của d Orestevà Pylade (1) với năm nhát kiếm và một phát súng chia xẻ trên mình nhau.
Dù sao thì những vết thương cũ và mới, nhẹ hay nặng cũng đều đang khỏi dần. Trung thành với nhiệm vụ hộ lý, La Mole không rời khỏi phòng chừng nào mà Coconnas chưa hoàn toàn lành bệnh. Chàng nâng Coconnas dậy trên giường khi Coconnas còn quá yếu phải nằm gí tại chỗ. Chàng giúp Coconnas tập đi. Khi chàng này bắt đầu dậy được. Chàng dành cho Coconnas tất cả những sự chăm sóc xuất phát từ bản tính hiền lành thương người của chàng. Cùng với sức sống mãnh liệt của chàng trai Piémontais, những sự chăm sóc đó đã rút ngắn thời kỳ dưỡng bệnh hơn là người ta hy vọng.
Tuy nhiên, cả hai chàng trai cùng bị một ý nghĩ duy nhất giày vò: trong cơn mê sảng, mỗi người hình như đều thấy người đàn bà đã choán trái tim mình tiến lại gần. Nhưng từ khi hai người tỉnh lại thì chắc chắn là cả Marguerite lẫn phu nhân de Nervers đều không bước vào phòng. Vả chăng điều đó cũng dễ hiểu thôi: một người là hoàng hậu của vua Navarre, một người là chị dâu của quận công de Guise, liệu họ có thể công khai tỏ ra quan tâm đến hai nhà quý tộc bình thường hay không? Không!
Hiển nhiên đó là câu trả lời mà De Mole và Coconnas tự nói với mình. Nhưng sự vắng mặt cũng có thể là do sự lãng quên hoàn toàn. Điều đó khiến họ không kém phần đau đớn.
Quả thực là viên chỉ huy vệ binh đã chừng kiến trận đấu thỉnh thoảng cũng có đến hỏi thăm sức khỏe của hai chàng, do tự ý ông ta. Quả thực là Gillone, về phần mình, cũng có tới thăm hỏi. Nhưng De Mole không dám nói với cô này về Marguerite cũng như Coconnas không dám hé môi với ông kia về phu nhân de Nervers.
Chú thích:
(1) Nhân vật trong truyền thuyết Hy Lạp nổi tiếng về tình bạn trung thành
Chương 18: Người chết hiện hồn
Suốt một thời gian, cả hai chàng trai, người nào người ấy vẫn giữ kín nỗi lòng mình. Thế rồi nhân một lần cởi mở, họ buột mồm thổ lộ ra cái điều vẫn khiến họ tâm niệm. Với cái bằng chứng cuối cùng này, tức là sự tin cậy hoàn toàn lẫn nhau, họ đã làm cho tình bạn thêm bền chặt.
Cả hai đều yêu mê mệt, người thì yêu một quận chúa, kẻ thì yêu một hoàng hậu.
Đối với hai kẻ si tình tội nghiệp này có một khoảng cách gần như không thể vượt qua giữa họ và các giai nhân mà họ luôn mơ tưởng tới. Tuy nhiên, hy vọng là thứ tình cảm đã ăn sâu và bắt rễ trong lòng người đến nôi mặc dù biết rằng nó là điên rồ, họ vẫn cứ hy vọng.
Vả lại, càng khỏe ra thì cả hai chàng trai càng chăm lo đến dung mạo của mình. Đối với mỗi một con người, cho dù là kẻ thờ ơ nhất đối với ngoại hình của mình, cũng có những chuyện thầm lặng để bày tỏ với chiếc gương mà nếu cuộc trò chuyện đó tỏ ra ưng ý thì chàng ta sẽ rời khỏi chiếc gương với sự hài lòng không cần giấu giếm.
Huống chi hai chàng trai của chúng ta không phải loại người mà chiếc gương phải đưa ra những nhận xét khắt khe. De Mole vóc người thanh mảnh, xanh xao và phong nhã, có vẻ đẹp của sự cao quý. Coconnas rắn rỏi, cân đối, da dẻ rám nắng, có vẻ đẹp cường tráng. Hơn thế, đối với Coconnas, do bị gầy đi, nước da xanh xao hơn mà dấu tích của vết chém trước kia làm chàng băn khoăn vì màu sắc của nó hiện hồn lên một trên khuôn mặt mình thì nay đã biến mất không còn dấu vết nữa. Điều đó như báo hiệu cho chuỗi ngày trong sáng và thanh bình sắp tới.
Cuối cùng là những sự chăm sóc tế nhị vẫn tiếp tục bao bọc lấy hai chàng trai bị thương. Đúng vào ngày mỗi người có thể đứng dậy được, họ thấy một chiếc áo choàng lót đặt trên ghế phô-tơi gần gường mình, ngày mà họ có thể mặc được quần áo, thì họ lại thấy có một bộ y phục đầy đủ để sẵn. Hơn thế nữa, trong túi áo chẽn đều có một túi tiền đầy đặn mà cả hai đều không dám dùng, mà để dành để trả lại cho người bảo trợ vô danh của mình khi có dịp.
Người bảo trợ vô danh đó tất nhiên không thể là ông hoàng đã cho họ trú ngụ, vì ông này chẳng những không lần nào lên thăm họ thì chớ, mà cũng chưa hề cho người tới hỏi han sức khỏe.
Niềm hy vọng mơ hồ thì thầm trong mỗi trái tim rằng người bảo trợ vô danh đó của mỗi người chính là người đàn bà mà hạ vêu.
Vì thế, cả hai chàng trai bị thương đều nóng lòng chờ đợi ngày ra được ngoài. De Mole khỏe hơn và được chữa chạy tốt hơn nên đã có thể ra từ lâu nhưng như một thứ quy ước ngấm ngầm, chàng vẫn kiên nhẫn chờ cho đến khi bạn bình phục hẳn.
Họ thỏa thuận sẽ dành chuyến đi chơi đầu tiên cho ba cuộc viếng thăm. Đầu tiên là phải đi thăm người thầy thuốc vô danh mà thang thuốc thật công hiệu của ông ta đã làm dịu đi lồng ngực bỏng rát của Coconnas.
Sau đó họ sẽ tới khách sạn của bác quán Hurière quá cố, nơi cả hai để ngựa và vali ở đó.
Thứ ba là đến thăm gã René người Florentin. Gã này mang danh người chế hương phẩm kiêm phù thuỷ, không những y bán đồ mỹ phẩm và thuốc độc mà còn pha chế cả các loại rượu tình và ban những lời tiên tri.
Sau hai tháng bị cấm cố để bình phục, cái ngày biết bao mong đợi kia đã tới.
Chúng tôi đã nói cấm cố, đó chính là một từ thích hợp, vì đã nhiều lần hai chàng sốt ruột muốn đẩy sớm cái ngày đó lên, nhưng một người lính gác đứng ở cửa buồng luôn luôn cản đường họ lại. Và cho họ biết rằng họ chỉ được ra khi có một exeat (1) của thầy Ambroise Paré.
Cho tới một hôm nhà phẫu thuật tài ba nhận thấy rằng hai người bệnh của mình nếu như chưa phải là hoàn toàn thì ít ra cũng là đang trên đà bình phục nên đã cho cái exeat đó. Thế là vào khoảng hai giờ chiều một ngày thu đẹp trời, hai người bạn tay trong tay bước ra khỏi Louvre.
De Mole rất vui mừng vì đã tìm thấy trên ghế phô-tơi chiếc măng-tô màu anh đào nổi tiếng mà chàng cẩn thận gấp lại trước trận đấu. Chàng đích thân làm người dẫn đường cho Coconnas, còn Coconnas để bạn dẫn đi không kháng cự và cũng chẳng suy nghĩ gì nữa. Chàng biết bạn dẫn mình tới nhà người thầy thuốc vô danh mà những liều thuốc này không có giấy phép đã chữa lành cho chàng chỉ trong một đêm trong khi cả mớ thuốc phiện của thầy Ambroise Paré cứ giết dần giết mòn chàng.
Chàng đã chia túi tiền, gồm hai trăm đồng tiền vàng, ra làm hai phần và định để một phần cho vị thần y vô danh đã giúp chàng bình phục: Coconnas không sợ chết, nhưng không phải vì thế mà chàng thích được sống, vì thế chúng ta thấy chàng sẵn sàng thưởng công hậu hỹ cho người cứu mình.
De Mole đi qua phố l Astruce, phố lớn Saint-Honoré, phố Prouwelles và chẳng mấy chốc đã tới quảng trường Halles. Ở chỗ này ta gọi là Carreau de Halles, có một bệ đá bát giác trên đó có đặt một khối tám mặt như một thứ đèn lồng lớn bằng gỗ, trên đèn lồng có mái nhọn và một chiếc chong chóng kẽo kẹt chỉ hướng gió. Cây đèn lồng gỗ phô ra tám cửa. Một bánh xe gỗ xuyên qua các cửa đó giống như cái chi tiết mà người ta gọi là fasce chạy ngang bề mặt tấm gia huy. Bánh xe được xẻ rãnh ở giữa để có thế giữ đầu và tay của một hay nhiều kẻ chịu tội mà người ta đem bêu ở cửa này, cửa khác, hoặc cả ở tám cửa.
Công trình xây dựng kỳ dị ấy không giống với bất cứ thứ kiến trúc nào ở xung quanh và được gọi là đài nhục hình.
Một ngôi nhà méo mó, gù, chột, què, xơ xác, mál loang lổ vết rêu như da người hủi, mọc lên dưới chân cái tháp bát giác đó như một cây nấm.
Đó là nhà của đao phủ.
Một người đàn ông bị bêu đang thè lưỡi ra với khách qua đường. Đó là một trong số những tên trộm đã hành nghề quanh đài xử giảo Montfaucon và tình cờ đã bị tóm trong lúc đang thực hành nghề nghiệp.
Coconnas tưởng bạn dẫn mình tới xem cái cảnh lạ lùng này. Chàng hòa vào đám đông những người ham thích đang reo hò huyên náo trước cơn giãy giụa đau đớn của kẻ chịu cực hình.
Bản chất Coconnas vốn tàn bạo nên cảnh này khiến chàng rất thích thú.
Vì vậy nên khi cây cột đèn xoay tròn quanh trụ để phơi kẻ chịu cực hình sang một phía khác của quảng trường và đám đông đi theo sự chuyển dịch của cây cột thì Coconnas chực đi theo nhưng De Mole ngăn chàng lại và nói khẽ:
- Chúng mình tới đây không phải vì việc ấy đâu.
- Thế chúng mình tới đây làm gì? - Coconnas hỏi.
- Cậu sẽ biết bây giờ. - De Mole đáp.
Hai người bạn đã thân mật với nhau kể từ sau cái buổi tối trứ danh mà Coconnas định đâm thủng ruột De Mole ra.
De Mole dẫn Coconnas thẳng tới chiếc cửa sổ nhỏ của ngôi nhà dưới chân cái đài, nơi có một người đàn ông đứng tì tay lên bậu cửa.
- A! Thì ra là các ngài! Xin chúc mừng! - Người đàn ông vừa nói vừa nhấc chiếc mũ trùm màu huyết bò và để lộ ra cái đầu với mớ tóc đen dày rủ xuống tận chân mày.
- Ai thế nhỉ? - Coconnas vừa hỏi vừa cố nhớ lại vì chàng thấy hình như mình đã gặp gương mặt này lúc nào đó trong cơn sốt của chàng.
- Người cứu cậu đấy, ông bạn ạ - De Mole nói - Người đã đem đến Louvre cho cậu món nước mát làm cậu khỏe lên ấy!
- Ồ! - Coconnas thốt lên - Nếu vậy thì, ông bạn ơi…
Và chàng chìa tay cho người kia.
Nhưng đáng lý phải đáp lại bằng một cử chỉ tương tự thì người đàn ông lại đứng thẳng lên và lùi xa khỏi hai người bạn một khoảng cách vừa đủ cho y rạp người xuống.
- Thưa ngài - Y nói với Coconnas - Tôi xin cám ơn ngài về niềm vinh dự ngài muốn ban cho tôi. Nhưng chắc hẳn là nếu ngài biết tôi thì ngài sẽ không làm như thế.
- Thề chứ - Coconnas - Tôi tuyên bố rằng dù cho ông có là quỷ sứ tôi vẫn tự coi mình là người chịu ơn ông, vì nếu không có ông thì lúc này tôi đã chết rồi.
- Tôi không hẳn là quỷ sứ - Người đàn ông đội mũ trùm đỏ trả lời - Nhưng thường thì nhiều người thà gặp quỷ sứ còn thích hơn gặp tôi.
- Vậy ông là ai? - Coconnas hỏi.
- Thưa ngài - Người đàn ông trả lời - Tôi là thầy Caboche đao phủ thành Paris…
A!… - Coconnas thốt lên và rụt tay lại.
- Ông thấy đấy! - Thầy Caboche nói.
- Không đâu! Tôi sẽ chạm tay với ông, nếu không thì quỷ sứ bắt tôi đi! Ông chìa tay ra…
- Thật ư?
- Xòe tay ra!
- Đây!
- Xòe rộng tay… nữa… thế!
Và Coconnas lấy trong túi ra nắm tiền vàng chàng dành cho người thầy thuốc vô danh của mình và đặt tiền vào tay người đao phủ.
- Tôi những muốn chỉ có tay ngài thôi - Thầy Caboche vừa nói vừa lắc đầu - Vì tôi không thiếu vàng nhưng ngược lại rất ít có bàn tay nào dám chạm vào tay tôi. Nhưng không sao! Chúa phù hộ cho ngài, ngài quý tộc ạ.
- Vậy ra chính ông bạn là người tra khảo, dần đòn, phanh thây, chặt đầu, bẻ xương người ta đấy - Coconnas vừa nói vừa tò mò nhìn người đao phủ - Tôi thật hài lòng đã làm quen với ông!
- Thưa ngài - Thầy Caboche nói - Tôi cũng không tự mình làm lấy hết tất cả đâu. Vì cũng như các ngài là bậc công hầu, các ngài có đầy tớ để làm những việc mà các ngài không muốn làm, tôi có những người giúp việc làm phần lớn các công việc để tiêu ma cái lũ tiện dân. Tuy nhiên, nếu tình cờ mà tôi có vìệc phải làm với mấy ngài quý tộc như ngài đây và ông bạn của ngài chẳng hạn thì chuyện lại khác, và tôi lấy làm vinh hạnh được tự mình thực hiện từ đầu tới cuối tất cả mọi chi tiết của việc hành hình tức là từ nhục hình tới chém đầu.
Dù không muốn, Coconnas vẫn cảm thấy rùng mình. De Mole cũng cảm thấy tương tự, mặc dầu không hiểu nguyên cớ gì đâu.
Nhưng Coconnas đã vượt qua được cái cảm xúc khiến chàng hổ thẹn và chàng muốn chào từ biệt thầy Caboche bằng một lời đùa cợt cuối cùng:
- Thế thì thầy cả - Chàng nói - Tôi xin ông giữ lời khi tới lượt tôi phải lên đài xử giảo của Enguerrand de Marigny hay lên đoạn đầu đài của ông de Nemours, chỉ có ông đụng tới tôi thôi đấy nhé.
- Tôi xin hứa với ngài điều đó.
- Lần này thì ông hãy bắt tay tôi để chứng tỏ là tôi chấp nhận lời hứa của ông.
Và chàng chìa cho người đao phủ bàn tay mà y chỉ dám rụt rè đụng vào, mặc dù rõ ràng là y rất mong muốn được nắm lấy nó.
Chỉ mới chạm tay như thế mà Coconnas mặt đã hơi tái đi nhưng nụ cười vẫn nở trên môi chàng. Còn De Mole khó chịu và khi thấy đám đông xoay tròn theo cây trụ đèn nhích lại gần họ, chàng bèn kéo áo bạn.
Thực lòng Coconnas cũng như De Mole muốn chấm dứt cái màn kịch mà tính cách tự nhiên của chàng dấn sâu hơn là chàng muốn, chàng bèn gật đầu chào và bỏ đi.
Khi cả hai người bạn tới ngang Cây thập tự Trahoir, De Mole bảo bạn:
- Thế chứ! Cậu phải thừa nhận là ở đây dễ thở hơn ở quảng trường Halles hay không?
- Công nhận - Coconnas nói - Nhưng mình vẫn rất hài lòng được làm quen với thầy Caboche. Có bạn ở khắp nơi cũng thích hơn chứ.
- Cả ở chỗ biển quán Tinh tú cũng thế phải không - De Mole vừa nói vừa cười.
- Ồ! Về phần bác quán Hurière tội nghiệp thì chắc đã chết mười mươi rồi - Coconnas nói - Mình nhìn thấy lửa đạn hỏa mai, mình nghe thấy đạn nổ cứ như là đập vào chiếc chuông lớn ở nhà thờ Đức bà ấy, thế rồi mình cứ mặc bác ta nằm trong rãnh nước, máu mồm, máu mũi chảy ồng ộc. Nếu bác ta là bạn chúng ta thì chắc phải là bạn ở thế giới bên kia.
Vừa chuyện trò, hai chàng trai vừa đi tới phố Arbre sec và hướng về tấm biển hiệu quán Tinh tú vẫn cót két ở nguyên chỗ cũ và dâng hiến cho lữ khách chiếc bếp lò đầy cao lương mỹ vị và cái ảo ảnh ngon lành.
Coconnas và De Mole cứ tưởng sẽ thấy ngôi nhà tang tóc, bà vợ góa mặc tang phục và các chú phụ bếp đeo một mảnh băng đen trên tay. Nhưng họ rất ngạc nhiên khi thấy quán trọ náo nhiệt, bà Hurière tươi tắn và các cậu bồi vui vẻ hơn bao giờ hết.
- Ôi, đúng là một lũ bội bạc - De Mole nói - Chắc mụ ta tái giá rồi.
Rồi chàng nói với cái nàng Artémise mới này:
- Thưa bà, chúng tôi là hai nhà quý tộc, chỗ quen biết cũ của ông La Hurière tội nghiệp. Chúng tôi trước đó có để lại ở đây hai con ngựa và hai chiếc vali, và nay chúng tôi đến để xin lại.
- Thưa các ngài - Bà chủ quán sau khi ra sức cố nhớ lại nói - Vì tôi không có hân hạnh nhận ra được các ngài, xin các ngài cho phép tôi gọi nhà tôi… Grégoire, gọi ông chủ ra nhé.
Grégoire đi qua gian bếp ngoài, và bếp trong là chỗ mà lúc sinh thời bác quán Hurière chuẩn bị những món bác cho là xứng đáng với đôi bàn tay khéo léo của mình.
- Quỷ tha ma bắt mình đi! - Coconnas lẩm bẩm - Nhìn thấy cái nhà đáng ra phải buồn thảm thì lại vui tươi thế này làm mình buồn quá. Tội nghiệp Hurière.
- Bác ta đã muốn giết mình - De Mole nói - Nhưng mình sẵn lòng tha thứ cho bác ta.
De Mole vừa dứt lời thì một người đàn ông hiện ra, tay cầm xoong đang chiên hành và tay kia cầm một chiếc thìa gỗ.
De Mole và Coconnas cùng kêu lên vì kinh ngạc.
Nghe tiếng kêu, người đàn ông ngẩng đầu lên. Y cũng kêu lên một tiếng và đánh rơi cả chiếc xoong chỉ còn giữ lại được có chiếc thìa gỗ.
- In nomine Patris - y vừa nói vừa ve vẩy thìa như thể đó là chiếc bình rảy nước thánh – filli et Spiritus sancti(2).
- Bác Hurière! - Hai chàng cùng thốt lên.
- Quý ngài de Coconnas và de Mole - Hurière kêu.
- Vậy bác chưa chết à? - Coconnas hỏi.
- Thế ra các ngài vẫn còn sống ư? - Chủ quán cũng hỏi.
- Thế mà tôi đã thấy bác ngã rồi kia mà - Coconnas đáp - Tôi nghe tiếng đạn bắn vỡ cái gì đó của bác, tôi cũng chả biết cái gì nữa. Tôi cứ để bác nằm trong cái rãnh ấy, máu mồm, máu mũi, máu mắt ộc cả ra.
- Thật như Kinh Phúc âm vậy. Ông de Coconnas ạ. Nhưng cái tiếng mà ông nghe thấy ấy đó là tiếng đạn đập vào mũ sắt của tôi, may thay là nó trượt vào đấy, nhưng vẫn mạnh lắm nên bằng chứng là - Bác cả Hurière vừa nói thêm vừa nhấc chiếc mũ trùm để lộ mái đầu nhẵn thín như củ khoai - Các ông thấy đấy, tôi chẳng còn sợi tóc nào cả.
Hai chàng trai cùng phá lên cười khi thấy gương mặt ngộ nghĩnh đó.
- A! Các ông vẫn cười! - La Hurière hơi yên tâm nói - Vậy các ông đến đây không có dụng ý gì xấu chứ?
- Thế còn bác, bác Hurière, bác khỏi cái bệnh ham đánh đấm rồi à?
- Vâng, thưa các vị, thề chứ, bây giờ…
- Bây giờ thì sao?
- Bây giờ tôi thề là không nhìn vào ngọn lửa nào khác ngoài bếp lò nhà tôi ra.
- Hoan hô! - Coconnas nói - Khôn ngoan thật đấy. Giờ thì chúng tôi xin thông báo là chúng tôi có để lại trong buồng ngựa của bác hai con ngựa và trong phòng trọ nhà bác hai chiếc vali.
- Ái chà, quỷ quái thật! - Chủ quán gãi tai nói.
- Sao?
- Ông bảo là hai con ngựa phải không ạ?
- Ừ ở chuồng ngựa ấy.
- Với hai va li ạ?
- Ừ, ở trong phòng.
- Chả là thưa ông… Ông tưởng là tôi đã chết phải không ạ?
- Đúng thế!
- Thế các ông cũng thấy rằng vì các ông đã nhầm thì về phần tôi, tôi cũng có thể nhầm được chứ ạ?
- Bác tưởng chúng tôi chết rồi chứ gì? Được thôi.
- Ấy! Thế đấy!… Chả là, vì các ông chết không chúc thư nên… - Bác Hurière tiếp tục.
- Sao nữa?
- Ấy thế là tôi tưởng là… tôi nhầm… giờ tôi mới thấy rõ…
- Thế nhưng bác tưởng cái gì mới được chứ?
- Tôi tưởng là tôi có thể ăn thừa tự của các ông.
- Ái chà! - Cả hai cùng kêu lên.
- Thưa các ông, không vì thế mà tôi không hết sức hài lòng được thấy các ông còn sống.
- Thế là bác đã bán ngựa của bọn tôi rồi hả - Coconnas hỏi.
- Khổ thay - Hurière đáp.
- Thế còn va li của bọn ta thì sao? - De Mole tiếp lời.
- Ồ! Va li thì không, không bán… - Hurière kêu - Nhưng chỉ bán những thứ có trong đó thôi.
- La Mole này- Coconnas nói - mình thấy hình như đây là một tên vừa đểu cáng vừa táo tợn… Hay chúng ta moi ruột nó ra?
Lời đe doạ đó có vẻ gây tác động lớn đối với bác Hurière. Bác bèn mạo muội nói ra:
- Nhưng thưa các ông, tôi thấy hình như chúng ta có thể thu xếp với nhau được.
- Nghe này - De Mole nói - Ta là người có quyền than phiền nhiều nhất về mi.
- Đúng như thế, thưa bá tước, vì tôi nhớ lại là có một lúc tôi đã điên rồ dám táo tợn đe dọa bá tước.
- Ừ, doạ ta với một viên đạn bay cách đầu ta hai đốt ngón tay.
- Bá tước nghĩ thế ạ?
- Chắc chắn thế.
- Nếu ngài chắc chắn thế thì thưa ngài de Mole, tôi là kẻ tôi tớ của ngài nên không dám cãi chính lại lời ngài được - Hurière vừa nhặt xoong vừa nói với vẻ vô tội.
- Thế thì, về phần ta, ta không đòi hỏi gì mi hết…
- Sao cơ, thưa bá tước!…
- Trừ…
- Ay! Ay! Ay!… - Hurière thốt lên.
- Trừ việc mỗi khi ta và các bạn ta tới khu này, mi phải dọn cho chúng ta một bữa ăn.
- Sao cơ ạ! - Hurière sung sướng nói - Xin sẵn sàng hầu ngài, thưa bá tước, xin sẵn sàng!
- Thỏa thuận thế được rồi chứ?
- Xin hết lòng đồng ý… còn ông… thưa ông de Coconnas, ông có ưng thế không?
- Được, nhưng cũng như ông bạn ta, ta đặt một điều kiện nhỏ.
- Đíều kiện gì ạ!
- Điều kiện là bác phải trả cho ông de Mole năm mươi écus mà ta nợ ông ấy và ta đã trao cho bác.
- Trao cho tôi ạ, thưa ông lúc nào vậy?
- Một khắc trước lúc bác bán con ngựa và chiếc va li của ta.
- A, tôi hiểu rồi.
Bác đến bên một cái tủ lần lượt lôi ra năm mươi écus và đem đến cho De Mole.
- Được lắm, ông quán, được lắm - Nhà quý tộc nói - Dọn cho chúng ta món trứng chiên. Năm mươi écus là phần ngài Grégoire.
- Ô - Hurière thốt lên - Quả thật các ông có những tấm lòng vương giả, các ông có thể hết lòng tin cậy ở tôi.
- Nếu thế thì dọn cho chúng tôi cái món trứng chiên ấy đi Coconnas nói - Mà đừng có tiếc bơ tiếc mỡ đấy nhé.
Rồi chàng nhìn đồng hồ treo tường nói tiếp:
- Thề chứ, cậu có lý đấy De Mole ạ. Ta còn phải chờ ba tiếng đồng hồ nữa, thà chờ ở đây còn hơn ở nơi khác. Hơn nữa, nếu mình không nhầm thì ở đây chúng mình đã được nửa đường tới cầu Saint-Michel rồi.
Và rồi hai chàng trai tới ngồi vào bàn trong gian phòng nhỏ cuối nhà, nơi họ đã ngồi trong buổi tối ngày 24 tháng Tám năm 1572 trứ danh đó. Trong buổi tối hôm ấy, Coconnas đã đề nghị với De Mole chơi bài đánh cuộc bằng người tình đầu tiên của họ.
Chúng tôi xin thú nhận một điều làm vinh hạnh thêm đạo đức của hai chàng lần này chẳng chàng nào có ý định đề nghị với bạn mình một chuyện như thế cả.
Chú thích:
(1) Giấy phép cho ra (tiếng Latinh trong nguyên bản)
(2) Nhân danh Cha, Con và Thánh thần…
Nguồn: http://vnthuquan.org/