Người thợ dồn thú dụ được con lợn rừng đã không nhầm khi khẳng định với nhà vua rằng con vật chưa ra khỏi vòng vây.
Con chó săn vừa được đưa tới chỗ có dấu con thú đã lao ngay vào rừng và xua được con vật ra từ một bụi gai rậm rạp.
Như người dồn thú đã nhận xét theo dấu chân của nó, đây quả là một con lợn độc, tức là một con lợn cỡ khá lớn.
Con vật chạy thẳng và qua đường trước nhà vua năm chục bước chân, theo sau chỉ có con chó săn đã dồn được con thú một góc. Người ta cho thả ngay tốp chó đầu tiên và khoảng hai chục con chó lao ngay theo con mồi.
Đi săn là niềm say mê của Charles. Con mồi vừa vượt qua đường là nhà vua lao ngay theo sau, thổi hiệu tù và nhìn thấy thú, sau ông là quận công d Alençon và Henri vì Marguerite đã ra hiệu cho chồng đừng rời khỏi Charles.
Tất cả những người đi săn lao theo nhà vua.
Vào cái thời xảy ra chuyện đi săn này, các khu rừng của hoàng gia ngày xưa đó, chưa được như những khu rừng ngày nay, tức là giống như các khu vườn lớn có các lối xe đi cắt ngang cắt dọc. Vua chúa thời đó còn chưa có sáng kiến tự biến mình thành người đi buôn và chia rừng của họ thành các khu rừng đốn gỗ, rừng thưa và rừng già. Cây cối không phải được những nhà trồng rừng thông thái gieo trồng mà nhờ bàn tay của Chúa, hạt được gieo theo gió. Chúng không được trồng theo hình ngũ điểm mà muốn mọc thế nào thì mọc như những khu rừng hoang ở châu Mỹ ngày nay. Tóm lại, vào thời đó, rừng là một hang ổ đầy rẫy những lợn rừng, hươu nai, chó sói và kẻ cướp. Khoảng chừng một chục những con đường mòn xuất phát từ giữa rừng chạy ngang dọc cả khu rừng Bondy và một con đường chạy vòng tròn bao lấy khu rừng như vành bánh xe.
Nếu so sánh hơn một chút thì cái ổ trục trông cũng giống như ngã tư đường duy nhất nằm giữa khu rừng, nơi những người đi săn lạc đường tụ tập nhau để từ đó lại lao tới chỗ mà cuộc săn vừa mất hút lại xuất hiện.
Sau một khắc đồng hồ, điều gì phải xảy đến đã xảy đến: những vật chướng ngại gần như không thể vượt qua được cản đường chạy của những người đi săn, tiếng chó sủa chìm đi nơi xa và đích thân nhà vua quay trở lại ngã tư, vừa đi vừa chửi thề theo thói quen.
- Thế nào, d Alençon? Thế nào, Henriot? Mẹ kiếp, các anh ở đây cứ thản nhiên như các bà sơ đi theo mẹ nhất ấy. Đấy không gọi là đi săn, biết không? D Alençon, nhìn anh giống công tử lắm, người anh sực nức nước hoa đến nỗi anh mà chạy qua giữa lũ chó của ta và con mồi thì sẽ khiến chúng mất dấu mồi mất. Còn anh, Henriot, giáo đâu, súng đâu? Xem nào!
- Tâu bệ hạ - Henri đáp - Súng để làm gì? Tôi biết bệ hạ thích bắn con mồi khi nó cự lại lũ chó. Còn giáo thì tôi sử dụng tồi lắrn, nó không thông dụng ở vùng núi của tôi, ở đó chúng tôi săn gấu với dao găm thường thôi.
- Mẹ khỉ! Này Henri, khi nào anh về cái vùng Pyrénées nhà anh thì phải gửi cho ta đầy một xe gấu đấy. Đi săn mà vật tay đôi với con mồi có thể bóp ngạt ta, thế mới thú chứ. Nghe xem, ta thấy hình như có tiếng chó sủa. Không, ta nhầm.
Nhà vua cầm lấy tù và và thổi một hơi. Nhiều tiếng tù và đáp lại. Đột nhiên một người thợ dồn thú hiện ra và thổi một điệu khác.
- Nhìn thấy con mồi rồi! Nhìn thấy rồi! - Charles kêu lên.
Và ông phi nước đại, theo sau là tất cở những người đi săn đã tụ tập quanh ông.
Người dồn thú không nhầm. Nhà vua càng tiến lên thì người ta càng nghe thấy tiếng sủa của đàn chó gồm khoảng hơn sáu chục con vì người ta đã lần lượt thả tất cả những bầy chó đặt ở những nơi con mồi chạy qua. Nhà vua thấy con mồi vút qua một lần nữa và lợi dụng một vạt rừng cao, ông lao luôn theo con thú vào rừng, vừa phi vừa ra sức thổi tù và.
Các hoàng thân còn theo ông được một lúc. Nhưng ngựa của nhà vua khỏe và hăng máu chạy theo những con đường gập ghềnh, những khu rừng lá thấp rậm rạp đến nỗi trước hết là các bà sau đến quận công de Guise và các quý tộc tuỳ tùng của ông tới rồi đến hai ông hoàng đều buộc phải bỏ cuộc. Tavannes còn giữ vững được một lát, nhưng rồi cũng bỏ cuộc nốt.
Thế nên trừ Charles và một vài người dồn thú hăng hái vì món tiền thưởng đã hứa là còn bám theo nhà vua, còn tất cả mọỉ người đều ở quanh khu ngã tư.
Hai hoàng thân đứng gần nhau trên một lối đi dài. Quận công de Guise và người của mình dừng lại cách họ khoảng trăm bước. Các bà thì đứng ở chỗ ngã tư.
- Quả thực cái thằng cha này cùng với đám tuỳ tùng vũ trang đến tận răng của hắn, trông cứ như vua thật ấy nhỉ? - Quận công d Alençon đưa mắt chỉ quận công de Guise cho Henri - Chúng ta là những ông hoàng mới khốn khổ chứ, hắn chẳng thèm đoái nhìn chúng ta lấy một lần gọi là.
- Sao lại đòi hắn phải đối xử với chúng ta tử tế hơn bà con của chính chúng ta? - Henri đáp - Ê này Frnaçois, anh với tôi chẳng phải là tù binh, là con tin của phe chúng ta ở triều đình Pháp là gì?
Nghe vậy, quận công François giật mình và nhìn Henri như muốn mời ông giải thích rõ thêm. Nhưng Henri thấy mình đã quá lời hơn thường lệ và ông nín lặng.
- Anh muốn nói gì vậy, Henri? - Quận công François hỏi.
Rõ ràng là ông ta tức mình vì ông anh rể không chịu nói tiếp để cho ông ta phải mớm lời đòi giải đáp.
- François, tôi muốn nói rằng những kẻ được vũ trang quá tốt như thế kia, hình như có nhiệm vụ bám sát chúng ta, nom có vẻ như những tên lính gác để ngăn không cho hai ta trốn đi.
- Trốn đi - Tại sao? Như thế nào? - d Alençon đóng vai kinh ngạc ngây thơ thật khéo.
- Con ngựa Tây Ban Nha của anh hay quá François ạ - Henri vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình tuy có vẻ như đã nói sang chuyện khác - Tôi tin chắc rằng nó chạy được bảy dặm trong vòng một giờ, từ nay đến trưa phải được hai mươi dặm. Trời đẹp quá, tôi thề chứ điều đó cám dỗ người ta hành động. Anh cứ nhìn con đường xinh xắn chạy ngang kia xem. Nó không quyến rũ anh à, François? Về phần tôi thì cựa giày tôi ngứa ngáy lắm.
François không trả lời. Tuy nhiênn, ông ta hết đỏ lại tái mặt đi, rồi ông ta vểnh tai như thể đang nghe ngóng cuộc săn.
"Tin về Ba Lan có tác dụng rồi đây - Henri tự nhủ - Ông em vợ thân yêu của mình có kế hoạch riêng. Hắn muốn mình bỏ trốn, nhưng mình đâu có bỏ trốn một mình".
Ông vừa kịp nghĩ tới đó thì nhiều người mới cải đạo quay về triều đình từ hai ba tháng nay, phóng nước kiệu tới và chào hai hoàng thân với nụ cười hết sức mời mọc.
Bị kích lên bởi những lời mời của Henri, quận công d Alençon chỉ cần nói một tiếng, chỉ cần phác một cử chỉ thì rõ ràng là ba bốn chục kỵ mã, lúc này đang vây quanh họ như để đối lại với nhóm của ông de Guise, sẽ tạo điều kiện cho cuộc trốn chạy. Nhưng quận công quay mặt đi, đưa tù và lên miệng nổi hiệu kèn tập hợp.
Tuy nhiên những người mới tới tưởng rằng sự ngập ngừng của quận công d Alençon là do quận công Guise ở gần bên nên họ dần dần xen vào giữa đám de Guise và hai hoàng thân. Họ chia hàng với một sự khéo léo chiến lược chứng tỏ đã qụen với các cách bài binh bố trận. Quả thực, nếu vươn tới chỗ quận công d Alençon và vua Navarre có lẽ phải đạp qua xác họ mà đi, trong khi đó thì một con đường hoàn toàn rộng rãi tự do trải dài trước mắt hai anh em rể.
Đột nhiên, từ giữa lùm cây, cách vua Navarre mươi bước, xuất hiện một nhà quý tộc mà hai hoàng thân trước đó chưa kịp nhìn thấy. Henri đang cố đoán xem đó là ai thì nhà quý tộc nhấc mũ ra để Henri nhận ra đó là tử tước de Turenne, một trong những thủ lĩnh của phe Tân giáo mà người ta cứ tưởng còn đang ở Poitou.
Tử tước phác một cử chỉ rõ ràng có ý hỏi:
- Các ngài có đi không?
Nhưng sau khi đã quan sát kỹ khuôn mặt thản nhiên và ánh mắt không thần sắc của quận công d Alençon, Henri lúc lắc đầu hai ba lần tựa như có gì làm vướng ông trong cổ áo chẽn. Đó là câu trả lời phủ định. Tử tước hiểu vậy, thúc ngựa và biến mất sau lùm cây.
Cùng lúc đó người ta nghe tiếng bầy chó tiến lại gần. Rồi ở phía đầu kia của lối đi họ đang đứng, người ta thấy con lợn rừng chạy vụt qua, rồi đến lũ chó; rồi đến Charles đầu không mũ, tù và ngậm miệng thổi đến vỡ phổi như một người đi săn ma quái ba bốn người dồn thú còn theo ông. Tavannes đã biến mất.
- Đức vua! - Quận công d Alençon thốt lên, và ông ta lao theo dấu chân Charles.
Henri yên tâm về sự có mặt của những người bạn tốt, ra lệnh cho họ đừng rời xa và tiến về phía các bà.
- Thế nào? - Marguerite tiến vài bước về phía ông hỏi.
- Thế này, thưa bà, chúng ta đang săn lợn rừng.
- Chỉ có thế thôi ư?
- Vâng, từ sáng hôm qua gió đã đổi chiều, nhưng tôi tưởng đã báo trước cho bà là sự thể sẽ như thế rồi chứ?
- Gió đổi chiều như vậy thì sẽ không có lợi cho cuộc săn phải không ông? - Marguerite hỏi.
- Vâng, đôi khi việc đó làm thay đổi tất cả những cung cách đã định, phải làm lại cả một kế hoạch.
Lúc đó người ta nghe thấy tiếng bầy chó gần lại một cách nhanh chóng. Bụi mịt mù báo cho các nhà đi săn phải chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người đều ngẩng đầu nghe ngóng.
Gần như ngay lập tức con lợn rừng ló ra và đáng lẽ lao vào rừng nó lại chạy theo đường thẳng tới chỗ ngã tư nơi đang tụ tập các bà, các nhà quý tộc tán tỉnh họ và những người đi săn bị lạc dấu chân thú. Sau con thú là khoảng ba bốn chục con chó vào loại to khỏe nhất bám sát nó, rồi chưa đầy hai chục bước là vua Charles không mũ, không áo choàng, áo quần rách tả tơi vì bị gai cào, mặt và tay đầy máu.
Chỉ còn lại một hai người dồn thú cùng ông. Nhà vua hết thổi tù và lại thúc lũ chó, hết thúc lũ chó lại thổi tù và. Cả thế giới đều biến mất dưới mắt ông. Nếu ngựa của ông hụt chân chắc ông đã kêu lên như vua Richard III: "Đổi ngai vàng của ta lấy một con ngựa đây!"
Nhưng con ngựa cũng tỏ ra hăng máu như chủ, nó phi chân không chạm đất và mũi như phì ra lửa khói. Con mồi, lũ chó và nhà vua lao vút qua như một ảo ảnh.
"Alali! Alali!"(1) - Charles vừa hét lên vừa lao qua.
Và ông lại đưa tù và lên đôi môi đang ứa máu.
Cách sau ông vài bước là quận công d Alençon và hai người dồn thú, ngựa của những người khác đã bỏ cuộc săn hoặc bị mất dấu chân. Tất cả mọi người đều chạy theo dấu vì rõ ràng là con thú sắp trụ lại để kháng cự.
Quả thực chưa đầy hai mươi phút sau, con lợn rừng rời khỏi con đường mòn và lao vào rừng, nhưng tới một quãng rừng thưa, nó lui về một tảng đá và chống chọi với lũ chó.
Nghe tiếng kêu của Charles đang bám sát con vật, mọi người đều đổ tới. Người ta đã đến đúng vào lúc hay nhất của cuộc săn. Con vật quyết kháng cự một cách tuyệt vọng. Lũ chó bị kích động sau một cuộc chạy ròng ba tiếng đồng hồ liền nên hăng máu lao vào con mồi và được khích lệ thêm bằng những tiếng kêu hò chửi bới của Charles.
Những người đi săn quây lại thành vòng, Charles đứng hơi nhích lên phía trước, sau ông là quận công d Alençon với khẩu hỏa mai và Henri tay chỉ cầm một con dao săn. Quận công d Alençon tháo súng khỏi móc và châm mồi lửa. Henri giật con dao găm trong vỏ.
Còn quận công de Guise khá coi thường tất cả những trò săn bắn này nên ông đứng hơi tách ra cùng với các quý tộc của mình.
Các phu nhân đứng nhóm lại thành một tốp cân đối với tốp của quận công de Guise.
Tất cả những kẻ ham săn bắn đều khắc khoải chờ đợi, mắt chăm chăm nhìn con mồi.
Một người dồn thú đứng riêng bên ngoài đang ưỡn người ra để giữ lại hai con chó ngao của nhà vua. Trong lớp áo giáp sắt, chúng đang chờ vừa sủa vừa chồm lên khiến người ta có thể tưởng rằng đến lúc chụp con mồi chúng có thể giựt đứt cả dây xích.
Con vật bị săn đuổi thật tuyệt vời: Bị một đàn khoảng bốn chục con chó vây bọc lấy như một lớp sóng triều gầm gào phủ lên nó bằng những màu sắc hỗn độn khác nhau và cố gắng ngoạm vào lớp da xù xì đầy lông dựng đứng của nó, con lợn rừng cứ mỗi cú húc mõm lại hất tung lên cao khoảng mười bộ một con chó mà khi rơi xuống đất đã bị lòi ruột nhưng vẫn lao vào trận chiến với gan ruột lòng thòng. Trong khi đó Charles tóc tai bết cứng, mắt tóe lửa, cánh mũi nở rộng đang rạp người trên cổ ngựa đẫm mồ hôi và rúc lên một hồi kèn Alali giận dữ.
Chỉ chưa đầy mươi phút, hai chục con chó bị loại ra khỏi vòng chiến.
- Chó gộc đâu? Chó gộc đâu? - Charles hét lên.
Nghe tiếng kêu đó, người dồn thú mở móc xích sắt và hai con chó ngao lăn xả vào giữa cuộc huyết chiến. Với lớp giáp sắt chúng húc nhào và gạt ra mọi thứ, vạch ra một đường tới tận con mồi và mỗi con chó ngoặm lấy một bên tai con thú.
Cảm thấy bị nắm tai, con lợn lòi bập răng vào nhau vì tức giận và đau đớn.
- Khá lắm, Duredent! Khá lắm Risquetout - Charles thét lên - Cam đảm lên lũ chó! Giáo đâu? Giáo đâu?
- Bệ hạ có muốn lấy súng của tôi không? - Quận công d Alençon hỏi.
- Không! Không! Ta không cảm thấy được đạn xuyên vào thịt - Charles quát - Có giáo thì ta cảm thấy hay hơn. Giáo đâu? Giáo đâu?
Người ta dâng lên nhà vua một cây giáo đầu đã được tôi lửa và có mũi sắt.
- Cẩn thận anh ạ! - Marguerite kêu lên.
- Vào đi! Vào đi! - Quận chúa de Nervers kêu - Xin bệ hạ đừng đâm trượt nó! Bệ hạ đâm cho cái đồ vô đạo ấy một mũi ra trò vào!
- Cứ yên tâm, quận chúa! - Charles trả lời.
Và vừa lăm lăm tay giáo ông vừa lao con thú đang bị hai con chó giữ rịt và không thể tránh được cú đòn. Tuy nhiên, khi nhìn thấy mũi giáo sáng loá, nó cựa mình sang một bên và ngọn giáo đáng lẽ đâm vào ngực nó lại bị quằn đi khi đâm vào tảng đá con vật đang tựa vào.
- Bố sư khỉ! - Nhà vua hét lên - Trượt rồi… Giáo đâu? Giáo đâu?
Và vừa giật lùi lại như những kỵ mã thường làm khi họ lấy đà ông ném ngọn giáo bị hỏng ra cách mình mươi bước.
Một người dồn thú tiến lên dâng ông một ngọn giáo khác.
Nhưng cùng lúc đó, dường như con vật đoán trước số phận đang chờ đợi nó và muốn lẩn tránh nên với một cố gắng mãnh liệt nó giật đôi tai rách nát ra khỏi mõm lũ chó gộc và mắt ngầu máu, lông lá dựng ngược, xấu xí đến rùng rợn, thở phì phò như bễ lò rèn, răng đánh vào nhau, cứ thế nó chúi đầu lao thẳng tới con ngựa của nhà vua.
Là tay săn cừ nên Charles đã lường trước được sự phản công này. Ông giật cương cho ngựa chồm lên, nhưng ông tính lầm sức căng hoặc vì bị hàm thiếc thít chặt quá hoặc thậm chí có khi bị nỗi sợ hãi xâm lấn, con ngựa ngã vật ra đằng sau.
Tất cả những người đứng xem cùng kêu lên một tiếng kinh hoàng: con ngựa bị ngã còn nhà vua bị kẹp một chân dưới ngựa.
- Buông tay, xin bệ hạ buông tay ra! - Henri kêu lên.
Nhà vua buông cương ngựa, tay trái nắm lấy yên và cố dùng tay phải rút con dao săn, nhưng con dao bị thân hình ông đè lên, không ra được khỏi vỏ.
- Con lợn rừng! Con lợn rừng! - Charles kêu - Cứu ta, cứu ta với, d Alençon!
Trong khi đó con ngựa định thần lại, dường như nó hiểu được nỗi nguy hiểm của chủ, nó căng hết gân cốt và đã đứng dậy được trên ba chân thì Henri thấy François tái mặt đi một cách đáng sợ khi nghe vua anh gọi. Ông ta đưa súng lên vai, nhưng viên đạn đáng lẽ phải trúng vào con vật chỉ còn cách nhà vua có hai bước chân, lại bắn vỡ đầu gối con ngựa, khiến nó ngã gục mõm xuống đất. Cùng lúc đó, con lợn rừng đưa mõm giằng xé chiếc ủng của Charles.
- Ôi! - d Alençon lẩm bẩm bằng đôi môi nhợt nhạt - Ta nghĩ rằng quận công d Anjou sẽ là vua nước Pháp, còn ta sẽ là vua Ba Lan.
Quả thực, lúc con lợn rừng đã bắt đầu cào xé đùi Charles thì nhà vua cảm thấy có ai đó nâng tay mình lên, rồi ông thấy một lưỡi dao nhọn sắc lấp lánh đâm ngập lút tận cán vào điểm yếu trên vai con vật. Một bàn tay đi găng sắt gạt cái đầu lợn rừng đang thở đầy hơi khói dưới quần áo của ông.
Sau cử động của con ngựa, Charles đã rút được chân ra và nặng nề đứng dậy. Thấy mình bê bết máu, ông trở nên tái nhợt như xác chết.
- Tâu bệ hạ - Henri vẫn quỳ giữ con lợn rừng bị đâm trúng tim - Không sao hết. Tôi đã gạt hàm nó ra và bệ hạ không bị thương.
Rồi ông buông dao đứng dậy, con lợn rừng gục xuống máu từ mồm nó ộc ra nhiều hơn cả từ vết thương.
Cả đám người hồi hộp vây lấy Charles, những tiếng kêu kinh hoàng có thể làm choáng váng kẻ can trưởng nhất dội vào ông khiến cho có lúc ông suýt ngã xuống gần con vật đang gần chết. Nhưng ông tĩnh trí lại, quay về phía vua Navarre, ông nắm tay Henri và nhìn ông ta với ánh mắt xúc động đầu tiên trong cuộc đời hai mươi bốn tuổi của mình.
- Cám ơn! Henriot! - Nhà vua nói.
- Ôi anh! - d Alençon thốt lên khi tiến lại gần Charless.
- A, chú đấy hả, d Alençon? Thế nào, anh thợ săn cừ khôi, phát đạn của chú đi đâu rồi?
- Chắc là xuyên vào con thú rồi - Quận công đáp.
- Ê! Chúa ơi! - Henri thốt lên với vẻ ngạc nhiên giả vờ khéo léo - Nhìn xem kìa, Florence, viên đạn của anh bắn gãy chân con ngựa của hoàng thượng. Lạ thật!
- Sao? - Nhà vua hỏi - Thật à?
- Cũng có thể - Quận công sững người đáp - Tay tôi run quá!
- Florence, sự thật là đối với một tay săn cừ như anh, anh đã làm một phát lạ đấy - Charles cau mày nói - Một lần nữa, cám ơn Henriot! Các ngài, quay về Paris thôi, ta đủ rồi.
Marguerite tiến lại gần để khen ngợi Henri.
- A! Thế chứ, đúng đấy, Margot - Charles nói - Khen hắn đi và chân thành vào nhé, vì nếu không có hắn thì vua nước Pháp đã là Henri đệ tam(2) mất rồi.
- Tiếc thay, thưa bà! - Anh chàng Bearnais đáp - Quận công d Anjou vốn đã là kẻ thù của tôi, sẽ lại giận tôi lắm đấy. Nhưng biết sao được! Sức đến đâu thì làm đến đó thôi, bà cứ hỏi ông d Alençon mà xem.
Và ông cúi xuống rút con dao săn từ mình con lợn rừng, đâm vào đất vài lần để chùi máu.
Chú thích:
(1) Tiếng kêu để báo hiệu con thú đã cùng đường.
(2) Ý nói Henri d Anjou sẽ lên nối ngôi là Henri III
Chương 32: Tình anh em
Cứu Charles, Henri đã vượt ra ngoài việc cứu một người, ông đã ngăn cho ba vương quốc khỏi thay đổi chủ.
Quả thực, nếu Charles chết, quận công d Anjou sẽ trở thành vua Pháp, còn quận công d Alençon chắc chắn sẽ trở thành vua Ba Lan. Còn về xứ Navarre, vì quận công d Anjou là nhân tình của phu nhân de Condé nên hẳn là vòng vương miện Navarre sẽ được trả cho ông chồng vì sự dễ dãi của bà vợ.
Trong sự xáo động lớn lao đó, chẳng có gì tốt lành cho Henri cả ông chỉ đổi chủ, thế thôi. Và thấy rằng Charles là người vẫn còn dung thứ ông, ông lại phải thấy quận công d Anjou lên ngôi vua nước Pháp, mà ông này vốn dĩ rất tâm đầu ý hợp với bà mẹ Catherine, đã thề giết ông và chắc chắn sẽ giữ lời thề.
Tất cả những ý đó đã cùng nảy ra một lúc trong đầu ông khi ông thấy con lợn lòi lao xổ đến Charless IX. Và chúng ta đã thấy rõ kết quả sự suy tư nhanh như chớp này. Tính mạng ông đang gắn liền với tính mạng Charless.
Charles được cứu thoát bởi lòng tận tụy mà nhà vua khó lòng hiểu được nguyên do.
Nhưng Marguerite đã hiểu hết và nàng khâm phục lòng dũng cảm kỳ quặc của Henri vốn như tia chớp, chỉ lóe lên trong giông tố. Song điều không may vẫn còn? Thoát khỏi sự trị vì của quận công d Anjou chưa đủ, còn cần phải làm cho tự mình thành vua nữa. Cần phải tranh giành xứ Navarre với quận công d Alençon và ông hoàng Condé, nhất là còn cần phải rời bỏ cái triều đình này, nơi lúc nào ông cũng phải đứng chênh vênh như đứng giữa hai vực thẳm, nhưng việc rời bỏ nó phải được một hoàng tử Pháp hộ vệ.
Trên đường từ Bondy trở về, Henri đã suy nghĩ sâu xa về tình thế. Tới Louvre, kế hoạch của ông đã thảo xong.
Không tháo ủng, mình mẩy vẫn còn đầy bụi bặm và máu me như thế, Henri tới cung quận công d Alençon trong lúc ông này đang rất kích động, xoạc cẳng dạo những bước dài trong phòng.
Khi thấy Henri, ông hoàng phác một cử chỉ.
- Vâng, tôi hiểu - Henri vừa nói vừa nắm lấy hai tay quận công - Người anh em, anh giận tôi vì tôi là người đầu tiên khiến nhà vua để ý tới viên đạn của anh đã bắn vào chân ngựa của Người thay vì bắn vào con thú như anh định làm. Nhưng biết sao được? Tôi không thể kìm được tiếng kêu kinh ngạc. Vả lại, rồi nhà vua cũng sẽ tự nhận thấy thôi, phải không?
- Hẳn thế - d Alençon lẩm bẩm - Nhưng tôi chỉ có thể coi cái kiểu tố giác của anh là có dụng ý xấu, và như anh thấy đấy kết quả đã không phải gì khác hơn là đã khiến anh Charles nghi ngờ dụng ý của tôi và làm cho quan hệ giữa chúng tôi vẩn đục.
- Chúng ta sẽ bàn về việc đó sau. Còn về phần tôi có dụng ý tốt hay xấu đối với anh thì thế nào, tôi đã tự tới đây để xin anh xét đoán.
- Được, anh nói đi, tôi nghe - Quận công d Alençon nói với vẻ giữ gìn thường ngày.
- Khi tôi đã nói thì anh sẽ thấy rõ các ý định của tôi là thế nào, François ạ, vì lời tâm tình mà tôi thổ lộ với anh đây vượt ra ngoài tất cả những sự giữ gìn và thận trọng, và khi tôi nói xong thì chỉ một lời thôi anh cũng có thể khiến tôi nguy.
- Chuyện gì vậy kìa? - François bắt đầu nao núng.
- Tuy nhiên - Henri nói tiếp - Tôi đã do dự rất lâu trước khi nói với anh về cái điều đã đưa tôi đến đây, nhất là sau cái kiểu mà anh cố tình làm ngơ hôm nay.
- Quả thật tôi không hiểu, anh muốn nói gì. Henri? - François tái mặt.
- François ạ, tôi tha thiết với các quyền lợi của anh đến mức tôi phải báo với anh rằng những người Tân giáo đã cho tiến hành những cuộc vận động với tôi.
- Vận động à? Vận động gì?
- Một trong số họ, ông de Mouy , con trai của ông de Mouy can trường đã bị Maurevel ám sát, anh biết đấy…
- Đúng thế.
- Thế này, ông ta liều mạng đến báo với tôi rằng tôi đang bị cầm tù.
- A! Thật à? Thế anh trả lời ông ta thế nào?
- François, anh biết rằng tôi rất yêu quý Charles là người đã cứu sống tôi và Thái hậu đã thay thế mẹ tôi. Vậy nên tôi đã từ chối tất cả những sự mời mọc mà ông ta dành cho tôi.
- Thế những sự mời mọc đó là gì?
- Những người Tân giáo muốn tái lập lại ngai vàng xứ Navarre, và vì trên thực tế ngai vàng này theo thừa kế là thuộc về tôi nên họ dành nó cho tôi.
- Vâng, vậy là de Mouy đáng lẽ nhận được sự ưng thuận mà ông ta tới cầu xin anh thì đã lại nhận được sự từ chối của anh.
- Lời từ chối chính thức… thậm chí lại còn viết ra nữa. Nhưng từ lúc đó tới nay… - Henri tiếp tục.
- Anh hối hận rồi chăng, Henri? - d Alençon ngắt lời.
- Không, tuy nhiên tôi nghĩ là đã nhận thấy de Mouy, do bất bình với tôi, nên hướng những mục tiêu của mình về phía khác.
- Về đâu vậy? - François hấp tấp hỏi.
- Tôi cũng không biết. Có lẽ là về phía ông hoàng Condé.
- Ừ cũng có thể.
- Vả lại - Henri tiếp - Tôi có một cách rất chắc chắn để biết được người thủ lĩnh mà ông ta đã tự chọn.
François trở nên nhợt nhạt.
- Nhưng nội bộ những người Tân giáo bị chia rẽ - Henri vẫn tiếp tục - Dù can trường và trung thực đến mấy, de Mouy cũng chỉ là đại diện cho một phần trong phe. Bộ phận kia cũng không phải là không đáng chú ý, họ vẫn chưa mất hết hy vọng đưa được lên ngôi,cánh tay Henri de Navarre này mà sau những giây phút do dự ban đầu có thể nay đã nghĩ lại.
- Anh nghĩ thế ư?
- Ồ ngày nào mà tôi chẳng nhận được những chứng cớ.
Cái nhóm người đã theo chúng ta trong cuộc săn, anh có nhận thấy họ gồm những người như thế nào không?
- Có đó là những quý tộc cải đạo.
- Còn người thủ lĩnh nhóm đó đã ra hiệu cho tôi thì anh có nhận ra ai không?
- Có, đó là tử tước de Turenne.
- Vậy anh có hiểu họ đề nghị với tôi điều gì không?
- Họ đề nghị anh bỏ trốn.
- Vậy rõ ràng còn một phe nữa có mong muốn khác với điều ông de Mouy muốn - Henri nói trong lúc François bắt đầu tỏ ra lo lắng.
- Một phe nữa à?
- Vâng, và tôi xin nói với anh là phe đó rất mạnh cho nên để được thành công cần phải thống nhất hai phe nhóm của Turenne và de Mouy. Việc âm mưu đang được tiến hành, các đội quân đã được chỉ định, người ta chỉ còn đợi hiệu lệnh. Và trong tình huống tối hậu này đòi hỏi ở tôi một giải pháp nhanh chóng thì tôi lại phải xét tới hai quyết định mà tôi đang còn lưỡng lự. Nay tôi xin trình bày với anh về hai quyết định đó như là với một người bạn
- Anh cứ coi như là với một người anh em đi.
- Vâng, như với một người anh em - Henri lặp lại.
- Vậy anh nói đi, tôi nghe đây.
Trước tiên, tôi phải bày tỏ với anh về trạng thái tâm hồn tôi François thân mến ạ. Tôi không có mong muốn, không có tham vọng, không có năng lực nào. Tôi chỉ là một anh quý tộc quê mùa hiền lành, nghèo, ưa khoái cảm và rụt rè. Cái nghề làm người âm mưu chỉ cho tôi thấy trước những sự thất sủng mà dù cô nhìn thấy ngai vàng trước mắt cũng không bù lại được.
- A, Henri! Anh tự làm thiệt hại cho mình đấy. Thật đáng buồn cái cảnh một ông hoàng mà vận hạnh bị bó buộc bởi dòng phụ hệ hoặc bởi một con người trong sự nghiệp vinh quang.
- Tôi chẳng tin những điều anh nói đâu. Tuy nhiên, François ạ, những điều tôi nói với anh là thật đến nỗi nếu như tôi có một người bạn thực sự, tôi sẽ vì anh ta mà từ bỏ thế lực mà cái phe đảng quan tâm tới tôi muốn dâng lên tôi. Nhưng - Henri thở dài nói thêm - Tôi không có được người bạn như thế.
- Có thể có đấy. Chắc là anh nhầm.
- Không đâu! Quái thật! Trừ anh ra, François, tôi không thấy ai gắn bó với tôi cả. Thế nên thực tình tôi nghĩ thà báo cho đức vua về những điều đang xảy ra còn hơn là để cho cái ý đồ đến lúc thất bại với những sự xâu xé khủng khiếp sẽ phơi bày ra một người… vô hạnh nào đấy… Tôi sẽ không nói rõ tên ai, không nêu xứ sở lẫn ngày tháng, nhưng tôi sẽ báo trước tai hoạ.
- Chúa ơi! - François không kìm được nỗi kinh hoàng thốt lên - Anh nói gì vậy? Sao? Anh? Anh là niềm hy vọng duy nhất của phe Tân giáo từ khi đô đốc mất đi! Anh? Một người Tân giáo cải đạo, mà lại còn cải đạo rất dở nữa, ít ra là theo người ta bảo thế, anh lại kề dao vào cổ anh em mình ư? Ôi Henri, anh có biết rằng làm như vậy là anh đưa tất cả những người theo Calvin vào một ngày lễ Saint-Barthélémy thứ hai hay không? Anh có biết rằng Catherine chỉ mong có một dịp như thế để thanh toán nốt những kẻ nào còn sống sót hay không?
Quận công run rẩy, mặt ông vằn lên những vệt đỏ tái lẫn lộn, ông siết tay Henri để cầu khẩn ông này từ bỏ cái quyết định sẽ làm ông lâm nguy đó.
- Sao cơ - Henri nói với vẻ chất phác thật hoàn hảo - François, anh nghĩ rằng sẽ có rất nhiều bất hạnh đến thế kia - Tuy nhiên, tôi nghĩ là với lời hứa của đức vua, ông sẽ đảm bảo được cho tính mạng của những kẻ bất cẩn.
- Lời hứa của đức vua Charless IX ư, Henri? Ê này, đô đốc chẳng đã được hứa là gì? Và chính anh cũng chẳng đã được hứa là gì? Ôi, Henri, tôi xin nói với anh rằng, nếu anh làm như thế, anh sẽ giết họ cả nút. Không chỉ họ mà thôi đâu, mà cả những ai có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với họ nữa kia.
Henri tỏ ra suy nghĩ một lát:
- Nếu như tôi là một ông hoàng có thế lực ở triều đình chắc tôi sẽ hành động khác. Chẳng hạn, vào địa vị anh, François, hoàng tử Pháp, người thừa kế khả dĩ của ngôi báu…
François lắc đầu một cách châm biếm, rồi hỏi:
- Ở địa vị tôi, anh làm gì cơ?
- François ạ, ở địa vị anh, tôi sẽ đứng lên làm thủ lãnh phong trào để điều khiển nó. Tên tuổi và sự tín nhiệm vào tôi sẽ đảm bảo với lương tâm tôi về tính mạng của những kẻ phản loạn. Và trước tiên là tôi dành được phần lợi cho tôi, sau đó là cho đức vua, có lẽ thế, trong một công cuộc mà nếu khác đi sẽ có thể gây hại rất lớn cho nước Pháp.
D Alençon lắng nghe những lời đó với một niềm vui khiến cho tất cả thớ thịt trên gương mặt ông ta nở nang ra.
Anh nghĩ phương cách đó có thể thực hiện được không? - François hỏi - Và nó sẽ tránh cho chúng ta khỏi tất cả những tai hoạ mà anh tiên đoán ư?
- Tôi tin chứ, những người Tân giáo yêu quý anh: bề ngoài khiêm tốn của anh, địa vị cao và lại thế của anh, cuối cùng là lòng độ lượng mà anh vẫn thường tỏ ra đối với những người Tân giáo khiến họ hướng về phục vụ anh.
- Nhưng trong phe còn có chia rẽ, những người ủng hộ anh liệu có ủng hộ tôi không?
- Tôi xin chịu trách nhiệm lôi kéo họ cho anh vì hai lý do.
- Lý do gì?
- Trước hết là nhờ vào lòng tin của các thủ lĩnh đối với tôi, thứ nữa là nhờ vào sự e sợ của họ đối với điện hạ, khi Người đã biết tên họ…
- Nhưng những tên ấy thì ai tiết lộ cho tôi?
- Tôi chứ còn ai! Quái quỷ thật!
- Anh sẽ làm như thế à?
- François, anh nghe này, tôi đã nói với anh rằng tôi chỉ có yêu quý có anh ở trong triều - Henri tiếp tục - Chắc hẳn đó là vì anh cũng bị ngược đãi như tôi, với lại vợ tôi cũng yêu quý anh với một tình quý mến không gì sánh nổi…
François đỏ mặt lên vì hài lòng.
- Hãy nghe tôi, François ạ - Henri tiếp - Hãy nắm lấy việc này, hãy trị vì xứ Navarre. Và miễn là anh dành cho tôi một chỗ trên bàn ăn của anh và một khu rừng đẹp để đi săn thì tôi sẽ tự coi mình là kẻ sung sướng rất mực.
- Trị vì xứ Navarre! Thế nhưng nếu…
- Nếu quận công d Anjou được phong làm vua Ba Lan phải không? Tôi nói nốt hộ anh đấy.
François nhìn Henri với vẻ sợ hãi.
- Thế này, anh nghe đây nhé, François! Vì chẳng có gì lọt khỏi mắt anh được, và tôi suy luận chính là theo cái giả thiết đó: nếu quận công d Anjou được phong làm vua Ba Lan và anh Charles của chúng ta, lạy Chúa xin giữ gìn cho, băng hà thì từ Pau tới Paris chỉ có hai trăm dặm còn từ Cracovie tới Paris lại có những bốn trăm dặm. Vậy anh sẽ có mặt ở đây để đón nhận quyền thừa kế trong lúc đó thì vua Ba Lan mới chỉ được biết rằng ngai vàng trống chỗ thôi. Khi đó, nếu anh hài lòng về tôi, François ạ, anh sẽ ban cho tôi vương quốc Navarre ấy, nó sẽ chỉ là một bông hoa trang điểm cho vương miện của anh thôi, và như thế thì tôi chấp nhận. Điều tệ hại nhất có thể xảy đến với anh là ở lại làm vua nơi đó và xây một tổ ấm vương giả sống cùng với gia đình tôi. Còn ở đây thì anh là gì? Một ông hoàng nghèo bị ngược đãi, một hoàng tử con thứ ba đáng thương, đầy tớ của hai ông anh và chỉ một ý ngông cũng có thể đẩy anh tới ngục Bastille được.
- Vâng, vâng, tôi cảm thấy rõ điều đó, rõ ràng đến nỗi tôi không thể hiểu được việc anh từ bỏ cái kế hoạch mà anh đề nghị với tôi. Phải chăng tim anh không còn đập nữa?
Và quận công đặt tay lên tim ông anh rể, Henri mỉm cười bảo:
- Có những gánh quá nặng đối với một số người. Tôi sẽ không cố thử nhấc gánh đó lên. Nỗi e ngại mệt nhọc làm tiêu tan lòng mong muốn được sở hữu quyền lực của tôi.
- Vậy anh thực sự từ chối sao Henri?
- Tôi đã nói với de Mouy và nay tôi nhắc lại với anh.
- Nhưng Henri thân mến trong những trường hợp như thế này, người ta không nói mà phải chứng minh.
Henri thở hổn hển như một người đấu vật cảm thấy địch thủ đang đè lên mình. Ông nói:
- Tôi sẽ chứng minh. Tối nay, vào chín giờ, danh sách các thủ lĩnh và kế hoạch hành động sẽ có ở chỗ anh. Thậm chí tôi đã trao lời từ chối của tôi cho de Mouy.
François nắm lấy tay Henri và nồng nhiệt siết trong tay mình.
Vừa lúc đó Catherine bước vào mà không báo danh theo thói quen của bà.
- Ở bên nhau! - Bà mỉm cười nói - Quả thật là hai anh em thân thiết!
- Tâu lệnh bà, tôi mong được như thế!
Henri nói với vẻ rất bình tĩnh, còn quận công d Alençon lại tái mặt đi vì lo âu. Rồi Henri lùi lại vài bước để Catherine tự do nói chuyện với con trai.
Thái hậu rút từ trong túi đựng tiền của mình ra một vật trang sức tuyệt đẹp.
- Chiếc ghim cài này được làm tại Florence và ta ban cho anh để anh đeo ở dây đeo kiếm. - Rồi bà hạ giọng tiếp - Nếu tối nay anh nghe có tiếng động nào bên phòng ông anh Henri tốt bụng của anh thì chớ có cử động gì hết đấy.
François nắm tay Thái hậu và hỏi:
- Lệnh bà có cho phép con chỉ cho Henri xem món quà đẹp mà Người ban không?
- Cứ làm hơn thế cũng được, anh hãy nhân danh anh và ta mà tặng cho Henri, vì ta đã ra lệnh làm cho anh ta một chiếc rồi.
- Anh có nghe thấy không, Henri? - François hỏi - Mẫu hậu ban cho tôi đồ trang sức này và khiến cho giá trị của nó càng quý giá hơn bằng cách cho phép tôi tặng lại anh.
Henri xuýt xoa trước vẻ đẹp của chiếc ghim cài và ra sức cám ơn. Khi những lời trầm trồ khen ngợi của ông đã ngớt. Thái hậu nói:
- Con ạ, ta cảm thấy hơi khó ở và ta sắp đi nằm, anh Charles rất mệt vì ngã ngựa và cũng đi nằm. Vậy nên tối nay chúng ta không dùng cơm trong gia đình, mọi người sẽ dùng bữa tại nhà. À này! Henri! Ta quên mất chưa khen ngợi anh về lòng dũng cảm và khéo léo của anh, anh đã cứu vua và cũng là người anh của anh, anh sẽ được ban thưởng.
- Thưa lệnh bà, tôi đã được thưởng rồi! - Henri nghiêng mình đáp.
- Do cái ý thức khiến anh làm tròn nhiệm vụ của mình, thưởng như thế vẫn chưa đủ - Catherine tiếp - Hãy tin rằng chúng ta Charles và ta, chúng ta sẽ nghĩ đến việc có thể xoá được món nợ với anh.
- Thưa lệnh bà, tất cả những gì do lệnh bà và anh Charles thân yêu của tôi làm đều rất được đón mừng.
Henri cúi mình thi lễ rồi bước ra.
"A, ông em François của tôi ai! - Henri vừa bước ra vừa nghĩ - Bây giờ mình tin chắc là sẽ không ra đi một mình. Cuộc âm mưu vốn đã có hình hài này lại vừa tìm được một cái đầu với một trái tim. Tuy nhiên phải cẩn thận. Catherine ban quà cho mình: có trò ma mãnh gì đây. Tối nay mình phải mạn đàm với Marguerite mới được".
Nguồn: http://vnthuquan.org/