4/3/13

Kế hoạch hoàn hảo (C6-7)

Chương 6


Ngày làm việc của Oliver lúc nào cũng bận rộn. Những cuộc tiếp đãi chính trị, những đạo luật mới phải thông qua, các cuộc họp và những cuộc phỏng vấn báo chí không ngừng diễn ra. Tờ State Journal ở Frankfort, tờ Herald-Leaders ở Lexington và tờ Louisvill Courier-Journal luôn dành cho anh những bài viết sinh động và đầy hoa mỹ. Oliver nổi danh là một Thống đốc làm việc hiệu quả. Anh được tôn trọng trong giới thượng lưu xã hội, và anh biết nguyên do của nó: Vì anh đã cưới con gái Nghị sĩ Todd Davis.
Oliver rất thích sống ở Frankfort. Đây là một thành phố đẹp và có bề dày lịch sử. Nó nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi các ngọn đồi đầy cỏ xanh cảu Kentucky. Anh không biết sống ở Washington D.C sẽ như thế nào.
Những ngày bận rộn trải ra khắp tuần, và tuần trôi qua hết tháng, chẳng mấy chốc, Oliver đã ở năm cuối của nhiệm kỳ.
Oliver để Peter Tager làm thư ký báo chi cho mình. Đây là một sự lựa chọn tối ưu. Tager luôn làm vừa lòng giới báo chí, và với những giá trị đạo đức truyền thống, tao nhã như gia đình, tôn giáo mà ông thích nói đến, ông luôn đem lại cho những bữa tiệc một nội dung, một giá trị nào đó. Peter với một bên mắt mang băng đen giờ đây cũng nổi tiếng không kém gì Oliver.
Mỗi tháng ít nhất một lần, như chiếc đồng hồ luôn chạy đúng, Todd Davis lại bay về Frankfort để gặp Oliver.
Ông ta nói với Peter. "Ngày nào anh cũng phải coi xem Oliver có làm việc nghiêm chỉnh không nhé. Đừng để nó phí phạm thời gian vào những việc không đâu.
Vào một buổi tối lạnh lẽo của tháng mười, Oliver và Nghị sĩ Davis ngồi trong phòng đọc sách của anh. Hai người đàn ông cùng Jan vừa đi dự bữa tối tại nhà Gabriel về. Jan đã lên phòng riêng.
"Jan có vẻ hạnh phúc đấy nhỉ, tôi cũng lấy làm hài lòng, Oliver ạ".
"Con luôn cố gắng để Jan được hạnh phúc, thưa cha".
Nghị sĩ Davis nhìn Oliver và tự hỏi không biết thằng con rể này dùng căn hộ riêng kia bao nhiêu lần trong một tuần. "Nó yêu anh lắm đấy, con trai ạ".
"Con cũng yêu cô ấy." Giọng Oliver nghe cũng khá thành thục.
Nghị sĩ Davis mỉm cười. "Tôi rất vui mừng khi nghe anh nói vậy. Con gái ta đang chuẩn bị để trang trí lại Nhà trắng đấy".
Tim Oliver như thắt lại. "Con xin lỗi".
"Ô hay, thế ta chưa nói với anh hay sao? Bắt đầu rồi đấy. Tên anh đang nổi trội ở Washington. Chúng ta sẽ bắt đầu chiến dịch tranh cử ngày mồng một của năm tới".
Oliver gần như sợ sệt khi hỏi câu tiếp theo. "Cha có thực sự nghĩ rằng con sẽ may mắn không, Todd?"
"Cái từ may mắn nghe có vẻ cờ bạc quá nhỉ, và tôi lại không chơi cờ bạc, anh ạ. Tôi không hơi đâu dính dáng vào cái gì không chắc chắn cả".
Oliver hít một hơi thật sâu. Anh có thể là người quan trọng nhất trên thế giới. "Con muốn cha biết con đã cảm động đến nhường nào trước những gì cha làm cho con, Todd ạ".
Ngài nghị sĩ vỗ vai anh, tỏ vẻ thân mật. "Đấy là việc người ta phải làm để giúp con mình, không đúng sao?"
Cái từ con rể không bao giờ nhạt phai trong đầu Oliver.
Davis nói thật khoan thai. "Bên cạnh đó, Oliver ạ, tôi rất thất vọng vì Hội đồng Lập pháp của bang anh đã thông qua luật thuế đánh vào thuốc lá"
"Khoản thu nhập đó sẽ bù vào chỗ thiếu hụt trong ngân sách về thuế và của bang và...
"Nhưng chắc là anh sẽ phủ quyết nó".
Oliver chằm chằm nhìn ông ta, không hiểu. "Phủ quyết nó ư?"
Ngài nghị sĩ tặng anh con rể Thống đốc một nụ cười rất khiêm nhường. "Oliver này, tôi muốn anh biết rằng nếu tôi có đề nghị anh chuyện đó thì cũng chẳng phải tôi nghĩ cho bản thân tôi. Có rất nhiều bạn bè tôi đã đầu tư những đồng tiền, mà họ phải khó nhọc lắm mới kiếm ra được, vào các đồn điền thuốc lá. Và tôi không muốn thấy họ trơn vì cái thuế ấy của anh, anh có thấy không?"
Im lặng một lúc lâu.
"Anh có thấy không, Oliver?"
"Không", Oliver nói, "con thấy thế là không công bằng".
"Tôi công nhận. Tôi cũng thấy như vậy".
Oliver nói. "Con nghe nói cha đang định bán đồn điền thuốc lá, phải không ạ?"
Davis ngửng lên nhìn anh, vẻ ngạc nhiên. "Tại sao tôi lại muốn bán đồn điền thuốc lá của mình đi kia chứ?"
"Vì các công ty thuốc lá đang làm ăn thua lỗ, và..."
"Anh nói về nước Mỹ đấy, con rể ạ. Một đất nước có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới này. Chờ đến khi nào chiến dịch tranh cử của anh diễn ra ở Trung Quốc, châu Phi hay ấn độ nhé". Ông ta nhìn đồng hồ và đứng dậy. "Tôi phải quay vê Washington bây giờ, tôi còn có một cuộc họp ở đó".
"Chúc cha đi đường may mắn"
Nghị sĩ mỉm cười. "Cám ơn anh"
"Anh đến muộn nhé, anh yêu".
Hắn lao đến với cô. "Anh xin lỗi. Anh rất vui vì em chưa bắt đầu khi chưa có anh".
Cô ta mỉm cười. "Ôm em đi".
Hắn ôm cô vào lòng và siết chặt, thân thể mềm mại và ấm áp của cô làm người hắn nóng rực lên.
"Cởi quần áo đi anh, nhanh lên".
"Em có muốn cùng anh tới Washington D.C không?"
Miriam bật dậy. "Anh nghiêm túc đấy chứ?"
"Rất nghiêm túc. Có thể anh sẽ đến đó. Anh muốn có em ở bên anh.
"Nếu vợ anh phát hiện ra chuyện của chúng ta thì sao?"
"Cô ấy sẽ không biết đâu".
"Nhưng tại sao lại là Washington?"
"Anh không thể trả lời em câu hỏi đó lúc này tất cả những gì anh có thể nói bây giờ là mọi việc sẽ rất thú vị".
"Em sẽ đến bất cứ nơi nào mà anh muốn, chừng nào mà anh còn yêu em".
"Em biết là anh yêu em mà". Nhưng lời yêu thương buột ra thật dễ dàng, như mọi lần.
"Đến với em đi anh"
"Chờ anh một chút. Anh có cái này cho em" Hắn đứng dậy với lấy chiếc áo Jacket vắt trên chiếc ghế tựa. Và lôi trong túi ra một lọ nhỏ rồi đổ một ít chất lỏng trong đó ra ly.
"Thử đi em"
"Cái gì đấy anh?" Miriam hỏi.
"Em sẽ thích nó cho mà xem. Anh hứa đấy". Hắn ngửa cổ uống một nửa và đưa chỗ còn lại cho Miriam.
Miriam ngập ngừng, rồi làm một hơi hết sạch. Cô mỉm cười. "Không tồi".
"Nó sẽ khiến em thấy sung sướng hơn đấy".
"Ôi, em đã sung sướng lắm rồi. Lên giường đi anh".
Họ mê mải cuồng nhiệt, cho đến lúc Miriam chợt há hốc mồm và nói hổn hển. "Em... em không khoẻ". Cô ta bắt đầu quằn quại. "Em không thở được nữa". Mắt cô ta nhắm nghiền lại.
"Miriam". "Không có tiếng trả lời. "Miriam".
Cô ta nằm đó, không biết gì nữa.
Hắn đứng dậy và bắt đầu tính toán. Mình đã đưa thứ nước này cho hàng tá phụ nữ, nhưng mới chỉ một lần xảy ra sự cố. Mình phải cẩn thận mới được. Hắn đứng cạnh giường, nhìn xuống cô gái. Hắn thấy ngực cô vẫn phập phồng nhè nhẹ. Cô ta còn thở, lạy Chúa. Nhưng không thể để người ta thấy cô ta trong căn hộ này. Quá nguy hiểm đối với hắn. Hắn sẽ đặt cô ta ở đâu đó để người ta dễ tìm thấy và đưa vào bệnh viện. Hắn có thể tin rằng cô sẽ không nói ra hắn.
Hắn mất gần nửa tiếng để mặc quần áo cho Miriam và xóa đi dấu vết trong căn phòng. Hắn mở cửa và cẩn thận quan sát tứ phía rồi vác Miriam lên vai, đưa cô xuống tầng dưới và đặt cô vào ô tô. Gần nửa đêm, đường phố vắng tanh. Trời lất phất mưa. Hắn lái xe đến công viên Juniper Hill và khi chắc chắn là không ai nhìn thấy, hắn đưa Miriam ra khỏi xe, cẩn thận đặt cô lên một chiếc ghế đá. Hắn chẳng muốn để cô ở đó, nhưng không còn cách nào khác. Tương lai của hắn là tất cả.
Có một trạm điện thoại công cộng không xa chỗ đó. Hắn chạy tới và ấn số 911.
Jan vẫn thức đợi Oliver về. "Quá nửa đêm rồi. Điều gì khiến anh..."
"Anh xin lỗi, em yêu. Bọn anh đã có một cuộc tranh luận dài lê thê và chán ngắt về vấn đề ngân sách, và... mỗi người mỗi ý kiến khác nhau".
"Trông anh xanh quá," Jan nói, "anh chắc mệt lắm".
"Anh hơi mệt thật, em yêu ạ. "Oliver thừa nhận"
Cô mỉm cười vẻ gợi ý. Chúng mình lên giường đi?"
Anh hôn lên trán cô. "Anh thực sự cần một giấc ngủ. Cuộc họp tối nay đã đánh quỵ anh rồi".
Câu chuyện được đăng trên trang nhất của tờ Stale Journal ngay sáng hôm sau:
Thư ký của Thống đốc được tìm thấy bất tỉnh tại công viên
Vào hai giờ sáng nay, cảnh sát đã tìm thấy một phụ nữ bất tỉnh nhân sự, tên là Miriam Fried-land, đang nằm trên một ghế băng trong công viên dưới trời mưa. Cô đã được xe cứu thương đưa vào bệnh viện Memorial, tình trạng của cô còn đang là điều tranh cãi.
Khi Oliver đọc mẩu tin đó, Peter chạy sộc vào phòng anh, tay cũng đang cầm một tờ báo.
"Anh đọc chưa?"
"Rồi, kinh... kinh khủng quá. Báo chí đã gọi tới tấp sáng nay".
"Anh cho là chuyện gì đã xảy ra?" Peter hỏi.
Oliver lắc đầu. "Tôi không biết. Tôi vừa gọi điện đến bệnh viện. Cô ấy vẫn chưa hồi tỉnh. Họ đang tìm kiếm nguyên nhân của tình trạng này và sẽ cho tôi biết khi nào có kết quả".
Peter nhìn Oliver. "Tôi hy vọng rồi cô ấy sẽ ổn".
Leslie không được biết câu chuyện đó, nàng đang ở Brazil để mua một kênh truyền hình.
Điện thoại từ bệnh viện đến vào ngày hôm sau. "Thưa thống đốc, chúng tôi vừa kết thúc việc xét nghiệm. Miriam bị nhiễm chất Ecstasy. Cô ấy đã dùng nó ở dạng lỏng nên càng nguy hiểm hơn".
"Tình trạng Miriam bây giờ ra sao?"
"Chưa thể kết luận. Cô ấy vẫn đang hôn mê. Và có thể tỉnh dậy hoặc... ", anh ta ngập ngừng, "không bao giờ tỉnh dậy nữa".
"Làm ơn thông tin cho tôi nhé".
"Tất nhiên, thưa Thống đốc, chắc ngài lo lắng".
"Đúng vậy".
Oliver đang họp thì một cô thư ký bước vào.
"Xin lỗi ngài, có một cú điện thoại của ngài".
"Tôi đã bảo là không cắt ngang cuộc họp này cơ mà, Heather".
"Nghị sĩ Davis đang ở đầu dây bên kia ạ".
"ồ..."
Oliver quay lại phía cử toạ. "Xin lỗi các ngài sau vài phút chúng ta sẽ bàn tiếp".
Anh nhìn họ ra khỏi phòng. Khi cửa đã đóng lại, anh nhấc máy lên. "Cha ạ?"
"Oliver, có chuyện gì xảy ra với cô thư ký của con vậy?"
"Vâng, đúng là chuyện kinh khủng, con..."
"Kinh khủng như thế nào?"
"ý cha là gì ạ?"
"Anh biết tỏng ý tôi muốn hỏi gì".
"Todd, cha không nghĩ là... Con, con xin thề là con không biết chuyện gì xảy ra đâu".
"Ta hy vọng là vậy". Giọng nghị sĩ rắn lại. "Anh biết tiếng đồn bay đến Washington nhanh thế nào không, Oliver. Đó chỉ là một thành phố nhỏ của nước Mỹ. Chúng tôi không muốn có chuyện gì bất lợi xảy ra đối với anh. Chúng tôi đã sẵn sàng để chuyển chỗ cho anh rồi. Tôi rất, rất lấy làm phiền lòng nếu anh làm điều gì ngu ngốc".
"Xin thề với cha là con trong sạch".
"Hãy cố gắng mà giữ mình vậy".
"Vâng, con sẽ...", điện thoại đã đặt xuống.
Ta phải cẩn thận hơn. Không thể để bất cứ cái gì ngáng trở đường đi của mình. Anh liếc nhìn đồng hồ, rồi với lấy chiếc điều khiển từ xa, bật ti vi. Đang có chương trình thời sự. Trên màn ảnh là cảnh một đường phố hoang tàn, mấy bức tường lỗ chỗ đạn.
Một phóng viên nữ, trẻ, đầy vẻ hấp dẫn, trang phục như một người lính, tay cầm micro và nói. "Cuộc tấn công được phỏng đoán đã diễn ra vào lúc nửa đêm ngày hôm sau, nhưng dù với bất cứ lý do gì, chúng ta cũng không thể lấy lại cảnh thanh bình của những ngôi làng đã bị tàn phá và làm sống lại sinh mạng của biết bao nhiêu người dân vô tội đã ngã xuống trong cuộc khủng bố tàn nhẫn này.
Máy quay cận cảnh Dana Evans, một phụ nữ trẻ trung, đáng yêu, sôi nổi trong chiếc áo jacket và đôi ủng lính. "Mọi người đang đói khát và mệt mỏi. Điều duy nhất họ cần lúc này là hoà bình. Liệu nó có đến không? Chỉ có thời gian mới trả lời được chúng ta. Đây là chương trình phóng sự của Dana Evans từ Sarajevo cho đài truyền hình WTE, Tập đoàn viễn thông Washington Tribune". Chương trình chuyển sang mục thương mại.
Dana Evans là một phóng viên thường trú tại nước ngoài của WTE. Nàng có riêng một mục thời sự vào tất cả mọi ngày, và Oliver cố gắng không để mất một chương nàng. Dana là một trong những phóng viên kiêm phát thanh viên nổi tiếng nhất hiện nay.
Cô ấy trông thật tuyệt vời, Oliver nghĩ như vậy không chỉ một lần. Làm thế quái nào mà một cô gái xinh xắn hấp dẫn như thế lại phải có mặt ở một nơi vĩ như lò lửa chiến tranh ấy nhỉ?


Chương 7


Dana là con nhà lính có nòi, con gái của một vị đại tá huấn luyện, cuộc đời nay đây mai đó. Năm 11 tuổi nàng đã sống qua 5 thành phố lớn của Mỹ và 4 nước, từ Aberdeen của Maryland, pháo đài Benning ở Georgia, pháo đài Hood Leavenworth ở Kansas đến Monmounth ở New Jersey. Dana từng học tập tại các trường dành cho con gái của các sĩ quan như trường Zama ở Nhật Bản, Chiemsee ở Đức, Darby ở Ýù và Buchanan ở Puerto Rico...
Dana là con một. Bạn bè của nàng là đám quân nhân và gia đình họ, cùng sống trong khu trại với gia đình nàng. Dana sớm tinh khôn, vui vẻ và nhanh nhẹn, nhưng mẹ lại lo lắng về việc Dana không có một tuổi thơ bình thường.
“Cứ 6 tháng lại chuyển nhà một làn như thế này thò thật khổ cho con, con yêu.” Mẹ nàng thường nói.
Dana nhìn mẹ ngạc nhiên. “Tại sao hả mẹ?”
Cứ mỗi lần ông bố chuyển đến đơn vị mới, Dana đều bị mẹ dọa. “Chúng ta lại sắp dọn nhà rồi đấy.” Không nói ra, nhưng nàng rất đỗi vui mừng.
Dana thích di chuyển bao nhiêu thì mẹ nàng lại ghét bấy nhiêu.
Khi Dana 13 tuổi, mẹ bảo. “Mẹ không thể sống như cái bọn du thử du thực thế này mãi được. Mẹ sẽ ly hôn.”
Dana hoảng hốt khi nghe mẹ nói. Nàng không quá buồn về chuyện bố mẹ ly dị, nhưng lại sợ mình không còn được theo bố đi chu du khắp nơi như trước nữa.
“Chúng ta sẽ sống ở đâu hả mẹ?”
“Ở Claremont, California. Mẹ đã được sinh ta và lớn lên tại đó. Đấy là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, con sẽ thích cho mà xem.”
Mẹ Dana nói đúng về việc Claremont là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, nhưng đã sai khi nói là Dana sẽ thích nó. Claremont nằm dưới chân dãy San Gabriel ở Los Angeles County, với dân số khoảng 33 000 người. Đường phố đầy những dãy câyxanh đáng yêu. Claremont có một trường tiểu học công. Dana ghét nó lắm. Đang sống như dân du mục phải trói chân ở một thị trấn nhỏ tí thế này, nàng cảm thấy gò bó ghê gớm.
“Mình sẽ sống ở đây mãi mãi hả mẹ?” Dana hỏi.
“Ừ, nhưng sao hả con yêu?”
“Bởi vì nơi đây quá nhỏ với con, con thích sống ở tthành phố lớn cơ.”
Vào ngày đầu tiên Dana đi học, nàng về nhà với vẻ rất thất vọng.
“Chuyện gì vậy hả con gái? Con không thích trường đó à?”
Dana thở dài. “Trường thì ổn, nhưng nhiều trẻ con quá.”
Mẹ phá lên cười. “Thì là trường tiểu học mà. Và con cũng vậy. Con đã lớn với ai đâu.”
Dana học tiếp ở trường trung học của Claremont và trở thành phóng viên báo Wolfpacket, tờ báo của trường. Nàng phát hiện ra mình thích công việc làm báo, nhưng nàng vẫn nhớ cuộc sống du mục trước đây đến cồn cào ruột gan.
“Khi nào con đủ lớn,” Dana nói, “con sẽ lại đi vòng quanh thế giới.”
Năm Dana 18 tuổi nàng ghi tên vào trường đại học McKenna của Claremont, khoa báo chí, và trở thánh phóng viên cho tờ báo của trường, tờ Forum. Năm sau, nàng đã là biên tập của tờ báo.
Các sinh viên đến chỗ nàng để đề nghị những chuyện đại loại như: “Tuần tới, khoa bọn tớ tổ chức đại hội. Dana ạ, bạn có thể đưa chuyện đó lên báo...”
“Câu lạc bộ tớ có cuộc họp vào thứ ba tuần này...”
“Bạn có thể cho đăng lại ngày tập hợp của câu lạc bộ bi kịck không...”
“Chúng tớ cần tăng quỹ cho thư viện mới...”
Những chuyện như vậy không bao giờ hết, nhưng Dana vô cùng thích thú. Nàng thích được ở cái vị trí có thể giúp đỡ được người khác. Vào năm thứ hai đại học Dana quyết định sẽ theo nghề báo chí.
Nàng nói với mẹ. “Con thích đi phỏng vấn những người quan trọng trên toàn thế giới, nó cũng giống như việc giúp ai đó làm nên lịch sử.”
Hồi niên thiếu, mỗi lần nhìn vào gương, Dana lại cảm thấy thất vọng ghê gớm. Quá lùn, quá gầy, quá lép kẹp. Tất cả bọn con gái trong trường đều có một vẻ gì đó xinh đẹïp, trừ nàng. Mình giống như một con viẹt xấu xí trong một đàn thiên nga. Nghĩ vậy, Dana quyết định sẽ không nhìn vào gương nữa. Nếu chăm chú soi gương như cũ, Dana sẽ thấy khi 14 tuổi, thân thể nàng mới bắt đầu phát triển. Năm 16 tuổi nàng đã trở nên rất khêu gợi. Khi Dana 17 tuổi, các chàng trai bắt đầu theo đuổi nàng một cách nghiêm túc. Có cái gì rất thôi thúc ở khuôn mặt hình trái xoan, đôi mắt mở to, và nụ cười giòn tan của nàng thì vừa đáng yêu vừa như thách thức.
Ngay từ năm 12 tuổi Dana đã biết mình muốn được mất đi sự trinh trắng như thế nào. Đó sẽ là một đêm trăng sáng, thật đẹp, trên một hòn đảo nhiệt đới xa đất liền, với những con sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ và tiếng nhạc văng vẳng, êm dịu từ xa vọng tới. Một người lạ mặt, thật đẹp trai và từng trải sẽ ôm lấy em, nhìn sâu vào trong mắt em, thấu vào tận tâm hồn em. Anh sẽ chỉ ôm lấy em mà không nói bất kỳ lời nào, đưa em tới một gốc cây cọ. Hai người sẽ cởi bỏ quần áo và làm tình với nhau trong tiếng nhạc dìu dặt vọng đến.
Dana đã mất đi sự trinh trắng tại ghế sau của một chiếc xe Chevrolet, sau cuộc liên hoan ở trường, với một cậu bạn cùng lớp, gầy gò, tóc đỏ tên là Richard Dobbins, người cùng làm tờ Forum với nàng. Cậu ta tặng Dana chiếc nhẫn và một tháng sau, chuyển nhà tới Milwaukee cùng gia đình. Dana không bao giờ còn nghe nói gì về cậu ta nữa.
Một tháng trước khi lấy bằng B.A. môn báo chí, Dana đến tòa soạn của tờ báo địa phương, tờ Claremont Examiner, xin làm phóng viên.
Người đàn ông ở bàn dân sự nhìn qua bản lý lịch của nàng. “Cô đã từng làm biên tập của tờ Forum?”
Dana cười nhũn nhặc. “Đúng vậy.”
“Được thôi, cô may mắn đấy, chúng tôi đang cần người nên sẽ cho cô thử.”
Dana vui mừng, nàng đã chuẩn bị sẵn tên một loạt nước mà nàng muốn đến viết bài: Nga này... Trung Quốc... châu Phi...
“Tôi biết là mình sẽ không được cử ngay là phóng viên thường trú tại nước ngoài, nhưng, sau khi...”
“Được, cô sẽ bắt đầu ở đây với vị trí của một người thực tập. Cô sẽ lo cho các biên tập viên được uống cà phê vào buổi sáng. Bọn họ đều thích cà phê đặc đấy. Rồi cô đem những bản copy đến phòng sắp chữ...”
“Dana trừng trừng nhìn ông ta. “Tôi không thể...”
“Cô không thể làm sao?”
“Tôi không thể nói với ông là tôi mừng như thế nào khi được nhận vào đây.”
Tất cả mọi người đều khen Dana pha cà phê ngon, và là người chạy việc cừ nhất mà họ từng có. Tất cả mọi ngày, nàng đều đến tòa soạn từ rất sớm và làm bạn với tất cả mọi người. Nàng luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Nàng biết dó chính là cách tốt nhất để đến đích nhanh nhất.
Vấn đề là 6 tháng sau Dana vẫn chỉ là một thực tập sinh. Nàng tới gặp Bill Crowell, tổng biên tập.
“Tôi cho là mình đã sẵn sàng.” Dana nói thẳng thắn. “Nếu ông có thể giao cho tôi một công việc, tôi sẽ...”
Ông ta không buồn ngẩng lên nhìn cô. “Vẫn còn chưa đến lúc. Cà phê của tôi nguội rồi đây này.”
Thế là không công bằng, họ không cho mình lấy một cơ hội. Dana đã đọc được ở đâu đó một lời khuyên và nàng rất tin vào nó. “Nếu có cái gì đó chặn bạn lại, hãy mặc kệ nó.” Phải, sẽ không gì chặn được ta cả, không có gì. Nhưng ta phải bắt đầu thế nào đây?
Một buổi sáng, khi Dana mang cà phê đi qua phòng nhận tin còn vắng tanh, một dải giấy đang đùn từ trong máy ra. Tò mò, Dana bước vào và đọc nó.
ASSOCIATES PRESS – CLAREMONT,
CALIFORNIA. TẠI CLAREMONT, SÁNG
NAY, CÓ MỘT VỤ ĐƯỢC PHỎNG ĐOÁN
LÀ BẮT CÓC. MỘT CẬU BÉ SÁU TUỔI
ĐÃ BỊ MỘT NGƯỜI LẠ MẶT MANG ĐI...
Dana đọc hết bản tin nhắn, mắt mở to. Nàng hít một hơi thật sâu, ngắt đoạn giấy đó ra khỏi máy và đút vào túi. Không ai nhìn thấy.
Dana chạy vội về phòng làm việc của Bill Crowell, thở hổn hển. “Ông Crowell, sáng nay ai đó đã bắt cóc một cậu bé ở Claremont. Hắn hứa cho cậu bé cưỡi ngựa. Đầu tiên, cậu bé nói thích kẹo. Tên bắt cóc đã đưa cậu đến một cửa hàng bánh kẹo. Người chủ cửa hàng nhận ra cậu bé và gọi cảnh sát, tên bắt cóc đã lủi mất.”
Bill Crowell xốn xang. “Thế mà máy nhận tin lại không có tin này. Làm sao cô biết được?”
“Lúc đó tôi... tôi ngẫu nhiên có mặt tại cửa hành bánh kẹo ấy. Họ đang nói về chuyện đó và...”
“Tôi sẽ cử phóng viên đến đó ngay.”
“Sao ông không để tôi đi?” Dana nói dồn dập. “Người của cửa hàng quen tôi, ông ấy sẽ kể hết với tôi.”
Bill nhìn nàng một lúc rồi đáp một cách miễn cưỡng. “Thôi được.”
Bài phỏng vấn người chủ cửa hàng bánh kẹo của nàng được đăng trên trang nhất tờ Claremont Examiner vào ngày hôm sau đã được độc giả đánh giá cao.
“Cũng không tồi lắm,” Bill Crowell nói với nàng, “không tồi chút nào.”
“Cám ơn.”
Khoảng gần một tuần sau đó, Dana lại một mình lân la tới phòng nhận tin. Lần này, cũng có một câu chuyện đến từ Associated Press:
PONOMA, CALIFORNIA: HUẤN LUYỆN
VIÊN JUDO NỮ BẮT GIỮ KẺ HIẾP DÂM.
Tuyệt vời. Dana lại xé phần giấy đó nhét vào túi áo và vội vàng chạy đến chỗ Bill Crowell.
“Cô bạn học cùng lớp vừa mới gọi điện cho tôi,” Dana hào hứng nói. “Cô ấy nhìn qua cửa sổ và thấy một phụ nữ đang khóa tay một kẻ có vẻ như muốn cưỡng hiếp bà ta. Tôi sẽ đi phỏng vấn vụ này. Ông cho phép chứ?”
Crowell nhìn nàng một lúc. “Đi đi.”
Dana lái xe đến thẳng Pomona phỏng vấn người nữ huấn luyện viên kia. Câu chuyện của nàng một lần nữa lại được đăng trên trang nhất.
Bill Crowell hỏi Dana khi nàng bước vào phòng làm việc của ông ta. “Cô có muốn ;à một kẻ săn tin chuyên nghiệp không?”
Dana run lên. “Thật là tuyệt.” Nó bắt đầu rồi đây. Nàng nghĩ. Sự nghiệp của mình cuối cùng cũng đã bắt đầu.
Ngày hôm sau, tờ Claremont Examiner được bán cho Tập Đoàn Viễn Thông Washington Tribune ở Washington D.C.
Khi cái tin này loang ra, hầu hết các nhân viên của tờ Claremont Examiner đều thở ngắn than dài. Sẽ không tránh khỏi dược một cuộc thu hẹp nhân sự và điều đó có nghĩa là một vài người trong số họ sẽ mất việc. Dana không nghĩ như vậy. Mình sẽ làm việc cho Washingtin Tribune, nàng nghĩ, và điều suy nghĩ logic tiếp theo là, tại sao mình không đến làm việc tại trụ sở chính của nó?
Nàng vào phòng làm việc của Bill Crowell. “Tôi muốn đi xa khoảng 10 ngày.”
Ông ta nhìn nàng, tò mò. “Dana, hầu hết mọi người ở đây còn không dám đi vào phòng tắm vị sợ khi quay lại sẽ mất bàn làm việc. Cô không sợ điều đó ư?”
“Tại sao tôi lại phải sợ? Tôi là phóng viên giỏi nhất ở đây.” Nàng nói với vẻ tự tin. “Tôi sẽ đi kiếm cho mình một chỗ ở Washington Tribune.”
“Cô nói nghiêm túc đấy chứ?” Ông ta nhìn vẻ mặt nàng. “Phải, cô nói nghiêm túc.” Ông ta gật đầu. “Thôi được, cô thử gặp Matt Baker đi, ông ấy là một trong những người phụ trách của Tập Đoàn Washington Tribune đấy. Nó bao gồm mấy tờ báo, các trạm truyền hình, radio và rất nhiều thứ nữa...”
“Matt Baker, được.”

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/