1/3/13

Kim Đồng (C5)

Chương 5


Vào những ngày cuối năm ấy, đồn bốt khắp châu nhụng nhặng hẳn lên. Vùng Đạo Ngạn, Nà Giàng có lính của đội Tam, vùng Sóc Hạ thì tổng đoàn Kim. Cả chúa đất Giúng Páo trên vùng Mèo ở Phia Viêng cũng theo Tây đi gác. Chúng phao tin sẽ đem lính Mọi "ăn thịt người" vào Hà Quảng. Nhưng mới chỉ thấy hai đại đội lính khố
đỏ và cả lính da đen đóng ở Sở Ngựa dưới Nước Hai và ngoài tỉnh lỵ Cao Bằng kéo thêm vào, đóng rải qua Kéo Yên xuống Sóc Giang.
Trong khi ấy, đoàn thể mở ngày hội văn hóa toàn châu ở ngay bản Hồng. Ban Việt Minh tỉnh và báo "Việt Nam độc lập" đem cờ tặng Đại hội. Lại có phụ nữ hội viên các làng về làm bánh bán lấy tiền treo giải thưởng cho người học giỏi. Có súng canh gác ở Keo Giá. Mấy trăm đại biểu các xã về dự. Thi làm toán, thi đọc "Ngũ tự kinh" và "Lịch sử nước ta"(1), thi bắn súng, thi hát, lấy dây rừng xếp chữ, rồi biểu diễn thể thao kéo co, chồng người.
Đội của Kim Đồng được đi hội, học thêm được nhiều bài hát mới, về kể mãi chuyện không hết.
Cán bộ xuôi ngược khắp nơi. Anh Phục Quốc, anh Bát Ngư đi Nam tiến. Trên đất nước, chỗ nào cũng có người đi. Càng nhiều công tác, cán bộ càng qua lại nhiều. Đội của Kim Đồng mê mải làm giao thông suốt đến áp Tết. Có khi đi xa tận Phù Ngọc.
Hôm ấy, Kim Đồng lên núi vác dó về sớm rồi xuống Hòa Mục đưa cán bộ lên. Bây giờ, Kim Đồng đã là anh em với các bạn dưới ấy.
Đấy cũng có đội thiếu nhi. Nhiều lần, Kim Đồng đã tập hát cho các bạn. Cả đêm mưa, nước lầy lội trắng cánh đồng.
Chắc đường mưa chẳng gặp ai. Tuy vậy, vẫn nhớ những điều cần khi đi công tác. Trong túi đeo, Kim Đồng có bát gạo và cái áo cũ. Chiếc áo rách để trèo núi vác dó, vừa cởi ra, bỏ luôn vào đấy. Đi tìm then, tìm mo về cúng cho người ốm phải đem theo cái áo của người ốm và bát gạo để nhà thầy thắp hương bói quẻ. Lệ xưa nay vậy.
Anh cán bộ đi cách xa Kim Đồng. Đã dặn nhau trước đến quãng nào có tiếng thác đổ khó báo tin hoặc gặp đường quanh mới đi gần lên một chút. Đi đường phải cẩn thận thế.
Vừa tạnh mưa, bắt đầu quang sương. Trên lưng núi, nương thuốc phiện của người Mèo, người Nùng đã nở hoa, như những đàn bướm li ti bay trong bụi phấn. ở những tràn ruộng xâm xấp nước trước mặt, đàn vịt nhà ai ra chạy lạch đạch quanh những chân cầu lợp, cái cối nước tất cả quay suông, chẳng rúc tìm được hạt thóc nào.
Vừa một quãng, gặp châu đoàn, Thế mà ngỡ đường vắng ! Châu đoàn cưỡi ngựa, thu mình trong cái áo dạ xám. Người lính dõng chạy sau, nghe không hiểu chân người hay chân ngựa, bì bọp trong bùn. Xem cách đi, Kim Đồng đoán không phải đi tuần. Châu đoàn đi đánh bạc về, hay có việc lên đồn đêm qua, ngủ lại châu, bây giờ về sớm. Nhưng nghề nó như con chó ngứa răng, thấy người thì sủa, châu đoàn dừng ngựa lại, hỏi :
- Mày đi đâu ?
Thế là Kim Đồng kêu tướng lên :
- Trời ơi ! Quan châu đoàn đừng đánh tôi... đừng đánh tôi...
- Tao đã đánh mày đâu. Mày vu vạ cho quan à ?
Kim Đồng quay lại, đã thấy biến mất anh cán bộ. Bấy giờ Kim Đồng mới nói bình thường, khe khẽ :
- Không, không...
- Đi đâu ? Đi Việt Minh à ?
- Tôi đi hỏi ma cho mẹ ốm.
Châu đoàn bảo người dõng lôi cái túi trên vai thằng bé xuống xem có gì ở trong. Trong túi có bát gạo và cái áo rách. Thật nó đi gọi then. Mà phải, ở Bản Vàng có cô then(2) hay. Thế là ngựa châu đoàn lại co cổ cất vó lội bùn đi.
Kim Đồng thong thả nhìn lại. Anh cán bộ nấp trong bụi lau bờ suối. Tiếng ngựa châu đoàn đã xa hẳn. Kim Đồng huýt sáo như chim hót làm hiệu rồi lại vội vội đi lên trước.
Về đến Nà Mạ, chưa quá buổi cơm trưa.
Bắc Lạng, ra bí mật trước Cách mạng tháng Tám, 1945 do Bác Hồ sáng lập và viết bài.
Hôm sau, có gói tài liệu to. Cả tập báo Việt Nam độc lập(2) vừa đến. Cần đi ngay. Không thể nhét tập báo vào đốt cần câu. Cũng không cầm tay được. Bàn nhau xong, anh Ngư Mạn và Kim Đồng cùng đi.
Anh Ngư Mạn mặc cái áo rách nhem nhuốc, như người đi phu về. Gói tài liệu bọc lá dong, hệt chiếc bánh tày Tết, Kim Đồng treo trên túi vai.
Thường thì buổi trưa dễ đi. Lúc ấy, lính tuần đã tạt vào đâu cơm rượu và ngả lưng rồi. Đã trông thấy con suối đến chỗ ấy lượn nghiêng, ánh mặt nước, cái cầu cong vênh một bên. Trong cầu, không thấy ai. Tuy vậy, Kim Đồng vẫn chăm chú nhìn anh Ngư Mạn đi đằng trước.
Anh Ngư Mạn bỗng ngã chúi người. Như vấp hòn đá. Báo động rồi. Kim Đồng nhìn sang bên kia cầu, thấy áo vàng, nón chóp nhảy đến, xúm lại, vừa quát vừa khám, vừa chửi anh Ngư Mạn. Dáng hẳn bọn này đi quá buổi, chưa cướp được cái gì vào bụng, càng cáu gắt hơn.
Anh Ngư Mạn phải cởi trần cả cái áo rách cho nó khám. Bên đường, Kim Đồng đến đứng im lặng, chăm chú nhìn bọn lính đương khám anh. Kim Đồng đứng xem. Trên vai, vắt cái túi không. Anh Ngư Mạn nghĩ khen thầm. Kim Đồng gan đến thế.
Một lính quay ra hỏi :
- Mày đi đâu ?
Kim Đồng cười lửng lơ, không đáp. Bọn kia rối rít :
- Mặc kệ nó ! Đói sắp chết đây ! Đi thôi.
Rồi chúng bồn như trâu chạy về phía trước. Anh Ngư Mạn vào trong cầu, vờ ngồi nghỉ.
Anh lấy cái bật sừng trâu, kéo một cái, lấy lửa. Anh đốt sưởi. Kim Đồng lẳng lặng đến bên anh. Kim Đồng khỏa xuống mặt nước rửa chân bùn lấm. Anh Ngư Mạn hỏi :
- Tài liệu đâu ?
Kim Đồng trỏ vào rệ cỏ. Kim Đồng ra nhặt gói báo to như cái mo, lại bỏ vào túi đeo lên vai. Hai anh em, cách nhau một quãng, lại đi.
Cuối tháng giêng, cái Tết chỉ còn phảng phất. Chẳng còn bánh nếp, thịt lợn, chẳng còn gì. Chỉ còn tiếng hát. Dù trong cảnh ngặt nghèo, vẫn có tiếng hát và niềm mong ước. Trai gái các làng đi từng đám như hội. Trong những chiếc cầu lợp vắt qua các làng hai bên suối Pác Bó, người ngồi đợi nhau đi hội rồi vừa đi vừa hát. Cho đến đêm thì tụ về các nhà then. Và, bao giờ cũng vậy, then hát đến đoạn kể Sa Dạ, Sa Đồng vượt biển xa xôi, nhiều người già cũng đến nghe. Tưởng như tiếng hát đương kể vào kiếp làm con người khổ cực. Cái khổ được kể ra, nước mắt rơi xuống. Năm nay, ở nhiều đám then, có người về hát bài then cách mạng... Trang thiên hạ mì hả ăn châu... Trong thiên hạ có năm châu: Mỹ, úc, Œu, Phi và á ... Người nô nức đến nghe thật đông. Lạ thật, đời người thay đổi đến nơi rồi.
Thanh Thủy sang rủ Kim Đồng :
- Đêm mai sang Đạo Ngạn xem then nhé.
Cả bọn cùng đi.
Kim Đồng ngồi trong cửa sổ nhìn xuống. Thanh Thủy mặc như cô gái lớn. Tuy cái áo dài thì cũ, đã ngắn, nhưng chiếc thắt lưng mới, dấu chàm nhuộm còn xanh trên hai bàn tay, đầu thắt lưng ngoắt như hai sừng bò vắt vẻo đằng sau. Chít khăn, đầu ngôi mượt rẽ giữa, lại đội nón. Ngày Tết, ai cũng ra vẻ đấy. Kim Đồng thấy náo nức đi với Thanh Thủy.
Nghe rõ rồi nhưng Kim Đồng còn hỏi đùa:
- Đi đâu ?
- Đi xem then bên Đạo Ngạn.
- Có hội văn hóa nữa thì thích nhỉ. Chỉ muốn đi hội văn hóa, học thêm bài hát mới.
Thanh Thủy nói :
- Nghe nói then bên ấy cũng có người về hát bài cách mạng.
Rồi lại hỏi :
- Mai có đi không ?
Kim Đồng lặng im rồi nói :
- Các bạn đi thôi.
Thanh Thủy cau mặt :
- Sao thế ?
Kim Đồng ra thang, xuống trước mặt Thanh Thủy, rồi nói khẽ :
- Anh mình đi công tác rồi, Tết này mình không muốn vắng nhà cách đêm. Mẹ ở nhà mong.
Thanh Thủy nghe ra, nói :
- Chặp tối về thôi mà.
Kim Đồng lại nói :
- Anh Đức Thanh bảo mai tổ ta gác.
- Ai gác thì người ấy ở nhà. Họp tổ bảo thế rồi.
Kim Đồng bàn :
- Thôi các bạn cứ đi xem then.
Thanh Thủy băn khoăn :
- Thế thì Thanh Thủy cũng ở nhà.
- Sao không đi ?
- Không muốn đi nữa.
Hôm sau trong xóm có cuộc họp, anh Đức Thanh đã bảo.
Không biết họp gì, người các nơi về đợi từ đêm.
Có cả các chị. Ai cũng quần áo mới, như đi chơi Tết, như người vào xóm tìm đám then.
Nhưng Kim Đồng trông mặt biết không phải người chơi. Các anh các chị cách mạng đều có vẻ khác, hai con mắt nhìn chăm chú, tươi cười. Rồi Kim Đồng qua mấy nhà, biết thêm:
nhiều người có súng, có dao dài. Biết thế nào ! Hay đội tự vệ sắp ra đánh đồn Sóc Giang.
Có tiếng đồn ở Khuổi Ngược dưới châu Nguyên Bình có một bọn lính vào dỡ nhà làm bốt giữa xóm. Được mấy hôm, người ta lấy củ nâu trắng giã nhỏ thả xuống máng nước, bốt lính uống nước đều đau bụng kêu cha kêu mẹ, phải cút hết. Từ đấy, lính đi tuần cả châu phải đeo lọ nước sau đít, không dám uống nước máng trong xóm. Các anh còn kể chuyện ở nhiều nơi, Việt Minh đã chiếm được lô cốt. Có nơi lính đồn giết Tây, đi theo cách mạng. Kim Đồng nghe, thèm hỏi, mà không dám hỏi. Giá anh Phục Quốc có nhà thì hỏi rồi.
Từ sớm, Kim Đồng ra ven đường, tìm cái dây mõ báo động xem chỗ nào đứt sửa lại. Từ mùa lũ năm ngoái, không giựt mõ. Mảnh dây bìm phơi khô rồi nối, bền quá, không đứt. Kim Đồng lại kiếm cái đạc trâu đem buộc vào đầu cành nhãn, ngay dưới mái nhà. Nghe thử, anh Đức Thanh bảo : mõ kêu to đấy. Rồi Kim Đồng xua dồn đàn vịt ra khoảng ruộng ven đường bờ suối. Chẳng thiếu việc, lúc vịt mải đi rúc đằng xa. Kim Đồng trèo lên cây vối, mở giấy ra học bài, học hát. Cành vối che kín hai bên, như ở cái cửa tò vò nhìn ra. Người phía nào đi tới cũng trông thấy được tận đằng xa.
Suốt ngày, dập dìu người đi qua ngoài đường. Mới trông cũng giật mình tưởng lính tráng về làng. Nhưng rồi quen mắt, biết là người vào các xóm tìm xem nốt mấy chuyến hát then cho tròn tháng giêng. Quần áo mới của ai cũng thẫm hơn màu chàm núi. Có tiếng cười. Tiếng hát đằng xa, như nước mưa mới ở khe đá róc rách. Sốt ruột đấy. Thế nào mai cũng rủ cả bọn đi Đạo Ngạn nghe bài then cách mạng một hôm.
Anh Đức Thanh đến nhà lúc chặp tối, Kim Đồng hỏi ngay :
- Mai còn họp không, anh Đức Thanh à ?
Anh cười :
- Nóng ruột muốn đi hội rồi, phải không?
Bây giờ có việc cần lắm, Kim Đồng ạ.
- Việc gì thế ?
- Có thư về Pác Bó.
- Em đi cho.
- Mai em còn gác.
- Để Thanh Thủy gác cũng được.
- Bọn nó đi xem then rồi.
- Không, Thanh Thủy bảo nó ở nhà, hôm nào hết gác thì cùng đi.
- à...
Kim Đồng hỏi :
- Em đi Pác Bó, Thanh Thủy gác thay em được không ?
- Được.
Kim Đồng sang nhà Thanh Thủy. Trời tối. Kim Đồng đến dưới gầm sàn. Củi nổ lách tách trên bếp. Đứng im một lát, nghe cũng biết ai trên nhà ngồi chỗ nào. Tiếng Thanh Thủy cười đùa với các em bên ánh lửa, ngay trên đầu Kim Đồng. Chỉ việc giơ tay gõ khẽ lên xà ngang thì Thanh Thủy biết hiệu.
Kim Đồng gõ ba tiếng. Rồi chép miệng như con mối bắt muỗi. Tiếng cười bặt im. Chân người ra ngoài sàn đầu thang.
Thanh Thủy đã xuống.
- Mai gác hộ nhé.
- Đằng ấy đi đâu ?
- Có công tác.
- Tối về thì đến nhà Kình xem cúng kỳ yên(4), nhớ đấy.
Rồi Kim Đồng chạy về. Đường tối, không đi chuyền cây vối sang suối được, Kim Đồng lội ào xuống nước, hai chân buốt tê. Tối nay còn thức đạp nốt chỗ dó ngâm thành bột, cho mai mẹ có cái làm giấy.
Sáng sớm, Kim Đồng đi Pác Bó. Mũ chàm mới, áo và đôi giày vải mới nữa. Vẫn thấp thoáng những người trảy đi các làng nghe hát then. Như trong mái nhà nào cũng vẳng ra tiếng hát, giục giã chân người.
Các đầu xóm đều có bốt gác. Tây đồn bắt làng xóm phải tuần ngày Tết thật nghiêm. Nhưng chẳng ma nào canh ! Có khi người ngồi trong bốt, chỉ thấy ngồi ngây ra. Có khi là người hội cứu quốc ta ra gác vờ hay đấy là dõng,
nhưng ngày Tết, ai cũng muốn ngồi im. Cho khỏi phiền một năm khó nhọc.
Đường lên Pác Bó hôm nay dài quá, càng mong chóng đến càng thấy dài. Con suối ngoằn ngoèo đuổi theo chân đi. Sang mấy cái cầu rồi, đếm rồi lại quên.
Rồi những cây vối cổ thụ bóng lá xanh kín mặt nước, đến chỗ ấy hết, lại thấy cây nữa, lại đếm. Càng mong càng lâu. Mong chóng tới, mong về. Sớm mai thì cả bọn cùng nhau sang xem then bên Đạo Ngạn. Tối nay về sớm, chơi đám cúng kỳ yên các bạn đều đến đấy cả rồi mai cùng đi. Đã hẹn mà.
Mong mãi cũng phải được. Đã thấy sườn núi Pác Bó chàm thẫm. Mưa phơn phớt chắn chân lại, nhưng cứ đi vào thì bao giờ núi cũng lại mở ra. Rồi trông thấy xóm Bó Bẩm mờ trong sương. Không có khói bếp. Mấy nhà lơ thơ như cái lá khô rơi trong chân núi.
Mà ở các xóm nghèo hết Tết rồi. Chưa vào nhà đã biết. Quanh xóm, chẳng thấy con vịt nào. Vịt đã bỏ vào nồi cả, ra giêng không còn gì. Trên lạch suối đầu xóm, người đương lúi húi bắt cá. Vừa Tết xong, đã phải tát cá suối, trong nhà chẳng còn cái ăn. Mà bắt cá suối mùa lạnh thì mấy khi được.
Đến gần, Kim Đồng nhận ra ông Dương và mấy cháu đương tát cá.
Kim Đồng đứng lại.
- Cháu chào ông Dương.
Ông Dương ngẩng lên, nhìn ra, rồi nói:
-Ô kìa, cháu đã vào.
Kim Đồng sốt sắng :
- Cháu xuống bắt một tay với.
Ông Dương đứng thẳng đấm lưng mấy cái, rồi nói :
- Không còn con nào nữa đâu. Tao cũng về đây. Cháu đi đâu ?
- Cháu vào nhà ông.
Ông Dương buông tay áo, bỏ ống quần xuống. ống tay ống chân ông bị lạnh cóng, cũng tím như màu áo. Gió núi thổi ra buốt quá mà ông Dương chỉ mặc ngoài có tấm vỏ sui.
Ông Dương cầm cái thư của Kim Đồng đưa. Ngoài thư, vẽ ba ngôi sao. Biết thư này cần lắm. Ông ra cửa gọi cháu. Một lát, thằng bé về, mặt còn dính bùn. Nhưng biết có việc, bé quàng cái túi lên vai. Bé đưa Kim Đồng đi ngay lúc ấy vào sau núi. Đi nhanh quá, một lát Kim Đồng đã trở về.
Kim Đồng để thư bí mật ở hang Si Điếng rồi về ngay. Đã có hẹn trạm thư ở đấy. Nhiều lần, Kim Đồng tưởng đến Si Điếng sẽ gặp lại ông già cách mạng hôm trước. Mà không được gặp. Nhưng Kim Đồng đoán biết các cánh rừng quanh Si Điếng đều có các đồng chí cách mạng ở và chắc cũng có ông ở đấy. Lần nào vào Si Điếng, Kim Đồng cũng nghĩ và để ý như thế.
Bấy giờ đã xế trưa. Trời rét âm u suốt ngày. Trong chân núi, lúc nào cũng như sắp sập tối. Kim Đồng ra suối ngắt một nắm cải xoong vào làm cơm. ạng Dương nướng cá. †n xong, ông Dương bảo Kim Đồng ngủ lại, mai về sớm. "Cháu nhiều bài hát cách mạng hay lắm. Ngủ lại đây, dạy mấy đứa nhà tao cùng hát với". Nhưng Kim Đồng không muốn ở lại. Công tác, và cả những cuộc chơi đi xem then ngày mai, ngày kia đương đợi ở nhà.
Kim Đồng nói :
- Cháu xin về, ông à.
Ông Dương nói :
- Về bây giờ thì tối giữa đường mất.
Kim Đồng trả lời :
- Cháu đi tối cũng quen rồi.
"Cháu đi công tác tối cũng quen rồi", như thế. Năm trước, Kim Đồng vẫn còn sợ đêm. Tối rửa chân ngoài máng, bước lên sàn rồi, ngại xuống thang lắm. Đi ngủ như gà lên chuồng, Thàn và Dền nằm ngay cạnh bếp. Hai đứa nép vào cột nhà, quay lưng ra cửa sổ. Đêm tối có những gì đáng sợ thì có cả ở ngoài ấy. Nghĩ lại, lại cười mình. Bây giờ Kim Đồng đã bước vào đêm, có khi trong đêm rất khuya, nhiều
lần rồi, đầu chỉ nghĩ đến công tác. Không thấy cái gì ghê gớm ở bóng tối ra vồ mình cả.
Kim Đồng về ngay từ xế trưa. Buổi chiều trên núi đi sang chặp tối rất nhanh. Bỗng ngẩng lên, đã thấy đêm trong vắt, lấp lánh ngôi sao giá buốt.
Một tay Kim Đồng cầm chiếc gậy. Nhưng Kim Đồng biết mùa lạnh thì các loài rắn đều ngại rét chúi trong hang, không bò đi ăn đêm.
ồ, cái sợ và cái vững, cái bạo cứ chập chờn từng lúc. Đường cái ban đêm thăm thẳm, khác hẳn. Chỗ nào cũng lố nhố như ma đứng. Nhưng cứ đi qua. Thì thấy đấy cũng là những bụi cây. Nhiều khi, nghe tiếng chim ríu ríu trong đó. Con chim nào ngủ mê, hót cả trong đêm thế kia. Cái gì huỳnh huỵch ai đuổi đằng sau? Không quay lại. Đấy cũng là mình nghĩ ra thế thôi. Có lúc Kim Đồng thử quay lại. Không có gì. Nhưng quay lại như thế thì đâm ra trợn. Tự dưng chân hấp tấp nhanh hơn. Lại phải lấy gân, cầm ngang gậy, bước bon bon. Không sợ gì. Không sợ gì cả. Những ngôi sao giá buốt trên trời như cũng đương đuổi theo mình.
Ban đêm, xó nào cũng nghe tiếng rúc rích. Con cầy hương ra kiếm ăn sớm nhất. Nếu có đèn săn chắc thấy hai cái mắt đỏ. Kim Đồng đập gậy một cái. Nó chỉ là con cầy hương nhút nhát thôi. Nếu mang theo cái nỏ thì bắn được.
Khi nghe tiếng hươu kêu trong núi, Kim Đồng biết đã khuya. Tiếng hươu giác bảng lảng xa rồi gần, hươu từ trong núi ra, kêu cộc lốc như nhát búa bổ. Hươu ra ăn đã gần nửa đêm.
Hươu nai ra ăn rồi mới đến hổ ra. Người đi săn nói rằng con gấu háu đói, tìm ăn cả ngày còn con hổ bao giờ cũng đi ăn khuya nhất rừng. Hổ ở trong khe sâu, đợi khi yên tĩnh mới ra. Thế là con hổ cũng biết sợ đấy. Mắt Kim Đồng không thấy hổ bao giờ. Nghĩ ghê ghê. Nhưng những lúc ấy, nghĩ về công việc lại nhãng được cái lo. Trời nhiều sao thế này, sắp nắng, sắp ấm đây. Hôm nào nắng ấm, ta rủ chúng nó đi lấy dó. ừ, hôm nào ấm thì đi lấy dó...
Về đến đây, đã nghe tiếng thác nước Bản Vàng. Mùa lạnh, nước xuống thác bay nhẹ như gió thổi. Phải về đêm mới nghe thấy. Bản Vàng Bản Hồng, đến chỗ có nhiều nhà rồi. Kim Đồng đã buồn ngủ. Kim Đồng chập chờn, vừa đi vừa ngủ vừa nghĩ loăng quăng. Hai con mắt díp dần. Buồn ngủ ghê.
Đến chân thác, Kim Đồng tạt xuống men nước, vốc nước vỗ lên mặt. Nước lạnh tê hai tay, làm cho hai mí mắt mở rộng. Tan cơn buồn ngủ.
Kim Đồng nhìn về phía trước mặt. Nhà mình phía ấy. Ban đêm, cái gì cũng thấy xa hơn ban ngày. Có phải còn vẳng tiếng đàn
cúng kỳ yên. Cả ánh lửa. Nhưng, giụi mắt, nhìn kỹ lại, không thấy. Tiếng đàn và tiếng hát cũng là tưởng tượng. Khuya lắm rồi, đám cúng kỳ yên đã tan. Bọn Thanh Thủy chắc về nhà từ lâu. Thật thì nghe kỹ chỉ có tiếng thác Bản Vàng thì thào sau lưng mà thôi.
Đi một quãng nữa, Kim Đồng lại lắng nghe. Bây giờ, tiếng thác Bản Vàng cũng đã khuất vào lưng núi. Xung quanh lặng lẽ hẳn.
Tiếng chó sủa đằng xa. Chó sủa ran từ phía Bản Vàng mình vừa đi qua. Chó sủa lắc rắc. Hình như người đi qua, chó sủa theo, kéo dài một vệt trong bóng tối. Ai đi đâu khuya ? ở những đám then, những đám cúng kỳ yên, người xem quá nửa đêm hay ngủ lại. Chỉ có người đi săn đi đêm. Nhưng người đi săn, như đứa ăn trộm, đi rà rà, sương xuống đã ăn nhạt hết hơi người, con thú không đánh hơi thấy, con chó không ngửi ra. Sao chó sủa nhiều thế. Chỉ có người tìm thầy cúng cho người ốm giong đuốc đi, như đánh thức chó dậy, qua xóm nào cũng loạn tiếng chó sủa theo.
Nhưng Kim Đồng đoán thêm : bọn lính đi rình cách mạng cũng có thể làm chó sủa nhiều thế. Đã lâu, lính và quan không đi tuần đêm. Cả ban ngày, chúng cũng đi từng bọn đông. Từ khi đội tự vệ cứu quốc bắt thằng mật thám Lểu ở Nà Kéo thì không bọn lính tuần nào dám vào làng tìm rượu, tìm vịt nữa. Đi qua, chúng đi nhanh, chân bước thon thót. Khi bất ngờ, chúng cũng tuần đêm, nhưng phải đi thật đông.
Tiếng chó sủa lắc rắc trải ngược lên, lan xa ra, đằng kia, có lúc theo gió, lại chập chờn trở về đằng này. Tưởng như trông thấy bọn lính đương ngậm hơi luồn vào từng xóm đằng ấy.
Nhưng đường về nhà Kim Đồng không qua lối ấy. Kim Đồng đứng im, nghe một lát rồi leo lên đồi, theo lối tắt, về nhà. Hai con mắt lại buồn ngủ, muốn sụp mí xuống, đuổi chân bước thật nhanh.
Chẳng mấy chốc đã đến chân cầu thang lên nhà. Nghe tiếng mẹ hỏi vọng xuống :
- Dền à...
Kim Đồng đáp khẽ :
- Con đây.
Rồi lẳng lặng lên thang.
Không biết mẹ mới dậy sưởi hay mẹ vẫn ngồi bếp đợi con từ chặp tối. Bấy giờ mẹ bắc nồi và bỏ thêm cành củi vào bếp. Tiếng củi bén lửa nổ tách tách.
Mẹ nói :
- Còn thịt vịt đấy, con ạ.
Mẹ nói thế, biết là mẹ bảo : ra đây thổi lửa lên mà ăn cơm. Nhưng Kim Đồng đã tụt giày ra, hai ống quần ướt sương như người lội suối. Cứ thế, chui vào chăn.
Cái chăn vỏ cây sui, Cao Sơn đã nằm cuốn tròn giữa. Nó ngáy khò khò. Chỗ nó nằm cũng ấm như lửa sưởi rồi. Kim Đồng kéo mạnh một cái mới giằng ra được một góc để đắp. Nhưng lưng vẫn hở ngoài và cái chăn sui nhiều bụi, Kim Đồng sặc, ho mấy tiếng. Rồi chốc lại ho khúc khắc.
Chập chờn nhớ lại chặng đường lúc nãy. Vừa đi rét thế, xa thế mà bây giờ đã về đến nhà, nằm ấm.
Kim Đồng nhớ tiếng chó sủa. Tiếng chó sủa kéo dài... Dần dần, Kim Đồng tỉnh ngủ hơn. Kim Đồng chưa ngủ được. Có lẽ nào... Có thể thế không... Nếu không phải là chó sủa người đi gọi thầy cúng thì là lính đi tuần đêm rồi. Cũng có khi lính mò đi đêm... ở Hòa Mục đấy... Nó bắt của ta một người. Con chó cũng ghét lính, đêm hôm làm nó phải khó nhọc, mỏi cả mõm. ừ, tiếng chó sủa lính, có thể...
Lính tuần qua. Có thể đi xuống Nà Giàng, cũng có thể nó lên đây. Lính lên mà lùng ra cán bộ hay người ở nơi khác đến, không xong rồi...
Nghĩ thế, Kim Đồng ngồi phắt dậy. Cơn ngủ đương làm cộm mắt, tan mất. Cũng không thấy rét hai mang tai. Kim Đồng lay Cao Sơn. Cao Sơn ậm ừ. Kim Đồng lại lay. Cao Sơn co lưng rồi lại ngáy. Kim Đồng ghé tai :
- Thàn... Thàn... Có công tác.
Tiếng "công tác" làm Cao Sơn tỉnh ngay, hỏi :
- Công tác à ?
Kim Đồng hỏi lại :
- Lúc nãy có anh Đức Thanh đến đám lễ kỳ yên không ?
- Có.
- Đi ngay bây giờ. Cùng đi nhé.
- ừ.
Cao Sơn ngồi dậy. Không phải chỉ tại hai đứa thì thào với nhau mà mẹ biết. Người già vốn ít ngủ. Mẹ vẫn chưa chợp mắt từ chặp tối. Mẹ ngồi tựa cột bếp. Mẹ hỏi :
- Lại đi đâu thế ?
Kim Đồng nói với lại :
- Chúng con đi đằng này một tý.
Mẹ ra lấy mẩu củi to, bỏ vào bếp. Cho lửa đượm hơn, cho các con về sưởi. Không biết lúc ấy còn khuya hay đã gần sáng. Mẹ nói:
- Chóng về nhé.
Mẹ nói như mọi khi. Khi đêm, khi ngày, anh em nó vẫn rủ nhau đi như thế, không biết thế nào, mẹ không bao giờ nói.
Kim Đồng và Cao Sơn lặng lặng xuống thang.
Trong gầm sàn, con bò như biết lệ người xuống như mọi khi, thò mõm ra khe thang. Kim Đồng hay nghịch giơ chân cho bò liếm. Con bò nghiện liếm chân Kim Đồng từ lâu lắm, từ năm Kim Đồng chưa biết chăn vịt. Con bò này về nhà mình từ khi bố còn sống. Bao năm nay, tối đến, bò vẫn ngủ trong gầm sàn. Những buổi tập bài hát, đàn trâu bò tụ hội lại, trẻ con ngồi trên lưng chúng nó, cùng lên núi, hát vui lắm.
Cái lưỡi bò liếm sồn sột vào chân, thấy ấm ran rát. Con bò thường liếm chân Kim Đồng như thế, mỗi khi Kim Đồng đi đâu về, dù nửa đêm như đêm nay cũng thế. Cũng như hai đứa bò và người chào hỏi nhau.
Kim Đồng đã xuống hết chân thang. Sau lưng, tiếng kíu kíu trong góc cột sàn. Những con vịt rất nhát đêm. Động một cái đã mở mắt, nhúc nhích chân, kêu khẽ khẽ. Cả đàn vịt nhốt phía ấy, không phải rắn cắn hay cáo bắt lần nào.
Kim Đồng nghe tiếng vịt gọi. Nhưng không để ý. Kim Đồng và Cao Sơn đã chạy ra đầu ngõ.
Nhìn lên vách nhà Kình, thấp thoáng ánh lửa. Còn người thức thật.
Kim Đồng đến chân thang, có tiếng hỏi xuống :
- Ai ?
- Dền đây.
Một bóng người ló ra. Người gác đầu sàn đã hỏi : "Đi đâu khuya thế, gần sáng rồi mà..." Kim Đồng lên thẳng nhà. Các anh Đức Thanh, anh Ngư Mạn, anh Nhất Sơn còn đương ngồi bếp.
Anh Đức Thanh quay ra, hỏi Kim Đồng :
- Đi Pác Bó mới về à ?
Kim Đồng đáp :
- Về từ nãy. Đằng kia nghe tiếng chó cắn dài lắm. Khéo mà có lính đi tuần. Em đã về rồi. Bây giờ nghĩ ra, phải vào tìm các anh.
Anh Đức Thanh có ý băn khoăn rồi nói :
- Phải có người ra gác ngoài suối.
Kim Đồng nói :
- Để chúng em ra cho.
Anh Đức Thanh nói :
- Em đi cả đêm rồi...
- Đằng nào cũng sắp sáng. Mà em ra đấy đến sáng rồi về đằng suối cũng được.
Anh Đức Thanh nói theo, lúc ấy Kim Đồng đã đương xuống thang :
- Ra suối rồi về thẳng nhà nhé. Sáng rồi, các anh cũng sắp đi đây.
Kim Đồng và Cao Sơn đã ra ngoài đường. ánh lửa trên bếp nhấp nháy trên khe vách. Một lúc như rừng tối sẫm, ấy là sắp sáng. Rồi con chim bìm bịp bay ra trên trời mờ mờ. Lát nữa, bìm bịp kêu lần thứ hai thì trời sáng rõ. Suối Pác Bó mùa cạn, nước chảy nghe không biết, chỉ thấy xa xa thác Bản Vàng đôi lúc phảng phất.
Kim Đồng bảo Cao Sơn :
- Đến đây mà im tiếng chó cắn, chắc nó xuống Nà Giàng. Ta ở bên này suối thôi. Lúc bìm bịp ra kêu lần nữa thì ta về.
Hai đứa đứng trên bờ suối. Kim Đồng lại bảo Cao Sơn :
- Này, rửa mặt cho tỉnh ngủ cái đã.
Hai đứa cùng xuống suối. Kim Đồng đến bờ suối, cúi té nước lên mặt. Thình lình, ngẩng lên, thấy những bóng loáng thoáng bờ bên kia. Không phải bụi cây như trong đêm thấy. Một bóng, hai bóng, ba... lung lay. Lính tuần rồi.
Kim Đồng nghĩ rất nhanh : Thàn vào nấp dọc cây vối, ta chạy xuống. Về xóm báo. Nó bắn. Mặc kệ. Trời còn tối thế này. Mà nghe tiếng nổ, cả xóm biết có lính vào, các anh chạy kịp lên núi rồi.
Kim Đồng tụt giày quay lại, cúi mặt, nói khẽ trong cánh tay :
- Lính đấy, chạy đi !
Cao Sơn choàng lên bờ, lẩn vào gốc cây vối. Kim Đồng lao về bãi sỏi trắng dài theo mép nước. ánh sương lẫn mặt nước, đương tan nhanh.
Bọn lính xuống bờ bên kia đương tụ đấy. Chúng lóng nhóng đợi ông cai bảo lội suối sang hay quay lại. Có đứa trông sang bờ thấy thấp thoáng người.
Tiếng quát lao xao :
- Đứng lại ! Đứng lại !
Kim Đồng vẫn vút đi.
- Đoàng !
Trong sương mù.

1973

(1) Lịch sử nước ta: một tài liệu tóm tắt lịch sử nước ta theo thể văn vần, do Bác Hồ viết, lưu hành ở Việt Bắc thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
(2) Cô Then: người làm nghề mê tín, như cô đồng ở vùng xuôi.
(3) Báo Việt Nam độc lập: báo của Việt Minh ba tỉnh Cao
(4) Cúng kỳ yên: lễ cúng đầu năm cầu bình yên.


Nguồn: http://vnthuquan.net/