Chuyện 29: Thư Sinh Họ Ðổng
Thư sinh họ Ðổng, tên tự là Hà Tư, người ở ấp Tây đất Thanh Châu.
Vào tháng đông, trời gần tối, trải chăn ra giường và đốt mẻ than dưới gầm.
Ðang định thắp đèn lồng thì vừa có người bạn mời đi uống rượu, bèn đóng cửa mà đi.
Ðến chỗ bạn, thấy trong bàn tiệc có một thầy lang sành xem mạch thái tố, chẩn mạch cho khắp mọi người.
Sau cùng, nhìn đến thư sinh Vương Cửu Tư và chàng Ðổng, ông thầy nói:
- Tôi xem cho người đã nhiều, chưa thấy ai có mạch lạ như hai ông; mạch thì sang mà có điểm hàn, mạch thọ mà có điểm yếu. Thật bỉ nhân chẳng dám hiểu ra sao nữa.
Mà riêng ông Ðổng lại càng lạ lắm.
Mọi người cùng kinh ngạc nhao lên hỏi.
Ông lang đáp:
- Thuật của tôi chỉ biết đến đấy là cùng rồi, không dám đoán liều nữa. Chỉ xin hai ông tự mình cẩn trọng mà thôi.
Hai người mới nghe sợ lắm, sau rồi cùng nghĩ là câu nói nước đôi mơ hồ, nên bỏ qua chẳng để tâm nữa.
Nửa đêm, Ðổng ra về, thấy cửa nhà học khép hờ, ngờ quá.
Trong cơn say, cố nhớ lại, tất là khi đi vội vã, quên khoá cửa.
Vào phòng, chưa kịp đốt đàn lên, hãy đưa tay sờ vào trong chăn trước xem có ấm hay không.
Vừa mới thọc tay vào, đụng ngay da thịt mịn màng của ai đang nằm sẵn, kinh ngạc hết sức, vội rụt tay lại.
Ðốt gấp đèn lên, thì ra một cô em tuyệt mỹ, mặt sáng sủa, tuổi còn non, không khác gì thần tiên.
Mừng cuống cuồng, đùa bỡn, đưa tay xuống phần dưới cơ thể, thì xù xì một nắm lông đuôi.
Hốt hoảng quá định chạy, thì cô gái đã tỉnh dậy, đưa tay ra nắm lấy cánh tay hỏi:
- Chàng định đi đâu?
Ðổng càng sợ, người run lên, năn nỉ xin người tiên tha cho.
Cô gái cười, nói:
- Thấy cái gì mà cho người ta là tiên?
Ðổng đáp:
- Tôi chẳng sợ phần đầu mà sợ phần đuôi.
Cô gái lại cười bảo:
- Ðuôi đâu mà đuôi? Anh lầm rồi.
Ðoạn cầm tay Ðổng kéo vào cho sờ lại, thì thịt ở đùi mềm mại như mỡ, chỗ xương cụt nhẵn thín.
Cô gái cười nói:
- Thế nào? Rượu say mê mẩn, chẳng biết thấy gì đâu đâu mà lại vu cho người ta như vậy?
Ðổng vốn thấy người đẹp đã thích rồi, nay hết sợ lại càng mê mẩn, nghĩ lại tự trách mình là lầm.
Nhưng vẫn còn điều nghi ngờ, không hiểu nàng vì sao mà đến.
Nàng đáp:
- Anh không nhớ cô bé tóc vàng nhà hàng xóm phía Ðông sao?
Bấm đốt ngón tay, từ lúc dời đi nơi khác, đến nay đã được mười năm rồi.
Lúc ấy tôi chưa cài trâm, mà anh cũng còn để tóc trái đào cơ đấy.
Ðổng chợt nhớ ra, hỏi:
- Thế em là cô Toả nhà họ Chu đấy ư?
Nàng đáp:
- Phải đấy.
Ðổng nói:
- Bây giờ em nói, anh mới mang máng nhớ lại. Mười năm không gặp, thế mà đã thành người yểu điệu thế này rồi đấy! Nhưng sao mà lại đến được đây?
Cô gái nói:
- Thiếp lấy phải thằng chồng đần, được đâu bốn, năm năm, cha mẹ chồng theo nhau qua đời, lại chẳng may chồng cũng vừa mới mất, còn lại một mình thiếp, bơ vơ không nơi nương tựa. Nhớ lại người quen biết thuở nhỏ chỉ còn có mình chàng, nên cố gượng tìm đến gặp. Vừa tới cổng thì trời tối, xảy lại có người đến mời chàng đi uống rượu, bèn lén nấp để đợi chàng về.
Ðợi đã lâu, chân lạnh cóng, nổi cả da gà lên, nên phải nhờ cái chăn cho ấm người lên một chút, xin chớ ngờ nhau.
Ðổng mừng, cởi áo cùng ngủ, lấy làm đắc ý
Ðược hơn một tháng, người gầy rộc hẳn đi.
Người nhà lấy làm lạ, thì nói là cũng không biết tại sao.
Càng lâu mặt mũi càng gầy võ.
Mới đâm hoảng, vội đi tìm ông thầy chẩn mạch giỏi hồi trước, nhờ chẩn cho.
Thầy lang đáp:
- Ðây là mạch bị yêu quái ám rồi. Cái điềm chết ngày trước, nay quả đã nghiệm. Bệnh không thể làm gì được nữa.
Ðổng khóc hu hu không chịu đi.
Thầy lang bất đắc dĩ phải châm cho ở tay, đốt ngải cứu cho ở rốn, rồi đem thuốc tặng cho, dặn rằng:
- Nếu có gặp ai đấy thì phải gắng mà dứt đi.
Ðổng cũng tự biết nguy hiểm. Về đến thư trai, cô gái cười cợt đứng đón.
Chàng tức mình nói:
- Ðừng dan díu với nhau nữa.
Tôi sắp chết rồi đây.
Nói rồi bước đi không ngoái lại.
Cô gái xấu hổ quá, cũng tức lên mà nói:
- Mày còn muốn sống nữa ư?
Ðến đêm, Ðổng uống thuốc rồi ngủ một mình.
Vừa mới chợp mắt, đã thấy giao hợp cùng cô gái, tỉnh dậy thì tinh đã xuất ra rồi.
Càng sợ, bèn dời giường vào nhà trong, vợ con đốt đèn canh giữ.
Nhưng vẫn mơ thấy như cũ.
Lén nhòm cô gái thì không thấy đâu nữa.
Ðược mấy hôm, Ðổng thổ ra hơn một đấu huyết mà chết.
Vương Cửu Tư đang ở trong phòng học, thấy một cô gái tìm đến, mê thích vì sắc đẹp nên ăn nằm cùng nàng.
Hỏi ở đâu đến thì đáp:
- Thiếp là láng giềng nhà Hà Tư.
Anh ấy trước thân thiắt với thiếp lắm, không ngờ bị hồ mê hoặc mà chết.
Cái giống yêu quái ấy thật đáng sợ. Phàm người đã đọc đến sách vở, phải nên cẩn thận đề phòng.
Vương càng phục, bèn ân ái vui vầy với nhau.
Ðược vài hôm, đâm mê hoảng, gầy ốm.
Chợt mộng thấy Ðổng về bảo:
- Kẻ đang cùng anh mặn nồng là hồ đấy. Giết hại tôi rồi, nó lại còn muốn giết hại cả bạn tôi nữa. Tôi đã kiện nó ở dưới Âm ty, để rửa mối hờn. Trong vòng bảy hôm, cứ đêm đêm anh nên thắp hương ở bên ngoài phòng ngủ nhà mình đừng có quên.
Tỉnh dậy, lấy làm lạ, nói với cô gái:
- Tôi ốm lắm, e sắp bỏ thân nơi ngòi rãnh đến nơi, có người khuyên nên kiêng chuyện chung chạ.
Cô gái đáp:
- Mệnh đáng thọ, dẫu gần đàn bà vẫn sống, mệnh không thọ thì không gần đàn bà vẫn chết.
Lại ngồi kề bên mà cười đùa.
Vương kìm lòng không đậu lại cùng nàng mây mưa.
Xong rồi thì hối, nhưng vẫn không sao dứt hẳn được.
Ðến tối, cắm hương ở trên cửa.
Cô gái đến, nhổ vứt đi.
Ðêm lại mộng thấy Ðổng về, trách sao làm trái lời dặn.
Ðêm hôm sau, ngầm dặn người nhà chờ lúc mình với ả ngủ rồi hãy lén đốt hương lên.
Cô gái đang ở trên giường bỗng hoảng hốt nói:
- Lại đốt hương nữa đấy à?
Vương đáp:
- Không biết.
Nàng vội trở dậy tìm thấy hương bẻ dụi tắt đi, rồi trở vào nói:
- Ai xúi anh làm như vậy?
Vương đáp:
- Có thể là đàn bà con gái trong nhà lo tôi đau ốm, tin lời thầy bói, thắp hương để trừ tà đấy thôi.
Cô gái bối rối không vui. Người nhà lén dòm thấy hương tắt, lại đốt nén khác.
Cô gái chợt thở dài, bảo:
- Phúc trạch nhà anh còn dầy thật. Tôi đã lầm lỡ giết Hà Tư rồi lại chạy đến với anh, thật đúng là lỗi của tôi.
Tôi sắp phải cùng anh ta đến đối chất trước toà án Âm ty.
Nếu anh không quên chút tình cũ, xin chớ làm hỏng mất cái túi da của tôi.
Nói xong, rụt rè bước xuống giường, ngã lăn ra đất mà chết.
Ðốt lửa soi, đã thành một con chồn.
Còn sợ nó sống lại, vội gọi người nhà lột da, treo lên.
Bệnh Vương rất nặng, thấy hồ hiện về nói:
- Tôi đã kêu oan ở pháp toà. Pháp toà bảo chàng Ðổng thấy gái mà mê, chết là đáng tội.
Nhưng cũng buộc tội tôi mê hoặc người không đúng, thu mất viên kim đan, rồi lại cho sống lại.
Vậy bộ da của tôi ở đâu ?
Ðáp:
- Người nhà không biết đã đem lột mất rồi.
Hồ thảm đạm nói rằng:
- Ta giết người đã nhiều, nay chết kể cũng đã muộn. Nhưng anh thật nhẫn tâm thay!
Hờn giận mà bỏ đi
Vương ốm tưởng nguy, nửa năm mới khỏi.
Nguyễn Đức Lân dịch
Chuyện 30: Nhan thị
Thuận Thiên Mỗ Sinh , nhà nghèo , gặp phải năm đói kém theo cha đi đất Lạc kiếm ăn . Tánh chàng rất độn , mãi 17 tuổi mới viết chữ thành hàng lối , nhhưng được bộ mặt lịch sự trai , khéo pha trò , tài nghề viết thư từ , cho nên ai cũng tưởng là chàng học giỏi lắm , nhhưng không dè bên trong rỗng tuếch .
Không bao lâu , cha mẹ kế tiếp qua đời , chàng trơ trọi một mình , phải làm nghề gõ đầu trẻ ỡ Lạc , để kiếm ăn độ nhựt .
Lúc đó trong xóm có người con gái mồ côi , họ Nhan , dòng dõi một nhà học giỏi . Khi người cha còn , thường dạy nàng học , chỉ đọc qua một lượt là nhớ nằm lòng . Ngoài mười tuổi , học làm thơ , người cha nói :
- Nhà ta có nữ học sĩ , tiếc không được đội mũ thôi .
Vì thế ông rất mực yêu quí , chỉ mong kén được một người chồng quý hiển cho con . Sau lúc ông qua đời , bà mẹ nàng vẫn ôm cái chí lớn đó . Nhưng đeo đuổi ba năm cũng chẳng toại nguyện , kế bà ấy cũng mất . Có người khuyên nàng lấy chồng học trò , nàng cũng đồng ý , nhưng cũng chưa kén được ai .
Vừa lúc mụ hàng xóm leo tường qua , nói chuyện với nàng , trong tay cầm một giấy viết chữ gói chỉ thêu , nàng mỡ ra xem , thì là chữ của Mỗ Sinh viết gởi bạn ở lối xóm . Nàng xem đi xem lại , khen ngợi chữ tốt . Mụ nọ dòm biết ý tứ , nói nhỏ :
- Ấy là một chàng đẹp trai , cũng mồ côi như cô , tuổi ngang như cô, nếu cô bằng lòng thì tôi mách chàng cậy mối đến là xong .
Nàng lẳng lặng không nói chi .
Mụ nọ về ngỏ ý với chồng . Người bạn lối xóm vốn chơi thân với chàng , đem chuyện ấy nói , chàng bằng lòng lắm , nhân có chiếc vòng vàng của mẹ để lại , bèn cậy người đem đến làm lễ vấn danh và xin cưới liền .
Vợ chồng như cá nước duyên ưa , hết sức vui vẽ . Ðến bửa được thấy văn bài chồng làm , nàng phì cười và nói :
- Văn với minh dường như hai người , thế này biết đời kiếp nào thi đổ ?
Từ đó sớm hôm khuyên đốc chàng học , nghiêm khắc như thầy đối với học trò . Tối đến , nàng chăm đèn ngồi , tự cất tiếng học ê a , học trước để làm gương cho chồng ; học mãi đến canh ba mới nghĩ .
Như vậy được hơn một năm , văn chương thi cử của chàng đã hơi thông , nhưng đi thi khoa nào cũng rớt . Thân danh lận đận , sinh sống lại nghèo , tự nghĩ tình cảnh buồn tênh , bất giác hu hu khóc lóc .
Nàng phát cáu , mắng nhiếc to tiếng :
- Trời để cho mình làm đàn ông thật uổng . Nếu để cho tôi bỏ khăn yếm , thay đổi làm con trai , thì tôi coi sự thi đổ dễ như trò chơi vậy .
Chàng đang buồn rầu héo gan héo ruột , nghe vợ nói khoác như vậy , quắc mắt giận nói :
- Mình là đàn bà , chưa được bước chân đến chổ thi cử bao giờ , mới tưởng công danh phú quí như chuyện xuống bếp múc nước hay nấu cháo vậy . Nếu cho mình được làm đàn ông thì rồi cũng lận đận rớt lên rớt xuống như ai , chứ tài giỏi gì ?
Nàng cười :
- Mình đừng nên giận , tôi nói thiệt đó . Ðến khoa thi này , tôi sẽ cải trang mà đội tên mình vô trường thi , nếu quả thật tôi cũng lận đận rớt lên rớt xuống như mình thì xin khoét mắt không dám coi rẻ thiên hạ nữa .
Chàng cũng cười và nói :
- Khanh chưa biết nổi cay đắng bên trong ra sao , nên muốn nếm thử . Ðã muốn vậy thì cứ làm , nhưng tôi chỉ sợ chân tướng lộ ra bị làng xóm cười chê mà thôi .
Nàng trả lời :
- Tôi nhất định làm thiệt không phải giả bộ đâu . Còn nhớ thường ngày mình nói tổ tiên có nếp nhà cũ ở đất Yên , vậy tôi xin cải trang làm con trai đi theo mình về ở đó , giả làm em mình , làng xóm biết đấy là đâu .
Chàng nghe theo . Nàng liền vô buồng bịt khăn mặc áo nam tử đi ra hỏi chồng :
- Mình xem tôi có làm con trai được không nào ?
Chàng nhìn vợ quả thật là một thiếu niên đẹp trai , trong lòng mừng rỡ , lập tức đi chào lới xóm để về cố hương . Những người chơi thân đều có quà tặng , mua một con ngựa đở chân , cùng vợ lên đường .
Người anh con nhà bác của chàng còn sống thấy hai em về , cùng trẻ đẹp , hết sức vui mừng sớm hôm chăm nom giúp đở . Lại thấy hai em thức khuya dậy sớm chăm chỉ học hành , lòng thêm yêu quí , thuê một thằng bé để hầu hạ riêng . Nhưng buổi tối , chàng đuổi thằng bé về .
Mỗi khi trong làng có đám cưới đám giổ gì mời thĩnh , duy có anh (anh đây tức là chàng) ra mặt , còn em chỉ ngồi học trong buồng , đến nổi về làng đã nữa năm mà ít người được trông thấy mặt .
Có người nào ân cần xin cho giáp mặt thì anh từ chối hộ . Người ta xem văn bài của em hay quá , lấy làm kinh hải . Có kẻ xông vào tận nơi thì em chỉ cái chào qua loa , rồi ẩn mặt ngay .
Những người được thấy dung nhan , đều hâm mộ tán dương , vì thế tiếng tăm vang dậy , mấy nhà quyền quí tranh nhau , muốn gã con gái cho . Người anh con bác đem chuyện ấy bàn tính , em chỉ nhoẻn cười , cố nài ép thì nói :
- Thề lập chí trèo lên mây xanh , không thi đậu thì không lấy vợ .
Gặp kỳ thi hạch tại tĩnh , anh em cùng đi thi . Anh lại rớt . Em đậu số một , rồi thi Hương đậu Cử nhơn thứ tư , qua năm sau đậu luôn tấn sĩ .
Trào đình bổ đi tri huyện Ðồng thành , việc cai trị giỏi dang , lần lần thăng Chưởng Ấn Ngự Sữ ở Hà Nam , giàu có ngang bậc vương hầu . Rồi viện cớ bệnh tật xin về quê quán hưu dưỡng . Quan khách đến thăm đầy ngỏ , đều từ tạ không tiếp .
Từ lúc học trò cho tới khi quý hiển , không hề nói tới sự cưới vợ , khiến ai cũng lấy làm lạ . Sau khi về hưu , dần dà có nuôi thị nữ hầu hạ . Người ta nghi chắc có sự tòn ten với mấy ả này , nhưng người chị dâu để ý dò xét , tuyệt nhiên không có sự gì ám muội .
Minh trào mất ngôi , trong nước đại loạn ,bấy giờ mới tự thú với chị dâu :
- Thú thiệt với chị , em không phải là đàn ông , mà chính là vợ của Tiểu lang đó . Vì thấy chồng học lôi thôi thi mãi chẳng đậu , em phát cáu tự làm cho biết tay . Bấy lâu giấu diếm hồi hộp , chỉ lo đở bể ra , bị nhà vua triệu vô tra hỏi thì thiên hạ cười chết .
Chị dâu không tin . Bèn tháo giày vớ đưa bàn cẳng cho xem , bấy giờ chị mới chưng hửng , nhìn trong giày thấy lót đầy bông gòn và vải . Từ đó , nàng trở lại làm đàn bà , còn chức hàm của vợ thì chàng lãnh lấy .
Hồi nào tới giờ , nàng không hề chửa đẻ , bèn ra tiền mua hầu cưới thiếp cho chồng , và nói :
- Phàm ai làm nên giàu sang cũng mua hầu có thiếp để tư phụng cho sướng thân . Riêng tôi làm quan trải mười năm , chỉ vò vỏ một mình , thế thôi . Mình phước gì mà được hưỡng hầu non gái đẹp như vầy chớ ?
Chàng cười và nói bỡn :
- Thì mình lựa chọn lấy ít cậu đẹp trai để chúng hầu hạ , như kiễu Sơn Âm công chúa , em Tống phế đế ngày xưa vậy , có sao ? Xin mình cứ việc .
Người đồn nhau câu chuyện ấy làm một trò cười .
Lúc ấy , cha mẹ chàng được ơn vua truy tặng mấy lần . Các hàng văn thân đến mừng , đều tôn chàng là quan Thị ngự , nhưng chàng hổ thẹn về sự nhận chức hàm do vợ làm nên , cho nên suốt đời cam làm anh học trò tầm thường , đi ra chưa từng dùng võng lọng bao giờ .
Nguyễn Đức Lân dịch
Chuyện 31: Làm Rể Thần Nhân (Thần Nữ)
Phác lậu y quan ngạnh giới thân
Xa trung úy tặng diệc tiền nhân
Vị khanh túc dạ mông sương lộ
Bất tich châu hoa trì dữ nhân
Huyện Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến có hai anh em họ Mễ. Người anh tên Ðại Thành, là một nhà buôn, tính tình rất mực hiền lành chất phác, đã có vợ. Người em tên Ðộ Tân, là một nho sinh, văn chương cũng chỉ thường thường bậc trung, còn độc thân. Người nào cũng được cha mẹ để lại cho một ngôi nhà và mươi mẫu ruộng. Hai anh em thương yêu nhau lắm.
Một hôm, Ðộ Tân từ làng lên huyện có việc. Xong việc, ghé vào quán ăn uống rồi mới ra về. Vì quá chén, Ðộ Tân say lảo đảo, áo quần xốc xếch. Lát sau, qua cổng một ngôi nhà, thấy có tiếng nhạc inh ỏi từ trong nhà vọng ra, Ðộ Tân thích lắm, bèn đứng lại nghe. Nhìn vào sân, thấy vắng hoe, chẳng một bóng người, Ðộ Tân bèn chạy sang nhà hàng xóm phía đông, làm quen với chủ nhà là Minh ông, rồi hỏi:"Hàng xóm phía tây nhà túc hạ là gia đình ai thế?" Minh ông đáp:"Gia đình một ông lão!" Hỏi:"Họ từ đâu tới đây cư ngụ?" Ðáp:"Bỉ nhân không biết!" Hỏi:"Họ tới đây cư ngụ đã lâu chưa?" Ðáp:"Cũng mới được chừng ba tháng nay!" Hỏi:"Họ đang làm gì mà trỗi nhạc inh ỏi như thế?" Ðáp:"Các con trong nhà đang làm lễ thượng thọ cho cha!" Nảy tính hiếu kỳ, muốn được vào coi, Ðộ Tân liền cáo biệt Minh ông, chạy ra tiệm tạp hóa đầu đường mua lễ vật, đính kèm danh thiếp của mình, đem vào đặt ở hành lang trước cửa phòng khách, gõ cửa báo cho người trong nhà biết, rồi ra ngoài cổng đứng chờ. Minh ông nhìn thấy Ðộ Tân trở lại, đem lễ vật vào nhà hàng xóm thì lấy làm lạ, bèn chạy ra hỏi:"Túc hạ quen biết với ông lão trong nhà như thế nào?" Ðáp:"Bỉ nhân có quen biết chi đâu!" Nói:"Nếu chẳng quen biết chi thì tại sao lại đi làm cái chuyện điên rồ như thế? Vả lại, áo quần đang xốc xếch như thế này mà lại xin vào dự lễ thượng thọ nhà người ta thì kỳ cục lắm!" Nghe thấy thế, Ðộ Tân đâm ra hối hận, toan chạy vào lấy lại lễ vật thì bỗng thấy có người từ trong nhà mở cửa bước ra hành lang, bưng lễ vật vào. Ðộ Tân đành đứng ở ngoài cổng để chờ xem sao.
Lát sau, có hai thiếu niên ăn mặc sang trọng, phong thái thanh nhã, từ trong nhà mở cửa bước ra cổng, vái chào Ðộ Tân, mời vào phòng khách. Ðộ Tân liền theo vào. Tới hành lang, hai thiếu niên mở cửa phòng khách, mời Ðộ Tân vào, rồi khép cửa lại, đứng ở bên ngoài.
Vào trong, Ðộ Tân thấy một bức bình phong bằng ngọc lưu ly ngăn đôi phòng khách. Ở phần ngoài, trên bệ cao, có một ông lão cùng tám vị khách, dáng vẻ quý phái, ngồi trên ba chiếc chiếu hoa, quay mặt về hướng nam. Dưới bệ thấp, có chừng hai chục khách khác ngồi trên năm chiếc chiếu lớn. Ðộ Tân thầm nghĩ chắc phần trong được dành cho nội quyến của ông lão ngồi nghe nhạc. Ðộ Tân vừa bước vào phòng thì bỗng tiếng nhạc ngưng hẳn rồi mọi người cùng đứng dậy thi lễ. Ông lão cũng chống gậy đứng dậy. Ðộ Tân cúi đầu đáp lễ thì mọi người lại ngồi xuống rồi tiếng nhạc lại trỗi lên. Ðộ Tân thầm nghĩ chắc sắp có người tới mời mình đến chiếu ngồi, song chờ mãi cũng chẳng thấy ai. Ðộ Tân ngạc nhiên lắm, đành đứng tại chỗ mà nghe nhạc. Bỗng hai thiếu niên mở cửa bước vào phòng rồi tiếng nhạc lại ngưng. Một thiếu niên tiến tới chỗ Ðộ Tân, nói:"Vì gia nghiêm già yếu, chẳng thể xuống đây mời cao hiền lên bệ được, vậy xin cao hiền thứ lỗi cho. Bỉ nhân xin thay mặt gia nghiêm mà cảm tạ cao hiền đã cho quà và tới dự lễ!" Rồi chắp tay vái Ðộ Tân. Ðộ Tân kinh hãi quá, nghiêng mình tránh né, chẳng dám nhận vái. Thiếu niên kia bèn đi lấy thêm chiếu, trải nối vào chiếc chiếu bên trái ông lão, mời Ðộ Tân lên ngồi. Rồi cả hai thiếu niên cùng tới ngồi ở một chiếc chiếu trải dưới bệ thấp. Tiếng nhạc lại trỗi lên. Ðộ Tân lên tiếng hỏi chuyện mấy vị khách ngồi cạnh song chẳng vị nào nghe thấy gì vì tiếng nhạc inh ỏi.
Khi tiếng nhạc vừa dứt, hai thiếu niên liền đứng dậy, lấy hai chồng chén và hai bình rượu đi mời khắp lượt. Thấy mình còn say, Ðộ Tân không muốn uống song vì thấy khách nào cũng nhận chén nên Ðộ Tân chẳng dám chối từ. Trong khoảnh khắc, mọi người đều cạn chén. Bất đắc dĩ, Ðộ Tân cũng phải cạn chén theo. Hai thiếu niên lại lấy hai bình rượu mới, đi mời lượt nữa. Vì say quá, Ðộ Tân chối từ rồi xin cáo biệt.
Ðộ Tân vừa quay người, toan bước ra cửa thì bị một thiếu niên nắm vạt áo kéo lại. Ðột nhiên, Ðộ Tân ngã lăn xuống chiếu, nằm ngủ li bì. Khi bị nước lạnh dội vào mặt, Ðộ Tân mới tỉnh. Vùng dậy, nhìn quanh, thấy ông lão cùng khách khứa đều đã biến hết, chỉ còn một thiếu niên đang đứng cạnh mình, tay cầm chiếc bình không, Ðộ Tân ngượng quá, chẳng biết phải hành động thế nào. Chợt thấy thiếu niên tới khoác tay mình dìu ra cổng, Ðộ Tân bèn cúi đầu chào cáo biệt.
Ba tháng sau, một hôm Ðộ Tân lại có việc phải lên huyện. Xong việc, tới thăm ngôi nhà cũ, thấy cổng ngõ im lìm, Ðộ Tân bèn sang nhà Minh ông hỏi thăm thì được biết gia đình ông lão đã dọn đi được hơn hai tháng.
Trên đường về, qua chợ huyện, bỗng Ðộ Tân thấy một khách lạ từ trong chợ chạy ra, gọi:"Mễ huynh! Ði đâu đấy? Hãy vào đây ngồi uống với chúng đệ mấy chén đã!" Thấy mình chưa hề quen biết khách, Ðộ Tân lấy làm lạ, hỏi:"Sao túc hạ lại biết đệ?" Khách hỏi lại:"Thế túc hạ không nhận ra đệ hay sao?" Ðộ Tân đáp:"Thưa không!" Khách hỏi:"Túc hạ còn nhớ cách đây ba tháng, chúng ta cùng vào nhà Phó lão tiên sinh dự lễ thượng thọ hay không?" Vỡ lẽ, Ðộ Tân gật đầu, hỏi lại:"Hôm ấy túc hạ ngồi ở đâu?" Khách đáp:"Ðệ ngồi ở chiếu dưới! Khi hai công tử mở cửa phòng khách mời túc hạ vào thì đệ thấy mọi người đều đứng dậy nên đệ nhớ mặt túc hạ, rồi hỏi thăm được quý danh!" Ðộ Tân bèn hỏi:"Thế quý danh túc hạ là gì?" Khách đáp:"Ðệ họ Chư, tên Yến!" Hỏi:"Túc hạ làm nghề chi?" Ðáp:"Ðệ làm nghề mài gương mài kính ở trong chợ!" Ðộ Tân bèn theo Chư Yến vào chợ. Tới bàn rượu, Ðộ Tân mới biết rằng Chư Yến đang ngồi với một người làng mình, họ Bảo, tên Trang. Ba người bèn cùng yến ẩm. Gần tối, Ðộ Tân xin cáo biệt.
Ðêm ấy, Bảo Trang bị giết chết ở dọc đường. Vì chiều hôm trước, có kẻ nhìn thấy Bảo Trang ngồi uống rượu với Ðộ Tân cùng một khách lạ ở trong chợ nên tới mách cho cha Bảo Trang biết. Cha Bảo Trang chẳng biết khách lạ là ai nên chỉ làm đơn kiện Ðộ Tân đã giết con mình. Quan tể cho khám nghiệm thi thể Bảo Trang thì thấy có nhiều vết dao đâm. Quan liền sai lính đi bắt Ðộ Tân về huyện đường tra khảo. Ðộ Tân trình bày việc Chư Yến mời mình vào quán uống rượu tay ba và khai rằng mình chẳng hề giết người. Quan không tin, cứ kết tội Ðộ Tân giết Bảo Trang. Ðộ Tân một mực kêu oan. Quan chẳng nghe, cứ lột mũ áo nho sinh, tịch thu gia sản đem bán cho dân làng, rồi khép án tử hình. Tuy nhiên, vì luật pháp triều đình ấn định rằng các quan tể phải chờ các quan tuần phương tới phúc thẩm, y án, rồi mới được đem tử tù ra hành hình, nên Ðộ Tân chỉ bị tống giam.
Năm sau, triều đình cử một quan tuần phương tới Phúc Kiến phúc thẩm các án tử hình. Khi xét tới vụ án Bảo Trang, quan tuần phương phán là Ðộ Tân bị hàm oan rồi ra lệnh phóng thích. Ðộ Tân về làng, thấy nhà cửa ruộng vườn của mình đã thuộc về người khác, bèn tới nhà người anh, xin ở nhờ. Ðại Thành thương em lắm, bảo vợ dọn riêng một phòng cho em ở. Thấy quan tuần phương đã phán là mình vô tội, Ðộ Tân bèn quyết định lên dinh học sứ xin lại mũ áo nho sinh.
Tháng sau, Ðộ Tân khăn gói lên huyện. Ðường xa, trời tối, mỏi mệt, Ðộ Tân ngồi bệt xuống vệ đường nghỉ chân. Chợt thấy một cỗ xe ngựa chạy qua chỗ mình ngồi rồi đột nhiên dừng lại, Ðộ Tân chú mục nhìn thì thấy một tì nữ từ trên xe tụt xuống, đứng thò đầu vào xe như để nghe lệnh, rồi chạy tới chỗ mình, hỏi:"Có phải tú tài họ Mễ không?" Ðộ Tân kinh ngạc, chẳng hiểu tại sao tì nữ lại biết lai lịch mình, song cũng đáp:"Phải" Hỏi:"Sao tú tài lại nghèo khổ thế này?" Ðáp:"Vì năm ngoái bỉ nhân bị quan tể kết tội oan, lột mũ áo nho sinh, tịch thu hết gia sản. Tháng trước, quan tuần phương tới phúc thẩm, phán là vô tội rồi thả cho về!" Hỏi:"Bây giờ tú tài định đi đâu?" Ðáp:"Bỉ nhân định lên dinh học sứ xin lại mũ áo nho sinh!" Tì nữ bèn chạy về xe, trình lại. Lát sau, tì nữ lại chạy tới chỗ Ðộ Tân, nói:"Nương tử tiểu tì mời tú tài tới cạnh xe nói chuyện!" Hiếu kỳ, Ðộ Tân bèn bước theo tì nữ. Tới xe, tì nữ đưa tay vén rèm lên thì Ðộ Tân sững sờ kinh ngạc vì thấy trong xe có một nữ lang tuyệt sắc. Nữ lang nói:"Hiền lang chẳng may bị tai họa bất ngờ, thiếp nghe chuyện cũng thấy ngậm ngùi. Nay hiền lang muốn vào dinh học sứ xin lại mũ áo nho sinh, mà đi với hai bàn tay trắng, chẳng có tiền hối lộ cho lính canh thì làm sao mà vào? Thiếp muốn biếu hiền lang chút tiền song dọc đường chẳng đem theo nên cũng đành chịu!" Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, nữ lang nói tiếp:"À thôi! Ðể thiếp biếu đỡ hiền lang vật này vậy! Cứ đem lên huyện bán cũng được trăm đồng, đủ tiền hối lộ đó! Cất kỹ đi!" Nói xong, nữ lang đưa tay lên đầu, rút đóa hoa ngọc cài trên mái tóc, trao cho Ðộ Tân. Ðược người đẹp trao tặng đóa hoa trang sức, Ðộ Tân vội đón nhận rồi nói:"Tiểu sinh xin đa tạ nương tử!" Ðộ Tân toan lên tiếng hỏi về tính danh và thân thế của nữ lang thì cỗ xe đã vụt chạy như bay. Ðộ Tân đành đứng tần ngần nhìn theo cho tới khi cỗ xe mất hút. Thấy đóa hoa có gắn nhiều hạt minh châu, Ðộ Tân biết là bảo vật nên cất kỹ vào túi rồi tiếp tục lên đường.
Sáng sau, Ðộ Tân tới dinh học sứ, xin lính canh cho vào. Lính đòi tiền hối lộ, Ðộ Tân không có, lính không cho vào. Chợt nhớ tới đóa hoa trang sức của người đẹp cho mình, Ðộ Tân vội ra chợ tìm tiệm kim hoàn để bán. Sau khi ngã giá, Ðộ Tân rút đóa hoa ra trao cho chủ tiệm thì bỗng thấy tiếc rẻ nên lại thôi không bán nữa, cất vào túi. Biết rằng không nạp tiền hối lộ thì chẳng sao vào được dinh học sứ nên Ðộ Tân quyết về nhà anh, ôn lại bài vở để đi thi khoa đồng tử hầu lấy lại mũ áo nho sinh.
Năm sau, ở huyện Tấn Giang có mở khoa thi đồng tử vào ngày rằm tháng ba. Ðộ Tân lên huyện sớm ít bữa để chờ ngày ứng thí. Gặp tiết thanh minh, thấy thiên hạ đua nhau đi ngoạn cảnh, Ðộ Tân cũng đi theo rồi lạc vào một dãy núi vì không thuộc đường. Chợt thấy một đám tì nữ áo xanh cưỡi ngựa theo hầu một cỗ xe, Ðộ Tân chú mục nhìn thì nhận ra người ngồi trong xe chính là nữ lang năm ngoái. Nữ lang nhìn thấy Ðộ Tân thì vội ra lệnh cho tì nữ dừng xe, rồi hỏi Ðộ Tân:"Hiền lang đi đâu thế?" Ðộ Tân đáp:"Tiểu sinh đi dự khoa thi đồng tử!" Nữ lang kinh ngạc, hỏi:"Thế ra hiền lang vẫn chưa xin lại được mũ áo nho sinh hay sao?" Ðộ Tân ngượng ngùng, thò tay vào túi, rút đóa hoa trang sức ra, nói:"Vì tiểu sinh chẳng nỡ bán kỷ vật này nên bây giờ phải đi thi lại khoa thi đồng tử" Nữ lang chợt ửng hồng đôi má, nói:"Hiền lang đừng đi đâu cả, cứ ngồi đây mà chờ một lát!" Rồi ra lệnh cho tì nữ phóng xe đi. Ðộ Tân theo lời dặn, ngồi chờ ở bên đường. Lát sau, một tì nữ phóng ngựa trở lại, trao cho Ðộ Tân một túi lớn, nói:"Nương tử tiểu tì nói vì bây giờ dinh học sứ loạn như cái chợ bán chữ nên nương tử tiểu tì tặng tú tài hai trăm lạng vàng, dặn tú tài hãy dùng vàng này mà tiến thân!" Ðộ Tân không nhận, nói:"Nương tử đã cho bỉ nhân đóa hoa ngọc rồi! Bây giờ nương tử lại cho vàng thì bỉ nhân chẳng dám nhận nữa! Sở dĩ bỉ nhân chẳng chịu bán đóa hoa ngọc là vì bỉ nhân tự lượng sức mình có thể đi thi để lấy lại mũ áo nho sinh! Chỉ xin tiểu nương cho bỉ nhân biết danh tánh nương tử là chi để bỉ nhân về vẽ tranh mà thờ, thắp hương mà khấn cũng đã là mãn nguyện lắm rồi!" Tì nữ chẳng thèm nói chi thêm, cứ quẳng túi vàng xuống cạnh Ðộ Tân rồi quất ngựa phóng đi. Ðộ Tân đành nhặt túi vàng đem về.
Tới nhà, Ðộ Tân chia túi vàng làm hai, biếu người anh một nửa, còn nửa kia thì đem đi chuộc lại nhà cửa ruộng vườn và mua gia nhân. Sau đó, Ðộ Tân lên huyện dự khoa thi đồng tử, lấy lại được mũ áo nho sinh. Ba tháng sau, Ðộ Tân lại trúng tuyển khoa thi nhập học trường huyện. Ðại Thành giỏi buôn bán, dùng vàng em cho để đi buôn, kiếm được rất nhiều lời. Ba năm sau, Ðại Thành chuộc lại được hết các sản nghiệp của ông cha. Vì thế, hai anh em cùng trở thành cự phú ở trong làng.
Năm ấy, triều đình cử người anh thúc bá của Ðại Thành và Ðộ Tân, là Mễ công, về làm tuần vũ tỉnh Phúc Kiến, thay tuần vũ cũ hồi hưu. Mễ công sai lính đem quà về làng tặng hai anh em. Hai anh em bèn nhờ lính chuyển lời cám ơn tới Mễ công. Hôm sau, Ðại Thành rủ vợ và em cùng mình lên dinh tuần vũ để xin vào chào mừng và thăm hỏi Mễ công. Ðộ Tân vốn không ưa việc tới lui nơi quyền quý nên từ chối. Vì thế chỉ có hai vợ chồng Ðại Thành lên dinh tuần vũ mà thôi.
Nửa năm sau. Một hôm, có khách mặc áo cừu, cưỡi ngựa bạch, tới gõ cổng nhà Ðộ Tân. Gia nhân ra coi, thấy là khách lạ, vội chạy vào báo. Ðộ Tân ra coi thì nhận ra là một trong hai công tử mà mình đã gặp trong buổi lễ thượng thọ ở nhà Phó lão tiên sinh. Ðộ Tân bèn mở cổng mời khách vào nhà. Hai người tay bắt mặt mừng, ngồi hàn huyên đủ chuyện. Ðộ Tân sai gia nhân bày tiệc thì khách từ chối, nói thác là mình có việc bận, cần phải đi ngay, nhưng rồi lại cứ ngồi hàn huyên với Ðộ Tân chứ chẳng chịu xin cáo biệt. Gia nhân bày tiệc xong, chạy ra trình báo. Ðộ Tân đứng dậy, mời khách vào nhập tiệc. Ðột nhiên, khách quỳ xuống trước mặt Ðộ Tân mà lạy. Ðộ Tân kinh ngạc, nghiêng mình tránh né, rồi hỏi:"Công tử có chuyện chi nghiêm trọng thế?" Khách buồn rầu, đáp:"Gia nghiêm vừa mắc một đại họa, chỉ có cao hiền mới cứu được thôi!" Nói:"Xin công tử nói rõ cho nghe!" Ðáp:"Vì gia nghiêm sắp bị lâm vào vòng lao lý mà chỉ có quan tuần vũ mới cứu được nên hôm nay bỉ nhân tới đây để xin cao hiền lên nói với quan tuần vũ giùm cho!" Nghe thấy thế, Ðộ Tân liền từ chối, nói:"Tuy quan tuần vũ với tiểu sinh là chỗ anh em thúc bá song tiểu sinh đã quyết tâm là chẳng khi nào lên nhờ vả quan tuần vũ một việc gì cả!" Khách cứ nằm lăn ra đất mà khóc lóc van xin. Ðộ Tân giận quá, nghiêm sắc mặt, nói:"Công tử với tiểu sinh chẳng qua chỉ là chỗ sơ giao! Thế thì tại sao công tử lại đi táng thất danh tiết để ép tiểu sinh phải làm một việc mà tiểu sinh chẳng thể nào làm được?" Nghe thấy thế, khách ngượng quá, vội vùng dậy, chắp tay vái chào Ðộ Tân, rồi chạy ra sân, tháo ngựa phóng đi.
Tối sau, Ðộ Tân đang ngồi trong phòng đọc sách thì chợt thấy bóng dáng lờ mờ của một cô gái lui cui buộc ngựa ở góc sân. Ðộ Tân chú mục nhìn theo thì thấy cô gái bước lên thềm, tới gõ cửa phòng. Ðộ Tân vội chạy ra mở thì nhận ra là tì nữ hầu cận của nữ lang đã cho mình đóa hoa trang sức. Chỉ lo tì nữ tới báo cho mình một hung tin về nữ lang, Ðộ Tân toan cất tiếng hỏi thì tì nữ đã hỏi trước:"Tú tài đã quên đóa hoa ngọc của nương tử tiểu tì trao tặng rồi sao?" Ðộ Tân đáp:"Bỉ nhân đâu có dám quên!" Tì nữ nói:"Nếu thế thì tiểu tì báo cho tú tài một tin!" Ðộ Tân kinh hãi, dồn dập hỏi:"Tin gì? Tin gì?" Tì nữ đáp:"Phó công tử hôm qua tới đây chính là bào huynh của nương tử tiểu tì đó!" Nghe thấy thế, Ðộ Tân mới hoàn hồn, thở phào nhẹ nhõm, chuyển lo thành mừng. Tuy nhiên, Ðộ Tân vẫn làm ra vẻ chẳng tin, nói:"Tiểu nương nói vậy thì bỉ nhân cũng biết vậy chứ bỉ nhân thấy khó tin quá! Nếu nương tử đích thân tới đây xác nhận điều đó thì bỉ nhân sẽ tin ngay! Lúc ấy nương tử có bảo bỉ nhân nhảy vào đống lửa, bỉ nhân cũng xin tuân hành. Còn nếu nương tử không tới thì bỉ nhân nghĩ rằng chắc là tiểu nương đặt chuyện!" Tì nữ tức giận, chẳng nói một lời, quay phắt xuống sân, tháo ngựa phóng đi.
Chừng một giờ sau, Ðộ Tân lại nghe có tiếng gõ cửa. Ra mở thì thấy tì nữ trở lại, nói:"Nương tử tiểu tì đã tới đây này!" Ðộ Tân mừng quá, còn đang luýnh quýnh chưa biết phải hành động ra sao thì chợt thấy nữ lang bước vào phòng, quay mặt vào tường mà khóc, chẳng nói một lời. Ðộ Tân chắp tay vái chào nữ lang rồi lắp bắp: "Nếu chẳng được nương tử giúp đỡ thì tiểu sinh đâu có ngày nay? Bây giờ nương tử sai bảo điều chi, tiểu sinh cũng xin tuân hành ngay lập tức, chẳng dám chối từ!" Nữ lang nói:"Kẻ phải đi cầu cạnh người thì hay sợ hãi người. Kẻ được người tới cầu cạnh thì hay làm cao với người. Bình sinh thiếp chưa hề phải đi cầu cạnh ai bao giờ! Bây giờ nửa đêm phải đi cầu cạnh người thì còn biết nói năng chi?" Ðộ Tân nói:"Khi tiểu sinh được biết Phó công tử là lệnh huynh thì tiểu sinh đã tin ngay, song vì nghĩ mình khó có dịp được diện kiến nương tử nên mới lập kế để mong nương tử cho gặp mặt. Bây giờ nghĩ lại mới thấy là mình đã đắc tội với nương tử vì đã làm cho nương tử phải nửa đêm lặn lội sương tuyết mà tới đây!" Nói xong, Ðộ Tân bước tới nắm lấy ống tay áo nữ lang để mời ngồi. Thừa cơ, Ðộ Tân ngầm gãi vào lòng bàn tay nữ lang. Nữ lang liền biến sắc mặt, nói:"Thấy người khác bị lâm nguy, đã chẳng sốt sắng giúp đỡ, lại còn manh tâm lợi dụng, thì quả là kẻ tồi bại!" Nói xong, nữ lang quay phắt người qua phía tì nữ, ra lệnh:"Ði!" rồi chạy lên xe. Tì nữ vội chạy theo, nhảy lên ngồi cầm cương. Ðộ Tân kinh hãi quá, cũng vội chạy ra sân, quỳ xuống đất mà van lạy:"Tiểu sinh đã trót dại, xin nương tử tha cho!" Tì nữ cũng nhỏ nhẹ khuyên:"Xin nương tử hãy nghĩ tới lão công mà bớt giận, tha tội cho tú tài!" Lúc đó, nữ lang mới hơi nguôi. Ðộ Tân cứ quỳ ở giữa sân mà lên tiếng:"Xin nương tử sai bảo!" Nữ lang ngồi trong xe, nói vọng ra:"Nói thực cho hiền lang biết thiếp chẳng phải là người mà là con gái vị thần nhân mà hiền lang đã tới dự lễ thượng thọ. Gia nghiêm được Thượng Ðế đặc cử giữ chức vụ Nam Nhạc Ðô Lý Ty. Vì gia nghiêm có chuyện xích mích với vị thổ thần địa phương nên bị vị này vu tấu lên Thượng Ðế. Gia nghiêm đã trần tình song Thượng Ðế chẳng tin, bắt phải có lá sớ vàng với dấu ấn của quan tuần vũ địa phương để làm bằng, nếu không thì sẽ mắc vòng lao lý. Nếu hiền lang chưa quên ân nghĩa cũ thì hãy lấy một lá sớ vàng, lên thỉnh cầu quan tuần vũ đóng dấu ấn cho rồi đem về trao cho thiếp để thiếp đem đi cứu gia nghiêm!" Nói xong, nữ lang chẳng chờ cho Ðộ Tân nói chi thêm, vội ra lệnh cho tì nữ quất ngựa, phóng xe đi. Ðộ Tân vô cùng lo sợ, bèn đứng dậy, vào nhà nằm. Suốt đêm ấy, Ðộ Tân trằn trọc, chẳng sao ngủ được.
Sáng sớm hôm sau, Ðộ Tân sửa soạn hành trang, đem theo nhiều tiền bạc, cưỡi ngựa lên tỉnh, tới dinh tuần vũ, xin vào thăm Mễ công. Sau khi chào hỏi, Ðộ Tân nói:"Kính thưa đại ca, ở vùng núi quê nhà có nhiều tà ma quấy nhiễu dân lành. Hôm nay tiểu đệ lên đây xin đại ca một lá sớ vàng có đóng dấu ấn để đem về vùng núi quê nhà mà làm phép trừ tà ma cho dân chúng!" Mễ công cười, nói:"Chuyện tà ma là chuyện hoang đường! Hiền đệ chớ nên mê tín mà làm như vậy!" Ðộ Tân kinh hãi quá, vội vàng vâng vâng dạ dạ rồi xin phép ra về.
Ra ngoài, Ðộ Tân chạy đi dò hỏi xem ai là kẻ tâm phúc của Mễ công để mình có thể lo hối lộ, nhờ xin một lá sớ vàng có dấu ấn tuần vũ. Khi được biết kẻ tâm phúc của Mễ công là người họ Kế, tên Phục, Ðộ Tân liền chạy đi tìm Kế Phục, đem tiền bạc ra biếu rồi năn nỉ xin Kế Phục giúp mình. Kế Phục nhận lời rồi bảo Ðộ Tân cứ ra quán trọ Mai Hoa mà chờ. Ðộ Tân bèn ra quán trọ nằm chờ, song chờ suốt ngày mà chẳng thấy Kế Phục tới.
Sáng sau, chẳng được tin tức gì, Ðộ Tân chán nản, bèn trả phòng trọ, lên ngựa về làng. Vừa về tới nhà, Ðộ Tân đã thấy tì nữ đang đứng ở cổng, tay cầm cương. Thấy Ðộ Tân về, tì nữ hỏi:"Có được việc gì không?" Ðộ Tân lắc đầu buồn bã, đáp:"Không!" rồi thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, tì nữ lạnh lùng, chẳng nói một lời, nhảy lên lưng ngựa, phóng đi. Ðộ Tân hốt hoảng, vội nói với theo:"Nhờ tiểu nương về thưa giùm với nương tử rằng nếu tối mai mà bỉ nhân chẳng làm xong công việc nương tử giao phó thì bỉ nhân sẽ xin tự vẫn!" Tì nữ chẳng thèm ngoái cổ lại, cứ phóng ngựa như bay. Ðộ Tân cho ngựa vào chuồng rồi lên nhà nằm. Suốt ngày hôm ấy, Ðộ Tân chỉ thở dài. Suốt đêm hôm ấy, Ðộ Tân cứ trằn trọc.
Tờ mờ sáng hôm sau, Ðộ Tân đem đóa hoa ngọc cùng tiền bạc lên lưng ngựa, phóng lên tỉnh. Vừa tới dinh tuần vũ, gặp Kế Phục ở cổng dinh, Ðộ Tân vội hỏi:"Có tin tức gì cho bỉ nhân không?" Kế Phục đáp:"Có! Ðang đi tìm túc hạ đây!" Ðộ Tân mừng quá, vội hỏi:"Tin gì thế?" Kế Phục đáp:"Quan tuần vũ có người ái thiếp là Bối cơ. Bối cơ rất mê bảo ngọc, hiện đang tìm mua. Nếu túc hạ có bảo ngọc mà đem biếu thì thế nào Bối cơ cũng lén lấy ấn của quan tuần vũ mà đóng dấu vào lá sớ vàng cho!" Ðộ Tân mừng quá, vội móc túi lấy đóa hoa ngọc ra trao cho Kế Phục, nhờ đem vào biếu Bối cơ giùm. Kế Phục cầm đóa hoa rồi bảo Ðộ Tân cứ ra quán trọ Mai Hoa mà chờ.
Bối cơ được đóa hoa ngọc thì mừng lắm, vội vào phòng ngủ của Mễ công, lén lấy ấn tuần vũ đóng dấu vào một lá sớ vàng rồi trao cho Kế Phục. Ðộ Tân nằm ở quán trọ mà trong lòng cứ bồn chồn, hồi hộp. Bỗng nghe có tiếng gõ cửa, Ðộ Tân vội nhỏm dậy, chạy ra mở. Thấy Kế Phục, Ðộ Tân mừng quá, trống ngực đánh thình thình. Kế Phục mỉm cười, nói:"Ðã làm xong việc cho túc hạ rồi!" Nói xong, Kế Phục móc túi, lấy lá sớ vàng ra trao cho Ðộ Tân. Ðộ Tân mừng quá, chỉ thốt được hai tiếng cám ơn rồi giơ tay đón nhận lá sớ, gấp làm tư, cất vào túi. Ðộ Tân ra trả tiền phòng, rồi nhảy ngay lên ngựa phóng về làng.
Vừa về tới cổng nhà thì thấy tì nữ cũng vừa phóng ngựa tới. Ðộ Tân vội lên tiếng:"May mà hôm nay bỉ nhân chẳng làm nhục mệnh của nương tử! Mấy năm trước đây, bỉ nhân nghèo túng, phải đi ăn nhờ ở đậu mà vẫn chẳng chịu bán đóa hoa ngọc của nương tử ban cho. Hôm nay, vì nương tử mà bỉ nhân phải đem nó tặng lại người khác. Ném vàng đi, bỉ nhân chẳng tiếc, song mất đóa hoa ngọc thì bỉ nhân tiếc lắm. Nhờ tiểu nương về xin với nương tử thưởng cho bỉ nhân một đóa hoa khác, giống như thế!" Sau đó, Ðộ Tân thuật lại việc mình trao đóa hoa ngọc cho Kế Phục, nhờ đem đi tặng Bối cơ để xin lá sớ vàng. Thuật xong, Ðộ Tân móc túi lấy lá sớ ra trao. Tì nữ nhận lá sớ, cám ơn Ðộ Tân rồi quay ngựa, phóng như bay.
Ba hôm sau, Ðộ Tân đang ngồi trong nhà thì thấy Phó công tử cưỡi ngựa bạch tới thăm. Sau khi chào hỏi, công tử đưa biếu Ðộ Tân một túi vàng lớn, gồm trăm lạng. Ðộ Tân nghiêm nét mặt, nói:"Sở dĩ tiểu sinh giúp được lệnh tôn là vì lệnh muội đã ban cho tiểu sinh một ân huệ. Nếu chẳng vì ân huệ ấy thì dù công tử có cho tiểu sinh vạn lạng vàng, tiểu sinh cũng chẳng thể đem danh tiết của mình ra mà đánh đổi được!" Công tử cứ năn nỉ mãi để Ðộ Tân nhận cho. Ðộ Tân càng nghiêm sắc mặt, cương quyết chối từ. Công tử ngượng quá, đành phải đem túi vàng lên ngựa mà cáo biệt. Trước khi về, công tử nói:"Ân nghĩa của cao hiền, gia đình bỉ nhân chưa trả xong đâu!" rồi vái chào Ðộ Tân, phóng ngựa đi.
Hôm sau, tì nữ lại cưỡi ngựa tới. Vào nhà, tì nữ lấy ra một túi minh châu gồm trăm hạt, đặt lên bàn, nói: "Nương tử sai tiểu tì đem túi minh châu này tới để đền ơn tú tài. Tú tài nghĩ trăm hạt minh châu này đã đủ để đền bù lại đóa hoa ngọc chưa?" Ðộ Tân đáp:"Ðóa hoa ngọc là đóa hoa ngọc chứ chẳng phải là trăm hạt minh châu. Dù nương tử có ban cho bỉ nhân trăm vạn lạng vàng thì bỉ nhân cũng chỉ trở thành một phú nhân thôi chứ chẳng thể trở thành kẻ có cái diễm phúc được giữ đóa hoa ngọc làm kỷ vật! Bỉ nhân cam phận nghèo chỉ vì muốn được làm kẻ có cái diễm phúc ấy. Nương tử là người thần, bỉ nhân đâu dám ước mơ chuyện phu thê mà chỉ muốn được giữ đóa hoa ngọc làm kỷ vật thôi! Bây giờ, tuy đã mất đóa hoa ngọc nhưng lại báo được hồng ân của nương tử thì bỉ nhân cũng chẳng tiếc. Thực tình mà nói, nếu phải mất mạng để báo đáp được hồng ân của nương tử thì bỉ nhân cũng chẳng tiếc, huống hồ là chỉ mất có đóa hoa ngọc? Xin tiểu nương đem túi minh châu này về trình lại với nương tử như thế cho!" Tì nữ cứ để túi minh châu trên bàn rồi chào từ biệt. Ðộ Tân gọi giật lại, nói:"Xin tiểu nương làm ơn đem túi minh châu này về để cho tâm hồn bỉ nhân được thanh thản!" Bất đắc dĩ, tì nữ phải đem túi minh châu lên ngựa, ra về.
Ba hôm sau, Phó công tử lại cưỡi ngựa tới thăm, lần này có dắt theo một đầu bếp giỏi. Ðộ Tân sai gia nhân bày tiệc. Công tử nói:"Hôm nay bỉ nhân có dắt theo một đầu bếp tới để nấu nướng cho chúng ta say sưa một bữa!" rồi sai đầu bếp xuống bếp làm tiệc với gia nhân nhà Ðộ Tân. Tiệc bày xong, Ðộ Tân mời công tử nhập tiệc. Ðộ Tân có một vò rượu quý của người bạn thân biếu đã từ lâu, song còn để dành, chưa mở. Hôm ấy, Ðộ Tân sai gia nhân khui vò rượu ra để cùng công tử yến ẩm.
Hai người yến ẩm, đàm luận, thân mật như anh em một nhà. Công tử uống rất hào, uống hết trăm chén mà vẫn chưa say, mặt chỉ hơi đỏ. Thấy rượu quá ngon, công tử khen: "Thực tình, bình sinh bỉ nhân chưa từng được uống thứ rượu nào ngon như thế này bao giờ!" Tiệc gần tan, đột nhiên công tử nói:"Cao hiền là một kẻ sĩ trinh giới. Huynh đệ bỉ nhân chẳng hiểu được cao hiền sớm hơn nên thẹn mình chẳng bằng giới quần thoa. Gia nghiêm cảm cái công ơn của cao hiền đã tận tình giúp đỡ, chẳng biết lấy chi báo đáp, nên hôm nay sai bỉ nhân tới đây để đề nghị với cao hiền một chuyện!" Ðộ Tân vội hỏi: "Lệnh tôn muốn sai bảo tiểu sinh chuyện chi?" Công tử đáp: "Gia nghiêm muốn đem gia muội gả cho cao hiền làm chính thất song lại sợ cao hiền e ngại việc phối ngẫu giữa người trần thế với người u minh nên phải sai bỉ nhân tới đây dò ý cao hiền trước!" Ðộ Tân sung sướng quá, lặng người đi hồi lâu, chẳng nói được lời nào. Lát sau Ðộ Tân mới lên tiếng: "Nếu quả vậy thì dù tiểu sinh có phải chết ngay bây giờ tiểu sinh cũng đã mãn nguyện lắm rồi!" Công tử cười, nói: "Nếu vậy thì đêm mai, mồng chín tháng bảy, đúng lúc trăng mọc, là ngày lành giờ tốt, xin cao hiền chuẩn bị sẵn sàng cho!" Ðộ Tân hỏi: "Tại sao lệnh tôn lại chọn ngày giờ đó?" Ðáp: "Vì đó là ngày giờ mà xưa kia một điệt nữ của Thượng Ðế đã xuống trần gian, kết nghĩa phu thê với người trần thế!" Ðáp xong, công tử kêu đầu bếp sửa soạn yên cương, rồi xin cáo biệt.
Tối sau, Ðộ Tân sửa soạn đủ mọi nghi thức hôn lễ. Ðúng vào lúc trăng mọc, quả nhiên có một đoàn xe hộ tống nữ lang tới. Ðộ Tân bèn cùng nữ lang làm lễ giao bái, thành thân.
Về nhà chồng, nữ lang hành xử chẳng khác chi một nàng dâu trần thế. Nữ lang rất hiền thục, ai thấy cũng phải kính yêu. Ba ngày sau, nữ lang ban thưởng tiền bạc cho tất cả mọi gia nhân lớn nhỏ trong nhà, ai cũng có phần. Hôm sau nữa, nữ lang theo chồng tới chào người anh và chị dâu chồng, biếu toàn những phẩm vật quý giá. Vì mẹ chồng đã mất, nữ lang đối xử với chị dâu chồng, kính cẩn lễ độ như đối xử với mẹ chồng vậy. Tuy chung sống với Ðộ Tân song tuyệt nhiên nữ lang chẳng sanh nở.
Ba năm sau. Một hôm nữ lang khuyên Ðộ Tân nên lấy vợ lẽ để có con nối dõi tông đường. Ðộ Tân cương quyết từ chối. Nữ lang cũng đành thôi. Ba năm sau nữa, một hôm nữ lang lại khuyên Ðộ Tân nên lấy vợ lẽ. Ðộ Tân lại từ chối. Nữ lang tỏ vẻ buồn. Thấy thế, Ðộ Tân đành thuận lấy vợ lẽ để chiều lòng vợ cả. Nữ lang mừng lắm, bèn nhờ người anh và chị dâu chồng để ý tìm kiếm vợ lẽ cho chồng.
Năm sau, Ðại Thành đi buôn ở Giang Hoài. Thấy một người rao bán một tiểu cơ, họ Cố, tên Bác Sĩ, tướng mạo đẹp đẽ, tính tình hiền thục, Ðại Thành liền bỏ tiền ra mua, đem về cho em làm vợ lẽ. Nữ lang mừng lắm. Ðộ Tân cũng hòa hợp với Cố thị.
Năm sau nữa, vào dịp Tết nguyên đán, Ðộ Tân tới phòng Cố thị ngồi nói chuyện. Cố thị đem hộp nữ trang ra ngồi trước gương, chọn vật cài tóc. Thấy Cố thị chọn một đóa hoa ngọc, giống hệt đóa hoa mà nữ lang đã tặng mình ngày trước, Ðộ Tân lấy làm lạ, bèn bảo Cố thị đưa cho mình coi. Thấy đúng là vật cũ của nữ lang, Ðộ Tân vô cùng kinh ngạc, hỏi:"Nàng lấy đóa hoa này ở đâu ra?" Cố thị đáp:"Nguyên đóa hoa này là của ái thiếp Bối cơ của quan tuần vũ Mễ công. Cách đây hơn ba năm, khi Bối cơ mất, tì nữ thân tín đánh cắp đóa hoa này đem ra chợ bán. Gia nghiêm thấy giá rẻ thì mua đem về. Thiếp thấy đẹp thì thích, cứ đòi coi suốt ngày. Gia nghiêm thấy thế bèn cho hẳn thiếp vì gia nghiêm chỉ có một mình thiếp là con. Ít lâu sau, khi gia nghiêm mất, di mẫu thiếp đem thiếp về nuôi. Thấy đóa hoa quý, di mẫu thiếp thích lắm, muốn bán đi để lấy tiền tiêu. Thiếp uất ức nhảy xuống giếng tự tử song chẳng chết. Lúc đó di mẫu thiếp mới chịu trả lại đóa hoa cho thiếp nên đóa hoa mới còn tới ngày nay!" Ðộ Tân bèn đem đóa hoa về phòng nữ lang, thuật lại câu chuyện. Nghe xong, nữ lang nói:"Vật cũ lưu lạc đã mười năm, nay lại hoàn cố chủ, âu cũng là số mệnh!" Nói xong, nữ lang mở hộp nữ trang, lấy ra một đóa hoa ngọc giống hệt như thế, nói:"Mỗi đóa hoa này đã phải xa vật phối ngẫu của nó lâu ngày, nay mới được đoàn tụ!" Rồi nữ lang cho gọi Cố thị lên phòng, tặng luôn cả đóa hoa của mình cho Cố thị, tự tay cài cả hai đóa lên mái tóc cho Cố thị. Cố thị cảm tạ nữ lang mà lui. Cố thị xuống nhà, thì thầm hỏi thăm gia nhân về lai lịch của nữ lang song ai cũng lắc đầu, chẳng ai dám nói điều chi.
Tối ấy, Cố thị mời Ðộ Tân ra chỗ vắng người, nói: "Thiếp thấy nương tử nhà ta là người thần chứ chẳng phải là người phàm trần!" Ðộ Tân hỏi:"Sao nàng biết?" Cố thị đáp:"Vì thiếp thấy vẻ mặt của nương tử có thần khí! Lúc nương tử cài hai đóa hoa lên mái tóc cho thiếp, thiếp được đứng gần nương tử, thấy vẻ đẹp của nương tử toát ra cả làn da. Người phàm trần làm sao có được vẻ đẹp ấy?" Ðộ Tân chẳng nói chi, chỉ mỉm cười. Cố thị lại nói:"Thiếp có cách thử xem nương tử có phải là người thần hay không?" Ðộ Tân hỏi:"Cách nào?" Cố thị đáp: "Thiếp nói với lang quân song xin lang quân chớ thuật lại với nương tử!" Ðộ Tân gật đầu. Cố thị nói:"Nương tử có tài thêu bít tất thực khéo. Thiếp thích những đôi bít tất ấy lắm, song chẳng dám xin. Ðể khuya nay, thiếp thắp hương trong phòng riêng, cầu khấn nương tử cho thiếp một đôi. Nếu nương tử là người thần thì thế nào nương tử cũng biết việc thiếp thắp hương cầu khấn, xin bít tất!" Ðộ Tân lại cười, rồi về phòng nữ lang mà nghỉ.
Sáng sau, khi ngủ dậy, đột nhiên Ðộ Tân thấy nữ lang gọi tì nữ vào phòng, đưa cho một đôi bít tất mới thêu, nói:"Hãy đem tới phòng Cố thị, nói rằng của ta cho!" Tì nữ vừa cầm đôi bít tất ra khỏi phòng thì Ðộ Tân phá lên cười. Nữ lang hỏi:"Tại sao lại cười?" Ðộ Tân bèn thuật chuyện Cố thị nói với mình. Nghe xong, nữ lang cũng cười, nói:"Con nhỏ này thông minh lắm!" Từ đó, nữ lang lại càng thương mến Cố thị hơn. Tuy được nữ lang thương mến song lúc nào Cố thị cũng giữ mực cung kính. Sáng nào, Cố thị cũng tự tay nấu nước thơm bưng lên phòng để nữ lang gội đầu.
Năm sau, Cố thị sanh đôi, được hai trai. Nữ lang chăm sóc hai hài nhi, coi như hai đứa con do chính mình sanh ra vậy. Ba vợ chồng chung sống trong cảnh tương đắc, đầm ấm, dưới cùng một mái nhà.
Năm mươi năm sau.
Vào dịp sinh nhật của Ðộ Tân, nữ lang ra lệnh cho gia nhân sửa soạn lễ thượng thọ tám mươi cho Ðộ Tân. Trong buổi lễ, ai cũng phải lấy làm lạ rằng nữ lang trông vẫn còn trẻ như một thiếu nữ chưa xuất giá.
Cuối năm ấy, Ðộ Tân lâm trọng bệnh. Nữ lang cho gọi thợ mộc tới nhà đóng một cỗ quan tài rộng gấp đôi cỗ quan tài bình thường.
Mấy hôm sau, Ðộ Tân mất. Nữ lang chẳng hề than khóc một tiếng, chỉ ra lệnh cho gia nhân làm lễ tẩm liệm. Rồi nữ lang cho gọi đông đủ con cháu và gia nhân lên phòng quàn làm lễ phát tang. Lễ xong, nữ lang ra lệnh cho tất cả mọi người dời khỏi phòng. Rồi nữ lang bước vào linh cữu, nằm xuống cạnh Ðộ Tân, nhắm mắt mà mất.
Lát sau, con cháu lén lên phòng quàn coi. Thấy nữ lang nằm cạnh Ðộ Tân mà mất, con cháu cùng kinh ngạc. Thế rồi toàn gia bèn làm lễ phát tang chung cho cả Ðộ Tân và nữ lang, mai táng hai người trong cùng một linh cữu.
Tới nay, dân chúng trong vùng vẫn gọi ngôi mộ chung của Ðộ Tân và nữ lang là Ðại Tài Trủng, nghĩa là ngôi mộ có quan tài lớn.
Nguyễn Huệ Chi dịch
Chuyện 32: Vợ Chồng Tiên (Thanh Nga)
Huyệt viên tằng thám tú phòng xuân
Tạc thạch trùng liên động phủ nhân
Ðạo sĩ tặng sàm như hữu ý
Ðộ tha hiếu tử tác tiên nhân
Huyện Tấn Dương, tỉnh Sơn Tây, có quan bình sự họ Vũ, rất mộ đạo Lão, trong nhà có rất nhiều sách Lão Trang. Ông bà bình sự có một gái, tên Thanh Nga, rất mực kiều diễm, thường lén đọc sách của cha và rất hâm mộ Hà Tiên Cô. Năm Thanh Nga 14 tuổi, Vũ ông bỏ nhà sang ở huyện Thuận Thiên tỉnh Hà Bắc, rồi vào núi Thuận Sơn tu tiên. Thanh Nga ở lại Tấn Dương với mẹ, cũng bắt chước cha, lập chí tu tiên. Vì thế, Thanh Nga quyết chẳng lấy chồng. Có đám nào tới hỏi, Thanh Nga cũng từ chối. Vũ bà chiều ý con, chẳng ép duyên.
Ở Tấn Dương lại có quan huyện úy họ Hoắc, quán tại huyện Sơn Hữu. Ông bà huyện úy có một trai, tên Hoàn, tên chữ Khuông Cửu, kém Thanh Nga một tuổi. Năm Khuông Cửu lên 5, Hoắc ông qua đời, để lại cho Hoắc bà một ngôi nhà ở Tấn Dương và một dinh cơ ở Sơn Hữu. Khuông Cửu học giỏi, nổi tiếng thần đồng, năm 11 tuổi đã đậu thủ khoa khóa thi nhập học trường huyện. Vì thương yêu con quá, Hoắc bà chỉ cho con tới trường rồi lại bắt về nhà chứ chẳng cho đi đâu. Vì thế, năm 13 tuổi, Khuông Cửu vẫn chưa biết mặt chú cô cậu dì nội ngoại. Khuông Cửu rất có hiếu với mẹ, song cũng rất hiếu sắc. Tuy còn ít tuổi, song hễ thấy gái đẹp là đã si mê.
Một hôm đi học về, gặp Thanh Nga ở dọc đường, Khuông Cửu bỗng cảm thấy lòng xao xuyến. Dò hỏi mọi người, biết Thanh Nga là con Vũ bà, Khuông Cửu bèn nói với mẹ:"Mẹ nhờ bà mối tới nhà Vũ bà hỏi Thanh Nga cho con đi!" Hoắc bà đáp:"Mẹ nghe nói Thanh Nga đã lập chí tu tiên, quyết chẳng lấy chồng, hỏi làm chi cho phí công vô ích!" Bị phật ý, Khuông Cửu hậm hực, cứ buồn rầu mãi. Thấy con buồn, Hoắc bà bèn nhờ bà mối tới hỏi Thanh Nga cho con. Quả nhiên Thanh Nga từ chối. Khuông Cửu cố nghĩ ra phương kế để gặp Thanh Nga, song nghĩ mãi mà vẫn chưa ra phương kế gì.
Một hôm, Khuông Cửu ra cổng đứng chơi. Thấy một đạo sĩ đi qua, tay cầm chiếc dầm nhỏ, chỉ dài chừng gang tay, Khuông Cửu lấy làm lạ, bèn chạy tới mượn để coi, rồi hỏi:"Dầm này dùng để làm chi?" Ðạo sĩ cười, đáp: "Ðể khoét đá cứng" Hỏi:"Nhỏ thế này thì làm sao mà khoét?" Cười, đáp:"Tuy nhỏ song cứng và sắc lắm!" Khuông Cửu lắc đầu, tỏ vẻ chẳng tin. Ðạo sĩ bèn lấy lại dầm, khoét vào tảng đá ở ngoài cổng. Thấy tảng đá bị lõm vào một lỗ, Khuông Cửu kinh ngạc, lại mượn dầm để ngắm nghía. Ðạo sĩ cười, nói:"Thích thì cho đó!" Khuông Cửu mừng quá, đáp:"Xin chờ một lát!" rồi cầm dầm chạy vào nhà, lấy một mớ tiền, đem ra trả đạo sĩ. Ðạo sĩ lắc đầu cười, nói:"Cho chứ đâu có bán!" rồi lững thững bỏ đi. Khuông Cửu bèn đem dầm vào nhà, khoét vào góc tường ở cuối sân thì thấy góc tường cũng bị thủng. Khuông Cửu mừng lắm, định bụng sẽ đem dầm tới nhà Vũ bà, khoét tường để vào gặp Thanh Nga, chẳng biết rằng làm như thế là phạm pháp.
Ðêm ấy, Khuông Cửu giắt dầm vào thắt lưng, lén mẹ trèo tường ra khỏi nhà. Tới nhà Vũ bà, thấy một vòng tường vây kín, Khuông Cửu bèn rút dầm, khoét một lỗ hổng dưới chân tường rồi chui vào. Thấy một vòng tường nữa, Khuông Cửu lại khoét rồi lại chui vào. Thấy ở bên trong có một sân rộng và ở cuối sân có một căn phòng còn đèn sáng, Khuông Cửu bèn chạy tới, áp mắt vào lỗ khóa mà dòm. Thấy Thanh Nga đang cởi bỏ nữ trang rồi tắt đèn đi nghỉ, Khuông Cửu chưa dám có hành động gì, chỉ nép mình ở ngoài hành lang để nghe ngóng.
Lát sau, thấy cảnh vật đã im, Khuông Cửu mới rút dầm khoét tường rồi chui vào. Dón dén bước tới cạnh giường, thấy Thanh Nga đang thở đều đều, Khuông Cửu khẽ cởi giầy, leo lên giường, nằm nép cạnh chiếc chăn gấm, nhắm mắt hưởng hương thơm. Mệt mỏi từ tối, nay thấy thoải mái, Khuông Cửu ngủ thiếp đi.
Lát sau, Thanh Nga thức giấc. Thấy ánh trăng tỏa sáng đầy phòng, Thanh Nga lấy làm lạ, bèn đảo mắt nhìn quanh. Thấy trên tường có một lỗ hổng mới khoét, Thanh Nga kinh hãi quá, vội dón dén ngồi dậy, tới giường tì nữ, lấy tay bịt miệng, nói thầm vào tai:"Khẽ chứ, hãy ra khỏi phòng này ngay!" Hai người cùng dón dén, mở cửa lẻn ra sân, chạy tới phòng bà vú, gõ cửa gọi bà dậy, thuật lại chuyện cho nghe. Bà vú vội thắp đèn, lấy cho mỗi người một cây gậy, bảo theo mình trở lại phòng Thanh Nga. Tới giường, bà vú soi đèn. Thấy một chú bé, mặt mũi non choẹt, tóc kết trái đào, đang nằm ngủ say, bà bèn lay dậy. Chú bé nhỏm dậy, mắt sáng như sao, chẳng sợ hãi chi. Tì nữ nhận ra chú bé là Khuông Cửu, con trai Hoắc bà, thì thấy yên tâm, bèn vờ doạ nạt:"Chắc chú bé này là đạo tặc. Mình hãy bắt trói, đem lên nạp quan" Nghe thấy thế, Khuông Cửu bật khóc, nói:"Chỉ vì thương yêu nương tử đây nên muốn được gần gũi chứ đâu có phải là đạo tặc!" Tì nữ hỏi:"Làm thế nào mà khoét được ba lần tường?" Khuông Cửu liền rút chiếc dầm ở lưng ra, nói:"Dầm này sắc lắm, khoét tường rất dễ!" Tì nữ liền giằng lấy, đem khoét thử vào tảng đá ở đầu hè, thì thấy đúng như lời. Tì nữ kinh hãi, nghĩ chắc chiếc dầm là thần vật của thần ban cho Khuông Cửu. Tì nữ vào phòng, ướm hỏi tiểu chủ: "Tiểu thư ơi! Bây giờ tiện tì đem chiếc dầm này lên trình phu nhân nhé?" Thanh Nga cúi đầu suy nghĩ. Hiểu ý tiểu chủ, tì nữ nói:"Chú bé này nổi tiếng thần đồng, tiểu thư có kết duyên cũng chẳng nhục nhã chi! Bây giờ ta hãy thả cho chú ấy về, bảo nói với mẹ nhờ bà mối tới hỏi lần nữa. Rồi sáng mai tiện tì sẽ trình dối với phu nhân rằng đêm qua nhà mình bị trộm tới khoét tường. Tiểu thư nghĩ sao?" Thanh Nga vẫn lặng im chẳng đáp. Hiểu ý tiểu chủ, tì nữ bèn giục Khuông Cửu:"Thôi, về đi!" Khuông Cửu nói:"Trả lại chiếc dầm đã!" Tì nữ cười, nói:"Ðâu có được! Ngốc nghếch mà cũng biết đòi lại cái vật tội lỗi ấy ư?" Khuông Cửu liền đảo mắt nhìn quanh, cố tìm một vật gì để lấy bù lại chiếc dầm. Chợt thấy một cành thoa vàng nằm bên gối, Khuông Cửu liền lấy cho vào túi áo. Tì nữ nhìn thấy, mách:"Tiểu thư ơi! Chú ấy lấy trộm cành thoa của tiểu thư kìa!" Thanh Nga chẳng nói mà cũng chẳng tỏ vẻ tức giận. Tì nữ cười, nói:"Hãy còn ngốc lắm!" Thấy tì nữ cứ chê chú bé là ngốc, bà vú bèn lên tiếng:"Úi chao! Chẳng ngốc đâu! Khôn lắm đó!" Rồi tới nắm lấy cánh tay Khuông Cửu kéo ra sân, lôi tới lỗ hổng ở chân tường, bảo: "Lúc nãy vào bằng lối nào thì bây giờ phải ra bằng lối ấy!" Khuông Cửu bèn chui qua lỗ hổng mà về. Tới nhà, Khuông Cửu trèo tường vào phòng ngủ.
Sáng sau, Khuông Cửu chẳng dám thuật lại việc lén tới nhà Vũ bà cho mẹ nghe mà chỉ giục:"Mẹ hãy nhờ bà mối tới hỏi Thanh Nga cho con lần nữa đi!" Thấy con si tình, Hoắc bà gật đầu, rồi tới nhà bà mối, nói:"Con tôi nó muốn nhờ bà tới hỏi Thanh Nga cho nó lần nữa! Tôi biết Thanh Nga đã quyết chí tu tiên, chẳng muốn lấy chồng thì có tới hỏi cũng vô ích! Thế nhưng vì tôi chẳng nỡ chối từ con nên phải giả vờ tới đây để nhờ bà. Vậy xin bà làm ơn để ý giùm xem có đám nào đăng đối thì làm mai cho nó một đám!" Bà mối gật đầu, nói:"Xin vâng!"
Hoắc bà về rồi, bà mối liền sang nhà hàng xóm nói chuyện mình sắp làm mai một đám khác cho Khuông Cửu. Chuyện đồn tới tai Thanh Nga. Thanh Nga bèn sai tì nữ tâm phúc tới thưa với Hoắc bà:"Tiểu thư nhà tiện tì đã đổi ý, bằng lòng kết duyên với lệnh công tử, sai tiện tì tới đây trình phu nhân!" Hoắc bà mừng lắm, lại tới nhà bà mối, nói:"Thanh Nga vừa cho tì nữ tới nói với tôi là cô ấy đã đổi ý, bằng lòng kết duyên với con tôi. Vậy nhờ bà cứ tới làm mai giùm cho nó lần nữa!" Bà mối lại gật đầu, nói:"Xin vâng!"
Ở nhà Vũ bà, tì nữ của Thanh Nga bép xép chuyện Khuông Cửu khoét tường cho lũ gia nhân nghe. Có kẻ đem chuyện ấy mách Vũ bà. Nghe chuyện, Vũ bà giận lắm, cho là Khuông Cửu đã làm nhục gia đình mình.
Hôm ấy, bà mối lại tới nhà Vũ bà, nói:"Hoắc bà nhờ tôi tới đây để xin hỏi lệnh tiểu thư cho Hoắc công tử lần nữa!" Nghe thấy thế, Vũ bà nổi giận, cầm một cây gậy chạy ra giữa sân, chỉ trời vạch đất mà thề:"Tôi thề là chẳng bao giờ gả con gái cho cái thằng mất dạy Khuông Cửu ấy! Ðào tường khoét vách, leo lên giường con gái nhà người ta mà nằm, đúng là đồ đạo tặc dâm bôn! Làm mẹ mà chẳng biết dạy con, đúng là mẹ thằng mất dạy!"
Bà mối kinh hãi, chạy về thuật lại cho Hoắc bà nghe. Nghe xong, Hoắc bà cũng nổi giận, nói:"Sao bà ấy lại được ăn nói hỗn hào với tôi như thế! Chuyện thằng con tôi nó làm, tôi đâu có biết mà ngăn? Sao bà ấy chẳng biết dạy gia nhân rằng nếu gặp chúng nó ăn nằm với nhau như thế thì cứ việc bắt cả hai đứa, đem ra mà giết?" Rồi Hoắc bà đi rêu rao khắp chốn. Thanh Nga nghe chuyện, xấu hổ vô cùng, ý muốn tự tử. Vũ bà nghe chuyện, cũng đâm hối hận, sai tì nữ canh chừng con rất sát. Thanh Nga bèn viết một lá thư gửi Hoắc bà, lời lẽ rất bi thiết, thề chẳng lấy ai ngoài Khuông Cửu, rồi sai tì nữ đưa sang. Hoắc bà mở thư ra đọc thì cũng cảm động, nên thôi không đi rêu rao nữa. Tuy nhiên, Hoắc bà vẫn nhất định không chịu hỏi Thanh Nga cho con.
Năm sau, triều đình bổ nhậm tiến sĩ họ Âu, người tỉnh Thiểm Tây, tới làm quan tể huyện Tấn Dương. Âu công vốn ưa thích văn chương, thường hay đọc văn bài của các nho sinh trong huyện. Khi đọc tới văn bài của Khuông Cửu, Âu công thích lắm, sai lính đi gọi Khuông Cửu vào tư dinh đàm luận.
Tháng sau. Một hôm Khuông Cửu đang ngồi đàm luận với Âu công thì bỗng Âu công hỏi:"Ðã hỏi vợ chưa?" Khuông Cửu đáp:"Thưa chưa!" Hỏi:"Mười bốn tuổi rồi, sao chưa hỏi vợ?" Ðáp:"Thực ra, năm ngoái gia mẫu có hỏi con gái quan bình sự họ Vũ trong huyện cho tiểu sinh. Nhưng rồi gia mẫu có chuyện xích mích với Vũ bà nên bỏ luôn việc cầu hôn!" Hỏi:"Thế bây giờ có còn muốn cầu hôn đám đó nữa hay không?" Khuông Cửu đỏ mặt bẽn lẽn. Âu công bèn cười, nói:"Thôi! Ðể ta tác thành cho!"
Hôm sau, Âu công sai quan huyện úy cùng quan giáo dụ đem sính lễ tới nhà Vũ bà, xin hỏi cưới Thanh Nga cho Khuông Cửu. Thấy gia đình mình được Âu công chiếu cố, Vũ bà lấy làm vinh dự, bèn nhận lời ngay. Còn Hoắc bà thì vì nể uy thế của Âu công nên cũng phải vâng lời. Hai bên bèn thỏa thuận gặp nhau để bàn tính chuyện hôn nhân.
Tháng tám năm sau, Hoắc bà đón dâu về cho con. Chú rể 15, cô dâu 16. Tối hôm động phòng hoa chúc, Thanh Nga cầm chiếc dầm ném xuống đất, nói:"Hãy quẳng cái vật đào tường khoét vách này đi!" Khuông Cửu cúi xuống nhặt chiếc dầm, giắt vào thắt lưng, rồi cười, nói:"Ta chẳng thể nào quên được bà mối này!" Từ đó, Khuông Cửu đi đâu cũng giắt theo chiếc dầm ở thắt lưng.
Thanh Nga hiền hậu, ít nói, thờ mẹ chồng rất phải đạo, ngày nào cũng tới thăm hỏi ba lần. Thế nhưng, ngoài việc thăm hỏi ra, Thanh Nga chỉ ngồi trong thư phòng đọc sách, chứ chẳng hề phụ giúp mẹ chồng cai quản gia vụ. Chỉ khi nào Hoắc bà bận việc giao tế, phải đi dự đám tang, đám cưới, Thanh Nga mới chịu đứng ra trông nom. Thế nhưng, khi đã trông nom thì đâu vào đấy, thứ tự, ngăn nắp, khiến gia nhân đều phải kính phục.
Hai năm sau, Thanh Nga sanh trai, đặt tên là Mạnh Tiên. Thanh Nga chẳng hề chăm sóc cho con mà giao cho bà vú chăm sóc thay mình.
Tám năm sau. Một hôm Thanh Nga nói với chồng: "Cái duyên hoan ái của chúng mình đã hết. Nay đã tới lúc phải ly biệt!" Khuông Cửu kinh hãi quá, hỏi: "Sao lại phải ly biệt?" Thanh Nga chỉ im lặng, chẳng đáp. Sáng sau, Thanh Nga ngủ dậy sớm, tắm rửa, trang điểm, lên lạy mẹ chồng ba lạy rồi vào phòng riêng. Khuông Cửu thấy lạ, bèn theo vào thì thấy Thanh Nga lên giường nằm, ngửa mặt nhìn trần nhà. Khuông Cửu hỏi:"Làm chi kỳ thế?" Thanh Nga chẳng đáp. Lát sau, Thanh Nga tắt thở. Khuông Cửu và Hoắc bà cùng khóc lóc thảm thiết. Thế rồi hai mẹ con làm tang lễ rất trọng thể cho Thanh Nga.
Từ đó, ngày nào Hoắc bà cũng bế cháu nội, khóc con dâu. Buồn rầu rồi thành bệnh, Hoắc bà nằm liệt giường. Khuông Cửu bèn rước lương y về trị bệnh cho mẹ. Hoắc bà đỡ dần song vẫn biếng ăn.
Một hôm, Khuông Cửu vào thăm mẹ, hỏi:"Sao mẹ chẳng chịu ăn uống chi cả? Mẹ có thèm ăn món gì đặc biệt không?" Hoắc bà đáp: "Mẹ chỉ thèm ăn canh cá rô thôi!" Ở Tấn Dương, muốn mua cá rô ngon, phải sang Thuận Thiên, xa trên trăm dặm. Gia nhân đều bận việc phải đi xa, Khuông Cửu chẳng chịu chờ chúng về, tự mình sang Thuận Thiên mua cá. Sáng sau, mua được cá ngon, Khuông Cửu ra về. Dọc đường, tới Thuận Sơn, Khuông Cửu thấm mệt, hai chân sưng nhức, cất bước nặng nề. Bỗng có một ông lão, vai đeo bọc, từ phía sau vượt lên, quay đầu hỏi:"Sưng chân đấy ư?" Khuông Cửu đáp: "Thưa vâng!" Ông lão bèn tới kéo Khuông Cửu ngồi xuống vệ đường, mở bọc lấy đá quẹt lửa, đốt thuốc xông cho, rồi nói:"Thử đứng dậy, bước đi coi!" Khuông Cửu làm theo lời thì bỗng thấy chân mình chẳng những đã hết sưng nhức mà còn cứng mạnh hơn trước. Vừa kinh ngạc, vừa cảm động, Khuông Cửu bèn vái tạ ông lão rồi xin cáo biệt. Ông lão hỏi: "Ði đâu mà vội thế?" Khuông Cửu đáp: "Gia mẫu bị bệnh, chẳng thèm ăn chi ngoài canh cá rô. Ở Tấn Dương không có cá rô ngon nên tiểu sinh phải sang Thuận Thiên tìm mua! Bây giờ đã mua được nên phải vội đem về!" Hỏi: "Có vợ chưa?" Ðáp: "Tiểu sinh góa vợ" Hỏi: "Sao chưa lấy vợ kế?" Ðáp: "Vì chưa kiếm được người vừa ý!" Ông lão liền giơ tay chỉ về phía sơn thôn ẩn hiện đằng xa, nói: "Ở sơn thôn đằng kia có một thiếu nữ đẹp lắm. Nếu chịu khó theo lão phu tới đó, lão phu sẽ làm mai cho!" Khuông Cửu từ chối, đáp: "Tiểu sinh chẳng thể đi theo lão trượng được vì gia mẫu đang chờ ở nhà!" Ông lão nói: "Thế thì thôi! Tuy nhiên, nếu mai mốt muốn nhờ lão phu làm mai cho thì cứ việc tới đó, hỏi thăm thôn dân xem nhà lão Vương ở đâu là họ sẽ chỉ cho!" Khuông Cửu đáp: "Xin vâng!" rồi xin cáo biệt.
Tới nhà, Khuông Cửu tự tay nấu canh cá rô dâng mẹ. Hoắc bà ăn xong, khen ngon rối rít. Tuần sau, Hoắc bà khỏi bệnh. Khuông Cửu bèn thuật lại chuyện mình gặp Vương lão ở Thuận Sơn cho mẹ nghe, rồi nói :"Sang năm, hết tang vợ, con sẽ xin phép mẹ được trở lại Thuận Sơn tìm Vương lão!" Hoắc bà đáp: "Việc ấy tùy con!"
Năm sau. Vào ngày rằm tháng tám, Khuông Cửu sai một gia nhân cưỡi ngựa theo mình đi Thuận Sơn. Tới nơi, hai thày trò cho ngựa chạy vòng quanh chân núi để tìm sơn thôn, song từ sáng tới trưa chỉ thấy toàn động núi. Khuông Cửu bèn bảo gia nhân: "Ta với ngươi, mỗi người đi một ngả để tìm cho nhanh. Hẹn đầu giờ dậu, gặp nhau ở chỗ này!" Gia nhân đáp: "Xin vâng!" rồi quất ngựa phóng đi. Gia nhân đi tìm từ trưa tới tối cũng chẳng thấy sơn thôn nào, bèn trở lại chỗ hẹn để gặp tiểu chủ. Chờ tới khuya cũng chẳng thấy tiểu chủ đâu, gia nhân kinh hãi quá, đành phóng ngựa ra về.
Tới nhà, gia nhân vội trình việc Khuông Cửu mất tích lên Hoắc bà. Nghe tin, Hoắc bà lo sợ, bật khóc thất thanh. Sáng sau, Hoắc bà sai một toán mười gia nhân cưỡi ngựa đi Thuận Sơn tìm Khuông Cửu. Toán gia nhân sục sạo tìm kiếm suốt hai ngày song cũng chẳng thấy chi, đành quay về trình báo. Hoắc bà càng lo sợ, khóc lóc suốt ngày đêm.
Từ lúc chia tay với gia nhân, Khuông Cửu cưỡi ngựa leo núi. Vì đường dốc, ngựa khó đi, Khuông Cửu bèn thả cho ngựa tìm cỏ ăn, rồi leo núi một mình. Lên tới đỉnh núi, đưa mắt nhìn quanh, chẳng thấy sơn thôn nào, Khuông Cửu bèn quay xuống núi tìm ngựa để trở lại chỗ hẹn. Xuống đến lưng chừng núi thì trời vừa tối. Thấy phong cảnh khác lạ, Khuông Cửu biết là mình bị lạc. Ðột nhiên, Khuông Cửu thấy mình bước tới một bờ vực thẳm. Bàng hoàng hốt hoảng, Khuông Cửu trượt chân, rồi té xuống vực. Ðang thầm nghĩ chắc mình sắp chết thì thấy thân mình rơi trúng một giải đất từ sườn núi nhô ra. Nhờ ánh trăng, nhìn xuống dưới, thấy đen ngòm, Khuông Cửu kinh hãi quá, cứ nằm im, chẳng nhúc nhích. Chợt thấy một hàng cây nhỏ mọc quanh giải đất như một lan can, Khuông Cửu mới đỡ lo. Lát sau hoàn hồn, quay nhìn sau lưng, thấy một cửa động, có một tảng đá chắn ngang, Khuông Cửu mừng quá, vội lấy lưng ẩy tảng đá sang một bên rồi nằm ngửa mà lết lùi vào động. Nằm trong động, Khuông Cửu thấy vững dạ hơn, mong rằng sáng sau sẽ có người qua lại để cho mình tri hô cầu cứu. Ngoài động tuy có ánh trăng song trong động vẫn tối đen như mực. Lát sau, thấy ở phía sâu trong động có một đốm sáng lấp lánh, Khuông Cửu vội đứng dậy, nhắm đốm sáng tiến vào. Ði mãi mà thấy đốm sáng vẫn còn xa, Khuông Cửu bắt đầu nản chí. Vừa toan quay trở lại thì chợt thấy ở bên đường có một khuôn viên với bốn dãy nhà đông tây nam bắc. Khuông Cửu bèn đánh bạo, mở cổng bước vào. Tuy thấy trong sân chẳng có đèn đuốc chi song Khuông Cửu thấy mắt mình vẫn nhìn rõ được mọi vật. Còn đang bỡ ngỡ, bỗng Khuông Cửu thấy một giai nhân từ dãy nhà phía đông bước ra. Giương mắt nhìn, Khuông Cửu thấy chính là vợ mình. Kinh ngạc quá, Khuông Cửu chẳng thốt được lời nào. Thanh Nga cũng kinh ngạc chẳng kém, hỏi: "Làm thế nào mà tới được chốn này?" Khuông Cửu đáp: "Chuyện dài lắm, chẳng thể kể vắn tắt được!" rồi chạy tới nắm chặt lấy cánh tay vợ mà sụt sùi. Thanh Nga nói: "Ðừng có sụt sùi nữa! Hãy nín đi mà trả lời! Mẹ có khỏe không?" Ðáp: "Khỏe" Hỏi:" Con có khỏe không?" Ðáp: "Khỏe!" Rồi nói tiếp: "Nàng chết đi, ta khổ lắm, mẹ khổ lắm, con khổ lắm!" Thanh Nga thở dài, tỏ vẻ buồn bã. Khuông Cửu hỏi:"Nàng chết đã được hơn một năm nay rồi thì nơi đây có phải là âm phủ không?" Ðáp: "Không!" Hỏi: "Sao vậy?" Ðáp: "Vì thiếp đâu có chết!" Hỏi: "Thế xác chôn trong quan tài là xác của ai?" Ðáp: "Làm gì có xác nào chôn trong quan tài?" Hỏi: "Thế vật chôn trong quan tài là vật gì?" Ðáp:"Là một cây gậy trúc!" Hỏi: "Thế chốn này là chốn nào?" Ðáp:"Là tiên phủ! Chàng đã tới được chốn này tức là đã có duyên với tiên cảnh!" Hỏi: "Bây giờ ta phải làm chi?" Ðáp: "Chẳng phải làm chi cả, chỉ cần lên sảnh đường ra mắt cha thôi!" Khuông Cửu gật đầu.
Thanh Nga bèn dắt chồng lên dãy nhà hướng bắc. Vào sảnh đường, Khuông Cửu thấy một ông lão quắc thước, râu dài tới rốn, đang ngồi trên bục cao, có một tì nữ khoanh tay đứng hầu. Thấy con dắt khách lạ vào sảnh đường, ông lão tỏ vẻ kinh ngạc. Thanh Nga lên tiếng giới thiệu: "Thưa cha, đây là Hoắc lang, chồng con!" Khuông Cửu bèn quỳ xuống đất, lạy ông lão hai lạy. Ông lão đứng dậy, bước xuống khỏi bục, cầm tay Khuông Cửu kéo dậy, nói :"Ðã tới được chốn này thì nên ở lại, đừng về nữa!" Khuông Cửu từ chối, đáp: "Con chẳng thể ở lại đây được vì mẹ con đang mong con về!" Ông lão cười, nói: "Ðúng là chưa dứt được tục lụy trần thế! Muốn về thì cứ việc về, nhưng hãy ở lại đây chơi vài ba ngày đã!" Rồi ông lão quay qua tì nữ, nói: "Hãy đi lấy rượu và thức ăn đem tới dãy nhà hướng tây cho khách rồi dọn cho khách một phòng riêng!" Tì nữ cúi đầu đáp: "Xin tuân lệnh!"
Hai vợ chồng cùng ra khỏi sảnh đường. Tì nữ dẫn Khuông Cửu đi về hướng tây còn Thanh Nga thì đi về hướng đông. Chợt Khuông Cửu vụt chạy ngược lại, níu lấy tay vợ, kéo đi theo mình. Thanh Nga vùng vằng chống cự. Tì nữ bưng miệng cười khúc khích. Ðột nhiên ông lão từ trong sảnh đường, chống gậy bước ra sân, quát:"Tục cốt làm bẩn tiên phủ, hãy cút đi ngay!" Bị bắt quả tang đang níu kéo vợ, Khuông Cửu thẹn quá hóa giận, nói: "Làm người, ai mà tránh khỏi chuyện nam nữ? Tại sao người trên lại đi rình mò chuyện riêng tư của kẻ dưới? Tiểu sinh sẽ ra khỏi chốn này ngay, song lệnh nữ đã là tiện nội thì phải đi theo tiểu sinh!" Ông lão chẳng biết đối đáp ra sao, chỉ giơ tay vẫy con gái đi theo mình. Thanh Nga bèn bước theo cha. Khuông Cửu vội chạy theo vợ. Tới một cửa động, ông lão lấy tay rẽ hai cánh cửa đá sang hai bên rồi quát: "Cút!" Khuông Cửu khẳng khái bước ra ngoài. Ðột nhiên, hai cánh cửa đá lại tự động khép kín.
Quay đầu nhìn quanh, Khuông Cửu chỉ thấy núi non chót vót, lởm chởm như dao, chẳng kẽ len chân. Ngửng đầu nhìn lên, chỉ thấy trăng xế, sao thưa. Bơ vơ giữa rừng núi âm u, chẳng biết lối về mà cũng chẳng biết phải làm gì, Khuông Cửu kinh hãi quá, cứ đứng ủ rũ, vừa thở dài vừa oán hận ông lão. Khuông Cửu bèn quay mặt vào cửa động, lấy hết sức bình sinh mà hét: "Thanh Nga! Thanh Nga!" song chỉ nghe thấy âm thanh vang vọng của chính mình chứ tuyệt nhiên chẳng thấy có tiếng trả lời. Khuông Cửu càng oán hận ông lão. Chợt nhớ tới chiếc dầm, Khuông Cửu bèn rút ra khoét cánh cửa đá bên phải, vừa khoét vừa la. Trong khoảnh khắc, cánh cửa đá đã bị khoét sâu tới hai tấc. Chợt có tiếng ông lão từ trong động nói vọng ra: "Nghiệt chướng thay! Nghiệt chướng thay!" Khuông Cửu càng ra sức khoét nhanh. Bỗng thấy hai cánh cửa đá mở toang rồi thấy ông lão đẩy Thanh Nga ra ngoài. Hai cánh cửa đá lại tự động khép kín.
Ra ngoài, Thanh Nga nói giọng oán hận: "Vẫn nói là thương yêu vợ mà sao lại đối xử với cha vợ tệ bạc như thế? Chẳng biết cái lão đạo sĩ quỷ quái nào lại đi cho chàng chiếc dầm tội lỗi này?" Khuông Cửu được vợ, thấy toại nguyện rồi, chẳng muốn đôi co, nên cứ lờ đi, quay qua hỏi vợ: "Có biết đường xuống núi không?" Thanh Nga đáp: "Có!" Nói: "Thế thì dẫn đường đi!" Ðáp: "Ði chân thế nào được! Phải cưỡi ngựa!" Hỏi: "Ngựa đâu mà cưỡi?" Thanh Nga chẳng đáp, chỉ lấy tay bẻ hai cành cây cạnh mình, đưa cho chồng một cành, nói: "Cưỡi lên đi!" Khuông Cửu bèn cưỡi. Thanh Nga cũng cưỡi lên cành kia. Ðột nhiên, hai cành biến thành hai ngựa. Thanh Nga phóng trước, Khuông Cửu theo sau.
Ở nhà, Hoắc bà đang lo chẳng biết con mình lạc đi đâu thì bỗng thấy gia nhân chạy vào báo: "Thưa phu nhân, công tử đã về!" Hoắc bà mừng quá, vội chạy ra cổng đón con. Thấy có cả Thanh Nga cùng theo về, Hoắc bà cực kỳ kinh hãi. Khuông Cửu vội chạy tới thì thầm với mẹ, thuật sơ lại chuyện gặp vợ trong núi để mẹ an tâm. Hoắc bà vừa hết sợ lại thêm mừng. Vào nhà, Thanh Nga thưa ngay với Hoắc bà: "Ở Tấn Dương này ai cũng nghĩ rằng con đã chết. Nay thấy con về, họ sẽ dị nghị, cho rằng con là yêu quái. Nhà ta vẫn còn một dinh cơ khác ở Sơn Hữu. Vậy xin mẹ hãy ra lệnh cho cả nhà di cư về quê ngay!" Hoắc bà gật đầu. Ngay đêm ấy, Hoắc bà ra lệnh cho toàn thể gia nhân khuân vác đồ đạc, chất chứa lên xe, dọn về Sơn Hữu. Ở Tấn Dương, chẳng ai hay biết gì về việc Thanh Nga đã trở về.
Hai năm sau, Thanh Nga sanh thêm một gái, đặt tên là Thanh Vân. Lúc đó, Mạnh Tiên đã lên chín.
Mười bốn năm sau. Có nho sinh họ Lý, người cùng huyện, tới hỏi cưới Thanh Vân. Khuông Cửu và Thanh Nga cùng bằng lòng gả. Rồi cho cưới ngay.
Tháng sau, Hoắc bà bị bệnh nặng. Tuần sau, Hoắc bà qua đời. Khuông Cửu làm lễ phát tang cho mẹ. Khi chọn đất mai táng, Thanh Nga nói: "Trong khu ruộng nhà mình có một miếng đất rất đẹp, hình chim trĩ ấp tám trứng, nên an táng mẹ ở đó! Mạnh Tiên đã hăm ba, chàng bảo nó ở lại mà trông coi phần mộ thay chàng!" Khuông Cửu nghe lời, bèn sai gia nhân tới cất một chòi canh cạnh huyệt mộ. Tang lễ xong xuôi, Khuông Cửu bảo Mạnh Tiên: "Con đã lớn, có thể báo hiếu bà nội thay cha. Vậy con hãy ở lại chòi này, trông coi phần mộ của bà, đúng một tháng mới được về thăm nhà" Mạnh Tiên đáp: "Con xin tuân lệnh! Xin song thân cứ hồi gia!"
Trên đường về, Thanh Nga bảo chồng: "Bây giờ đừng về nhà nữa, hãy sang Thuận Thiên cư ngụ!" Khuông Cửu ngạc nhiên, hỏi: "Sao lại sang Thuận Thiên?" Ðáp: "Vì ở gần tiên phủ của cha!" Khuông Cửu gật đầu ưng thuận rồi cùng vợ sang Thuận Thiên. Cuối năm, Thanh Nga lại sanh thêm một trai, đặt tên là Trọng Tiên.
An táng bà nội xong, Mạnh Tiên ở lại trông coi phần mộ đúng một tháng rồi mới về thăm nhà. Không thấy cha mẹ ở nhà, Mạnh Tiên hỏi người lão bộc: "Song thân tôi đâu?" Người lão bộc đáp: "Từ hôm an táng cụ tới giờ, ông bà đã về nhà đâu?" Mạnh Tiên kinh hãi quá, chẳng hiểu là cha mẹ mình đi đâu. Từ hôm đó, Mạnh Tiên chỉ quanh quẩn ở trong nhà đọc sách chứ ít khi đi ra ngoài. Ít lâu sau, Mạnh Tiên nổi tiếng là danh sĩ trong huyện. Văn hay chữ tốt song hễ cứ đi thi là hỏng.
Mười bảy năm sau, Mạnh Tiên bốn mươi tuổi, khăn gói vào kinh đô ứng thí song lại hỏng. Mùa thu năm sau, lại vào kinh đô ứng thí. Thi xong ra về, gặp một nho sinh hào hoa phong nhã trông giống mình như đúc, song trẻ hơn mình nhiều, Mạnh Tiên lấy làm lạ, bèn nảy ý làm quen. Khi tới gần, thấy nho sinh cầm một quyển tập đề mấy chữ: "Hoắc Trọng Tiên, lẫm sinh Thuận Thiên" Mạnh Tiên bèn hỏi: "Xin lỗi túc hạ! Có phải túc hạ họ Hoắc không?" Nho sinh đáp: "Thưa phải! Ðệ họ Hoắc, tên Trọng Tiên, 18 tuổi!" rồi hỏi lại: "Thế quý tính là chi?" Ðáp: "Bỉ nhân cũng họ Hoắc, tên Mạnh Tiên, 41 tuổi!" Trọng Tiên kinh ngạc, hỏi: "Quý quán ở đâu?" Ðáp:"Ở huyện Sơn Hữu, tỉnh Sơn Tây" Trọng Tiên mừng lắm, nói:"Lúc đệ về đây ứng thí, gia nghiêm có dặn nếu vào trường thi mà gặp ai họ Hoắc ở Sơn Hữu thì đều là bà con bên nội, phải đối xử cho có lễ độ, tôn ti. Nay gặp huynh cũng họ Hoắc ở Sơn Hữu, chẳng biết đệ phải xưng hô với huynh như thế nào?" Mạnh Tiên không đáp mà hỏi lại: "Túc hạ có thể cho biết danh tính của lệnh tôn, lệnh đường chăng?" Ðáp: "Gia nghiêm họ Hoắc, tên Hoàn, tên chữ Khuông Cửu. Gia từ họ Vũ, tên Thanh Nga!" Mạnh Tiên sửng sốt, nói: "Song thân bỉ nhân cũng tên họ như thế!" Trọng Tiên cũng sửng sốt song vẫn còn chút nghi ngờ, nói: "Ðệ mới 18, song thân đệ còn trẻ lắm. Huynh đã 41, lệnh tôn lệnh đường chắc đã cao tuổi hạc! Vì thế, đệ nghĩ huynh với đệ chẳng thể là anh em ruột được!" Mạnh Tiên nói: "Năm nay, gia nghiêm 58, gia từ 59, song vì các người đều là tiên nên trông còn trẻ lắm! Chẳng thể lấy tuổi tác mà suy ra diện mạo được!" Nghe thấy thế, Trọng Tiên càng sửng sốt, nói:"Gia nghiêm cũng 58, gia từ cũng 59!" Hai người bèn thuật lại cho nhau nghe mọi chuyện về cha mẹ mình, rồi nhận ra nhau là anh em ruột.
Mạnh Tiên hỏi: "Song thân vẫn ở với hiền đệ đấy chứ?" Trọng Tiên đáp: "Thưa không! Cách đây hai năm, sau khi cưới vợ cho tiểu đệ, song thân bỏ nhà ra đi, chẳng biết là đi đâu. Các người có dặn tiểu đệ cứ để nguyên phòng của các người để thỉnh thoảng các người ghé về nhà thăm con cháu! Mời đại ca tới Thuận Thiên chơi cho biết nhà tiểu đệ!" Mạnh Tiên nói:"Ngu huynh cũng vừa nảy ý tới thăm đệ tức và coi xem song thân có ghé về nhà thăm con cháu hay không?"
Ngay hôm đó, Trọng Tiên sai gia nhân sắm sửa ngựa xe rồi cùng Mạnh Tiên khởi hành về Thuận Thiên. Tới nhà, Trọng Tiên thấy một đám gia nhân đứng lố nhố ở ngoài cổng, rồi thấy có kẻ chạy tới gần mình, thưa: "Tối qua thái công và phu nhân vừa ghé về thăm nhà!" Trọng Tiên vội hỏi: "Các người còn ở nhà không?" Kẻ gia nhân đáp: "Thưa không! Thái công và phu nhân đã đi rồi!" Nghe thấy thế, cả hai anh em Mạnh Tiên cùng tỏ vẻ buồn bã.
Trọng Tiên vào nhà gọi vợ ra chào anh. Trọng Tiên hỏi vợ: "Song thân về lúc nào, đi lúc nào?" Vợ Trọng Tiên đáp: "Các người về tối qua. Thiếp sửa soạn cơm nước bưng lên mời các người thì các người bảo thiếp cùng ngồi. Mẫu thân nói rằng người vẫn lo cho vợ chồng mình còn trẻ quá, chưa từng trải việc đời, chẳng có ai chỉ bảo. Song người lại nói rằng hôm nay thế nào đại ca cũng về đây nhận anh em với vợ chồng mình và sẽ chỉ bảo cho vợ chồng mình, nên người cũng đỡ lo. Sáng nay, thiếp vào vấn an các người thì thấy căn phòng đã trống vắng. Các người ra đi lúc nào thiếp cũng chẳng hay!" Hai anh em cứ dậm chân tiếc rẻ.
Trọng Tiên nói: "Xin đại ca cho tiểu đệ được đi tìm song thân!" Mạnh Tiên gạt đi, nói: "Song thân chúng ta là tiên chứ có phải là người thường đâu mà hiền đệ đòi đi tìm? Có đi thì cũng chỉ phí công vô ích mà thôi!" Nghe thấy thế, Trọng Tiên bèn nói: "Nếu thế thì thôi! Tuy nhiên, xin đại ca hãy lưu lại đây chơi với vợ chồng tiểu đệ để chờ kết quả thi cử. Dù đậu hay hỏng, tiểu đệ cũng sẽ xin dọn nhà, theo đại ca về quê cư ngụ!" Mạnh Tiên đáp: "Thế cũng được!" Rồi lưu lại nhà em.
Tháng sau, trường thi yết bảng, Mạnh Tiên lại hỏng, còn Trọng Tiên thì đậu cử nhân. Trọng Tiên bèn bán nhà, theo anh về Sơn Hữu, mua nhà ở cạnh nhà anh.
Mạnh Tiên nghĩ song thân đã ở nơi tiên cảnh nhưng Trọng Tiên lại nghĩ song thân vẫn còn ở chốn nhân gian. Vì thế, Trọng Tiên thường lén anh đi thăm dò tin tức song thân, nhưng tuyệt nhiên chẳng thăm dò được tin tức gì.
Nguyễn Huệ Chi dịch
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/