17/3/13

Liêu trai chí dị (C83-86)

Chuyện 83: Lên Chơi Trên Trời (Lôi Tào)

Nhạc Vân Hạc và Hạ Bình tử, hai người lúc nhỏ cùng xom, lớn lên cùng học một trường, chơi với nhau rất thân.
Hạ thông minh từ bé, mười tuổi đã học nổi tiếng. Nhạc thơ như bậc đàn anh. Hạ lấy tình anh em chăm chỉ khuyên bảo; nhờ đó Nhạc học ngày càng tấn tới, danh cũng nổi dậy. Duy có thi cử vất vả, khoa thi nào cũng rớt luôn.
Không bao lâu, Hạ mắc bệnh dịch qua đời, nhà nghèo quá, không có tiền chôn cất. Nhạc khảng khái nhận hết công việc ấy về phần mình lo liệu. Hạ chết để lại vợ góa và đứa con còn ẳm trên tay. Nhạc thường lui tới chăm sóc, kiếm được thưng lúa, đấu gạo nào đều chia làm hai.
Vợ con Hạ nhờ sự giúp đỡ tận tình ấy mà sống. Các bậc sĩ phu thấy thế càng khen Nhạc hiền đức.
Vốn nhà chẳng có của cải bao nhiêu, lại còn chu cấp cho vợ con của Hạ, thành ra Nhạc sa sút dần, phải than rằng:
- Tài học như Bình Tử, còn phải lận đận mà chết, huống chi là ta? Sự sang giàu của đời người cần phải kịp thời, nếu suốt năm cứ bận lòng rối trí như vậy mãi thì e đến chết bỏ xác ở ngòi rạch, trước lòai chó ngựa, chẳng hóa uổng phí cuộc đời mình lắm ư? Ta nên sớm tính xoay nghề thì hơn.
Từ đó, Nhạc xếp sách vở lại xoay ra buôn bán. Làm nghề này nửa năm, cảnh nhả hơi khá.
Một hôm đi buôn ở Kim Lăng, nghỉ ở trong quán trọ, thấy một người cao lớn, gân cốt nổi lên, mon men đến bên chỗ Nhạc ngồi, mà sắc mặt ảm đạm, có vẻ lo buồn. Nhạc hỏi muốn ăn chăng?
Người đó không nói gì hết. Nhạc đẩy mâm cơm ra mời ăn. Hắn lấy tay bốc ăn ngon lành, giây lát hết sạch.
Nhạc lại gọi một mâm cơm ê hề, cở hai ba người ăn mới xuể, thế mà một mình người ấy ngốn hết sạch. Nhạc gọi chủ quán cắt đùi heo và một đống bánh chưng đầy ắp, hắn lại ăn sạch chỗ phần ăn của mấy người đó. Chừng ấy mới thấy no bụng, tạ ơn và nói:
- Ba năm đến giờ, tôi chưa từng được ăn bữa nào no nê như hôm nay.
Nhạc hỏi:
- Xem anh ra đáng mặt tráng sĩ lắm, sao bơ vơ trôi nổi đến thế này?
- Tôi mắc tội trời hành không thể nói ra được.
- Vậy quê quán nhà cửa ở đâu?
- Thưa, trên bộ chẳng có nhà, dưới nước chẳng có ghe. Sớm đứng đầu làng, tối nằm xó chợ, thế thôi.
Nhạc sửa soạn hành lý ra đi; người ấy theo khít một bên có ý bịn rịn không nỡ rời nhau. Nhạc cố từ, người ấy nói:
- Anh sắp bị nạn lớn, tôi không muốn quên cái ơn đức một bữa ăn no.
Nhạc lấy làm lạ bằng lòng cho đi theo. Giữa đường vào quán cơm, nhạc kéo vào ăn chung với mình, nhưng người ấy lắc đầu:
- Cả năm, tôi chỉ ăn có vài bữa thôi.
Vì thế Nhạc càng kinh ngạc.
Hôm sau, qua sông lớn, sóng gió nổi lên đùng đùng, thuyền chở thuê chìm sạch. Hai người cùng chìm dưới nước. Một chặp gió yên lặng rồi, người ấy cõng Nhạc đạp sóng mà lên, ngồi tạm một thuyền khách, rồi lại đạp sóng rẽ nước đi.
Giây lát kéo về một chiếc thuyền, đỡ Nhạc sang ngồi, dặn dò canh giữ, rồi nhảy ùm xuống sông nữa. Hai cánh tay ôm bao hàng hóa ném vào trong khoang thuyền. Xong lại hụp xuống nước. Mấy lần hụp lên hụp xuống như vậy, ôm hàng hóa bày để bên trong thuyền.
Nhạc cảm tạ:
- Anh cứu tôi sống là đủ lắm rồi, đâu dám mong mỏi hàng hóa lại được châu về hợp phố?
Kiểm tra lại của cải không mất tí gì, trong bụng càng mừng, kính phục người ấy là thần Nhạc giục lái ghe mở lái ra đi, người ấy xin từ biệt. Nhạc cố giữ mãi, bèn cùng nhau qua sông. Khi ghe mới xa bờ Nhạc cười và nói:
- Tính lại tai nạn này chỉ mất có một cây trâm vàng mà thôi.
Người ấy muốn đi tìm. Nhạc toan ngăn thì hắn đã nhào xuống nước mất tăm. Nhạc kinh ngạc giây lâu. Chợt thấy hắn mỉm cười ở dưới nước trồi lên, trao cây trâm cho Nhạc và nói:
- May quá tôi tìm thấy đây.
Mọi người trên bờ dưới sông đều phải lắc đầu lè lưỡi lấy làm quái lạ.
Nhạc dẫn về nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu. Cách mấy chục ngày hắn mới ăn một lần. Đã ăn thì ăn nhiều vô kể.
Một hôm lại đòi từ giã di. Nhạc cố lưu lại. Giữa khi ấy, trời tối tăm muốn mưa. Nhạc nói:
- Trên mây chả biết có những gì? Sấm sét là vật chi? Làm sao được lên mà xem một phen cho biết, trong lòng mới hết nghi hoặc.
Người ấy nói:
- Anh muốn lên mây chơi ư?
Liền đó, Nhạc nghe trong mình mỏi mệt, nằm trên giường ngủ mơ màng. Chừng tỉnh dậy thấy mình rung rung lắc lắc, không phải cảnh êm ái như nằm trên giường. Mở mắt ra nhìn té ra là mình đang ở trong đám mây, chung quanh trắng toát như bông gòn. Bấy giờ mới kinh hoảng đứng dậ, mắt hoa lên tưởng chừng như đi thuyền nhưng đạp chân xuống thì chẳng thấy ván sạp.
Chàng ngửa nhìn tinh tú như ở ngay trước mặt, bèn ngờ mình chiêm bao. Dòm kỹ tinh tú dán vào vòm trời, chẳng khác nào hạt sen nhú ở trên cái đài sen, ngòi lớn như cái lu, ngôi nhỏ như cái chén, lấy tay lắc thử xem, thấy ngôi sao lớn bám chặt quá, không nhúc nhích còn ngôi nhỏ thì lung lay, dường như có thể bứt ra được. Chàng liền bứt lấy một ngôi, giáu trong tay áo, rồi vén mây nhìn xuống dưới, thấy bể bạc mênh mông, thành quách nhỏ li ti như hạt đậu. Trong trí kinh hãi, tự nghĩ nếu như rủi ro trượt chân, thì chết còn gì?
Bỗng thấy hai con rồng uốn khúc, kéo theo một chiếc xe căng màn chạy lại, trên xe để những chiếc khạp chu vi mấy trượng, đựng nước đầy tràn. Có mấy chục người cầm gáo múc nước, rải khắp trên mây.
họ trông thấy Nhạc cùng lấy làm lạ.
Nhạc nhìn kỹ, té ra người bạn chí thiết của mình ở nhà cũng có dự trong ấy,. bèn nói với họ:
- Ông này là bạn tôi mà!
Họ lấy một gáo đưa cho Nhạc, bảo múc nước mà tưới đi.
Lúc đó trơì đang đại hạn. Nhạc tiếp lấy gáo nước, vạch mây nhìn xuống quê hương, cố tưới thật nhiều.
Một lát, người bạn nói với Nhạc:
- Tôi vốn là thần sấm sét, vì trước mắc lỗi sai hẹn làm mưa nên bị phạt đày ba năm, giờ đã mãn hạn trời, vậy xin từ đây vĩnh biệt.
Nói đoạn, lấy sợi dây buộc xe dài muôn thước bảo Nhạc nắm một đầu dây để thả xuống đất.
Nhạc lấy làm nguy, nhưng bạn cười mà bảo:
- Không hề gì đâu mà sợ.
Nhạc y lời vù vù chớp mắt đã xuống tới đất. Dòm lại thì rơi xuống ngay làng mình, còn sợi dây thì rút dần lên mây, không thấy hút đâu nữa.
Hồi bấy giờ cả làng này đại hạn lâu ngày, gặp được trận mưa, ngoài mười dặm nước chỉ ngập ngón tay, duy có làng Nhạc thì hồ trạch đầy tràn.
Về nhà, mò lại trong túi, ngôi sao đã lấy vẫn còn, đem đặt lên bàn, ngày xem thì đen xạm như cục đá thường, đêm đến thì sáng lóng lánh, chiếu rọi khắp nhà. Bởi thế Nhạc càng quý báu, gói lại cất kỹ, mỗi khi khách uống rượu ban đêm, mới lấy ra thay đèn ngồi chung quanh chơi cho sáng. Nhìn thẳng vào tia sáng chói cả mắt.
Một đêm, vợ Nhạc ngồi trước ánh sáng đó vấn tóc, chợt thấy ngôi sao đó nhỏ dần đi, chỉ còn như con đom đóm, mà cựa quậy bay ngang. Nàng đương kinh ngạc mở miệng muốn la, ngôi sao chui tuột vào miệng, khạc nhổ chẳng ra, lại xuống cổ nàng; nàng sợ hãi chạy bảo Nhạc, Nhạc cũng lấy làm kỳ, rồi thì đi ngủ. Đêm nằm chiêm bao, thấy Hạ Bình Tử hiện hồn về nói:
- Tôi chính là ngôi sao Thiên Vi, những việc anh giúp đỡ gia quyến tôi, tôi hằng ghi nhớ không quên. Anh lại có lòng tốt đem tôi ở trên trời về, thế là chúng ta có duyên gắn bó, nay tôi xin đầu thai làm con anh để báo đền đức lớn.
Hồi đó Nhạc đã ba mươi tuổi mà chưa có con, nằm mộng thấy vậy lòng mừng khôn xiết.
Từ đó vợ thụ thai. Đến khi ở cữ, sáng chiếu khắp nhà, y như lúc ngôi sao còn để trên bàn làm đèn vậy. Nhân đó lấy chữ Tinh Nhi đặt tên cho con.
Tinh Nhi thông minh lạ thường, mười sáu tuổi thi đậu tiến sĩ.

Đào Trinh Nhất dịch


Chuyện 84: Háo Sắc Lụy Mình (Phong Tam Nương)

Cô Mười Một họ Phạm, con quan Tế tửu ở Lộ Thành, tuổi nhỏ tuyệt đẹp, lại rất phong nhã, cha mẹ yêu quý như nâng trứng hứng hoa. Những người đến hỏi chà mẹ bảo nàng tự chọn lấy, nhưng nàng chưa thuận đám nào.
Gặp tết thượng nguyên, các bà vãi ở chùa Thủy Nguyệt mở hội cúng chay đốt mã, nàng cũng tới xem.
Trong lúc nàng đi dạo cảnh cùa, một thiếu nữ đi theo bén gót, thường liếc nhòm nàng, ý chừng như muốn nói gì. Nàng nhìn kỹ là một cô gái đôi tám cực đẹp, trong lòng rất ưng càng chăm chú nhìn. Thiếu nữ mỉm cười hỏi:
- Cô có phải cô Mười Một họ Phạm không?
- Thưa, chính là tôi.
- Tôi nghe danh tiếng đã lâu, nay mới được thấy mặt, quả thật là người ta đồn đại không sai.
Cô Mười Một cũng hỏi thăm quê quán họ tên, thiếu nữ đáp:
- Tôi họ Phong hàng thứ ba, nhà ở một xóm gần đây.
Hai người nắm tay chuyện vảnn niềm nở vui vẻ, thành ra yêu mến nhau hết sức, không muốn rời ra, cô Mười Một hỏi sao đi trơ trọi một mình, chẳng có bầu bạn gia nhân cùng đi, thiếu nữ trả lòi:
- Cha mẹ mất sớm, nhà chỉ có một vú già, phải coi nhà không đi với tôi được.
Cô Mười Một sửa soạn ra về, Phong Tam Nương nhìn sững muốn khóc làm cô cũng buồn rầu, liền mời Tam Nương về nhà chơi. Tam Nưong nói:
- Nhà cô gác tía lầu son, tôi lại không họ hàng chi e đến chơi bị người nhà bàn tán nói này khák không tốt.
Cô Mười Một cố mời, Tam Nương hẹn để hôm khác.
Lúc từ biệt, cô rút một cành thoa vàng đưa tặng. Phong cũng lấy cây trâm biếc ở trên mái tóc để đáp lễ.
Cô về nhà đâm ra tưởng nhớ thiết tha, lấy cây trâm xem lại, không phải vàng cũng không phải ngọc, trong nhà không ai biết là thứ gì, đều lấy làm lạ.
Hàng ngày cô mong mỏi Tam Nương đến chơi không thấy đến nỗi buồn rầu phát bệnh. Cha dò biết cái nguyên cớ, sai người đi thăm các xóm làng chung quanh, nhưng không ai biết thiều nữ họ Phong là người nào.
Nhằm tiết trùng cửu ( mùng chín tháng chín), cô gầy còm buồn bã, gọi con hầu dìu đỡ ra vườn ngoài chơi, trải nệm gối dưới giàn hoa ngồi tiêu khiển, Bỗng dưng có một người con gái thò mặt lên vách tường dòm sang. Nhìn ra chính là Phong nữ chứ không phải là ai lạ. Phong kêu:
- Đỡ tôi xuống nào!
Con hầu chạy ra đỡ tay. Phong nhảy thoắt xuống. Cô Mười Một mừng khôn thể tả, tự nhiên đứng phắt dậy, kéo Phong cùng ngồi nói chuyện, trách nàng đã sai lời hẹn và hỏi bây giờ ở đâu lại đây? Phong đáp:
- Sự thật nhà tôi cách đây xa lắm, thỉnh thoảng tôi đến chơi nhà ông cậu ở gần lối xóm này. Độ trước tôi có nói rằng nhà ở xóm gần đây, tức là nói nhà cậu tôi đấy.Từ lúc chị em từ biệt, tôi tưởng nhớ não nùng. Nhưng nghĩ mình phận nghèo khó, chơi với con nhà giàu sang, chân chưa bước tới nhà trong lòng đã có vẻ thẹn, chỉ e bị lũ tôi tớ trong nhà coi thường xem khinh. Vì thế mà tôi không muốn tới. Vừa rồi đi ra ngoài vách tường, nghe trong có tiếng con gái nói, liền trèo lên nhòm xem, mong rằng gặp cô, nay quả như nguyện.
Cô Mười Một bèn kể cho Phong nghe vì đâu mình sinh bệnh. Phong khóc như mưa, khóc chán rồi nói:
- Chị có đến chơi thì xin giữ bí mật, sợ những kẻ sinh sự lắm điều, bàn dài nói vắn, không thể chịu nổi.
Cô xin y lời, đoạn dẫn nàng về phòng riêng với mình, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu, thích cùng chuyện trò tâm sự mà bệnh cũng khỏi dần. Rồi đính ước làm chị em, áo quần giày vớ thay đổi lẫn lộn, không hề phân biệt. Hễ có người nào đến thì Phong núp vào bên màn. Như thế trải năm sáu tháng Phạm công với phu nhân nghe phong phanh.
Một bữa hai chị em đang ngồi đánh cờ, phu nhân chợt đến thình lình, trông thấy, sửng sốt, và nói:
- Thật là xứng bạn con ta!
Rồi quay hỏi cô Mười Một:
- Trong chốn khuê phòng con có người bạn tốt thì cha mẹ vui mừng cho, sao con không nói cho mẹ hay.
Cô bày tỏ ý muốn của Phong.
- Cô đến làm bạn con ta, thế là điều hay, cần chi phải giấu diếm?
Phong đỏ mặt làm thinh, mâm mê dải áo, chẳng nói chẳng rằng. Sau lúc phu nhân đi, Phong muốn từ biệt, cô Mười Một năn nỉ mãi mới chịu ở lại.
Đêm nọ, nàng hớt hơ hớt hả từ ngoài chạy vào khóc nói:
- Chị đã nói rằng ở lại không nên, thế mà vì nể em phải ở lại, bây giờ mới gặp lại cái nhục lớn lao thế này!
Cô kinh ngạc hỏi chuyện gì, nàng đáp:
-Vừa rồi chị ra thay áo, một chàng thiếu niên đón đường chọc ghẹo, may chị chạy thoát. Như vậy chị còn mặt mũi nào mà ở đây nữa chứ?
Cô gạn hỏi hình dáng, rồi tạ lỗi:
- Thôi, xin chị bỏ qua đi, người ấy là ông anh ngây thơ của em đó. Để em thưa với mẹ đánh đòn anh ta cho biết thân!
Phong cố từ, một hai đòi đi. Cô Mười Một khuyên đợi trời sáng sẽ đi, vội gì. Phong nói:
- Nhà cậu của chị chỉ cách đây mấy bước để chị bắc thang leo qua vách tường là được rồi.
Nàng đi rồi, cô Mười Một gục mặt trên gối khóc lóc thảm thương, xem như mất bạn tơ tóc vậy.
Cách mấy tháng sau, con hầu có việc đi tới xóm Đông, chiều tối về, gặp Phong giữa đường, có bà cụ già theo sau. Con hầu mừng rỡ, đứng chào hỏi. Phong cũng ngậm ngùi, hỏi thăm sức khỏe của cô Mười Một độ rày ra sao. Cô hầu nắm áo nàng và nói:
- Cô Ba ghé lại nhà tôi chơi đi. Từ lúc cô bỏ đi, cô chủ nhà tôi rầu rĩ mong đợi muốn chết.
Phong nói:
- Chính ta cũng nhớ cô mày đáo để, nhưng ta không muốn để cho người nhà biết, vậy mi về trước mở sẳn cửa vườn, tự ta đến.
Con hầu về nói chuyện cho cô Mười Một biết, cô mừng quá giục nó đi mở cửa vườn, té ra nó chưa kịp đi đã thấy Phong vào trong vường lúc nào rồi. Hai người tay bắt mặt mừng, cùng kể lể lòng thương nỗi nhớ, hết chuyện nọ qua chuyện kia liên miên không ngủ. Phong dòm thấy con hầu đã ngủ say rồi, bèn trỗi dậy đến nằm chung gối với cô Mười Một, tỉ tê nói nhỏ:
- Chị vốn biệt em chưa nhận lời ưng thuận đám nào, con người tài sắc dòng dõi như em lo gì chẳng lấy được một người chồng sang trọng. Như lũ công tử bột không thèm kể, nếu em muốn được một người chồng tử tế, thì chớ phân bì giàu nghèo chi hết.
Cô Mười Một cho lời nói ấy đúng. Phong nói tiếp:
- Cách chùa chúng ta gặp hồi năm ngoái, năm nay họ làm chay rất to, ngày mai em đi với chị đến xem, chị sẽ cho thấy mặt một người đáng làm chồng em. Từ nhỏ, chị đã đọc sách tướng đã nhiều, quyết không sai lầm đâu. T
Tảng sáng, Phong đi trước, hẹn đợi nhau ở chùa. Chặp sau cô Mười Một đến chùa đã thấy Phong ở đó trước rồi. Chị em dắt nhau đi dạo quanh chùa một vòng rồi mời cô Phong cùng đi xe về. Khi dắt tay ra cửa, thấy một vị tú tài lối mười bảy, mười tám tuổi bận áo xềnh xoàng và dáng dấp đứng đắn. Phong khều cô và nói nhỏ:
- Con người mai sau thành đạt lớn đó.
Cô Mười Một liếc qua rồi Phog từ giã đi riêng:
- Em cứ đi về trước đi, tối chị sẽ đến.
Quả nhiên buổi tối Phong đến nói:
- Chị đã dò kỹ càng rồi. Anh chàng ấy tức là Mạnh An Nhân, người cùng xóm này mà.
Cô biết chàng nghèo tỏ ý không thích. Phong thở dài:
- Cơ khổ, em mảng vướng phải thói đời như thế ư? Phải biết con người đó nếu như suốt đời nghèo hèn thì chị tự khoét mắt mình đi, không xem tướng ai nữa.
Cô hỏi:
- Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
- Em cứ đưa một món chi, để chị đem lại trao cho chàng đính ước hôn nhân.
- Chị định làm dễ dàng quá vậy? Em còn cha mẹ sờ sờ, nếu cha mẹ không ưng ý thì sao?
- Ấy chỉ vì Phong sợ không được toại nguyện cho nên mới đính ước ngay bây giờ. Nếu như chị em cương quyết, thì dù có sống chết ai mà cướp được.
Cô Mười Một khăng khăng cho là không nên.
Phong nói:
- Nhân duyên của em đã nảy ra manh mối rồi nhưng nghiệp chướng vẫn còn vương vít trong lòng chưa tiêu, cho nên hôm nay chị đến là cốt se duyên cho em để báo đáp cái tình tử tế bấy lâu. Thôi để chị đi, tự lấy cành thoa vàng của em tặng chị năm ngoái vâng lệnh em mà đưa tặng chàng làm tin cũng được.
Cô Mười Một còn ngần ngừ suy nghĩ, Phong đã bước ra ngoài cửa đi tuốt.
Lúc đó Mạnh sinh nhà nghèo nhưng học cực giỏi, ý muốn kén vợ thật xứng đáng mới lấy, cho nên tuổi đã mười tám chưa dạm hỏi đám nào. Ngày hôm đó đi chơi chùa được dịp trông thấy hai cô gái về nhà đâm ra tơ tưởng vẩn vơ. Mới tan canh một, Phong Tam Nương gõ cửa bước vào, chàng thắp sáng đèn nhìn mặt té ra một trong hai mỹ nữ mình may mắn trông thấy ban ngày, chàng mừng rỡ chào hỏi.
Phong nói:
- Tôi họ Phong, bạn gái của tôi cô Mười Một họ Phạm.
Chàng mừng quá không gạn hỏi chi nhiều lời, vội vàng tiến đến, muốn ôm lấy Phong. Phong cự hẳn hoi:
- Cậu này! Tôi chẳng phải là Mao Toại đem thân đến hiến nhé, mà chỉ đóng vai Tào Khâu đem tin đi mối cho người ta đó thôi. Số là cô Mười Một họ Phạm, muốn kết nhân duyên với cậu, cho nên tôi xin làm mụ mối cho cô cậu nên vợ nên chồng mà!
Chàng ngạc nhiên không rtin, Phong liền trao cành thoa vàng làm chứng. Chàng mừng hết sức, cảm tạ và thề nguyền:
- Cô có lòng quyến chỉ giùm tôi như thế, xin thề nếu không lấy được cô Mười Một, thà cam ở góa trọn đời.
Phong từ giã đi.
Sáng ngày, chàng cậy bà cụ lối xóm đến nói với Phạm phu nhân. Quả nhiên phu nhân chê nghèo không cần hỏi ý kiến con gái, cứ việc lập tức từ chối lập tức.
Cô Mười Một nghe chuyện như vậy, hết sức thất vọng, trở lại oán Phong báo hại mình, kimh thoa đã lỡ trao, khó nỗi đòi về, chỉ có cách thề chết giữ trọn lời nguyền thôi.
Một hôm sau có người con ông quan nọ đến cầu hôn, trong ý còn lo không thành, cho nên cậy quan huyện đứng ra làm mối. Lúc đó ông quan nọ đang ở chức trọng quyền to. Phạm công có ý kiêng sợ, hỏi cô Mười Một, cô tỏ vẻ không vui. Bà mẹ dỗ dành gạn hỏi, cô làm thinh không nói câu gì, chỉ khóc sướt mướt rồi cậy người nói riêng cho phu nhân biết rằng: không phải Mạnh sinh đến chì chết không lấy chồng nào cả.
Phạm công càng giận, cứ hứa gả cho người con ông quan nọ, trong ý lại ngờ cô có tư tình với Mạn sinh nên chi càng gấp chọn ngày lành tháng tốt, thành lễ cho mau.
Cô Mười Một phẫn uất bỏ ăn, ngày chỉ nằm kiệt, mãi đến hôm trước ngày cưới, tự dưng cô trở dậy soi gương trang điểm, phu nhân mừng thầm. Giây lát thị nữ tức tốc chạy vào nói tiểu thư đã tự thắt cổ. Nội nhà kinh hãi khóc, ăn năn đã muộn. Ba ngày làm lễ táng.
Nói về Mạnh sinh, từ hôm bà cụ lối xóm trở về trả lời không xong, chàng ấm ức muốn chết nhưng vẫn xa xa theo dõi tin tức, còn mơ tưởng cuộc nhân duyên có thể vãn hồi. Chừng nghe tin danh hoa đã gần có chủ, ngày cưới đến nơi, bấy giờ chàng mới phẫn hận như lửa đốt ruột gan, từ đây muôn sự mong mỏi đều tiêu tan, không còn trông đợi gì nữa.
Không bao lâu nghe tin ngọc vỡ, hương vùi, nàng đã tự sát, Mạnh sinh càng đau đớn thảm thương, tức mình không được cùng mỹ nhân chết cho rồi đời. Chập tối chàng lần mò ra đi, trong ý muốn thừa lúc đêm hôm, đến khóc trước mả mỹ nhân cho hả chút lòng sầu khổ. Chợt thấy bóng người từ đầu kia đi tới. đến gần té ra Phong Tam Nương.
Phong nói:
- Tôi mừng dùm cậu đến lúc thành cuộc nhân duyên đấy.
Chàng khóc òa và hỏi:
- Vậy cô không hay tin Phạm tiểu thư đã chết rồi ư?
Phong đáp:
- Ấy, vậy tôi bảo rằng thành việc, chính ở chỗ cô ta chết mà. Mau mau gọi gia nhân đi đào mả lên, tôi có thuật lạ, có thể làm cho tôi hồi sinh.
Chàng mừng quá, nghe lời răm rắp. Đào mả bỏ hòm, lấp huyệt lại như cũ, rồi chàng tự cõng tử thi cùng Tam Nương về đặt nằm trên giường. Tam Nương đổ thuốc vào miệng, giây lát tiểu thư hồi tỉnh, nhìn thấy Tam Nương, hỏi đây là đâu. Phong trỏ vào chàng và đáp:
- Mạng An Nhân đây mà, em!
Rồi kể rõ nguyên do, lúc ấy cô như người chiêm bao mới tỉnh.
Phong sợ công việc tiếc lộ bèn dắt nhau đi xa mười lăm dặm, lẩn trốn ở một xóm nhỏ trong núi. Đoạn Phong đòi từ giã ra đi, cô khóc lóc giữ lại làm bạn với mình, để ở riêng một gian nhà. Đem bán những đồ trang sức tẩm liệm làm vốn sinh sống, nhờ đó cũng hơi dư dật. Mỗi khi Phong gặp chàng đến, liền tìm cách lẫn tránh, cô Mười Một thung dung nói:
- Chị em ta khác nào ruột thịt, nhưng trước sau gì cũng người đông kẻ tây, chẳng được sum họp suốt đời. Chi bằng chúng ta bắt chước Nga Hoàng Nữ Anh ngày xưa thì hơn.
Phong gạt đi:
- Từ nhỏ, chị học được phép lạ có thể trường sinh, cho nên chị không chịu lấy chồng!
Cô Mười Một nói:
- Người đời truyền tụng những phép thuật trường sinh có thể chất đầy kín nhà bếp, chị học phép của tiên ông nào đó?
Phong đáp:
- Cái học của chị không phải như người đời đã biết kia đâu, người đời vẫn truyền tụng chẳng phài là chân truyền. Duy có Ngũ Cầm kinh cả Hoa Đà là đúng. Phàm người tu luyện, chẳng qua chỉ muốn cho khí huyết lưu thông vậy thôi. Nếu chị gặp nhiều nghịch chướng, cứ vương mình như cọp thì chết ngay.
Cô Mười Một âm mu với chàng giả đò có việc đi xa. Đêm ấy cô ép nàng uống rượu thật say, rồi chàng mò vào làm càn. Nàng tỉnh dậy thở dài và nói:
- Em hại chị rồi đó. Nếu không vương nhằm sắc giới mà tu luyện thành đạo, có thể lên đến từng thứ nhứt. Nay lại bị sa ngã vào mưu gian, cũng là số mệnh khiến vậy.
Tức thời đứng dậy cáo từ. Cô Mười Một ân cần bày tỏ lòng thành của mình, và tha thiết xin lỗi. Nàng nói:
- Giờ chị xin nói thật, chị là chồn tinh đây. Chỉ vì năm trước trông thấy sắc đẹp của em mà sinh lòng yêu mến, giống như con kén tự buộc lấy mình, mới đến nỗi xảy ra thế, chẳng phải tự sức người ta. Nếu em cố giữ chị ở lại thì ma chướng càng nảy ra mãi, không biết đến đâu là cùng. Em hạnh phúc còn nhiều, xin giữ lấy mình khỏe mạnh.
Nói đoạn biến mất. Hai vợ chồng sửng sốt than thở rất lâu.
Qua năm sau, chàng thi đậu cả hương lẫn hội được bổ chức hàm lâm, trở về đưa thiếp danh xin yết kiến Phạm công. Ban đầu Phạm công vừa thẹn vừa hối, không chịu tiếp, chàng năn nỉ mãi, ông mới chịu ra.
Chàng theo lễ con rể đối với cha vợ rất mực cung kính, Phạm công nổi giận, cho là chàng nhạo mình. Chàng xin phép nói riêng một câu chuyện kín, rồi kể hết đầu đuôi mọi việc đã qua. Phạm công chưa tin liền sai người đến tận nhà xem, bấy giờ mới chưng hửng vui mừng, dặn dò gia nhân kín miệng, khoan nói tung ra, sợ có họa, vì nhà ông quan cầu hôn trước kia hãy còn oai thế to.
Hai năm sau, ông ta phạm tội bị phát giác cả hai cha con phải đi đày làm lính ở Liên Hải, bấy giờ cô Mười Một mới về thăm nhà cha mẹ.

Đào Trinh Nhất dịch


Chuyện 85: Tay áo làm mai (Củng Tiên)

Củng đạo nhân, không có tên tự, cũng không biết là người ở đâu, có lần đến xin ra mắt Lỗ vương, nhưng người canh cổng không cho vào.
Có người thân tín trong vương phủ đi ra, đạo nhân vái chào và ngỏ ý muốn. Thân tín thấy ông xấu xa bẩn thỉu, lại xua đuổi thêm.
Ông đi rồi trở lại. Thân tín nổi giận sai thủ hạ vừa đuổi vừa đánh. Đến chỗ vắng vẻ không ai, đạo nhân cười và đưa ra cho trăm lượng vàng, nhờ kẻ đuổi theo nói hộ với vị thân tín kia rằng:
- Bản tâm ta không cần giáp mặt vương đâu, chỉ nghe tiếng vườn hoa sau vương phủ có cây cối lâu đài, đẹp nhất thế gian, nếu sẵn lòng dẫn ta đi xem một phen là đủ mãn nguyện.
Nói xong lại móc tiền bạc ra đút lót người đuổi theo mình. Anh này thấy tiền mừng rỡ, quay về thưa lại thân tín.
Thân tín cũng mừng, liền dẫn đạo nhân vào cửa sau, xem đủ mọi cảnh, rồi bước lên lầu. Thân tín đang đứng dựa bên cửa sổ, đạo nhân xô một cái, tự nhiên thấy mình té xuống bên ngoài, may có dây leo vướng bụng, thành ra treo tòn teng lơ lửng giữa trời. Ngó xuống thấy sâu thăm thẳm mà nghe dây leo kêu rắc rắc, dường như sắp đứt, sợ hoảng hồn xám mặt, thân tín kêu la vang trời.
Mấy tên thái giám chạy đến, trông thấy cũng sợ khiếp đảm, vì nhắm thân tín thấy cách xa mặt đất cao quá. Họ chạy tuốt lên lầu cùng xem, thì ra đầu dây cột vào bao lơn, muốn cởi ra để cứu nhưng thấy dây leo vấn vít cả nùi, nhắm bề không thể dùng sức mà tháo gỡ nổi. Đi tìm đạo nhân thì đạo nhân đã biệt tăm dạng, họ nghĩ bó tay hết kế, bèn chạy tâu cho Lỗ vương hay.
Lỗ vương đến mục kích lấy làm lạ, đành sai lính tráng rải cỏ khô và bông gòn dưới đất, rồi sẽ chặt đứt dây leo cho thân tín rớt xuống khỏi bể đầu nhừ xương. Công việc dự bị vừa xong, thì dây leo tự đứt mà chỉ cách mặt đất không đầy một thước thôi, ai nấy cùng tức cười.
Xong đó Lỗ vương sai người đi tìm xem đạo sĩ ở đâu. Nghe tin ông ở đậu nhà thầy tú tài họ Thượng, lính đến đó hỏi, thì ông đi ngao du chưa về. Họ thất vọng, bảo nhau trở về, may gặp ông ở giữa đường, liền dẫn tới trước mặt Vương.
Vương mời ngồi ăn tiệc, và yêu cầu đạo sĩ làm trò lạ cho xem. Đạo sĩ thưa:
- Thần là người quê mùa, chẳng có tài giỏi chi, nay ngài thương đến mà sai bảo, vậy xin dâng nữ nhạc để chúc thọ ngài.
Nói đoạn, mò trong tay áo ra một mĩ nhân đặt xuống đất; nàng cúi đầu chào vương rồi đạo sĩ sai diễn tuồng Dao Trì tứ yến, chúc vương muôn năm. Nàng vừa ra sân khấu hát mấy câu, đạo sĩ lại thò vào tay áo lấy ra một người nữa, tự bạch là Tây Vương Mẫu. Giây lát nào Đổng Tiên Nga, nào Hứa Phi Quýnh, cả đám tiên cô trên trời, lần lượt xuất hiện. Sau hết tới Chức Nữ ra trò, hiến Lỗ vương một bộ áo trên trời, màu vàng rực rỡ, chói rạng khắp nhà.
Lỗ vương nghĩ là đồ giả, đòi xem tận nơi. Đạo sĩ vội vàng cản ngăn, nói rằng không nên. Vương không nghe, cứ việc lấy xem, quả nhiên áo trời liền lạc một mảnh, không có đường may nào hết, thật sức người không sao làm đặng. Đạo sĩ không vui, nói:
- Thần hết lòng tôn kính đại vương cho nên mượn bộ áo trời của Thiên tôn đem xuống, nay bị trọc khí nhuốm vào rồi, làm sao trả lại nguyên chủ được đây?
Lỗ vương lại nghĩ những nàng ca hát, tất đều là tiên cô, cho nên muốn giữ lại vài cô, nhưng khi nhìn kĩ, thì không ai khác hơn là con hát thường ngày trong phủ mình. Vương xoay ra ngờ khúc hát họ chưa từng học qua sao mà hát được? Hỏi ra chính họ mù mịt chẳng biết tại sao.
Đạo sĩ lấy bộ áo trời châm lửa mà đốt, rồi mới bỏ vào trong tay áo mình. Mới đó mà người ta khám xét, chẳng thấy dấu tích gì cả mới kì.
Từ đó, Vương rất trọng đạo sĩ, giữ ở trong phủ. Nhưng đạo sĩ từ chối, lấy cớ mình quen tính bình dân, ở cung điện xem như ở trong lồng chậu, không bằng ở nhà thầy tú tài quen, được tự do hơn.
Thế rồi ban ngày vô phủ Lỗ vương, nhưng thế nào tối cũng về nhà Thượng tú tài. Có lần Vương nài ép lắm thì cũng ngủ lại trong phủ. Mỗi khi giữa yến tiệc thường đảo lộn hoa cỏ bốn mùa để làm trò chơi. Vương hỏi:
- Ta nghe nói người tiên cũng chẳng khỏi động tình thích gái, có quả thế chăng?
Đạo sĩ đáp:
- Không chừng người tiên mới thế, còn tôi không phải người tiên, cho nên lòng như cây khô héo vậy.
Một đêm, ông ngủ lại trong phủ, Vương sai một ả đào non đến rình xem.
Nàng vào phòng, kêu mấy tiếng không nghe thưa, thắp đèn soi thấy đạo sĩ nhắm mắt ngồi trên giường. Lay gọi, ông hé mắt một chút lại nhắm nghiền lại. Lay gọi nữa thì tiếng ngáy khò khò. Xô đẩy thì liền thấy ngã lăn xuống giường mà vẫn ngủ say và ngáy vang như sấm. Gõ trên trán, chỉ thấy ngón tay mình đau như gõ vào nồi gang hũ sắt vậy. Nàng trở về phục mạng, kể rõ tình đầu cho Vương nghe. Vương sai lấy kim mà đâm. Kim đâm không vào. Người ta cố sức xô đẩy, thấy nặng không thể lung lay. Thêm mười mấy người nữa, xúm nhau khiêng ông quăng xuống chân giường, nghe có tiếng nặng trịch như tảng đá ngàn cân rơi huỵch xuống đất vậy.
Sáng ngày đến dòm, ông vẫn ngủ nguyên dưới đất. Tỉnh dậy cười và nói:
- Một giấc ngủ say, rơi xuống chân giường mà không biết.
Lần khác, Vương sai lũ con gái trẻ măng sắc đẹp, nhè lúc nằm ngồi, đến bên véo thịt ông làm vui. Nhưng bận đầu véo còn thấy thịt mềm, qua bận sau đã cứng như sắt đá rồi.
Đạo sĩ ở nhà Thượng tú tài, thường khi suốt đêm không thấy về, tú tài khoá cửa đi ngủ, tới sáng đã tháy ông ngủ vùi trên giường hồi nào.
Nguyên trước, Thượng tú tài nhân tình với đào hát Huệ Kha, đôi bên thề thốt lấy nhau. Huệ hát cực hay, đường tơ giọng hát vang dậy một thời. Lỗ vương nghe tiếng, vời nàng vào ở trong phủ hầu hạ, vì thế Thượng tú tài với nàng dứt tuyệt đi lại, nhiều khi thương nhớ muốn chết, mầ không có cách nào thông tin được với nhau.
Một đêm, Thượng hỏi đạo sĩ vào phủ có trông thấy Huệ Kha lần nào không? Đạo sĩ nói:
- Đào hát trong phủ đều thấy, duy không biết Huệ Kha là cô nào.
Thượng tả hình dung và cỡ tuổi, đạo sĩ mới nhớ ra. Nhân đó Thượng cầu nhắn giùm một đôi lời. Đạo sĩ cười nói:
- Tôi là người tu hành, không làm chim xanh cho ông đặng.
Thượng nằn nì mãi, đạo sĩ đưa tay áo lên và nói:
- Nếu nhất định muốn thấy mặt người yêu một phen thì chui vào đây, tôi đưa đi.
Thượng dòm bên trong thấy rộng rãi như cả gian nhà, liền chui mình vào, lại thấy lộng lẫy sáng sủa, bàn ghế, giường mùng, chẳng thiếu thứ gì, cho nên ở trong thấy sung sướng, không buồn rầu chút nào. Đạo sĩ vào phủ, ngồi đánh cờ với Lỗ vương, thừa dịp Huệ Kha tới gần, giả vờ phe phẩy tay áo để giũ bụi. Huệ Kha bị thu hút vô trong, mà chẳng một người nào trông thấy.
Khi đó, Thượng đang ngồi tơ tưởng một mình, chợt nghe có vật gì từ mái nhà rơi xuống, nhìn lại té ra Huệ Kha. Hai người sửng sốt mừng rỡ, kể lể tình xưa. Thượng nói:
- Cái duyên lạ lùng của đôi ta hôm nay, không lẽ không ghi nhớ bằng văn chương. Vậy tôi với mình làm thơ liên cú để kỉ niệm nhé.
Chàng nói rồi viết câu mở đầu trên vách tường:
Hầu môn thăm thẳm bấy lâu nay
Huệ Kha nối theo:
Ai ngỡ chàng Tiêu lại gặp đây
Thượng tiếp câu thứ ba:
Tay áo mênh mông trời đất rộng
Huệ Kha đọc câu kết:
Trai thương gái nhớ được sum vầy.
Viết bài thơ vừa xong, bỗng có năm sáu người áp vào, bịt khăn đầu rìu, mặc áo màu hường, nhìn ra đều không quen biết, mà họ cũng lẳng lặng không nói gì, chỉ bắt Huệ Kha dẫn đi. Thượng kinh hãi chẳng hiểu nguồn cơn tự đâu.
Về nhà đạo sĩ gọi Thượng ở trong tay áo ra, hỏi chuyện tình tự có hả lòng chưa, Thượng còn giấu giếm không nói hết, đạo sĩ mỉm cười, cởi áo lộn bên trong đưa cho chàng xem. Chàng nhìn kĩ thấy có tự tích lờ mờ, nhỏ tí, tức là bài thơ tình tự hai người liên cú hồi nãy.
Cách sau mười mấy hôm, chàng lại xin chui vào tay áo lần nữa. Trước sau gồm ba lần. Huệ Kha bảo Thượng:
- Em nghe trong bụng cục cựa, nghĩ mà lo quá, thường ngày em lấy lụa buộc bụng thắt lại, còn có thể giấu nhẹm được, nhưng trong vương phủ tai mắt rất nhiều, một mai ở cữ, làm sao giấu được đứa trẻ khóc oa oa, vậy chàng phải bàn tính với đạo sĩ, chừng nào em sinh đẻ, thì ông ra tay cứu cho mới đặng.
Thượng nghe lời, đêm ấy trở về quỳ mọp trước mặt đạo sĩ, chưa kịp nói chi, đạo sĩ đã nâng đỡ trở dậy và nói:
- Thôi mà, anh chị căn dặn nhau những gì, tôi biết dư rồi. Xin ông đừng lo, dòng giống nhà ông nhờ có một chút đó, lẽ nào tôi chẳng hết sức giúp đỡ. Nhưng từ nay trở đi chớ đòi chui vô tay áo nữa nhé! Tôi muốn báo đáp ông, chẳng phải nguyên ở tự tình mà thôi đâu.
Mấy tháng sau, một hôm đạo sĩ ở ngoài về, tươi cười và nói:
- Tôi đã rước cậu bé về đây, sửa soạn tã lót mau!
Người vợ Thượng vốn hiền lành, ngoài ba chục tuổi sinh nở mấy lần, chỉ nuôi được một đứa con trai, vừa lại sinh con gái, đầy tháng thì bỏ, nay nghe chồng báo tin, vui mừng khôn xiết, tức tốc chạy ra đón rước đứa bé.
Đạo sĩ thò vào tay áo, lấy đứa bé ra; nó đang ngủ say và rốn chưa cắt. Vợ Thượng đón lấy bồng trên tay, bấy giờ nó mới khóc oa oa. Đạo sĩ cởi áo và nói:
- Máu đẻ vấy dơ cả áo thế này, đạo môn kị nhất. Nay vì sự giúp đỡ ông, mà vật cũ hai chục năm, bỗng chốc phải bỏ đi.
Thượng đưa áo khác cho đạo sĩ thay. Đạo sĩ căn dặn:
- Cái áo cũ của tôi, chớ nên bỏ uổng. Để làm thuốc trị bệnh hay lắm đó. Chỉ xé một miếng độ một chỉ mà đốt, hoà với nước nóng, có thể cứu được truỵ thai và sinh đẻ khó.
Thượng xin vâng lời.
Đạo sĩ ở một thời gian lâu nữa, chợt bảo Thượng:
- Chiếc áo cũ nên để dành nhiều ít, về sau tự mình cần dùng, điều đó sau khi tôi chết cũng không nên quên, nghe!
Thượng cho là lời nói bất tường, nhưng đạo sĩ lẳng lặng ra đi, vào phủ Lỗ vương nói:
- Tôi muốn chết bây giờ.
Vương thất kinh hỏi tại sao. Đạo sĩ thưa:
- Đó là số trời đã định còn phải nói chi!
Vương không tin, cố giữ lại chơi, đánh xong một ván cờ, đạo sĩ vội vàng đứng lên. Vương lại ngăn cản. Chừng xin phép ra nhà ngoài, Vương mới y cho. Đạo sĩ ra đó nằm vật mình xuống, xem lại thì ông đã chết rồi. Vương sắm sửa quan tài chôn cất đủ lễ. Thượng rất thảm, bấy giờ mới hiểu lời ông nói hôm nào tức là báo trước vậy.
Cái áo cũ ông để lại làm thuốc cho đàn bầ đẻ mau, thật là linh nghiệm. Người đến xin, chen vai nối gót ở trước cửa. Ban đầu còn cho cái tay áo có vấy máu, lần hồi xé tới cổ áo, bất cứ chỗ nào làm thuốc cũng hay. Sau nhớ lại câu đạo sĩ căn dặn, e chính vợ mình sẽ có tai vạ vì sinh sản, cho nên cắt lấy một miếng vải có máu, to chừng bàn tay, cất kĩ để dành.
Gặp hồi Lỗ vương có nàng ái phi chuyển bụng ba ngày không đẻ, bao nhiêu lương y đều bó tay. Có người mách Thượng có cách chữa tuyệt diệu. Vương gọi Thượng vào, quả thật chỉ một chén thuốc là ái phi sinh đẻ dễ dàng. Vương mừng hết sức, trả lễ bằng tiền bạc gấm vóc cực nhiều. Nhưng món gì Thượng cũng từ chối không nhận. Vương hỏi:
- Vậy anh muốn chi?
- Thưa, tôi không dám nói ra.
Vương gạn hỏi đôi ba lần, Thượng cúi đầu nói:
- Nếu đại vương ban ơn cho, tôi xin người đào hát cũ Huệ Kha là đủ.
Lập tức, Vương gọi nàng ra hỏi bao nhiêu tuổi. Nàng thưa:
- Thiếp vô trong phủ từ hồi 18 tuổi, trái 14 năm nay rồi.
Vương thấy tuổi nàng đã lớn, bèn cho phép Thượng chọn lựa trong đám đào hát son trẻ, muốn lấy cô nào cũng cho. Thượng không chọn cô nào cả, khăng khăng chỉ chọn cô đào già Huệ Kha mà thôi. Vương cười nói:
- Anh học trò này khờ quá, Hay là đôi bên đã đính hôn từ mười năm về trước chăng?
Thượng kể chuyện thật từ trước đến sau. Vương liền sai thắng xe ngựa chở cả Huệ Kha và những tiền bạc gấm vóc đã cho, để làm tư trang cho nàng đi về nhà chồng.
Đứa con trai Huệ Kha đẻ lúc trước tên là Tú Sinh, có ẩn nghĩa là đẻ trong tay áo, lúc này đã được 11 tuổi.
Hàng ngày vợ chồng nhớ ơn đạo sĩ, năm nào đến tiết thanh minh cũng đi viếng mộ.
Có người ở Tứ Xuyên lâu năm, gặp đạo sĩ ở giữa đường trao cho một quyển sách và nói đó là sách trong phủ Lỗ vương, vì đi vội vàng, quên chưa nộp lại, nay phiền đem về trả giùm.
Người đó về, nghe tin đạo sĩ đã chết, thành ra không dám tâu bày cùng Lỗ vương. Sau nhờ Thượng trả quyển sách và tâu hộ tự sự, Lỗ vương mở ra coi thì quả là một quyển sách của mình đã cho đạo sĩ mượn coi năm xưa. Nhân đó, Vương sinh nghi, đào mả đạo sĩ lên xem, thì ra chỉ còn cái hòm trống rỗng.
Về sau, chính thằng con trai của vợ Thượng sinh ra chẳng may chết yểu, nhờ có Tú Sinh nối dõi tông môn, đúng lời tiên tri của đạo sĩ.

Đào Trinh Nhất dịch

Chuyện 86: Báo Ứng Trước Mắt (A Hà)

Văn Đăng Cảnh Tỉnh, hơi có tên tuổi, ở cùng xóm với Trần xinh, nhà học chỉ cách nhau bức tường ngắn. Một bữa trời đã chạng vạngm Trần sinh qua bãi đất vắng vẻ, nghe trong bụi cây có tiếng con gái khóc. Đến gần, thấy sợi dây vắt ngang trên cành cây hình như sửa soạn thắt cổ.
Trần hỏi căn do, nàng gạt lệ và nói:
- Mẹ em đi vắng xa, gửi em ở nhà người anh bên ngoại, không dè quân lang sói có dã tâm, xử với em không trọn thuỷ chung, thành ra thân phải bơ vơ thế này, không bằng chết đi cho rảnh.
Nói rồi lại khóc.
Trần sinh cởi sợi dây khuyên nhủ nàng tìm người mà lấy. Nàng lo không biết nương tựa vào ai. Trần mời về nhà ở tạm, nàng nghe theo.
Về đến nhà, khêu đèn sáng lên nhìn rõ mặt thật xinh đẹp, trong bụng thấy khoái, muốn vầy cuộc mây mưa. Nàng chống cự lại dữ dội. Những tiếng cãi lẫy ồn ào thấu qua vách vên kia. Cảnh sinh leo tường sang chơi, bấy giờ chàng mới buông nàng ra.
Nàng thấy Cảnh ngó lâu không chớp mắt, lâu mới chịu đi. Hai người cùng rượt theo, nhưng không thấy bóng nàng ngả nào.
Cảnh trở về nhà mình vừa mới đóng cửa đi ngủ, thì nàng lững thững từ trong buồng đi ra. Cảnh ngạc nhiên hỏi, nàng đáp:
- Hắn ta bạc phước, tôi không nương tựa cả đời được.
Cảnh mừng lắm, gạn hỏi họ tên quê quán, nàng đáp:
- Ông bà tổ tiên tôi nhà ở đất Tề cho nên tôi lấy chữ Tề làm họ, tên là A Hà.
Cảnh giở ngón chòng ghẹo, nàng cười mà không ra vẻ chống cự, bèn cùng ăn nằm. Nhà thường có nhiều bạn bè lui tới, nên nàng hay núp trong buồng học. Qua mấy hôm nói:
- Tôi hãy tạm đi, bởi chổ này lộn xộn, làm mệt người ta lắm. Từ nay xin gặp nhau vào ban đêm thì hơn.
Chàng hỏi nhà ở đâu, nàng trả lời không xa. Cứ sáng ngày đi, đêm tối lại đến, tình yêu càng thấy nồng nàn. Cách mấy ngày lại bảo Cảnh:
- Tình ái đôi ta tuy đẹp, nhưng vẫn là mới chung chạ, ngày có ngày không. Nay sẳn dịp ông thân tôi bổ đi làm quan ở miền tây, sáng mai tôi phải theo mẹ đi. Vậy để tôi về nhà, thừa cơ thú thật với mẹ thì sẽ ở lại đây luôn với chàng trọn đời.
- Nhưng mình đi độ bao lâu?
- Phỏng một tuần thôi.
Thế rồi nàng đi. Cảnh suy nghĩ ở nhà học không tiện, bèn dọn vào nhà trong. Nhưng lại lo vợ ghen, tính là không gì hơn là bỏ vợ là xong. Chàng nghĩ rồi nhất định thực hành như vậy.
Vợ đến, chàng kiếm chuyện mắng chửi, khiến vợ nhục nhã không chịu nổi, khóc lóc đòi chết. Cảnh dỗ vợ:
- Mày chết làm phiền cho tao, thôi mày về nhà mày là hơn.
Nói đoạn, giục vợ đi cho mau, vợ khóc và nói:
- Tôi lấy anh mười năm nay chưa từng có chuyện gì thất đức, sao anh đành dứt tình như thế?
Chàng khăng khăng một mực đuổi vợ càng gấp, vợ phải cuốn gói bỏ đi.
Từ đó, sớm tối chỉ đợi nàng trở lại, nhưng mây ngàn hạc nội, chẳng thấy tăm hơi.
Vợ về nhà mình rồi, mấy phen nhờ bạn bè quen thân nói giùm, xin trở lại với Cảnh, nhưng Cảnh nhất định không nghe, bấy giờ mới cải giá lấy họ Hạ Hầu.
Làng xóm Hạ Hầu giáp ranh với Cảnh, vì có ranh giới ruộng mà hai nhà thù hiềm với nhau lâu đời. Nay nghe vợ cũ đi lấy Hạ Hầu, Cảnh càng tức giận, nhưng trong lòng vẫn còn mong được A Hà trở lại, âu yếm an ủi tấm lòng.
Trải hơn một năm, càng ngày càng kiệt chẳng thấy tăm hơi gì cả.
Gặp ngày vái hải thần, trai tài gái sắc tấp nập trong miếu ngoài sân. Cảnh cũng đến đó, trông xa xa thấy một cô gái, mặt mũi giống hệt A Hà, chàng mon men đến gần thì nàng xen vào đám đông, chàng theo dõi, cho tới ra ngoài cửa cũng ra theo. Nhưng nghoảnh đi nghoảnh lại, nàng đi như bay. Cảnh đuổi theo không kịp, tức giận bỏ về.
Cách sau nửa năm, đang đi trên đường cái, thấy một cô mặc áo đỏ, cưỡi ngựa đen, lão bộc theo sau, từ đằng kia đi tới. Cảnh nhìn mường tượng là A Hà, bèn hỏi thăm người tùy tùng: Nương tử là ai? Người này đáp là vợ kế của Trịnh công tử ở Nam thôn. Cảnh lại hỏi công tử lấy vợ từ hồi nào? Nghe lão bộc trả lời nhừng nửa tháng nay thôi.
Cảnh bỡ ngỡ có lẽ mình sai lầm chăng? Giữa lúc ấy người con gái nghe tiếng nói chuyện ở phía sau lưng nên day mặt ngó lại. Cảnh trông thấy đúng thật là Hà, lại thấy nàng đã lấy người ta, cơn ghen tức sôi gan óc, cất tiếng kêu lên:
- Cô Hà ơi! Sao lại quên lời hứa cũ?
Người nhà đi theo, nghe gọi tên tục của bà chủ mình, toan túm lại đấm đá Cảnh; nàng vội ngăn lại, mở tấm vải mỏng che mặt nói với Cảnh:
- Con người phụ tình, còn mặt mũi nào thấy nhau ư?
Cảnh nói:
- Cô phụ tôi thì có, chứ tôi đâu có phụ cô hồi nào?
Nàng đáp:
- Anh phụ rẫy vợ anh còn bằng máy phụ tôi kia. Với người kết tóc trăm năm còn thế, huống chi với ai? Trước kia nhờ âm đức ông bà để lại nên thấy rên anh được ghi vào bảng thi đậu, tôi mới đem thân lấy anh. Nay vì anh bỏ vợ tấm cám, thần thánh xử phạt đã rút tên anh đi rồi. Khoa thi này người đậu thứ hai có tên là Vương Xương, thế vào tên anh đó, nói cho mà biết. Nay tôi đã lấy Trịnh quân, anh đừng mơ tưởng tôi nữa vô ích.
Cảnh cúi đầu, cụp tai, không dám mở miệng thốt ra một lời tiếng nào. Chừng ngó lên thì nàng đã giục ngựa đi như bay. Chỉ còn có ấm ức đi về thôi.
Khoa thi ấy, quả nhiên Cảnh rớt; Người đậu số hai đúng là họ Vương tên Xương, cả Trịnh là chồng nàng cũng đậu.
Từ đó Cảnh mang tiếng là con người phụ bạc, bốn mươi tuổi không vợ, gia đạo sa sút, thường phải ăn nhờ ở vạ nhà bạn hữu.
Một hôm, ngẫu nhiên đến nhà Trịnh, Trịnh mời ăn cơm và giữ lại ngủ đêm. Nàng lén nhòm khách mà động lòng thương hỏi Trịnh:
- Người khách ở trên nhà có phải là ảnh Khách Vân chăng?
Trịnh hỏi từ đâu quen biết, nàng nói:
- Trước khi lấy ông, tôi từng lánh nạn ở nhà y, được y nuôi nấng cũng khá. Tính hạnh y tuy hèn, nhưng ân đức tổ tiên chưa dứt, vả lại, đối với ông cũng là cố nhân. Vậy cũng nên cứu giúp y manh quần tấm áo kẻo để rách rưới tội nghiệp.
Trịnh nghe lấy làm phải, liền sai đưa quần áo mới cho Cảnh thay và lưu lại khoản đãi mấy ngày.
Nửa đêm, chàng sửa soạn đi ngủ, có con ở đem hơn hai mươi đồng ra tặng, còn nàng thì đứng ngoài cửa sổ nói:
- Đó là của riêng của tôi để dành, nay tặng cho anh gọi là đền đáp nghĩa cũ. Anh nên nhận lấy rồi tìm lấy một người tử tế làm vợ. Còn may là ân đức của tổ tiên dày nặng, đủ mở mày mở mặt cho con cháu mai sau. Từ nay anh ráng giữ nết nànghẳn hoi, không thì tổn thọ đấy.
Cảnh cảm tạ, về nhà trích ra hơn mười đồng mua một con hầu ở nhà khoa cử trong miền về làm vợ, vừa xấu vừa dữ, sinh được một con trai sau đỗ đại khoa.
Còn Trịnh làm quan đến Thị lang lại bộ thì qua đời. Nàng đưa đám chôn cất rồi về, người ta vén màn che chiếc kiệu xe nàng ngồi thì là xe không, bấy giờ ai nấy mới biết rõ nàng là chồn hóa thân, chứ không phải người.
Ôi! Con người ta bất lương, được mới nới cũ, rốt lại ổ vỡ mà chim bay vụt mất, ông trời báo ứng một cách thảm độc lắm thay!

Đào Trinh Nhất dịch

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/