Chuyện 97: Ba Ông Tiên
Một người học trò đi vào thi ở Kim Lăng, đường qua huyện Túc Thiên, gặp ba ông đồ cùng nói chuyện rất khoáng đạt hơn chúng , bụng lấy làm thích lắm, mua rượu thết uống rồi cùng vui vẻ bày tỏ họ tên với nhau. Một người là Giới Thu Hành, một người là Thường Phong Lâm, một người là Ma Tông Từ. Rượu uống rất vui, trời tối lúc nào không biết. Giới nói: “Lê địa chủ chưa có gì, mà đã được hậu đãi như thế thực không yên. Vậy chỗ nhà tranh không xa đây, xin tiện mời được quá bộ tạm nghỉ”. Thường và Ma đứng dậy lôi áo gọi đầy tớ cùng nhau mời cùng đi. Đến chỗ núi phía bắc làng, chợt thấy có nhà cửa, có dòng nước chảy quanh, phong cảnh thực đáng yêu. Vào rồi thấy trong nhà sạch sẽ, gọi đầy tớ đốt đèn lại sai cho đứa đi hầu được yên nghỉ. Ma nói: “Từ trước ta vẫn chơi với nhau bằng văn chương, nay ngày thi đã đến nơi, không nên bỏ uổng phí đêm tối, xin gnhĩ bốn đầu bài, cho ai nấy tự bói chọn lấy một, văn làm xong hãy cùng uống rượu:” Chúng đều theo, mỗi người viết một đầu bài, viết để ra trên kỷ, ai nhặt được bài nào, đến chỗ làm riêng nghĩ ngồi làm. Chưa hết canh hai, mọi người đều xong cả bản ráp, rồi cùng đưa lẫn cho nhau xem. Ông đồ đọc ba bài làm rất là khen hay, chép bản thảo mà cất đi. Chủ nhân đem rượu ra kính khách, chén lớn uống ngụm to, đều say cả. Khách đứng dậy xin thôi, chủ nhân bèn đưa khách đến một chỗ mà ngủ. Trong lúc say không cởi giày nữa, mặc cả áo ngủ liền, tỉnh dậy thấy mặc trời đã lên cao, nhìn bốn xung quanh không có nhà cửa gì chỉ hai thầy trò nằm với nhau chổ hang núi. Sợ quá gọi đầy tớ dậy nốt, thấy ở cạnh có một cái động, như nước rót chảy ra, tự ngờ hay là mê chăng. Nhìn vào trong bọc, thời ba bài băn làm cũng còn cả. Xuống núi hỏi những người ở gần đó, mới biết chỗ ấy gọi là động ba vị tiên, vì trong động có ba con cua, rắn và ễnh ương rất thiêng, thời thường vẫn ngồi chơi người ta trông thấy cả. Sau rồi ông đồ vào trường thi, được ba bài đều trúng cả với ba bài tiên làm cho, thành thử được đỗ đầu.
Tản Đà dịch
Chuyện 98: Đại Bợm ( Cục Trá)
Gia nhân nhà quan ngự sử nọ đang thơ thẩn đứng ở chợ. Một người áo mũ tốt đẹp ra dáng tới gần bắt chuyện, dần dà hỏi đến họ tên, quan chức chủ nhân. Anh gia nhân cứ thực thà mà nói hết.
Người ấy nói mình là họ Vương, là chân trong cho một quý chủ nọ. Chuyện trò đã dần dần cởi mở, anh ta nói bâng quơ:
- Thời buổi này con đường làm quan thực là quanh quẩn nhiều bề. Muốn thăng quan tiến chức thì phải nương tựa vào cửa một vị quý nào đấy. Ông chủ tôn quý nhà ta nhờ ở ai?
Anh gia nhân cười, nói không rõ. Vương bảo:
- Như thế đúng như người ta thường nói: Tiếc phí nhỏ mà quên họa lớn đây!
- Nhưng biết nương tựa cửa nào cho được?- Anh gia nhân hỏi lại.
- Công chú lấy lễ đãi người lại có thể nhón tay che chở. Qua thị lang tôi cũng tiến thân qua bậc thềm tôi tớ ấy. Nếu ông chủ anh không tiếc nghìn vàng trong việc ra mắt công chúa thì việc tiến thân cũng không khó lắm đâu.
Anh gia nhân cả mừng, hỏi địa chỉ người ấy. Người ấy chỉ nhà cửa, còn có ý trách:
- Cùng ngõ, qua lại hàng ngày mà chưa biết hay sao?
Gia nhân hí hửng về nhà báo ngay với quan ngự sư. Quan Ngự mừng không xiết kể, lập tức sai bày tiệc, cử người đi mời Vương, Vương hớn hở đến ngay. Trong khi ăn uống hắn kể tỉ mỉ tính tình công chúa ra sao, lại bàn soạn kỹ lưỡng đường đi nước bước mọi sự lặt vặt như thế nào, lại còn nói rằng: Nếu chẳng phải tình ngõ xóm thân cận thì cứ phải biện cho hắn một trăm đồng tiền thưởng chứ hắn không chịu làm thân trâu ngựa không công. Quan Ngự Sử càng tỏ ý hàm ơn, chịu nghĩa hắn. Trước khi về hắn hẹn:
- Xin ngài cứ chuẩn bị lễ vật. Gặp dịp tôi sẽ bẩm ngay với công chúa, sớm chiều là tôi báo tin cho tôn ông.
Vài ngày sau anh ta đến, cưỡi một con ngựa cực đẹp, bảo quan Ngự:
- Xin ngài mau chóng chỉnh tề khăn áo vào hầu. Công chúa bận nhiều việc lắm, người đến ra mắt nối nhau tự sáng bảnh đến chiều hôm. Nay may được một khoảng trống, phải đi ngay kẻo lỡ thì không còn dịp nào nữa.
Quan Ngự lật đật đem vàng ròng lụa là tốt đi theo ngay. Quanh co hơn mười dặm mới tới phủ đệ công chúa, xuống ngựa đứng chờ. Vương đem lễ vật vào trước, lúc lâu ra dõng dạc nói lớn:
- Công chúa triệu ngay quan Ngự mỗ vào.
Mấy người nối nhau xướng lời tuyên triệu.
Quan ngự sử lật đật vào phủ.
Ngồi cao cao giữa nội điện là một nữ nhân, dung mạo như tiên, trang phục rực rỡ. Bọn thị nữ mặc áo gấm dàn hàng la liệt.
Quan Ngự Sử phủ phục làm lễ bái kiến rất mực cung kính.
Công chúa truyền lệnh cho ngồi dưới thềm, ban trà bằng chén vàng và phủ dụ những lời ngon ngọt.
Qua ngự kính cẩn xin lui. Trong nội điện lại truyền ban cho mũ lông điêu, bít tất bằng đoạn.
Về đến nhà quan Ngự cứ ca ngợi công đức Vương mãi. Lại sai người cầm danh thiếp đến tạ ơn. Nhưng nhà cửa Vương đã vắng tanh vắng ngắt. Quan Ngự đồ rằng anh ta đi hầu Chúa chưa về. Ba ngày liền vẫn không gặp.
Quan Ngự lại sai người đến hỏi ở cửa bà Chúa. Thì ở đây cũng kín cổng cao tường. Hỏi người xung quanh, họ đều nói đây không có bà chúa nào cả. Trước đây ít lâu chỉ có mấy người đến thuê tạm nhà ở, nay đã đi đâu từ ba ngày nay rồi.
Sai nhân về nói lại.
Cả chủ lẫn tớ chỉ còn tức uất lên thôi.
II
Viên phó tướng mỗ, mang tiền vào kinh đô để cầu đường thăng quan tiến chức, nhưng khỗ nỗi chưa tìm được chỗ đỡ đầu. Một hôm có một người mặc áo cừu, cưỡi ngựa béo đến chơi, tự nói anh ruột mình là người hầu cận với thiên tử.
Trà nước xong, tướng quân ngõ lời nhờ và. Anh ta nói:
- Trước mắt ở xứ ấy còn khuyết một tướng quân. Nếu ngài không ngại tốn thì tôi sẽ dặn anh tôi gợi khéo trước mặt thánh chúa. Việc ấy mà xong thì kẻ có thế lực mấy mà tranh được.
Viên phó tướng còn ngần ngại:
- Tôi e đường đột, không ăn thua gì.
Người ấy lại nói:
- Đã định làm thì chớ nên trù trừ. Tôi chẳng qua chỉ muốn bòn chút ít ở ông anh, còn đối với tướng quân thì tơ hào tôi không đòi hỏi. Bây giờ ta chỉ cần định số tiền bạc là bao nhiêu, viết giấy làm tin, đợi khi nào ngài được thiên tử triệu kiến rồi mới phải chồng tiền. Nếu không xong thì tiền của ngài còn đó chứ ai móc mất của ngài đâu.
Viên phó tướng hởi dạ, bằng lòng.
Ngày hôm sau, người ấy đến để dẫn ông Mỗ đi gặp người anh.
Người anh xưng họ Điền, hách dịch như bậc hầu gia, nhìn ông Mỗ mốt cách đặc biệt ngạo mạn, không lấy gì làm hợp lễ lắm. Người em đưa tờ giao kèo cho ông Mỗ, bảo:
- Tôi vừa bàn với ông anh, việc này không đủ vạn bạc không được, xin ngài ký xuống dưới này.
Ông Mỗ làm theo, Điền anh còn nói:
- Lòng dạ người ta khó lường, chỉ ngại việc xong rồi lại lật lọng.
Điền em cười mà rằng:
- Anh quá lo xa. Đã có thể cho rồi há không thể đoạt lại hay sao? Vả lại các bậc văn võ trong triều có người tình nguyện nộp tiền mà không được. Bước đường tiến thân sau này của tướng quân đây còn xa rộng lắm. Xin anh đứng để ý đến điều đó.
Ông Mỗ cũng thề thốt hết điều rồi mới đi. Điền em đưa tiễn dặn:
- Ba bữa nữa, xin trả lời ngài.
Mới hai ngày, trời vừa sẩm tối, có mấy người chạy đến phi báo:
- Thánh thượng đang ngồi đợi.
Ông Mỗ cả kinh vội tất tả vào chầu.
Thiên tử ngồi ở trên điện, quân nanh vuốt xúm quanh. Ông Mỗ phủ phục làm lễ bái kiến xong, hoàng thượng cho phép ngồi, hỏi thăm ân cần rồi nghoảnh bảo tả hữu:
- Trẫm nghe danh Mỗ vũ dũng phi thường, nay được thấy mặt, quả đúng là bậc chân tướng quân.
Rồi phán truyền cho ông Mỗ:
- Xứ ấy là đất hiểm yếu, nay ủy thác cho khanh, khanh chớ phụ ý trẫm, hãy đợi sắc phong chính thức.
Ông Mỗ bái tạ ơn mưa móc rồi lui ra. Lập tức đã có anh chàng mặc áo cừu cưỡi ngựa béo trước đây, đi theo đến nơi trọ, cứ đúng như giao kèo nhận tiền.
Rồi sau đó, ông Mỗ cứ nằm khểnh đợi sắc phong, hàng ngày đã úp mở khoe khoang với bạn bè. Qua mấy bữa, ông ta dò hỏi mới biết chân tướng quân khuyết trước đây, đã có người được bổ rồi. Ông ta nổi cơn thịnh nộ, thốc thẳng tới bộ binh chất vấn:
- Mỗ đây đã nhận được lệnh của Hoàng đế, sao các ngài lại trao cho người khác?
Quan Tư Mã lấy làm lạ. Ông Mỗ kể lại những điều đã mắt thấy tai nghe, khi vào bái mệnh thánh chúa mơ mơ hồ hồ đến phân nửa như cảnh trong mộng. Quan Tư Mã nổi giận bắt đưa xuống quan Đình úy xét xử.Lúc ấy ông mỗ mới cung tên họ người dẫn tiến, tra xét lại thì trong triều không có ai như thế.
Ông Mỗ lại tổn phí bạc vạn nữa để chạy chọt may phúc mà chỉ bị cách chức đuổi về.
La thay! Hạng võ biền tuy mu mơ song lẽ nào chốn triều đình lại có thế đóng gỉa được sao? Như người ta thường nói: Loại trộm bậc thầy không cần đến dao thuổng khoét vách đào nghạch!
III
Lý sinh người Gia Tường, rất giỏi đàn kìm. Tình cờ ra xứ đông, Sinh mua rẻ được một cây đàn , kìm loại cổ do thợ thổ đào được. Lau chùi đi, thấy thân đàn có ánh sáng lạ; so dây gảy thứ nhất thì tiếng kêu trong và vang lạ thường. Sinh mừng quá như bắt được châu ngọc quý liền cất đàn luôn vào túi gấm, giấu biệt vào trong buồng kín, người thân thích mấy cũng không cho xem.
Quan huyện họ Trình vừa mới về nhận chức, đưa danh thiếp đến thăm Lý. Lý là người ít giao du song vì là lần đầu tiên nên nhận tiếp. Vài ngày sau ông ta mời đến uống rượu, cứ nài nẵng mãi cho nên Lý phải đến. Trình là người phong nhã khác đời, nghĩ luận sâu rộng cho nên Lý cũng ưa. Hôm sau Lý gửi mời lại, chuyện trò vui vẻ, ý hợp tâm đầu, từ đó sớm ngắm hoa đêm thưởng nguyệt, không mấy khi không có nhau.
Cứ thế được hơn năm, một hôm Lý tình cờ vào công thự Trình thấy có một cái túi gấm trong đựng đàn kìm đặt trên ghế, Lý tiện tay mở xem. Trình hỏi có am hiểu thứ này không? Lý trả lời không sành lắm nhưng thường ngày cũng thích. Trình xuýt xoa:
- Mối tri giao chẳng phải mới một ngày, sao lại không thể cho thưởng thức tài nghệ tuyệt vời?
Rồi vội vã đốt lò hương trầm, xin Lý dạo chơi vài khúc. Lý vâng theo, Trình khen:
- Thật là tay đàn tuyệt vời! Tôi cũn xin hiến chút tài mọn, mong đừng cười.
Nói rồi gảy khúc Ngự Phong, thanh âm lạnh lẽo đến gai người, thực là tuyệt trần đời, Lý phục sát đất xin tôn làm thầy.
Từ đó hai người trở thành bạn tri âm, tình thân càng gắn bó. Cứ như thế được hơn năm nữa, Trình truyền lại cho Lý hết mọi ngón đàn. Song mỗ khi Trình đến nhà, Lý chỉ đem cây đàn thường ra chơi, chưa từng đưa dùng cây đàn quý.
Tối đó khi đã say ngà ngà, Trình nói:
- Tôi mới soạn được một bản đàn, không biết anh có thích nghe không?
Rồi ông ta gảy khúc Tương Phi vừa soạn ấy, tiếng đàn sao mà ai oán sầu thương. Lý khen hết lời. Trình bảo:
- Chỉ tiếc không có cây đàn tốt. Nếu không thì âm điệu còn hay hơn gấp bội.
Lý hởn hở:
- Tôi có một cây đàn khác hẳn đàn thường. Nay đã gặp tri âm sao dám giữ kín mãi.
Nói đoạn, mở hòm xách túi đàn bằng gấm ra. Trình mở ra, lấy vạt áo lau bụi, đặt đàn lên ghế chơi lại khúc nhạc vừa soạn, tiếng trong tiếng đục theo điệu, chơi hay quá làm mê mẩn cả tâm thần người nghe. Lý vừa nghe mà tay bất giác cứ đánh nhịp theo. Đàn dứt, Lý nói:
- Vẻ chi một chút tài mọn mà phụ cả cây đàn quý. Nên chi để tiện nội tấu một khúc thì cũng có thể lọt tai bậc tri âm được vài ba tiếng.
Lý kinh ngạc:
- Ôi bậc khuê các bên bác cũng tin diệu đến thế ư?
Trình cười:
- Những ngón vừa rồi là do tiện nội truyền cho cả.
- Tiếc rằng trong chốn buồng khuê tiểu sinh chưa kịp được nghe.
- Bọn ta chơi bời với nhau hai mà như một, có gì cần phải giới hạn tránh né. Ngày mai xin cho mang cay đàn này đi, tôi có thể khiến để bác được thưởng thức qua bức rèm the.
Lý bằng lòng, hôm sau xách đàn sang nhà Trình. Trình sai sửa soạn cỗ bàn để cùng vui chén, rồi mang đàn vào trong nhà, lát sau lại ra ngồi vào bàn.
Sau màn thấp thoáng bóng giai nhân, mùi hương lan tỏa ngào ngạt ra ngoài. Tiếng đàn nổi lên thánh thót không hiểu là khúc gì, chỉ thấy thổn thức cả con tim, rung động cả xương cốt, hồn như bay, phách như lạc. Tiếng đàn ngưng, Lý liếc mắt qua rèm thấy một tuyệt thế giai nhân khoảng ngoài hai chục tuổi xuân xanh.
Trình rót rượu vào chén lớn chuốc cho Lý. Trong rèm tiếng đàn đổi thành tiếng ngâm bài phú Nhân tình, cả thần hồn thần xác đều rung động, ngả nghiêng nâng chén quá say, rời mâm lên tiếng xin lại cây đàn. Trình can:
- Anh say rồi sợ ngã. Ngày mai xin lại mời đến để tiện nội trổ hết tài nghệ.
Lý chịu phép trở về.
Mai đến thì chốn công thất vắng tanh, chỉ có người lệ già coi cổng. Hỏi thăm Trình, người lệ già cho biết: Canh năm quan huyện đã đưa hết gia quyến đi, không biết về việc gì, chỉ hẹn ba ngày quay lại.
Đến hẹn, Lý lại tới ngóng trông tối mịt vẫn không thấy âm hao. Các nhân viên trong viện đều ngờ, bẩm lên quan trên rồi phá cửa vào nhà. Nhà trống hoang chỉ còn lại có bàn ghế giường chiếu. Quan trên cũng không rõ ra sao.
Lý mất cây đàn quý, bỏ ăn quên ngủ. Hỏi thăm các nhà trong khoảng vài nghìn dặm thì được biết: Trình sinh ở đất Sở ba năm trước đây vì quyên tiền mà được nhận chức ở Gia Tường. Bằng vào tên họ, que hương thì đất Sở không có người ấy. Hoặc có người nói chỉ có một đạo sĩ họ Trình, giỏi đàn kìm lại nghe đâu biết thuật luyện đàn, ba năm trước đây bỗng đi đâu mất không thấy về, Lý ngờ đúng là người ấy. Lại so sánh tuổi tác hình dung thì quả đúng không sai. Lúc ấy mới biết, đạo sĩ quyên tiền làm quan đều là vì cây đàn quý; kết bạn hơn một năm không nói gì đến âm luật rồi dần dần đưa đàn ra, rồi dạy đánh đàn, rồi lại mê hoặc bằng người đẹp; dần dà như thế ba năm lấy được đàn là băng đi tuốt.
Cách lừa bịp trong thiên hạ thì vô kể nhưng như đạo sĩ thì là một tay phong nhã trong làng bợm.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Chuyện 99: Tấm Gương Thu Hình (Bát Đại Vương)
Lâm Thao Phùng sinh, tên thật là gì, người thuật chuyện không nhớ, chỉ biết chàng vốn dòng dõi thế gia nay đã sa sút rồi. Có người chài lưới thiếu nợ chàng mà không trả nổi, hễ lần nào bắt ba ba cùng loài cua đinh cũng đem biếu chàng. Có lần biếu con ba ba cực to, trán có đốm trắng, chàng thấy hình dạng lạ lùng, liền thả ra sông.
Sau đó có dịp đi thăm con rể trở về đến bờ sông Hoàng Hà trời đã chạng vạng, thấy một người say rượu, hai ba tiểu đồng theo sau, ngất ngưởng đi từ đầu kia tới, giáp mặt chàng hỏi chàng là ai đi đâu vậy? Chàng trả lời là kẻ đi đường. Người say giận nói:
- Chàng có tên họ gì, sao lại nói cụt ngủn là kẻ đi đường?
Đường xa trời tối, chàng sốt ruột đi về, cho nên chẳng buồn trả lời, cứ phăng phăng đi qua. Người say càng giận, nắm chặt lấy áo chàng không cho đi, mùi rượu xông lên sặc sụa. Chàng rất khó chịu mà cố sức gỡ mình ra không được bèn nói xẵng:
- Nhà ngươi tên chi?
Người say đáp giọng lè nhè:
- Ta là Lệnh Doãn cũ ở Nam Đô. Mà chú hỏi làm chi.
Chàng nói:
- Thế gian có thứ Lệnh Doãn như vậy, thật là chửi thiên hạ. Ấy, may là Lệnh doãn cũ, phải là Lệnh doãn mới, dễ thường phải giết hết người ta chăng?
Người say giận lắm, toan giở võ ra với chàng. Chàng dõng dạc nói:
- Ta đây là Phùng mỗ, không chịu anh đánh đâu.
Nguời say nghe nói, liền đổi giận làm vui, cúi mọp xuống lạy mà nói:
- Ngài là ân nhân của tôi, vừa rồi đường đột, xin đừng chấp trách.
Đoạn, trỗi dậy bảo tiểu đồng đi mau về nhà trước dọn rượu. Chàng từ chối không được, nắm tay cùng đi vài dặm, đến một xóm nhỏ. Vào trong thì nhà cửa sang trọng, như phủ đệ qúy nhân. Sau khi thấy chủ nhân đã tỉnh rượu, chàng mới hỏi thăm tên họ là gì. Chủ nhân nói:
- Thú thật với ông xin ông chớ kinh hãi. Tôi là bát Đại Vương ở sông Thao đây. Mới đây, Thanh Đồng ở Sơn Tây mời đi uống rượu trở về có hơi quá say, nên mới xúc phạm tôn nhan, nghĩ rất hổ thẹn.
Chàng biết là yêu quái nhưng thấy tình ý niềm nở cho nên chẳng sợ hãi. Giây lát tiệc bày linh đình, mời chàng uống rượu nói chuyện. Bát vương uống cực hăng một hơi đã cạn luôn mấy ly lớn. Chàng sợ hắn lại say, sinh sự rắc rối như hồi nãy, bèn giã đò mình say đòi đi nằm. Bát vương hiểu ý, cười nói:
- Ông sợ tôi say quá hóa cuồng chăng? Xin ông chớ lo. Phàm người say nói xằng làm bậy, mà bảo rằng qua sáng mà tỉnh rượu, không còn nhớ gì việc mình là, ấy là nói dối, nhưng đối với người trưởng giả như ngài, thật không dám làm điều vô hạnh. Tại sao ngài cự tuyệt tôi như thế?
Chàng nể lòng, lại ngồi xuống, nghiêm sắc mặt can gián:
- Ông đã tự biết mình lầm lỗi, sao không sử đổi đi?
Bát vương đáp:
- Lão phu hồi làm Lệnh Doãn, say sưa be bét còn quá ngày nay. Từ ngày chọc giận Thượng đế, bị đày ở cù lao, cố chừa thói cũ, được hơn mười năm. Nay nghĩ mình già yếu sắp sửa vào hòm, mà tấm thân còn vất vả chẳng được vẫy vùng, cho nên thói cũ lại muốn trở lại mà không tự biết đó thô. Nay được ngày khuyên bảo, tôi xin vâng lời.
Còn đang nói chuyện, thì nghe thấy tiếng chuông chùa xa đã gõ. Bát vương đứng dậy cầm tay chàng nói:
- Tôi cùng ngài tụ họp không được lâu, vậy có một vật báu, xin tặng ngài để báo đáp ơn xưa. Vật này chẳng nên mang lâu. chừng được như nguyện rồi, xin trả lại cho tôi.
Nói đoạn, khạc trong miệng ra một hình nhân bé tí hon, độ chừng một tấc, rồi móng tay nọn rạch cánh tay chàng đau như xé ruột, vội vàng đặt hình nhân lên trên mà đè thật mạnh. Khi buông tay thì hình nhân đã lọt vào da thịt, mà dấu móng tay còn rành rành. Chàng sợ hãi cuống quít, Bát vương cười mà không đáp, chỉ nói rằng:
- Ngài nên đi thôi.
Đoạn tiễn chân chàng ra cửa. Bát vương trở lại.
Chàng ngoảnh lại, xóm làng nhà cửa đều biến mất, duy một con ba ba đang bò xuống sông, chàng sửng sốt giây lâu tự nghĩ vật báu mới cho tất là ngọc ba ba.
Từ đó cặp mắt cực sáng; phàm chỗ nào có châu báu, dù ở suối vàng cũng trông thấy. Ngay đến vật gì thuở nay không từng biết bao giờ cũng ứng khẩu nói ra đích danh. Nhờ vậy mà đào lên được mấy trăm bạc chôn giấu ngay trong buồng ngủ, thành ra sự ăn tiêu hơi phóng túc.
Sau có người bán ngôi nhà cũ, chàng dòm thấy tiền bạc chôn giấu nhiều lắm, bèn mua giá đắt để làm nhà ở. Dần dà giàu có ngang bậc vương hầu, phàm loại ngọc quý trong thiên hạ, nhà chàng sưu tập tích súc đủ cả.
Trong số đó có một tấm gương, sau lưng chạm trỏ hình chim phượng và bà Tương Phi, bề mặt chiếu sáng tới ngót một dặm, rõ ràng từ mảy tóc sợi lông, có thể đếm được.
Nhất là mỹ nhân nào soi gương này, tức thời hình dạng in vào gương, chùi lau cách gì cũng không mất được. Nếu người đó thay quần áo khác mà soi lại, hoặc một mỹ nhân khác soi thì hình ảnh in trước mới được mất đi.
Lúc bấy giờ, bà chúa Ba, con gái Túc vương ( tức là Túc Trang Vương), hoàng tử thứ mười bốn của Thái tổ nhà Minh nhan sắc tuyệt đẹp, chàng vẫn nghe danh mộ tiếng. Nhân dịp bà chúa đi chơi núi Không Động, chàng đi trước, lén núp trong hang, rình khi chúa ở trên kiệu bước xuống, lấy gương ra thu hình ảnh rồi mang về.
Chàng về, đặt gương trên bàn, nhìn kỹ, thấy mỹ nhân ơ trong, tay cầm khăn, miệng mỉm cười và mấp máy muốn nói, làn sóng mắt cũng long lanh muốn động, chàng mừng quá giấu kỹ một nơi.
Hơn một năm, vợ ngồi lê đôi mách, nói lộ chuyện ấy ra, lọt đến tai Túc phủ.
Túc vương cả giận, bắt giam chàng lại, đòi lấy tấm gương và định đem đi chém. Chàng hối lộ rất nhiều cho một vị thân tín trong phủ, nhờ băn tin với Túc vương rằng:
- Nếu vương tha thì của gì báu nhất trên đời, muốn có cũng dễ. Bằng không, tôi chỉ chết là cùng, sự đó lại chẳng ích lợi gì cho vương.
Túc vương muốn tịch thu gia sản và đày chàng đi xa. Chúa Ba nói:
- Hắn đã dòm con rồi, dù hắn chết mười phần, cũng không gội rửa cái nhơ bẩn này, chi bằng gả con cho hắn là hơn.
Vương không nghe. Chúa đóng cửa không chịu ăn. Vương phi lo quá, hết sức nói với vương, bấy giờ vương mới chịu thả chàng ra khỏi ngục, lại sai người thân ngỏ ý với chàng. Chàng từ chối:
- Vợ tôi lấy từ thuở hàn vì, nghĩa không sao bỏ đặng. Tôi thà chết, chứ không dám phụng mạng. Nếu vương cho tôi chuộc tội thì hết nhà hết cửa cũng cam.
Vương giận lắm, lại bắt chàng giam ngục.
Bà vương phi vời vợ chàng vào trong cung, toan đánh thuốc độc cho chết. Nàng đem chiếc giá gương bằng san hô làm lễ ra mắt, lời lẽ cực mềm mỏng. Vương phi rất vui lòng, sai giáp mặt Chúa Ba, chúa cũng ưng ý, đính ước làm chị em, rồi sai người vào ngục dụ dỗ chàng nữa. Chàng nhắn bảo vợ: “Con nhà vương hầu, không nên kể trước sau mà bàn chuyện lớn bé được”.
Vợ không nghe, cứ việc sắm lễ vật, đưa nộp vương phủ. Số người mang đội lễ có hàng ngàn, nhiều thứ châu báu quý ngọc lạ, nhà vương không biết tên gì. Vương mừng thả chàng về làm lễ cưới với chúa. Hôm chúa về nhà chồng, cũng đem gương báu cùng về.
Một đêm chàng nằm một mình, mộng thấy Bát vương nghênh ngang đi vào nói:
- Món đồ tôi tặng năm xưa, giờ nên trả lại. Mang nó trong mình lâu quá tổn hao tâm quyết và haị mạng nữa.
Chàng xin vâng, muốn cầm giữ Bát vương ở lại uống rượu chơi, nhưng Bát vương từ chối:
- Thôi, rượu thì tôi xin kiếu. Từ lúc nghe lời ông khuyên can, tôi bỏ dứt hơi men, được ba năm rồi.
Đoạn há miệng cắn vào tay chàng. Đau quá chàng tỉnh dậy, xem cục thịt nổi đã tiêu mất rồi. Từ đó y như người bình thường.
Chuyện 100: Gái Báo Thù Cha: (Thượng Tam Quan)
Xưa ở Chư Cát Thành có Thường Sĩ Vũ là kẻ sĩ nhân. Do say rượu nói điều ngỗ ngược với vị huyện hào, Thường bị vị nọ sai gia nô túm lại đánh cho tơi bời, về đến nhà thì chết.
Thường có hai con trai, cả tên Thần, thứ tên Lễ, người con gái là Tam Quan, tuổi vừa trăng tròn lẻ, đẽ hẹn kỳ xuất giá, song vì việc cha phải dừng. Hai anh đâm đơn kiện, một năm ròng chưa được hỏi đến. Nhà trai sai người đến thăm dò hỏi ý kiến bà mẹ xin cho được tòng quyền cưới chạy tang. Bà mẹ đã xiêu nhưng cô gái thưa lại:
- Cha mất chưa kịp lạnh, sao có thể tính chuyện vui mừng? Dễ họ không có cha mẹ hay sao?
Nhà trai nghe thấy điều ấy, lấy làm xấu hổ đành bỏ ý định.
Không bao lâu, vụ kiện không được xét, hai người anh trai đành đội đơn về, cả nhà khôn xiết đau thương. Hai anh bàn hãy lưu thi hài cha, chưa chôn cất vội để tiếp tục theo kiện, Tam Quan nói:
- Người bị sát hại mà không được xử, đủ biết sự thế ngày nay như thế nào rồi?Có dễ trời sinh riêng cho anh em ta một Bao Công chăng? Ta nỡ lòng nào cứ để thi hài cha phơi mãi như thế!
Hai anh phục lời nói ấy, liền lo ngay việc mai táng cha.
Việc tang vừa xong, bỗng ban đêm Tam Quan trốn nhà đi đâu không biết. Bà mẹ coi chuyện này là điều tủi hổ cho gia phong nên sợ nhà trai nghe thấy, không dám để lộ chuyện với bà con họ hàng, chỉ rỉ tai hai con trai phải kín đáo dò tìm xem sao. Song nửa năm dã qua vẫn không thấy tăm tích Tam Quan.
Gặp dịp huyện hào bày lễ mừng thọ, gọi phường hát đến mua vui. Trùm phường họ Tân, dẫn theo hai đàm em giúp việc, một gã tên Vương Thành dung mạo bình thường nhưng tiếng trong vắt, mọi người tán thưởng lắm; một gã tên Lý Ngọc, mặt mày xinh đẹp như con gái, chủ bảo hát cứ cố từ rằng không được thường luyện, nài ép mãi thì ca giọng hát nửa phần lẫn lộn những khúc điệu dân ca của đàn bà con gái. Nghe xong cả đám vỗ tay cười rầm rĩ. Tân xấu hổ quá, phải thưa thực với chủ:
- Nó mới học chưa được bao lâu chỉ mới biết hầu rượu xin chớ trách mắng.
Rồi Tân sai gã ta đi chuốc rượu. Lý Ngọc lại qua nhẹ nhàng lúng liếng khi rót ra mời, lại rất khéo chiều ý hướng của chủ khiến ông ta đẹp lòng lắm.
Rượu tàn, khách về, huyện hào lưu Ngọc lại cùng ngủ. Ngọc rũ giưòng cởi giày cho chủ ân cần, chu đáo lắm. Huyện hào vờ say rượu ôm ấp cợt nhả, Ngọc chỉ mỉm cười, cho nên lão ta càng mê tợn. Hắn đuổi hết đầy tớ ra chỉ để một mình Ngọc lại. Ngọc đợi mọi người ra hết liền đóng cửa, khóa trái.
Bọn đầy tớ sang nhà khác ăn uống. Lát sau nghe thấy tiếng động công cốc trên sảnh nơi chủ ngủ, một người chạy sang, chỉ thấy trong sảnh tối đen như mực, im lặng như tờ, quay trở về, bỗng nghe tiếng huỵnh như có vật gì nặng treo cao đứt dây rơi xuống. Lên tiếng hỏi, không thấy trả lời. Gọi mọi người phá cửa vào, thấy chủ nhân đầu lìa khỏi xác. Còn Ngọc thì treo cổ tự tử, dây đứt xác rơi xuống đất. Trên xác vẫn còn lủng lẳng một đoạn dây.
Mọi người trong nhà kinh hãi, tụ tập bàn tán, không hiểu ra sao. Họ khiêng xác Ngọc ra sân, thấy trong giày và bít tất dường như không có bàn chân, cởi ra thì thấy bàn chân bó nhỏ, hóa ra là con gái. Họ lại càng hoảng gọi Tân đến gặng hỏi. Tân hãi quá, không biết trả lời thế nào, chỉ biết sơ sài: “Tháng trước, Ngọc đến xin làm đàn em, được đi theo đến cuộc lễ mừng thọ, thực không biết từ đâu đến”.
Vì thấy Ngọc mang đồ tang, họ ngờ là thích khách nhà họ Thương, tạm cử hai người trông coi xác. Cô gái nét mặt vẫn đẹp như ngọc, vỗ về thì thân thể tay chân ấm lại. Hai chàng máu dê liền giở trò khả ố. Một anh ôm lấy thi thể vần vò xoay nghiêng xoay ngửa, đang lần cởi giải thì đầu như một đòn búa bổ, máu mồm, máu mũi hộc ra, chết đứ đừ, còn anh kia thoát chết, kể chuyện lại với mọi người. Co gái được coi như thần.
Vụ này được báo lên quận, Quan hỏi Thần và Lễ, họ đều nói không biết gì, còn cô em Tam Quan thì đã bỏ nhà đi từ nửa năm rồi. Họ đến thử xem thì đúng là Tam Quan. Quan cũng phải coi điều kỳ lạ, truyền hai anh em mang thi hài em về mai táng, lại sức khuyên nhà huyện hào chớ có cậy thế gây thù chuốc oán nữa.
Nguyễn Văn Huyền dịch
Nguồn: http://4phuong.net/