19/3/13

Người lạ trong gương (C4-8)

Chương 4

Sân khấu hài kịch từng đã rất phát triển ở Mỹ, đến vài chục năm trời, trước khi rạp Palace đóng cửa vào năm 1932. Đây là nơi vào nghề, cũng là nơi tập dượt, thử thách của các diễn viên hài trẻ tuổi mong muốn nhanh chóng khẳng định mình trước đám khán giả thưởng thức thì ít mà chọc phá thì nhiều. Không ít diễn viên đã đạt được mục đích từ “lò” đào tạo ấy, trở nên nổi tiếng cả về tài lẫn về tiền, thí dụ như Eddie Cantor, Jolson, Benny, Abbott, Burns và anh em nhà Marx, cùng nhiều người khác nữa. Họ biểu diễn trên sân khấu trong các chương trình riêng, biểu diễn cả trong các câu lạc bộ hoặc khách sạn, hộp đêm mà tên tuổi của nó cũng nổi không kém họ. Toby chưa được cái vinh quang đó. Anh cũng diễn hài trong các câu lạc bộ, các hộp đêm nhưng nếu gọi cho sát hơn cái thực tế của nó thì phải gọi là hệ thống nhà vệ sinh, tức là các quán rượu nhỏ và tồi tàn, bẩn thỉu mọc nhan nhản khắp nước Mỹ. Khách khứa vào đây toàn dân lao động chân tay, ăn cho kỳ no, uống cho tới say, nôn oẹ thì cũng cho bằng hết. Ngoài ra, họ vào quán để ngắm các cô gái múa thoát y, và để được cười. Gái xấu, hoặc chuyện hài mà không cười nổi, là họ chửi rủa, la hét, và ném vỏ chai vào diễn viên. Nơi đây, chỗ hoá trang thường là một góc, xó nào đó, nếu không sặc mùi thức ăn thiu thối thì cũng nồng mùi nước tiểu trộn nước hoa rẻ tiền pha lẫn mùi mồ hôi chua loét. Nhà vệ sinh thì bẩn tới mức chỉ kẻ say mới dám bước vào, còn các diễn viên thì cứ thản nhiên đái vào chậu rửa mặt. Thù lao ư? Vô giá. Tức giá nào cũng là có thể. Một bữa ăn, thậm chí một chiếc bánh mì. Song cũng có khi lại là năm, bảy, thậm chí mười lăm đôla. Nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người xem.
Cái hệ thống nhà vệ sinh đó chính là trường học của Toby Temple. Khổ sở và cả gai góc đấy nhưng nó dạy cho anh bao nhiêu là mưu mẹo, mánh khoé dể sống, để thực hiện giấc mơ. Toby biết cách phân biệt sự la hét vô thức của đám say với cái chọc phá cố tình của lũ mất dạy. Không bao giờ anh lầm lẫn hai loại này với nhau, và nó rất quan trọng để giúp anh tìm ra cách xử lý với mỗi loại.
Anh tự lên chương trình biểu diễn, gồm những bài hát dân gian đã bị xuyên tạc lời; bắt chước điệu bộ và giọng nói của các ngôi sao ca nhạc, sân khấu, điện ảnh; các trò học lỏm được từ các danh hài, là những người có khả năng thuê người khác viết kịch bản cho riêng mình. Anh không sợ mang tiếng, vì hầu hết đám diễn viên có cảnh ngộ tương tự anh đều làm vậy, và họ đâu có thèm giấu giếm gì. “Tôi sẽ sắm vai Jerry Lester”. Người nào nói vậy là ngầm khoe mình đã “thuổng” vở của Lester đấy. Rồi lại còn tuyên bố “Và tôi diễn còn hơn chính cả Lester. Hãy đến xem”. Hoặc anh khác thì “Giá mọi người được xem tôi sắm vai Red Skelton”.
Toby diễn đủ trò, chẳng chừa gì, chẳng kiêng gì cả. Giương đôi mắt xanh biếc và ngây thơ lên, anh nhìn vào đám đông, ngơ ngác hỏi “Các vị đã thấy người Eskimo đái chưa?”. Anh đặt tay vào cửa quần, và người ta thấy từng cục băng nhỏ rơi xuống. Tuy nhiên, anh cũng luôn sắn trò thay thế khi cảm thấy vỏ chai chuẩn bị bay tới chỗ mình.
Và luôn luôn Toby nghe thấy tiếng xả nước ở nhà vệ sinh khi đang biểu diễn.
Toby di chuyển chủ yếu bằng xe buýt, từ hộp đêm này đến quán rượu kia, và thuê những nhà trọ rẻ tiền nhất để ở, ăn uống thì kham khổ, vừa nhai vừa thèm thuồng nhìn những món ăn ngon trên bàn kế bên. Anh đệm bìa vào giầy che lỗ thủng, lấy phấn xoa trắng cổ áo để đỡ tốn tiền giặt. Khổ cực anh chịu nổi nhưng sự cô đơn đã huỷ hoại anh biết bao. Dường như trên cả trái đất mênh mông với hàng tỷ con người sinh sống này, không một ai quan tâm đến anh, thậm chí nghĩ tới anh, còn sống hay đã chết? Lâu lâu anh cũng gọi về cho cha, nhưng chủ yếu vì nghĩa vụ con cái chứ không vì thương yêu. Mỗi ngày anh mỗi bị dày vò hơn bởi thiếu người thổ lộ nỗi lòng và chia sẻ ước mơ. Anh nhìn một cách thèm thuồng và ghen ghét với những kẻ làm cùng công việc như anh nhưng nổi danh và giàu có hơn anh gấp vạn lần. Sau mỗi buổi diễn, họ ra về trên những chiếc xe hơi đắt tiền, khoác vai những co gái lộng lẫy hẳn cũng đắt tiền chẳng kém chiếc xe. Bao giờ anh sẽ như họ?
Bây giờ, anh còn đang phải chống chọi với nỗi khiếp sợ mỗi khi thất bại, bị người xem la ó hoặc ném vỏ chai, hoặc bị đuổi xuống trước khi bắt đầu. Thất bại trong biểu diễn, với anh, là rơi xuống đáy, là không còn gì tồi tệ hơn, là tận cùng của sự thảm hại. Lúc đó, anh chỉ muốn giết hết đám đông ngu muội và tàn nhẫn kia, rồi sau đó giết chính mình. Lúc đó anh chỉ mong sao mình căm thù được sân khấu, ghét bỏ được ước mơ, để mãi mãi không phải đứng trên đó mua vui cho thiên hạ. Thà anh làm thợ mộc, phu khuân vác, hoặc chọc tiết bò, pha thịt lợn như bố mẹ còn hơn.
Anh thực lòng mong vậy đó, để rồi ngay tối hôm sau lại đứng dưới ánh đèn sân khấu, lại nhăn nhó hay cười cợt để rồi có thể lại nhận những lời la ó kèm hay không kèm vỏ chai.
Có một chuyện anh hay mang ra kể, với vẻ mặt ngây thơ và cái nhìn trong trẻo. “Có anh nọ phải lòng con vịt mà mình nuôi, đi xem phim cũng mang theo và nhét nó vào trong quần để đưa được nó vào rạp. Phim chiếu được một lúc, chú vịt ngọ nguậy, anh nọ bèn cởi cúc quần cho nó thò đầu ra. Ngồi cạnh anh nọ là một cặp vợ chồng trẻ, chị vợ bảo anh chồng “Chim cái anh ngồi cạnh em thò cả ra ngoài”. Anh chồng mắt không rời màn ảnh, hỏi: “Nó có làm phiền em không?” Chị vợ lắc đầu. Anh chồng bảo: “Vậy kệ nó. Mình mất tiền để vào đây xem phim chứ có vào xem chim ông khách ngồi bên đâu”. Một lúc sau chị vợ lại huých chồng. “Này, chim anh ta...”. Anh chông sẵng giọng “Anh đã bảo kệ nó...”. Chị vợ nũng nịu “Không kệ được, chim anh ta đang nhai ngô của em”.
Dần dần, do chịu khó học hỏi, công việc của Toby cũng ngày một khấm khá hơn. Anh bắt đầu biểu diễn được ở những nơi, tuy chưa gọi là danh tiếng, nhưng ít nhiều cũng có tiếng, như Twenty-One ở San Francisco, Rudy’s Rail ở New York hay một vài nơi khác nữa. Anh còn biểu diễn trong đại hội những người thợ làm ống nước, trong cuộc vui gặp gỡ của dân Do Thái, trong đêm chiêu đãi một đội vô địch bóng chày. Anh vẫn không ngừng học hỏi.
Rồi một bất ngờ xảy ra.
Tháng Mười hai năm 1941. Buổi chiều chủ nhật lạnh lẽo ấy. Toby đang trình diễn tại một rạp trên đường Mười Bốn, New York. Đây là buổi thứ năm trong ngày, mỗi buổi có tám tiết mục và một phần công việc của anh còn là giới thiệu các tiết mục đó. Buổi diễn đầu bình thường. Đến buổi thứ hai, khi Toby giới thiệu tốp diễn viên nhào lộn người Nhật, khán giả bỗng vung tay la hét ầm lên. Anh lui vào, ngơ ngác. “Chuyện chó chết gì ấy nhỉ?”. Nghe anh hỏi, người chủ rạp bực dọc. “Không biết gì à? Mấy giờ trước bọn Nhật đã tấn công Trân Châu cảng”.
Toby càng ngơ ngác hơn. Chiến tranh là việc của hai quốc gia, của nước người cầm đầu. Còn đây là các nghệ sĩ, những tay nhào lộn nổi tiếng thế giới cơ mà.
Buổi diễn tiếp theo, khi đến tiết mục của nhóm người Nhật này, anh giới thiệu họ là người Phi, buổi sau nữa, họ là người nước Hawaii hạnh phúc, rồi người Trung Hoa may mắn... Nhưng anh không cứu được, họ vẫn cứ bị xua đuổi như thường. Rồi anh không cứu được cả anh nữa. Có một phong thư đang chờ anh, mở đầu bằng câu Chúc mừng anh và kết thúc là chữ ký của Tống thống Mỹ. Hơn tháng sau, Toby nhập ngũ.
Những cơn đau đầu vẫn tiếp tục xuất hiện và khi đó, Josephine cảm thấy thái dương nó như bị ép trong chiếc kẹp sắt to tướng. Nó không dám khóc, vì sợ mẹ cáu. Độ này mẹ nó rất năng đi lễ nhà thờ, vì thấy không nhiều thì ít hai mẹ con cũng gián tiếp gây ra cái chết của chồng bà. Đó là kết quả của một lần bà tình cờ nghe mục sư hùng hồn rao giảng. “Các ngươi đầy tội lỗi. Chúa ghê tởm và sẽ trừng phạt các ngươi, nếu các ngươi không chịu hối cải...”. Bà bỗng thấy nhẹ nhõm như đang được nghe tận tai những lời Chúa nói với riêng bà. “Mẹ con mình bị Chúa trừng phạt vì đã giết chết ba con”. Bà hay nói vậy với con gái, và đầu óc non dại của Josephine hiểu rằng mình đã làm một cái gì đó không nên làm. Nó rất mong được biết đó là cái gì để có thể xin mẹ tha thứ.


Chương 5

Thoạt tiên, chiến tranh thực sự là niềm kinh hoàng với Toby Temple. Anh được huấn luyện ở trại lính thuộc vùng Georgia rồi ngồi tàu thuỷ qua nước Anh và cuối cùng đóng quân ở Sussex. Anh xin được gặp vị tướng chỉ huy nhưng người mang cấp bậc to nhất chịu gặp anh chỉ là đại uý. “Thế là có phúc lắm rồi”. Đồng đội Toby bàn tán vậy.
Đại uý Winters trạc ngoài ba mươi, da rám nắng, mặt mũi nom vẻ thông minh và dễ gần. “Binh nhì Temple, có chuyện gì cần nói?” Sam hỏi.
“Tôi là diễn viên sân khấu”, Toby không vòng vo. “Đó là công việc của tôi trước khi đăng lính”.
“Nói chính xác thì anh làm gì?”. Sam hỏi lại, mỉm cười trước vẻ ngây thơ của Toby.
“Nhiều lắm, kể không hết, biểu diễn mọi trò cho người xem cười. Nào bắt chước ai đó, nào xuyên tạc lời bài hát, nào bịa chuyện vui... Đại khái vậy”.
“Anh biểu diễn ở nhà hát nào?”
Toby ngập ngừng. Đại uý chắc chỉ quan tâm đến những sân khấu lớn, còn hệ thống nhà vệ sinh ư?. “Những nơi mà ngài chưa bao giờ được nghe nói đến”. Cuối cùng anh chán nản đáp, biết là mình chỉ phí công thôi.
Nhưng đại uý không mắng, cũng không xua anh đi, chỉ nói với vẻ nghiêm túc, anh hy vọng là vậy. “Tôi không có quyền quyết định nhưng tôi sẽ nhớ và sẽ cố gắng xem có thể làm gì cho anh”.
“Cảm ơn đại uý”. Anh đứng nghiêm chào rồi quay người bước đi.
Toby không ngờ đã để lại ấn tượng trong Sam Winters, khiến anh bần thần nghĩ ngợi rất lâu. Sam nhập ngũ vì thấy mình cần phải như thế, phải góp phần làm cho cuộc chiến này sớm chấm dứt, và hơn nữa, ngăn chặn các cuộc chiến tiếp theo, để ít nhất, những chàng trai như binh nhì Temple đây được đứng trên sân khấu như anh ta mơ ước. Sam thông cảm ngay được với tâm hồn nghệ sĩ của Toby vì trước khi đăng lính anh là một chủ nhiệm phim ở hướng Hollywood, còn có kiểu nghệ sĩ nào mà anh chưa gặp gỡ, chưa tiếp xúc, thậm chí đã chứng kiến không ít những chàng trai say nghề như Temple đến rồi đi, song không chịu nản lòng, vẫn muốn thử vận may lần nữa, rồi lại thêm lần nữa... Anh nói lại với đại tá Beech về Toby, giọng hào hứng, yêu cầu ông xem có cách nào tạo cho Toby một cơ hội. Đại tá nghe, gật gù, hứa xem xét nhưng trong đầu đã lập tức gạt phăng. Với ông, lính, trước tiên phải là lính đã.
Đồng đội nhớ bố mẹ, nhớ vợ, nhớ người yêu...riêng Toby nhớ khán giả, nhớ đến quay quắt, tưởng đến không chịu nổi. Anh diễn trò ở mọi nơi mọi lúc, dù người xem chỉ là hai tay binh nhì cùng ca gác nơi xó rừng hoặc gã trông nom kho thực phẩm. Không sao hết, anh vẫn diễn hăng say như trước ngàn khán giả. Có lần, đại uý Winters đứng lẫn trong đám người xem, sau đó bảo riêng với Toby. “Tiếc là không giúp được anh, Temple. Tôi nghĩ anh có tài đấy. Chiến tranh kết thúc, nếu có dịp ghé ngang Hollywood, hãy nhớ đến tìm tôi”. Rồi như nhớ ra, anh cười, nói thêm “Tất nhiên, tôi phải còn sống và còn làm việc ở đó”.
Mấy hôm sau, đơn vị Toby được điều ra mặt trận.
Chiến tranh kết thúc, đọng lại trong ký ức Toby không phải là cảnh đổ nát hay chết chóc, cũng không phải những thành phố bị chiếm đóng hay giải phóng, mà đơn giản anh nhớ nhất chỉ là anh ở đâu, với ai và đã diễn trò gì. Anh nhớ ở Saint-Lo mình đã thành công rực rỡ thế nào trước đám đông tụ tập ở quảng trường khi bắt chước điệu bộ Bing Grossby. Tại Aachen, anh kể chuyện vui, làm nhiều điệu bộ lố bịch hàng mấy tiếng liền trước các thương bệnh binh, có người cười đến nỗi vết khâu bật cả chỉ ra. Còn tại Metz, người ta lao xuống hầm trú ẩn khi máy bay Đức ập đến, nhưng bắt cả Toby theo, và anh phải diễn dưới ánh đèn leo lét trong hầm. Còn ở Cherbourg trên đất Pháp mới hay; Toby cùng đám bạn đi chơi điếm, và trong khi bạn anh đã lên gác hành sự thì anh vẫn loay hoay diễn trò cho ba mẹ con bà chủ xem. Họ cười lăn lộn và kết quả anh được dành cho cô điếm đẹp nhất, khoé cả tay lẫn miệng nhất, mà lại không phải trả đồng nào.
Thế chiến thứ Hai với Toby là vậy đó. Anh ra khỏi nó khi vừa bước vào tuổi hai nhăm, nhưng vẻ ngoài chẳng thay đổi là bao, khuôn mặt vẫn nguyên vẻ ngây thơ dễ thương còn đôi mắt vẫn ánh màu xanh biếc ấy. Ai nấy đều hồi hương với bao hy vọng tràn trề, bao đợi chờ khắc khoải. Anh thì chẳng gì hết ngoài Tiếng Tăm.
Toby không ngần ngại chọn Hollywood. Đến bao giờ Chúa mới thực hiện lời hứa với anh? Mẹ đã chắc chắn rồi mà.
“Chúa khinh ghét những kẻ gây tội lỗi mà không biết sám hối. Chúa đã giận thì hệt như cây cung đã giương và mũi tên lửa nằm trên đó đang hướng vào con tim đen tối của các ngươi và đang sẵn sàng lao tới theo ý Chúa. Hãy ngước cầu xin Ngài trước khi quá muộn”.
Lời mục sư như những nhát búa nện thẳng vào đầu đứa bé sáu tuổi Josephine. Nó ngước lên, hoảng sợ như nhìn thấy mũi tên lửa đang vùn vụt lao tới, và bám chặt lấy tay mẹ. Không hề để ý tới con, bà Czinski đang phấn khích gào lên theo đám đông, “Lạy Chúa lòng lành!”. Mặt mũi bà đỏ bừng, mắt sáng quắc, long lanh.
Căn lều lớn ở bên ngoài Odessa là nơi thường diễn ra những buổi rao giảng của các mục sư thuộc đủ các loại đạo giáo, từ chính thống tới Do thái, Tân giáo, Tin lành...nhưng thảy đều giống nhau về ngày Phục sinh của Chúa và về kiếp đọa đầy nơi địa ngục với những kẻ tội lỗi mà không chịu sám hối, không chịu theo chính bỏ tà. Mẹ con nhà Czinski dự không sót buổi nào.
“Những kẻ tội đồ đáng thương kia, hãy quỳ và sợ hãi trước đấng Jehovah chí tôn chí thánh. Trái tim Người vỡ nát vì tội lỗi của các ngươi. Chỉ cần nhìn ánh mắt lũ trẻ trong căn lều này đã thấy biết bao là dục vọng tội lỗi”.
Josephine cúi đầu nhắm nghiền mắt lại, tưởng như mọi ánh mắt đều đang hướng về mình. Bây giờ thì nó biết, khi đau đầu chính là nó đang bị Chúa trừng phạt. Nó chăm chỉ cầu nguyện, để đầu không đau nữa, và nhất là để biết đã được Chúa tha thứ. Nó cũng cầu mong Chúa hãy cho biết nó đã phạm phải điều tồi tệ gì để đầu nó đau ghê gớm như vậy.
“Rượu và máu, thuốc thú là hơi thở và gian dâm là khoái lạc...cả ba thứ trên đều là sự hưởng thụ của loài quỷ dữ. Dính líu tới những thứ đó chính là các ngươi đã giao du với sa tăng, để rồi sẽ bị đày đoạ muôn đời nơi địa ngục”.
Josephine nép sát hơn vào mẹ, ghì chặt mình hơn xuống ghế. Cô bé sợ quỷ dữ bắt đi, sợ bị thả vào vạc dầu. Đám đông ngân nga.”Con muốn được tới Thiên đàng, nơi yên nghỉ con hằng mong ước”. Vậy mà Josephine đầu óc thế nào lại hát nhầm thành “Con muốn đến Thiên đàng trong chiếc váy đẹp của con”.
Một năm sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt, thị trấn không mấy tên tuổi Odessa bang Texas bỗng sực lên mùi vị mới. Thay cho mùi gió cát sa mạc ngự trị trước cả khi Odessa ra đời, nay là mùi dầu. Cái mùi cả loài người thèm khát.
Cái mùi này rất nhanh chia xã hội con người ra thành các giai tầng khác nhau. Odessa cũng không ngoại lệ, song ở đây đơn giản chỉ là hai loại: những người có dầu và những người còn lại. Mới nghe đã thấy sự xa cách lớn dường nào rồi. Những người còn lại thua kém những người có dầu về mọi mặt, từ tiền bạc, của cải, sự học hành đến địa vị xã hội...bù lại, họ nhận được vô vàn lòng thương hại ở lớp người mà họ thua kém.
Josephine Czinski còn quá nhỏ để không biết là mình thuộc về nhóm những người còn lại. Cô bé sung sướng vì luôn nhận được lời khen của người lớn khi họ nhìn vao gương mặt trái xoan xinh xắn, đôi mắt nâu thăm thẳm và mái tóc đen của cô.
Czinski rất khéo tay, giỏi nghề là khác. Và rất nhiều các bà các cô của tầng lớp những người có dầu vẫn thích váy áo của họ do bà may cắt chứ không phải do những tiệm may sang trọng, đắt tiền. Có thể đó là tín nhiệm song cũng có thể do thói quen từ những ngày họ chưa có dầu lửa. Khi đem trả váy áo, Czinski thường mang con gái theo và cô bé rất được ác bà vợ, cô con ông chủ tán thưởng bởi vì cô thật dễ coi và cũng thật dễ thương, và cũng bởi vì các bà vợ cũng như cô con ông chủ đều thích thiên hạ nghĩ về mình như một gương mặt dân chủ, bác ái, độ lượng. Họ cho phép Josephine, một cô gái gốc lai, nhà lại nghèo, được phép nô nghịch, được phép chơi chung đồ chơi, sử dụng chung đồ tập luyện với con cái họ. Vậy là bỗng dưng Josephine sống cuộc sống hai mặt, một là nghèo khổ và đơn điệu, một là xa hoa và phong phú. Nếu được phép ở qua đêm tại nhà Cissy Topping hay Lundy Ferguson, cô sẽ có riêng một phòng ngủ thênh thang, mùa hè mát rượi và mùa đông, tất nhiên, ấm áp. Bữa sáng của cô sẽ do người hầu mang tới tận giường. Nhưng ở những nơi đó, thường cô không ngủ được trọn giấc, bởi cô thích thức dậy lúc nửa đêm, khi tất cả đã say ngủ, và được một mình thơ thẩn xuống nhà, say sưa ngắm các đồ vật lộng lẫy bày biện ở đó, những bức tranh quý treo trên tường. Cô chạm tay vào chúng, vuốt ve chúng, thậm chí ôm vào lòng, tự nhủ rồi sẽ có ngày ngôi nhà và các đồ vật tương tự thế này sẽ thuộc về cô.
Nhưng với cả hai cuộc sống ấy, Josephine vẫn thấy cô đơn. Cô bé không dám tỏ bày với ai về những cơn đau đầu của mình. Mẹ thì đã sùng đạo tới mức cuồng tín, sẵn sàng và thậm chí vui mừng nhận sự trừng phạt của Chúa. Còn với bạn bè, kể cả giàu lẫn nghèo, cô đều sợ chúng chế giễu hoặc lảng tránh. Vì vậy cô càng thêm đau đầu, càng thêm khiếp sợ Chúa.
Năm Josephine bảy tuổi, một cửa hàng lớn của thị trấn bỗng tổ chức ra cuộc thi Bé gái xinh nhất Odesa, em nào tham dự thì được chụp ảnh tại cửa hàng, còn giải thưởng sẽ là chiếc cúp vàng có khắc tên thí sinh đoạt giải nhất. Hàng ngày Josephine đều lượn qua cửa hàng để ngắm nghía chiếc cúp bày trong tủ kính một cách thèm thuồng. Bà Czinski không cho con gái tham gia với lý do đó là trò chơi của quỷ dữ. Nhưng một bà chủ không có con gái lâu nay vẫn yêu quý Josephine đã đứng ra bảo trợ cho cô, và sau khi chụp ảnh, không hiểu sao cô cứ đinh ninh mình sẽ đoạt giải, tức là chiếc cúp đẹp đẽ kia sẽ thuộc về mình.
Nhưng rồi cúp vàng lại rơi vào tay Tina. Nó làm sao xinh xắn bằng Josephine, mọi người đều biết thế, và chính Josephine cũng biết thế; nhưng bố Tina là ông chủ dầu và cái nhất, ông lại nằm trong Ban giám đốc của chính cái cửa hàng tổ chức ra cuộc thi.
Chưa bao giờ Josephine lại đau đầu đến vậy.
Vài ngày sau, Tina mời Josephine đến nhà chơi cuối tuần. Cô bé ngồi lỳ trong phòng Tina ngắm nghía rất lâu chiếc cúp, và khi ra về, giấu béng nó trong túi quần áo mang theo.
Bị bà Czinski cho một trận đòn nhớ đời song Josephine không hề giận mẹ. Cô đã đạt nguyện vọng sở hữư chiếc cúp, dù chỉ trong vài ba chục phút.

Chương 6

Vào năm 1946, kinh kỳ điện ảnh thế giới có tên là HOLLYWOOD thuộc bang California, nước Mỹ. Nó không chỉ làm ra nhiều phim nhất, có nhiều bộ phim hay nhất mà còn như cái rốn của vũ trụ, hút vào mình đủ các loại người; có tài và không có tài, tham lam và độ lượng, cầu may và buông xuôi, những cô gái đẹp và không đẹp, lành mạnh và bệnh hoạn, tình dục khác giới và đồng giới...Nó là mảnh đất của sự đâm chồi nẩy lộc, song cũng thui chột không biết bao mầm xanh. Nó vừa là đất thánh vừa là nơi quỷ dữ hoành hành.
Temple hăm hở Hollywood như đến với mảnh đất Chúa dành sẵn cho mình, trong túi vỏn vẹn ba trăm đôla và biết, nếu không tận dụng mọi cơ hội có thể thì sẽ nhanh chóng trắng tay là cái chắc. Anh biết đây là nơi mà vẻ ngoài đôi khi dẫn người ta tới thành công nhanh hơn là thực lực nên nghiến răng mua vài bộ đồ nom cũng ra mẽ, mặc vào, rồi nhẩn nha tới một nhà hàng mà anh biết các diễn viên điện ảnh thường tụ tập dùng bữa tối ở đó. Qua cách bài trí, qua một vài gương mặt và không khí nơi đây, anh mường tượng ra khá nhiều điều thú vị. Một cô hầu bàn bước tới, nom thật khêu gợi với bộ ngực không áo lót đung đưa. “Tôi có thể mang tới cho anh thứ gì?” Cô ta hỏi. Anh không đáp mà đưa cả hai bàn tay ôm lấy đôi vú cô ta. Không la hét nhưng ánh mắt cô gái lộ vẻ bất bình. Toby nhìn cô ta bằng đôi mắt đờ đẫn, không hồn, nói bằng giọng ân hận. “Tôi mong cô tha thứ cho con người bất hạnh về thị giác”.
“Ô, tôi hiểu, không có gì. Anh không có lỗi gì đâu”. Cô dẫn Toby tới bàn, đỡ anh ngồi xuống ghế. Lúc mang đồ ăn tới cho anh, cô trợn mắt khi thấy anh đang ngắm các bức tranh treo trên tường. Anh tươi cười nhìn cô. “Ơn Chúa, mắt tôi tinh tường trở lại rồi”.
Anh nói với vẻ thực thà đến ngây ngô khiến cô không thể không cười. Cô còn được cười, cười mãi, khi nằm bên anh, suốt đêm, cười cả khi anh đưa cô lên đỉnh cao khoái lạc.
Toby tận dụng mọi cơ hội để được tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn, vì vậy, anh nhận làm mọi việc, không nề hà gì, miễn sao vừa có tiền sinh nhai lại vừa được gặp gỡ với các ngôi sao sân khấu, điện ảnh...Mỗi khi có dịp phục vụ họ, anh thường không quên tự thể hiện mình bằng những mẩu chuyện hài hước, những câu đùa hóm hỉnh và bằng cả vè mặt làm ra ngây ngô của mình. Vô ích. Họ nhoẻn cười đấy, nhưng chả ai thèm hỏi một câu rằng tại sao, rằng nhờ cái gì mà anh tài đến như vậy, cứ như là không hề biết anh đang phục vụ họ. Anh nhìn những người phụ nữ quyến rũ trong những bộ đồ khêu gợi đi lướt qua mà không thèm ngoái nhìn anh mà tự nhủ, sẽ có ngày họ quỳ dưới chân ta cầu xin ta ban cho họ tiếng cười, và cả lạc thú.
Toby cũng không quên tìm tới các đại lý diễn viên, dù đó là hãng hay chỉ là một cá nhân, để rồi biết chỉ công toi. Không ai nhận ra anh có tài năng tiềm ẩn, không ai thèm tiếp chuyện một kẻ vô danh tiểu tốt. Họ chỉ săn tìm những tên tuổi, những ngôi sao sẽ mang lại cho họ những con số phần trăm lợi nhuận béo bở.
Qua những cuộc tiếp xúc, cái tên Toby được nghe nhiều nhất là Clifton Lawrence, một đại lý sáng chói, một con mắt phát hiện tinh tường, một kẻ luôn gặt hái được những hợp đồng béo bở...Được, rồi sẽ đến ngày Clifton Lawrence là đại lý của ta...Anh cay cú nghĩ.
Anh đặt mua các tạp chí Daily Variety và Hollywood Reporter mà các diễn viên đều gối đầu giường. Mỗi khi đọc chúng, anh có cảm giác mình là người trong cuộc. Kịch bản Màu hổ phách còn mãi đã được hãng phim Century-Fox mua trong khi hãng Warner Brother giành được kịch bản Sống cùng cha. Ngôi sao Ava Gardner vừa ký hợp đồng đóng vai chính trong phim Ga váng...Những tin tức làm Toby bồn chồn, song một dòng tít thì đã khiến anh bật dậy. Chủ nhiệm phim Sam Winter đã nhận cương vị Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất của Hãng phim Pan -Pacific.

Chương 7

Dứt chiến, từ châu Âu trở về, Sam Winters thấy mọi việc ở hãng Pan-Pacific như không có gì thay đổi. Anh vẫn ngồi ở vị trí cũ, vẫn làm những công việc cũ. Song chỉ sáu tháng sau, một cuộc cải tổ lớn đã diễn ra. Và Sam đã trở thành một nhân vật quan trọng của Hãng, như báo chí đã đưa tin, dù anh không mưu mẹo và cũng chẳng mưu toan gì. Người ta thấy anh ham làm việc, và được việc, vậy thôi.
Nếu ví von một cách bóng bẩy, Hollywood khi thì từa tựa khoa tâm thần trong nhà thương điên, đầy những kẻ mắc chứng hoang tưởng tự huyễn hoặc mình, khi lại giống trại giáo dưỡng nhân phẩm nhốt giữ nước kẻ ăn cháo đá bát hoặc ăn tàn phá hại. Sam chấp nhận hết, miễn là họ có tài. Chỉ tốt không thôi, anh chẳng biết dùng họ làm gì cả.
Có tiếng gõ khẽ, rồi Lucille Elkins, thư ký của Sam mang vào một xấp giấy tờ, thư từ, và thông báo. “Clifton Lawrence muốn gặp ông, đang chờ ngoài kia!”. Lucille là một thư ký đầy năng lực và có lẽ ngoài thư ký không thể làm được nghề gì khác. Sam vốn thích Lawrence, gạt hết giấy tờ sang bên, đứng dậy.
“Mời ông ta vào, Lucille!”.
Ở Hollywood, Lawrence là một huyền thoại sống, vừa do tài năng vừa bởi tấm lòng. Tài năng của ông nằm ở sự phát hiện, đào tạo và phương pháp tạo ra danh tiếng còn tấm lòng thì biểu hiện lớn nhất là ở sự chân thành. Khách hàng của Lawrence đều là những tài năng lớn của nghệ thuật biểu diễn, hoặc chắc chắn sẽ trở thành như thế. Nhân viên văn phòng của ông ít đến mức không thể ít hơn, lại phải luôn sẵn sàng khăn gói lên đường phục vụ khách hàng biểu diễn; gần thì New York, Boston, xa thì London, Rome, Paris và nhiều thủ đô khác nữa. Lawrence giao du thân mật với hầu hết các bậc tai mắt của Hollywood, đặc biệt với những người phụ trách sản xuất của các Hãng phim lớn. Năm nào ông cũng thuê hẳn một con tàu biển và “tuyển” vài cô người mẫu - hoặc mơ làm người mẫu - rồi mời mấy vị đứng đầu các Hãng phim đó đi “câu cá” vài ngày. Ông còn có một nhà nghỉ sang trọng trên bãi biển Malibu luôn sẵn sàng cho bạn bè sử dụng. Ông và Hollywood, hai bên đều có lợi khi quan hệ tốt với nhau.
Lawrence bước vào, bộ đồ lớn sang trọng và vừa khít, bàn tay với những chiếc móng tỉa tót chìa ra, thân mật. “Tôi chỉ định ghé qua chào anh. Mọi việc vẫn ổn chứ?”.
“Đoạn đầu dài quá, đoạn kết vội vã quá”, Lawrence ý tứ, là “theo tôi, nếu bớt đầu và làm lại đuôi thì sẽ có một phim đáng xem”.
Sam hớn hở. “Thì chúng tôi đang làm vậy. Hôm nay ông mang tặng tôi ngôi sao nào vậy?”
“Rất tiếc, họ đều đang bận”. Sam biết Lawrence không “làm giá”. Khách hàng của ông chẳng bao giờ phải ngồi không. Lawrence nói tiếp. “Sam này, thứ sáu gặp nhé. Chào!”.
Tiếng Lucille vẳng ra từ đường liên lạc nội bộ, “Dallas Burke đang chờ”.
“Xin mời!”.
“Và Mel Foss cũng muốn gặp ngay, bảo là có chuyện cần gấp.” Đó là Giám đốc phim truyền hình của Hãng Pan –Pacific.
Sam liếc nhanh lịch công việc đặt trên bàn. “Nói Mel sáng mai, tám giờ, tại Plo Luonge”.
Chuông reo ở phòng thư ký, Lucille nhấc ống nghe. “Văn phòng Sam Winters”.
Một giọng lạ lẫm vang lên. “Xin chào. Con người khổng lồ ấy đang ở văn phòng chứ?”
“Xin lỗi, ai đầu dây?”
“Bảo Sam rằng có Toby Temple gọi. Chúng tôi là bạn từ thời lính tráng và Sam bảo nếu tới Hollywood hãy gọi máy cho Sam”.
“Thưa ông Temple, ông Winters đang tiếp khách. Tôi có thể bảo ông ấy gọi lại cho ông được không ạ?”.
“Tất nhiên!”. Toby đọc lên số máy và Lucille không thèm ghi lại. Cô lạ gì cái trò núp dưới danh nghĩa bạn bè thời lính tráng này.
Dallas Burke thuộc lớp đạo diễn tiền bối của điện ảnh Hollywood. Phim của ông hầu hết được chiếu ở các trường điện ảnh, được soạn thành giáo trình. Đó là những phim được công chúng và các nhà phê bình đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ và sự sáng tạo, trong đó, có tới gần chục bộ được xếp vào hàng kinh điển. Burke đã ngót tám mươi, thân hình vốn to béo nay như xọp đi mỗi ngày, gày gò, nhăn nheo.
“Vui mừng được gặp ông, Burke. Ông vẫn khoẻ?” Sam vồn vã.
“Rất vui được gặp anh bạn trẻ”. Burke nắm lấy bàn tay Sam chìa ra rồi hất hàm về người đi cùng ông. “Anh biết người đại lý của tôi chứ?”
“Tôi biết. Khoẻ không, Peter?”
Vừa ngồi xuống, Sam hỏi ngay ông già. “Nghe nói ông có kịch bản dành cho Hãng?”
“Câu chuyện này thì khỏi còn chỗ chê”, ông già khẳng định.
“Tôi rất muốn được nghe. Ông kể ngay đi”. Sam giục.
Burke nhô người về trước, giọng đầy phấn khích. “Tình yêu là một mặt của đời sống được con người quan tâm hơn cả. Bộ phim này nói về thứ tình cảm cao quý nhất: tình mẹ con. Bối cảnh mở đầu là Long Island, một cô gái mười chín tuổi giúp việc cho một gia đình khá giả. Ông chủ đã có vợ, cũng môn đăng hộ đối, nhưng chưa con cái gì, mà lỗi lại do vợ, anh hiểu không? Ông ta ưa cô giúp việc và cô ta cũng thích ông, dù tuổi tác chênh lệch khá nhiều...”
Hờ hững nghe, Sam băn khoăn thầm hỏi sao mà cứ thấy nó nhang nhác Phố vắng hay Theo dòng đời đến vậy? Giống hay khác, thực ra, đâu quan trọng gì, bởi đằng nào Sam chả phải mua cái kịch bản này. Tất nhiên, mua để đấy chứ đâu để dựng phim. Hàng chục năm nay, còn Hãng nào dám để Dallas Burke đạo diễn nữa. Mà chẳng thể trách họ. Bởi chính anh cũng không dám nữa là, dù rất quý, rất thông cảm với ông giá. Mấy phim cuối cùng của Burke quá cổ, quá tốn kém và thua lỗ nặng. Sự nghiệp điện ảnh của ông giá kể như chấm dứt chục năm nay rồi. Nhưng ông đâu đã chết, về mặt con người, nên Hollywood nói chung, các Hãng từng quan hệ với ông cùng bạn bè thân hữu nói riêng, vẫn phải chăm sóc ông, bởi ông chẳng dành dụm được chút tiền nong của nả nào cho mình. Nhưng Burke từ chối tất cả những gì cho không, thậm chí dành tặng. “Tôi thèm vào cái của bố thí nhục nhã ấy”, ông nổi khùng lên, “tôi đã từng là đạo diễn của Fairbanks, Barrymore, Sill, rồi Bill Farnum, các ngươi dám coi người khổng lồ này là kẻ ăn mày ư?”
“...Và đứa trẻ lớn lên, học hành, yêu đương mà không hề biết mặt mẹ mình”, ông già vẫn mải mê kể, “còn người mẹ thì không bỏ sót biến động nào trong đời con gái mình. Rồi cô con gái lấy chồng, một bác sĩ giàu có, và tất nhiên, sẽ là một đám cưới linh đình, anh hiểu chứ? Còn cái kết ư? Tuyệt, Sam! Người ta cấm bà mẹ vào dự đám cưới con gái khiến bà phải lẻn cửa sau như ăn trộm, chỉ để nhìn trộm cô dâu. Người xem sẽ không thể cầm nổi nước mắt, Sam. Anh tin vậy chứ?”
Thì ra nó không như Phố vắng hoặc Theo dòng đời mà anh tưởng, nhưng nó lại giống cái gì thì anh cũng đã biết. Peter ngồi bên ông già, bối rối lảng tránh cái nhìn của Sam.
“Mới nghe đã muốn khóc rồi”, Sam nói, “đúng là loại phim mà Hãng đang muốn thực hiện. “Peter, anh hãy gọi cho Phòng sản xuất và thoả thuận ký hợp đồng luôn”. Peter gật vội đầu.
Dallas Burke nói thêm. “Bảo họ là phải trả cho xứng đáng, nếu không tôi sẽ bán cho Warner Brothers”. Ông quay sang Sam. “Tôi kể anh nghe đầu tiên vì quý mến anh nhất, anh hiểu không?”
“Tôi hiểu, và rất trân trọng”.
Anh mở cửa, tiễn họ ra, và bỗng buồn. Thực tế là anh không được tuỳ tiện dùng tiền của Hãng để làm từ thiện như vậy. Nhưng biết làm sao được. Không có Dallas Burke và những người như ông thì đã không có Hollywood, và có thể, không có cả điện ảnh nữa.
Sáng hôm sau, dừng xe trước Beverly Hills, đúng tám giờ, Sam bước vào Polo Lounge như đã hẹn với Mel Foss. Anh ta đã giữ được chiếc bàn ở góc cuối, cạnh chỗ cửa sổ mà họ quen ngồi. Đi ngang qua phòng, Sam liên tục phải chào hỏi, bắt tay bạn bè, người quen biết, và cả các đối thủ cạnh tranh của các Hãng khác. Một thông tin không chính thức nhưng khá chính xác nói rằng số hợp đồng được ký trong phòng ăn này vào cả ba bữa sáng, trưa, và tối còn nhiều hơn ở văn phòng cả ba hãng cộng lại. Mel Foss đứng dậy khi Sam bước tới.
“Vui vì được gặp anh, Sam”.
Họ bắt tay rồi cùng ngồi xuống, đối diện nhau. Gần một năm trước, Sam nhận Mel về trông nom Xưởng phim truyền hình của Hãng Pa-Pacific. Đó là một đứa bé mới sinh ra trong ngành thông tin giải trí, song nó lớn đến chóng mặt, khiến những Hãng phim thoạt đầu coi thường nhưng đã sớm nhận ra sai lầm của mình và lập tức xông vào.
“Cho nghe những điều tốt đẹp, Mel?” Sam nói ngay.
“Sợ không như anh hy vọng, Sam. Chúng ta có rắc rối đấy.” Mel cũng chẳng cần vòng vo. “Họ không chịu phát sóng Những kẻ trấn lột”.
“Họ không biết đó là phim đang ăn khách ư? Dễ gì mà có được nó. Để tôi bảo họ”. Sam không ngạc nhiên như Mel tưởng.
“Vấn đề là ở Jack Nolan chứ không ở phim!”. Mel giải thích. Nolan là vai nam chính của phim và ngay từ ngày đầu công chiếu đã được người xem cùng giới phê bình khen ngợi.
“Anh ta đã làm chuyện gì?” Sam nôn nóng. Cái bọn nghệ sĩ, hễ có tiếng là có chuyện ngay”.
“Anh đọc tờ Peek tuần này chưa?”
“Tôi chẳng đọc tuần nào cả, toàn những chuyện ngồi lê đôi mách. Sao, nó cho Nolan lên thớt à?”
“Thằng lại cái đã đánh cả bộ váy đăng tên đi dự tiệc, và bị chụp ảnh, rồi bị đưa lên Peek”.
“Dư luận phản ứng sao?” Sam hỏi như thói quen chứ anh lạ gì cái phản ứng này.
“Hết nổi. Chẳng ai còn muốn dính tới cái thằng đồng tính không khảo mà xưng ấy, kể cả những phim có mặt hắn, dù là tuyệt tác đi nữa”.
Lại cái, đồng cô đúng hơn là đồng tính. Sam nhận định, chứ không phải bênh gì Nolan. Những kẻ trấn lột bị tẩy chay thực sự là một đòn chí tử đối với anh.
Nếu như anh cứu được nó?
Lucille đón anh ở cửa văn phòng, tay chìa ra tờ điện tín, lại còn nói thêm. “Nhiều người đợi ông. Nhiều việc gấp”.
Sam xua tay. “Để lại hết. Cho tôi gặp William Bill Hunt đã”.
Giây lát sau Sam đã trò chuyện với giám đốc Hãng truyền hình IBC. Họ quen nhau từ vài năm trước, hoàn toàn tình cờ, và cứ cho bởi cảm tính, Sam thấy quý ngay người bạn tình cờ ấy. Hunt xuất thân là một luật sư cố vấn để bây giờ là người nắm quyền cao nhất Hãng truyền hình IBC. Họ ít liên hệ chuyện làm ăn vì Sam không dính dáng nhiều đến truyền hình, để lúc này anh mới thấy tiếc. Biết là Sam gọi, Hunt không giấu vẻ mừng rỡ. “Lâu rồi nhỉ, Sam. Anh gọi thật hay quá”.
“Lâu thật rồi, Bill. Ta rủi ro lao vào cái nghiệp này, chẳng mấy khi được rảnh rỗi chuyện trò với người mình ưa thích”.
“Biết vậy, nhưng đã là nghiệp rồi, bỏ sao nổi”. Hunt thực lòng.
Sam làm như tình cờ. “Này, ngó qua bài báo đơm đặt trên tờ Peek chưa?”
Sam nhẹ nhàng. “Chẳng cần trả lời anh cũng biết là tôi đã đọc nên mới ngưng vụ Những kẻ trấn lột lại. Bỏ nó đi”. Hunt nói bằng giọng không thể bàn cãi.
“Bill, anh nghĩ sao nếu tôi khẳng định Nolan bị gài bẫy?”
“Tôi sẽ nghĩ anh đang nhân vụ đó viết một kịch bản phim. Tôi xin mua liền”. Hunt cười to.
“Tôi biết chắc”, Sam vẫn giữ vẻ nghiêm nghị, “bởi tôi hiểu Nolan. Không bệnh hoạn gì đâu, bình thường như tôi và anh vậy. Đó là bức ảnh chụp tại vũ hội hoá trang. Nolan mặc váy nhân ngày sinh nhật cô bồ để cô ta cười vui”. Vừa nói dối Sam vừa tự mắng mình. “Tôi tin Nolan, và vẫn quyết định dành vai chính trong phim cao bồi Laredo cho anh ấy”.
Nghe rõ tiếng thở mạnh bên kia đầu dây. “Không đùa chứ? Anh biết là giữa chúng ta chưa bao giờ phải thủ đoạn với nhau, Sam”.
“Tôi dám đùa với một bộ phim tiêu tốn vào triệu đôla ư? Nếu thực sự Nolan đồng tính luyến ái anh ta có còn dám nhận, tôi có còn dám mời, và bộ phim có còn khán giả nào xem không?”
Hunt lộ rõ vẻ lưỡng lự. “Vậy thì...”
“Bill này, chúng ta sẽ không để một tờ chuyên đăng chuyện bậy bạ như Peek làm tan vỡ sự nghiệp của một diễn viên tài năng chứ. Riêng anh có thích Những kẻ trấn lột không?”
“Phim hay. Tôi rất thích. Nhưng còn các nhà tài trợ...”
“IBC là của anh cơ mà, và tôi đoán số lượng nhà tài trợ cho nó còn nhiều hơn cả số giờ phát sóng của nó nữa. Chúng tôi đã giới thiệu với anh một series phim ăn khách, đừng dại dột bỏ qua cơ hội này. Mà Mel Foss đã khoe anh về kế hoạch làm tiếp phần hai phim Những kẻ trấn lột của Hãng chưa nhỉ?”
“Chưa. Mà vẫn với Nolan vai chính hả?”
“Tất nhiên. Còn Mel chưa nói, theo tôi, là muốn dành cho anh một bất ngờ. Bởi vẫn nói Nolan, song còn thêm nhiều cái tuyệt vời nữa, so với phần một. Nếu Những kẻ trấn lột không đứng vị trí số một của năm nay thì có lẽ tôi đã làm sai nghề”.
Im lặng giây lâu, ròi Hunt nói. “Bảo Mel gọi cho tôi. Có lẽ cũng cần xem xét lại tờ Peek”.
“Chắc chắn Mel sẽ gọi cho anh”. Sam khẳng định, rồi thêm. “Tuần tới hai ta ăn trưa nhé?”
“Rất vui. Đầu tuần tôi sẽ gọi lại cho anh. Chào!”.
“Chào!”. Họ cùng gác máy.
Sam buông mình xuống ghế, rã rời. Gã Nolan chết tiệt lắm trò ma mãnh quá. Vậy mà cái bọn dở điên dở khùng đó lại hầu như nắm giữ tương lai, sự nghiệp của anh. Thì ai bảo anh đã chọn cái nghề quản lý đám điên khùng đó. Mà giờ có cho tiền anh cũng dám chắc sẽ bỏ nó không. đã gọi là nghiệp rồi mà...Anh uể oải nhấc máy gọi cho Mel. “Những kẻ trấn lột vẫn được phát sóng”, rồi bỏ mặc tiếng kêu kinh ngạc của Mel mà không giải thích, nói tiếp. “Hãy gọi ngay cho Nolan, bảo hắn nếu còn tái diễn những trò tương tự , tôi sẽ đích thân lôi hắn ra khỏi Hollywood, áp tải đến tận Fire Island quê hắn. Bảo hắn rằng, chính tôi nói, nếu thèm mút miếc cái gì đó thì hãy kiếm lấy quả chuối, càng xanh càng tốt”.
Đặt máy xuống anh mới nhớ là chưa nói Mel biết câu chuyện anh bịa ra với Bill Hunt về bộ phim mang cái tựa là Larendo. Vừa định nhấc máy gọi lại Mel thì cánh cửa bật mở, gương mặt thất sắc của Lucille thò vào, giọng hốt hoảng. “Ông hãy đến trường quay số 10. Ai đó đã đốt cháy nó”.

Chương 8

Toby Temple gọi cho Sam Winters vài bận nữa song không lần nào vượt qua được cô thư ký cáo già Lucille nên đành chịu thua. Anh còn tự tiếp thị ở vài câu lạc bộ, ở cả hãng phim song đều thất bại. Và anh phải làm đủ việc, chỉ để kiếm miếng ăn, trả tiền chỗ ngủ. Đủ việc, đúng, nhưng không việc nào dính dáng đến việc làm phim.
“Anh đang tiến hành việc đó theo chiều ngược”, một hôm có người bạn bảo, “hãy tìm cách bắt họ phải tìm đến anh”.
“Song bằng cách nào?” Toby ngán ngẩm hỏi lại. “Tự vác mặt đi còn chẳng ăn thua nữa là...”
“ Đã thử với Actors West chưa?”
“Trường đào tạo diễn viên sân khấu?”
“ Hơn thế. Họ còn diễn kịch, và luôn được các Hãng phim quan tâm đến”.
Vừa đặt chân vào Actors West anh đã cảm nhận ngay được mùi vị sân khấu của nó. Bốn bức tường treo đầy ảnh những người đã tốt nghiệp ở đây, và Toby nhận ra rất nhiều người trong số họ đã và đang là những ngôi sao của nghệ thuật biểu diễn.
Cô tiếp tân với cái nhìn xét nét, hất đầu. “Tôi giúp gì được anh không?”
“Chắc là được. Tôi là Toby Temple, muốn ghi tên nhập học”.
“Anh đã hoạt động sân khấu ở đâu, và bao năm rồi?”
“Chưa...nhưng tôi...” Toby giận mình bỗng thực thà vào đúng lúc cần giảo hoạt nhất. Cô tiếp tân lắc đầu. “Tôi rất hiểu, song bà Tanner không nhận kèm cặp từ đầu, mà chỉ nhận...”
Toby bỗng trợn mắt ngắt lời. “Cô đừng đùa nữa. Thời gian của tôi rất ít”. Cô gái lúng túng. “Tôi đâu dám đùa chuyện này. Bà ấy chỉ nhận những ai đã qua nghề diễn”.
“Không, ý tôi là cô thực sự không nhận ra tôi ư?” Toby vuốt đám tóc loà xoà xuống mặt. Cô gái nhìn anh rồi quầy quậy lắc. “Tôi nói thực là không nhận ra”.
Toby làm bộ ngán ngẩm. “thì ra họ nói đúng. Anh có diễn ở sân khấu, dù nổi tiếng nhất thế giới đi nữa, nhưng ở ngoài nước Mỹ, thì Hollywood vẫn thậm chí không thèm biết anh là ai. Tôi xin lỗi, lúc nãy chỉ muốn đùa vui tý chút vì cứ nghĩ là cô đã biết tôi”.
Cô gái giấu vẻ bối rối. “Nghĩa là anh có nghề diễn?”
“ Tất nhiên, thưa cô”.
Tờ khai nhập học xuất hiện trên tay cô gái như có phép lạ. “Đó là những vai gì, và ở đâu?”
“ Hai năm rồi tôi chỉ biểu diễn ở Nhà hát kịch bên nước Anh”.
“ Tôi hiểu. Anh chờ tôi vào gặp bà Tanner”. Rồi cô khuất vào cánh cửa phía sau lưng. Khi quay ra, cô nói. “Mời anh vào. Chúc anh thành công”.
Alice Tanner nom đã vào khoảng giữa của tuổi bốn mươi song vẫn đầy hấp dẫn, từ gương mặt đến bộ ngực, vòng eo, lại còn dáng dấp quý phái nữa. Toby bỗng thấy hào hứng hẳn lên. Anh cười giả lả, tự giới thiệu. “Tôi là Toby Temple. Và tôi muốn...”
“...xin vào trường này?”. Bà Tanner nói chen vào rồi rời bàn làm việc, đi về phía anh. Toby may mà không tỏ vẻ sửng sốt khi thấy bà bước đi tập tễnh, tuy thuần thục, bởi một chân bị bó trong nẹp sắt. Bại liệt đã lâu. Anh thoáng nghĩ. “Tại sao anh lại chọn trường này?” Bà hỏi tiếp.
Toby làm ra vẻ thật thà. “Bởi tôi được nghe quá nhiều người nổi tiếng nói về nơi đây, thưa bà Tanner. Dám cá là bà không biết tiếng tăm của nó lớn tới mức nào đâu”.
Anh chịu đựng cái nhìn xét nét của bà trước khi nghe bà nói. “Chính vì biết nên tôi phải cẩn trọng để khỏi bị bọn dẻo mỏ lừa bịp”.
Toby không ngờ bị phang thẳng cánh như vậy song vẫn cố giữ vẻ mặt không đổi, nói với giọng thông cảm. “Vâng, cẩn thận vẫn là hơn. Chắc là cái bọn dẻo mỏ đó tìm mọi cách để lọt vào học ở đây?”
“ Tất nhiên!” Bà thản nhiên đáp, rồi hỏi. “Anh vừa tự giới thiệu là Toby Temple?”
Anh vội vã. “Chắc chắn bà chưa nghe tên tôi, bởi...”
Bà ngắt lời ngay. “...mấy năm rồi anh biểu diễn ở nhà hát kich của Anh?” Bà ung dung chờ cái gật đầu của anh, rồi nói. “Thưa ông Temple, người Mỹ không được tuyển vào Nhà hát kịch Anh. Nghiệp đoàn diễn viên Anh không chấp nhận việc đó”. Ngực Toby thắt lại, nhất là khi nghe bà nói thêm. “Nếu ông hiểu biết thêm chút nữa, chúng ta đã không tốn thì giờ, ở đây chúng tôi có thể nhận những người đã có nghề diễn, và có tài diễn”. Nói xong, bà quay lại bàn làm việc, một lời chào cũng không.
“Dừng lại!” Toby rít giọng.
Bà quay đầu lại, vẻ kinh ngạc. Toby cũng không biết mình đã, đang và sắp làm gì nữa, nhưng anh biết chắc, lúc này hoặc không còn lúc nào khác, là cơ hội duy nhất, để thực hiện giấc mơ của mẹ, của anh. Người đàn bà này không thể là vật ngáng đường anh được.
“Chỉ bọn kém cỏi mới dựa vào các nội quy để bảo rằng mình có tài. Đúng là tôi chưa qua nghề diễn, nhưng cũng chỉ vì những quy định và những con người như bà đã không cho tôi cơ hội nào, nhỏ nhất cũng không. Bà hiểu chứ?” Đó là giọng nói và cách biểu cảm của ngôi sao đang ăn khách Baker. Tanner, theo thói quen, lại định ngắt lời, song Toby đã không cho bà cơ hội. Anh biến thành mọi ngôi sao sân khấu, và cả điện ảnh, liên tục và gần như bất tận. Đây là Jimmy Cagney mong bà thấu hiểu mơ ước của Toby để cho anh ta một hy vọng; đây là Clark Gable hùng hồn bảo đang rất sốt ruột chờ đóng cặp với anh chàng này; rồi James Steward cũng bảo vậy; rồi Cary Grant khằng định chàng ta có tài...Trong cơn tuyệt vọng, mọi lời lẽ của các ngôi sao ào ạt tuôn ra từ miệng Toby, mỗi lúc ngộ nghĩnh tức cười hơn, song mỗi lúc càng hay hơn, cuốn hút hơn, tất nhiên. Anh lồng lộn quanh phòng, người đầm mồ hôi, không bỏ sót bất cứ giọng nói, điệu bộ nào của các diễn viên đã khiến họ trở thành những ngôi sao.
“Đủ rồi! Toby, tôi bảo đủ rồi. Thôi đi!”
Chỉ đến khi nghe Tanner hét lên Toby mới nghe thấy và dừng lại. Bà đang hổn hển, giàn giụa nước mắt vì cười. “Anh ...anh điên thật rồi”.
Toby tỉnh dần lại, cảm giác lâng lâng xâm chiếm anh. Niềm hy vọng như nâng anh lên, bay lượn. “Tôi mong bà hài lòng?”
Tanner lau nước mắt, vẫn chưa hết cười, lắc lắc đầu. “Không thấy thích lắm”.
Toby nổi giận. Thì ra bà ta cười mình làm trò vô duyên chứ đâu phải cười vui vì cái trò của mình. “Vậy sao bà có thể cười được như thế?”
Bà vẫn cười, nhưng là nụ cười gần gũi và hiểu biết. “Đây là buổi diễn độc đáo nhất mà tôi được xem. Và tôi cảm được cái tài của anh. Anh không cần phải bắt chước ai cả. Anh có cái hài hước trời cho. Hãy cứ là anh thôi. Và sẽ nhiều người phải bắt chước anh đấy”. Toby kính cẩn nghe bà nói tiếp. “Tôi tin một ngày nào đó anh sẽ ngang hàng với những ngôi sao mà hôm nay anh phải làm giống họ, nhưng phải biết nghe, biết học. Anh đồng ý không?”
“Vâng, tôi muốn được nghe ngay, học ngay bây giờ”. Toby nói.
Bà Czinski nhìn theo Josephine ngồi lẫn với đám con gái các ông chủ trong chiếc ôtô sang trọng lướt xa dần. Không nên để nó chơi bời với đám ấy, bà nghĩ, bởi chúng là sự dụ dỗ của quỷ dữ.


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/