19/3/13

Phía bên kia nửa đêm (C4-5)

Chương 4



CATHERINEChicago 1939-1940


Những cơn gió chiến tranh mạnh dần lên, thổi qua khắp lục địa châu Âu, song đến khi tới được bờ biển nước Mỹ thì chúng chỉ còn là những cơn gió nhẹ hiu hiu mà thôi.
Ở trường đại học Northewestern lại có thêm vài nam sinh viên gia nhập ROTC1, có những cuộc mít tinh của sinh viên kiến nghị Tổng thống Roosevelt tuyên chiến với Đức và có một số sinh viên lớp lớn ghi tên vào các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên nói chung không khí vẫn êm lặng như cũ và đợt sóng ngầm sắp lan nhanh khắp đất nước cũng bắt đầu được người ta cảm nhận.
Catherine Alexander bước tới chỗ làm thủ quỹ ở quán Roost, nàng thầm hỏi không biết nếu chiến tranh tới thì sẽ mang lại những thay đổi gì trong đời nàng. Nàng hiểu rằng nàng cần phải có một thay đổi và nàng quyết tâm thực hiện càng sớm càng tốt. Nàng háo hức muốn biết cái cảm giác khi một gã đàn ông ôm nàng trong vòng tay và làm tình với nàng ra sao, nàng hiểu rằng nàng muốn biết điều đó một phần là vì những nhu cầu thể xác ở nàng, nhưng còn là vì nàng cảm thấy nàng đang mất đi một kinh nghiệm quan trọng và tuyệt diệu. Lạy Chúa, nếu nàng bị một chiếc xe hơi cán chết, sau đó người ta tiến hành mổ xác nàng và phát hiện ra nàng còn trinh nguyên thì sẽ ra sao nhỉ? Không, nàng phải làm một việc gì đó. Ngay lúc này.
Catherine thận trọng đảo mắt quanh quán Roost, song nàng không thấy bộ mặt nàng cần tìm. Khi Ron Peterson bước vào cùng với Jean Anna một giờ sau đó, Catherine cảm thấy người nàng rạo rực, tim nàng đập thình thịch. Nàng quay nhìn chỗ khác khi họ đi qua chỗ nàng. Nàng không nhìn cũng biết là hai người đang đi vào chỗ góc riêng của Ron và đang ngồi xuống. Có nhiều dải băng treo quanh phòng với dòng chữ: "Hãy nếm thứ món thịt bằm viên đặc biệt"… "Hãy nếm món bia mạch nha của chúng tôi"…
Catherine hít một hơi thật sâu rồi đi tới ngăn ngồi đó.
Ron Peterson đang xem xét tờ thực đơn và đang quyết định.
- Anh không biết nên ăn gì? - Hắn nói.
- Anh có đói không? - Jean Anna hỏi.
- Đói quá đi chứ.
- Vậy thì thử ăn món này!
Cả hai đều ngạc nhiên ngẩng lên. Catherine đang đứng đó. Nàng trao cho Ron Peterson một tờ giấy gập tư, sau đó quay trở về bàn thủ quỹ.
- Ron mở tờ giấy ra, nhìn rồi phá lên cười. Jean Anna nhìn y lạnh lùng.
- Chuyện riêng, hay có thể cho người khác biết được?
- Chuyện riêng mà - Ron nham nhở, rồi nhét mẩu giấy vào trong túi.
Ron và Jean Anna ra về ngay sau đó. Ron không nói gì khi y trả tiền hoá đơn, nhưng y đã nhìn nàng rất lâu, đầy ý nghĩa, rồi mỉm cười và khoác tay Jean Anna ra đi.
Catherine nhìn theo họ, cảm thấy mình đã hành động ngu ngốc. Nàng đã không biết tìm ra cách gì để đến được với y một cách thành công.
Khi hết ca làm việc, Catherine mặc áo khoác chào tạm biệt cô gái đến làm nhiệm vụ thay cho nàng và đi ra khỏi quán ăn. Đó là một buổi tối mùa thu ấm có đợt gió mát thổi từ phía hồ Michigan tới. Bầu trời đêm như tấm màn nhung tím thẫm với những vì sao mờ xa tít không còn nhận ra được. Thật là một buổi tối tuyệt duyệt để… làm gì nhỉ? Catherine nhẩm thầm trong óc.
Mình có thể về nhà gội đầu.
Mình có thể tới thư viện, ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Latin ngày mai.
Mình có thể rúc vào một bụi cây, làm tình với gã thủy thủ đầu tiên nào đi qua chỗ đó.
Mình có thể tự vẫn.
Tự vẫn, nàng quyết định như vậy.
Khi nàng bắt đầu đi dọc tường về phía thư viện, có một bóng người từ sau một cột đèn bước ra.
- Chào Cathy, cô cắm cúi đi đâu vậy?
Chính là Ron Peterson, y mỉm cười với nàng, tim Catherine đập thình thịch tưởng như bật khỏi lồng ngực.
Nàng cảm nhận thấy điều đó. Nàng cũng biết rõ là Ron đang nhìn nàng chằm chằm. Liệu y có biết được rằng bao nhiêu cô gái có được sự hồi hộp như vậy không? Nàng rất muốn chải lại mớ tóc, trang điểm lại đôi chút, xem lại đường nối của tất, nàng cố giấu không để cho người khác thấy là nàng đang thảng thốt. Nguyên tắc đầu tiên là phải giữ bình tĩnh.
- Đâu có -Nàng nói lúng búng.
- Cô đang đi đâu vậy?
Nàng có nên kể ra những dự định của nàng không?
Không nên? Y sẽ tưởng là nàng loạn óc. Đây là cơ hội lớn cho nên nàng không được có hành động ngớ ngẩn gì để nó tuột qua. Nàng ngẩng lên nhìn y, đôi mắt nàng đầy tình cảm nồng nàn, mời mọc như mắt của Carole Lombard trong chuyện "Chẳng có gì là thiêng liêng cả".
- Tôi không có dự định gì đặc biệt - Nàng nói, vẻ dụ dỗ.
Ron ngắm nhìn, vẫn chưa xác định rõ tính cách nàng thế nào. Bản năng đã khiến y phải thận trọng.
- Cô có thích làm việc gì đó đặc biệt không? - Y hỏi.
Lời đề nghị đây rồi. Sự việc cứ thế tiếp diễn thôi.
- Anh nói đi, em là của anh mà - Nàng nói xong rúm ró cả người. Nghe ra tầm thường quá. Không ai nói: "Anh nói đi, em là của anh mà", trừ những lời trong các tiểu thuyết xoàng của Fannie Hurst. Anh ta sắp quay gót, bỏ đi với vẻ khinh bỉ.
Nhưng y không đi. Thật là lạ, y mỉm cười, nắm lấy tay cô, bảo:
- Ta đi nào.
Catherine choáng váng bước theo y. Đơn giản có vậy thôi ư? Nàng bắt đầu run bắn người. Nếu y phát hiện ra rằng nàng còn trinh, nàng sẽ coi như là hết. Khi ở trên giường với y, nàng sẽ phải nói những gì? Khi làm chuyện đó người ta có nói chuyện hay đợi đến lúc kết thúc đã?
Nàng không muốn tỏ ra thô lỗ, song nàng không biết cần có những nguyên tắc gì.
- Cô đã ăn tối chưa? - Ron hỏi.
- Ăn tối? - Nàng nhìn y, băn khoăn tự hỏi, nàng có cần ăn tối không? Nếu nàng trả lời nàng ăn rồi, y sẽ kéo nàng lên giường và thế là xong.
- Chưa - Nàng đáp nhanh - Em chưa ăn.
Tại sao mình lại nói như vậy nhỉ? Mình đã làm hỏng mọi chuyện.
Song Ron không tỏ ra thất vọng.
- Thế hả? Cô có thích món ăn Tàu không?
- Em thích lắm! - Nàng ghét những món ăn đó, song có lẽ các thiên thần cũng sẵn sàng tha thứ cho lời nói dối không quan trọng này trong một đêm hạnh phúc nhất của đời nàng.
- Có một tiệm ăn Tàu rất ngon ở phố Estes. Tiệm Lung Fong. Cô có biết không?
Không, nhưng cái tên đó nàng sẽ còn nhớ mãi mãi; chừng nào nàng còn sống trên đời. Trong đêm cô thất thân, cô đã làm những gì? A, trước hết tôi đến tiệm ăn Lung Fong, ăn cơm Tàu với Ron Peterson. Ngon không, Ngon chứ. Bạn thừa biết món ăn Tàu ra sao rồi. Một giờ sau tôi lại thấy rạo rực tình ái.
Họ đi ra xe của y, chiếc xe mui trần Reo màu nâu đỏ. Ron mở cửa xe cho Cathenrine, và nàng ngồi vào cái chỗ mà tất cả những đứa con gái khác - nàng đã từng ghen tị - đã có lần ngồi vào đó. Ron là một lực sĩ đẹp trai, hấp dẫn và thuộc loại có hạng, đồng thời cũng là một tên háo sắc. Đặt tên cho một bộ phim nghe kêu đấy chứ. Tên háo sắc và cô gái đồng trinh. Đáng ra nàng nàng nên yêu cầu một nhà hàng sang trọng hơn như Henrici ở đường Loop, có lẽ Ron đã cho rằng đây chính là loại con gái mình muốn đưa về giới thiệu với mẹ mình.
- Anh xin cược tiền để được biết em nghĩ gì? - Y bảo.
Chà tuyệt thật! Cũng được, anh ta không phải là người chuyện trò thông minh nhất trên đời. Nhưng đó không phải là lý do để nàng có mặt ở đây, phải không? Nàng ngẩng lên nhìn y, dịu dàng:
- Em đang nghĩ về anh - Nàng díu người vào y.
Y cười rúc rích:
- Em làm anh phát điên lên được, Cathy ạ.
- Em ư?
- Anh vẫn tưởng em là người kín đáo, tưởng em là người không biết hám đàn ông.
Cái từ mà anh định tìm là "Kẻ đồng dục nữ", Catherine nghĩ thầm, sau đó nàng nói to:
- Em phải chọn đúng nơi, đúng chỗ.
- Anh mừng là em đã chọn anh.
- Em cũng vậy.
Quả đúng như thế. Nàng tin rằng Ron là một người tình chung thủy. Anh ta từng có thời đi học nghề và được mọi cô nữ sinh trong vòng bán kính một trăm năm mươi dặm hâm mộ. Quan hệ trai gái đầu tiên của nàng với một kẻ cũng ngu dốt như nàng thì thật là điều đáng nhục nhã. Với Ron, nàng sẽ trở thành kẻ lọc lõi. Sau đêm nay, nàng sẽ không tự mệnh danh mình là nữ thánh Catherine nữa. Thay vì, nàng sẽ nổi tiếng là "Catherine vĩ đại". Và lần này nàng mới hiểu hết ý nghĩa của chữ "vĩ đại". Tất cả những điều nàng được biết trong những quyển sách nhỏ màu xanh mà nàng vẫn đọc lén giấu cha mẹ nàng, những chuyện đó sắp xảy ra. Cơ thể nàng sắp như chiếc đàn đầy tiếng nhạc tinh tế.
- Sao thế?
Nàng quay lại nhìn Ron hoảng hốt, sau đó nàng nhận ra nàng vừa kêu to, nàng chối:
- Em có nói gì đâu.
- Em vừa kêu tiếng gì kỳ lắm.
- Thế hả? - Nàng rặn ra một tiếng cười.
- Em cứ như ở tận đầu tận đâu.
Nàng phân tích và nhận ra tình hình không hay rồi. Nàng phải hành động sao cho giống như Jean Anne.
Catherine đặt cánh tay lên cánh tay y và áp chặt vào.
- Em ở đây mà - Nàng nói.
Nàng cố tạo ra giọng nói trong cổ họng giống như Jean Arthur trong phim "Jean tai hoạ".
Ron cúi xuống nhìn nàng, phân vân, song y chỉ nhận thấy trên nét mặt nàng một sự nồng nàn háo hức.
Tiệm Lung Fong là một tiệm ăn Trung Hoa hạng xoàng, trông ảm đạm nằm dưới cầu nâng. Trong suốt bữa ăn, họ nghe thấy những tiếng đoàn tàu chạy qua trên đầu, làm cho đĩa chén kêu lách cách. Tiệm ăn này cũng như hàng ngàn tiệm ăn Tàu trên khắp nước Mỹ, song Catherine chăm chú để ý mọi chi tiết của cái ngăn buồng họ đang ngồi, nàng cố ghi nhớ tờ giấy dán tường rẻ tiền, có viết lỗ chỗ, bộ đồ sứ uống chè sứt sẹo và những vết hoen ố nước chấm trên chiếc khăn trải bàn.
Một người bồi Trung Hoa nhỏ bé tiến tới bàn để hỏi xem họ có uống gì không. Catherine đã từng nếm Whisky vài ba lần trong đời và nàng rất ghét. Đó là vào những dịp đêm giao thừa, ngày Quốc khánh mùng bốn tháng bảy, và ngày nàng trưởng thành. Đây là một dịp đáng ghi nhớ.
- Em sẽ uống một ly theo cổ truyền có một trái anh đào trong đó - Phải, trái anh đào! Như vậy là đã tiết lộ ra rồi.
- Scotch với soda - Ron bảo người bồi.
Người bồi cúi người chào rồi đi ra. Catherine tự hỏi không biết có phải những người phụ nữ phương đông sinh ra đã vốn có dáng người nghiêng nghiêng rồi không.
- Tại sao trước đây chúng ta không kết bạn với nhau nhỉ? - Ron hỏi - Ai cũng bảo cô là người thông minh nhất trong cái trường đại học khốn kiếp này.
Anh thừa hiểu mọi người hay phóng đại.
Mà cô cũng xinh ra phết.
- Cảm ơn - Nàng cố uốn giọng mình giống giọng Catherine Hepburn trong phim "Alice Adams" và nhìn thẳng vào mắt y với đầy ý nghĩa. Nàng không còn là Catherine Alexander nữa. Nàng sắp sửa như "West, Marlene Dietrich và Cleopatra". Dưới người đàn ông, họ cùng một bầy cả!
Người bồi mang đồ uống vào và nàng làm một hơi.
Ron nhìn nàng, ngạc nhiên.
- Chầm chậm vào - y nhắc nhở - Rượu này khá mạnh đấy.
- Em biết cách uống mà - Catherine nói đầy tự tin.
- Một chầu nữa - y bảo với người hầu.
Ron vươn người sang phía bên kia bàn, vuốt ve tay nàng.
- Kể cũng buồn cười. Mấy đứa ở trường đều nhận định lầm về em.
- Lầm đấy. Đã có ai ở trường đi với em đâu mà biết.
Y nhìn nàng. Hãy thận trọng, đừng tỏ ra quá thông minh. Bọn đàn ông thích ngủ với loại con gái vú mông phải thật to còn đầu óc thì cực kỳ nhỏ.
- Em đã dành cho anh… một thứ… bấy lâu nay - Nàng nói nhanh.
- Thế mà cô vẫn giữ bí mật - Ron rút tờ giấy cô đã viết, vuốt ngay ngắn lại. "Thử món thủ quỹ đi", y đọc to rồi cười ha hả. "Đến bây giờ thì anh thấy còn thích hơn món chuối tách". Y lấy tay vuốt ve cánh tay nàng khiến cho nàng thấy buồn buồn đến tận cột sống, đúng như trong các sách viết. Có lẽ sau đêm nay nàng sẽ viết một cuốn sách hướng dẫn quan hệ tình dục cho tất cả những cô gái đồng trinh ngu dốt, đáng thương không biết giá trị của nó đối với cuộc sống. Sau một chầu uống thứ hai Catherine cảm thấy họ thật đáng thương.
- Thật là đáng tiếc.
- Đáng tiếc cái gì?
Nàng lại nói to, vẻ bạo dạn:
- Em thấy thương cho tất cả những cô gái đồng trinh trên đời này.
Ron nhìn Catherine, cả cười: "Anh uống chúc mừng họ đây" Y nhấc cốc rượu lên, nàng nhìn Ron ngồi đối diện và tỏ rõ niềm vui được đi cùng với y. Nàng chẳng còn gì phải lo lắng. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Y hỏi xem nàng có uống thêm chầu nữa không, nhưng Catherine từ chối. Nàng không có ý muốn quá chén lúc nàng bị mất trinh. Thất trinh! Có phải người ta vẫn dùng những từ ngữ như vậy không? Dù sao nàng vẫn muốn nhớ kỹ từng phút giây, từng cảm giác.
Lạy Chúa. Nàng chẳng có biện pháp phòng ngừa gì cả. Còn y thì sao? Chắc chắn một gã dày dạn kinh nghiệm như Ron Peterson sẽ phải có cách phòng ngừa gì đó để nàng khỏi mang thai. Nếu y lại cho rằng Catherine Alexander là một đứa con gái lọc lõi đã chuẩn bị biện pháp ngừa thai, thì sẽ ra sao đây? Liệu nàng có nên hỏi y trước không? Nàng tưởng chừng mình chết đứng ngay tại chiếc bàn ăn này rồi. Người ta khiêng xác nàng đi mai táng theo kiểu người Trung Hoa.
Ron gọi một bữa ăn sáu món giá một đô-la bảy mươi xu. Catherine làm bộ có vẽ ăn uống ngon miệng song thực ra cứ như ăn giấy. Nàng bắt đầu cảm thấy căng thẳng không còn biết mùi vị gì nữa. Lưỡi nàng bỗng thấy khô, vòng miệng nàng có cảm giác tê dại lạ thường. Giả thử nàng bị trúng phong thì sao? Nếu như nàng làm tình đúng lúc bị trúng phong nàng sẽ chết cũng nên. Có lẽ nàng phải báo Ron biết trước điều này. Y sẽ bị mang tiếng nếu như người ta phát hiện ra cô gái chết ngay trên giường của y. Hoặc có thể việc đó lại càng khuyến khích cũng nên.
- Sao vậy? - Ron hỏi - Cô làm sao mà tái nhợt đi vậy?
- Em thấy thú quá - Catherine đáp, mạnh dạn em thấy phấn chấn khi ở bên anh.
Ron nhìn nàng, hài lòng, cặp mắt nâu của y dõi theo mọi chi tiết trên bộ mặt của nàng rồi hạ dần xuống bộ ngực nàng và dừng ở đó.
- Anh cũng có cảm giác như vậy - Y đáp.
Người hầu đã thu dọn những chiếc đĩa ăn. Ron trả tiền. Y nhìn nàng, song Catherine vẫn không nhúc nhích.
- Em còn muốn gì nữa? - Ron hỏi.
Em ư? À có chứ! Em muốn ngồi trên một con tàu trôi từ từ sang Trung Quốc, em muốn ngồi trong chiếc vạc dầu của bọn ăn thịt người đang đun sôi để chuẩn bị bữa tối. Em muốn có mẹ em bên cạnh!
Ron ngắm nhìn nàng. Catherine hít một hơi sâu.
- Em… em không nghĩ gì cả.
- Tốt - Y thốt ra tiếng đó dài thượt, tuồng như đặt lên chiếc bàn giữa hai người một cái giường ngay lúc này - Ta đi thôi!
Y đứng dậy và Catherine cũng đứng lên theo. Cái cảm giác lâng lâng của những ly rượu đã hoàn toàn biến mất, chân nàng bắt đầu run rẩy.
Họ ở ngoài trời đêm, trong bầu không khí ấm áp, Catherine chợt thấy luyến tiếc. Anh ta sẽ không ăn nằm với mình đêm nay. Đàn ông không bao giờ làm chuyện đó ngay trong buổi đầu hẹn hò. Anh sẽ còn mời mình đi ăn tiệm lần nữa, lần này sẽ đến nhà hàng Henrici, hai đứa sẽ hiểu nhau thêm. Thật sự biết nhau hơn. Có lẽ sẽ còn yêu nhau - yêu thật cuồng nhiệt - sau đó anh sẽ đưa mình đến gặp bố mẹ anh và mọi chuyện sẽ đâu vào đó… Mình thấy như vậy là rất hợp lẽ.
- Em có thích motel không? - Ron hỏi.
Catherine nhìn y, không đáp. Thế là những mơ mộng về cái buổi tối ca nhạc êm đềm, ở nhà bố mẹ anh đã tan rồi. Gã đểu cáng này định đưa nàng lên giường ở một motel đây mà! Nhưng đó cũng chính là điều nàng mong muốn, có phải không? Y chẳng phải chính là người nàng đã viết mẩu giấy cuồng si đó sao?
Ron đặt cánh tay lên vai Catherine, rồi vuốt xuống cánh tay nàng. Nàng cảm thấy một cảm giác rạo rực.
Nàng nuốt nước bọt, bảo:
- Anh mà thấy cảnh một motel thì cũng có nghĩa là anh đã biết mọi motel khác.
Ron nhìn nàng lạ lùng. Y chỉ đáp:
- Ừ! Thì ta đến đó đi.
Họ leo lên chiếc xe của y và đi về phía tây. Cơ thể Catherine cứng đờ như một khối băng, trong lúc đó đầu óc của nàng làm việc như điên. Lần cuối cùng nàng nghỉ lại ở một motel là khi nàng lên tám tuổi, đi chơi bằng ô tô trên khắp đất nước cùng với bố mẹ nàng. Còn bây giờ thì nàng sắp đi ngủ cùng với một người hoàn toàn xa lạ. Nàng đã biết những gì về y nào? Chỉ biết y điển trai, nổi tiếng và biết cách đánh gục những cô ả nào mà y gặp.
Ron nhoài người, nắm lấy tay nàng, hỏi:
- Sao tay em lạnh thế?
- Tay lạnh, nhưng chân nóng. Lạy Chúa. Mình lại tới đó nàng nhủ thầm. Không biết vì sao lời bài hát, "Chà, cuộc đời thật là một bí mật dễ chịu, bỗng hiện ra trong óc nàng. Thế đấy, nàng giải quyết mọi cảm giác ra sao. Những quyển sách, những loại quảng cáo, gợi tình và những lời bài hát tình tứ xa xôi bóng gió "Hãy đưa em vào cái nôi của tình yêu. Làm lại đi"… Nàng nghĩ. Được rồi. Catherine sắp làm bây giờ đây.
Ron quẹo về phía nam tới phố Clark.
Hai bên dãy phố ở phía mặt là những con mắt đỏ khổng lồ nhấp nháy, những đèn nê ông làm hiệu sáng đến hết đêm, quảng cáo cho những nhà trọ rẻ tiền, tạm bợ cho những cặp yêu đương trẻ trung, đang nóng vội "Motel nghỉ thoải mái", "Motel trọ qua đêm", "Mời vào trọ" Rõ ràng là đầy tính chất Freud rồi? "Nơi nghỉ của lữ khách". Chữ nghĩa cho thấy một sự nghèo nàn về sức tưởng tượng đến mức đáng ngạc nhiên, song mặt khác lại chứng tỏ một điều rằng chủ nhân của những nơi này có lẽ quá bận tâm đến việc lôi kéo các cặp tình nhân trẻ vào và ra khỏi giường nên không cần quan tâm gì đến chữ nghĩa làm gì.
- Có lẽ cái nhà trọ này coi bộ khá hơn cả - Ron nói, chỉ vào một cái biển đằng trước.
"Quán Thiên Đường - chỗ khuyết trống".
Thật đúng là một cách nói tượng trưng. Thiên đường còn một chỗ khuyết trống và nàng, Catherine Alexander sắp vào lấp kín chỗ đó.
Ron lái xe vào trong, bên cạnh là một căn phòng nhỏ sơn trắng với tấm biển "xin bấm chuông" và bước vào.
Trong sân có chừng hai chục cái nhà gỗ có đánh số.
- Em thấy thế nào? - Ron hỏi.
Thật giống như địa ngục của Dante. Giống như pháp trường Coleseum ở La Mã khi những người Thiên Chúa giáo sắp bị ném cho sư tử ăn thịt. Giống như đền thờ Delphi một khi cô gái đồng trinh được đưa vào hiến cho các giáo sĩ.
Catherien lại có cảm giác kích thích ở bên háng.
- Kinh khủng - nàng bảo - Thật là kinh khủng.
Ron mỉm cười, thông cảm:
- Anh sẽ quay lại bây giờ - Y đặt tay lên đầu gối nàng, rồi lần lên bắp vế, hôn nàng rất nhanh sau đó ra khỏi xe và đi về phía văn phòng. Nàng ngồi lại, ngó nhìn theo y, cố gắng không nghĩ ngợi gì cả.
Nàng nghe có tiếng còi rền rĩ ở xa xa. Ôi, lạy chúa - Nàng hoảng hốt nghĩ. - "Lại bắt bớ! Người ta thường hay bắt bớ ở những nơi như thế này!
Cánh cửa văn phòng người quản lý mở, Ron bước ra. Y mang theo một chìa khoá và rõ ràng không hề nghe tiếng còi tiến lại mỗi lúc một gần. Y bước tới phía Catherine đang ngồi, mở cửa xe.
- Xong rồi - Y nói. Tiếng còi rền rĩ như tiến lại gần họ.
Phải chăng cảnh sát sẽ đến bắt họ chỉ vì lý do họ có mặt ở trong sân này?
- Đi thôi - Ron bảo.
- Anh không nghe thấy à?
- Nghe thấy gì?
Tiếng còi xe chạy qua chỗ họ rồi nhỏ dần về phía cuối phố, tắt hẳn ở phía xa. Mẹ kiếp?
- Những con chim ấy mà! - Nàng nói yếu ớt.
Nét mặt Ron tỏ ra sốt ruột.
- À, không, không… Catherine vội cắt ngang - Em ra đây - Nàng bước ra khỏi xe. Họ tiến đến một căn nhà.
- Hy vọng anh sẽ cho em một con số hên - Nàng vui vẻ bảo.
- Em nói chi?
Catherine nhìn y, đột nhiên không đáp được nữa. Miệng nàng gần như khô cứng.
- Không có gì cả - Nàng lẩm bẩm.
Họ đến cửa sổ và thấy số nhà là mười ba. Thật đáng đời cho nàng. Đó là dấu hiệu từ thiên đường báo xuống rằng nàng sẽ phải mang thai, rằng Chúa đã quyết định trừng phạt nữ thánh Catherine.
Ron mở khoá, và để cửa ngỏ cho nàng bước vào. Y bật đèn và Catherine bước vào bên trong. Nàng không thể tin được rằng căn phòng dường như chỉ có một chiếc giường khổng lồ. Một thứ đồ đạc duy nhất khác là một chiếc ghế trống không chẳng thoải mái chút nào đặt ở góc phòng, một chiếc bàn gương nhỏ với một tấm gương ở phía bên trên và cạnh giường, một chiếc radio đặt thụt trong tường, mà muốn nghe thì bỏ những đồng hai mươi lăm xu vào một cái khe. Ai vào đây cũng không thể nhầm được buồng này dùng làm gì. Đây chính là chỗ trai gái đưa nhau vào ăn nằm. Không thể coi đây là một loại lều cho du khách trượt tuyết, hoặc một cái phòng cho trò chơi chiến tranh hoặc một phòng tân hôn ở khách sạn Ambassador được. Không, đây chẳng qua chỉ là một tổ ấm tình yêu rẻ mạt.
Catherine quay nhìn lại thấy Ron đang chẹn then cửa.
Phải. Nếu như đội cảnh sát chống tệ nạn muốn vào bắt thì trước hết họ phải phá cửa đã. Nàng hình dung ra cảnh nàng bị hai cảnh sát lôi đi trong trạng thái khoả thân, một gã phóng viên ảnh chụp vội ảnh nàng để đưa lên trang nhất tờ Chicago Daily News.
Ron tiến lại gần, ôm choàng lấy Catherine trong tay:
- Em hồi hộp? - Y hỏi.
Nàng nhìn y và cố cất lên một tiếng cười lớn khiến cho đến Margaret Sullavan cũng phải tự hào:
- Hồi hộp? Đừng có ngớ ngẩn, Ron.
Y vẫn ngắm nhìn nàng, chưa tin.
- Em đã từng làm thế này rồi, Cathy?
- Em không có thói quen ghi chép lại.
- Suốt tối nay anh có một cảm giác rất lạ về em.
Thế là xong. Anh ta sắp tống cổ nàng về và bỏ mặc mình thui thủi trong mưa lạnh. Song nàng không thể để cho việc đó xảy ra. Tối nay chưa được.
- Cảm giác ra sao?
- Anh không rõ - Giọng Ron bối rối - Chỉ một phút em là loại đầy ham muốn, thế nhưng chỉ qua một phút em lại trở thành lãnh đạm như băng giá, đầu óc để tận đâu đâu. Như thể trong em có hai con người. Con người nào là đích thực Catherine Alexander vậy.
Lãnh đạm như băng giá, nàng lập tức tự nhủ bản thân như vậy. Song nàng nói to lên rằng: "Em sẽ cho anh rõ". Nàng choàng cánh tay ôm y, hôn lên môi y, nàng cảm thấy còn có mùi thức ăn trên cặp môi đó.
Y hôn nàng và xiết chặt nàng. Y lấy tay vuốt ve ngực nàng… Đây rồi. Nàng nghĩ. Sắp xảy ra rồi! Sắp xảy ra rồi!
Nàng ghì chặt lấy y, sự rạo rực ngày một tăng lên đến không thể chịu được.
- Cởi quần áo ra - Ron nói khàn khàn, y lùi lại và bắt đầu cởi áo khoác.
- Đừng! - Nàng nói, - để em cởi lấy. - Giọng nàng lại tỏ ra tự tin. Nếu đây là một đêm đáng nhớ lại tất cả những gì nàng đã từng đọc hoặc từng nghe. Ron sẽ không bao giờ trở về tường thuật lại cho bọn con gái nghe chuyện y đã làm tình với một con bé đồng trinh câm lặng như thế nào.
Catherine có thể không có được bộ ngực phổng phao như Jean Anne, song đầu óc của nàng sẽ tỏ ra hữu ích hơn đến hàng chục lần và nàng quyết đem ra vận dụng để cho Ron thấy được khoái lạc khiến y không thể chịu được. Nàng cởi áo cho y, rồi đặt chiếc áo lên giường, sau đó cởi đến cà vạt…
- Nào. Anh muốn được thấy em cởi xống áo.
Catherine nhìn y, nuốt nước bọt, từ từ lần tìm phécmơtuya sau đó cởi váy dài ra. Trên người nàng chỉ còn nịt vú, quần lót, giầy và bít tất.
- Tiếp tục đi.
Nàng ngập ngừng giây lát, sau đó bước ra khỏi chiếc xilip Đội Lion: 2, Chiristian: 0, nàng nghĩ.
- Chà tuyệt! Tiếp tục đi.
Catherine từ từ ngồi xuống giường và cẩn thận cởi tất và giày, cố gắng làm thật khiêu khích. Đột nhiên nàng cảm thấy Ron đã ở đằng sau nàng, đang cởi nịt vú cho nàng.
Nàng thả nó rơi xuống giường. Y nhấc Catherine đứng dậy và bắt đầu lột quần lót của nàng xuống. Nàng hít một hơi dài và nhắm mắt lại, nàng lấy làm tiếc là không được ở một nơi khác với một người đàn ông khác, một người yêu nàng và nàng cũng yêu hắn, một người sẽ là cha của những đứa trẻ và sẽ mang họ của anh ta, một người sẵn sàng xả thân vì nàng và vì những người mà nàng tôn kính. Nàng sẵn sàng hiến thân cho người đó ở trên giường, chăm lo bếp núc thật ngon lành và là một bà chủ thật đáng yêu trong phòng khách… Một người sẵn sàng giết chết những đồ chó đẻ như Ron Peterson về tội dám đưa nàng đến cái căn phòng nhầy nhụa ô uế như thế này.
Ron chằm chằm nhìn nàng, nét mặt lộ vẻ thán phục.
- Chà Cathy, em đẹp quá! Đẹp quá!
Y cúi xuống hôn lên ngực nàng. Nàng bất giác thoáng thấy hình mình trong chiếc gương ở bàn phấn. Thật cứ như một cái trò hề, nhớp nhúa bẩn thỉu. Trong con người nàng, tất cả mọi thứ, trừ vết đau rát bỏng ở háng ra, đều như muốn răn đe nàng rằng cái trò này thật ngán ngẩm, xấu xa, sai trái, song cũng không còn cách nào chặn đứng nó lại. Ron đang tháo cà vạt cởi áo sơ mi, mặt y đỏ bừng. Y đã cởi thắt lưng để lộ ra chiếc quần đùi của y, sau đó y ngồi trên giường bắt đầu tháo giầy và bít tất.
- Anh nói thật đấy, Catherine ạ - Giọng y căng thẳng vì xúc động - Em là đứa đẹp nhất mà anh thấy từ trước đến nay.
Những lời nói càng khiến Catherine thêm hoảng sợ. Ron đứng dậy, miệng cười toe toét, y thả rơi chiếc quần cộc…
Khi Catherine học năm thứ hai, không khí trong trường có thay đổi.
Lần đầu tiên người ta ngày một quan tâm đến những gì đang diễn ra ở châu Âu và cảm thấy nước Mỹ sắp sửa dính dáng vào cuộc chiến. Giấc mơ của Hitler về nền thống trị kéo dài hằng ngàn năm của nền đế chế thứ Ba đang trên bước đường trở thành hiện thực. Bọn Quốc xã đã chiếm Đan Mạch và tiến vào Na Uy.
Trong sáu tháng qua đề tài trao đổi trong các trường đại học trên khắp đất nước chuyển từ chuyện trai gái và trang phục và những cuộc đi chơi sang chuyện đội sĩ quan dự bị, chuyện quan dịch. Ngày một nhiều bọn nam sinh viên xuất hiện trong những bộ quân phục của bộ binh và hải quân.
Một hôm Suise Roberts, cô bạn học cùng lớp, quê ở Senn, chặn Catherine ngoài hành lang:
- Tớ muốn chia tay với cậu. Cathy ạ. Tớ sắp đi đây.
- Cậu đi đâu?
- Tới vùng Klondike2.
- Đi Klondike?
- Đặc khu Washington ấy mà. Tất cả bọn con gái đang đào vàng ở đó. Nghe đồn ở đó một đứa con gái phải có ít nhất một trăm thằng con trai. Tớ thích chỗ đông đúc đó! - Cô ả nhìn Catherine. - Tại sao cậu cứ bám lấy chỗ này làm gì? Trường là cái của nợ. Còn cả một thế giới to lớn đang đợi ta ngoài kia kìa.
- Mình chưa thể đi được - Catherine bảo.
Nàng không biết rõ lý do tại sao bởi vì thật ra nàng cũng không có mối quan hệ ràng buộc nào ở Chicago cả. Nàng vẫn trao đổi thư từ thường xuyên với cha nàng ở Omaha và mỗi tháng một đôi lần nói chuyện qua điện thoại, nàng có cảm giác như ông đang ngồi tù.
Bây giờ Catherine hoàn toàn một thân một mình. Càng nghĩ đến Washington, nàng càng cảm thấy hào hứng. Tối hôm đó nàng gọi điện thoại cho bố và báo cho ông biết nàng muốn bỏ học để đi làm ở Washington. Bố nàng hỏi xem nàng có muốn chuyển tới Omaha không, song Catherine cảm thấy giọng nói ông đầy vẻ miễn cưỡng. Chính ông cũng không muốn nàng bị kẹt như ông đã bị kẹt.
Sáng hôm sau Catherine lên chỗ bà trưởng khoa báo cho bà biết nàng xin thôi học. Catherine đánh điện cho Suise Roberts và hôm sau nàng đã trên tầu đi Washington, đặc khu Columbia.

Chú thích:
1 Đơn vị sĩ quan dự bị
2 Khu vực mỏ vàng của Mỹ


Chương 5



NOELLEParis 1940


Ngày thứ Bảy, 14 tháng Sáu năm 1940, đạo quân thứ năm của Đức tiến vào thành Paris đang bàng hoàng.
Phòng tuyến Maginot trở thành thảm hại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh và nước Pháp đứng trơ trọi trước một trong những bộ máy quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến.
Cái ngày hôm đó bắt đầu với một không khí xám xịt lạ lùng bao trùm lên khắp thành phố, một đám mây kỳ quặc đầy đe doạ. Trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tiếng súng gián cách đã phá vỡ không khí im lặng thất thường đầy kinh hoàng của Paris. Tiếng gầm của đại bác còn ở ngoài thành phố, song tiếng vang đã làm xao xuyến tận trái tim Paris. Đã có nhiều tin đồn dồn dập như sóng triều trên đài phát thanh, trên các báo chí và truyền miệng. Quân đội của Boche đang chiếm đóng bờ biển nước Pháp… London đã bị hủy diệt… Hitler đã đạt được một thoả ước với chính phủ Anh… Người Đức sẽ làm cỏ Paris bằng một trái bom mới ghê rợn. Thoạt đầu mỗi tin đồn được coi như một đoạn Phúc âm, tạo ra một nỗi kinh hoàng riêng, nhưng những sự khủng hoảng thường xuyên tạo ra một hiệu quả tê liệt, như thể đầu óc và cơ thể người ta không còn có khả năng tiếp nhận được thêm sự hoảng sợ nào nữa, mà co rút lại trong một lớp bảo vệ không còn cảm giác gì… Đến lúc này cỗ máy tin đồn đã hoàn toàn ngừng trệ, báo chí đình bản, các đài phát thanh ngừng loan tin. Bản năng của con người đã thay thế cho những cỗ máy đó, và người Paris cảm thấy đây là ngày phán quyết rồi. Đám mây xám xịt kia chính là một điềm báo trước.
Và giờ đây đám giặc châu chấu Đức đã kéo đến bu đầy.
Đột nhiên Paris trở thành một thành phố đầy những bộ quân phục lạ và những người ngoại quốc, nói một thứ tiếng nghe kỳ cục, đầy giọng cổ họng, ngồi trên những chiếc xe Mercedes mui trần có treo cờ Quốc xã, phóng nhanh trên các đại lộ rộng rãi đầy bóng cây hai bên hoặc họ xô đẩy nhau trên những vỉa hè mà nay đã thuộc về họ.
Họ quả là những uber Mensch1, số phận đã giao cho họ nhiệm vụ đi chinh phục và thống trị thế giới.
Trong vòng hai tuần lễ một sự thay đổi lạ lùng đã diễn ra tại đây. Khắp nơi thấy xuất hiện những tấm biển báo bằng tiếng Đức. Tượng của các anh được treo la liệt khắp các dinh thự nhà nước. Những cố gắng của người Đức muốn tiêu diệt mọi cái gì thuộc người Gaulois đã đi đến chỗ quá tải tới mức nực cười. Cái dấu chỉ vòi nước nóng lạnh được trường Broglie ở Strasbourg trở thành Adolf Hitler Platz. Những bức tượng Lafayettes, Ney và Kleber bị các đội quân Quốc xã đặt mìn phá hủy. Hàng chữ trên những tượng đài tưởng niệm đã khuất được thay bằng GEFALLEN FUR DEUTSCHLAND2
Đội quân Đức chiếm đóng bắt đầu ăn chơi xả láng. Dù thức ăn của Pháp có qua phong phú và được phủ quá nhiều nước xốt, nó vẫn là một cách thay đổi khẩu vị dễ chịu so với những xuất ăn thời chiến. Binh lính không biết và cũng không thèm đếm xỉa đến một sự thật là Paris là thành phố của Baudelaire, Dumas và Molière. Đối với họ, Paris là một con điếm nồng nàn, lòe loẹt, son phấn quá nhiều, váy cuốn lên tận bẹn. Bọn họ có thể hiếp con mụ này, mỗi đứa theo một kiểu. Bọn lính xung kích lôi các cô gái trẻ Pháp vào giường ăn nằm với chúng có khi bằng cả mũi lê, trong khi đó bọn cấp trên của họ như Goering và Himler thì hiếp viện bảo tàng Louvre và những bất động sản tư nhân mà họ đã tịch thu được bằng cách gian tham, từ tay các kẻ thù mới được dựng nên của Đế chế Reich.
Nếu như trong thời gian ở Pháp diễn ra cuộc khủng hoảng có những kẻ hủ hoá, cơ hội trỗi dậy thì đồng thời cũng có những người anh hùng. Một trong những vũ khí bí mật của phong trào hoạt động ngầm, chính là đội cứu hoả Pompier mà ở Pháp nó được đặt dưới sự chỉ đạo của quân đội Quân Đức đã tịch thu hàng chục dinh thự để dùng cho quân đội, cho mật thám Gestapo và các bộ phận khác nữa. Tất nhiên vị trí của những toà nhà này thì ai cũng biết.
Tại một trụ sở của phong trào kháng chiến bí mật ở Saint Remmy các lãnh tụ kháng chiến đang gập người trên những tấm bản đồ ghi rõ chi tiết vị trí của từng dinh thự.
Sau đó người ta phân công cho các chuyên gia nghiên cứu các mục tiêu, rồi ngày hôm sau một chiếc ô tô phóng với tốc độ cao hoặc một anh chàng có về ngây ngô cưỡi xe đạp qua một dinh thự nào đó, liệng một trái bom tự tạo qua cửa sổ. Cho đến thời điểm đó, những thiệt hại gây ra không đáng kể. Tinh chất ngây thơ của kế hoạch này được thể hiện rõ nhất trong sự kiện sau đây:
Người Đức thường gọi đội Lính cứu hoả đến dập tắt các đám cháy. Ngày nay ở tất cả mọi nước người ta đều biết rằng một khi có vụ hoả hoạn nào, đội cứu hoả được toàn quyền hành động. Tình hình lúc đó ở Paris cũng vậy.
Đội Pompier lao tới toà nhà đó, và trong lúc bọn Đức đứng hiền lành ở bên ngoài, giương mắt nhìn thì đội lính cứu hoả phá hủy mọi thứ trong tầm nhìn bằng vòi bơm cao áp, bằng rìu và khi có cơ hội, họ còn dùng cả bom cháy nữa.
Với biện pháp này, tổ chức hoạt động bí mật đã tìm cách phá hủy nhiều hồ sơ vô giá được bảo quản kỹ trong các pháo đài của Wchracht và Gestapo. Phải gần sáu tháng sau Bộ chỉ huy tối cao Đức mới dò được thực chất của những chuyện đã xảy ra, nhưng tới lúc đó những thiệt hại gây ra không thể sửa chữa được. Gestapo không có bằng chứng gì, song mọi thành viên của đội Lính cứu hoả đã bị động viên và gửi hết sang mặt trận phía đông đánh nhau với Nga.
Thiếu thốn đủ mọi thứ, từ thức ăn tới bánh xà phòng. Không xăng dầu, thịt cá, không bơ sữa. Quân Đức tịch thu hết thảy. Các tiệm bán đồ xa xỉ vẫn còn mở cửa, song khách hàng ra vào đây chỉ là bọn lính tráng thanh toán bằng những tờ giấy bạc mark ở vùng chiếm đóng, những tờ giấy bạc này cũng giống như những tờ mark khác, song thiếu một dải trắng ở bên gờ và dưới lời hứa thanh toán không thấy có chữ ký nào cả.
- Ai sẽ thanh toán những tờ giấy này? - Các chủ tiệm người Pháp cằn nhằn.
Bọn lính Đức nhăn nhở:
- Đã có Ngân hàng Anh quốc.
Song không phải tất cả những người Pháp đều chịu thiệt thòi. Đối với những người có tiền và quan hệ buôn bán, lúc nào cũng tồn tại loại chợ đen.
Sự chiếm đóng ảnh hưởng rất ít đến cuộc đời Noelle Page. Nàng đang làm người mẫu cho tiệm Chanel ở phố Canbon trong một toà nhà làm bằng đá xám đã được một thế kỷ rưỡi, toà nhà này bề ngoài trông rất bình thường, song trang trí nội thất bên trong rất lịch sự. Cuộc chiến này cũng như mọi cuộc chiến khác, đã tạo nên loại triệu phú phất lên nhanh chóng và vẫn không thiếu các khách hàng. Những lời đề nghị chuyển tới cho Noelle nhiều hơn bất kỳ lúc nào, duy chỉ khác ở một điểm là đa số những thư từ này viết bằng tiếng Đức. Những lúc nàng nghỉ không làm việc, nàng thường ngồi hàng giờ ở các quán cà phê ngoài trời ở Champs - Élysées hoặc bên tả ngạn gần Cầu Mới. Có hàng trăm đàn ông Đức bận quân phục, nhiều người đẹp trai đi cặp kè với bọn con gái trẻ Pháp.
Đám đàn ông dân thường người Pháp thì hoặc là già khọm hoặc là tật nguyền, Noelle cho rằng bọn trai tráng khoẻ mạnh đã gửi đi các trại tập trung hoặc bị ép đi quân dịch hết rồi. Chỉ liếc mắt là nàng có thể nhận ra ngay bọn đàn ông Đức dù họ không mặc quân phục. Sự kiêu căng lộ rõ ra trên nét mặt họ, dáng điệu mà bọn người đi chinh phục đã có từ thời Aìexander và Hadrian. Noelle không ghét họ, mà cũng chẳng ưa gì họ. Họ chưa đụng đến nàng.
Nàng còn đang bận rộn với đời sống nội tâm, nàng đang chuẩn bị tỉ mỉ từng động tác một. Nàng biết chính xác cái đích mà nàng sẽ đạt tới, và nàng không biết có gì chặn được nàng lại. Một khi nàng có đủ tiền, nàng sẽ thuê một thám tử tư, người này đã tiến hành vụ ly hôn cho một cô bạn cùng làm người mẫu một nơi với nàng. Người thám tử này tên là Christian Barbet, ông ta có một căn phòng nhỏ tồi tàn ở phố St. Lazare, bên ngoài có treo tấm biến.
"Dịch vụ điều tra
Chuyện riêng tư và thương mại
Tìm kiếm tin tức
Chứng cứ
Theo dõi"
Tấm biển dường như còn lớn hơn cả căn phòng. Barbet là người lùn tè, hói trán, hàm răng vàng khè khấp khểnh, cặp mắt ti hí, ngón tay ám khói thuốc đen kịt.
- Cô cần gì vậy? - Ông ta hỏi Noelle.
- Tôi cần biết tin tức về một người hiện ở Anh.
Ông nháy mắt, nghi ngờ:
- Cô cần loại tin gì?
- Về mọi thứ tin tức. Anh ta có vợ chưa, đã gặp ai.
- Nghĩa là mọi thứ chuyện. Tôi cần lập một cuốn sổ theo dõi anh ta.
Barbet lấy tay thận trọng gãi tai, nhìn nàng chằm chằm.
- Anh ta là người Anh?
Không, người Mỹ. Anh ta là phi công trong phi đoàn Phượng Hoàng thuộc Không lực Hoàng gia Anh.
Barbet xoa đỉnh đầu, vẻ băn khoăn.
- Không được. Chúng ta đang ở trong thời chiến. Nếu người ta bắt được tôi tìm cách lấy tin tức từ nước Anh về một phi công thì…
Ông ta kéo dài giọng và nhún vai đầy ý nghĩa.
- Người Đức sẽ bắn tôi trước, sau đó mới thẩm vấn.
- Tôi không cần đến những tin tức quân sự - Noelle nói cho ông ta yên tâm. Nàng mở ví, rút ra một tập giấy bạc franc. Barbet hau háu nhìn tập bạc.
- Tôi có những người thân ở Anh - Ông thận trọng bảo - song làm việc này cũng rất tốn kém.
Và thế là công việc bắt đầu. Ba tháng sau ông thám tử lùn tè kia điện thoại cho Noelle. Nàng lại tới văn phòng và câu đầu tiên nàng hỏi là: "Y còn sống không?" và khi Barbet gật đầu, nàng co rúm người lại vì đau khổ, Barbet nhủ thầm "Được", một người yêu như vậy hẳn phải tuyệt vời lắm.
- Anh bạn của cô đã được điều động đi nơi khác rồi - Barbet báo cho cô biết.
- Đi đâu?
Ông cúi xuống một tập giấy để trên bàn:
- Y thuộc phi đoàn 609 Không quân Hoàng gia. Đã chuyển sang phi đoàn 121 đóng ở sân bay Martlesham Đông, tỉnh East Anglia. Y đang bay loại máy bay Cơn bã…ão.
- Tôi không cần đến chi tiết đó.
- Nhưng cô đã trả tiền - Ông nói - Cô sẽ thấy là tiền của cô cũng đáng giá - Ông ta lại cúi xuống nhìn tập giấy - Hiện nay y đang bay loại máy bay Cơn bão. Trước đây bay loại Trâu Mỹ.
Ông lật qua trang rồi nói thêm:
- Đây là những chuyện hơi riêng tư.
- Ông nói tiếp đi! - Noelle giục.
Barbet nhún vai:
- Có một danh sách tên những cô gái mà y vẫn thường ăn nằm. Không biết cô có cần quan tâm…
- Tôi đã nói là mọi chuyện cơ mà.
Giọng nàng có vẻ là lạ khiến cho ông ta nản. Chuyện này có điều gì đó rất khác thường, không chân thực.
Christian Barbet là loại thám tử hạng ba cũng chỉ giao dịch với loại khách hàng hạng ba mà thôi, song cũng chính vì thế mà ông phát triển một bản năng hoang dã khi tìm kiếm sự thật và rất thích đánh hơi ra những sự kiện. Cô gái xinh đẹp đang đứng trong văn phòng của ông khiến ông thấy lúng túng. Lúc đầu Barbet cho rằng cô ta định lôi cuốn ông tham gia vào một điệp vụ. Sau đó ông cho rằng nàng là một người vợ bị ruồng rẫy đang muốn tìm bằng cớ chống lại chồng nàng. Ông thừa nhận là ông đã lầm khi nhận định như vậy và đến bây giờ thì ông hoàn toàn mất phương hướng không biết cô khách hàng của ông cần gì và tại sao lại như vậy. Ông trao cho Noelle danh sách các cô bạn gái của Larry Douglas và quan sát vẻ mặt nàng khi nàng cầm nó để đọc. Có lẽ nàng cầm bảng thống kê quần áo giặt cũng như vậy thôi.
Nàng đọc xong, ngẩng lên nhìn. Christian Barbet hoàn toàn bất ngờ rằng khi nghe nàng nói tiếp.
- Tôi rất hài lòng.
Ông ta hấp háy mắt, nhìn nàng.
- Khi nào ông có tin gì mới, ông hãy gọi ngay cho tôi.
Noelle Page ra về đã lâu rồi, Barbet còn ngồi lại trong văn phòng, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, băn khoăn không hiểu người khách hàng kia thực sự muốn theo đuổi việc gì.
***
Các nhà hát Paris bắt đầu lại nở rộ. Người Đức đi nhà hát là để kỷ niệm những chiến thắng của họ, để khoe với thiên hạ những chiến thắng của nó và để trưng với thiên hạ bọn phụ nữ Pháp xinh đẹp họ khoác tay đưa theo như những chiến lợi phẩm. Còn người Pháp đến nhà hát là để quên đi trong vài giờ cái thân phận của một dân tộc bất hạnh bị thất bại.
Hồi ở Marseille, Noelle cũng có đến nhà hát vài ba lần, song nàng chỉ được xem những vở kịch nghiệp dư nhẹ nhàng do những tài tử hạng tư biểu diễn trước quần chúng khán giả thờ ơ mà thôi. Còn nhà hát ở Paris lại là chuyện khác. Nó sống động, lung linh, chứa đầy trí tuệ và duyên dáng của Molière, Racine và Colette. Nghệ sĩ vô song Sacha Guiltry đã khai trương nhà hát của ông, Noelle đã tới xem ông biểu diễn. Nàng đến xem vở "Cái chết của Danton" của Bunchner được dựng lại và một vở kịch có tiêu đề Asmodée của tác giả trẻ đầy triển vọng tên là François Mauriac. Nàng đến rạp Hí kịch Pháp để xem vở Mỗi người có một sự thật riêng của Pirandello và vở Cyrano de Begerac của Rostand.
Noelle lúc nào cũng đi một mình, và nàng hoàn toàn đắm mình vào những tình tiết diễn viên trên sân khấu mà quên hết rằng có biết bao nhiêu con mắt nhìn nàng chằm chằm đầy thán phục. Đằng sau dãy đèn sân khấu hình như có một điều gì kỳ lạ đang gây cho nàng một phản ứng. Nàng đang đóng một vai giống như những diễn viên trên sân khấu, nàng đang cố trở thành một nhân vật chứ không còn là bản thân nàng nữa đằng sau một tấm mặt nạ.
Đặc biệt vở kịch Huis Clos của Jean Paul Sartre đã gây cho nàng ấn tượng sâu sắc. Vở này do Philippe Sorel đóng vai chính, ông là một trong những thần tượng của Châu Âu. Sorel là một người xấu trai, lùn tịt gân guốc với một chiếc mũi gẫy và một bộ mặt của võ sĩ quyền Anh. Thế nhưng cứ mỗi khi ông cất tiếng nói thì một ma thuật lại diễn ra. Ông như đẹp ra và nhạy cảm. Cứ như tà chuyện cổ tích ông Hoàng và con Nhái vậy, Noelle nghĩ thầm mỗi khi xem ông biểu diễn. Chỉ có điều ông là cả hai hình tượng cùng một lúc. Nàng đã ngắm nhìn ông nhiều lần, nàng ngồi ở ngay hàng ghế đầu nghiên cứu cách diễn xuất của ông, cố học cho được bí quyết của cái ma lưc hấp dẫn ở ông.
Một buổi tối, vào giờ giải lao, người dẫn chỗ trao cho Noelle một mảnh giấy viết rằng: "Tôi đã thấy cô trong số khán giả qua nhiều đêm diễn. Tối nay mời cô ra phía sau hậu trường cho tôi được gặp P.S". Noelle đọc đi đọc lại mẩu giấy, lấy làm thú vị, không phải vì nàng khinh miệt Philippe Sorel mà bởi vì nàng biết đây sẽ là khởi đầu của cái mà nàng đang tìm kiếm.
Sau buổi diễn, nàng ra sau hậu trường. Một ông già đứng ở cửa sân khấu đưa nàng tới phòng hóa trang của Sorel. Ông ta đang ngồi trước tấm gương và đang chùi đi mớ son phấn trên gương mạt của ông, trên người chỉ còn mặc quần cộc. Ông ngắm Noelle trong gương cuối cùng mới lên tiếng:
- Thật khó tin được rằng khi đến gần, cô lại còn xinh đẹp hơn.
- Cảm ơn ngày Sorel.
- Cô từ đâu tới?
- Marseille.
Sorel xoay người để nhìn nàng cho gần hơn. Đôi mắt ông dán chặt vào đôi chân nàng sau đó từ từ di chuyển ngược lên tới đỉnh đầu nàng. Noelle cứ đứng yên, không động đậy mặc cho ông chăm chú quan sát.
- Cô lên đây tìm việc ư? - Ông hỏi.
- Không.
- Tôi chưa bao giờ trả tiền cả. Cái duy nhất cô có thể nhận được ở tôi là giấy vào xem những vở diễn của tôi không mất tiền. Còn nếu cô muốn có tiền thì hãy ngủ với chủ ngân hàng.
Noelle đứng lặng yên nhìn ông ta. Cuối cùng Sorel bảo:
- Thế cô đang kiếm tìm gì?
- Tôi đang tìm đến ông đây.
Họ ăn tối cùng nhau, sau đó quay trở về căn hộ của Sorel ở phố Maurice-Barbet xinh đẹp, nhìn ra góc phố nơi bắt đầu khu rừng Boulogne. Philippe Sorel là một người tình lão luyện, hết sức tử tế và không vị kỷ. Sorel không đòi hỏi gì ở Noelle ngoài sắc đẹp của nàng và ông rất ngạc nhiên khi nhận thấy nàng thành thạo chuyện chăn gối.
- Lạy Chúa - Ông nói - Cô tài nghệ ghê. Học đâu ra những trò đó vậy?
Noelle suy nghĩ một lát. Đây không phải là trò học ở đâu mà là do cảm giác tạo nên. Đối với nàng, cơ thể đàn ông là một công cụ cho nàng đùa cợt khám phá những chiều sâu bên trong, phát hiện ra những sợi dây phản ứng và dùng chính cơ thể nàng để giúp cho nàng tạo ra sự hài hoà tinh tế.
- Bẩm sinh em đã như vậy - Nàng đáp.
Ngón tay nàng bắt đầu lướt nhẹ quanh đôi môi ông, nhẹ và nhanh như con bướm chạm vào, sau đó chuyển dần xuống ngực và bụng ông…
- Ôi, lạy Chúa! - Ông nói.
Suốt đêm hôm đó họ làm tình và đến sáng thì Sorel mời Noelle dọn về ở với ông.
Noelle sống với Philippe Sorel được sáu tháng. Nàng chẳng thấy hạnh phúc mà cũng không bất hạnh. Nàng biết được rằng sự có mặt của nàng ở đó đã khiến Sorel cực kỳ hạnh phúc, thế nhưng điều đó lại chẳng mảy may có ý nghĩa gì đối với Noelle. Nàng tự coi mình như một học sinh quyết tâm mỗi ngày phải học được một điều gì mới mẻ. Ông như cái trường học cho nàng theo học, ông là một bộ phận nhỏ trong kế hoạch lớn của nàng. Đối với Noelle, trong quan hệ của họ không có chút gì thuộc của nàng.
Nàng đã hai lần mắc sai lầm như thế, và nàng sẽ không bao giờ tái diễn lại một lần nữa. Trong suy nghĩ của Noelle chỉ có chỗ cho một người và người đó là Lary Douglas.
Noelle thường đi ngang qua quảng trường Victoire hoặc qua một công viên hoặc một nhà hàng mà Larry đã từng đưa nàng tới đó. Nàng cảm thấy sự uất hận trào lên khiến nàng ngộp thở, nhưng xen lẫn giữa tình cảm uất hận đó còn một thứ tình cảm gì khác nữa mà nàng không thể gọi tên ra được.
Hai tháng sau khi chuyển đến ở với Sorel, Noelle nhận được một cú điện thoại của Christian Barbet.
- Tôi có một bản tường trình nữa cho cô đây - Ông thám tử nhỏ bé nói.
- Y vẫn khỏe đấy chứ? - Noelle vội hỏi.
Lại một lần nữa Barbet có cảm giác băn khoăn.
- Phải - Ông đáp.
Giọng Noelle tỏ ra luyến tiếc:
- Tôi sẽ tới ngay bây giờ.
Bản tường trình chia ra làm hai phần. Phần một đề cập đến cuộc đời binh nghiệp của Larry Douglas. Anh đã hạ được hơn năm chiến đấu cơ Đức và trở thành một trong những phi công Mỹ lỗi lạc đầu tiên trong chiến tranh. Anh đã được vinh thăng lên cấp đại uý. Phần thứ hai của bản tường trình khiến nàng quan tâm hơn nhiều. Anh đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong các sinh hoạt thời chiến ở London và đã đính hôn với con gái một đô đốc Anh. Sau đó là danh sách các cô gái mà Larry vẫn thường đi lại trong đó có từ những cô gái trình bày mode đến phu nhân của một vị thứ trưởng quốc phòng.
- Cô có muốn tôi tiếp tục theo dõi không? - Barbet hỏi.
- Tất nhiên - Noelle đáp. Nàng lấy từ trong ví ra một chiếc phong bì rồi trao cho Barbet - Khi nào ông có tin gì mới, ông nhớ gọi điện thoại cho tôi ngay.
Rồi nàng ra về.
Barbet thở phào, ngước lên nhìn trần nhà.
- Folee - Ông lẩm bẩm, đầy suy tư - Folee3.
***
Giá như Philippe Sorel có một chút nghi ngờ về những điều Noelle đang suy nghĩ trong óc thì ắt ông sẽ vô cùng kinh ngạc. Gần như Noelle hoàn toàn hiến dâng cho ông.
Nàng làm mọi thứ cho ông, từ nấu nướng những bữa ăn ngon tuyệt, đi mua sắm đến việc kiểm tra công việc vệ sinh căn hộ của ông cho tới việc làm tình mỗi khi thấy ông hứng khởi.
Và nàng chẳng đòi hỏi chút gì, Sorel lấy làm mừng thầm vì đã tìm được một cô bồ nhí hoàn hảo. Ông đưa nàng đi đây đi đó để gặp gỡ tất cả bạn bè ông. Họ bị mê mẩn trước sắc đẹp của nàng và đều cho rằng Sorel là người hết sức may mắn.
Một buổi tối trong lúc hai người đang ngồi ăn sau buổi diễn, Noelle bảo với ông rằng:
- Em muốn trở thành tài tử, anh Philippe ạ.
Ông lắc đầu:
- Em đẹp như vậy là đủ rồi, Noelle ạ, song anh thấy ớn đến tận cổ với bọn nữ diễn viên anh gặp trong đời. Em là một loại người khác, anh muốn em cứ sống như vậy. Anh không muốn chia sẻ em với bất cứ ai khác - Ông vuốt ve tay nàng - Anh chẳng đã cho em đủ mọi thứ đó sao?
- Đúng thế, Philippe ạ - Noelle đáp.
Đêm hôm đó, khi họ về đến nhà, Noelle muốn làm tình. Sorel mừng thầm cho rằng cái điều nàng cần duy nhất là sự dắt dẫn vững vàng của một người đàn ông.
Chủ nhật sau đó là ngày sinh của Noelle, Philippe Sorel đã tổ chức một bữa tiệc tối cho nàng tại nhà hàng Maxim. Ông đã thuê căn phòng ăn riêng rộng rãi ở tầng trên, trang trí bằng vải nhung đỏ mịn và những cột panel bằng gỗ thẫm màu. Noelle giúp ông lên danh sách khách mời trong đó một cái tên nàng đưa vào mà không nói cho Philippe biết. Bữa tiệc có bốn chục người dự. Họ nâng cốc chúc mừng sinh nhật của Noelle và trao cho nàng những tặng phẩm đắt tiền. Khi bữa ăn kết thúc Sorel đứng dậy. Ông đã uống khá nhiều rượu Brandy và sâm banh, bước đi hơi chập choạng, lời lẽ hơi lè nhè.
- Thưa các bạn - ông nói - Tất cả chúng ta hãy nâng cốc chúc cho cô gái đẹp nhất trên đời này và chúng ta đã tặng nàng những món quà "xinh xắn kỷ niệm" sinh nhật, riêng tôi, tôi có một món quà riêng cho nàng và đó sẽ là món quà hết sức bất ngờ - Sorel cúi xuống nhìn Noelle mặt hớn hở, sau đó quay lại cử toạ - Noelle và tôi sắp thành hôn với nhau.
Khắp gian phòng rộn lên tiếng hoan hô chúc tụng, các khách khứa xô đến vỗ vào vai Sorel và chúc cô dâu tương lai được nhiều may mắn. Nolle ngồi yên mỉm cười đáp lại các vị khách và chỉ khe khẽ nói lời cảm ơn. Duy chỉ có một ông khách không đứng dậy. Ông ta ngồi ở một chiếc bàn đặt ở cuối phòng, hút điếu thuốc bằng một chiếc ống điếu dài và đưa mắt nhìn cảnh tượng diễn ra với vẻ ngạo đời.
Noelle biết rõ là ông ta đã ngắm nàng suốt buổi tiệc. Đó là một người cao, gầy ngẳng, bộ mặt căng thẳng, đầy suy tư. Ông ta có vẻ thú vị trước những việc đang diễn ra quanh mình, là một quan sát viên trong bữa tiệc chứ không phải là một vị khách mời.
Noelle bắt gặp cái nhìn của ông, nàng mỉm cười.
Armand Gautier là một trong những đạo diễn xuất sắc ở Pháp. Ông phụ trách Nhà hát kịch Pháp và các kịch phẩm của ông được hoan nghênh trên khắp thế giới. Hễ cứ Gautier hễ cứ đạo diễn một vở kịch hoặc một bộ phim nào thì hầu như đảm bảo là phim hoặc kịch đó sẽ thành công. Ông còn nổi tiếng là đối xử đặc biệt tử tế với các nữ diễn viên, ông đã tạo ra nửa tá minh tinh xuất chúng.
Sorel ngồi xuống bên cạnh Noelle, nói với nàng:
- Cưng có thấy ngạc nhiên không? - ông hỏi.
- Có, anh Philippe ạ - Nàng đáp.
- Anh muốn hai đứa mình thành hôn ngay lập tức. Chúng ta sẽ làm đám cưới tại villa của anh.
Qua vai của ông, Noelle có thể thấy Armand Gautier vẫn quan sát nàng, mỉm cười đầy bí ẩn. Vài ba người bạn kéo Philippe đi chỗ khác và khi Noelle quay lại, Gautier đã đứng ngay cạnh từ lúc nào.
- Xin chúc mừng - Ông nói. Giọng ông có vẻ châm chọc - Cô đã câu được một con cá lớn.
- Thật không?
- Philippe Sorel là một loại cá lớn đó.
- Có lẽ đối với một số người thôi - Noelle lãnh đạm đáp lại.
Gautier ngó nhìn nàng, ngạc nhiên:
- Ý cô muốn nói là cô không quan tâm chuyện đó ư?
- Tôi không muốn nói với ông gì cả.
- Vậy xin chúc cô may mắn - Ông định quay đi.
- Ông Gautier…
Ông dừng bước.
- Tối nay ông cho em gặp riêng được không? - Noelle hỏi nhỏ - Em muốn nói chuyện riêng với ông.
Armand Gautier nhìn nàng giây lát rồi nhún vai.
- Nếu cô muốn.
- Em sẽ đến chỗ ông. Như vậy được không?
- Được, tất nhiên. Địa chỉ của tôi…
- Em biết rồi. Mười hai giờ nhé?
- Mười hai giờ.
Armand Gautier sống trong một toà nhà cổ, lịch sự trên phố Marbeuf. Người gác cửa dẫn nàng vào tiền sảnh rồi một cậu thanh niên gác thang máy đưa nàng lên tầng bốn và chỉ cho nàng căn hộ của Gautier. Noelle nhấn chuông. Vài phút sau Gautier ra mở cửa. Ông mặc một chiếc áo choàng hoa.
- Mời vào - Ông nói.
Noelle bước vào phòng. Khiếu thẩm mỹ của nàng chưa lọc lõi, song nàng cảm thấy căn phòng được trần thiết đẹp, các đồ mỹ nghệ đều quý giá.
- Xin lỗi vì tôi ăn vận xuềnh xoàng - Gautier nói - Tôi vừa có một cú điện thoại gọi.
Đôi mắt Noelle dán chặt lấy ông.
- Ông khỏi cần ăn vận nghiêm chỉnh làm gì - Nàng đi tới đi văng và ngồi xuống.
Gautier mỉm cười:
- Đúng như cảm giác ban đầu của tôi, cô Page ạ. Song tôi vẫn thắc mắc một điều: Tại sao lại là tôi? Cô đã đính hôn với một người lừng danh giàu có. Tôi tin rằng nếu như cô định đi tìm những hoạt động ngoài chương trình thì cô phải tìm những anh chàng hấp dẫn hơn tôi, hoặc là giầu có trẻ đẹp hơn tôi chứ. Cô muốn gì ở tôi nào?
- Em muốn ông dạy cho em đóng kịch - Noelle đáp.
Armand Gautier nhìn cô gái một hồi, sau đó thở dài:
- Cô làm tôi thất vọng. Tôi chờ đợi ở cô một cái gì độc đáo hơn kia.
- Công việc của ông là làm việc với các diễn viên?
- Với diễn viên, chứ không phải với tài tử nghiệp dư.
- Thế cô đã đóng kịch bao giờ chưa?
- Chưa. Nhưng ông sẽ dạy em được - Nàng gỡ mũ và cởi găng tay - Phòng ngủ của ông đâu? - Nàng hỏi.
Gautier ngần ngừ. Cuộc đời ông đầy những phụ nữ đẹp muốn bước vào kịch trường hoặc muốn được sắm một vai quan trọng, được đóng vai chính trong một vở mới hoặc gặp được một nơi sang trọng hơn. Tất cả bọn họ đã gặp thất bại đau đớn. Ông biết rằng nếu như ông lại dính thêm với một phụ nữ nữa, ông sẽ là một thằng khùng. Tuy nhiên cũng chẳng cần phải dính líu với ả ta làm gì. Đây chẳng qua là một cô gái đẹp tự ý lao vào ông. Công việc đơn giản là lôi ả vào giường, sau đó tống khứ ả đi.
- Nào, vào đây - Ông nói và chỉ vào một cánh cửa.
Ông ngắm nhìn Noelle tiến về phía phòng ngủ. Không hiểu Philippe Sorel sẽ nghĩ sao đây nếu như cô dâu tương lai của anh ta lại ngủ lại đêm nay ở đây. Đàn bà? Tất cả chỉ là một lũ điếm. Gautier rót ra một ly Brandy, sau đó gọi đi một cú điện thoại. Cuối cùng khi ông quay về phòng ngủ, Noelle đã nằm trên giường đợi ông. Gautier phải thừa nhận rằng nàng là một toà thiên nhiên tuyệt tác. Khuôn mặt đã đẹp, thân hình càng hoàn hảo hơn. Da nàng có một màu mật ong vàng lựng. Kinh nghiệm của ông cho thấy rằng các cô gái đẹp hầu như người nào cũng ý thức được nhan sắc của mình, họ vênh váo tự phụ đến mức khó chịu… Chà, thôi được, ông phải dạy con bé này một bài học.
- Anh không có ý muốn ca ngợi em là xinh đẹp - Ông nói - Em đã nghe lời khen đó quá nhiều rồi.
- Nhan sắc mà làm gì nếu như không đem lại cho người ta niềm hoan lạc. - Noelle nhún vai.
Gautier nhìn nàng, thoáng ngạc nhiên, sau đó mỉm cười.
- Anh đồng ý với em. Vậy ta hãy dùng cái nhan sắc của em nhé - Ông ngồi xuống bên cạnh nàng.
Cũng giống đa số những người Pháp, Armand Gautier lấy làm tự hào là một tình nhân lão luyện. Thường bao giờ cũng có một bữa ăn ngon lành, có rượu. Ông tạo nên một khung cảnh điệu nghệ để gây nên những cảm giác êm dịu và tiếng nhạc êm êm.
Trong trường hợp với Noelle ông vứt bỏ tất cả. Đối với quan hệ một đến như thế này không cần có nước hoa, tiếng nhạc hoặc những lời tán tỉnh trống rỗng. Cô nàng đến đây chỉ cần để vào giường, ả ta đúng là một đứa ngố nếu như ả ta tưởng là có thể đổi thứ mà mọi đàn bà có trên đời này để lấy cái thiên tài vĩ đại mà Armand Gautier có trong đầu.
Họ làm tình với nhau suốt đêm, và mỗi lần Noelle lại giở ra một trò. Gautier chưa từng kinh qua những trò đó bao giờ. Đến sáng, Gautier bảo:
- Nếu anh còn đủ sức thì anh sẽ vận quần áo vào đưa em ra phố ăn sáng.
- Anh cứ nằm đó - Noelle bảo, rồi đi ra tủ quần áo chọn lấy một chiếc áo choàng của ông, mặc vào - Anh cứ nghỉ, em sẽ quay lại ngay.
Ba mươi phút sau, Noelle quay lại, mang theo một khay thức ăn điểm tâm. Trên đó có nước cam mới vắt, một đĩa trứng rán với xúc xích, mấy chiếc bánh sừng bò nóng, phết bơ, lọ mứt và một bình cà phê đen. Bữa ăn thật hết sức ngon miệng.
- Em không ăn gì ư? - Gautier hỏi.
- Không - Noelle lắc đầu. Nàng ngồi trên chiếc ghế xích đu nhìn ông ăn. Nàng trông càng xinh đẹp hơn trong chiếc áo choàng mặc ở nhà của ông, những đường cong ở ngực nổi lên thật đẹp. Mái tóc vàng buông thả trễ tràng.
Armand Gautier đánh giá lại toàn bộ những nhận định của ông về Noelle. Nàng quả là một kho báu thật sự, không phải đàn ông nào cũng dễ dàng làm nàng xiêu đổ ngay được. Tuy nhiên, ông cũng đã từng gặp nhiều kho báu trong cuộc đời kịch trường, vì vậy ông không muốn hao phí thời giờ và tài năng của một đạo diễn cho những loại tài tử nghiệp dư lại có mộng ảo thành minh tinh lao vào sự nghiệp sân khấu, dù cho nàng có đẹp đến mấy có lão luyện trong các ngón chăn gối đến mấy chăng nữa.
Gautier là một con người toàn tâm toàn ý, ông rất coi trọng ngành nghệ thuật của ông. Trước đây ông đã định thoả hiệp, bây giờ ông càng không chịu đầu hàng.
Tối hôm trước, ông định sẽ chỉ chung sống qua một đêm với Noelle, sau đó đến sáng thì để cho nàng khăn gói gió đưa. Nhưng bây giờ khi ông ngồi ăn sáng và quan sát nàng, ông lại cố nghĩ cách làm sao giữ nàng làm bồ bịch cho đến khi nào ông thấy ngán nàng thì mới thôi, tuy nhiên không được khuyến khích nàng mơ ước thành nữ diễn viên. Ông thấy dù sao ông vẫn phải giơ cao một cái bả gì đây. Ông cũng tỏ ra thận trọng theo cách riêng của mình:
- Em sắp lấy Philippe Sorel? - Ông hỏi.
- Đâu có - Noelle đáp - Đấy không phải là điều em muốn.
Đến lúc cần phải rạch ròi, Gautier hỏi:
- Vậy em muốn gì?
Noelle đáp nhỏ nhẹ:
- Em đã nói với anh rồi. Em muốn trở thành diễn viên.
Gautier cắn một chiếc bánh sừng bò nữa, ngây ra một lúc:
- Cũng được - Sau đó ông nói tiếp - Có rất nhiều huấn luyện viên sân khấu tốt, anh sẽ gửi em đến cho họ huấn luyện, Noelle ạ, nếu như em vẫn muốn…
- Không, - Noelle đáp, ngắm ông một cách trìu mến, nồng nàn, như thể nàng sẵn sàng ưng thuận bất kỳ điều gì
Ông nêu ra. Thế nhưng Gautier có cảm giác rằng bên trong nàng là cả một quyết tâm sắt thép. Nàng đã nói "không" bằng đủ mọi kiểu. Nàng chỉ nói bằng một giọng nhẹ nhưng lúc thì tỏ ra giận dữ, lúc lại trách cứ, lúc thất vọng, lúc hờn dỗi. Và bao giờ cũng nhẹ nhàng như không. Điều này càng khiến Gautier khó xử hơn ông tưởng lúc đầu. Đã có lúc Gautier định bảo thẳng với nàng, cũng như ông đã từng nói với hàng chục cô gái hàng tuần, rằng mời nàng đi cho, rằng ông không có thì giờ để phung phí cho cô nàng. Song ông lại nghĩ đến những cảm giác thật lạ lùng mà ông có được trong đêm qua, cho nên ông thấy chỉ có hoạ là điên mới buông nàng ra đi sớm đến vậy. Quả là nàng đáng để
Ông thoả hiệp một chút, chỉ một chút mà thôi.
- Thôi được - Gautier bảo - Anh sẽ trao cho em một kịch bản để em nghiên cứu. Khi nào thuộc rồi, em sẽ đọc lại cho anh nghe, rồi chúng ta thử xem em có được bao nhiêu tài năng. Sau đó chúng ta có thể quyết định cần làm gì để giải quyết cho em.
- Cảm ơn anh Armand!
Nàng nói, giọng nói của nàng không chút nào là đắc thắng, thậm chí đến cả sự mãn nguyện Gautier cũng không tìm ra được. Chẳng qua đó chỉ là một sự thừa nhận trước một điều tất yếu mà thôi. Lần đầu tiên Gautier thoáng một chút nghi ngờ, song tất nhiên điều đó thật là lố bịch. Ông là bậc thầy trong việc điều khiển các phụ nữ cơ mà.
Trong khi Noelle mặc quần áo, Armand Gautier đi vào phòng làm việc với những ngăn giá đầy sách ông liếc nhìn những tập sách quen thuộc, gáy đã sờn để trên các giá sách. Cuối cùng, với một nụ cười rúm ró ông chọn lấy cuốn Andromache của Eripide. Đây là một trong những vở kịch cổ điển rất khó diễn. Ông quay trở lại phòng ngủ và trao vở kịch đó cho Noelle.
- Đây, cưng ạ - Ông nói - Khi nào em nhớ lại một đoạn, chúng ta sẽ trở lại thảo luận với nhau.
- Cám ơn anh Armand. Anh sẽ không phải ân hận gì.
Ông càng nghĩ lại chuyện vừa rồi, ông càng thấy hài lòng trước cái trò tinh quái của ông. Noelle phải mất một, hai tuần lễ mới nhớ được vai của nàng, nhận rằng nàng không thể học thuộc được. Ông sẽ tìm cách an ủi nàng rằng nghệ thuật diễn xuất cũng khó lắm chứ và họ sẽ giữ một quan hệ mà không bị tham vọng của nàng làm vẩn đục Gautier hẹn cùng Noelle sẽ ăn bữa tối hôm đó cùng nhau và nàng ra về.
Khi Noelle trở về căn hộ nàng chung sống với Philippe Sorel nàng thấy ông ta đợi nàng. Ông ta say khướt.
- Đồ khốn nạn - Ông gào lên - Cô đi đâu suốt cả đêm hôm qua.
Nàng muốn nói gì cũng mặc kệ. Sorel biết rằng ông sắp được nghe những lời xin lỗi, ông sẽ quật cho nàng một trận rồi kéo nàng vào giường và tha thứ cho nàng.
- Đi với một người đàn ông khác, Philippe ạ. Tôi trở lại đây để lấy những đồ đạc của tôi.
Trong lúc Sorel đứng ngây ra nhìn, không tin được lời nàng nói thì Noelle đi ngay vào phòng ngủ và bắt đầu xếp dọn quần áo.
- Noelle, hãy vì Chúa - Ông khẩn cầu - Em đừng làm như vậy, chúng ta yêu nhau kia mà. Chúng ta sắp thành hôn với nhau.
Nửa giờ sau ông ra sức hết giảng giải, lại đe doạ rồi mơn trớn, cho đến khi Noelle đóng đồ xong và rời khỏi phòng, Sorel cũng không thể ngờ là ông đã mất nàng bởi lẽ ông cũng không biết là đã bao giờ nàng thuộc về ông chưa.
***
Armand Gautier đang giữa buổi chỉ đạo một vở kịch mới công diễn trong nửa tháng. Suốt cả ngày ông ở nhà hát để tập, ông không còn nghĩ đến những chuyện gì khác cả. Một phần thiên tài của ông chính là sự tập trung đến cao độ mà ông có thể giành cho tác phẩm của mình. Đối với ông không có gì tồn tại ngoài bốn bức tường của nhà hát và các diễn viên ông đang làm việc với họ. Tuy nhiên hôm nay tình hình khác hẳn, Gautier nhận thấy tâm trí mình thường lẩn quẩn hình ảnh của Noelle và cái đêm không thể tin được mà họ đã sống với nhau. Các diễn viên qua một cảnh, họ dừng lại đợi ông cho nhận xét, song đột nhiên Gautier nhận ra mình chẳng chú ý gì từ nãy đến giờ. Ông thấy bực với bản thân, cố tập trung chú ý vào công việc ông đang làm, nhưng hình ảnh tấm thân trần truồng của Noelle cùng với những cảm giác lạ lùng đã đến với ông cứ trở đi trở lại trong óc ông.
Gautier vốn có một đầu óc giàu tính phân tích cho nên ông cố tìm cách lý giải tại sao cô gái này lại gây cho ông ấn tượng như vậy. Noelle xinh đẹp đã đành, nhưng ông đã từng ngủ với một số phụ nữ rất đẹp trên đời. Nàng khéo léo trong chuyện ái ân thì cũng có nhiều phụ nữ khác có kém gì đâu. Nàng dường như thông minh, song cũng không đến nỗi xuất chúng, nhân cách nàng dễ thương song cũng không phức tạp. Vẫn còn một lý do khác nữa, một điều gì đó mà nhà đạo diễn chưa thể chạm ngón tay tới được. Sau đó ông nhớ đến tiếng "không" nhẹ nhàng của nàng và ông cảm thấy đó chính là đầu mối rồi. Trong tiếng nói của nàng có cái sức mạnh không thể cưỡng nổi, nó có thể giành được mọi thứ nàng muốn. Ở nàng, có một chỗ sâu kín không ai đụng tới được. Và cũng như mọi người đàn ông khác trước Gautier, ông có cảm giác rằng mặc dù Noelle đã gây ảnh hưởng đối với ông còn sâu sắc hơn so với việc ông quan tâm để tự thú nhận với bản thân, ông vẫn chưa hề đụng tới được nơi sâu kín nhất của nàng, và đây là một sự thách đố mà bản thân người đàn ông ở ông không chịu lùi bước.
Ngày hôm đó Gautier ở trong một tâm trạng bối rối. Ông mong muốn đến chiều để xem dự đoán của ông ra sao, không phải vì ông muốn ân ái với Noelle mà bởi vì ông muốn tự chứng thực một điều là ông đã xây dựng một lâu đài trên cát. Ông muốn Noelle sẽ khiến ông thất vọng để ông có thể sớm loại cô ra khỏi cuộc đời ông.
Đêm đó trong lúc họ làm tình, Armand Gautier cố tìm cách phát hiện những ngón xảo thuật, mà Noelle giở ra sử dụng để ông nhận thấy trước sau nàng chỉ hành động như một người máy, không có cảm xúc gì cả. Thế nhưng ông đã lầm. Nàng đã hiến dâng cho ông hoàn toàn, triệt để, chỉ mong sao đem lại cho ông niềm hoan lạc mà trước đây ông chưa bao giờ được hưởng và nàng muốn được phát hiện ra sự sung sướng trong ông. Đến sáng thì Gautier hoàn toàn bị nàng thu hút hết tâm trí.
Noelle lại một lần nữa chuẩn bị bữa điểm tâm cho ông, lần này là những chiếc bánh kẹp thịt xông khói và mứt quả, với cà phê nóng. Bữa ăn cũng rất tuyệt vời.
"Thôi cũng được" - Gautier tự nhủ - Thế là mình đã tìm được một con bé vừa trẻ vừa xinh, vừa biết làm tình lại vừa biết làm bếp. Hay lắm! Song đối với con người thơng minh như mình như thế đã đủ chưa nhỉ? Sau khi làm tình và ăn uống xong phải chuyện trò tâm sự chứ. Vậy cô ả sẽ nói được những loại chuyện gì với nhau?". Ông tự an ủi rằng không sao cả.
Không trông thấy cô nhắc gì đến vở kịch. Gautier hy vọng rằng Noelle hoặc đã quên rồi, hoặc không thể nhớ nổi lời thoại trong kịch. Sáng hôm sau nàng ra về, nàng hứa tối hôm đó sẽ đến ăn với ông.
- Cô cũng dứt khỏi Philippe được sao? - Gautier hỏi.
- Em đã bỏ ông ta rồi - Noelle đáp gọn lỏn, rồi nàng đưa cho Gautier địa chỉ mới của nàng.
Ông nhìn nàng trân trân trong giây lát:
- Anh hiểu rồi.
Thật ra ông chẳng hiểu gì cả. Chẳng hiểu một chút nào.
Tối hôm đó họ lại ngủ với nhau. Đúng hơn là chỉ có Gautier nói. Hình như Noelle rất quan tâm đến ông cho nên ông lôi cả những chuyện ông không hề nhắc tới trong nhiều năm qua ra để tâm sự với nàng, cả những chuyện đời tư mà ông chưa hề thổ lộ cùng ai bao giờ. Nàng không nhắc đến vở kịch mà ông đã trao cho nàng. Gautier tự mừng thầm là mình đã tìm ra một cách giải quyết vấn đề đắc sách nhất.
Tối hôm sau, sau khi họ ăn tối xong và chuẩn bị đi ngủ, Gautier đã định quay về phòng ngủ.
- Chưa được - Noelle bảo.
Ông ngạc nhiên quay lại:
- Anh bảo anh sẽ nghe em đọc lời thoại kịch.
- À tất nhiên rồi - Gautier lắp bắp - Khi nào em chuẩn bị xong.
- Em xong rồi.
- Anh không muốn em chỉ đơn thuần đọc vở kịch cherie4 ạ - ông bảo - Anh chỉ muốn nghe em đọc thuộc lòng cơ, có như thế anh mới đánh giá được khả năng làm diễn viên của em được.
- Em đã thuộc rồi - Noelle đáp.
Ông nhìn nàng, không tin. Không thể chỉ trong ba ngày mà nàng có thể thuộc lòng toàn bộ vai của mình được.
- Anh sẵn sàng nghe em chưa nào? - Nàng hỏi.
Armand Gautier không còn cách nào khác đành chấp thuận.
- Tất nhiên rồi - Ông chỉ vào giữa phòng - Đây sẽ là sân khấu của em. Khán giả sẽ ngồi ở đây. Ông ngồi xuống một chiếc tràng kỷ lớn, êm ái.
Noelle bắt đầu vai kịch. Gautier cảm thấy sởn cả gai ốc một nét đặc điểm riêng của ông mỗi khi ông gặp một tài năng đích thực. Noelle chưa phải là loại điêu luyện. Còn lâu mới được như vậy. Các động tác và nét mặt của nàng vẫn còn bộc lộ sự non nớt. Song nàng có được một phẩm chất còn hơn cả những kỹ năng đơn thuần: tức là nàng có được sự chân thực hiếm có, một tài năng tự nhiên khiến cho mỗi một dòng chữ nàng phô diễn mang một ý nghĩa và màu sắc tươi mát.
Khi Noelle kết thúc cuộc độc thoại, Gautier vồn vã:
- Theo anh, sẽ đến một ngày nào đó em trở thành một diễn viên xuất chúng, Noelle ạ. Anh nói thực đấy. Anh sẽ gửi em tới chỗ Georges Faber, ông ta là một chuyên gia đào đạo diễn viên xuất sắc nhất của toàn nước Pháp. Làm việc với ông ta, em sẽ…
- Không.
Ông ngạc nhiên, nhìn nàng. Vẫn tiếng "không" nhẹ êm đó. Dứt khoát, thẳng thừng.
- Không cái gì? - Gautier lúng túng hỏi lại - Faber chỉ nhận những diễn viên xuất sắc thôi. Song ông ta sẽ nhận em vì anh sẽ có lời thỉnh cầu ông ta.
- Em sẽ làm việc với anh - Noelle bảo.
Gautier cảm thấy cơn giận bừng lên:
- Anh không đào luyện ai bao giờ - Ông giật giọng - Anh không phải là giáo viên. Anh chỉ làm đạo diễn cho các diễn viên chuyên nghiệp - ông có ghìm cơn giận để không lộ ra giọng nói - em hiểu không?
- Vâng, em hiểu anh Armand ạ, - Noelle gật đầu. - Thôi cũng được.
Ông xiêu lòng, ôm choàng lấy Noelle trong đôi cánh tay và nhận được ở nàng một cái hôn đằm thắm. Ông nhận thấy những băn khoăn của ông trước đây là không cần thiết. Cũng như mọi phụ nữ khác, nàng cần phải có được một người chế ngự. Ông sẽ không gây khó dễ với nàng nữa.
Đêm đó họ thắm thiết hơn bất kỳ một lần nào trước đây, có lẽ - Gautier nghĩ, một phần là vì cuộc xô xát nhỏ giữa hai người vừa rồi đã gây thêm hứng khởi.
Đang đêm ông bảo với nàng:
- Em nhất định sẽ trở thành một diễn viên xuất chúng, Noelle ạ. Anh sẽ vô cùng tự hào vì em đấy.
- Cảm ơn anh Armand - Nàng thì thào.
Noelle lại chuẩn bị bữa điểm tâm sáng cho Gautier, và ông lại ra nhà hát. Trong ngày hôm đó ông phôn cho Noele, nhưng nàng không trả lời và đêm đó lúc ông về đến nhà thì không thấy nàng đâu. Gautier đợi nàng quay về, nàng cũng chẳng xuất hiện khiến ông phải nằm thức trắng suốt đêm lo lắng không biết nàng có gặp nạn gì không. Ông cố tìm cách gọi điện thoại cho Noelle về căn hộ của nàng, song vẫn không thấy hồi âm. Ông đã gửi một bức điện đến cho nàng, song không thấy ai nhận và khi ông đi theo dõi diễn tập về ghé qua chỗ ở của nàng, ông nhấn chuông, song không thấy ai ra mở cửa.
Suốt một tuần tiếp sau đó, Gautier tưởng phát điên lên được. Các buổi diễn tập trở nên hỗn loạn. Ông quát mắng tất cả các diễn viên khiến họ nản quá. Người quản lý sân khấu của ông đã phải nêu đề nghị cho họ ngừng tập một ngày và Gautier đồng ý ngay lập tức.
Sau khi các diễn viên ra về, ông ngồi lại một mình trên sân khấu, cố lý giải xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
Ông tự nhủ rằng Noelle chẳng qua chỉ là một người đàn bà, một cô gái tóc vàng rẻ tiền, đầy tham vọng, tâm hồn chỉ là tâm hồn của một cô gái bán hàng, thế mà cứ đòi làm thượng thặng. Ông tìm hết cách hạ thấp nàng, thế nhưng cuối cùng ông thấy việc làm ấy thật vô tích sự. Ông cần phải có nàng. Đêm hôm đó ông đã đi lang thang trên đường phố Paris, ông đã uống say khướt tại những quán nhỏ nơi người ta không biết ông là ai. Ông cố tìm hết cách để tiếp xúc với Noelle, nhưng đều vô ích. Ông không tìm được một ai để hỏi han về nàng, trừ Philippe Sorel ra, song tất nhiên, không thể nhắc đến chuyện đó được.
Một tuần, sau khi Noelle đã biến mất tăm, lúc bốn giờ sáng Armand Gautier say khướt, mở cửa, bước vào phòng khách. Các ngọn đèn đều sáng trưng. Noelle đang ngồi thù lù trên một chiếc ghế bành, nàng mặc một chiếc áo choàng của ông và đang chăm chú đọc sách. Khi ông bước vào, nàng mỉm cười, ngước lên.
- Chào anh Armand!
Gautier nhình nàng chằm chằm, tim ông đập dồn, một cảm xúc thoải mái và vui sướng không cùng tràn ngập trong lòng. Ông nói ngay.
- Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu làm việc cùng nhau.

Chú thích:
1 siêu nhân tiếng Đức
2 Hy sinh vì nước Đức.
3 Điên rồ tiếng Pháp.
4 Cưng tiếng Pháp


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/