22/3/13

Sao chiếu mệnh (C8-10)

Chương 8

Howard Keller được trao đôi găng và bộ đồng phục cầu thủ bóng chày năm lên sáu tuổi. Howard mê bóng chày. Cậu có biệt tài nhớ tên các cầu thủ và bàn thắng thua của họ trong những trận đấu xảy ra từ trước khi cậu ra đời. Cậu được khá nhiều tiền do thắng những trận đánh đố giữa các bạn học.
Chẳng hạn câu đố:
- Trận chung kết bóng chày toàn nước Mỹ năm 1947?
- Dễ ợt, - Howard nói. - Cầu thủ: Newcombe, Roe, Hatten và Branca bên đội Dodgers. Reynolds, Raschi, Byrne và Lopat bên đội Yankees.
- Đúng, - một bạn đố thêm: - Ai đạt nhiều điểm nhất trong lịch sử bóng chày? - Cậu ta cầm cuốn Guinees trong tay, mở mục kỷ lục về bóng chày ra kiểm tra.
Howard không thèm suy nghĩ nói luôn:
- Lou Gehrig: 2.130 điểm.
Tiếng đồn lan truyền rất rộng về thành tích bóng chày của đội nhi đồng này, đặc biệt là của "thần đồng" Howard Keller. Danh tiếng vang dội đến tai những hướng đạo sinh chuyên nghiệp và họ tìm đến tận sân bóng nhi đồng ở Chicago để xem thực hư thế nào. Và họ đã thật sự kinh ngạc.
Năm Howard mười bảy tuổi thì anh đã thành một tiểu danh thủ đầy triển vọng với bao lời tiên đoán về vị trí ngôi sao trong làng bóng chày nước Mỹ. Cha anh rất tự hào về con trai.
- Nó giống tôi đấy. Hồi còn ở tuổi thiếu niên tôi cũng chơi bóng chày rất giỏi.
Trong năm học cuối cùng ở trường trung học, Howard chơi cho đội tuyển của thành phố và được tài trợ của Liên đoàn bóng chày Hoa Kỳ, suốt cả mùa hè. Anh còn được nhận làm chân thư ký cho nhà băng, chủ là một người hào hiệp và mê bóng chầy, chuyên tài trợ cho các đội bóng có triển vọng.
Hồi ấy Howard thân với cô bạn xinh đẹp cùng lớp tên là Betty Quinlan. Họ dự tính sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm lễ thành hôn. Betty cũng rất mê bóng chầy và Howard có thể nói chuyện với người yêu hết tiếng đồng hồ này sang tiếng đồng hồ khác về môn thể thao này.
Betty thích bóng chầy nhưng không đến nỗi có thể nghe Howard nói liên miên và say sưa như thế được. Nhưng vì yêu anh nên cô chịu lắng nghe. Tuy nhiên, câu chuyện của Howard còn kèm thêm nhiều giai thoại lý thú về bóng chầy và các cầu thủ của nó, cho nên đôi khi cũng thật hào hứng.
Một hôm Howard về nhà cùng với người bạn trai thân nhất cửa anh tên là Jessy, cũng là cầu thủ trong đội ở nhà đã sẵn hai lá thư đang chờ anh. Một lá của trường đại học Princeton và một của trường Harvard. Cả hai trường đều nhận cấp học bổng cho anh vào học và tham gia đội bóng chày của trường.
- Lạy Chúa! - Jessy reo lên, mừng cho bạn. - Chúc mừng cậu, Howard! Tuyệt quá rồi! - Jessy rất khâm phục và yêu mến bạn.
Cha Howard hỏi con trai:
- Con thích nhận lời của trường Đại học nào trong hai trường ấy?
- Con học đại học làm gì? Con có thể tham gia một trong những đội bóng chày xuất sắc nhất của Hoa Kỳ.
Mẹ anh nói:
- Con còn trẻ, còn nhiều thời gian để chơi bóng và trở thành danh thủ. Nhưng trước hết con phải tốt nghiệp đại học đã. Khi đó, nếu không thành đại danh thủ bóng chầy con cũng tha hồ tìm công việc khác để làm.
- Mẹ nói đúng, - Howard nói. - Vậy thì con chọn đại học Harvard. Betty học ở Wellesley và hai chúng con sẽ có điều kiện gặp nhau luôn.
Betty Quinlan rất mừng nghe Howard báo tin là anh đã quyết định chọn đại học Harvard.
- Nếu vậy thì kỳ nghỉ cuối tuần nào hai chúng mình cũng sẽ gặp nhau.
Còn Jessy thì nhăn nhó:
- Vậy là mình phải xa cậu mất rồi, Howard.
Hôm sau, cái ngày lẽ ra Howard Keller lên trường đại học thì hôm trước cha anh bỏ nhà đi cùng với cô nữ thư ký của một trong những sếp của ông.
Howard rất đỗi kinh ngạc.
- Tại sao cha lại làm như thế?
Mẹ anh choáng váng.
- Ông ấy. Ông ấy muốn thay đổi cuộc sống, - bà rên rỉ. - Cha vẫn yêu mẹ đến thế kia mà, tại sao có thể xảy ra chuyện này được? Mẹ tin cha chỉ đi ít ngày thôi, rồi sẽ lại trở về nhà với mẹ con mình. Rồi con sẽ thấy, Howard…
Hôm sau mẹ anh nhận được thư của một luật sư báo tin là khách hàng của ông, Howard Sr. Keller đã đệ đơn li hôn và vì ông không có khả năng chu cấp cho vợ con, ông đề nghị nhường quyền hoàn toàn sử dụng ngôi nhà nhỏ hiện bà đang ở cho bà và con trai.
Howard ôm và đỡ mẹ trong vòng tay anh, thương xót.
- Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ yên tâm, con không đi học đâu. Con sẽ ở nhà chăm sóc mẹ.
- Không. Mẹ muốn con phải đi. Con phải tốt nghiệp đại học. Ngay khi sinh con, cả cha lẫn mẹ đều bàn nhau là bằng mọi giá con phải tốt nghiệp đại học… - rồi bà lấy giọng thanh thản, nói tiếp. - Thôi, chuyện này sáng mai ta sẽ bàn. Lúc này mẹ rất mệt, mẹ cần phải đi nghỉ.
Đêm hôm đó Howard thức trắng, suy nghĩ xem nên làm thế nào, chọn hướng nào trong hai hướng đi ấy ở nhà chăm sóc mẹ hay học đại học? Hay là nhận lời tham gia đội bóng chày lớn để trở thành danh thủ sau này? Tuy nhiên anh thấy bổn phận làm con không cho phép anh bỏ mẹ lại một mình ở đây không ai chăm sóc. Trời đã sáng mà Howard vẫn còn phân vân.
Không thấy mẹ xuống nhà ăn điểm tâm. Howard vội chạy lên tìm thì thấy bà ngồi tựa lưng vào thành giường, không cử động được và một bên mặt méo xệch. Bà vừa bị xuất huyết não. Không có tiền để trả bác sĩ và tiền phòng bệnh viện, Howard đành nhận vào làm chính thức ở nhà băng. Hàng ngày ở nhà băng về, việc đầu tiên của anh là chạy lên gác xem mẹ thế nào.
Xuất huyết não của mẹ anh không trầm trọng lắm bác sĩ bảo Howard rằng ít lâu nữa mẹ anh sẽ bình phục. Các đội bóng lớn vẫn liên tiếp gọi điện giục anh đến gặp họ và gia nhập đội của họ, nhưng Howard không thể bỏ mặc mẹ được. Anh tự nhủ: Để bao giờ mẹ hồi phục đuợc đã.
Hoá đơn thuốc vẫn cứ mỗi ngày một nhiều thêm.
Thời gian đầu mỗi tuần anh nói chuyện điện thoại một lần với Betty Quinlan, nhưng rồi những lần trò chuyện điện thoại như thế cứ thưa dần.
Mẹ Howard xem chừng không thấy khá hơn. Howard lo lắng hỏi bác sĩ:
- Bao giờ thì mẹ cháu hồi phục hoàn toàn?
- Trường hợp của bà rất khó đoán trước. Có thể hàng tháng mà cũng có thể hàng năm. tôi rất tiếc là không thể nói chính xác với cậu được.
Một năm trôi qua rồi lại năm nữa. Howard vẫn ở nhà với mẹ và làm thư ký cho nhà băng. Một hôm anh nhận được thư của Betty Quinlan báo tin cô đã yêu người khác và cô chúc mẹ anh chóng phục hồi sức khỏe. Những cú điện thoại của các nhà tài trợ môn bóng chầy cũng thưa dần.
Bây giờ Howard hoàn toàn chỉ tập trung vào việc chăm sóc mẹ. Anh đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Anh không còn bụng dạ nào nghĩ đến bóng chầy. Cuộc sống khó khăn và anh phải vất vả mới sống được qua ngày.
Đến khi mẹ anh mất, sau đấy bốn năm, Howard hoàn toàn không quan tâm gì đến bóng chầy nữa.
Bây giờ anh đã thành chuyên gia ngân hàng.
Bao cơ hội nổi danh của anh đều đã trôi qua và niềm mơ ước thuở nhỏ đã tan thành mây khói.


Chương 9

Howard Keller và Lara Cameron đang ngồi ăn tối.
- Ta sẽ bắt đầu công việc như thế nào? - Lara hỏi.
- Trước tiên ta tìm một công ty xây dựng tốt nhất, dù đắt bao nhiêu cũng cố. Sau đấy ta thuê một luật sư chuyên về bất động sản để thảo bản hợp đồng với hai anh em nhà Diamond. Tiếp đó ta tìm một kiến trúc sư loại giỏi nhất. Tôi có biết một người như thế.
- Tôi đã phác tính rồi. Giá rẻ nhất cũng phải ba trăm ngàn đôla một phòng khách sạn. Nếu tôi tính toán đúng thì mọi việc sẽ trôi chảy.
Kiến trúc sư tên là Ted Tuttle. Khi nghe Lara trình bầy ý đồ xong, ông nhe răng cười, vui vẻ nói:
- Tuyệt vời. Tôi đã mơ ước từ lâu là gặp được ai đó có ý đồ lý thú kiểu thế này để tôi đi theo.
Mười ngày sau, ông đưa nàng bản vẽ. Có tất cả những điều Lara mong muốn.
- Hiện nay khách sạn có một trăm hai mươi lăm phòng, - ông kiến trúc sư nói. - Như cô thấy đây, tôi tạo lại thành bẩy mươi lăm dẫy phòng khép kín, tức là chỉ còn bẩy mươi lăm chìa khoá, đúng như cô yêu cầu.
Trong bản vẽ có năm chục dẫy phòng khép kín và hai mươi lăm phòng loại thượng hạng.
- Tuyệt vời, - Lara nói.
Nàng đưa Howard Keller xem bản vẽ, anh cũng rất mừng.
- Bây giờ ta đến gặp người thầu. Tên ông ta là Steve Rice.
Steve Rice là thầu khoán xây dựng lớn nhất của thành phố Chicago. Lara thấy mến ông ta ngay. Đó là con người thực dụng, tác phong thô thiển.
- Howard Keller nói với tôi ông là nhà thầu xây dựng số một của thành phố.
- Đúng thế, - Rice nói. - Khẩu hiệu của chúng tôi là "Xây cất cho thế hệ tương lai".
- Đấy là một khẩu hiệu rất hay.
Rice nhe răng cười.
- Tôi đang thực hiện cái khẩu hiệu đó.
***
Bước đầu tiên là biến bản vẽ toàn bộ toà nhà thành những bản vẽ chi tiết từng bộ phận. Những bản vẽ này được giao cho các kỹ sư xây dựng phụ trách từng đội, các chuyên gia về gạch, về trang bị, về điện, nước. Tất cả có sáu chục kỹ sư được huy động vào công trình này.
Ngày khởi công đã đến, Howard Keller mời Lara một bữa trưa để ăn mừng.
- Nhà băng có phiền về chuyện thời gian này anh ít đến đó không? - Lara hỏi.
- Không, - Howard nói dối. - Đấy chỉ là một phần công việc của tôi.
Thật ra thời gian này anh thấy sung sướng hơn bất cứ quãng thời gian nào trước đây trong cuộc đời anh. Howard thích ở bên Lara, thích trò chuyện với nàng, nhìn vào nàng. Anh băn khoăn không biết nàng có nghĩ gì đến chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân không?
Lara nói:
- Tôi đọc báo sáng nay thấy đăng tin Toà cao ốc Sear sắp hoàn tất, có một trăm mười tầng. Toà cao ốc cao nhất thế giới.
- Đúng thế, - Howard nói.
Lara nghiêm mặt nói: "Sẽ có ngày tôi xây một cao ốc cao hơn thế, anh Howard ạ".
Howard tin nàng.
Họ ngồi ăn với Steve Rice tại một nhà hàng Whitehall.
- Ông cho biết sắp tới sẽ là gì? - Lara hỏi.
- Được - Rice đáp. - Việc đầu tiên, chúng tôi dọn sạch toàn bộ bên trong toà nhà. Chúng tôi vẫn giữ nguyên phần lát đá cẩm thạch. Rồi chúng tôi gỡ tất cả các cửa sổ và làm các buồng tắm. Chúng tôi đã giao cho đội thợ điện lắp hệ thống dây dẫn và đội ống nước làm phần việc của họ. Khi phần dỡ bỏ đã xong, chúng tôi mới bắt tay vào xây.
- Tất cả có bao nhiêu người làm việc trên công trường này?
Rice bật cười:
- Khó nói lắm, cô Cameron. Rất nhiều tổ. Tổ làm cửa sổ, tổ làm buồng tắm, tổ làm hành lang. Mỗi tầng đều có đủ những tổ như thế và chúng ta có tám tầng tất cả. Theo bản vẽ, khách sạn sẽ có hai phòng ăn lớn và một văn phòng điều hành.
- Bao lâu thì hoàn thành?
- Nếu tính cả trang bị và trang trí nội thất thì phải mười tám tháng.
- Tôi sẽ thưởng ông một khoản, nếu ông hoàn thành trong vòng một năm, - Lara nói.
- Được thôi, khách sạn Congressional sẽ…
- Tôi định đổi tên là khách sạn Cameron Palace, - khi nói câu này, nàng thấy trong lòng trào lên một niềm xúc động lạ kỳ, niềm xúc động giống như một nỗi thèm khát tình dục. Vậy là tên nàng sẽ được trưng ra cho mọi người nhìn thấy.
Vào sáu giờ sáng một ngày mưa, công trường cải tạo khách sạn được khởi công. Lara hớn hở bước đến, ngắm những người thợ tập trung trong phòng khách và bắt đầu phân công việc.
Nàng sửng sốt thấy Howard Keller cũ ng đến.
- Anh cũng dậy sớm thế à? - Lara nói.
Đêm qua tôi không ngủ được, - Howard cười. - Tôi có cảm giác là hôm nay, một cái gì mới mẻ bắt đầu xuất hiện.
***
Mười hai tháng sau, khách sạn Cameron Palace làm lễ khánh thành với sự có mặt của một số ít ỏi nhà báo và nhà kinh doanh.
Phóng viên về mục kiến trúc của tờ Chicago Tribune viết: "Cuối cùng thành phố Chicago đã có một khách sạn được xây cất theo phương châm: "Đây là nhà của quý khách khi phải xa gia đình. Lara Cameron là một người quan tâm đến…".
Không đầy một tháng, khách sạn đã kín khách và số khách đăng ký trước đã đầy cả một bảng danh sách dài.
Howard Kelìer rất phấn khởi:
- Cứ đà này, - anh nói, - khách sạn sẽ hoàn lại vốn trong vòng mười hai năm. Thật là tuyệt diệu, cô Lara ạ. Chúng ta…
- Chưa đủ đâu, - Lara ngắt lời anh. - Tôi sẽ tăng giá phòng, - nàng thấy Howard lộ vẻ băn khoăn.
- Anh không lo. Họ sẽ trả thôi. Khách sạn nào có đầy đủ tiện nghi như ở đây? Lò sưởi đốt lửa, phòng tắm hơi, đàn piano?
***
Hai tuần sau khi khách sạn Cameron Palace mở cửa đón khách, Lara có một cuộc họp với Bob Vance và Howard Keller.
- Tôi lại tìm thấy một địa điểm khác rất đẹp để xây khách sạn, - nàng nói, - Giống như Cameron Palace nhưng to hơn và đẹp hơn.
Howard cười:
- Cho tôi đến xem.
- Khoảnh đất tuyệt đẹp, nhưng gặp khó khăn.
- Quý cô đến chậm mất rồi, - người môi giới bất động sản nói với nàng. - Một nhà kinh doanh bất động sản tên là Steve Murchison sáng nay đã đến đây hỏi tậu. Ông ta sẽ mua.
- Ông ta trả giá bao nhiêu?
- Ba triệu.
- Tôi trả ông bốn triệu. Ông làm giấy tờ đi.
Người môi giới chỉ hơi do dự một chút.
- Vâng, được.
Chiều hôm sau Lara nhận được một cú điện thoại.
- Lara Cameron?
- Vâng, tôi đây.
- Tôi là Steve Murchison. Lần này ta để yên cho mi, bởi ta chưa biết mi định làm cái trò gì. Nhưng lần sau thì hãy cẩn thận: đừng có ngáng đường ta, mi sẽ phải ân hận đấy.
Và liền sau đấy y bỏ máy.
***
Đó là năm 1974. Trên thế giới xẩy ra một loạt sự kiện quan trọng và dồn dập. Tổng thống Nixon từ chức để tránh khỏi phải ra toà. Geral Ford bước vào Nhà Trắng. OPEC chấm dứt phong toả dầu lửa và Isabel Peron trở thành tổng thống Achentina.
Tại thành phố Chicago, Lara đã bắt đầu xây cất toà nhà khách sạn thứ hai của nàng: khách sạn Chicago Cameron Plaza. Mười tám tháng sau, việc xây cất được hoàn tất, còn thành công hơn cả khách sạn Cameron Palace. Sau đó Lara không ngừng lại nữa.
Như báo Forbes sau này viết: "Lara Cameron là một hiện tượng. Những cách tân của bà làm thay đôỉ quan niệm xuả nay về khách sạn. Bà Cameron đã phá vỡ định kiên, coi kinh doanh bất động sản là lĩnh vực của nam giới và bà chứng tỏ rằng phụ nữ có thể làm tốt hơn".
Lara nhận được một cú điện thoại của Charles Cohn.
- Chúc mừng cô, cô Lara! - ông nói. - Tôi rất tự hào về cô. Trước đây tôi chưa có học trò nào thành đạt đến như cô.
- Trước đây cháu cũng chưa có người thầy nào giỏi và tận tình như chú, chú Charles kính yêu. Không có chú giúp đỡ khuyên bảo, tất cả những gì cháu đạt được đều không thể có.
- Cô đã tìm ra được con đường cô đi, - Charles Cohn nói.
***
Năm 1975, bộ phim Hàm cá mập lan tràn khắp. nước Mỹ và người ta ngừng ra bãi biển nghỉ. Dân số thế giới đã vượt quá con số bốn tỷ và bị hụt đi mất một người trong số đó là ứng cử viên tổng thống James Hoffa đột nhiên mất tích. Khi nghe thấy dân số thếgiới lên đến con số đó. Lara bảo Howard Keller:
- Anh có thấy nhu cầu ở của nhân loạì sẽ tăng đến mức nào không?
Howard không tin đó là câu hỏi đùa.
***
Sau ba tháng tiếp đó, hai toà nhà cư xá và một toà nhà nhiều căn hộ độc lập được xây dựng xong.
- Sắp tới tôi định xây một toà nhà dùng cho văn phòng các doanh nghiệp, - Lara nói với Howard, - ngay giữa quảng trường, nơi các đường giao thông chụm lại.
- Địa điểm đó đẹp đấy và đang được rao bán, Howard Keller nói. - Nếu cô thích chúng tôi sẽ cấp vốn cho cô.
Chiều hôm đó hai người đến xem vị trí. Khu đất nằm ngay trên bờ biển, trong một khu sang trọng.
- Khu đất này giá bao nhiêu? - Lara hỏi.
- Tôi đoán khoảng một trăm hai mươi triệu đôla.
Lara nuốt nước bọt.
- Khiếp nhỉ!
- Lara, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phương châm là vay.
Tiền người khác, Lara thầm nghĩ. Đó là điều ông già Bill Rogers đã căn dặn nàng hồi ở Glace Bay, khi nàng còn quản lý nhà trọ của lão già khốn nạn Sean McAllister. Từ đó đến nay đã bao nhiêu thời gian trôi qua và bao nhiêu điều xảy ra. Đấy chỉ là bước khởi đầu, nàng thầm nghĩ. Chỉ là bước khởi đầu.
- Một số nhà kinh doanh bất động sản, xây cất nhà cửa trong lúc trong tay không có một đồng nào thật sự của họ.
- Tôi có nghe.
- Vấn đề làm đem toà nhà của mình cho thuê hoặc bán, lấy tiền trả khoản đã vay và còn dư lại một khoản nữa. Dùng khoản này tậu tiếp khoảnh đất khác và xây, thiếu đến đâu lại vay đến đó. Xây xong lại cho thuê hoặc bán đi và xây tiếp cái khác. Hình dung giống như một kim tự tháp lộn ngược: kim tự tháp của nghề kinh doanh bất động sản. Từ dưới chân là chẳng có gì, càng lên càng lớn dần. Cho nên cô có thể xây những toà nhà hết sức lớn bằng số vốn ban đầu hết sức nhỏ.
- Tôi hiểu, Lara nói.
- Nhưng tất nhiên cô phải vô cùng thận trọng Kim tự tháp ấy được xây bằng giấy: những bản thế chấp. Nếu như sai lệch chỉ một chút thôi, chẳng hạn tiền lãi một lần xây cất nào đó không đủ để trang trải khoản nợ vay thì mọi sự nghiệp đổ vỡ hết. Bởi đây là kim tự tháp dựng ngược, chỏm của nó ở dưới.
- Tôi hiểu, - Lara nói.
- Đi sai một bước là tan cuộc đời.
- Đúng thế. Vậy bây giờ tôi phải làm thế nào để có khoảnh đất ven biển kia?
Chúng tôi sẽ liên doanh với cô. Để tôi bàn với Bob Vance. Nếu nhà băng chúng tôi không đủ sức, cô có thể tìm đến các công ty bảo hiểm để vay. Cô sẽ vay năm chục triệu đôla, tiền thế chấp là năm triệu cộng với lãi suất mười phân mỗi năm, rồi tiền khấu hao trên tài sản thế chấp và họ sẽ trở thành người chung vốn với cô. Sau này họ sẽ lấy mười phần trăm số lợi nhuận của cô, nhưng cô thành chủ toà nhà và được tài trợ đầy đủ. Cô có thể yêu cầu trả lại khoản tiền của cô và giữ mười phần trăm số tối thiểu. Bởi các chủ tài chính không đời nào chịu lỗ và bao giờ họ cũng phải nắm đằng chuôi.
Lara lắng nghe và cố ghi nhớ từng lời.
- Anh chịu đi cùng với tôi xa như thế sao, Howard?
- Đúng thế.
- Trong vòng năm hoặc sáu năm, sau khi toà nhà xây xong, và đã đầy đủ người thuê các căn hộ trong đó, cô có thể bán cả toà nhà ấy đi. Nểu như bán được bẩy mươi nhăm triệu, trả hết phần đã vay, cô vẫn còn được cầm tay mười hai triệu rưỡi đôla. Chưa kể cô còn được hưởng khoảng tám triệu do giảm thuế lợi tức. Và cô có thêm được mười triệu đôla nữa.
- Tuyệt vời, - Lara reo lên.
Howard cười:
- Chính phủ đang cần cô kiếm tiền.
- Anh có muốn kiếm thêm ít tiền cho riêng anh không, Howard?
- Nghĩa là sao?
- Anh chịu làm việc cho tôi chẳng hạn.
Howard đột nhiên mất hứng. Anh biết rằng đang đứng trước một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời anh. Không phải tiền. Đó là Lara. Anh đã mê nàng. Anh đang chưa biết thổ lộ cách nào với nàng. Đã bao đêm anh tập dượt cách nói với nàng lời cầu hôn, nhưng sáng hôm sau, khi gặp nàng, anh lại chưa dám mở miệng.
Đã có lần anh đánh bạo, lấy hết dũng cảm nói:
- Lara, tôi yêu cô…
Thì không đợi anh nói thêm, Lara đã hôn ngay vào má anh và nói:
- Tôi cũng yêu anh, Howard! Anh xem lịch làm việc này thế nào?
Và thế là anh tan hết can đảm để nói tiếp những lời đã cân nhắc kỹ càng đêm hôm trước.
Bây giờ nàng lại mời anh làm người chung vốn.
Howard sẽ luôn luôn bên cạnh nàng, hàng ngày làm việc với nàng, nhưng không bao giờ có thể đụng chạm được vào người nàng, được…
- Anh có tin tôi không, Howard?
- Có là kẻ điên tôi mới không tin cô.
- Tôi sẽ trả anh lương gấp đôi so với lương của nhà băng trả anh hiện nay và anh sẽ hưởng thêm năm phần trăm lời lãi của công ty chúng ta.
- Để tôi nghĩ xem đã.
- Có gì phải suy nghĩ đâu nhỉ? Đúng không nào?
Howard cân nhắc:
- Tôi muốn… tôi không nghĩ lại là người chung vốn của cô.
Lara ôm nhẹ lấy anh.
- Ôi, nếu hai chúng ta canh ti thì tuyệt vời biết bao. Anh và tôi, chúng ta sẽ xây lên những toà nhà diệu kỳ. Hiện xung quanh đang còn bỉết bao ngôi nhà xấu xí. Không có lý gì cứ để chúng tồn tại như thế. Mỗi toà nhà chúng ta xây nên góp phần vào làm đẹp thêm thành phố này.
Howard đặt tay lên tay nàng:
- Cô đừng bao giờ thay đổi nhé, Lara?
Nàng nhìn thẳng vào mắt anh:
- Không bao giờ.

Chương 10


Những năm cuối của thập kỷ 70 là những năm của sự phát triển, đổi thay và có nhiều sự kiện đáng chú ý. Năm 1976 Israel tấn công vào Entebble. Mao Trạch Đông qua đời. James Carter được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ.
Lara lại khánh thành một toà nhà lớn nữa.
Năm 1977 Charlie Chaplin chết và Presley Elvis, vua nhạc rốc hấp hối.
Lara cắt băng khánh thành toà nhà thương mại lớn nhất thành phố Chicago.
Năm 1978 Giáo chủ Jim Jones và chín trăm mười một đạo hữu của ông tự tử tập thể tại Guyana. Hoa Kỳ công nhận nước Trung Hoa Cộng sản. Hiệp ước về kênh đào Panama được phê chuẩn.
Lara xây một loạt nhà cao ốc trong khu công viên Rogers.
Năm 1979 Israel và Ai Cập ký hoà ước tại Trại David. Có một tai nạn hạt nhân tại đảo Three Mili. Tổ chức Hồi giáo cực đoan bắt cóc toàn bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iran làm con tin.
Lara xây toà cao ốc "chọc trời" và một câu lạc bộ nông thôn, một khu nghỉ mát tuyệt đẹp ở Deerfield, phía Bắc Chicago.
***
Lara hiếm khi xuất hiện ngoài xã hội và nếu có thì thường là đến các câu lạc bộ nhạc Jazz. Nàng hay đến Andy, câu lạc bộ thường có những ban nhạc Jazz nổi tiếng nhất biểu diễn. Nàng thích nghe Von Freeman, cây kèn saxo độc đáo, nghe Eric Schneider, Anthony và nghe tiếng đàn piano của Hodes.
Nàng không có thời giờ để cảm thấy cô đơn. Lúc nào nàng cũng gần gũi với gia đình, mà gia đình của nàng là các kiến trúc sư và các nhà xây dựng, các kíp thợ mộc, thợ nề, thợ điện, thợ làm ống nước… Nàng lúc nào cũng bị ám ảnh vào công việc xây cất. Sàn biểu diễn của nàng là thành phố Chicago và nàng là ngôi sao trên đó. Cuộc sống nghề nghiệp của Lara đẩy nàng vượt quá cả những ước mơ táo tợn nhất, nhưng nàng không có "đời tư". Cuộc làm tình khủng khiếp với lão chủ nhà băng Sean McAllister ngày xưa đã dập tắt mọi nhu cầu về xác thịt trong nàng. Và nàng cũng chưa gặp được người đàn ông nào khiến nàng cảm mến được quá một ngày.
Trong đáy sâu đầu óc của Lara thấp thoáng bóng dáng không rõ nét của một người nào đó mà nàng đã có lần gặp và muốn gặp lại. Nhưng nàng không sao nhớ được người ấy là ai. Thỉnh thoảng cái bóng hình mờ ảo ấy hiện ra trong trí óc và nàng chưa kịp nhận biết thì nó đã biến mất. Có rất nhiều người theo đuổi nàng. Họ thuộc đủ loại, từ những nhà điều hành doanh nghiệp đến các nhà tư bản dầu lửa và… đến cả các nhà thơ. Thậm chí cả một số nhân viên làm việc trong công ty của nàng. Lara luôn vui vẻ niềm nở với cánh mày râu, nhưng chưa bao giờ nàng cho phép mối quan hệ với ai vượt quá câu chào "Chúc ngủ ngon" và cái bắt tay ngoài cửa.
Nhưng rồi Lara chợt thấy nàng có cảm tình với Pete Ryan, người giám đốc thi công một trong những toà nhà của nàng. Anh là chàng trai có giọng nói Ailen và một nụ cười dễ thương. Lara bắt đầu năng đến xem đồ án anh đang nghiên cứu. Họ gặp nhau ngày càng nhiều hơn. Tuy bàn chuyện xây dựng nhưng trong thâm tâm cả hai đều biết họ đang nói chuyện hoàn toàn khác.
- Cô có đi ăn tối với tôi được không, Lara? - Ryan hỏi. Chữ "ăn tối" hơi kéo dài một chút.
Lara thấy tim mình như nhẩy thót một cái.
- Được.
Ryan đến đón tại nhà riêng của nàng, nhưng họ không đi ăn.
- Lạy Chúa, cô đẹp quá, Lara! - Ryan nói và hai cánh tay lực lưỡng của anh ôm ghì lấy nàng.
Nàng đã sẵn sàng đón đợi anh. Họ "tìm hiểu" nhau đã hàng mấy tháng trời. Ryan nhấc bổng nàng lên, bế vào phòng ngủ. Họ cùng cởi quần áo, vội vã.
Chàng có một thân hình thon thả, chắc nịch và Lara bỗng nhớ lại tấm thân béo xệ và mềm nhẽo của lão Sean McAllister ở Glace Bay năm nào.
Lát sau nàng đã ngả mình xuống giường và Ryan nằm lên trên nàng, bàn tay và lưỡi dạo lướt trên khắp thân thể nàng. Nàng kêu lên vì niềm sung sướng trào dâng vừa đột ngột vừa dữ dội.
Khi đã xong cuộc tình, họ nằm trong vòng tay nhau.
- Lạy Chúa! - Ryan âu yếm nói. - Em quả là cô gái kỳ diệu.
- Anh cũng là chàng trai kỳ diệu, - Lara thì thào.
Nàng không thể nhớ được là trên đời đã có lần nào nàng được hưởng niềm sung sướng như thế này.
Ryan là toàn bộ những gì nàng cần thiết. Chàng thông minh và cuồng nhiệt. Và họ hoàn toàn hiểu nhau. Họ nói với nhau bằng cùng một thứ ngôn ngữ.
Ryan nắm chặt bàn tay Lara.
- Anh thấy đói.
- Em cũng vậy. Để em làm vài chiếc xăng đuých.
- Tối mai, - Ryan hứa. - Anh sẽ đưa em đi ăn một bữa tối hẳn hoi.
Lara ôm chặt chàng:
- Đây là một cuộc hò hẹn.
Sáng hôm sau Lara đến gặp Ryan tại công trường. Nàng thấy chàng đứng trên giàn giáo cao ngất, đang ra lệnh gì đó cho đám thợ. Lúc Lara đi về phía thang máy của công trường, một người thợ cười với nàng:
- Chào cô chủ! - Trong giọng nói của anh ta có một nét gì hơi lạ.
Một người thợ nữa cũng đi ngang qua nàng và cười:
- Chào cô chủ Cameron.
Hai người thợ nữa tới nhìn nàng:
- Chào cô chủ!
Lara đưa mắt nhìn xung quanh. Các người thợ đều nhìn nàng và cười một cách không bình thường.
Lara đỏ bừng mặt. Nàng bước vào thang máy và bấm cho thang chạy tới tầng dàn giáo nơi Ryan đang đứng.
Nàng vừa bước ra, chàng thấy nàng bèn cười rất tươi.
- Chào cưng! - Ryan nói. - Tối nay ta đi ăn vào mấy giờ?
- Anh chịu đói vậy, - Lara cao ngạo nói. - Anh đã bị thải hồi!
***
Mỗi toà nhà, mỗi công trình xây dựng do Lara tiến hành đều là cả mỗi cuộc thách đố. Nàng dựng lên những toà nhà nhỏ dành cho các văn phòng và những toà nhà lớn cùng những khách sạn. Nhưng bất kể tính chất của công trình kiến trúc ấy ra sao, điều Lara quan tâm đầu tiên vẫn là địa điểm, là vị trí của nó.
Ông già Bill Rogers ngày xưa đã nói rất đúng. Địa điểm, địa điểm và đia điểm.
Kinh doanh của Lara ngày càng mở rộng. Nàng bắt đầu được giới cầm quyền thành phố, báo chí và dân chúng thừa nhận. Nàng trở thành một gương mặt nổi tiếng và mỗi khi nàng đi dự một hoạt động từ thiện, đến rạp hát hoặc viện bảo tàng, các phóng viên nhiếp ảnh tranh chau chụp hình nàng.
Lara bắt đầu xuất hiện trước công chúng nhiều hơn. Tất cả các công trình xây dựng của nàng đều thành công nhưng nàng vẫn chưa thoả mãn. Như thể nàng vẫn ôm mộng làm nên một thứ gì đó vĩ đại hơn, hoặc chờ mong một điều kỳ diệu hơn sẽ đến với nàng. Như thể cánh cửa lòng nàng vẫn mở rộng chờ đón một phép lạ nào xuất hiện…
Howard Keller rất đỗi ngạc nhiên:
- Cô còn đợi cái gì, Lara?
- Tôi còn muốn gì hơn nữa.
Và Howard không thể moi gì thêm ở nàng.
Một hôm Lara nói với Howard.
- Anh có biết chúng ta phải trả bao nhiêu tiền cho những người tu sửa nhà cửa, glặt giũ chăn nệm và lau kính cửa sổ không?
- Còn tuỳ địa điểm, - Howard đáp.
- Ta sẽ tính cả địa điểm.
- Tôi chưa hiểu.
- Chúng ta sẽ tổ chức một loại dịch vụ. Cung cấp những dịch vụ đó cho chính chúng ta và cho những nhà xây dựng khác.
Sáng kiến này ngay từ đầu đã thành công. Tiền lãi tuôn vào như suối.
Howard Keller có cảm giác như Lara đã dựng lên cả một bức thành kiên cố bao quanh thế giới tình cảm của nàng. Anh là người gần gũi Lara hơn bất cứ ai, nhưng nàng chưa bao giờ kể anh nghe một lời về gia đình nàng, về quá khứ của nàng. Tưởng như Lara đột ngột hiện ra từ trong đám sương mù, không có căn cơ gốc rễ ở đâu hết.
Thoạt đầu Howard là người thầy, dạy dỗ và dắt dẫn Lara, nhưng bây giờ nàng tự quyết định lấy mọi việc. Trò đã trưởng thành và còn vượt lên trên thầy.
Lara sớm bộc lộ tính tình cứng rắn, thậm chí ngang bướng nữa, không chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Nàng trở thành một sức mạnh không cưỡng nổi và không thứ gì có thể cản chân nàng. Nàng là một mãnh lực tuyệt đối. Nàng biết mình muốn gì và kiên quyết thực hiện cho bằng được.
Hồi đầu, một số người định lợi dụng nàng. Trước đây họ chưa bao giờ làm việc với nữ giới và họ thích thú được làm việc với nàng. Nhưng rồi họ vấp ngã.
Khi Lara bắt gặp một ai đó tiến hành những công việc chưa cho phép, nàng lập tức gọi người ấy đến và sa thải ngay.
Sáng nào nàng cũng có mặt ở công trường. Thợ thuyền đều làm việc lúc sáu giờ sáng, bao giờ cũng thấy Lara đứng ở đó chờ họ. Dân thợ quen ăn nói tục tĩu. Họ chờ cho Lara lên xe đi rồi, mới đùa giỡn.
- Cậu có nghe chuyện con mèo ở trại không? Nó mê con gà trống và thế là…1
- Một đứa con gái hỏi mẹ: "Nếu nuốt tinh dịch vào bụng thì có thai phải không?" Mẹ nó trả lời: Không có thai đâu mà ngược lại con còn được chuỗi ngọc đeo cổ nữa đấy.
Họ vừa kể vừa làm điệu bộ tục tĩu và cười rộ lên với nhau. Thỉnh thoảng tình cờ một người thợ đi ngang trước mặt Lara, đụng cùi tay vào ngực nàng hoặc chạm mạnh vào mông nàng một cách "ngẫu nhiên".
- Ôi, xin lỗi cô chủ.
- Không sao, - Lara nói - Chỉ có điều anh vào văn phòng nhận nốt tiền lương rồi đi khỏi đây ngay.
Những trò trêu chọc kiểu đó dần dần biến thành thái độ kính trọng.
Một hôm Lara ngồi trong xe cùng với Howard Keller chạy dọc theo đường phố Kedjie. Họ đến một khu đất đầy kín những cửa hiệu nhỏ. Nàng đỗ xe lại.
- Khu này sắp đổ nát cả rồi, - Lara nói. - Có thể xây ở đây một toà nhà cao tầng. Những cửa hàng nhỏ như thế này chẳng lời lãi là bao.
- Đúng thế, nhưng vấn đề là cô làm cách nào để thuyết phục được tất cả những người chủ chịu bán, - Howard nói. - Chỉ cần một hai người không chịu là miếng đất sẽ không sử dụng được.
- Ta sẽ mua hết, - Lara tuyên bố.
- Nhưng nếu một người nào đó không chịu, trong khi cô đã mua tất cả những ngôi nhà nhỏ khác xung quanh? Khi đó cô làm thế nào? Vả lại khi nghe thấy cô xây cất ở đây một toà nhà lớn, rất có thể họ sẽ bắt chẹt cô.
- Ta sẽ giữ kín, không để họ biết, - Lara nói. - Ta sẽ cử nhiều người khác nhau đến thương lượng mua để họ không biết.
- Tôi đã có lần làm như thế rồi, - Howard cảnh giác nàng. - Nếu họ biết, mà rất khó giữ thật kín, họ sẽ bắt chẹt cô và đòi giá rất cao.
- Cho nên chúng ta cần hết sức bí mật. Nhưng anh đồng ý là mua nhé?
Dẫy cửa hàng trên phố Kedjie bao gồm trên một chục cửa hàng nhỏ. Một hiệu bánh mì, một cửa hàng kim khí, một hiệu cắt tóc, một hiệu bán quần áo, một hiệu thịt, một hiệu may, một hiệu thuốc tân dược, một quán cà phê và một loạt cửa hàng cửa hiệu nhỏ khác.
- Cô coi chừng đấy, - Howard nhắc Lara. - Chỉ cần một người không chịu bán là cô sẽ bị đọng vào đây một khoản tiền lẽ ra có thể đầu tư vào việc khác.
- Anh không lo, - Lara nói. - Tôi sẽ có cách.
Một tuần sau, một người khác vào cửa hiệu cắt tóc ông thợ đang đọc báo. Thấy cửa mở, ông ta ngẩng đầu lên hỏi:
- Tôi có thể giúp gì quý ông được.
Khách mỉm cười:
- Không có gì cả. Chỉ là tôi mới dọn đến thành phố này. Tôi có một cửa hiệu cắt tóc ở thành phố New Jersey, nhưng vợ tôi muốn chuyển về đây để gần bà ngoại. Tôi đang tìm một cửa hiệu nào để mua, mở hiệu cắt tóc.
Khắp khu này chỉ có mỗi hiệu cắt tóc này thôi, chủ nhà nói. - Nhưng tôi không định bán.
Khách lại cười:
- Cái gì cũng có thể bán được, miễn là được giá. Nếu ông chưa định bán nhưng người ta trả cao đến mức độ nào đó thì ông cũng bán chứ, đúng không nào? Chẳng hạn cửa hiệu này tôi trả năm chục ngàn đôla, ông có bán không?
- A, nếu trả cao thì đúng là có thể tôi sẽ bán. Năm sáu chục ngàn chẳng hạn.
- Tôi đang rất cần địa điểm để mở hiệu cắt tóc cho nên tôi xin trả ông bẩy mươi nhăm ngàn, được chưa?
- Không được. Tôi chưa nghĩ đến chuyện bán.
- Vậy thì một trăm ngàn?
- Để tôi nghĩ xem đã…
- Một trăm ngàn và ông có thể mang hết các thứ đồ đạc đi ông thợ cắt tóc ngó nhìn khách:
- Một trăm ngàn và cho tôi mang tất cả bàn ghế, chậu, gương cùng mọi đồ nghề khác đi?
- Đúng thế. Tôi đã có đủ các thứ đó của mình rồi.
- Thế thì có lẽ được. Nhưng để tôi bàn với vợ tôi đã.
- Tất nhiên rồi. Mai tôi quay lại.
Hai ngày sau, mua xong cửa hiệu cắt tóc.
- Thế là được một, - nàng nói.
Bên cạnh là hiệu bánh mì. Gia đình chỉ có hai vợ chồng. Một phụ nữ bước vào gặp họ.
Chồng tôi vừa mất, để lại cho tôi ít tiền cộng với tiền bảo hiểm. Chúng tôi có cửa hiệu bánh mì ở Floria và đang tìm ở đây một cửa hiệu nào thích hợp để tiếp tục nghề cũ. Tôi thấy thích cửa hiệu này của hai ông bà.
- Nghề này nhàn nhã, - chủ nhà nói. - Hai vợ chồng tôi không có ý định bán.
- Thế nếu ông bà định bán thì giá cửa hiệu này khoảng bao nhiêu nhỉ?
Chủ hiệu nhún vai:
- Chịu? Tôi không biết.
- Có đến sáu chục ngàn đôla không?
- Không thể dưới bảy chục ngàn. - Chủ hiệu nói.
- Vậy thế này, - người phụ nữ nói. - Tôi trả hai ông bà một trăm ngàn.
Chủ hiệu nhìn bà khách:
- Bà nói nghiêm chỉnh đấy chứ?
- Chưa bao giờ tôi nghiêm chỉnh như lúc này.
Sáng hôm sau, Lara nói:
- Thế là xong hai căn.
Công việc tiến triển thuận lợi. Trong vòng sáu tháng. Lara đã mua lại được hầu hết các cửa hàng trong khu phố. Nàng và Howard thuê những người đến ở và tiếp tục kinh doanh, trong lúc chờ đợi tiến hành mua nốt những cửa hiệu còn lại. Các kiến trúc sư đã bắt đầu nghiên cứu vẽ kiểu nhà cao tầng sẽ xây lên ở đó.
Lara đang nghiên cứu và báo cáo.
- Vậy là coi như đã xong, - nàng nói với Howard.
- Tôi e chưa hết khó khăn.
- Chỉ còn mỗi hiệu cà phê!
Đấy chính là khó khăn. Chủ hiệu thuê ngôi nhà đó với thời hạn năm năm, nhưng ông ta không chịu đi trước thời hạn ấy.
Ta giúi thêm tiền nữa vào cho lão.
- Ông ta khăng khăng không chịu, bất kể với giá nào.
Lara nhìn anh.
- Hay lão ta biết chúng mình sắp xây toà nhà cao tầng ở đó?
- Không phải.
- Thôi được. Tôi sẽ đến gặp lão. Anh yên tâm là lão sẽ chịu đi thôi.
Chỉ cần tìm xem ai là người cho lão thuê.
***
Sáng hôm sau, Lara đến xem lại khu phố đó.
Cửa hiệu cà phê Haley nằm ở cuối, về phía Tây Nam của khu đất. Cừa hiệu rất nhỏ chỉ có dăm sáu ghế bên cạnh quầy và bốn ngăn dành cho khách ngồi riêng. Lara thấy một ông già đứng sau quầy. Nàng đoán đấy là chủ hiệu. Ông ta khoảng gần bảy mươi tuổi Lara ngồi vào một ngăn.
- Chào cô, - ông già niềm nở chào. - Cô dùng gì?
- Một cốc nước cam và một tách cà phê.
- Có ngay.
Nàng quan sát ông ta vắt cam.
- Bà chủ hiệu hôm nay không đến được? - Ông ta nói rồi rót cà phê và bưng ra cho nàng. Ông di chuyển trên xe lăn, thì ra đã mất cả hai chân. Lara lặng lẽ nhìn trong khi ông già đem khay giải khát đến bàn nàng.
- Cảm ơn, - nàng nói. Nàng ngắm xung quanh.
- Cụ có cửa hiệu xinh xắn qúa.
- Vâng. Tôi rất mến nơi này.
- Cụ ở đây lâu chưa?
- Mười năm rồi.
- Cụ không định nghỉ ngơi tuổi già à?
Ông già lắc đầu:
- Cô là người thứ hai trong tuần này hỏi tôi câu đó. Không, tôi chưa định nghỉ.
- Chắc tại người trước trả giá chưa đủ hợp ý cụ chứ gì?
- Tôi cần tiền làm gì? Trước khi đến đây thuê cửa hiệu này, tôi đã nằm hai năm trong trại an dưỡng rồi. Buồn lắm. Không bè bạn. Sống cũng như chết. Thế rồi có người khuyên tôi thuê cửa hiệu này, - ông già mỉm cười. - Từ ngày đến đây, cuộc sống của tôi thay đổi hẳn. Dân khắp xung quanh đến đây giải khát. Họ thành bạn của tôi và tôi như được sống trong một gia đình. - ông già lắc đầu nói tiếp. - Không, tôi chẳng cần tiền làm gì. Cô dùng thêm cà phê nữa không?
Lara ngồi họp với Howarrd Keller và người kiến trúc sư.
- Chúng ta chẳng cần phải mua lại cửa hiệu đó, - Howard nói. - Tôi đã gặp người sở hữu nó. Trong hợp đồng thuê có một điều khoản mà người thuê đã vi phạm. Mỗi tháng ông ta phải nộp một khoản trích trong doanh thu. Nhưng mấy tháng nay rồi ông ta chưa nộp. Do đó chúng ta có quyền đẩy ông ta đi.
Lara quay sang người kiến trúc sư.
- Tôi muốn hỏi ông một câu, - nàng nhìn xuống bản vẽ và trỏ vào góc Tây Nam của nó. - Nếu như chúng ta xây tường ngay chỗ này và vẫn để ông già chủ hiệu cà phê tiếp tục bán hàng có được không? Liệu toà nhà có ảnh hưởng gì không?
Kiến trúc sư nhìn vào bản vẽ, suy nghĩ.
- Tôi nghĩ là được. Tất nhiên nếu lấy được cả hiệu cà phê ấy thì vẫn hơn.
- Nhưng được gì chứ? - Lara căn vặn thêm.
- Được!
Howard nói:
- Cô Lara, tôi đã nói rằng chúng ta có đủ lý để buộc ông ta phải dọn đi kia mà?
Lara lắc đầu:
- Chúng ta đã mua được toàn bộ các cửa hàng khác. Thế là đủ. Những người khách tương lai sẽ đến ở tại toà nhà của chúng ta sẽ có một hiệu cà phê ngay cạnh để thỉnh thoảng ghé vào. Howard ạ, tôi đề nghị chúng ta để yên cái hiệu cà phê Heley ấy.
***
Vào ngày kỷ niệm sinh nhật cha nàng, ông James Cameron quá cố, Lara nói với Howard:
- Howard! Tôi muốn nhờ anh một việc, được không?
- Tất nhiên là được.
- Anh làm ơn đi Scotland hộ tôi.
- Chúng ta sẽ xây gì ở Scotland à?
- Chúng ta sẽ tậu một lâu đài cổ ở đó.
Howard yên lặng lắng nghe.
- Tại Scotland có một làng tên là Lơc Morlich. Làng đó nằm trên con đường đến Glenmore, gần thị trấn Avciemore. Xung quanh đó rất nhiều lâu đài cổ xưa còn sót lại. Anh hãy tậu một cái.
- Cô định dùng làm nơi nghỉ mát mùa hè chăng?
- Tôi không định về đó. Tôi cần mua để mai táng cha tôi ở đấy.
Howard chậm rãi nói:
- Cô cần mua một lâu đài cổ ở Scotland để mai táng di hài cụ?
- Đúng thế. Tôi bận quá, không có thời gian tự mình đi. Anh là người thân duy nhất tôi có thể tin cậy và giao phó công việc ấy. Cha tôi hiện nằm trong nghĩa trang Greewood tại thị trấn Glace Bay.
Đấy là lần đầu tiên Howard Keller biết được một chi tiết thực sự về lai lịch gia đình của Lara Cameron, và về tình cảm của nàng với cha mẹ.
- Chắc cô quý cụ lắm phải không?
- Anh có giúp tôi việc đó được không?
- Tất nhiên là được.
- Sau khi mai táng cha tôỉ ở đó xong, anh lo thuê cho tôi một người chăm nom ngôi mộ.
Ba tuần sau, Howard từ Scotland về, nói:
- Tôi đã làm xong. Đã thuê cả người trông nom. Vậy là cô đã có một lâu đài. Cụ đã nằm ở đó. Địa điểm rất đẹp, trên đồi. Cô sẽ thích phong cảnh chỗ đó Cô định bao giờ đến thăm nơi đó?
Lara ngạc nhiên ngước mắt nhìn anh:
- Tôi ấy ư? Tôi không đến đó đâu, - nàng nói.

Chú thích:
1 Trong tiếng Anh "con mèo" đồng nghĩa với "bộ phận sinh dục nữ". Con "gà trống đổng nghĩa với "bộ phận sinh dục nam"


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/