Chương 20
PHẦN I
Hạt lúa nẩy mầm, trồi lên những cái lá nhọn hoắt, xanh rờn, rồi lớn dần. Một tháng rưỡi sau, một con quạ đã có thể trốn vào trong đó, kín cả đầu, không để người ta trông thấy. Cây lúa hút màu dưới đất đâm bông rồi nở hoa. Phấn hoa vàng óng phủ kín bông. Hạt lúa mọng lên chất sữa vừa thơm vừa ngọt. Người nhà nông ra đồng, cứ ngắm nhìn mà nở ruột nở gan. Nhưng không biết từ đâu có một đàn gia súc lạc vào đám lúa, dẫm lung tung, nát cả những bông lúa nặng trĩu trên đồng. Nhìn chỗ đàn gia súc xéo nát cả một khoảng lúa, thì không căm giận, không đau lòng sao được.
Tình cảnh Acxinhia cũng như thế đôi ủng da dầu nặng chình chịch của Grigori đã dẫm nát cái tình cảm vừa nở rộ thành những bông hoa vàng óng. Thế là tất cả đều cháy ra tro, tất cả đều bị làm ô uế.
Sau khi ở vườn hướng dương nhà Melekhov về, Acxinhia cảm thấy lòng mình trống rỗng và hoang dại như một cái sân đập lúa bị bỏ quên, đầy gai và cỏ dại. Nàng vừa đi vừa nhay nhay một góc chiếc khăn bịt đầu, trong khi đó tiếng khóc cứ dồn lên đến cổ, chỉ muốn bật ra.
Vừa vào được tới phòng ngoài, Acxinhia nằm vật ngay xuống sàn. Nàng cảm thấy nghẹt thở vì nước mắt, vì đau khổ, vì cái trống rỗng đen ngòm tràn ngập trong đầu… Nhưng sau đó, tất cả rồi cũng qua. Chỉ trong đáy lòng còn có cái gì rất nhọn cứ day dứt làm tình làm tội nàng.
Cây lúa bị bò ngựa dẫm nát vẫn cứ vươn đậy. Có sương mai, có ánh sáng mặt trời, thân cây lúa bị giúi xuống đất lại ngửng đầu lên. Đầu tiên nó vẫn còn khom khom như người khuỵu xuống dưới một sức nặng không thể kham nổi, nhưng sau đó vẫn rướn thẳng dậy, ngửng lên, để hưởng ánh mặt trời và vẫn như xưa lại ngả nghiêng trước gió…
Đêm đêm, Acxinhia vuốt ve âu yếm chồng như điên như dại, nhưng đầu óc nàng lại nghĩ đến một người đàn ông khác. Trong lòng nàng, căm thù và tình yêu lớn lao trộn lẫn làm một. Trong tư tưởng, người đàn bà đã đi tới một ý định rồ dại mới, một sự cuồng si như cũ: Nàng quyết đoạt lại Griska từ trong tay Natalia, một con người sung sướng chưa từng nếm qua cái đau khổ cũng như niềm vui trong tình yêu. Đêm đêm, trong lúc cặp mắt ráo hoảnh của nàng chớp chớp trong bóng tối, Acxinhia đắn đo cân nhắc một mớ không biết bao nhiêu ý nghĩ. Stepan gối lên cánh tay phải của nàng. Cái đầu rất đẹp của anh ta nặng thêm ra trong khi ngủ, với bờm tóc xoắn dài chải lật sang bên. Miệng Stepan he hé, thở phì phò. Một bàn tay đen xạm sắt, lao động đến nứt nẻ, luôn luôn ngọ nguậy. Acxinhia suy nghĩ. Nàng tính toán. Nàng rà đi xét lại. Nhưng chỉ có một điều mà nàng quyết tâm làm kỳ được dành lại Griska từ tay tất cả mọi người, làm cho Griska chìm ngập trong tình yêu của mình, chiếm hẳn lấy Griska cũng như trước kia. Và tận đáy trái tim nàng, một cái gì nhọn nhọn, tương tự như cái vòi của mà con ong đốt còn để lại, cứ ăn sâu thêm làm nàng đau nhức nhối.
Nhưng đó chỉ là ban đêm thôi, chứ ban ngày thì Acxinhia lại nhận chìm tất cả các ý nghĩ ấy trong những nỗi quan tâm lo lắng khác trong những công việc nội trợ bận rộn. Thỉnh thoảng nàng cũng có gặp Grigori ở một nơi nào đó. Mỗi lần như thế, nàng thường tái mặt đi, lại đưa cái thân hình tuyệt đẹp luôn luôn thèm nhớ chàng diễu qua mặt chàng, và cặp mắt trâng tráo gợi tình của nàng thì cứ nhìn sâu tới đáy cặp mắt đen láy của Grigori.
Sau mỗi lần gặp Acxinhia, Grigori lại cảm thấy nhớ nhung day dứt. Chàng thường vô duyên vô cớ phát khùng, chàng đổ nỗi bực dọc của mình lên Đanhiasca, lên mẹ, nhưng phần nhiều chàng lấy thanh gươm, rồi ra sân sau nhà, chém những cành cây to chôn dưới đất, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, những hòn tròn tròn lên lên xuống xuống hai bên má. Chỉ một tuần mà Grigori đã chém một đống tướng.
Ông Panteley Prokofievich thấy thế chửi rầm lên, cả cái vòng tai lẫn lòng trắng con mắt ông đều long lanh:
- Đồ quỷ dữ, đồ khốn nạn, mầy chém như thế là phí toi hai cái hàng rào rồi! Mẹ mầy chứ, tưởng làm vương làm tướng gì. Đi mà thi bổ củi… Đồ nhãi ranh, mầy hãy chờ ít lâu nữa thôi, đi lính tha hồ mà bổ! Ở đấy thì chẳng mấy ngày người ta sẽ trị được những thằng như mầy.
Chương 21
PHẦN 1
Để sửa soạn đoàn xe đón dâu, nhà trai trang hoàng bốn chiếc xe hai ngựa. Một đám người quần lành áo tốt như trong ngày hội, đứng túm tụm quanh những chiếc britka đỗ trong sân nhà Melekhov.
Phù rể Petro đứng cạnh chú rể. Petro mặc một chiếc vét-tông đen và một cái quần rộng màu xanh đa trời có nẹp, quanh tay áo bên trái buộc hai chiếc khăn trắng. Sau bộ ria màu lúa chín luôn luôn thấy nở một nụ cười mát đầy vẻ tự tin.
- Griska nầy, đừng có rụt rè e thẹn nhé? Phải ngẩng cao đầu lên như một con gà trống mới được. Sao lại ỉu xìu cau cau có có thế?
Quang cảnh chung quanh mấy chiếc xe thật là ầm ĩ, rối tinh rối mu.
- Phù rể đi đâu mất rồi? Đã đến giờ lên đường rồi đấy. Ông bạn đỡ đầu ơi!
- Gì thế?
- Ông bạn đỡ đầu ạ, bác đi chiếc xe thứ hai nhé! Bác có nghe thấy không, ông bạn đỡ đầu!
- Có mắc thêm những cái sàn treo lên xe không nhỉ?
- Có lẽ không có sàn treo, bác ngồi cũng không đến nỗi long mất chân tay đâu. Xe chạy êm lắm!
Với cái váy len màu tiết dê, người thon và mềm mại như nhành liễu đỏ, Daria chạy ra hích Petro một cái và giương cao cặp lông mày tô đen thành hai đường vòng cung:
- Đến giờ lên đường rồi đấy. Anh ra nói với cha đi. Bây giờ có lẽ bên ấy họ đang chờ rồi đấy.
Chợt thấy ông bố khập khiễng bước ra không biết từ chỗ nào. Petro thì thầm với ông vài câu rồi ra lệnh:
- Xin mời bà con cô bác lên xe! Năm vị lên chiếc britka của tôi, cùng với chú rể. Anh Anikey cầm cương nhé!
Mọi người đã ngồi yên chỗ. Bà Ilinhitna trịnh trọng ra mở cổng lớn mặt bà đỏ như gấc. Bốn chiếc britka đuổi nhau trên đường phố.
Petro ngồi bên cạnh Grigori, Daria ve vẩy chiếc khăn tay bằng đăng-ten, ngồi trước mặt hai người. Thỉnh thoảng những chỗ ổ gà hay những đoạn sống trâu trên đường lại làm ngắt quãng tiếng hát ê a. Những vành mũ cát-két Cô-dắc đỏ lóe, những chiếc áo quân phục, áo vét tông xanh hay đen, những cánh tay áo buộc những mảnh khăn trắng, những chiếc khăn choàng của phụ nữ nổi như một chiếc cầu vồng bị cắt thành nhiều đoạn, những cái váy sặc sỡ, bụi kéo dài sau mỗi chiếc britka như những cái đuôi áo bằng voan mỏng. Đoàn xe của nhà trai đi đón dâu.
Anikey, láng giềng của nhà Melekhov, điều khiển hai con ngựa.
Tính ra Anikey là anh em con chú con bác với Grigori. Hắn cúi rạp người, như sắp ngã từ trên ghế xuống và không ngừng miệng quát, tay quất roi đen đét. Hai con ngựa đầm đìa mồ hôi kéo căng dây thắng, vươn thẳng mình ra như sợi dây đàn.
- Quất chúng nó đi! Quất đi! - Petro gào lên.
Anh chàng không râu không ria Anikey nháy mắt với Grigori, cười nhăn cả khuôn mặt nhẵn thín như mặt đàn bà, rồi vừa rít lên vừa vung roi quất tới tấp hai con ngựa.
- Tránh ra!
Ông Ilia Ogiôghim, cậu của chú rể, vừa vượt chiếc xe của Anikey, vừa gầm lên như sấm. Sau lưng ông, Grigori thoáng nhìn thấy khuôn mặt sung sướng của Dunhiaska với cặp má bánh mật núng nính.
- Không, chờ đấy mà xem! Anikey nhảy lên đứng thẳng trên ghế, kêu lên rồi huýt một tiếng sáo inh tai nhức óc.
Những con ngựa đua nhau phi như điên như cuồng.
- Khéo ngã ngã bây giờ? - Daria đứng chồm dậy, vừa thét lên vừa đưa hai tay ôm lấy đôi ủng véc ni của Anikey.
- Cố lên nhé! - Cậu Ilia ở xe bên kia gào to. Nhưng tiếng của ông chìm ngay trong những tiếng bánh xe long sòng sọc.
Hai chiếc britka còn lại cũng chạy song song trên đường. Trên xe đầy những người quần áo sặc sỡ như nở hoa, luôn miệng la hét om sòm. Mấy con ngựa đều khoác những cái áo đỏ tía, xanh da trời hoặc hồng nhạt, bờm và lông trán con nào con nấy đều kết hoa giấy cùng với những dải màu, con nào cũng vươn dài mình trên quãng đường gập ghềnh, nhạc leng keng, mồ hôi sủi lên như bọt xà phòng chảy ròng ròng xuống đất. Trên những cái lưng ngựa ướt đẫm, những tấm áo ngựa bị gió thốc lên đập phần phật, nhăn nhúm lại.
Bên cổng nhà Korsunov, một đám trẻ nhỏ đã chờ đón đoàn xe đón dâu. Thấy trên đường có bụi bốc lên, chúng chạy ùa vào trong sân.
- Họ đến rồi!
- Ngựa phi ghê không kìa!
- Trông thấy rõ rồi?
Getko chạy ra, bọn trẻ vây ngay lấy anh ta.
- Làm gì mà xúm đông xúm đỏ thế nầy? Có cút cả đi không, lũ chim sẻ đáng ghét nầy? Léo nha léo nhéo điếc cả tai người ta?
- Khô-khon 1, ê, đồ bán nhựa chưng? Có giỏi thì cứ trêu nhau đi? Khô-khon! khô-khon…! Cái thằng bán nhựa chưng! - Bọn trẻ hò la inh ỏi, nhảy cỡn, chung quanh cái quần rộng thùng thình của Getko với hai ống quần nom như hai cái bao tải.
Getko gãi gãi cái bụng vừa dài vừa căng, mỉm nụ cười độ lượng, nhìn đàn trẻ la thét như hoá rồ. Anh ta cúi hẳn xuống như người ta nhìn xuống một cái giếng.
Mấy chiếc britka chạy ầm ầm vào trong sân, Petro đưa Grigori lên thềm. Những người trong đoàn đón dâu lũ lượt vào theo.
Cái cửa từ phòng ngoài vào bếp bị đóng chặt, Petro gõ cửa:
- Lạy Đức Chúa Giê-su, xin Người tha nợ cho chúng tôi?
- Amen! - Bên kia cửa có tiếng trả lời.
Petro gõ cửa ba lần và nhắc lại câu trên ba lần. Bên trong cũng ba lần có tiếng trả lời trầm trầm.
Nhà ta có cho phép chúng tôi vào không ạ?
- Chúng tôi rất hân hạnh được mời!
Cửa mở toang. Phù dâu, mẹ đỡ đầu của Natalia, một người đàn bà goá còn đẹp lắm, ra đón phù rể. Phù dâu cúi chào, miệng cười chúm chím, đỏ mọng như một trái đùm đùm.
- Xin mời chàng phù rể uống cho khỏe người.
Phù dâu đưa cho Petro một cốc kvas đục ngầu, còn chưa ngấu.
Petro vuốt ria, uống cạn, húng hoắng ho. Mọi người chung quanh cố nín cười.
- Chà cô phù dâu thân mến của tôi thết tôi như thế đấy! Thôi chờ lát nữa, quả đũm hương xinh đẹp của tôi ạ, tôi sẽ không chỉ thết cô như thế nầy thôi đâu. Không khóc với tôi không xong đâu!
- Có gì không phải cũng xin chàng phù rể thứ lỗi cho? - Phù dâu nghiêng đầu xin lỗi và tặng cho Petro một cái cười rất tinh quái.
Trong lúc phù dâu, phù rể thi nhau khoa môi múa mép, theo đúng ước hẹn trước, người ta đem ra mời mỗi người trong họ nhà trai ba cốc vodka.
Natalia ngồi ở bàn và bị canh giữ. Nàng đã mặc áo cưới, đầu choàng khăn voan mới. Marisca cầm lăm lăm một cái trục cán bột giơ thẳng trước mặt. Còn Gripka thì lắc lắc một cái xẻng gieo hạt, vẻ mặt rất nghịch ngợm.
Lúc nầy vodka đã làm cho Petro ngà ngà say, mồ hôi đầm đìa.
Anh chàng cúi chào rồi đưa cho mỗi đứa một đồng năm mươi kopek bỏ trong một cái cốc nhỏ. Phù dâu nháy mắt với Marisca.
Marisca bèn đập cái trục cán bột xuống bàn:
- Rẻ quá! Không bán cô dâu đâu!
Petro bèn bỏ thêm vào cái cốc một dúm vài đồng tiền lẻ bằng bạc, tiếng tiền rơi leng keng.
- Không bán đâu! - Hai đứa bé vẫn găng và hích khuỷu tay vào Natalia, Natalia cứ cúi gầm mặt xuống.
- Sao lại thế! Trả như thế quá đắt rồi.
- Thôi bằng lòng bán đi, hai con bé nầy! - Miron Grigorievich ra lệnh và mỉm cười len ngồi vào bàn. Bộ tóc hung đỏ của ông chải bằng bơ nấu lỏng nặc mùi mồ hôi và mùi phân bò.
Họ hàng bạn bè của cô dâu đang ngồi quanh bàn đều đứng dậy nhường chỗ cho ông.
Petro giúi vào tay Grigori đầu một chiếc khăn rồi nhảy lên một chiếc ghế dài, vươn tay qua cái bàn, dẫn Grigori tới chỗ cô dâu ngồi, dưới những bức hình thánh, Natalia cầm lấy đầu kia của chiếc khăn trong bàn tay đẫm mồ hôi vì ngượng.
Quanh bàn, người ta ăn uống nhồm nhoàm, người ta lấy tay xé thịt gà luộc, rồi chùi tay lên đầu. Anikey gặm một chiếc đùi gà, mỡ gà vàng ệch chảy sền sệt trên cái cằm nhẵn thín xuống tới cổ áo.
Grigori tiếc rẻ nhìn hai cái cùi dìa của mình và của Natalia bị buộc liền với nhau bằng một chiếc khăn nhỏ, rồi lại nhìn món mì bốc khói nghi ngút trong một cái bát men. Chàng đói lắm rồi, bụng cồn cào đến là khó chịu.
Daria ngồi ăn thoải mái bên cạnh cậu Ilia. Cậu Ilia xé một miếng sườn cừu bằng những cái răng nanh rất to. Chắc hẳn cậu đang rỉ tai Daria những điều tục tĩu gì đó, vì thấy Daria nheo mắt, rung rung hai hàng lông mày, đỏ mặt phá lên cười.
Mọi người ăn cật lực, ăn mãi không thôi. Mùi mồ hôi đàn ông nặng như mùi nhựa chưng xông lên, lẫn với mùi mồ hôi đàn bà hăng hắc. Cất lâu trong hòm mới lấy ra, những cái váy, những cái áo ngoài của đàn ông, những chiếc khăn quàng đều nặc mùi băng phiến, ngoài ra còn một cái mùi nồng nặc, ngầy ngậy, y như mùi quần áo lễ cũ nát của các bà già.
Grigori liếc nhìn Natalia. Đến bây giờ chàng mới nhận thấy lần đầu tiên rằng môi trên của nàng hơi dầy, hơi trều ra ngoài môi dưới.
Chàng còn nhìn thấy thêm một nốt ruồi nâu nâu trên má bên trái, hơi dưới gò má một chút. Trên cái nốt ruồi ấy lại có hai sợi lông vàng óng. Và tự nhiên Grigori thấy khó chịu làm sao ấy. Chàng bỗng nhớ tới những món tóc loăn xoăn, mềm mại trên cái cổ tròn trặn của Acxinhia. Và chàng có cảm giác như bị người ta vạch cổ áo, rắc xuống cái lưng đẫm mồ hôi của mình một nắm cỏ ngứa. Grigori rùng mình, cố nén cái cảm giác buồn nhớ ngao ngán, và cứ nhìn đám người đang nhai nhồm nhoàm, gặm rau ráu, nuốt ừng ực.
Khi hai họ đứng lên, rời khỏi bàn ăn thì có một người thở ra toàn mùi vư-dư-va 2 và mùi bánh mì chua loét, cúi xuống nhét vào ống đôi ủng của Grigori một dúm kê, làm như thế là để chú rể khỏi gặp phải chuyện gì chẳng lành nếu bị người nào có con mắt ác độc nhìn mình. Suốt đường về, những hạt kê cứ lộm cộm lạo xạo dưới chân.
Cổ áo sơ mi chật bó lấy cổ rất khó thở, Grigori bị khổ sở vì các nghi thức của lễ cưới cứ chửi thầm trong một tâm trạng tức tối tuyệt vọng.
Chú thích:
1 Tên người Cô-dắc dùng để gọi một cách khinh miệt những người Ukraina đến ở vùng sông Đông ND
2 Một thứ mứt làm bằng hoa quả khô và nho khô thắng với mật ong. ND
Chương 22
PHẦN 1
Sau khi được nghỉ ngơi ở nhà Korsunov những con ngựa lại dốc tất cả sức lực còn lại để phi về sân nhà Melekhov. Mồ hôi ngựa sủi bọt từng đám trên những dây thắng bằng da, chảy xuống ròng ròng.
Mấy anh chàng đánh xe chuếnh choáng hơi men thẳng tay đánh ngựa, không chút thương tiếc.
Hai ông bà Melekhov ra đón đám rước dâu. Ông Panteley Prokofievich bê một bức hình thánh, vài sợi bạc loáng thoáng trong bộ râu đen láy của ông. Bà Ilinhitna đứng bên cạnh với cặp môi mỏng mím chặt như tạc trong đá.
Grigori và Natalia bước tới cho cha mẹ chúc phúc, trên người đầy những hạt hốt bố và hạt lúa mì. Trong khi chúc phúc cho hai con, ông Panteley Prokofievich lỡ để rơi vài giọt nước mắt, vì thế ông luống cuống, cau có tự trách mình sao lại để người ta bắt gặp mình có những phút yếu đuối như thế.
Cô dâu chú rể bước vào trong nhà. Mặt đỏ bừng bừng vì vodka, vì chặng đường trên xe ngựa, vì dãi nắng, Daria chạy bổ lên thềm, vấp phải Dunhiaska đang từ trong bếp chạy ra:
- Anh Petro đâu rồi?
- Em chẳng thấy đâu cả.
- Đã đến lúc phải đến nhà đức cha rồi mà cái ông chết tiệt ấy lại dẫn xác đi đâu mất hút.
Petro đã uống quá nhiều vodka, nên đang rên rỉ nằm thẳng cẳng trên chiếc xe bò đã tháo phần trước. Daria vồ lấy Petro như con diều hâu:
- Nốc nữa vào, ông mãnh? Có chạy đến nhà đức cha không thì bảo! Dậy ngay đi!
- Mày xéo đi đằng nào thì xéo? Ông không thèm nhận mày nữa đâu! Làm gì mà như bà tướng ấy?
Petro vừa lý sự vừa sờ soạng hai bàn tay trên mặt đất, quơ lấy một nắm vừa cứt gà vừa rơm bò ngựa ăn thừa.
Daria mếu máo thọc hai ngón tay vào miệng chồng, ấn cái lưỡi nói năng nhảm nhí xuống, giúp cho Petro nôn ra. Petro còn đang sững sờ trước một cuộc tấn công bất ngờ như thế thì Daria đã dội tuôn lên đầu đức ông chồng một thùng nước giếng, rồi thuận tay vớ luôn cái đệm lót lưng ngựa lau cho khô, và lôi đến nhà cố đạo.
Một giờ sau, Grigori đã đứng trong nhà thờ bên cạnh Natalia.
Dưới ánh nến, nom Natalia càng đẹp ra. Grigori nắm chặt trong tay một cây nến sáp ong, hai con mắt chàng như chẳng nhìn thấy gì, cứ đờ đẫn lướt qua những người đang thì thầm đứng sát với nhau thành cả một bức tường. Lúc nầy trong óc chàng chỉ có một ý nghĩ ám ảnh: "Từ nay hết léng phéng nhé… Từ nay hết léng phéng nhé…". Petro đứng sau lưng Grigori húng hắng ho, mặt xị ra.
Trong đám người thoáng thấy long lanh cặp mắt của Dunhiaska cùng vài bộ mặt như quen như lạ. Những giọng đồng ca lạc điệu và tiếng đọc kinh kéo dài của lão trợ tế vẳng đến tai Grigori. Chàng không thể nào giũ bỏ được cái tâm trạng dửng dưng với tất cả. Trong khi đi quanh giá kinh, chàng dẫm cả lên một gót ủng mòn vẹt của cha Visarion đang ê a cầu kinh bằng một giọng ngạt mũi. Mãi đến lúc bị Petro khẽ kéo tà áo, Grigori mới đứng lại, và đưa mắt nhìn những ánh nến chập chờn, cố chống lại cái chán ngán buồn ngủ nó đang làm cho chàng đần độn, mụ người ra.
- Hai con trao nhẫn cho nhau đi! - Cha Visarion nhìn Grigori với ánh mắt ấm áp.
Hai người trao nhẫn cho nhau, Grigori liếc sang bên, bắt gặp còn mắt của Petro bèn hỏi bằng mắt: "Sắp xong cả chưa?" Petro cố nín cười, chỉ khẽ động bên mép: "Sắp xong rồi". Sau đó Grigori hôn ba lần cặp môi ướt nhưng vô vị của vợ. Trong nhà thờ nồng nặc cái mùi mê muội của khói nến mới tắt. Những người đứng chen nhau dưới vòm của nhà thờ bắt đầu ra ngoài.
Grigori nắm trong tay chàng bàn tay vừa to vừa ráp của Natalia, bước ra thềm nhà thờ. Không biết có ai chụp cho chàng cái mũ cát-két lên đầu.
Một luồng gió hiu hiu, ấm áp, mang từ phía nam tới mùi ngải cứu. Từ đồng cỏ thỉnh thoảng cũng có một luồng gió mát rượi thổi tới ở một chỗ nào đó bên kia sông Đông thoáng thấy một ánh chớp lằng nhằng xanh lè.
Sắp mưa đến nơi rồi. Nhưng bên ngoài bức tường trắng vây quanh sân nhà thờ, tiếng người lao xao hoà lẫn với tiếng những con ngựa dẫm chân làm rung những cái nhạc, tiếng nhạc ngựa leng keng nghe sao mà tha thiết dịu dàng.
Chương 23
PHẦN 1
Mãi sau khi cô dâu chú rể đã được đưa đi nhà thờ, bên nhà Korsunov mới sang. Trước khi nhà gái tới, chốc chốc ông Panteley Prokofievich lại ra khỏi cổng, nhìn dọc theo dãy phố nhưng con đường xám xám nằm giữa những bụi gai nhọn như kim, vẫn không một bóng người, cứ như bị cái gì liếm sạch. Ông lại chuyển tầm mắt sang bên kia sông Đông. Khu rừng bên đó đã vàng hẳn ra rồi. Những dải lau già lờm xờm mệt mỏi gục đầu xuống trên những mảnh hồ nhỏ và trên những đám hương bồ. Bầu trời xanh ngắt lúc sắp sang thu rầu rĩ, mơ màng, chìm trong ánh hoàng hôn đang trùm lên thôn Tatarsky, lên sông Đông, lên những trái núi đá phấn, lên những khu rừng nấp dưới màn sương tím ngắt bên kia sông Đông, lên đồng cỏ. Sau chỗ rẽ ra đường cái, ở ngã tư cái nóc nhọn hoắt của toà nhà thờ in một hình thanh thanh trên nền trời.
Chợt vẳng đến tai ông Panteley Prokofievich những tiếng bánh xe lọc cọc nghe rất gấp nhưng cũng rất khẽ và tiếng chó sủa oăng oẳng. Hai chiếc britka xông thẳng từ bãi họp vào trong thành phố.
Trên chiếc xe đầu, hai vợ chồng Miron Grigorievich và Lukinhitna ngồi lắc lư bên nhau trên cái ghế treo. Cụ Grisaka ngồi trước mặt hai người. Cụ mặc chiếc áo quân phục mới có đeo những huân chương và huy chương thánh Gioóc, Mitka ngồi cầm cương một cách thờ ơ trên ghế xà ích. Nó cũng chẳng buồn cho hai con ngựa huyền trông thấy cái roi nhét dưới chỗ ngồi, nhưng cặp ngựa được nuôi no đủ đã hăng lên sau chặng đường. Trên xe thứ hai, gã Mikhey ngửa hẳn người ra sau để ghìm cương, cố cho hai con ngựa đang phi chuyển sang nước kiệu. Khuôn mặt gầy guộc không có lông mày của Mikhey đã ửng lên một ánh tím tứn, mồ hôi đổ ra như tắm dưới cái lưỡi trai nứt đôi.
Ông Panteley Prokofievich mở rộng cổng lớn, hai chiếc britka theo nhau chạy vào trong sân. Bà Ilinhitna bước lạch bạch trên thềm xuống như một con ngỗng cái, cái váy của bà quét lệt sệt trên những rác rưởi và phân ở ngưỡng cửa.
- Xin rước cụ và ông bà thông gia yêu quý quá bước vào tromg nhà ạ! Nhà chúng tôi thanh bạch hân hạnh được đón tiếp cụ và ông bà! - Bà nói xong cố khom cái lưng cánh phản.
Ông Panteley Prokofievich nghiêng đầu, dang rộng hai tay:
- Thưa cụ và ông bà thông gia yêu quý! Xin kính mời cụ và ông bà vào nhà trong. - Ông nói rất to rồi quát người trong nhà ra tháo ngựa và bước tới trước mặt ông thông gia.
Miron Grigorievich chùi bàn tay vào quần cho hết bụi. Hai bên chào hỏi nhau xong, cùng bước lên thềm. Bị lắc mạnh quá trong một chuyến đi xe mà đã lâu cụ mất thói quen, cụ Grisaka đi chậm lại phía sau. Bà Ilinhitna thấy thế vội nói:
- Cụ thông gia yêu quý, xin rước cụ, xin rước cụ vào nhà ạ!
- Bà cứ để tự nhiên cho, xin cám ơn bà… chúng tôi sẽ vào ngay.
- Chúng tôi mong cụ và ông bà mãi, xin rước cụ vào cho. Chúng tôi sẽ lấy ngay cái chổi để cụ thông gia phủi sạch áo quân phục. Hôm nay bụi mù mịt, chẳng làm thế nào thở được nữa.
- Vâng, đúng thế đấy, trời hanh quá… Vì thế nên nhiều bụi.
- Nhưng thưa bà thông gia, bà cứ mặc tôi, tôi chỉ cần… - Thấy mẹ chồng con cháu mình quá chậm hiểu, cụ Grisaka đành cúi chào, đi giật lùi về phía nhà kho rồi lần ra sau cái máy quạt thóc vừa sơn lại.
- Bà thật là ngu khổ ngu sở, sao cứ quấn lấy chân ông lão như thế? - Ông Panteley Prokofievich chờ bà Ilinhitna lên đến trên thềm, rồi cho luôn một trận. - Ông cụ có cái việc cần riêng của người già, thế mà mụ thì cứ… Sì, trời ơi là trời, ngốc ơi là ngốc!
Nhưng tôi làm thế nào mà biết được? - Bà Ilinhitna luống cuống.
- Cũng phải biết hiểu ra chứ. Thôi, bà chẳng có việc gì ở đây cả, ra mà tiếp bà thông gia của bà đi.
Quanh những cái bàn thức ăn bày la liệt, những người khách chếnh choáng hơi men đang lè nhè chuyện trò ầm ĩ. Bên nhà gái được mời ngồi vào bàn ở phòng trong. Chẳng mấy chốc hai vợ chồng trẻ đã ở nhà thờ về. Ông Panteley Prokofievich rót rượu trong bình, nước mắt ròng ròng.
- Nào, xin mời cụ và ông bà thông gia yêu quý mừng cho hai cháu. Chúc cho chúng nó được mọi sự tốt lành, được thuận vợ thuận chồng như chúng ta vậy… Chúc cho chúng nó được sống một cuộc đời sung sướng và khỏe mạnh…
Người ta đổ cho cụ Grisaka một cái ly tròn xoe đầy rượu, một nửa lọt được vào cái miệng xồm xoàm những đám râu xanh xanh, một nửa chảy lênh láng xuống cái cổ đứng của áo quân phục. Hai họ ra sức uống, uống chạm cốc cũng có, uống tuỳ thích chẳng kể gì đến ai cũng có. Ồn ào quá là vỡ chợ, Nikifo Koloveydin, một lão cựu chiến binh trung đoàn Atamansky, có họ xa với nhà Korsunov, ngồi ở tít đầu bàn bên kia. Lão giơ tay gào lên:
- Gorka!1
- Gorka! - Mọi người quanh bàn đều hùa theo.
- Nào, Gorka? - Những người chen chúc như nêm trong bếp cũng nhao nhao hưởng ứng.
Grigori cau mày hôn cặp môi nhạt thếch của vợ rồi lừ lừ nhìn quanh, hai con mắt cứ như mắt con thú rừng bị vây đánh.
Những khuôn mặt đỏ rừ, những cặp mắt đục ngầu vì hơi men, những cái nhìn và những nụ cười sỗ sàng thô bỉ, những cái miệng nhai khoái trá, nước rớt nước rãi sặc sụa mùi rượu chảy lòng thòng xuống những tấm khăn bàn thêu. Tóm lại là một cuộc nhậu nhẹt như điên.
Lão Nikifo Koloveydin lại giơ tay, hoác cái miệng móm gần hết răng:
- Gorka!
Trên tay chiếc áo quân phục màu xanh da trời của trung đoàn Atamansky hiện lên nhăn nheo ba gạch lon vàng: Koloveydin vốn là lính tái đăng.
- Gor…ka!
Grigori căm hờn nhìn cái miệng móm mém của Koloveydin mỗi khi lão la lên: "Gorka" thì cái lưỡi đỏ lòm và lầy nhầy của lão lại thòi lòi ra như một cái tẩu thuốc trong khoảng trống của những cái răng gãy.
- Hôn nhau đi, cô dâu chú rể… - Petro rung rung chòm ria đẫm vodka khẽ nhắc.
Trong bếp, Daria đã ngà ngà say, mặt đỏ hây hây. Chị chàng cất tiếng hát một bài. Mọi người hoà theo. Tiếng hát vang vào trong phòng:
Qua sông thì đã có cầu,
Xe phóng lên cầu,
Xe vượt qua sông…
Các giọng hát quyện lấy nhau. Tiếng Khristonhia vượt trước mọi người, gầm lên như sấm, rung cả cửa kính:
Nếu ai đem rượu ra đây,
Chúng ta sẽ uống hêt ngay tức thì.
Cánh đàn bà trong phòng ngủ đồng thanh hát the thé:
Lạc mất rồi,
Lạc mất rồi,
Lạc mất giọng tôi rồi.
Để góp thêm sức, một giọng nam già rung lên như tiếng đai thùng:
Lạc mất rồi,
Lạc mất rồi,
Lạc mất giọng tôi rồi.
Vì tôi bay lạc vườn người,
Ăn phải trái ai chua.
- Nào, xin mời quan viên hai họ cứ vui chơi cho thoả…!
- Mời bác nếm thử món thịt cừu.
- Chân với cẳng, có thu lại không nào… chồng tôi nó đang nhìn kia kìa!
- Gorka-a-a!
- Phù rể cừ lắm, đối đáp được với phù dâu đấy.
- Không, khô-ô-ông đâu, bác đừng thết tôi món thịt cừu làm gì…
- Có lẽ tôi ăn một miếng cá chiên chăng… Nhưng tôi cũng thử một miếng xem sao nào, be-e-éo ra béo.
- Ông bạn đỡ đầu Proska ạ, chúng ta cùng cạn với nhau một chén nào.
- Chà cháy cả họng…
Semion Gordeevich!
- Gì thế?
- Ông Semion Gordeevich!
- Cút mẹ ông đi!
Trong bếp, sàn nhà chao đảo, cong xuống dưới những đế giày đập chan chát. Một cái cốc rơi xuống, những tiếng loảng xoảng ấy chìm ngay trong tiếng ầm ầm chung, Grigori nghểnh nhìn vào bếp qua đầu những người ngồi quanh bàn, một nhóm phụ nữ đang vừa nhảy vòng tròn vừa rú lên, rít lên, vừa rung những cặp mông to tầy dành mỗi người mặc năm bảy cái váy thì kiếm đâu ra người gầy. Họ vung những chiếc khăn tay đăng-ten, ngoáy ngoáy khuỷu tay.
Tiếng một chiếc accordeon ba dãy phím bỗng vang lên mạnh mẽ, giục giã. Anh chàng chơi đàn bắt đầu dạo một điệu vũ Cô-dắc bằng những nốt rung láy trầm.
- Xin đành cho một vòng tròn? Cho một vòng tròn!
- Xin mời bà con tránh ra lấy chỗ! - Petro vừa kêu gọi vừa đẩy vào bụng mấy chị đàn bà nhảy đã mệt nhoà, mồ hôi đầm đìa.
Grigori tự nhiên thấy vui. Chàng nháy mắt ra hiệu cho Natalia:
- Em xem kìa, anh Petro sắp nhảy điệu Cô-dắc đấy?
- Anh ấy nhảy với ai thế?
- Thế em không trông thấy à? Nhảy với bà cụ nhà em đấy.
Bà Lukinhitna chống nạnh hai tay vào sườn, trong tay trái có một chiếc khăn.
- Nào, anh tiến lên trước đi, nếu không tôi lên trước đấy!
Petro đi rất nhanh những bước rất ngắn, tiến tới trước mặt bà Lukinhitna, khuỵu đầu gối chào hết sức duyên dáng, rồi lại quay về chỗ cũ. Bà Lukinhitna kéo gấu váy lên như muốn lội qua vũng nước, đập mũi giầy đánh nhịp, rồi lăng chân theo kiểu đàn ông, tiến lên giữa những tiếng trầm trồ của mọi người.
Cây accordeon chơi một nốt rung thật trầm. Tiếng nhạc rung ấy đã làm cho Petro nảy bật người lên, hô to một tiếng và ngồi sụp xuống nhảy điệu pơ-ri-xi-át-ca, hai tay đập bôm bốp vào ống ủng, một đầu ria ngậm ở một bên mép. Rồi hai chân Petro rung lên, hai đầu gối đưa ra đưa vào loang loáng, mắt người xem nhìn không kịp nữa. Ngay cái bờm tóc đẫm mồ hôi nảy bán bật trên trán cũng không theo kịp nhịp chân.
Vì ngồi sau lưng những người đứng túm tụm ở cửa phòng nên Grigori không trông thấy Petro mà chỉ nghe thấy tiếng hai đế ủng đóng cá sắt đập chan chát xuống sàn, cứ như tiếng một mảnh ván gỗ thông cháy, và những tiếng hò khuyến khích của quan viên hai họ đã say mềm.
Cuối cùng Miron Grigorievich nhảy với bà Ilinhitna. Miron nhảy cần cù và nghiêm túc cũng như khi ông làm tất cả các việc khác. Mọi người đều nhảy điệu Cô-dắc, cả những tay lão luyện lẫn những anh chàng còn chưa biết co chân cho đúng. Ai cũng ra sức hò la:
- Đừng làm người ta cụt hứng?
- Ngắn bước lại? Chà, thằng cha nầy!
- Hai chân kể cũng lẹ đấy, nhưng nặng phao câu quá.
- Nhanh lên, nhanh nữa lên?
- Cứ nhất toàn khu ta đấy.
- Cho ít vư-dư-va đây, nếu không…
- Chướng bụng lên rồi phải không, đồ của nợ! Nhảy đi, nếu không ông lại cho một chai vào đầu bây giờ!
Cụ Grisaka uống đã khá say. Cụ vòng tay ôm cái lưng cánh phản của lão láng giềng cùng ghế và cứ ghé sát tai lão ta mà rì rầm như con muỗi:
- Cụ tuyên thệ 2 năm nào nhỉ?
Người ngồi bên cạnh cụ là một lão già vai u thịt bắp, nom cứ như một cây sồi cổ thụ. Lão vung tay, ồm ồm trả lời:
- Năm băm chín, con ạ.
- Năm nào? Hả? - Cụ Grisaka vểnh cái vành tai nhăn nheo.
- Năm băm chín, đã bảo rồi mà.
- Thế quý danh cụ là gì vậy? Người đâu ta?
- Chánh quản kỵ binh Maxim Bogatyrev thuộc trung đoàn Baklanov. Ta vốn quê ở thôn… thôn Kratnyi Ia.
- Thân thuộc với nhà Melekhov à?
- Cái gì hử?
- Tôi hỏi, thân thích với nhà nầy à?
- À ta là hàng ông chú rể đấy.
- Thế là cụ vốn ở trung đoàn Baklanov à?
Lão già đưa cặp mắt lờ đờ nhìn cụ Grisaka rồi gật đầu, một miếng thức ăn nhai mãi không nát đưa đi đưa lại trên cái lợi móm hết răng.
- Như thế là cụ có dự chiến dịch ở Kavkaz à 3?
- Ta đã phục vụ trực tiếp dưới quyền cựu tướng quân Baklanov đấy, cầu cho tướng quân được hưởng phúc nơi thiên đường. Trung đoàn ta đã bình định vùng Kavkaz. Trung đoàn ta gồm những tay Cô-dắc thật là hiếm có… Chọn toàn những thằng cao lớn như lính ngự lâm, tuy rằng có những đứa hơi gù… Đứa nào cũng tay dài, vai rộng, đến những thằng Cô-dắc ngày nay nằm ngang cũng vừa… Đấy, con xem, hồi ấy là những con người như thế đấy… Hồi còn quan lớn tướng quân, quan lớn tướng quân đã có lần cầm roi quật ta ở bản Trelengig đấy…
- Tôi thì đã có mặt trong chiến dịch Thổ nhĩ kỳ… Còn sao nữa?
- Tôi đã dự kiến chiến dịch ấy đấy, đúng thế đấy. - Cụ Grisaka ưỡn bộ ngựa khô gầy, làm những chiếc huân chương và huy chương thánh Gioóc kêu lách cách.
- Bọn ta đã chiếm được bản ấy lúc trời rạng, đến giữa trưa thì có kèn báo động…
- Chúng tôi đã có dịp được phục vụ Bạch hoàng đế của chúng ta4 Trong trận Rossis, trung đoàn chúng tôi, trung đoàn Cô-dắc sông Đông số mười hai đã đánh nhau với bọn gian-ni-xe5 của chúng nó đấy - Khi có kèn báo động…
gười lính của trung đoàn Baklanov không chú ý nghe cụ Grisaka vẫn nói tiếp.
- Bọn gian-ni-xe của chúng nó thì cũng tựa như anh em trung đoàn Atamansky của chúng ta ấy. Đúng như thế… - Cụ Grisaka đang hoa chân múa tay, nói mỗi lúc một hăng. - Chúng nó cũng phục vụ vua của chúng nó, mà đứa nào cũng đội trên đầu một cái túi trắng. Thật đấy! Thằng nào cũng đội một cái túi trắng trên đầu.
- Ta bèn nói với một thằng cùng trung đoàn: "Nầy Timosa ạ, chúng ta sắp rút lui đấy. Cậu giật tấm thảm trên tường xuống đi, chúng ta sẽ buộc vào cái đai da ở sau yên…".
- Tôi đã được thưởng hai huân chương thánh Gióoc đấy! Tôi đã được thưởng về tinh thần chiến đấu dũng cảm? Tôi đã bắt sống được một thằng thiếu tá Thổ nhĩ kỳ…
Cụ Grisaka vừa khóc vừa nắm bàn tay khô héo đấm thùm thụp vào cái lưng kêu rất vang, bè bè như lưng gấu của ông lão lính cũ trung đoàn Baklanov. Nhưng lão nầy đang ngoáy một miếng thịt gà vào bát mứt anh đào mà cứ yên trí rằng đó là nước củ cay, hai con mắt nhìn không sức sống cứ dán xuống chiếc khăn trải bàn bê bết những mì, cặp môi chảy sệ lắp ba lắp bắp:
- Con ạ, thế là ma quỷ đã xui khiến ta làm một điều tội lỗi như thế… - Hai con mắt của lão già cứ đờ đẫn nhìn trân trân những vết nhăn trên chiếc khăn bàn trắng, tưởng chừng trước mắt lão không phải là tấm khăn bàn lênh láng vodka và mì sợi, mà là dãy núi Kavkaz tuyết phủ trắng loá. - Trước lần ấy, lão nào có tơ hào cái gì của ai bao giờ đâu… Thường mỗi lần chiếm được một bản của dân Tréc-két, trong các nhà dân địa phương thiếu gì đồ quý, nhưng ta có thèm đâu… Đúng là quỷ dữ đã làm cho ta hám của người khác… Thế là lần ấy… tấm thảm cứ hút lấy con mắt ta… với những cái viền có ngù… Ta cứ nghĩ sẽ dùng nó làm cái đệm lót yên ngựa…
- Chúng tôi đã nhìn thấy đủ điều kỳ lạ. Chúng tôi cũng đã tới những vùng đất ở hải ngoại…
Cụ Grisaka cố nhìn vào mắt ông bạn cùng bàn, nhưng hai lỗ con mắt ông lão kia cứ lẩn kín sau những đám lông mày và râu bạc rậm rì, chẳng khác gì hai cái hang mọc đầy cỏ dại. Cụ Grisaka chẳng làm thế nào mò được ra hai con mắt ấy chỗ nào cũng toàn những món râu cứng rối như bòng bong. Cụ đành phải dùng mẹo. Để thu hút sự chú ý của ông láng giềng vào phần lý thú nhất trong câu chuyện mình kể, cụ bèn bắt đầu ngay bằng đoạn giữa câu chuyện mà chẳng cần phi lộ gì cả.
- Thượng uý Tersintev bèn ra lệnh: "Các trung đội thành hàng dọc, nước đại… tiến!".
Ông lão lính cũ trung đoàn Baklanov ngẩng cao đầu lên như con ngựa chiến khi nghe thấy tiếng kêu trận. Lão đấm nắm tay xương xẩu xuống bàn, khẽ hô:
- Hời anh em trung đoàn Baklanov! Giáo sẵn sàng chiến đấu! - Đến đây thì giọng ông lão bất thần trở nên rắn rỏi, cặp mắt đang ảm đạm bỗng long lanh, cháy rực lên cái ánh lửa xưa kia nay đã bị tuổi già dập tắt. - Hỡi các chàng trai dũng cảm trung đoàn Baklanov! - lão mở hoác cái miệng chỉ có hai cái lợi vàng ệch, không còn cái răng nào, gầm lên - Xung phong… tiến!
Rỗi lão quay sang nhìn cụ Grisaka bằng cặp mắt thông minh rất trẻ. Nước mắt chảy xuống cằm rất ngứa, nhưng lão cũng chẳng buồn đưa tay áo trermen nhem nhuốc lên lau.
Cụ Grisaka cũng hăng lên:
- Thượng uý ra lệnh cho chúng tôi như thế rồi vung gươm. Chúng tôi thúc ngựa xông tới, nhưng bọn gian-ni-xe đã xếp thành đội hình như thế nầy nầy, - Cụ đưa ngón tay vạch lên khăn bàn một hình vuông xiên xẹo, - rồi nổ súng vào chúng tôi. Chúng tôi đã xung phong hai lần, nhưng lần nào cũng bị chúng nó đẩy lui. Chợt thấy kỵ binh của chúng nó từ một khu rừng nhỏ xông ra đánh vào sườn chúng tôi. Đại đội trưởng của chúng tôi bèn ra lệnh. Chúng tôi rẽ sang phải, chỉnh đốn đội hình rồi xông thẳng vè phía chúng nó. Chúng tôi đã đánh tan chúng nó. Làm gì có kỵ binh nào chống lại được kỵ binh Cô-dắc? Đúng như thế đấy. Chúng nó kêu la inh ỏi, chuồn thẳng vào rừng. Tôi chợt thấy ngay trước mặt có một thằng sĩ quan của chúng nó đang phi trên một con ngựa nâu sẫm. Thằng sĩ quan ấy có vẻ khá can đảm, bộ ria đen của nó chảy sệ xuống: Nó cứ luôn luôn ngoái lại nhìn tôi, rồi nó rút súng ngắn trong bao ra. Nhưng bao súng lại vướng vào yên… Nó nổ súng nhưng không trúng. Tôi bèn hết sức thúc con ngựa đuổi kịp nó. Đầu tiên tôi đã định cho nó một nhát, nhưng sau lại thôi. Dù sao cũng là một mạng người… Tôi bèn đưa tay phải ra và cụ có biết không, nó đã bị kéo thốc ra khỏi yên. Nó cắn vào tay tôi, nhưng tôi vẫn bắt sống được nó…
Cụ Grisaka kiêu hãnh nhìn ông bạn cùng bàn, nhưng ông lão nọ đã gục cái đầu to tướng và xương xẩu xuống ngực, ngáy o o, đánh một giấc thoải mái từ lúc nảo lúc nào.
Chú thích:
1 Theo phong tục người Nga, nếu trong tiệc cưới có người hô: Gorka! đắng thì cô dâu chù rể phải hôn nhau. ND
2 Tuyên thệ khi nhập ngũ.ND
3 Tức là chiến dịch đàn áp cuộc nổi dậy chống chính quyền Nga hoàng của những người dân Kavkaz do Samin lãnh đạo. Cuộc vận động dân tộc nầy đã bị dập tắt năm 1859. ND
4 Trước cách mạng Tháng Mười, các dân tộc không phải người Đại Nga thường gọi hoàng đế Nga là Bạch hoàng đế. ND
5 Lính cận vệ của Thổ nhĩ kỳ ngày xưa. 1329 - 1826.
Nguồn:
http://www.sahara.com.vn/