PHẦN 2
Hoạ nọ chưa qua, rấp kia đã ập tới, chuyện đời bao giờ cũng thế.
Sáng hôm ấy, do Getko không chú ý, con bò mộng đầu đàn của Miron Grigorievich đã văng sừng làm rách toạc cổ con ngựa cái tốt nhất trong nhà. Getko chạy ngay lên nhà trên, mặt mày hốt hoảng, cắt không còn hột máu, người run bần bật.
- Tai hoạ rồi, ông chủ ơi! Con bò mộng, con bò mộng đáng nguyền rủa, chết mẹ nó đi…
- Con bò mộng làm sao? Cái gì thế hử? - Miron Grigorievich hoảng lên, - Nó làm hỏng mất con ngựa cái rồi… Nó văng sừng vào con ngựa cái. Tôi thấy…
Miron Grigorievich chẳng nghĩ tới mặc thêm cái áo, cứ phong phanh nhảy luôn ra sân. Bên cái giếng, Mitka đang vung cái cọc đánh lấy đánh để con bò mộng năm tuổi lông đỏ. Còn con bò thì cứ ngoáy loạn xạ cái đầu chúi xuống thật thấp, làm cái yếm da lùng nhùng trước ức nó bị kéo sệt trên tuyết. Nó cào chân xuống tuyết, hất tuyết ra phía sau rất xa, cái đuôi xoắn như lò xo tung ra chung quanh một đám bụi trắng như bạc. Tuy bị đòn đau, nhưng nó không chạy, chỉ gừ gừ và luôn luôn chuyển hai chân sau từ chỗ nọ sang chỗ kia, có vẻ như sắp nhảy chồm lên đến nơi.
Tiếng gừ gừ trong họng con bò mỗi lúc một to, nó bắt đầu rống lên. Mikhey đứng phía sau Mitka kéo dây lưng nó, nhưng Mitka chẳng để ý gì đến hắn, vẫn ra sức đánh vào mặt, vào sườn con bò và không ngớt văng đến khản cả giọng những lời kinh tởm.
- Thôi mặc nó đấy, cậu Mitka! Vì Chúa cứu thế, tôi van cậu!
- Nó húc cậu bây giờ? - Kìa ông Grigorievich, sao lại đứng mà nhìn thế?
Miron Grigorievich chạy ra giếng. Con ngựa đứng sát hàng roà, đầu thõng xuống nom đến là thiểu não. Giữa những cái xương sườn, những đường hõm đẫm mồ hôi vừa đen vừa sâu lên lên xuống xuống theo nhịp thở. Máu chảy xối trên cổ nó xuống tuyết, xuống cả những bắp thịt tròn tròn trước ngực. Lớp lông màu hạt dẻ nhạt trên lưng và trên sườn nó khẽ rung rung. Hai bên hông cũng run bần bật.
Miron Grigorievich chạy tới gần. Trên cổ con ngựa có vết thương nứt hoác sang hai bên, bốc hơi và sủi lên hồng hồng. Vết thương vừa dài vừa sâu, luồn bàn tay vào cũng vừa. Mỗi lần con ngựa thở dốc lại có thể trông thấy cái cổ họng những đốt là đốt. Con ngựa vẫn gục đầu đứng đấy. Miron Grigorievich nắm lấy bờm, kéo cao đầu nó lên. Nó đưa cái tròng con mắt long lanh tím tím nhìn thẳng vào mắt chủ, tựa như muốn hỏi: "Không biết rồi sẽ ra sao đây?" Như để trả lời câu hỏi ấy, Miron Grigorievich quát lên:
- Mitka! Bảo chúng nó sắc nước vỏ sồi. Có mau lên không?
Getko chạy đi bóc vỏ cây sồi. Trong khi gã chạy, chỗ lộ hầu hình tam giác cứ rung rung trên cái cổ ghét bám năm tầng bảy lớp. Mitka đi tới gần bố nhưng vẫn ngoái cổ đề phòng con bò đang lồng lộn chạy vòng trong sân. Con bò vẫn rống lên không ngớt và cứ xông đến khắp mọi chỗ trong sân, đỏ lòm trên màu trắng của tuyết tan.
- Nắm lấy bờm nó! - Người bố ra lệnh cho Mitka - Mikhey, chạy đi kiếm sợi dây! Quàng lên không ông cho cái quai hàm bây giờ!
Cái môi trên mượt như nhung, lơ thơ vài sợi lông của con ngựa được buộc bằng sợi dây. Người ta lồng một cái que vào sợi dây, xoắn chặt lại, cho con vật bớt cảm thấy đau. Cụ Grisaka bước tới. Cái tách vẽ hoa đựng chất thuốc sắc tím nâu như quả sồi được mang ra.
- Để nguội đã, có lẽ nóng quá đấy. Mày có nghe thấy không, Miron!
- Thôi cha vào trong nhà đi, lạy Chúa tôi? Đứng đây lại cảm lạnh bây giờ!
- Còn tao thì tao bảo mày để cho nguội đã. Muốn giết chết con ngựa hay sao?
Vết thương đã rửa xong. Miron Grigorievich xâu sợi chỉ thô vào chiếc kim sào bằng những ngón tay rét cóng rồi tự tay khâu kín miệng vết thương. Đường chỉ khâu rất khéo. Miron Grigorievich chưa kịp rời khỏi chỗ cái giếng thì bà Lukinhitna đã lon ton chạy ra. Lo âu càng làm cho cặp má nhẽo nhợt của bà nhăn nhúm thêm, nom cứ như hai cái túi rỗng. Bà gọi chồng ra một chỗ để nói riêng:
- Con Natalia nó bỏ về nhà đấy, ông Grigorievich ạ? Trời ơi là trời, lạy Chúa tôi?
- Lại còn chuyện gì nữa hử? - Đầu tóc Miron Grigorievich xù lên, khuôn mặt trắng bệch đầy tàn hương tái mét.
- Nó có chuyện với thằng Grigori đấy… Thằng rể quý của ông nó bỏ nhà đi rồi? - Bà Lukinhitna vỗ phành phạch vào váy, giơ ngang hai tay như con quạ đen sắp cất cánh bay, và rít lên - Khắp làng trên xóm dưới đã nói ra nói vào rồi đấy! Lạy Chúa tôi, sao mà tội nợ đến thế nầy? Chao ôi? Trời ơi là trời!
Natalia đứng giữa bếp, đầu trùm khăn, mình mặc một chiếc áo rét ngắn. Hai giọt nước mắt mọng mọng đã ứa ra ở gần tinh mũi, nhưng còn chưa rơi. Má nàng đỏ tía như màu gạch.
- Làm sao mà mày còn vác mặt về đây hử? - Người bố vừa bước chân vào bếp đã cho luôn con một trận. - Mày bị chồng đánh à? Ăn ở với nhau không được êm thấm hay sao?
- Anh ấy bỏ đi mất rồi. - Natalia cố nén tiếng nức nở đã dồn lên đến cổ. Nàng hơi lảo đảo rồi quỳ sụp xuống trước mặt bố. - Cha ơi, cha yêu của con, đời con thế là tan nát mất rồi? Cha cho con về sống ở nhà thôi! Griska bỏ đi với con nhân tình của anh ấy rồi? Thế là từ nay con trơ trọi một thân! Cha yêu của con, bây giờ cứ như có cái bánh xe nghiến lên người con ấy!
Natalia mếu máo nói một tràng rất nhanh. Chưa dứt lời nàng đã ngước nhìn lên chòm râu ngô của bố, hai con mắt đầy vẻ van xin.
- Thôi đi có lẽ nào như thế được, hãy chờ xem đã!
- Con không sống được ở bên ấy nữa đâu! Cha cho con về ở nhà thôi!… - Natalia bò nhanh tới bên cái hòm và run run gục đầu xuống hai bàn tay. Chiếc khăn trên đầu nàng tụt ra sau lưng làm lộ làn tóc đen chải mượt lão xoã bên hai vành tai nhợt nhạt. Trong những giây phút đắng cay như thế nầy, nước mắt thật chẳng khác gì cơn mưa ngày đại hạn tháng năm. Người mẹ ôm đầu Natalia vào bụng gầy hõm của bà và cứ luôn miệng than vãn kể lể bằng một tràng những lời ngớ ngẩn, không đầu không đũa của đàn bà. Còn Miron Grigorievich thì tức điên lên, chạy bổ ra ngoài thềm.
- Thắng hai con ngựa vào xe trượt tuyết! Có cái càng giữa.
Nghe thấy tiếng quát như lệnh vỡ, con gà trống đang đạp mái một cách thành thạo bên thềm hoảng lên vội nhảy ngay xuống. Nó khệnh khạng rời xa thềm nhà, vừa đi vừa cục cục trong họng, ra vẻ tức giận lắm.
- Thắng ngựa mau? - Miron Grigorievich đưa ủng đá nát những con tiện chạm trổ trên dãy lan can. Mãi khi Getko chạy trong tàu ngựa ra với một cặp ngựa huyền, vừa chạy vừa lồng vòng cổ ngựa, ông mới bỏ vào trong nhà, để lại dãy lan can gãy nát không còn ra hình thù gì nữa.
Mitka và Getko đánh xe đi lấy tư trang của Natalia về. Anh chàng Ukraina lơ đãng để xe chẹt phải một con lợn sữa không kịp chạy khỏi lòng đường. Hắn nghĩ thầm: "Xảy ra một chuyện như thế nầy thì may ra ông chủ sẽ quên được chuyện con ngựa cái?" Với ý nghĩ như thế, hắn sung sướng thả lỏng dây cương.
"Nhưng cái lão quỷ dữ hại người ấy, lão có quên chuyện gì bao giờ?" Ý nghĩ nầy chợt nảy ra làm Getko nhăn mặt, bĩu môi.
- Có nhanh lên không, con chết tử chết tiệt? Nầy ông cho mày biết mùi! - Hắn quát lên rồi hết sức chú ý quất cho một con ngựa huyền một roi, trúng ngay chỗ lá lách1.
Chú thích:
1 Ngọn roi nầy rất hiểm. Ngựa bị đánh vào chỗ nầy thì đau nhất. ND
Chương 37
PHẦN 2
Viên trung uý kỵ binh Evgeni Litnhitki làm sĩ quan trung đoàn ngự lâm cận vệ Atamansky. Trong một cuộc đua ngựa của sĩ quan, hắn đã ngã ngựa, gãy mất cánh tay trái. Ở bệnh viện ra, hắn xin nghỉ phép về Yagonoie ở với bố một tháng rưỡi.
Viên tướng già sống một thân một mình ở Yagonoie. Lão đã goá vợ từ lâu. Vợ lão đã qua đời tại một nơi ở ngoại ô Varsava trong những năm tám mươi thế kỷ trước. Vốn là kẻ địch nhằm vào viên tướng Cô-dắc, nhưng lại bắn phải vợ lão cùng gã đánh xe và làm chiếc xe bốn bánh thủng lỗ chỗ ở nhiều nơi, còn viên tướng thì thoát chết. Vợ tướng Litnhitki chết đi để lại cho lão thằng Evgeni năm ấy mới lên hai. Sau đó chẳng bao lâu viên tướng về hưu. Lão chuyển đến ở Yagonoie và bắt đầu sống một cuộc đời khắc khổ, cách biệt hẳn với giới thượng lưu. Đất đai của lão gồm bốn ngàn đê-xi-a-chin nằm trong tỉnh Saratov. Số đất nầy đã được triều đình cắt đất lập ấp cho đời tứ đại của lão sau khi ông nầy tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại năm 1812.
Khi Evgeni lớn lên, tướng Litnhitki gửi hắn vào học trường võ bị, còn mình thì tự quản lý lấy công việc làm ăn: lão chăn nuôi gia súc giống tốt. Lão mua được ở trại nuôi ngựa của hoàng đế những con ngựa giống chạy nước kiệu hay, cho nhảy những con ngựa cái tốt nhất mua ở nước Anh và ở trại ngựa giống Provansky vùng sông Đông, cuối cùng gây được một giống riêng. Trên phần đất mà lão được chia với tư cách là dân Cô-dắc và trên các khoảnh mua thêm, lão nuôi những đàn ngựa và trồng lúa mì bằng tay người khác.
Mùa xuân và mùa thu lão thường đem đàn chó đi săn và thỉnh thoảng lại đóng chặt cửa cái phòng khách màu trắng, ở lì trong đó để tuý luý càn khôn hàng tuần. Cái bệnh đau dạ dày ác nghiệt làm tình làm tội lão rất nhiều; vì thế bác sĩ hết sức nghiêm khắc cấm lão nuốt các thức ăn mà lão đã nhai: lão chỉ nhai, mút lấy nước, rồi nhổ bã vào một cái đĩa nhỏ bằng bạc. Venhiamin, gã hầu phòng trẻ tuổi, dân mu-gích1, luôn luôn đứng bên cạnh lão, đưa hai tay chìa cái đĩa bạc cho lão nhổ.
Venhiamin là một gã dở hơi dở người, da bánh mật. Không phải là tóc mà là một đám nhung đen nhánh mọc lên trên cái đầu tròn xoe của gã. Lão đã hầu cụ chủ Litnhitki sáu năm trời. Đầu tiên, hồi mới phải cầm cái đĩa bạc đứng bên cạnh ông tướng, gã đã không khỏi buồn nôn mỗi khi nhìn thấy lão già nhổ ra những miếng bã thức ăn xám xịt, nhai nát nhừ. Nhưng rồi gã cũng quen dần.
Kẻ ăn người ở trong dinh cơ, ngoài Venhiamin còn có mụ nấu bếp Lukeria, ông cụ chăn ngựa già yếu hom hem Xaska, chàng chăn bò Tikhol, chàng đánh xe Grigori vừa mới đến làm cùng với Acxinhia. Lukeria là một mụ da thịt nhẽo nhợt, rỗ nhằng rỗ nhịt, mông to tầy dành, toàn thân tương tự như một đống bột bánh vàng chưa lên men. Ngay hôm đầu, mụ đã đuổi không cho Acxinhia bén mảng tới bếp lò.
- Bao giờ sang hè, cụ chủ thuê người làm thì cô hãy thổi nấu, còn bây giờ thì một mình tôi xoay sở cũng xong việc.
Công việc của Acxinhia là lau sàn nhà mỗi tuần ba lần, cho gà vịt chim chóc ăn và quét dọn sân gà vịt cho sạch sẽ. Nàng mới bắt tay vào làm việc đã tỏ ra rất siêng năng, cố làm vừa lòng tất cả mọi người, kể cả mụ Lukeria. Grigori làm việc phần lớn thì giờ cùng với ông lão chăn ngựa Xaska trong cái tàu ngựa rộng thênh thang dựng toàn bằng những khúc gỗ tròn. Ông cụ đã sống đến lúc râu tóc bạc phơ, nhưng vẫn cứ là Xaska với cái tên hồi nhỏ. Chẳng ai muốn làm cụ vừa lòng bằng cách gọi cụ với tên chính thức kèm tên theo bố còn họ của cụ là gì thì có lẽ ngay lão già Litnhitki cũng chẳng biết, dù cho cụ đã sống ở nhà lão hơn hai chục năm rồi. Hồi còn trai trẻ, cụ Xaska đánh xe ngựa, nhưng đến khi gần đất xa trời, sức kiệt mắt kém, cụ phải vào làm trong tàu ngựa. Người cụ loắt choắt, râu tóc toàn một màu bạc trắng có chút ánh xanh lá cây ngay đến hai tay cụ cũng mọc đầy những cái lông bạc. Từ hồi cụ còn nhỏ, mũi cụ đã bị một nhát vồ đập tẹt dí. Lúc nào người ta cũng thấy cụ hấp háy hai con mắt ngây thơ, nhằng nhịt những vết nhăn đỏ, nhìn mọi vật xung quanh với nụ cười hồn nhiên của con nít.
Hồi đi lính, một lần quá chén cụ Xaska vốn là một dân "moskan"2 ở Bogutra, cụ đã không uống vodka mà vớ nhầm một chai nước cường toan3. Dòng hoá chất nóng bỏng như lửa đã gắn chặt môi dưới ông cụ xuống cằm, rồi chảy thêm đến đâu là để lại đến đấy một cái sẹo chéo hồng hồng, râu không mọc được nữa, nom rất nhộn. Cứ như có một con thú quái đản liếm qua chòm râu của cụ Xaska một cái, và cái sẹo chính là dấu vết cái lười ráp như lưỡi giũa của no.
Cụ Xaska rất hay uống vodka, và mỗi lần có tí tửu vào là cụ lại lang thang trong sân trang trại, cứ như chính mình là ông chủ của dinh cơ nầy. Chân nam đá chân siêu, cụ đến đứng trước cửa sổ phòng ngủ của cụ lớn, rồi giơ một ngón tay lên ngoáy ngoáy một cách tinh quái trước cái mũi buồn cười của cụ.
- Micolai Alechxeit! Micolai Alechxeit đâu thế hử? - Cụ gọi rất to, rất oai.
Nếu lúc ấy lão địa chủ già đang ở trong phòng ngủ thì thể nào lão cũng ra đứng ở cửa sổ.
- Lại tọng phễnh bụng rồi phải không, cái thằng ma men vô tích sự nầy? - Giọng lão ở trong cửa sổ đưa ra ồm ồm như sấm.
Cụ Xaska xốc xốc cái quần đang muốn tụt xuống, nheo mắt, mỉm cười láu lỉnh. Nụ cười hiện lên theo một đường chạy chéo qua khắp mặt ông lão: từ hai con mắt bên trái nheo nheo chếch xuống đến vết sẹo hồng hồng hằn lên từ mép bên phải, nom đến là ngang ngược, nhưng lại rất dễ thương.
- Micolai Lechxeit, quan lớn5 ạ, ta biết rõ quan lớn lă-ă-ắm đấy nhé? - Cụ Xaska nói rồi giơ thẳng ngón tay khô quắt, đen thui thủi lên doạ.
- Thôi đi ngủ đi cho tỉnh rượu, - Lão địa chủ đứng trong cửa sổ mỉm cười làm lành, rồi đưa cả năm ngón tay ám khói thuốc lá lên vê bộ ria chảy xệ.
- Chẳng ma quỷ nào lừa nổi lão Xaska nầy đâu! - Cụ Xaska vừa cười vừa bước tới bên hàng rào. - Micolai Alechxeit ạ, lão… lão thì cũng như ta thôi. Hai chúng mình thật như cá với nước. Cá lặn xuống đáy sông, còn hai ta thì… thì ra sân đập lúa. Mà cả ta lẫn lão đều giàu sang phú quý như thế nầy nầy! - Cụ Xaska dạng chân, dang rộng hai tay. - Khắp quân khu sông Đông nầy, ai mà không biết hai chúng mình? Hai chúng mình… - giọng cụ Xaska bỗng trở nên bi thảm và thấm thía. - Ta với quan lớn, quan lớn ạ, thì mặt nào cũng đều tốt đẹp, chỉ phải hai cái mũi của chúng mình cú thum thủm đấy thôi!
- Tại sao thế? - Lão địa chủ cười đến tái xanh tái tím, râu ria rung loạn xạ; lão ngạc nhiên hỏi cho rõ.
- Vì vodka chứ còn sao nữa? - Cụ Xaska nói rành rọt từng tiếng, nháy mắt lia lịa và thè lưỡi ra liếm dải nước bọt chảy theo vết lõm của cái sẹo hồng hồng. - Nầy, Micolai Alechxeit ạ, đừng rượu chè nữa đấy, nếu không hai chúng mình đều bỏ mẹ cả thôi, bao nhiêu của chìm của nổi đều khánh kiệt hết thôi!
- Thôi nầy, nốc thêm vào cho hết say!
Lão địa chủ ném qua cửa sổ một đồng hai mươi kopek, cụ Xaska đón bắt rất lẹ, rồi giấu đồng tiền vào lần lót của cái mũ cát-két.
- Thôi tạm biệt ông tướng nhé, - Cụ chào xong thở dài bỏ đi.
- Nhưng đã cho ngựa uống nước chưa? - Lão địa chủ vừa hỏi vừa mỉm cười trước. Lão đã biết cụ Xaska sẽ trả lời những gì.
- À cái thằng quỷ ghẻ! Thật là đồ chó đẻ! - Cụ Xaska đỏ mặt tía tai gầm lên, giọng phá ra. Cơn phẫn nộ làm cụ như lên cơn sốt rét. - Thằng Xaska nầy mà quên không cho ngựa uống nước à? Sao lại có chuyện như thế được. Dù chết đến nơi, lão cũng bò lết đem được cho mỗi con một thùng nước giếng, thế mà nó lại dám nghĩ như vậy? Cũng ra cái điều!
Cụ Xaska giơ nắm tay lên doạ, vặc rầm lên một trận rồi bỏ đi. Nhục nhã oan ức đến thế thì chịu sao nổi?
Người ta tha thứ cho cụ Xaska hết thảy: cả cái bệnh rượu chè lẫn cái thói suồng sã bừa bãi với cụ chủ, vì kiếm đâu ra một người coi ngựa làm thay nổi cụ Xaska? Mùa đông cũng như mùa hè, cụ đều ngủ dưới mái tàu ngựa, trong một khoang nhốt ngựa bỏ không. Không ai chăm sóc ngựa được như cụ, cụ vừa coi ngựa vừa là một ông lang chữa thuốc cho ngựa. Mùa xuân, hễ đến tháng Năm, khi các giống cỏ ra hoa cụ lại đi kiếm cỏ dấu, đi đào những rễ cây thuốc ngoài đồng, trong những khe khô và khe nước. Trên tường tàu ngựa treo rất cao những bó đủ mọi thứ cỏ khô: cỏ tảo xuân chữa bỏng, cỏ mắt rắn chống nọc rắn, cỏ hắc diệp dùng khi ngựa gãy chân, một thứ cỏ trắng mọc dưới gốc những cây liễu trong rừng, rất khó nhận ra, dùng khi ngựa bỗng trở nên trái tính. Ngoài ra còn rất nhiều thứ cỏ khác không tên không tuổi để chữa cho ngựa những lúc trái nắng trở trời.
Ở tàu ngựa, nơi cụ Xaska ngủ trong khoang buộc ngựa, mùa đông cũng như hè, lúc nào cũng phảng phất một mùi hương ngai ngái, lờm lợm, lơ lửng trong khôngkhí như cái mạng nhện. Cụ nằm trên chiếc giường ván trải mảnh áo ngựa, lớp rơm đã nén lâu rắn như đá và cái áo choàng bằng dạ thô của cụ. Ngoài cái áo choàng hôi sú nặc mùi mồ hôi ngựa nầy và tấm áo da thuộc ngắn, gia tài của cụ Xaska chẳng còn gì khác.
Tikhol, gã Cô-dắc môi dày, khỏe mạnh nhưng hơi ngớ ngẩn, cùng ở với mụ Lukeria. Tuy chẳng có bằng chứng gì, nhưng gã cứ ghen bóng ghen gió với cụ Xaska. Chừng mỗi tháng một lần, gã lại nắm lấy khuy áo chiếc sơ-mi nhớp nhúa của cụ Xaska, kéo cụ ra sau nhà.
- Nầy bố già, bố đừng nhòm ngó vợ tôi đấy!
- Chuyện ấy thì nói thế nào bây giờ nhỉ? - Cái nháy mắt của cụ Xaska đầy ý nghĩa.
- Nên thôi đi, bố già ạ? - Tikhol van vỉ.
- Nhưng anh bạn thân mến ạ, lão lại thích những ả mặt rỗ đấy. Chẳng cần cho lão một cốc rượu, cứ đem đến cho lão một ả mặt rỗ là được rồi. Cái bọn khốn nạn ấy, chúng nó càng rỗ nhằng rỗ nhịt lại càng yêu anh em mình.
- Bố đã sống đến ngần nầy tuổi rồi thì cũng phải biết xấu hổ chứ? Làm như thế là có tội đấy. Mà bố còn là thầy thuốc, bố biết chữa bệnh cho ngựa, biết lời thiêng…
- Lão là thầy thuốc về tất cả các mặt đấy. - Cụ Xaska vẫn khăng khăng.
- Nên thôi đi, bố già ạ? Không thể làm như thế được đâu.
- Nầy người anh em ạ, mụ Lukeria nầy nhất định sẽ về tay lão cho mà xem. Cậu hãy chia tay với nó, với con mụ thổ tả ấy đi. Lão sẽ chiếm lấy mụ? Mụ cũng như một cái bánh trứng có nho khô ấy mà. Chỉ vì nho khô đã bị nạy đi cả cho nên mụ mới hơi rỗ một chút như thế thôi. Lão vốn yêu những mụ như thế?
- Thôi cầm lấy nầy… nhưng chớ có làm vướng chân tôi đấy, tôi thì giết. - Tikhol vừa nói vừa thở dài móc trong túi thuốc ra vài đồng xu đồng.
Chẳng tháng nào không có một lần như thế.
Cuộc sống ở Yagonoie lên mốc lên meo trong một bầu không khí đờ đẫn ngái ngủ. Cái trang trại hẻo lánh nầy nằm trong một khe núi khô, xa các đường cái, sang thu rồi là chẳng còn dính líu đi lại gì với trên trấn cũng như với các thôn. Mùa đông, trên ngọn gò dựa lưng vào khu rừng, nhô ra như một mũi cát trên mặt biển, đêm đêm thường có những đàn chó sói qua mùa đông trong khu rừng Đen chạy ra gào hú, làm cho những con ngựa hết cả hồn vía. Những lúc như thế, Tikhol lại vác khẩu súng hai nòng của lão địa chủ vào rừng bắn đùng đoàng vài phát. Còn mụ Lukeria thì quấn tấm chăn vải thô quanh cặp mông to bè bè như tám gang đậy lò, nín thở chờ nghe tiếng súng. Mụ đăm đăm nhìn vào bóng tối, hai con mắt sưng húp trên cặp má bánh dầy rỗ nhằng rỗ nhịt. Lúc nầy, đối với mụ, gã Tikhol dở hơi và hói đầu của mụ là một chàng dũng sĩ đẹp trai dũng cảm tuyệt vời. Rồi đến khi cánh cửa của nhà đầy tớ mở bật ra cho Tikhol vào cùng với một đám hơi nước mù mịt, mụ lại nhường cho gã một chỗ trên giường, rồi vừa lẩm bẩm những lời âu yếm nựng nịu, vừa sung sướng ôm lấy gã nhân tình đang rét run như cầy sấy.
Mùa hè, ở Yagonoie đến khuya vẫn còn lao nhao tiếng những người đến làm công. Lão địa chủ gieo khoảng bốn mươi đê-xi-a-chin những thứ lúa khác nhau, vì thế phải thuê thợ gặt. Mùa hè, năm thì mười hoạ, Evgeni lại về trang trại. Hắn lang thang ngoài vườn và trong khu rừng sát ven ấp, sống những ngày chán ngán, sáng sáng mang cần câu ra ngồi lì bên bờ ao. Người hắn thấp, nhưng ngực nở nang, tóc để theo kiểu Cô-dắc với một bờm tóc chải sang bên phải. Bộ quân phục sĩ quan may rất khéo bó sát người hắn.
Hồi mới cùng Acxinhia đến trang trại, mấy ngày đầu Grigori cũng thường hay lên chơi với cậu chủ. Venhiamin bước vào nhà đầy tớ, nghiêng cái đầu có bộ tóc đen như nhung, mỉm cưởi.
- Lên nhà đi, Grigori, chỗ công tử ấy, công tử cho gọi cậu đấy.
Grigori bước vào, đứng lại ở chỗ cái đà ngang cửa. Công tử Evgeni Nicolaevich hơi nhe hàm răng to nhưng thưa, giơ tay chỉ một cái ghế dựa:
- Anh ngồi xuống đi.
Grigori ngồi xuống mép ghế.
- Anh có thích những con ngựa của nhà ta không?
- Những con ngựa tốt lắm. Con xám rất tốt.
- Anh hãy lấy nó đi cưỡi nhiều hơn một chút. Nhưng chú ý đừng phóng nước đại.
- Cụ Xaska đã dặn tôi rồi.
- Còn con Kreput thì thế nào?
- Con hạt dẻ ấy à? Nó thì vô giá. Nhưng móng bắt đầu có vết rồi đấy phải đóng móng lại mới được.
Cậu công tử nheo cặp mắt sắc ngọt hỏi:
- Nhưng đến tháng Năm nầy anh phải đến trại lính cơ mà?
- Đúng thế đấy ạ.
- Tôi sẽ nói với ông ataman, anh sẽ không phải đi.
- Xin cảm ơn quan lớn lắm.
Hai người nín lặng một lát. Viên trung uý cởi cúc cổ áo quân phục, gãi gãi cái ngực trắng hếu như ngực đàn bà.
- Thế nào, anh không sợ thằng chồng của Acxinhia đến lấy lại nó trong tay anh à?
- Nó bỏ rồi, không lấy lại nữa đâu.
- Ai nói với anh thế?
- Hôm lên trấn mua đinh đóng móng ngựa, tôi có gặp một bà con trong thôn. Người ấy nói Stepan dạo nầy rượu chè không còn biết trời đất là gì nữa. Nó bảo: "Tôi không thiết gì đến con Acxinhia nữa, nó không còn đáng một đồng xu nhỏ. Mặc xác nó, tôi sẽ kiếm được một đứa khá hơn nhiều".
- Acxinhia là một cô nàng đẹp đấy. - Viên trung uý vừa nói vừa mơ màng nhìn cao hơn con mắt của Grigori, một nụ cười dâm đãng nở trên môi hắn.
- Kể ra cũng được, - Grigori đồng ý rồi cau mày.
Hạn nghỉ phép của Evgeni đã sắp hết. Hắn đã có thể bỏ băng đeo, dễ dàng giơ tay, nhưng vẫn chưa gập được khuỷu.
Mấy ngày cuối cùng, hắn rất hay xuống la cà dưới gian Grigori ở trong nhà đầy tớ. Acxinhia đã quét vôi lại căn phòng mốc meo bẩn thỉu lau rửa các khung cửa sổ, lấy gạch vụn sát kỹ sàn nhà. Căn phòng nhỏ trống huếch trống hoác nhưng tươi vui tràn ngập không khí ấm cúng của nơi có mặt người đàn bà. Hơi nóng toả ra từ cái bếp lò chôn dưới đất. Viên trung uý khoác lên vai chiếc áo măng-tô ngắn may kiểu Romanov bằng dạ xanh da trời rồi láng cháng xuống nhà đầy tớ. Hắn cứ nhằm những lúc Grigori bận chăm nom cho ngựa mới mò tới. Đầu tiên hắn tạt vào nhà bếp, pha trò vài câu với mụ Lukeria rồi quay ra để rẽ vào nửa nhà bên kia. Hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê bên cạnh bếp lò, gù hẳn lưng xuống và nhìn Acxinhia chằm chằm bằng hai con mắt tươi cười rất vô liêm sỉ. Thấy Evgeni có mặt trong phòng, Acxinhia mất hết bình tĩnh, đôi kim đan trên chiếc bít tất đan dở rung lên trong tay nàng.
- Acxuska, chị ở đây thấy thế nào? - Viên trung uý hỏi rồi hà một hơi thuốc, khói xanh um cả căn phòng nhỏ.
- Xin cám ơn quan lớn.
Acxinhia ngước nhìn lên bắt gặp cặp mắt trong suốt của viên trung uý, thấy trong đó nói lên không cần dùng lời tất cả dục vọng của hắn. Nàng đỏ bừng mặt. Acxinhia cảm thấy bực bội khó chịu mỗi khi nhìn thấy hai con mắt nhạt mầu, trần truồng của cậu chủ Evgeni Nicolaevich. Nàng trả lời không đầu không đũa các câu hỏi vô vị của hắn, và chỉ tìm cách mau chóng bỏ di chỗ khác.
- Tôi phải đi đây. Còn đổ thóc cho vịt.
- Chị ngồi thêm một lát nào. Còn kịp chán. - Viên trung uý mỉm cười hai chân hắn run bắn lên trong cái quần cưỡi ngựa may rất sát.
Hắn lân la hỏi mãi Acxinhia về cuộc đời của nàng trước kia. Hắn cố ý dùng những âm trầm của cái giọng hệt như giọng của bố hắn, trong khi đó hai con mắt sáng, trong như nước suối của hắn cứ nói lên những điều thô bỉ, vô liêm sỉ.
Làm xong công việc, Grigori trở về nhà đầy tớ. Tên trung uý dập tắt ngay ngọn lửa vừa nãy còn bừng bừng trong mắt hắn, mời Grigori hút điếu thuốc rồi bỏ ra ngoài.
- Nó ngồi đây làm gì thế? - Grigori không nhìn Acxinhia, hỏi giọng khàn khàn.
- Em làm thế nào mà biết được? - Nhớ lại cặp mắt tên trung uý, Acxinhia bật cười, một tiếng cười chẳng tự nhiên chút nào. - Nó vào trong nầy, ngồi xuống ở chỗ kia kìa, anh Griska ạ, anh hãy xem, cứ như thế nầy nầy, - Nàng bắt chước kiểu tên trung uý ngồi, lưng còng xuống rất giống. - Và nó cứ ngồi mãi ngồi mãi, làm em đến buồn nôn. Mà hai đầu gối nó thì nhọn hoăn hoắt, nhọn ơi là nhọn.
- Và em thì tiếp chuyện nó, phải không? - Grigori cau mày đầy vẻ bực tức.
- Em thiết gì cái thớ nó!
- Nầy liệu liệu đấy, kẻo tôi chỉ búng một cái là cho nó bắn ra ngoài thềm ngay.
Acxinhia mỉm cười nhìn Grigori và không thể nào hiểu được là chàng nói thật hay nói đùa.
Chú thích:
1 Đây là nông dân không phải dân Cô-dắc. ND
2 Moskan là cái tên mà dân Ukraina và dân Belorussia thường dùng để gọi binh lính, nhân viên chính quyền và dân Nga một cách khinh bỉ ND
3 Một dung dịch hoá học gồm một phần acide nitric và ba phần một chất muối làm cho dung dịch hoà tan được vàng. ND
4 "Micolai" là hình thức xàm xỡ để gọi "Nicolai", còn "Lechxeit" là cách gọi tắt "Alexeevich" ND
5 Riêng đối với hai chữ "quan lớn" của dòng nầy, không kể bên dưới, nguyên văn là một hình thức kính trọng để xưng hô với một mục sư ND
Chương 38
PHẦN 2
Đến tuần chay thứ tư trời bớt rét. Hai bên dòng sông Đông sùi lên, nom như những cái viền tua. Lớp trên của băng tan một phần trương lên, thủng lỗ chỗ trắng ra. Chiều chiều từ trong núi vang ra những tiếng ì ầm. Theo lời các cụ truyền lại thì đó là triệu chứng sắp đại hàn, nhưng thật ra trời sắp trở ấm. Buổi sáng tiết trời rét nhẹ còn phủ lên mặt đất một lớp băng mỏng, nhưng đến giữa trưa thì đất sạch băng và không khí nặc mùi tháng ba, mùi vỏ cây anh đào bị giá, mùi rơm cỏ mục.
Miron Grigorievich đã nhẩn nha sửa soạn việc cày bừa. Ngày đã dài ra, nhưng hôm nào ông cũng loay hoay dưới mái hiên nhà kho để đẽo những cái răng bừa và cùng Getko làm hai cái khung xe mới, kiểu xe có bánh. Cụ Grisaka ăn chay để đến tuần thứ thì chịu lễ ban ơn thánh thể. Cụ ở nhà thờ về, rét quá, người tím lại như quả bồ quân. Cụ than phiền với con dâu:
- Lão cố đạo làm tình làm tội tao mãi, cha cố cái loại ăn hại, đúng thế đấy, làm lễ cứ như lái trứng đánh xe. Đến là tai hại!
- Cha ạ, đáng là cha nên chờ đến tuần trước lễ Phục sinh hãy ăn chay thì hơn, lúc ấy ấm áp hơn.
- Mày gọi con Natalia vào đây cho tao. Phải bảo nó đan cho một đôi bit-tất thật dày mới được. Còn đi thứ bit-tất hở gót nầy thì đến con sói xám cũng chết cóng.
Natalia về sống ở nhà bố mẹ thật chẳng khác gì "một gã khô-khon lúc gần đất xa trời"1 Nàng cứ có cảm tưởng như Grigori sẽ quay trở lại với mình. Mặc những lời rỉ tai tỉnh táo của lý trí, con tim nàng vẫn một mực mong đợi. Đêm đêm lòng dạ nàng bị thiêu đốt trong nhớ nhung. Chuyện nhục nhã bất ngờ và đầy oan khuất vừa qua đã dày xéo, chà đạp lên nàng. Nhưng chưa hết tai nầy đã đến nạn khác, và Natalia kinh hoàng, âm thầm chờ xem kết cục của cái nạn nầy sẽ ra sao. Bao nhiêu đêm liền nàng trằn trọc trong căn phòng nàng đã ở hồi còn con gái, chẳng khác gì con chim dẽ mào trúng đạn trong đám cỏ bên bờ đầm. Ngay từ mấy ngày đầu Mitka đã bắt đầu nhìn Natalia bằng con mắt khác hẳn trước kia, và một lần nó đã giữ nàng lại ở phòng ngoài, hỏi toạc móng heo:
- Mày buồn khổ vì thiếu thằng Griska à?
- Việc gì đến anh?
- Tao muốn giúp mày xua cái buồn ấy đi…
Natalia nhìn vào mắt nó rồi sợ rủn cả người vì thấy mình đã đoán ra. Cặp mắt xanh lè như mắt mèo của Mitka long lên, hai kẽ đồng tử lấp loáng đầy vẻ dâm đãng trong bóng tối của phòng ngoài. Natalia đóng sầm cửa lại, nhảy thoắt vào căn phòng bên, phòng của cụ Grisaka. Nàng đứng trong đó rất lâu, lắng nghe tiếng tim mình hoảng hốt đập thình thịch. Ngay hôm sau Mitka lại sán đến bên Natalia ở sân nuôi gia súc. Lúc ấy nó đang hất cỏ cho gia súc ăn, những sợi cỏ xanh còn vương trên bộ tóc mượt và cái mũ lông kiểu Tây ban nha của nó. Natalia đang đuổi mấy con chó luẩn quẩn bên cái máng lợn.
- Mày đừng tự làm khổ mày nữa, Natasca ạ…
- Tôi gọi cha bây giờ! - Natalia không dám nhìn nó bèn đưa hai tay lên che mặt và kêu rầm lên.
- Sao thế, mày điên à?
- Cút đi đồ khốn kiếp!…
- Làm gì mà mày kêu toáng lên thế?
- Cút ngay đi, anh Mitka? Tôi vào mách cha bây giờ đây! Sao anh cứ nhìn tôi bằng hai con mắt như thế? Hừ, đồ vô liêm sỉ! Thế mà còn đứng được trên mặt đất à?
- Đất nó vẫn đỡ tao như thường, có lún xuống đâu nào? - Để chứng thực cho lời nó nói, Mitka chống nạnh hai tay và dận đế ủng xuống đất.
- Nầy anh Mitka, đừng có sán đến gần tôi!
- Bây giờ thì tao không đến gần mày đâu, nhưng đến đêm tao sẽ vào. Đúng thế đấy, thể nào tao cũng vào.
Natalia bước ra khỏi sân gia súc, người run cầm cập. Đến tối, nàng sắp xếp chỗ nằm trên chiếc hòm to, rồi gọi con em gái út vào cùng ngủ với mình. Suốt đêm nàng trằn trọc, mắt bừng bừng cố nhìn xuyên qua bóng tối, chỉ chờ có tiếng động là kêu rầm nhà ngay.
Nhưng trong bầu không khí lặng như tờ chỉ nghe thấy tiếng cụ Grisaka ngáy cạnh đấy, bên kia tường, và tiếng con em bé dạng chân dạng tay nằm bên cạnh lâu lâu lại khịt mũi.
Những ngày bị đầu độc bởi nỗi đau khổ khôn nguôi của một người đàn bà lần lượt trôi qua.
Mitka còn chưa khuây khoả sau cái nhục mà nó đã phải chịu trong lần đi hỏi vợ trước kia. Nó trở nên cau có và hung hãn. Tối tối nó lần đến bãi thanh niên múa hát chơi bời, phần nhiều trời hửng mới thấy nó dẫn xác về. Nó tằng tịu với những mụ vợ lính vắng chồng ngứa ngáy nghề hoặc đến nhà Stepan đánh "Otko". Tạm thời Miron Grigorievich vẫn chưa nói gì, chỉ theo dõi riết.
Trước lễ Phục sinh, một hôm Natalia bỗng gặp ông Panteley Prokofievich ở gần cửa hiệu Mokhov. Ông bố chồng gọi nàng trước:
- Hượm lát đã, Natalia!
Natalia đứng lại. Nhìn bố chồng thấy cái mũi quặp và khuôn mặt hao hao như Grigori, nàng chợt cảm thấy nhớ day dứt.
- Sao Natalia không nhìn ngó tới ông bà già nầy nữa thế? - Ông già luống cuống tránh cặp mắt của Natalia, cứ như chính mình có lỗi với nàng. - Bà lão ở nhà cũng nhớ Natalia lắm đấy, cứ bảo không biết con về bên ấy thế nào… Thế nào, dạo nầy con ra sao?
Sau một phút bàng hoàng mà nàng cũng không hiểu vì sao, Natalia đã trấn tĩnh lại được:
- Xin cám ơn… - Đến đây thì nàng ngập ngừng vốn là nàng định gọi ông già là cha nhưng lại thôi rồi lúng túng nói nốt - Ông Panteley Prokofievich.
- Sao Natalia không lại thăm chúng tôi nữa thế?
- Cháu còn bận làm… công việc trong nhà.
- Cái thằng Griska nhà chúng tôi, chao ôi? - Ông già lắc đầu cay đắng. - Nó làm chúng tôi cũng đến khổ, cái thằng mất dạy… Trước kia cả nhà sống êm ấm hoà hợp biết bao…
- Còn biết sao được nữa, cha ơi… - Giọng Natalia cất cao lên, thất thanh, - có lẽ tại số đấy thôi.
Nhìn thấy cặp mắt đẫm lệ của Natalia, ông Panteley Prokofievich cuống lên, không biết làm thế nào nữa. Nàng mím chặt môi, cố nuốt nước mắt.
- Thôi tạm biệt, con yêu của cha… Con đừng vì nó mà đau khổ nữa, cái thằng chó đẻ ấy nó không đáng cái móng tay của con đâu. Nhưng có lẽ nó sẽ lại quay về thôi. Cha sẽ tìm nó, rồi thể nào cũng lôi cổ được nó về.
Natalia bỏ đi, đầu rụt lại như người bị đòn. Còn ông Panteley Prokofievich thì cứ đứng tại chỗ mà giậm chân mãi như sắp sửa chạy tế lên. Natalia đi đến đầu phố quay đầu lại thấy bố chồng đang nặng nề tì hẳn người lên cái nạng, khập khiễng đi trên bãi.
Chú thích:
1 Ý nói kẻ ngụ cư sắp chết nơi đống đất nước người. ND
Chương 39
PHẦN 2
Các cuộc họp ở nhà Stokman bắt đầu thưa dần. Trời sắp sang xuân. Bà con trong thôn đều sửa soạn cho công việc đồng áng mùa xuân. Đến họp được chỉ có mấy anh chàng ở nhà máy xay. "Bồi" và Davydka cùng anh thợ máy Kotliarov. Anh em đã gặp nhau hôm thứ năm tuần Thánh1, lúc trời sắp tối. Stokman ngồi ở bàn thợ, anh dùng một chiếc dũa nhỏ giũa một cái nhẫn bạc làm bằng một đồng nửa rúp Một dé ánh sáng của vừng mặt trời sắp lặn chiếu qua cửa sổ, in lên sàn một cái khung vuông đầy bụi, màu hồng hồng vàng vàng. Kotliarov loay hoay với cái kìm bấm.
- Hôm nọ tôi có mặt ở nhà lão chủ, tôi đã đến đấy để nói về chuyện cái pít-tông. Cần phải đem đi Minlerovo, vì chỉ ở đấy mới có thể chữa đến nơi đến chốn, chứ chúng mình ở đây thì làm gì được? Rạn một vết bằng ngần nầy nầy. - Kotliarov giơ ngón tay út ra hiệu kích thước của vết rạn, không biết để ai xem.
- Hình như ở đấy có một nhà máy lớn phải không? - Stokman hỏi, nhưng tay anh vẫn giũa, bụi bạc rất mịn rơi lăn tăn chung quanh ngón tay anh.
- Có một lò Máctanh. Năm ngoái tôi đã có dịp đến đấy.
- Anh em thợ có đông không?
- Đông vô kể, đến bốn trăm ấy.
- Thế đời sống của họ thế nào? - Stokman vẫn vừa làm việc vừa hỏi. Đầu anh lắc lắc, giọng anh tách bạch từng tiếng như người cà lăm cố gắng gượng nói như bình thường.
- Họ sống sung túc lắm. Không phải là cái giai cấp vô sản của anh đâu, mà là… cứt mới đúng.
- Sao lại thế? - "Bồi" thấy lạ bèn hỏi. Hắn ngồi bên cạnh Stokman, những ngón tay vừa ngắn vừa thô đan vào nhau trên đầu gối.
Chàng thợ cán Davydka cứ đi lại lại trong gian xưởng, bột mì bám đầy trên tóc làm đầu hắn nom như bạc. Đôi ủng mũi nhọn thốc phoi tiện bắn tung ra. Hắn mỉm cười lắng nghe tiếng loạt soạt vang lên kèm theo mùi dầu mỡ. Davydka có cảm tưởng như mình đang đi trong một khe núi, lá rụng đỏ tía. Lớp lá lún xuống rất êm, và bên dưới là chất đất ẩm của khe núi, non trẻ, co dãn.
- Đó là vì tất cả chúng nó đều sống có của ăn của để. Thằng nào cũng có một ngôi nhà nhỏ riêng, có vợ và mọi mặt thoả mãn sung sướng khác. Ngoài ra trong số ấy một nửa lại theo bọn Báp-tít2. Chính lão chủ nhà máy lại thằng truyền đạo của chúng nó. Thế là tay nọ rửa tay kia, mà cả hai tay đều đầy cáu ghét, lấy xẻng cạo cũng không thể nào sạch được.
- Anh Kotliarov nầy, bọn Báp-tít là thế nào nhỉ? - Davydka nghe thấy một từ ngữ lại bèn đứng lại hỏi.
- Bon Báp-tít ấy à? Bọn chúng nó tin Thượng đế theo kiểu riêng của chúng nó. Cũng đại loại như bọn Pô-li-pôn3 ấy mà.
- Mỗi thằng xuẩn ngu đều có một cách riêng để mất trí, - "Bồi" nói thêm.
- Thôi để mình kể nhé. Thế là mình đến gặp Sergey Platonovich, - Kotliarov nói tiếp câu chuyện đã bắt đầu. Đến nhà lão thì thấy Atepin "Chacha" ngồi ở đấy rồi. Lão bảo: "Anh hãy chờ ở phòng ngoài đã". Mình bèn ngồi đợi. Qua cửa phòng có thể nghe thấy câu chuyện họ nói với nhau. Lão chủ nói với Atepin rằng có lẽ chiến tranh với người Đức sắp nổ ra đến nơi, và lão còn đọc thêm một đoạn trong sách. Còn "Chacha" thì cậu có biết hắn ta trả lời ra sao không? Hắn ta bảo: "Tất nhiên tôi không thể đồng ý với ông về chuyện "chiến chanh" được".
Kotliarov nhại giọng Atepin giống quá, làm Davydka há hốc miệng ra cười một tiếng ngắn, nhưng anh chàng chợt nhìn thấy vẻ mặt nhạo báng của "Bồi", lại thôi ngay. Kotliarov tiếp tục kể lại câu chuyện anh được nghe:
- Hắn bảo: "Không thể có chiến "chanh" được với nước Nga được vì nước Đức sống bằng lúa mì của chúng ta". Đến lúc ấy lại có một thằng nữa nói, nhưng tôi nghe giọng nói, không nhận được ra là ai, mãi sau mới biết là thằng con lão địa chủ Litnhitki, một tên sĩ quan. Thằng nầy nói: "Chiến tranh sẽ nổ ra giữa nước Đức và nước Pháp để tranh dành những vườn nho, còn chúng ta thì chẳng có gì dính dáng đến chuyện ấy".
- Anh Stokman nầy, anh thấy thế nào hả? - Kotliarov hỏi Stokman.
Stokman đưa tay ra xa, chú ý ngắm nghía chiếc nhăn đã giũa xong và trả lời như cho qua chuyện:
- Tôi không biết đoán trước chuyện sau nầy đâu.
- Chúng nó choảng nhau thì chúng mình cũng chẳng yên thân. Dù muốn hay không, hễ xảy ra chuyện gì mình sẽ bị nắm tóc lôi vào cuộc thôi, - "Bồi" suy luận.
- Về chuyện nầy, các bạn ạ, vấn đề là như thế nầy nầy… - Stokman vừa nói vừa nhẹ nhàng lấy lại cái kìm trong tay Kotliarov.
Giọng anh nghiêm trang, rõ ràng là anh định giảng giải cặn kẽ.
"Bồi" co lại cho thoải mái hai chân trượt bàn thợ xuống. Trên khuôn mặt Davydka, cặp môi chúm lại vẫn chưa che kín mấy cái răng bàn cuốc đẫm nước bọt. Với những lời lẽ rõ, gọn, chắc như đinh đóng cột mà anh vẫn quen dùng, Stokman phác ra bức tranh về tình hình các nước tư bản đấu tranh với nhau để dành thị trường và thuộc địa.
Cuối cùng Kotliarov nóng nảy ngắt lời Stokman:
- Anh hãy hượm đã nào, nhưng chúng ta thì có gì dính dáng vào những chuyện ấy?
- Cả cậu lẫn những anh chàng khác cũng như cậu đều sẽ nhức đầu vì những kẻ khác say rượu đấy, - Stokman mỉm cười.
- Anh còn trẻ con gì nữa mà không biết, - "Bồi" nói ác, - tục ngữ từ xưa đã có câu: "Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết"4?
- Hừ-ừm, - Kotliarov nhăn mặt, cố gỡ cả một khối rất to những ý nghĩ rối như tơ vò.
Cái thằng Litnhitki ấy, nó mò đến nhà lão Mokhov làm gì thế? Định ngấp nghé con gái lão ta hay sao? - Davydka hỏi.
- Của ấy đã qua tay thằng ăn thừa tự nhà Korsunov rồi còn gì? - "Bồi" vẫn ác khẩu.
- Anh nghe thấy không, Kotliarov? Thằng sĩ quan ấy dí mũi vào đấy làm gì thế?
Kotliarov giật mình đánh thót, cứ như bị người ta lấy roi quật vào đầu gối.
- Cái gì hử? Cậu bảo sao?
- Ngủ gật đấy à? Ông già? Đang nói về thằng Litnhitki đấy:
- Nó ra ga mà. Nhưng còn có chuyện mới lạ nầy nữa: mình ở trong ấy bước ra thì thấy trên thềm có một anh chàng, các bạn có đoán được ra là ai không? Thằng Griska nhà Melekhov. Nó cầm một cái roi nhỏ đứng đấy. Mình hỏi: "Cậu đến đây làm gì thế, Grigori?" Nó trả lời: "Tôi đưa công tử Litnhitki ra ga Minlerovo".
- Nó đánh xe cho nhà ấy đấy - Davydka nói xen vào.
- Nó đến ăn cơm thừa của nhà địa chủ.
- "Bồi" ạ, cậu đúng là một con chó xích, bất kỳ thấy ai cũng sủa.
Câu chuyện lắng đi một chút. Kotliarov đứng dậy ra về.
- Anh vội đi nhà thờ phải không? - "Bồi nói chọc theo.
- Mình thì ngày nào cũng đi lễ.
Stokman tiễn ba người khách quen ra về, rồi khoá cửa gian xưởng, đi vào nhà trong.
Đêm lễ Phục sinh, những đám mây ưỡn những bộ ngực đen sì che kín bầu trời, mưa lộp bộp từng giọt. Bóng tối đầy hơi ẩm đè nặng lên thôn xóm. Trên sông Đông, ngay từ lúc hoàng hôn, băng đã nứt với những tiếng rên rỉ kéo dài lan dần ra xa. Tảng băng đầu tiên bị cái khối khổng lồ những miếng băng vụn ép lại bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước với những tiếng ràn rạt. Băng nứt liền một đoạn bốn vec-xta, cho tới khúc đầu tiên sau khi con sông chảy ra khỏi thôn.
Rồi băng bắt đầu trôi. Theo nhịp chuông nhà thờ dóng dả đều đặn, những cánh đồng băng trên sông Đông xô vào nhau, tan vỡ, làm rung chuyển cả hai bên bờ. Băng trôi đến quãng sông Đông ngoặt sang trái thì tắc lại. Tiếng nổ ầm ầm và tiếng nứt ràn rạt của những tảng băng xô vào nhau vang đến trong thôn. Thanh niên kéo đàn kéo lũ đến bên trong tường bao nhà thờ, trên cái sân lốm đốm những vũng băng tan nhấp nhoáng. Từ trong nhà thờ, tiếng đọc kinh sang sảng vang ra tới thềm, rồi từ thềm ra sân. ánh đèn nến ngày hội lunglinh vui vẻ sau chấn song các cửa sổ. Trong khi đó, bên trong dãy tường bao bọn con trai sờ nắn cấu chí bọn con gái, còn bọn con gái chốc chốc lại khe khẽ rít lên. Họ hôn nhau, họ thầm thì kể cho nhau nghe những chuyện bù khú.
Từ những thôn xa có, gần có, dân Cô-dắc đến dự buổi lễ thánh vui tươi. Họ đứng chen chúc trong phòng giữ đồ thánh của nhà thờ. Kiệt sức vì mệt và vì không khí ngột ngạt trong phòng, người ta lăn ra ngủ trên những chiếc ghế dài, trên các bậu cửa sổ, hoặc ngay trên sàn nhà.
Có những người ngồi trên những ngưỡng cửa sổ cũ nát hút thuốc, bàn tán về chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện công việc đồng áng mùa xuân.
- Bao giờ thì bà con thôn bác bắt đầu ra đồng?
- Có lẽ đến thánh Tôma thì bắt đầu.
- Nếu thế thì tốt lắm, vì đồng cỏ bên bác có nhiều cát.
- Mấy năm nay đất đã được thấm nhiều nước.
- Năm ngoái chúng tôi cày thấy ròn như sụn ấy, cả một dải thượng đẳng điền thẳng cánh cò bay.
- Đunka, ở chỗ nào thế? - Có tiếng léo nhéo bên dưới thềm nhà giữ đồ thánh.
Cạnh cửa hàng rào nhà thờ, có tiếng lầu bầu, khàn khàn và thô bạo:
- Chúng mày không kiếm được chỗ nào khác mà hôn nhau à? Chà hai đứa nầy… Xéo khỏi chỗ nầy ngay, quân đốn mạt dơ dáy! Làm gì mà động cỡn lên thế?
- Ông đang thiếu đôi hay sao? Đến kiếm con chó cái nhà tôi mà hôn vậy, - Trong bóng tối có một giọng con trai đang vỡ tiếng cãi lại.
- Cho-o-ó cái à? Nầy ông cho mày biết…
Rồi có tiếng chân chạy lép nhép, tiếng cười rộ và tiếng váy con gái loạt soạt.
Nước nhỏ trên mái xuống từng giọt, lanh lảnh như tiếng thuỷ tinh. Rồi lại vẫn cái giọng chậm rề rề, lệt sệt như bùn đất đen:
- Hôm kia tôi có đến mặc cả mua cái cày ở nhà Prokho, tôi đã trả mười hai rúp mà lão còn chưa chịu bán. Với thằng cha ấy thì không bớt được đồng nào đâu.
Những tiếng hàng rào, lạo sạo, răng rắc vẫn rền đều trên khắp sông Đông. Hình như dưới kia, bên ngoài thôn, có một người đàn bà trang sức lộng lẫy, rất khỏe, cao như một cây tiêu huyền, đang vừa đi vừa loạt soạt những cái vạt váy to lạ lùng.
Đến nửa đêm, khi bóng tối đã đặc sệt như nước mứt hoa quả, bỗng thấy Mitka Korsunov cưỡi một con ngựa không đóng yên phi đến bên tường bao nhà thờ. Nó xuống ngựa, buộc dây cương lên bờm ngựa, rồi đưa tay vỗ vỗ con ngựa vừa chạy còn đương hăng. Nó đứng lại một lát, lắng nghe tiếng vó ngựa dẫm lọp ọp dưới đất, rồi sửa lại dây lưng, bước vào trong sân. Lên đến thềm nhà thờ, nó bỏ cái mũ lông xuống, cúi cái đầu cạo dành món tóc như hình một cái ngoặc đơn không đều đặn để làm lễ. Lễ xong, nó xô đẩy những người đàn bà, len tới trước bàn thờ. Ở bên trái là cánh đàn ông chen chúc nhau như một đàn cừu đen, còn bên phải là những mầu sặc sỡ của quần áo phụ nữ. Mitka đưa mắt tìm thấy bố đang đứng trên hàng đầu, bèn len tới gần. Miron Grigorievich vừa đưa tay lên làm dấu phép thì Mitka nắm lấy khuỷu tay ông, ghé sát miệng vào cái tai đầy lông lá của ông, khẽ nói:
- Cha ơi, cha ra ngoài kia một lát.
Cánh mũi phập phồng, Mitka lách qua cả một hàng rào người dày đặc, nồng nặc đủ mọi thữ mùi: mùi khói nến lờm lợm, mùi những cơ thể đàn bà đầm đìa mồ hôi, mùi cải mả của những bộ quần áo cất kín quá lâu các bộ quần áo nầy chỉ được lôi từ dưới đáy hòm ra nhân dịp lễ Thiên chúa giáng sinh hay lễ Phục sinh, mùi da giầy ướt mùi băng phiến, mùi những chất bài tiết từ những cái dạ dày đói meo qua tuần chay.
Ra đến ngoài thềm, Mitka tì ngực vào vai bố và nói:
- Con Natalia chết mất!
Chú thích:
1 Tuần trước lễ Phục sinh. ND
2 Còn gọi là giáo phái Tây lễ, một giáo phái của đạo Thiên chúa, chủ trương người lớn tin đạo rồi mới chịu lễ rửa tội. ND
3 Tên gọi nhại những người theo Cựu giáo Lời chú của bản tiếng Nga
4 Nguyên văn: "Địa chủ choảng nhau, nông nô bị nắm bờm tóc lắc"