PHẦN 3
Cuộc sống tràn ra ngoài dòng chảy của nó, phân thành muôn ngàn nhánh nhỏ. Khó mà đoán trước được diễn biến giảo quyệt, tinh quái của nó sẽ hướng theo nhánh nào. Ở chỗ hôm nay dòng đời cạn đi như con sông ở khúc nông, cạn đến trông thấy cả những vật lắng trầm bẩn thỉu, tởm lợm của nó, thì ngày mai nước sẽ chảy mênh mông, tràn trề…
Không hiểu sao trong lòng Natalia bỗng nhiên chín muồi quyết tâm đến Yagonoie gặp Acxinhia để van lơn, cầu xin Acxinhia trả lại Grigori cho mình. Không hiểu sao Natalia có cảm tưởng như tất cả đều tuỳ thuộc vào Acxinhia và cứ đến xin Acxinhia thì Grigori cùng hạnh phúc trước kia sẽ trở lại với mình. Nàng cũng không suy tính xem điều đó có thể thực hiện được không và Acxinhia sẽ nghe lời yêu cầu kỳ quặc của mình như thế nào. Bị thúc đẩy bởi một tình cảm nằm sâu trong tiềm thức, nàng chỉ muốn thực hiện mau chóng quyết tâm đột ngột của mình. Đến cuối tháng, nhà Melekhov nhận được bức thư của Grigori. Sau những lời thăm hỏi mẹ cha, Grigori đã gửi lời chào và nói lên lòng kính trọng hết sức sâu sắc đối vớì Natalia Mironovna. Chẳng hiểu Grigori làm thế vì một nguyên nhân bí mật nào, nhưng dù sao đối với Natalia đó cũng là một điều khuyến khích. Vì thế vừa tới chủ nhật nàng sửa soạn đi Yagonoie ngay.
- Chị đi đâu thế, chị Nataska? - Dunhiaska thấy Natalia soi khuôn mặt mình một cách chăm chú và khắt khe trong mảnh gương vỡ bèn hỏi.
- Chị về thăm nhà cái, - Natalia nói dối rồi đỏ mặt. Lần đầu tiên nàng hiểu rằng mình đang đi chịu một điều hết sức nhục nhã, một cuộc thử thách tinh thần rất lớn.
- Natalia à, sao thím chẳng cùng tôi ra bãi chơi lấy một lần, - Daria vừa trang điểm vừa hỏi. - Tối nay thím đi nhé!
- Tôi cũng chẳng biết, đi mà làm gì.
- Chà, cái thím nầy, cứ như tu kín không bằng! Chỉ còn có chị em chúng mình thôi mà, các đức ông chồng của chúng mình có nhà đâu - Daria nháy mắt nói tếu, rồi mềm mại gập đôi người, soi trong chiếc gương cái vạt chiếc váy mới màu da trời nhạt.
Từ ngày Petro lên đường, Daria biến đổi hẳn: cảnh sống vắng chồng đã ảnh hưởng đến nhiều tới chị chàng. Trong cặp mắt, dáng đi và mọi cử chỉ của Daria đều thấy lộ một vẻ bồn chồn xao xuyến. Cứ chủ nhật là Daria trang điểm đỏm dáng, mãi khuya mới ở bãi chơi trở về. Có lần Daria than phiền với Natalia, tròng con mắt tối sầm lại đầy tức tối:
- Tai hại thật, có Chúa chứng giám! Bao nhiêu gã Cô-dắc tạm dùng được đều bị xách cổ đi hết cả rồi, trong thôn còn lại độc một loại không nhãi ranh thì cũng già sóc.
- Thế thì can gì đến chị?
- Sao lại không? - Daria ngạc nhiên. - Ra bãi chơi chẳng còn anh chàng nào mà dấm dớ nữa. Ít nhất cũng phải tìm cách láng cháng ra nhà máy xay một mình, nếu không thì đừng hòng thoát khỏi bố chồng…
Rồi Daria trâng tráo hỏi toạc móng heo Natalia:
- Sao thế, cô em thân mến, không có một gã Cô-dắc bên cạnh mà chịu mãi được à?
- Thôi không nói chuyện ấy nữa, chị thật không biết xấu! - Mặt Natalia đỏ lên như gấc.
- Thế thím không muốn à?
- Còn chị thì có lẽ chị muốn đấy chắc?
- Muốn hẳn đi chứ, cô nàng ạ? Daria cười phá lên, mặt đỏ bừng, lông mày rung rung cong lên thành hai vòng cung. - Chẳng cần phải giấu giếm làm gì… Bây giờ thì bất kỳ lão già nào tôi cũng có thể làm cho nóng điên lên được, thật đấy! Thím thử ngẫm mà xem, không có anh Petro ở nhà đã hai tháng rồi.
- Chị đến mang vạ vào thân thôi, chị Daria ạ.
- Thôi đi bà cụ non! Chúng tôi đã biết chán các chị chàng tẩm ngẩm tầm ngầm như thế nầy rồi. Có lẽ thím không chịu thú nhận đấy thôi.
- Tôi chẳng có gì phải thú nhận.
Daria liếc nhìn Natalia một cách nhạo báng rồi cắn môi bằng những cái răng nhỏ như răng chuột nom rất đanh ác và kể cho Natalia nghe:
- Hôm nọ trên bãi chơi, thằng Timoska Manykov, con trai lão ataman, sán đến gần tôi. Nó cứ ngồi đấy, mồ hôi đổ ra như tắm. Tôi thấy rõ là thằng nhóc sợ không dám động chân động tay… Mãi sau nó mới đánh liều luồn tay vào nách tôi, bàn tay run bần bật. Tôi chẳng nói chẳng rằng, cố ngồi yên, nhưng trong lòng tức sôi lên rồi.
Nếu nó là một thằng thanh niên thì chẳng nói làm gì, đằng nầy lại xỉ mũi còn chưa sạch? Nó mới khoảng mười sáu, chỉ thế là cùng, thím thử xem cái thớ nó thì giở được trò gì… Tôi cứ lặng thinh ngồi đấy, còn thằng nhóc con thì mân mê mó máy một lát rồi rỉ tai tôi: "Sang cái kho lúa bên tôi đi!" Chà, tôi mới cho nó một trận nên thân!
Daria vui vẻ phá lên cười, trên mặt chị chàng hai hàng lông mày nẩy nẩy, cặp mắt nheo lại long lanh theo tiếng cười.
- Tôi bèn đẩy cổ nó ra, nhảy chồm lên: "À cái thằng chết dẫm nầy! Đồ chó con miệng còn hơi sữa! Mày lại dám thở ra với tao những lời như thế à? Mày đã thôi đái dầm ra quần ban đêm được bao lâu rồi hử!" Rồi tôi lại cho nó thêm một tràng nữa!
Giữa Natalia và Daria đã có được mối quan hệ thẳng thắn và thân mật. Lòng hiềm ghét mà hồi đầu Daria có cảm thấy đối với em dâu đã dịu dần và hai người đàn bà tính nết khác nhau, tất cả các mặt đều chẳng có gì giống nhau, lại vẫn ăn ý, sống hoà hợp với nhau.
Natalia mặc áo xống xong, ra khỏi phòng trong.
Daria đuổi kịp Natalia ở phòng ngoài.
- Hôm nay thím mở cửa cho tôi nhá!
- Có lẽ tôi sẽ ngủ đêm bên nhà tôi.
Daria đưa cái lược lên gãi gãi chỗ tinh mũi, ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu:
- Thôi, thím cứ đi đi. Tôi không muốn nhờ Dunhiaska làm việc nầy, nhưng có lẽ cũng đến phải nhờ thôi.
Natalia nói với bà Ilinhitna rằng nàng về nhà rồi bước ra phố.
Mấy chiếc xe ở trong chợ chạy qua bãi thôn, bà con trong thôn đang ở nhà thờ về. Natalia đi qua hai cái ngõ rồi rẽ sang trái. Nàng vội vã lên dốc. Lên đến con đường đèo nàng quay đầu nhìn lại: bên dưới kia, cái thôn nằm dài dưới nắng đổ xuống ào ào như nước lũ, những căn nhà nhỏ quét vôi trắng loá, nắng xiên khoai chiếu vào cái mái thoai thoải của nhà máy xay, phản chiếu lấp loáng, chất sắt tây sáng rực lên như quặng bị nung chảy.
Chương 63
PHẦN 3
Cả Yagonoie cũng bị chiến tranh lôi mất người đi. Venhiamin và Tikhol đã bị gọi ra lính. Sau đó trang trại càng âm thầm, lặng lẽ và buồn thảm hơn. Acxinhia phải hầu hạ viên tướng già thay Venhiamin. Mụ Lukeria mông to tầy dành bây giờ gầy đi, giữ việc nấu ăn cho đầy tớ và trông nom gà vịt. Cụ Xaska kiếm cả hai việc coi ngựa và trông nom vườn tược. Chỉ thêm một người đánh ngựa mới là Nikichit, dân Cô-đắc, đã nhiều tuổi, tính nết chín chắn.
Năm nay lão địa chủ giảm bớt diện tích gieo trồng, đem chừng hai mươi con ngựa bổ sung cho quân đội, chỉ giữ lại những con ngựa thuần giống chạy nước kiệu và một cỗ ba con ngựa sông Đông dùng cho các nhu cầu của công việc đồng áng. Lão giết thời giờ bằng cách đi săn, cùng Nikichit đi săn vịt trời, và lâu lâu đem đàn chó đi săn đuổi, làm náo động cả vùng xung quanh.
Acxinhia không nhận được thư của Grigori luôn, có nhận được thì cũng chỉ vài dòng ngắn ngủi báo tin chàng còn sống, vẫn khỏe mạnh, vẫn bận việc quan. Không biết là chàng gan góc chịu đựng hay không muốn viết ra trong thư sự yếu đuối của mình mà chẳng lần nào thấy Grigori viết một chữ nào cho biết rằng mình đau khổ, buồn chán. Những bức thư ấy toát ra một cái gì lạnh nhạt, cứ như bắt buộc phải viết, và mãi đến lúc cuối cùng mới hở ra một câu: "… lúc nào anh cũng trong hàng ngũ, và hình như anh đã chán ngấy cái việc đánh nhau, ngấy cái kiểu luôn luôn đeo sẵn cái chết trong túi yên ngựa". Thư nào chàng cũng hỏi thăm con gái và dặn Acxinhia viết cho chàng biết tin con: "… em viết cho anh biết con Tanhiuska của anh đã lớn ngần nào rồi, hiện nay như thế nào rồi? Mới đây anh đã nằm mơ thấy con lớn lắm, mặc áo dài đỏ".
Bề ngoài Acxinhia có vẻ chịu đựng được cảnh chia ly một cách cứng rắn. Toàn bộ tình yêu của nàng đối với Grigori, nàng đem dồn hết cho con, nhất là sau khi nàng đã chắc chắn rằng mình đã sinh ra một đứa con đúng là con của Grigori. Đời sống đã đem lại những bằng chứng không ai bác bỏ được; lượt tóc đỏ sẫm rụng xuống nhường chỗ cho những món tóc mới, vừa đen vừa xoăn; cả hai con mắt cũng đổi màu, đen lại, đuôi mắt kéo dài ra. Càng ngày đứa bé càng giống bố nó một cách lạ lùng, ngay đến nụ cười cũng cho thấy một cái gì của nhà Melekhov, của Griska, một nụ cười hơi man rợ, như của thú rừng. Bây giờ thì mỗi khi nhìn con, Acxinhia đã nhận ngay ra bố nó, không còn chút nghi ngờ gì nữa, vì thế lòng yêu con ngày càng bừng bừng trong lòng nàng như lửa đốt, khác hẳn trước kia, hồi nàng còn bước lại gần cái nôi, lảo đảo vì tìm thấy trên khuôn mặt nhỏ nhoi của đứa con gái đang ngủ một cái gì chỉ có chút hao hao, một cái gì hơi phảng phất, gợi lại những nét trên bộ mặt Stepan mà nàng ghét cay ghét đắng.
Ngày nọ nối ngày kia trôi qua, và mỗi ngày để lại thêm trong lòng Acxinhia một chút của niềm cay đắng nung nấu. Nỗi lo lắng cho tính mệnh người yêu xoắn sâu vào trong óc nàng ban ngày không buông tha nàng, ban đêm lại càng ập tới, và chính ban đêm là lúc tất cả những cái gì tích luỹ trong lòng, bị ghìm hãm chờ đến lúc tự do, phá vỡ những cái đê ngăn giữ nó: thâu đêm Acxinhia lăn lộn, khóc không ra tiếng, nước mắt đầm đìa; nàng cắn vào tay mình, cố giữ cho con khỏi thức giấc. Cái đau đớn về thể xác đã nén được cái đau đớn trong lòng và chặn được tiếng khóc. Nàng cứ nghĩ tới vẻ mặt ngây thơ của con mà tuôn hết nước mắt xuống tã lót của nó: "Con của Griska, có lẽ tự nhiên anh ấy cũng phải cảm thấy rằng mình buồn nhớ anh ấy như thế nào".
Sau những đêm như thế, nàng tỉnh dậy như người vừa ăn một trận đòn hội chợ: khắp người nàng đau dần, cứ như có những cái búa bằng bạc dai dẳng đập coong coong vào hai bên thái dương nàng, không lúc nào ngừng. Một nỗi đau khổ chịu đựng rất dũng cảm hiện rõ trên hai bên mép cặp môi trước kia mọng đỏ như môi con gái nhưng nay đã trề xuống. Những đêm đau thương dằn vặt đã làm Acxinhia già đi…
Một ngày chủ nhật, nàng đem bữa sáng lên cho lão địa chủ ăn xong, vừa bước ra thềm thì thấy một người đàn bà đi vào cổng trang trại. Dưới chiếc khăn trắng bịt đầu bừng bừng một cặp mắt nom quen đến rợn người. Người đàn bà ấy đẩy then cửa, bước vào trong sân, Acxinhia nhận ra Natalia, tái mặt đi, từ từ bước ra đón. Hai người gặp nhau ở giữa sân. Một lớp bụi đường rất dầy bám trên đôi ủng mũi nhọn của Natalia. Nàng đứng lại, hai bàn tay lao động rất to thõng xuống như không còn sức sống. Nàng thở hổn hển, cố giữ thẳng cái cổ tàn tật nhưng không được, thành thử có cảm tưởng như nàng nhìn sang một chỗ nào khác.
- Tôi đến gặp chị đây, chị Acxinhia ạ… - Nàng vừa nói vừa dưa cái lưỡi khô bỏng ra liếm cặp môi bị gió thổi nứt nẻ.
Acxinhia đưa nhanh mắt về phía dãy cửa sổ của ngôi nhà chính rồi lặng lẽ đi về nhà đầy tớ, vào gian của mình. Natalia lẽo đẽo theo sau. Tiếng loạt soạt của chiếc áo dài Acxinhia mặc cứ như chọc vào tai nàng, đến là khó chịu.
"Có lẽ trời oi quá nên tai mình mới đau như thế nầy" - Một ý nghĩ nảy ra lẫn với những ý khác rối như bòng bong trong đầu óc Natalia.
Acxinhia để Natalia vào rồi đóng cửa. Đóng cửa xong, nàng luồn hai tay xuống dưới chiếc tạp dề trắng, đứng ngay giữa phòng, bắt đầu làm chủ tình thế ngay.
- Cô đến đây làm gì thế? - Giọng nàng ngọt xớt, gần như thầm thì.
- Cho tôi xin hớp nước… - Natalia hỏi xin rồi đưa cặp mắt nặng nề nhưng quật cường khắp căn phòng.
Acxinhia đứng chờ. Natalia bắt đầu nói, nàng phải cố gắng lắm mới cất được giọng:
- Chị đã cướp chồng tôi… Chị hãy trả Grigori cho tôi! Chị… đã hại cả một đời tôi… Chị thấy không, bây giờ tôi như thế nào…
- Trả chồng cho cô à? - Acxinhia nghiến răng ken két và những lời nàng nói ra cũng dè sẻn như những giọt mưa rơi trên đá - Trả chồng cho cô à? Cô đi xin xỏ ai thế hử? Cô vác mặt đến đây làm gì hử? Việc đi xin nầy cô nghĩ ra muộn quá đấy! Muộn mất rồi!
Acxinhia cười nhạt một cách rất đanh đá, lắc lư toàn thân tiến sát lại. Nàng nhìn thẳng vào mặt kẻ tình địch bằng cặp mắt giễu cợt. À ra đây, đây chính là con vợ chính thức bị bỏ rơi bây giờ nhục nhã, đau khổ, vác xác đến trước mặt mình. Đây chính là cái con vì nó mà Acxinhia nầy phải chia ly với Grigori, phải khóc hết nước mắt, cái con đã gây ra trong tim mình một vết thương rỉ máu, để rồi trong lúc Acxinhia nầy nhớ nhung chết đi được, nó lại hú hí với Grigori và có lẽ còn giễu mình là đứa mê trai hạng bét bị bỏ rơi nữa là khác.
- Thế là cô đến xin tôi bỏ anh ấy à? - Acxinhia thở hổn hển – Chà cái hạng cô, đồ rắn độc! Chính cô mới là kẻ đầu tiên cướp mất Griska của tôi! Cô cướp chứ không phải tôi cướp… Cô đã biết rằng anh ấy ăn ở với tôi rồi mà sao còn đi lấy anh ấy? Tôi dành lại chồng tôi Griska là của tôi. Tôi đã có con với anh ấy, còn cô…
Acxinhia nhìn vào mắt Natalia với cả một lòng căm hờn sục sôi, hai tay vung loạn xạ, miệng tiếp tục tuôn ra một tràng những lời cay độc:
- Griska là của tôi, tôi sẽ không nhường cho ai cả? Của tôi! Của tôi? Cô có nghe thấy không? Của tôi! Xéo đằng nào thì xéo, đồ chó cái vô liêm sỉ, cô không phải là vợ anh ấy. Cô muốn cướp bố của một đứa bé phải không? Ái chà chà! Sao trước kia cô không đến? Thế nào, sao trước kia cô không đến hử?
Natalia đi nghiêng nghiêng tới bên chiếc ghế dài, ngồi phịch xuống, đầu gục xuống hai bàn tay che mặt.
- Chị đã bỏ chồng chị… Đừng làm rầm lên như thế…
- Ngoài Griska ra, tôi chẳng có chồng nào khác. Trên đời nầy không có ai cả!
Acxinhia cảm thấy trong lòng mình nung nấu một mối căm hờn không lối thoát. Nàng nhìn món tóc đen mượt tuột khỏi chiếc khăn bịt đầu xoã xuống tay Natalia.
- Anh ấy cần cô lắm phỏng? Xem kìa, cái cổ cô vặn vẹo như thế kia? Thế mà cô còn tưởng anh ấy thèm có được cô lắm phải không? Lành lặn người ta còn bỏ, tàn tật thế nầy thì thèm muốn cái nỗi gì? Cô sẽ không được nhìn thấy Griska nữa đâu! Thôi xéo đi!
Acxinhia lồng lộn bảo vệ một cách hung dữ cái tổ ấm của nàng, và bây giờ chính là lúc nàng trả thù về tất cả những điều đã phải chịu đựng trước kia. Nàng thấy rằng tuy cổ Natalia có vẹo đi một chút, nhưng Natalia vẫn còn đẹp như xưa, má và miệng vẫn tươi tắn, chưa bị thời gian làm nhăn nheo, còn như nàng, Acxinhia nầy, chẳng phải chính vì con Natalia nầy mà dưới hai con mắt nàng, những vết nhăn đã nhằng nhịt như mạng nhện trước tuổi hay sao?
- Chị tưởng tôi mong xin lại được đấy chắc? - Natalia ngước hai con mắt như mắt người say rượu vì đau khổ.
- Thế thì cô đến đây làm gì hử? - Acxinhia vừa thở vừa hỏi.
- Tôi buồn khổ quá nên đến đây thôi.
Đứa con gái của Acxinhia nằm trên giường nghe tiếng người nói to giật mình thức dậy, nhỏm lên và khóc. Người mẹ bước tới bế con rồi ngồi quay ra cửa sổ. Natalia nhìn đứa trẻ mà toàn thân run bắn lên. Cổ nàng khô đi, tức nghẹn. Cặp mắt của Grigori trên mặt đứa trẻ nhìn nàng với một vẻ rất hiểu biết. Nàng nức nở, lảo đảo bước ra thềm. Acxinhia không ra tiễn.
Một phút sau, cụ Xaska bước vào phòng.
- Chị chàng nào vừa đi ra đấy? - Cụ hỏi có vẻ đã đoán ra điều gì.
- Một cô ả cùng thôn cháu đấy thôi.
Natalia ra khỏi trang trại, đi chừng ba vec-xta, đến nằm dưới một bụi mận dại. Nàng lịm đi, đầu óc không nghĩ ngợi điều gì cả, chỉ có một nỗi buồn khổ không nói ra được đè nặng trên người… Cặp mắt đen âm thầm của Grigori trên mặt đứa bé cứ chập chờn trước mắt nàng, luôn luôn ám ảnh nàng.
Chương 64
PHẦN 3
Grigori nhớ cái đêm hôm ấy hết mức rành rọt, rành rọt đến loá mắt đau đầu. Chàng tỉnh lại trước lúc trời rạng, đưa tay quờ quạng, chạm vào những cuộn rạ nhọn như gai. Chàng rên rỉ vì khắp đầu đau nhói. Chàng cố hết sức giơ một tay, đưa lên trán sờ thấy cái bờm tóc cứng cong cong, bết máu đọng. Một ngón tay chàng chạm phải vết thương ở thịt, cảm thấy như đặt một hòn than hồng vào đấy. Chàng nghiến răng một tiếng dài, nằm ngửa ra. Những cái lá cây trên đầu chàng cháy vàng vì sương muối đầu mùa kêu lách cách như tiếng thuỷ tinh. Đường viền của những cành cây đen sì hiện lên rành rọt trên nền trời xanh thẳm, lấp lánh những vì sao. Grigori mở mắt trừng trừng, nhìn không chớp. Chàng có cảm tưởng như đó không phải là những ngôi sao, mà là những trái cây rất lạ rất mọng, lủng lẳng xanh xanh vàng vàng ở những cuống lá.
Sau khi nhớ lại những điều xảy ra với mình, chàng cảm thấy rằng thể nào mình cũng sắp hoảng lên bèn nghiến răng lổm ngổm bò đi.
Vết thương hành hạ chàng một cách quái ác, có lúc vật ngửa chàng ra… Grigori có cảm tưởng như mình đã bò một thời gian dài ghê gớm, bèn bắt buộc mình ngoái nhìn lại, thì thấy cái cây nơi chàng lăn ra bất tỉnh chỉ cách đó chừng năm chục bước. Có lần chàng bò qua một cái thây người chết, phải chống khuỷu tay lên cái bụng hõm sâu rất cứng của cái xác. Vì mất nhiều máu nên trong miệng cứ lợm lợm buồn nôn. Chàng khóc như con nít, phải cắn những sợi cỏ đẫm sương mai nhạt thếch để khỏi mê đi. Bò đến một hòm đạn lật sấp thì Grigori đứng dậy được. Chàng lảo đảo đứng giờ lâu rồi bước đi.
Chàng thấy mình đã có thêm sức lực, chân bước rắn rỏi hơn và đã có thể đoán được đâu là hướng đông: chòm sao Đại hùng dẫn đường cho chàng.
Grigori ra đến lề rừng thì có một tiếng quát trầm trầm làm chàng phải đứng lại:
- Không được tới gần, không tôi bắn!
Rồi có tiếng cối súng ngắn lách cách. Grigori đưa mắt nhìn về phía tiếng động: một người nửa nằm nửa ngồi dưới một gốc thông.
- Anh là ai? - Grigori vừa hỏi vừa lắng nghe tiếng của chính mình và có cảm tưởng như tiếng một người lạ.
- Người Nga à? Lạy Chúa tôi! Lại đây! - Người nằm dưới gốc thông bò ra mặt đất.
Grigori bước tới gần.
- Cúi xuống.
- Tôi không cúi được.
- Sao vậy?
- Tôi mà ngã lần nầy thì không còn đứng dậy được nữa, tôi bị chém vào đầu.
- Mày ở đơn vị nào?
- Trung đoàn sông Đông số mười hai.
- Giúp ta nào, anh chàng Cô-dắc…
- Bẩm quan lớn, tôi sẽ ngã mất. Grigori đã nhìn rõ những cái lon trên vai áo ca-pôt viên sĩ quan.
- Đưa tay cho ta vậy.
Grigori giúp viên sĩ quan đứng dậy. Hai người bắt đầu đi. Nhưng mỗi bước viên sĩ quan bị thương một trĩu nặng trên tay Grigori.
Trong khi cố leo lên khỏi một khoảng đất trũng, viên sĩ quan nắm chặt lấy tay áo va-rơi của Grigori, lập cập đập hai hàm răng vào nhau nói:
- Bỏ ta lại đây thôi, anh chàng Cô-dắc ạ… Ta bị thương… xuyên thủng bụng.
Dưới cái kính kẹp mũi, ánh mắt viên sĩ quan nom mờ đi, miếng hắn há hốc, hơi thở khò khè. Viên sĩ quan ngất đi. Grigori xốc hắn đi, ngã xuống, nhỏm dậy rồi lại ngã lăn ra. Chàng đã bỏ lại gánh nặng của chàng hai lần, nhưng cả hai lần chàng đều quay lại lôi hắn dậy, và lại bước lảo đảo như trong giấc mơ.
Đến mười một giờ trưa thì một đội liên lạc lượm được hai người và đưa về trạm băng bó.
Cách một ngày sau, Grigori trốn luôn khỏi trạm băng bó. Trên đường đi, chàng giật phắt cái băng buộc đầu, vừa đi vừa vung vẩy đoạn băng đầy những vết đỏ lòm.
- Mày ở đâu mò ra thế? - Viên đại đội trưởng rất đỗi ngạc nhiên.
- Bẩm quan lớn, tôi trở về đơn vị đây.
Ở chỗ viên trung uý ra, Grigori gặp tên hạ sĩ của trung đội.
- Con ngựa của tôi… Con Hạt Dẻ đâu rồi?
Vẫn còn nguyên vẹn đấy, người anh em ạ. Bọn mình vừa tống tiễn bọn Áo đi là vớ được cu cậu ở ngay chỗ đó. Còn cậu thì sao lại thế nầy? Bọn mình đã làm lễ tiễn cậu lên thiên đàng rồi đấy.
- Các cậu vội quá đấy - Grigori cười nhạt.
TỜ SAO MỆNH LỆNH
"Vì có công cứu được tính mạng của trung tá Gustav Grotek, trung đoàn trưởng trung đoàn long kỵ binh số 9, binh sĩ Cô-dắc Grigori Melekhov thuộc trung đoàn Cô-dắc sông Đông số 12 được đề bạt hạ sĩ và được đề nghị tặng thưởng Huân clương chữ thập thánh Gióoc hạng bốn".
***
Đại đội đóng ở thành phố Kamenka-Strumilovo đã được hai ngày đêm, sửa soạn đến đêm thì lên đường. Grigori tìm được chỗ ở của anh em Cô-dắc trong trung đội, bèn tới thăm con ngựa của chàng. Trong cái túi yên thấy thiếu một bộ đồ lót và một chiếc khăn mặt.
- Grigori ạ, chúng nó đã lấy cắp ngay trước mắt mình, - Miska Kosevoi nói như nhận tội vì con ngựa đã được trao cho anh chàng coi - Có một bọn bộ binh được đưa đến ở nhà nầy, đông vô kể, chúng nó lấy cắp đấy.
- Quỷ tha ma bắt chúng nó đi, cho chúng nó dùng. Nhưng mình đang cần có cái gì quấn đầu đây, băng ướt đẫm cả rồi.
- Cậu lấy cái khăn mặt của mình vậy.
Hai người đang nói chuyện với nhau trong nhà kho thì "Tóc trái đào" bước vào. Gã chìa tay bắt tay Grigori, tựa như giữa hai người chẳng có chuyện gì xảy ra.
- À Griska! Cậu còn sống cơ à, cừ thật!
- Còn sống một nửa thôi.
- Trán cậu có máu đấy, chùi đi.
- Mình sẽ lau, còn kịp chán.
- Để mình xem chúng nó chữa cho cậu như thế nào.
"Tóc trái đào" vít mạnh đầu Grigori xuống, mũi hít hít.
- Sao lại để chúng nó cạo đi một mảng tóc như thế nầy? Nom còn ra cái thể thống gì nữa! Bọn bác sĩ chúng nó xỏ cậu đấy, để mình chữa cho.
Rồi chẳng cần hỏi Grigori có đồng ý hay không, gã lấy luôn trong băng đạn ra một viên, tháo đầu đạn ra rồi dốc chỗ thuốc đen đen lên lòng bàn tay.
- Miska, kiếm ít mạng nhện lại đây.
Miska dùng mũi lưỡi gươm với trên dầm nhà xuống một nắm mạng nhện lờm xờm như bông, đưa cho "Tóc trái đào". "Tóc trái đào, dùng ngay lưỡi gươm ấy đào lấy một miếng đất nhỏ, trộn miếng đất với mạng nhện và thuốc đạn, bỏ vào miệng nhai rất lâu. Rồi gã lấy miếng thuốc đặc sệt ấy bôi lên vết thương còn chảy máu trên đầu Grigori. Gã mỉm cười:
- Sau ba ngày ba đêm thì bóc ra. Cậu thấy không, mình chăm nom cho cậu như thế mà cậu lại định cho mình ăn kẹo đạn.
- Chăm nom thì cám ơn, nhưng nếu giết được cậu thì trong lòng mình đỡ mang nặng một tội.
- Cậu là một thằng đến là đơn giản.
- Mình vốn như thế đấy. Trên đầu mình như thế nào?
- Nhát gươm dài đến một phần tư ác-sin ấy. Để lại cho cậu một kỷ niệm.
- Mình sẽ không quên đâu.
- Mà dù muốn quên, cậu cũng sẽ không quên được. Bọn Áo chúng nó không mài gươm nên mới chém cho cậu một nhát gươm cùn. Bây giờ thì cậu sẽ mang suốt đời một cái sẹo to tướng.
- May cho cậu đấy, Grigori ạ, nhát gươm chém trượt, nếu không cậu đã bị chôn xác nơi đồng đất nước người, - Miska mỉm cười.
- Mình làm gì với cái mũ cát-két bây giờ nhỉ?
Grigori ngơ ngác quay quay trong tay chiếc mũ cát-két, đỉnh mũ bị chém rách, bê bết máu.
- Quẳng mẹ nó đi, những con chó sẽ nhá ngay cho mà xem.
- Các cậu ơi, họ mang cái ăn về rồi đấy, ra lấy đi, - Ngoài cửa căn nhà có tiếng gọi.
Bọn lính Cô-dắc ra khỏi nhà kho. Con Hạt Dẻ lẽo đẽo theo sau Grigori, nó đưa cặp mắt lồi lồi liếc nhìn chủ rồi hí lên một tiếng.
- Nó nhớ cậu đấy, Griska ạ, - Miska hất đầu về phía con ngựa. - Mình cũng lấy làm lạ, nó không chịu ăn mà lại chỉ khẽ hí lên như thế thôi.
- Lúc mình ở chỗ ấy bò về, cứ gọi nó mãi, - Grigori quay mặt ra chỗ khác, nói trầm trầm, - Mình biết rằng nó sẽ không bỏ mình, mà người khác bắt nó cũng khó, nó không chịu đầu hàng người lạ đâu?
- Đúng đấy, bọn mình phải chật vật mãi mới bắt được nó. Phải ném vòng thòng lọng.
- Con ngựa tốt lắm, của ông anh mình, của Petro đấy, - Grigori quay mặt đi, không muốn để cho bạn thấy vẻ cảm động trong cặp mắt mình.
Hai người đi vào trong nhà. Ở phòng ngoài, Egor Zarkov đang ngáy khò khò trên tấm đệm lò xo kéo trên giường xuống trải dưới đất. Cảnh nhà cửa lộn xộn không rời nào tả được cho biết rằng chủ nhà đã vội vã bỏ nhà ra đi. Những mảnh bát đĩa vỡ, giấy rách, sách vở ngổn ngang, những miếng nỉ lênh láng mật ong, những đồ chơi, giày dép cũ, bột mì vãi tung tóe, tất cả đều bị ném bừa dưới đất thành một cảnh hỗn độn kinh người, nói lên cả một sự tan vỡ.
Grosov Emelian và Prokho Zykov dọn quang một chỗ rồi ngồi luôn xuống đấy ăn bữa trưa. Zykov nhìn thấy Grigori bèn trợn tròn cặp mắt dịu dàng như mắt bò non.
- Gri-i-sca? Cậu ở đâu mò ra thế?
- Từ thế giới bên kia trở về.
- Có chạy mau đi lấy xúp cho nó ăn không? Làm gì mà mắt cứ trợn lên đến trán thế hử? - "Tóc trái đào" quát lên.
- Mình đi ngay đây. Nhà bếp ở ngay đây, ngay trong ngõ.
Prokho cắn một miếng bánh rồi chạy ra sân.
Grigori mệt mỏi ngồi vào chỗ Zykov vừa đứng lên.
- Mình cũng chẳng nhớ lần trước ăn vào lúc nào nữa, - Chàng mỉm cười như nhận lỗi.
Những phân đội của quân đoàn ba đang tiến qua thành phố. Những dãy phố chật hẹp đầy ních lính bộ binh. Cơ man nào xe vận tải và đơn vị kỵ binh chen chúc nhau. Các ngã tư đều tắc đường, người và ngựa xe cứ xoay tròn. Tiếng hành quân ầm ầm vọng vào qua cánh cửa đóng. Chẳng mấy chốc đã thấy Prokho trở về với một ga-men xúp và một gầu vải cháo kiều mạch.
- Cháo đổ vào đâu bây giờ?
- Lấy cái xoong có quai kia kìa, - Grosov lấy trên cửa sổ xuống một cái bô dùng ban đêm vì ắn không biết nó dùng làm gì.
- Cái xoong của cậu khắm quá. - Prokho nhăn mặt.
- Không sao đâu. Cậu cứ dốc cái gầu vải xuống, bọn mình sẽ chia nhau hết ngay thôi.
Prokho dốc cái gầu vải, cháo đặc sệt thơm phức bốc hơi ngùn ngụt, mỡ ở viền chung quanh nổi lên như một cái vòng hổ phách.
Mọi người vừa ăn vừa chuyện trò. Prokho lấy nước bọt cọ cọ một vết mỡ trên cái nẹp quần đã bạc mầu của hắn và kể chuyện:
- Ngay bên sân nhà chúng ta có một đại đội sư đoàn sơn pháo ngựa kéo. Chúng nó đang cho ngựa ăn đấy. Thằng thượng sĩ kỵ binh bên ấy đọc báo thấy viết rằng đồng minh đã đánh tan quân Đức.
- Melekhov ạ, cậu về muộn quá, sáng nay chúng mình được khen đấy! - "Tóc trái đào" nói lúng búng, miệng gã đang đầy cháo.
- Ai khen?
- Sư đoàn trưởng trung tướng Phôn Divid đã duyệt binh chúng mình và khen chúng mình đã đánh bại bọn kỵ binh nhẹ Hungary và cứu được một đại đội pháo của quân mình. Vì thiếu chút nữa thì chúng nó lôi được những khẩu pháo đi. Trung tướng nói: "Anh em Cô-dắc dũng cảm, Đức vua và Tổ quốc sẽ không quên công của anh em".
- Thế ư?
Ngoài phố có một tiếng súng nổ khô khan, lại một tiếng nữa, rồi súng máy nổ rền một hồi.
- Ra ngoài cả! - Ngoài cửa có tiếng la to.
Anh em Cô-dắc ném thìa xuống, nhảy ra sân. Trên đầu họ, một chiếc máy bay đang nhẹ nhàng lượn tròn rất thấp. Động cơ của nó nổ ầm ầm đầy vẻ hăm doạ.
- Nằm ngay xuống chân hàng rào! Chúng nó bắt đầu ném bom ngay bây giờ đấy! Có biết một đại đội pháo đang đóng bên cạnh không? - "Tóc trái đào" kêu to.
- Gọi Egor dậy? Nó sẽ bị bắn chết trên đệm cho mà xem?
- Đưa mình khẩu súng trường!
"Tóc trái đào" nhìn rất cẩn thận, đứng ngay trên thềm nổ súng.
Lính bộ binh chạy ngoài phố, không hiều họ khom lưng xuống làm gì. Trong sân nhà bên có tiếng ngựa hí và tiếng hô giật giọng. Grigori nã hết một kẹp đạn rồi đưa mắt nhìn qua hàng rào: bọn pháo thủ bên ấy đang rối rít đẩy một khẩu pháo xuống dưới hiên nhà kho.
Trời xanh loá như có gai châm, Grigori nheo mắt theo dõi con chim vừa kêu ầm trời vừa là xuống thấp. Giữa lúc đó từ con chim có một cái gì bật ra, nhấp nhoáng trong một dé nắng. Một tiếng nổ ghê gớm làm căn nhà nhỏ rung chuyển, những gã Cô-dắc dang nằm áp sát vào cạnh thềm nảy cả lên. Trong sân nhà bên, một con ngựa sắp chết rống lên. Mùi diêm sinh nồng nặc trong đám cháy xông ra qua dãy hàng rào.
- Tìm chỗ mà nấp đi! - "Tóc trái đào" kêu lên và chạy trên thềm xuống.
Grigori nhảy ra theo, lăn ngay xuống chân hàng rào. Một bộ phận bằng nhôm trên cánh chiếc máy bay lấp loáng. Chiếc máy bay nhẹ nhàng ngoặt đuôi lượn vòng. Súng ngoài phố bắn liên hồi, tiếng nổ lúc thì rền từng loạt, lúc thì vang lên loạn xạ. Grigori vừa ấn được một kẹp đạn mới vào súng thì một tiếng nổ còn dội mạnh hơn lúc nãy đã hất chàng văng ra cách hàng rào đến một xa-gien. Một tảng đất đập vào đầu Grigori, nặng quá đè bẹp chàng xuống, đất phủ cả lên mắt chàng.
"Tóc trái đào" chạy lại vực Grigori dậy. Mắt bên trái đau nhói làm Grigori không nhìn thấy gì cả. Chàng gắng gượng mãi mới mở được mắt bên phải ra thì thấy nửa ngôi nhà đổ sụp. Gạch đổ xuống thành một đống nháo nhào đỏ lòm, một làn bụi hồng hồng bốc lên mù mịt trên đống gạch. Egor Zarkov bò ra bằng hai tay từ trong khoảng thềm nhà bị phá nham nhở. Cả khuôn mặt gã chỉ còn là hiện thân của một tiếng kêu. Hai dòng nước mắt đỏ ngầu những máu tuôn ra từ hai con mắt lồi hẳn ra ngoài, chảy ròng ròng xuống má. Egor rụt đầu vừa bò vừa kêu rống lên, cặp môi đen sịt như môi người chết gần như không mở ra:
- A-i-i-i-i! A-i-i-i-i! A-i-i-i-i!
Phía sau Egor lệt sệt một bên chân bị cắt rời từ đùi trở xuống nằm ngang trên ống quần cháy xém, chỉ còn một mảng da mỏng nối liền vào thân. Chân bên kia không còn nữa. Egor từ từ đổi tay, bò ra ngoài. Tiếng kêu the thé, thít đi như tiếng con nít vẫn không ngớt. Rồi Egor bặt tiếng kêu, nằm lăn kềnh sang bên, mặt áp xuống khoảng đất thô bạo, ẩm ướt, nhơ nhớp phân ngựa, gạch vụn ngổn ngang. Không một ai bước tới gần gã.
- Khiêng cậu ấy đi chứ! - Grigori kêu lên, tay vẫn úp trên mắt bên trái.
Một nhóm bộ binh chạy vào trong sâm. Chiếc xe hai bánh của bọn lính điện thoại đến đỗ ngay bên cổng.
- Đi đi đỗ lại làm gì hử? - Một tên sĩ quan cười ngựa qua chỗ bọn lính điện thoại quát chúng. - Bọn súc sinh nầy, quân khốn kiếp.
Một ông già mặc chiếc áo ngoài đuôi tôm màu đen và hai người đàn bà bước tới không biết từ chỗ nào. Đám người đứng vây quanh Egor. Grigori len vào trong, thấy Egor còn thở, đang khóc nức nở, người run lên bần bật. Những giọt mồ hôi rất to đổ ra trên vừng trán đã vàng như trán người chết.
- Khiêng đi chứ! Các cậu sao vậy… là người hay là quỉ hử?
- Cậu làm gì mà cắn ngậu lên thế? - Một gã bộ binh cao lớn hằm hằm nói trả. - Khiêng đi, khiêng đi, thế khiêng đi đâu bây giờ? Cậu có thấy không, chết đến nơi rồi còn gì?
- Đứt mất cả hai chân.
- Máu chảy ra ghê không?
- Thế cứu thương đâu?
- Ở đây thì làm gì có cứu thương…
- Nhưng cậu ấy vẫn còn tỉnh cơ mà.
"Tóc trái đào" đứng sau lưng Grigori đặt tay lên vai chàng.
Grigori quay lại.
- Thôi đừng động đến làm cậu ấy khổ thêm, - "Tóc trái đào" khẽ nói, - cậu sang bên nầy mà xem.
Gã xô đẩy những người đứng bên cạnh, đi sang phía bên kia, những ngón tay vẫn không rời tay áo va-rơi của Grigori. Grigori nhìn thêm lần nữa rồi gù gù cái lưng, bước vào trong cổng. Phía dưới bụng Egor, một đám ruột xổ ra hồng hồng xanh xanh, hơi bốc ngùn ngụt. Một đầu đám ruột nằm ngay trên cát và phân ngựa, cứ ngọ nguậy, mỗi lúc một trương to lên. Một tay của người hấp hối đặt nghiêng, như chèo thuyền…
- Lấy cái gì phủ lên cho cậu ấy, - Một người góp ý.
Bỗng nhiên Egor chống hai tay nhổm lên, đầu ngửa hẳn ra sau, gáy đập vào chỗ hõm giữa hai cái xương bả vai, rồi gã gào lên giọng khàn đặc, không còn ra tiếng người nữa.
- Anh em ơi, giúp hộ tôi chết đi! Anh em ơi! Anh em ơi! Sao cứ đứng nhìn thế na-a-ày! A-ha-ha-a-a-a-a! Anh em ơi… giúp mình chết đi!
Chương 65
PHẦN 3
Toa xe nhẹ nhàng đung đưa, bánh xe lạch xạch như ru ngủ. Ngọn đèn chiếu một khoảng ánh sáng vàng vàng tới nửa chiếc ghế dài.
Thật là thống khoái khi được nằm thẳng thoải mái, hai chân được tháo ủng, hoàn toàn tự do sau hai tuần liên tiếp bị hấp hơi trong ủng, không cảm thấy rằng trên vai mình còn có nhiệm vụ gì nữa, đồng thời biết rằng tính mạng mình không bị một điều gì nguy hiểm đe doạ, và cái chết đang ở rất xa. Điều đặc biệt thú vị là lắng nghe tiếng bánh xe lạch xạch chẳng ăn khớp nhau chút nào, vì sau mỗi lần bánh xe quay một vòng, sau mỗi lần đầu máy giật một cái, mặt trận lại xa thêm một chút. Và Grigori nằm yên lắng nghe, mười ngón chân không giày không ủng tha hồ ngọ nguậy, khắp người nhẹ nhàng sung sướng trong bộ đồ lót sạch, mới thay hôm nay. Chàng có cảm giác như mình vừa được lột được xác bẩn thỉu, bắt đầu bước vào một cuộc sống khác hẳn, sạch sẽ, không bị vấy bẩn.
Niềm vui lặng lẽ, thanh thản đó chỉ bị đứt quãng những lúc con mắt bên trái đau nhói. Cái đau khi thì lắng đi, khi thì bất thình lình quay trở lại, làm con mắt như bị lửa đốt, nước mắt bất giác chảy ra dưới lớp băng. Ở nhà thương Kamenka-Strumilovo có một bác sĩ Do Thái còn trẻ khám mắt cho Grigori, rồi viết không biết những gì trên một mẩu giấy.
- Phải đưa anh về hậu phương mới được. Con mắt có chuyện khá phiền đấy.
- Tôi có chột mất mắt không?
- Sao vậy, cái anh nầy, - Người bác sĩ nhận thấy vẻ kinh hoàng không giấu giếm trong giọng nói, bèn dịu dàng mỉm cười, - anh cần được chữa chạy, có lẽ sẽ phải mổ. Chúng tôi sẽ chuyển anh về thật xa trong hậu phương, về Petrograd hay Moskva chẳng hạn.
- Rất cám ơn bác sĩ.
- Anh đừng lo, con mắt sẽ còn giữ được. - Người bác sĩ vỗ vai Grigori, dúi mẩu giấy vào tay chàng, rồi khẽ đẩy chàng ra hành lang. Sau đó anh ta xắn tay áo, sửa soạn vào mổ.
Sau rất nhiều chuyện phiền phức khổ sở, Grigori mới lên được đoàn xe lửa quân y. Chàng nằm một ngày một đêm, tận hưởng cái thú được yên tĩnh. Chiếc đầu máy cổ lỗ và nhỏ bé đem hết sức lực còn lại kéo đoàn tầu gồm rất nhiều toa. Đã gần tới Moskva.
Đoàn tàu tới nơi ban đêm. Những người bị thương nặng được cáng. Những ai có thể đi được không cần người đỡ tự ra đầu toa xe sau khi đã đăng ký. Viên bác sĩ đi cùng đoàn tàu dựa theo danh sách gọi tên Grigori rồi chỉ vào chàng và nói với một người nữ y tá:
- Nhà thương chữa mắt của bác sĩ Suegirov? Ngõ Konpatnyi.
- Anh có mang theo hành lý đấy chứ? - Người nữ y tá hỏi.
- Một anh chàng Cô-dắc thì làm gì có hành lý? Độc chiếc túi-dết và cái ca-pôt nầy thôi.
- Ta đi đi.
Người nữ y tá vừa bước đi vừa nhét lại món tóc dưới cái mũ bịt đầu, cái áo dài kêu loạt soạt. Grigori chập chững bước theo. Hai người đi xe ngựa. Những tiếng động trong một đô thị lớn dã ngủ thiếp, tiếng chuông xe điện, ánh đèn điện lấp lánh xanh xanh tất cả tác động tới Grigori như đè nén chàng. Chàng ngả lưng ra chiếc ghế của chiếc xe ngựa nhẹ bốn bánh, chăm chú nhìn những dãy phố đêm rồi mà còn đông nghịt. Hơi ấm ngây ngất của một cơ thể đàn bà ở ngay bên cạnh gây cho chàng một cảm xúc rất lạ. Moskva đã nặc hơi thu: lá những cái cây hai bên các đường cây dưới ánh những ngọn đèn phản chiếu một màu vàng nhợt. Trời đêm lành lạnh. Các tấm đá lát hè phố nhấp nhoáng ánh nước. Các ngôi sao trên đường chân trời sáng sủa toả ra thứ ánh sáng lạnh lẽo của sao mùa thu.
Chiếc xe ngựa chạy từ trung tâm thành phố tới một cái ngõ vắng tanh. Vó ngựa đập lộp cộp trên đá trải đường, người đánh xe mặc chiếc áo xanh tương tự như kiểu áo nỉ của các cha cố, ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế đánh xe, vung những đầu dây cương đánh con ngựa gầy yếu. Ở ngoại ô không biết chỗ nào có tiếng đầu máy xe lửa rúc còi. "Có lẽ bây giờ có đoàn tàu nào chạy về vùng sông Đông chăng?" - Grigori rũ đầu xuống trong nỗi buồn nhớ nhoi nhói nhự những mũi kim châm.
- Anh ngủ gật đấy à? - Người nữ y tá hỏi.
- Không.
- Chúng ta sắp đến nơi rồi.
- Các vị muốn gì ạ? - Người đánh xe quay lại hỏi.
- Bác cứ cho xe chạy đi.
Sau một dãy hàng rào dài bằng sắt, nước trong một cái ao nhấp nhoáng như dầu, thấp thoáng cái bến nhỏ có lan can với con thuyền buộc ở bến. Hơi ẩm thoảng bốc tới.
"Cả đến nước cũng bị người ta giam hãm sau hàng rào sắt, chẳng bù với sông Đông…"- Grigori có một ý nghĩ mung lung. Lá cây lạo sạo dưới những bánh cao su của chiếc xe ngựa.
Chiếc xe đỗ lại trước một ngôi nhà ba tầng. Grigori sửa lại áo ca-pôt nhảy xuống.
- Đỡ tôi cái - Người y tá khom lưng.
Grigori nắm lấy một bàn tay nhỏ nhắn mềm mại, đỡ người y tá xuống xe.
- Mồ hôi lính trên người anh xông lên khiếp quá, - Người y tá ăn vận khá đẹp khẽ cười rồi bước lên thềm, bấm chuông.
- Cô y tá ạ có lẽ cô nên ra ngoài ấy mà xem, rồi người lại không xông lên một mùi gì nữa ấy à, - Grigori nói hơi có vẻ bực bội.
Người gác ra mở cửa. Hai người leo một cái thang lan can mạ vàng rất đẹp, lên tầng hai. Người nữ y tá lại bấm chuông lần nữa.
Một người đàn bà mặc áo choàng trắng mở cửa cho hai người vào.
Grigori ngồi xuống bên một chiếc bàn tròn nhỏ. Người nữ y tá nói không biết những gì với người đàn bà áo trắng. Người kia ghi ghi chép chép.
Ở cửa các phòng bệnh hai bên đãy hành lang vừa hẹp vừa dài, có những người đeo kính màu khác nhau ngó đầu nhìn ra.
- Anh cởi áo ca-pôt ra - Người đàn bà mặc áo choàng đề nghị.
Một người hộ lý nam, cũng mặc áo trắng, tiếp lấy cái áo ca-pôl trong tay Grigori rồi đưa chàng vào buồng tắm.
- Anh cởi hết quần áo ra.
- Cởi làm gì?
- Phải tắm mới được.
Trong khi Grigori vừa cởi quần áo vừa kinh ngạc nhìn căn phòng với những vuông kính mờ trên các cửa sổ, người hộ lý vặn nước chảy vào thùng tắm, đo nhiệt độ rồi mời chàng ngồi vào.
- Tôi không quen tắm thùng… - Grigori ngượng ngùng đưa một chân đen thui thủi, những lông cùng lá, vào trong thùng tắm.
Người hộ lý giúp chàng tắm rửa cẩn thận, rồi đưa cho chàng vải trải giường, đồ lót, dép đi đêm và một cái áo dài mặc trong nhà màu xám có dây lưng.
- Còn quần áo của tôi? - Grigori ngạc nhiên.
- Anh sẽ mặc các thứ nầy. Quần áo của anh sẽ trả lại cho anh khi nào anh được ra viện.
Ra tới phòng ngoài, Grigori đi qua một cái gương lớn mắc trên tường. Chàng không nhận được ra mình nữa: cao lớn, mặt đen xạm, hai gò má gồ nhọn, má đỏ bừng bừng như màu gạch, áo ngủ có dây lưng, bộ tóc đen với cái mũ chụp lên trên, thật chỉ còn một chút hao hao như anh chàng Grigori xưa kia mà thôi. Ria chàng mọc rậm thêm, một bộ râu tơ loăn xoăn dưới cằm.
"Trong thời gian qua mình đã trẻ hẳn ra" - Grigori mỉm cười gượng gạo.
- Phòng số sáu, cửa thứ ba bên phải - Người hộ lý chỉ cho chàng.
Lúc Grigori bước vào căn phòng rộng quét vôi trắng, một người thầy tu mặc áo ngủ, đeo kính màu lam đứng dậy.
- Láng giềng mới à? Rất sung sướng, thế là đỡ buồn rồi. Tôi từ Daraisk đến đấy, người ấy nói giọng xởi lởi và đẩy cho Grigori chiếc ghế dựa.
Vài phút sau, một người nữ y sĩ có bộ mặt to bè bè khó coi bước vào phòng.
- Melekhov, mời anh ra để chúng tôi khám con mắt của anh. - Người ấy nói bằng một giọng trầm phát ra từ trong ức, rồi lánh sang bên cho Grigori bước ra hành lang.